You are on page 1of 10

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (NGUYỄN TUÂN)

I. TÌM HIỂU CHUNG


1. Tác giả
- Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp.
- Phong cách: Tài hoa -uyên bác- độc đáo.
2. Tác phẩm
- Lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in trong tập truyện Vang bóng một thời (1940)
- Nhân vật chính là Huấn Cao, nhân vật điển hình trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân trước Cách
mạng.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Tình huống truyện: Đó là cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục:
+ Không gian gặp gỡ: nhà ngục, là phòng giam ẩm thấp bẩn thỉu nơi vốn chỉ gợi nhắc đến sự tăm
tối, bạo hành và tội ác.
+ Thời gian gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải
về kinh chịu án chém.
+ Trên bình diện xã hội: Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau.
+ Trên phương diện nghệ thuật: họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ.
=> Góp phần tô đậm tính chất éo le, oái oăm, kịch tính cho tình huống truyện.
2. Huấn Cao
a. Một người nghệ sĩ tài hoa: (TÀI)
- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”
- “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở
trên đời
-> Khiến cho viên quản ngục khao khát
=> Tài năng ở nghệ thuật thư pháp
b. Khí phách hiên ngang bất khuất (DŨNG)
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình vì nhân dân.
- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục:
+ Trước câu nói của tên lính áp giải: không thèm để ý, không thèm chấp.
+ Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:
→ Đó là khí phách của nhà Nho ko sợ hãi trước cường quyền
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng
bình sinh” → phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt đến điều: “Ta chỉ muốn có 1 điều. Là nhà người đừng
đặt chân vào đây” → Không quy luỵ trước cường quyền.
→ Đó là khí phách của một người anh hùng.
c. Thiên lương cao cả
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao
giờ”, và chỉ mới cho chữ “ba người bạn thân” → trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người
tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân → đối xử coi thường, cao ngạo.
- Khi biết tấm lòng của quản ngục:
+ Cảm nhận được “Tấm lòng biệt nhỡn liên tài” và hiểu ra “Sở thích cao quý” của quản ngục
+ Huấn Cao nhận lời cho chữ
→ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
- Câu nói của Huấn Cao: “ Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”
→ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.
→ Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
=> Huấn Cao hội tu 3 vẻ đẹp: Tài – tâm – dũng
=> Quan điểm thẩm mỹ tiến bộ: Cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp và các thiện không thể
tách rời nhau.
3. Viên quản ngục
a. Lai lịch và ngoại hình viên quản ngục:
- Trước khi là quản ngục, ông ta cũng là người đèn sách, "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền".
- Là người lương thiện, tử tế, say mê cái đẹp, "cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một
ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết".
- Ngoại hình:.Đầu ông đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu; bộ mặt tư lự, có nhiều nếp nhăn => người
có đời sống nội tâm sâu sắc.
b. Hoàn cảnh sống của viên quản ngục: nhà tù
- Quản ngục sống ở chỗ tối tăm, toàn những kẻ “tiểu nhân thị oai”. Chốn tù ngục hầu như chỉ tồn
tại hai thứ: cái ác, cái xấu, tàn nhẫn, lừa lọc và những nỗi đau khổ, tuyệt vọng.
c. Tính cách:
(1) Trước hết, viên quản ngục là người biết quý trọng người tài
+ Ông sẵn sàng biệt đãi Huấn Cao bất chấp “phép nước”. Suốt nửa tháng Huấn Cao ở trại giam tỉnh
Sơn, ngục quan đã “biệt đãi” người tù đặc biệt này như một khách quý.
+ Quản ngục còn đích thân đến tận buồng giam tử tù để hỏi ông Huấn. Đáp lại lòng chân thành của
ngục quan, Huấn Cao lạnh lùng xua đuổi. Nhưng ông ta chỉ lễ phép lui ra với câu nói: “Xin lĩnh
ý”. Kì lạ hơn nữa là những ngày tiếp theo cơm rượu vẫn được đưa đến đều đều và có phần “hậu
hơn trước nữa”.
(2) Không chỉ biết quý trọng người tài, quản ngục say mê cái đẹp:
+ Có sở nguyện thanh cao, sang trọng: mơ ước có một ngày xin được chữ ông Huấn, “được treo ở
nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Có được chữ của ông Huấn, đối với
quản ngục chẳng khác nào “có một báu vật trên đời”.
+ Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”
(3) Thiên lương trong sáng
+ Tấm lòng ấy khiến Huấn Cao cảm động, đồng ý cho chữ
+ Thái độ thành kính của ngục quan khi nhận lời khuyên chân thành của tử tù. Ngục quan đã “vái
tử tù một vái” và nói qua dòng nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
=> Cái vái lạy của ông không phải là hành động của kẻ bề dưới sợ hãi trước uy quyền của kẻ bề
trên mà là biểu hiện của một người bị khuất phục, cảm hóa trước “thiên lương”.
=> Nghệ thuật xây dựng nhân vật VQN:
- Thủ pháp tương phản đối lập.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.
- Đặt nhân vật vào tình huống giàu kịch tính.
