You are on page 1of 6

DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỘC HUỲNH VĂN TRUNG LƯƠNG

Kính thưa:
- Đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương;
- Đại diện Hội đồng Gia Tộc Huỳnh Đại Tộc Cẩm Kim – Hội An; Đại
diện Hội đồng Gia Tộc Huỳnh Kim - An Hải;
- Đại diện Hội đồng Gia Tộc các Tộc Nguyễn Đăng, Phan Văn, và Tộc
Nguyễn - Chi Nhất Trung Lương;
- Hội đồng Gia Tộc Huỳnh Văn Trung Lương;
- Toàn thể các bác, các chú các cô các anh chị em cùng bà con, con
cháu nội ngoại trong toàn tộc.
Hôm nay chúng ta long trọng tổ chức lễ khánh thành ngôi Từ đường mới
trên khu đất đã được quy hoạch, cũng có nghĩa là nơi thờ tự chiêm bái Tổ Tiên,
Ông Bà họ Tộc của chúng ta sẽ ổn định dài lâu. Trong bầu không khí đầy ắp
niềm hân hoan này, cho phép tôi được thay mặt Hội Đồng Gia Tộc Huỳnh Văn
Trung Lương nhiệt liệt chúc mừng sự có mặt của tất cả chúng ta hôm nay tại
Đại Lễ này và xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các vị khách quý và toàn
thể bà con Nội ngoại, dâu rể trong toàn Tộc.
Thưa các quý vị đại biểu! Thưa bà con!
Họ Huỳnh, tức họ Hoàng, là một Họ tộc lớn có nguồn gốc lâu đời ở miền
Bắc dưới thời nhà Trần thế kỷ 13. Cách đây hơn 700 năm đã có một phả hệ sinh
sống tại Đồi Bái Thượng, Xã Xuân Bái, Huyện Thọ Xương, Thanh Hóa, địa
danh này được thời nhà Lý gọi là Xã Bái Đô, Huyện Lôi Dương. Tương truyền
thời Lam Sơn khởi nghĩa Lê Lợi thoát nạn về Bái Đô, rồi đổi địa danh Bái Đô
thành Bái Thượng nghĩa là lạy cao, hàm ý cảm tạ ơn trời. Tại đây có hai vị Khai
Quốc công thần họ Hoàng được liệt danh ghi vào bia đá tại khu di tích đền Lê
Lợi. Theo tư liệu ghi chép của nhà sưu tầm Huỳnh Sâm về nguồn gốc Họ tộc
Huỳnh Hoàng năm 1992 thì Đệ Nhất Cao Thế Tổ Huỳnh Kim Tô đã sinh sống ở
1 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013
Trấn Bái Thượng này, thời Lam Sơn khởi nghĩa 1427 ông làm nghề thợ Mộc
chạm trổ, đóng ghe thuyền và buôn bán lâm thổ sản dọc vùng sông Chu thuộc
tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình tồn tại đã phát triển về phương Nam để thích
nghi với cuộc sống, Họ tộc Huỳnh Hoàng đã có mặt ở vùng đất Nghệ An, đến
thời Trịnh Nguyễn phân tranh giữa thế kỷ 17 ở những năm 1627-1672, chiến
tranh loạn lạc khắp nơi, nghề nghiệp bế tắc, nhân dân đói khổ, bốn gia đình gồm
các họ Huỳnh, Nguyễn, Phan, Trương cùng thái tổ họ Huỳnh Hoàng là ngài
Huỳnh Đại Long từ vùng biển Vạn Cờn Nghệ An dùng thuyền vượt biển theo
biển Đông đi về phía Nam vào năm Dương Đức thứ nhất Triều Hậu Lê khoảng
năm 1672-1673, dài hơn 600km để vào Cửa Đại và định cư ở Cồn Cát đối diện
phố Cổ Hội An khi ấy hình thành đã gần nửa thế kỷ. Bốn họ đã cùng nhau dựng
nhà lập làng định cư, phát triển nghề nghiệp để dần hình thành các làng nghề,
mở rộng giao thoa thương mãi với người Hoa phố Hội, bằng những đôi bàn tay
tài hoa, bằng khối óc nhạy bén và nghị lực phi thường, Ông Bà chúng ta đã biến
vùng đất hoang vu, đầy lau sậy thành một vùng đất trên bến dưới thuyền cực kỳ
hưng thịnh mà trong đó có làng nghề Mộc Kim Bồng nổi tiếng cả nước thuộc
Trấn Hà Giang, Huyện Thăng Hoa phủ Quảng Nam, để sau hơn 350 năm trở
thành làng Kim Bồng Xã Cẩm Kim thuộc thành phố Hội An ngày nay.
