You are on page 1of 4

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

Nguyễn Tuân
I. TÌM HIỂU CHUNG:
1. TÁC GIẢ:
- Nguyễn Tuân (1910 – 1987), quê ở Hà Nội.
- Trước Cách mạng: Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn tiêu biểu.
- Sau Cách mạng: Nguyễn Tuân hăng hái “lột xác” từ bỏ cái cũ để trở thành một người
nghệ sĩ công dân gắn bó với sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút phục vụ kháng chiến vĩ
đại vủa dân tộc.
- Sở trường: thể loại tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao.
 Nguyễn Tuân đem đến nền văn học hiện đại Việt Nam một phong cách tài hoa, độc
đáo.
- Tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời, Tùy bút sông Đà, Tùy bút kháng chiến, Hà
Nội ta đánh Mĩ giỏi…
2. TÁC PHẨM:
a. Xuất xứ:
Tác phẩm được in trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, lúc đầu có tên: “Dòng chữ cuối cùng”.
Khi in trong tập “Vang bóng một thời” – Một tập truyện gồm 11 truyện ngắn tiêu biểu,
nổi tiếng trước CMT8 – đổi thành “Chữ người tử tù”.
b. Tóm tắt:
Huấn Cao là một nhà nho tài hoa (có tài viết chữ đẹp). Ông tham gia khởi nghĩa
chống lại triều đình phong kiến, bị bắt giam, chờ ngày ra pháp trường. Tại trại giam tỉnh
Sơn, Huấn Cao được viên quản ngục và thầy thơ lại (những người rất yêu mến tài năng
của của Huấn Cao) đối đãi rất hậu hĩnh. Huấn Cao thì tỏ ra khinh bạc, không sợ cường
quyền, vẫn ung dung sống những ngày cuối đời. Khi viên quản ngục nhận được tin ngày
xử tử Huấn Cao đã tới gần, ông lo lắng, bày tỏ ước nguyện có được chữ của Huấn Cao
để treo trong nhà. Thầy thơ lại cho Huấn Cao biết sở nguyện cao quý của viên quản
ngục, Huấn Cao xúc động trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục nên đã
nhận lời cho chữ. Đêm trước ngày Huấn Cao bị xử tử, ở trong nhà lao tỉnh Sơn đã diễn
ra một “cảnh tượng xua nay chưa từng có”, đó là cảnh Huấn Cao – một tử tù “cổ đeo
gông, chân vướng xiềng” đang thỏa chí phóng từng nét bút trên tấm lụa trắng, bên cạnh
là viên quản ngục và thầy thơ lại “run rẩy”, “khúm núm”. Sau khi viết chữ, Huấn Cao
đã khuyên hai người nên thay chốn ở rồi hãy nghĩ đến chuyện “chơi chữ”, ở đây (nhà
ngục) sẽ nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi. Những lời khuyên đó của Huấn Cao đã
làm viên quản ngục nghẹn ngào “xin bái lĩnh”.
c. Chủ đề:
Qua nhân vật Huấn Cao, tác giả ca ngợi những con người tài hoa, có nhân cách và
gửi gắm lòng yêu nước một cách kín đáo.
II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:
1. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT HUẤN CAO:
* TÌNH HUỐNG TRUYỆN:
Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao – một người tù có tài viết chữ đẹp với viên quản ngục –
một viên quan trông coi nhà ngục nhưng lại yêu cái đẹp. Tình huống oái oăm, độc đáo
góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Xét về bình diện
xã hội thì hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục thì đối lập nhau, nhưng xét về bình diện
nghệ thuật thì hai nhân vật này là tri âm, tri kỉ với nhau.
a. Huấn Cao là người có tài viết chữ đẹp (thư pháp):
Dưới thời Hán học, nghệ thuật thư pháp rất thịnh hành. Chữ Hán là văn tự khối
vuông, được viết bằng bút lông mềm mại, khi viết chữ khéo thì sẽ tạo nên những bức
tranh chữ rất đẹp và bức tranh chữ được xem là có giá trị ở chỗ không chỉ thể hiện cái
nét đẹp của chữ mà nó còn thể hiện được cái sâu của nghĩa (thấy được tài năng, khí
phách, khí chất, lí tưởng của người viết). Ngày xưa người ta rất quý những bức tranh chữ
đẹp nên ngta cũng trân trọng người viết chữ đẹp ấy.
