You are on page 1of 79

Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Chương 5. BẢO VỆ CÁC MÁY PHÁT ĐIỆN

V.1. Từ trường quay và quan hệ giữa rotor và stator trong máy phát điện
Cấu trúc nguyên lý chung của máy phát điện (MFĐ) có dạng như sau:

Hình 5.1.

Cuộn kích từ được cung cấp dòng điện một chiều sẽ hoạt động như một nam
châm điện và sinh ra từ trường quanh nam châm điện này. Do rotor được quay bởi
tua bin nên từ trường do nam châm tạo ra cũng đang quay trong không gian với tốc
độ bằng tốc độ đồng bộ (Ở chế độ định mức).
Sau đây sẽ xem xét cơ chế tạo ra từ trường quay ở các stator của các máy điện
xoay chiều 3 pha. Chiều của từ trường trong cuộn dây có dòng điện chạy qua xác
định theo qui tắc bàn tay phải:

Hình 5.2.

Như vậy chiều từ trường trong cuộn dây luôn vuông góc với mặt phẳng cuộn

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 202
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

dây, đồng thời đổi dấu và thay đổi độ lớn tùy theo chiều và độ lớn dòng điện. Do ba
cuộn dây stator được đặt lệch nhau 120 0 trong không gian nên trục từ trường của 3
cuộn dây cũng sẽ lệch nhau 1200 trong không gian.

ΦA(t)
A
B
C Trục từ trường của
cuộn dây pha A (tương
tự với các 2 pha còn
C lại)
B
A

Hình 5.3.

Dòng điện 3 pha chạy trong các cuộn dây pha sinh ra từ trường tương ứng
ΦA(t); ΦB(t); ΦC(t) với trục theo phương vuông góc với các cuộn dây. Do dòng điện
là xoay chiều nên các từ thông này cũng là đại lượng xoay chiều biến đổi theo thời
gian.
Xét từ trường tổng của các cuộn dây stator tại các thời điểm t 1, t2 (Với t1, t2 là
các thời điểm bất kỳ):
Φ(t1) = ΦA(t1) + ΦB(t1) + ΦC(t1)
Φ(t2) = ΦA(t2) + ΦB(t2) + ΦC(t2)

(+) (+)

(-) (-) (-) (-)

t1
t1 t2

Φ(t1) t2 Φ(t2)
t1 t2
(+) (+) (+) (+)

(-) (-)

Hình 5.4.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 203
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Nhìn vào vị trí từ trường tổng 3 pha tại các thời điểm t 1 & t2 thấy rằng độ lớn
của từ trường này không đổi nhưng vị trí đang xoay góc dần theo thời gian, như vậy
từ trường tổng trở thành từ trường quay trong không gian. Có thể đổi chiều quay
của từ trường quay này bằng cách đổi thứ tự pha dòng điện.

Φ(t1) Φ(t1)

Φ(t2) Φ(t2)

Hình 5.5. Từ trường quay (a) và mô hình tương đương (b)

Để đơn giản cho các phân tích tiếp theo, hoàn toàn có thể coi từ trường quay
của stator này do một nam châm tương ứng đang quay trong không gian tạo ra, nam
châm này tạm gọi là nam châm stator. Khi đó tương tác giữa stator va rotor trở
thành tương tác của 2 nam châm: Nam châm stator quay trong không gian với tốc
độ đồng bộ ωđb vì phụ thuộc tần số của hệ thống & nam châm rotor quay với tốc độ
của tuabin ωtb (Giả thiết 1 cặp cực).

Góc δ giữa trục từ trường


quay roto và stato
δ (góc tải hay góc vận hành
của máy phát)
N

Nam châm
stato
S

Nam châm
roto

Hình 5.6.

Ở chế độ vận hành ổn định bình thường, tốc độ quay ωđb = ωtb máy phát làm
việc ở chế độ đồng bộ. Ở giai đoạn quá độ khi có các kích động (Cắt tải, tăng tải)

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 204
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

tốc độ này có thể khác nhau (ωđb # ωtb), các khâu điều khiển có nhiệm vụ nhanh
chóng lập lại chế độ xác lập để hai tốc độ này bằng nhau, duy trì sự làm việc ổn
định của máy phát với hệ thống.
Góc lệch giữa từ trường quay của rotor và stator phụ thuộc phần lớn vào tải
của máy phát điện nên còn có tên gọi là góc tải (Load angle) hay góc vận hành của
máy phát (So với hệ thống).
Lực tương tác giữa các từ trường
Lực tương tác giữa các từ trường (Rotor & stator) là lựa giữa trục tuabin-rotor
và hệ thống điện, lực này có nhiệm vụ truyền tải năng lượng cơ từ trục tuabin thành
năng lượng điện tới hệ thống.
+ Khi trục của hai từ trường quay trùng nhau hay góc lệch δ = 0 & tốc độ quay
đồng bộ: Không có bất cứ lực “Kéo, đẩy” nào giữa hai nam châm này do đó máy
phát điện ở trạng thái không phát công suất (P = 0). Lúc này các van năng lượng chỉ
mở vừa đủ để tuabin có đủ công suất bù cho tổn hao do ma sát, do cản gió của các
hệ quay để rotor quay ở tốc độ bằng đồng bộ.

δ=0
P=0
N S
N
S

Hình 5.7.

+ Nếu van năng lượng mở thêm thì rotor sẽ bắt đầu tăng tốc, khi đó từ trường
quay rotor vượt trước từ trường quay của stator, góc δ > 0 và tăng dần: Lực tương
tác được tạo ra để chống lại sự tăng tốc này và kết quả là nam châm rotor sẽ kéo
nam châm stator quay nhanh hơn. Do tốc độ quay của nam châm stator phụ thuộc
hệ thống do đó quá trình “kéo” này sẽ trở thành quá trình truyền lực từ rotor ra
stator hay máy phát sẽ bắt đầu phát công suất P. Góc δ sẽ dừng lại không tăng khi
công suất cơ của tuabin cân bằng với công suất điện phát ra.
Do toàn bộ công suất cơ của tuabin được truyền ra ngoài thành công suất điện
thông qua liên kết từ trường, do đó nếu từ trường này mạnh thì góc lệch δ sẽ nhỏ,
ngược lại nếu từ trường yếu thì góc lệch δ sẽ tăng tới giá trị lớn hơn.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 205
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Có thể thấy việc duy trì liên kết từ trường mạnh là yếu tố quan trọng đảm bảo
góc vận hành nhỏ. Trong quá trình vận hành bình thường nếu vì lý do gì đó liên kết
từ trường bị yếu đi, ví dụ do điện áp phía hệ thống giảm thấp (Làm nam châm stator
yếu đi) hoặc dòng kích từ bị điều chỉnh giảm thấp (Làm nam châm rotor yếu đi) sẽ
dẫn tới liên kết từ trường yếu và góc vận hành sẽ tăng lên, máy phát dễ rơi vào trạng
thái vận hành mất ổn định.

δ>0

N S
P>0

Hình 5.8.

+ Công suất điện phát ra sẽ lớn nhất khi góc vận hành δ = 90 0, khi góc vận
hành vượt quá 900 thì công suất phát ra giảm đi thay vì tăng lên do tương tác ngược
lại của từ trường quay stator và rotor (Các cực từ cùng tên sẽ đẩy nhau).
N S

Đẩy Kéo

δ>900

P giảm đi

Hình 5.9.

Khi vận hành ở vùng với góc δ > 900 nếu có bất cứ biến động nào, ví dụ như
cắt tải đột ngột, sẽ làm tốc độ máy phát tăng lên và góc δ tăng dần, lực tương tác
đẩy của các cực từ cùng tên tăng lên làm giảm công suất điện phát ra của máy phát
dẫn tới mất cân bằng công suất tức thời càng trầm trọng, góc δ tiếp tục tăng và máy

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 206
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

phát rơi vào trạng thái vận hành không ổn định. Do đó các máy phát chỉ vận hành ở
khu vực với δ < 900; góc vận hành bình thưởng càng nhỏ thì khả năng góc này tăng
tới 900 hoặc lớn hơn 900 trong quá trình quá độ sẽ càng giảm thiểu, hay nói cách
khác mức độ dự trữ ổn định càng cao.
Trong quá trình vận hành máy phát điện có 2 đại lượng có thể điều chỉnh
được: Tăng kích từ sẽ làm giảm góc vận hành nhưng công suất phát ra P không đổi;
tăng năng lượng sơ cấp vào tuabin sẽ làm tăng góc vận hành và tăng lượng công
suất P phát ra của máy phát.
+ Trong trường hợp vận hành với góc δ < 00 hay từ trường quay stator vượt
trước so với từ trường quay của rotor thì lúc này máy phát điện nhận công suất tác
dụng (Hệ thống đang “kéo” máy phát), máy phát vận hành ở chế độ động cơ
(Motoring):

δ<0

P<0
N
S

Hình 5.10.

Đây là trường hợp luồng công suất ngược, có thể xảy ra trong quá trình hòa
đồng bộ (Nếu tốc độ máy phát chậm hơn tốc độ hệ thống) hoặc trong quá trình dao
động điện hoặc do trục trặc của các hệ thống điều khiển.
Lưu ý về góc tải hay góc vận hành
Góc tải là đại lượng ứng với góc điện. Với máy phát điện có một cặp cực (p =
1) thì góc điện hay góc tải này trùng với góc lệch cơ khí của trục máy phát (Là góc
của từ trường quay rotor). Với máy phát điện có 2 cặp cực thì góc lệch cơ khí của
trục máy phát chỉ bằng ½ so với góc tải, với các máy phát điện có nhiều cặp cực
hơn thì góc lệch cơ khí này trở nên càng nhỏ.
V.2. Hiện tượng trượt cực từ, dao động điện
Khi xảy ra mất cân bằng giữa công suất cơ của tuabin và công suất điện phát
ra sẽ làm rotor tăng hoặc giảm tốc so với tốc độ quay đồng bộ.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 207
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Xét trường hợp khi có sự cố gần máy phát dẫn tới điện áp đầu cực máy phát
điện giảm thấp, công suất điện P phát ra giảm tức thời; tuy nhiên công suất cơ của
tuabin không thể giảm ngay do có độ trễ của các khâu điều khiển và quán tính của
các phần tử quay, năng lượng tích lũy dưới dạng động năng của hệ rotor-tuabin sẽ
làm rotor tăng tốc ωtuabin > ωđồng bộ dẫn tới góc vận hành δ tăng dần theo thời gian.
Lúc này nếu giả thiết nhìn rotor sẽ thấy từ trường quay của rotor đang chạy nhanh
hơn so với từ trường quay của stator; hay trục từ trường quay rotor đang trượt xa
dần so với trục từ trường quay của stator, hiện tượng này có tên gọi là trượt cực từ
(Pole silpping). Hiện tượng ngược lại sẽ xảy ra khi thiếu công suất phát, rotor sẽ bị
quay chậm lại và cũng gây nên hiện tượng trượt cực từ do từ trường quay của rotor
bị chậm lại.
Trong khi rotor đang tăng tốc, hệ quả là hiện tượng trượt cực từ, các hệ thống
điều khiển sẽ giảm năng lượng sơ cấp vào tuabin để giảm tốc, đồng thời tới thời
điểm nào đó sự cố được cắt và điện áp đầu cực máy phát được khôi phục lại, công
suất điện phát ra tăng lên, cân bằng công suất được lập lại làm tốc độ quay tuabin
giảm dần. Tuy nhiên tốc độ quay tuabin không thể giảm ngay về đúng bằng tốc độ
quay đồng bộ do quán tính của thiết bị quay và độ quá điều khiển của các khâu điều
chỉnh, khi đó tốc độ có thể giảm thấp hơn tốc độ đồng bộ và các khâu điều khiển lại
điều chỉnh tăng thêm năng lượng sơ cấp để tăng tốc tuabin. Quá trình dao động này
có thể diễn ra trong nhiều chu kỳ, nếu cuối quá trình điều khiển tốc độ trở về định
mức thì được coi là dao động ổn định, ngược lại sẽ phải cắt máy phát điện khỏi hệ
thống và quá trình dao động là không ổn định, kết quả là mất ổn định của máy phát
điện so với hệ thống.
Trong quá trình dao động thì góc vận hành sẽ tăng giảm theo thời gian theo
từng chu kỳ dao động, dẫn tới công suất điện phát ra của máy phát cũng tăng giảm
theo chu kỳ nên còn gọi là hiện tượng dao động điện, đi kèm hiện tượng này là các
dao động của điện áp và dòng điện.
V.3. Đặc tính công suất phát của máy phát
Phần này sẽ hướng dẫn xây dựng và phân tích đặc tính công suất phát của máy
phát (Generator capability curve) với trường hợp đơn giản nhất, mục đích để người
đọc hiểu được ý nghĩa của các đoạn giới hạn của đặc tính và phân tích nhanh chế độ
vận hành của máy phát. Trong thực tế quá trình xây dựng đặc tính khá phức tạp do
ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chủng loại máy (Cực lồi, cực ẩn), đặc tính và chế
độ vận hành của các hệ thống kích từ, giới hạn thấp kích từ, giới hạn quá kích từ, …
do đó nên tham khảo các hướng dẫn của nhà sản xuất.
Xét sơ đồ máy phát điện đơn giản nối tới hệ thống như sau:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 208
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

jX

I
E V

Hình 5.11.

Trong đó các ký hiệu:


+ E: Sức điện động của máy phát; V: Điện áp phía hệ thống tại đầu cực máy
phát
+ I: Dòng điện của máy phát; δ: Góc tải; φ: Góc của hệ số công suất

Phương trình cơ bản giữa điện áp đầu cực và sức điện động của máy phát:
E = V+I*Z
Trong đó Z = R +jX là tổng trở trong của máy phát, do R≈0 nên:
E = V+jI*X (1)
Vẽ biểu đồ véc tơ biểu diễn quan hệ (1) với điện áp V được chọn làm gốc:

E
φ
IX
δ 90-φ
φ V
I
900

Hình 5.12.

Nhân tất cả các véc tơ trên với hệ số :

P (MW)
EV EV
X VI VI
φ X φ
V.I.sin(90-φ) 90-φ
V.I.cos(φ)
δ = V.I.cos(φ) δ
φ V2 φ V2
V.I.cos(90-φ) V.I.sin(φ) Q (MVAR)
X =V.I.sin(φ) X

Hình 5.13.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 209
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình chiếu của véc tơ VI xuống các trục cho các giá trị V.I.cos(φ) &
V.I.sin(φ); do công suất biểu kiến S = VI nên P = V.I.cos(φ) & Q = V.I.sin(φ), vậy
các trục vuông góc này chính là các trục P, Q trong biểu đồ công suất phát.
+ Công suất phát của máy phát bị giới hạn bởi phát nóng của cuộn dây stator S
= VI, do đó từ đồ thị trên vẽ vòng tròn với bán kính r1 = VI để thể hiện giới hạn do
phát nóng cuộn stator. Điểm làm việc của máy phát điện sẽ nằm trong giới hạn của
đường tròn này.

+P Giới hạn phát


nóng stato
r1=VI
φ
VI
δ
φ +Q

-P

Hình 5.14.

Trong thực tế máy phát không hoạt động ở chế độ nhận công suất P (Phần trục
–P trên đồ thị), hoặc nếu có thì chỉ nhận rất ít ở chế độ chạy bù.

Giới hạn phát


nóng roto (quá
kích từ)

Emax .V
r2 
X
VI
δ
φmax

Hình 5.15.

+ Khi máy phát vận hành với hệ số công suất lớn nhất (Phát tối đa Q) với dòng
tải định mức thì lúc đó dòng điện kích từ sẽ là lớn nhất, tương ứng khi đó máy phát

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 210
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

điện sẽ có sức điện động lớn nhất E max. Nếu phát tăng thêm Q sẽ làm góc hệ số công
suất tăng lên và dòng kích từ bắt buộc phải tăng theo để nâng sức điện động trong
của máy phát, dòng kích từ tăng cao sẽ gây quá giới hạn phát nóng cho phép của
cuộn rotor; như vậy giới hạn thứ hai đối với vận hành máy phát sẽ là giới hạn dòng
kích từ lớn nhất. Trên biểu đồ vẽ cung trong với bán kính r2 = (E max.V)/X để xác
định giới hạn do phát nóng cuộn rotor này, đây là giới hạn quá kích từ đối với máy
phát.
+ Bước tiếp theo đi xác định dòng điện kích từ tối thiểu và tương ứng là sức
điện động nhỏ nhất của máy phát.
Khi máy phát vận hành với dòng kích từ thấp sẽ ở trạng thái nhận công suất
phản kháng Q, dòng kích từ tối thiểu không bị hạn chế bởi phát nóng của cuộn
rotor, tuy nhiên bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như sau:
- Với máy phát cực ẩn (Máy phát nhiệt điện): Giới hạn nhận công suất phản
kháng phụ thuộc chủ yếu vào hiệu ứng phát nóng tại khu vực cạnh lõi thép của
stator.
- Đồng thời có thể bị hạn chế bởi đặc tính kỹ thuật của hệ thống chỉnh lưu điện
tử công suất. Giả thiết có thể xác định được dòng điện kích từ nhỏ nhất cho phép và
tương ứng là sức điện động nhỏ nhất Emin. Trên biểu đồ vẽ cung trong với bán kính
r3 = (Emi.V)/X để xác định giới hạn vận hành thấp kích từ cho phép.

Giới hạn phát


nóng roto (quá
kích từ)
Giới hạn thấp
kích từ
Emax .V
r2 
X
VI

Emin .V
r3 
X
Hình 5.16.

Như vậy đặc tính vận hành cho phép của máy phát sẽ bị giới hạn bởi các
đường như hình sau:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 211
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Giới hạn phát


nóng roto (quá
+P kích từ)
Giới hạn phát
nóng stato
VI
δ
φ +Q

Giới hạn
thấp kích từ
-P

Giới hạn phát +Q


+P nóng stato

Giới hạn phát


nóng roto (quá
VI kích từ)
δ -P +P
φ +Q
Giới hạn
thấp kích từ -P -Q

Hình 5.17.

