You are on page 1of 5

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”


“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như ngôi sao chổi với cái đuôi chói
lòa rực rỡ”. Trong làng thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phức tạp và
bí ẩn. Thơ Hàn có sự đan xen cả những gì thân thuộc, thanh khiết nhất, cả những gì ghê rợn,
ma quái, cuồng loạn nhất. Trong thế giới đó, trăng, hoa, nhạc, hương hòa lẫn với linh hồn,
yêu ma. Đằng sau diện mạo thơ hết sức phức tạp ấy, ta thấy hằn lên tình yêu mãnh liệt đến
đau đớn hướng về cuộc đời. In trong tập “Thơ Điên”, “Đây thôn Vĩ Dạ” là những vần thơ
tinh khôi trong trẻo trong gia tài Hàn Mặc Tử mà vẫn ẩn chứa tình yêu đau đớn hướng về
cuộc đời như thế.
Bài thơ được viết năm 1938, khi nhà thơ đã mắc bệnh phong, một căn bệnh hiểm
nghèo khiến nhà thơ phải sống trong trại phong Quy Hòa và cách biệt hoàn toàn với thế giới
bên ngoài. Trong cảnh cô đơn buồn chán, thậm chí tuyệt vọng, nhà thơ bỗng nhận được một
tấm bưu thiếp cùng lời thăm hỏi chân thành của cô gái mang tên Hoàng Thị Kim Cúc. Chính
những tình cảm của người con gái Vĩ Dạ xứ Huế đã khiến nhà thơ nhớ lại mối tình đơn
phương của mình để rồi gợi lên cảm hứng sáng tác "Đây thôn Vĩ Dạ".
Nhan đề thơ ngắn gọn nhưng bộc lộ sâu sắc những trạng thái cảm xúc của nhân vật trữ
tình. Khi nói về thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử vừa thấy gần nhưng cũng vừa xa xôi; vừa hiện ra trước
mắt nhưng cũng chìm trong tâm tưởng, dĩ vãng; vừa gợi lên niềm yêu mến vừa gợi lên khao
khát trở về với cảnh cũ người xưa.
Ngay từ đầu, hình ảnh thôn Vĩ xuất hiện trong ánh sáng ban mai tươi mới :
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi dẫn người đọc tới với thôn Vĩ một cách đặc biệt mà cũng thật
tự nhiên. Câu hỏi tu từ ấy có sức biểu đạt nhiều khía cạnh, diễn tả ý thơ đa nghĩa. Nếu ta hiểu
đây là lời của người con gái thôn Vĩ đó dường như là để trách móc một cách nhẹ nhàng, dịu
dàng nhưng cũng là lời mời mọc tha thiết, chân thành đối với nhà thơ. Trong lời mời này,
hình ảnh thôn Vĩ Dạ được gợi ra : một làng quê nằm sát bên bờ sông Hương hiền hòa với
cảnh vật thiên nhiên xanh tươi trù phú và có những kiểu nhà vườn thơ mộng, bình yên. Ta
cũng có thể hiểu đây là lời của nhà thơ đang tự hỏi để tự trách mình. Thôn Vĩ đẹp là vậy tại
sao mình không trở về chơi thêm lần nữa. Có lẽ nhà thơ đang phân thân để bộc lộ nỗi niềm
tâm trạng của mình, là nỗi nhớ thôn Vĩ rất gần gũi mà ông đã từng gắn bó. Vì thế mà nhà thơ
mới dùng từ “chơi” thay vì “thăm” tạo cho sắc thái câu thơ thêm gần gũi, thân mật, gắn bó
mà không hề khách sáo, xa lạ. Ẩn sau đó là niềm khao khát tha thiết thầm kín muốn được về
chơi thôn Vĩ nhưng số phận không cho phép. Chính vì lẽ đó, nỗi niềm càng thêm da diết, ước
mơ chỉ còn vô vọng, tiếc nuối khôn nguôi. Câu thơ chính là tiếng lòng của một con người
vừa yêu mến thôn Vĩ, vừa mong muốn quay trở về miền đất, miền kí ức đẹp đẽ tuổi thanh
xuân. Đây là một câu thơ gợi hứng đưa người đọc tới bức tranh thôn Vĩ trong tâm tưởng thi
nhân ở 3 câu còn lại.
