You are on page 1of 32

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI CÂU LẠC BỘ

ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN TUYÊN TRUYỀN VĂN HÓA - LỊCH
VĂN SỬ 
********

KHÁI LƯỢC VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ


TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Hà Nội, tháng 4 năm 2023


I. GIỚI THIỆU SƠ QUA LỊCH SỬ HOÀNG THÀNH THĂNG LONG (ĐỌC
THÊM) 
1. Giai đoạn tiền Thăng Long :
Thời kỳ Nhà Đường, An Nam được chia thành 12 châu với 50 huyện, Tống Bình là trung
tâm của An Nam đô hộ phủ, lần đầu tiên vùng đất sau là kinh thành Thăng Long nắm giữ vai
trò một trung tâm quyền lực chính trị. Năm 866, viên tướng nhà Đường Cao Biền xây dựng
một thành trì mới, Tống Bình được đổi tên thành Đại La – thủ phủ của Tĩnh Hải quân. Theo
truyền thuyết, khi đắp thành, Cao Biền thấy một vị thần hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Vì
vậy, sử sách còn gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Cuối thế kỷ IX, chính quyền trung ương nhà Đường suy yếu nghiêm trọng. Đầu thế kỷ X,
các thế lực cát cứ nổi lên đánh giết lẫn nhau, tạo ra thế loạn chia cắt Ngũ Đại Thập Quốc.
Khúc Thừa Dụ, khi đó là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến ra chiếm
đóng phủ thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Sau khi đã nắm được quyền lực thực tế trên
đất Tĩnh Hải quân, ông đã cho xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng của chính quyền đô
hộ nhà Đường, nhưng thực chất là một chính quyền độc lập và do người Việt quản lý.
Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân từ Ái châu ra Đại La đánh đuổi thứ sử Lý Tiến
của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La giành
quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm thì bị Kiều Công Tiễn giết hại. Năm 938, Ngô
Quyền hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó, ông chỉ huy trận Bạch Đằng, đánh
bại quân Nam Hán, giết chết Hoằng Thao. Mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô Vương,
không đóng đô ở Đại La mà về Cổ Loa. 
Sau loạn 12 sứ quân, các Triều đại Đinh, Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư. Đại La lúc này do
Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ cai quản và tu sửa Hoàng thành quay về hướng nam (hướng về kinh
đô Hoa Lư thay vì hướng về phương bắc như chính quyền đô hộ đã làm) vì thế mà vị quan
này được coi là người “giao chìa khóa” thành Đại La cho Lý Thái Tổ.
2. Giai đoạn Lý - Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV:
Năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để chuyển kinh đô về
thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng các quần thần đã gấp
rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì
hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam
trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, vòng thành thứ hai
là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Cấm
thành hay Long Phượng thành là nơi ở của nhà vua. Các thời sau đều theo cách ấy mà phân
chia.
Chiếu dời đô  viết: … “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền), ở giữa khu
vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngối, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông
sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ
thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng
địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.”
Ngay từ năm 1010, khi mới định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã khởi công xây dựng
Hoàng Thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng Thành. Hoàng thành đắp bằng đất, phía
ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía
nam, Diệu Đức ở phía bắc. Tuy còn những ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào sử liệu và di
tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp
nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã. Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Một Cột và
chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Cửa Đại Hưng ở khoảng gần Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu
Đức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Đình Phùng hiện nay. Những cung điện
chính còn thấy trong sử sách như: điện Càn Nguyên là nơi thiết triều đặt trên núi
Nùng tức núi Long Đỗ, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Bên trái mở cửa
Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy
Viễn, chính Bắc dựng điện Cao Minh. Thềm các quan chầu vua gọi là Long Trì có hành lang
chạy xung quanh. Đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An và điện Long Thụy làm nơi
nhà vua nghỉ ngơi. Bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau
là cung Thúy Hoa là nơi ở của các phi tần.
Năm 1029, Lý Thái Tông xây dựng lại toàn bộ khu cấm thành sau khi nơi đây bị tàn phá
bởi vụ Loạn tam vương. Trên nền cũ điện Càn Nguyên, Lý Thái Tông cho dựng điện Thiên
An làm nơi thiết triều. Hai bên tả hữu là điện Tuyên Đức và điện Thiên Phúc. Phía trước điện
Thiên An là sân Rồng có đặt một quả chuông lớn. Hai bên tả hữu sân rồng có đặt gác chuông.
Phía đông, tây sân Rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước sân rồng là điện
Phụng Tiên, trên Điện có lầu Chính Dương là nơi báo canh báo khắc. Sau điện Thiên An là
điện Thiên Khánh hình Bát Giác. Sau điện Thiên Khánh là điện Trường Xuân. Trên điện
Trường Xuân có gác Đồ Long. Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có
bắc cầu gọi là cầu Phượng Hoàng.
Năm 1203, vua Lý Cao Tông bắt đầu một đợt xây dựng mới. Cung điện mới được xây ở
phía tây tẩm điện. Bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Chính Nghi, ở trên
xây điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. ở giữa mở cửa Vĩnh Nghiêm, bên phải mở cửa
Việt Thành, thềm gọi là Ngân Hồng. Đằng sau xây điện Thắng Thọ. Bên trái xây gác Nhật
Kim, bên phải xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang thềm gọi là Kim Tinh. Bên
trái gác Nguyệt Bảo là tòa Lương Thạch, phía tây xây gác Dục Đường (nhà tắm). Phía sau
xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiêu. Phía sau dựng cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư
trên ao xây đình Ngoạn Y. Ba mặt đình có trồng hoa thơm cỏ lạ nước thông với sông. Ngoài
ra các cung điện khác cũng được xây dựng liên tục, không đòi nào không có không mấy năm
không có. Mỗi cung điện thường đều có tường bao xung quanh và làm cửa thông với cung
điện khác. Ngoài cung điện, các vị vua nhà Lý còn cho xây dựng nhiều công trình văn hóa tín
ngưỡng khác để phục vụ cho vua và hoàng tộc như: đền Quán Thánh, chùa Chân Giáo (nơi
vua Lý Huệ Tông đã tu hành), đài Chúng Tiên dựng năm 1161 tầng trên lợp ngói bạc, hồ ao
làm cảnh cũng được lập khá nhiều trong Hoàng thành. Năm 1049, đào hồ Kim Minh Vạn
Tuế, đắp núi đá cao ba ngọn trên mặt hồ và xây cầu Vũ Phượng đi vào, 10 năm sau lại xây
thêm điện Hồ Thiên bát giác ở đấy. Năm 1051 đào hồ Thụy Thanh, hồ Ứng Minh. Năm 1098,
đào hồ Phượng Liên và xây tại đây điện Sùng Uyên, bên trái lập điện Huy Dương, đình Lai
Phượng bên phải dựng điện Ánh Thiềm, đình Át Vân, phía trước xây lầu Trường Minh, phía
sau bắc cầu Ngoạn Hoa.
Nhiều vườn ngự cũng được dựng nên trong Hoàng thành. Mùa thu năm 1048, mở luôn 3
vườn ngự: vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh và vườn Xuân Quang. Năm 1065, mở thêm
vườn Thượng Lâm. Giữa thế kỷ XIV lại dựng một vườn ngự nữa nối liền với hậu cung. Theo
sử cũ còn ghi giữa vườn có đào một cái hồ lớn: “Trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng
thông, trúc và nhiều thứ kỳ hoa diệu thảo khác thêm vào đấy là chim quý thú lạ. Bốn mặt khai
cho sông nước thông vào, gọi hồ ấy là Lạc Thanh Trì. Về phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng
một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào các hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước
mặn chứa vào hồ ấy, để nuôi các loài hải sản như đồi mồi cá biển và các loại ba ba. Rồi bắt
người Hóa Châu bắt cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá Thanh Phụ (cá
diếc đuôi đỏ vảy biếc)... Lại làm dãy hành lang ở tây điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng
dãy Trường Lang từ gác Nguyên Huyền đến cửa Đại Triều phía tây.”
3. Giai đoạn Lê - Mạc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII:
Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Thái Tổ vẫn đóng đô ở Thăng Long nhưng đổi tên
là Đông Kinh. Về cơ bản Đông Kinh thời Lê không khác nhiều Thăng Long đời Lý Trần Hồ,
Lê Thái Tổ sửa chữa lại hoàng thành do cuộc chiến tranh chống quân Minh để lại.
Từ năm 1490 cho đến thế kỷ XVI kinh thành mới có nhiều thay đổi. Trong thời gian này
tường hoàng thành cũng như Đại La thành luôn được xây đắp mở rộng thêm ra. Năm 1490,
để đề phòng những nạn loạn đảng như Lê Nghi Dân đang đêm trèo tường vào giết Lê Nhân
Tông ở trong cung, Lê Thánh Tông cho xây lại Hoàng Thành mở rộng thêm 8 dặm nữa. Công
việc xây dựng trong 8 tháng mới xong. Trong Hoàng Thành Lê Thánh Tông cũng cho xây
thêm cung điện và lập vườn Thượng lâm để nuôi bách thú. Năm 1512, Lê Tương
Dực giao Vũ Như Tô đứng ra trông nom việc dựng hơn 100 nóc cung điện nguy nga, lại khởi
công làm Cửu Trùng Đài mà như sử cũ miêu tả là tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ
Tây. Năm 1514, Lê Tương Dực mở rộng Hoàng Thành thêm mấy nghìn trượng (mỗi trượng
là 3m60) bao bọc cả điện Tường Quang, Quán Trấn Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa.
Từ năm 1516 đến năm 1527 là năm nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, kinh thành Đông Kinh
chìm trong loạn lạc. Hầu hết các cung điện kho tàng đền chùa cũng như phường phố bị thiêu
đốt tàn phá nhiều lần. Trong nửa cuối thế kỷ XVI, cục diện Nam Bắc triều với một bên là nhà
Mạc và một bên là Lê - Trịnh diễn ra quyết liệt với ưu thế ngày càng thuộc về phe Nam triều.
Họ Trịnh lần lượt chiếm được nhiều tỉnh phía bắc như Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh... và
đánh đến tận Thăng Long. Nhà Mạc phải rời bỏ kinh thành chạy lánh nạn nơi này nơi khác.
Đông Kinh ngày một điêu tàn.
Đến năm 1585, không chịu nổi kiếp sống lưu vong trường kỳ như vậy, Mạc Mậu
Hợp quyết định trở lại Đông Kinh. Một đợt xây dựng đại quy mô được khởi động.
Năm 1599, Trịnh Tùng đuổi được nhà Mạc lên Cao Bằng tiến về tiếp quản Thăng Long.
Hoàng Thành được tu sửa trong một tháng để đón vua Lê ra. Rồi từ ấy trở đi những cung điện
mới xây ở đều nằm trong phủ Chúa Trịnh.
4. Giai đoạn từ kinh thành Thăng Long sang tỉnh Hà Nội:
Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đem đại quân 29 vạn
người sang chiếm Thăng Long không tốn một hòn đạn mũi tên. Đầu năm 1789, Quang
Trung Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung
Quốc, triều Hậu Lê kết thúc, Quang Trung định đô ở Phú Xuân. Thăng Long chỉ còn là Bắc
thành. Năm 1802 sau khi tiêu diệt xong Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Kinh đô
vẫn được đặt ở Phú Xuân. Thăng Long vẫn mang tên gọi là Thăng Long nhưng chữ "Long"
(龍) là rồng bị chuyển thành chữ "Long" (隆) nghĩa là thịnh vượng ý rằng nhà vua không còn
ở đấy. Đồng thời những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau những trận đại hủy diệt cuối thế
kỷ XVIII cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho
công cuộc xây dưng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại
làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi Ngự giá Bắc thành. 
Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ vì cho rằng đây chỉ còn là
Trấn Bắc thành mà Hoàng Thành Thăng Long thì rộng lớn quá. Gia Long cho xây dựng thành
mới theo kiểu Vauban của Pháp. Về quy mô thì nhỏ hơn thành cũ nhiều.
Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long
thành tỉnh Hà Nội. Thành Hà Nội do Gia Long xây dựng cũng làm theo thể thức các tỉnh
thành khác và điều chủ yếu là không được to rộng hơn Phú Xuân. Thành vuông xây theo
kiểu Vaubancủa Pháp. Thành hình vuông mỗi bề chừng một cây số xung quanh là hào nước
sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn con phố hiện nay là: phố Phan Đình Phùng ở
phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở
phía Tây.
Tường thành xây bằng gạch hộp chân thành xây băng đá xanh và đá ong. Tường cao 1
trượng 1 thước, dày 4 trượng. Thành mở ra 5 cửa là: cửa Đông (tương ứng với phố cửa Đông
bây giờ), cửa Tây (tương ứng với phố Bắc Sơn hiện nay), cửa Bắc (nay vẫn còn), cửa Tây
Nam (tương ứng với đoạn giao phố Chu Văn An và Nguyễn Thái Học bây giờ), cửa Đông
Nam (tương ứng với đoạn giao phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học bây giờ). Đường vào
cửa xây vòm xuyên qua tường thành dài 23 m. Trên mỗi cửa có lầu canh gọi là thú lâu.
Xung quanh tường thành là một dải đất rộng 6-7m rồi đến một con hào rộng 15 –16m,
sâu 5m thông với sông Tô Lịch và sông Hồng. Hào lúc nào cũng có nước nhưng thường chỉ
cao khoảng 1 m.
Phía ngoài các cổng thành có xây một hàng tường đắp liền trên bờ hào gọi là Dương mã
thành, dài 2 trượng 9 thước, cao 7 thước 5 tấc. Các Dương mã thành đều cố một cửa bên gọi
là Nhân Môn. Từ ngoài thành đi vào đều phải đi qua Nhân Môn rồi mới đến cổng thành. Phía
trong thành được bố trí như sau:
Ở trung tâm thành là điện Kính Thiên được xây dựng từ thời Lê trên núi Nùng. Điện
dựng trên những cột gỗ lim lớn người ôm không xuể. Thềm điện có hai đôi rồng đá rất đẹp
cũng từ thời Lê.
Phía đông thành là nhiệm sở của Tổng trấn Bắc thành đầu triều Nguyễn.
Phía tây là kho thóc, kho tiền, và dinh bố chính là viên quan phụ trách những kho ấy.
Năm 1812 dựng Cột cờ Hà Nội ở phía nam thành.
Năm 1835, vì cho răng thành Hà Nội cao hơn kinh thành Huế, Minh Mạng cho xén bớt 1
thước 8 tấc, thành Hà Nội chỉ còn cao chừng 5m.
Năm 1848, vua Tự Đức cho tháo dỡ hết những cung điện còn lại ở Hà Nội chuyển vào
Huế.
Cương vực Thăng Long xưa:

Thăng Long bao gồm Hoàng thành Thăng Long và một phủ kiêm lý, là phủ Phụng Thiên, phần thị thành kề
cận kinh thành (phủ Phụng Thiên mới là phần gốc lõi của Kẻ Chợ). Đứng đầu phủ Phụng Thiên là viên
quan Phủ doãn, gọi là Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Phủ Phụng Thiên (đến thời nhà Nguyễn thì đổi thành
phủ Hoài Đức) vào cuối thời nhà Hậu Lê tới đầu thời nhà Nguyễn gồm 2 huyện (tổng cộng 13 tổng, 239
phường, thôn, trại (đơn vị cấp làng xã)):
 Huyện Thọ Xương (8 tổng: 184 phường, thôn, trại) gồm các tổng:
 Tả Túc: gồm 20 phường, thôn: Phúc Lâm, Nghĩa Dũng, Mỹ Lộc, Nguyên Khiết Thượng, Nguyên
Khiết Hạ, Trừng Thanh Thượng, Sài Thúc-Trừng Thanh Trung, Ngũ Hầu-Trừng Thanh Trung,
Bề Thượng-Trừng Thanh Trung, Bề Hạ-Trừng Thanh Trung, Cựu Vệ Tả-Trừng Thanh Trung,
Ngoại Ổ-Hương Bài, Kiên Nghĩa-chợ Hà Khẩu, Tả Lâu, Bến Đá, Miếu Trung Liệt, Chợ Bến Đá,
Hàng Lược, Đông Hà, Đình Hạ-Phục Cổ, Thượng-Trừng Thanh Hạ, Tả-Trừng Thanh Hạ, Hữu-
Trừng Thanh Hạ, Hàng Kiếm-Trừng Thanh Hạ, Đồn Tây Long, Vạn Hà, Thủy cơ Vũ Xá, Thủy cơ
Đông Trạch, Thủy cơ Trúc Võng, Thủy cơ Biện Dương, Thủy cơ Tự Nhiên, Thủy cơ Lãng Hồ.
 Tiền Túc: gồm 29 phường, thôn: Thuận Mỹ, Hữu Đông Môn, Tố Tịch, Tiên Thị (chợ Tiên, nay
khoảng Lý Quốc Sư-Hàng Trống-Nhà thờ Lớn), Khánh Thụy Tả, Đồng Lạc, Hàng Nồi, An Thái,
Đông Thành-An Nội, Chợ Đông Thành, Thượng-Cổ Vũ, An Nội-Cổ Vũ, Trung-Cổ Vũ, Trung Hạ-
Cổ Vũ, Thị Vật-Cổ Vũ, Thái Cực, Hàng Đàn, Hoa Nương, Kim Bát Thư Khánh Thụy Hữu, Kim
Bát Hạ, Đông Hà Kim Bát Thượng, Chùa Tháp-Báo Thiên, Chùa Báo Thiên, Xuân Hoa (nay
khoảng phố Hàng Cân), Phúc Phố (khoảng cuối phố Nhà Chung), Tô Mộc (nay khoảng phố
Hàng Khay), Chân Sơn (tức Chân Sơn Minh Cầm hay Chân Cầm, nay khoảng các phố Chân
Cầm-Hàng Gai-Lý Quốc Sư-Phủ Doãn), Chiêu Hội (tức Hội Vũ).
 Hữu Túc: gồm 18 phường, thôn: Đông Các, Hàng Chè, Hàng Chài, Tả Vọng, Tư Nhất, Kho Súng,
Hậu Bi, Diên Hưng, Hà Khẩu, Đông An, Trung An, Nhiễu Thượng-Đông Tác, Nam Hoa, Hậu
Lâu, Hàng Cá, Trung Nghĩa, Hạ Hà, Dũng Hàn.
 Hậu Túc: gồm 17 phường, thôn: Nghĩa Lập, Thanh Hà, Huyền Thiên, Tiền Trung, Vĩnh Trừ, Phú
Từ, Nội Tự cửa Đông Hoa, Cửa Đông Hoa, Cửa Hậu Đông Hoa, Cầu Cháy, Đồng Xuân, Vĩnh
Thái, Nhiễu Trung-Đông Tác, Đông Hà, An Phú, Đồng Thuận, Hoa Đán.
 Tả Nghiêm: gồm 23 thôn, phường: (Vũ Thạch Tiểu, Vũ Thạch Hạ) (phường Vũ Thạch cổ nay thuộc
khoảng đầu các phố Quang Trung và Bà Triệu, kéo đến phố Lý Thường Kiệt), (Hồi Thuần,
Thuần Mỹ) (sau nhập thành Hồi Mỹ, nay khoảng phố Lý Thường Kiệt-Trần Hưng Đạo-xóm Hà
Hồi-phố Trần Quốc Toản), Đổi Mã (tức Hòa Mã), Giáo Phường (nay khoảng giữa phố Huế),
Hàng Bài, (Vệ Hồ Giao (tức Long Hồ), Hậu Phong Vân) (nay là Vân Hồ), Thịnh Xương (sau
nhập với Yên Ninh thành Thịnh Yên), Sài Tân (nay khoảng phố Trần Cao Vân), Cấm Chỉ Hạ
(nay khoảng phố Tô Hiến Thành), Nhiễu Hạ-Đông Tác, Phúc Lâm (nay khoảng Nguyễn Công
Trứ-Phố Huế), Phúc Lâm Tiểu (phía tây phường Phúc Lâm, nay khoảng Bà Triệu-Tuệ Tĩnh-Phố
Huế), Phục Cổ (nay khoảng đầu Nguyễn Du-Phố Huế), Đông Hạ-Phục Cổ (khoảng giữa Phố
Huế (số 133 Phố Huế)), (Thống Nhất, An Thọ (Yên Thọ)) (hợp thành thôn Yên Nhất, nay là
khoảng phố Huế-Thái Phiên), Hồng Mai (tức Bạch Mai, nay khoảng phố Bạch Mai), Quỳnh Lôi
(nay khoảng ngõ Quỳnh), Kim Hoa (tức Kim Liên), Trung Tự-Đông Tác (nay là khoảng phường
Trung Tự quận Đống Đa).
 Tiền Nghiêm: gồm 30 thôn: Vĩnh Xương, An Trung Thượng, An Trung Hạ, Hoa Ngư Chợ Cửa
Nam, Lưu Truyền, Phù Mỹ, Hoa Cẩm, Tứ Mỹ, Cung Tiên, Linh Quang (nay khoảng ngõ Liên
Hoa phố Khâm Thiên), Linh Đồng (nay khoảng đầu phố Khâm Thiên-ga Hàng Cỏ), Quang Hoa,
Khâm Thiên Giám, Tương Thuận, Liên Thủy (tức Liên Trì, nay khoảng phố Liên Trì và các phố
bắc hồ Thiền Quang), Thái Giao (tức Thể Giao, nay khoảng các phố Hồ Xuân Hương-Tuệ Tĩnh-
Bà Triệu), Pháp Hoa (nay khoảng phố Trần Bình Trọng, tây hồ Thiền Quang), Hữu Lễ, Thiền
Quang (khoảng phía tây hồ Thiền Quang), Tô Tiền (nay khoảng ngõ Tô Tiền phố Khâm Thiên),
Trung Kính (nay khoảng đầu phố Khâm Thiên), Hàng Dầu, Bắc Thượng-Cổ Vũ, Bắc Hạ-Cổ Vũ,
Thượng Môn-Báo Thiên, Thượng Môn Hạ-Báo Thiên, Thương Đồng Hạ-Báo Thiên, Cửa Nam-
Đông Tác, An Tập (Yên Tập, nay khoảng phố Quán Sứ), (Nam Phụ, Nguyễn Khánh) (sau nhập
lại thành thôn Phụ Khánh, nay khoảng cuối phố Lý Thường Kiệt-Thợ Nhuộm).
 Hữu Nghiêm: gồm 27 phường, thôn: An Hòa (nay khoảng phố Trần Quý Cáp), Văn Mặc, Hữu
Giám, Hậu Giám, Hữu Biên Giám, Minh Triết, Thị Trung Tiền, Hàng Gạo, Cầu Bươu, Quan Thổ
(nay khoảng phía nam phố Khâm Thiên), Ngự Sử, Huy Văn (nay khoảng ngõ Văn Chương phố
Khâm Thiên), Đỉnh Tân, Tạo Đế, Chợ Giám Hữu Biên, Hậu Bà Ngô (nay khoảng phố Nguyễn
Khuyến), Tả Bà Ngô (tức Thanh Miến, nay khoảng đầu phố Văn Miếu), Trung Tả, Ngõ Hàng Kề,
Nội Súng, Cổ Thành, Hàng Cháo Giám Hữu Biên, Phụng Thánh, Xã Đàn, Giao Trì (nay khoảng
phố Đoàn Thị Điểm), Hàng Bột, Trung Tiền (nay thuộc phần đất quận Đống Đa).
 Hậu Nghiêm: gồm 20 thôn, phường: Thanh Nhàn, (Hữu Vọng, Đức Bác) (Vọng Đức), (Hàng
Hương, Hoa Viên) (Hương Viên hay Phương Viên, nay khoảng phố Lò Đúc-Trần Xuân Soạn-chợ
Hôm Đức Viên), Thanh Lãng, (Cảm Ứng, An Hội) (Cảm Hội, nay là khoảng các phố Lò Đúc-
Nguyễn Công Trứ-Cảm Hội), Hàm Châu (nay là Hàm Long), Trường Khánh (Tràng Khánh, sau
nhập với Hàm Châu thành Hàm Khánh, nay khoảng phố Lê Văn Hưu), (An Lạc, Trung Chí) (nay
là Lạc Trung), (Lương Xá, Yên Xá (An Xá)) (nay là Lương Yên), (Hàng Hương, Hoa Viên) Thọ
Lão (nay khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc), Hàng Rau (tức Hương Thái, nay khoảng phố Trần Xuân
Soạn), Nhân Chiêu (khoảng đầu phố Trần Hưng Đạo-Hàn Thuyên), Hộ Quốc (nay là khoảng phố
Nguyễn Huy Tự), Ngõ Hàng Trứng (nay khoảng phố Lê Văn Hưu), Tây Hổ (tức Hành Môn, nay
khoảng phố Lê Văn Hưu) (nay thuộc phần đất các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm).
 Huyện Vĩnh Thuận (5 tổng: 55 xã, thôn, phường, trại) gồm các tổng:
 Thượng: gồm 7 phường: Hòe Nhai, Thạch Khối, An Hoa, Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Nhật
Chiêu (Nhật Tân).
 Trung: gồm 6 phường: Bái Ân (nay thuộc phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy), (Trích Sài, Võng
Thị, An Thái (Yên Thái), Hồ Khẩu) (nay thuộc phường Bưởi quận Tây Hồ), Thụy Chương (Thụy
Khê). (nay thuộc phần đất các quận Cầu Giấy và Tây Hồ).
 Nội: gồm 10 thôn, trại: Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, Cống An, Đại An (Đại Yên), Ngọc Hà, Hữu
Tiệp, Giảng Võ, Vạn Bảo, Hào Nam.
 Hạ: gồm 6 phường, trại: Quán Trạm, Nam Đồng, Yên Lãng (làng Láng), Khương Thượng, Công
Bộ, Thịnh Quang. (nay thuộc phần đất các quận Đống Đa,...)
 Yên Thành: gồm 26 phường, thôn: Yên Thành, An Thuận, Cận Hàn, An Ninh Hạ, An Canh, An
Định, Chùa Trúc Bạch, Ngũ Xã Tràng, Tứ Chiếng Tràng, Chùa Long Châu, Hậu Khán Sơn,
Chùa Một Cột, Chùa Tăng Phúc, Thanh Ninh, Thanh Trường, Cận Tú Nam, Tiên Châu, Dụ Hậu,
Phụ Bảo, Bà Lẽ, An Viên, Quán Thánh, Khán Sơn Núi Sư, Trụ trì Trấn Vũ, An Duyên, Tân An.

5. Giai đoạn Pháp thuộc:


Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành
phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội lúc này có diện tích nhỏ bao gồm 2 huyện Thọ Xương và
huyện Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức. Phạm vi thành phố bó hẹp nằm trong khu vực Phố
Huế, Đại Cồ Việt, Khâm Thiên, Giảng Võ, Đường Thụy Khuê, Hồ Tây đến cầu Long Biên. 3
phủ Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa thuộc về tỉnh Hà Đông. Phủ Lý Nhân tách ra tạo thành
tỉnh Hà Nam.
Đến năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương. Nhờ sự quy
hoạch của người Pháp, thành phố dần có được bộ mặt mới. Lũy thành thời Nguyễn dần bị
triệt hạ, đến năm 1897 hầu như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc với vết đạn
năm 1882, Đoan Môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ. 
Năm 1901, các công trình phủ Thống sứ, Nhà bưu điện, Kho bạc, Nhà đốc lý, Nhà hát
lớn, Cầu Long Biên, Ga Hà Nội, những quảng trường, bệnh viện... được xây dựng. Hà Nội
cũng có thêm trường đua ngựa, các nhà thờ Cơ Đốc giáo, trường Đại học Y khoa, Đại học
Đông dương, Đại học Mỹ thuật, các trường Cao đẳng Pháp lý, Nông lâm cùng những nhà
máy sản xuất rượu bia, diêm, hàng dệt, điện, nước... Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà
Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn... dần xuất hiện, những con
phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới. Vào năm 1921, toàn thành phố có
khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa.
Sự xuất hiện của tầng lớp tư sản Việt Nam khiến văn hóa Hà Nội cũng thay đổi. Nền văn
hóa phương Tây theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam kéo theo những xáo trộn trong
xã hội. Không còn là một kinh thành thời phong kiến, Hà Nội ít nhiều mang dáng dấp của
một đô thị châu Âu. Thành phố vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm tri thức, nghệ thuật của cả
quốc gia, nơi tập trung các nhà thơ mới, những nhạc sĩ tân nhạc cùng những trí thức, học giả
nổi tiếng.
6. Trong hai cuộc chiến tranh:
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba
Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thủ đô Hà Nội. Sau độc lập, thành phố
chia thành các khu phố, đổi tên nhiều vườn hoa, đường phố, như đại lộ (Avenue) Paul
Doumer đổi tên là Nhân quyền, đường (Rue de la) République đổi tên là Dân Quyền, đại lộ
Puginier đổi tên là Dân Chủ Cộng Hòa, đường Ollivier đổi là Hạnh Phúc, đường Dr Morel
đổi là Tự Do,...
Cuối năm 1945, quân đội Pháp quay lại Đông Dương. Sau những thương lượng không
thành, Chiến tranh Đông Dương bùng nổ vào tháng 12 năm 1946 và thành phố Hà Nội nằm
trong vùng kiểm soát của người Pháp. Sau khi Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại)
được thành lập năm 1949, Hà Nội được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam quản lý.
Bảo Đại bổ nhiệm dược sĩ Thẩm Hoàng Tín làm Thị trưởng thành phố. 
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát toàn
bộ miền Bắc Việt Nam, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 30/9/1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về
quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Vào thời điểm được
tiếp quản, thành phố gồm 4 quận nội thành với 34 khu phố, 37.000 dân và 4 quận ngoại thành
với 45 xã, 16.000 dân. Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, Hà Nội nhiều lần thay đổi
về hành chính và địa giới. Năm 1958, bốn quận nội thành bị xóa bỏ và thay bằng 12 khu phố.
Năm 1959, khu vực nội thành được chia lại thành 8 khu phố, Hà Nội cũng có thêm 4 huyện
ngoại thành. Tháng 4 năm 1961, Quốc hội quyết định mở rộng địa giới Hà Nội, sát nhập thêm
một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Toàn thành phố có diện tích
584 km², dân số 91.000 người. Ngày 31 tháng 5 năm 1961, bốn khu phố nội thành Hoàn
Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và 4 huyện ngoại thành Đông Anh, Gia Lâm, Thanh
Trì, Từ Liêm được thành lập.
Khi cuộc Chiến tranh Việt Nam leo thang, Hà Nội phải hứng chịu những cuộc tấn công
trực tiếp từ Hoa Kỳ. Riêng trong chiến dịch Linebacker II (Điện Biên Phủ trên không) năm
1972, trong khoảng 2.200 người dân bị thiệt mạng ở miền Bắc, số nạn nhân ở Hà Nội được
thống kê là 1.318 người. Nhiều cơ quan, trường học phải sơ tán tới các tỉnh lân cận.
7. Hà Nội hiện nay:
Sau chiến tranh, Hà Nội tiếp tục giữ vai trò thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất. Hà
Nội đã được UNESCO trao danh hiệu Thành phố vì hòa bình vào ngày 17 tháng
6 năm 1999. Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng thưởng thành phố Hà Nội
danh hiệu Thủ đô anh hùng vào ngày 4 tháng 10. Với tuổi đời hơn 1000 năm, Hà Nội chính là
thủ đô lâu đời nhất trong 11 thủ đô của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Ngày 29 tháng 5 năm 2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông
qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1
tháng 8 cùng năm. Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh
Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về Hà Nội. Từ diện tích
gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích
3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.
Năm 2010, Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để lại
dấu ấn trong lòng người dân và bạn bè quốc tế. 