So sánh các giới hạn giữa máy phát cực lồi và máy phát cực ẩn (Salient pole
rotor: Máy phát cực lồi; cylindrical rotor: Máy phát cực ẩn):

Hình 5.18. So sánh giới hạn công suất phát của máy phát cực lồi và cực ẩn

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 212
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Ngoài các giới hạn trên đây, đặc tính phát của máy phát còn có thể bị thu hẹp
hơn nữa do các giới hạn về ổn định tĩnh hoặc ảnh hưởng của điện áp đầu cực trong
vận hành, tuy nhiên do việc tính toán khá phức tạp nên không trình bày ở đây.

Hình 5.19. Ví dụ đặc tính công suất phát có xét đầy đủ các giới hạn

Khả năng mang tải của máy phát còn phụ thuộc áp lực của hệ thống làm mát
(Ví dụ làm mát bằng hydro) hoặc nhiệt độ của hệ thống làm mát (Ví dụ làm mát
bằng không khí), do đó trong các biểu đồ công suất còn có các đường thể hiện công
suất cho phép vận hành theo các đại lượng này:

Hình 5.20. Ví dụ đặc tính công suất phát của máy phát nhiệt điện làm mát bằng hydro

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 213
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hiện tượng phát nóng cạnh lõi thép stator khi vận hành thấp kích từ:
Việc phát nóng mạnh cạnh lõi thép stator ở chế độ thấp kích từ được giải thích
như sau:

Hình 5.21. Cuộn dây rotor và vòng chặn

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 214
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Phát nóng cạnh lõi thép do từ thông tản giữa stator và rotor gây ra. Từ thông
trong khe hở được hình thành bởi tương tác giữa từ thông cuộn stator (Do dòng điện
tải sinh ra) và từ thông do rotor (Kích từ) sinh ra. Phần lớn từ thông này móc vòng
qua cuộn stator và cuộn rotor; tuy nhiên có một phần nhỏ từ thông này không móc
vòng qua khe hở mà móc tản ra tới rotor như hình trên. Từ thông này đi ra khỏi
cạnh lõi thép stator và móc vòng tới vòng chặn cuộn dây kích từ và thân rotor.
Từ thông này gây dòng điện xoáy trong tất cả các kết cấu kim loại của stator
mà nó đi qua, tuy nhiên do từ thông này quay với tốc độ đồng bộ, đồng tốc với rotor
nên không gây dòng xoáy trong cuộn rotor và trong vòng chặn. Stator được tạo
thành từ các lá thép mỏng, được cách điện, các lá thép mỏng này giảm đáng kể dòng
xoáy và hiệu ứng phát nóng, tuy nhiên việc giảm dòng xoáy chỉ có hiệu quả khi từ
thông đi song song với các lá thép. Từ thông tản trong trường hợp trên đi ra vuông
góc với lõi thép stator, sẽ làm diện tích lõi thép liền khối mà từ thông vuông góc
này đi qua tăng mạnh, làm tăng dòng xoáy ở khu vực này (Tổn hao do phát nóng có
thể gấp tới 100 lần so với khi từ thông đi song song).

Hình 5.22.

Tổn hao lớn tập trung tại một khu vực hẹp sẽ gây phát nóng nhanh chóng và
gây nguy hiểm cho lõi thép, biểu hiện nhìn thấy có thể là các lá thép hoặc kết cấu
kim loại bị biến màu xanh, cách điện cuộn stator tại khu vực nhô ra khỏi lõi thép bị
hóa than.
Hiện tượng phát nóng cạnh lõi thép chỉ nguy hiểm khi máy phát vận hành ở

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 215
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

chế độ thấp kích từ. Khi máy phát vận hành gần chế độ định mức, dòng kích từ lớn
làm bão hòa các vòng chặn cuộn dây rotor, vòng chặn bị bão hòa sẽ có từ trở lớn, do
vậy hạn chế độ lớn của từ thông tản; khi dòng kích từ thấp, vòng chặn không bị bão
hòa và có từ trở thấp, do đó từ thông tản dễ dàng móc vòng qua.
Với các máy phát điện có thiết kế cũ thì giới hạn phát nóng cạnh stator có thể
dẫn tới việc máy phát không thể vận hành với hệ số công suất gần bằng 1. Hiện nay
các máy phát đã được cải tiến, ví dụ sử dụng các vật liệu phi từ hóa làm vòng chặn,
sử dụng màn chắn từ, thay đổi cấu trúc cạnh stator để giảm từ thông tản vuông góc.
V.4. Nhiệm vụ và nguyên lý hoạt động của bộ PSS
V.4.1. Đặc điểm của dao động công suất trong hệ thống điện
Một số dạng dao động điển hình của hệ thống điện được thống kê như sau:
V.4.1.1. Dao động cục bộ hoặc dao động một hệ thống máy phát (Local, intraplant)
Các chế độ có liên quan đến dao động của tổ máy phát tại một nhà máy điện
đối với với phần còn lại của hệ thống điện. Thuật ngữ cục bộ được sử dụng bởi vì
các dao động xuất hiện tại một trạm hoặc một phần nhỏ của hệ thống điện. Hiện
tượng dao động cục bộ thường gặp nhất trong các chế độ dao động. Nguyên nhân
thường gặp của hiện tượng này là do tác động của tự động điều chỉnh điện áp
(AVR) của các nhà máy điện đang phát ra một lượng lớn công suất vào lưới truyền
tải yếu. Dao động cục bộ thường được quan sát rõ hơn với một hệ thống kích từ
phản ứng nhanh, và đây là một nhược điểm của hệ thống kích từ đáp ứng nhanh như
kích từ tĩnh. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng xấu đến dao động cục bộ có thể
do điều chỉnh không chính xác của bộ điều khiển, chẳng hạn như PSS. Các dao
động cục bộ thường có tần số tự nhiên trong khoảng 0.7 - 3.0 Hz.
V.4.1.2. Dao động liên khu vực (Inter-area)
Các chế độ có liên quan đến dao động của nhiều máy trong một phần của hệ
thống chống lại các máy trong các bộ phận khác. Chúng được gây ra bởi hai hay
nhiều nhóm máy cùng được kết nối với nhau bởi các đường truyền tải liên kết yếu.
Tần số tự nhiên của các dao động thường là trong khoảng 0.1 - 1.0 Hz. Các đặc tính
của chế độ dao động liên khu vực rất phức tạp và trong một số điểm khác biệt đáng
kể so với chế độ cục bộ.
V.4.1.3. Dao động điều khiển
Các chế độ dao động này được sinh ra trong các thiết bị điều khiển như điều
khiển SVC, PSS, ... Trong một vài trường hợp, các dao động này sẽ kích động các
phần tử chính của hệ thống, tạo nên các dao động mất ổn định.
V.4.1.4. Dao động xoắn
Các chế độ này liên quan đến hệ thống các thành phần trục quay tua bin - máy
phát điện. Bất ổn định của chế độ xoắn có thể được gây ra bởi sự tương tác với điều

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 216
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

chỉnh kích từ, bộ điều tốc, điều khiển HVDC và các tụ bù đường dây.
Trong số các loại dao động hệ thống điện, thông thường chế độ liên khu vực là
loại thách thức lớn nhất hiện nay. Điều khiển ở chế độ liên khu vực là một quá trình
phức tạp kết hợp của nhiều yếu tố. Đặc điểm cấu trúc của dao động liên khu vực
phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, bao gồm khoảng cách giữa các nhà máy, đặc tính
điều chỉnh, đặc tính đáp ứng của phụ tải theo điện áp.
V.4.2. Vai trò và nguyên lý hoạt động của bộ PSS
V.4.2.1. Giới thiệu chung
Theo định nghĩa: Thiết bị ổn định hệ thống điện PSS (Viết tắt theo tiếng Anh:
Power System Stabilizer) là thiết bị đưa tín hiệu bổ sung tác động vào bộ tự động
điều chỉnh điện áp (AVR) để làm suy giảm mức dao động công suất trong hệ thống
điện.
Bắt đầu từ cuối năm 1950 và đầu những năm 1960, hầu hết các nhà máy điện
mới đã bổ sung vào hệ thống điện của mình bộ điều chỉnh điện áp. Qua quá trình
vận hành đã phát hiện ra một thực tế rằng việc sử dụng các bộ AVR có hệ số
khuếch đại lớn và đáp ứng nhanh có thể có một tác động bất lợi đến ổn định dao
động của hệ thống điện. Dao động cường độ nhỏ và tần số thấp thường kéo dài
trong một thời gian khá dài và trong một số trường hợp giới hạn khả năng truyền tải
công suất. Do đó PSS đã được phát triển để hỗ trợ trong việc giảm các dao động
thông qua điều chỉnh kích từ của máy phát điện.
Để giảm thiểu dao động hệ thống điện, có thể sử dụng PSS như một bộ điều
khiển giảm dao động là giải pháp kinh tế hơn việc thêm vào một bộ điều khiển điều
chế hoặc các thiết bị bổ sung như SVC, HVDC hoặc FACTS. PSS đã chứng tỏ là
một giải pháp hiệu quả đối với các vấn đề dao động điện.
V.4.2.2. Cơ sở lý thuyết của PSS
Các chức năng cơ bản của PSS là thêm vào hệ thống AVR một kênh điều
khiển phụ để giảm các dao động của rotor máy phát điện. Để hỗ trợ cho việc giảm
dao động, các bộ ổn định phải tạo ra một thành phần của mô-men điện đồng pha với
độ lệch tốc độ rotor. Cơ sở lý thuyết cho bộ PSS có thể được minh họa với sự trợ
giúp của khối sơ đồ thể hiện trong hình 5.23.
PSS cung cấp một tín hiệu đầu vào bổ sung cho AVR để giảm dao động hệ
thống điện. Thông thường, PSS sử dụng tín hiệu đầu vào là tốc độ quay rotor, tần số
và công suất đầu ra máy phát. Vì mục đích của một PSS là để tạo ra một thành phần
giảm mô-men dao động, tín hiệu này cần phải đồng pha với Δϖ, việc sử dụng độ
lệch Δϖ làm tín hiệu đầu vào là giải pháp thông dụng nhất. Trong trường hợp lý
tưởng, PSS sẽ cho hiệu ứng giảm dao động trong toàn bộ dải tần số. Tuy nhiên để
đạt được đặc tính pha như vậy, hàm truyền của PSS cần có bậc rất cao. Vì vậy trên

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 217
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

thực tế, PSS thường được chỉnh định để bù pha hiệu quả ở khoảng tần số có xảy ra
dao động.

Hình 5.23. Chức năng PSS trong đường dây kích từ

Trong thực tế, cả máy phát điện và các kích từ đều tạo ra những trễ pha nhất
định, vì vậy hàm truyền PSS cần phải có khâu bù pha để bù đắp cho sự trễ pha giữa
các kích thích đầu vào V ref và mô-men xoắn điện ΔTe. Độ trễ pha này là thông số
đầu vào quan trọng cho việc tính toán chỉnh định PSS, có thể xác định bằng cách
bằng cách phân tích các đáp ứng tần số của ΔTe khi có các kích thích trong đầu vào
Vref.
V.4.2.3. Đặc điểm và phân loại PSS
PSS có thể được phân thành bốn loại sau đây theo các tín hiệu đầu vào khác
nhau.
1. Loại sử dụng tín hiệu đầu vào là tốc độ
PSS dựa trên tín hiệu tốc độ đầu trục đã được sử dụng thành công trên các tổ
máy phát thủy điện kể từ giữa những năm 1960. Tuy nhiên, PSS dựa trên đầu vào
tốc độ có những hạn chế:
- Ổn định tốc độ đầu vào, một mặt làm giảm dao động điện cơ, nhưng mặt
khác có thể kích động các dao động xoắn trên trục tuabin (Ở tần số trên 10Hz). Như
vậy, cần thiết kế PSS sao cho không kích thích dao động xoắn. Thông thường, có
thể sử dụng thêm các bộ lọc để loại thành phần dao động xoắn khỏi tín hiệu tốc độ,
trước khi đưa vào PSS.
- Việc sử dụng các bộ lọc này luôn luôn sinh ra một sự trễ pha làm hạn chế
hiệu quả của PSS.
2. Loại sử dụng tín hiệu đầu vào là công suất
Bộ PSS sử dụng đầu vào công suất được thiết kế dựa trên đặc điểm của
phương trình chuyển động quay rotor, có dạng sau:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 218
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

eq a
Trong đó: Δϖ là độ lệch tốc độ; ΔP là độ lệch công suất; H là hằng số quán
m e
tính của máy phát; P là công suất cơ; P là công suất điện phát ra.
Theo phương trình trên khi đầu vào của PSS là công suất (P e) sẽ cần phải được
chuyển đổi thành tín hiệu tốc độ đầu vào tương đương Δϖ eq bằng cách sử dụng một

khâu tích phân.


Với cấu trúc PSS sử dụng tín hiệu đầu vào là công suất thì việc ổn định công
suất đầu vào không gây ra sự bất ổn định của chế độ xoắn. Tuy nhiên, vấn đề lớn
với việc sử dụng tín hiệu loại này là giá trị của công suất điện luôn thay đổi, tùy
thuộc chế độ vận hành của máy phát. Việc đưa thêm bộ lọc thông cao để loại trừ các
thay đổi trong chế độ xác lập của công suất sẽ làm giảm hiệu quả của bộ PSS. Mặt
khác, khi công suất phát có sự thay đổi lớn, có thể làm cho PSS bị bão hòa trong
thời gian ngắn.
3. Loại sử dụng tín hiệu đầu vào là tần số
Độ lệch tần số nút có thể được sử dụng trực tiếp như là tín hiệu đầu vào của bộ
PSS vì tương ứng với độ lệch tốc độ rotor. Mặc dù được ứng dụng rộng rãi, việc sử
dụng tín hiệu tần số cho bộ PSS vẫn bị một số hạn chế:
- Tín hiệu tần số đo tại các đầu của các tổ máy nhiệt điện chứa các thành phần
dao động xoắn. Về mặt này, bộ PSS dựa trên tần số có những hạn chế tương tự bộ
PSS sử dụng tín hiệu đầu vào là tốc độ.
- Các tác động đóng cắt trong hệ thống tạo nên các đáp ứng quá độ về tần số,
và sẽ được thể hiện ra trong đáp ứng của bộ PSS.
- Các tín hiệu tần số thường bao gồm cả các tần số nhiễu gây ra bởi các phụ tải
công nghiệp lớn như lò hồ quang.
- Tín hiệu tần số nhìn chung chứa ít các thông tin về các dao động cục bộ hơn
tín hiệu tốc độ, đặc điểm này là do tần số mang tính hệ thống.
4. Tín hiệu đầu vào kết hợp cả công suất và tốc độ

Hình 5.24. Sơ đồ khối bộ PSS sử dụng tín hiệu đầu vào là công suất và tốc độ

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 219
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Để khắc phục những vấn đề trên có thể sử dụng một tín hiệu đầu vào gồm cả
công suất và tốc độ.
Sơ đồ khối của bộ PSS này như hình 5.24.
V.4.2.4. Cấu trúc điển hình của bộ PSS
Các thiết kế điều chỉnh thông số của PSS phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản
như phải hoạt động với độ tin cậy cao khi cấu trúc của hệ thống và chế độ thay đổi
thường gặp trong quá trình vận hành. PSS cần được kiểm tra với nhiều chế độ vận
hành có thể xảy ra khác nhau nhằm đảm bảo độ tin cậy. PSS hỗ trợ giảm giảm dao
động điện-cơ và không được gây ảnh hưởng đến các quá trình khác của hệ thống
(Ví dụ quá trình điều khiển điện áp trong chế độ xác lập của bộ AVR).
Cấu trúc điển hình của một PSS thường gặp như sau:

Hình 5.25. Cấu trúc điển hình của bộ PSS

Cấu trúc này gồm khâu lọc thông cao (Washout), khâu khuếch đại, khâu giới
hạn và các khâu bù pha (Dưới dạng khâu lead/ lag). Đầu ra của PSS được thêm vào
đầu vào AVR để tổng hợp tín hiệu.
V.5. Bảo vệ so lệch cho máy phát điện. Phân tích chỉnh định
Các dạng sự cố phổ biến thường xảy ra với cuộn stator của máy phát:

Hình 5.26.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 220
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Thống kê cho thấy sự cố của cuộn stator có thể chiếm tới 40% số lần phải
dừng máy phát. Sự cố chạm đất cần phải sử dụng bảo vệ riêng do dòng sự cố nhỏ,
các sự cố không chạm đất được phát hiện bởi các bảo vệ như bảo vệ so lệch, bảo vệ
khoảng cách dự phòng hoặc bảo vệ quá dòng, trong đó bảo vệ so lệch được coi là
bảo vệ chính. Với các máy phát thủy điện có cuộn dây phân chia (Split-phase) cần
sử dụng bảo vệ riêng để phát hiện sự cố giữa các vòng dây.
Sơ đồ nguyên lý của bảo vệ so lệch cho máy phát điện:

Hình 5.27.

