You are on page 1of 2

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT HUẤN CAO TRONG CẢNH CHO CHỮ

MB: Nguyễn Tuân là một trong những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Là người suốt đời đi tìm cái đẹp, ông đã dành trọn đời mình để viết nên những trang văn với
một nguồn mỹ cảm dạt dào dành cho tất cả những gì đẹp nhất trên đời. Một trong số đó phải
kể đến “Vang bóng một thời” và sự góp mặt của thiên truyện “Chữ người tử tù”với hình
tượng nhân vật Huấn Cao - một nhân cách sáng đẹp, tài hoa, khí phách, thiên lương mà
Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên bằng cả niềm trân trọng và tài năng của mình, gửi vào đó nhân
sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc.Cảnh cho chữ có thể coi là chi tiết hội tụ ba vẻ đẹp ấy,
một cảnh tượng “Xưa nay chưa từng có”.

Khái quát : Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất
bản lần đầu năm 1940, xoay quanh cuộc gặp gỡ éo le của Huấn Cao và viên quản ngục. Mặc
dù trên bình diện xã hội họ là những con người đối lập nhau nhưng trên bình diện nghệ thuật,
họ lại là tri âm, tri kỉ. Đoạn trích trên trích từ phần cuối tác phẩm với cảnh cho chữ đã trở
thành một tình huống truyện độc đáo, đặc sắc để đưa cái tài, cái đẹp lên ngôi đồng thời làm
sáng ngời vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao.

Luận điểm 1: Khái quát về cảnh cho chữ của Huấn Cao

Có thể thấy trong thị hiếu thẩm mỹ của người xưa thì chơi chữ là cả một nghệ thuật cao
quý, là thú vui tao nhã với những nét uốn lượn tung hoành thể hiện rõ phẩm chất, tài năng
của bậc quân tử. Bởi vì thế mà nó thường gắn liền với chốn thư phòng, viện sảnh yên tĩnh,
thơ mộng, thoáng mát. Nhưng cũng từ cái thú vui tao nhã ấy , Nguyễn Tuân lại cho nó diễn
ra trong một hoàn cảnh khác lạ “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất
bừa bãi phân chuột phân gián”. Đó là sự trái ngược giữa tàn bạo, đánh đập, tra khảo dã man
của chốn ngục tù với ánh sáng của nền văn minh, văn hóa, là sự mâu thuẫn giữa bóng tối và
ánh sáng, giữa cái xấu xa đê tiện với cái trong trẻo cao thượng. Lần đầu tiên trong văn học,
ngòi bút của Nguyễn Tuân đã đưa cái đẹp về thư pháp được khai sinh từ không gian bẩn thỉu
của mảnh đất bạo tàn đầy tội lỗi, độc ác.

Luận điểm 2: Trước hết, cảnh cho chữ có thể coi là sự thống nhất tài hoa, khí phách,
thiên lương của nhân vật Huấn Cao trong cả tác phẩm.

