You are on page 1of 55

12 TUẦN PHÓNG THÍCH NĂNG LƯỢNG

SÁNG TẠO

JULIA CAMERON
LỜI GIỚI THIỆU
Nghệ thuật là một giao dịch về mặt tinh thần.
Nghệ sĩ là những người nhìn xa trông rộng. Chúng ta thường có một dạng
niềm tin, nhìn thấy rõ và đi về phía một mục tiêu sáng tạo đang tỏa ánh sáng lờ mờ
nơi xa – thứ ánh sáng hữu hình với chúng ta, nhưng vô hình với những ai ở xung
quanh chúng ta. Mặc dù khó nhớ, song công việc của chúng ta là tạo ra thị trường
chứ không phải thị trường tạo ra công việc cho chúng ta. Nghệ thuật là một hành vi
tín ngưỡng, và chúng ta là những người thực hành hành vi tín ngưỡng đó. Đôi khi
chúng ta được mời gọi hành hương nhân danh tín ngưỡng, và giống nhiều người đi
hành hương, chúng ta đặt câu hỏi với lời mời gọi đó mặc dù chúng ta vẫn trả lời
nó.
Tôi đang viết trên một cái bàn sơn mài đen – cái bàn hướng về phía Tây
sông Hudson. Tôi ở bên bờ Tây của Manhattan và làm việc cật lực để đưa các vở
nhạc kịch từ trên trang giấy lên sân khấu. Manhattan là nơi sinh sống của các ca sĩ,
đó là còn chưa kể tới Broadway. Tôi ở đây vì “nghệ thuật” đã mang tôi tới đây.
Ngoan ngoãn vâng lời, tôi đã tới đây.
Tính trên đầu người, có lẽ Manhattan có tỷ lệ nghệ sĩ lớn hơn bất cứ nơi nào
trên đất Mỹ. Trong khu Bờ Thượng Tây của tôi, đàn cello nhiều và cồng kềnh như
những con bò ở Iowa. Đàn cello là một phần của cảnh quan nơi đây. Ngồi viết
bằng máy đánh chữ, nhìn ra bên ngoài qua ánh đèn, dường như tôi cũng là một thứ
gì đó mà Manhattan biết rất rõ. Tôi viết giai điệu trên một cây dương cầm, cách 10
khu phố nơi Richard Rodgers, một cậu thiếu niên cao lêu đêu đang bước lên một
bậc thềm ngắn để gặp Larry Hart, một cậu bé thấp lè tè, người sau này trở thành
đối tác lâu dài của cậu. Hai đứa cùng nhau mộng mơ, xuyên qua những tháng ngày
hạn hán và lũ lụt.
Căn hộ của tôi nằm trên đường Bờ sông. Ở phía cuối chật hẹp này của hòn
đảo, Broadway cách phía sau lưng tôi chưa đến một khu phố khi tôi nhìn về phía
tây qua con sông. Mặt trời lúc này đã lặn, để lại từng dải ruy băng ánh sáng đầy
màu sắc trên dòng sông. Đó là một con sông rộng và trong một ngày đầy gió - ở
đây có rất nhiều ngày đầy gió – nước sông gợn sóng, sủi bọt trắng. Những con tàu
kéo tựa như những con bọ hung, đang rẽ sống xuôi dòng sông, đẩy những chiếc xà
lan dài lê thê bằng mũi. Manhattan là một hải cảng, và là nơi để những giấc mơ hạ
cánh.
Manhattan lắm kẻ mộng mơ. Thực ra nghệ sĩ nào cũng mộng mơ, và chúng
tôi tới đây mang theo những giấc mơ đó. Không phải ai trong chúng tôi cũng vận
đồ đen, vẫn hút thuốc lá và uống rượu mạnh, vẫn sống trong sự lãng mạn bầm dập,
tởm lợm trong những căn hộ bé xíu và lũ gián thì nhiều đến nỗi chuột bọ phải bỏ
đi. Không, cũng như lũ gián thôi, các nghệ sĩ có mặt ở khắp chốn này, từ những tòa
chung cư rẻ tiền cho đến những căn hộ tầng thượng xa xỉ. Tòa chung cư nơi tôi ở
không chỉ có tôi với cây dương cầm và cái máy đánh chữ, mà còn có một ca sĩ
opera líu lo như một con chim chiền chiện đang tung cánh bay. Những người phục
vụ trong khu phố – không phải lúc nào cũng vậy – thường là các diễn viên, và
những cô gái trong khu phố chân to bè nhưng lại biết nhảy, mặc dù bạn sẽ không
thể tưởng tượng ra sự duyên dáng của họ khi bước đi trên đôi bàn chân có màng
(chú thích: Đuôi cá cao su dùng để lặn).
Chiều nay, tôi uống một tách trà tại quán Edgar Café, quán được đặt tên theo
Edgar Allan Poe, người từng sống ở đây và chết ở một nơi xa trung tâm, tận khu
Bronx. Tôi đã nhòm qua các ô cửa sổ tầng trệt nhà Leonard Bernstein ở tòa nhà
Dakota, và hơi lặng người mỗi khi đi qua lối vào hình vòm nơi John Lennon bị
bắn. Trong căn hộ này, tôi cách những nơi công tước Ellinton thường lui tới chưa
đến một khu nhà, và có hẳn một con phố mang tên ông. Manhattan là một thành
phố đầy ma. Khả năng sáng tạo – và mọi khả năng – len lỏi qua những hẻm vực
thẳng đứng của thành phố.
Manhattan là nơi tôi lần đầu tiên bắt đầu dạy khóa học Con đường nghệ sĩ.
Giống như mọi nghệ sĩ – giống như tất cả chúng ta nếu chúng ta lắng nghe – tôi có
cảm hứng. Tôi đã được “mời gọi” để dạy và tôi đã trả lời tiếng gọi đó có phần
miễn cưỡng. “Thế còn nghệ thuật của mình thì sao?” Tôi tự hỏi. Tôi vẫn chưa biết
rằng chúng ta có xu hướng thực hành những gì chúng ta cầu nguyện, rằng khi giải
phóng người khác tôi sẽ giải phóng bản thân, và rằng giống như mọi nghệ sĩ, tôi sẽ
sống tốt một cách dễ dàng hơn nếu được bầu bạn, có những tâm hồn đồng điệu
cùng tạo ra những bước nhảy vọt đồng điệu về niềm tin. Khi được “mời gọi” dạy,
tôi vẫn không thể tưởng tượng ra việc dạy lại mang đến cho tôi và người khác
(thông qua tôi) nhiều lợi ích đến như vậy.
Năm 1978, tôi bắt đầu hướng dẫn các nghệ sĩ phương pháp để “thông tắc”
khả năng sáng tạo và cả cách “đứng dậy” sau khi những sáng tạo của họ bị vùi dập
hoặc không được đánh giá cao. Tôi chia sẻ với họ các công cụ mà tôi đã học được
trong quá trình thực hành sáng tạo của mình. Tôi làm việc này một cách dễ dàng và
nhẹ nhàng nhất có thể.
“Hãy nhớ rằng có một nguồn năng lượng sáng tao muốn thông qua bạn để
thể hiện ra bên ngoài”; “Đừng phán xét công việc của bản thân. Bạn có thể giải
quyết theo”; “Hãy để Chúa làm việc thông qua bạn”, tôi nói với họ như vậy.
Khi đó, công cụ của tôi rất đơn giản, còn sinh viên thì rất ít. Thế nhưng cả
công cụ lẫn số lượng sinh viên đã tăng đều đặn sau 10 năm. Ban đầu (và gần như
lúc nào cũng vậy), sinh viên của tôi chủ yếu là các nghệ sĩ bị bế tắc hoặc chấn
thương tâm lý – họa sĩ, nhà thơ, thợ gốm, nhà văn, nhà làm phim, diễn viên hoặc
đơn giản là những ai muốn bản thân có thể trở nên sáng tạo hơn trong cuộc sống
hay trong bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tôi giữ cho mọi việc đơn giản vì mọi việc thực
sự đơn giản. Sức sáng tạo giống như cỏ dại – nó sẽ mọc lại mà không cần phải
chăm sóc gì nhiều. Tôi dạy mọi người cách làm thế nào để mang đến những dưỡng
chất đơn giản cho tinh thần sáng tạo của họ và sự chăm sóc họ cần để nuôi giữ tinh
thần đó. Mọi người đáp lại bằng cách viết sách, làm phim, vẽ tranh, chụp ảnh và
nhiều, nhiều hơn thế. Tiếng lành đồn xa và các lớp học của tôi nhanh chóng được
lấp đầy.
Trong lúc đó, tôi vẫn duy trì việc sáng tạo của mình. Tôi viết kịch, tiểu
thuyết và kịch bản phim. Tôi làm phim truyện, phim truyền hình, viết truyện ngắn.
Tôi làm thơ, rồi nghệ thuật trình diễn. Khi làm những việc này, tôi học được nhiều
công cụ sáng tạo hơn, viết được nhiều bài giảng hơn, và khi bạn tôi, Mark Bryan,
thúc giục, tôi sắp xếp các bài này thành tập ghi chép giảng dạy và cuối cùng thành
một quyển sách hoàn chỉnh.
Mark và tôi sát cánh bên nhau, in và cho ra đời quyển sách đơn giản mà tôi
có thể gửi cho những ai cần giúp đỡ. Chúng tôi gửi sách qua đường bưu điện cho
có lẽ gần một ngàn người, những người này photo sách và tặng cho bạn bè họ.
Chúng tôi bắt đầu nghe thấy những câu chuyện hồi phục đáng kinh ngạc: họa sĩ vẽ
tranh, diễn viên đóng phim, đạo diễn làm phim và những người vốn tuyên bố rằng
họ không theo một môn nghệ thuật nào nay lại bắt đầu thực hành môn nghệ thuật
mà họ luôn muốn làm. Chúng tôi được nghe những câu chuyện về những đột phá
bất ngờ và những thức tỉnh chậm rãi.
Jeremy P.Tarcher, nhà xuất bản nổi tiếng với dòng sách sáng tạo và tiềm
năng con người, đọc bản thảo cuốn sách và quyết định xuất bản. Trong lúc đó, tôi
chia cuốn sách thành một khóa học 12 tuần, mỗi phần giải quyết một vấn đề cụ thể
nào đó. Cuốn sách đơn giản này là kết tinh của 12 năm giảng dạy và 20 năm làm
nghệ thuật dưới nhiều hình thức. Ban đầu tôi đặt tên sách là Healing the artist
within (tạm dịch: Làm lành người nghệ sĩ từ bên trong). Cuối cùng, sau nhiều suy
nghĩ, tôi quyết định đặt tên sách là The artist’s way (12 tuần phóng thích năng
lượng sáng tao). Cái tên này giải thích và phân tích tính sáng tạo như một vấn đề
tinh thần. Tôi bắt đầu chứng kiến những điều kỳ diệu của chính mình.
Tôi thường đi đến nhiều nơi để dạy, và trong những buổi ký tặng sách và tại
các địa điểm công cộng, mọi người bắt đầu đưa cho tôi đĩa CD, sách, video, thư để
truyền đạt suy nghĩ này: “Tôi đã sử dụng các công cụ của bà và làm ra cái này, cảm
ơn bà rất nhiều.” Lời khen tặng thường xuyên nhất là: “Cuốn sách của bà đã thay
đổi cuộc đời tôi” và tôi nghe câu này từ những người nghệ sĩ ít cũng như nhiều
danh tiếng, từ những người nơi ao tù nước đọng cũng như những người trên tiền
tuyến quốc tế. Sau khi sử dụng những công cụ của tôi, từ nguồn cảm hứng cạn kiệt,
các họa sĩ đã được mời tham gia các triển lãm lớn, được giám khảo chọn lọc. Từ
chỗ không viết được gì, các nhà văn đã giành được giải Emmy hoặc Grammy cho
các tác phẩm của họ. Tôi thấy mình thật nhỏ nhoi trước khả năng khôi phục sức
mạnh, sức sống, cảm hứng cho những con đường sáng tạo cá nhân, đa dạng và
khác biệt của Chúa, Đấng Sáng tạo vĩ đại. Một người phụ nữ, một nhà văn khoảng
50 tuổi rơi vào bế tắc đã trở thành nhà viết kịch giành được giải thưởng. Một nhạc
công lâu năm trong ban nhạc Jazz đã thai nghén và thực hiện thành công một
album cá nhân tuyệt đỉnh. Những giấc mơ ấp ủ từ lâu sẽ bừng nở ở bất cứ nơi nào
Đấng Sáng tạo Vĩ đại chìa bàn tay ra. Tôi nhận được những lời cảm ơn mà đúng ra
nên dành cho Chúa. Tôi truyền đi thông điệp rằng Đấng Sáng tạo Vĩ đại yêu tất cả
nghệ sĩ và tích cực giúp đỡ những ai mở lòng chào đón tính sáng tạo bên trong con
người họ.
Nghệ sĩ nối tiếp nghệ sĩ, tay truyền tay, 12 tuần phóng thích năng lượng
sáng tạo bắt đầu trở nên phổ biến. Tôi nghe nói các nhóm người trong rừng rậm
Panama, ở những vùng xa xôi hẻo lánh, những tín đồ Druid, Sufi và Phật giáo, tất
thảy đều tìm thấy điểm chung trong các nguyên tắc sáng tạo đơn giản của cuốn
sách. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ giúp đỡ các nghệ sĩ khác. Các tác phẩm nghệ
thuật bùng nổ, những sự nghiệp cất cánh và ổn định, xung quanh là bạn bè ủng hộ.
Tôi là một nhân chứng nhiệt thành của họ.
Một trăm ngàn người mua và sử dụng cuốn sách này. Rồi hai trăm ngàn, một
triệu, rồi hơn một triệu. Chúng tôi nghe nói đến, và thi thoảng giúp triển khai việc
sử dụng 12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo ở bệnh viện, nhà tù, trường đại
học và các trung tâm tiềm năng con người. Cuốn sách cũng thường được các
chuyên gia trị liệu, bác sĩ, các nhóm AIDS và các chương trình của phụ nữ bị bạo
hành sử dụng, đó là chưa kể đến các xưởng mỹ thuật, các chương trình thần học,
nhạc viện, và tất nhiên, cuốn sách luôn được truyền tay, truyền miệng, từ nghệ sĩ
tới nghệ sĩ, như là một dạng sơ cứu và cấp cứu hồi sức nhẹ nhàng. Giống như một
khu vườn kỳ diệu, các nhóm Con đường nghệ sĩ tiếp tục mọc, mọc và mọc. Cho
đến giờ nó vẫn đang mọc. Mới sáng nay, tôi nhận được một cuốn sách vừa xuất
bản và một bức thư cảm ơn. Cho đến nay, 12 tuần phóng thích năng lượng sáng
tạo đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng và đã được dạy hoặc giới thiệu ở khắp mọi
nơi, từ Thời báo New York đến Viện Smithsonian, từ viện Esalen đến các phòng
nhạc tinh tú ở trường Juilliard. Giống như những hội cai rượu, các nhóm Con
đường nghệ sĩ thường tụ tập ở tầng hầm nhà thờ, các trung tâm chữa bệnh, trong
một mái lều tranh ở Trung Mỹ hoặc một căn nhà tạm xung quanh toàn trăn ở Úc.
Khi chúng tôi vượt qua cột mốc một triệu, tôi thấy lo cho khoảng thời gian
và sự riêng tư cần thiết cho nghệ thuật của mình – mà nếu không có trải nghiệm cá
nhân với nó, tôi sẽ không thể tiếp tục giúp đỡ người khác được. Làm thế nào tôi có
thể viết một cuốn giáo trình mà không có hiểu biết mới mẻ về nội dung phải dạy?
Từng chút một, tôi rút về trong sự cô quạnh, trong phòng thí nghiệm sáng tao của
chính mình – nơi bản thân tìm thấy sự tĩnh lặng, nơi tôi có thể làm nghệ thuật và
rút ra bài học từ quá trình đó. Từng tác phẩm nghệ thuật tôi làm ra dạy cho tôi biết
phải dạy cái gì. Mỗi năm làm việc cho tôi thấy rằng sức sáng tạo không hề có điểm
kết thúc. Không có giới hạn tối đa, mặc dù đôi lúc sự phát triển diễn ra rất chậm
chạp. Niềm tin là nguyên liệu bắt buộc phải có.
Tôi bắt đầu viết các cuốn sách ngắn, mang tính trào phúng nhằm làm giảm
bớt những nguy cư hiện hữu của việc cố gắng tạo ra một cuộc sống sáng tạo và
giàu lý trí. Tôi viết Quyền được viết, Cung cấp, và các cuốn sách hướng dẫn đơn
giản, lành mạnh khác như Sách hẹn hò của nghệ sĩ, 12 tuần phóng thích năng
lượng sáng tạo, Những trang tạp chí buổi sáng và các cuốn kinh cầu dùng để tạo
cảm giác an toàn, mạnh mẽ và hạnh phúc cho tất cả những ai đi trên con đường
sáng tạo trên thế giới này. Tôi ước cho mọi người vui vẻ và có bạn đồng hành tốt.
Mặc dù nghệ thuật là một con đường tinh thần, song tốt nhất là nên có ai đó đi
cùng trên con đường này. Bởi mọi người luôn muốn được lắng nghe.
Tôi có một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn và ba vở kịch tìm được chỗ
đứng vững chắc giữa lúc 17 cuốn sách được xuất bản, và cho đến giờ, tôi vẫn vừa
làm nghệ thuật vừa đi dạy. Các học trò của tôi đoạt giải, và tôi cũng vậy. Tạp chí
Utne Reader chọn 12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo là “Tác phẩm bậc
thầy”, album thơ tôi thực hiện chung với Tim Wheater được chọn cho giải “Nhạc
phim xuất sắc”, và các cuốn giáo trình của tôi tiếp tục xuất hiện trong danh sách
best-seller và danh sách lựa chọn của các chủ bút trên khắp nước Mỹ và cả thế
giới. Có gì đáng ngạc nhiên không khi tôi thường cảm thấy bối rối và choáng ngợp
bởi tốc độ của mọi người và của các sự kiện? Một trong những điều trớ trêu trong
cuộc sống của một nhà văn nổi tiếng là họ sẽ ngày càng khó ngồi một mình sau
một cái bàn. Người ta bảo tôi phải vừa đi tìm sự cô độc, vừa đi tìm sự đồng hành
của các nghệ sĩ khác, những người giống như tôi tin rằng chúng ta luôn được cả
Đấng Sáng tạo Vĩ đại lẫn những người đi trước dẫn dắt, bước trên con đường nghệ
sĩ của họ và yêu mến cùng loại hình nghệ thuật giống chúng ta. Đấng tối cao sẵn
sàng giúp đỡ nếu chúng ta yêu cầu. Chúng ta phải sẵn sàng đưa ra yêu cầu giúp đỡ,
phải cởi mở để được dẫn dắt và phải sẵn lòng tin tưởng cho dù đôi khi chúng ta
thiếu niềm tin. Sáng tạo là một hành vi niềm tin, và chúng ta phải trung thành với
niềm tin đó, sẵn lòng chia sẻ nó để giúp đỡ người khác, để rồi được người khác
giúp lại.
Bên ngoài cửa sổ nhà tôi, một con chim lớn đang bay rất cao trên dòng sông
Hudson. Tôi đã trông thấy con chim này mấy hôm nay rồi, nó lao vun vút trên
những ngọn gió dữ dội đã tạo nên luồng không khí xoáy quanh hòn đảo này. Con
chim rất to nên không thể là diều hâu được, dáng nó cũng không giống mòng biển.
Tôi không thể tin nó là đại bàng, song có vẻ nó biết chính xác nó là gì: một con đại
bàng thực thụ. Nó không nói ra tên mình. Nó mang tên mình trên người. Và có lẽ
với tư cách là nghệ sĩ, chúng ta cũng giống như con đại bàng đó vậy: bị chính
chúng ta và người khác hiểu nhầm là cái gì đó khác, lướt trên những giấc mơ, đi
săn cái gì đó trong hẻm vực mà chúng ta nhìn thấy từ trên cao. Đối với nghệ sĩ,
một đôi cánh và một lời cầu nguyện là quy trình vận hành quen thuộc. Chúng ta
phải tin vào “quy trình” của chúng ta và nhìn xa hơn “kết quả”.
Trong suốt nhiều thế kỷ, giới nghệ sĩ đã nói về “cảm hứng”, tiết lộ rằng
Chúa hoặc thiên thần nói chuyện với họ. Trong kỷ nguyên của chúng ta, quan niệm
về nghệ thuật như một trải nghiệm tâm linh hiếm khi được nhắc tới. Và mặc dù
vậy, trải nghiệm sáng tạo vẫn mang tính huyền bí. Mở cửa tâm hồn, chúng ta đón
nhận “cái phải được làm ra”, chúng ta sẽ gặp Đấng Sáng tạo của mình.
Nghệ sĩ lao động cật lực trong các căn phòng nhỏ khắp Manhattan. Chúng
tôi có sự dâng hiến dành cho công việc giống như một thầy tu, và vài người trong
số chúng tôi sẽ được “báo mộng”, còn số khác sẽ còng lưng làm việc tối ngày, quỳ
gối trong nhà nguyện nhưng không bao giờ được Tony, Oscar hay Giải Sách Quốc
gia ghé thăm. Và mặc dù vậy, tiếng nói của Chúa có thể vang lên trong đầu họ như
với bất cứ ai.
Vì thế chúng ta cầu nguyện. Sự nổi tiếng sẽ đến với ai đó, nhưng vinh dự sẽ
tới thăm tất cả những ai làm việc. Là nghệ sĩ, chúng ta sẽ trải nghiệm thực tế rằng
“Chúa nằm ở trong các chi tiết”. Làm ra nghệ thuật của chúng ta, chúng ta sẽ tạo
nên một cuộc sống nghệ thuật. Làm ra nghệ thuật của chúng ta, chúng ta sẽ trực
tiếp gặp bàn tay của Đấng tạo hóa.
JULIA CAMERON
MỞ ĐẦU
“Trí tưởng tượng quan trọng nhất mà tôi có là về sức mạnh sống.”
-Samuel Taylor Coleridge-
Khi mọi người hỏi tôi làm nghề gì, tôi thường trả lời: “Tôi là nhà văn, đạo
diễn và tôi dạy những lớp sáng tạo này.”
Vế cuối cùng làm cho họ thích thú.
“Làm thế nào bà có thể dạy về sự sáng tạo?” Sự thách thức xen lẫn tò mò
hiện trên gương mặt họ.
“Tôi không thể dạy về sự sáng tạo”, tôi trả lời họ. “Tôi chỉ dạy mọi người
cách làm chọ họ trở nên sáng tạo.”
“Ồ, ý bà là tất cả chúng ta đều sáng tạo ư?” Giờ thì họ bán tín bán nghi và hy
vọng.
“Vâng”.
“Bà thực sự tin vào điều đó à?”
“Vâng”.
“Thế bây giờ bà làm gì?”
Quyển sách này chính là nghề của tôi. Mười năm nay, tôi đã dạy một lớp
học tâm linh nhằm giải phóng sức sáng tạo của con người. Tôi đã dạy cả nghệ sĩ
lẫn những người không phải là nghệ sĩ, đó có thể là họa sĩ, nhà làm phim, người
nội trợ, luật sư và bất cứ ai quan tâm đến việc sống một cách sáng tạo hơn bằng
cách thực hành một thứ nghệ thuật nào đó; nói cách khác, đó là bất cứ ai quan tâm
đến việc thực hành nghệ thuật sống sáng tạo. Trong khi sử dụng, dạy và chia sẻ các
công cụ mà tôi đã tìm ra, tạo ra, mò ra và được truyền cho, tôi đã chứng kiến
những bế tắc được giải tỏa và cuộc sống được thay đổi bằng một quá trình đơn
giản, đó là đưa Đấng Sáng tạo Vĩ đại tham gia vào quá trình phát hiện và khôi phục
năng lực sáng tạo của chúng ta.
“Đấng Sáng tạo Vĩ đại? Nghe giống như một vị chúa của người thổ dân châu
Mỹ. Nghe cũng mang hơi hướng Thiên chúa giáo nữa…” Ngốc nghếch? Suy nghĩ
đơn giản? Đe dọa?... Tôi biết. Bạn hãy nghĩ về điều đó như là một bài tập về sự cởi