Trong đó OP và RST thể hiện cuộn so lệch và cuộn hãm của bảo vệ so lệch.
Bảo vệ so lệch cho máy phát điện sử dụng nguyên lý tương tự như cho các đối
tượng khác. Các vấn đề cần phải giải quyết khi sử dụng bảo vệ so lệch bao gồm:
- Từ dư trong lõi từ của BI: Gây ra bởi việc cắt đột ngột dòng dòng điện sơ cấp
có thành phần DC.
- Ảnh hưởng của thành phần DC lớn khi đóng máy biến áp hoặc khi mang tải
lớn đột ngột.
- Phải có khả năng làm việc trong cả dải tần số thấp và cao hơn định mức để
đảm bảo bảo vệ được cả khi khởi động tổ máy và ở chế độ vận hành bất thường.
Vấn đề rất quan trọng đối với bảo vệ so lệch là đặc tính làm việc của các BI
cần đảm bảo giống nhau. Trước đây các giá trị cài đặt cho bảo vệ so lệch cần đảm
bảo không tác động nhầm khi có sự cố ngoài, đặc biệt khi BI bị bão hòa, đặc tính
làm việc thường gồm 2 phần là dòng điện khởi động nhỏ nhất và các đặc tính có
hãm.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 221
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Iso lệch

Dòng khởi động


nhỏ nhất

Minimum pickup (0.3÷0.5 pu) Ihãm

Hình 5.28.

Độ nhạy của bảo vệ xác định bởi dòng khởi động nhỏ nhất, đó là nhỏ nhất mà
bảo vệ có thể phát hiện được khi có sự cố. Dòng khởi động này phải đặt nhỏ hơn
dòng sự cố nhỏ nhất có thể xuất hiện, dòng sự cố thường lớn hơn nhiều so với dòng
tải, do đó giá trị đặt 0.5 pu đảm bảo bảo vệ có đủ độ nhạy. Đặt giá trị khởi động nhỏ
hơn 0.5 pu hầu như không cải thiện được độ nhạy nhưng lại làm giảm độ an toàn
không tác động của bảo vệ.
Cũng cần lưu ý là với các máy phát điện có thể xảy ra hiệu ứng gần (Proximity
effect); các BI dùng cho máy phát là loại có tỷ số biến lớn, lắp đặt trong các khu
vực hẹp, gần nhau. Trong điều kiện đó từ thông tản (Stray flux) từ các thanh dẫn lân
cận có thể móc vòng vào lõi BI làm từ thông trong lõi từ của BI không còn phân bố
đều.

Hình 5.29.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 222
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Do từ thông trong lõi từ không phân bố đều nên dòng từ hóa của BI tăng cao
hơn làm sai số tăng cao hơn so với đặc tính từ hóa của nhà sản xuất cung cấp. Nếu
bất cứ phần nào của lõi từ bị bão hòa thì dòng điện so lệch do sai số có thể làm bảo
vệ tác hoạt động nhầm khi có sự cố ngoài hoặc ngay ở chế độ tải bình thường.
Giải pháp giảm ảnh hưởng của hiệu ứng gần với các BI tỷ số biến cao là sử
dụng các cuộn dây bù.
Công thức khuyến cáo chung để xác định độ dốc của đặc tính như sau:
% độ dốc > K* 100* (Iso lệch lớn nhất khi sự cố ngoài)/(Ihãm)
Trong đó K là hệ số an toàn thường lấy ít nhất bằng 2.
Công thức trên đây đơn giản nhưng khó sử dụng vì rất khó để xác định được
dòng so lệch khi sự cố ngoài.
Một khuyến cáo khác như sau: Độ dốc của đặc tính được xác định bằng cách
tính toán dòng so lệch lớn nhất có thể xảy ra khi có sự cố ngoài với giả thiết BI
không bão hòa.
Giả thiết sai số của BI là ε, dòng điện các phía của máy phát là I trung tính và Iđầu cực
thì dòng so lệch lớn nhất có thể xuất hiện khi sự cố ngoài là:
Iso lệch max (sự cố ngoài) = (1+ ε) Itrung tính – (1+ ε) Iđầu cực
Do dòng điện phía trung tính cuộn dây và dòng điện đầu cực bằng nhau nên
dòng so lệch lớn nhất có thể xuất hiện là Iso lệch max (sự cố ngoài) = 2ε (%)
Các BI dùng cho rơle bảo vệ có sai số giới hạn là 10% nên dòng so lệch lớn
nhất có thể xuất hiện là 20%, do đó độ dốc đặt 25% sẽ phù hợp.
Phương pháp tính toán này giả thiết các BI có đặc tính đồng nhất và không bão
hòa, nếu các yếu tố trên không đảm bảo thì cần phải xem xét cụ thể hơn. Ví dụ khi
có sự cố ngoài hoặc khi đóng điện MBA đầu cực, BI phía đầu cực bão hòa trước BI
phía trung tính cuộn dây, dòng so lệch khi đó sẽ rất lớn, để tránh tác động nhầm có
thể sử dụng các giải pháp sau:
+ Tăng độ dốc của đặc tính lớn hơn dòng so lệch trong trường hợp này (Tương
ứng tăng hiệu ứng hãm);
+ Sử dụng rơle có các khâu phân biệt sự cố trong và sự cố ngoài.
Dòng sự cố của các máy phát điện rất lớn và kèm theo tỷ số X/R cũng lớn hơn
so với khi có sự cố tại các điểm khác trên lưới; do tỷ số X/R nên thành phần dòng
dc trong dòng sự cố tắt chậm làm tăng khả năng bão hòa của BI, do đó rơle có khả
năng phân biệt được sự cố ngoài sẽ có ưu điểm hơn.
Với các phân tích trên đây có thể thấy nên lựa chọn độ dốc đặc tính theo
khuyến cáo của nhà sản xuất rơle, các giá trị khuyến cáo đã dựa trên kinh nghiệm
và hiểu biết về rơle được hãng sản xuất.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 223
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.30. Dòng sự cố với thành phần dc tắt chậm

Với các máy phát điện tuabin khí có sử dụng biến tần khởi động: Khi khởi
động tổ máy thì máy phát nhận điện từ hệ thống qua bộ biến tần (Static Frequency
Converter) và hoạt động như động cơ để kéo tuabin tăng tới các mức tốc độ theo qui
định.

Hình 5.31. Sơ đồ khởi động tổ máy tuabin khí bằng biến tần

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 224
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Trong quá trình khởi động này, dòng điện từ bộ biến tần cấp tới máy phát sẽ
không đi qua BI đầu cực do máy cắt đầu cực đang mở mà chỉ chạy qua BI phía
trung tính cuộn dây, do vậy bảo vệ so lệch có thể tác động nhầm. Để tránh việc
nhầm lẫn này cố thể khóa bảo vệ so lệch ngưỡng thấp khi khởi động tổ máy.
V.6. Bảo vệ quá dòng (51&27, 51V). Phân tích chỉnh định
Chức năng bảo vệ quá dòng dùng làm bảo vệ dự phòng cho đối tượng được
bảo vệ hoặc các đường dây, máy biến áp cấp dưới liền kề.
Với các máy phát điện lấy điện áp kích từ từ đầu cực, khi xảy ra ngắn mạch
gần thì điện áp đầu cực sụt giảm dẫn tới dòng điện ngắn mạch bị giảm đi, thậm chí
giảm thấp dưới ngưỡng khởi động của các bảo vệ quá dòng thông thường.

Hình 5.32. Diễn biến dòng ngắn mạch khi sự cố gần đầu cực máy phát

Để rơle có đủ độ nhạy thường phải đặt giá trị khởi động thấp xuống, tuy nhiên
nếu đặt thấp sẽ dẫn tới rơle có thể tác động nhầm khi tải nặng. Để xử lý vấn đề này,
có thể sử dụng hai giải pháp:
+ Bảo vệ quá dòng kết hợp với khóa điện áp thấp (51&27= Voltage-
Controlled Overcurrent): Khi điện áp giảm dưới ngưỡng cho phép thì rơle điện áp
thấp khởi động, cho phép chức năng quá dòng tác động. Giá trị khởi động của bảo
vệ quá dòng có thể đặt thấp hơn so với khi không có khóa điện áp thấp
+ Bảo vệ quá dòng kết hợp với hãm điện áp 51V (Voltage-Restraint
Overcurrent): Chức năng này sẽ tự động điều chỉnh giá trị khởi động và đặc tính tác
động tùy theo điện áp hệ thống theo qui luật: Khi điện áp giảm xuống thì giá trị khởi
động của phần tử quá dòng cũng tự động được giảm đi. Hình 5.33 biểu diễn quan hệ
giữa giá trị dòng khởi động và điện áp (Trong hệ đơn vị tương đối) với hầu hết các
loại rơle hiện nay, theo quan hệ này thì giá trị dòng điện khởi động giảm tuyến tính
khi điện áp nằm trong ngưỡng 25% ÷ 100% và khi điện áp ≤ 25% thì chỉ còn bằng

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 225
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

25% của giá trị cài đặt ban đầu. Thông thường giá trị khởi động của bảo vệ quá
dòng có hãm điện áp đặt trong khoảng 125 ÷ 175% dòng tải định mức của máy
phát.

Hình 5.33. Giá trị khởi động thay đổi theo điện áp đầu cực

Chức năng này sẽ bị khóa để tránh cho rơle hoạt động nhầm khi xảy ra hiện
tượng mất áp từ máy biến điện áp (Do đứt cầu chì hoặc do mở aptomat nhị thứ của
BU). Việc phát hiện mất áp có thể dựa theo trạng thái tiếp điểm phụ của BU hoặc
dựa theo logic giám sát điện áp bên trong rơle. Chức năng bảo vệ quá dòng có thể
dùng hoặc không dùng tính năng hãm, khóa điện áp tùy theo cài đặt.
Chức năng này cần được kiểm tra sự phối hợp thời gian với đặc tính giới hạn
nhiệt cho phép ngắn hạn của máy phát (Generator Short Time Thermal Capability),
đảm bảo cắt sự cố trước khi có các nguy hiểm về nhiệt cho máy phát hoặc máy biến
áp.
V.7. Bảo vệ khoảng cách dự phòng. Ảnh hưởng của tổ đấu dây máy biến áp
tăng áp tới tổng trở đo được
Chức năng bảo vệ theo tổng trở (21) được sử dụng là bảo vệ dự phòng cho các
máy phát lớn nối bộ máy phát - máy biến áp.
Khi sử dụng biến dòng điện ở phía trung tính cuộn dây thì chức năng 21 này
có thể bảo vệ dự phòng cho máy phát và máy biến áp. Với bảo vệ khoảng cách thì
vị trí của BU là điểm rơle bắt đầu đo tổng trở (Ứng với tổng trở bằng 0), vị trí của
BI quyết định hướng của vùng bảo vệ; do vậy nếu BI đặt tại đầu cực thì chức năng
21 chỉ có thể bảo vệ hoặc máy phát hoặc máy biến áp. Khi vùng bảo vệ nhìn về phía
máy biến áp thì cần phối hợp thời gian với các bảo vệ khác; nếu vùng bảo vệ nhìn
vào máy phát thì không cần phối hợp thời gian của bảo vệ.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 226
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Một giải pháp khác là chức năng 21 dùng BU và BI tại thanh góp cao áp của
máy biến áp tăng áp, vùng bảo vệ nhìn vào máy phát và máy biến áp, trong trường
hợp này cũng không cần phối hợp thời gian bảo vệ, tuy nhiên chỉ bảo vệ dự phòng
cho máy phát và máy biến áp mà không dự phòng cho các thiết bị khác.

BI BI

BU BU
21 21

Hình 5.34. Vị trí BI của bảo vệ khoảng cách

Vùng bảo vệ: Thường đặt với 2 hoặc 3 vùng tác động:

Hình 5.35. Chỉnh định đặc tính làm việc

- Vùng I: Bảo vệ tới khoảng 70 - 80% máy biến áp tăng áp
- Vùng II: Với tới 120% của máy biếp áp, với mục đích bảo vệ dự phòng cho
thanh góp.
- Vùng III: Có thể sử dụng kết hợp với vùng II để thực hiện logic khóa bảo vệ
khi dao động điện (Out of step blocking logic); hoặc để bảo vệ dự phòng cho thanh
góp cuối đường dây. Vùng III cần cài đặt vùng tránh chồng lấn tải.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 227
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.36.

Vùng I của bảo vệ cần có thời gian trễ nhỏ để phối hợp với bảo vệ thanh góp
và đường dây; vùng bảo vệ thứ hai bảo vệ dự phòng cho đường dây với thời gian trễ
phối hợp với vùng II của bảo vệ đường dây.
Khi BI đặt tại phía trung tính cuộn dây của máy phát thì sự cố trong máy phát
(Máy phát đang nối lưới) sẽ được loại trừ với đặc tính ở góc phần tư thứ ba của đặc
tính tổng trở, do đó cần cài đặt vùng hướng ngược cho rơle khoảng cách.

BI

BU
21

X
Forward

Backward
R
0

Hình 5.37.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 228
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Giá trị của vùng hướng ngược đặt lớn hơn so với của máy phát. Khi bảo
vệ khoảng cách chỉ sử dụng 1 vùng thì cần đặt thời gian trễ khoảng 0.5 giây hoặc
nhiều hơn để phối hợp với các rơle khác của hệ thống bảo vệ.
Một cách ứng dụng khác của chức năng 21 là vẫn sử dụng BI tại đầu cực máy
phát, tuy nhiên đặc tính được cài đặt để “nhìn” vào phía máy phát. Trong trường
hợp này không cần thiết đặt thời gian trễ của bảo vệ để nhanh chóng loại trừ sự cố
trong máy phát.
Ảnh hưởng của tổ đấu dây MBA tăng áp:
Khi chức năng 21 được sử dụng để bảo vệ với sự cố phía sau MBA tăng áp
đấu Δ/Y cần xét đến hiện tượng dịch pha do tổ đấu dây này gây ra và tùy thuộc vào
thiết kế của rơle.
Ví dụ sự cố pha - đất phía cao áp của MBA tăng áp đấu Δ/Y 0 sẽ trở thành sự
cố 2 pha đối với các rơle thuộc phía cuộn Δ. Trong trường hợp này chỉ các rơle hoạt
động theo thành phần thứ tự thuận sẽ đảm bảo hoạt động đúng và không bị ảnh
hưởng bởi tổ đấu dây.

A A a a

B
c
b b
B C

C c

Hình 5.38.

Ảnh hưởng của tổ đấu dây MBA tăng áp sẽ gây hiện tượng hụt vùng của rơle.
Các rơle hiện nay đều có chức năng khai báo tổ đấu dây MBA và rơle sẽ tự
động bù góc dịch pha điện áp qua MBA.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 229
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.39. Khai báo tổ đấu dây MBA để bù góc dịch pha

V.8. Bảo vệ chống chạm đất cuộn dây stator


V.8.1. Sự cần thiết giới hạn dòng chạm đất và các phương pháp nối đất máy phát
Việc nối đất trung tính máy phát được chia thành 4 loại: Trung tính không nối
đất, nối đất trực tiếp và nối đất qua tổng trở thấp hoặc tổng trở cao. Với các máy
phát trung tính không nối đất sẽ vẫn có dòng chạm đất nhỏ do điện dung ký sinh của
các phần tử trong hệ thống, giải pháp nối đất này hầu như không được sử dụng.
Máy phát có trung tính nối đất trực tiếp sẽ có dòng chạm đất một pha rất lớn,
thường cao hơn cả dòng ngắn mạch ba pha do điện kháng TTK của máy phát nhỏ
hơn rất nhiều so với điện kháng quá độ hoặc điện kháng TTN, phương pháp nối đất
này chỉ sử dụng cho các máy phát rất nhỏ tại các cơ sở công nghiệp, trung tâm
thương mại. Máy phát có trung tính nối đất qua tổng trở cao với mục đích giới hạn
dòng chạm đất một pha trong khoảng 2 ÷ 15 A, đây là giải pháp nối đất được sử
dụng phổ biến nhất với các máy phát nối lên lưới qua MBA tăng áp. Các máy phát
nối trực tiếp lên thanh góp (Cùng với các máy phát khác và tải) sử dụng phương
pháp nối đất qua tổng trở thấp.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 230
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.40. Hư hại do sự cố chạm đất stator (Với dòng sự cố được giới hạn nhỏ hơn 10A)

Việc nối đất máy phát theo phương pháp nào là bài toán cần xem xét cân bằng
hai khía cạnh: Hạn chế quá điện áp quá độ và giới hạn dòng điện chạm đất. Khi máy
phát nối lên lưới qua MBA tăng áp đấu Δ/Y0 thì chỉ máy phát và cuộn hạ áp MBA
chịu quá điện áp khi có sự cố chạm đất. Các máy phát này nối đất qua tổng trở cao
để hạn chế dòng ngắn mạch (2 ÷ 15A) và cho phép sử dụng các bảo vệ chống chạm
đất dựa theo điện áp. Mặc dù dòng chạm đất thấp tuy nhiên nếu chạm đất lặp lại vẫn
có thể gây các hư hỏng nghiêm trọng do dòng điện dung phóng lặp lại gây quá điện
áp lớn trên các pha không sự cố.
Với máy phát nối trực tiếp lên thanh góp, bắt buộc phải hạn chế quá điện áp
khi sự cố chạm đất; do vậy các máy phát kiểu này thường nối đất qua điện trở nhỏ,
dòng chạm đất giới hạn tới khoảng 200 ÷ 400 A và không cao quá dòng ngắn mạch
3 pha. Với các máy phát loại này sẽ sử dụng bảo vệ chống chạm đất dựa theo dòng
điện. Thêm vào đó, khi có sự cố trong máy phát dù máy cắt đầu cực đã cắt thì dòng
sự cố vẫn duy trì cho tới khi kết thúc quá trình diệt từ. Vì lý do đó các loại máy phát
này có thể sử dụng phương pháp nối đất lai (Hybrid), máy phát bình thường nối đất
qua tổng trở thấp, khi có sự cố chạm đất và máy cắt đầu cực mở thì lập tức chuyển
sang nối đất trung tính qua tổng trở cao.
Việc hạn chế dòng điện chạm đất còn giảm thiểu khả năng phát sinh hồ quang
tại điểm sự cố gây phá hủy lõi thép stator.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 231
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.41. Các phương pháp nối đất phổ biến của máy phát
(a) Nối đất qua điện trở thấp; (b) Nối đất qua tổng trở cao; (c) Nối đất kiểu lai

Điện trở nối đất hiệu quả (Rhiệu quả) khi sử dụng phương pháp nối đất qua MBA
nối đất được tính theo: Rhiệu quả = Rthứ cấp*[Vsơ cấp/Vthứ cấp]2
V.8.2. Bảo vệ chống chạm đất 90 ÷ 95% cuộn dây stator
V.8.2.1. Sử dụng các sơ đồ bảo vệ theo điện áp
Nguyên lý bảo vệ chống chạm đất 95% cuộn dây stator thường sử dụng các
phương pháp sau đây (Khi xảy ra chạm đất, véc tơ điện áp 3 pha bị mất cân bằng
dẫn tới điện áp điểm trung tính sẽ tăng lên):

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 232
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

+ Sử dụng máy biến điện áp nối tại trung tính cuộn dây với đất hoặc từ máy
biến áp trung tính (Nếu sử dụng máy biến áp để nối đất trung tính).