4. Cảnh cho chữ: Cảnh tượng xưa nay chưa từng có bởi:
* Không gian: thư phòng, thư sảnh, viện sách >< nhà tù tăm tối, hôi hám, chật hẹp, tường đầy
mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
* Thời gian: đêm khuya, đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém
* Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:
+ Người cho chữ: những bậc tao nhân mặc khách, tự do >< Huấn Cao- người tử tù sắp chịu
án chém, bị mất tự do lại nổi bật và đẹp đẽ, hiên ngang dậm tô nét chữ
+ Người nhận chữ: viên quản ngục- một người ngày thường nắm quyền cai quản tù nhân
trong tay nay khúm núm, kính cẩn
=> sự đối lập giữa: Ánh sáng - bóng tối, cái thiện - cái ác, cái đẹp - cái xấu xa, cái cao cả - cái thấp
hèn, tự do- ràng buộc, thơm tho( mùi mực)- ẩm mốc( mùi nhà giam phân chuột, phân gián)
* Cho chữ, sau đó là cho lời khuyên:
• Huấn Cao khuyên quản ngục thay chốn ở rồi hãy nghĩ tới việc chơi chữ bởi nếu cứ tiếp tục ở đây
thì sẽ " khó giữ thiên lương cho lành vững" ⇒ Sâu xa hơn việc cho chữ chính là bài học về lẽ sống
rất chân thành => Quan niệm: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi tội ác ngự trị nhưng không thể sống
chung với cái xấu cái ác. Người ta chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên
lương.
• Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao, khóc: sự thức tỉnh trước cái đẹp => Cái
đẹp có tác dụng cảm hóa con người.
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung
- Truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một
con người tài hoa có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang,bất khuất. Qua đó nhà văn thể hiện
quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín lòng yêu nước.
2. Nghệ thuật
- Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện
độc đáo;trong nghệ thuật dựng cảnh; khắc họa tính cách nhân vật; tạo không khí cổ kính, trang
trọng; trong việc tạo dựng phép đối và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT HUẤN CAO


MỞ BÀI:
1/ Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam. Nghiệp sáng tác của ông chia thành
hai giai đoạn trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng, ngòi bút
của ông thiên về phương châm “Vang bóng một thời-trụy lạc-xê dịch”. Truyện ngắn “Chữ người tử
tù” là tác phẩm kiệt xuất trước cách mạng tháng Tám, đã khắc họa thành công hình ảnh Huấn Cao,
một kẻ sĩ tài hoa, có tấm lòng thẳng thắn.
2/ Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dành trọn đời mình để viết nên những trang
văn mà ở đó có một nguồn mỹ cảm dạt dào dành cho tất thảy những gì đẹp nhất trên đời. Viết rất
hay về những thú chơi đẹp, uống đẹp, nhắm đẹp, Nguyễn Tuân cũng không bỏ quên cái đẹp ngời
ngời như ngọc sáng trong nhân cách con người. Có người nói sự nghiệp Nguyễn Tuân sẽ không thể
toàn vẹn nếu thiếu đi “Vang bóng một thời”, và “Vang bóng một thời” cũng sẽ khiếm khuyết nếu
không có sự góp mặt của thiên truyện “Chữ người tử tù”. Huấn Cao trong tác phẩm là một nhân
cách sáng và đẹp mà Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên bằng cả niềm trân trọng và tài năng của mình,
gửi vào đó nhân sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc.
THÂN BÀI:
Huấn Cao được nhớ đến trước hết là bởi vẻ đẹp của một tài năng siêu việt, một người nghệ sĩ
tài hoa, toàn diện trên cả văn và võ. Nhà văn đã không để nhân vật của mình xuất hiện trực diện mà
qua cuộc trò chuyện của viên quản ngục và thầy thơ lại. Nhưng dẫu là nhìn qua nhãn quan của
những kẻ đối nghịch, tài năng của Huấn Cao vẫn không thể bóp méo. Như người xưa nói, “văn kì
thanh bất kiến kì hình”, Huấn Cao đã bước vào trang văn Nguyễn Tuân như một hình tượng tuyệt
mỹ. Cái tài của ông Huấn là tài nghệ thư pháp. Là một người “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, danh
tiếng của ông Huấn đã lan ra khắp một vùng tỉnh Sơn, đến tai cả những người như quản ngục và thơ
lại, khiến họ cũng phải trầm trồ và dè dặt. Quả thực, tiếng lành đồn xa, tài viết chữ của Huấn Cao
vốn đã thành danh bất hư truyền. Thú chơi chữ mà Huấn Cao say mê là một trong những nhã thú
thanh cao của cổ nhân, là biểu trưng cho văn hóa cổ truyền dân tộc. Những con chữ tượng hình nói
lên nhân cách phẩm giá và chí khí của con người. Chính quản ngục cũng phải cảm khái: “Chữ ông
Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông treo trong nhà là một vật báu ở đời”. Trong một xã hội
mà Đông Tây bát nháo, ối a bông phèng, cái cũ thì chưa suy hẳn mà cái mới thì chưa kịp thay thế
hết, Nguyễn Tuân là một nhà nho mang tâm thế bất hòa, bất mãn, bất lực với thực tại. Xây dựng
nhân vật với một tài năng siêu việt về thú chơi cổ truyền như một cách để nhà văn bày tỏ những tiếc
nuối về một quá khứ vàng son đã qua nay chỉ còn vang bóng.