mở tâm hồn. Hãy nghĩ rằng “Được, Đấng Sáng tạo Vĩ đại hay là gì cũng được” và
đọc tiếp cuốn sách này. Hãy cho phép bạn thử nghiệm với ý tưởng là có thể có một
Đấng Sáng tạo Vĩ đại và bạn có thể nhận được một chút lợi ích đối với việc giải
phóng sức sáng tạo của mình.
Vì con đường nghệ sĩ về bản chất là một con đường tâm linh, được khởi
xướng và thực hành thông qua sáng tạo, nên trong cuốn sách tôi xin mạn phép sử
dụng từ “Chúa”. Điều này có thể kỳ quặc đối với một số người, khiến họ hồi tưởng
lại những ý tưởng cũ kỹ, không thực tế, khó chịu hay đơn giản là không thể tin
được, vì bạn được nuôi dạy để hiểu Chúa là “ông ấy”. Xin hãy suy nghĩ cởi mở
hơn!
“Con người cần phải hiểu mình muốn trở thành người như thế nào để hoàn
thành số phận của mình.”
-Paul Tillich-
“Tôi không làm gì cả. Hồn thiêng đạt được mọi thứ thông qua tôi.”
-William Blake-
Hãy nhắc bản thân rằng để thành công trong khóa học này, bạn không cần
phải có khái niệm gì về Chúa. Trên thực tế, nhiều khái niệm phổ biến về Chúa lại
là một vật ngáng đường. Đừng để cho ngữ nghĩa trở thành một vật cản nữa của
bạn.
Khi từ Chúa được sử dụng trong những trang này, bạn có thể thay thế bằng
định nghĩa “sự chỉ đạo có trật tự tốt” hoặc “dòng chảy”. Cái chúng ta đang nói đến
là một năng lượng sáng tạo. “Chúa” là cách viết tốc ký hữu dụng đối với nhiều
người trong số chúng ta, nhưng cũng giống như Tâm trí, Vũ trụ, Nguồn gốc, Đấng
tối cao… Vấn đề không phải là bạn đặt tên cho nó là gì. Vấn đề là bạn phải cố
gắng sử dụng nó. Đối với nhiều người, việc nghĩ về nó như là một dạng điện năng
tinh thần là một xuất phát điểm rất hữu ích.
Bằng cách tiếp cận đơn giản, khoa học là thử nghiệm và quan sát, một mối
liên hệ với “dòng chảy chỉ đạo và trật tự tốt” có thể dễ dàng được thiết lập. Mục
đích của cuốn sách này không phải là để giải thích, tranh luận hay định nghĩa dòng
chảy đó. Ngoài ra, bạn không cần phải hiểu về điện để sử dụng nó.
Đừng gọi nó là Chúa, trừ phi bạn cảm thấy thoải mái với điều đó. Có vẻ như
không cần phải đặt tên cho nó, trừ phi cái tên đó giúp mô tả ngắn gọn điều mà bạn
trải qua. Đừng giả vờ tin khi bạn không tin. Nếu bạn mãi tin rằng Chúa không tồn
tại hoặc không thể nào biết được liệu Chúa có tồn tại hay không thì hãy cứ giữ
niềm tin như vậy. Bạn vẫn có thể trải nghiệm sự thay đổi của cuộc sống bằng cách
áp dụng các nguyên tắc này.
Tôi đã chứng kiến họa sĩ bế tắc bắt đầu vẽ tranh, nhà thơ tan nát bắt đầu gieo
vần, nhà văn kiệt quệ bắt đầu chạy đua hoàn thành bản thảo cuối cùng sau khi kiên
trì thực hiện những công cụ trong cuốn sách này. Tôi đã không chỉ tin mà còn biết
rằng: không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi và cuộc sống của bạn đi theo con đường
nào, cho dù nghệ thuật là nghề nghiệp, sở thích hay giấc mơ của bạn thì cũng
không quá muộn, quá tự cao, quá ích kỷ hoặc quá ngu ngốc để tìm cách cải thiện
sức sáng tạo của bạn. Một học sinh 50 tuổi của tôi, người “luôn muốn viết cái gì
đó” đã sử dụng những công cụ này và trở thành một nhà biên kịch giành được giải
thưởng danh giá. Một vị thẩm phán đã sử dụng những công cụ này để thực hiện
ước mơ cả cuộc đời là trở thành nhà điêu khắc. Không phải mọi học sinh của tôi
đều trở thành nghệ sĩ toàn thời gian sau khóa học. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ toàn
thời gian cho biết họ đã trở nên toàn diện hơn, sáng tạo hơn và trở thành những con
người đích thực.
“Tại sao ‘Chúa’ phải là một danh từ? Tại sao lại không phải là động từ -
thứ tích cực và năng động nhất trên đời?”
-Mary Daly – Nhà Thần học-
Thông qua trải nghiệm của bản thân và trải nghiệm của vô số người mà tôi
đã cùng chia sẻ, tôi tin rằng sáng tạo là bản chất đích thực của chúng ta, rằng rào
cản là một cái chặn trái tự nhiên đối với một quá trình vừa bình thường vừa kỳ diệu
như khi một bông hoa nở ở chót cái cọng xanh mảnh mai. Tôi thấy quá trình thiết
lập giao tiếp tâm linh này vừa đơn giản vừa dễ làm, dễ hiểu.
Nếu bạn bế tắc trong sáng tạo – và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều bị như vậy
ở một mức độ nào đó – bạn có thể, thậm chí chắc chắn học được cách sáng tạo tự
do hơn bằng việc sẵn lòng sử dụng những công cụ mà cuốn sách này mang lại.
Cũng giống như các động tác kéo giãn cơ thể của Hatha Yoga làm thay đổi ý thức
khi tất cả những gì bạn làm là kéo giãn cơ thể, việc thực hiện các bài tập trong
cuốn sách này cũng sẽ thay đổi ý thức của bạn khi tất cả những gì bạn làm chỉ là
“viết” và “chơi”. Hãy làm những việc này và một thay đổi đột phá sẽ diễn ra – cho
dù bạn có tin vào điều đó hay không. Cho dù bạn có gọi nó là một sự thức tỉnh tâm
linh hay không.
Tóm lại, lý thuyết không quan trọng bằng thực hành. Cái bạn cần làm là tạo
ra lộ trình trong ý thức, và thông qua đó các xung lực sáng tạo mới có thể vận
hành. Khi bạn đồng ý phát quang lộ trình này, sức sáng tạo của bạn sẽ trỗi dậy.
Theo một nghĩa nào đó, sức sáng tạo của bạn giống như máu của bạn vậy. Cũng
giống như máu hiện hữu trong cơ thể vật lý của bạn và bạn không sáng tạo ra cái gì
cả, sức sáng tạo hiện hữu trong cơ thể tâm linh của bạn và bạn không phải sáng tạo
ra cái gì cả.
HÀNH TRÌNH CỦA TÔI
Tôi bắt đầu dạy các lớp sáng tạo ở New York. Tôi dạy vì tôi được “bảo”
phải dạy. Khi đó, tôi đang đi dạo trên một con phố lát sỏi dưới ánh nắng chiều đẹp
tuyệt ở khu West Village. Một phút sau tôi chợt nhận ra mình nên bắt đầu dạy mọi
người cách làm thế nào để “thông tắc” khả năng sáng tạo. Có lẽ đó cũng là một
mong muốn mà ai đó đang nghĩ đến trên quãng đường đi bộ khác. Chắc chắn
Greenwich Village phải có tỷ lệ nghệ sĩ lớn hơn – cả bị bế tắc lẫn không bị bế tắc –
so với gần như bất cứ nơi nào khác trên đất Mỹ.
“Mình cần phải thông tắc”, ai đó có thể đã nói ra.
“Tôi biết cách làm việc đó”, có thể tôi đã trả lời, bắt lấy tín hiệu. Cuộc đời
tôi luôn xuất hiện những chỉ thị mạnh mẽ từ bên trong. “Mệnh lệnh hành quân”, tôi
gọi những chỉ thị đó như vậy.
Tôi chợt nhận ra rằng mình không biết làm thế nào để thông tắc cho mọi
người và rằng mình phải làm vậy, bắt đầu ngay lúc đó và ở đó với các bài học mà
tự tôi đã rút ra.
Những bài học đó đến từ đâu?
Tháng Một năm 1978, tôi bỏ rượu. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rượu lại
biến mình thành nhà văn, song giờ tôi chợt nghĩ có lẽ không uống rượu sẽ làm tôi
dừng lại. Trong đầu tôi, uống và viết song hành với nhau giống như rượu whisky
với soda. Đối với tôi, bí quyết là luôn vượt qua nỗi sợ hãi và lao vào viết. Tôi chạy
đua với thời gian, cố gắng viết trước khi hơi men sà xuống như màn sương và cánh
cửa sáng tạo của tôi bị đóng lại.
Năm tôi 30 tuổi và đột nhiên tỉnh rượu, tôi có một văn phòng ở khu
Paramount và đã làm nên cả một sự nghiệp từ kiểu sáng tạo đó. Sáng tạo từng cơn.
Sáng tạo như một hành vi ý chí và cái tôi. Sáng tạo phụt ra thành từng đợt, như
máu phụt ra từ một động mạch cảnh bị cắt đứt. Mười năm viết lách và tất cả những
gì tôi biết là làm thế nào để chạy cắm đầu cắm cổ và lao vào bức tường của bất cứ
cái gì mà tôi đang viết, bất chấp mọi rủi ro. Nếu sáng tạo có tính tâm linh theo bất
cứ nghĩa nào thì nó chỉ giống với việc bị đóng đinh trên cây thánh giá thôi. Tôi ngã
vào những cái gai nhọn của văn chương. Tôi chảy máu.
Nếu có thể tiếp tục viết theo cách cũ, đầy đau đớn thì giờ này chắc chắn tôi
vẫn đang làm vậy. Cái tuần tôi tỉnh rượu, tôi có hai bài đăng trên tạp chí quốc gia,
một kịch bản phim truyện mới ra lò và một vấn đề về rượu mà tôi không thể chấp
nhận thêm được nữa.
Tôi tự nhủ rằng nếu trạng thái tỉnh rượu đồng nghĩa với việc không có sự
sáng tạo thì tôi không muốn tỉnh rượu. Nhưng tôi nhận ra rằng rượu sẽ giết chết tôi
và cả sự sáng tạo nữa. Tôi cần phải học cách viết trong trạng thái không say rượu,
bằng không tôi sẽ phải chấm dứt hoàn toàn việc viết lách. Cái khó – chứ không
phải cái khôn – là khởi đầu cho đời sống tâm linh của tôi. Tôi bị buộc phải tìm ra
một con đường sáng tạo mới. Và đó là nơi các bài học của tôi bắt đầu.
Tôi học cách bàn giao sức sáng tạo của mình cho đức chúa duy nhất mà tôi
có thể tin, đức chúa sáng tạo, xung lực cuộc sống mà Dylan Thomas gọi là “xung
lực đẩy cánh hoa qua cái nụ màu xanh lá”. Tôi học cách tránh sang một bên và để
cho cái xung lực sáng tạo đó làm việc. Tôi học cách ngồi trước trang giấy và viết ra
cái tôi nghe thấy. Viết lách trở thành cái gì đó giống với việc dỏng tai nghe trộm
hơn là phát minh ra bom nguyên tử. Nó không quá khó, và nó không làm tôi nổ
tung lên được. Tôi không cần phải có tâm trạng thì mới ngồi viết được. Tôi không
cần phải đo nhiệt kế cảm xúc của mình để xem cảm hứng có sắp đến hay không
nữa. Tôi đơn giản chỉ viết. Không thương lượng. Tốt, xấu? Không phải việc của
tôi. Khi không còn là tác giả quá nhạy cảm nữa, tôi viết một cách tự do.
“Vị trí của người nghệ sĩ rất khiêm nhường. Về cơ bản họ là một cái kênh.”
-Piet Mondrian-
Khi nghĩ lại, tôi rất ngạc nhiên vì mình có thể buông bỏ tấn kịch của việc là
một “người nghệ sĩ đau khổ”. Chẳng có cái gì sống dai hơn một ý tưởng tệ, và một
số ý tưởng sẽ tệ hơn những ý tưởng chúng ta có về nghệ thuật. Chúng ta có thể quy
rất nhiều thứ cho cái bản sắc “người nghệ sĩ đau khổ” của chúng ta: say khướt,
đàng điếm, túng bần hay thói tự hủy hoại bản thân trong các vấn đề tình cảm.
Chúng ta ai cũng biết nghệ sĩ thì rỗng túi – điên rồ - đàng điếm – thiếu tin cậy đến
mức nào. Và nếu nghệ sĩ không cần phải như thế thì lý do bào chữa của tôi là gì?
Ý nghĩ rằng tôi có thể lí trí, tỉnh rượu và sáng tạo làm tôi khiếp sợ, ngụ ý về
khả năng chịu trách nhiệm cá nhân. “Ý bà là nếu tôi có những khả năng thiên bẩm
này thì tôi phải sử dụng chúng đúng không?” Phải.
Thật may mắn vì đúng lúc đó, một nhà văn bị bế tắc khác được gửi đến làm
việc với tôi – và để tôi giúp đỡ. Tôi bắt đầu dạy anh ta cái tôi đang học. (Tránh
sang một bên, để “nó” làm việc thông qua bạn. Hãy tích lũy trang viết chứ không
phải lời phán xét). Anh ta cũng bắt đầu thông tắc. Giờ thì có hai người chúng tôi.
Chẳng bao lâu sau tôi có thêm một “nạn nhân” nữa, lần này là một họa sĩ. Các
công cụ cũng có hiệu quả với các nghệ sĩ thị giác.
Điều này thật thú vị đối với tôi. Vào những lúc vui vẻ, tôi tưởng tượng ra
mình đang biến thành một người vẽ bản đồ sáng tạo, vẽ ra một con đường để thoát
khỏi sự bối rối khó hiểu cho bản thân và cho bất cứ ai muốn đi theo. Tôi chưa bao
giờ có kế hoạch trở thành giáo viên. Tôi chỉ bực bội là chưa bao giờ có một ai đó
dạy tôi. Mọi thứ tôi đều phải thử và rút kinh nghiệm, tức là bằng cách đâm đầu vào
tường.
Đó là những suy nghĩ cuộn xoáy lấy tôi khi tôi đi bộ mỗi buổi chiều, thưởng
thức ánh đèn bên kia dòng Hudson, phác thảo cốt truyện cho tác phẩm kế tiếp.
Nhập mệnh lệnh hành quân: mình phải dạy.
Trong vòng một tuần, tôi được mời dạy, kèm theo nơi ở tại Viện Nghệ thuật
Nữ quyền New York – nơi tôi chưa từng nghe nói tới. Lớp đầu tiên của tôi gồm
các họa sĩ, tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà làm phim, tất cả đều đang bị bế tắc. Tôi
bắt đầu dạy họ các bài học có trong cuốn sách này. Kể từ đó, tôi có thêm nhiều lớp
khác và nhiều bài học khác nữa.
12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo bắt đầu từ những ghi chép không
chính thức trên lớp mà bạn đời tôi, Mark Bryan, bắt tôi phải làm. Khi người ta
truyền miệng về lớp học, tôi bắt đầu gửi tài liệu học cho mọi người qua đường bưu
điện. Một người theo trường phái tâm thần học Jung tên là John Giannini, dường
như đi đến đâu giảng bài cũng nói về các kỹ thuật của tôi. Theo sau luôn là yêu cầu
gửi tài liệu. Tiếp đó, một mạng lưới tâm linh sáng tạo nghe nói đến tác phẩm, và
người ta gửi thư cho tôi từ Dubuque, British Columbia, Indiana. Học viên xuất
hiện trên khắp thế giới. “Tôi ở Thụy Sỹ, làm việc cho Bộ Ngoại giao. Làm ơn gửi
cho tôi…” Thế là tôi gửi.
Các gói bưu kiện và số học viên ngày càng tăng lên. Cuối cùng, Mark thúc
giục rất ghê: “Viết tất cả ra giấy. Em có thể giúp được rất nhiều người. Cần phải
viết một cuốn sách.” Thế là tôi bắt đầu chính thức sắp xếp lại các suy nghĩ của
mình. Tôi viết, còn Mark – người lúc này dạy cùng tôi và là người giao nhiệm vụ
cho tôi – nói cho tôi biết tôi đã bỏ đi cái gì. Tôi viết thêm và Mark vẫn bảo rằng tôi
đã bỏ đi cái gì đó. Anh ấy nhắc tôi rằng tôi đã chứng kiến nhiều điều kỳ diệu xảy ra
để hỗ trợ cho các giả thuyết của tôi, và thúc giục tôi đưa cả những câu chuyện đó
vào trong sách. Tôi đưa vào sách tất cả những gì tôi đã thực hành trong một thâp
kỷ.
Những trang sách hiện ra như một bản kế hoạch để giúp mọi người tự phục
hồi. Giống như kỹ thuật hà hơi thổi ngạt hay phương pháp chữa nghẹn thức ăn
Heimlich, các công cụ trong cuốn sách này có tác dụng như những chiếc phao cứu
sinh. Xin hãy sử dụng chúng và truyền cho người khác.
Rất nhiều lần, tôi đã nghe những lời đại loại như: “Trước khi học lớp của
chị, tôi hoàn toàn xa cách với tính sáng tạo của mình. Đó là hậu quả của những
năm tháng cay đắng và mất mát. Sau đó, dần dần, điều kỳ diệu bắt đầu xảy ra. Tôi
đã quay lại trường để lấy bằng về sân khấu, tôi đang thử vai diễn đầu tiên sau nhiều
năm, tôi đang viết đều đặn, và quan trọng nhất, cuối cùng tôi đã cảm thấy thoải mái
khi gọi mình là nghệ sĩ.”
Không biết tôi có đủ khả năng để tả cho bạn cái cảm giác kỳ diệu mà tôi trải
qua trên cương vị giáo viên không, khi tôi chứng kiến cuộc sống trước và sau của
học viên. Trong suốt khóa học, sự biến đổi vật lý đã khiến tôi giật mình, làm cho
tôi nhận ra từ “khai sáng” đúng theo nghĩa đen của nó. Gương mặt của học viên
thường bừng sáng khi họ tiếp xúc với năng lượng sáng tạo của họ. Bầu không khí
tâm linh hừng hực trong một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời có thể lấp đầy một lớp
học sáng tạo. Theo một nghĩa nào đó, vì chúng ta là những sinh vật sáng tạo nên
cuộc sống mới trở thành tác phẩm nghệ thuật của chúng ta.
ĐIỆN NĂNG TINH THẦN
Những nguyên tắc cơ bản
Đối với hầu hết mọi người, ý tưởng cho rằng Đấng Sáng tạo khuyến khích
óc sáng tạo là một ý tưởng cấp tiến. Chúng ta có xu hướng nghĩ hoặc lo lắng rằng
những giấc mơ sáng tạo là vị kỷ, là cái gì đó mà Chúa sẽ không ủng hộ cho chúng
ta. Tư duy này cần phải thay đổi.
Cái chúng ta đang nói đến là một trải nghiệm tâm linh bị xui khiến, hay
được mời gọi. Tôi gọi quá trình này là “xoa bóp tâm linh”. Chúng ta thực hiện các
bài tập tâm linh nhất định để ăn khớp với năng lượng sáng tạo của vũ trụ.
Nếu bạn nghĩ về vũ trụ như một biển điện tích khổng lồ mà bạn bị nhấn
chìm trong đó và bạn được tạo ra từ đó thì việc mở cửa cho sức sáng tạo sẽ thay
đổi bạn từ một thứ dập dềnh trên cái biển đó thành một phần có chức năng hoàn
chỉnh hơn, đầy đủ nhận thức hơn, hợp tác hơn của hệ sinh thái đó.
“Âm nhạc của vở nhạc kịch này (Quý bà Butterfly) được Chúa đọc để tôi
chép lại. Tôi chỉ đơn thuần là công cụ để chép nó ra giấy và đưa nó đến với
công chúng.”
-Giacomo Puccini-
“Các ý tưởng chảy thẳng vào tôi, trực tiếp từ Chúa.”
-Johannes Brahms-
“Chúng ta phải chấp nhận rằng mạch đập sáng tạo bên trong chúng ta
chính là mạch đập sáng tạo của Chúa.”
-Joseph Chilton Pearce-
“Tiềm năng sáng tạo trong con người chính là hình ảnh của Chúa.”
-Mary Daly-
Là người dạy, tôi thường cảm nhận được sự hiện diện của một cái gì đó siêu
việt (một thứ điện năng tâm linh, đây là một cách nói) và tôi đã dựa vào nó để vượt
qua các giới hạn của bản thân. Tôi coi cụm từ “người dạy được truyền cảm hứng”
là một lời khen theo đúng nghĩa đen. Một bàn tay cao hơn bàn tay tôi đã chiếm lấy
chúng ta. Chúa Jesu từng nói: “Bất cứ nơi nào có từ hai người trở lên tụ tập thì ta
sẽ ở đó với các ngươi.” Dường như Đấng Sáng tạo cũng giống như vậy.
Trái tim của tính sáng tạo là một trải nghiệm liên minh thần bí; trái tim của
liên minh thần bí là một trải nghiệm sáng tạo. Những người nói ngôn ngữ tâm linh
thường gọi Chúa là “người sáng tạo”, nhưng hiếm khi coi “người sáng tạo” là từ
nghĩa đen của “nghệ sĩ”. Tôi đang gợi ý bạn dùng từ “người sáng tạo” theo đúng
nghĩa đen của nó. Bạn đang tìm cách lập ra một liên minh sáng tạo, giữa nghệ sĩ
với nghệ sĩ và Đấng Sáng tạo Vĩ đại. Việc chấp nhận khái niệm này có thể mở rộng
khả năng sáng tạo của bạn.
Khi bạn làm việc với các công cụ trong cuốn sách này, khi bạn thực hiện các
nhiệm vụ tuần, nhiều thay đổi sẽ diễn ra. Sự thay đổi quan trọng nhất là sẽ xuất
hiện “sự trùng hợp”: chúng ta thay đổi và vũ trụ đẩy mạnh, mở rộng sự thay đổi đó.
Tôi có một câu nói ngắn gọn, bất kính về điều này và tôi dính nó vào bàn làm việc
của mình: “Cứ nhảy đi, rồi lưới sẽ xuất hiện.”
Kinh nghiệm làm nghệ thuật và đi dạy cho tôi thấy khi chúng ta vững tin
thực hiện hành vi sáng tạo, vũ trụ có khả năng tiến tới. Điều này hơi giống với việc
mở vòi xả phía trên một hệ thống tưới tiêu. Khi chúng ta đã thông được chỗ tắc,
dòng nước sẽ chảy vào.
Một lần nữa, tôi không yêu cầu bạn phải tin vào điều này. Để cho sự sáng
tạo trỗi dậy, bạn không cần phải tin vào Chúa. Tôi chỉ đơn giản yêu cầu bạn quan
sát và ghi chép lại quá trình này khi nó diễn ra. Trên thực tế, bạn sẽ là bà đỡ đồng
thời là nhân chứng của tiến trình sáng tạo của mình.
Đối với con mắt của tôi, sáng tạo là một trải nghiệm tâm linh. Bạn nghĩ về
nó như thế nào không quan trọng: sáng tạo dẫn tới tâm linh hay tâm linh dẫn tới
sáng tạo. Trên thực tế, tôi không phân biệt hai thứ này. Trước một trải nghiệm như
vậy, toàn bộ câu hỏi về niềm tin trở nên lỗi thời. Như Carl Jung trả lời câu hỏi về
niềm tin khi ông về già: “Tôi không tin. Tôi biết.”
Các nguyên tắc tâm linh dưới đây là nền tảng vững chắc để khôi phục và
phát hiện tính sáng tạo. Hãy đọc nguyên tắc này mỗi ngày một lần, và dỏng tai lên
nghe xem có sự thay đổi nào trong thái độ hoặc niềm tin hay không.
“Mỗi ngọn cỏ có thiên thần của nó, họ cúi xuống thì thầm: ‘Mọc, mọc đi.’”
-Kinh Talmud-
“Những người ứng biến vĩ đại giống như các thầy tu. Họ chỉ nghĩ về Chúa
của họ.”
-Stéphane Grappelli – Nhạc sĩ-
“Cái chúng ta chơi là cuộc sống.”
-Louis Amstrong-

