You are on page 1of 3

Tố Hữu từng nói ‘’Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước

cuộc đời”, bởi thơ ca không phải đột


nhiên mà có, nó hình thành từ sự rung động của trái tim và đi ra từ cái nhìn của người nghệ sĩ. Phong trào thơ mới nổ ra
và đánh dấu cho sự chuyển mình của thơ ca Việt Nam. Hàn Mặc Tử cũng nổi lên từ phong trào thơ mới. Ông sinh ra
trong một gia đình Công Giáo nghèo, sống với mẹ ở Quy Nhơn và học hai năm trung học ở Huế. Ông mất sớm do mắc
bệnh nan y nhưng những tác phẩm mà ông để lại vô cùng có giá trị.Hàn Mặc Tử được xem là nhà thơ lạ nhất trong
phong trào thơ mới bởi nói tới Hàn Mặc Tử cũng lại nói tới "Thơ điên" với những vần thơ đau đớn, quằn quại, những
giây phút "hộc ra trăng" trong cô đơn tận cùng …Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của ông trong
khoảng thời gian ông biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo, nó là bài thơ chứa đầy cảm xúc mà ông sáng tác khi nhận
được lá thư từ cô gái mà ông thầm yêu mến.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ


Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ ‘’ Sao anh không về chơi thôn Vĩ? ‘’ đó là một câu hỏi chứa nhiều sắc thái, vừa hỏi, vừa
nhắc nhở, vừa trách móc, vừa mời mọc. Nhưng câu hỏi tu từ này cũng khiến người đọc băn khoăn không dứt, liệu đây là
câu hỏi của ai, của nàng Hoàng Cúc hay của chính Hàn Mặc Tử tự vấn mình. Nỗi nhớ thôn, nhớ người con gái trong
mộng đã bật lên thành niềm khao khát, nhưng đan xen trong đó là sự đau đớn đến tột cùng trong lòng Hàn Mặc Tử. Cái
‘’ không về’’ trong câu hỏi ấy là cả một tâm tư, một nỗi khổ, liệu rằng chính anh có còn cơ hội về lại thôn Vĩ hay không,
khi cơn bệnh quái ác đang đe dọa mạng sống của anh hàng ngày. Đó là một niềm khắc khoải, một sự tiếc nuối cùng bất
lực. Ở đây, câu hỏi ấy lại dùng ‘’ về chơi’’ thay vì về thăm. Bởi về thăm nghe xa lạ biết bao, còn về chơi thì có thể thấy
trong đó là sự gần gũi, tương phùng lại sau bao ngày xa cách, trong cụm từ về chơi đó còn vẽ ra cảnh tượng anh về thôn
Vĩ để thăm người, thăm quê, anh có thể rong ruổi tận hưởng những tháng ngày yên bình ở đó. Chính sự chiết lọc trong
cách dùng từ mà làm câu hỏi tu từ này chứa mang bao nhiêu ý niệm. Hai câu thơ sau vẽ ra cảnh tượng chung quanh vườn
ở thôn Vĩ, ở đó có nắng vàng, có hàng cau xanh. Hai từ nắng trong câu thơ lặp lại tưởng chừng như là lỗi nhưng chính
Hàn Mặc Tử đã phá bỏ quy tắc ấy, biến nó thành một phép tu từ gợi tả hết sức thành công hình ảnh nắng tràn ngập khắp
khung cảnh, khiến những vần thơ như được thổi vào đó sức sống tươi trẻ. Nắng mới lên là một cái nắng dịu dàng, thanh
