You are on page 1of 29

QUAN ĐIỂM CỦA MAURICE BLONDEL VỀ HÀNH ĐỘNG

Mục Lục

Dẫn nhập .............................................................................................................................. 1


Chương 1: Hành động – vấn đề bị “quên lãng” trong lịch sử triết học phương Tây ........ 4
Sự “lãng quên” vấn đề hành động trong dòng lịch sử triết học phương Tây.................... 4
Việc “tái suy tư” về vấn đề hành động trong triết học phương Tây vào đầu thế kỷ XX:
triết học đời sống ............................................................................................................... 5
Sự ra đời luận văn L’Action (1893) - Tiểu luận phê bình cuộc sống và khoa học thực
hành của Maurice Blondel ................................................................................................ 7
Chương 2: Hành động nơi tác phẩm L’Action (1893) ....................................................... 10
Đối tượng cho quá trình tìm hiểu vấn đề vận mệnh cuối cùng của con người: hành động
......................................................................................................................................... 10
Phương pháp “nội tại tính” của Maurice Blondel: phương pháp triết học dẫn nội tại tới
siêu việt ............................................................................................................................ 13
Việc phản biện của Maurice Blondel trước những phản hồi và nhận định về L’Action
(1893): một cuộc chiến trên hai mặt trận ........................................................................ 15
Chương 3: Triết lý hành động – Cái nhìn trọn vẹn hơn của Maurice Blondel về hành động
............................................................................................................................................ 17
Triết lý hành động hay ý tưởng về hành động? ............................................................... 17
Có tồn tại một triết học Kitô giáo? ................................................................................... 21
Kết luận .............................................................................................................................. 24
Tài liệu tham khảo ............................................................................................................. 26
1
Dẫn nhập

Mục đích của triết học không chỉ là đi tìm một ý nghĩa cho vũ trụ và cho thân phận con
người. Triết học còn mang lấy ưu tư của con người là làm sao có thể sống cho trọn vẹn ý nghĩa
đó, đặc biệt nơi đời sống tinh thần: từ nội tại đến các khía cạnh khác của phận người. Nhưng
lịch sử triết học đã dẫn chứng rằng triết học không đáp ứng nổi những ý định đó, để rồi chấp
nhận sự thành toàn nơi tôn giáo. Như triết gia Maine de Biran đã viết: “Chỉ có tôn giáo mới giải
quyết những vấn đề mà triết học đặt ra.”1

Nhưng liệu cách giải quyết của tôn giáo có ảnh hưởng đến quyền tự trị của triết học? Vì
trong thực tế, mối tương quan giữa tôn giáo và triết học ngày càng “lạnh nhạt”, nếu không muốn
nói là đầy xung khắc. Cho nên, vấn đề được đặt ra là tính hợp pháp của tôn giáo trong triết học
cần phải được xét lại theo đúng chuẩn mực mà triết học yêu cầu.

Đây thực sự là một nan đề, vì ngoài điều kiện tiên quyết là người ta cần vừa nắm vững
tri thức triết học vừa hiểu đúng bản chất của tôn giáo, thái độ được dành cho vấn đề trên là rất
quan trọng. Vì trong dòng lịch sử triết học Tây phương, không thiếu những nhà tư tưởng xuất
chúng đạt được điều kiện cần, nhưng để thỏa mãn điều kiện đủ là một sự đầu tư đúng mực thì
lại rất hiếm hoi: hoặc là họ chỉ chú tâm vào triết học, hoặc là họ chỉ quan tâm tới nó như một
sự trợ lực cho thần học.

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, một con người dường như hội đủ những điều kiện
trên đã xuất hiện, đó là Maurice Blondel – một triết gia người Công giáo. Ắt hẳn, điều này sẽ
được cảm nhận rõ ràng hơn khi có được cái nhìn tổng quan về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Và sau đây là tiểu sử sơ lược của ông, dựa trên thông tin của “Viện nghiên cứu về Maurice
Blondel” tại đại học Louvain.2

Blondel sinh ra ở Dijon (Pháp) vào ngày 2 tháng 11 năm 1861. Vốn có thiên hướng tự
nhiên về triết học, ông bước vào École Normale Supérieure năm 1881. Tại đó, ông bị ấn tượng
bởi sự từ chối Kitô giáo trong giới đại học. Luận án của ông, L'Action, được bảo vệ vào ngày 7
tháng 6 năm 1893, nhằm phục hồi chính xác, từ quan điểm triết học, tính hợp pháp của vấn đề
tôn giáo. Quan điểm này đã dẫn đến sự chậm trễ nhất định trong việc bổ nhiệm ông vào trường
Đại học. Năm 1895, ông trở thành giảng viên ở Lille. Năm sau, ông chuyển đến Aix-en-
Provence và được phong hàm Giáo sư năm 1897. Giữa lúc đó, Blondel kết hôn với Rose Royer
và gia đình sẽ có ba người con.

1
Phan Văn Chức, F.S.C., Những trào lưu triết hiện đại (Saigon: LASAN Ấn Quán, 1973), 65.
2
Université catholique de Louvain, “Maurice Blondel (1861-1949),” truy cập ngày 04-2-2023,
https://uclouvain.be/fr/instituts-recherche/isp/alpha/maurice-blondel.html.
2
Năm 1896, Blondel xuất bản Lettre sur l'apologétique để soi sáng cho những ai muốn
đọc hay đọc lại L'Action của ông cách đúng đắn hơn. Còn về việc Blondel từ chối xuất bản lại
luận án của mình, đó chỉ là vì ông có ý định mở rộng quan điểm ban đầu của mình. Gần bốn
mươi năm tham gia vào những cuộc tranh luận, rốt cuộc, dự án của ông cũng đến hồi chín muồi.
Tuy nhiên, năm 1919, Blondel mất vợ và năm 1927, một căn bệnh nghiêm trọng ở mắt buộc
ông phải xin nghỉ hưu. Từ năm 1934 đến năm 1937, ông xuất bản Bộ ba La Pensée, L’Être và
La nouvelle Action. Bảy năm sau, ông xuất bản L’Esprit Chrétien. Blondel qua đời ở Aix-en-
Provence vào ngày 4 tháng 6 năm 1949. Lượng thư từ phong phú được xuất bản sau khi ông
qua đời cho thấy một nhân cách vô cùng đáng mến: bất chấp sự phản đối và nhiều khó khăn,
ông vẫn không ngừng quay trở lại câu hỏi trọng tâm về ý nghĩa của cuộc sống con người.

Nếu các triết gia phương Tây đề cao việc khám phá triết học, thì những hiền nhân
phương Đông lại ưu tiên sống triết lý của mình. Có lẽ, cách nào đó, qua cuộc đời của ông,
Blondel là một trong số ít triết gia có lối sống hòa hợp hai phong cách này: là một người Công
giáo và có những tư tưởng triết học hòa hợp với mục đích sống của mình. Trên quan điểm là
một người Công giáo tìm hiểu về triết học, người viết cảm thấy gần gũi và hứng thú hơn với
việc nghiên cứu triết học của ông.

Vì người viết tự nhận thấy trình độ của bản thân về triết học còn kém cùng kinh nghiệm
suy tư ít ỏi, nên bài tiểu luận của người viết không thể đạt đến lý tưởng là nghiên cứu trực tiếp
về triết lý của triết gia Blondel trong toàn bộ các trước tác của ông. Do đó, trong bài tiểu luận
này, người viết cố gắng trình bày khái quát một trong những vấn đề triết học mà Blondel quan
tâm nhất: “hành động”, nhờ sự trợ giúp từ một số công trình nghiên cứu về ông, với tư cách là
một triết gia đích thực. Nội dung của nó gồm ba phần tương ứng với ba chương.

Trước hết, với một cái nhìn lướt qua lịch sử triết học phương Tây, dường như vấn đề
hành động chẳng mang lại ấn tượng gì cả. Liệu rằng nó đã bị lãng quên hay là nó chẳng tồn tại?
Và nếu nó tồn tại, vậy thì ở đâu và khi nào? Liệu có triết gia nào lưu tâm đến nó cách đặc biệt?

Tuy nhiên, liệu vấn đề hành động có đáng để các triết gia đầu tư nghiên cứu hay không?
Nếu có, thì lý do là gì và phương pháp nghiên cứu nó ra sao? Nhưng, như vừa nhắc đến sự hiện
diện “mờ nhạt” của hành động, ta có thể tự hỏi xem công trình nghiên cứu đó sẽ được đón nhận
thế nào trong một môi trường xa lạ với nó.

Cuối cùng, mục đích của công trình nghiên cứu ấy về hành động là gì? Liệu nó có đem
lại giá trị chân thực cho nền triết học của nhân loại?
3
Tuy chỉ là một tiểu luận, nhưng người viết hi vọng nó có thể gợi lên chút gì đó, trước
tiên là cho bản thân, rồi đến những người cùng sống và học tập với người viết, về một nét đẹp
giữa triết học và tôn giáo, qua quan điểm của triết gia Maurice Blondel về vấn đề hành động.
4
Chương 1: Hành động – vấn đề bị “quên lãng” trong lịch sử triết học phương Tây

Sự “lãng quên” vấn đề hành động trong dòng lịch sử triết học phương Tây
Trong bài Philosophie de L’Action được đăng trên tạp chí Les Études philosophiques
(số 1, năm 1946), Maurice Blondel cho biết rằng: vào năm 1882, vẫn chưa hề có một nghĩa triết
học chuyên biệt nào cho từ hành động. Mãi cho đến năm 1926, trong cuốn Vocabulaire
philosophique của André Lalande, hành động mới được đề cập tới như một thuật ngữ triết học
một cách thích đáng.3

Thực ra, ngay từ thời triết học Cổ đại, vấn đề hành động đã được triết gia Aristote đề
cập trong chương IX của tác phẩm Métaphysique với hai khái niệm cơ bản: “Hành động là
chính sự thể hiện của hoạt động” (đối lập với tiềm năng của hoạt động) và “hành động là mô
thể” (đối lập với chất thể).4 Ngoài ra, ông còn suy tư thêm về vấn đề này trong cuốn Éthique à
Nicomaque và cuốn De anima.5 Tuy vậy, từ sau thời Aristote cho tới thời Maurice Blondel,
hành động lại không được lưu tâm tới như một vấn đề triết học chuyên biệt. Tại sao lại có một
khoảng ngắt quãng quá dài như vậy?

