You are on page 1of 3

 Có ai ghé miền Trung mùa nước lũ?

 Mắt chỉ nhìn cũng đủ khóc thương rồi

 Vật, cây, lá, nhà khắp nơi trôi nổi

 Người chết chìm vô tội lắm… Trời ơi!

Những câu thơ trên đã nói lên sự ác liệt, cảnh tượng kinh hoàng sau trận lũ lụt lịch sử
chưa từng thấy tại TP. Đà Nẵng vào ngày 14/10 – một ngày từng vốn không có gì đặc
biệt đối tôi, nhưng bây giờ, nó sẽ là một kỷ niệm khắc sâu vào trí nhớ mà tôi không thể
nào quên. Bởi vì vào ngày này, gia đình tôi đã nợ chị hàng xóm – Ly – một món nợ ân
tình khó trả.

Chị Ly là một cô gái mới chuyển vào khu phố tôi sinh sống vào mấy tháng trước. Khi chị
chuyển vào, đã có những lời đồn đoán không mấy tốt đẹp xung quanh chị mà tôi đã được
nghe kể, tất cả bởi vì trên người chị chằng chịt những hình xăm; trên môi và mũi của chị
lại có xỏ khuyên. Hầu hết mọi người trong xóm tôi đều quan niệm rằng xăm mình và đeo
khuyên ở mũi, hay môi, lông mày,... chỉ dành cho những kẻ ngoài rìa xã hội, không giang
hồ hiểm ác thì cũng nghiện ngập cờ bạc. Vì vậy ai cũng xa lánh kì thị chị, trong đó có cả
gia đình tôi. Mẹ tôi cũng thường hay nhắc nhở tôi phải tránh xa chị ấy bằng giọng điệu lo
lắng, bất an, mỗi lần như thế tôi thường « Dạ » thật to để mẹ yên lòng. Và thậm chí có
những lúc ba mẹ tôi còn bàn bạc về chuyện chuyển nhà vì sợ chị em tôi sẽ bị ảnh hưởng.
Thế nhưng đã xảy ra một chuyện khiến những quan niệm sai lệch và nỗi sợ của gia đình
tôi về con người chị Ly đã hoàn toàn biến mất.