- Cái tài được thể hiện gián tiếp qua lời nói, thái độ, hành động trầm trồ, ngưỡng mộ của
thầy trò quản ngục:
+ Huấn Cao viết chữ đẹp nổi tiếng cả một vùng rộng lớn (“cả vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen
cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”).
+ Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng “cái tên nghe quen quen, thấy nhiều
người vẫn nhắc đến”, “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”.
+ Cái tài ấy đem đến sự khao khát cho người đời: ai cũng mong muốn có được chữ ông
Huấn Cao để treo trong nhà mình, mong ước đó thể hiện cháy bỏng, khao khát hơn ở viên
quản ngục: “Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu ở trên đời”.
+ Cái tài của Huấn Cao còn được nể trọng: thể hiện qua thái độ của viên quản ngục đối
với Huấn Cao: “lòng kiêng nể tuy cố giữ kín đáo mà đã quá rõ rồi”, “nhìn sáu tên tù mới
vào với cặp mắt hiền lành”, “biệt nhỡn liên tài”, hành động biệt đãi dâng rượu và đồ ăn
cho Huấn Cao và bạn của Huấn Cao, đến tận phòng giam Huấn Cao “có cần gì cứ nói tôi
sẽ cố gắng chu tất”  bất chấp sự an nguy của tính mạng.
- Cái tài còn được biểu hiện qua lời nói, hành động của Huấn Cao:
+ “Chữ ta thì quý thực”.
+ Trong tư thế cổ đeo gông, chân vướng xiềng, ông vẫn cho chữ và viết chữ đẹp.
 Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa.
=> Ca ngợi tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm, tư tưởng và nghệ
thuật của mình: Kính trọng và ngưỡng mộ những bậc tài hoa, trân trọng nghệ thuật
thư pháp cổ truyền của cha ông.
b. Huấn Cao là người có khí phách hiên ngang:
Huấn Cao là người cầm đầu, lãnh đạo người dân tham gia khởi nghĩa chống lại
triều đình. Mặc dù chí lớn không thành nhưng ông vẫn thể hiện sự oai phong của mình
giữa chốn ngục tù.
- Bình thản dỗ gông trước mặt ngục quan và bọn lính áp giải. Trước lời đe dọa của một
tên lính tù, “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang
gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái... Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh
nhạt lấm tấm những điểm nâu đen”.
- Khi quản ngục vào buồng giam khép nép hỏi, Huấn Cao khinh miệt, xua đuổi quản
ngục: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào
đây.” Điều này chứng tỏ Huấn Cao không bao giờ cúi đầu trước cường quyền bạo lực.
- Trong cảnh ngộ giam cầm nhưng ông vẫn “Thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là
việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”.
- Huấn Cao đón nhận tin ra pháp trường một cách bình thản cho thấy phong thái ung
dung, xem nhẹ cái chết.
=> Hình tượng nhân vật Huấn Cao mang khí phách hiên ngang của một anh hùng.
c. Huấn Cao là người có nhân cách cao đẹp:
Cả một đời, Huấn Cao luôn có ý thức giữ gìn bản tính tốt đẹp của con người do
trời phú, tiền tài danh vọng không làm ông thay đổi. Ông luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh:
“Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đố”. Huấn Cao là
người luôn ý thức gìn giữ thiên lương.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục, Huấn Cao tỏ thái độ coi thường, khinh bạc.: “Ta
chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
- Khi nhận rõ sở nguyện của ngục quan là một người sống nơi tăm tối nhưng vẫn giữ
được “thiên lương”, một người “có sở thích cao quý” có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”,
Huấn Cao ngạc nhiên, xúc động, ân hận chân thành: “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một
tấm lòng trong thiên hạ” nên ông đã nhận lời cho chữ.
- Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên quản ngục những lời tâm huyết có giá trị cảm
hóa.
 Ở nhân vật Huấn Cao toát lên vẻ đẹp thiên lương trong sáng, trọng tình nghĩa.