CÁC NGUYÊN TÁC CƠ BẢN

1. Sáng tạo là trật tự tự nhiên của cuộc sống. Cuộc sống là


năng lượng: năng lượng sáng tạo thuần túy.

2. Có một xung lực sáng tạo nằm sâu bên dưới, sống bên
trong, ngấm vào mọi sự sống – bao gồm cả chúng ta.

3. Khi mở cửa cho sáng tạo, chúng ta mở cửa đón chào


khả năng sáng tạo của người sáng tạo bên trong chúng
ta và cuộc sống chúng ta.

4. Bản thân chúng ta là những sáng tạo. Và đến lượt


chúng ta phải duy trì khả năng sáng tạo bằng cách sáng
tạo.

5. Sáng tạo là món quà Chúa ban cho chúng ta. Sử dụng
khả năng sáng tạo chính là món quà chúng ta tặng lại
Chúa.

6. Từ chối sáng tạo là cứng đầu và đi ngược lại bản chất


đích thực của chúng ta.

7. Khi mở lòng khám phá khả năng sáng tạo của bản thân,
chúng ta mở lòng với Chúa: sự chỉ đạo có trật tự thánh
thiện.

8. Khi chúng ta mở kênh sáng tạo và đón chào Đấng Sáng


tạo, nhiều thay đổi nhẹ nhàng mà mạnh mẽ sẽ xảy ra.

9. Hãy mở lòng để sáng tạo, sáng tạo là việc làm an toàn.

10. Các giấc mơ và khao khát sáng tạo của chúng ta đến từ
một nguồn thần thánh. Khi chúng ta đi về phía các giấc
mơ, chúng ta đi về phía thần thánh.
“Tôi không vẽ bằng mắt mà bằng niềm tin. Niềm tin cho bạn đôi mắt.”
-Amos Ferguson-
“Tại sao tất cả chúng ta nên sử dụng sức mạnh sáng tạo của mình …? Bởi
vì không có gì làm cho con người hào phóng, vui vẻ, sống động, dũng cảm
và đồng cảm đến thế, bàng quan đến thế trước giao tranh và sự tích lũy của
cải, tiền bạc.”
-Brenda Ueland-
SỬ DỤNG CUỐN SÁCH NÀY NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔI PHỤC TÍNH SÁNG
TẠO CỦA BẠN
Có nhiều cách sử dụng cuốn sách này. Điều đầu tiên, tôi hy vọng bạn sử
dụng sách một cách sáng tạo. Phần này sẽ cung cấp cho bạn một kiểu lộ trình với
một vài ý tưởng cụ thể để tiến hành. Một số học viên đã tham gia khóa học một
mình; số khác lập nhóm để cùng nhau đọc sách (cuốn sách có hướng dẫn cách làm
việc nhóm). Bạn chọn cách nào không quan trọng, 12 tuần phóng thích năng lượng
sáng tạo sẽ có tác dụng đối với bạn.
Trước tiên, có thể bạn cần lướt qua cuốn sách để hình dung ra sách nói về
cái gì. Mỗi chương gồm các bài viết, bài tập, nhiệm vụ, và một bài kiểm tra tuần.
Đừng sợ khi thấy số lượng công việc lớn như vậy. Đa số công việc thực chất là
chơi, và khóa học chỉ mất khoảng một tiếng mỗi ngày.
Khi giảng dạy, tôi gợi ý học viên lập thời gian biểu hằng tuần. Ví dụ, nếu
bạn làm bảy ngày một tuần, hãy bắt đầu bằng việc đọc chương của tuần vào đêm
Chủ nhật. Sau khi đọc xong, viết nhanh các bài tập. Các bài tập trong mỗi tuần vô
cùng quan trọng. Các trang buổi sáng và cuộc hẹn nghệ sĩ cũng vậy (chương tiếp
theo sẽ có nhiều thông tin về điều này). Có thể bạn sẽ không có thời gian để hoàn
thành tất cả các nhiệm vụ của bất kỳ tuần nào. Vậy hãy cố gắng làm một nửa, nửa
còn lại để dành khi bạn có thể quay lại. Để chọn nửa nhiệm vụ nào sẽ làm trước,
hãy sử dụng hai hướng dẫn: chọn những nhiệm vụ bạn thích nhất và những nhiệm
vụ bạn ghét nhất. Hãy để lại những nhiệm vụ trung lập hơn. Chỉ cần nhớ rằng khi
chọn, chúng ta thường chống lại những gì chúng ta cần nhất.
Tóm lại, hãy dành ra khoảng bảy đến tám tiếng mỗi tuần, mỗi ngày một
tiếng, hoặc nhiều hơn một chút nếu bạn muốn. Việc sử dụng các công cụ này có
thể mang lại những kết quả to lớn trong vòng 12 tuần của khóa học. Khi sử dụng
trong thời gian dài hơn, các công cụ này có thể thay đổi đường đi của cả cuộc đời
bạn.
Khi sử dụng cuốn sách này, hãy nhớ rằng con đường nghệ sĩ là một con
đường tâm linh. Bạn sẽ gặp đi gặp lại một số vấn đề, mỗi lần ở một mức độ khác.
Trong cuộc đời nghệ thuật, chẳng có gì là xong cả. Những thứ gây nản chí và phần
thưởng tồn tại ở mọi cấp độ trên con đường này. Mục đích của chúng ta là tìm ra
con đường, tạo lập chỗ đứng và bắt đầu trèo. Triển vọng sáng tạo sẽ mở ra nhanh
chóng và khiến bạn phấn khích.
“Mục đích của nghệ thuật không phải là một thứ chưng cất tinh túy, trí tuệ.
Mục đích của nó là cuộc sống, cuộc sống sôi nổi, rực rỡ.”
-Alain Arias-Misson-
Cần phải kỳ vọng điều gì
Nhiều người trong số chúng ta luôn ước rằng mình có thể sáng tạo hơn.
Nhiều người khác cảm thấy mình sáng tạo hơn, nhưng lại không thể khai thác sức
sáng tạo đó một cách hiệu quả. Giấc mơ cứ lảng tránh chúng ta. Thường thì chúng
ta có những ý tưởng tuyệt vời, những giấc mơ kỳ diệu, song chúng ta không thể
hiện thực hóa chúng. Đôi khi chúng ta có những khao khát sáng tạo cụ thể mà
chúng ta muốn có khả năng để đạt được – học chơi đàn piano, vẽ tranh, tham gia
một lớp học diễn xuất hay viết lách… Đôi khi mục tiêu của chúng ta không rõ
ràng. Chúng ta thèm khát cái được gọi là “sống sáng tạo” – một nghĩa mở rộng của
tính sáng tạo trong cuộc sống làm ăn của chúng ta, trong việc chia sẻ với con cái,
vợ chồng, bạn bè chúng ta.
Tuy không có cách nào để đạt được tính sáng tạo một cách tức thì và không
đau đớn, song sự hồi phục (hoặc phát triển) sáng tạo là một quá trình tâm linh có
thể dạy và theo dõi tiến bộ được. Mỗi người trong số chúng ta đều phức tạp và
mang tính cá thể rất cao, nhưng có những mẫu số chung có thể nhận ra đối với quá
trình hồi phục sáng tạo.
Khi các học viên áp dụng quy trình này, tôi thấy có một sự tròng trành nhất
định trong vài tuần đầu. Ngay sau giai đoạn nhập môn là một cơn giận dữ bùng nổ
vào giữa khóa. Tiếp theo cơn giận dữ là đau buồn, rồi các làn sóng kháng cự và hy
vọng đan xen lẫn nhau. Giai đoạn tăng trưởng đỉnh cao và vực sâu này trở thành
một chuỗi co giãn, một quá trình sinh nở khi các học viên trải qua cảm giác thăng
hoa cực độ và thái độ hoài nghi, phòng thủ.
Tiếp theo giai đoạn tăng trưởng đầy biến động này là khát khao muốn từ bỏ
quá trình đó và quay trở về cuộc sống trước đây. Nói cách khác, đó là một giai
đoạn mặc cả. Mọi người thường muốn bỏ khóa học tại thời điểm này. Tôi gọi cái
này là “chỗ rẽ chữ U” hoặc “bước ngoặt 180 độ sáng tạo”. Việc tái cam kết tham
gia quá trình sẽ khiến cho sự đầu hàng cái tôi biến mất. Tiếp theo, giai đoạn cuối
cùng của khóa học có đặc trưng là các học viên cảm nhận hoàn toàn mới về bản
thân, thể hiện qua mức độ tự làm chủ, hồi phục, kỳ vọng và phấn khích gia tăng,
cũng như qua khả năng thiết kế và thực hiện những kế hoạch sáng tạo cụ thể.
“Cái nằm sau chúng ta và cái nằm trước chúng ta là những thứ bé xíu so
với cái nằm trong chúng ta.” -Ralph Waldo Emerson-
Nếu bạn thấy điều này nghe giống như một mớ cảm xúc hỗn độn, thì đúng là
vậy. Khi tham gia vào một quá trình khôi phục tính sáng tạo, chúng ta bước vào
một quá trình rút lui khỏi cuộc sống như chúng ta biết. “Rút lui” là một cách nói
khác của “tách biệt” hay “không dính líu”, vốn là cốt lõi của bất cứ hoạt động thiền
định nào.
Nói theo ngôn ngữ điện ảnh, chúng ta cần chậm rãi “đổi tiêu cự”, kéo cao
lên và xa ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cho tới khi chúng ta có được cái nhìn
tổng quan. Cái nhìn tổng quan này cho phép chúng ta đưa ra những lựa chọn sáng
tạo có giá trị. Hãy nghĩ về nó như một hành trình qua một địa hình khó khăn, đa
dạng và lý thú. Bạn đang đi lên vùng đất cao hơn. Bạn cần hiểu thành quả của sự
lùi lại là một quá trình tích cực, vừa đau đớn vừa thú vị.
Nhiều người trong chúng ta thấy rằng chúng ta đã lãng phí năng lượng sáng
tạo của mình bằng cách đầu tư thiếu cân đối vào cuộc sống, hy vọng, giấc mơ và
kế hoạch của người khác. Cuộc sống của họ đã che mờ và làm lệch hướng cuộc
sống của chúng ta. Khi củng cố cái cốt lõi thông qua quá trình rút lui, chúng ta có
thể diễn đạt các ranh giới, giấc mơ và mục tiêu đích thực của mình một cách dễ
dàng hơn. Chúng ta trở nên linh hoạt hơn và ít bị tác động từ mong muốn bất chợt
của những người khác. Chúng ta cảm nhận về tự chủ và cơ hội một cách rõ nét
hơn.
Bình thường khi nhắc đến “cai”, chúng ta nghĩ về việc loại bỏ một chất nào
đó ra khỏi người. Chúng ta cai rượu, ma túy, đường, chất béo, cafein, nicotin và
chúng ta rơi vào tình trạng vật vã do thiếu chất đó. Sẽ là có ích nếu chúng ta nhìn
nhận việc “cai sáng tạo” hơi khác đi một chút: bản thân chúng ta là cái chất mà
chúng ta rút tới, chứ không phải rút khỏi, khi mà chúng ta kéo năng lượng sáng tạo
bị quá tải và bị đặt nhầm chỗ ngược trở lại cái lõi của chúng ta.
Chúng ta bắt đầu khai quật những giấc mơ bị chôn vùi của bản thân, và đây
là một quá trình khó khăn. Một số giấc mơ thường xuyên thay đổi, và chỉ riêng
việc phớt lờ những giấc mơ đó đã khiến một nguồn năng lượng khổng lồ trào lên
trong hệ thống phủ nhận của chúng ta. Đau buồn làm sao! Mất mát làm sao! Đau
đớn làm sao! Chính tại thời điểm này của quá trình hồi phục, trong chúng ta xảy ra
tình trạng mà Robert Bly gọi là “biến thành tro bụi”. Chúng ta khóc thương cho cái
tôi mà chúng ta vừa từ bỏ. Chúng ta đón chào cái tôi này như cách chúng ta chào
đón người tình trở về sau một cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém.
Để hồi phục sự sáng tạo, chúng ta phải trải qua một quãng thời gian khóc
thương. Trong lúc giải quyết sự tự vẫn của cái tôi “tử tế” mà trước giờ chúng ta
vẫn dùng tạm, chúng ta thấy một lượng đau buồn nhất định là rất cần thiết. Những
giọt lệ của chúng ta sẽ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng trong tương lai của chúng
ta. Thiếu sự tưới tắm sáng tạo này, có thể chúng ta vẫn bị khô cằn. Chúng ta phải
cho phép những tia đau đớn quật vào người chúng ta. Nên nhớ, đây là những tia
đau hữu ích; tia sét bao giờ cũng tỏa sáng.
Làm thế nào bạn biết sức sáng tạo của mình bị tắc? Ghen tị là một đầu mốt
xuất sắc. Bạn có oán giận họa sĩ nào không? Bạn có nói với mình là: “Tôi có thể
làm được điều đó, giá như…” không? Bạn có nói với mình là giá như bạn coi trọng
tiềm năng sáng tạo của bản thân, bạn có thể:
 Thôi không nói với chính mình: “Quá muộn rồi”.
 Thôi không đợi cho đến khi kiếm đủ tiền để làm việc mình thực sự yêu
thích.
 Thôi không nói với mình là: “Đó chỉ là cái tôi của tôi” bất cứ khi nào bạn
khao khát một cuộc sống sáng tạo hơn.
 Thôi không nói với chính mình rằng: “Giấc mơ chẳng có gì quan trọng”,
rằng chúng chỉ là giấc mơ mà thôi và bạn cần phải lí trí hơn.
 Thôi không lo rằng gia đình và bạn bè sẽ cho rằng bạn bị điên.
 Thôi không nói với mình rằng: “Khả năng sáng tạo là một điều xa xỉ”, rằng
bạn nên biết ơn với những gì bạn đang có.

