You are on page 1of 3

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Một thế giới của thần tiên, hay cũng có thể là thế giới của cõi thực, khi thì mang những giai điệu thật
trong trẻo, thuần khiết nhưng cũng có khi là sự kinh dị, ma quái của những hồn máu. Đó chính là nơi
Hàn Mặc Tử mang những đau thương của thực tại, mang cái sự giằng xé giữa thể xác và tâm hồn mà
đem gói gọn vào những hồn thơ. Và “Đây thôn Vĩ dạ” đã ra đời trong những giây phút tuyệt diệu ấy.
Ấy là tiếng lòng vang lên từ nơi trái tim cằn cõi, dù thật tha thiết, mê đắm nhưng cũng không tránh
được sự đau thương, tuyệt vọng, của một người thi nhân phải lìa xa cuộc đời, mặc sự luyến lưu của
một tình yêu da diết dành cho cuộc đời.
Nguyễn Trọng Trí , là một người con thôn quê ở Quảng Bình, nhưng sau khi cha mất , ông sống cùng
mẹ ở Quy Nhơn. Từ những ngày mười bốn, mười lăm đã có cho mình những chiếc bút danh khác
nhau nổi bật để theo đuổi văn học, nhưng rồi đến sau này ông quyết định giữ lấy tên “Hàn Mặc Tử”
cho riêng mình. Lớn lên, sau khi làm công chức, ông chuyển vào Huế và nơi đây cũng chính là không
gian nghệ thuật đã nhiều lần xuất hiện trong các sáng tác của ông.
Được khơi nguồn cảm hứng từ bức ảnh của nơi Thôn vĩ xứ Huế, kèm theo đó chính là lời thăm hỏi từ
người con gái mình đem lòng nhớ thương, Hàn Mặc Tử đã chắp bút vẽ ra cả một thôn Vĩ Dạ đầy sinh
động, sắc nét. Bài thơ mang những nét độc lạ, khi thay vì đặt một kết cấu thống nhất cả về không
gian và thời gian, tác giả lại quyết định trôi dạt theo mạch cảm xúc đi từ sự hồi tưởng về quá khứ,
hiện tại, đến những khát khao trong tương lai.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?


Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng một câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” gợi ra những
sắc thái biểu cảm khác nhau. Đó có thể là một lời chào tha thiết của một người con gái không tên nơi
xứ Huế, mà ẩn sâu trong sự vui mừng ấy là sự trách cứ, dỗi hờn “anh” – người đã từng gắn bó mến
thương với thôn Vĩ – rằng bấy lâu nay anh lại chẳng quay về nơi dấu yêu. Tiếp đến, những cảnh vật
dần dần hiện lên, cùng với những vẻ đẹp bình dị, trong sáng. Bắt đầu vào một sớm bình minh, khi đó
nắng hàng cau nắng mới lên, tạo nên một cảm giác ấm áp, lan rộng ra khắp không gian rộng lớn.
Không những vậy, nắng còn là sự liên tưởng, gợi ra hình ảnh những hàng cau đang đắm chìm trong
sự đẹp đẽ ấy, cùng những hạt sương long lanh còn vương lại trên tán lá, chan hoà cùng ánh nắng của
buổi sớm mai đã đem lại một vẻ đẹp thanh tao đến lạ thường. Giữa không gian sinh động ấy, khu
vườn xanh mướt hiện lên tràn đầy sức sống. Hình ảnh con người cũng hiện lên đầy bất ngờ, đó chính
là khuôn mặt chữ điền e ấp đằng sau tán lá trúc, chính là nét đặc trưng cuả người con nơi thôn vĩ. Từ
đó, có thể thấy, bằng lối diễn đạt tự nhiên nhưng cũng thật tinh tế, Hàn Mặc Tử đã hé mở một nỗi
niềm khao khát đắm say của người thi nhân đang hướng về cuộc đời của nhân sinh cùng nỗi xót xa,
tự vấn của chính mình trước những điều đang phải chịu đựng trong cuộc đời.