Nhánh hệ Tiền Hiền Tộc Huỳnh Văn Trung Lương chúng ta là ngài
Huỳnh Văn Nào và bà Phan Thị Nào là Đệ Ngũ Thế Tổ thuộc chi hai phái Nhì
của Huỳnh Đại Tộc Cẩm Kim. Ông bà đã rời nơi chôn nhau cắt rốn theo dòng
sông Cổ Cò đổ về cửa Hàn, đến ven bờ Bà Đa Mỹ Thị hãy còn rất hoang vu
nhưng phì nhiêu, thuận lợi cho trồng trọt và đánh bắt hải sản, Ông bà chúng ta
đã từng bước phá lau lách, lấn phèn chua, kiên trì đối mặt với thiên tai, bệnh tật
để dựng nhà, lập ấp, rồi cùng với các Chư Tộc anh em phát triển sang phía Tây
của sông Hàn tạo dựng cơ nghiệp hình thành các làng Trung Lương, Tùng Lâm
kéo dài lên Lỗ Giáng, Cổ Mân ngày nay. Trải qua hơn 150 năm kể từ Đệ Nhị
Cao Tổ Huỳnh Văn Sáu và Cao Tỷ Nguyễn Thị Nha sinh hạ được 6 người con,
4 người là Tổ của bốn phái chúng ta hiện nay, đã trải qua được 9 thế hệ con
cháu, nếu so với Phả Hệ Đại Tộc Cẩm Kim thì là 16 đời, gồm 16 Chi phái, 30
nhánh Họ trải dài xuống An Hải, Thọ Quang đến Xuân Hà, Kim Liên - Liên
2 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013
Chiểu giáp chân đèo Hải Vân thuộc thành phố Đà Nẵng với hơn 2000 nhân
khẩu có mặt khắp mọi miền từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Phan Rang,
thành phố Hồ Chí Minh và một số con cháu định cư ở nước Ngoài.
Thưa các quý vị đại biểu! Thưa bà con!
Trong quá trình phát triển của dòng Tộc, với truyền thống tự lực vươn lên
bằng ý chí, bằng nghị lực của các bậc Tiền nhân, các thế hệ kế tục của Tộc
Huỳnh Văn Trung Lương đã gắn đời sống của mình vào những biến động của
lịch sử đất nước qua các cuộc kháng chiến để dành độc lập tự do của đất nước,
tộc Huỳnh Văn Trung Lương chúng ta đã có những người con tham gia cách
mạng, từng là lãnh đạo, là chiến sĩ của mật khu Sông Đà, mật khu K20 Bắc Mỹ
An là những tù nhân kiên trung bất khuất ở các nhà tù Côn Đảo Phú Quốc với
37 liệt sĩ, 1 mẹ Việt Nam anh hùng, có cả những người đã cống hiến máu xương
của mình ở cả hai miền của Tổ quốc, hơn 30 thương binh, bệnh binh, hàng chục
tù yêu nước đã viết nên truyền thống vẻ vang cho Gia tộc. Đến nay đã có nhiều
con cháu tốt nghiệp đại học là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân; đa số trở thành cán
bộ, công nhân viên, chuyên viên, kể cả trong các ngành công an, quân đội giữ
các chức vụ lãnh đạo tại các cơ quan đơn vị từ địa phương đến trung ương,
ngoài ra cũng có rất nhiều con cháu khác thành đạt trong các ngành nghề, lĩnh
vực kinh doanh và dịch vụ. Cho dù ở bất cứ chân trời góc biển nào, làm bất cứ
ngành nghề gì, con cháu Họ Tộc chúng ta luôn đều là những con người lương
thiện, tận tụy, cần cù trong công việc, và đều có chung một tâm tưởng hướng về
cội nguồn gốc gác, hướng về Tiên Tổ Ông Bà.