Khung cảnh thiên nhiên hiện ra trong ánh nắng ban mai chiếu rọi xuống khu vườn.
Nghệ thuật điệp từ “nắng” đã vẽ nên ánh nắng chan hòa tràn ngập, bao phủ lên toàn bộ cảnh
vật, mang cho khu vườn một ánh sáng rực rỡ, một nguồn năng lượng tươi mới. Hàn Mặc Tử
không chỉ miêu tả ánh nắng bình thường mà ông đề cập tới hình ảnh “nắng hàng cau” - ánh
nắng đầu tiên đến với hàng cau, chiếu rọi từng cây lá. Cau vốn là hình ảnh quen thuộctrong
mỗi khu vườn thôn Vĩ, là loài cây cao nhất nên đã đón lấy ánh sáng đầu tiên của buổi sớm.
Đó chính là “nắng mới lên”, một thứ nắng mới gợi vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo, thanh khiết,
thanh thoát. Sở dĩ nắng hàng cau toát lên được vẻ đẹp như vậy là bởi cau là loại cây không
chỉ cao mà còn mang dáng thẳng, thanh thoát như tạo nên nét vẽ mảnh mai cho bức tranh
thiên nhiên. Ánh nắng thậm chí còn đẹp đẽ, tươi sáng hơn vì nó đã được cảm nhận qua lăng
kính tâm hồn của tác giả - một người đang phải sống với nỗi đau, nỗi buồn tăm tối khi cuộc
sống phải cách biệt với thế giới bên ngoài cho nên ánh nắng ấy như đang chiếu rọi vào tâm
hồn nhà thơ mang đến tia sáng ấm áp, sưởi ấm lòng người. Câu thơ như ẩn chứa hình ảnh nhà
thơ đang đứng giữa khu vườn thôn Vĩ ngắm nhìn, dang tay đón ánh nắng ban mai với niềm
khao khát mong chờ.
Khu vườn lúc này đã được vẽ bằng sắc xanh tươi mới. Câu hỏi tu từ cùng đại từ phiếm
chỉ “ai” khiến ta thấy chủ nhân khu vườn vừa có thể là một người bình thường mà cũng vừa
có thể là của cô gái mà tác giả đang hằng nhớ mong. Từ “mướt” không chỉ gợi lên sắc xanh
mà đặc biệt còn nhấn mạnh sức sống tươi tốt, nõn nà, mơ màng, láng bóng. Cảnh vật thiên
nhiên sau một đêm dài như được gột rửa, tiếp thêm nguồn năng lượng cũng như sức sống
mặn nồng. Để cụ thể hóa vẻ đẹp khu vườn, nhà thơ đã khéo léo sử dụng hình ảnh so sánh
“xanh như ngọc”. Quả là một hình ảnh so sánh rất lạ rất mới để nói đến vẻ đẹp của khu vườn!
Cây lá sau khi được tắm đẫm sương đêm vẫn còn đọng lại giọt sương, ánh nắng chiếu vào đó
khiến nó trở nên long lanh, lấp lánh, sắc xanh ánh lên trong trẻo như ngọc. Khung cảnh càng
trở nên lung linh, thơ mộng, mang vẻ đẹp quý giá. Chữ “quá” đã thể hiện rõ nét cảm xúc nhà
thơ, ông hẳn phải thấy ngạc nhiên ngỡ nàng, say mê vẻ đẹp thiên nhiên qua cái nhìn trân
trọng, nâng niu. Câu thơ vừa là câu hỏi nhưng cũng vừa là lời khen, lời trầm trồ trước cảnh
sắc thiên nhiên vừa đẹp thơ mộng mà tràn đầy sức sống. Sau cùng, ta bắt gặp hình ảnh con
người thấp thoáng ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên. Sau cành trúc, con người với khuôn
mặt “chữ điền” phúc hậu, đằm thắm, dịu dàng, e ấp, kín đáo lấp ló hiện ra. Sự xuất hiện ấy đã
khiến cảnh vật thêm sinh động, bức tranh thêm hài hòa cân đối.
Bằng kí ức ngọt ngào và cảm hứng lãng mạn với những nét vẽ bay bổng tác giả đã tạo
nên bức tranh thôn Vĩ nên thơ hài hòa và gợi cảm; từ đó, bộc lộ tình yêu thiết tha với cảnh
vật, con người nơi đây, bày tỏ niềm khao khát vô vọng quay trở lại thôn Vĩ Dạ.
