You are on page 1of 5

Đề bài: Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1,2

Bài làm
Lép Tôn Xtôi từng nói: “Một tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả của tình yêu.
Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái
luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ,
hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” Có lẽ, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
của Hàn Mặc Tử cũng như vậy. Bài thơ không những là bức tranh thủy mặc về một
vùng của cố đô Huế mà nó còn là nỗi lòng gửi tới phương xa của của một con
người tha thiết yêu đời, yêu người.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
…..
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mĩ, tỉnh Đồng Hới,
nay là Quảng Bình. Xuất thân trong gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm, ông sống
cùng mẹ tại Quy Nhơn, học trung học ở Huế trong hai năm, sau vào Sài Gòn làm báo.
Ông làm thơ từ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Có nhiều các bút danh như Minh
Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, … Các tác phẩm chính của Hàn Mặc Tử gồm có:
“Gái quê”, “Thơ Điên”, ... Nổi bật trong đó là tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”, trích trong
tập “Thơ Điên”. Bài thơ được sáng tác vào khoảng 1938, khi nhà thơ đã phát bệnh.
Không những thế, theo một số tài liệu, “Đây thôn Vĩ Dạ” được gợi cảm hứng từ bức
bưu ảnh mà Hoàng Cúc, một cô gái vốn quê ở Vĩ Giạ, một thôn nhỏ bên dòng sông
Hương gửi cho nhà thơ. “Đây Thôn Vĩ Dạ” không những là một bức tranh miền quê
xứ Huế tuyệt đẹp mà thi phẩm nói lên mối tình đơn phương vô vọng nhưng cũng rất
đỗi thiết tha yêu đời của thi nhân Hàn Mặc Tử.
Mở bài đầu thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng của nhân vật trữ tình:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Có lẽ, với bất cứ ai khi đọc bài thơ này, cũng đều bị cuốn hút ngay từ câu thơ
đầu với những băn khoăn, vừa như hờn dỗi, như trách yêu. Câu hỏi tu từ ấy chính
là sự phân thân của nhà thơ, sự hóa thân của nhà thơ vào cô gái Huế. Chỉ một câu
thôi nhưng lại chan chứa yêu thương. Tại sao lâu rồi anh không về chơi thôn Vĩ
bên bờ sông Hương thơ mộng, có người con gái anh thương? Nhà thơ sử dụng từ
“chơi” mà không sử dụng từ “thăm” vì từ “chơi” gợi nên sự thân mật, gần gũi thắm
thiết, thân tình. Trong câu thơ, nhà thơ đã hé lộ cho người đọc tình cảm của mình
đối với cô gái Huế, xem cô gái Huế là một người thân thương hay chính cô gái ấy
xem nhà thơ như bạn tâm giao, tri kỷ. Mặt khác, sắc thái tu từ trong câu thơ đầu
còn là lời tự hỏi, tự trách mình: sao cảnh Huế đẹp vậy mà mình không trở về? Đó
là một câu hỏi đớn đau, khắc khoải vì trở về Huế là điều không thể bởi nhà thơ
đang ở giai đoạn cuối của cơn bạo bệnh. Nhưng cũng chính câu hỏi tu từ ấy là
nguyên cớ để khơi dậy khao khát, hoài niệm. Vì không thể trở về nên nhà thơ đã
làm một cuộc hành hương trong tâm tưởng.
Tiếp đến là một hoài niệm mênh mang về cảnh và người thôn Vĩ. Bức tranh thơ
đẹp còn tình người thì tha thiết nhớ mong:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Nét đặc sắc của thôn Vĩ - quê hương người con gái gợi mở ở câu đầu liên đây
đã được tả rõ nét. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác rộng mở trước mắt người
đọc. Với nghệ thuật điệp từ và hình ảnh nắng tưới lên trên ngọn cau tươi đẹp, tràn
đầy sức sống. Nắng mới là nắng sớm bắt đầu của một ngày, những hàng cau cao
vút vươn mình đón lấy những lia nắng sớm kia, và tất cả tràn ngập ánh nắng và
buổi bình minh. Cái nắng hàng cau nắng mới lên sao lại gợi một nỗi niềm làng quê
hương đến thế. Câu thơ này bất chợt khiến ta nghĩ tới những câu thơ Tố Hữu trong
bài thơ Xuân lòng:
“Nắng xuân tươi trên thân dừa xanh dịu
Tàu cau non lấp loáng muôn gươm xanh
Ánh nhởn nhơ đùa quả non trắng phếu
Và chảy tan qua kẽ lá cành chanh.”