Khi Huấn Cao diện kiến trực tiếp với bạn đọc, thì người quân tử ấy còn được biết đến như
một trang anh hùng nghĩa liệt với khí phách hiên ngang. Vốn là một người song toàn văn võ, bên
cạnh tài thư pháp còn có tài “bẻ khóa và vượt ngục”, Huấn Cao là cái tên khiến những người trong
ngục tù phải dè chừng. Trong mắt triều thần, ông là một người cầm đầu bọn phản nghịch, nhưng
thực chất đó là một anh hùng đứng lên vì chính nghĩa, dám chống lại triều đình vì bảo vệ lẽ phải. Là
người chọc trời khuấy nước, riêng một giang sơn không chịu được triều đình phong kiến ngày càng
suy thoái, mục rỗng, Huấn Cao chống lại triều đình ấy. Bị gọi là giặc nhưng là vì nghĩa lớn, vì lí
tưởng lớn nên điều đó có hề gì. Ông là hiện thân của một con người kinh bang tế thế, anh hùng cái
thế. Khi được đặt vào hoàn cảnh lao tù, hình ảnh Huấn Cao càng nổi bật lên với những vẻ đẹp khí
phách hiên ngang lẫm liệt. Điềm nhiên bước vào nhà lao, hành động đầu tiên của Huấn Cao là dỗ
gông, không mảy may đếm xỉa đến vương quyền trên đầu: “Huấn Cao khom mình, chúc mũi gông
nặng, thúc mạnh vào đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Đó là hình ảnh của
một người anh hùng ngang tàng, một nam tử Hán đại trượng phu “Đỉnh thiên lập địa” không cam
chịu cảnh tù đày áp bức, muốn bứt phá gông cùm xiềng xích để thoát khỏi vòng nô lệ. Những ngày
bị giam thân nơi chốn ngục tù, Huấn Cao không một chút khiếp sợ. Người xưa thường nói “Nhất
nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài). Thay vì buồn rầu, chán
nản “gậm một mối căm hờn trong cũi sắt” thì ông lại thản nhiên nhận rượu thịt như việc vẫn làm
trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Câu nói của Huấn Cao với quản ngục cũng thể hiện
một khí phách ngang tàng trước cường quyền bạo lực: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một
điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây.” Lời tuyên bố dõng dạc đủ để thấy Huấn Cao đã
bỏ ngoài hết thảy những sợ hãi và lo âu, không để tâm người mình đang đối đầu là kẻ đang nắm
quyền, đang nắm giữ sự sống. Trong con người của kẻ tử tù ấy thể hiện đúng tinh thần “uy vũ bất
năng khuất”. Uy quyền trên đầu không thể ràng ép, bạo lực chực chờ không thể đánh gục. Dẫu ngày
mai là ngày bị giải ra pháp trường và đón nhận lấy cái chết thì khí chất người anh hùng vẫn thế,
luôn vững vàng.
Sáng lên hơn cả trong nhân cách người tử tù là một thiên lương trong sáng, vững lành, có sức
mạnh cứu rỗi những tâm hồn đang dần bị bôi đen. Đó là nhân cách của bậc đại trí, đại dũng, không
bao giờ bị lung chuyển trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục: “Ta nhất sinh không vì
vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ”. Một con người ý thức sâu sắc được
thiên chức và phẩm giá của nghệ thuật. Một con người không bao giờ thị tài. Đáng quý hơn, Huấn
Cao không chỉ trọng thiên lương của mình mà còn trọng thiên lương của kẻ khác. Điều này được
thể hiện trong cách ứng xử chân tình mà ông dành cho quản ngục. Khi chưa hiểu được tấm lòng
quản ngục, ông khinh bỉ đến điều, coi thường y như coi thường một kẻ cầm tay đao suốt đời chỉ
sống trong nhơ bẩn, sống vì phi nghĩa. Còn khi đã hiểu ra cái “sở nguyện cao đẹp” của y, ông hết
sức cảm mến và trân trọng: “Nào ta có biết, người như thầy quản đây lại có sở nguyện cao đẹp như
thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ.” Cũng chính sự thấu hiểu này đã đưa hai
con người từ đối đầu thành tri âm tri kỉ.
Nhưng có lẽ tài năng khí phách và nhân cách cao đẹp của ông Huấn thể hiện rõ nhất, tập
trung nhất, hài hòa nhất ở cảnh cho chữ – cảnh mà Nguyễn Tuân gọi là “một cảnh tượng xưa nay
chưa từng có”. Đêm đã khuya, chỉ sáng mai thôi là người tử tù phải vào kinh chịu án chém, nhưng
ông Huấn vẫn trút hết tài năng sáng tạo vào ngòi bút và viết ra những con chữ vuông tươi tắn nói
lên cái “chí khí tung hoành của đời một con người”. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, mùi
mực thơm, màu trắng của tấm lụa bạch như xua tan đi bóng tối ngục thất đầy màng nhện, tổ rệp,
phân gián, phân chuột. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc hay ánh sáng thiên lương làm cho hình ảnh tử
tù Huấn Cao thêm ngạo nghễ, uy nghi. Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, cái chết kề bên, ông Huấn
vẫn “dậm tô nét chữ” trong tư thế của người nghệ sĩ chân chính đang làm chủ lao tù. Sự thăng hoa
của tài năng và bản lĩnh phi thường của ý chí đã đồng hiện và sáng lên trong cảnh cho chữ ấy. Huấn
Cao còn hiện lên thật đẹp ở khoảnh khắc ấy trong vai trò của người hướng thiện, hướng đạo cho kẻ
mê muội. Lời khuyên chân thành dành cho kẻ tri âm đã làm sáng lên vẻ đẹp ấy: “Ở đây lẫn lộn ta
khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét
chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Lời khuyên của Huấn
Cao đã khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiên lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung
sống với cái xấu, cái ác: “Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm
mất cả cái đời lương thiện đi”. Một lời khuyên thật thiện tâm, thiện ý, làm cho viên quản ngục cảm
động: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho
nghẹn ngào: – Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái đẹp của nghệ thuật đã xóa nhòa mọi khoảng cách
và ranh giới đưa con người đến với nhau trong vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ.
Huấn Cao hiện lên rõ nét, oai phong, đĩnh đạc qua từng nét bút của Nguyễn Tuân thực sự
khiến cho người đọc không thể rời mắt khỏi trang viết. Huấn Cao là biểu tượng của cái đẹp vĩnh
cửu, của những gì hoàn hảo và kiên trung nhất. Một con người “khó kiếm” trong thiên hạ khi hội tụ
cả ba nét đẹp: Tài – Tâm – Dũng. Có thể nói, thành công trong tác phẩm “Chữ người tử tù” là việc
xây dựng nhân vật Huấn Cao tài năng, nhân cách trong sáng và khí phách hơn người. Sự chiến
thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm trước cái phàm tục, dơ bẩn của khí phách ngang tàng đối với thói
quen nô lệ đã cho thấy lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn và ý nghĩa tư tưởng nhân sinh sâu sắc của
hình tượng.