Khi bạn học cách phát hiện, nuôi dưỡng và bảo vệ người nghệ sĩ bên trong,
bạn sẽ có thể vượt qua đau đớn và hạn chế về mặt sáng tạo. Bạn sẽ học cách để
nhận ra và giải quyết nỗi sợ hãi, loại bỏ mô sẹo cảm xúc và củng cố sự tự tin.
Những ý nghĩ cũ kỹ phá hoại khả năng sáng tạo sẽ được phân tích và loại bỏ. Áp
dụng những phương pháp trong cuốn sách này, bạn sẽ trải nghiệm một cuộc đối
đầu thấu đáo, có trình tự với khả năng sáng tạo của bản thân, với cái xấu trong con
người bạn, mong ước, sợ hãi, giấc mơ, hy vọng và chiến thắng của bạn. Trải
nghiệm này sẽ làm bạn phấn khích, trầm uất, tức giận, sợ sệt, vui vẻ, hy vọng và
cuối cùng là tự do hơn.
NHỮNG CÔNG CỤ CƠ BẢN

Có hai công cụ chính trong quá trình hồi phục sáng tạo: các trang buổi sáng
và cuộc hẹn nghệ sĩ. Để thức tỉnh sự sáng tạo một cách lâu dài, chúng ta cần phải
sử dụng cả hai công cụ này. Tôi sẽ giới thiệu cả hai công cụ này đủ dài và chi tiết
để trả lời hầu hết các câu hỏi của bạn. Xin hãy đọc cẩn thận và sử dụng hai công cụ
này ngay lập tức!

Các trang buổi sáng

Để khôi phục khả năng sáng tạo, bạn cần phải tìm ra nó. Hãy làm việc này
bằng một quá trình rõ ràng là vô dụng mà tôi gọi là các trang buổi sáng. Bạn sẽ
viết trong suốt các tuần của khóa học và tôi hy vọng là cả sau khóa học nữa. Tôi đã
làm việc này được 10 năm rồi. Có một số học viên của tôi cũng làm việc đó gần 10
năm và nếu anh ta ngừng viết thì cũng chẳng khác gì ngừng thở.
Ginny, một nhà văn kiêm nhà sản xuất đã nói rằng nhờ vào các trang buổi
sáng mà bà có cảm hứng viết các kịch bản và lập kế hoạch rõ ràng cho các chương
trình đặc biệt trên đài truyền hình nơi bà làm việc. “Giờ thì tôi rất sùng tín những
trang viết này”, bà nói. “Lúc phải biên tập những chương trình đặc biệt, tôi thường
thức dậy lúc 5 giờ sáng để viết trước khi đi làm.”
Trang viết buổi sáng là gì? Nói một cách đơn giản, trang viết buổi sáng là ba
trang giấy viết tay, nghĩ thế nào, cảm thấy thế nào thì viết thế nấy: “Ôi lạy Chúa,
lại một buổi sáng nữa. Tôi không có gì để nói cả. Tôi cần phải giặt mấy cái rèm
cửa. Tôi đã đi lấy đồ giặt ngày hôm qua chưa nhỉ?” v.v.. Những trang viết này
cũng có thể được gọi là thụt não, vì đó là một trong những chức năng của nó.
“Câu chữ là một dạng hành động, có khả năng tạo ra thay đổi.”
-Ingrid Bengis-
“Bạn cần đòi lấy các sự kiện của cuộc đời bạn để biến bạn thành của bạn.”
-Anne-Wilson Schaef-
Chẳng có cách nào là sai khi bạn viết các trang buổi sáng. Những dòng tản
mạn buổi sáng này không cần phải là nghệ thuật, hay thậm chí là viết. Tôi nhấn
mạnh điểm đó để trấn an những ai không phải là nhà văn đang thực hiện theo cuốn
sách này. Viết chỉ đơn giản là một trong các công cụ. Các trang viết đơn giản là
hành động di chuyển bàn tay theo chiều ngang trên trang giấy và viết ra bất cứ cái
gì xuất hiện trong đầu. Chẳng có cái gì là quá nhỏ nhặt, quá khờ khạo, quá ngốc
nghếch hay quá lập dị ở đây cả.
Khi viết các trang buổi sáng bạn không cần phải tỏ ra sắc sảo, mặc dù đôi
khi điều đó có xảy ra. Phần lớn thời gian những trang này chẳng có gì đặc sắc và
không ai có thể biết điều đó trừ bạn. Không ai được phép đọc các trang đó trừ bạn.
Và bạn thậm chí không nên đọc các trang này trong khoảng tám tuần đầu tiên. Chỉ
viết ba trang, và nhét vào trong phong bì dán kín. Hoặc viết ba trang trong sổ gáy
xoắn và không lật ngược lại để đọc. Chỉ viết ba trang, và ngày hôm sau viết thêm
ba trang.
Ngày 30 tháng Chín năm 1991
Dịp cuối tuần, để làm dự án môn sinh vật của Domenca, cô ấy và tôi đi bắt côn
trùng nhỏ bên dòng Rio Grande và Pott Creek. Chúng tôi bắt nhện nước và
bướm. Tôi làm một cái lưới bắt bướm màu đỏ sẫm khá là được việc, tuy nhiên lũ
bướm cứ lẫn tránh chúng tôi, chán thế! Chúng tôi không bắt con nhện lông đang
bò trên con đường đất gần nhà. Chúng tôi chỉ thích thú ngắm nhìn nó.

Tuy thi thoảng mang vẻ tươi tắn, song các trang buổi sáng thường tiêu cực,
rời rạc, tự than thân trách phận, lặp đi lặp lại, gượng gạo, trẻ con, cáu kỉnh hoặc
nhạt nhẽo, thậm chí cả ngớ ngẩn nữa. Tốt!
Ngày 2 tháng Mười năm 1991
Tôi tỉnh giấc, trước đó bị đau đầu và đã uống aspirin và cảm thấy đỡ hơn mặc dù
vẫn còn run rẩy. Chắc tôi bị cúm. Tôi đang dỡ gần hết chỗ đồ mà vẫn không thấy
cái ấm pha trà của Laura đâu, người mà tôi đang nhớ đau nhớ đớn. Đau lòng làm
sao…

