You are on page 1of 5

DÀN Ý PHÂN TÍCH VỀ CẢNH CHO CHỮ TRONG

TÁC PHẨM “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” (NGUYỄN TUÂN)

A. LƯU Ý CHUNG
- Sau đây là những gợi ý của cá nhân cô, các em có thể có những cách triển khai khác
miễn sao hợp lí, thuyết phục. Ngoài ra các em cần bổ sung thêm lời văn của mình, chất
riêng của bản thân để làm nên bài viết tâm huyết của chính các em.
- Dạng đề: Phân tích một chi tiết trong tác phẩm văn học
Với dạng đề này các em chú ý làm nổi bật được một số nội dung sau:
+ Những thông tin chung về chi tiết: Vị trí? Xảy ra như nào? Nguyên nhân? Diễn
biến?...
+ Ý nghĩa xây dựng chi tiết: Việc nhà văn xây dựng nên chi tiết đó để làm gì? Chi tiết
góp phần như nào trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?...
+ Đánh giá chung về nội dung cần làm rõ: Vai trò/Ý nghĩa của chi tiết trong việc biểu
hiện nội dung, tư tưởng của tác giả, tác phẩm (qua chi tiết, tác giả muốn gửi gắm quan
điểm, thông điệp gì?); => Mở rộng bàn về giá trị của tác phẩm. Có thể so sánh chi tiết
này/tác phẩm này với chi tiết khác/tác phẩm khác để làm rõ điểm độc đáo, sáng tạo…
+ Đánh giá chung về nghệ thuật: tập trung vào nghệ thuật xây dựng chi tiết chứ
không phải nghệ thuật chung chung của tác phẩm (dù có nhiều điểm tương đồng)

B. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN CỤ THỂ


NỘI DUNG
I. Mở bài: Có thể sử dụng cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp, tuy nhiên cần đảm
bảo một số thông tin sau:
- Giới thiệu rất sơ bộ về tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt, giới thiệu về cảnh cho chữ; khẳng định đây là cảnh tượng đẹp nhất trong tác
phẩm, tập trung thể hiện quan điểm nghệ thuật của nhà văn.
II. Thân bài
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Tuân (vài nét về cuộc đời, sự nghiệp), gợi
ý:
- Là một trong số nhà văn nổi bật của văn học hiện đại Việt Nam
- Phong cách sáng tác: tiếp cận, miêu tả thế giới ở phương diện văn hóa thẩm mỹ và
con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ
- Những sáng tác của Nguyễn Tuân có sự thay đổi trước và sau Cách mạng.
2. Giới thiệu ngắn gọn về tập truyện Vang bóng một thời và truyện ngắn Chữ
người tử tù, vấn đề nghị luận gợi ý:
- Tập truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Tuân, kết tinh tài năng và cho thấy phong cách
nghệ thuật rõ nét của nhà văn
- Xuất bản năm 1940, là tập truyện ngắn gồm nhiều tác phẩm viết về thời đã qua nay
chỉ còn vang bóng.
- “Chữ người tử tù” là áng văn đặc sắc trong tập truyện, nổi bật là cảnh cho chữ – một
cảnh tượng xưa nay chưa từng có, Nguyễn tuân xây dựng để lồng ghép quan niệm về
cái đẹp của nhà văn.
3. Giới thiệu khái quát về vị trí, nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến việc cho chữ của
Huấn Cao:
- Vị trí: nằm ở cuối thiên truyện.
- Tái hiện lại sơ bộ tình huống, hoàn cảnh dẫn tới chi tiết: Khi Huấn Cao đã hiểu ra tấm
lòng của viên quản ngục, cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục
Huấn Cao đã thay đổi thái độ của mình, không còn “khinh bạc đến điều” nữa mà đồng
ý tặng chữ cho quản ngục để thể hiện sự trân trọng đối với “một tấm lòng trong thiên
hạ”
=> Cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” đã diễn ra giữa chốn lao tù.
=> Trong “Chữ người tử tù”, cảnh cho chữ là chi tiết nghệ thuật đắt giá, “hạt bụi
vàng” của tác phẩm, làm nổi bật phẩm chất, tính cách nhân vật, kết tinh tài năng và tư
tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
4. Phân tích chi tiết qua luận điểm
4.1. Cảnh cho chữ diễn ra trong một không gian, thời gian đặc biệt, “chưa từng
có”
- Thời gian đặc biệt: Đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải vào kinh để chịu án tử
hình.
+ Không gian đặc biệt: giữa chốn lao tù, “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt,
tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.
=> Nghệ thuật đáng lí phải được sinh ra trong không gian của cái đẹp, của sự tao nhã,
trong khoảng thời gian mà người nghệ sĩ thư thái, thảnh thơi >< Cái đẹp trong cảnh cho
chữ ở tác phẩm lại ra đời vào thời khắc cuối cùng của sự sống, trước khi người nghệ sĩ
đối mặt với cái chết và trong không gian tăm tối, bẩn thỉu của nhà giam, nơi cái ác, cái
xấu ngự trị; là nơi “ăn đời ở kiếp” của “một đống cặn bã”, “lũ quay quắt”.
=> Đây không phải là không gian, thời gian phù hợp cho hoạt động sáng tạo nghệ
thuật.
4.2. Sự hoán đổi vị thế “chưa từng có” giữa các nhân vật
- Người cho chữ:
+ Về vị trí xã hội: Là kẻ tử tù, chỉ sáng mai thôi sẽ phải về kinh chịu án tử
+ Tư thế: “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” => Tư thế bị giam cầm, gò bó, không được
tự do.
=> Người cho chữ ấy không phải là một văn nhân, nho sĩ, không phải những tao nhân
mặc khách bụng đầy chữ nghĩa trong tư thế ung dung, thư thái để sáng tạo nghệ thuật
mà đó là một người tù, cổ phải đeo gông, chân thì vướng xiềng xích. Nguyễn Tuân đã
rất tinh tế khi giữ nguyên tư thế giam cầm của Huấn Cao khi sáng tạo để làm nổi bật vẻ
đẹp của nhân vật, chính là tinh thần tự do, bay bổng, vượt thoát khỏi sự cầm tù của thể
xác: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” (Hồ Chí Minh)
- Người xin chữ:
+ Về vị trí xã hội: Là quản ngục, đứng đầu nhà giam, là người đại diện cho tầng lớp
thống trị, duy trì thiết chế, trật tự của xã hội.
+ Tư thế: Khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng
(còn thầy thơ lại thì run run, bưng chậu mực)