Vẫn cái chất Nguyễn Tuân ở đó, uyên bác và tài hoa, trong cả tư tưởng và cách biểu hiện.
Nhà văn đã thật thành công khi xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai kẻ lúc đầu là đối
lập, sau lại thống nhất hài hòa, cùng tỏa sáng hào quang. Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết,
lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ
Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản,
thiên hạ, thiên lương, lương thiện, v.v…) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng. Đúng Nguyễn
Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội. Đúng như lời Vũ Ngọc
Phan đã nói: “… văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”.
KẾT BÀI:
Xây dựng nhân vật Huấn Cao - kẻ sĩ tài tử, anh hùng - nhà văn Nguyễn Tuân vừa biểu lộ một
tấm lòng kính phục, ưu ái đặc biệt, vừa thể hiện một bút pháp tài hoa, độc đáo tuyệt vời. Ngoài việc
ca ngợi một con người tài tử, bất khuất, anh hùng, truyện "Chữ người tử tù" còn hàm chứa một ý
tưởng sâu sắc: thương tiếc những tài năng bị hãm hại, khẳng định cái đẹp có một sức mạnh kì diệu
không một thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt được. Cái đẹp của tài hoa, cái đẹp của thiên lương đã
làm lung linh nhân cách kẻ sĩ Huấn Cao, để chúng ta ngưỡng mộ, thấm thía biết bao bài học thiên
lương ở đời.
PHÂN TÍCH CẢNH CHO CHỮ TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” (NGUYỄN TUÂN)
I. MỞ BÀI:
Nguyễn Tuân dành cả đời mình để đi tìm cái đẹp. Ông tìm cái đẹp trong chính nét văn hoá cổ
truyền của dân tộc: đó là chữ viết thư pháp. Tập truyện “Vang bóng một thời” đã thể hiện những
hoài niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp ấy. Đặc biệt, trong tác phẩm “Chữ người tử tù” cái giá trị
nghệ thuật cao quý truyền thống lại càng được tôn vinh và trân trọng. Truyện ngắn này tiêu biểu
cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Bật lên trong truyện là
một cảnh tượng độc đáo “xưa nay chưa từng có”, thể hiện những giá trị lớn lao của tác phẩm: cảnh
cho chữ.
II. THÂN BÀI
Đoạn cho chữ nằm ở phần cuối tác phẩm ở vị trí này tình huống truyện được đẩy lên đến
đỉnh điểm vì viên quản ngục bỗng nhận được công văn về việc xử tử những tên phản loạn, trong đó
có Huấn Cao. Huấn Cao là một nguời tài hoa có tài viết chữ đẹp nhưng dám nổi dậy chống lại triều
đình nên bị xem là một tên nghịch thần, bị bắt và bị kết án tử. Viên quản ngục vốn là một người say
mê chữ đẹp. Hai con người gặp nhau trong một hoàn cảnh hết sức ngang trái: một bên là tử tù, kẻ
phản nghịch phải lĩnh án tử hình và một bên là quản ngục, người thực thi pháp luật. Vốn hâm mộ tài
viết chữ của Huấn Cao, viên quản ngục đã tâm sự với thầy thơ lại và cùng thầy đến nhà giam bày tỏ
nỗi lòng và xin Huấn Cao cho chữ. Huấn Cao vô cùng cảm mến tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và
thái độ chân thành của Viên quản ngục nên đã đồng ý cho chữ. Trên bình diện xã hội, họ ở hai phía
đối lập nhau nhưng xét trên bình diện nghệ thuật họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. Vì thế mà thật là
chua xót vì đây là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng ba con người ấy gặp nhau. Hơn thế nữa,
họ gặp nhau với con người thật, ước muốn thật của mình.
Hoàn cảnh cho chữ được tác giả miêu tả một cách thật đặc biệt: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam
tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã bày ra
trong buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân
gián”. Đó là một đêm khuya vắng lặng chỉ có “tiếng mõ vọng canh”, lại là đêm cuối cùng trong
cuộc đời tử tù Huấn Cao. Quang cảnh nhà tù, buồng giam dưới ngòi bút của nhà văn thật ảm đạm và
nhơ bẩn. Không dừng lại ở đó, không gian ấy còn bị thu hẹp dần trở nên thật bé nhỏ, tù túng, chật
hẹp. “Trong một không khí khói toả như cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi
lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên lân hồ. Khói bốc toả cay
mắt”. Nhà tù lạnh lẽo, ẩm thấp bỗng dưng được sưởi ấm bằng “ánh sáng đỏ rực” của bó đuốc tẩm
dầu. Nhà văn đã dùng thủ pháp tương phản để tạo ấn tượng về hoàn cảnh cho chữ. Nguyễn Tuân
thật không hổ danh là một người nghệ sĩ tài hoa có con mắt tinh đời và tài năng sử dụng ngôn ngữ
bậc thầy.
Cảnh cho chữ diễn ra thật đẹp, chính lúc này, tài hoa mới thực sự toả sáng. “Một người tù cổ
đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh
ván”. Hình ảnh Huấn Cao hiện lên sao mà sắc sảo, tinh tế đến vậy? Người nghệ sĩ tài hoa không
phải ở trong tư thế tự do mà phải mang vác nào gông, nào xiềng và đội cả án tử trên đầu. Một con
người ngang tàng tung hoành trong xã hội dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn say mê sáng tạo
cái đẹp, bất kể ngày mai, khi trời sáng, cái chết đã cận kề. Huấn Cao dường như không phải đang
viết mà là đang vẽ chữ, ông “dậm tô nét chữ” một cách ung dung, đĩnh đạc, không màng tất cả.
