You are on page 1of 4

Hàn Mặc Tử - một nhà thơ tài hoa mà bất hạnh, ông được ví như “ngôi sao chổi

xoẹt
qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”, là một trong những nhà thơ có
sức sáng tạo mãnh liệt, dù thời gian sống không lâu nhưng HMT đã để lại cho đời những vần
thơ đầy đủ màu sắc, vừa “điên loạn”, “đau thương” vừa thiết tha, trong sáng. “Đây thôn Vĩ
Dạ" là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ trong sáng, thiết tha ấy đã để lại trong lòng độc giả nhiều
bâng khuâng, trăn trở. Trích thơ

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa với những tác phẩm độc đáo, nửa hư nửa ảo khiến
người đọc không thể nào hiểu hết tâm tư của ông. Có lẽ do cuộc đời thăng trầm, bạc bẽo của
chính mình đã làm nhà thơ viết nên những dòng thơ đầy suy tư, cảm xúc. “Đây thôn Vĩ Dạ"
là một bài thơ nổi bật, minh chứng cho tác phẩm với dòng cảm xúc sâu lắng của HMT và
chất thơ hư ảo không rõ ràng. Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh cùng lời an
ủi, động viên của Hoàng Thị Kim Cúc dành cho Hàn Mặc Tử khi biết ông mắc căn bệnh nan
y. Tấm bưu ảnh đó đã khơi dậy tiếng lòng của thi sĩ, là tiếng gõ cửa để nỗi niềm khát khao
sống, và sự thiết tha được gắn bó với cuộc đời của Hàn Mặc Tử được thức dậy. Được in năm
1938 trong tập “Đau thương”, ĐTVD đã thể hiện tình yêu của Hàn Mặc Tử với cuộc sống,
với con người và đặc biệt là thôn Vĩ. Bài thơ với những vần thơ với nhiều cung bậc cảm xúc,
từ khao khát, ước mơ, buồn rầu rồi đến tuyệt vọng.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh thôn Vĩ lúc bình minh căng tràn sức sống và đầy thơ
mộng:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Bức tranh thôn Vĩ được gợi lên từ niềm xúc động bởi bức bưu ảnh. Chính xúc động đã làm
nhà thơ thốt lên câu hỏi mà không cần trả lời “Sao anh lại không về chơi thôn Vĩ?”. Câu thơ
nghe như một lời trách móc nhẹ nhàng của người con gái thôn Vĩ, trách người đi xa đã lâu
sao không trở về. Lời trách móc nhưng cũng thiết tha, chân tình bởi cụm từ “về chơi", câu hỏi
giờ đây như một lời mời gọi thiết tha, mời người về chơi thôn Vĩ yêu thương. Và đây cũng là
lời tự vấn, tự trách của người con trai đã lâu không về, thể hiện sự khao khát, ước muốn trở
về thôn Vĩ. Đây cũng là cái cớ khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ biết bao kỉ niệm đẹp về thôn
Vĩ và con người nơi đây. Chỉ một câu hỏi mở đầu đã bộc lộ nỗi nhớ chơi vơi và niềm xót xa
tiếc nuối của thi sĩ khi không còn cơ hội trở về thôn Vĩ, gieo vào lòng người đọc những
thương cảm sâu sắc.

Sau câu hỏi như mời gọi ấy là bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ vào buổi sáng bình minh, với
những ánh nắng đầu tiên của ngày chiếu lên hàng cau, cái nắng oi ả đặc trưng cho cái nắng
miền Trung. “Nắng hàng cau- Nắng mới lên" điệp từ “nắng” gợi tả một không gian tràn ngập
ánh nắng và những hàng cau cao vút đang vươn mình đón những tia nắng ấm đầu tiên. Cảnh
vật thật tươi sáng, xinh đẹp trong cái nắng tinh khôi, trong trẻo. Trong ánh nắng ban mai đó,
một khu vườn xanh mát hiện lên đầy lung linh “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc", đến nỗi
nhà thơ phải thốt lên từ “mướt” tả sự óng ả, mượt mà tràn đầy sức sống của cây lá trong vườn
cùng với từ cảm thán “quá” như một tiếng reo vui kinh ngạc trước vẻ đẹp thơ mộng, yên bình
của khu vườn. Những hạt sương đêm còn đọng lại trên cành hoa khẽ lá dưới ánh nắng ban
mai, chúng long lanh như những hòn ngọc của thiên nhiên đất trời, khu vườn giờ đây đã trở
thành một đảo ngọc xinh xắn. Cảnh thôn Vĩ hiện lên trong nỗi nhớ của nhà thơ thật gần gũi,
trong trẻo và tinh khôi.