Hình 5.42. Biện pháp đo điện áp điểm trung tính

+ Sử dụng máy biến điện áp (BU) đặt tại đầu cực máy phát với thứ cấp đấu
cuộn tam giác hở để thu được điện áp thứ tự không (Chính là điện áp điểm trung
tính cuộn dây máy phát). Điện áp thu nhận được tùy theo vị trí điểm chạm đất trên
cuộn dây stator, điện áp này sẽ lớn nhất khi điểm chạm đất xảy ra tại đầu cực máy
phát:

Hình 5.43. Điện áp tại trung tính theo vị trí điểm chạm đất trên cuộn dây stator

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 233
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

* Giá trị cài đặt


Bảo vệ chống chạm đất 95% cuộn dây stator có thể hoạt động trong các tình
huống sau:

Hình 5.44.

- Khi có sự cố chạm đất trong khu vực stator cuộn dây máy phát.
- Khi có sự cố chạm đất phía cao áp của máy biến áp tăng áp: Dòng chạm đất
có thể trở về qua điện dung ký sinh giữa cuộn cao áp và hạ áp của MBA.
Do vậy chức năng bảo vệ 59N cần đặt với 2 bộ giá trị khởi động:
- Cấp 1: Cài đặt khoảng 5% (Đảm bảo phải lớn hơn giá trị điện áp có thể xuất
hiện trong lúc vận hành do tải không đối xứng). Với ngưỡng cài đặt như vậy thì bảo
vệ cấp này có thể phát hiện được cả sự cố chạm đất phía cao áp. Thời gian đặt cho
cấp này cần có trễ, lớn hơn thời gian làm việc của các bảo vệ chạm đất phía cao áp
máy biến áp.
Do giá trị khởi động khoảng 5 - 10% nên chức năng này chỉ bảo vệ được 90 ÷
95% cuộn dây stator tính từ đầu cực do: Điện áp điểm trung tính sẽ giảm dần khi
điểm chạm đất xuất hiện gần trung tính hơn. Khi điểm chạm đất cách trung tính 5 ÷
10% số vòng dây thì điện áp điểm trung tính có thể thấp hơn ngưỡng khởi động nên
chức năng này sẽ không đủ độ nhạy để hoạt động; do vậy không bảo vệ được 100%
cuộn dây stator. Tuy nhiên xác suất xảy ra sự cố hỏng cách điện tại khu vực 5% còn
lại của cuộn dây stator là rất nhỏ do điện áp thấp; vì vậy với các máy phát nhỏ có
thể chỉ sử dụng chức năng bảo vệ chống chạm đất 90% cuộn dây là đủ, với các máy
phát công suất lớn thì cần phải có thêm bảo vệ 100% cuộn dây stator như đã trình
bày ở trên.
- Cấp 2: Cài đặt khoảng 15%, đảm bảo không tác động khi có sự cố chạm đất
phía cao áp máy biến áp tăng áp. Thời gian đặt: Có thời gian trễ rất ngắn đủ để phối

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 234
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

hợp với cầu chì của biến điện áp (BU) cấp điện cho rơle, tránh việc rơle tác động
khi có sự cố trong BU và cầu chì chưa cắt.

Hình 5.45. Phối hợp chức năng 59N và cầu chì của BU

Hình 5.46. Ví dụ cài đặt bảo vệ chống chạm đất 90% cuộn dây stator theo điện áp

Điện áp do máy phát ra có thể có một tỷ lệ thành phần điện áp hài bậc 3 nhất
định, thành phần điện áp hài bậc 3 có tính chất tương tự như điện áp thứ tự không
và có thể làm rơle hoạt động theo điện áp thứ tự không tác động nhầm. Do vậy tín
hiệu cấp tới các rơle bảo vệ chạm đất theo điện áp (59GN) cần được lọc và chỉ giữ
lại thành phần tần số cơ bản 50Hz; tuy nhiên nếu rơle chỉ tác động với thành phần
tần số cơ bản sẽ không bảo vệ được máy phát trong quá trình khởi động tổ máy
(Tần số đang tăng, chưa đạt giá trị định mức 50Hz). Một số rơle có trang vị chức

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 235
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

năng 59S với tên gọi là rơle bảo vệ chạm đất trước đồng bộ (Presynchronizing
Relay) như sau:

Hình 5.47. Sử dụng kết hợp các rơle phát hiện chạm đất cuộn dây stator

Chức năng này sẽ không hoạt động khi máy phát đã hoạt động bình thường,
chỉ hoạt động khi máy phát đang khởi động (Trước khi hòa đồng bộ), do vậy thời
gian không cần phối hợp với các bảo vệ khác và có thể đặt tác động tức thời.
V.8.2.2. Sử dụng các sơ đồ bảo vệ theo dòng điện
Để bảo vệ chạm đất cuộn dây stator có thể sử dụng các phương thức bảo vệ
theo dòng điện chạm đất:

Hình 5.48. Phương thức đo dòng điện chạm đất

Dòng chạm đất một pha thường rất nhỏ (Thường chỉ 2 ÷ 15 A), do vậy cần sử
dụng các BI hình xuyến hoặc BI nối tại trung tính để đo dòng này (Sơ đồ nối tổng
dòng điện của 3 BI sẽ có sai số đo lường lớn nên thường không được sử dụng).
Với BI hình xuyến (Sơ đồ a), có thể chọn với tỷ số biến rất thấp, ví dụ 50/5.
Sơ đồ này có nhược điểm là BI cồng kềnh, do vậy có thể không sử dụng được khi

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 236
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

không gian của khu vực thiết bị đóng cắt bị giới hạn. Sơ đồ này chỉ sử dụng với các
máy phát nhỏ do đường kính trong của BI lớn nhất chỉ khoảng 30-35cm.
Các sơ đồ này cũng đều chịu ảnh hưởng của thành phần hài dòng điện bậc 3,
với các rơle số thì tín hiệu cấp tới chức năng bảo vệ này đã được lọc và chỉ giữ lại
thành phần tần số cơ bản; do đó giá trị cài đặt có thể đặt thấp (Không cần xét tới
thành phần dòng điện hài bậc 3).
V.8.3. Bảo vệ chống chạm đất 100% cuộn dây stator
Các bảo vệ trình bày ở trên đều chỉ bảo vệ chống chạm đất được 90 ÷ 95%
cuộn dây stator và không bảo vệ được khoảng 5 ÷ 10% còn lại gần trung tính của
cuộn dây. Mặc dù điện áp tại khu vực này không cao, xác suất xảy ra sự cố thấp, do
vậy với các máy phát công suất nhỏ có thể không cần đặt bảo vệ 100%. Tuy nhiên
khi có chạm đất gần trung tính sẽ nối tắt máy biến áp nối đất và rơle bảo vệ chạm
đất; khi có điểm chạm đất thứ hai trên cùng cuộn dây và gần đầu cực sẽ phát sinh
dòng chạm đất lớn, tuy nhiên rơle bảo vệ chạm đất không phát hiện (Do bị nối tắt),
rơle bảo vệ so lệch dọc máy phát cũng không hoạt động vì dòng điện tại hai đầu
cuộn dây vẫn bằng nhau. Do vậy cần phải có bảo vệ để chống chạm đất 100% cuộn
dây stator.
Nguyên lý bảo vệ chống chạm đất 100% cuộn dây stator chia thành hai loại:
Sử dụng thành phần hài bậc 3 và sử dụng nguồn phụ tần số thấp.
V.8.3.1. Bảo vệ chống chạm đất sử dụng thành phần hài điện áp bậc 3
Tất cả các máy phát luôn phát ra một thành phần hài bậc 3 và bội số của 3 với
biên độ rất nhỏ, điện áp đầu cực của máy phát không phải hoàn toàn hình sin. Lý do
của việc luôn có thành phần hài điện áp là do các cuộn dây stator máy phát bố trí
không hoàn toàn đảm bảo cách nhau 120 độ trên lõi từ, khoảng cách khe hở rotor và
stator không hoàn toàn đồng nhất.

Hình 5.49. Từ trường phân bố lệch trong lõi từ của stator do khe hở không đồng nhất

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 237
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Trong các sóng hài thì thành phần hài bậc 3 chiếm tỷ lệ lớn nhất và có tính
chất tương tự như thành phần thứ tự không. Độ lớn của sóng hài bậc 3 này phụ
thuộc vào thiết kế của máy phát và mức độ mang tải. Điện áp hài bậc 3 phân bố dọc
trên cuộn dây stator như hình sau:

Hình 5.50. Phân bố điện áp hài bậc 3 ở chế độ bình thường theo các mức tải

Độ lớn của điện áp hài bậc 3 có ý nghĩa quan trọng khi cài đặt chức năng bảo
vệ theo hài bậc 3, giá trị thành phần điện áp này nên ít nhất là 1% với mọi mức tải
và chế độ vận hành (Một số báo cáo cho thấy có thể gặp mức 0,2%). Mức giá trị
nhỏ nhất này cần thiết để rơle có thể phân biệt được giữa chế độ vận hành bình
thường và chế độ sự cố. Thông thường điện áp hài bậc 3 này dao động trong khoảng
1 ÷ 10% của điện áp pha, trong chế độ tải nhẹ điện áp hài bậc 3 bằng khoảng ½ giá
trị khi máy phát đầy tải. Trước khi sử dụng sơ đồ bảo vệ này cần đo dải điện áp hài
bậc 3 có thể xuất hiện trong mọi chế độ vận hành, bao gồm cả khi máy phát chưa
nối lưới và đã nối lưới.
Phân bố thành phần điện áp hài bậc 3 này khi xảy ra sự cố chạm đất tại trung
tính và đầu cực máy phát như sau:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 238
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.51. Phân bố điện áp hài bậc 3 khi chạm đất tại trung tính (a) và đầu cực (b)

+ Sơ đồ bảo vệ sử dụng rơle điện áp thấp theo hài bậc 3 (27H)

Hình 5.52. Sơ đồ bảo vệ chống chạm đất cuộn dây stator theo hài điện áp thấp

Sơ đồ trên gồm có rơle hài điện áp thấp 27H và rơle bảo vệ theo điện áp điểm
trung tính 59GN (Hoạt động ở tần số 50Hz). Rơle 59GN bảo vệ được khoảng 95%
cuộn dây tính từ đầu cực; khi sự cố xảy ra trong khoảng 5% gần trung tính sẽ làm
điện áp hài bậc 3 đo được giảm đi đủ để rơle 27H làm việc. Để đảm bảo phạm vi
bảo vệ 100% thì vùng bảo vệ của 59GN và 27H phải có vùng chồng lấn.
Việc tính toán giá trị cài đặt hợp lý cho 27H khá khó khăn do rơle phải không
làm việc ở chế độ bình thường với điện áp hài nhỏ nhất, mặt khác cũng cần cài đặt
đủ lớn để có thể bảo vệ khi 59GN không đủ nhạy để hoạt động.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 239
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Có thể sử dụng kết hợp với rơle điện áp cao 59C để giám sát (khóa) rơle 27H,
tránh việc rơle 27H làm việc nhầm khi trong quá trình khởi động hoặc trong dừng tổ
máy.
+ Sơ đồ bảo vệ sử dụng rơle điện áp cao theo hài bậc 3 (59H)

Hình 5.53. Sơ đồ bảo vệ chống chạm đất cuộn dây stator theo hài điện áp cao

Hoàn toàn tương tự như trên, có thể sử dụng rơle hài điện áp cao 59T nối tại
cuộn tam giác hở của BU đầu cực máy phát để bảo vệ chống chạm đất stator. Các
yêu cầu cài đặt với rơle này sẽ ngược lại với 27H đã trình bày ở trên.
+ Sơ đồ bảo vệ sử dụng tỷ số hài điện áp (59D)

Hình 5.54. Sơ đồ bảo vệ chống chạm đất cuộn dây stator theo tỷ số hài điện áp

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 240
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Việc tính toán chỉnh định các rơle hài điện áp thấp và điện áp cao thường khá
phức tạp do điện áp hài thay đổi theo chế độ làm việc, điện áp hài nhỏ nhất khi tải
nhẹ có thể không đủ để rơle hoạt động. Sơ đồ bảo vệ theo tỷ số điện áp hài đầu cực
và trung tính có thể khắc phục được các trở ngại này.
Tỷ số hài điện áp không thay đổi ở chế độ vận hành bình thường, khi có sự cố
chạm đất tỷ số này sẽ biến đổi và rơle phát hiện được sự cố, tuy nhiên rơle sẽ không
hoạt động nếu sự cố xảy ra tại vị trí “Điểm không” trên cuộn dây stator. Do đó sơ
đồ này cần sử dụng kết hợp với bảo vệ 59GN để có vùng chồng lấn bảo vệ.

Hình 5.55.

Các bảo vệ trên cần sử dụng kết hợp để đảm bảo phát hiện sự cố trên 100%
cuộn dây stator:

Hình 5.56. Phối hợp các bảo vệ chống chạm đất cuộn dây stator

Trong một số trường hợp như khi tải nhẹ hoặc tại số mức tải nào đó điện áp
hài bậc 3 có thể rất thấp dẫn đến 27TN khởi động nhầm; để tránh tình huống này

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 241
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

cần xem xét khóa bảo vệ trong các tình huống sau:
- Luồng công suất hướng thuận thấp (Low forward power)
- Luồng công suất hướng ngược thấp (Low reverse power): Sử dụng cho các
máy phát khi làm việc ở chế độ động cơ với loại hình thủy điện tích năng
- Công suất phản kháng thấp (Phát/ nhận)
- Hệ số công suất thấp.
V.8.3.2. Bảo vệ chống chạm đất sử dụng nguồn phụ tần số thấp
Các máy phát loại lớn thường được trang bị với chức năng bảo vệ chống chạm
đất 100% cuộn stator dựa trên bơm nguồn phụ tần số thấp.
Nguyên lý hoạt động: Chủ động phát một điện áp tần số thấp vào cuộn stator
máy phát và đo dòng điện thu được. Điện áp bơm vào là điện áp xoay chiều nên có
khả năng lan truyền lên hệ thống qua MBA tăng áp, do đó để tránh điện áp này
không lan truyền lên phía cao áp của MBA tăng áp thì điện áp này bắt buộc phải là
điện áp TTK, cuộn tam giác của MBA tăng áp sẽ chặn sự lan truyền của thành phần
TTK này lên lưới. Phương thức này chỉ áp dụng với các máy phát nối đất qua tổng
trở cao, tín hiệu tần số thấp được bơm vào qua MBA nối đất trung tính; hoặc tín
hiệu có thể bơm vào qua MBA nối đất phía đầu cực máy phát.

Hình 5.57. Sơ đồ phương pháp bơm nguồn phụ và các vị trí có thể bơm tín hiệu

Mục đích của bảo vệ này là bơm tín hiệu điện áp tần số thấp vào rơle và giám
sát dòng điện rò qua cách điện, từ đó tính toán ra độ lớn của điện trở cách điện. Nếu
dòng điện rò tăng lên chứng tỏ thành phần điện trở cách điện đã bị giảm và cách

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 242
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

điện bị suy yếu. Bảo vệc có cách cấp cảnh bảo và cắt máy phát theo giá trị điện trở
cách điện đo được.
Sơ đồ thay thế của mạch bơm nguồn phụ tần số thấp:

Hình 5.58.

Trong đó ZCB là tổng trở của cáp nối từ nguồn phát tần số thấp tới điện trở
trung tính; ZTR là tổng trở của MBA trung tính; C INS là điện dung ký sinh của các
phần tử trong mạch bao gồm: Điện dung pha-đất của cuộn stator, điện dung của
chống sét van, điện dung của cuộn tam giác MBA tăng áp, điện dung của các MBA
tự dùng và điện dung của bất cứ thiết bị nào nối cùng cấp điện áp đó; R INS là điện
trở cách điện của cuộn stator. Rơle sẽ đo điện áp bơm vào VINJ và dòng điện thu
được IINJ, từ đó tính ra các giá trị RINS và CINS.
Để có thể tính toán RINS với độ chính xác cao hơn cần giảm thành phần dòng
rò do dung kháng bằng cách sử dụng tín hiệu tần số thấp.
- Tại tần số thấp thì tổng trở (Dung kháng) của cuộn dây stator có giá trị lớn và
dòng điện dung kháng tần số thấp ở chế độ bình thường sẽ nhỏ.
- Tín hiệu tần số thấp sẽ không bị nhiễu bởi các hài bậc cao có trong máy phát
và hệ thống, do vậy dễ dàng lọc được tín hiệu mong muốn.
Phương pháp này có ưu điểm là liên tục giám sát được điện trở cách điện của
cuộn dây, kể cả khi máy phát ở trạng thái nghỉ, độ nhạy của sơ đồ gần như không
thay đổi khi sự cố xảy trên bất cứ điểm nào thuộc cuộn stator.
Giá trị cài đặt:
Điện trở cách điện với các máy phát mới thường lớn hơn 100 kΩ, điện trở
cách điện này sẽ giảm dần khi máy phát bị già hóa, giá trị khởi động của 64S có thể
đặt thấp hơn giá trị điện trở cách điện cho phép theo qui định.
Việc liên tục giám sát điện trở cách điện RINS giúp phát hiện sớm sự xuống
cấp của cách điện; giám sát giá trị C INS giúp phát hiện được các vấn đề liên quan tới
nối đất trong mạch stator.
Một số loại máy phát khởi động với cuộn kích từ đã có điện (Ví dụ máy phát
tuabin khí), với loại máy phát này thì chức năng 64S cần được khóa trong quá trình

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 243
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

khởi động vì khi tần số máy phát tăng dần có thể trùng với tần số của tín hiệu bơm
vào. Để tránh điều này một số bộ bơm tín hiệu cho phép bơm đồng thời nhiều tín
hiệu với tần số khác nhau (Multisine signal), do vậy khi khởi động chỉ một tín hiệu
bị ảnh hưởng.
So sánh phạm vi bảo vệ của các bảo vệ:

Hình 5.59.