“Đầu óc mà hoạt động quá nhiều thì không phải là đầu óc.”
-Theodore Roethke-
“Những sự kiện trong cuộc đời chúng ta xảy ra theo trình tự thời gian, song
xét theo ý nghĩa của chúng đối với chúng ta, chúng có thứ tự của riêng
chúng.”
-Eudora Welty-
Tất cả những sự giận dữ, lèo nhèo, nhỏ nhặt mà bạn viết ra mỗi sáng sẽ ngăn
bạn đi đến sáng tạo. Lo lắng về công việc, đồ giặt, tiếng gõ kỳ lạ trong chiếc xe hơi
của bạn, ánh mắt khó hiểu của người yêu bạn… tất cả những thứ này cuộn xoáy
trong tiềm thức và làm vẩn đục ngày làm việc của bạn. Hãy viết nó ra giấy.
Các trang buổi sáng là công cụ chủ yếu để khôi phục tính sáng tạo. Là nghệ
sĩ bị bế tắc, chúng ta có xu hướng chỉ trích bản thân một cách tàn bạo. Kể cả khi
vẫn sáng tác một cách bình thường, chúng ta vẫn cảm thấy chưa bao giờ làm đủ và
cái chúng ta đang làm không đúng chút nào. Chúng ta là nạn nhân của con người
cầu toàn bên trong – một Nhà phê bình ác độc cư ngụ trong não (trái) và tuôn ra
hàng loạt những lời phủ nhận thường được ngụy trang là sự thật. Hắn sẽ nói những
điều tuyệt diệu như: “Anh gọi đó là viết á? Đùa à? Anh thậm chí còn không biết
chấm phẩy. Nếu bây giờ mà còn không biết thì mãi mãi không bao giờ anh làm
được. anh thậm chí còn không biết đánh vần. Điều gì làm cho anh nghĩ anh có thể
sáng tạo được cơ chứ?” v.v..
Hãy coi đây là một quy tắc: luôn nhớ rằng các ý kiến tiêu cực của Nhà phê
bình trong bạn không phải là sự thật. Việc này cần phải được thực hành. Bằng cách
nhảy ra khỏi giường và lao thẳng đến các trang giấy mỗi sáng, bạn sẽ học cách lẩn
tránh Nhà phê bình. Vì chẳng có cách nào là sai khi viết các trang buổi sáng nên ý
kiến của Nhà phê bình sẽ không có giá trị. Hãy để Nhà phê bình trong bạn tự lảm
nhảm (và Nhà phê bình sẽ làm thế). Chỉ cần giữ cho cánh tay chuyển động trên các
trang giấy. Viết ra những suy nghĩ của nhà phê bình nếu bạn muốn. Hãy để ý Nhà
phê bình sung sướng thế nào khi nhắm vào điểm yếu sáng tạo của bạn. Đừng mắc
sai lầm: Nhà phê bình sẽ tóm lấy bạn. Hắn là kẻ thù láu cá. Cứ mỗi khi bạn thông
minh hơn, hắn cũng vậy. Bạn viết một vở kịch hay? Hắn bảo với bạn tất cả chỉ có
thế. Bản vẽ bản ký họa đầu tiên? Hắn nói: “Chẳng phải Picasso.”
Hãy nghĩ về Nhà phê bình như một con rắn trong tranh biếm họa, nó sẽ luồn
lách quanh vườn địa đàng sáng tạo của bạn, phun ra những thứ tởm lợm để làm
bạn mất cảnh giác. Nếu thấy rắn không hấp dẫn thì bạn có thể tìm một hình ảnh
biếm họa phù hợp với Nhà phê bình, có thể là con cá mập trong phim Hàm cá
mập, rồi viết chữ X lên trên đó. Dán nó ở nơi bạn định ngồi viết hoặc bìa cuốn vở
bạn dùng để viết. Chỉ cần biến Nhà phê bình thành một nhân vật nhỏ bé, xấu xa,
ranh mãnh là có thể lấy đi một chút uy quyền của hắn đối với bạn và khả năng sáng
tạo của bạn.
Nhiều học viên đã ghim một bức ảnh “dìm hàng” người thân sinh và gọi bức
ảnh đó là Nhà phê bình của họ. Mục đích là để chấm dứt việc coi Nhà phê bình là
tiếng nói của lí trí và học cách ca ngợi cái thiết bị ngáng đường đó. Các trang buổi
sáng sẽ giúp bạn làm việc này.
Các trang buổi sáng không dành để thương lượng. Đừng bao giờ bỏ qua hay
dành ít thời gian hơn quy định cho các trang viết này. Trạng thái tâm lý của bạn
không quan trọng. Điều tồi tệ mà Nhà phê bình trong bạn nói không quan trọng.
Chúng ta thường nghĩ rằng phải có tâm trạng phù hợp thì mới viết được, nhưng
thực ra không cần thế.
Các trang buổi sáng sẽ dạy cho bạn rằng trạng thái tâm lý của bạn không
thực sự quan trọng. Một số công việc sáng tạo tuyệt vời nhất lại được hoàn thành
vào những ngày bạn cảm thấy rằng mọi thứ mình đang làm đều là đồ bỏ đi. Các
trang buổi sáng sẽ dạy cho bạn cách chấm dứt phán xét và hãy cứ để bản thân mình
viết. Vậy nếu bạn mệt mỏi, bực dọc, không tập trung, căng thẳng thì sao? Người
nghệ sĩ trong bạn là một đứa trẻ và nó cần được cho ăn. Các trang buổi sáng là thức
ăn dành cho đứa trẻ nghệ sĩ đó. Cho nên hãy viết các trang này.
Ba trang về bất cứ cái gì xuất hiện trong đầu bạn – tất cả chỉ có thế. Nếu bạn
không thể nghĩ ra cái gì để viết thì viết “Tôi không thể nghĩ ra cái gì để viết…”
Làm việc này đến khi bạn lấp đầy ba trang giấy. Làm gì thì làm, nhưng bạn phải
lấp đầy ba trang giấy.
Khi mọi người hỏi: “Tại sao chúng tôi phải viết các trang buổi sáng?” Tôi
nói vui: “Để đến được phía bên kia”. Họ nghĩ tôi đang đùa, nhưng thực ra không
phải như vậy. Các trang buổi sáng thực sự đưa chúng ta đến phía bên kia: phía bên
kia của nỗi sợ hãi, của sự tiêu cực, của trạng thái tâm lý. Trên hết, các trang buổi
sáng đưa chúng ta vượt qua Nhà phê bình, vượt qua tầm với của những lời lảm
nhảm của Nhà phê bình, chúng ta tìm thấy trung tâm tĩnh lại của riêng mình, nơi
chúng ta nghe thấy ý thức của chúng ta – đó vừa là giọng nói của người sáng tạo,
vừa là của chính chúng ta.
Ở đây, tôi cần phải nói đôi lời về bộ não logic và bộ não nghệ sĩ. Bộ não
logic là bộ não đưa ra lựa chọn, nằm ở bán cầu trái. Đây là bộ não dứt khoát, rõ
ràng. Nó suy nghĩ một cách gãy gọn, tuyến tính. Theo nguyên tắc, bộ não logic
nhìn nhận thế giới theo những phạm trù đã được biết. Ví dụ: ngựa là một kết hợp
nhất định của các bộ phận động vật làm nên một con ngựa. Cánh rừng mùa thu
được nhìn nhận như một loạt các màu sắc làm nên một “cánh rừng mùa thu”. Bộ
não logic nhìn vào một cánh rừng mùa thu và ghi nhận: màu đỏ, màu cam, màu
vàng, màu xanh lá, màu vàng kim…
Bộ não logic đã và đang là bộ não sinh tồn của chúng ta. Nó hoạt động dựa
trên những nguyên lý đã được biết. Bất cứ cái gì chưa được biết sẽ bị coi là sai và
có thể gây nguy hiểm. Bộ não logic thích mọi thứ giống như những người lính bé
nhỏ gọn gàng hành quân trên một đường thẳng. Bộ não logic là bộ não chúng ta
thường lắng nghe, nhất là khi chúng ta đang tự dặn mình là phải lí trí.
Bộ não logic là Nhà phê bình của chúng ta, là suy nghĩ thứ hai (và thứ ba,
thứ tư nữa). Khi đối mặt với một câu, cụm từ, đường vẽ nguệch ngoạc mới, nó sẽ
nói: “Cái quái gì thế này? Thế là không đúng!”
Bộ não nghệ sĩ là nhà phát minh, đứa trẻ, vị giáo sư đãng trí của chúng ta.
Bộ não nghệ sĩ nói: “Này! Gọn gàng quá!” Nó sắp xếp những thứ không liên quan
lại với nhau. Nó thích gọi một chiếc xe thể thao của Ý đang tăng tốc là một loài vật
hoang dã: “Con sói đen đang tru trên đường quốc lộ…”
Bộ não nghệ sĩ là bộ não sáng tạo, chú trọng đến tổng thể của chúng ta. Bộ
não nghệ sĩ liên tưởng và không ràng buộc theo bất cứ luật lệ nào. Nó tạo ra những
liên hệ mới, liên kết các hình ảnh để khơi gợi ý nghĩa: giống như thần thoại Na Uy
gọi thuyền là “con ngựa sóng”. Trong phim Chiến trang giữa các vì sao, cái tên
“người đi trên trời” (tên nhân vật Anakin Skywalker) cũng là một khoảnh khắc lóe
sáng đáng yêu của bộ não nghệ sĩ.
Tại sao phải nói về bộ não logic và bộ não nghệ sĩ? Vì các trang buổi sáng sẽ
khiến cho bộ não logic phải đứng ra bên cạnh và để cho bộ não nghệ sĩ chơi.
Nhà phê bình là một phần của bộ não sinh tồn còn lại. Nó là phần chịu trách
nhiệm quyết định xem môi trường xung quanh liệu có an toàn để chúng ta rời khỏi
khu rừng và tiến vào đồng cỏ hay không. Nhà phê bình quét đồng cỏ sáng tạo của
chúng ta để tìm xem có con vật nào nguy hiểm hay không. Thế nên đối với Nhà
phê bình, bất cứ suy nghĩ, ý tưởng mới mẻ nào đều trông có vẻ khá nguy hiểm.
Câu viết/bức tranh/tượng điêu khắc/ảnh chụp duy nhất Nhà phê bình thích là
những gì nó đã trông thấy nhiều lần trước đó. Những câu viết an toàn, những bức
tranh an toàn, chứ không phải là những lời nói, nét vẽ hay dòng chữ mang tính chất
thăm dò. Nếu lắng nghe Nhà phê bình, nó sẽ nói với bạn rằng bất cứ cái gì mới mẻ
đều là sai lầm/nguy hiểm/tồi tệ.
Làm sao bạn có thể sáng tạo nếu mỗi lần bạn có ý tưởng mới thì ai đó (Nhà
phê bình trong bạn) lại chế giễu bạn? Các trang buổi sáng sẽ dạy bạn thôi không
nghe sự chế giễu đó nữa và cho phép bạn tách ra khỏi Nhà phê bình tiêu cực trong
bạn.
Có thể hữu ích khi coi các trang buổi sáng giống như ngồi thiền. Có thể
không phải là kiểu thiền mà bạn vẫn quen tập. Trên thực tế, bạn có thể không quen
với thiền một chút nào. Những trang viết này có thể không mang tính tâm linh hay
thậm chí thiền – mà thực ra là tiêu cực và vật chất hơn – nhưng đây là một dạng
thiền có giá trị và giúp chúng ta tạo ra thay đổi trong cuộc đời mình.
“Cảm hứng có thể là một dạng siêu nhận thức, hoặc có lẽ tiềm thức, tôi
không rõ. Nhưng tôi chắc chắn nó là phản đề của tự nhận thức.” -Aaron
Copland-
Hãy xem xét cái chúng ta chắc chắn đạt được khi thiền. Có nhiều cách nghĩ
về thiền: các nhà khoa học nói đến các bán cầu não và kỹ thuật bẻ ghi, chúng ta
chuyển từ bộ não logic sang bộ não nghệ sĩ và từ nhanh sang chậm, từ nông sang
sâu; trong quá trình tìm kiếm sự vận hành ổn định cho các công ty, các nhà tư vấn
quản lý đã học được cách nghĩ về thiền chủ yếu như một kỹ thuật quản lý căng
thẳng thần kinh; những người tìm kiếm tâm linh thì nhìn nhận quá trình này như
một cánh cổng để đến với Chúa; còn nghệ sĩ và các chuyên gia về sáng tạo thì coi
nó như một kênh mang lại những hiểu biết về sáng tạo cao hơn.
Tất cả những ý tưởng này đều đúng và đi khá xa. Nhưng chưa đủ xa. Vâng,
chúng ta sẽ điều chỉnh bán cầu não, giảm căng thẳng, khám phá ra một mối liên lac
bên trong với một nguồn sáng tạo và có nhiều hiểu biết về sáng tạo. Vâng, vì bất
cứ lý do nào, tìm kiếm là một việc đáng phải làm. Tuy nhiên, kể cả khi kết hợp lại,
đây vẫn là những ý tưởng thông tuệ cho một trải nghiệm về sự toàn vẹn, sự đúng
đắn và sức mạnh.
Chúng ta thiền để khám phá bản sắc của chính mình, để tìm ra nơi mình
thuộc về trong vũ trụ này. Thông qua thiền, chúng ta có được và thừa nhận mối
liên hệ giữa chúng ta với một nguồn sức mạnh bên trong có khả năng biến đổi thế
giới bên ngoài của chúng ta. Nói cách khác, thiền không chỉ cho chúng ta ánh sáng
hiểu biết mà còn cả sức mạnh để thay đổi nữa.
Hiểu biết về bản chất là một sự an ủi trí tuệ. Sức mạnh về bản chất là một
xung lực mù có thể phá dễ như xây. Chỉ khi chủ định học cách kết nối sức mạnh và
ánh sáng thì khi đó chúng ta mới cảm nhận được bản sắc đúng đắn của mình như
những sinh vật có khả năng sáng tạo. Các trang buổi sáng cho phép chúng ta củng
cố mối liên kết này. Nó sẽ cung cấp cho chúng ta một bộ thu phát radio để liên lạc
với Đấng Sáng tạo bên trong. Vì lý do đó, các trang buổi sáng là một sự thực hành
tâm linh.
Không bao giờ có chuyện bạn viết các trang buổi sáng trong một khoảng
thời gian dài mà vẫn không tiếp xúc được với nguồn sức mạnh không ngờ tới từ
bên trong. Các trang buổi sáng là con đường dẫn chúng ta đi vào thế giới bên
trong, nơi chúng ta gặp cả khả năng sáng tạo và người sáng tạo của mình.
Các trang buổi sáng vẽ bản đồ cho thế giới bên trong. Không có các trang
này, những giấc mơ của chúng ta có thể vẫn chỉ là vùng đất không được biết đến.
Sử dụng các trang buổi sáng, ánh sáng hiểu biết được kết hợp với sức mạnh đổi
thay lớn lao. Rất khó để sáng nào, tháng nào cũng than phiền về một tình hình mà
không chuyển sang hành động xây dựng. Các trang này kéo chúng ta ra khỏi tuyệt
vọng và đưa chúng ta tới những giải pháp mà chúng ta chưa từng mơ tới.
“Lúc nào cũng lại quay về sự cần thiết đó: đi đủ sâu và có một lớp đá sự
thật, cho dù cứng đến thế nào.”
-May Sarton-
Lần đầu tiên tôi viết các trang buổi sáng là khi đang sống ở Taos, bang New
Mexico. Tôi tới đó để giải quyết các vấn đề của mình: lần thứ ba liên tiếp, một bộ
phim của tôi bị thất bại vì nội bộ xưởng phim. Những thảm họa như vậy là bình
thường với các nhà biên kịch, nhưng với tôi thì chả khác gì bị sảy thai. Đây đã là
lần thứ ba rồi. Tôi muốn từ bỏ các bộ phim. Phim ảnh đã làm tan nát trái tim tôi.
Tôi không muốn có thêm đứa con tinh thần nào bị chết yểu như vậy nữa. Tôi tới
bang New Mexico để chữa lành trái tim và để xem mình có thể muốn làm cái gì
khác, nếu có.
Sống trong một căn nhà đất nhỏ nhìn về hướng bắc, nơi có ngọn núi Taos,
tôi bắt đầu viết các trang buổi sáng. Không ai bảo tôi làm việc này cả. Tôi chưa bao
giờ nghe thấy ai nói về việc viết các trang buổi sáng như vậy. Tôi chỉ có cảm giác
thôi thúc từ bên trong bảo tôi nên làm thế và tôi đã làm thế. Tôi ngồi xuống cái bàn
gỗ và chăm chú viết.
Các trang buổi sáng trở thành một sở thích của tôi, là cái gì đó để làm thay
vì lúc nào cũng nhìn chằm vào ngọn núi. Và rồi một sáng mưa, một nhân vật tên là
Johnny bước vào trang giấy của tôi. Không có kế hoạch từ trước, tôi bắt đầu viết
tiểu thuyết. Các trang buổi sáng đã chỉ cho tôi một con đường.
Bất cứ ai trung thành với việc viết các trang buổi sáng đều sẽ được dẫn tới
một mối liên kết với nguồn trí tuệ bên trong. Khi gặp phải một tình huống đau đớn
hoặc một vấn đề không biết cách xử lý thế nào thì tôi sẽ đến các trang viết và hỏi
xin sự hướng dẫn. Để làm điều này, tôi viết chứ “LJ” (viết tắt của chữ Little Julie –
Julie bé nhỏ) và đặt câu hỏi:
“Giống như một kỹ năng hay một loại cơ bắp, việc nghe thấy trí khôn bên
trong được củng cố bằng cách thực hiện nó.”
-Robbie Gass-
“Từ hiểu biết về những điều kiện có thật của cuộc sống, chúng ta phải rút ra
sức mạnh để sống và lý do cho việc sống.”
-Simone De Beauvoid-
LJ: Tôi nên nói với họ như thế nào về loại trí tuệ bên trong này? (Rồi tôi
lắng nghe câu trả lời và viết ra câu trả lời)
Trả lời: Bạn nên nói với họ rằng ai cũng có thể gọi trực tiếp cho Chúa mà
chẳng cần phải qua nhân viên tổng đài. Bảo họ thử kỹ thuật này để xử lý vấn đề
của họ. Họ sẽ thử mà.
Đôi khi, như ở trên, câu trả lời có thể tỏ ra thiếu nghiêm túc hoặc quá đơn
giản. Tôi tin rằng “tỏ ra” là từ quan trọng nhất. Thường thì khi tôi làm theo lời
khuyên được đưa ra, nó hoàn toàn đúng – đúng hơn nhiều so với cái gì đó phức tạp
hơn thế. Và vì thế, tôi muốn nói rằng: các trang buổi sáng là cách tôi thiền, tôi làm
thế vì nó có hiệu quả.
Một lời đảm bảo cuối cùng: các trang buổi sáng sẽ có hiệu quả với họa sĩ,
nhà điêu khắc, nhà thơ, diễn viên, luật sư, người nội trợ hoặc bất cứ ai muốn thử
cái gì đó sáng tạo. Đừng nghĩ rằng các trang viết này chỉ là công cụ của các nhà
văn. Nhiều luật sư đã thề rằng chúng giúp họ làm việc hiệu quả hơn ở tòa án. Các
vũ công nói rằng chúng giúp họ giữ thăng bằng tốt hơn, không chỉ về mặt cảm xúc.
Tóm lại, không quan trọng bạn dè dặt đến đâu và nghề nghiệp của bạn là gì, các
trang buổi sáng sẽ có hiệu quả với bạn.
Timothy, một triệu phú cáu kỉnh, kín đáo và bảo thủ bắt đầu viết các trang
buổi sáng với sự khinh khỉnh và hoài nghi. Ông ta không muốn làm việc này nếu
không có bằng chứng là các tranh buổi sáng sẽ có hiệu quả. Mấy cái trang chết tiệt
không có tiêu đề, cũng chẳng có xếp hạng của Dun & Bradstreet (nhà cung cấp
thông tin doanh nghiệp hàng đầu thế giới). Mấy cái trang này nghe thật ngớ ngẩn,
và Timothy thì căm ghét sự ngớ ngẩn.
Nói theo ngôn ngữ đường phố, Timothy là một tay chơi không phải dạng
vừa. Được tôi luyện hàng năm trời trong phòng giám đốc công ty, “mặt tiền” bất
khả chiến bại của Timothy tối, bóng và đắt như gỗ gụ. Không có biểu cảm nào lộ
ra trên gương mặt bình thản của người đàn ông này. Ông ta là tượng đài của sự bí
hiểm nam tính.
“Ồ, được…” Timothy đồng ý viết, nhưng chỉ vì ông ta đã trả tương đối
nhiều để được bảo rằng phải làm như vậy. Sau ba tuần, Timothy cổ hủ, cứng nhắc
bỗng trở thành người ủng hộ phương pháp các trang buổi sáng. Kết quả của việc
viết các trang buổi sáng đã thuyết phục ông ta. Ông ta bắt đầu có một chút vui vẻ
và sáng tạo. “Tôi mua dây cho cây đàn ghi ta cũ mà bấy lâu nay tôi vứt lăn lóc”, có
một tuần ông ta báo cáo. Và rồi “Tô thay dây điện cho cái đài. Tôi mua mấy cái đĩa
nhạc Ý hay tuyệt.” Tuy hơi do dự khi thừa nhận điều đó, kể cả với chính bản thân
ông ta, song rõ ràng cái nút tắc nhà văn trong Timothy đang tan dần. Mỗi sáng thức
dậy, cùng với tiếng thánh ca trên đài, ông ta viết một cách tự do.
“Vẽ chỉ là một cách để viết nhật ký.”
-Pablo Picasso-
“Trải nghiệm, kể cả đối với một họa sĩ, không chỉ là thị giác.”
-Walter Meigs-
Không phải ai cũng viết các trang buổi sáng với một sự phản kháng rõ ràng
đến vậy. Phyllis, một đại gia chân dài, người thường hay giấu sự thông minh sau
vẻ đẹp của mình và giấu cuộc sống sau cuộc sống của chồng mình, thử viết các
trang buổi sáng với một sự vui sướng lộ rõ ra bên ngoài, và một niềm tin bên trong
rằng mấy trang viết này sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì. Đã 10 năm qua, bà chẳng
cho phép mình viết cái gì ngoài mấy bức thư, danh sách mua bánh mì và bơ. Sau
khi viết các trang buổi sáng khoảng một tháng, không hiểu từ đâu, Phyllis viết các
bài thơ đầu tiên. Trong ba năm thực hiện phương pháp này, bà đã làm thơ, viết
diễn văn, chương trình trên đài phát thanh và một cuốn sách.
Anton, một diễn viên nóng nảy nhưng lại nhẹ nhàng khi viết các trang buổi
sáng cũng “thông tắc” thành công. Laura, một nhà văn, nhạc sĩ tài năng nhưng bế
tắc, bỗng thấy các trang buổi sáng đưa bà đến với cây đàn piano và máy đánh chữ.
Bạn có thể thực hiện khóa học này với một chương trình giải quyết bế tắc
của riêng mình, nhưng những công cụ của khóa học có thể giải phóng những vùng
sáng tạo mà bấy lâu nay bạn đã phớt lờ hoặc thậm chí không nhìn thấy. Ingeborg
sử dụng các trang buổi sáng để giải phóng “người viết sáng tạo” bên trong, và bà
đã thay đổi vị trí từ một trong những nhà phê bình âm nhạc hàng đầu của Đức trở
thành nhạc sĩ lần đầu tiên trong 20 năm. Bà rất kinh ngạc và thực hiện vài cuộc gọi
xuyên Đại Tây Dương để chia sẻ tin tức tốt lành này.
Thường thì những học viên phản ứng nhiều nhất với các trang buổi sáng lại
là những người sau này yêu chúng nhất. Trên thực tế, căm ghét các trang buổi sáng
là một dấu hiệu rất tốt. Yêu chúng cũng là một dấu hiệu tốt nếu bạn tiếp tục viết kể
cả khi bạn đột nhiên không yêu chúng nữa. Thái độ trung lập đứng vị trí thứ ba,
nhưng thực ra đó chỉ là một chiến lược phòng ngự dùng để che đậy nỗi buồn tẻ.
Buồn tẻ chỉ là thái độ “Làm thế có tác dụng gì?” được ngụy trang. Và “Làm
thế có tác dụng gì?” là nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi có nghĩa là bạn đang tuyệt vọng
trong bí mật. Thế nên hãy đặt nỗi sợ hãi của bạn lên trang giấy. Hãy đặt bất cứ thứ
gì lên trang giấy. Viết ba trang về những điều đó.
“Nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất là đứa trẻ ở bên trong chúng ta.”
-Stephen Nachmanovitch-
“Khi tiếng cười giòn giã nhất, vũ trụ được quăng vào một cái kính vạn hoa
của các khả năng mới.”
-Jean Houston-

Cuộc hẹn nghệ sĩ

Công cụ cơ bản còn lại của 12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo có thể
tạo cho bạn ấn tượng rằng đây không phải là công cụ mà chỉ là sự đánh lạc hướng.
Bạn có thể thấy rõ các trang buổi sáng có hiệu quả như thế nào nhưng lại rất nghi
ngờ về cái gọi là “cuộc hẹn nghệ sĩ”. Tôi đảm bảo với bạn rằng cuộc hẹn nghệ sĩ
cũng có hiệu quả.
Hãy nghĩ về sự kết hợp các công cụ này như một thiết bị thu và phát radio.
Đó là một quá trình hai bước, hai hướng: ra ngoài và vào trong. Khi viết các trang
buổi sáng, bạn gửi đi – thông báo với chính bạn và vũ trụ về các giấc mơ, sự không
thỏa mãn và niềm hy vọng của bạn. Thực hiện cuộc hẹn nghệ sĩ, bạn sẽ nhận về -
mở cửa đón chào hiểu biết, cảm hứng và sự chỉ dẫn.
Nhưng chính xác cuộc hẹn nghệ sĩ là gì? Cuộc hẹn nghệ sĩ là một khoảng
thời gian, có thể là hai tiếng mỗi tuần được dành riêng cho việc nuôi dưỡng nhận
thức sáng tạo của bạn, người nghệ sĩ bên trong bạn. Ở dạng nguyên thủy nhất, cuộc
hẹn nghệ sĩ là một chuyến tham quan, một cuộc hẹn đi chơi mà bạn lên kế hoạch từ
trước và cương quyết bảo vệ trước bất kỳ kẻ xâm phạm nào. Bạn không tiếp ai
trong cuộc hẹn này mà chỉ có bạn và người nghệ sĩ bên trong bạn (hay đứa trẻ sáng
tạo của bạn). Điều đó có nghĩa là không người yêu, không bạn bè, không vợ chồng,
con cái, không có cái đuôi bám theo nào.
Nếu bạn cho rằng điều này thật ngốc nghếch hoặc bạn sẽ không bao giờ có
thời gian thì hãy coi phản ứng đó như một sự kháng cự. Bạn không thể không tìm
được thời gian cho cuộc hẹn nghệ sĩ.
Các cặp đôi trục trặc thường được chuyên gia tâm lý hỏi: “Các bạn có dành
ra khoảng thời gian có chất lượng với nhau không?” Cha mẹ của những đứa con có
vấn đề về thần kinh cũng thường được hỏi câu tương tự.
“Ừm… ý ông là gì, ‘thời gian chất lượng?’” là câu trả lời lẩn tránh thường
gặp. “Chúng tôi dành nhiều thời gian cho nhau.”
“Vâng… nhưng đó có phải là khoảng thời gian có chất lượng không? Có bao
giờ anh chị vui vẻ cùng nhau không?” Chuyên gia tâm lý có thể dồn ép.
“Vui vẻ à?” (Có ai mà lại nghe tới việc vui vẻ trong một mối quan hệ tồi tệ
như thế này kia chứ?)
“Anh chị có hẹn hò không? Chỉ để nói chuyện thôi ấy? Chỉ để lắng nghe
nhau thôi ấy?”
“Hẹn hò á?... Nhưng chúng tôi kết hôn rồi, quá bận rộn, quá eo hẹp tiền bạc,
quá…”
“Quá sợ”, chuyên gia tâm lý có thể ngắt lời.
Thật đáng sợ khi dành một khoảng thời gian có chất lượng với đứa con hoặc
người yêu, và người nghệ sĩ bên trong có thể coi là cả hai đối với chúng ta. Cuộc
hẹn nghệ sĩ hằng tuần thật đáng sợ, nhưng rất có hiệu quả.
Hẹn hò ư? Với người nghệ sĩ trong tôi ư?
Vâng. Người nghệ sĩ trong bạn cần được đưa ra ngoài chơi, cần được nuông
chiều, cần được lắng nghe. Có bao nhiêu ngày trong cuộc đời bạn thì có bấy nhiêu
cách để lảng tránh cam kết này. “Tôi kẹt tiền quá” là một trong những cái cớ được
yêu thích, dù chẳng ai nói là hẹn hò cần phải tiêu rất nhiều tiền.
Người nghệ sĩ trong bạn là một đứa trẻ. Hãy đi đến cửa hàng đồ cũ, đi ra bãi
biển, xem một bộ phim cũ, đi xem thủy cung hay phòng tranh một mình – những
việc này tốn thời gian, chứ không phải tiền bạc. Nên nhớ, cam kết thời gian là điều
đáng quý trọng.
Để tìm kiếm một thứ tương tự, hãy nghĩ về đứa trẻ sau một cuộc ly hôn, chỉ
cuối tuần mới được gặp bố hoặc mẹ yêu quý của nó (gần như cả tuần, người nghệ
sĩ trong bạn chịu sự chăm sóc của một người lớn nhàm chán, nghiêm khắc). Cái
đứa trẻ đó muốn là sự chú ý, chứ không phải những chuyến đi chơi tốn kém. Cái
đứa trẻ đó không muốn là chia sẻ bố hoặc mẹ với ai đó, chẳng hạn như nửa kia mới
của bố hoặc mẹ nó.
Việc dành thời gian riêng tư với người nghệ sĩ trong bạn rất quan trọng đối
với việc tự dưỡng khả năng sáng tạo. Một cuộc đi bộ dài ở đồng quê, một chuyến
thám hiểm bờ biển một mình để ngắm mặt trời lặn, một chuyến đi tới một nhà thờ
xa lạ để nghe hát thánh ca, tới một khu vực người dân tộc sinh sống để ngắm nhìn
cảnh vật và lắng nghe âm thanh mới lạ - người nghệ sĩ trong bạn có thể thích thú
với một trong những việc này. Hoặc người nghệ sĩ trong bạn có thể thích chơi
bowling.
Hãy cam kết thực hiện một cuộc hẹn nghệ sĩ mỗi tuần, và rồi chú ý kẻ phá
đám trong bạn sẽ tìm cách thoái thác cuộc hẹn này. Để ý xem khoảng thời gian
thiêng liêng này dễ bị xâm phạm như thế nào. Hãy học cách chống lại điều đó.
Trên hết, hãy học cách lắng nghe điều mà người nghệ sĩ trong bạn muốn nói
trong, và về những chuyến đi chung này. Ví dụ, “Ôi, ta ghét cái thứ này”, người
nghệ sĩ trong bạn có thể thốt lên nến bạn khăng khăng đưa nó tới những nơi “dành
cho người lớn”, những nơi vốn khai sáng văn hóa và tốt cho nó.
Hãy lắng nghe điều đó! Nó đang bảo với bạn rằng nghệ thuật của bạn cần
đón nhận cái gì đó nghịch ngợm hơn, phá cách hơn. Một chút vui vẻ có thể giúp
cho tác phẩm của bạn giống với việc chơi đùa hơn. Chúng ta quên rằng trí tưởng
tượng-đang-chơi là phần quan trọng nhất của mọi tác phẩm tốt. Và tăng cường khả
năng tạo ra tác phẩm sáng tạo tốt là nội dung của cuốn sách này.
“Mỗi đứa trẻ là một người nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để vẫn là nghệ sĩ
khi nó lớn lên.”
-Pablo Picasso-
“Trong các giai đoạn thư giãn [này] sau hoạt động trí não tập trung, trực
giác dường như chiếm chỗ và có thể bất thình lình mang lại những hiểu biết
có tác dụng làm rõ vấn đề, mang lại rất nhiều niềm vui sướng.”
-Fritjof Capra-
Chắc chắn bạn sẽ thấy mình lảng tránh các cuộc hẹn nghệ sĩ. Hãy coi sự
kháng cự này là nỗi sợ sự thân mật (tự thân mật). Thường trong các mối quan hệ
gặp
trục trặc, chúng ta rơi vào trạng thái lẩn tránh nửa kia của mình. Chúng ta
không muốn nghe thấy điều họ đang nghĩ vì điều đó có thể làm chúng ta tổn
thương. Vì thế chúng ta né tránh họ, biết rằng một khi họ có cơ hội, họ có thể buột
miệng nói ra những thứ chúng ta không muốn nghe. Có thể họ sẽ muốn nhận được
câu trả lời mà chúng ta không có hoặc không thể trả lời họ. Cũng có thể chúng ta
muốn làm điều đó với họ và rồi cả hai sẽ nhìn nhau chằm chằm, kinh ngạc nói:
“Nhưng tôi không biết mình cảm thấy thế nào!”
Tuy đáng sợ, nhưng rất có thể những chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc này sẽ dẫn
tới việc xây dựng một mối quan hệ thực sự, mối quan hệ trong đó những người
tham gia được là chính mình và trở thành cái mà họ mong muốn. Đây chính là khả
năng làm cho rủi ro của sự chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và thân mật đích thực trở nên
có lợi. Để có một mối quan hệ thực sự với khả năng sáng tạo của mình, chúng ta
phải dành thời gian nuôi dưỡng nó. Khả năng sáng tạo của chúng ta sẽ sử dụng
khoảng thời gian này để đối diện, để tâm sự, để gắn kết và để lên kê hoạch với
chúng ta.
Các trang buổi sáng giúp chúng ta hiểu chúng ta nghĩ gì và chúng ta nghĩ
mình cần gì. Chúng ta xác định khu vực có vấn đề và các mối lo ngại. Chúng ta
than phiền, liệt kê, xác định, khu biệt, lo lắng. Đây là bước một, tương tự như cầu
nguyện. Trong quá trình giải phóng do cuộc hẹn nghệ sĩ mang lại, bước hai, chúng
ta bắt đầu nghe thấy giải pháp. Chúng ta bắt đầy cấp vốn cho kho dự trữ sáng tạo
mà chúng ta sẽ sử dụng để đạt được kỹ năng nghệ sĩ của mình.

