You are on page 1of 4

Hàn mặc Tử là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới.

Ông
là một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Dù không gắn bó lâu với đời nhưng những tác
phẩm ông để lại đã trở thành những áng thơ sống mãi trong lòng người đọc. Đặc biệt là
bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, tác phẩm là tiếng lòng yêu cuộc sống tha thiết, nỗi niềm hi vọng
mong manh về tình yêu và hạnh phúc. 2 khổ thơ đầu bài thơ là cảnh ban mai và hoàng
hôn thôn Vĩ cùng tình người tha thiết và niềm đau cô lẻ, chia lìa.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

ĐTVD được viết năm 1938, in trong tập Thơ điên, được khơi nguồn cảm hứng từ
mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc. Bài thơ là cuộc hành
trình về thăm chốn cũ trong tâm tưởng của tác giả, thể hiện một hồn thơ đầy thiết tha với
cuộc đời và tình yêu chưa bao giờ tắt với mảnh đất và con người xứ sông Hương, núi
Ngự.

Bài thơ mở đầu bằng một hoài niệm mênh mang về cảnh và người thôn Vĩ. Bức
tranh thơ đẹp cùng tình người tha thiết nhớ mong:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Có lẽ, với bất cứ ai khi đọc bài thơ này, cũng đều bị cuốn hút ngay từ câu thơ đầu
với những băn khoăn, vừa như hờn dỗi, như trách yêu, vừa mời mọc ân cần. Câu hỏi ấy
chính là sự phân thân của nhà thơ, sự hóa thân của nhà thơ vào cô gái Huế, là hình thức
để thi nhân bày tỏ nỗi lòng, ước muốn về thăm thôn Vĩ. Có thể nhận ra được rằng đây
chính là nỗi trăn trở, nuối tiếc vô cùng của thi sĩ, vì đó không chỉ là nơi ông từng gắn bó
một thời gian dài mà ở tại nơi ấy còn có người con gái mà ông yêu thương tha thiết.

Sau câu hỏi tu từ mang đậm nỗi khát khao cháy bỏng được về lại Huế một lần, tác
giả đã tái hiện lại cảnh thôn Vĩ Dạ đầy chất thơ và mộng ảo. Cảnh sắc thôn Vĩ được
chiêm ngưỡng từ xa đến gần. Câu thơ “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” với điệp từ
“nắng” và cách ngắt nhịp 4/3 gợi ra trong mắt người đọc một không gian tràn đầy ánh
sáng. Cụm từ “nắng mới lên” cho ta thấy đó là ánh nắng của buổi ban mai thật rực rỡ,
trong sáng. Câu thơ vẽ nên một hàng cau đầy sức sống đang vươn lên mãnh liệt đón ánh
nắng đầu tiên của buổi sớm, ánh nắng mới mẻ, tinh khôi như làm sáng bừng lên không
gian khoáng đạt, rộng lớn. Ở khoảng cách gần, thôn Vĩ hiện lên bởi vẻ đẹp của khu vườn
tràn đầy nhựa sống qua hình ảnh so sánh "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Một câu
thơ hay là một câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng Lư). Quả đúng như vậy, câu thơ đã gợi
ra một khoảng không gian xanh của thiên nhiên Vĩ Dạ, cái màu xanh mượt mà, óng ánh
của 1 vùng cây lá còn lóng lánh sương mai khiến cho người đọc cảm nhận được một sức
sống tràn trề, mơn mởn, đồng thời bộc lộ thái độ ngỡ ngàng của thi nhân trước vẻ đẹp trẻ
trung, non tơ của khu vườn Vĩ Dạ. Nếu không có một tình yêu nồng nàn đối với đất và
người Vĩ Dạ, có lẽ thi sĩ đã không thể gieo được những vần thơ trong trẻo đến như vậy.

Và cảnh vật thôn Vĩ càng đẹp hơn trước bởi sự xuất hiện hình bóng con người “Lá
trúc che ngang mặt chữ điền”. Vĩ Dạ nổi tiếng với màu xanh của trúc – một loài cây họ
tre được trồng trước ngõ. Với lá trúc mảnh mai cùng mặt chữ điền gợi sự vuông vắn,
phúc hậu, tất cả tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và cảnh vật đồng thời qua đó
người đọc nhìn thấy không chỉ vẻ đẹp phúc hậu của người con gái Huế mà còn là vẻ đẹp
của sự kín đáo, duyên dáng. Thiên nhiên và con người có sự gắn bó, hòa quyện hấp dẫn
tạo xúc động mạnh trong lòng nhà thơ. Nhà thơ đã ghi lại linh hồn của tạo vật với những
gì đặc sắc, lắng đọng trong ký ức hoài niệm, trong nỗi niềm nhớ thương. Bằng việc miêu
tả vẻ đẹp thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng thiết tha đằm thắm
đối với cảnh và người xứ Huế. Tất cả ẩn chứa một sự nuối tiếc, một niềm khát khao trở
về thôn Vĩ yêu thương.