Trong triết học Tây phương, đã có một truyền thống xa xưa bắt nguồn từ Hy Lạp: các
triết gia Hy Lạp cổ thường có cái nhìn coi thường hành động chính trị, vì họ cho rằng nó đã dẫn
con người vào thế giới của những ảo ảnh và khiến con người ngoảnh mặt lại với sự chiêm ngắm
bản thể. Còn hành động của nhà thủ công sử dụng vật chất lại càng bị các triết gia xem nhẹ hơn,
bởi nó được xem như không có tí gì thuộc “tinh thần” hay “siêu hình” cả.6 Vì vấn đề hữu thể
luôn là trọng tâm suy tư của các triết gia Hy Lạp cổ, nên hành động khó có thể được họ lưu tâm
đúng mức.

Cách tổng quát hơn, tri thức mà các triết gia Hy Lạp tìm kiếm được quan niệm như một
sự tiến bộ của nội tâm con người.7 Nó mang trong mình chiều kích cứu cánh và liên quan tới
những gì thuộc về bản thể.8 Điển hình cho quan niệm tri thức này là sự hoài niệm về thế giới ý
niệm của triết gia Platon: “Tri thức, khi làm chúng ta thông đạt tới bản thể, đã tái lập lại sự hoàn
hảo mà chúng ta đã bị tước đoạt.”9 Việc nhìn nhận tri thức như vậy đã ảnh hưởng lên nền triết
học phương Tây một khoảng thời gian khá dài, kéo theo việc “lãng quên” vấn đề hành động.

3
Maurice Blondel, “Philosophie de l’action,” Les Études philosophiques 1 (1946): 1.
4
André Lalande, Vocabulaire technique et critique de la philosophie, vol. 1, A – M (Paris: P.U.F., 1997), 16.
5
Ibid., 16 – 17.
6
Émile Bréhier, Les thèmes actuels de la philosophie (Paris: P.U.F., 1951), 10.
7
Ibid., 3.
8
Ibid., 5.
9
Ibid., 4.
5
Cho tới thời hiện đại, nhất là từ thế kỷ XVI, một quan niệm hoàn toàn khác về tri thức
xuất hiện: tri thức không còn có mục đích tự thân nữa, nhưng nó trở thành phương tiện để con
người gia tăng quyền hạn của mình trên sự vật.10 Những tri thức này có thể tách rời khỏi con
người và không bị biến mất theo con người; đồng thời chúng có thể bổ sung cho nhau. Vì thế,
sự khám phá loại tri thức này tạo nên một dòng chảy phát triển liên tục và mang tính tập thể
của toàn bộ nhân loại. Nhưng xét cho cùng, tri thức kiểu này chỉ được một ít người nắm bắt và
nó không thể là cứu cánh cho tất cả mọi người.11

Tiếp nối tư tưởng này, những nhà tri thức của thế kỷ XVII và XVIII bị ám ảnh bởi lý
tưởng về “một sự hiểu biết tiệm tiến đem lại cho con người quyền bá chủ thế giới vật chất.”12
Nó được thể hiện trong cách quan niệm mới mẻ của họ cả về vũ trụ lẫn con người: giờ đây con
người là trung tâm của suy tư và thế giới được nhìn nhận theo cách cơ giới hóa hơn. Đó cũng
là ý tưởng mà triết gia René Descartes, nhà tư tưởng tiên phong của thời đại ông, khởi xướng
và phát triển. Tới thế kỷ XVIII và XIX, thuyết tất định được mở rộng để ảnh hưởng tới cả con
người: “Con người giờ đây tự xem mình như một đối tượng giữa những đối tượng khác.”13 Như
vậy, theo quan niệm tri thức kiểu thứ hai này, vấn đề hành động có lẽ chỉ được xem như là một
phương tiện để tìm kiếm tri thức hay cách thức để hoạt động mà thôi.

Nhìn lại hai loại tri thức trên, Émile Bréhier cho rằng triết học đích thực phải là “một sự
cố gắng duy trì sự quân bình giữa hai loại tri thức và cho thấy được là chỉ có loại thứ nhất mới
đem lại ý nghĩa cho loại thứ hai.” Nó còn phải là “sự phản kháng thường xuyên của tinh thần
chống lại sự sa lầy vào khoa học kỹ thuật.”14 Điều này đã được thể hiện trong dòng lịch sử triết
học phương Tây, nhưng hẳn là nó nổi bật hơn vào thời triết học hiện đại được bắt đầu từ thế kỷ
trước, với sự phong phú và đa dạng của những trào lưu triết học mới. Và cũng từ đây, vấn đề
hành động được “trỗi dậy” trong tâm trí của những triết gia đương đại: hành động được xét đến
như bản chất của vấn đề, chứ không phải là những phương thế dẫn tới vấn đề hành động như
các triết gia đi trước đã nhìn nhận.

Việc “tái suy tư” về vấn đề hành động trong triết học phương Tây vào đầu thế kỷ XX:
triết học đời sống
Trong tác phẩm về lịch sử triết học nổi tiếng của mình, Johannes Hirschberger đã cho
hay về thực trạng vào đầu thế kỷ XX: “Hầu hết ghế triết học đều do những nhà Tân Kant nắm

10
Ibid., 4 – 5.
11
Ibid., 5.
12
Ibid., 5 – 6.
13
Ibid., 6.
14
Ibid., 6 – 7.
6
giữ.”15 Vì triết học của họ có tính hàn lâm và thường mang vẻ quý tộc, nên chúng chỉ được bắt
gặp “nơi các giảng đường và trong những quyển sách được viết bởi những người ủng hộ.”16
Còn về phía đa số quần chúng, dường như đã không còn sự hứng thú với kiểu tư biện duy lý
“hời hợt, mang tính cơ giới luận và bị sơ đồ hóa, được củng cố vững chắc bởi khái niệm khoa
học của Kant” nữa.17

Như đã nói về việc dung hòa hai cách nhìn về tri thức để đến với triết học đích thực,
một sự “phản kháng” hay một phản đề xuất hiện trong bối cảnh này là điều dễ hiểu. Thế nhưng,
theo François-Joseph Thonnard, nó có hai chiều hướng khác nhau: “con đường tinh thần (voie
de l’esprit) và con đường lãng mạn (voie du sentiment).”18 Những người theo hướng thứ nhất
là “những nhà duy tâm hay các nhà hiện tượng học như Husserl.”19 Hướng còn lại được gọi là
“triết học đời sống”: bởi thay vì tin tưởng vào lý tính trừu tượng, nó hướng về những điều mang
tính hiện sinh.20 Cách cụ thể hơn, “những triết gia của đời sống đã chuyển sự chú ý của họ sang
cái phi lý tính, cái độc nhất, cái nội tại, cái tinh thần, bất cứ cái gì được trải nghiệm về mặt cá
nhân, và cái năng động.”21 Qua những suy tư này, vấn đề hành động như tìm được môi trường
thích hợp cho việc được nhìn nhận cách thích đáng hơn trong triết học phương Tây.

Khi bàn về hành động, hai triết gia tiêu biểu của triết học đời sống là Henry Bergson và
Maurice Blondel “đều dùng những thuật ngữ tương tự nhau để biểu đạt tư tưởng của mình, nên
một số sử gia triết học đã xem Blondel là môn đồ của Bergson.”22 Tư tưởng này khá phổ biến,
nhất là khi Bergson được biết đến nhiều hơn Blondel ở các vùng Anglo-saxon.23 Nhưng, sự thật
là “Blondel đã phát triển tư tưởng chủ đạo của mình thậm chí còn trước cả khi ông đọc bất kỳ
dòng chữ nào của Bergson.”24 Johannes Hirschberger còn cho rằng triết lý của Blondel “thể
hiện sự vượt trội so với triết học đời sống”: vì nó không đắm chìm trong chủ nghĩa phi lý tính,
nhưng có một hướng đi “trung dung” hơn trong mối quan hệ giữa lý trí và ý chí.25 Tư tưởng
này của Blondel phát xuất từ sự ảnh hưởng của thầy mình là Léon Ollé – Laprune:26 “Không

15
Johannes Hirschberger, Lịch sử Triết học, tập II, Triết học Trung Cổ và Trung Đại, Bùi Văn Nam Sơn chủ
trương và hiệu đính (Hà Nội: NXB. Tri Thức, 2020), 667.
16
Ibid.
17
Ibid.
18
F. – J. Thonnard, A.A., Précis d’histoire de la philosophie (Paris: Desclée & Cie, 1966), 1141.
19
Ibid.
20
Ibid.
21
Hirschberger, Lịch sử Triết học, 667.
22
Ibid.
23
Katherine Gilbert, “Maurice Blondel’s Philosophy of Action,” The Philosophical Review 33 (1924), 273.
24
Hirschberger, Lịch sử Triết học, 667.
25
Ibid.
26
Léon Ollé-Laprune (1839 – 1898), sau khi hoàn thành chương trình học ở École Normale (trường Cao đẳng Sư
phạm) tại Paris, dạy triết học tại các trường trung học (lycée) cho tới khi có chức vụ tại trường École Normale vào
năm 1875. Tác phẩm nổi tiếng của ông về đạo đức học có tên là Certitude morale (1880). Ông chịu ảnh hưởng
nhiều từ Newman và Renouvier. Ông cũng là người được M. Blondel tỏ lòng kính trọng ngay tại trang đầu tiên
7
thể đạt được sự chắc chắn trong bất kỳ vấn đề nào bằng con đường thuần túy trí tuệ mà không
có sự tham gia của ý chí.”27

Qua đó, ông nhận ra rằng mối quan hệ giữa tư biện và hành động không được xác định
rõ ràng, bởi vì “chúng ta thường đồng nhất hành động với ý tưởng hành động và nhầm lẫn kiến
thức thực tế với nhận thức mà chúng ta có về nó.”28 Do vậy, ông thấy rằng triết học vừa mang
đến cho con người một sự lo lắng sâu xa hướng về những bí ẩn trong tương lai, vừa giúp con
người phản tỉnh lại tình trạng của mình.29 Nên “nó để lại một ấn tượng mơ hồ: nó không phải
là cuộc sống cũng không phải là khoa học, mặc dù nó là một chút của cái này và là một chút
của cái kia.”30 Những suy tư này của Blondel sẽ được ông khai triển, tại Sorbonne, trong luận
văn của mình: L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique (Hành
động, Tiểu luận phê bình cuộc sống và khoa học thực hành, 1893).