Nếu như ở khổ thơ thứ nhất, cảnh vật mở ra trong buổi sớm ban mai thì ở khổ thơ này,
khung cảnh đột ngột thay đổi sang đêm trăng. Ta nhận thất một khoảng cách rất xa về thời
gian, có sự đứt gãy trong mạch thơ nhưng phải chăng đó là sự liền mạch, logic về tư tưởng.
Thi nhân lúc này đang phải chịu sự giằng xé cả về thể chất và tinh thần, cuộc đời phải đo
đếm bằng giây bằng phút nên cảm xúc, suy nghĩ có những biến động phức tạp.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Không chỉ thời gian, không gian cũng có sự chuyển đổi, từ cảnh khu vườn sang cảnh sông
nước. Nhưng cảnh vật lại hiện lên với vẻ lạnh lẽo, hiu quạnh, thiếu sức sống trái hẳn với khổ
một. Hình ảnh đối lập “gió” - “mây” cho thấy gió mây đang đôi đường đôi ngả. Thông
thường, gió và mây luôn đi đôi với nhau, gió thổi mây bay nhưng ở đây, gió mây như bị chia
lìa tan tác mỗi nơi mỗi ngả. Điều đó khiến ta liên tưởng tới tình cảnh nhà thơ đang phải cách
biệt với thế giới bên ngoài, cuộc đời không còn sự gắn kết, giao lưu. Bởi vậy, cảnh vật
nhuốm màu tâm trạng cũng trở nên rời rạc, đứt gãy theo. Dưới con mắt tràn ngập nỗi buồn
của thi sĩ, cảnh vật nơi sông nước có sự đồng điệu với con người : gió thì khẽ khàng lay động,
mây lững lờ không muốn trôi, dòng nước uể oải như dừng lại. Mọi thứ dần trở nên trống
vắng. Cả khổ thơ miêu tả nhiều chuyển động nhưng là để hiện ra dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng
đến tuyệt đối, những bông hoa bắp dù có động đậy nhưng chỉ là khẽ khàng lay động hắt hiu
trước gió. Mọi sự vật trở nên thiếu sức sống, rời rạc không có hồn.
Lúc này, ta bắt gặp hình ảnh mới, hình ảnh của con thuyền chở trăng ẩn hiện không rõ
ràng. Trăng khuya dù có làm cho cảnh vật thêm huyền ảo, lung linh, thơ mộng trữ tình nhưng
nó cũng thấm thía nỗi buồn, nỗi cô đơn trống trải, niềm khao khát tình yêu, tình người tha
thiết. Hình ảnh trăng ở đây không chỉ là hình ảnh thiên nhiên mà đó còn là biểu tượng cho
niềm vui, cho nhiều điều tốt đẹp, tươi sáng mà bao người mong muốn. Thế nhưng, trăng lại
rất cao và xa vời, không thể nắm bắt. Trong hoàn cảnh bệnh tật, khi thời gian cuộc đời không
còn nhiều, Hàn Mặc Tử vẫn luôn trăn trở một câu hỏi khó có thể giải đáp : liệu con thuyền
chở trăng kia có đến kịp với thi nhân?
Khổ thơ thứ hai khép lại bằng bức tranh sông nước đêm trăng, khổ thơ thứ ba và cũng
là khổ thơ cuối của tác phẩm miêu tả phong cảnh không còn là hiện hữu cụ thể mà cảnh vật
trở nên vừa hư vừa thực bởi thi nhân đã chìm trong cõi mộng ảo :
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Lúc này, hình ảnh con người lại xuất hiện nhưng đây lại là sự xuất hiện đặc biệt, chưa từng
có. Nhân vật trữ tình chính là chủ thể của giấc mơ, mơ mình là một vị khách đường xa đang
mong muốn quay trở về thôn Vĩ, về với xứ Huế mộng mơ, với người con gái mình hằng
mong nhớ. Thế nhưng, giữa Huế và chủ thể trữ tình có một khoảng cách quá xa vời, khó mà
thực hiện được. Vậy nhưng, câu thơ còn có thể hiểu theo cách khác, “khách đường xa” chính
là nói tới người con gái xứ Huế nhà thơ đang thầm thương trồm nhớ và đó là hình bóng trong
giấc mơ, trong khao khát mong chờ. Điệp ngữ “khách đường xa” càng tô đậm thêm khoảng
cách ngày một xa vời giữa thi nhân và cô gái. Dù hiểu theo nghĩa nào, ta vẫn luôn thấy được
tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của Hàn Mặc Tử đang khao khát đến cháy bỏng được một lần
quay về chốn tình xưa, với người con gái Huế nhưng đó cũng là một dự cảm mơ hồ về tương
lai tới mức tuyệt vọng khi nhà thơ biết rằng hoàn cảnh của mình không cho phép.