Gió theo lối gió, mây đường mây,


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Hình ảnh gió theo lối gió, mây đường mây ở mở đầu bài thơ, đã có thể nhanh chóng cảm nhận được
đây là sự phi lí, bất thường. Bởi gió mây là hiện tượng chẳng thể tách rời, vậy mà khi ở vế câu này,
mở đầu là gió, kết thúc lại là gió; mở là mây, kết thúc cũng là mây, đã gợi ra sự ngăn cách, chia lìa
không thể kết nối lại. Tuy nhiên, từ chính sự phi lí ấy, người đọc lại có thể nhìn nhận ra cái hợp lí, ấy
chính là sự khắc khoải từ trong tâm hồn của một con người tha thiết được gắn bó với cuộc đời. Đằng
sau, là sự xuất hiện của nước, của hoa, nhưng bức tranh trông vẫn thật ảm đạm, hiu hắt khi hình ảnh
ấy hiện lên buồn thiu, nhẹ nhàng. Không chỉ đơn thuần gợi lên sự sầu não, đau buồn đến day dứt triền
miên bởi hình ảnh dòng sông buồn thiu, sự chuyển động khẽ khàng của hoa bắp còn làm cho cảnh vật
nay còn tĩnh lặng, hiu hắt hơn bao giờ hết. Xen kẽ với nét u hoài ấy, là một đêm trăng thơ mộng
huyền ảo. Ở đây, người thi nhân đã sử dụng đại từ “Ai” – gợi ra sự vô định, sự ngỡ ngàng, tưởng
quen mà lạ, tưởng gần mà xa. Cộng với những nét vẽ tinh tế cho chiếc thuyền nhỏ đậu bến sông – nơi
tràn ngập ánh trăng – đã phần nào tô diểm cho bức tranh đêm khuya ấy một vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ
nhàng. Tuy vậy, bên cạnh cái thực ảo lẫn lộn đó, lại là một tâm hồn đang khắc khoải, ôm một nỗi
niềm hi vọng rằng trăng sẽ về “kịp” tối nay. Đối với Hàn Mặc Tử, trăng không chỉ có gợi không gian
và thời gian, trăng còn là một điểm tựa, một người bạn đồng điệu trong tâm hồn. Vậy nên, nếu như
trăng không về kịp tối nay, thì hẳn cái số phận của kẻ bị bỏ rơi kia sẽ vĩnh viễn chìm trong đau
thương, chẳng thể chối bỏ, cũng chẳng thể vùng vẫy, hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng.

Mơ khách đường xa, khách đường xa


Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Đến cuối cùng, tác giả đã độc đáo lựa chọn mở ra một thế giới của cõi mơ đầy mơ mộng ở ngay
chính thế giới thực. Trong thế giới ấy, người thi nhân đã thể hiện ước muốn cháy bỏng trong tâm can
mình, đó chính là được gần gũi, sẻ chia nhưng đáng tiếc thay, hoạt ảnh hiện lên lại chỉ là sự mông
lung, mờ ảo, xa cách cả về không gian và thời gian. Hình ảnh “khách đường xa” có thể được hiểu là
người với khuôn mặt chữ điền, không chỉ làm cho kết cấu bài thơ trở nên chặt chẽ hơn, việc lặp lại
trong một nhịp thơ bị chia cắt còn tăng thêm sự khắc khoải da diết, để lại một nỗi nhớ mong bị chà
đạp bởi sự vô vọng của quá khứ và thực tại, giữa lời hẹn thề và lời bi thương. Hình ảnh “áo em trắng
quá” tiếp tục hiện lên trong sự hư ảo, mơ hồ. Chính bút pháp cực tả đã giúp nhà thơ thể hiện rõ nét sự
bất lực khi cuộc đời trước mặt cứ mỗi lúc lại xa dần, kỉ niệm cũng vì thế mà phai nhạt dần, để rồi khi
quay trở lại thực tại, đó cũng chỉ là những nỗi xót xa, những nỗi đau đang ngày ngày gặm nhấm tận
sâu bên trong tâm hồn người thi nhân. Nếu như ở khổ hai, tác giả vẫn còn có thể bấu víu vào vầng
trăng, thì ở đây, chỉ có mình Hàn Mặc Tử đối diện với thực tại tàn nhẫn, đầy bàng hoàng và xót xa.
Kết thúc bài thơ, đại từ “Ai” lại một lần nữa được xuất hiện trong câu hỏi tu từ, đó có thể là “em”, là
người có khuôn mặt chữ điền hay có thể đó chính là người nghệ sĩ cùng số phận bi thương này. Câu
thơ cuối, chính là gợi tiếng than trách móc, tiếng lòng khắc khoải trong sự trống vắng, cô đơn đến vô
tận. Là một nỗi niềm khao khát đầy mãnh liệt với tình cảm đậm đà, nhưng rồi cũng chẳng thể thắng
được sức mạnh của thời gian, khi điều mà Hàn Mặc Tử phải đối diện, đó chính là một thực tại tàn
khốc, đầy đau thương.
“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam
với cái đuôi chói loà rực rỡ của mình” Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói, cái cách mà Hàn
Mặc Tử thổi hồn vào trong ngôi làng thơ ca của Việt Nam, tựa như một ngôi sao chổi rực rỡ, đầy thu
hút và mới lạ. Giả dụ như, nếu Tản Đà mang trong mình mong muốn được thoát tục cõi tiên thì Hàn
Mặc Tử lại luôn tìm hướng đến một cõi trăng mờ ảo – đơn giản là để có thể trốn tránh thực tai. Hay
như với Xuân Diệu, một người lựa chọn một lối sống vội vàng để có thể hưởng thụ cuộc sống một
cách trọn vẹn nhất thì với Hàn Mặc Tử, sống không thôi cũng đã là hạnh phúc, an nhàn lắm rồi.
Khép lại những dòng thơ ấy, hẳn trong lòng độc giả vẫn bồi hồi bao cảm xúc. Hàn Mặc Tử đã gieo
vào lòng chúng ta bao cảm xúc dạt dào không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mai sau về một thôn Vĩ
Dạ, dù đơn sơ nhưng lại chứa chan biết bao tâm tình, nỗi lòng của nhà thơ. Chính điều đó đã tạo nên
sức sống bất diệt cho tác phẩm, làm cho người đọc càng yêu thế giới văn học hơn.

You might also like