Thông thường, sáng tạo nghệ thuật là một việc thanh cao cần được diễn ra ở những nơi trang trọng,
thiêng liêng; nhưng không, lúc này đây, Huấn Cao lại đang viết chữ, cho chữ trong một căn buồng
tối tăm, chật hẹp, nhơ nhớp. Thủ pháp tương phản lại một lần nữa được Nguyễn Tuân sử dụng một
cách tài tình. Một bên là tử tù uy nghi, lồng lộng, một bên là quản ngục “khúm núm cất những đồng
tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu
mực…”. Những con người mâu thuẫn về giai cấp, lý tưởng lại bỗng dưng trở thành tri âm tri kỉ về
tinh thần. Họ chụm đầu lại, cùng nhau say sưa sáng tạo cái đẹp và thưởng thức cái đẹp. Dường như
giữa chốn ngục tù đầy rẫy những bạo tàn, bất công, phép tắc, kỉ cương đã bị đảo lộn, thế chủ động
không còn nằm trong tay những kẻ uy quyền thống trị mà thuộc về người tử tù. Chính lúc này đây,
cái đẹp đã thực sự toả ánh hào quang rực rỡ làm bừng sáng cả không gian. Cái hỗn độn, xô bồ của
nhà giam với cái thanh khiết của nền lụa trắng và những nét chữ đẹp đẽ. Nhà văn đã làm nổi bật
hình ảnh của Huấn Cao, tô đậm sự vươn lên thắng thế của ánh sáng so với bóng tối, cái đẹp so với
cái xấu và cái thiện so với cái ác. Vào lúc ấy, từ một quan hệ đối nghịch kì lạ: ngọn lửa của chính
nghĩa bùng cháy ở chốn ngục tù tối tăm, cái đẹp được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn… ở
đây, Nguyễn Tuân đã nêu bật chủ đề của tác phẩm: Cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, thiên lương
chiến thắng tội ác. Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện đầy ấn tượng.
Thiên lương đang lấn dần, đẩy lùi bóng tối, vươn lên làm kim chỉ nam soi sáng cho những
con người lầm đường, lạc bước. Huấn Cao từ tốn, chân thành: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy
Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét
chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người….Tôi bảo
thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái ghế này đi đã, rồi hãy
nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc
mất cái đời lương thiện đi”. Huấn Cao đã không còn giữ khoảng cách với Viên quản ngục, đã thực
sự xem Viên quản ngục là tri âm tri kỉ nên mới có những lời khuyên dốc từ tận đáy lòng đến vậy.
Sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên quản ngục từ bỏ chốn ngục tù nhơ bẩn: “đổi chỗ ở” để
có thể tiếp tục sở nguyện cao ý. Muốn chơi chữ phải giữ được thiên lương. Trong môi trường của
cái ác, cái đẹp khó có thể bền vững. Cái đẹp có thể nảy sinh từ chốn tối tăm, nhơ bẩn, từ môi trường
của cái ác (cho chữ trong tù) nhưng không thể chung sống với cái ác. Nguyễn Tuân nhắc đến thú
chơi chữ là môn nghệ thuật đòi hỏi sự cảm nhận không chỉ bằng thị giác mà còn cảm nhận bằng tâm
hồn. Người ta thưởng thức chữ không mấy ai thấy, cảm nhận mùi thơm của mực. Hãy biết tìm trong
mực trong chữ hương vị của thiên lương. Cái gốc của chữ chính là cái thiện và chơi chữ chính là thể
hiện cách sống có văn hóa. Không chỉ quan tâm, trân trọng thú chơi chữ thanh cao của Viên quản
ngục mà Huấn Cao còn chú ý đến cả lọ mực mà Viên quản ngục đem đến. “Thoi mực, thầy mua ở
đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?”. Câu nói nhẹ nhàng mà
đầy tinh tế làm cái đẹp không chỉ có sắc mà còn có hương thơm ngát. Trong cái buồng giam chật
hẹp, ẩm ướt, nhơ nhớp dường như chỉ còn lại mùi mực thơm tho – mùi của thiên lương trong sáng.
Vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Huấn Cao nói chung và lúc cho chữ nói riêng bỗng trở nên chói
sáng, rực rỡ nhất trong cái đêm đen tối tăm, không lối thoát của xã hội. Trước lời khuyên của người
tử tù, viên quản ngục xúc động “ vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ
vào kẽ miệng nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Bằng sức mạnh của một nhân cách cao cả
và tài năng xuất chúng, người tử tù đã hướng quản ngục đến một cuộc sống của cái thiện. Và trên
con đường đến với cái chết Huấn Cao gieo mầm cuộc sống cho những người lầm đường. Trong
khung cảnh đen tối của tù ngục, hình tượng Huấn Cao bỗng trở lên cao lớn là thường, vượt lên trên
những cái dung tục thấp hèn của thế giới xung quanh. Đồng thời thể hiện một niềm tin vững chắc
của con người: trong bất kì hoàn cảnh nào con người vẫn luôn khao khát hướng tới chân-thiện-mĩ.
Cảnh cho chữ đã khẳng định chiến thắng thuyết phục hoàn toàn của ánh sáng với bóng tối,
của cái đẹp với cái xấu, cái cao thượng với cái tầm thường, của cái cao quý, thanh khiết với sự nhơ
nhớp, bẩn thỉu, của cái thiện với cái ác. Đây thực sự là một bức tranh nghệ thuật sắc sảo nhằm tôn
vinh cái đẹp, cái thiện và nhất là nhân cách cao cả của con người. Đúng như Dostoevsky từng phát
biểu: “Cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp kém, cái đẹp nâng đỡ con người, cứu vớt
con người”. Thông qua cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân còn thể hiện được tinh thần dân tộc, qua đó ý
nhị bộc lộ một nỗi niềm yêu nước thầm kín. Tác giả như đau đớn cất lên khúc vãn ca cho một nét
đẹp văn hoá truyền thống từng “Vang bóng một thời” bỗng lụi tàn bởi thời cuộc, bởi sự thiếu hiểu
biết, thiếu ý thức của một đại bộ phận người trong xã hội.