Ở khoảng cách gần, thôn Vĩ hiện lên bởi vẻ đẹp của khu vườn tràn đầy nhựa
sống “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ đã gợi ra một khoảng không
gian xanh của thiên nhiên Vĩ Dạ, cái màu xanh mượt mà, mỡ màng của hàng cây
khiến cho người đọc cảm nhận được một sức sống tràn trề, mơn mởn. Tác giả dùng
màu xanh như ngọc để diễn tả sức sống, vẻ đẹp của thiên nhiên thôn Vĩ, một màu
sắc cao quý, lấp lánh và trong trẻo. Nếu không có một tình yêu nồng nàn đối với
đất và người Vĩ Dạ, có lẽ thi sĩ họ Hàn không thể gieo được những vần thơ trong
trẻo đến như vậy.
“Vườn ai”? không xách định nhưng ngầm hiểu đó là khu vườn cô gái Huế. “Mướt”
là một tính từ khác với “mượt” bởi “mượt” chỉ gợi lên mịn màng mà “mướt” thì
gợi sự sáng lên, tươi mới của cảnh vật. Xuân Diệu cũng viết: “Đổ trời xanh ngọc
qua muôn lá”. Thủ pháp nghệ thuật so sánh “xanh như ngọc”. Xanh ngọc tức là
xanh trong, màu xanh đi liền với ánh sáng nhưng không chói chang mà lại rất dịu,
người đọc có thể hình dung vẻ đẹp của viên ngọc đính giữa bầu trời xứ Huế. Câu
thơ với “vườn ai mướt quá” như một lời trầm trồ, thán phục, ngợi ca cũng như lời
thầm cảm ơn chủ nhân của khu vườn đã dày công chăm bẵm cho khu vườn thêm
đẹp. Nhớ về thôn Vĩ còn là nhớ về những nét dáng thân thương của con người nơi
đây. Không tả mà chỉ gợi, bằng bút pháp cách điệu hóa, thi sĩ đủ cho ta cảm nhận
về con người Huế chân thật, dịu dàng, về con gái Huế đằm thắm, nữ tính, thấp
thoáng sau một mảnh trúc che ngang là gương mặt chữ điền rất Huế (“Lá trúc che
ngang mặt chữ điền”). Những nét vẽ thanh tao, những cảm nhận tinh tế, chúng gọi
dậy một hồn thơ thánh thiện, nặng tình nặng nỗi với một mảnh đất thân thương.
Qua khổ thơ đầu, tác giả đã vẽ ra bức tranh hoài niệm nên thơ về thiên nhiên và
con người xứ Huế, cũng như nói lên tiếng lòng rạo rực yêu người, yêu đời tha thiết.
Nếu như ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng niềm lạc quan yêu đời
thì sang những câu thơ tiếp theo, tâm trạng thi nhân dần có sự đổi khác, đó chính là
lúc mặc cảm chia lìa hiện ra rõ nét dưới từng câu chữ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Gió và mây để gợi buồn vì nó trôi nổi, lang thang thì nay lại càng buồn hơn gió
đi theo đường gió, mây đi theo đường mây, gió và mây xa nhau; không thể là bạn
đồng hành, không thể gặp gỡ và sự xa cách của nhà thơ đối với người yêu có thể là
vĩnh viễn. Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ trong xa cách nhớ thương, và
đây cũng là mặc cảm của những con người xưa trong cuộc sống. Nỗi buồn về sự
chia li, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất buồn và mang một nỗi niềm
xao xác. Ở câu thơ thứ hai, dòng sông Hương hiện ra mới buồn làm sao với những
bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt, ảm đạm như màu khói. Với một tâm hồn mãnh liệt
như Hàn Mặc Tử thì dòng sông trôi lững lờ của xứ Huế chỉ là dòng sông buồn thiu
gợi cảm giác buồn lặng, quạnh quẽ. Hoa bắp cũng lay nhè nhẹ trong một nỗi buồn
xa vắng. Sự thay đổi tâm trạng chính là thái độ của những người sông trong vòng
đời tối lăm, bế tắc. Mặt nước sông Hương êm quá gợi đến những bế bờ xa vắng,
những mảnh bèo trôi dạt lênh đênh của số kiếp người. Nỗi buồn của nhà thơ như
hòa làm một với cái nhịp điệu chầm chậm, nhè nhẹ, buồn buồn của gió mây sông
nước xứ Huế