Đổ đầy giếng, đổ đầy ao

Nghệ thuật là một hệ thống sử dụng hình ảnh. Để sáng tạo, chúng ta cần rút
từ một “cái giếng bên trong”. Cái giếng bên trong này là một dạng bồn chứa nghệ
thuật, lý tưởng giống với một cái ao nuôi cá hồi được chăm sóc cẩn thận. Chúng ta
có cá lớn, cá bé, cá béo, cá gầy – các kiểu cá nghệ thuật để rán. Là nghệ sĩ, chúng
ta phải duy trì hệ sinh thái nghệ thuật này. Nếu không chú ý bảo trì, cái giếng sẽ
cạn kiệt, tù động và tắc.
Bất cứ khoảng thời gian dài làm việc hay tác phẩm nghệ thuật nào đều phải
dựa rất nhiều vào cái giếng nghệ thuật của chúng ta. Khai thác quá mức cái giếng,
bắt cá quá nhiều từ cái ao sẽ làm cạn dần tài nguyên của chúng ta. Chúng ta đi câu
trong vô vọng hòng tìm kiếm hình ảnh chúng ta cần. Công việc của chúng ta cạn
dần và chúng ta tự hỏi tại sao, “khi mà nó đang trôi chảy thế này”. Sự thực là công
việc có thể cạn dần bởi vì nó rất trôi chảy.
“Cái tôi trẻ con – có thể ương bướng như đứa trẻ lên ba khó tính nhất –
không bị ấn tượng bởi câu từ. Giống như một người dân gốc Missouri, nó
muốn được thể hiện. Để thu hút sự chú ý của nó, chúng ta phải quyến rũ nó
bằng những hình ảnh đẹp và cảm giác dễ chịu – đưa nó ra ngoài đi ăn và
khiêu vũ, đại khái là vậy. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới tiếp cận được cái
tôi sâu thẳm.”
-Starhawk-
Là nghệ sĩ, chúng ta phải học cách tự dưỡng sự sáng tạo. Chúng ta phải đủ
tỉnh táo để chủ động bồi đắp cho tài nguyên sáng tạo của mình trong quá trình lấy
ra sử dụng. Tôi gọi quá trình này là “đổ đầy giếng”.
Đổ đầy giếng bao gồm việc tích cực tìm kiếm những hình ảnh để đổ đầy lại
cái bồn chứa nghệ thuật của chúng ta. Nghệ thuật được sinh ra trong sự chú ý. Bà
đỡ của nó là chi tiết. Nghệ thuật có thể nảy ra từ trong đau đớn, nhưng đó có lẽ là
vì đau đớn có chức năng hướng sự chú ý của chúng ta vào chi tiết. Nghệ thuật có
thể bao gồm những nét vẽ hoành tráng, phối màu ấn tượng, kế hoạch vĩ đại, nhưng
chính sự chú ý tới chi tiết mới ở lại với chúng ta; hình ảnh kỳ lạ là cái ám ảnh
chúng ta và trở thành nghệ thuật. Kể cả giữa nỗi đau, hình ảnh kỳ lạ này vẫn mang
lại niềm vui sướng. Người nghệ sĩ nào bảo với bạn điều ngược lại là nói dối.
Để sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật có hiệu quả, chúng ta phải học cách sống
trong nó một cách thoải mái. Ngôn ngữ nghệ thuật là hình ảnh, biểu tượng. Nó là
một thứ ngôn ngữ không lời, kể cả khi chính nghệ thuật của chúng ta phải chạy
theo nó bằng câu chữ. Ngôn ngữ của người nghệ sĩ là ngôn ngữ gợi cảm, ngôn ngữ
của trải nghiệm đã qua. Khi sáng tác, chúng ta lội vào cái giếng trải nghiệm và múc
ra hình ảnh. Vì múc ra nên chúng ta phải học cách đổ đầy lại. Làm thế nào chúng
ta đổ đầy giếng?
Chúng ta đổ đầy cái giếng bằng hình ảnh. Nghệ thuật là một cuộc tìm kiếm
bộ não nghệ sĩ. Bộ não nghệ sĩ là bộ não hình ảnh của chúng ta, là ngôi nhà và nơi
trú ẩn cho những xung sáng tạo tốt nhất của chúng ta. Bộ não nghệ sĩ là bộ não
cảm biến: hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc giác. Đây là những yếu tố của ảo thuật,
và ảo thuật là thứ căn bản của nghệ thuật.
Khi đổ đầy giếng, hãy nghĩ về ảo thuật. Nghĩ về niềm vui sướng. Nghĩ về sự
vui vẻ. Đừng nghĩ về nghĩa vụ. Đừng làm cái bạn nên làm – ví dụ như đọc một văn
bản phê bình tẻ ngắt nhưng vẫn phải đọc. Hãy làm những gì cuốn hút bạn, hãy
thám hiểm những gì làm bạn thích thú. Nghĩ về sự bí ẩn chứ không phải sự thành
thục kỹ năng.
Sự bí ẩn lôi kéo, dẫn dắt và quyến rũ chúng ta (nghĩa vụ có thể làm chúng ta
đờ đẫn và gạt chúng ta ra ngoài). Khi đổ đầy giếng, hãy đi theo cảm nhận về cái bí
ẩn chứ không phải cảm nhận về cái mà bạn cần phải biết thêm. Bí ẩn có thể là cái
gì đó rất đơn giản: nếu tôi lái xe theo con đường này, không phải con đường tôi
vẫn hay đi, thì tôi sẽ trông thấy gì? Thay đổi lộ trình ném chúng ta vào thực tại.
Chúng ta tái tập trung vào thế giới hình ảnh, có thể thấy được. Có thấy mới hiểu.
“Như bạn thấy đấy, trí tưởng tượng cần được lang thang – bạn cần làm
biếng, lân la, vô tích sự và lề mề một cách hạnh phúc.”
-Brenda Ueland-
Bí ẩn thậm chí còn có thể đơn giản hơn thế: nếu tôi châm que hương này, tôi
sẽ thấy gì? Người ta thường không để ý rằng mùi là con đường dẫn đến những liên
tưởng mạnh mẽ và giúp lành bệnh một cách hiệu quả. Mùi Giáng Sinh, mùi bánh
mì mới nướng, mùi xúp nhà nấu có thể nuôi dưỡng người nghệ sĩ đói khát bên
trong.
Một số âm thanh có thể xoa dịu chúng ta. Một số sẽ kích thích chúng ta.
Nghe một bản nhạc yêu thích trong vòng 10 phút là một cách thiền rất hiệu quả.
Năm phút nhảy chân trần theo nhịp trống có thể giúp người nghệ sĩ trong chúng ta
tỉnh táo.
Đổ đầy giếng không cần lúc nào cũng phải mới mẻ. Nấu ăn có thể làm đầy
giếng. Khi thái và nhặt rau, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ. Nên nhớ, nghệ thuật
là một quá trình tìm kiếm bộ não nghệ sĩ. Bộ não này được tiếp cận thông qua nhịp
điệu, thông qua vần điệu, chứ không phải lý do. Nạo cà rốt, gọt táo – những hành
động này là “thức ăn” cho suy nghĩ theo đúng nghĩa đen của nó.
Bất cứ hành động nào đều đặn, lặp đi lặp lại đều có thể mồi nước cho cái
giếng. Các nhà văn đều từng đọc câu chuyện u buồn về chị em nhà Bronte và Jane
Austen tội nghiệp, bị ép phải che giấu cuộc đời của họ dưới đống đồ khâu vá. Một
thí nghiệm nhỏ với việc khâu vá có thể mang lại ánh sáng mới cho hoạt động này.
May vá – theo định nghĩa là đều đặn, lặp đi lặp lại – vừa làm dịu, vừa kích thích
người nghệ sĩ bên trong chúng ta. Cả một cốt truyện có thể được dựng lên trong lúc
chúng ta may vá.
“Tại sao ý tưởng hay nhất của tôi lại đến trong nhà tắm?”, tương truyền
Einstein đã bực bội nói như vậy. Nghiên cứu về não bộ cho chúng ta biết, đó là vì
tắm là một hoạt động của bộ não nghệ sĩ.
Tắm, bơi, kỳ cọ, cạo râu, lái xe, … tất cả đều là những hoạt động đều đặn,
lặp đi lặp lại có thể lôi chúng ta từ bộ não logic sang bộ não nghệ sĩ sáng tạo. Giải
pháp cho những vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo có thể trồi lên từ bong bóng nước của
cái máy rửa bát, hiện ra trên đường khi chúng ta đang thực hiện một cú đánh lái
nhập làn…
Hãy tìm hiểu xem cái nào có hiệu quả nhất với bạn và sử dụng nó. Nhiều
nghệ sĩ thấy việc mang theo sổ ghi chép hoặc máy ghi âm trong lúc lái xe là hữu
ích. Steven Spielberg nói rằng ông nảy ra những ý tưởng hay nhất khi lái xe trên
đường cao tốc. Điều này không phải là tình cờ. Khi vượt qua dòng xe cộ, ông trở
thành một người nghệ sĩ đắm chìm trong dòng hình ảnh luôn thay đổi đến từ phía
đối diện. Hình ảnh đó kích hoạt bộ não nghệ sĩ. Hình ảnh đó đổ đầy cái giếng.
Sự chú ý, tập trung đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đổ đầy cái
giếng. Chúng ta cần phải đối diện với các trải nghiệm cuộc sống chứ không phải
phớt lờ chúng. Nhiều người thường đọc ngấu nghiến để sàng lọc nhận thức. Trên
một chuyến tàu đông đúc và thú vị, họ chỉ lưu ý vào một tờ báo và bỏ qua tất cả
những cảnh vật và âm thanh xung quanh, trong khi tất cả đều là hình ảnh cho cái
giếng.
“Bí ẩn đích thực của thế giới là cái hữu hình, chứ không phải cái vô hình.”
-Oscar Wilde-
HỢP ĐỒNG
Tôi,.............., hiểu rằng tôi đang thực hiện một cuộc chạm trán tập trung, có hướng
dẫn với khả năng sáng tạo của mình. Tôi cam kết dành 12 tuần cho khóa học. Tôi,
...................., cam kết đọc mỗi tuần, viết mỗi sáng, hẹn hò với người nghệ sĩ mỗi
tuần, và hoàn thành nhiệm vụ của mỗi tuần.
Tôi,..............hiểu thêm rằng khóa học này sẽ đặt ra các vấn đề và cảm xúc để tôi
giải quyết. Tôi, ………., cam kết tự chăm sóc bản thân kỹ càng: ngủ đủ giấc, ăn đủ
bữa, tập thể dục và nuông chiều bản thân – trong suốt thời gian khóa học.
___________
(Chữ ký)
___________
(ngày tháng)
Cục tắc nghệ sĩ là một cách nói theo đúng nghĩa đen của nó. Các cục tắc cần
phải được thừa nhận và gỡ bỏ. Đổ đầy giếng là cách chắc chắn nhất để làm việc
này.
Nghệ thuật là trí tưởng tượng chạy chơi trên cánh đồng thời gian. Hãy để
bản thân bạn chạy chơi.
“Bên trong bạn có một người nghệ sĩ mà bạn không biết. Hãy nói đồng ý
thật nhanh, nếu bạn biết, nếu bạn đã biết nó từ trước khi vũ trụ bắt đầu.”
-Jalai Ud-Din Rumi-
HỢP ĐỒNG SÁNG TẠO
Khi dạy khóa
học Con đường nghệ sĩ,
TUẦN 1
tôi yêu cầu học viên
làm hợp đồng với chính Đây là tuần bắt đầu quá trình hồi phục
bản thân họ, cam kết khả năng sáng tạo của bạn. Bạn có thể
hoàn thành công việc cảm thấy vừa phấn khích vừa thách
của khóa học. Bạn có đố, vừa hy vọng vừa nghi ngờ. Các bài
thể tặng cho mình món học, nhiệm vụ và bài tập nhằm giúp
quà đó không? Hãy nói bạn tạo lập cảm giác an toàn, điều này
có bằng một nghi lễ sẽ cho phép bạn khám phá khả năng
nhỏ nào đó. Hãy mua sáng tạo của mình và ít sợ hãi hơn.
một cuốn sổ ghi chép
đẹp đẽ để viết các trang
buổi sáng; thuê người
giữ trẻ đến sớm khi có cuộc hẹn nghệ sĩ. Đọc bản hợp đồng ở phía trên. Sửa nó nếu
bạn muốn; rồi ký và đề ngày tháng. Quay trở lại bản hợp đồng khi bạn cần sự
khích lệ để đi tiếp.
Người nghệ sĩ bóng tối
Một trong những nhu cầu chủ yếu của chúng ta với tư cách là những sinh vật
sáng tạo đó là nhận được sự ủng hộ. Thật không may, điều này khó có thể đạt
được. Lý tưởng mà nói, sự nuôi dưỡng và khích lệ mà chúng ta nhận được từ gia
đình, bạn bè, giáo viên và người ủng hộ sẽ ngày càng mở rộng. Là những nghệ sĩ
trẻ, chúng ta cần và muốn được công nhận cho những cố gắng, nỗ lực cũng như
thành tựu và chiến thắng của chúng ta. Thật không may, rất nhiều nghệ sĩ chưa bao
giờ nhận được sự khích lệ vô cùng quan trọng này. Kết quả là họ có thể không bao
giờ biết họ là nghệ sĩ.
Các bậc cha mẹ hiếm khi đáp “Thử xem thế nào” với những khao khát nghệ
thuật của con cái. Họ thường có xu hướng đưa ra những lời khuyên thận trọng,
trong khi sự ủng hộ có thể đi thẳng vào vấn đề hơn. Sự dè dặt của cha mẹ cộng với
sự sợ hãi của bản thân thường khiến các nghệ sĩ trẻ từ bỏ giấc mơ cháy bỏng của
mình, bước vào thế giới chạng vạng của những tiếc nuối. Ở đó, mắc kẹt giữa khao
khát hành động và nỗi sợ bị thất bại, các nghệ sĩ bóng tối ra đời.
Ở đây tôi đang nghĩ đến Edwin, một thương gia triệu phú khốn khổ, với
niềm vui sống đến từ thú sưu tầm nghệ thuật. Với năng khiếu bẩm sinh về nghệ
thuật thị giác, từ nhỏ anh ta đã bị hướng theo ngành tài chính. Bố anh ta đã mua
một ghế ở thị trường chứng khoán dành tặng con trai nhân dịp sinh nhật lần thứ 20.
Anh ta trở thành thương gia từ đó. Giờ ở độ tuổi 30, anh ta rất giàu và cũng rất
nghèo. Tiền không thể mua về cho anh ta niềm hạnh phúc vì được sáng tạo.
“Không gì có ảnh hưởng tâm lý mạnh mẽ đối với cha mẹ và đặc biệt đối với
con cái hơn là cuộc sống không được sống của họ.”
-C. G. Jung-
Khi xung quanh là những nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật, anh ta giống như
đứa trẻ dán mũi vào cửa kính của cửa hàng kẹo. Anh ta muốn sáng tạo hơn nhưng
lại tin rằng đó là đặc quyền của người khác, anh ta chẳng thể khao khát cái gì cho
riêng mình. Là một người hào phóng, gần đây anh ta đã tặng một họa sĩ một năm
chi phí sinh hoạt để cô ta có thể theo đuổi giấc mơ của mình. Được dạy dỗ để tin
rằng khái niệm “nghệ sĩ” không phải là dành cho mình, nên anh ta không thể tặng
món quà đó cho chính mình.
Edwin không phải là trường hợp ngoại lệ. Có rất nhiều đứa trẻ mang theo
mình khát khao nghệ thuật nhưng lại bị phớt lờ hoặc đè nén. Các bậc cha mẹ cố
gắng nuôi dưỡng một cái tôi khác, lí trí hơn cho con mình. “Đừng có mơ hão
nữa!”, “Con sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu đầu óc cứ treo ngược cành cây như
thế” là những lời cảnh báo thường được nghe nhất.
Rất hiếm gia đình chủ động bảo con mình thử sức trong nghệ thuật. Thay
vào đó, nếu có được khuyến khích đi chăng nữa, bọn trẻ cũng được khuyên là nên
nghĩ về nghệ thuật như một sở thích, một thú tiêu khiển sáng tạo bám vào gờ mép
của cuộc sống thực.
Với nhiều gia đình, sự nghiệp nghệ thuật tồn tại bên ngoài thực tế xã hội và
kinh tế của họ: “Nghệ thuật sẽ không trả được hóa đơn tiền điện.” Kết quả là nếu
con họ được khuyến khích coi nghệ thuật là một nghề thì nó phải nhìn nhận nó
“một cách lí trí”.
Erin, một chuyên gia tâm lý tài năng, khoảng 35 tuổi trước khi trải qua một
sự bất thỏa mãn ám ảnh trong công việc. Không biết phải đi hướng nào, cô bắt đầu
chuyển thể sách thiếu nhi cho phim truyện. Trước khi trở thành chuyên gia tâm lý,
cô từng là một sinh viên nghệ thuật tài năng. Trong hai thập kỷ, cô đã kìm nén
khao khát sáng tạo của mình, dồn hết sức sáng tạo vào việc giúp đỡ người khác.
Giờ đây, khi gần 40 tuổi, cô lại khao khát được giúp đỡ chính mình.
Câu chuyện của Erin thực sự rất phổ biến. Những người nghệ sĩ non nớt có
thể được khuyến khích làm giáo viên nghệ thuật hoặc làm đồ thủ công với người
tàn tật. Các nhà văn trẻ có thể bị ép làm luật sự hoặc đi học y vì họ rất thông minh.
Và vì thế, một đứa trẻ có năng khiếu viết truyện có thể bị biến thành chuyên gia
tâm lý tài năng, người chỉ được nghe các câu chuyện một cách gián tiếp.
“Tôi tin rằng nếu nghệ sĩ được quyền chọn nhãn hiệu cho mình, hầu hết họ
sẽ chẳng chọn gì.”
-Ben Shahn-
Quá sợ để trở thành nghệ sĩ, thường đánh giá quá thấp giá trị của bản thân
dẫn đến không nhận ra rằng mình có một giấc mơ nghệ sĩ nên những người này
dần trở thành nghệ sĩ trong bóng tối. Tuy là nghệ sĩ nhưng không hiểu biết gì về
bản sắc đích thực của mình, những nghệ sĩ bóng tối phải bám theo những nghệ sĩ
công khai. Không thể nhận ra rằng bản thân họ cũng có thể sở hữu khả năng sáng
tạo mà những người kia rất ngưỡng mộ, họ thường hẹn hò hoặc kết hôn với những
người tích cực theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật mà họ bí mật khao khát.
Khi vẫn còn là một nghệ sĩ bế tắc, Jerry bắt đầu hẹn hò với Lisa, một nghệ sĩ
tự do tài năng nhưng khánh kiệt. “Anh là người hâm mộ lớn nhất của em”, anh
thường nói với Lisa. Điều anh không nói với cô đó là bản thân anh mơ ước trở
thành nhà làm phim. Trên thực tế, Jerry có cả một thư viện sách điện ảnh và đọc
ngấu nghiến các tạp chí chuyên ngành điện ảnh. Nhưng anh sợ hành động để hiện
thực hóa giấc mơ của mình. Thay vào đó, anh dành hết thời gian và sự chú ý cho
Lisa và sự nghiệp nghệ thuật của cô. Dưới sự hướng dẫn của anh, sự nghiệp của
Lisa dần thăng hoa. Cô thoát khỏi nợ nần và ngày càng nổi tiếng. Trong khi đó,
Jerry vẫn không biết làm cách nào để giúp mình. Khi Lisa gợi ý anh tham gia một
khóa học làm phim, anh nói với Lisa – và với chính mình nữa: “Không phải ai
cũng có thể trở thành nghệ sĩ.”
Nghệ sĩ trong bóng tối đi về phía giới nghề của họ, nhưng vẫn chưa thể
tuyên bố những quyền cơ bản của họ. Thường thì sự cả gan (chứ không phải tài
năng) sẽ biến một người trở thành nghệ sĩ và người khác trở thành một nghệ sĩ
bóng tối, không dám bước ra ngoài và chìa giấc mơ ra ánh sáng, sợ rằng giấc mơ
sẽ tan biến khi ánh sáng chạm vào.
Nghệ sĩ bóng tối thường chọn sự nghiệp trong bóng tối, ở một vị trí gần với
môn nghệ thuật mà họ ao ước, thậm chí song song với nó, nhưng không phải loại
nghệ thuật đó. Khi để ý đến sự độc địa của các Nhà phê bình, Francois Truffaut
cho rằng họ là những đạo diễn bị bế tắc, giống như thời ông còn là Nhà phê bình.
Có thể ông đúng. Những người muốn trở thành nhà văn thường làm nghệ báo hoặc
quảng cáo, nơi họ có thể sử dụng tài năng của mình và không cần phải dấn thân
vào sự nghiệp viết lách mà họ mơ ước. Những người muốn trở thành nghệ sĩ có thể
trở thành người quản lý nghệ sĩ và lấy việc phục vụ giấc mơ của họ làm niềm vui
thứ yếu.
“Chúng ta được dạy là phải tin rằng tiêu cực đồng nghĩa với thực tế và tích
cực đồng nghĩa với phi thực tế.”
-Susan Jeffers-
“Đừng khóc, đừng phẫn nộ. Hãy hiểu.”
-Baruch Spinoza-
Carolyn là một nhiếp ảnh gia tài ba, có một sự nghiêp thành công nhưng
không hạnh phúc trên cương vị đại diện nhiếp ảnh. Jean, người khao khát viết kịch
bản phim truyện nhưng phải viết nội dung cho các đoạn quảng cáo 30 giây. Kelly,
người muốn trở thành nhà văn nhưng sợ phải làm công việc sáng tạo một cách
nghiêm túc, cô hái ra tiền khi làm đại diện cho những người sáng tạo “thực sự”. Là
những người nghệ sĩ bóng tối, họ cần phải đặt bản thân và những giấc mơ của
mình lên chính giữa sân khấu. Họ biết điều này nhưng lại không dám. Họ đã được
tạo dựng vị trí của người nghệ sĩ bóng tối và cần phải làm việc có chủ ý để phá vỡ
vị trí đó.
Cần phải có một cái tôi rất mạnh mẽ để nói với một người cha hoặc một
người mẹ có ý tốt nhưng thích kiểm soát rằng: “Đợi một chút! Con cũng là nghệ
sĩ!” Câu trả lời đáng sợ có thể là: “Làm sao con biết?” Và tất nhiên, người nghệ sĩ
non trẻ không biết. Họ chỉ có giấc mơ này, cảm giác này, sự thúc giục này và nỗi
khao khát này. Hiếm khi có bằng chứng thực sự, nhưng giấc mơ thì sống mãi.
Theo kinh nghiệm của tôi, nghệ sĩ bóng tối thường phán xét, dằn vặt bản
thân hàng năm trời vì đã không làm gì để thực hiện hóa ước mơ của mình. Sự tàn
bạo này chỉ càng củng có thêm vị trí nghệ sĩ bóng tối trong họ. Nên nhớ, chúng ta
cần phải được nuôi dưỡng mới trở thành nghệ sĩ. Các nghệ sĩ bóng tối không được
nuôi dưỡng đầy đủ. Họ trách cứ bản thân vì đã không đủ can đảm để hành động.
Trong một phiên bản méo mó của quyết định luận Darwin, chúng ta tự nhủ
những người nghệ sĩ đích thực có thể sống sót trong những môi trường khắc nghiệt
nhất và có thể tìm thấy khao khát đích thực. Thật ngớ ngẩn. Nhiều nghệ sĩ thực thụ
sinh con đẻ cái quá sớm, quá nghèo hoặc có ít cơ hội về mặt văn hóa hoặc tiền bạc
để trở thành người nghệ sĩ như đúng con người họ. Những người nghệ sĩ này nghe
thấy tiếng gọi từ xa của giấc mơ nhưng không thể tìm đường qua ma trận văn hóa,
tiền tài để tìm thấy nó.
Với những người nghệ sĩ bóng tối, cuộc sống có thể là một trải nghiệm bất
mãn, họ bị nhấn chìm trong cảm giác không đạt được mục đích và không thực hiện
được lời hứa. Họ muốn viết. Họ muốn vẽ. Họ muốn đóng phim, viết nhạc, múa…
nhưng họ sợ phải nghiêm túc với chính mình.
Để đi từ lãnh địa của bóng tối ra ánh sáng của sự sáng tạo, người nghệ sĩ
bóng tối phải học cách nghiêm túc với chính mình. Với những nỗ lực nhẹ nhàng và
có chủ ý, họ phải nuôi dưỡng đứa trẻ nghệ sĩ trong họ. Sáng tạo là chơi đùa, nhưng
với những người nghệ sĩ bóng tối, học cách cho phép mình chơi đùa thực sự là một
công việc khó khăn.
“Để sống một cuộc sống sáng tạo, chúng ta phải gạt đi nỗi sợ mắc sai lầm.”
-Joseph Chilton Pearce-
“Khi bạn cảm thấy bị coi thường, tức giận hay kiệt quệ, đó là dấu hiệu cho
thấy những người khác không sẵn sàng tiếp nhận năng lượng của bạn.”
-Sanaya Roman-
Bảo vệ đứa trẻ nghệ sĩ bên trong
Nên nhớ, người nghệ sĩ trong bạn là một đứa trẻ. Hãy tìm ra và bảo vệ nó.
Học cách sáng tạo giống với việc tập đi. Đứa trẻ nghệ sĩ phải bắt đầu bằng việc bò,
tiếp theo là những bước chập chững và sẽ có lúc bị ngã – bức tranh đầu tiên vụng
về, bộ phim truyện đầu tay chẳng khác gì một bộ phim tài liệu, bài thơ đầu tay làm
ô uế cả một tờ thiệp chúc mừng… Thông thường, người nghệ sĩ bóng tối đang
trong quá trình phục hồi sẽ sử dụng những nỗ lực ban đầu này để lùi bước, không
tiếp tục khám phá nữa.
Việc phán xét những nỗ lực nghệ thuật ban đầu có thể coi là lạm dụng nghệ
sĩ. Điều này xảy ra theo nhiều cách: tác phẩm đầu tay bị so sánh với tác phẩm bậc
thầy của các nghệ sĩ khác, tác phẩm đầu tay bị mang ra phê bình quá sớm, bị mang
ra khoe với những người có đầu óc phê bình quá trớn. Tóm lại, người nghệ sĩ non
trẻ xử sự kiểu khổ nhục kế đã được thực hành một cách kỹ lưỡng. Khổ nhục kế là
một dạng nghệ thuật được hoàn thiện trong những năm tháng sỉ nhục bản thân; thói
quen này là cái gậy mà người nghệ sĩ tự đập vào lưng mình, nhờ nó mà người nghệ
sĩ bóng tối có thể quay trở lại bóng tối.
Trong quá trình hồi phục từ sự bế tắc sáng tạo, chúng ta cần phải đi thật nhẹ
nhàng và chậm rãi. Cái chúng ta tìm kiếm ở đây là làm lành những vết thương lâu
năm, chứ không phải tạo ra những vết thương mới. Lỗi lầm là cần thiết! Vấp ngã là
bình thường! Đây là những bước đi chập chững của trẻ con. Tiến bộ là cái chúng ta
nên đòi hỏi từ bản thân, chứ không phải sự hoàn hảo.
Nếu đi quá xa, quá nhanh, chúng ta có thể thất bại. Phục hồi sự sáng tạo
giống như chạy marathon vậy, chúng ta muốn đổi 10 dặm chậm lấy một dặm
nhanh. Điều này có thể đi ngược lại tự nhiên của cái tôi. Chúng ta muốn trở nên
tuyệt vời, tuyệt vời ngay lập tức, nhưng đó không phải là cách phục hồi diễn ra.
Phục hồi là một quá trình lập cập, dè dặt, thậm chí gây xấu hổ. Sẽ có nhiều lần
trông chúng ta không hề ổn với chính mình hoặc bất cứ ai khác. Chúng ta cần
chấm dứt việc đòi hỏi mình trông phải thật ổn. Bởi vì chúng ta không thể vừa hồi
phục, vừa trông ổn cùng một lúc.
Hãy nhớ rằng để phục hồi, bạn phải sẵn lòng trở thành một người nghệ sĩ tệ.
Hãy cho phép bản thân làm người mới bắt đầu. Khi sẵn lòng làm một người nghệ
sĩ tệ, bạn sẽ có cơ hội trở thành một nghệ sĩ, và theo thời gian, bạn sẽ trở thành một
nghệ sĩ cừ.
Khi nói điều này trong lúc dạy, tôi bị đáp trả bằng một thái độ hậm hực,
phòng vệ ngay tức thì: “Nhưng cô có biết tôi sẽ bao nhiêu tuổi vào cái lúc tôi học
đàn/ diễn/ vẽ/ viết một vở kịch ra hồn không?”
Có… bằng với tuổi của bạn nếu bạn không học.
Thế nên hãy bắt đầu thôi.
“Vẽ là một nỗ lực chấp nhận cuộc sống. Có bao nhiêu người thì có bấy
nhiêu giải pháp.”
-George Tooker-
Kẻ thù bên trong bạn: Niềm tin tiêu cực cốt lõi
Hầu hết thời gian chúng ta bị kẹt trong một lĩnh vực của cuộc sống, đó là bởi
làm như vậy chúng ta sẽ thấy an toàn hơn. Chúng ta có thể không hạnh phúc,
nhưng ít nhất chúng ta biết chúng ta không hạnh phúc. Phần lớn nỗi sợ hãi của
chúng ta là sợ những điều bản thân không biết.
Nếu tôi hoàn toàn có khả năng sáng tạo, điều đó có nghĩa là gì? Điều gì sẽ
xảy ra với tôi và với người khác? Chúng ta có một số ý tưởng khá kinh khủng về
những điều có thể xảy ra. Thế nên thay vì tìm lối thoát, chúng ta quyết định cứ mắc
kẹt. Đây hiếm khi là một quyết định có ý thức. Nó thường là một phản ứng vô thức
đối với những niềm tin tiêu cực bên trong. Trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách
bóc trần những niềm tin tiêu cực và vứt bỏ chúng đi.
Dưới đây là danh sách những niềm tin tiêu cực phổ biến:
Tôi không thể trở thành một nghệ sĩ thành công, năng suất, sáng tạo vì:
1. Mọi người sẽ ghét tôi.
2. Tôi sẽ làm tổn thương bạn bè và gia đình mình.
3. Tôi sẽ phát điên.
4. Tôi sẽ từ bỏ bạn bè và gia đình mình.
5. Tôi không thể đánh vần.
6. Tôi không có ý tưởng đủ hay.
7. Việc này sẽ làm mẹ hoặc bố tôi buồn phiền.
8. Tôi sẽ phải cô đơn.
9. Tôi sẽ phát hiện ra mình là người đồng tính (nếu là người dị tính).
10.Tôi sẽ bị người ta tưởng là dị tính (nếu là người đồng tính).
11.Tôi sẽ làm ra các tác phẩm dở tệ và sẽ trông giống một kẻ ngốc.
12.Tôi sẽ cảm thấy quá tực giận.
13.Tôi sẽ không bao giờ có được đồng tiền thực sự nào.
14.Tôi sẽ tự hủy hoại bản thân và sẽ uống rượu, chơi ma túy hay quan hệ tình
dục tới chết.
15.Tôi sẽ bị ung thư, AIDS, đau tim hay dịch hạch.
16.Người yêu tôi sẽ bỏ tôi.
17.Tôi sẽ chết.
18.Tôi sẽ cảm thấy tồi tệ vì tôi không xứng đáng được thành công.
19.Tôi sẽ chỉ có duy nhất một tác phẩm tốt là tôi thôi.
20.Quá muộn rồi. Nếu bây giờ mà tôi vẫn chưa trở thành một người nghệ sĩ
hoạt động đầy đủ và hiệu quả thì tôi sẽ không bao giờ trở thành người như
vậy.