V.9. Bảo vệ quá dòng thứ tự nghịch


V.9.1. Ảnh hưởng của dòng điện thứ tự nghịch
Dòng thứ tự nghịch trong cuộn stator tạo ra một từ trường quay với chiều
ngược lại chiều quay của rotor, do đó quét qua rotor với tộc độ gấp 2 lần tốc độ
đồng bộ; do đó sinh ra dòng điện cảm ứng với tần số gấp 2 lần tần số làm việc bình
thường. Dòng điện cảm ứng tần số cao này gây ra các dòng xoáy tại bề mặt rotor và
gây phát nóng bề mặt rotor, phát nóng cuộn cản (Nếu có), các vành chặn cuộn dây
rotor, … do tần số cao nên dòng xoáy thường chỉ xâm nhập ít hơn 1 mm bề mặt vật
dẫn. Chi tiết các ảnh hưởng có thể liệt kê như sau:
V.9.1.1. Hiệu ứng về nhiệt
Từ trường TTN gây ra dòng điện cảm ứng với tần số 100Hz (Gấp 2 lần tần số
định mức 50Hz), dòng điện cảm ứng này sẽ đi qua các kết cấu khác nhau của rotor
tùy theo cấu trúc của máy phát.
Với rotor cực ẩn dòng cảm ứng 100HZ này chạy trên bề mặt rotor (Răng và
mặt cực từ), vành chặn cuộn dây.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 244
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.60. Dòng điện cảm ứng 100 Hz trong rotor cực ẩn

Cuộn cản sử dụng với các máy phát cực lồi, cuộn cản gồm các thanh dẫn bằng
đồng hoặc nhôm đặt phân bố đều trên mặt cực từ. Nhiệm vụ của cuộn cản là để
giảm dao động trong quá trình xảy ra dao động điện.

Hình 5.61. Cuộn cản trên rotor các máy phát cực lồi

Khi có từ trường TTN sẽ sinh ra dòng điện cảm ứng chạy trong các cuộn cản
này của máy phát cực lồi.
V.9.1.2. Hiệu ứng tạo mô men cản
Ngoài việc gây phát nóng, dòng TTN còn sinh ra mô men cản ngược chiều với
mô men do thành phần TTT sinh ra.
Mô men cản này tỷ lệ với bình phương độ lớn dòng điện TTN và tạo ra các
xung động với tần số 100 Hz. Các xung động này lan truyền sang stator và gây rung
động, có thể làm suy yếu các nền đỡ nếu máy phát không được đặt trên hệ thống

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 245
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

giảm chấn. Tuy nhiên trong một số tình hướng thì mô men cản này lại có lợi, ví dụ
khi xảy ra sự cố không đối xứng, thì mô men cản này hạn chế khả năng tăng tốc của
rotor, do đó giúp duy trì tính ổn định của hệ thống.

Hình 5.62.

V.9.2. Khả năng chịu quá nhiệt do dòng điện TTN của các máy phát đồng bộ và
bảo vệ quá dòng TTN
Khả năng chịu quá nhiệt do dòng TTN được chia thành quá nhiệt liên tục và
quá nhiệt ngắn hạn. Khả năng chịu nhiệt ngắn hạn và liên tục của máy phát tùy
thuộc vào giới hạn nhiệt độ của thân rotor, vành chặn, cuộn cản, thanh chèn rãnh
(Wedges).

Hình 5.63.

Độ lớn dòng TTN cho phép liên tục nằm trong khoảng 5÷10 % dòng định mức
của máy phát. Tham khảo tiêu chuẩn IEEE Std C37.102-1995 IEEE Guide for AC

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 246
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Generator Protection:

Giới hạn chịu nhiệt ngắn hạn của máy phát được xác định theo phương trình:

Trong đó I2 là độ lớn dòng điện TTN (Tính theo pu); t là thời gian tính bằng
giây.
Giá trị K dao động trong khoảng từ 5 ÷ 40, tùy thuộc vào kiểu và công suất
của máy phát, các máy phát cực lồi có khả năng chịu dòng TTN tốt hơn. Bảng sau
liệt kê giá trị K cho một số loại máy phát và độ lớn dòng TTN cho phép liên tục
(Tham khảo tiêu chuẩn IEEE Std C37.102-1995 IEEE Guide for AC Generator
Protection).

Hình 5.64. Thanh dẫn máy phát kiểu làm mát gián tiếp và trực tiếp

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 247
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Do các tác hại của dòng TTN chủ yếu thể hiện ở việc gây phát nóng do đó
thường các bảo vệ quá dòng TTN là loại hoạt động có trễ dựa theo mô hình nhiệt
của đối tượng được bảo vệ ( ).

Hình 5.65.

Bảo vệ sử dụng đặc tính thời gian phụ thuộc điều chỉnh phù hợp với phương
trình của máy phát, thông thường bảo vệ được cài đặt để hoạt động trước
khi tới giới hạn này. Ngưỡng cảnh báo được đặt thấp hơn với giá trị khởi
động khoảng 0.03 - 0.2 pu.
Để tránh trường hợp khi xảy ra ngắn mạch không đối xứng, dòng TTN tăng
cao nhưng bảo vệ vẫn hoạt động có trễ thì đặc tính phụ thuộc của bảo vệ được trang
bị thêm một phần đặc tính độc lập với thời gian tác động rất ngắn như trên hình
5.66.

Hình 5.66. Đặc tính thời gian tác động của bảo vệ I2> thông thường

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 248
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Chức năng bảo vệ quá dòng TTN này đồng thời cũng phát hiện được các hiện
tượng mất pha, ngược cực tính BI hoặc các sự cố không đối xứng với dòng ngắn
mạch nhỏ hơn ngưỡng khởi động của rơle quá dòng pha thông thường.
V.10. Bảo vệ chống luồng công suất ngược
V.10.1. Ảnh hưởng tới tuabin hơi và các loại tuabin khác
Nguyên nhân gây ra chế độ luồng công suất ngược có thể do lỗi vận hành, do
trục trặc máy cắt đầu cực không cắt khi ngừng tổ máy hoặc do hỏng hóc cơ khí.
Trong các nhà máy điện thường có cả hệ thống bảo vệ cơ khí và rơle điện để phát
hiện chế độ này.
Khi nguồn năng lượng sơ cấp sinh công quay tuabin bị mất thì máy phát
chuyển sang hoạt động ở chế độ động cơ, thông thường kích từ không bị ảnh hưởng
bởi việc mất năng lượng sơ cấp vào tuabin, do vậy máy phát hoạt động như động cơ
đồng bộ. Ngay khi công suất tác dụng đảo chiều thì công suất Q và điện áp đầu cực
V giữ không đổi, sau đó công suất phát Q sẽ được tự điều chỉnh để duy trì điện áp
đầu cực ứng với chế độ không phát P. Nếu trước đó máy phát đang phát Q thì khi
rơi vào chế độ động cơ máy phát sẽ phát tăng Q và ngược lại. Tốc độ điều chỉnh Q
tùy thuộc vào loại năng lượng sơ cấp: Các máy phát tuabin hơi sẽ có tốc độ điều
chỉnh/thay đổi Q chậm hơn rất nhiều so với các máy phát kéo bởi động cơ diezen.
Nếu chế độ động cơ xảy ra khi máy phát đang ở chế độ điều chỉnh kích từ
bằng tay, mang tải gần định mức thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng cao hơn do dòng
kích từ đang giữ ở mức cao ứng với P xấp xỉ định mức, do mất P đột ngột nên dòng
kích từ lớn này sẽ gây quá áp.
Nếu việc mất năng lượng sơ cấp đi kèm theo cả việc mất kích từ thì máy phát
sẽ hoạt động như động cơ không đồng bộ, việc mất đồng bộ giữa rotor và từ trường
quay stator sẽ gây dòng cảm ứng trên rotor, nếu vận hành lâu sẽ dẫn tới hậu quả như
mất đồng bộ.
Chế độ động cơ gây nguy hiểm cho tuabin, làm phát nóng quá mức cánh
tuabin hơi do hơi không lưu chuyển được để làm mát, gây nguy hiểm cho hộp số
của các tuabin khí do các hộp số này không được thiết kế ở chế độ quay ngược.
Nguy hiểm với các tuabin hơi: Ma sát với không khí sẽ làm nóng cánh tuabin,
thông thường luồng hơi chạy qua tuabin có tác dụng duy trì nhiệt độ theo thiết kế, ở
chế độ động cơ sẽ không có luồng hơi này và dẫn tới nhiệt độ tăng lên, gây biến
dạng hoặc biến tính các cánh tuabin. Các tầng tuabin cánh dài có vận tốc đầu cánh
lớn dẫn tới tăng nhiệt nhiều hơn, vì vậy nguy hiểm thường xảy ra đầu tiên với các
tầng cánh dài áp suất thấp. Một vấn đề khác là khi không có luồng hơi sẽ không giữ
được khả năng cân bằng nhiệt độ giữa các tầng cánh và dễ gây biến dạng hư hỏng
tuabin. Lượng hơi tối thiểu cần thiết để cân bằng nhiệt, làm mát thay đổi tùy theo

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 249
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

thiết kế tuabin, lượng hơi tối thiểu này tương ứng với lượng công suất P phát ra tối
thiểu; do đó các máy phát còn được trang bị rơle bảo vệ dòng công suất nhỏ nhất.
Nguy hiểm với tuabin nước: Bánh xe công tác vẫn quay trong nước, tuy nhiên
cánh tuabin có thể bị hư hại do hiện tượng xâm thực. Hiện tượng này xảy ra khi
máy phát-tuabin hoạt động như động cơ bơm nước với cột nước thấp.
Bảo vệ chống luồng công suất ngược dựa vào cả rơle cơ khí và rơle điện.
V.10.2. Các bảo vệ cơ khí với tuabin hơi
Do việc phát nóng quá mức thường xảy ra ở vùng khí xả của tuabin hơi nên
đặt cảm biến nhiệt độ tại khu vực này có thể phát hiện được hiện tượng luồng công
suất ngược, cảm biến nhiệt độ này chỉ sử dụng để cảnh báo và không sử dụng là bảo
vệ chính.
Các cảm biến giám sát vị trí các van hơi có thể sử dụng để chỉ báo vị trí van
hơi đang đóng, tương ứng với việc mất áp lực hơi. Do số lượng van hơi rất nhiều
đối với các máy phát lớn nên cần yêu cầu đồng thời tất cả các van này ở vị trí đóng
mới xác thực được hiện tượng mất áp lực hơi; tuy nhiên việc hiệu chỉnh các cảm
biến vị trí để cùng làm việc chính xác sẽ khá phức tạp.
Một giải pháp khác là đo chênh lệch áp suất giữa đầu vào và ra của tuabin cao
áp có khả năng phát hiện tốt luồng công suất ngược.
Do các bảo vệ cơ khí này có độ tin cậy và tính chính xác không cao nên bảo vệ
cơ khí luôn phải kết hợp với bảo vệ điện để xác thực việc mất nguồn năng lượng sơ
cấp trước khi ra lệnh cắt máy cắt.
V.10.3. Các bảo vệ theo đại lượng điện
Các rơle điện dựa vào dòng công suất ngược chạy vào máy phát, độ lớn dòng
công suất ngược này tùy thuộc vào ma sát, tổn hao do tuabin hoạt động như máy
nén và tổn hao điện trong máy phát. Công suất ngược này phụ thuộc vào thiết kế và
chủng loại tuabin (Tuabin nước, hơi, khí, diesel) và có thể chỉ chiếm một vài phần
trăm của công suất tác dụng định mức của máy phát (Máy phát thủy điện) hoặc có
thể lên tới 100% với một số loại tuabin hơi. Để phát hiện được các luồng công suất
ngược rất nhỏ thì sai số đo lường phải rất nhỏ, do vậy có thể sử dụng BU & BI đo
lường cho chức năng bảo vệ này.
Rơle chống luồng công suất ngược thường đặt có thời gian trễ để tránh hoạt
động sai do các biến động ngắn hạn. Mặt khác trong chế độ hòa đồng bộ hoặc dao
động điện có thể xảy ra hiện tượng luồng công suất ngược và do đó cần phải làm trễ
bảo vệ để tránh rơle tác động trong trường hợp này. Tuy nhiên khi van dừng khẩn
cấp của tuabin đã tác động (Emergency stop valve) thì chức năng 32R nên được rút
ngắn thời gian trễ, rơle thực hiện logic này bằng cách nhận tín hiệu từ van khẩn cấp
qua đầu vào nhị phân và kích hoạt rút ngắn thời gian.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 250
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

V.11. Bảo vệ chống chạm đất cuộn dây rotor


Mạch cấp điện cho cuộn dây rotor không nối đất nên khi xảy ra sự cố chạm đất
một điểm sẽ không gây nguy hại gì cho máy phát. Tuy nhiên nếu đã có điểm sự cố
thứ nhất thì rất nhiều khả năng sẽ kéo theo điểm sự cố thứ hai, điểm chạm đất thứ
hai sẽ nối tắt một số vòng dây của cuộn rotor, gây ra dòng điện lớn chạy trong thân
rotor qua hai điểm chạm đất; từ trường trong khe hở rotor - stator bị lệch, tạo ra các
mô men xoắn, gây rung động cơ khí, hư hại tới rotor và ổ đỡ (Ổ bi, ổ bạc), méo
sóng điện áp, …
Chức năng bảo vệ chống chạm đất cuộn dây rotor thường đưa ra tín hiệu cảnh
báo nếu có điểm chạm đất thứ nhất, tuy nhiên khi đó bắt buộc phải có thêm thiết bị
giám sát độ rung và có khả năng gửi tín hiệu cắt máy phát nếu độ rung quá mức cho
phép.
Có một số phương thức bảo vệ để chống lại dạng sự cố này và chủ yếu dựa
trên nguyên lý bơm thêm nguồn phụ vào mạch rotor.
V.11.1. Phương pháp bơm nguồn phụ xoay chiều (ac)

Hình 5.67. Phương pháp bơm nguồn phụ xoay chiều

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 251
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Điện áp xoay chiều được bơm vào mạch rotor cùng với một rơle quá dòng đấu
nối tiếp (Rơle 64F). Tụ C có tác dụng hạn chế dòng qua rơle khi có sự cố chạm đất
và cách ly giữa mạch rotor điện áp một chiều và mạch bơm nguồn áp xoay chiều.
Ở chế độ bình thường, dòng điện chạy qua rơle gồm hai thành phần:
- Thành phần dòng điện dung chạy qua điện dung của cuộn rotor so với đất
- Thành phần dòng rò thông qua cách điện của rotor (Tuy nhiên thành phần
này có giá trị rất nhỏ)
Dòng điện khởi động của rơle cần đặt lớn hơn tổng hai thành phần dòng điện
trên đây. Khi sự cố chạm đất xảy ra thì các điện dung của cuộn dây rotor bị nối tắc
thông qua điện trở của điểm sự cố, dòng điện qua rơle tăng lên và rơle khởi động.
Phương pháp này có nhược điểm là rơle sẽ vận hành tốt hay không hoàn toàn
tùy theo chế độ nối đất của cuộn dây rotor. Thông thường dòng điện chạy xuống đất
sẽ đi qua khu vực ổ bi của trục quay (Hình 5.68), tức là đi qua màng dầu ổ bi. Tuy
nhiên màng dầu ổ bi có tính chất cách điện và dòng điện sẽ rất nhỏ không đủ độ
nhạy để rơle khởi động, vấn đề này có thể khắc phục bằng cách tăng điện áp xoay
chiều bơm vào, đủ để chọc thủng màng dầu dẫn dòng điện xuống đất. Phương pháp
tăng điện áp xoay chiều lại gây ra vấn đề khác đó là có dòng điện rò liên tục đi qua
ổ bi và có thể gây ăn mòn điện hóa mạnh; giải pháp triệt để hơn cả là sử dụng chổi
than nối đất, tạo đường dẫn tin cậy về đất.

Hình 5.68. Một số kiểu chổi than hổi than nối đất

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 252
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Trong quá trình vận hành nếu chổi than nối đất bị hở mạch (Brush lift-off) sẽ
dẫn tới hiện tượng có dòng tản gây ăn mòn điện hóa các ổ trục.