Sự ra đời luận văn L’Action (1893) - Tiểu luận phê bình cuộc sống và khoa học thực
hành của Maurice Blondel
Quả thực, sau gần mười năm làm việc, sự ra đời luận văn L’Action (1893) của Blondel
chẳng hề dễ dàng chút nào. Chủ đề của nó, được thể hiện quá rõ qua chính tiêu đề Hành động,
là nguyên nhân đầu tiên khiến nó khó được phê chuẩn như “một chủ đề hợp pháp cho một luận
án triết học”:31 đề tài quá mới mẻ và không đủ tiêu chuẩn hàn lâm vào thời điểm đó, như đã đề
cập ở trên. Lý do còn lại dường như có ảnh hưởng hơn, đó chính là ý chủ đạo xuyên suốt sự
nghiệp của mình mà Blondel nhắm tới: “Thay vì phản đối tính siêu nhiên của đạo Công giáo,
triết học phải thừa nhận sự cần thiết của việc nêu lên một vấn đề tôn giáo như vậy.”32 Đa số các
giáo sư không chấp nhận ý hướng đó cho một luận án triết học, vì tính chất “hộ giáo”
(apologétique) của nó. Nếu không có Émile Boutroux, vị giáo sư triết học xuất chúng của
Sorbonne khi đó, bất chấp dư luận, đứng ra làm thầy chỉ đạo (patron) cho bài luận của Blondel,
thì hẳn rằng L’Action của ông sẽ không bao giờ được trình bày tại Sorbonne.33

Quay lại với nội dung của luận văn L’Action (1893): tác phẩm có năm phần chính, với
trọng tâm là “phát triển một hiện tượng học biện chứng và bản thể học về chủ thể hành động
và mối quan hệ của nó với tính siêu việt.”34

của tác phẩm L’Action (1893). Cf. Émile Bréhier, Histoire de La Philosophie, Tome II, La philosophie moderne
(Paris: Librairie Félix Alcan, 1932), 1034.
27
Bréhier, Histoire de La Philosophie, 1034.
28
Ibid.
29
Ibid.
30
Ibid.
31
Oliva Blanchette, “Why we need Maurice Blondel,” Communio 38 (2011), 145.
32
Ibid.
33
Ibid.
34
Gregory Sadler, “Maurice Blondel,” truy cập ngày 04-2-2023, https://iep.utm.edu/maurice-blondel/.
8
Blondel khởi đầu phần Dẫn nhập bằng việc phác họa mối quan hệ giữa tư biện và hành
động.35 Rồi sau đó ông lập luận về tính bất khả thi của một giải pháp thuần túy suy đoán và
thậm chí là cách đặt vấn đề mà hành động đặt ra: “Một sự nhận thức thuần túy không bao giờ
đủ để thúc đẩy chúng ta, vì nó không thể nắm lấy trọn vẹn chúng ta: trong mọi hành động, tồn
tại hành động của niềm tin.”36 Tuy nhiên, Blondel không rơi vào chủ thuyết phi lý tính “thường
thấy ở những thành viên cấp tiến của triết học đời sống.”37 Ngược lại, ông đưa ra một “khoa
học thực hành” (la science de la pratique) như là “phương pháp hợp lệ để xác nhận điểm khởi
đầu và dự đoán những tiết lộ cuối cùng của cuộc sống” và “ sự cần thiết cho việc giải quyết vấn
đề cách khoa học.”38

Ở phần thứ nhất, Blondel đưa ra câu hỏi “có hay không vấn đề hành động?”39: liệu rằng
vấn đề hành động có cần thiết phải đặt ra ngay từ đầu hay nó có thể tránh được.40 Trong cuộc
sống, con người thường xuyên bắt gặp “sự mất cân bằng giữa năng lực (le pouvoir) và ý chí (le
vouloir), bởi vì năng lực của chúng ta ít hơn ý chí của chúng ta.”41 Nó dẫn đến việc phát sinh
hành động với “xu hướng khôi phục lại sự cân bằng.”42 Đây là “nguyên tắc của một loại biện
chứng nội tại đối với hành động: nó đặt ra mục tiêu cho chính nó và bằng cách trải nghiệm sự
thiếu sót, tìm kiếm một mục đích thỏa đáng hơn.”43

Trong phần thứ hai, Blondel chống lại tư tưởng của chủ nghĩa bi quan (pessimisme)
được thúc đẩy bởi các phương thức tư duy của Triết học phê phán (Philosophie Critique), đỉnh
cao của thời Khai sáng.44 Ông cho rằng hành động sẽ không bao giờ đạt tới kết quả khi nó bị
phân tích trong các lĩnh vực riêng rẽ.45 Vì “đối với tất cả mọi người, dù họ có biết hay không,
vấn đề của cuộc sống đồng thời là vấn đề của siêu hình học, đạo đức và khoa học: hành động
là tổng hợp của ý chí, hiểu biết và tồn tại” và “con người không thể bị tách rời mà không phá
hủy mọi thứ đã được tách rời.”46

Phần thứ ba của L'Action vạch ra một giải pháp tích cực cho vấn đề hành động, bằng
cách tạo ra và áp dụng “khoa học về hành động” mà Blondel đã đề cập trước đó.47 Ông thực

35
Sadler, “Maurice Blondel.”
36
Maurice Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique (Paris: P.U.F., 1993),
ix.
37
Hirschberger, Lịch sử Triết học, 677.
38
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, xi.
39
Ibid., 1.
40
Sadler, “Maurice Blondel.”
41
Bréhier, Histoire de La Philosophie, 1035.
42
Ibid.
43
Ibid.
44
Sadler, “Maurice Blondel.”
45
Bréhier, Histoire de La Philosophie, 1035.
46
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 27 – 28.
47
Sadler, “Maurice Blondel.”
9
hiện một loạt các phân tích, bắt đầu từ cấp độ của ý thức và cảm giác của cơ thể; rồi chuyển từ
cơ thể của chủ thể sang mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, và cuối cùng từ xã hội sang tôn
giáo.48

Ở phần thứ tư, sau khi đã xây dựng chi tiết các mối quan hệ biện chứng giữa các trật tự
khác nhau của nội tại (immanence) và siêu việt (transcendance), Blondel lại suy tư về vấn đề
hành động từ việc xem xét chủ thể hành động đơn lẻ.49 Ông tìm cách chứng minh rằng “hành
động của con người bao hàm một ‘sự siêu việt không thể tránh khỏi’ và cuối cùng sẽ dẫn tác
nhân tới ‘điều cần thiết duy nhất’ – hữu thể cần thiết: Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể
hình dung và chi phối bởi các khái niệm hoặc hiện tượng.”50

Trong phần cuối của L'Action, Blondel nhắm tới mối quan hệ giữa triết học và Kitô giáo,
giữa tự nhiên và siêu nhiên.51 Qua việc phê bình sự cằn cỗi của Triết học phê phán đã khiến
tương quan giữa con người và Thiên Chúa ngày càng mờ nhạt, ông xác định lỗi cơ bản là do
“thiếu chú ý đến hiện tượng hành động”: triết học thường coi hành động chỉ là thứ yếu và nhấn
mạnh rằng “những cấu trúc lý tính giới hạn” mới chính là thực tại.52 Thay vào đó, theo Blondel,
hành động phải đóng vai trò trung gian cơ bản để cho phép “các điều kiện của khả năng”
(conditions of possibility) là chính nó được thể hiện.53

Blondel kết thúc công việc bằng cách thảo luận về những hệ quả tất yếu của vấn đề hành
động.54 Qua đó, ông cho thấy “nỗ lực giải quyết vấn đề hành động và vấn đề tôn giáo cuối cùng
cũng quay trở lại vấn đề về sự kết thúc của số phận con người”:55 “Nó tìm thấy điểm sống còn
nơi sự giao nhau giữa sự hiểu biết (connaître) và ước muốn (vouloir), trong hành động.”56

Trên đây có thể xem như một cái nhìn tổng quan về luận văn L’Action (1893) của
Blondel. Như vậy, cách cụ thể, qua luận văn này, vấn đề hành động đã được ông thể hiện như
thế nào?

48
Ibid.
49
Ibid.
50
Ibid.
51
Ibid.
52
Ibid.
53
Ibid.
54
Ibid.
55
Ibid.
56
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 480.
10
Chương 2: Hành động nơi tác phẩm L’Action (1893)
Như những gì đã được trình bày ở trên cho thấy, quả thực, vấn đề hành động đã chìm
trong một giấc ngủ dài trước khi được trỗi dậy trong dòng lịch sử triết học phương Tây. Nhưng
liệu vấn đề hành động được đánh giá như vậy là xứng đáng, hay nó phải là một điều mà những
người tìm kiếm sự khôn ngoan không thể bỏ qua? Nói cách khác, tầm quan trọng của vấn đề
hành động trong triết học là gì? Câu trả lời cho vấn đề này có thể được tìm thấy trong luận văn
L’Action (1893) của Maurice Blondel.

Jean Lacroix đã nhận định về Blondel như sau: “Là một triết gia, ông nghĩ rằng triết học
không thể dửng dưng với vấn đề vận mệnh cuối cùng của con người. (…) Là một Kitô hữu, ông
tin rằng cùng đích của con người vượt ra ngoài mọi tự nhiên, là ‘siêu nhiên’ đích thực.”57 Mà
cùng đích siêu nhiên là đích thực chỉ khi nó đồng thời “vượt khỏi sự nắm bắt trực tiếp của lý
trí” và “tự biểu lộ cách nào đó trong thực tại cụ thể của hiện hữu con người.”58

Từ đó, nhiệm vụ mà Blondel tự đặt ra cho chính mình là phải chứng minh tính siêu
nhiên nơi cùng đích của con người, không nhờ các công cụ thần học, nhưng chỉ với các phương
tiện triết học mà thôi.59 Hay có thể nói rằng, ông muốn khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc
sống bằng phương pháp triết học thực thụ, qua vấn đề hành động. Đó chính là mục đích và
phương pháp mà Blondel nhắm tới trong L’Action (1893), qua phụ đề: “Tiểu luận phê bình cuộc
sống và khoa học thực hành.”