Từ đầu những năm 1950 nhà thờ Tộc đã được các bậc cha ông chúng ta
xây dựng tại làng Mỹ Đa để có nơi tế tự và hương khói Ông bà, nhưng đã bị
giặc Pháp đốt phá, thiêu trụi và may mắn còn giữ được Phả Hệ để sau đó lần thứ
2 Nhà Thờ được dựng lại ở Vũng Đa, Đò Xu, sau rồi cũng bị hỏa hoạn thiêu
cháy. Một lần nữa bằng trái tim, nhiệt huyết của mình, ngôi Nhà thờ được xây
dựng lại kiên cố trên đất Trung Lương, để từ đó việc hương khói tế tự Ông bà
được định kỳ tổ chức thường xuyên. Đến năm 1992 Nhà thờ Tộc đã được cải
tạo nâng cấp khang trang đàng hoàng hơn. Tuy nhiên đến nay, vì công cuộc

3 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013
chỉnh trang đô thị, vì sự đổi mới của Thành phố quê hương, Nhà thờ Tộc chúng
ta lại phải di dời giải tỏa về đây.
Bằng sự thống nhất cao trong toàn Tộc, được sự hưởng ứng nhiệt tình của
toàn thể Bà con, con cháu Nội ngoại trong nước và kể cả nước ngoài, kẻ ít người
nhiều hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Gia Tộc đã tích cực đóng góp, cùng
với nguồn kinh phí đền bù giải tỏa, sau gần 5 tháng thi công ròng rã, “ganh với
nắng, đua với mưa”, Ban xây dựng đã sát cánh cùng với đội thợ tâm huyết, lành
nghề và rất trách nhiệm, ngôi Từ Đường uy nghi, to đẹp nằm ở một vị trí thoáng
đãng thuận lợi đã được hoàn thành trong niềm phấn khởi chung của các thế hệ
con cháu, trong ngày cung nghinh kiệu rước, nhạc âm thỉnh Ông bà về an vị, để
kịp đón tết mừng xuân.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Hội đồng Gia tộc Huỳnh Văn
Trung Lương trân trọng ghi nhận và biểu dương toàn thể con cháu nội ngoại
trong Tộc đã hưởng ứng vận động đóng góp công sức, kinh phí xây dựng Nhà
thờ, đặc biệt tuyên dương một số tập thể và cá nhân tiêu biểu. Trước hết, chúng
ta tuyên dương Phái Nhì có mức đóng góp cao nhất là hơn 130 triệu đồng. Phái
Nhất dù có rất ít con cháu ở nước ngoài, nhưng cũng vận động đóng góp được
số tiền hơn 60 triệu đồng. Chúng ta cũng hoan nghênh sự vận động linh hoạt của
Phái Tư đã biết phát huy nguồn lực để đạt con số đóng góp trên 60 triệu đồng,
cùng với Phái Ba hơn 40 triệu đồng, tạo nên nguồn kinh phí dồi dào để chúng ta
hoàn thiện ngôi Nhà thờ hoàn toàn mới từ vật khí thờ tự đến Nhà bia ghi ơn liệt
sĩ. Chúng ta đặc biệt biểu dương những tấm lòng vàng của các cá nhân trai nội,
như ông Huỳnh Tam đã đóng góp 1000 đô la (hơn 20 triệu đồng), hay như
Huỳnh Ngọc Lợi (con ông Tam, Phái Nhì) và Huỳnh Anh (con ông Khoai, Phái
Nhì) mỗi người đóng góp 500 đô la (hơn 10 triệu đồng). Chúng ta cũng đặc biệt