Thấp thoáng sau cảnh vật là hình ảnh con người hiện lên thật kín đáo, duyên dáng và tình tứ.
Đó là con người thôn Vĩ với “Mặt chữ điền" là gương mặt hiền lành, phúc hậu và đó cũng
chính là phẩm chất của người thôn Vĩ. Gương mặt hiện lên thật tình tứ, duyên dáng, e ấp với
“Lá trúc che ngang", thiên nhiên và con người đang giao hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín
đáo, dịu dàng. Bức tranh thôn Vĩ hiện lên trong buổi bình minh nắng đẹp đơn sơ mà lộng lẫy,
con người và cảnh vật hòa vào nhau tạo nên một khung cảnh rất thơ, rất Huế. Đằng sau bức
tranh tươi đẹp ấy, người đọc cảm nhận được tấm lòng yêu đời, yêu người của nhà thơ có số
phận bất hạnh và ước muốn cháy bỏng muốn được trở về nơi có dáng hình của người con gái
trong lòng nhà thơ.

Từ buổi sáng tinh mơ, trong lành, khung cảnh được mở ra đến lúc đêm trăng hiu
quạnh:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Gió – mây là đôi bạn tâm giao trong vũ trụ, luôn cùng nhau bay lượn, hướng về một chân trời
mới, gió thổi may bay. Nhưng ở vần thơ của Hàn Mặc Tử “gió theo lối gió, mây đường mây”,
gió và mây chia đôi nẻo đường, là một sự chia lìa ngang trái, đi ngược với lẽ tự nhiên. Sự
mặc cảm chia lìa của một con người luôn sợ sẽ phải xa rời trần thế đã chia lìa cả những thứ
tưởng như không thể chia lìa. Dòng nước “buồn thiu" trôi chậm, lững lờ đến tĩnh lặng của
dòng sông Hương, nhưng với nỗi buồn của mình nhà thơ đã nhân hoá con sông thành một
sinh thể có tâm trạng để giải bày tâm tư của chính mình. Không chỉ dòng sông mà “Hoa bắp”
cũng chỉ “lay” nhẹ, chuyển động khẽ khàng, vô hồn. Cảnh vật thật tĩnh lặng, mang đậm nỗi
buồn, nỗi bi thương của lòng người. Thi nhân đã gieo buồn vào dòng sông, dòng sông cũng
chính là dòng cay đắng đang chảy trong lòng nhà thơ khiến thi sĩ miên man trong nỗi buồn
sâu tận. Không chỉ thế dòng sông Hương bây giờ đã rơi vào huyền ảo, dòng sông buồn như
được dát bạc bởi ánh trăng sáng chói, lộng lẫy. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó" Vầng trăng
sáng rực soi tỏ cả con thuyền, thuyền “chở” đầy trăng trên dòng nước tràn đầy ánh trăng trở
thành dòng “sông trăng”. Dòng sông trăng thật đẹp, thật lung linh, huyền ảo nhưng đó cũng
chỉ là một dòng sông tâm tưởng kết hợp với đại từ phiếm chỉ “ai" gợi lên sự ngỡ ngàng, bâng
khuâng trước khung cảnh thi vị, nửa thực nửa hư. Thuyền và bến là biểu tượng cho người con
trai và con gái trong hạnh phúc lứa đôi, vậy “thuyền chở trăng” là thuyền chở tình yêu đến
với bến bờ của hạnh phúc. Giữa cảnh sông nước hữu tình, bỗng một câu hỏi vang lên “Có
chở trăng về kịp tối nay?” nghe sao thật da diết, khắc khoải. Câu hỏi tu từ và từ “kịp” gợi ra
sự chờ đợi mòn mỏi từng giờ từng khắc xen lẫn lo âu, phấp phỏng. Con người như đang chạy
đua với thời gian, nếu trăng không về “kịp” thì con người bị số phận bỏ rơi ấy sẽ hoàn toàn
tuyệt vọng, đau thương. Đối mặt với lương tâm đang gợn sóng, Hàn Mặc Tử tìm đến trăng,
xem trăng là tri âm tri kỷ, là người bạn duy nhất giúp ông thoát khỏi cô đơn. Nỗi niềm khắc
khoải chờ đợi trăng ấy đã bộc lộ khát khao giao cảm với đời, với người của thi nhân và dự
cảm về một hạnh phúc chia xa.