Cái “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp
Nguyễn Tuân vung tay múa chữ rất điệu nghệ. Ông thoả sức thể hiện tài năng ngôn ngữ của mình
một cách sắc sảo, tuyệt đỉnh. Những lớp ngôn từ dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân thật đa dạng,
phong phú tạo nên nét cổ kính, trang trọng cần và đủ, vừa sống động, vừa tinh tế. Mỗi con chữ đảm
nhiệm một sức nặng riêng, có nhịp điệu riêng và giàu tính tạo hình, gợi cảm. Ngoài ra, nhà văn còn
sử dụng rất thành công thủ pháp tương phản, đối lập. Bút pháp tả thực của tác giả cũng đạt đến một
đỉnh cao nhất định. Cảnh cho chữ được tác giả miêu tả vừa ảm đạm, vừa hùng hồn khiến cả ba con
người xuất hiện ở đó: Huấn Cao, Viên quản ngục, thầy thơ lại bỗng trở thành những hình tượng độc
đáo, nổi bật.
Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ, tức là điều khiến ông quan tâm chỉ là
cái đẹp, là nghệ thuật. Nhưng qua truyện ngắn “ Chữ người tử tù” mà đặc biệt là cảnh cho chữ ta
càng thấy rằng nhận xét trên là hời hợt, thiếu chính xác. Đúng là trong truyện ngắn này, Nguyễn
Tuân ca ngợi cái đẹp nhưng cái đẹp bao giờ cũng gắn với cái thiện, thiên lương con người. Quan
điểm này đã bác bỏ định kiến về nghệ thuật trước cách mạng, Nguyễn Tuân là một nhà văn có tư
tưởng duy mĩ, theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Bên cạnh đó, truyện còn ca ngời viên quản
ngục và thầy thơ lại là những con người tuy sống trong môi trường độc ác xấu xa nhưng vẫn là
những “thanh âm trong trẻo” biết hướng tới cái thiện. Qua đó còn thể hiện tấm lòng yêu nước, căm
ghét bọn thống trị đương thời và thái độ trân trọng đối với những người có “thiên lương” trên cơ sở
đạo lí truyền thống của nhà văn.
Bằng nhịp điệu chậm rãi, câu văn giàu hình ảnh gợi liên tưởng đến một đoạn phim quay
chậm. Từng hình ảnh, từng động tác dần hiện lên dưới ngòi bút đậm chất điện ảnh của Nguyễn
Tuân: một buồng tối chật hẹp…hình ảnh con người “ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa
trắng tinh”, hình ảnh người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang viết chữ. Trình tự miêu tả cũng
thể hiện tư tưởng một cách rõ nét: từ bóng tối đến ánh sáng, từ hôi hám nhơ bẩn đến cái đẹp. Ngôn
ngữ, hình ảnh cổ kính cũng tạo không khí cho tác phẩm. Ngôn ngữ sử dụng nhiều từ hán việt để
miêu tả đối tượng là thú chơi chữ. Tác giả đã “phục chế” cái cổ xưa bằng kĩ thuật hiện đại như bút
pháp tả thực, phân tích tâm lí nhân vật. Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” đã kết tinh tài năng ,
sáng tạo và tư tưởng độc đáo của Nguyễn Tuân. Tác phẩm đã nói lên lòng ngưỡng vọng và tâm sự
nuối tiếc đối với những con người có tài hoa, nghĩa khí và nhân cách cao thượng. Đan xen vào đó
tác giả cũng kín đao bày tỏ cái đau xót chung cho cái đẹp chân chính, đích thực đang bị hủy hoại.
Tác phẩm góp một tiếng nói đầy tính nhân bản: Dù cuộc đời có đen tối vẫn còn có những tấm lòng
tỏa sáng.
KẾT BÀI:
Tóm lại, cảnh cho chữ đã làm nổi bật chủ đề của toàn bộ tác phẩm, khẳng định chân lý “ cái
đẹp cứu rỗi nhân loại” (Dostoevsky) và tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của tác giả. Bên cạnh đó,
“cảnh tượng xưa nay chưa từng có” còn cho thấy tài năng văn chương kiệt xuất của Nguyễn Tuân –
một nhà văn có phong cách rất độc đáo, tài hoa và uyên bác. Đoạn văn thể hiện được vốn hiểu biết
phong phú của ông về nét đẹp thư pháp – một nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc cần đựợc gìn
giữ và duy trì.
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT VIÊN QUẢN NGỤC
Khi tiếp cận và nghiên cứu tác phẩm “Chữ người tử tù” người đọc thường dành sự quan tâm
đặc biệt đến nhân vật Huấn Cao - bức tượng đài trung tâm của tác phẩm mà quên mất rằng có một
nhân vật góp phần không nhỏ làm nên giá trị độc đáo của thiên truyện ngắn này, đó chính là nhân
vật viên quản ngục.