Đối tượng cho quá trình tìm hiểu vấn đề vận mệnh cuối cùng của con người: hành
động
Khởi đầu L’Action (1893), Blondel viết: “Có hay không, đời người có ý nghĩa và con
người có số phận không? Tôi hành động, song không biết hành động là gì.”60 Ông nhận ra rằng
thực tế chắc chắn là ai cũng phải đặt ra vấn đề này và sẽ phải giải quyết nó vì “mọi người đều
mang nó trong hành động của mình.”61 Như vậy, hành động, với Blondel, trước tiên là một dữ
kiện nguyên thủy, có trước ý thức và sự tự do của con người; và nó cũng là thử nghiệm căn bản
nhất liên quan đến số phận cuối cùng của con người.62

Do đó, Blondel cho rằng hành động phải được nghiên cứu để “chính ý nghĩa của từ và
sự phong phú trong nội dung của nó sẽ dần dần hé mở.”63 Ông không tán dương hành động bởi

57
Jean Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, translated by John C. Guinness,
(Oregon: Wipf and Stock Publishers, 2002), 28.
58
Ibid., 28 – 29.
59
Ibid., 29.
60
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, vii.
61
Ibid., viii.
62
Blanchette, “Why we need Maurice Blondel,” 146.
63
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, viii.
11
những thành quả vật chất của nó, nhưng vì tính chất tinh thần chứa đựng “trong nguồn gốc và
trong sự triển khai toàn vẹn của nó.”64 Quả vậy, hành động không thể bị nhốt trong một trật tự
tự nhiên khép kín, vì, theo Blondel, nó phải được hiểu như “mọi hoạt động mang tính nhân bản,
dù là siêu hình, luân lý, thẩm mỹ, khoa học hay hoàn toàn thực tiễn.”65

Ông khẳng định rằng “bất cứ điều gì đơn giản có tính lý tưởng trong ý định đều không
thoát khỏi hành động”: ít nhất một phần của điều đó sẽ được hiện thực hóa trong hành động và
không thuần nhất (hétérogène) với tình trạng ban đầu.66 Vì nơi con người, luôn có một sự chênh
lệch nhất định giữa quyết định và suy nghĩ, cũng như giữa hành động và mục đích.67 Do đó,
con người - hữu thể suy tư – như thể “bị lên án” phải hành động.68

Tuy nhiên, với khuynh hướng tích cực, con người cố gắng “tự làm mình sánh bằng với
chính mình”: tìm kiếm sự hòa hợp giữa bản thân, ý chí và trí năng, qua trung gian hành động.69
Một mặt, hành động mang hữu thể tới cùng đích trong sự hoàn thiện mới;70 mặt khác, nó giúp
tái hòa nhập, cách từ từ, nguyên nhân cứu cánh (la cause finale), vào nguyên nhân tác thành (la
cause efficiente) để “sự hoàn hảo được thông truyền.”71 Vì vậy, hành động mang trong mình
một vai trò quan trọng là “phát triển và cấu thành hữu thể.”72

Cũng nên nhắc lại rằng, Blondel nhắm đến khoa học thực hành như một phương pháp
triết học chính tông để phê bình (critiquer) toàn bộ cuộc sống. Phương pháp này của ông không
phải “khoa học thực tiễn” (la science pratique), nhưng là một sự trổi vượt hơn, nhằm dự đoán
các kết luận cách hợp lý, qua hành động như nó đang tự thể hiện.73 Vì ở trong triết học, nên
khoa học thực hành “phải phổ quát trong phạm vi của nó”; cũng như do thuộc phạm trù thực
tế, nên nó “phải là một triết học về cái cụ thể.”74 Từ đó, Blondel nhìn nhận hành động như là
một “mối liên hệ bản thể” (lien substantiel) “thiết lập sự hợp nhất cụ thể mỗi hữu thể trong khi
vẫn đảm bảo sự thống nhất với toàn thể”: “Nó là địa điểm (le lieu géométrique) mà tự nhiên,
con người, thần thánh gặp gỡ.”75

64
Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, 29.
65
Ibid.
66
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 467 – 468.
67
Ibid., ix.
68
William L. Portier, “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel,” Communio 38 (2011),
111.
69
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 467.
70
Bréhier, Les thèmes actuels de la philosophie, 11.
71
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 468.
72
Ibid., 467.
73
Maurice Blondel, Action, Essay on a Critique of Life and a Science of Practice, translated by Olivia Blanchette,
(Indiana: University of Notre Dame Press, 1984), xvi.
74
Ibid.
75
Maurice Blondel, L’Itinéraire philosophique de Maurice Blondel: Propos recueillis par Frédéric Lefèvre (Paris:
éd. Spes, 1928), 66 – 67.
12
Như đã đề cập ở chương trước, khi phân tích hành động trong mối liên hệ của nó với
cùng đích con người, khía cạnh ý chí là điều không thể không được nhắc tới. Trong L’Action
(1893), Blondel trình bày “hai loại” ý chí: “ý chí mong muốn” (volonté voulante) - cái xuất
phát từ ý chí (quod procedit ex voluntate) và “ý chí được mong muốn” (volonté voulue) - cái
trở nên đối tượng của ý chí (quod voluntatis objectum fit).76 Ông không hề có suy nghĩ rằng
trong con người có hai ý chí riêng biệt, nhưng tồn tại một “ý chí kép” (la double volonté) “bao
hàm bất kỳ hoạt động phản xạ hay bất kỳ thái độ có chủ ý nào của con người.”77

Theo Blondel, có một sự mất cân đối giữa hai ý chí này: ý chí mong muốn, với tính chất
sâu thẳm và mạnh mẽ của mình, luôn “tạo ra một áp lực ngày càng tăng” lên ý chí được mong
muốn; trong khi ý chí được mong muốn, nhờ tính rõ ràng và hiển nhiên, có được vài lợi thế để
làm chậm lại khuynh hướng đó.78 Cần có một quá trình cân bằng giữa hai yếu tố đối lập này và
ông coi đó là vai trò của hành động: nó rút ra đặc điểm của mình từ ý chí được mong muốn,
nhưng không ngừng dựa trên nền tảng là ý chí mong muốn.79 Nói cách khác, hành động là “ảnh
hưởng không ngừng gia tăng của ý chí sống động của vũ trụ lên ý chí cá nhân của con người,
cho đến khi cả hai kết hợp với nhau trong một trực giác cụ thể về ‘điều cần thiết duy nhất’
(l’unique nécessaire): Thiên Chúa.”80 Như vậy, qua sự tương tác mang tính biện chứng giữa hai
ý chí này, số phận con người thực sự phụ thuộc vào hành động.81

Thánh Augustinô, triết gia đặt tiền đề cho triết học thời Trung cổ, đã viết: “Chúa đã tạo
ra chúng con cho chính Chúa và trái tim chúng con mãi khắc khoải cho đến khi chúng con được
nghỉ yên trong Chúa” (Confessions, i. 1). William L. Portier cho rằng ý chí kép của Blondel ắt
hẳn là một sự kế thừa tư tưởng “trái tim khắc khoải” này của thánh nhân: “Khát vọng của trái
tim là vô hạn, nhưng năng lực của nó có hạn.”82 Mang trong mình tính hữu hạn, con người có
chiều hướng liên tục tìm cách thỏa mãn bản thân với những mục đích giới hạn, nhưng rõ ràng
và chi tiết. Đồng thời, mang trong mình tính vô hạn, con người không thể “yên nghỉ” nơi các
nguyện vọng của những ý chí cô lập.83 Do đó, giữa thực tế và lý tưởng trong chúng ta, luôn tồn
tại sự căng thẳng giữa những gì chúng ta thực sự làm và những gì chúng ta mong muốn làm.84
Trước tình cảnh này, thay vì thái độ tiêu cực như “viễn kiến Sisyphus” hay “buồn nôn”, Blondel

76
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 132.
77
Ibid., 19.
78
Katherine Gilbert, Maurice Blondel’s Philosophy of Action (Chapel Hill, N.C: Department of Philosophy
University of North Carolina, 1924), 17.
79
Blondel, L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique, 19.
80
Gilbert, Maurice Blondel’s Philosophy of Action, 51 – 52.
81
Ibid., 16 – 17.
82
Portier, “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel,” 112.
83
Gilbert, Maurice Blondel’s Philosophy of Action, 26.
84
Ibid.
13
lại kết luận rằng, phân tích triết học cho thấy con người cần Thiên Chúa và đồng thời tự sức
mình, chúng ta không thể đạt tới Thiên Chúa.85

Phương pháp “nội tại tính” của Maurice Blondel: phương pháp triết học dẫn nội tại
tới siêu việt
Qua những suy tư về hành động của Blondel trong L’Action (1893), mối quan hệ phức
tạp giữa nội tại và siêu việt, mà ông trình bày, rõ ràng cần có một phương pháp thích hợp: nó
phải chứng minh được sự liên hệ giữa các hiện tượng nội tại với những gì được xét là siêu việt,
đồng thời không để bất kỳ mục đích hoàn toàn ngoại tại nào áp đặt vào.86 Nói cách khác, đó là
việc giải quyết vấn đề tự trị (autonome) và dị trị (hétéronomie). Ông cho rằng giải pháp hợp lý
phải cho thấy được “sự cần thiết của siêu nhiên trong mọi ước muốn.”87 Cách thức này đã được
sử dụng ngay trong luận văn, nhưng ba năm sau nó mới có một cái tên rõ ràng trong tác phẩm
Lettre88 của Blondel: phương pháp “nội tại tính” (méthode d’immanence).89

Trước tiên, nguyên tắc nội tại áp dụng khái niệm nội tại cho tất cả mọi thứ: nó tự đặt
mình như một quy luật đầu tiên cấu thành của tư duy và của tồn tại. Nói cách khác, không có
gì tồn tại trong trạng thái biệt lập: tất cả đều phụ thuộc vào nhau, bởi chính bản chất của nó.90

Tuy nhiên, đối với Blondel, nội tại không có nghĩa là đồng nhất tính (l’identité).91 Theo
ông, nội tại không chỉ là một phần của một hữu thể, mà còn là tất cả những gì từ bên ngoài
hướng vào, giống như “sự thỏa mãn của một nhu cầu bẩm sinh, sự đáp ứng được mong đợi hay
được tìm kiếm từ một tiếng gọi bên trong.”92 Như vậy, tính nội tại đồng nghĩa với sự kết nối
nội tại, không thể tách rời: vạn vật thống nhất như một chỉnh thể liên kết chặt chẽ với nhau, chứ
không phải như một cá thể duy nhất.93

Hơn nữa, sự liên kết đó, theo Blondel, rất năng động (dynamique) chứ không hề tĩnh tại
(statique): mọi thứ đều kêu gọi nhau cũng như đều hướng về nhau trong một tổng thể bằng các