biểu dương một số cá nhân con cháu ngoại, như Huỳnh Thị Màu (con ông
Quánh, Phái Nhì) và Lê Thị Bưởi (con bà Danh, Phái Ba) mỗi người đóng góp
300 đô la (hơn 6 triệu đồng), hay như gia đình chị Lóng (Phái Nhì) từ nước
ngoài cũng góp về 500 đô la (hơn 10 triệu đồng); và có rất nhiều cá nhân đóng
góp 4 triệu đồng trở lên. Hay như Huỳnh Thị Hải (Phái Nhất) ngoài tiền đóng
góp 1 triệu đồng còn đặt mua 5 chiếc chiếu tận Hà Nội mang về để cúng cho
4 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013
Nhà thờ. Điều đó đã cho tất cả chúng ta thấy sự đồng thuận nhất trí cao trong
cộng đồng họ Tộc, rất đúng với câu ngạn ngữ “Đạo Hiếu Tự Tâm Thành”. Đây
là động lực sâu xa động viên con cháu đoàn kết, phấn đấu hơn nữa, tạo nên sức
mạnh để Gia Tộc Huỳnh Văn Trung Lương chúng ta ngày càng phát triển vững
bền.
Kính thưa các quý vị đại biểu cùng bà con nội ngoại!
Hôm nay tại buổi Lễ trọng đại này, tất cả con cháu chúng ta từ mọi miền
xa xôi tụ họp về đây, cùng với các vị khách quý và đại diện các Nhà thờ bạn để
long trọng tổ chức lễ khánh thành Từ đường Huỳnh Văn Tộc Trung Lương,
cùng nhau tay bắt mặt mừng, để thành kính dâng lên anh linh Tiên Tổ những
nén nhang được thắp lên từ sự biết ơn sâu sắc các bậc Tiền nhân đã cho ta lòng
tự hào và tự tin phấn đấu cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay và mai sau.
Và để tỏ lòng biết ơn những đóng góp lớn lao của vị cố Trưởng Tộc
Huỳnh Minh Yến, toàn thể con cháu họ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương xin được
thắp nén hương tưởng nhớ và cầu chúc cho Ông được mãn nguyện ở nơi Vĩnh
Hằng!
“Phúc ấm tổ tiên lưu vạn thưở
Lộc bền con cháu thịnh muôn nơi”
Đó là lời chúc phúc tốt đẹp và cũng là lời nhắc nhở tất cả con cháu nội
ngoại họ Huỳnh Hoàng luôn luôn hướng về cội nguồn gốc gác, hướng về Tiên
Tổ Ông Bà.
Nhân dịp này Hội đồng gia tộc Huỳnh Văn Trung Lương xin chân thành
cảm ơn các cấp chính quyền địa phương, đại diện Huỳnh Đại Tộc Cẩm Kim,
Đại diện Tộc Huỳnh Kim - An Hải, các đại diện họ Tộc bạn cùng toàn thể bà
con, cô bác Nội ngoại, dâu rể đã đã góp công, góp sức, tạo mọi điều kiện thuận
lợi trong quá trình thi công, xây dựng; đã cùng phối hợp tổ chức và đến dự lễ
khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương hôm nay.
Một lần nữa kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và nhiều may
mắn trong cuộc sống.
5 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013
Xin cám ơn!

6 Diễn văn khánh thành Nhà thờ Tộc Huỳnh Văn Trung Lương, 4/2013

You might also like