Hai chữ quản ngục đã phần nào gợi lên đầy đủ nghề nghiệp về nhân vật đó là nghề cai tù,
nghề đại diện cho quyền lực phong kiến, đối lập với những con người tài hoa, khí phách như Huấn
Cao, đối lập với cái đẹp. Nghề nghiệp ấy cũng gợi lên một môi trường của gông cùm, xiềng xích,
tội ác. Nhân vật hàng ngày phải chứng kiến bao điều tàn nhẫn, lọc lừa ăn đời ở kiếp với bọn tiểu
nhân tử tốt. Cảnh sống ấy dễ làm cho con người bị chai sạn, dễ bị đẩy vào bùn nhơ của tội lỗi nhưng
ở quản ngục vẫn giữ được nhân cách tâm hồn. Cách ví von của Nguyễn Tuân thể hiện sự nhìn nhận
khám phá đề cao con người mang vẻ đẹp thiên lương nghệ sĩ, đó là một thanh âm trong trẻo chen
giữa vào bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ, là cái cao khiết giữa một đống cạn bã. Để làm
nổi bật thanh âm trong trẻo, cái cao khiết và đống cặn bã, nhà văn Nguyễn Tuân đã đi vào thể hiện
nhân vật quan ngục là con người bị ném vào môi trường xấu xa, tàn nhẫn nhưng vẫn giữ được thiên
lương.
Viên quản ngục là con người có thiên lương cao đẹp. Điều đó bộc lộ qua thái độ và cách ứng
xử của viên quản ngục đối với sáu người tử tù đặc biệt là đối với Huấn Cao. Khi nhận được phiến
trác, quản ngục hỏi thầy thơ lại: “Tôi nghe ngờ ngợ… Huấn Cao… hay là cái người mà cả tỉnh Sơn
Tây vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh rất đẹp đấy không?” Câu hỏi là sự thăm dò kín đáo, thận
trọng nhưng cũng chính là bộc lộ sự ngưỡng mộ, khâm phục, kính nể của quản ngục đối với tài
hoa, danh tiếng và khí phách của Huấn Cao.
Khi biết mình nắm trong tay sinh mệnh của Huấn Cao, quản ngục đã phải trải qua một cuộc
đấu tranh tư tưởng. Ông ngồi đó với khuôn mặt tư lự và suy nghĩ. Quản ngục hiểu rằng, ông là
người hành pháp phải làm việc theo bổn phận và chức trách mà chính quyền giao cho. Ông băn
khoăn, trăn trở không biết phải đối xử với Huấn Cao như thế nào. Bởi đó là một con người mà từ
lâu quản ngục đã mến mộ. Nguyễn Tuân đã dành những trang văn trang trọng, lên thơ miêu tả
khung cảnh đêm tối khi quản ngục suy ngẫm. Ngục quan đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Bộ
mặt tư lự, nhăn nheo, có một đời sống nội tâm sâu sắc, cả nghĩ. Hình ảnh ngục quan thao thức giữa
đêm khuya khi đĩa dầu sở đã "vợi lần mực dầu", lúc đầu thì "tư hỉ" càng vể khuya thì trên mặt ông
"chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ". Việc nhận tù sắp tới đã gây ra nhiêu
xao động ghê gớm trong tâm tư vị ngục quan này. Ông là một người từng trải, có "tính cách dịu
dàng" khác hẳn với những kẻ "sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc" trong chốn đề lao. Để tô đậm
nhân cách quản ngục, Nguyễn Tuân đã miêu tả thái độ khác thường của quản ngục khi tiếp đón sáu
người tử tù. Quản ngục tiếp đón bằng cặp mắt hiền lành và kính nể. Cái nhìn ấy, tấm lòng ấy đã ẩn
chứa một thái độ biệt nhỡn liên tài. Chính thái độ kiêng nể của quản ngục cho bon lính lấy làm lạ
nhắc quản ngục: “Xin thầy để tâm cho…”, quản ngục đã trả lời với bọn lính: “việc quan ta đã có
phép nước, các chú chớ nhiều lời”. Như vậy, Nguyễn Tuân đã khai thác yếu tố tương phản, đối lập
giữa một bên là bọn lính áp giải hung hăng, với một bên là ánh mắt hiền lành của viên quản ngục
để làm nổi bật: quản ngục tuy là đai diện cho quyền lực phong kiến nhưng ông không phải là hung
đồ với bàn tay vấy máu, ngược lại sống giữa bùn nhơ nhưng không bị hoen ố, vấy bẩn mà thực sự
là cái cao khiết giữa một đống cặn bã.
Ở nhân vật viên quản ngục, nhà văn không chỉ thể hiện vẻ đẹp nhân cách mà còn khám phá
và thể hiện vẻ đẹp của một con người có tâm hồn của một người nghệ sĩ. Theo cách giới thiệu của
nhà văn, viên quản ngục là một nhà nho, biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền và có một khát vọng
cháy lòng là xin được con chữ Huấn Cao, coi đó là vật báu. Nghĩa là đằng sau cái con người công
cụ của bộ máy trấn áp quyền lực phong kiến, nhân vật viên quản ngục còn là một con người có tâm
hồn nghệ sĩ, trân trọng cái đẹp, thưởng thức cái đẹp. Khi biết Huấn Cao trở thành người tù nơi trại
giam của mình, viên quản ngục khổ tâm nhất đó là có được Huấn Cao ở trong tay mà không làm
thế nào để tiếp cận được Huấn Cao. Đã nửa tháng tử tù Huấn Cao sống trong trại giam đã được
"biệt đãi" như một thượng khách. Trước mỗi bữa cơm tù, Huấn Cao được "dâng rượu với thức
nhắm" đó là "quà mọn" mà quản ngục "biếu" tử tù dùng cho "ấm bụng". Sự "biệt đãi" ấy đã thể
hiện thái độ tâm phục, "lòng biết giá người, trọng người ngay" của ngục quan đối với Huấn Cao.