85
Portier, “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel,” 112.
86
Sadler, “Maurice Blondel.”
87
Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, 29.
88
Nó có tên đầy đủ là Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d'apologétique et sur la
méthode de la philosophie dans l'étude du problème religieux (1896).
89
Brunschvicg trách Blondel rằng phương pháp trong L’Action (1893) không thừa nhận khái niệm về nội tại, nên
nó không đủ tính triết học. Vì thế, Blondel đã chứng minh một cách sắc sảo rằng phương pháp của ông trong
L'Action chính xác là triết học, bằng cách lấy chính cụm từ “nội tại” của Brunschvicg để trình bày phương pháp
nội tại tính của mình qua tác phẩm Lettre (1896). Cf. Peter ROŽIĆ, “Dire quelque chose qui compte: de la méthode
d’immanence de Blondel à la théologie fondamentale de Lubac”, Bogoslovska smotra 83 (2013), 755.
90
Hervé Gresland, “Maurice Blondel et sa méthode d’immanence, Un grand-père de Vatican II,” Le sel de la terre
57 (2006), 34
91
Joseph de Tonquédec, S.J., Immanence, Essai critique sur la doctrine de M. Maurice Blondel, (Paris:
Beauchesne, 1913), 11.
92
Ibid.
93
Gresland, “Maurice Blondel et sa méthode d’immanence, Un grand-père de Vatican II,” 35.
14
liên kết thiết yếu.94 Như thế, sự vật và ý tưởng chỉ có giá trị thông qua sự thống nhất tổng hợp
của chúng, vì đó là “cách chúng tái tạo và duy trì sự vận động của cuộc sống.”95 Cho nên, trong
nghiên cứu triết học, không được xem xét một cách cô lập chủ thể hay đối tượng: nếu chỉ coi
chúng như “các nguyên tử của tri thức hay bản thể” (des atomes de connaissance ou de
substance), thì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của chúng sẽ bị hiểu sai hoàn toàn.96 Quả thực,
“để có thể nói về điều nhỏ nhất một cách chính xác, tôi phải nhìn vào toàn thể vũ trụ.”97

Từ những suy tư như thế về nội tại, Blondel định nghĩa phương pháp nội tại tính như
sau:

“Phương pháp nội tại tính hệ tại ở điều gì nếu không phải là việc đánh đồng (mettre en
équation), trong bản thân ý thức, những gì chúng ta dường như nghĩ, muốn và làm với
những gì chúng ta thực sự làm, muốn và nghĩ: kiểu như trong những phủ định giả tạo
hoặc những mục đích được mong muốn cách giả tạo, luôn bắt gặp những khẳng định
sâu sắc và nhu cầu không thể kiềm chế có liên quan.”98
Như vậy, phương pháp này nghiên cứu về sự không cân xứng tồn tại trong mỗi người:
giữa những gì tôi nghĩ và muốn với những gì tôi thực sự nghĩ và muốn.99 Cách cụ thể, Blondel
thường áp dụng nó khi xét đến sự mất cân bằng giữa ý chí mong muốn và ý chí được mong
muốn, như vừa đề cập ở phần trên.

Phép biện chứng này không cho phép chúng ta dừng lại, vì con người đang ở trong một
tổng thể không cố định: nó vận động, thay đổi không ngừng trong một tiến trình trở thành
(devenir).100 Quả thế, nếu chỉ ở trong hành động của chính mình mà không sẵn sàng đón nhận
một hành động khác, con người không bao giờ có thể hoàn thiện bản thân. Theo nghĩa này,
phương pháp nội tại là việc tìm kiếm sự siêu việt hiện diện trong hành động.101

Đó chính mà mục đích mà Blondel hướng tới nơi phương pháp này. Nó cho thấy rằng
có một sự siêu việt hiện diện một cách bí ẩn trong bản chất của con người: hành động nội tại
đưa con người đến chỗ mà sự siêu việt rõ ràng được coi là bắt buộc đối với mọi người.102 Triết
lý về siêu nhiên này của ông đã mở ra một thế giới tự thể hiện trong con người (nội tại) cũng

94
Ibid.
95
Ibid.
96
Tonquédec, Immanence, Essai critique sur la doctrine de M. Maurice Blondel, 12 – 13.
97
Gresland, “Maurice Blondel et sa méthode d’immanence, Un grand-père de Vatican II,” 35.
98
Maurice Blondel, Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d'apologétique et sur la
méthode de la philosophie dans l'étude du problème religieux (Saint-Dizier: G. Saint-Aubin et Thevenot, 1896),
33.
99
ROŽIĆ, “Dire quelque chose qui compte: de la méthode d’immanence de Blondel à la théologie fondamentale
de Lubac”, 755.
100
Tonquédec, Immanence, Essai critique sur la doctrine de M. Maurice Blondel, 13.
101
ROŽIĆ, “Dire quelque chose qui compte: de la méthode d’immanence de Blondel à la théologie fondamentale
de Lubac”, 755.
102
Ibid., 755 – 756.
15
như ở trên con người (siêu việt, theo Blondel là “siêu hiện tượng” - “supraphénoménal”). Rốt
cuộc, phương pháp nội tại tính của Blondel dẫn đến một đòi hỏi tôn giáo để tiếp tục tìm kiếm
chân lý nơi số phận của con người.103

Vì lý do này, Blondel chưa bao giờ là một nguồn ảnh hưởng đáng kể đối với triết học,
mà sự thiếu vắng triết thuyết của ông nơi đa số các sách triết sử là một minh chứng. Mặt khác,
trong lĩnh vực thần học, nó cũng đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận. Như thế, trước những
nhận định và phản hồi về L’Action (1893), Blondel đã làm gì để chứng minh cho luận điểm của
mình? Và liệu rằng ông có thành công? Điều này sẽ được phân tích ngay sau đây.

Việc phản biện của Maurice Blondel trước những phản hồi và nhận định về L’Action
(1893): một cuộc chiến trên hai mặt trận
Nhìn chung, sau khi L’Action (1893) được bảo vệ thành công, hai bối cảnh được mở ra
cho tác giả của của nó: đó là các cuộc tranh luận thuần túy triết học, trong phạm vi hạn chế của
các chuyên viên; và các cuộc thảo luận về đạo đức và tôn giáo, trước công chúng, mang ảnh
hưởng rộng rãi nhưng cũng dấy lên nhiều tranh cãi, vì việc lạm dụng nó cho mục đích chính trị
- xã hội phức tạp thời bấy giờ.104

Về mặt triết học, người ta thường không muốn nhìn thấy ở đó một giới hạn của lý trí
bởi niềm tin. Về mặt thần học, người ta lại hay có nỗi sợ rằng đức tin sẽ bị lung lay bởi sự mở
rộng của lý trí. Do đó, tuy khác nhau về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà duy lý và các nhà thần
học đều đồng tình trong việc phủ nhận một nghiên cứu triết học về các câu hỏi do tôn giáo mặc
khải đặt ra.105 Cho nên, L’Action (1893) với nội dung như thế - một tác phẩm triết học đòi hỏi
một niềm tin tôn giáo để giải quyết vấn đề về số phận con người - đã bị đa số hiểu sai và là đối
tượng của những cuộc tấn công không phù hợp.

Để trả lời cùng một lúc cho các phản chứng của những người này cũng như cho những
hiểu lầm của nhóm người kia, Blondel đã công bố Lettre (1896), trong tạp chí Annales de
philosophie chrétienne. Với những người không tin, ông chứng minh tính hợp lệ trong triết lý
của mình. Còn với những người tin, mà cụ thể là người Công giáo, ông lần lượt trình bày sự
kém cỏi về mặt triết học nơi các phương pháp hộ giáo của họ.106

Cụ thể hơn, ông đặt lại một cách mạnh mẽ và rõ ràng chính vấn đề hành động, mà trọng
tâm là sự căng thẳng giữa “nội tại” của tư tưởng hiện đại và “siêu việt” của niềm tin Công giáo:

103
Ibid., 756.
104
Paul Archambault, Vers un réalisme intégral, L’oeuvre philosophique de Maurice Blondel (Paris: Librairie
Bloud et Gay, 1928), 59.
105
Jean Trouillard, “Blondel Maurice (1861-1949),” truy cập ngày 04-2-2023,
https://www.universalis.fr/encyclopedie/maurice-blondel/.
106
Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, 43 – 44.
16
vấn đề tự trị và dị trị. Như đã trình bày ở phần trên, giải pháp Blondel đưa ra là “học thuyết siêu
việt và phương pháp nội tại hàm ngụ lẫn nhau”: chính ý niệm nội tại chỉ được nhận thức qua sự
hiện diện của ý niệm siêu việt, trong hành động.107 Nhờ đó, mối quan hệ hỗ tương giữa triết
học và thần học thêm sâu sắc, mà sự độc lập giữa chúng vẫn toàn vẹn.108

Liền ngay sau L’Action (1893), trong khi triết lý của Blondel đưa ra tạo nên nhiều nghi
ngại trong giới chuyên gia tại Sorbonne,109 thì nó lại được tận dụng thành một loại “hộ giáo chủ
quan” của một số nhóm thuộc Công giáo.110 Tuy nhiên, nhờ sự soi sáng nơi Lettre (1896), các
chủ trương liên quan đến ông phần nào bị đảo ngược: giới đại học ngưỡng mộ và ca ngợi công
trình triết học của ông; còn nhiều nhà thần học lại buộc tội ông đã phủ nhận giá trị của sự thật
khi khiến nó phụ thuộc vào hành động, điều mà dường như họ đã không hiểu được.111

Vậy nên, Blondel đã luôn phải đấu tranh trên cả hai mặt trận để khiến mọi người thừa
nhận rằng lý trí không thể tự mình duy trì sự rõ ràng, nhưng nó cần tìm ra ý nghĩa từ những gì
được trải nghiệm qua hành động.112 Và dầu kết quả có ra sao đi nữa, ông vẫn quyết định chấm
dứt những cuộc tranh luận, ít nhất về phía ông, bằng cách làm sáng tỏ tư tưởng của ông hơn,
qua những trước tác còn lại trong sự nghiệp của ông.113

Qua những phản biện của Blondel, nhất là trong Lettre (1896), ông đã bước thêm một
bước dài trên con đường ông luôn nhắm tới: tạo ra một triết lý hành động như là nền tảng cho
một triết học thực thụ về tôn giáo.114 Liệu dự án này của ông, cho đến cùng, có thành công? Và
tại đó, ý nghĩa trọn vẹn của hành động đối với ông là gì?

