You are on page 1of 4

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ Mới ở Việt
Nam. Thơ Hàn Mặc tử mang một “diện mạo” độc đáo, cá tính và cũng đầy bí ẩn. Bên
cạnh những vần thơ chất chứa nhiều tâm sự cùng hình tượng máu - trăng ám ảnh,
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong rất ít bài thơ có hình ảnh, cảm xúc tươi sáng, trong trẻo
với tình yêu của người thi sĩ dành cho thôn Vĩ và người con gái xứ Huế. Bài thơ được
ra đời trong những ngày tháng thi nhân lâm vào cơn bạo bệnh, thần Chết chực chờ
cướp đi mạng sống người thi sĩ tài hoa

Trong Đây thôn Vĩ Dạ, ta cảm nhận được cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thấy được tình
người thắm thiết nhưng cũng man mác nỗi buồn thương, nhớ tiếc của thi nhân. Cảnh
và tình như hòa quyện trong cõi thực, cõi mộng.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?


Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu thơ mở đầu của nhân vật trữ tình “Sao anh không về chơi thôn Vĩ đượm lời trách
móc nhẹ nhàng. Lời hỏi tha thiết cất lên chứa chan cả một niềm mong cầu được gặp
người nơi xứ Huế. Để cùng tận hưởng vẻ đẹp của thôn Vĩ- vùng ngoại ô xinh xắn, ấm
áp tình người, tình quê. Nếu câu thơ đầu vừa như lời mời gọi, vừa như lời trách móc
đầy yêu thương thì những câu thơ tiếp theo mở ra một không gian thôn Vĩ đầy xanh
tươi, trong trẻo, khoáng đạt. Bắt gặp đầu tiên là hình ảnh “nắng hàng cau”, động từ
“nhìn” được đặt đầu câu càng tô đậm sức cuốn hút của ánh nắng buổi bình minh. Đó là
một màu nắng trong trẻo, tinh khôi của những tia nắng đầu tiên vươn mình lên hàng
cau xinh đẹp trong vườn nhà. Ánh nắng long lanh, hòa trong những hạt sương đêm còn
đọng trên mình lá càng tô thêm vẻ kiều diễm, kiêu hãnh của hàng cau trong vườn. Câu
thơ gợi tả một sắc nắng rất riêng, tuy quen thuộc nhưng lại vô cùng độc đáo. Nắng
thiên nhiên tưới tắm lên vườn nhà, cỏ cây được thưởng thức nắng mới lại càng sinh
sôi, căng tràn nhựa sống.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”


Hòa trong màu nắng vàng của buổi bình mình là sắc xanh ngọc của cây cỏ vườn nhà.
Câu thơ cất lên chứa đựng cả sự ngạc nhiên đến thẫn thơ của thi nhân trước thiên
nhiên tươi đẹp, dạt dào sức sống. Cỏ cây xanh mướt, mỡ màng và bóng bẩy trong
nắng, một cảnh vườn xinh xắn như hiện ra trước mắt người đọc. Sự tươi đẹp của khu
vườn mà khu vườn có được là nhờ tạo hóa ưu ái hay bởi chính bàn tay vun vén, chăm
sóc của con người.

Hòa trong cảnh thiên nhiên mơn man nhựa sống là bóng dáng người con gái yêu kiều,
kín đáo thấp thoáng hiện ra sau nhành lá trúc mảnh mai:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”


“Mặt chữ điền” là hình ảnh hoán dụ để chỉ người con gái xứ Huế. Ở họ mang vẻ đẹp
đầy dịu dàng, e ấp, kín đáo. Giữa vườn thiên nhiên tươi đẹp, hình ảnh con người càng
thêm nổi bật, tô đậm sự hài hoà giữa cảnh.