khiết, không gay gắt, nó mang trong mình một nguồn năng lượng dồi dào sức sống, tựa như tâm hồn của Hàn Mặc Tử
rung động khi nhận được tấm bưu thiếp của người mình thầm thương. Dưới ánh nắng đầy nhựa sống ấy, hình ảnh khung
vườn xanh mướt hiện ra với màu sắc ‘’ xanh như ngọc’’. Chính chữ ‘’ mướt’’ đã làm toát lên vẻ đẹp mượt mà, óng ả, đầy
xuân sắc, gợi ra cái sự non tươi, mỡ màng tràn đầy sinh khí của khu vườn thôn Vĩ. Chữ ‘’ ngọc’’ vừa có màu vừa có ảnh,
có thể ở đó còn đọng những giọt sương sớm được ánh nắng rọi xuống khiến cho từng tán lá xanh phát sáng, làm nổi bật
lên một màu xanh mang vẻ đẹp ngọc ngà, tươi mát. Từ ‘’ ai’’ ở đây không phải là một từ phiếm chỉ, nó mang ý nghĩa cụ
thể chỉ về một ai đó xa vời, mông lung, nhạt nhòa, thuộc về ngoài kia, nó làm cho câu thơ mang đậm tình ý, sự thẹn thùng
trong cảm xúc hòa quyện trong đó là lời khen về cái đẹp con người ở đó. Thán từ ‘’ quá’’ bật ra như là một tiếng kêu ngỡ
ngàng khi nhận ra vẻ đẹp ấy, đó là một thứ cảm xúc chân thật, thanh tao. Cảnh đẹp đã hiện ra từ hai câu thơ vô cùng đặc
sắc, trong sáng, sạch sẽ tinh khôi. Vì cảnh vật nơi đây được tắm gội qua tâm tưởng của người nghệ sĩ. “Thơ không cần
nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của
cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ” có lẽ cũng chính vì thế mà thơ của Hàn Mặc Tử vô cùng mới lạ, nó là sự hòa quyện
tài tình của tượng trưng và siêu thực, nó không “truyền cảm” mà “gợi cảm” sâu xa để người đọc tha hồ suy tưởng rồi
run lên vì hay quá, điên quá, táo bạo quá!
Kết thúc hình ảnh ban ngày là hình ảnh khuôn mặt chữ điền được che bởi lá trúc. Gương mặt chữ điền này đến nay vẫn
chưa ai biết hàn Mặc Tử dùng để chỉ ai, chính mình hay người con gái kia ở thôn Vĩ, bởi nếu chính mình thì ông đã tự
họa khuôn mặt của mình một cách kiêu hãnh, đây cũng là hình tượng phổ biến trong tác phẩm của ông, nhưng gương mặt
ấy lại bị che ngang bởi lá trúc, đó là sự mặc cảm, buồn tủi của ông về chính số phận trớ trêu của mình. Nếu khuôn mặt ấy
là của người con gái kia, hình ảnh ấy thật đẹp biết bao, người trong mộng luôn là người đẹp nhất trong mỗi con người,
chính sự che ngang của lá trúc lại khiến cho hình ảnh ấy ngày càng cuốn hút, khiến ông phải đắm chìm chạy theo tìm
kiếm, dùng tâm hồn để cảm nhận được sự yêu kiều của nàng Hoàng Cúc và cả sự rung động của chính trái tim mình . Chỉ
với bốn câu thơ, một bức tranh thiên nhiên đẹp, lạ, tinh khiết hiện ra,ở nơi đó có nắng vàng, vườn xanh, có hàng cau, có
lá trúc, những đó chỉ là cái cớ để nhà thơ liên tưởng, gửi gắm một chút tâm tư của mình về mối tình trắc trở, mối tình
trong mộng tưởng ấy.