107
Ibid., 45.
108
Ibid.
109
Archambault, Vers un réalisme intégral, L’oeuvre philosophique de Maurice Blondel, 60.
110
Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, 43.
111
Ibid., 47 – 48.
112
Trouillard, “Blondel Maurice (1861-1949).”
113
Quan trọng nhất trong số đó là bộ sách bốn cuốn: La Pensée (1934) (2 tập), L’Être et les êtres (1935) (1 tập), La
nouvelle Action (1936 - 1937) (2 tập) và La Philosophie et l’Esprit Chrétien (1944 – 1946) (2 tập). Cf. Thonnard,
Précis d’histoire de la philosophie, 1140.
114
Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy, 45.
17
Chương 3: Triết lý hành động – Cái nhìn trọn vẹn hơn của Maurice Blondel về hành động
Như vừa đề cập, sau khi trải qua bốn mươi năm suy ngẫm và chuẩn bị, cuối cùng
Maurice Blondel cũng đã xuất bản bộ bốn trước tác của mình, bắt đầu từ năm 1934.115 Có khá
nhiều ý kiến trái chiều về những tác phẩm này.116 Một số người coi chúng như một sự thể hiện
luồng suy tư thứ hai nhằm “truyền thống hóa” bản L'Action gốc, vì áp lực từ những sự phê bình.
Nhưng một số khác lại cho rằng chúng đại diện cho suy tư trưởng thành của nhà triết học: sự
nhấn mạnh vào các chủ đề bản thể học và siêu hình học cho thấy rằng thật sai lầm khi mô tả
ông như một người hộ giáo. Điểm đáng lưu ý là, tuy bộ bốn rõ ràng đã thể hiện những suy ngẫm
chín muồi của Blondel, nhưng nó vẫn duy trì được định hướng ban đầu về triết học của ông:
phát triển một triết lý tự trị đồng thời mở ra cho Kitô giáo.117 Vậy triết lý đó cụ thể là gì?

Triết lý hành động hay ý tưởng về hành động?


Blondel nhiều lần nói rằng mình không thích đơn thuần bị gọi là “nhà triết học hành
động”, nhất là khi “hành động bị coi là đối lập với tư tưởng và triết lý hành động là phản trí
thức.”118 Quả thế, ý định của ông ngay từ đầu là trả lại vị thế cho lĩnh vực hành động trong triết
học: đặc biệt là khía cạnh trí tuệ của hành động.119

Trong cuốn từ điển của Lalande, đã được đề cập ở đầu chương 1, thuật ngữ hành động
được trình bày rất chi tiết, theo nhiều xu hướng triết học. Nhưng điểm ấn tượng là quá nửa
những định nghĩa và phân tích về thuật ngữ này thuộc về chính Blondel: nó cho thấy vị thế của
ông về vấn đề hành động là rất đáng coi trọng. Lalande có ghi chú rằng những tri thức đó đã
được ông trao đổi với Blondel qua thư từ như bằng chứng xác thực.120

Trong bức thư gửi cho Lalande, Blondel đã định nghĩa triết lý hành động của mình, tập
trung vào hai mục đích, trong cùng một tinh thần, như sau.121

Thứ nhất: “Nghiên cứu những tương quan của tư tưởng với hành động nhằm thiết lập
sự phê bình về cuộc sống và khoa học thực hành, trong ý hướng phân xử mối tranh chấp
giữa thuyết duy trí và chủ nghĩa thực dụng, nhờ vào ‘triết học hành động’ vốn bao hàm
cả ‘triết học ý tưởng’ chứ không loại trừ hay bị giới hạn nơi cái sau.”122

115
Đa số những người viết về Blondel đều nhắc đến bộ ba (La Pensée; L’Être et les êtres; La nouvelle Action) rồi
mới thêm La Philosophie et l’Esprit Chrétien. Nhưng Jean Lacroix đã đưa ra hai dẫn chứng thuyết phục, cho thấy
rằng phải nói đến bộ bốn (tétralogie) mới chính xác. Cf. Lacroix, Maurice Blondel, An Introduction to the Man
and His Philosophy, 49 – 50.
116
Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, vol. IX, Modern Philosophy: From the French Revolution
to Sartre, Camus, and Lévi-Straus (New York: Doubleday, 1994), 233.
117
Ibid., 233.
118
Blondel, Action, Essay on a Critique of Life and a Science of Practice, xii.
119
Ibid.
120
Lalande, Vocabulaire technique et critique de la philosophie, 23.
121
Ibid.
122
Ibid.
18
Với khuynh hướng nhận thức luận chịu ảnh hưởng từ Socrates cho đến Descartes và
nhất là nơi Kant, triết học hiện đại một cách tự nhiên hướng về tâm trí và suy nghĩ: lý trí trở
thành trọng tài của tư tưởng và sự phê bình của lý trí dường như là tiêu chuẩn duy nhất.123 Trong
môi trường như vậy, đối tượng thích hợp để nghiên cứu là một ý tưởng (idea), chứ không phải
là những hành động phù du (ephemeral) nào đó.124 Cho nên, nghiên cứu hành động trong cuộc
sống cụ thể và đa dạng của Blondel chỉ đáng là một trò cười hoặc có thể là một cuộc cách mạng
đích thực. Như thế, điều ông phải chứng minh là tồn tại một triết lý hành động chứ không phải
chỉ có một ý tưởng về hành động.125

Quả thực, ý tưởng về hành động sẽ là gì nếu bản thân nó không phải là một hành động
và hành động sẽ là gì nếu nó không thể hiểu được? Nếu một người đề cập đến một sự vật, thì
chẳng lẽ người ấy chỉ đang lý luận về khái niệm chung của nó, mà không trình bày và nhận xét
sự thật cụ thể về nó hay sao? Do đó, Blondel viện dẫn định luật của Leibniz về sự đồng nhất để
chứng minh rằng sự phân chia giữa hành động và ý tưởng về hành động là sai lầm: “nếu hai sự
vật được gộp lại dưới một danh tính (identity) duy nhất, thì chúng không phải là hai sự vật, mà
là một, vì chúng không thể phân biệt được.”126 Tuy nhiên, không dễ để thừa nhận phương trình
đơn giản này trong một thế giới triết học hậu Descartes: nơi mà “một sự vật tồn tại có thể được
trình bày và nghiên cứu một cách chính xác như một khái niệm,” tức là “ý tưởng và tâm trí luôn
được ưu tiên hơn cơ thể và vật chất.”127

Blondel nhận ra rằng nếu cứ ở yên trong xu hướng này, hành động sẽ mất đi mọi cơ sở
về tính ưu tiên bản thể học của nó. Do đó, để cho thấy hành động không thể hiểu được bằng
kiến thức tiên nghiệm, ông nhấn mạnh rằng nó sở hữu logic tồn tại riêng: “hành động của con
người có một phạm vi bản thể học cơ bản, một mục tiêu tinh thần, một giá trị và trách nhiệm
tôn giáo cơ bản.”128

Với Blondel, “các hành động không thể bị quy giản thành các phạm trù hữu lý về ý
định, hiệu suất hay hiệu quả.”129 Ông cho rằng, nơi hành động, sự khác biệt đi trước sự đồng
nhất: “Đặc tính duy nhất, không thể lặp lại của hành động có trước việc xác định, phân loại và

123
Maurice Blondel, L’Action, Tome II, L’action humaine et les conditions de son aboutissement (Paris: Libraire
Félix Alcan, 1937), 533 – 534.
124
Adam C. English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy (New York: Routledge, 2007), 100.
125
Blondel, L’Action, Tome I, 14.
126
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 101.
127
Ibid.
128
Blondel, L’Action, Tome II, 534.
129
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 102.
19
kết nối với các hành động hay mẫu hành động khác.”130 Như vậy, bằng cách đề cao tính đa
dạng và khác biệt của các hành động, Blondel có thể ngăn cản việc quy giản nó thành “kết quả
được xác định trước của một chuỗi nguyên nhân” hay “bộ máy đơn thuần của sự quan
phòng.”131 Cho nên, theo ông, không thể rút gọn hay lờ đi “sự vững chắc bản thể học của hành
động con người.”132

“Không chỉ với tư cách là một hiện tượng học,” hành động còn phải là “một thực tại
chứa đựng một khuôn khổ có thể hiểu được và một sự nhất quán vĩnh viễn.”133 Trong L’Action
I (1936), qua việc phân tích “ba loại hành động” – từ loại hành động cơ bản của con người
(ποιεῖν), tới hình thức hành động được nhân bản hóa hơn (πράττειν), rồi đến hành động chiêm
nghiệm (θεωρεῖν), Blondel cố gắng trình bày “bản thể tính” và “sự vững chắc lâu bền”
(permanent consistency) của hành động.134 Một khi các hành động được thấm nhuần ý nghĩa
bản thể học và không còn được coi là “sự đến và đi không ngừng của các hình ảnh”, thì câu hỏi
hiện tượng học trở thành câu hỏi bản thể học: “câu hỏi vĩnh cửu” không còn là ai hay cái gì đã
làm điều gì đó, mà là ai hay cái gì làm cho hành động của chúng ta trở thành hiện thực.135

Ai cũng mang trong mình một khao khát thấu hiểu những gì liên quan đến sự tồn tại của
chính mình: nguồn gốc, ý nghĩa, và cùng đích của cuộc sống. Đó là “những câu hỏi cơ bản bao
trùm cuộc sống con người.”136 Đối với Blondel, bất kỳ nỗ lực nào nhằm “trốn tránh” chúng đều
chứng tỏ là “bất khả thi về mặt đạo đức và siêu hình.”137 Vậy nên, theo ông, việc tìm kiếm cội
nguồn của những mong muốn trên, giữa một thế giới dường như đang trốn tránh nó, là sứ mạng
của những người hướng về Đấng Siêu việt (Transcendent).138

Tiếp nối ý hướng đó, Blondel đưa ra định nghĩa còn lại về triết lý hành động như sau:

“Nghiên cứu những tương quan giữa khoa học với niềm tin và giữa triết học có tính
độc lập (tự trị) cao nhất với tôn giáo mang tính tích cực nhất, nhằm tránh khỏi chủ nghĩa
duy lý cũng như chủ thuyết duy tín, trong ý hướng phục hồi những danh giá nội tại của
tôn giáo trước sự quan tâm của mọi trí tuệ, nhờ một sự thẩm tra hợp lý.”139

130
Ibid., 103.
131
Ibid., 102.
132
Blondel, L’Action, Tome II, 305.
133
Blondel, L’Action, Tome I, 115.
134
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 103.
135
Ibid.
136
Jean Paul II, “Lettre Encyclique Fides et Ratio,” truy cập ngày 04-2-2023, https://www.vatican.va/content/john-
paul-ii/fr/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_14091998_fides-et-ratio.html, §4.
137
Blondel, L’Action, Tome I, 112 – 114.
138
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 103.
139
Lalande, Vocabulaire technique et critique de la philosophie, 23.
20
Khi nhìn lại triết học hiện đại, Blondel thấy một số hệ thống “kiên quyết loại trừ Đấng
Siêu việt”, trong khi một số khác “cố gắng chiếm lấy Đấng Siêu việt như một cơn bão” để chỉ
tạo nên một thứ thần tượng.140 Do đó, như đã đề cập ở chương trước, Blondel đã sử dụng phương
pháp nội tại tính để giải quyết điều thuộc về số phận con người, trong đó tỏ lộ “điều cần thiết
duy nhất” là Thiên Chúa. Nhưng liệu điều này có gây ấn tượng rằng phương pháp ông đưa ra
nhằm mục đích dẫn đến Thiên Chúa của riêng các Kitô hữu?