Trong giấc mơ, người con gái Huế hiện lên trong tà áo trắng, gợi vẻ đẹp tinh khôi,
thanh khiết, dịu dàng. Hình ảnh của cô gái hiện lên không rõ ràng, mờ ảo, mong manh, cảm
tưởng như càng ngày càng đi xa dần không ngoái lại nhìn chàng thi sĩ đang tuyệt vọng ngóng
trông. Thơ Hàn Mặc Tử luôn hình thành hai không gian với sự phân định nghiệt ngã : Ngoài
kia và Trong này; nó là sự cách nhau của hai cõi, mà khoảng cách bằng cả một tầm tuyệt
vọng. Ở "Đây thôn Vĩ Dạ" ta cũng thấy điều đó, cô gái như đang ở thế giới bên ngoài với ánh
nắng, với sắc màu, với sự sống tràn ngập hi vọng và hạnh phúc. Còn nhà thơ là người ở bên
trong này, nhạt nhòa, mờ ảo, rời rạc, chỉ có tuyệt vọng mãi nhìn theo bóng dáng của người
con gái ấy bằng những ước ao thầm kín, khắc khoải khôn nguôi. Có lẽ, không phải hình ảnh
cô gái mờ ảo mà chính là do giọt nước mắt bất lực chảy từ trong lòng thi nhân làm nhòe đôi
mắt.
Anh đứng cách xa nghìn thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
Em cười anh cũng cười theo nữa
Để nhắn lòng anh đã tới nơi.
Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi tu từ tưởng như đơn giản nhưng lại chất chứa cả một
nỗi lòng của tác giả. Đại từ “ai” thứ nhất trong câu ý chỉ chủ thể trữ tình. Còn đại từ “ai” thứ hai
lại hiểu theo hài cách : vừa có thể là người con gái thôn Vĩ, vừa có thể là người đời nói chung.
Với cách hiểu chỉ người con gái, nhà thơ đã bộc lộ sự hoài nghi về tình cảm của cô ấy với mình,
không biết liệu đó có phải là tấm chân tình hay không, có thực sự là tình yêu chân thành hay chỉ
là sự cảm thông, thương xót với một người bệnh. Nỗi niềm ấy dường như có chút mặc cảm về
bản thân. Nếu ta hiểu theo ý chỉ tất cả người đời, nhà thơ băn khoăn rằng người ta có để ý tới
mình bằng sự đồng cảm chân thành hay chỉ là thương hại cho một con người mắc bệnh nan y sắp
từ giã cõi đời. Lời thơ cho thấy sự hoài nghi xót xa của một người không còn nhiều thời gian, của
một người mắc căn bệnh quái ác, luôn phải sống trong bất lực, tuyệt vọng, cô đơn, khao khát có
người thấu hiểu mình.
Tôi đang còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
hay
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì?…
Cái hay trong thơ Hàn Mặc Tử nói chung và "Đây thôn Vĩ Dạ" nói riêng thể hiện ở việc
giàu chất liên tưởng. Nhưng câu thơ, hình ảnh thơ đa nghĩa, giàu sức gợi, mang lại cho người đọc
những băn khoăn, suy nghĩ. Tới cuối bài thơ, ta cũng thấy khó mà phân biệt rõ ràng được đây là
lời than thở, tiếng thở dài hay là lời cầu mong tha thiết của một con người khao khát gắn bó với
cuộc sống, cuộc đời trần gian. Cũng vì lẽ đó, mà thơ Hàn luôn mang dáng vẻ bí ẩn, huyền ảo, mơ
hồ, khó tả với sức quyến rũ đặc biệt.

You might also like