Hình 5.69. Đường dẫn của dòng điện tản khi hở mạch chổi than

Chức năng này hoạt động dựa trên nguyên lý khi chổi than nối đất trục rotor bị
hở mạch sẽ làm điện dung của cuộn rotor giảm mạnh.
V.11.2. Phương pháp bơm nguồn phụ một chiều (dc)

Hình 5.70. Phương pháp bơm nguồn phụ xoay chiều

Phương pháp bơm nguồn phụ một chiều có ưu điểm là không có dòng điện rò
qua điện dung của cuộn rotor và đất, do vậy có thể cài đặt với dòng điện khởi động
nhỏ và rơle có độ nhạy cao hơn.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 253
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Sơ đồ dùng nguồn phụ DC có nhược điểm là có thể vẫn có dòng điện qua các
điện dung cuộn rotor - đất khi máy phát khởi động hoặc trong các tình huống mà
dòng kích từ thay đổi đột ngột (Cường hành kích thích, tăng/ giảm đột ngột dòng
kích từ, …). Lý do có dòng điện qua điện dung là do khi điện áp kích từ thay đổi sẽ
có dòng điện nạp cho các tụ ký sinh, dòng điện này sẽ bằng 0 khi các tụ ký sinh
được nạp đầy.
Với sơ đồ DC: Cực tính nguồn phụ cần được đấu nối theo sơ đồ cộng với điện
áp kích từ (Cực “+” nguồn DC nối tới cực “-” của điện áp kích từ).
Nếu không theo phương thức này thì sơ đồ bảo vệ sẽ có 1 điểm chết trên cuộn
dây rotor không thể phát hiện chạm đất: Là điểm mà tại đó điện áp DC bằng nhưng
ngược chiều với điện áp kích từ.
Để tránh nhược điểm còn tồn tại điểm chết của sơ đồ trên, sơ đồ bảo vệ phát
hiện chạm đất 100% cuộn dây rotor được thực hiện như sau:

Hình 5.71.

Sơ đồ mạch cầu gồm 2 điện trở R1, R2 và điện trở phi tuyến (Có điện trở thay
đổi tùy theo điện áp đặt vào). Khi có sự cố chạm đất sẽ có điện áp đặt vào rơle 64G
và rơle sẽ cảnh báo.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 254
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Sơ đồ này về nguyên tắc có điểm chết khi điểm chạm đất tạo thành cầu cân
bằng với các điện trở R2 và {R1+R phi tuyến}. Do điện áp kích từ được điều chỉnh tùy
theo phụ tải trong ngày nên điện áp đặt vào điện trở phi tuyến thay đổi, dẫn tới giá
trị Rphi tuyến cũng thay đổi và điểm chết sẽ không cố định. Do điểm chết thay đổi theo
phụ tải ngày nên dễ dàng phát hiện được sự cố chạm đất cho 100% cuộn dây rotor.
So sánh hai phương án bơm nguồn phụ cho thấy:
- Phương pháp bơm nguồn xoay ac chiều không bị ảnh hưởng của quá độ dòng
dc trong mạch kích từ.
- Hệ thống bơm nguồn một chiều dc dễ bị cảnh báo nhầm do quá độ dc, dẫn
tới người vận hành có thể không lưu tâm và tạo ra nguy cơ có sự cố thực mà không
được phát hiện.
V.12. Bảo vệ quá từ thông lõi từ (V/f)
V.12.1. Nguyên nhân gây quá từ thông mạch từ và hệ quả
Các máy phát, máy biến áp, động cơ điện đều sử dụng lõi từ và cần có từ
thông chạy trong lõi từ để vận hành. Lõi từ của các thiết bị đều được thiết kế với tiết
diện đủ để chứa lượng từ thông ứng với tải định mức cộng thêm một phần dự trữ;
hiện tượng quá từ thông xảy ra khi từ thông trong lõi từ vượt quá mức thiết kế. Từ
thông trong lõi từ tỷ lệ với tỷ số V/f, do đó các bảo vệ hiện nay đều dựa trên tỷ số
này.
Quá từ thông xảy ra khi điện áp tăng cao tại tần số định mức hoặc khi điện áp
định mức nhưng tần số giảm thấp hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên; do đó trong các
bộ điều khiển kích từ luôn tích hợp chức năng tự động điều chỉnh dòng kích từ đảm
bảo tỷ số V/f, không xét tới giá trị điểm đặt điện áp của bộ điều khiển trong quá
trình khởi động hoặc cắt tổ máy. Khi quá từ thông xảy ra sẽ gây hiện tượng phát
nóng do dòng xoáy và hiện tượng từ trễ làm giảm tuổi thọ của thiết bị. Tổn hao do
dòng xoáy tỷ lệ với mật độ từ thông và bình phương của tần số, tổn hao từ trễ tỷ lệ
theo hàm mũ của 1.5 ÷ 2.5 với mật độ từ thông tùy theo loại vật liệu; lõi từ được
ghép lại từ các lá thép mỏng để giảm tổn hao do dòng xoáy.
Khi xảy ra hiện tượng quá từ thông, lõi từ bị bão hòa sẽ dẫn tới từ thông móc
vòng ra các kết cấu lân cận. Việc phát nóng lõi thép tới mức có thể gây hư hại các lá
thép cần mức độ quá từ thông rất lớn và diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên khi từ
thông móc vòng ra các kết cấu lân cận sẽ nhanh chóng gây hư hại do hiệu ứng nhiệt
vì các kết cấu này không được ghép lại từ các lá thép mỏng.
Với máy phát điện khi xả ra quá từ thông sẽ gây quá nhiệt ở khu vực cạnh lõi
thép cuộn dây stator, đồng thời dòng cảm ứng lớn trong các lá thép có thể tạo ra
chênh lệch điện áp lớn giữa các lá thép tới mức có thể phá hỏng cách điện giữa các
lá thép này.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 255
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.72. Hư hỏng do quá từ thông khu vực cạnh lõi từ stator

V.12.2. Các bảo vệ và tính toán chỉnh định


Các tiêu chuẩn hiện nay không qui định cụ thể về giới hạn tỷ số V/f đối với
máy phát hay MBA, tuy nhiên việc qui định giới hạn điện áp tại tần số định mức
tương ứng với việc qui định giới hạn V/f dài hạn cho phép. Ví dụ tiêu chuẩn cho
phép thiết bị vận hành với điện áp thay đổi trong dải ±5%, tương ứng với việc cho
phép tỷ số V/f dài hạn lớn nhất là 1.05 (pu). Các máy phát và MBA có thể chịu
được mức độ quá từ thông trong thời gian ngắn hạn, tùy theo mức độ tăng nhiệt của
các phần tử theo thiết kế của nhà sản xuất; do thiết kế của các nhà sản xuất không
giống nhau nên không thể chuẩn hóa giới hạn quá từ thông ngắn hạn này. Do vậy
nên sử dụng số liệu cung cấp từ nhà sản xuất khi cài đặt các thiết bị bảo vệ.
Phương thức bảo vệ quá từ thông lõi từ cho máy phát có thể dựa theo rơle tác
động theo đại lượng V/f đặt tại đầu cực máy phát, hoặc dựa trên các mạch giới hạn
tỷ số V/f tích hợp trong các bộ tự động điều chỉnh điện áp hoặc sử dụng rơle giám
sát dòng kích từ và điện áp.
V.12.2.1. Các bộ giới hạn tỷ số V/f
Bộ giới hạn tỷ số V/f được tích hợp trong hầu hết các hệ thống kích từ của các
máy phát công suất vừa và lớn. Bộ giới hạn đo điện áp và tần số tại đầu cực máy
phát và điều chỉnh dòng kích từ đảm bảo máy phát không vận hành vượt quá tỷ số
V/f qui định. Các bộ giới hạn hiện đại cho phép quá từ thông diễn ra trong một
khoảng thời gian nhất định theo đặc tính phụ thuộc, việc sử dụng bộ giới hạn với
đặc tính độc lập sẽ ngăn cản việc tối ưu đáp ứng của máy phát trong các tình huống
khẩn cấp. Thời gian trễ của bộ giới hạn cần nhỏ hơn thời gian làm việc của các rơle
V/f để tránh các rơle V/f cắt máy phát trong giai đoạn bộ giới hạn đang điều chỉnh.
V.12.2.2. Rơle tác động theo tỷ số V/f (Chức năng 24)

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 256
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Rơle V/f sử dụng để bảo vệ chống quá từ thông cho máy phát, máy biến áp
tăng áp và máy biến áp tự dùng lấy tín hiệu từ đầu cực máy phát.

Hình 5.73.

Đặc tính làm việc của rơle có thể chọn là loại độc lập hoặc phụ thuộc, tuy
nhiên đặc tính phụ thuộc phù hợp hơn vì cho phép mức độ quá từ thông ngắn hạn
linh động hơn. Giá trị khởi động của chức năng 24 này dựa trên tỷ số V/f thấp nhất
của các thiết bị nối chung (Máy phát, máy biến áp tăng áp, máy biến áp tự dùng).
Với các máy phát điện giá trị giới hạn V/f là 105% tại mọi chế độ tải, do đó
giá trị khởi động đặt cao hơn 105% + dự phòng (Bao gồm sai số rơle + sai số BU +
một phần dự phòng).
V.13. Bảo vệ theo tần số (81O, 81U)
V.13.1. Ảnh hưởng của tần số tới máy phát và tuabin và hệ thống kích từ
V.13.1.1. Ảnh hưởng tới các máy phát điện
Vấn đề tần số thấp hơn định mức gây các ảnh hưởng nhiều hơn so với vận
hành ở tần số cao vì có thể nhanh chóng điều chỉnh giảm công suất phát để điều
chỉnh lại tần số. Khi tần số cao tốc độ trục quay tăng và hiệu quả làm mát tốt hơn,
tăng khả năng mang tải của máy phát., tuy nhiên khi khi máy phát vận hành với
kích từ ở chế độ điều chỉnh tay thì việc tăng tốc độ kéo theo điện áp đầu cực máy
phát cũng tăng.
Khi tần số thấp cần giải pháp điều chỉnh mang tính hệ thống, bản thân máy
phát không thể điều chỉnh toàn bộ tần số của hệ thống. Tốc độ quay giảm sẽ làm
giảm hiệu quả làm mát do đó cần giảm tải tương ứng và giảm điện áp để tránh quá
từ thông. Khi tốc độ máy phát giảm tới 90 ÷ 95% tốc độ định mức thì bắt buộc phải
giảm cả điện áp và dòng điện, do vậy công suất phát sẽ ra sẽ giảm tỷ lệ với bình
phương của tốc độ.
Một hệ thống vận hành ở tần số thấp tương ứng với đang thiếu công suất, các
máy phát đều phải tăng công suất phát, các bộ kích từ phải tăng kích từ để duy trì
điện áp, do đó khả năng vận hành ở tần số thấp ngắn hạn một phần còn phụ thuộc

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 257
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

vào giới hạn của hệ thống kích từ. Các tiêu chuẩn hiện nay không qui định giới hạn
tần số thấp cho các máy phát, do đó nên sử dụng các thông số này từ nhà sản xuất.
V.13.1.2. Ảnh hưởng tới các tuabin hơi
Các tuabin hơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với máy phát khi tần số thấp do
phải tránh hiện tượng cộng hưởng cơ khí với các cánh tuabin, hiện tượng cộng
hưởng này gây nguy hiểm nhiều hơn cho các vùng cánh dài áp suất thấp. Nhà sản
xuất hệ thống tuabin cần cung cấp các giới hạn thời gian vận hành cho phép tại các
mức tần số thấp.
Khi máy phát vận hành với tải mất cân bằng sẽ gây ra thành phần mô men cản
TTN (Với tần số 100Hz), các mô men cản này sẽ gây ảnh hưởng tích lũy tới tuabin.
V.13.1.3. Ảnh hưởng tới các tuabin khí
Các tuabin khí cũng chịu ảnh hưởng của hiện tượng cộng hưởng khi tần số
thấp. Một vấn đề khác là khi vận hành với tần số thấp là gây suy giảm mạnh công
suất đầu ra do giảm dòng khí chạy qua tuabin, khi lượng khí chạy qua suy giảm sẽ
làm giảm hiệu quả làm mát dẫn tới tuabin có thể bị cắt ra do quá nhiệt. Khi vận
hành ở tốc độ quay thấp các tuabin có thể dễ rơi vào trạng thái thất tốc do luồng hơi
suy giảm đột ngột do hiện tượng xung động máy nén (Compressor surge), hiện
tượng xung động máy nén còn gây các dao động nhanh về áp suất và dòng chảy,
tăng nhiệt độ và gây phá hủy về mặt cơ khí.
V.13.1.4. Ảnh hưởng tới các tuabin máy phát thủy điện
Các tuabin máy phát thủy điện khi mất tải đột ngột có thể làm tốc độ tăng tới
130 ÷ 150% do có khối lượng và quán tính lớn, do đó với tuabin này vấn đề cần
quan tâm là quá tốc độ hơn là ảnh hưởng của tần số thấp. Với các tuabin hơi khi xảy
ra quá tốc độ các van hơi sẽ đóng rất nhanh để hạn chế luồng hơi vào tuabin, do đó
hạn chế quá tốc độ, với các tuabin nước nếu đóng nhanh cửa nước sẽ gây hiện
tượng búa nước (Waterhammer) có thể phá hủy ống dẫn nước áp lực, do quá trình
đóng cửa nước chậm nên tốc độ tuabin có thể tăng tới 150%.
Các máy phát thủy điện được trang bị bảo vệ chống vượt tốc, nhưng khuyến
cáo vẫn sử dụng rơle tần số như bảo vệ dự phỏng. Rơle tần số dự phòng cần làm
việc với thời gian trễ để đảm bảo các bộ điều tốc có đủ thời gian hoạt động, bảo vệ
này nếu tác động sẽ đưa tín hiệu đóng các cửa nước khẩn cấp.
Thêm vào đó các rơle quá tần số có thể cài đặt để tác động cắt máy cắt đầu cực
nếu phụ tải không cho phép độ lệch tần số quá lớn. Các máy phát cực ẩn thường
rơle quá tần số chỉ có tín hiệu cảnh báo, việc xử lý quá tần số do bộ điều tốc và
người vận hành đảm nhiệm.
V.13.1.5. Ảnh hưởng của tần số tới hệ thống kích từ

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 258
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Ảnh hưởng của tần số tới hệ thống kích từ tùy thuộc kiểu kích từ và trạng thái
điều khiển tự động hay điều khiển bằng tay. Các hệ thống kích từ tĩnh, nguồn kích
từ lấy từ hệ thống độc lập hầu như không bị ảnh hưởng của tần số thấp. Khi kích từ
ở chế độ vận hành bằng tay, nếu tần số giảm sẽ làm giảm điện áp đầu cực của máy
phát.
V.13.2. Bảo vệ theo tần số
Cấp bảo vệ tần số thấp đầu tiên là hệ thống tự động sa thải phụ tải, nhiệm vụ
của hệ thống sa thải phụ tải là cắt tải theo các đợt với mục đích nhanh chóng ngăn
chặn suy giảm tần số và dần dần đưa tần số trở về gần định mức; trong quá trình đó
các điều độ viên sẽ thực hiện các thao tác điều khiển trên hệ thống để khôi phục tần
số.
Hệ thống sa thải phụ tải được chia thành nhiều đợt, sa thải để đảm bảo cân
bằng công suất trên hệ thống, tuy nhiên do tính đa dạng của tải và nguồn trong vận
hành nên không thể đảm bảo luôn sa thải chính xác lượng công suất cần thiết. Vì lý
do đó cần thiết phải đặt các bảo vệ tần số thấp tại các máy phát để kịp thời cắt máy
phát tránh các nguy hiểm cho tuabin, mặc dù việc cắt máy phát có thể làm tăng
nguy cơ tan rã hệ thống.
Các bảo vệ tần số thấp được đặt với nhiều cấp tác động với thời gian trễ khác
nhau, thông số cài đặt cần giới hạn của nhà sản xuất tuabin.
Ví dụ giới hạn vận hành ở tần số thấp với tuabin hơi theo tiêu chuẩn IEEE
C37.106 (IEEE Guide for Abnormal Frequency Protection for Power Generating
Plants).

Hình 5.74.

V.14. Bảo vệ thấp kích từ

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 259
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Khả năng nhận công suất phản kháng của máy phát bị giới hạn bởi nhiều yếu
tố, thể hiện trên đặc tính công suất phát. Căn cứ theo đặc tính này kích từ không thể
duy trì ở mức thấp vì sẽ gây các nguy cơ tiềm ẩn tới máy phát và hệ thống.