 Huấn Cao là một hình tượng nhân vật lí tưởng, lãng mạn có đủ phẩm chất: TÀI -
TÂM - DŨNG. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng nghệ thuật thư pháp của dân tộc.
2. NHÂN VẬT VIÊN QUẢN NGỤC:
- Tuy không phải là nghệ sĩ, không làm nghệ thuật, lại chọn nghề tiểu lại giữ tù, nhưng
viên quản ngục là người có tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt ham mê thư pháp, biết trọng, biết
quý cái đẹp, quý trọng người tài.
- Say mê cái đẹp, kính trọng tài hoa, nhân cách anh hùng của Huấn Cao.
- Biệt đãi Huấn Cao  Bất chấp pháp luật, bất chấp hiểm nguy để xin chữ tử tù, biến tử
tù thành thần tượng để tôn thờ.
- Trước thái độ khinh bạc, cao ngạo của Huấn Cao, ông vẫn chân thành, cung kính.
- Quản ngục tự biết thân phận thấp kém của mình trước mắt Huấn Cao.
- Trước lời khuyên đầy tâm huyết của Huấn Cao, quản ngục khúm núm, dòng nước mắt
ứa ra theo câu nói cuối cùng với Huấn Cao thể hiện sự thức tỉnh muộn màng vì sự lầm
lẫn khi chọn nghề.  Nhân cách của quản ngục được nâng cao, đáng trọng hơn.
 Là một người có nhân cách, trọng thiên lương, “một âm thanh trong trẻo chen vào
giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
3. CẢNH CHO CHỮ:
Cảnh cho chữ được nhà văn đánh giá là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng
có” bởi vì:
- Thời gian diễn ra cảnh cho chữ là vào lúc đêm khuya “chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên
vọng canh”.
- Không gian là ở phòng giam “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện,
đất bừa bãi phân chuột, phân gián.”
- Nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản để miêu tả cảnh cho
chữ kì lạ, “xưa nay chưa từng có”:
+ Việc cho chữ là một việc làm thanh cao, là sự sáng tạo nghệ thuật với mực thơm, giấy
trắng thường diễn ra ở thư phòng nhưng giờ lại diễn ra nơi buồng tối, ẩm thấp, tường đầy
mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, là cái nơi mà xưa nay chỉ tồn tại cái xấu
cái ác chứ không phải là nơi sinh ra cái đẹp.
+ Hình ảnh kì vĩ của người cho chữ, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang ung dung
phóng bút tô những nét chữ trên tấm lụa bạch như một nghệ sĩ hoàn toàn tự do. Viên
quản ngục khúm núm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, chắp tay vái người tử tù:
“Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Còn thầy thơ lại: “run run bưng chậu mực”.
 Trật tự kỉ cương thông thường đã bị đảo lộn, một người tử tù trở thành người nghệ sĩ
ban phát cái đẹp, răn dạy ngục quan; còn ngục quan thì khúm núm vái lạy tù nhân, là
người thưởng thức cái đẹp.
=> Qua cảnh cho chữ, Cái Xấu, cái Ác bị khuất phục trước cái Đẹp, cái Thiện. Trật tự
nhà tù bị đảo lộn, cái Đẹp đã lên ngôi.
* Ý nghĩa lời khuyên:
- Cái Đẹp có thể sinh ra từ đất chết những không thể tồn tại và sống chung với cái Ác.
- Cái Đẹp, cái Thiện sẽ chiến thắng cái Xấu, cái Ác.
- Muốn tôn thờ cái Đẹp trước hết con người phải lương thiện.
 Quan niệm của Nguyễn Tuân: Cái Tài phải đi đôi với cái Tâm; Cái Đẹp và cái
Thiện không thể tách rời nhau.
III. TỔNG KẾT:
 NGHỆ THUẬT:
- Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống
truyện độc đáo, sáng tạo.
- Trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật bằng bút pháp lãng mạn, tạo
không khí cổ kính, trang trọng.
- Trong việc sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, giàu tính tạo hình và bút pháp đối lập.
 NỘI DUNG:
- Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng
nhân vật Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên
ngang, bất khuất.
- Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc
lộ lòng yêu nước thầm kín.

You might also like