=> Có sự thay bậc đổi ngôi giữa các nhân vật: Nếu như xết về quan hệ xã hội, quản
ngục là bậc bề trên, nắm quyền hành còn Huấn Cao là tên tử tù, kẻ bề dưới. Ấy vậy mà,
trong giây phút này, kẻ tử tù lại vươn mình lên mạnh mẽ trở thành hình tượng cao đẹp,
lớn lao của người nghệ sĩ trao tặng cái đẹp còn viên quản ngục lại nhỏ bé, khiêm
nhường trong tâm thế sùng kính, trân trọng của người ngưỡng mộ được thụ hưởng cái
đẹp.
=> Trong khoảnh khắc ấy, không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại
mà chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng
kính của những kẻ liên tài; không còn trật tự cao thấp tầm thường của vị thế xã hội mà
chỉ còn cái đẹp, cái thiện lên ngôi.
=> Cảnh cho chữ thành biểu tượng cho sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối,
của cái đẹp cái cao cả đối với cái phàm tục, dơ bẩn.
4.3. Sức mạnh cảm hoá chưa từng có
- Huấn Cao không chỉ tặng cho viên quản ngục “một bức lụa trắng với những nét chữ
vuông tươi tắn nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”, hoàn
thành sở nguyện bấy lâu của ông mà còn tặng cho quản ngục lời khuyên “thầy Quản
nên thay chốn ở đi”, “tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi
hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng
đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.”
=> Lời khuyên không phải là lời phán truyền của một kẻ bề trên mà là những lời tâm
can, chân thành đối với một người tri âm tri kỉ.
- Khép lại tác phẩm là hình ảnh ngục quan khúm núm, cảm động, “vái người tù một
vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ
mê muôi này xin bái lĩnh”
=> Viên quản ngục đã được cảm hoá bới cái đẹp và nhân cách cao thượng của Huấn
Cao.
=> Như chính GS. Nguyễn Đăng Mạnh từng viết: “Có những cái cúi đầu khiến cho
con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho người ta đê tiện. Nhưng
cũng có cái cúi đầu bỗng làm cho con người ta trở nên cao cả, lớn lao, lẫm liệt, sang
trọng hơn. Đó là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp và thiên lương”. Hay như V.Hugo
từng tâm niệm: “Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu. Trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ
gối”.Cái vái lạy của quản ngục không phải là cái vái lạy của sự luồn cúi, đê hèn mà cái
vái lạy của sự thức tỉnh, thôi thúc, trỗi dậy của thiên lương.
Tác phẩm khép lại ở đây, nhưng người đọc hoàn toàn có thể tin rằng sau những lời
khuyên ấy, viên quản ngục sẽ bỏ cái chốn tù giam “hỗn loạn xô bồ” về quên ở để “giữ
thiên lương cho lành vững”.
=> Cảnh cho chữ không chỉ là một nghi thức thiêng liêng của cái Đẹp mà còn là
khoảnh khắc cao cả của cái Thiện lên ngôi.
4.4. Cảnh cho chữ đã kết tinh, làm toả sáng vẻ đẹp của nhân vật
- Huấn Cao
+ Tài hoa nghệ sĩ: không còn là những lời đồn đại mà những nét chữ quý giá và hiếm
hoi của Huấn Cao đang dần hiện ra trên tấm lụa trắng tinh.
+ Khí phách: sớm mai đã phải vào kinh chịu án, chỉ còn một đêm cuối, nhưng Huấn
Cao vẫn bình thản đến lạ lùng. Ông ngạo nghễ sống và cũng hiên ngang chấp nhận cái