Hình 5.75. Đặc tính công suất phát của máy phát và bảo vệ mất kích từ

Điện áp cho phép vận hành nhỏ nhất của máy phát là 95% điện áp định mức,
do vậy máy phát không thể giảm quá thấp kích từ để nhận công suất phản kháng.
Khi vận hành với kích từ thấp sẽ làm liên kết rotor và stator yếu đi, hệ thống dễ rơi
vào trạng thái mất ổn định.
Đặc tính của bảo vệ thấp kích từ chủ yếu dựa trên đặc tính công suất phát, các
giá trị cài đặt cao hơn khoảng 15 ÷ 20% so với giới hạn của đặc tính công suất phát.
Đồng thời cần phối hợp với bảo vệ khi mất kích từ, việc phối hợp với bảo vệ mất
kích từ để đảm bảo bảo vệ thấp kích từ kích hoạt trước khi xảy ra ra dao động điện
và máy phát nhận công suất phản kháng.
V.15. Hiện tượng mất đồng bộ

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 260
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hệ thống điện là hệ thống vận hành trong thời gian thực, đảm bảo cân bằng
giữa tổng công suất phát & tiêu thụ. Khi trạng thái này được duy trì thì tần số sẽ giữ
ở mức ổn định, theo qui định tần số có thể cho phép nằm trong khoảng 50±0,2 Hz.
Bất cứ thay đổi nào về nguồn phát hoặc tải đều dẫn tới thay đổi của tần số, các thay
đổi này xảy ra liên tục trong hệ thống, tuy nhiên do có các hệ thống tự động điều
chỉnh nên tần số được duy trì trong phạm vi cho phép. Trong trường hợp xảy ra các
biến động lớn: sự cố gần nhà máy, mất các đường truyền tải quan trọng, đóng cắt
các phụ tải lớn sẽ gây ra sự mất cân bằng đột ngột giữa công suất điện và công suất
cơ của tuabin (Được coi là không đổi). Sự mất cân bằng công suất trên trục rotor
máy phát làm cho tốc độ rotor sẽ thay đổi dẫn tới góc tương đối giữa rotor các máy
phát đang hoạt động cùng sẽ bị dao động; mặt khác dòng công suất tác dụng phụ
thuộc chủ yếu vào góc lệch tương đối của rotor các máy phát nên dòng công suất
tác dụng cũng bị dao động gây nên hiện tượng dao động điện (Power swing).
Hiện tượng dao động điện được coi là ổn định nếu sau một khoảng thời gian
hệ thống tự điều chỉnh để vận hành tại một trạng thái ổn định xác lập mới. Hệ thống
bị coi là mất ổn định nếu góc lệch giữa các rotor máy phát tiếp tục tăng lên (Trượt
so với nhau) và không đạt được trạng thái cân bằng mới. Như vậy dao động công
suất là nói trên phương diện hệ thống, còn trượt cực từ là hiện tượng dao động khi
nhìn từ phương diện máy phát.
Các hệ quả có thể xảy ra khi máy phát vận hành ở trạng thái mất đồng bộ do
dao động điện:
- Gây các mô men cơ khí tác động lên trục của hệ máy phát-tuabin theo các
chu kỳ dao động.
- Tốc độ quay của rotor và từ trường quay stator khác nhau sẽ dẫn tới dòng
cảm ứng trong cuộn dây rotor, trong cuộn cản. Nếu hiện tượng tồn tại lâu có thể gây
các nguy hiểm về nhiệt.
- Nếu tần số trượt cực từ gần với tần số cộng hưởng tự nhiên của hệ trục có thể
gây cộng hưởng cơ khí gây nguy hiểm.
- Từ thông tản tại khu vực cạnh lõi thép stator lớn gây quá nhiệt và hư hỏng lõi
thép
- Máy biến áp tăng áp chịu dòng lớn và lực điện động lớn.
Khi xảy ra hiện tượng dao động điện, giá trị tổng trở đo được tại đầu cực máy
phát sẽ diễn tiến trên mặt phẳng tổng trở như sau (Để đơn giản giả thiết sức động
của máy phát và hệ thống bằng nhau Eg = Es):

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 261
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.76.

Trong quá trình dao động, góc lệch giữa máy phát và hệ thống tăng dần lên,
điểm làm việc sẽ đi gần vào đường tổng trở, tại thời điểm góc lệch đạt 1800 thì điểm
làm việc chính là một điểm trên đường tổng trở, điểm này tương ứng với tâm dao
động điện của hệ thống.

Hình 5.77.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 262
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Nếu hiện tượng dao động có thể ổn định thì điểm làm việc sau khi đi vào gần
đặc tính từ một phía sẽ có xu hướng đi ra cùng phía (Đường màu xanh), ngược lại
nếu điểm làm việc đi vào một phía sau đó đi ra phía khác thì đó là dao động mất ổn
định (Đường đỏ).

Hình 5.78.

Bảo vệ chống hiện tượng mất đồng bộ hay trượt cực từ (Chức năng 78) dựa
trên việc giám sát quĩ đạo chuyển động của tổng trở đo được. Để có thể phát hiện
sớm hiện tượng dao động có thể sử dụng đặc tính tổng trở phát hiện dao động điện
phổ biến như sau:

Hình 5.79.

Logic để phát hiện dao động điện không ổn định có thể như sau:
- Dao động điện là hiện tượng 3 pha đối xứng: Thành phần dòng điện thứ tự
nghịch phải nhỏ hơn ngưỡng cho phép.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 263
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

- Có ghi nhận điểm làm việc đi vào và đi ra đặc tính ở hai phía khác nhau.
Khi số lần đi vào/đi ra đặc tính lớn hơn một số ngưỡng cho phép trong một
khoảng thời gian định trước thì rơle sẽ tác động vì nhận định đây là xảy ra dao động
điện không thể hồi phục (Mất ổn định).
V.16. Bảo vệ khi mất kích từ (40)
V.16.1. Nguyên nhân và phân tích ả̉ nh hưởng tới máy phát
Ở chế độ bình thường dòng điện/điện áp kích từ được điều chỉnh để duy trì
điện áp đầu cực máy phát và phát công suất phản kháng vào hệ thống. Máy phát
mất kích từ có thể do các nguyên nhân như: Máy cắt kích từ bị mở không mong
muốn, cuộn kích từ bị nối tắt, cuộn kích từ bị hở mạch, hư hỏng của bộ điều khiển
kích từ, mất nguồn kích từ, phóng điện vành trượt. Việc mất một phần hoặc toàn bộ
kích từ gây hệ quả nghiêm trọng cho máy phát và hệ thống, do đó cần nhanh chóng
phát hiện. Khi mất kích từ máy phát trở thành máy điện không đồng bộ và nhận
công suất phản kháng từ hệ thống, lượng công suất phản kháng nhận có thể vượt
quá công suất định mức của máy phát. Bản ghi sự cố sau cho thấy một máy phát đã
nhận tới -167Mvar do mất kích từ trước khi bị cắt ra khỏi hệ thống:

Hình 5.80.

Do bị mất kích từ và nhận sự cố phản kháng dẫn tới làm phát nóng rotor do
dòng điện cảm ứng trong cuộn rotor, thân rotor, thanh chặn dây và vành chặn. Dòng
điện phản kháng lớn sẽ làm quá tải cuộn stator, đồng thời làm làm sụt giảm điện áp
cục bộ tại kết nối máy phát, có thể dẫn tới sụp đổ điện áp.
Xét 2 trường hợp chính khi mất kích từ là hở mạch kích từ và ngắn mạch kích
từ:
1. Khi hở mạch kích từ
Dòng điện kích từ trong cuộn rotor bằng không và không sinh ra sức điện
động trong của máy phát, khi đó máy phát sẽ nhận lượng lớn công suất phản kháng

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 264
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

từ hệ thống để từ hóa lõi thép, đồng thời lượng công suất tác dụng phát ra bằng 0
dẫn tới rotor bắt đầu tăng tốc, máy phát nhanh chóng rơi vào trạng thái mất đồng bộ
do không còn liên kết giữa rotor và stator, dẫn tới bắt buộc phải cắt ra khỏi hệ
thống.
2. Khi ngắn mạch kích từ
Dòng điện trong cuộn kích từ nhanh chóng suy giảm, tốc độ suy giảm phụ
thuộc vào hằng số thời gian của mạch kích từ. Do dòng kích từ giảm dẫn tới sức
điện động trong của máy phát giảm đi và công suất phản kháng phát ra giảm dần và
máy phát chuyển dần sang trạng thái nhận công suất phản kháng từ hệ thống. Do
công suất tuabin không thể thay đổi ngay lập tức trong khi cường độ liên kết từ giữa
rotor và stator giảm đi dẫn tới góc lệch giữa từ trường quay (Góc vận hành δ) của
rotor và stator tăng lên. Khi góc lệch δ = 90 0 công suất điện phát ra đạt giá trị lớn
nhất nên khi dòng kích từ tiếp tục giảm sẽ làm giảm công suất điện phát ra dẫn tới
rotor bắt đầu tăng tốc và trở thành mất đồng bộ. Khi đó máy phát hoạt động như
một máy phát điện không đồng bộ với tốc quay lớn hơn đồng bộ và tăng dần, tiêu
thụ tăng dần công suất phản kháng, lượng công suất tác dụng phát ra giảm dần.

Hình 5.81.

Khi tốc độ quay rotor lớn hơn đồng bộ dẫn tới từ trường quay của stator lại
quét qua cuộn dây rotor và sinh ra dòng điện cảm ứng trong cuộn dây này do cuộn
kích từ này đang bị ngắn mạch. Dòng điện cảm ứng sẽ từ hóa cuộn kích từ dẫn tới
khôi phục lại được liên kết từ với stator, đồng thời tại thời điểm đó các bộ điều tốc
sẽ điều chỉnh giảm tốc tuabin, công suất điện phát ra tăng do đã có dòng điện trong
cuộn kích từ. Đến một thời điểm nào đó sẽ lập nên trạng thái cân bằng ổn định mới,
máy phát vận hành với tốc độ cao hơn đồng bộ, nhận công suất phản kháng và phát
công suất tác dụng, tuy nhiên lượng công suất tác dụng phát ra giảm nhiều. Toàn bộ
quá trình này không diễn ra ngay lập tức mà kéo dài nhiều giây.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 265
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Nếu máy phát mất kích từ khi đang đầy tải thì tốc độ trượt của máy phát khi đã
ổn định sẽ cao (Thường từ 2 ÷ 5%), nếu máy phát mất kích từ khi đang non tải thì
tốc độ trượt của máy phát khi đã ổn định sẽ rất thấp (Thường từ 0,1 ÷ 0,2%).
Hình 5.81 thể hiện diễn biến dòng điện, điện áp, công suất và góc vận hành
khi máy phát mất kích từ lúc đang mang đầy tải.
V.16.2. Bảo vệ mất kích từ (Loss of field - 40)
Khi máy phát mất kích từ sẽ chuyển sang chế độ nhận công suất phản kháng,
do đó nếu sử dụng một rơle tổng trở đặt tại đầu cực máy phát sẽ thấy điểm làm việc
di chuyển giữa góc phần tư số I và số IV trên mặt phẳng tổng trở
Bảo vệ mất kích từ phải có khả năng phát hiện mất kích từ cả khi máy phát ở
trạng thái non tải tới đầy tải. Kinh nghiệm cho thấy nếu máy phát mất kích từ khi
đang đầy tải thì điện kháng được khi vận hành ổn định thường lớn hơn , nếu mất
kích từ khi đang non tải thì điện kháng đo được khi ổn định thường nhỏ hơn Xd.
Ví dụ diễn biến tổng trở khi máy phát bị mất kích từ trong các chế độ tải:

Hình 5.82.

Phương pháp đo tổng trở được sử dụng rất phổ biến cho bảo vệ chống mất
kích từ. Sơ đồ bảo vệ sử dụng rơle tổng trở, nhận tín hiệu điện áp và dòng điện đầu
cực máy phát để tính toán tổng trở. Rơle được cài đặt với hướng tác động nhìn vào
trong máy phát.

Hình 5.83. Sử dụng rơle tổng trở bảo vệ mất kích từ

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 266
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Tổng trở đầu cực máy phát được tính toán như sau:

Trong điều kiện làm việc bình thường, máy phát phát công suất tác dụng và
công suất phản kháng vào hệ thống, có nghĩa là cả R và X đều mang dấu dương và
điểm làm việc của rơle nằm ở góc phần tư thứ nhất của mặt phẳng tổng trở R-X.
Khi mất kích từ, máy phát nhận công suất phản kháng từ lưới và điện kháng X
nhìn từ rơle chống mất kích từ sẽ mang dấu âm. Kết quả là, tổng trở đầu cực máy
phát sẽ dịch chuyển đến góc phần tư thứ tư trên mặt phẳng R-X.
Với mức mang tải trước khi mất kích từ lớn, góc lệch của rotor sẽ tăng nhanh
và đạt tới điểm cuối của quĩ đạo tại lân cận giá trị tổng trở siêu quá độ dọc trục và
ngang trục ( và ). Hoàn toàn tương tự, với mức mang tải trước khi mất kích từ
nhỏ, góc lệch của rotor sẽ tăng chậm và hệ số trượt tại điểm cuối của quĩ đạo nhỏ.
Điểm cuối của đặc tính tổng trở sẽ nằm tại lân cận giá trị tổng trở dọc trục và ngang
trục của máy phát (Xd và Xq). Quĩ đạo điểm cuối của đặc tính tổng trở được thể hiện
trong hình sau:

Hình 5.84. Quĩ đạo điểm làm việc của rơle tổng trở khi máy phát mất kích từ

Nhìn chung có 2 phương pháp tiếp cận để phát hiện sự cố mất kích từ dựa trên
đo tổng trở: (1) Sử dụng đặc tính tổng trở MhO 2 vùng âm; (2) Sử dụng đặc tính
tổng trở MhO có miền dương và âm kết hợp phần tử định hướng công suất làm mục
đích giám sát.
V.16.2.1. Phương thức bảo vệ chống mất kích từ dựa theo đặc tính tổng trở âm
Ví dụ quĩ đạo làm việc khi máy phát bị mất kích từ và rơi vào chế độ làm việc
mất đồng bộ:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 267
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.85. Đặc tính của rơle tổng trở hai miền âm bảo vệ mất kích từ

Đặc tính làm việc của rơle tổng trở MhO hai vùng âm trong mặt phẳng tổng
trở là 1 vòng tròn có đường kính bằng Xd và dịch theo trục X một khoảng –X’d/2 như
hình trên. Đặc tính này được xác định dựa theo các phân tích sau đây:
- Khi xảy ra dao động điện hoặc mất đồng bộ với trường hợp cực đoan là hệ
thống có công suất vô cùng lớn, tổng trở hệ thống coi bằng 0, khi đó tâm dao động
điện nằm chính giữa điện kháng X’d của máy phát. Do đó cả hai đặc tính đặc tính
tổng trở âm này đều được cài đặt dịch đi một khoảng là –X’d/2.

Hình 5.86.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 268
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

- Đối với các máy phát điện cỡ lớn hiện nay: Xd thông thường có giá trị từ 1,5
pu đến xấp xỉ 2 pu và miền làm việc của rơle chống mất kích từ phải lớn hơn Xd
này. Tuy nhiên, đặc tính bảo vệ mở rộng sẽ cần đặt thời gian làm việc trễ để tránh
tác động nhầm trong các trường hợp quá độ. Để tăng độ nhạy cho bảo vệ, đặt thêm
một vùng bảo vệ giới hạn nhỏ hơn với đặc tính có đường kính giảm xuống còn 1pu.
Vùng với đặc tính giới hạn này có thể phát hiện mất kích từ khi máy phát ở trạng
thái mang 100% tải cho tới mức mang tải 30%. Vậy đặc tính được chia thành hai
vùng: Vùng 1 có đường kính 1 pu & vùng 2 có đường kính là Xd.
V.16.2.2. Phương thức bảo vệ chống mất kích từ dựa theo đặc tính tổng trở kết hợp
phần tử định hướng

Hình 5.87. Đặc tính của rơle tổng trở kết hợp phần tử định hướng công suất

Sơ đồ này ứng dụng 2 vùng MhO (Có một vùng dương) và một vùng định
hướng để phát hiện sự cố mất kích từ. Ngoài ra còn kết hợp thêm phần tử điện áp
thấp.
- Vùng 1: Có giá trị cài đặt mở rộng tới 1,1*Xd và dịch so với gốc tọa độ một

khoảng . Vùng 1 cho phép cài đặt thời gian cắt nhanh, thông thường giá trị

thời gian trễ là 0,1 giây.


- Vùng 2: Cài đặt phối hợp với giới hạn ổn định tĩnh và khâu giới hạn thấp
kích từ. Trong trường hợp vận hành bất thường có kích từ thấp (Có thể xảy ra do
trục trặc của khâu giới hạn kích từ thấp) vùng 2 sẽ đưa ra tín hiệu cảnh báo để người
vận hành có thể xử lý tình huống và sẽ tác động sau khoảng thời gian 10 giây ÷ 1
phút nếu như không không thể khôi phục trạng thái bình thường (Giá trị thường đặt
là 1 phút). Phần dương của đặc tính vùng 2 được lấy bằng tổng trở phía trước máy

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 269
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

phát (Qui đổi về hệ đơn vị tương đối theo công suất máy phát). Tổng trở này gồm
tổng trở máy biến áp tăng áp đầu cực và tổng trở hệ thống (Tổng trở hệ thống xét
khi nguồn yếu, một đường dây tách khỏi vận hành).
- Phần tử điện áp thấp: Trong trường hợp xuất hiện cả điện áp thấp, thì đó là
chỉ báo của trạng thái mất kích từ thật và hệ thống dễ rơi vào trạng thái sụp đổ, khi
đó phần tử điện áp thấp sẽ gia tốc cho thời gian vùng 2 chỉ còn từ 0,25 ÷ 1 giây (Giá
trị nhỏ dùng khi đặt tính tác động chỉ có một vùng, giá trị lớn dùng khi đặc tính tác
động có 2 vùng). Ngưỡng khởi động của rơle điện áp thấp có thể đặt trong khoảng
0,8 ÷ 0,9 điện áp định mức.

Hình 5.88. Cài đặt giá trị cho phần tử định hướng công suất

- Phần tử định hướng: Do vùng 2 có phần đặc tính dương nên cần có phần tử
định hướng công suất để tránh tác động nhầm. Vùng định hướng được cài đặt để
phối hợp với công suất phản kháng phát tối đa (Thường cài đặt tới hệ số công suất
0,95 vượt trước) và vùng hoạt động được cài đặt để “nhìn vào” máy phát để tránh
tác động sai trong trường hợp sự cố ngoài. Thông thường góc ngiêng của đặc tính
này khoảng từ 100 ÷ 200, giá trị cài đặt thường lấy là 130.
V.17. Hòa đồng bộ các máy phát điện
V.17.1. Các ảnh hưởng tới máy phát và máy biến áp tăng áp
Hòa đồng bộ là quá trình cần thiết để đưa máy phát vào làm việc cùng hệ
thống hoặc để để kết nối giữa hai đường dây điện. Yêu cầu của quá trình hòa đồng
bộ phải đảm bảo dòng điện cân bằng trong lúc hòa đồng bộ phải nhỏ nhất để không

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 270
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

gây biến động đến hệ thống tại khu vực hòa, giảm thiểu sụt áp và dao động công
suất, giảm thiểu chấn động cơ khí tới máy phát đang được hòa vào đường dây.