Khi quản ngục tỏ ý biệt đãi Huấn Cao và Huấn Cao đã thể hiện thái độ khinh bạc nhưng quản ngục
không hề trả thù ngược lại ông còn “xin lĩnh ý” rất từ tốn và khiêm nhường. Trước tình huống ấy,
người nắm quyền uy trong tay rất bình tĩnh, không nổi trận lôi đình để trả thù, không giở trò tiểu
nhân thị oai. Ngục quan chỉ lui ra lễ phép với một câu: "Xin lĩnh ý", Huấn Cao và năm đồng chí
của ông vẫn được "biệt đãi", cơm rượu lại có phần "hậu hơn trước". Tại sao ngục quan lại xử sự
như thế? về vị thế, ông ta chỉ tự coi mình là "là kẻ tiểu lại giữ tù", còn Huấn Cao là một anh hùng
tài tử "chọc trời quấy nước", nổi danh trong thiên hạ về cái tài "viết chữ rất nhanh và rất đẹp". Vả
lại, quản ngục còn hi vọng chờ cho Huấn Cao "dịu bớt tính nết" để xin chữ. Nếu được tử tù cho
chữ thì ông ta "mãn nguyện". Qua đó, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật bao phẩm chất của ngục quan:
bình tĩnh, lễ độ, nhẫn nhục. Quản ngục đã lấy câu châm ngôn của cổ nhân để ứng xử: "Tiểu bất
nhẫn bất thành đại sự". Ngục quản không "lớn" vì uy quyền mà "đẹp" lở nhân cách, ở tâm thế của
một kẻ sĩ "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền". Và có lẽ, ông đã tự ý thức được khoảng cách xa vời
giữa người tử tù Huấn Cao với mình và ông hiểu được cái đẹp phải tự nguyện chứ không phải là
cưỡng bức bằng những mánh khoé tầm thường.
Ngục quan có một tâm hồn trong sáng thanh cao, biết trọng người tài, rất yêu thích cái đẹp.
Mặc dù đã "chọn nhầm nghề", nhưng thiết nghĩ trên cõi đời này đã có chúa ngục nào có "cái sở
nguyện" cao quý như ông? Cái ao ước của ông thật là thanh cao, thật là sang trọng. Ông ao ước là
có một ngày nào đó "được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết". Ông
say mê, ông khao khát vì "chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm". Với quản ngục thì có vinh hạnh
nào hơn nếu "có được chữ ông Huấn Cao mà treo, là có một háu vật trên đời". Vì thế, khi chưa xin
được chữ Huấn Cao thì ngục quan sống trong tâm trạng đầy bi kịch. Nỗi "khổ tâm" của ông là có
một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không dám "giáp lại mặt" vì ông cảm thấy
nhân cách tử tù "xa cách ông nhiều quá!". Hơn thế nữa, ông càng "khổ tâm" lo lắng, mai mốt đây,
Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ông "ân hận suốt đời". Có thể nói, đó
là một bi kịch cao quý được Nguyễn Tuân cảm nhận ở phương diện văn hoá nghệ thuật. Trước khi
ra pháp trường, qua lời viên thơ lại, Huấn Cao thấu hiểu nỗi lòng của quản ngục, đã nói: "Ta cảm
cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà
lại cố những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".
Nhân cách văn hoá cao quý của ngục quan đã làm Huấn Cao xúc động và quý trọng. Cảnh cho chữ
diễn ra trong phòng giam tử tù là sự kì ngộ giữa khách anh hùng tài tử với kẻ biệt nhỡn liên tài.
Trước cái đẹp của thư pháp, ngục quan đã trở thành tri âm, tri kỉ của tử tù. Ngục quan "khúm núm"
cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ... Ngục quan lắng nghe lời khuyên của tử tù "nên lui
về quê nhà" để giữ lấy thiên lương rồi hãy "nghĩ đến chuyện chơi chữ... Ngục quan vái tử tù một
vái và nói qua dòng nước mắt: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Tất cả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hổn
của ngục quan dưới ánh sáng của thư pháp và thiên lương.
Cảnh xin chữ là nơi kết đọng vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của quản ngục. Khi Huấn Cao viết
xong một chữ “viên quản ngục lại vội khúm núm”, sự khúm núm ấy không phải là nỗi sợ sệt tầm
thường mà là cảm kích tột cùng trước một nhân cách lớn, tài năng lớn. Khi nghe những lời khuyên
chân thành của Huấn Cao, quản ngục đã cảm động “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà
dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào, kẻ mê muội này xin bãi lĩnh”. Đây không
phải là cái cúi đầu đớn hèn, nhục nhã mà cái cúi đầu này khiến quản ngục trở nên lớn lao, cao cả
bởi cúi đầu trước cái đẹp thì đó cũng là hành động đẹp. Phải chăng cái cúi đầu ấy như cái cúi đầu
của Cao Bá Quát thuở nào: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”? Bên cạnh cái cúi lậy cao cả đó là giọt
nước mắt của tâm hồn nghệ sĩ biết yêu, biết trân trọng đến xót xa ngậm ngùi, nuối tiếc cho cái đẹp.
Hình tượng viên quản ngục dẫu chỉ là một nhân vật phụ, là sự hoà quyện giữa nhân cách cao đẹp
và tâm hồn người nghệ sĩ. Có thể ví, cuộc đời của viên quản ngục giống như một bông sen vươn
dậy từ bùn lầy. Một đời cầm bút Nguyễn Tuân trong hành trình đi tìm cái đẹp và ông luôn cảm
kích, ngợi ca những con người tài hoa nghệ sĩ trong bất cứ nghề gì và hình tượng viên quản ngục là
một nhân vật như thế.
Hình ảnh quản ngục là một trong những thành công của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật miêu
tả và xây dựng nhân vật ở phương diện tài hoa độc đáo của nghệ sĩ bậc thầy. Từ ngoại hình, ngôn
ngữ, tâm tư tình cảm đến cử chỉ, hành động của ngục quan đã được Nguyễn Tuân miêu tả với tất
cả sự chắt lọc của một ngòi bút tài hoa, đã làm hiện lên một con người có cốt cách rất đẹp: "Nhất
sinh đê thủ bái mai hoa", biết yêu cái đẹp với một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

You might also like