Không có niềm tin nào trong những niềm tin trên cần phải đúng cả. Những
niềm tin đó đến từ cha mẹ chúng ta, tôn giáo của chúng ta, văn hóa của chúng ta và
những người bạn đáng sợ của chúng ta. Mỗi một niềm tin này phản ánh quan điểm
của chúng ta về thế nào là một nghệ sĩ.
Một khi dọn dẹp được những quan điểm tiêu cực về văn hóa có tính chất “vơ
đũa cả nắm”, chúng ta có thể thấy mình vẫn bị ám ảnh bởi những quan điểm tiêu
cực mà chúng ta bị ảnh hưởng từ gia đình, giáo viên và bạn bè. Những quan điểm
này thường tinh vi hơn nhưng không kém phần nguy hại nếu không được đối diện.
Điều chúng ta cần làm ở đây là đối diện với chúng.
Những niềm tin tiêu cực chính xác là vậy: là niềm tin, chứ không phải sự
thật. Thế giới không bao giờ phẳng, mặc dù trước đây mọi người tin là nó phẳng.
Bạn không đần độn, điên rồ, cuồng bản thân, vĩ đại hay ngớ ngẩn chỉ vì bạn tin
tưởng một cách sai lầm bạn là như vậy.
Con người bạn sợ sệt. Các quan điểm tiêu cực làm cho bạn sợ sệt. Vấn đề là
các quan điểm tiêu cực (cá nhân và văn hóa) luôn nhằm vào điểm yếu của bạn để
tấn công. Chúng tấn công giới tính của bạn, phẩm chất đáng quý của bạn, trí thông
minh của bạn, bất cứ điểm yếu nào mà chúng có thể bấu víu vào.
Một số niềm tin tiêu cực và niềm tin tích cực thay thế chúng được liệt kê
dưới đây:
NIỀM TIN TIÊU CỰC NIỀM TIN TÍCH CỰC
Nghệ sĩ là: Nghệ sĩ có thể:
Say khướt Không say khướt
Điên rồ Tỉnh táo
Túng quẫn Đủ ăn
Vô trách nhiệm Có trách nhiệm
Những kẻ cô độc Thân thiện
Đàng điếm Chung thủy
Tận số Được cứu vớt
Không hạnh phúc Hạnh phúc
Bẩm sinh, chứ không phải do cố gắng Được phát hiện và được hồi phục
mà thành
Ví dụ, ở một nữ nghệ sĩ, cái niềm tin nghệ sĩ-là-đàng điếm có hàm ý tiêu cực
cá nhân: “Chẳng có người đàn ông nào lại đi yêu cô nếu cô là nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì
hoặc là lẳng lơ hoặc là đồng tính.” Quan điểm tiêu cực này vốn được người nghệ sĩ
trẻ học từ mẹ hoặc từ giáo viên nhưng không nói ra, nó có thể tạo ra một nút chặn
to tướng.
Tương tự như vậy, một nữ nghệ sĩ trẻ có thể có quan điểm tiêu cực cá nhân:
“Đám nam nghệ sĩ hoặc là đồng tính hoặc là bất lực.” Quan điểm này đến từ một
giáo viên hoặc từ việc đọc quá nhiều về Fitzgerald và Hemingway, cũng có thể tạo
ra một nút chặn. Có ai lại muốn bị rối loạn chức năng tình dục cơ chứ?
Một nghệ sĩ đồng tính có thể có cách nói khác: “Chỉ có nghệ thuật của người
dị tính mới thực sự được chấp nhận, vậy thì tại sao tôi lại phải làm nghệ thuật nếu
như tôi phải che đậy hoặc công khai cho dù tôi có muốn hay không?”
Tận cùng bản chất, các niềm tin tiêu cực của chúng ta tiết lộ một niềm tin
tiêu cực cốt lõi: chúng ta phải đánh đổi một giấc mơ tốt, được yêu quý lấy một giấc
mơ khác. Nói cách khác, nếu việc trở thành nghệ sĩ tỏ ra quá khó đối với bạn, thì
bạn sẽ thiết kế một cái nhãn giá cho nó để nó nói với bạn là bạn không đủ tiền để
trả. Vì thế, bạn tiếp tục bị bế tắc.
“Tôi không thể tin rằng vũ trụ bí hiểm quay trên một cái trục đau khổ. Chắc
chắn vẻ đẹp kỳ lạ của thế giới phải dựa vào niềm tin thuần túy đâu đó!”
-Louise Bogan-
Hầu hết những người làm nghề sáng tạo bị bế tắc đều có kiểu lập luận hoặc
là thế này/hoặc là thế kia mà họ không thừa nhận là tồn tại. Kiểu lập luận này là
bức tường ngăn cách giữa họ và tác phẩm của họ. Để không bị bế tắc, chúng ta
phải thừa nhận chúng ta có kiểu tư duy hoặc là thế này/hoặc là thế kia. “Tôi có thể
hoặc là hạnh phúc một cách lãng mạn hoặc là nghệ sĩ”, “Tôi có thể hoặc là thành
công về mặt tài chính hoặc là nghệ sĩ”. Bạn có thể, hoàn toàn có thể vừa là nghệ sĩ
vừa hạnh phúc một cách lãng mạn. Bạn hoàn toàn có thể vừa là nghệ sĩ vừa thành
công về mặt tài chính.
Cái nút chặn không muốn bạn nhìn ra điều đó. Toàn bộ kế hoạch tấn công
của nó là làm cho bạn lo sợ một cách vu vơ về một hậu quả nghiêm trọng nào đó
mà bạn xấu hổ đến mức không dám nói tới. Lí trí mách bảo với bạn rằng viết hay
vẽ không nên bị trì hoãn vì nỗi lo sợ ngớ ngẩn của bạn, nhưng vì nó là nỗi lo sợ
ngớ ngẩn nên bạn không thể hiện công khai và thế là cái nút chặn vẫn nguyên vẹn.
Bạn biết thật là ngớ ngẩn để lo lắng về chính tả nên bạn không đề cập đến nó. Và
vì không đề cập đến nó nên nó tiếp tục ngăn không cho bạn tìm ra giải pháp (nỗi lo
sợ viết sai chính tả là một nút chặn khá phổ biến).
Trong phần tiếp theo của tuần, chúng ta sẽ khai quật những niềm tin vô thức
bằng cách sử dụng một số mẹo học bộ não logic/bộ não nghệ sĩ. Đối với bạn, việc
này nghe có vẻ gượng gạo và không hiệu quả. Một lần nữa, đó là sự kháng cự. Nếu
sự tiêu cực bên trong là “kẻ nội thù” thì điều tiếp theo đây là những vũ khí rất hiệu
quả. Bạn hãy thử trước khi vứt béng nó đi.
Đồng minh bên trong của bạn: Vũ khí khẳng định
Là những người làm nghề sáng tạo bị bế tắc, chúng ta thường ngồi ngoài và
phê phán những người trong cuộc. “Anh ta chẳng tài cán gì”, chúng ta nói về một
nghệ sĩ gần đây rất nổi tiếng. Và có thể chúng ta đúng về điều đó. Trong nhiều
trường hợp, sự cả gan táo bạo mới là cái đưa người nghệ sĩ lên sân khấu, chứ
không phải tài năng. Là những người làm nghề sáng tạo bị bế tắc, chúng ta có xu
hướng oán hận những người thu hút được sự chú ý. Chúng ta có thể chấp nhận tài
năng thực sự, song nếu đó chỉ là tài năng tự quảng cáo bản thân thì sự oán giận của
chúng ta càng lên cao. Đây không chỉ đơn thuần là ganh tị, nó là kỹ thuật trì hoãn,
nó củng cố thêm tình trạng bế tắc của chúng ta. Chúng ta phát biểu với chính mình
rằng: “Tôi có thể làm việc đó tốt hơn nếu như…”
Bạn có thể làm việc đó tốt hơn, nếu như bạn để cho mình làm việc đó!
“Lời khẳng định giống như đơn thuốc cho những khía cạnh nhất định của
bản thân mà bạn muốn thay đổi.”
-Jerry Frankhauser-
Lời khẳng định sẽ giúp bạn cho phép bản thân làm việc đó. Lời khẳng định
là tuyên bố tích cực về niềm tin (tích cực), và nếu bạn có thể nói chuyện với bản
thân một cách tích cực bằng 1/10 so với khi nói chuyện với bản thân một cách tiêu
cực thì bạn sẽ nhận ra một sự thay đổi cực kỳ lớn.
Lời khẳng định mang tới cảm giác an toàn và hy vọng. Khi bắt đầu dùng lời
khẳng định, có thể chúng ta sẽ cảm thấy ngốc nghếch, khiêng cưỡng hoặc xấu hổ.
Điều này không thú vị sao? Chúng ta có thể dễ dàng và không hề xấu hổ khi tự
nhét vào đầu mình những lời khẳng định tiêu cực như: “Tôi không đủ tài
năng/không đủ thông minh/không đủ mới mẻ/không còn trẻ nữa…” Nhưng nói
những điều tốt đẹp về bản thân thì lại rất khó khăn. Ban đầu việc này mang lại cảm
giác khá kinh khủng. Hãy thử những câu này và xem có bị sến quá không: “Tôi
đáng được yêu”, “Tôi xứng đáng được trả lương cao”, “Tôi xứng đáng với một
cuộc sống sáng tạo viên mãn”, “Tôi là một nghệ sĩ xuất sắc và thành công”, “Tôi
có những tài năng sáng tạo đa dạng”, “Tôi có khả năng và tự tin trong công việc
sáng tạo của tôi.”
Nhà phê bình trong bạn có vểnh đôi tai nhỏ xíu ác độc lên nghe không? Nhà
phê bình rất ghét bất cứ thứ gì nghe giống như lòng tự trọng thực sự. Nó ngay lập
tức khởi động với câu hỏi quen thuộc: “Cậu nghĩ mình là ai cơ chứ?”
Hãy thử chọn một lời khẳng định. Ví dụ: “Tôi… (tên bạn), là một người thợ
gốm (hay bất cứ nghề gì bạn đang làm) xuất sắc, có nhiều tác phẩm đẹp.” Hãy viết
câu đó 10 lần liên tiếp. Trong lúc bạn đang bận rộn làm việc đó, có một điều rất thú
vị sẽ xảy ra. Nhà phê bình trong bạn sẽ bắt đầu phản đối: “Này, đợi một chút! Cậu
không thể nói tất cả những thứ tích cực đó quanh tôi được.” Tiếng phản đối sẽ bắt
đầu nổ lốp bốp như bánh mì nướng bị cháy.
Hãy lắng nghe những tiếng phản đối xấu xí, cộc cằn đó. “Xuất sắc và có
nhiều tác phẩm… Từ khi nào thế?... Không biết viết chính tả đúng… Cậu gọi sự bế
tắc của nhà văn là có nhiều tác phẩm à?... Cậu chỉ đang tự đùa với mình thôi… Đồ
ngốc… Cậu đang đùa với ai đấy?... Cậu nghĩ mình là ai cơ chứ?” v.v..
Bạn sẽ rất ngạc nhiên với những thứ tồi tệ mà tiềm thức bạn buột miệng nói
ra. Hãy viết những thứ đó ra giấy. Những lời buột miệng này đánh dấu những niềm
tin tiêu cực cốt lõi của bạn. Chúng kìm hãm sự tự do của bạn trong những cái
móng vuốt xấu xí của chúng. Hãy lập danh sách những lời buột miệng của bạn.
“Cuộc gặp gỡ của hai tính cách giống nhau như sự tiếp xúc của hai chất
hóa học: nếu có bất cứ phản ứng nào thì cả hai đều bị biến dạng.”
-C. G. Jung-
Đã đến lúc làm công việc thám tử. Những lời buột miệng của bạn đến từ
đâu? Bố? Mẹ? Giáo viên? Từ danh sách những lời buột miệng này, bạn hãy quét
lại quá khứ để tìm nguồn gốc có thể có của chúng. Ít nhất một vài trong số các
nguồn gốc đó sẽ xảy ra trong đầu bạn. Một cách hiệu quả để xác định các nguồn
gốc đó là du hành ngược thời gian. Hãy chia cuộc đời bạn thành năm năm một, và
ghi lại tên của những ảnh hưởng chính trong mỗi quãng thời gian đó.
Paul luôn muốn trở thành nhà văn. Thế nhưng sau một giai đoạn sáng tạo
ngắn ngủi thời đại học, anh thôi không cho bất cứ ai xem tác phẩm của mình nữa.
Thay vì sáng tác các truyện ngắn mà mình ao ước, anh viết nhật ký, hết cuốn này
đến cuốn khác nối gót nhau đi vào một cái ngăn kéo tối tăm, tránh xa những cặp
mắt dòm ngó. Chính anh cũng không biết tại sao mình làm điều này cho tới khi anh
thử áp dụng phương pháp lời khẳng định và lời buột miệng.
Khi bắt đầu viết ra lời khẳng định, Paul ngay lập tức bị rung chuyển bởi một
vụ nổ của sự miệt thị.
Anh viết: “Tôi, Paul, một nhà văn xuất sắc và có nhiều tác phẩm.” Từ sâu
trong vô thức của anh lập tức tuôn ra một dòng dung nham xúc phạm và ngờ vực.
Nó cụ thể đến tê tái và có gì đó quen thuộc “Cậu chỉ đang đùa cợt với chính mình.
Đồ ngốc, cậu chẳng có tài năng thực thụ gì. Đồ vờ vịt…”
Niềm tin cốt lõi này từ đâu mà ra? Ai có thể nói ra những điều này với Paul?
Khi nào? Paul du hành ngược thời gian để truy tìm thủ phạm. Anh tìm ra thủ phạm
trong nỗi xấu hổ ghê gớm. Vâng, có một thủ phạm, một sự cố xảy ra mà anh quá
xấu hổ nên không dám chia sẻ và nói ra: một giáo viên mới vào nghề đã giả vờ
khen ngợi bài của anh và bắt đầu quyến rũ anh. Paul đào sâu chôn chặt sự cố đó
vào trong vô thức, nơi nó tồn tại một cách nhức nhối. Không có gì ngạc nhiên khi
anh luôn cảm thấy rằng ai đó khen anh là vì họ muốn gì đó từ anh.
Tóm lại, niềm tin tiêu cực cốt lõi của Paul là anh chỉ nói đùa với mình là anh
có khả năng viết lách. Niềm tin này đã chiếm lĩnh suy nghĩ của anh trong một thập
kỷ. Bất cứ khi nào mọi người khen anh viết tốt, anh đều nghi ngờ họ và động cơ
của họ. Anh gần như nghỉ chơi với bạn bè khi họ bày tỏ mối quan tâm về tài năng
của anh, anh không tin tưởng họ nữa. Khi bạn gái anh tỏ ra quan tâm đến tài năng
của anh, anh thậm chí không còn tin cô nữa.
Nếu đưa được con quỷ này ra khỏi hố sâu, Paul có thể bắt đầu xử lý nó.
“Tôi, Paul, có tài năng thực sự. Tôi, Paul, tin tưởng và thích nghe những phản hồi
tích cực. Tôi, Paul, có tài năng thực sự…” Tuy ban đầu những lời khẳng định như
vậy sẽ gây ra cảm giác không thoải mái, song chúng nhanh chóng mang lại cho
Paul sự tự do để tham gia vào buổi đọc tác phẩm trước công chúng lần đầu tiên của
anh. Khi được mọi người ca ngợi, anh có thể chấp nhận phản hồi tốt mà không bác
bỏ nó.