II. CÁC DI TÍCH CHỦ YẾU VÀ TIÊU BIỂU


Kính chào quý khách đã đến tham quan Khu Di sản Trung tâm Hoàng Thành Thăng
Long Hà Nội. Em xin tự giới thiệu, em tên là …., hiện đang là sinh viên Trường ĐH
KHXH&NV- ĐHQGHN và là thành viên CLB Tuyên truyền Văn hóa Lịch sử. Hôm nay em
rất vui khi được đồng hành cùng quý khách đi tham quan khu di sản.
Thưa quý khách, chúng ta đang đến với mảnh đất thiêng liêng đã chứng kiến biết bao
biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc. 
Khu di tích Trung tâm HTTL đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia
đặc biệt vào năm 2009. Vào ngày 01/08/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Di sản Thế giới đã
thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm HTTL - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì năm 2010 chính là năm kỷ niệm 1000 năm Lý Thái Tổ dời đô
từ Hoa Lư về Thăng Long. Hoàng thành Thăng Long cũng có con số rất đẹp, là di sản thứ
900 trong danh mục di sản thế giới của UNESCO.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật:
chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm
quyền lực; các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Để được ghi vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, một tài sản phải đáp ứng các tiêu
chuẩn về văn hoá hoặc thiên nhiên theo Công ước Di sản thế giới đã được Ủy ban về Di sản
thế giới của UNESCO duyệt lại.

Tiêu chuẩn văn hóa


(I) - là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
(II) - Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng
thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến
trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan.
(III) - Là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt
về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất.
(IV) - Là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh
quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.
(V) - Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ
mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ
bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được.
(VI) - Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý
tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.
(tiêu chuẩn này chỉ duy nhất được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và áp dụng đồng
thời với các tiêu chuẩn khác)
Tiêu chuẩn tự nhiên
(VII) - Chứa đựng các hiện tượng, địa điểm tự nhiên hết sức nổi bật hoặc các khu vực có vẻ
đẹp tự nhiên độc đáo và tầm quan trọng về thẩm mỹ.
(VIII) - Là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của Trái Đất,
trong đó có lịch sử về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát
triển của các địa mạo, hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý tự nhiên.
(IX) - Là những ví dụ tiêu biểu cho quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá
trình tiến hoá và phát triển của các dạng địa hình, vùng nước ngọt, biển và ven biển và các
quần xã động vật, thực vật.
(X) - Là những nơi cư trú tự nhiên quan trọng nhất và tiêu biểu nhất, mang giá trị bảo tồn
nguyên trạng sự đa dạng sinh học, trong đó có những môi trường sống chứa đựng những loài
động vật hoặc thực vật đang bị đe dọa, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học
hoặc bảo tồn.
Để được ghi nhận là Di sản thế giới, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đáp ứng
được các tiêu chí:

Theo tiêu chí (II): Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm
Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là
nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu
của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành
phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), để tạo dựng nên những nét
độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ
sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy
hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến
văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Theo tiêu chí (III): Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về
truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế
kỷ (trải từ thời tiền Thăng Long, qua thời Đinh- Tiền Lê, đến thời kỳ Thăng Long - Đông Kinh - Hà
Nội với các Vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn) và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những
tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp
nhau liên tục của các Vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành
chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di
sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung
tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Theo tiêu chí (VI): Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di
sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng  Đông
Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống
và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn
ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân,
giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bao
gồm hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
gồm:
Di sản thiên nhiên thế giới:

1. Vịnh Hạ Long, được công nhận năm 1994 theo tiêu chí (VII) và năm 2000 theo tiêu chí
(VIII).
2. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2003, là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu
chí (VIII) và năm 2015 theo tiêu chí (IX), (X). 

Di sản văn hóa thế giới:


1. Quần thể di tích Cố đô Huế, năm 1993, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (IV).
1. Phố cổ Hội An, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (V).
1. Thánh địa Mỹ Sơn, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (III).
1. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, năm 2010, là di sản văn hóa thế giới
theo tiêu chí (II) (III) và (VI).
1. Thành nhà Hồ, năm 2011, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) và (IV)

Di sản thế giới hỗn hợp:


Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014, theo các tiêu chí (VII) và (VIII) của một di sản thiên
nhiên thế giới và tiêu chí (V) của một di sản văn hóa thế giới.

Khu Di tích trung tâm HTTL có thể chia thành 2 khu vực chính. Thứ nhất là khu di tích
Thành cổ Hà Nội (nơi chúng ta đang đứng). Thứ hai là Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng
Diệu (chỉ tay cho khách về hướng Nhà Quốc hội).
Tổng diện tích khu di sản là 18,3 ha, trong đó:
  Khu di tích thành cổ Hà Nội có diện tích 13,8 ha.
  Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có diện tích 4,5 ha.
Thưa quý khách, cùng với thời gian, những kiến trúc thành lũy, những cung điện, lầu son
gác tía của kinh thành xưa đã không còn nữa, song với những công trình kiến trúc, di tích và
di vật còn lưu giữ được tại khu di tích này, chúng ta có thể hình dung được phần nào lịch sử
đầy tự hào của Thăng Long – Hà Nội xưa. 
Kính thưa quý khách, chúng ta đang đứng trước sơ đồ khu di sản Trung tâm Hoàng
Thành Thăng Long - Hà Nội:
1. Khu đón tiếp
2. Đoan Môn
3. Nhà trưng bày di tích
4. Hầm chỉ huy chiến lược
5. Điện Kính Thiên
6. Nhà và hầm D67
7. Hậu Lâu 
8. Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
9. Bắc Môn
10.Kỳ Đài

1. Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài)


Di tích đầu tiên em xin được giới thiệu với quí khách là Kỳ đài. Đây là một trong những
công trình kiến trúc còn nguyên vẹn nhất trong quần thể kiến trúc khu trung tâm Hoàng
Thành Thăng Long - Hà Nội không bị người Pháp phá bỏ vào cuối thế kỷ 19. Đối với người
dân Hà Nội thì tên gọi này không phổ biến bằng một tên gọi khác thân mật hơn là Cột cờ Hà
Nội. 
Kỳ đài - Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 (1805-1812) dưới thời vua Gia
Long triều Nguyễn, trên nền cũ của Tam Môn (cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê). Đây
là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây
theo đường ngư đạo, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng
thành là điện Kính Thiên. 
Toàn bộ công trình này cao 33,4m, tính cả cán cờ là 41,4m. Cột cờ gồm có 3 phần: phần
đế, thân cột cờ và đỉnh cột cờ (vọng canh). Phần đế của cột cờ có 3 tầng hình vuông được xây
thu dần lên với chiều dài mỗi cạnh từng tầng là: 42,5m, 27m, 12,8m. Về chiều cao, các tầng
được xây cao dần lên: tầng 1 cao 3,1m, tầng 2 cao 3,7m, tầng 3 cao 5,1m . Lên tầng hai,
chúng ta sẽ thấy có bốn cửa quay bốn hướng nhưng chỉ có ba cửa được đặt tên. Cửa hướng
đông có tên là Nghênh Húc (có nghĩa là đón ánh sáng ban mai), cửa hướng tây có tên là Hồi
Quang (có nghĩa là ánh sáng phản chiếu) và cửa hướng nam có tên là Hướng Minh (có nghĩa
là hướng về ánh sáng). Riêng cửa hướng Bắc không được đặt tên. 
Từ tầng ba có một cửa để đi lên cầu thang xoáy trôn ốc trong lòng thân cột cờ dẫn lên tới
đỉnh. Phần thân cột cao 18,2 mét được xây hình trụ 8 cạnh thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy
rộng khoảng 2 mét. Quanh thân cột được trổ 39 ô thoáng hình hoa thị và 8 ô hình rẻ quạt để
lấy ánh sáng và thông hơi . 
Đỉnh Cột cờ được cấu trúc như một lầu bát giác, cao 3,3 mét và có 8 cửa sổ tương ứng với
8 cạnh. Giữa lầu có hình trụ tròn đường kính 40cm để cắm cán cờ. 
Dưới thời Nguyễn, đây là vị trí treo Hoàng kỳ. Khi phá thành Hà Nội, thực dân Pháp đã
giữ lại Kỳ Đài để làm đài quan sát vì đây là công trình cao nhất tại Hà Nội thời đó. Từ ngày
10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”
và  được công nhận là di tích lịch sử năm 1989.
Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng rạo rực chào đón ngày hội lớn, ngày Hội chiến
thắng, Thủ đô Hà Nội hoàn Toàn giải phóng. Cả Hà Nội dồn về “Cột cờ Hà Nội” chờ đón
giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.
Đúng 15 giờ, ngày 10/10/1954, còi nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân
nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, lá cờ tổ quốc được kéo
lên từ từ theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay
trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.
Hơn nửa thế kỷ qua, gắn trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung
bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, mãi mãi là
biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc, đất nước Việt Nam độc lập, tự do .
Hiện nay, Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Hà Nội.
Theo tài liệu nghiên cứu, từ năm 1986, một lá cờ đỏ sao vàng kích cỡ 24 m2 vuông luôn tung bay
trên Cột cờ Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội ngày nay nằm bên đường Điện Biên Phủ, với những cây xà cừ cổ thụ mọc xung
quanh và dưới chân là một vườn nhãn um tùm.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, trong một bức ảnh được chụp vào năm 1890 bởi Louis Sadoul, một
sĩ quan quân y Pháp, khu vực vườn hoa Tượng đài Lênin dưới chân cột cờ ngày nay còn là hồ Voi vì
là nơi tắm voi của triều đình nhà Nguyễn. Còn các rặng cây cổ thụ ngày nay khi đó còn chưa được
trồng. Trong ảnh, còn có thể thấy quân Pháp đã dựng doanh trại bán kiên cố trên các vòng thành của
Cột cờ để đóng quân.
Cũng trong thời kỳ này, Cột cờ Hà Nội còn được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Trong cuộc
chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Khi đó, từ
đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.
Điều đặc biệt là giữa những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ
như có máy lạnh. Kết cấu các cửa lên xuống của Cột cờ cũng khoa học đến mức mưa lớn đến đâu
nước cũng không chảy vào trong lòng tháp.
Trong phạm vi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội hiện nay, Kỳ Đài cũng là công
trình kiến trúc cao nhất và nằm ở điểm cực nam của khu di tích. 
Từ Cột cờ đến Đoan Môn khoảng 300m. Khoảng sân này là nơi khi xưa diễn ra rất nhiều nghi lễ
chính trị, văn hóa cũng như tâm linh của các triều đại phong kiến như lễ duyệt cấm quốc quân của
triều đại nhà Trần khi nước ta đối mặt với 3 lần chống quân Nguyên Mông. Trước khi mở cửa cho
khách tham quan, thì đây là sân vận động của đội bóng đá thể công - sân vận động cột cờ. Hiện tại,
nhiều sự kiện ý nghĩa của thành phố cũng như của Sở Văn hóa Du lịch được tổ chức tại đây - sân
Đoan Môn.