Theo quan điểm của ông, phương pháp nội tại, như được xây dựng trong triết lý hành
động, “mở mang tâm trí và ý chí của con người đến với Đấng Siêu việt”, đồng thời vẫn “chừa
chỗ cho sự tự mặc khải của Ngài.”141 Như thế, triết học mà ông nhắm tới phải dẫn con người
đến chỗ mở ra cho sự tự mặc khải của chính Thiên Chúa cũng như cho các hành động thiêng
liêng, chứ không nhằm chứng minh các học thuyết Kitô giáo là chân thực.142

Đó cũng là điều ông kỳ vọng nơi ngành triết học. Tuy rằng “triết học không thể trực tiếp
chứng minh hay làm cho chúng ta bắt gặp được siêu nhiên,” nhưng nó có thể tiến hành một
cách gián tiếp: loại bỏ các giải pháp không hoàn chỉnh cho vấn đề số phận con người, cũng như
cho thấy “những gì chúng ta chắc chắn có và những gì cần thiết mà chúng ta còn thiếu.”143 Nói
cách khác, triết học có thể chỉ ra sự thiếu sót của trật tự tự nhiên, trong việc cung cấp mục tiêu
định hướng năng động của tinh thần con người. Đồng thời, nó có thể tự phê bình để nhận ra sự
kém cỏi của nó, trong việc cung cấp cho con người niềm hạnh phúc mà con người khao khát.144
Do đó, triết học cần hướng ra khỏi chính nó.

Tóm lại, triết lý hành động, không chỉ bao hàm ý tưởng về hành động, mà còn xây dựng
được một nền tảng bản thể học vững chắc; đồng thời nó có thể phát triển phương pháp dẫn con
người tới Đấng Siêu việt, trong khi vẫn đảm bảo tính tự trị. Qua đó cho thấy triết lý hành động
của Blondel thực sự là nền tảng cho một triết học tôn giáo.

Trong thực tế, ai cũng thấy có một triết lý nghệ thuật phản ánh cách tiếp cận của các
nghệ sĩ, tuy rằng không tự tạo ra hay suy diễn cái đẹp. Vậy, liệu có tồn tại một triết học tôn
giáo, không dựa trên các hệ thống có sẵn, nhưng được nghiên cứu từ một quan điểm chính thức
về các tôn giáo được thực hành trên thế giới, đặc biệt là Kitô giáo?145

140
Copleston, A History of Philosophy, 232.
141
Ibid.
142
Ibid.
143
Maurice Blondel, Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d'apologétique et sur la
méthode de la philosophie dans l'étude du problème religieux (Saint-Dizier: G. Saint-Aubin et Thevenot, 1896),
85.
144
Copleston, A History of Philosophy, 232.
145
Trouillard, “Blondel Maurice (1861-1949).”
21
Có tồn tại một triết học Kitô giáo?
Để có thể trả lời câu hỏi này cách khác quan, cần phải xét trên cả hai lãnh vực liên quan
trong nội tại của nó: tôn giáo, mà cụ thể là Kitô giáo, và triết học. Trước tiên, về phía Kitô giáo,
đặc biệt là Công giáo, “triết học Kitô giáo” là gì? Câu trả lời rõ ràng và ngắn gọn nhất có thể
được tìm thấy nơi Thông điệp Fides et Ratio (1998) của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II:146 “Triết học Kitô giáo không phải là “triết học chính thức của Giáo Hội, vì đức tin không
phải là một triết lý như vậy,” nhưng nó muốn chỉ ra “một cách tiếp cận triết học mang tính Kitô
giáo, một suy đoán triết học được hình thành trong sự kết hợp chặt chẽ với đức tin.”147

Triết học Kitô giáo mang đến hai ý nghĩa mới cho triết học. Thứ nhất, những cam kết
về đức tin Kitô tạo ra một hình dạng nhất định cho lập luận của triết gia: phong cách và phương
pháp tiếp cận các câu hỏi triết học khác với những người không có chung niềm tin.148 Nói một
cách mạnh mẽ hơn, “đức tin thanh tẩy lý trí” bằng cách đòi hỏi nó phải nói một cách khiêm tốn,
trung thực, và nhân hậu.149

Thứ hai, những mối quan tâm cụ thể của truyền thống Kitô giáo ảnh hưởng đến lợi ích
và tầm quan trọng của những dự án triết học. Chẳng hạn, ý tưởng về “sự thực hữu của Thiên
Chúa ngôi vị, tự do và tạo thành” đã góp phần vào triết học về hữu thể; thực tế và hậu quả của
tội lỗi đã giúp hình thành vấn đề về sự dữ; và “quan niệm ngôi vị như một hữu thể thiêng liêng”
đã hỗ trợ cho việc nhìn nhận phẩm giá của con người.150

Do đó, triết học Kitô giáo đã đưa ra một phong cách và nội dung đặc biệt: “Sự sáng tạo,
sự cứu rỗi và cánh chung phối hợp cuộc điều tra triết học về ý nghĩa và sự tồn tại.”151 Nói cách
khác, mặc khải đã đưa vào lịch sử thế giới “một số chân lý mà lý trí không bao giờ có thể khám
phá ra được.”152 Tuy nhiên, việc nghiên cứu những sự thật này không khiến một người trở thành
nhà thần học: triết gia vẫn tiếp tục hoạt động thông qua một “phương pháp thuần lý trí”, nhưng
“mở rộng những khám phá của mình đến những lãnh vực mới của chân lý.”153

146
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thần học năm 1946 và bảo vệ thành
công luận án tiến sĩ triết học: “Hiện tượng luận của Max Scheler” (1953), chuyên về khía cạnh đạo đức của Max
Scheler. Điều này là minh chứng cho giá trị tri thức của Thông điệp Fides et Ratio (1998). Cf. Dicastery for
Communication, “Biographical Profile John Paul II (1920-2005),” truy cập ngày 04-2-2023,
https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/biografia/documents/hf_jp-ii_spe_20190722_biografia.html.
147
Jean Paul II, “Lettre Encyclique Fides et Ratio,” §76.
148
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 2.
149
Jean Paul II, “Lettre Encyclique Fides et Ratio,” §76.
150
Ibid.
151
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 2.
152
Jean Paul II, “Lettre Encyclique Fides et Ratio,” §76.
153
Ibid.
22
Còn về phía triết học thì sao? Những nhà triết học có chủ trương gì về triết học Kitô
giáo? Đương nhiên việc này nên được xem xét kể từ khi Kitô giáo ra đời thì hợp lý hơn. Từ thế
kỷ I cho đến thời Trung cổ, đa số các triết gia đều xem triết học Kitô giáo chỉ là “nữ tỳ của thần
học” (ancilla theologiae) hoặc là chính Kitô giáo, tức là không phải một chuyên ngành trí thức
độc lập. Còn từ sau thế kỷ XIV, tư tưởng hiện đại lại xa lạ dần với một triết học liên quan đến
Kitô giáo chuẩn mực. Do đó, chỉ có một số ít các triết lý của Descartes, Malebranche hay
Leibniz chứa đựng những luận điểm cơ bản của Kitô giáo, nhưng chúng lại không đáp ứng đến
cùng, liên tục và nhất quán, những đòi hỏi mang tính triết học của Kitô giáo.154 Phần còn lại
của tư tưởng hiện đại là các xu hướng được định hình bởi các triết học phi Kitô giáo hoặc về cơ
bản là chống Kitô giáo:155 đa số cho rằng triết học Kitô giáo chỉ có thể được sử dụng như một
công cụ mô tả lịch sử, chứ không phải là một lập trường trí tuệ khả thi.156

Maurice Blondel đưa ra lập luận ngược lại: một triết học Kitô giáo xuyên suốt chưa bao
giờ tồn tại trong lịch sử, nhưng về cơ bản nó là có thể.157 Bằng chứng là từ những chứng minh
ở phần trước, triết lý hành động của Blondel đã cho thấy sự hiện diện của ý niệm Kitô giáo bên
trong triết học, với tư cách là một đối tượng nghiên cứu, để tạo cơ hội cho triết học khám phá
những gì có thể đạt được bằng lý trí của con người mà không có bất kỳ sự phụ thuộc đặc biệt
nào vào ân sủng.158 Nói cách khác, triết học học được cách từ bỏ “sự tự mãn” (self-sufficiency)
của tư biện và sức mạnh của con người tự nhiên, để nhận ra sự cần thiết của hành động và của
một tôn giáo có tính siêu nhiên thực sự.159 Như vậy, sự hiện diện của ý niệm Kitô giáo trong
triết học đã tạo nên một bước tiến cơ bản và cần thiết cho triết học, mà không đánh mất quyền
tự trị của nó.