LỜI KHẲNG ĐỊNH Giờ thì đến danh sách những lời buột miệng của
TÍCH CỰC bạn. Lời buột miệng có vai trò rất quan trọng trong quá
trình hồi phục của bạn. Từ trước đến giờ, mỗi một lời
1. Tôi là một kênh
buột miệng vẫn đang cầm tù bạn. Chúng phải chấm dứt.
sáng tạo của
Chúa và công
việc của tôi là
Ví dụ, một lời buột miệng như “Tôi, Fred, chẳng có tài cán gì và giả dối” có thể
được chuyển thành lời khẳng định “Tôi, Fred, thực sự có tài.”
Hãy sử dụng lời khẳng định sau khi viết các trang buổi sáng.
Đồng thời sử dụng bất cứ lời khẳng định sáng tạo nào được liệt kê.
“Lời khẳng định là một phát biểu mạnh mẽ, tích cực rằng cái gì đó đã là
như thế rồi”
-Sharti Gawain-

LỜI KHẲNG ĐỊNH Nhiệm vụ


TÍCH CỰC
Mỗi sáng, đặt đồng hồ báo thức sớm nửa tiếng.
1. Khả năng sáng Ra khỏi giường và viết ba trang, nghĩ gì viết nấy. Đừng
tạo của tôi dẫn đọc lại những trang này hay cho phép bất cứ ai đọc
chúng. Tốt nhất là bạn hãy cho những trang này vào
tôi đến sự tha một cái phong bì loại lớn hoặc giấu chúng ở một chỗ
thứ và tự tha nào đó. Xin chào mừng bạn đến với các trang buổi
sáng. Chúng sẽ thay đổi bạn.
thứ.
Tuần này, hãy đảm bảo bạn viết ra lời khẳng định
2. Có một kế
do bạn chọn và lời buột miệng vào cuối các trang viết
hoạch lương mỗi sáng của mỗi ngày. Hãy biến tất cả lời buột miệng
thiện của Chúa thành những lời khẳng định.

dành cho tôi. “Hãy tự tin đi theo chỉ dẫn của những giấc mơ!
Sống cuộc sống bạn đã tưởng tượng. Khi bạn
3. Có một kế
đơn giản hóa cuộc sống, các quy luật của vũ trụ
hoạch lương sẽ đơn giản hơn.”
thiện của Chúa -Henry David Thoreau-
dành cho công “Hãy đặt sự phục hồi của bạn làm ưu tiên hàng
việc của tôi. đầu trong cuộc sống.”

4. Khi tôi lắng -Robin Norwood-


nghe người sáng Hãy hẹn hò với người nghệ sĩ trong bạn. Bạn sẽ
làm việc này hàng tuần trong suốt khóa học. Một cuộc
tạo trong tôi, tôi
hẹn nghệ sĩ mẫu: lấy năm đô la và đi tới cửa hàng giá rẻ
được dẫn gần nơi bạn sống. Mua những thứ ngớ ngẩn như miếng
đường.
5. Khi tôi lắng
nghe khả năng
dán hình ngôi sao vàng, khủng long tí hon, mấy cái bưu thiếp, đồ trang sức hình
đồng xu lấp lánh, keo dán, một cái kéo trẻ con, bút chì màu… Mỗi ngày viết xong
bạn có thể dán một ngôi sao vàng lên phong bì. Chỉ để cho vui mà thôi!
Du hành ngược thời gian: Hãy liệt kê ba kẻ thù lâu đời đối với lòng tự trọng
sáng tạo của bạn. Khi làm bài tập này, xin hãy càng cụ thể càng tốt. Những con
quỷ đó đã xây nên niềm tin tiêu cực cốt lõi trong bạn. Sẽ có nhiều con quỷ hơn đến
với bạn khi bạn trải qua quá trình phục hồi. Lúc nào cũng cần phải thừa nhận
những vết thương sáng tạo và xử lý chúng. Nếu không, chúng trở thành mô sẹo
sáng tạo và ngăn không cho bạn phát triển.
Du hành ngược thời gian: Hãy chọn và viết một câu chuyện kinh dị dành cho
những con quỷ của bạn. Bạn không cần phải viết dài hay nhiều, nhưng hãy viết ra
giấy bất cứ chi tiết nào bạn nhớ ra – căn phòng nơi bạn đã ở đó, cái cách mọi người
nhìn bạn, cảm giác của bạn, điều cha/me bạn nói hoặc không nói khi bạn kể với họ
về điều đó. Hãy đưa vào câu chuyện bất cứ thứ gì làm cho bạn day dứt về sự cố đó:
“Và rồi tôi nhớ bà ấy nở một nụ cười giả tạo và vỗ vào đầu tôi…”
Bạn có thể thấy hả giận khi vẽ phác hình còn quỷ lâu năm đó hoặc khi cắt
một hình ảnh gợi nên sự cố đó. Vứt nó đi, hoặc ít nhất vẽ một chữ gạch chéo màu
đỏ thật đẹp lên hình con quỷ đó.
Viết một bức thư và gửi cho chính mình. Sẽ rất vui khi viết bức thư này
bằng giọng nói của đứa trẻ nghệ sĩ bị thương bên trong: “Gửi sơ Ann Rita, bà là đồ
ngốc, mắt thì như mắt lợn và tôi cũng có thể viết đúng chính ta.”
“Cứ mỗi khi chúng ta nói Cầu cho! Dưới bất cứ hình thức nào, lại có điều
gì đó xảy ra.”
-Stella Terrill Mann-
Du hành ngược thời gian: Hãy liệt kê những nhà vô địch của lòng tự trọng
sáng tạo trong bạn. Đây là ngôi nhà của những nhà vô địch, những người dành lời
chúc tốt lành cho bạn và cho khả năng sáng tạo của bạn. Hãy liệt kê cụ thể từng lời
nói khích lệ có giá trị. Kể cả nếu bạn không tin vào một lời khen, hãy cứ ghi lại nó.
Nó có thể đúng.
Nếu bạn bí lời khen, hãy quay lại cuốn sổ ghi chép hành trình đi ngược thời
gian của bạn và tìm kiếm những kỉ niệm tích cực. Khi nào, ở đâu và tại sao bạn
cảm thấy tốt về bản thân? Ai đã cho bạn lời khẳng định?
Ngoài ra, bạn có thể viết ra lời khen và trang trí nó. Treo nó cạnh nơi bạn
viết các trang buổi sáng hoặc trên bảng đồng hồ của bạn. Tôi đặt lời khen của tôi
trên cái máy tính để tự cổ vũ tinh thần trong lúc viết.
Du hành ngược thời gian: Hãy chọn và viết ra một lời động viên hạnh phúc.
Hãy viết một bức thư cảm ơn. Gửi nó cho chính bạn hoặc cho người cố vấn lâu
ngày không gặp.
Cuộc sống tưởng tượng: Nếu bạn có năm cuộc sống khác để sống, bạn sẽ
làm gì trong mỗi cuộc sống đó? Bạn sẽ là phi công, người chăn bò, nhà vật lý, nhà
tiên tri, thầy tu. Bạn có thể là thợ lặn, cảnh sát, nhà văn viết truyện thiếu nhi, cầu
thủ bóng đá, vũ công múa bụng, họa sĩ, nghệ sĩ nghệ thuật trình diễn, giáo viên
môn lịch sử, người chữa bệnh sử dụng sức mạnh tự nhiên, huấn luyện viên, nhà
khoa học, bác sĩ, nhà tâm lý học, người đánh cá, bộ trưởng, thợ sửa ô tô, thợ mộc,
nhà điêu khắc, luật sư, họa sĩ, tin tặc, ngôi sao phim truyền hình, ca sĩ nhạc đồng
quê, tay trống nhạc rock… Bất cứ cái gì xảy ra trong đầu bạn, hãy viết nó ra giấy.
Đừng nghĩ quá nhiều về bài tập này.
Mục đích của những cuộc sống này là để vui vẻ, vui vẻ hơn những gì bạn có
thể có trong cuộc sống này. Xem kỹ danh sách của bạn và chọn lấy một. Rồi thực
hiện nó trong tuần này. Ví dụ, nếu bạn chọn “ca sĩ nhạc đồng quê”, bạn có thể
kiếm một cây đàn ghi ta không? Nếu bạn mơ trở thành người chăn bò, đi cưỡi ngựa
thì thế nào nhỉ?
Khi áp dụng phương pháp lời khẳng định và lời buột miệng, thường thì
những tổn thương và các con quỷ sẽ bơi ngược trở lại chúng ta. Hãy bổ sung
những thứ này vào danh sách khi chúng xảy đến với bạn. Xử lý từng lời buột
miệng một. Hãy biến mỗi lời tiêu cực thành một lời tích cực khẳng định.
Đi bộ cùng với người nghệ sĩ trong bạn, hai người nhé! Một cuộc đi bộ
nhanh 20 phút có thể thay đổi đáng kể nhận thức.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ trở thành cái chúng ta tưởng
tượng ra.”
-Claude M. Bristol-

Kiểm tra
Bạn sẽ kiểm tra mỗi tuần. Nếu tuần sáng tạo của bạn là từ Chủ nhật tuần này
đến Chủ nhật tuần sau thì bạn kiểm tra vào các ngày thứ Bảy. Hãy nhớ quá trình
phục hồi này là của bạn. Cái bạn nghĩ rất quan trọng, và nó sẽ ngày càng thú vị khi
thời gian trôi qua. Bạn có thể muốn thực hiện việc kiểm tra cuốn sổ để viết các
trang buổi sáng. Tốt nhất là trả lời bằng việc viết tay và dành ra khoảng 20 phút để
trả lời. Mục đích của việc kiểm tra là để tạo ra một cuốn nhật ký về hành trình sáng
tạo của bạn. Tôi hy vọng sau này bạn sẽ chia sẻ những công cụ này với những
người khác và khi làm như vậy, bạn sẽ thấy những ghi chép của mình là rất có giá
trị: “Vâng, tôi đã rất điên khùng trong tuần thứ tư. Tôi yêu tuần thứ năm…”
1. Bạn đã viết các trang buổi sáng bao nhiêu ngày trong tuần này? Bạn thấy trải
nghiệm đó như thế nào?
2. Tuần này bạn có hẹn hò nghệ sĩ không? Bạn đã làm gì? Bạn cảm thấy thế
nào?
3. Tuần này có vấn đề nào khác mà bạn cho là quan trọng đối với sự hồi phục
của bạn không? Hãy mô tả các vấn đề đó.

You might also like