Sau cảnh vườn Vĩ Dạ xanh tươi là cảnh sông Hương êm đềm trong chiều hoàng hôn
xuống, ánh đêm dần buông. Cảnh sông nước mang cả nỗi niềm bâng khuâng, thương
nhớ, hoài vọng của thi nhân chốn xa xôi. Trở về trong nhận thức, tác giả thấp thỏm, âu
lo trong nỗi sầu tâm cảnh:

“Gió theo lối gió mây đường mây


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”
Thơ xưa viết về gió, mây để gợi buồn, gợi nhớ. Hàn Mặc Tử cũng không nằm ngoài
quy luật ấy. Sự lang thang, trôi nổi của gió mây như chính cuộc đời nhà thơ cũng đang
vô định, không biết bấu víu nơi chốn nào. Gió, mây vốn song hành, nhưng giờ lại theo
lối riêng, đường riêng lại càng gợi sự chia lìa, dứt bỏ. Phải chăng lúc này đây nhà thơ
cũng đã dự cảm về một cuộc đời ngắn ngủi của bản thân mình, rồi cũng như gió, mây
kia mà thôi, chia lìa, xa cách chốn trần gian về với cõi vĩnh hằng. Ta không còn được
thấy vẻ kiều diễm, tươi mát của khu vườn đầy sức sống như khổ thơ trước mà là nỗi u
uất, buồn thương của một tâm hồn mang nỗi niềm chia lìa, tiễn biệt. Cũng bởi thế mà
cảnh đượm buồn, đượm thương, dòng nước “buồn thiu” chảy trôi trên sông vắng, hoa
bắp lay trong gió cũng mệt nhoài, chán nản. Tình ý đượm buồn thấm trong từng thức
cảnh, đúng như thơ xưa từng nói:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng


Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Hai câu sau của khổ thơ chất chứa một nỗi mong cầu có kẻ tri âm về kịp, để cùng
người tâm sự, sẻ chia :

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó


Có chở trăng về kịp tối nay?”
Đêm sông Hương tràn ngập ánh trăng, ánh vàng chiếu xuống càng làm dòng sông
thêm thơ mộng, hữu tình. Cảnh tuy đẹp nhưng lòng người lại nhuốm sầu nhân thế. Câu
hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” đã gửi gắm một nỗi khát khao, hoài vọng, mong
cầu của thi nhân về một người bạn đời tới sẻ chia trước khi cái chết tìm tới mình.
Nhưng liệu rồi, người ấy có về kịp hay không? Với ông, cuộc đời ngày thêm một ngắn,
nỗi nhớ thương thì ngày lại dài thêm. Tiếng thơ tuy nhẹ nhàng mà đượm tình sâu nặng,
vừa xót xa, vừa khắc khoải đợi chờ.

Thực tại không được như mong cầu, tác giả kiếm tìm đến giấc mơ, một giấc mơ tuy
không hoàn mỹ nhưng chí ít cũng khuây khỏa được lòng người:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa


Áo em trắng quá nhìn không ra;
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Một trái tim luôn chực chờ và khát khao yêu thương nên đến cả giấc mơ cũng mang
màu nhung nhớ. Điệp ngữ “khách đường xa” kết hợp với động từ “mơ” và hình ảnh “áo
em trắng quá” cho thấy được ảo ảnh đầy tươi đẹp về người con gái mà tác giả từng
thương mến. Màu áo trắng tinh khôi, sáng trong, thanh khiết như chính tâm hồn của
giai nhân xứ Huế.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh


Ai biết tình ai có đậm đà?”
Là một giấc mơ, nên dù nó có đẹp đến đâu nó cũng chỉ là giấc mơ, mà giấc mơ thì
chẳng bao giờ có thực cả. Đối mặt với thực tại phũ phàng, sương khói khiến bóng hình
người con gái như nhoà đi hay khoảng cách khiến tình người phai nhòa thêm. Câu hỏi
tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?” cuối bài thơ càng tô đậm nỗi phân vân, mặc cảm, lo sợ
của tác giả về một tình cảm đơn phương, không biết rằng liệu tình cảm họ dành cho
mình như thế nào? Có đậm đà hay chăng?

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ đẹp. Đẹp bởi bức tranh thiên nhiên xanh tươi nơi xứ
Huế, đẹp bởi tình người bước ra từ trang thơ. Có thể nói, bằng một tâm hồn đầy yêu
thương và tài năng trong ngòi bút, Hàn Mặc Tử đã viết nên một tuyệt tác bất hủ với thời
gian.

You might also like