Hệ Máy

thống cắt

Bộ điều khiển
BU BU kích từ
Hz Hz

V V
Điều chỉnh
Đồng bộ kế điện áp
đặt để Điều chỉnh
tăng/ giảm năng
Bộ điều lượng vào
khiển hòa điện áp
tuabin

Bộ điều tốc
Điều chỉnh thay đổi điểm đặt
để tăng/ giảm tốc độ (công
suất phát)

Hình 5.89.

Trong quá trình hòa đồng bộ cho phép có sai lệch với các thông số cần kiểm
tra để giảm thời gian chờ đợi hòa:

Thông số Giá trị cho phép


Độ lệch điện áp 0÷5%
Góc lệch ± 100
Tần số trượt 0.1 Hz

Để đảm bảo công suất đi ra từ máy phát khi hòa, giảm chấn động cơ khí thì
khi hòa nên để tần số của máy phát cần cao hơn một chút so với tần số đường dây,
tránh rơle công suất ngược cắt máy phát khi hòa đồng bộ. Đồng thời để điện áp máy
phát có thể cao hơn một chút so với điện áp đường dây tránh gây sụt áp khi hòa do
tiêu thụ Q từ hệ thống
Trong quá trình hóa nếu các thông số có sai lệch lớn sẽ gây ảnh hưởng:
- Nếu độ lệch góc lớn sẽ gây dao động công suất và rung máy phát, tạo ra

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 271
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

nguy hiểm về mặt cơ khí cho cánh rotor khi phải tăng/giảm tốc đột ngột, làm giảm
tuổi thọ trục máy phát, lệch tâm ổ trục. Một vấn đề cần quan tâm là hiện tượng cộng
hưởng, khuyếch đại mô men xoắn với các tuabin nhiều tầng có thể làm nứt gãy trục
tuabin.
Dòng điện khi hòa lớn có thể làm méo cuộn dây, xô lệch lá thép lõi từ do ảnh
hưởng của lực điện động. Lực điện động tỷ lệ với bình phương dòng điện sẽ có thể
làm cuộn dây MBA tăng áp bị xô lệch, số liệu thực tế cho thấy (Của tổ chức EPRI)
khi hòa máy phát nhiệt điện với hệ thống 500kV với độ lệch 12 độ tương đương
việc ngay lập tức đặt một một lượng tải 150% vào trục tuabin-máy phát.
- Nếu độ lệch tần số lớn: Công suất P sẽ đi ra nếu tần số máy phát cao hơn và
ngược lại.
- Nếu độ lệch điện áp lớn: Khi điện áp máy phát cao hơn đường dây thì ngay
sau khi hòa máy phát sẽ phát công suất phản kháng Q và hệ quả có thể gây quá độ
điện áp. Nếu điện áp máy phát thấp hơn hệ thống thì máy phát sẽ nhận công suất
phản kháng từ hệ thống và dễ gây sụt áp cục bộ.
V.17.2. Rơle kiểm tra đồng bộ (25)
Rơle kiểm tra đồng bộ được nối với mạch đóng máy cắt để kiểm tra các điều
kiện đồng bộ.

Tuabin 1

Điề u chỉnh Điề u chỉnh Rơle kiểm


tố c độ điện áp tra đồ ng bộ
(25)
Bộ điều khiển hòa
(ký hiệu 25A)

Hình 5.90.

Các rơle thế hệ cũ chỉ có tính năng kiểm tra góc và tốc độ trượt, giá trị cài đặt
là góc đóng lớn nhất cho phép, ví dụ khi cài đặt 30 0 tương ứng với việc sẽ cho phép
đóng máy cắt khi góc lệch điện áp nằm ±30 0, đồng thời yêu cầu tần số trượt nằm
trong giới hạn cho phép. Để thực hiện việc kiểm tra độ lệch góc và tần số trượt cần
đưa tín hiệu điện áp từ hệ thống và máy phát vào rơle. Do đó nếu máy phát được
thiết kế để cung cấp cho tải độc lập hoặc khởi động đen sau các sự cố rã lưới cần có
khóa nối tắt rơle kiểm tra đồng bộ này.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 272
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hệ thống

BU 27 59 BU
Tiếp điểm thường đóng
27
25 Tiếp điểm thường mở
43
27 59 43: khóa hòa ở vị trí “Đóng”

Hình 5.91.

Tuy nhiên nếu khóa nối tắt này bị để sai vị trí sẽ gây nguy hiểm do vô hiệu
hóa chức năng kiểm tra đồng bộ, để tránh nhầm lẫn sử dụng thêm rơle điện áp thấp
(27) và rơle điện áp cao (59):
- Rơle điện áp thấp: Xác nhận thanh góp hệ thống không có điện
- Rơle điện áp cao: Xác nhận phía máy phát có điện
Khi hai điều kiện trên đạt đủ thì điện áp từ máy phát được cấp tới cả hai phía
của rơle 25 để rơle cho phép đóng máy cắt hòa.

Hình 5.92.

Nên có sự giám sát của nhân viên vận hành trong các trường hợp định nốt tắt
chức năng kiểm tra đồng bộ, tránh việc nhầm lẫn khi đứt cầu chì BU.
Các chức năng phổ biến của rơle kiểm tra hòa đồng bộ bao gồm:
- Giám sát góc pha (Với độ chính xác cho phép ±10)

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 273
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

- Giới hạn tần số trượt: Là chức năng quan trọng, các thiết bị hiện nay đều cho
phép đo trực tiếp tần số trượt. Khi tần số trượt lớn quá sẽ gây chấn động khi hòa
đồng bộ, ngược lại nếu tần số trượt nhỏ sẽ làm thời gian hòa đồng bộ kéo dài. Cho
phép cài đặt cả hệ số trượt âm, ví dụ từ {0 ÷ 0.1 Hz} hoặc {-0.08 ÷ 0 Hz}
- Khởi phát lệnh đóng vượt trước (Đoán trước thời điểm đóng): Bộ điều khiển
hòa gửi lệnh đóng máy cắt trước một khoảng nào đó để đảm bảo tiếp điểm MC
đóng tại vị trí góc lệch 00.
Công thức tính góc vượt trước: 𝛿 (độ) = 360 × 𝑇ầ𝑛 𝑠ố 𝑡𝑟ượ𝑡 (𝐻𝑧) × 𝑡(𝑔𝑖â𝑦)
Trong đó: Tần số trượt do rơle đo trực tiếp; t: Thời gian trễ của quá trình đóng
máy cắt, bao gồm: Thời gian đóng MC, thời gian trễ của rơle kiểm tra đồng bộ, các
thời gian trễ khác của mạch đóng.
Các rơle hiện nay có thể cho phép góc vượt trước nhỏ tới ± 0,50

Hình 5.93.

- Giới hạn điện áp lớn nhất/ nhỏ nhất: Giới hạn dải điện áp cho phép thực hiện
thao tác hòa đồng bộ. Các rơle đều cho phép cài đặt dải giới hạn riêng cho máy phát
và cho phía hệ thống
- Giới hạn độ lệch điện áp lớn nhất: cài đặt độ lệch lớn nhất cho phép khi hòa.
- Ưu tiên kiểm tra điện áp máy phát (Generator Voltage Priority): Khi chức
năng này được lựa chọn thì rơle sẽ duy trì điện áp máy phát cao hơn phía hệ thống
khi hòa, tránh sụt áp và tiêu thụ Q từ phía đường dây.
- Bù góc dịch pha do biến áp tăng áp: Bộ điều khiển hòa cần đo điện áp máy
phát và đường dây, nếu điện áp đo tại đầu cực & hòa tại phía cao áp MBA tăng áp
(Y/Δ) sẽ xuất hiện góc lệch pha điện áp.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 274
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hệ thố ng

Y0/Δ
BU BU
25

Hình 5.94.

Trong trường hợp này rơle cần có chức năng bù góc lệch pha do tổ đấu dây
MBA gây ra.
- Bù độ lớn điện áp: Điện áp do các BU đo được có thể sẽ khác nhau dù điện
áp cao áp giống nhau với lý do:
+ Tải BU khác nhau, sai số khác nhau (Đặc biệt lưu ý với các BU kiểu tụ phân
áp do nhạy cảm với tải).
+ Máy biến áp tăng áp có thể thay đổi đầu phân áp (nếu có): Gây sai lệch điện
áp hai phía.

U1 U21 U2

Y0/Δ
BU BU
U1* U2*
25
100V 100V

Hình 5.95.

Rơle cần có chức năng cài đặt tỷ số bù độ lớn điện áp đo được của các phía.
- Có sẵn logic đóng khi hệ thống không điện (Dead bus closing).
V.17.3. Bảo vệ khi máy cắt đóng chậm (Breaker failure-to-close or Slow close
protection)
Việc hòa đồng bộ phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng nhanh chóng của máy cắt
sau khi có lệnh đóng hòa (Tự động hoặc bằng tay); tuy nhiên có nhiều lý do có thể
dẫn tới việc máy cắt đóng chậm hơn thời gian cho phép của nhà sản xuất, dẫn tới
khả năng hòa không đồng bộ.
Có nhiều lý do dẫn tới hư hỏng và máy cắt đóng chậm như: Dầu mỡ bôi trơn
kém phẩm cấp, các cơ cấu kim loại bị ăn mòn, không đủ điện áp thao tác, cuộn

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 275
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

đóng có vấn đề, cơ cấu lẫy có trục trặc. Thông thường máy cắt cần 5 - 15 chu kỳ để
đóng, tuy nhiên trường hợp đóng chậm thì thời gian này có thể kéo dài tới một vài
giây. Chỉ cần đóng chậm 3 giây với tần số trượt 0,07Hz có thể dẫn tới góc lệch khi
hòa lên tới 760. Vấn đề đóng chậm hay bị xảy ra khi máy cắt để ở trạng thái mở tiếp
điểm, không hoạt động trong thời gian dài.
Các bảo vệ thông thường dùng trong sơ đồ hòa đồng bộ không thể giải quyết
được vấn đề đóng chậm máy cắt, do vậy cần phải có phương thức bảo vệ riêng cho
tình huống này. Vấn đề khó đối với bảo vệ máy cắt đóng chậm là một khi lệnh đóng
đã gửi, máy cắt bắt buộc phải hoàn thành chu trình đóng trước khi có thể bị cắt ra.
Việc cố gắng mở một máy cắt đang trong quá trình đóng có thể dẫn tới hư hại
nghiêm trọng. Giải pháp được sử dụng là khi phát hiện máy cắt đóng chậm sẽ gửi
tín hiệu đi cắt toàn bộ các máy cắt lân cận có nối tới máy cắt hòa như hình sau:

Hình 5.96.

Bảo vệ máy cắt đóng chậm thường nối tới mạch cắt của bảo vệ so lệch thanh
góp hoặc bảo vệ khi hỏng máy cắt (50BF).
Có nhiều nguyên lý thực hiện bảo vệ máy cắt đóng chậm: Dạng đơn giản nhất
là dùng khâu đếm thời gian, khâu đếm thời gian sẽ được kích hoạt cùng tín hiệu
đóng máy cắt. Nếu máy cắt không đóng trong khoảng thời gian cho phép thì trạng
thái sự cố máy cắt đóng chậm được ghi nhận và bảo vệ sẽ ra lệnh cắt toàn bộ các
máy cắt liền kề.
Các nguyên lý bảo vệ hiện đại hơn thường được tích hợp vào trong các rơle
hòa đồng bộ, rơle sẽ giám sát góc hòa đồng bộ, nếu sau thời gian nhận lệnh đóng
mà máy cắt không đóng trước một góc giới hạn nguy hiểm cho phép thì tín hiệu cắt
máy cắt liền kề sẽ được khởi tạo.
V.18. Bảo vệ chống đóng điện không mong muốn (Accidental Energization
Protection)
V.18.1. Nguyên nhân và các hệ quả

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 276
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Tên tiếng Anh của chức năng bảo vệ này có thể được gọi là “Dead Machine
Energization” hoặc “Inadvertent Energization”. Bảo vệ này có nhiệm vụ ngăn ngừa
việc đóng điện không mong muốn vào máy phát khi máy không hoạt động.
Việc đóng điện không mong muốn vào máy phát có thể xảy ra do nhiều
nguyên nhân ví dụ như: Do máy cắt điện đã cắt rồi nhưng bị phóng điện tình cờ
trong buồng cắt hoặc dao cách ly bị phóng điện hoặc có thể do lỗi trong các mạch
điều khiển máy cắt hoặc do lỗi của người vận hành.
Khi máy phát đang ở trạng thái nghỉ, hệ thống kích từ bị cắt ra, do đó khi đóng
điện máy phát sẽ hoạt động như một động cơ không đồng bộ khởi động từ trạng thái
tốc độ bằng không (Hoặc từ tốc độ rất thấp nếu khi đó máy phát đang được quay để
chống cong trục), tại thời điểm đó hệ số trượt sẽ rất lớn, gây ra dòng cảm ứng lớn
trong cuộn rotor và phát nhiệt quá mức vì rotor không được thiết kế cho nhiệm vụ
khởi động. Dòng điện khởi động này có thể lớn tới 3 ÷ 4 lần dòng định mức hoặc
tới 2 lần dòng định mức với các hệ thống điện yếu, dòng điện này có thể kéo dài
hàng chục giây tới hàng phút cho tới khi tốc độ máy phát gần với tốc độ đồng bộ,
gây quá nhiệt cho cả cuộn stator.
Đồng thời khi máy phát ở trạng thái nghỉ thì hệ thống bơm dầu bôi trơn cho ổ
trục tuabin đều nghỉ, do đó việc quay tuabin khi không có dầu áp lực bôi trơn sẽ gây
hư hỏng nghiêm trọng ổ đỡ trong quá trình tăng tốc.
Các máy phát thủy điện có thể bị hư hại do hiện tượng xâm thực. Điều này xảy
ra do bánh xe công tác dù đang ngâm trong nước nhưng không đủ áp suất nước đầu
vào, máy phát hoạt động như máy bơm tuy nhiên với áp lực nước yếu nên sinh ra
các bọt khí gây rỗ mặt cánh tuabin.
Các tuabin khí thường được nối tới máy phát qua hộp số, các hộp số này có
thể được thiết kế với các hướng răng của bánh răng theo chiều truyền tải lực từ
tuabin ra máy phát. Việc đóng điện không mong muốn làm máy phát truyền lực
ngược lại tới tuabin có thể gây hư hỏng các răng của bánh răng.
Việc đóng điện không chủ ý máy phát ở trạng thái nghỉ có thể xảy ra với các
tình huống sau:
- Đóng điện do hiện tượng phóng điện buồng cắt với máy cắt (Hoặc phóng
điện dao cách ly) thường xảy ra với một pha hoặc hai pha, sự kiện phóng điện ở
buồng cắt cả 3 pha hầu như không xảy ra.
- Đóng điện do thao tác nhầm hoặc lỗi điều khiển thường là 3 pha.
- Việc đóng điện 1 pha vào máy phát thường không gây nguy hiểm do cuộn
dây máy phát có trung tính cách điện hoặc nối đất qua tổng trở, do đó dòng điện sẽ
nhỏ.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 277
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.97.

Tuy nhiên việc đóng điện một pha từ phía cao áp của máy biến áp có thể gây
nguy hiểm cho máy phát do dòng điện chạy trong cuộn stator không bị hạn chế bởi
điện trở nối đất và có thể đạt tới giá trị tương tự như khi đóng điện không chủ ý cả 3
pha.

Hình 5.98.

V.18.2. Các bảo vệ


Khi máy phát đang ở trạng thái nghỉ thì các bảo vệ thông thường có thể không
hoạt động, việc trang bị bảo vệ chống đóng điện không chủ ý là cần thiết vì:
- Các bảo vệ đang bị khóa: Khi máy phát điện đang nghỉ thì theo qui trình có
thể phải tháo cầu chì mạch áp, ngắt nguồn dc của hệ thống điều khiển, ...
- Tốc độ phản ứng chậm hoặc độ nhạy thấp do lúc đó máy phát có thể đang
quay ở tốc độ thấp, tần số làm việc thấp nên cần thời gian lâu hơn để tính toán các
giá trị theo một chu kỳ.
Chức năng bảo vệ chống hiện tượng đóng điện máy phát đang ở trạng thái
nghỉ sẽ chỉ kích hoạt khi tần số của máy phát thấp hơn ngưỡng làm việc (Máy phát
đang ở tốc độ thấp hoặc đang đứng im) hoặc khi điện áp của máy phát thấp hơn
điện áp thấp nhất cho phép nên có thể sử dụng các sơ đồ bảo vệ như:

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 278
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.99. Sơ đồ bảo vệ chống đóng điện máy phát ở trạng thái nghỉ dùng rơle tần số thấp

- Rơle quá dòng với khóa tần số thấp (50 & 81U) (81U: Rơle tần số thấp; 60:
Rơle giám sát điện áp, rơle này có tác dụng phát hiện sự mất điện áp thứ cấp của
BU, rơle so sánh điện áp từ hai BU để thực hiện chức năng giám sát; 62: Rơle thời
gian, 86: Rơle lockout).
- Rơle 81U giám sát tần số, khi tần số thấp hoặc bằng 0 thì rơle sẽ đóng tiếp
điểm cho phép sự tác động của rơle quá dòng (50). Rơle quá dòng 50 có thể đặt với
dòng khởi động thấp để tăng độ nhạy.
- Rơle quá dòng với khóa điện áp thấp (50 & 27): Hoàn toàn tương tự sơ đồ
trên tuy nhiên rơle tần số thấp 81U được thay bằng rơle điện áp thấp 27.

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 279
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com
Tài liệu đào tạo chuyên đề “Rơle bảo vệ trong Hệ thống điện”

Hình 5.100. Sơ đồ bảo vệ chống đóng điện máy phát ở trạng thái nghỉ dùng rơle điện áp thấp

Thực hiện tại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Năm: 2020 280
Biên soạn: TS. Nguyễn Xuân Tùng Email: tung.nguyenxuan@hust.edu.vn Homepage: http://www.p-3t.com

You might also like