2. Đoan Môn:
Tiếp đến quý khách sẽ tham quan Đoan Môn - công trình đồ sộ nhất trong những di tích
còn lại của Hoàng thành Thăng Long xưa. Tên gọi Đoan Môn như quý vị nhìn thấy trên
phiến đá lớn gắn phía trên vòm cổng có nghĩa là cửa chính để đi vào Cấm thành (Đoan nghĩa
là đoan chính, chỉnh yếu; Môn nghĩa là cửa). Cổng quay hướng Nam và là nơi diễn ra nhiều
nghi lễ trọng đại của triều đình. 
Cổng này là cánh cổng chính cuối cùng để đi vào Cấm thành Thăng Long (xưa kia có 4 cổng). Theo
quan niệm phong thủy, Đoan Môn cũng như các công trình quan trọng bậc nhất của Cấm thành
Thăng Long xưa thì đều quay về hướng nam bởi hướng nam là hướng nam là hướng an lành, sự hưng
thịnh, trường tồn, phát triển của quốc gia. Trong dân gian ta có câu:
“Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam.”
Trong triều đình cũng có 1 câu có ý nghĩa tương tự, đó là: 
“Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”
(Thiên tử phải quay mặt về hướng nam để nghe những điều nhỏ nhoi của nhân dân, để cai trị thiên
hạ)
Cổng thành như quý vị đang thấy hiện nay được xây dựng thời Lê sơ (TK 15) trên cơ sở
cổng Đoan Môn cũ thời Lý (TK 11) và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn. Phía trên cửa
chính giữa tầng lầu thứ hai được đắp nổi ba chữ Hán: “Ngũ môn lâu”, nghĩa là “Lầu năm
cửa”. Bởi vậy, nhiều người vẫn gọi Đoan môn là “Ngũ môn lâu”.
Mặt bằng Đoan Môn có cấu trúc hình chữ U, chiều ngang chạy dài 46,5 mét, chiều sâu là
26,5 mét và chiều cao là 6 mét (tính cả lầu phía trên là 13m). Nhìn từ phía trước, chúng ta
thấy tầng dưới cùng của Đoan Môn có 5 cửa vòm cuốn, cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục
thần đạo”, hay còn được gọi là “trục chính tâm” gióng thẳng từ Kỳ Đài qua Đoan Môn đến
điện Kính Thiên. 
Kiến trúc cuốn vòm ở các cổng thành không chỉ mang lại những đường cong duyên dáng, mà còn có
kết cấu chịu lực cực tốt. Cho đến ngày nay, những công trình đường hầm hiện đại nhất, kỳ vĩ nhất
trên thế giới cũng vẫn sử dụng lối kiến trúc này.
Cánh cổng chính giữa rộng nhất (cao 4m và rộng 2,7m) chỉ dành riêng cho nhà vua. Bốn
cửa hai bên nhỏ hơn (cao 3,8m và rộng 2,5m) dành cho quan lại và thành viên Hoàng tộc.
Ngoài ra còn có hai cửa phụ ở hai bên dành cho binh lính và người phục vụ khi ra vào Cấm
Thành. Mỗi cổng thành đều được làm bằng gạch vồ và đá cuốn vòm, ghè đẽo hết sức công
phu và được xếp chồng khít với nhau. Các cánh cổng được dựng từ những phiến gỗ lim
nguyên khối dày gần bằng gang tay người lớn, được lắp chạy trên một hệ thống bánh xe lớn
và chắc chắn bằng gỗ có bịt thép xung quanh. Khi sửa chữa Đoan Môn vào thời Nguyễn,
người ta còn cho xây dựng thêm 2 cổng ở hai bên, đây là hai trong tám cánh cửa hành cung
Long Thiên của nhà Nguyễn.
Mặt trên cổng thành là một cái sân gạch có lan can bao quanh, trước đây có Môn Lâu
nhưng đến TK 19 đã bị phá hủy. Vì vậy, phần tầng 2 – Lầu phương đình mới được xây dựng
năm 1999 theo kiểu vọng lâu hình vuông có 2 tầng 8 mái với mái lợp ngói ta. Đây là nơi nhà
vua dùng để quan sát lễ duyệt binh và những nghi lễ quan trọng khác của triều đình.
Tầng này có diện tích tương ứng với cửa chính giữa. Do bị cải tạo làm cơ sở làm việc cho quân đội
nên kiến trúc cũ chưa thể khảo cứu được. Trên nóc tầng hai xây một phương đình nhỏ kiểu hai tầng
tám mái. Mái lợp ngói ta, hai đầu nóc đắp hai con rồng (đầu kìm), hai hồi đắp hình hổ phù; 4 góc mái
trên tạo thành đao cong.
Phía sau Đoan Môn là Long Trì (tức Sân Rồng, thời Lê gọi là Đan Trì). Đó là một không gian vô
cùng quan trọng của Cấm thành, nơi cử hành nhiều nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng cũng
như các lễ hội do nhà vua chủ trì.
Ở mặt sau cổng Đoan Môn, chúng ta thấy có một hố khảo cổ được khai quật năm 1999
rộng 85,2 m2. Ngay ở độ sâu 1,2m đã xuất lộ một đường viền đá lát chân tường Đoan Môn,
một sân lát đá gạch vồ thời Lê (TK 15-18) rộng 24 m2 và ở độ sâu 1,9m đã xuất lộ dấu tích
một con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần (TK 13-14). Bên cạnh đó ta cũng thấy những
viên gạch đỏ thời Lý ở độ sâu 2m. Theo hướng Bắc-Nam, con đường được dự đoán còn kéo
dài hơn nữa và rất có thể đó là con đường đi từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên thời Lê. Như
vậy, kết quả khảo cổ học tại Đoan Môn càng củng cố thêm giả thiết về Đoan Môn thời Lý,
Trần, Lê về cơ bản đã tọa lạc tại cùng một vị trí. Những phát hiện này cho thấy dấu tích kinh
đô qua các thời kỳ lịch sử chồng xếp lên nhau ở khu vực Trung tâm Hoàng thành.

3. Nhà trưng bày “Thăng Long – Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất”
Chúng ta đang đến với khu trưng bày giới thiệu chung về cổ vật được hoàn thành năm
2010 với sự hợp tác của Pháp. Đây là nơi trưng bày các hiện vật tiêu biểu được khai quật tại
Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Nhà trưng bày này có tên gọi là “Thăng Long - Hà Nội,
lịch sử ngàn năm từ lòng đất”, nơi mà các hiện vật sẽ đưa chúng ta ngược dòng lịch sử tìm về
với những giá trị nổi bật của hàng ngàn năm hình thành và phát triển của mảnh đất hội tụ linh
khí quốc gia (215 hiện vật xoay quanh 3 nội dung là lịch sử, kiến trúc và đời sống hằng ngày
của 5 giai đoạn lịch sử: Đại La, Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê).
Thưa quý khách, vào cuối năm 1009, tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng
lập vương triều Lý. Năm 1010, vào tháng 7 âm lịch, vua Lý Công Uẩn từ kinh đô Hoa Lư về thăm
quê ở làng Cổ Pháp (Đình Bảng) bên tả ngạn sông Hồng. Ông ghé thăm thành Đại La của Cao Biền
(tức vùng Hà Nội sau này) bên hữu ngạn sông Hồng. Khi thuyền ngự về đến bến sông dưới thành
Đại La, tương truyền có rồng vàng bay lên. Nhà vua quyết định dời đô về đây, chọn hai chữ "Thăng
Long" (Rồng bay) đặt tên kinh đô mới, mở đầu vận hội hưng thịnh, thái bình của đất nước Đại Việt. 

Giải thích cho việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, trong “Chiếu dời đô” chép trong Đại Việt sử ký
toàn thư, Lý Thái Tổ đã viết: “Thành Đại La đô cũ của Cao Vương ở giữa khu vực trời đất, được thế
rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi sông núi trước sau. Vùng này mặt đất
rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức
tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt, đó là nơi thắng địa, là chỗ tụ quan yếu của bốn phương, đúng
là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”
Ngay ở gian trưng bày đầu tiên là hiện vật Đầu rồng thời Lý được làm từ đất sét cao
1,1m, nặng hơn 1 tạ dùng để trang trí trên nóc cung điện. Đầu rồng hầu như còn giữ được nét
nguyên vẹn khi được khai quật lên. Song quý khách có thể thấy một số đường nét đậm nhạt ở
đây bởi nó đã được các nhà khoa học phục chế lại. Rồng là một linh vật đặc sắc tượng trưng
cho quyền lực và vị thế độc tôn của hoàng đế. Miệng rồng ngậm viên ngọc lớn thể hiện sự
cao quý và đặc biệt trên mũi rồng có biểu tượng lá đề - một loại lá thiêng tượng trưng của
Phật giáo. Điều này cho thấy dưới thời Lý, đạo Phật đã phát triển cực thịnh và có thể coi là
quốc giáo.
Tiếp theo chúng ta sẽ cùng quan sát Bản sao tấm bản đồ Hồng Đức năm 1490 thời Lê
Thánh Tông. Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo lối “Tam trùng thành quách” gồm
vòng ngoài cùng gọi là Đại La Thành (La Thành) – nơi dân cư sinh sống, vòng giữa là Hoàng
Thành – nơi ở và làm việc của quan lại và hoàng thân quốc thích, vòng trong cùng là Cấm
Thành - nơi ở và làm việc của vua cùng gia đình hoàng tộc. Bên cạnh là bản đồ Thành
Vauban hay Thành Hà Nội nhà Nguyễn vào TK 19.
Đây là bảng niên biểu các triều đại đã từng ở đây mà khi chúng ta vào trong phòng trưng
bày sẽ được chiêm ngưỡng các hiện vật được tìm thấy theo từng thời kỳ.
Từ bảng niên biểu này chúng ta có thể thấy từ thời Đại La thế kỷ VII-IX đã có những
dấu tích ở đây, điều này cho thấy chúng ta có thể tự hào di tích Hoàng Thành Thăng Long có
bề dày lịch sử ít nhất là 1200 năm, gần tương đương với cố đô Na-ra ở Nhật Bản (1300 năm).
Dấu ấn của mỗi thời kỳ lịch sử đều tìm thấy ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long qua
số lượng di vật đồ sộ, cho thấy vị trí trung tâm của khu di tích và phản ánh lịch sử lâu dài của
Kinh đô Thăng Long. Bên cạnh những dấu tích kiến trúc đan xen, chồng xếp lên nhau qua
nhiều thời kỳ lịch sử là hàng triệu hiện vật được tìm thấy trong lòng đất huyền bí. Nhiều hơn
cả là những di vật vật liệu trang trí kiến trúc cung đình cùng các đồ dùng của Hoàng cung
xưa kia, minh chứng cho sự phát triển của kinh đô Thăng Long, kinh đô của quốc gia Đại
Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.
Những hiện vật đặc trưng của từng thời kỳ hoặc là những dấu tích khảo cổ học đan xen, chồng xếp
lên nhau. Tại đây, qua những biến thiên của lịch sử thì kinh đô vàng son gấm vóc ko còn nhưng còn
lại đây những dấu tích để c/m sự tồn tại và phát triển 1000 năm kinh đô Thăng Long của chúng ta.
Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ là đây
Các căn phòng tiếp theo sẽ là nơi trưng bày cổ vật được sắp xếp lần lượt theo từng thời kỳ
lịch sử. 
 Thời Đại La (thế kỷ VII-IX)
Thành Đại La được xây dựng vào năm 866 để làm lị sở của An Nam đô hộ phủ tại đây.
Các di vật của thời Đại La được tìm thấy ở khu di tích vô cùng phong phú, cho thấy đây là vị
trí trung tâm, trụ sở của An Nam đô hộ phủ, thuộc Đường, khẳng định kinh thành Thăng
Long được xây dựng trên cơ sở thành Đại La của tiết độ sứ Cao Biền.
Các vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở nơi đây là các loại gạch ngói hay tương linh thú
đều có màu xám đen ntn: ngói âm dương trang trí họa tiết mặt linh thú (thể hiện sức mạnh
thời kì này đồng thời cũng mong muốn canh giữ sự bình yên cho ngôi nhà, xua đuổi tà
ma), mặt hề, hoa sen, loại gạch vuông dùng để lát nền cũng được tìm thấy, có trang trí
hoa văn sinh động như viên gạch lát nền có hình cá sấu bơi trong sóng nước. Đặc biệt
tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long đã tìm thấy nhiều viên gạch có chữ Hán
“Giang Tây quân” - phiên hiệu của một trong những đội quân do vua nhà Đường cử
sang phục vụ bộ máy cai trị An Nam đô hộ phủ. 
Đồ gốm sứ nước ngoài khá phong phú như: tượng sư tử của lò gốm Tây Nhôn (Quảng
Đông – TQ), vò gốm men xanh của lò gốm Trường Sa (Hồ Nam – Trung Quốc) thời Đường
thế kỷ 8-9. Đặc biệt là các mảnh gốm men xanh lam vùng hồi giáo Tây Á (Islam),…
Các di vật thời Đại La phản ánh sự giao thoa và tiếp biến văn hóa Việt - Hán, đồng thời
phản ánh nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong thời kỳ chống Bắc thuộc. 

 Thời Đinh - Tiền Lê (TK10)