Sau bức tranh thôn Vĩ lúc đêm trăng với đầy những nỗi niềm khắc khoải là dòng tâm
trạng của tác giả:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Mong ước được tương phùng của tác giả đã ngày càng rõ hơn, ông “mơ" về một vị “khách
đường xa” đến nơi ông đang sống để thăm ông sau bao ngày xa cách. Hay chính ông là vị
“khách đường xa" được trở về thôn Vĩ thân thương. Lại là một câu nói không rõ ràng, không
xác định với cụm từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần đã tô đậm thêm sự xa xôi và trở
nên hư ảo. Khoảng cách ở đây không chỉ là sự xa xôi, cách trở về địa lý, với hoàn cảnh của
Hàn Mặc Tử lúc bấy giờ, hoàn cảnh của một con người đang đứng giữa ranh giới của sự sống
và cái chết đó còn là khoảng cách giữa hai thế giới hoàn toàn khác nhau- âm dương cách biệt.
Trong lúc nội tâm đang dằn xé, hình ảnh thiếu nữ thôn Vĩ hiện ra rõ hơn trong màu “trắng”
tinh khiết của “áo em” nhưng sắc trắng ấy cũng làm nhà thơ “nhìn không ra”. Màu áo trắng là
màu áo tâm tưởng, tràn đầy kỷ niệm xa xăm, nhạt nhoà làm thi nhân như đang sống trong ảo
giác của kỉ niệm. Bỗng bừng tỉnh, tác giả quay trở lại với thực tại của mình: “Ở đây sương
khói mờ nhân ảnh”. Nhà thơ đã nhận thức được nơi ông đang sống đây chẳng có gì, mọi thứ
chỉ tồn tại trong cõi lòng ông và đó chỉ là “sương khói mờ nhân ảnh”. Những hình ảnh đẹp đã
tan biến, giờ chỉ còn lại tác giả cô đơn trong sự u ám, lạnh lẽo. Hay chính “nhân ảnh” đang
mờ dần đó chính là tác giả, ông như đang cảm thấy mình đang dần tan biến khỏi cuộc đời này
và sắp bước sang cõi vĩnh hằng. Qua đó, ta cảm nhận được sự mặc cảm của ông, mặc cảm về
bệnh tật của mình và cả mặc cảm chia lìa, nỗi đau này đã trở thành sự ám ảnh, ăn sâu vào
lòng Hàn Mặc Tử khiến ông ngày ngày sống trong đau khổ và lo sợ. Chính sự cô đơn lạnh
lẽo đó, tác giả đã thốt lên một câu vừa trả lời, vừa hỏi, chất vấn, thể hiện sự nghi ngờ “Ai biết
tình ai có đậm đà?”. Câu hỏi kết hợp với phép điệp đại từ phiếm chỉ “ai" chứa đầy sự hoài
nghi nhưng ẩn sâu là hy vọng giấu kín, thể hiện tấm lòng tha thiết với cuộc sống nhưng cũng
đầy mặc cảm của nhà thơ. Cuối cùng, thứ ông trăn trở không phải là sự sống của chính mình
mà chính là sự trăn trở, hoài nghi về tình cảm của thế nhân dành cho mình và tình cảm của
mình dành cho thế nhân. Nếu Hàn Mặc Tử là “ai", là người đang không biết liệu tình cảm của
người thôn Vĩ có” đậm đà", đó là một câu hỏi chứa đầy sự hoài nghi về tình cảm con người,
HMT đang không biết liệu tình cảm của mình dành cho người nhiều hơn hay người dành cho
mình nhiều hơn, và liệu tình cảm người dành mình là tình thương hay chỉ là sự thương hại.
Mong ước về tình cảm, một ước muốn rất đỗi bình thường, nhân bản nhưng với HMT sao lại
khó khăn đến thế! Gần cuối đoạn đường đời thứ ông mong mỏi chỉ là sự thấu hiểu, tình yêu
thương giữa người với người. Sự trông chờ, hy vọng trong vô vọng của HMT khiến cho
người đọc thêm cảm thương cho chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh.

Bằng ngòi bút tài hoa, sự kết hợp hài hòa những biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa,
thủ pháp lấy động tả tĩnh và những hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo, Hàn
Mặc Tử đã dẫn người đọc trở về với thôn Vĩ thơ mộng, hữu tình. Đồng thời, tác phẩm đã thể
hiện lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt với đầy đủ cảm xúc từ vui vẻ, buồn rầu rồi đến tuyệt
vọng, đau đớn.

“Đây thôn Vĩ Dạ" là những xúc cảm của Hàn Mặc Tử khi nhớ về thôn Vĩ thân
thương, nhớ thiên nhiên và nhớ cả con người nơi đó, nơi đã tạo nên những kỉ niệm đẹp đi
cùng ông đến hết đoạn đường đời. Chính vì vậy, khi nhớ đến thôn Vĩ trong lòng tác giả dâng
lên cảm xúc dạt dào, ẩn sâu trong đó là tình yêu đời, yêu cuộc sống và khao khát được về lại
thôn Vĩ, được gặp lại con người nơi đây. Qua đó, người đọc không chỉ thấy thương xót cho
HMT mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của thôn Vĩ, khao khát được đến đây tận mắt ngắm nhìn
cảnh vật hữu tình. Ta thấy mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng của nơi đó, ta phải biết trân trọng, yêu
thương cảnh sắc quê hương mình.

thực - nửa thực nửa ảo - ảo

You might also like