Ở hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh trở nên thật hư ảo huyền hồ:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
Từ xưa đến nay, có thuyền trăng, bến trăng nhưng nay lại có sáng tạo sông
trăng độc đáo của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Đọc câu thơ, người đọc có cảm tưởng như
đang trôi vào cõi mộng, dường như đang sống trong khắc khoải hoài mong của thi
nhân. Đây không phải lần đầu Hàn Mặc Tử viết về trăng mà trong thế giới thơ ca
của Hàn Mặc Tử, trăng là một người bạn, một người tình không thể thiếu trong đời
sống tâm hồn thi nhân:
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Không gian đắm đuối toàn trăng cả
Anh cũng trăng mà em cũng trăng”
Thơ Hàn Mặc Tử ít nhiều nhuộm màu sắc trường phái tượng trưng siêu thực
của phương Tây vì thế nên có nhiều hình ảnh khó nắm bắt, ví như câu viết về trăng
trong tác phẩm này. “Thuyền ai” phải chăng đó là con thuyền của cô gái Huế, con
thuyền mà nhà thơ đang mơ ước chở trăng và phải chăng trăng chính là tình yêu
mà nỗi chờ mong của Hàn Mặc Tử. “Tối nay” là tối nào, phải chăng đây là giới
hạn cuối cùng của cuộc đời nhà thơ – khi mà cuộc sống của nhà thơ là cuộc chạy
đua với thời gian. “Tối nay” phải chăng chính là ranh giới của sự sống và cái chết.
Có phải vì thế mà câu hỏi tu từ vang lên khẩn thiết: “Có chở trăng về kịp tối nay?”.
Liệu rồi con thuyền ấy có cập bến bờ trước lúc Hàn Mặc Tử trở về với cõi vĩnh
hằng hay không? “Có chở trăng về kịp tối nay?” là câu hỏi ẩn chứa một sự day dứt,
mong ước và lo sợ. Một niềm hy vọng đầy khắc khoải và phấp phỏng trong tâm
trạng thi nhân. Hàn Mặc Tử cảm nhận thời gian đang trôi chảy trong lúc mình bất
lực. Chính vì vậy mà người đọc càng thấu hiểu hơn cái giục giã trong lời mời gọi ở
câu thơ đầu, càng đồng cảm hơn với khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ khi cái
chết đang kề cận. Cả khổ thơ là khát vọng của nhà thơ về một tình yêu thiết tha,
đẹp đẽ, đồng thời thể hiện một tình yêu quê hương xứ sở thiết tha. Cảnh có vẻ đẹp
êm đềm mà xao động, thơ mộng mà u buồn và tâm trạng của nhân vật trữ tình thật
da diết, phấp phỏng, ngóng trông, khắc khoải gần như vô vọng nhưng vẫn mở lòng
đón nhận những vẻ đẹp huyền ảo, thi vị của thiên nhiên; đồng thời thể hiện tấm
lòng thiết tha với đời và khao khát sống mạnh mẽ.
Bằng việc sử dụng nhiều hình ảnh độc đáo, ngôn ngữ gây ấn tượng, giàu sức
liên tưởng, bút pháp vừa cổ điển, lại mang màu sắc tượng trưng và hơi hướng siêu
thực rất hiện đại cũng như ngôn ngữ thơ giàu chất họa, chất nhạc, Hàn Mặc tử đã
vẽ nên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế tươi đẹp. Qua đó thể hiện khát khao
mong mỏi được giao cảm với đời, là tiếng lòng của một người thiết tha với cuộc
sống. Đọc thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mạc Tử đã khắc hoạ ra được một bức tranh
tuyệt đẹp nơi thôn Vĩ, cũng như vẽ lên mối tình đơn phương vô vọng nhưng đầy
nỗi niềm thiết tha của thi sĩ. Không đơn thuần là bài thơ về tình yêu, thiên nhiên
mà đó khát vọng sống mãnh liệt đến cháy bỏng của nhà thơ bạc mệnh. Qua bao
năm, vẫn còn mãi một bài thơ với tình yêu tuổi trẻ nồng đậm, và tình yêu quê
hương đất nước mãnh liệt. “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như
một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của
mình.” (Chế Lan Viên)

You might also like