Gió theo lối gió mây đường mây


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Ở thôn Vĩ ấy, có cái tình, cái cảnh mà ông nhớ nhung da diết. Nhưng chính sự nghịch cảnh của cuộc đời đã khiến ông
phải ngậm ngùi viết nên những dòng thơ mang nhạc điệu rời rã, nát tan. Từ thuở xa mờ của lịch sử, khi những áng văn
còn sơ khai dag dở, hình ảnh gió mây luôn liền kề với nhau, cùng nhau giao du tới chân trời góc bể , ấy vậy mà giờ đây,
gió theo lối gió còn mây theo đường mây, hình ảnh lạ kì ấy gợi lên một sự chia lìa, đoạn tuyệt.Dẫu gió mây có song hành
cùng nhau thì đến cuối cùng vẫn nhận lại sự chia lìa, xa cách. Tác giả thấy chính mình trong đó, rõ ràng mình vẫn có thể
ra thôn Vĩ, có thể bày tỏ tâm tư, nhưng số phận đã an bài một cách nghiệt ngã, căn bệnh hiểm nghèo đã chặt đứt hết mọi
dự định của ông. Ông cũng từng nghĩ tới việc cắt lấy một đoạn kí ức trong mộng, dệt thành chiếc áo phận duyên. Chỉ có
điều đâu phải duyên phận trên đời đều như ý nguyện. Phải chăng một mối tình đơn phương, chưa có phút giây bên nhau
ấy đã sớm chia li, hòa vào lòng người mà sầu tủi. Dòng nước là vật vô tri, nhưng mang trong mình tâm trạng, cảnh vật vô
tri giờ đây đã hòa quyện cùng với tâm trạng thi nhân, mang chở nỗi buồn trải dài đến vô tận. Hoa bắp lay là một hình
ảnh trơ trọi, gợi lên một nổi buồn hiu hắt, tủi thân. Nỗi buồn ấy đường như bao trùm cảnh vật, lan tỏa lên bầu trời với gió
mây, hòa vào con nước đang chảy, nổi buồn xuất phát từ sự mặc cảm, vô vọng với một mối tình đơn phương day dứt, nó
khiến người đọc phải run lên với những cảm xúc vô cùng chân thật, nó khiến cho người đọc hiểu được sự não nề, bất lực
trước số phận của nhà thơ. Những câu thơ giờ đây không còn là những câu thơ tả cảnh, nó là thi tâm, thi hồn. Từ cảnh
vật mà vẽ ra cả một tâm hồn, một nổi buồn sâu thẳm, tất cả được nội tâm hóa, thấm đượm sự buồn bã trước mối lương
duyên tê tái, chỉ có thể nghĩ đến trong lòng. Âu cũng bởi cuộc đời bất hạnh đã khiến con người trong trẻo, yêu đời, yêu
người tha thiết ấy phải điên, phải cuồng, phải loạn. Chính bởi vậy, niềm thương với ông càng chan chứa hơn…Hình ảnh
trăng, thuyền, bến ngập tràn trong thơ của Hàn Mặc Tử, nhưng với Đây thôn Vĩ Dạ, tác giả không đứng ngắm trăng hay
tả cảnh bến đợi thuyền, mà ông gieo rắc vào đó cái tâm tư của mình. Trăng ở đây không phải là trăng thực trên bầu trời,
mà là trăng trong nước, ánh trăng như tan vào con nước, hòa vào cái nổi buồn và sự mặc cảm mà phản chiếu trên lòng
sông. Trong cái xu thế trôi đi, phiêu tán ấy, thi nhân ao ước có một thứ ngược dòng về với mình, đó là trăng. Trăng là
biểu tượng cho cái đẹp của cuộc đời khi nó tỏa sáng trong màn đêm u tối, là cái hình ảnh viên mãn của đời người. Có thể
thấy đâu đó trong tâm tư của Hàn Mặc Tử, vẫn lấp lóa một tia hy vọng về một cuộc đời viên mãn, có thể vượt qua căn
bệnh để trở về với cuộc sống mà ông ao ước trong mộng, hình ảnh trăng ấy hướng tới cái đẹp hoàn mĩ, nó là một niềm
tin, một khát vọng hướng tới hạnh phúc. Nhưng trăng ấy lại là trăng ảo, là trăng dưới nước, chỉ cần chạm một ngón tay,
cũng có thể tan biến. Có lẽ ông biết rõ tình hình của chính mình, ông đoán được những gì mà mình phải trải qua, một nỗi
niềm khắc khoải, tiếc nuối trước cuộc đời, một sự phấp phỏm lo âu khi phải xa lìa nhân thế,nên niềm hy vọng ấy cũng là
mộng ảo, vô thực. Nhưng nó là sự hòa quyện tài tình của tượng trưng và siêu thực.. Từ không gian bát ngát, ngập tràn
ánh trăng đã vang vọng lên câu hỏi “ Có chở trăng về kịp tối nay?” , đó là một câu hỏi tu từ, thể hiện khát khao mong
mỏi với cuộc sống, vừa là dự cảm báo trước thời gian của ông còn lại không còn dài. Chính chữ ‘’ kịp’’ đã lột ra bi kịch
của một tâm hồn, một sự lo âu, tuyệt vọng đến mặc cảm. Ta nhìn thấy được một cuộc chạy đua với thời gian, thời gian
đang dồn đuổi theo ông từng hơi thở. Vậy mới thấy đôi bàn tay của một con người mắc bệnh phong đang co quắp vì đau
đớn, nhưng càng đau đớn, đôi bàn tay ấy càng khát khao, thèm muốn níu giữ lấy cuộc đời. Và cũng có những lúc đôi bàn
tay ấy xòe ra thật rộng, nhà thơ như cởi hết lòng để yêu, để viết và để hòa mình với thiên nhiên với cuộc đời thơ mộng.