Kết thúc thời kỳ Bắc thuộc với sự kiện: vào năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam
Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra 1 thời kì độc lập chủ quyền cho quốc gia Đại Việt. Sau khi
Ngô Quyền lên ngôi được 6 năm thì xảy ra loạn 12 sứ quân và người dẹp loạn là Đinh Bộ
Lĩnh. Ông lên ngôi năm 968, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Trong giai đoạn này, vùng đất
này vẫn được coi trọng, mặc dù không giữ vai trò kinh đô của đất nước, nhưng những dấu ấn
của miền Kinh phủ thời Đinh - Tiền Lê cũng được tìm thấy ở khu di tích. Tiêu biểu là viên
gạch khắc chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (Gạch xây quân thành của Đại Việt) -
phản ánh sự phát triển của kiến trúc và tinh thần độc lập dân tộc cao dưới thời Đinh - Tiền
Lê, quý vị cũng thấy các loại ngói úp nóc gắn tượng uyên ương và quầng sáng giống hình
ngọn lửa (trong nghiên cứu kiến trúc cổ, người ta dùng thuật ngữ “bảo châu”) giống như ở
Cố đô Hoa Lư, đều được làm bằng đất nung.
Ngoài ra còn có các loại ấm thân hình cầu, ngoài có 4 quai, 5 quai, 6 quai làm bằng sành.
Gốm sứ chưa phát triển nhiều như thời Đại La khi được du nhập từ Trung Quốc.
Bên cạnh đồ gốm Trung Hoa, là các loại đồ gốm được sản xuất trong nước như gốm men
xanh, men nâu của lò Thanh Lãng, Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), đồ sành của lò Đường Xá (Bắc
Ninh).
Khi bước vào gian phòng này quý khách sẽ nhận thấy các hiện vật được trang trí khá đơn
giản, tuy nhiên bước sang thời kỳ tiếp theo đã có sự phát triển vượt bậc về kiến trúc cũng như
điêu khắc. 
 Thời Lý (TK 11-12)
Các hiện vật thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long vô cùng đẹp đẽ, tinh mỹ, phản ánh sự
phát triển thịnh trị của thời kỳ này. Nhiều loại vật liệu trang trí kiến trúc như ngói gắn lá đề
trang trí rồng, phượng hay các phù điêu, tượng tròn tạo tác hình đầu Rồng, đầu chim phượng
hay uyên ương với họa tiết trang trí tinh xảo, trau chuốt cho chúng ta những hình dung về vẻ
đẹp lộng lẫy của hoàng cung Thăng Long thời Lý. Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh
mẽ và hưng thịnh, Phật giáo trở thành Quốc giáo của Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến
kiến trúc cũng như đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Ta có thể thấy rõ điều này qua
những trang trí lá đề trên nóc cung điện.
Những viên gạch vuông lát nền cũng được trang trí cầu kỳ hoa văn cúc dây, mẫu đơn và
sen dây. Các chân đá tảng lớn kê chân cột được chạm cánh sen cho thấy quy mô to lớn của
các công trình kiến trúc. 
Chim uyên ương là biểu tượng của Phật giáo, là hóa thân của Đức Phật, là hiện thân của tình yêu và
hạnh phúc. Nói đến uyên ương là nói đến đôi đến cặp vì thế mà khi 1 con mất đi thì con còn lại cx ko
thể sống nổi. 
“Uyên ương lẻ bạc khóc người mk yêu”
Như vậy, không chỉ trong dân gian mà trong cả cung đình, để thể hiện cho ước vọng tình yêu đc viên
mãn thì đã trang trí những biểu trưng như thế này.
Đồ gốm thời Lý có chất lượng cao, gồm các dòng gốm men ngọc, men trắng, men
vàng, men xanh lục và hoa nâu với nhiều kiểu loại như bình, vò bát, đĩa, âu, chậu, đĩa đài sen,
hộp có nắp… Trong số đó có nhiều đồ gốm sứ cao cấp, được chế tác tinh xảo, hoa văn trang
trí mang tính biểu trưng cao quý như hình rồng, hoa sen, hoa cúc, văn như ý… Rất độc đáo là
di vật nắp hộp men xanh lục, có đường kính 18,5 cm, trang trí rồng uốn khúc, dải văn mây
hình khánh, văn như ý và dải văn nhũ đinh.
Đồ đất nung thời Lý đạt trình độ cao, các hình tượng nghệ thuật được thể hiện vô cùng
trau chuốt và tinh tế như tượng chim uyên ương, viên gạch trang trí mẫu đơn dây. Đây là
chiếc đĩa lớn làm từ gốm men ngọc lòng khắc chìm văn dây lá cuốn.
Ngoài ra, có một điểm thú vị là ở Hoàng thành Thăng Long còn phát hiện được viên
gạch khắc chữ Chămpa. Điều này có thấy thợ thủ công Chămpa cũng có tham gia trong việc
xây dựng Hoàng Thành Thăng Long thời Lý.
 Thời Trần
Năm 1225, vị vua nữ cuối cùng của triều đại nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng, đã nhường ngôi
cho chồng là Trần Cảnh. Các vua Trần nối tiếp các vua nhà Lý tiếp tục định đô ở Thăng
Long. Thời kỳ nhà Trần được kế thừa gần như là nguyên vẹn những tinh hoa, những giá trị
về văn hóa của thời kỳ nhà Lý. 
Qua các di vật được tìm thấy ở Thăng Long, có thể thấy mỹ thuật thời Trần vừa kế thừa
mỹ thuật Lý, nhưng cũng có những thay đổi mang dấu ấn đặc trưng của thời đại 3 lần đánh
bại quân Mông – Nguyên hùng mạnh như: sáng tạo ra kỹ thuật trang trí hoa chanh, các loại
ngói mũi sen, mũi lá, các loại phù điêu, tượng tròn với hình khối, đường nét khỏe khoắn,
mang phong cách khoáng đạt của thời đại Trần. Những đường nét, hoa văn trang trí đơn giản
hơn, mộc mạc, to khỏe hơn vì giai đoạn này đất nước ta, chiến tranh xảy ra liên miên nên
không có nhiều thời gian để đầu tư vào những công việc như thế này. Nên việc đơn giản hóa
những chi tiết cầu kì là việc tất yếu.
Tương tự như vậy, nếu tượng chim phượng ở thời kỳ nhà Lý mà có mào, nhưng nhà
Trần ko có mào, tuy vậy nó vẫn thể hiện đc cốt cách của triều đại nhà Trần - là 1 giai đoạn
hào sảng hơn, là 1 giai đoạn cần sự chắc khỏe hơn so với kiến trúc của triều đại nhà Lý trước
đấy.
Đặc biệt dưới thời Trần, những đồ gốm hoa nâu có kích thước lớn với hình khối khỏe
khoắn rất được ưa chuộng. Quý vị có thể thấy ở đây có một hiện vật rất đặc biệt là chiếc loa
bằng gốm men nâu trang trí khắc chìm văn cánh sen và dây lá cuốn - một công cụ tuyên
truyền, giúp quân dân nhà Trần đồng lòng dốc sức đánh thắng ngoại xâm, cũng có thể chiếc
loa gióng lên những khúc khải hoàn khi chúng ta chiến thắng trở về.
Dưới thời Trần, các địa phương tiếp tục được huy động để xây dựng kinh đô Thăng Long.
Trên các viên gạch, ngói thời kì này có khắc tên nhiều địa danh tham gia xây dựng kinh đô,
tiêu biểu là gạch ”Vĩnh Ninh trường”. Vĩnh Ninh trường là tên gọi khu vực Vĩnh Lộc (Thanh
Hóa) ngày nay. Viên gạch này đặc biệt bởi nó có khắc con dấu “Vĩnh Ninh trường” và cách
người thợ gạch thử dấu.
Tiếp theo xin mời quý khách cùng tôi chiêm ngưỡng một báu vật có một không hai vô
cùng đặc biệt ở gian phòng tiếp theo.
 Thời Lê sơ 
Khi bước vào gian phòng này, chắc hẳn quý khách sẽ cảm thấy sự khác biệt lớn so với
hiện vật thời Lý và Trần. Đây là gian phòng trưng bày các hiện vật chủ yếu của thời Lê sơ –
Mạc – Lê Trung Hưng. 
Như chúng ta đã biết, vào giai đoạn cuối Trần - đầu Hồ, Hồ Quý Ly đã cho tháo dỡ các
cung điện ở Thăng Long chuyển vào Thanh Hóa, xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ) và
Ly cung. Chính vì vậy nếu quý khách tham quan Thành nhà Hồ sẽ bắt gặp rất nhiều hiện vật
tương tự như các hiện vật tìm thấy tại di sản Hoàng Thành Thăng Long.
Sau khi tiêu diệt nhà Hồ, nhà Minh tiến hành chính sách hủy diệt văn hóa, bắt nhiều thợ
thủ công và trí thức người Việt đưa sang Trung Quốc. Quãng thời gian bị nhà Minh xâm lược
đã tạo ra sự đứt gãy trong văn hóa Việt Nam, chính vì vậy, chúng ta sẽ cảm thấy được sự
khác biệt rõ nét giữa các hiện vật của gian phòng này so với các gian phòng trước. 
Thời kì này gắn với tư tưởng “thế thiên hành đạo” - Nho giáo trở thành quốc giáo, nhà vua
thay trời quyết định mọi việc. Biểu trưng của nhà vua phải là biểu trưng mạnh mẽ, gân guốc,
uy quyền. Đấy là hình tượng rồng trên ngói Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly trải dài trên mái
của cung điện. Đồng thời, đây cũng là loại ngói duy nhất có ở Thăng Long, đó là Hoàng lưu
ly và Ngọc lưu ly, thể hiện sự sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Hoàng
cung Thăng Long thời Lê sơ.
Rồng của thời kì này khác với rồng của các thời kỳ Lý - Trần trước đó: thân của rồng thời
kì Lý - Trần thì mềm mại, nhẹ nhàng, uốn lượn theo hình sin 12 khúc biểu tượng cho 12
tháng của 1 năm. Có nhiều nhà sử định nhận định rằng: nó giống như 1 con giun đất, 1 con
rắn nước. Nhưng đến thời kì này thì không thế nữa, mà hội tụ những con vật mạnh mẽ để vào
trong hình tượng đầu rồng sao cho thể hiện được quyền uy của nhà vua tối cao nhất. Hình
tượng rồng thời kỳ này giống so với Trung Quốc hơn, mang nhiều nét thủy quái và dữ tợn
hơn. Để minh chứng cho điều đấy, có rất nhiều loại ngói: ngói trích thủy trang trí hình hoa
cúc, hình tượng rồng có 5 móng biểu trưng cho nhà vua.
Các dấu tích kiến trúc thời Lê ở Hoàng Thành Thăng Long xuất lộ có số lượng ít hơn so với các vết
tích kiến trúc thời Lý – Trần. Lý do kiến trúc thời Lê tìm thấy ít chính là vì tầng văn hoá thời Lê ở
trên cao do đó đã bị đào phá 2 lần một cách khốc liệt. Lần thứ nhất là việc dỡ toàn bộ Thăng Long
xây thành Hà Nội thời Nguyễn năm 1805 (trừ khu vực Đoan Môn và điện Kính Thiên). Lần thứ 2 là
việc phá bỏ toàn bộ thành Hà Nội thời Nguyễn và cũng để lại Đoan Môn và Kính Thiên. Ở lần thứ 2
này do việc đào móng xây dựng các công trình bằng gạch và bê tông cốt thép đã vừa phá thành Hà
Nội, vừa phá tiếp thành thời Lê và thậm chí là của cả thời Trần nữa. Trong tầng văn hóa tại các hố
khai quật khảo cổ học, nhiều vị trí dấu tích kiến trúc thời cận hiện đại đã xuyên phá đến gần tầng lớp
văn hoá thời Lý. Các dấu tích kiến trúc thời Lê chỉ còn lại một số móng trụ, sân nền lát gạch vồ…

Mặc dù các công trình kiến trúc thời Lê đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những phế tích nhưng đã tìm
thấy một khối lượng đồ sộ các loại hình vật liệu kiến trúc, đặc biệt là các vật liệu cấu thành bộ mái
các công trình.

Vật liệu cấu thành bộ mái kiến trúc chính là những viên ngói cong (ngói âm dương), ngói phẳng
(ngói mũi nhọn) và những phù điêu trang trí kiến trúc. Ở những vị trí khác nhau trên bộ mái kiến trúc
có những loại ngói lợp phù hợp như ngói lợp phần thân mái, lợp phần diềm mái.

Ngói ống dáng thuôn dài, tròn đều, mặt cắt ngang hình nửa ống tròn. Thân được tạo bằng kỹ thuật
dải cuộn kết hợp bàn xoay, thân dày đều, mặt trên làm nhẵn hoặc có dấu thừng, mặt dưới có dấu vải
rất rõ. Phần đuôi và thân được tạo liền khối. Đuôi được tạo bằng cách cắt bớt độ dày thân. Những
viên ngói diềm mái lợp ở vị trí đầu tiên trong hàng, có phần đầu ngói hình tròn, trong lòng đầu ngói
trang trí hoa văn với các chủ đề chính là hoa cúc và hình rồng.

Thời Lê có một loại hình ngói ống rất đặc biệt, đây là những viên ngói ống có men xanh hoặc men
vàng, hai viên ngói ghép lại với nhau sẽ thành hình một con rồng nằm ngẩng cao đầu. Viên thứ nhất
có phần đầu ngói hình tròn, trang trí hình con rồng cuộn tròn, đặc trưng của rồng thời Lê sơ. Lưng
ngói tiếp giáp phần đầu ngói có hình đầu con rồng ngẩng cao, mắt mũi, mồm, bờm được khắc nét rất
sinh động. Lưng ngói tiếp giáp phần đuôi thường có 1 vây. Toàn bộ phần lưng được trang trí tạo vẩy.
Viên thứ hai phần lưng ngói có 2 vây, toàn bộ phần lưng được trang trí tạo vẩy, đuôi ngói được đắp
thêm, đuôi ngắn và hơi cong.

Ngói lòng máng hình dáng chữ nhật, mặt cắt ngang khum cong phần đuôi rộng hơn phần đầu, làm
bằng hai kỹ thuật dải cuộn kết hợp khuôn trên bàn xoay và đắp tảng đất trên khuôn kết hợp bàn đập,
trong lòng thường có dấu vải, đây là những dấu vết lót khuôn. Thân ngói dày không đều, phần đầu
dày và mỏng dần về phần đuôi. Những viên ngói lòng máng lợp diềm mái (còn gọi là ngói trích thủy
hay ngói yếm). Phần yếm ngói hình lá đề cách điệu có trang trí hoa văn dây lá cuốn, hình rồng, hoa
mai, hoa cúc (cả bông hoặc nửa bông).

Vật liệu lợp trên bộ mái kiến trúc thời Lê phong phú và đa dạng. Chất liệu ngói thời Lê thường được
làm rất kỹ, xương mịn. Loại không men thường có màu xám từ các các độ đậm nhạt khác nhau, ngói
men thường được làm từ đất sét có pha cao lanh, xương mịn màu trắng hoặc đỏ, độ thiêu kết giữa
men và xương khá cao. Ngói được nung ở nhiệt độ cao nên tạo ra độ cứng tốt, độ hút ẩm thấp, chịu
được mưa nắng đảm bảo cho độ bền của các công trình kiến trúc.

Các loại hình ngói đều được làm bằng khuôn gỗ, tạo dáng trên khuôn định hình. Phần đầu ngói hoa
văn trang trí được tạo bằng những khuôn khắc chìm, in vào phần đầu viên ngói khi còn ướt, sau khi
nung tạo ra các đầu ngói trang trí các mô típ nổi. Các loại hình ngói ống, ngói lòng máng lợp diềm
mái thường được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Phần thân ngói và phần đầu ngói, yếm ngói được làm
riêng lẻ sau đó gắn ghép vào với nhau. Phần tiếp giáp này được đắp thêm đất sét và được miết kỹ để
kết dính hai phần lại với nhau.
Ngói ống lợp diềm mái thời Lê đều gắn thêm đầu ngói, trong lòng đầu ngói có trang trí, họa tiết trang
trí giữa các thời kỳ cũng có nhiều nét khác biệt rất lớn, ngói ống thời Lê không còn phong cách gắn
lá đề trên lưng ngói như ngói ống lợp diềm mái thời Lý – Trần.

Hoa văn trang trí trên đầu ngói thời Lê có hai đề tài chính là hoa cúc và hình rồng. Hình rồng được
trang trí trong tư thế cuộn tròn, đầu hướng vào tâm, hoa cúc được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau,
tạo nên sự đa dạng về họa tiết. Rồng thời Lê sơ có phần thân hơi mập, phủ vảy đơn, lượn theo chiều
từ phải sang trái, thân rồng uốn khúc những khúc uốn rất doãng ôm trọn đầu rồng ở giữa. Đầu rồng
ngẩng cao, hướng sang phía bên trái. Các chi tiết cấu trúc đầu rồng giản lược. Tư thế lượn của rồng
thời Lê khác rồng thời Lý – Trần. Thân rồng thời Lý – Trần uốn khúc rất đều, khúc uốn rất cong
dạng “thất trí’ và lượn thành hình tròn. Hình tượng rồng từ thời Lý – Trần đến thời Lê không chỉ
được sử dụng như một họa tiết trang trí mà nó được sử dụng với những quy định nghiêm ngặt, theo
đó chúng ta biết được những hình tượng rồng năm móng chỉ được trang trí trên những gì thuộc về
Vua.

Trong số các di vật khảo cổ tìm thấy ở khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long có cả những bao nung,
các loại dụng cụ sản xuất gốm và dấu vết lò nung gốm cùng với rất nhiều phế phẩm gốm sứ là những
mảnh vỡ, những sản phẩm bị méo, lỗi hoặc bị quá lửa… Sự khám phá khảo cổ này đã góp phần
chứng minh rằng, ngay từ thời xa xưa, trình độ tay nghề của những người thợ gốm sứ đất Thăng
Long đã đạt đến mức điêu luyện, có thể sản xuất ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng tuyệt hảo,
màu sắc và đường nét trang trí tinh xảo không kém hàng gốm sứ cao cấp thời Tống. Nói cách khác,
đó chính là minh chứng cho thấy, người Việt ta có thể tự chế tác được những sản phẩm cao cấp chỉ
dùng cho nhà vua và hoàng cung, hoàn toàn không giống như cách nghĩ và lập luận của nhiều người
trước đó cho rằng toàn bộ gốm sứ cao cấp dành cho nhà vua và hoàng cung thuở xưa đều phải nhập
khẩu từ nước ngoài.