Tôi vẫn còn nhớ như in đó là vào ngày 14/10 một ngày đáng lẽ không có gì đặc biệt,
nhưng nó lại trở thành một ngày khắc sâu trong tâm khảm của tôi. Hôm đó vào buổi
chiều, nước mưa bất ngờ dâng lên và tràn vào nhà tôi. Lúc đó mẹ, em trai và tôi đang ở
trong nhà và vẫn dửng dưng di chuyển 1 số đồ đạc mà không hề hay biết rằng chỉ trong
một khoảng thời gian ngắn nữa thôi những chuyện kinh khủng sẽ xảy đến với gia đình tôi
bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ sau, nước mưa đã dâng cao lên đến tận hông của một
người trưởng thành. Nhà tôi chỉ có 1 tầng, lúc này mẹ tôi thì cuống quýt gọi điện cho
hàng xóm nhờ giúp đỡ vì không biết phải làm thế nào, ba tôi thì đi công tác ở tận Quảng
Ninh. Nhưng thật bất hạnh thay, khu phố nhà tôi bị tạm ngừng cấp điện vì lí do an toàn,
những cuộc gọi, tin nhắn của mẹ tôi truyền đi trong vô vọng. Em trai tôi sức khỏe vốn
không tốt, lại thêm thấm nước mưa khá lâu, đã có dấu hiệu sốt cao. Mẹ tôi lúc bấy giờ chỉ
có thể cầu nguyện cho nước lũ đừng dâng cao nữa, và chăm sóc cho em trai tôi. Hốc mắt
mẹ lúc đó đỏ hoe, hai bờ mi đã sưng mọng. Chắc mẹ giận bản thân lắm, vì đã không suy
nghĩ chu toàn, nhưng giờ hối hận cũng đã muộn. Ông trời có lẽ không nghe được lời ước
nguyện của mẹ con tôi, mưa vẫn xối xả, nước lũ vẫn dâng cao, niềm tin của mẹ và tôi dần
vụt tắt. Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất đó, chị Ly đã xuất hiện. Thế đấy, vị cứu tinh của
mẹ con tôi, chỉ với một chiếc áo mưa mỏng dính sát vào người, những sợi tóc tán loạn
trên khuôn mặt, đôi môi tái nhợt vì lạnh, đã không quản ngại dòng nước lũ chảy xiếc và
buốt giá, lội nước một quãng đường gần 20m để đến nhà tôi. Tôi chẳng thể nào hình
dung ra được cảm giác mừng rỡ biểu hiện rõ trên gương mặt của mẹ con tôi lúc đó. Chị
khó nhọc bước từng bước vào nhà, vươn cánh tay nhỏ nhắn của mình cho mẹ con tôi, vẫn
giọng nói quen thuộc ấy vang lên: » Cô có muốn qua nhà con ở tạm một đêm không ạ? »
chị Ly hỏi. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt và gật đầu đồng ý. Nhưng rồi lại phát sinh ra một
điểu ngoài ý muốn nữa, đó là chân tay em trai tôi quá yếu, không thể tự đi được vì em
đang sốt nhẹ. Mẹ tôi lại không đủ sức để cõng em tôi, thế là chị Ly đã đề nghị giúp đỡ.
Ban đầu mẹ tôi vẫn còn ái ngại vì thân hình chị dù cao ráo nhưng rất mảnh mai, và rằng
mẹ tôi vẫn chưa tin tưởng chị lắm. Nhưng nước lũ lại dâng cao thêm với tốc độ mà mắt
thường có thể thấy được đã khiến mẹ tôi không còn sự lựa chọn. Lúc bế em tôi đặt lên
lưng chị ấy, tay mẹ tôi run run. Có lẽ cảm nhận được sự lo lắng của mẹ, chị Ly nhìn mẹ
tôi với đôi mắt sáng ngời đáng tin cậy và nói: » Cô cứ tin vào cháu! ». Và rồi 4 người
chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình gian khổ qua nhà chị Ly trú nhờ. Thoạt đầu mọi chuyện
khá suôn sẻ, nhưng càng đi, nước lũ dường như chảy siết hơn. Mẹ và tôi đi một mình đã
khó, chị Ly lại cõng thêm em trai tôi, tất nhiên lại càng khổ cực bội phần. Tiếng mưa to
như vậy nhưng dường như tôi vẫn nghe tiếng tim mình đang đập liên hồi... May mắn thay
mẹ con tôi và chị Ly đã đến nơi an toàn. Nhưng chị không vào nhà ngay mà còn qua nhà
một số hộ gia đình cũng đang gặp khó khăn khác trong khu phố tôi để giúp đỡ. Khi đã
chắc chắn không còn ai bị bỏ lại, chị Ly trở về nhà. Ánh đèn sáng trong nhà đã chiếu rõ
vết thương dài chói mắt rướm máu trên cánh tay của chị. Mọi người trong xóm tôi đều
thấy xót xa và đau lòng, vội tìm bộ sơ cứu băng bó cho chị. Thấy vậy chị chỉ cười, nói: »
Không sao đâu ạ, chỉ là vết thương nhỏ thôi, vả lại cháu cũng không đau lắm, chắc là có
gì đó xước qua thôi ạ ». Sau khi sơ cứu vết thương cho chị, mẹ tôi mới ngập ngừng hỏi :
» Vì sao cháu lại đối xử với xóm cô tốt như thế, trước đây mọi người chỉ toàn xa lánh
cháu...». Chị Ly đáp: » Xóm mình gặp nạn thì cháu giúp thôi ạ, những chuyện cũ đó dù
sao cũng đã qua rồi, cháu không để bụng đâu ». Câu trả lời của chị ngày ấy đã giúp gở bỏ
tảng đá nặng trong lòng của mọi người trong khu phố tôi. Mọi người đều cảm kích và
biết ơn chị Ly vì sự giúp đỡ và tấm lòng khoan dung của chị, đồng thời xin lỗi chị vì
những lời bàn tán không hay về chị trước đây. Tối hôm ấy chị Ly còn thức khuya thay
phiên mẹ chăm nom đứa em trai đang sốt của tôi. Trong buổi tối đó, khi mọi người đang
say giấc, mẹ, tôi và chị Ly đã có một buổi tâm sự thân tình với nhau, nhờ vậy chúng tôi
mới biết được lí do của những hình xăm và khuyên trên người chị. Thật ra từ năm cấp
hai, khi vô tình xem được một cô thợ xăm đang làm việc trên ti vi, chị đã rất ngưỡng mộ
và quyết tâm sau khi lớn lên sẽ trở thành người như vậy. Thế nhưng con đường trở thành
thợ xăm của chị rất vất vả, bởi việc xăm và đeo khuyên mới được chấp nhận rộng rãi
chừng 5, 6 năm ở nước ta, nhưng dường như sự chấp thuận ấy vẫn chỉ ở bề mặt. Vì vậy
chị luôn cố gắng để thay đổi suy nghĩ quan niệm của mọi người rằng xăm hình hay xỏ
khuyên chỉ là một trong nhiều cách thể hiện bản thân, chứ không phải là thước đo để
đánh giá nhân cách của ai đó. Nói đến đây tôi có thể nhìn thấy sự quyết tâm của chị thể
hiện rõ trong đôi mắt của chị – một đôi mắt như chất chứa hàng ngàn vì sao đầy hi vọng
và sự tự tin.
Qua sự việc này, tôi đã nhận ra rằng trong gian khó, tình người lại càng tỏa sáng đúng
như câu nói của nhà vật lí học Faraday: « Mọi thứ rồi sẽ đi qua, chỉ còn tình người ở lại
». Những người như chị Ly thật đáng trân quí và là tấm gương sáng để em noi theo bởi
nếu cuộc sống không có tình người, nó sẽ sớm tàn lụi trong cô đơn.

You might also like