Có thể nói một người có tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thế
mà ép mình viết câu đối bao giờ” như Huấn Cao tưởng chừng sẽ không bao giờ tặng chữ của
mình cho người lạ . Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục,
ông đã thay đổi định kiến về một kẻ tiểu lại giữ tù , ân hận vì thiếu chút nữa “ đã phụ mất
một tấm lòng trong thiên hạ”, ông quyết định tặng chữ cho quản ngục. Chính lúc này, thiên
lương của ông đã tự tỏa sáng, bên cạnh thứ ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, làm bừng lên cả
căn buồng giam chật hẹp ẩm thấp đầy hôi hám.
Nhưng không chỉ lạ lùng ở không gian cho chữ, điều đặc biệt ở đây là một kẻ, “ cổ đeo
gông, chân vướng xiềng” lại đĩnh đạc, làm chủ nơi ngục tù. Kẻ tử tù ấy dù bị giam hãm về
thể xác nhưng nhân cách, tâm hồn lại tự do nơi ngục tù tăm tối. Hình ảnh Huấn Cao đang
“dậm tô nét chữ” trên “tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ” là sự kết tinh cho tài hoa, khí
phách, thiên lương của người nghệ sĩ. Bởi đây là nét chữ cuối cũng của đời người, là thời
khắc thiêng liêng để ông chuyển giao cái đẹp. Là những nét chữ chứa chan tấm lòng của
Huấn Cao, chứa đựng cái tâm, cái tài và khát vọng tạo nên cái đẹp để lại cho đời. Bằng việc
sử dụng ngôn ngữ của điện ảnh, nhà văn đã mang đến cho người đọc những thước phim
quay chậm đặc sắc, gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa của con người.
Cũng từ đây cái hay của Nguyễn Tuân là ông không khắc họa khí phách của người anh hùng
trên trận mạc mà là nơi ngục tù đầy tăm tối nhưng vẫn làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của
con người tài hoa trong hoàn cảnh hết sức éo le. Chính chi tiết này đã làm nên một sự khác
biệt trong những dòng văn của Nguyễn Tuân, một chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
Luận điểm 3: Không những vậy, thiên lương trong sáng và quan niệm về cái đẹp của
Huấn Cao một lần nữa được thể hiện qua lời khuyên cho viên quản ngục.
Sang sảng "đĩnh đạc" mà ấm áp ân tình, Huấn Cao khuyên quản ngục nên đổi nghề, đổi chỗ
ở như lời khẳng định dõng dạc cho một chân lí: Cái đẹp không thể chung sống với cái xấu
xa, thấp hèn, con người chỉ có thể thưởng thức được cái đẹp nếu như giữ được bản chất trong
sáng. Lời khuyên ấy chỉ có thể được nói ra từ một con người hết lòng trân trọng, nâng niu cái
đẹp, một con người đã qua nhiều suy nghĩ, trải nghiệm trong cuộc đời. Đó là những quan
niệm đẹp đẽ về cuộc đời, về nghệ thuật ,quan niệm thống nhất giữa tâm và tài, giữa cái đẹp
và cái thiện. Cũng qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, nhà văn muốn gửi gắm vào đó tấm
lòng yêu nước thầm kín nhưng tha thiết. Ca ngợi Huấn Cao là ca ngợi những con người ưu tú
của đất nước, ca ngợi thú chơi chữ đẹp là ca ngợi nghệ thuật thư pháp, ca ngợi nét đẹp văn
hóa của dân tộc. Vì thế có thể nói rằng với Chữ người tử tù nhà văn đã thể hiện tấm lòng
nâng niu và gìn giữ phát huy nét đẹp văn hóa trong truyền thống của dân tộc. Đây chính là
biểu hiện của tấm long yêu nước thầm kín mà tha thiết của nhà văn Nguyên Tuân.
Đánh giá: Có thể nói,với nghệ thuật xây dựng nhân vật, thủ pháp đối lập kết hợp với bút
pháp lãng mạn, nhà văn đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, từ đó khắc học thành
công hình tượng nhân vật Huấn Cao dựa trên nguyên mẫu lịch sử có thật của thế kỉ XIX, là
hiện thân của võ tướng – người anh hùng của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, một nhà thơ, nhà
thư pháp Cao Bá Quát lừng lẫy một thời. Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, nguyên
mẫu lịch sử này đã tự nhiên đi vào trang văn và hiện lên lung linh sáng tỏa trên từng con
chữ. Phải chăng, Nguyễn Tuân đã mượn HC để ca ngợi Cao Bá Quát và mặt khác dựa vào
Cao Bá Quát, khái quát lên hình tượng HC với cái đẹp của tài hoa hòa quyện cùng cái đẹp
của khí phách người anh hùng, cái đẹp của thiên lương người nghệ sĩ.
Kết bài: Tóm lại, cảnh cho chữ là một tình huống truyện độc đáo và để lại ấn tượng nhất
trong tác phẩm “Chữ người tử tù”của nhà văn Nguyễn Tuân, một chi tiết làm nổi bật đầy đủ
những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Huấn Cao. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, Huấn
Cao là biểu tượng cho cái đẹp trong hoàn cảnh lịch sử đang đầy rẫy những cái xấu xa, tội lỗi,
biểu tượng cho thiên lương cao quý. Con người sống vượt lên những hiện thực tầm thường,
tăm tối để toả sáng, đẻ vĩnh cửu, để bất diệt, để truyền cho người đời phẩm giá làm người,
những phẩm giá tiêu biểu cho đạo lý dân tộc.

You might also like