Trong số những đồ gốm thể hiện “đẳng cấp” của thợ gốm trong các “lò quan” của đất Thăng Long
xưa, nổi bật là loại gốm xương mỏng. Với những vật dụng là đồ gốm xương mỏng, người thưởng
ngoạn dễ có cảm giác choáng ngợp bởi sự tinh xảo không thể tưởng tượng của những người thợ gốm
Thăng Long cách nay nhiều thế kỷ. Ở những vật dụng này, xương gốm thậm chí chỉ mỏng như một
chiếc vỏ trứng, ánh sáng có thể xuyên qua dễ dàng. Tuy mỏng như vậy nhưng thành trong của những
vật dụng này vẫn được in nổi hình đôi rồng chân có 5 móng, ở giữa đáy in nổi chữ Quan. Theo các
chuyên gia về gốm sứ, loại gốm xương mỏng này có men phủ kín đáy và mép vành chân đế. Chân đế
được tạo cũng rất mỏng và mép vành chân đế vê tròn, khác với các loại gốm xương mỏng ở các nơi
khác thường được cắt vát và cạo men ở mép vành chân đế.

Các loại đồ gốm này đều có chất lượng cực kỳ cao, không chỉ bởi chất lượng tuyệt đỉnh của gốm, mà
còn bởi cả sự trang trí cầu kỳ, tinh xảo và hết sức trang nhã. Những nét vẽ trang trí đều rất mảnh, nhỏ
thể hiện tay nghề đã đạt đến mức thượng thừa của những người thợ gốm Thăng Long thời bấy giờ.
Không những thế, người ta còn thấy cả những hình vẽ trang trí được bài trí bằng vàng thật trên gốm.
Đây là kỹ thuật sản xuất gốm ở đẳng cấp cao, trên thế giới bấy giờ hiếm có nước nào làm được.

Phát hiện quan trọng, phản ánh đời sống cao cấp của Hoàng cung Thăng Long thời Lê là
những sưu tập đồ gốm sứ được sản xuất tại lò Thăng Long. Sự hoàn hảo và tinh mỹ thể hiện
qua bát “thấu quang”. Chiếc bát này chỉ dày 0.6mm, đáy bát được khắc chữ “Quan” và khi
chiếu đèn vào bát ta có thể nhìn thấy 2 con rồng khắc chìm trong bát hiện lên. Đây là đồ ngự
dụng chỉ dành riêng cho vua. Các nhà khoa học đã rất cố gắng để làm lại chiếc bát này song
vẫn không được do kỹ thuật này đã bị thất truyền.
 Thời Mạc
Sau khoảng một thế kỷ phát triển hưng thịnh, thời Lê Sơ chấm dứt vào năm 1567 khi đại
thần Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập nên triều Mạc, đóng đô ở Cao Bằng.
Mặc dù không có tư liệu nào nói đến việc nhà Mạc xây dựng cung điện trong Hoàng
Thành Thăng Long nhưng tại đây đã tìm thấy các loại ngói âm dương lợp diềm mái trang trí
rồng, các loại gạch hộp bằng đất nung có kích thước lớn trang trí nổi hình rồng hay được phủ
men vàng rất đẹp. Bên cạnh đó, khu di tích cũng tìm thấy một số đồ gốm ngự dụng của vua
Mạc trang trí rồng và đồ gốm cao cấp của vương hậu trang trí phượng.
 Lê Trung Hưng
Đây là thời kì lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Đất nước bắt đầu hình thành nạn cát cứ
Nam - Bắc Triều, rồi sau đó là Đàng trong - Đàng ngoài với một vua hai chúa, trong đó
quyền lực tập trung chủ yếu ở nhà chúa (chúa Trịnh và chúa Nguyễn), vua Lê chỉ là hư vị.
Tại khu vực nội thành vừa có cung điện của vua Lê, vừa có phủ chúa Trịnh (khu vực gần hồ
Hoàn Kiếm ngày nay). 
Khác với thời Mạc, vật liệu kiến trúc thời Lê Trung Hưng rất phong phú, đa dạng, có rất
nhiều loại: gạch, ngói, chân tảng, thềm bậc, tượng linh thú…, nhiều và phổ biến là các loại
gạch và ngói. Đáng lưu ý là gạch, ngói thời kỳ này thường không được tráng men như thời
Lê sơ mà chủ yếu là đất nung, được làm bằng hai loại đất: đất sét đỏ và đất sét xám. Trong
đó, loại được làm bằng đất sét màu xám phổ biến hơn và về màu sắc nó khá gần gũi với màu
của vật liệu kiến trúc thời Đại La. Tiêu biểu là các loại ngói mũi lá, đầu trang trí văn như ý và
văn kỷ hà.
Đồ gốm sứ cũng rất phong phú, các sản phẩm gốm thời kì này chủ yếu được tìm thấy từ
Hải Dương, Bắc Ninh và Bát Tràng, tiêu biểu có ấm sành vai khắc hình lá, bát gốm hoa lam,
vẽ chấm dải theo lối đề thơ chữ hán. Đặc biệt là tượng người phụ nữ gốm men trắng thời Lê
Trung Hưng, ngói mũi lá đầu trang trí văn kỷ hà và đầu trang trí văn như ý, bình vôi gốm
men trắng và xanh.
 Thời Nguyễn
Từ năm 1788, khi Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân – Huế và sau đó nhà Nguyễn
(1802 – 1945) cũng định đô tại đây thì thành Thăng Long trở thành nơi hành cung Long
Thiên nên ở đây không có nhiều những hiện vật của thời kì này.
Các đồ gốm thời Nguyễn được tìm thấy chủ yếu là gốm hoa lam, gốm men trắng ngả
vàng và gốm men nâu. Trong đó, gốm Bát Tràng tìm thấy khá nhiều, chủ yếu là các loại âu,
liễn có nắp, bình vôi, các loại chén nhỏ và các loại bát, đĩa lòng rộng vẽ cành trúc, khóm trúc
hay hoa cúc. Tiêu biểu nhất trong gian phòng này là bản đồ Thành Hà Nội thời Nguyễn về
khoảng cuối thế kỉ 19, lúc bấy giờ Thành theo cấu trúc vô -băng, có chu vi là 4km. 
Phía trên chúng ta thấy một bức ảnh rất đáng quý, chụp lại một phần hành cung Long
Thiên thời nhà Nguyễn TK 19.
Ngoài ra, chúng ta có thể quan sát súng thần công (có thể giới thiệu dòng chữ trên súng
là “Tứ đại súng”, tức là đây chỉ là một trong bốn khẩu súng thần cung được sử dụng tại thành
Hà Nội thời Nguyễn).
Như vậy, bên cạnh những di tích kiến trúc, di tích cách mạng và di tích khảo cổ mà quý
vị đã và sẽ tiếp tục khám phá trong chuyến tham quan này, em hy vọng mỗi hiện vật của Nhà
trưng bày sẽ là một minh chứng sống động cho những giá trị trường tồn của mảnh đất kinh
kỳ, nơi đại diện cho chiều dài lịch sử suốt một thiên niên kỷ của quốc gia Đại Việt, nhà nước
quân chủ hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
4. Hầm chỉ huy tác chiến 
Hầm chỉ huy tác chiến có kết cấu như một công sự nửa nổi nửa chìm nên quý vị vẫn có
thể nhìn thấy phần nóc hầm nhô lên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp có độ dày khoảng
1,5 mét, tường dày 40 cm. Cấu tạo của nắp hầm có thể chịu được bom tấn, tên lửa và phòng
được bom nguyên tử, bom hóa học và tên lửa không đối đất. Toàn bộ công trình này sử dụng
tới 1000 m3 bê tông.
Khi đi xuống hầm, quý vị sẽ thấy cửa hầm có cấu tạo hai lớp: lớp ngoài là cửa nặng
chống được sóng áp lực nguyên tử, lớp trong là cửa nhẹ rất kín chống được tia phóng xạ và
hơi độc. Với tổng diện tích 64 m2, hầm được chia thành ba phòng. Sau khi đi hết cầu thang
xuống hầm, quý vị sẽ bắt gặp phòng giao ban tác chiến là nơi làm việc của trực ban trưởng có
nhiệm vụ tổng hợp tình hình báo cáo với cấp trên và nhận mệnh lệnh. Gần bàn làm việc của
trực ban trưởng có một máy điện thoại dành riêng để trả lời các cuộc gọi của Chủ tịch Hồ Chí
Minh. 
Tiếp theo là phòng trực ban tác chiến, nơi kíp trực ban của Cục Tác chiến - Bộ Tổng
tham mưu làm việc liên tục 24/24h. Trong phòng này có 4 buồng nhỏ đặt các máy điện thoại
để liên lạc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội cũng
như với từng quân, binh chủng, đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân. Bên
cạnh đó còn có một bảng tiêu đề tình huống trên không vẽ Sơ đồ miền Bắc. Đặc biệt trên
chiếc bàn giữa phòng có một cây bút chì hai đầu xanh và đỏ để các tiêu đồ viên thể hiện trên
tiêu đồ các đường bay của máy bay địch màu xanh và đường bay của máy bay ta màu đỏ. 
Khi quan sát kỹ trên tường, quý vị còn thấy một nút ấn báo động phòng không Hà Nội
nối liền với còi điện gắn trên nóc Hội trường Ba Đình và một loa truyền thanh hữu tuyến thu
tiếng từ Vọng quan sát bằng mắt đặt trên đỉnh Cột cờ Hà Nội .
Phòng cuối cùng là nơi đặt các trang thiết bị và động cơ đảm bảo hệ thống thông hơi, lọc
độc, lọc bụi và điều hòa nhiệt độ bằng quạt thổi hơi nước lạnh. 
Được xây dựng từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, Hầm chỉ huy tác chiến đã gắn liền với
hàng loạt sự kiện và chiến dịch lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số
đó phải kể đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trận mở màn vào đêm 18/12/1972 dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng
Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng.
Ngay từ 19h30 tối 18/12, những đường chì xanh đầu tiên của các tiêu đồ viên đã bắt đầu
thể hiện đường bay của các tốp B-52 từ phía Nam đang bám theo đất Lào hướng về Hà Nội.
Tất cả các đơn vị tên lửa và pháo phòng không bảo vệ Thủ đô đều bình tĩnh chờ mệnh lệnh
chiến đấu và đến 20h30, chiếc B52 đầu tiên đã bốc cháy trên bầu trời Hà Nội. Ngay trong
đêm đầu tiên của chiến dịch, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 3 chiếc
B-52 .
Ngoài chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay
B52 của Mỹ, Hầm chỉ huy tác chiến cũng là Sở chỉ huy thông tin của tất cả các chiến dịch lớn
kể từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các công trình khác như hầm
D67 của Quân uỷ Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh, Hầm C52 Cục Quân báo, Hầm chỉ huy tác
chiến Bộ Tổng Tham mưu nằm trong cụm công trình quốc phòng (1965 - 1975) được nhận
giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.

5. Điện Kính Thiên:

Đây là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành
Thăng Long – Hà Nội. Điện Kính Thiên – cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các
nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn
những việc quốc gia đại sự.
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê
Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi
Nùng (núi Long Đỗ - “rốn rồng”), ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời
Lý, Trần. Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện cơi trầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của
trời đất đặt ngai vàng để trị nước. Sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây
dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành (hay Long Thành, Long
Phượng Thành) trong thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Trung tâm là điện Càn
Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần, điện Kính Thiên thời Lê. Đến thời Nguyễn, năm 1805 khi
kinh đô được chuyển vào Huế, điện Kính Thiên mới mất đi vai trò thiết triều, và được đổi
thành hành cung Long Thiên nơi các vua quan nhà Nguyễn tuần du ra Bắc và nhận sắc phong
của nhà Thanh. Tên Thành cổ Hà Nội xuất hiện từ năm 1831, khi vua Minh Mạng thực hiện
cuộc cải cách hành chính lớn, thành lập các tỉnh trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Nội, Thành
Hà Nội là trụ sở của tỉnh Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, sau khi đánh chiếm thành Hà Nội lần 2 năm
1882, người Pháp đã sai phá tất cả cửa thành, bạt tường và điện Kính Thiên bị sửa thành lô
cốt. Năm 1886, người Pháp đã phá hành cung Kính Thiên, cho xây dựng nhà con rồng gồm 2
tầng 7 phòng. Tòa nhà trở thành sở chỉ huy pháo binh Pháp (chỉ tay cho khách thấy).
Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng thủ đô thì toàn bộ khu vực này trở thành
khu A của Bộ quốc phòng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tòa nhà con rồng chính là tổng hành
dinh của QĐNDVN. Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại một phần diện tích khu vực
trung tâm (trục chính tâm) Thành cổ Thăng Long – Hà Nội cho UBND thành phố Hà Nội
quản lý.
Phần quan trọng nhất của điện Kính Thiên còn tồn tại cho đến ngày nay là bậc thềm bằng
đá đi lên điện có lan can chạm đôi rồng nên được gọi là Thềm rồng. Thềm rồng được vua Lê
Thánh Tông cho xây dựng năm 1467, có 9 bậc bằng đá xanh, dài 57m, rộng 41,1m, cao 2,3m
tạo thành 3 lối đi. Mỗi bậc cao 20cm, rộng 40cm và dài 13,6 mét, được chia thành ba lối lên
xuống: lối chính giữa chỉ dành cho nhà vua, còn hai bên dành cho quần thần (tả văn, hữu võ).
Đôi rồng ở giữa được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, chiều dài 5,3 mét, uốn bảy khúc
và chân có 5 móng, tượng trưng cho quyền lực của các bậc đế vương. Đầu rồng to nhô cao,
mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều
vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia
lửa. Hai bên là đôi rồng cách điệu vân mây biểu tượng cho vũ trụ và trời đất.
Phía sau nền điện này, còn một thềm rồng khác với quy mô nhỏ hơn được tạo tác khoảng
đầu thế kỷ thứ 17 (thời Lê Trung Hưng) và chỉ có một lối lên xuống với 7 bậc. Thân rồng chỉ
dài 3,4 mét nhưng cũng được tạo tác rất tỉ mỉ, miệng ngậm ngọc và chân cũng có 5 móng như
đội rồng phía trước điện. Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây,… 
Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến
ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.
Hiện nay, di tích nền Điện Kính Thiên và bậc thềm Rồng được xem là một vị trí quan
trọng về mặt tâm linh nên bên trong nhà Con Rồng hiện đại gian thờ 52 vị Vua thuộc bốn
triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc. Và cũng chính không gian nơi này đã trở thành một di tích “kép”
cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy
Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