Nếu như ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng niềm lạc quan yêu đời thì
sang 2 câu thơ đầu ở khổ tiếp theo tâm trạng thi nhân dần có sự đổi khác, đó chính là lúc
mặc cảm chia lìa hiện ra rõ nét dưới từng câu chữ:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Đó là cảnh trời mây sông nước, một không gian nghệ thuật thoáng đãng mơ hồ xa
xăm.

Cùng với phép điệp từ câu thơ "gió theo lối gió, mây đường mây" đã nhấn mạnh
một điều trái với quy luật thông thường của thiên nhiên, bởi lẽ gió và mây là những sự
vật luôn quấn quýt, gắn bó với nhau, không thể tách rời mà luôn song hành với nhau,
nhưng ở đây gió và mây lại hiện lên trong sự chia lìa, cách trở, không thể là bạn đồng
hành, không thể gặp gỡ. Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ trong xa cách nhớ
thương, cô đơn, trống vắng và nỗi buồn về sự chia li, tiễn biệt.

Câu thơ "Dòng nước buồn thiu – hoa bắp lay” với phép nhân hoá gợi lên không
gian tĩnh lặng cùng nghệ thuật đối tạo nên bốn phiên cảnh hài hoà cân xứng mà sống
động gợi sự cách trở. Nước sông Hương như hiểu tâm tình người thi nhân nên cũng mang
nỗi buồn trĩu nặng tâm can, dòng nước lặng lẽ trôi, hoa bắp lay nhẹ bên bờ, nước chảy
hoa trôi- cảnh vật như không, động mà như tĩnh, tất cả dường như đều vương nỗi sầu
trong đó. Có lẽ bởi lúc này đây tác giả đã cảm nhận cảnh vật không phải bằng con mắt
thông thường nữa mà bằng chính dòng tâm trạng của lòng mình. Đó là nỗi lòng của một
người mang nặng mặc cảm về sự ra đi khi tâm hồn vẫn còn tha thiết sống.

Câu thơ "Thuyền ai … tối nay” gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp
hữu tình của Huế với dòng sông Hương thơ mộng lấp lánh, huyền ảo, nhuốm đầy ánh
trăng nhưng lại hoang vắng lạnh lùng. Từ “kịp” còn hé mở một dự cảm về hiện thực ngắn
ngủi thương đau của ông. Câu hỏi tu từ hàm chứa một niềm mong mỏi, hoài vọng ngẩn
ngơ, như thể tác giả đang hỏi chính bản thân. 2 câu thơ cuối khổ 2 đã vẽ lên cảnh dòng
sông Hương trong đêm trăng lung linh huyền ảo vừa thực vừa mộng. Đằng sau cảnh vật
là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.

Tiếp nói mạch thơ trên, khổ thơ cuối thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân
trong cái mênh mông, bao la của đất trời.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”
Hình ảnh “khách đường xa” đã trở về trong cõi mộng khiến nhà thơ ngẩn ngơ,
bâng khuâng. Điệp ngữ “khách đường xa” kếp hợp cùng nhịp thơ 4/3 đã thể hiện một nỗi
niềm trông ngóng đến da diết của tác giả. Hàn Mặc Tử muốn cực tả sắc trắng qua câu thơ
“Áo em trắng quá nhìn không ra” choáng cả không gian làm lập lòe cả thị giác “nhìn
không ra”. Nỗi cách xa không chỉ về không gian mà còn có sự xa cách về tâm hồn và tình
cảm, cho nên tất cả chỉ gói gọn trong một chữ “mơ” duy nhất. “Ở đây” chính là nơi mà
nhà thơ xem là lãnh cung giam lỏng mình, một nỗi đau mà nhà thơ đang gánh chịu. Từ
cõi hư vô ấy, câu hỏi tu từ cuối cùng vang lên như một tiếng kêu đau đớn, mang theo một
nỗi buồn vô vọng của Hàn Mặc Tử, một tâm hồn đau thương, chia lìa nhưng cũng rất tha
thiết với cuộc đời, khao khát bộc lộ tình yêu đời và khắc khoải tìm kiếm sự đồng cảm,
đồng điệu. Chẳng biết thôn Vĩ có hiểu cho mối tình đơn phương mà sâu đậm đó hay
không? Chẳng hay người thôn Vĩ có đáp lại tình cảm với mình không? Hai từ “đậm đà”
khép lại bài thơ như muốn nói lên rằng dẫu vô vọng nhưng thi nhân vẫn hi vọng, vẫn
mong ai đó biết và thấu hiểu cho tình yêu, cho sự đậm đà của tình người
Với thể thơ bảy chữ, hình ảnh độc đáo, giàu sức gợi kết hợp cùng các biện pháp
nghệ thuật tu từ đặc sắc như: câu hỏi tu từ, điệp ngữ, so sánh,... Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ
Dạ”, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh thôn quê vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả
nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng với những đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều được chắp bút bằng sự tài hoa và tâm huyết của người
nghệ sĩ. Với thi phẩm ĐTVD của Hàn Mạc Tử là một tác phẩm đầy nhiệt huyết và công phu
như thế. Tác giả đã thật sự khắc sâu bức tranh về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một
con người tha thiết yêu đời, yêu người.

You might also like