chết như một người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất”, đứng trên những thế lực
tàn bạo, những giả dối xấu xa của xã hội đương thời.
+ Thiên lương:
 Khi nhận ra được “một tấm lòng trong thiên hạ”, hiểu được “sở thích cao quý” của
viên quản ngục, Huấn Cao đã nhận lời cho chữ trong hoàn cảnh éo le.
 Đưa ra những lời khuyên chân thành tận đáy lòng đối với quản ngục.
- Quản ngục
+ Tấm lòng nghệ sĩ: Ngục quan thể hiện thái độ sùng kính, ngưỡng mộ không giấu
giếm trước sự ra đời của cái đẹp: “chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần
hồ”, “người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng
tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”.
+ Khí phách: dám tổ chức một đêm cho chữ - xin chữ ngay tại phòng biệt giam của tử
tù vào thời điểm hết sức đặc biệt – đêm cuối cùng của người tử tù.
+ Thiên lương: Viên quản ngục đã được cảm hoá bới cái đẹp và nhân cách cao thượng
của Huấn Cao. Tấm lòng sẵn sàng hướng thiện, phục thiện của ngục quan.
5. Đánh giá chung
5.1. Đánh giá chung về nội dung
- Khẳng định lại ý nghĩa của cảnh cho chữ đã trình bày ở trên:
Là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, làm nổi bật vẻ đẹp và phẩm chất nhân vật và
kết tinh tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
- Qua cảnh cho chữ, tác giả muốn thể hiện điều gì?
+ Nguyễn Tuân thể hiện quan điểm mới mẻ, tiến bộ về cái đẹp: Cái đẹp có thể được
sản sinh và tồn tại ở bất kì đâu, cho dù đó là môi trường của cái ác, cái xấu. Qua cảnh
cho chữ, nhà văn thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu xa, của
cái thiện trước cái ác. Cái đẹp phải gắn liền với cái thiện, những người yêu và thưởng
thức cái đẹp trước tiên phải có một thiên lương, có cái tâm trong sáng.
+ Thể hiện sự trân trọng của Nguyễn Tuân với nghệ thuật thư pháp truyền thống của
dân tộc => Bộc lộ lòng yêu nước thầm kín.
5.2. Đánh giá chung về nghệ thuật xây dựng cảnh cho chữ
- Bút pháp lãng mạn với thủ pháp đối lập được sử dụng triệt để (giữa ánh sáng và bóng
tối, giữa vị thế của các nhân vật)
- Nghệ thuật sử dụng hệ thống ngôn ngữ truyền thống điển hình, làm tăng thêm không
khí trang trọng, vẻ đẹp của một thời vang bóng đã qua.
- Thể hiện sự am tường, tài hoa của Nguyễn Tuân khi vận dụng tri thức trong hội hoạ,
điện ảnh để tái hiện cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”
=> Mang đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật tài hoa Nguyễn Tuân, một người nghệ
sĩ “suốt đời đi tìm cái đẹp”
III. Kết bài
- Nêu khái quát lại những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân đối với cảnh cho chữ trong
tác phẩm. (đây chỉ là một gợi ý) “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”
(Pauxtopxki) => Cảnh cho chữ cũng chính là hạt “bụi vàng” lấp lánh giàu giá trị nghệ
thuật làm nên sự thành công cho tuyệt bút “Chữ người tử tù”.
- Khẳng định tài năng và tấm lòng của tác giả Nguyễn Tuân, khẳng định sức sống lâu
bền của tác phẩm.

You might also like