Mơ khách đường xa khách đường xa


Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Một trái tim rung động, một ý chí khao khát sự sống và trải nghiệm cuộc đời càng trở nên rõ nét. Ông đã tìm được cho
mình ý trung nhân, đã có một bóng hình sống trong lòng của chính người thi sĩ, nhưng nó lại quá xa xăm. Điệp ngữ ‘’
Khách đường xa “ thể hiện tâm trạng mong nhớ những cùng với đó là khoảng cách xa vời của mối tình đơn phương vô
vọng. Hình ảnh ‘’ Khách đường xa’’ ấy lại chỉ có thể xuất hiện trong mơ, trong mộng, chập chờn nửa hư nửa thực. Người
con gái với chiếc áo màu trắng, trinh nguyên thanh khiết vô ngần, đó là biểu tượng cho sự đẹp đẽ, xuân tình mà thi nhân
tôn thờ. Trắng cả không gian, tạo nên sự chói lóa, choáng ngợp đến nổi làm nhòe đi cả thị giác của người nghệ sĩ, đó là
hình ảnh đậm nét nhất và rực rỡ nhất trong thơ Hàn Mặc Tử. Hình ảnh sáng lóa xa xăm ấy lại bị phủ mờ bởi sương khói
‘’ ở đây’’ , nó là một cảm xúc ngậm ngùi, bâng khuâng. Khoảng cách giữa hai người như càng xa hơn, đoạn dây tơ giữa
hai người đã quá mỏng manh, căng thẳng. Người ta nói một người chỉ động tâm duy nhất một lần trong đời, nhưng nhân
duyên nào đâu phải đều như ý. Có lẽ cả đời này, số phận hai người đã định không cùng điểm cuối,nàng như hoa trong
gương, trăng dưới nước, cả hai chỉ có thể lướt qua nhau nhẹ nhàng rồi ngoáy đầu nhìn lại, bóng hình người thương trở
nên hư ảo, còn chính mình thì lại chết lặng trong nổi cô đơn và sự dày xéo của số phận. Một nỗi đau cắn xé trong lòng
Hàn Mặc Tử, ông chỉ có thể bất lực mà chấp nhận, quay về sống trong cõi mộng của chính mình. Nhưng trong tâm hồn
ấy vẫn còn trăn trở một câu hỏi băn khoăn, liệu nàng có từng rung động với chính mình hay chưa, có biết đến đoạn tình
cảm da diết cháy bỏng này hay chưa, người đó có biết chỉ vì một tấm bưu thiếp mà tâm ông như sống lại, một niềm vui
sướng hạnh phúc ngập tràn hay chưa? Câu hỏi trăn trở ấy chính là tiếng dội đau thương từ tâm hồn của tác giả? Đó là
một lời trách móc về số phận bạc bẽo, sự ngậm ngùi của một trái tim khao khát yêu đương nhưng không thể chạm tới tình
yêu một cách trọn vẹn

Để trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu, có cạn cho nên thơ có mờ có tỏ, rộng hẹp khác nhau. Đọc thơ của
Hàn Mặc Tử, có khi người ta cảm thấy bứt rứt kinh khủng bởi lối nói đậm vẻ phương Đông vừa lộ liễu vừa kín đáo. Thơ
ông không áp đặt người đọc phải cảm nhận những gì ông cảm nhận, những con chữ chỉ đóng vai trò đòn bẩy, là phương
tiện mở ra những liên tưởng độc đáo, làm bật lên cảm xúc riêng biệt trong mỗi người, từ đó mà ta đón nhận những mỹ
cảm một cách tròn đầy hơn, đã đời hơn mà reo lên thích thú.

Từng câu từng chữ trong bài thơ như vẽ lên một bức tranh mà trong đó là một câu chuyện về số phận và mối tình bi
thương của chính tác giả. Đọc xong bài thơ, con người ta mới thấy được cái ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta chỉ sống một
lần, hãy sống một cuộc đời mà ta thấy hạnh phúc, sống để yêu, để cảm nhận, để trải nghiệm…Thơ là cây đàn muôn điệu
của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất
thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống.

You might also like