Tóm lại, qua triết lý hành động, Blondel đã chứng minh được sự tồn tại của triết học
Kitô giáo. Mục đích của nó không phải là một tượng đài đáng tự hào về “sự thật”, như một đối
tượng sở hữu, nhưng là một hy vọng khiêm tốn được tham gia vào chân lý – tri thức tìm kiếm
đức tin (intellectum quaerens fidem), đồng thời đức tin tìm kiếm sự hiểu biết (fides quaerens
intellectum).160 Trong đó, sự khiêm tốn về giới hạn hiểu biết của con người và sự trung thực về
thế giới là những đòi hỏi căn bản để có thể nói về sự thật.161 Và như thế, đó cũng là mục đích

154
Claude Tresmontant, Introduction à la métaphysique de Maurice Blondel (Paris: Seuil, 1963), 9.
155
Ibid.
156
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 28.
157
Ibid.
158
James Le Grys, S.J., “The Christianization of Modern Philosophy according to Maurice Blondel,” Theological
Studies 54 (1993), 482.
159
Grys, “The Christianization of Modern Philosophy according to Maurice Blondel,” 481.
160
English, The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and
philosophy, 2.
161
Ibid.
23
của triết lý hành động, cùng là ý nghĩa trọn vẹn hơn của hành động: một sự trợ giúp cho hành
trình của con người trên hành trình hướng về chân lý. Đây chẳng phải cũng là mục đích vĩnh
cửu của triết học hay sao?
24
Kết luận
Trong dòng lịch sử triết học Tây phương, sự thiên lệch trong quan niệm về tri thức từ
truyền thống Hy Lạp cho đến tư tưởng hiện đại đã tạo nên một sự “lãng quên” đáng tiếc về vấn
đề hành động. Chỉ đến khi các triết gia đương đại nhận ra rằng triết học đích thực chỉ được tìm
thấy trong sự kết hợp cách quân bình giữa hai quan niệm trên, vấn đề hành động mới được “tái
suy tư”, đặc biệt nơi tác phẩm L’Action (1893) của Maurice Blondel: “luận thuyết của một triết
gia về điều vượt quá triết học.”162

Ông đã trình bày một loại “siêu hình học về nhận thức” hoàn toàn mới: khởi đầu với dữ
kiện nguyên thủy là hành động, một trong những vấn đề tiềm năng mà kiến thức tiên nghiệm
loại bỏ.163 Với tư cách là một thử nghiệm căn bản nhất liên quan đến số phận con người, hành
động là thành phần không thể thiếu cho việc hình thành hữu thể, đồng thời là một địa điểm cho
tự nhiên, con người và thần thánh gặp gỡ. Qua phép biện chứng của ý chí mà kết quả là hành
động, số phận con người thực sự phụ thuộc vào nó. Như vậy, là đối tượng cho quá trình tìm
hiểu vấn đề vận mệnh cuối cùng của con người, hành động đáng giá cho triết học nghiên cứu.

Phương pháp nội tại tính được Blondel xem là phù hợp cho vấn đề trên: nó có thể chứng
minh sự liên hệ giữa các hiện tượng nội tại với những gì được xét là siêu việt, mà không hề gây
ra vấn đề dị trị. Công việc của nó là nghiên cứu về việc mất cân đối trong con người: giữa những
gì tôi nghĩ và muốn với những gì tôi thực sự nghĩ và muốn. Qua đó, nó dẫn đến một đòi hỏi tôn
giáo để tìm câu trả lời cho số phận con người: phép biện chứng này không cho phép chúng ta
dừng lại, nhưng luôn bước tới trong một tiến trình trở thành, để tìm kiếm sự siêu việt hiện diện
trong hành động.

Chính vì lý do này Blondel đã luôn phải đấu tranh trên cả hai mặt trận, cách cụ thể qua
Lettre (1896), để chứng minh rằng lý trí không thể tự mình duy trì sự rõ ràng, nhưng nó cần tìm
ra ý nghĩa từ những gì được trải nghiệm qua hành động. Để rồi sau bốn mươi năm đằng đẵng,
ông tạo nên một triết lý hành động như là nền tảng cho một triết học thực thụ về tôn giáo.

Đó là một triết lý cho thấy “sự vững chắc bản thể học của hành động con người”; đồng
thời trình bày phương pháp dẫn con người tới Đấng Siêu việt, trong khi vẫn đảm bảo tính tự trị.
Nó còn là một minh chứng cho sự tồn tại của triết học Kitô giáo: không nhằm sở hữu sự thật,
nhưng khiêm tốn hy vọng được tham gia vào chân lý. Trong đó, điều cần thiết là phải nhận ra
giới hạn hiểu biết của con người và sự trung thực về thế giới. Đó cũng là ưu tư trong suốt sự
nghiệp của Blondel: tìm ra một sự trợ giúp cho hành trình của con người trên con đường hướng

162
Portier, “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel,” 133.
163
JHirschberger, Lịch sử Triết học, 678.
25
về chân lý, qua quan niệm hành động như là một giai đoạn bắt buộc để đạt tới chân lý trọn
vẹn.164

“Tòa nhà triết học cần nền tảng của tư duy, của ý thức, của mọi thứ tạo nên một ngôi
nhà hài hòa giữa con người và tinh thần.”165 Nếu nó không có cửa sổ hoặc lỗ thông hơi lên bầu
trời, thì nó chỉ là một “đài tưởng niệm” hay một “ngôi mộ” chứa đầy bóng tối. Thay vào đó,
theo Blondel, nó phải tương tự như đền Pantheon ở Rôma, do Agrippa thiết kế: thay vì một viên
đá đỉnh vòm, một vòng tròn bằng đá sẽ để lại một tầm nhìn rộng mở hướng ra bầu trời vô tận
cùng ánh sáng tràn ngập bên trong.166 Đối với hành động của con người cũng vậy:

“Trong việc xây dựng vận mệnh của chúng ta, sự sáng tỏ đến với chúng ta từ bên dưới
nhờ sự phản chiếu của các tia sáng từ bên trên, nhờ sự kết hợp giữa các hành động trong
cuộc sống trần thế của chúng ta và ánh sáng siêu việt.”167

164
Phan Văn Chức, F.S.C., Những trào lưu triết hiện đại (Saigon: LASAN Ấn Quán, 1973), 41.
165
Blondel, “Philosophie de l’action,” 10.
166
Ibid.
167
Ibid.
26
Tài liệu tham khảo

Những tác phẩm của Maurice Blondel

Action, Essay on a Critique of Life and a Science of Practice. Translated by Olivia Blanchette.
Indiana: University of Notre Dame Press, 1984.

L’Action, Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique. Paris: P.U.F., 1993.

L’Action, Tome I, Le problème des causes secondes et le pur agir. Paris: Libraire Félix Alcan,
1936.

L’Action, Tome II, L’action humaine et les conditions de son aboutissement. Paris: Libraire
Félix Alcan, 1937.

Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d'apologétique et sur la


méthode de la philosophie dans l'étude du problème religieux. Saint-Dizier: G. Saint-
Aubin et Thevenot, 1896.

L’Itinéraire philosophique de Maurice Blondel: Propos recueillis par Frédéric Lefèvre. Paris:
Éd. Spes, 1928.

“Philosophie de l’action.” Les Études philosophiques 1 (1946): 1-12.

Những tài liệu nghiên cứu về Maurice Blondel

Archambault, Paul. Vers un réalisme intégral, L’oeuvre philosophique de Maurice Blondel.


Paris: Librairie Bloud et Gay, 1928.

Blanchette, Oliva. “Why we need Maurice Blondel.” Communio 38 (2011): 138-167.

English, Adam C. The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection
of theology and philosophy. New York: Routledge, 2007.

Gilbert, Katherine. Maurice Blondel’s Philosophy of Action. Chapel Hill, NC: Department of
Philosophy, University of North Carolina, 1924.

_______________. “Maurice Blondel’s Philosophy of Action.” The Philosophical Review 33


(1924): 273-285.
27
Gresland, Hervé. “Maurice Blondel et sa méthode d’immanence, Un grand-père de Vatican II.”
Le sel de la terre 57 (2006): 30-77.

Grys, James Le, S.J. “The Christianization of Modern Philosophy according to Maurice
Blondel.” Theological Studies 54 (1993): 455 – 484.

Lacroix, Jean. Maurice Blondel, An Introduction to the Man and His Philosophy. Translated by
John C. Guinness. Oregon: Wipf and Stock Publishers, 2002.

___________. Maurice Blondel: sa vie, son oeuvre, avec un exposé de sa philosophie. Paris:
P.U.F., 1963. Truy cập ngày 04-2-2023, https://tinyurl.com/29gluebd.

Portier, William L. “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel.”


Communio 38 (2011): 103-137.

ROŽIĆ, Peter. “Dire quelque chose qui compte: de la méthode d’immanence de Blondel à la
théologie fondamentale de Lubac.” Bogoslovska smotra 83 (2013): 743 –762.

Sadler, Gregory. “Maurice Blondel.” Truy cập ngày 04-2-2023, https://iep.utm.edu/maurice-


blondel/.

Tonquédec, Joseph de, S.J. Immanence, Essai critique sur la doctrine de M. Maurice Blondel.
Paris: Beauchesne, 1913

Tresmontant, Claude. Introduction à la métaphysique de Maurice Blondel. Paris: Éd.


Seuil, 1963.

Trouillard, Jean. “Blondel Maurice (1861-1949).” Truy cập ngày 04-2-2023,


https://www.universalis.fr/encyclopedie/maurice-blondel/.

Université catholique de Louvain. “Maurice Blondel (1861-1949).” Truy cập ngày 04-2-2023,
https://uclouvain.be/fr/instituts-recherche/isp/alpha/maurice-blondel.html.

Các tài liệu khác

Bréhier, Émile. Histoire de La Philosophie. Tome II, La philosophie moderne. Paris: Librairie
Félix Alcan, 1932.

____________. Les thèmes actuels de la philosophie. Paris: P.U.F., 1951.


28
Copleston, Frederick, S.J. A History of Philosophy. Vol. IX, Modern Philosophy: From the
French Revolution to Sartre, Camus, and Lévi-Straus. New York: Doubleday, 1994.

Dicastery for Communication. “Biographical Profile John Paul II (1920-2005).” Truy cập ngày
04-2-2023, https://www.vatican.va/content/john-paul-
ii/en/biografia/documents/hf_jp-ii_spe_20190722_biografia.html.

Hirschberger, Johannes. Lịch sử Triết học. Tập II, Triết học Trung Cổ và Trung Đại. Bùi Văn
Nam Sơn chủ trương và hiệu đính. Hà Nội: NXB. Tri Thức, 2020.

Jean Paul II. “Lettre Encyclique Fides et Ratio.” Truy cập ngày 04-2-2023,
https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/fr/encyclicals/documents/hf_jp-
ii_enc_14091998_fides-et-ratio.html.

Lalande, André. Vocabulaire technique et critique de la philosophie. Volume 1, A – M. Paris:


P.U.F., 1997.

Phan Văn Chức, F.S.C. Những trào lưu triết hiện đại. Saigon: LASAN Ấn Quán, 1973.

Thonnard, F. – J., A.A., Précis d’histoire de la philosophie. Paris: Desclée & Cie, 1966.

You might also like