6. Nhà và hầm D67:


Tên gọi D67 bắt nguồn từ thời điểm xây dựng công trình này là vào năm 1967 trong bối
cảnh không quân Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội. Nhà D67 là 1 công trình kiên cố rộng khoảng
200m2, nằm cách nhà Con Rồng 30m ở phía sau. Toàn bộ kết cấu móng, tường và mái đều
bằng bê tông cốt thép nguyên khối với tường nhà dày 60cm, mái có lớp trong đó lớp giữa
được đệm cát dày từ 70cm đến hơn 1m. Tất cả các cửa đề có 2 lớp: lớp ngoài bằng thép tắm
và lớp trong bằng gỗ. Vì vậy, Nhà D67 chịu được những mảnh bom đạn thông thường, bom
bi và mảnh tên lửa không đối đất của không quân Mỹ. 
Di tích Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây từ tháng
9/1968 đến 30/4/1975,  Bộ Thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (từ
1976 là Đảng cộng sản Việt Nam), Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân
dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa
nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đêm 18 rạng sáng ngày 19/12/1972, tại phòng làm việc của mình trong D67, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp trực tiếp nhận được điện báo về 2 chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Chiếc
đầu tiên bị bắn rơi vào 8 giờ 20 phút tối 18/12, chiếc thứ hai bị hạ vào 4 giờ 39 phút sáng 19/12, cả
2 đều rơi tại chỗ.
Ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương tổ chức họp, nhất trí duyệt kế hoạch chiến
lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ tổng tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải
có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ
khi thời cơ chiến lược xuất hiện. “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải
phóng miền nam trong năm 1975.” Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc
tổng tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
Ngày 18/12/1974, hội nghị Bộ chính trị mở rộng được khai mạc tại sở chỉ huy – nhà D67 để bàn kế
hoạch và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc họp bế mạc ngày 8/1/1975
và đưa ra nghị quyết : “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ chúng ta có
điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để
hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ
quốc”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “ Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân và toàn
dân ở cả hai miền trong thời gian 1975- 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị,
kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên
chiến trường Miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác
chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và
làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay
nhân dân, giải phóng Miền Nam.”
Sáng 31/3/1975 Bộ Chính trị trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn
chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Bộ Chính trị nhận định: “Cách
mạng nước ta đang phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ một ngày bằng 20 năm. Vì vậy bộ chính trị
quyết định, nắm vững thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng,
có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là
trong tháng tư, không thể chậm”.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi mệnh lệnh đến toàn quân: “Thần tốc, thần tốc hơn
nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam,
quyết chiến và toàn thắng”.
Từ đêm 29/4 đến trưa ngày 30/4, tại trụ sở D67, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương liên tục liên
lạc và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khoảng 12 giờ kém trưa ngày 30/4, đài thu
thanh tại trụ sở tiếp nhận thông tin đầu hàng của chính quyền Sài Gòn – cuộc kháng chiến chống Mỹ
toàn thắng. 

Nhà D67 được chia thành 4 phòng, trong đó rộng nhất là Phòng họp của Bộ Chính trị và
Quân ủy Trung ương với diện tích 76m2. Bên cạnh là phòng nghỉ giải lao (rộng 37 m²). Căn
phòng nhỏ phía Đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (rộng 35m²), Căn
phòng nhỏ phía Tây là nơi làm việc của đại tướng Văn Tiến Dũng (35m²). Từ nhà D67 có 2
cầu thang nối thẳng xuồng hầm D67 (còn gọi là hầm Quân ủy Trung Ương).
Phòng họp chính của Bộ chính trị và Quân ủy Trung Ương
Căn phòng này tưởng chừng như nhỏ bé nhưng khác hẳn với những căn phòng khác.
Tường gồm có 2 lớp được làm bằng bê tông, cốt thép rất kiên cố. Đây là nơi diễn ra nhiều hội
nghị cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đưa ra những quyết sách chiến lược,
chỉ đạo các chiến dịch quan trọng từ năm 1968 – 1975. 
Đặc biệt, tại căn phòng này, từ 18/12/1974 – 8/1/1975 đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị
mở rộng và đưa ra phương châm “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức
giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Đây là quyết sách quan trọng cho sự nghiệp giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngoài ra, bàn họp được đặt ở vị trí trung tâm của phòng, nhìn theo hướng Đông – Tây.
Hai phía Bắc – Nam của phòng có 4 bàn nhỏ, là vị trí ngồi của thư ký các cuộc họp. Hiện
nay, trên mặt bàn đang sắp xếp các biển tên của 24 đồng chí đã từng tham gia cuộc học của
Bộ Chính trị mở rộng cuối năm 1974 – đầu năm 1975.
Trong căn phòng này còn có nhiều hệ thống bản đồ đóng vai trò quan trọng, giúp các
đồng chí lãnh đạo phân tích tình hình chiến trường và đưa ra quyết sách phù hợp với từng
diễn biến của cách mạng. Hiện nay, 4 bản đồ đang treo ở phía Đông của phòng họp được mô
phỏng khái quát theo những diễn biến cách mạng Việt Nam vào cuối năm 1974 đến kết thúc
chiến dịch Hồ Chí Minh: Hai bản đồ phía bên trong là bản đồ địa hình miền Nam Việt Nam
và biểu đồ các tuyến đường giao thông chi viện miền Bắc vào chiến trường miền Nam; Bản
đồ lớn nhất, ở giữa, là bản đồ Quyết tâm của Bộ Chính trị , tháng 10/1974 và tháng 1/1975;
Phía ngoài cùng là Bản đồ Quyết tâm của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, bác mất năm 2013. 

Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy
đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, được chính phủ Việt Nam đánh giá là "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch
Hồ Chí Minh". 

Đại tướng là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương
(1946–1954) đánh bại Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975) chống Mỹ, thống nhất đất
nước và Chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía
Bắc.

Phía đông phòng họp là phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian
từ 11/1968-1980. Ông được phong đại tướng khi 37 tuổi, là vị đại tướng trẻ nhất của quân đội
nhân dân Việt Nam. Ông cũng là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân
Việt Nam, là người chỉ huy đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam.  Đại tướng là chỉ huy
chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954)
đánh bại Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước
và Chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía
Bắc. 
 Đại tướng làm việc tại căn phòng này từ 1968 khi căn phòng này vừa xây dựng xong
đến 1980 khi bác về nghỉ hưu. Đại tướng là người có cống hiến lớn lao cho dân tộc trong hai
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ gắn với sự kiện 12
ngày đêm năm 1972, chiếc điện thoại này đã gắn chặt với bác. Trong 12 ngày ấy, Đại tướng
trực tiếp chỉ huy trận đấu và yêu cầu các đồng chí cứ 5 phút phải gọi điện thông báo tình hình
chiến trường cho Bác một lần. Mặc dù nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp rất gần, ở số nhà
30 Hoàng Diệu nhưng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bác phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu,
không có thời gian về nhà nên các cán bộ đã làm cho bác chiếc giường để bác nghỉ ngơi. 
Cũng chính tại căn phòng này, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 7/4/1975 Đại tướng đã gửi
bức điện lịch sử đến toàn quân với nội dung: “…Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo
hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc đến mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và
quyết thắng”. Tại đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật vô giá gợi lại hình ảnh vị tướng kiệt xuất
nhưng cũng đỗi giản dị, như cuốn Truyện Kiều – tác phẩm thấm đẫm hồn dân tộc của đại thi
hào Nguyễn Du – đã gắn bó với ông suốt chặng đường hoạt động cách mạng.
Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng
Bên cạnh phòng nghỉ về phía tây là phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.  
Văn Tiến Dũng (1917 –2002) là một vị Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại
tướng là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1953-1978), Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng (1980-1986), là người chỉ huy trực tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 
Tại căn phòng này, ông đã chỉ thị nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng, góp phần đánh
bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Từ 18-30/12/1972, ông liên tục có mặt
ở phòng làm việc và hầm D67, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo đánh bại cuộc tập
kích chiến lược hàng không bằng máy bay B52 của Mỹ.
Tháng 1/1975, Đại tướng tạm rời căn phòng này vào chiến trường miền Nam để chỉ huy
chiến dịch Tây Nguyên. Sau chiến tranh, ông tiếp tục làm việc tại căn phòng này đến năm
1992 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại đây vẫn còn lưu giữ một số hiện vật giản dị của Đại tướng, đặc biệt là chiếc mũ lưỡi
trai mềm, kỷ vật đã gắn bó với Đại tướng suốt một thời gian dài và gợi nhớ tên gọi thân thuộc
của ông “vị tướng mũ mềm”.
Phòng nghỉ ngơi
Nằm ở phía tây của phòng họp Bộ chính trị và Quân ủy trung ương là phòng nghỉ ngơi
với diện tích 37m2. Sau những giờ họp căng thẳng, các cán bộ đã nghỉ ngơi ở đây, hiện nay
đây là nơi lưu giữ những bức ảnh như thư điện của đại tướng Võ Nguyên Giáp, xe tăng của
quân đội ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập,… Hiện nay, căn phòng này được sử dụng để
trang trí những hiện vật theo chuyên đề.
Hầm D67
Hầm D67, sâu 9m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố để chống bom nhằm đối
phó với các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ. Hầm có 3 cầu thang lên xuống.
Trong đó, cầu thang phía nam nối với Nhà Con Rồng, hai cầu thang phía bắc nối với Nhà
D67. Hai đường dẫn xuống hầm bắt nguồn từ hai phòng làm việc của tướng Giáp và tướng
Dũng trong nhà D67. Đường hầm rộng 1,2m, có 45 bậc thang bê tông, trát đá granite. Tất cả
các lối lên xuống và lối ra vào đều có cửa thép dày 12cm, có nhiều tay nắm và hệ thống
gioăng cao su ngăn được nước và khí độc. Toàn bộ tường hầm đều bằng bê tông cốt thép mác
cao dày 47cm. Cấu trúc chính của Hầm D67 gồm 3 phòng: phòng rộng nhất là phòng họp của
Quân ủy Trung ương (có hình chữ nhật toàn khối: dài 9,15m, rộng 3,88m) vào những thời
điểm ác liệt khi máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội, tiếp đến là phòng Trực ban-Thông tin – nơi
làm việc của Ban thư ký với hệ thống điện đài, máy móc và cuối cùng là phòng chứa các thiết
bị thông hơi lọc độc tự động vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí trong Bộ
Chính trị, Quân ủy trung ương và các bộ phận phục vụ khi tổ chức các cuộc họp bí mật tại
đây giai đoạn 1967-1975.
Sự hiện diện của cụm di tích Nhà và Hầm D67 giữa lòng Khu trung tâm Hoàng Thành
Thăng Long - Hà Nội cho thấy khu di sản là nơi kết tinh lịch sử hàng 1000 năm của dân tộc,
từ thời vua Lý Thái Tổ cho đến thời đại Hồ Chí Minh.  

7. Hậu Lâu:
Di tích Hậu Lâu trên thực tế không phải là công trình kiến trúc nguyên gốc của Hoàng
thành Thăng Long để lại. Khi người Pháp phá thành Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, di tích Hậu
Lâu khi đó đã bị hư hại rất nhiều nên cũng bị phá bỏ. Thay vào đó, quân đội Pháp đã xây một
tòa lầu ba tầng giống như một tháp canh mà chúng ta đang thấy hiện nay. Vậy nên những gì
còn lại của Hậu Lâu hay còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu dưới các triều đại phong kiến Việt Nam chỉ
là phần nền móng đang nằm dưới lòng đất. 
Công trình mà quý vị đang khám phá thực sự là một kiến trúc dành cho quân sự nên
những bậc thang từ tầng một lên tầng hai khá dốc. Kiến trúc của tầng một chỉ là một khối
hình hộp chữ nhật, nhưng đến tầng hai và tầng ba đã được thiết kế mái dạng đầu đao uốn
cong và có nhiều lớp mái thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc xây theo hình khối vuông
vắn của phương Tây và những đường nét thanh thoát, mềm mại của kiểu mái cong trong kiến
trúc phương Đông. 
Qua các cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại di tích này trong những năm 1998 –
1999, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ
20, trong đó có các đồ gốm sứ trắng mỏng vốn là đồ ngự dụng thời Lê sơ. Khi đào đến độ sâu
3,2 mét, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích “bến nước” thời Lê sơ được xây bằng gạch
và đá chân tảng hoa sen thời Lý và thời Trần, trong số đó có một số hiện vật đang được trưng
bày ngay trước chân tường của công trình hiện tại. 
Tuy kiến trúc gốc của di tích Hậu Lâu không còn, nhưng phía trước di tích này là một
không gian cảnh quan thực sự ấn tượng như gợi lại khung cảnh của một khu vườn thượng
uyển thời xưa, nơi dạo chơi và thư giãn của nhà vua và các thành viên hoàng tộc.

8. Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu


Chào mừng quý vị đến với Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, nơi phát lộ những hiện
vật vô giá trong lòng đất của Hoàng thành Thăng Long. Đây chính là nơi các nhà khảo cổ học
đã tìm thấy các hiện vật tiêu biểu mà các quý vị đã được chiêm ngưỡng trong Nhà trưng bày
“Thăng Long - Hà Nội, lịch sử ngàn năm từ lòng đất”. 
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu có tổng diện tích hơn 4,5 ha. Đợt khai quật lớn nhất từ cuối
năm 2002 đến đầu năm 2004 được thực hiện trên diện tích 1,9 ha, sau đó được mở rộng lên
3,3 ha.
Toàn bộ khu vực này được phân chia thành bốn khu là A, B, C và D, nhưng hiện tại khu
C và một phần khu D đã được lấp cát để bảo tồn nên chúng ta sẽ chỉ tham quan tại hai khu A
và B. Theo lộ trình tham quan dự kiến, chúng ta sẽ tham quan khu B trước và khu A sau.
Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng khám phá một số nhóm hiện vật khá thú vị trước khi đến
với khu B. Những hiện vật đầu tiên chính là một số chân tảng bằng đá xếp dọc lối đi và hòn
non bộ được xếp từ những khối đá được khai quật tại đây, đa phần là đá được dùng cho các
công trình xây dựng trong Hoàng thành trải qua nhiều thời đại khác nhau. Tiếp theo chúng ta
sẽ thấy một khối gạch xếp rất vuông vắn kèm theo một dãy đá chân tảng bên cạnh. Nếu tìm
chia khối hình hộp đồ sộ này thành ba phần đều nhau theo chiều dọc, chúng ta sẽ thấy các
hàng gạch ở phần dưới cùng là gạch thời Đại La thuộc hai thế kỷ 8 và 9. Những loại gạch này
chủ yếu có màu xám, chỉ dày khoảng 5 cm và được dùng chủ yếu để bó nền kiến trúc, xây
giếng nước và cống nước. Phần ở giữa là những hàng gạch thời Lý – Trần trong giai đoạn từ
TK 11-14. Những mẫu gạch này có màu đỏ và độ dày lớn hơn. Ngoài những công dụng để bó
nền kiến trúc, xây giếng nước và cống nước như thời kỳ trước, chúng còn được dùng để xây
tường bao và làm đường đi trong Hoàng thành. Phần trên cùng là những hàng gạch vồ đặc
trưng của thời Lê trong giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Gạch có cả màu đỏ và màu xám,
độ dày tới 15 - 17 cm và cũng được sử dụng cho những mục đích tương tự các thời kỳ trước.
Ở cạnh đối diện của khối gạch xếp này, chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều mảnh cối đá
được tìm thấy trong các đợt khai quật khảo cổ tại đây. Bên cạnh đó là khu vực trưng bày đá
chân tảng thời Lê ở thế kỷ 15 đến 18. Những phiến đá này hầu hết có hình vuông, mỗi cạnh
khoảng 40 – 60 cm và dày từ 20 – 40 cm. Riêng phần mặt bệ được đẽo hình tròn nổi cao lên
để đỡ các chân cột gỗ, nhưng phần lớn đều không có trang trí hoa văn cầu kỳ như ở các thời
Lý – Trần mà chúng ta sẽ xem ngay sau đây.
Tiếp đến chúng ta thấy một khối gạch xếp khác nhưng kèm theo đó còn có các lớp ngói
xếp chồng lên nhau. Những mẫu ngói được xếp ở đây cũng đều thuộc nhiều thời kỳ khác
nhau, từ thời Đại La cho tới thời Lê. Quý vị cũng có thể ghé qua nhà trưng bày nơi có sa bàn
thể hiện mặt bằng tổng thể của khu khai quật khảo cổ và tham khảo một số thông tin khác.
Nhưng trước khi bước vào khu B, chúng ta không thể bỏ qua khu trưng bày đá chân tảng thời
Lý - Trần. Nếu so với đá chân tảng thời Lê mà chúng ta vừa xem trước đó thì những chân
tảng này có kích thước lớn hơn, hầu hết được làm bằng đá sa thạch và được trang trí với mô
típ chủ đạo là hình hoa sen biểu tượng của Phật giáo dưới hai triều đại Lý và Trần.
Ngay khi bước chân vào khu B, chúng ta sẽ thấy bên tay trái có nhiều ô hình vuông chứa
sỏi nằm theo các dãy thẳng hàng có khoảng cách khá đều nhau. Đó chính là dấu tích của các
móng cột sỏi có chức năng chống lún cột, bên trên đặt đá chân tảng để dựng các cột gỗ của
kiến trúc. Như vậy, mỗi móng cột là vị trí của một cột gỗ trong tổng thể kết cấu của công
trình kiến trúc. Kỹ thuật gia cố móng cột kiểu này nhằm tạo sự vững chắc cho nền móng của
các công trình được xây dựng trên nền đất phù sa của sông Tô Lịch và sông Hồng .
 Tiếp theo lộ trình tham quan, quý vị sẽ bắt gặp một giếng nước có từ thời Đại La, tức là
đã tồn tại từ cách đây hơn 1000 năm. Giếng này sâu tới 5,9m. Thành giếng được xếp bằng
gạch theo kiểu 4 hàng gạch nằm xen kẽ với 1 hàng gạch đứng. Gạch được xếp khít với nhau
đủ để ngăn bùn đất ngấm vào giếng nên nước giếng rất trong. Đặc biệt hàng gạch trên cùng
của giếng là gạch bìa màu đỏ thời Lý cho thấy giếng nước từ thời Đại La vẫn được nhà Lý
tiếp tục sử dụng. Ngay bên cạnh giếng, chúng ta thấy có dấu tích móng của một đoạn đường
bao thời Lý rộng tới hơn 2 mét đóng vai trò phân chia ranh giới giữa khu vực phía Bắc và
phía Nam của Cấm thành. Bề rộng của móng tường chứng tỏ quy mô xây dựng của Hoàng
thành Thăng Long xưa khá đồ sộ. Ngay gần móng tường này quý vị cũng sẽ thấy có một
đường cống thoát nước được xây dựng khá bài bản. Trong quá trình tham quan khu B và cả
khu A, chúng ta sẽ bắt gặp khá nhiều dấu tích của các loại đường cong thời Lý- Trần, được
xây dựng công phu và khoa học với nhiều kích thước và mặt cắt khác nhau, có loại cống lớn
đi ngầm dưới lòng đất, có loại cống nhỏ xây bằng gạch chuyên dụng nằm song song với công
trình kiến trúc hoặc hai bên lối đi.
Tiếp tục trên đường dẫn theo lộ trình tham quan, quý vị sẽ bắt gặp những ống dài hình
trụ được treo thành nhiều hàng chạy song song. Đó chính là cách tái hiện hình ảnh mô phỏng
các hàng cột của những công trình kiến trúc trong Hoàng thành thời Lý tại đúng những vị trí
đã phát lộ dấu tích của các trụ sỏi hoặc đá chân tảng kê cột. Như trước mắt quý vị hiện tại là
dấu tích nền móng của hai công trình kiến trúc cung điện lớn, một kiến trúc 13 gian nằm theo
chiều Bắc - Nam và một kiến trúc 8 gian nằm theo chiều Đông - Tây. Trên tuyến tham quan
này, chúng ta cũng thấy có dấu tích của một chân cột gỗ chôn thẳng xuống nền đất chứ không
đặt trên chân tảng được đỡ bằng móng cột sỏi.
 Đến cuối khu B, chúng ta sẽ thấy dấu tích nền móng của một kiến trúc Cung điện thời
Lý có quy mô lớn, kết cấu 6 hàng cột. Hai hàng cột phía trước và phía sau là cột âm, còn 4
hàng cột trong lòng nhà là cột dương mà một số vị trí cột còn nguyên những chân tảng đá
chạm cánh sen đặt lên trên các móng sỏi.
 Tiếp theo quý vị sẽ di chuyển sang khu A qua một “hồ” nước dài. Thực ra đây là khung
cảnh phục dựng một khúc sông cổ được đào vào thời Lê sơ, khoảng thế kỷ 15 - 16, có chiều
rộng khoảng 18 mét. Điều đó chứng tỏ ở thời kỳ này, Hoàng thành Thăng Long rất được chú
trọng tới quy hoạch cảnh quan. Ngay ở phần đầu của Khu A có dấu tích kiến trúc Cung điện
thời Lý có quy mô lớn nằm theo chiều Bắc Nam, dự đoán có 11 gian 2 chái, kết cấu 6 hàng
cột được thể hiện rõ qua hệ thống các móng cột sỏi hình vuông. Đặc biệt nằm song song với
kiến trúc này và cũng là dọc theo bờ sông đào có hệ thống móng cột của 11 lầu lục giác nhỏ
xếp thành một hàng thể hiện qua những móng cột tròn xếp thành hình bông hoa 6 cánh bao
quanh một móng cột hình vuông ở chính giữa. Bên cạnh đó, quý vị cũng sẽ thấy một giếng
nước sâu thời Lê sơ được đào xuyên qua kiến trúc lục giác thời Lý.
Theo đường dẫn ở nhánh bên trái, quý vị sẽ bắt gặp dấu tích một hồ nước thời Trần đào
cắt phá qua các nền móng kiến trúc thời Lý. Sự xuất hiện của hồ nước này phản ánh đúng
thực tế những điều ghi chép của sử cũ về việc đào ao thả cá, tạo dựng cảnh quan trong Cấm
thành, đồng thời minh chứng về sự thay đổi trong quy hoạch Hoàng Cung Thăng Long dưới
thời Trần.
 Trở lại theo đường dẫn chính và đi tiếp tới nhánh rẽ thứ hai bên trái, chúng ta sẽ khám
phá giếng nước đẹp nhất trong số những giếng đã được phát lộ tại khu khảo cổ này, đó là một
giếng nước thời Trần. Toàn bộ thành giếng được xếp gạch theo từng lớp nghiêng theo kiểu
“xương cá”. Đây là lối xây dựng rất thông minh tạo độ bền chắc cao hơn khi không có chất
kết dính giữa những viên gạch. Các viên gạch được xếp chéo liên hoàn tạo ra sự liên kết
vững chãi không dễ bị phá vỡ, đảm bảo cho thành giếng tròn đều tạo thành một tác phẩm
nghệ thuật “độc nhất vô nhị” trong số các giếng đã phát hiện ở Hoàng Thành Thăng Long.
quý vị hãy ghé qua bể nước nằm bên tay trái, nơi nước giếng được bơm lên để giúp quý vị
trải nghiệm thực tế độ trong mắt của nước giếng sau hàng trăm năm tồn tại. 
Sau khi chiêm ngưỡng giếng nước đẹp nhất trong khu khảo cổ này, chúng ta sẽ tiếp tục
bắt gặp các dấu tích móng tường bao, cống nước và nền móng của kiến trúc hành lang cùng
với tổ hợp hai công trình kiến trúc thời Lý.
 Tiếp theo lộ trình đến cuối khu A sẽ là một phát hiện thú vị khác đón chờ quý vị, đó là
dấu tích của một con thuyền gỗ được tìm thấy bên bờ sông đào vào thời Lê sơ. Con thuyền có
chiều dài khoảng 15 mét. Đây là hình ảnh của con thuyền được bảo tồn nguyên trạng dưới
lòng đất. Việc tìm thấy một con thuyền trong khu vực Cấm thành minh chứng cho địa lý đặc
trưng từ ngàn xưa của Hà Nội là thành phố sông hồ.
Trước khi rời khỏi khu khảo cổ chứa đựng cả ngàn năm lịch sử này, quý vị cũng sẽ ghé
qua hố khảo cổ A6 nằm ngay trước lối ra, nơi có hai giếng nước thời Lê ở một số dấu tích
tường gạch thời Trần, trong đó có dải gạch hoa chanh rất đặc trưng cho phong cách trang trí
dưới triều đại này.
Như vậy, chúng ta đã kết thúc một cuộc du ngoạn suốt chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ
qua những dấu tích đầy ấn tượng trong khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Những dấu tích đó
cùng với những hiện vật vô giá mà quý vị đã chiêm ngưỡng tại nhà trưng bày “Thăng Long -
Hà Nội, lịch sử ngàn năm từ lòng đất” chính là những dẫn chứng đầy thuyết phục về đời sống
chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế của một đế đô cũng như về đời sống của Hoàng cung
trong một quá trình lịch sử lâu dài hiếm có của nền quân chủ Việt Nam. Đó cũng chỉ là một
phần dấu tích rất nhỏ đã được nghiên cứu khai quật của Hoàng thành Thăng Long. Dấu tích
đích thực, to lớn của Hoàng thành Thăng Long vẫn còn bí ẩn trong lòng đất, cần được các
nhà khảo cổ học, sử học tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá. 

9. Bắc Môn
Bắc Môn là cổng thành duy nhất còn lại trong số năm cổng của tòa thành được nhà
Nguyễn xây dựng vào đầu thế kỷ 19 (năm 1805) trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu.
Ngay phía trên vòm cổng, chúng ta có thể thấy rõ tấm biển bằng đá đề ba chữ “Chính Bắc
Môn” bằng chữ Hán. Mặt trước cổng thành còn lưu lại dấu vết của hai phát súng đại bác (sâu
80 cm) của quân đội Pháp khi tấn công thành Hà Nội lần thứ hai vào ngày 25/4/1882. Sau khi
bình ổn Bắc Kỳ, giặc Pháp cho phá hết thành Hà Nội nhưng giữ lại Bắc Môn để cảnh cáo
những ai có ý định chống Pháp. Ngoài ra, khi đứng trên cổng thành, quan quân có thể phóng
tầm mắt bao quát khắp trong ngoài thành, dễ dàng quan sát di – biến động trong đội hình
quân địch. Do đó, khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp vẫn sử dụng lầu trên Bắc
Môn làm chòi canh gác.
Hiện nay, lầu trên cổng thành mới được phục dựng một phần và được dành làm nơi thờ
hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội – Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – đã tuẫn tiết vì
không giữ được thành trước sức mạnh đạn pháo của quân đội Pháp vào năm 1871 và 1882.
Nhiều người dân vẫn thường xuyên lên vọng lâu Bắc Môn để thắp nhang tưởng nhớ hai vị
anh hùng lẫm liệt – những người được hậu thế kính cẩn dùng tên đặt cho hai con đường hiện
đại chạy hai bên tả hữu khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Khi lên
tầng hai của Bắc Môn, quý vị sẽ thấy trong Vọng lâu có ban thờ tưởng nhớ công lao của hai
vị Tổng đốc nghĩa liệt anh hùng.
 Về mặt kiến trúc, Bắc Môn có bố cục hình thang, mặt trước rộng 17 mét, chiều sâu
20,48 mét và cao 8,71 mét. Toàn bộ phần thành ở dưới được xây kiên cố bằng đá và gạch,
chân kè bằng đá, cổng thành được xây kiểu cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên đặt
ngang xen một viên đặt dọc. Diềm trên mép cửa chúng ta thấy được kè bằng đá có trang trí
hình hoa sen. Hai cánh cổng thành bằng gỗ có trọng lượng rất lớn chạy trên bánh xe bằng
đồng.
 Theo những bức ảnh tư liệu chụp từ thời thành Hà Nội chưa bị phá, lối lên vọng lâu trên
mặt cổng thành là hai cầu thang xây bằng gạch nằm hai bên Bắc Môn. Phía trước Bắc Môn
có cầu bắc qua một hào nước rộng khoảng 10 mét bao quanh thành. Vọng lâu phía trên mặt
thành được dựng bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn
hướng. Nước mưa trên vọng lâu được dẫn thoát xuống dưới qua hai ống máng bằng đá.
Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng
sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó, khẳng định sự liên
tục trong lịch sử ngàn năm của Hoàng thành. Năm 1998, tại khu vực Bắc Môn, các nhà khảo
cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc ở độ sâu 1,66m và 2,2m, trong đó có vết tích của
những đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ thời Lê. Những dấu tích đó cho thấy thành
Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng chồng xếp lên rất nhiều dấu tích kiến trúc và tường
Hoàng thành Thăng Long thời Lê.
Gạch xây thành có kích thước 35,5cm x 10cm x 12cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86cm. Mép
cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen. Hai cánh cổng thành bằng gỗ đã được
trùng tu có tổng diện tích 24m2, trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe 11 bằng đồng trọng
lượng khoảng 80kg. Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán khắc đá: “Chính Bắc Môn”,
diềm biển trang trí hoa dây.
Theo cứ liệu lịch sử và những bức ảnh tư liệu chụp từ thời thành Hà Nội chưa bị phá, hai bên Bắc
Môn phía trong tường thành có lối dẫn lên vọng lâu được xây bằng gạch theo hình tam giác. Trước
Bắc Môn là chiếc cầu gạch bắc qua con hào rộng khoảng 20m bao quanh thành. Quan sát bằng mắt
thường có thể thấy, vị trí con hào phía trước Bắc Môn hiện nay chính là bãi cỏ, vỉa hè và một phần
lòng đường phố Phan Đình Phùng. Có ý kiến cho rằng, chiếc cầu bắc qua hào vào Bắc Môn là cầu
gạch kiên cố, không phải cầu treo nên con hào không mang tính phòng thủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến
khác cho rằng, dù cầu vào thành không phải là cầu treo, nhưng mục tiêu phòng thủ của con hào bao
quanh thành cổ là chính yếu – nó giúp hạn chế giặc tiếp cận chân thành.
Thông tin về Cửa Bắc cùng 2 vị tổng đốc thành Hà Nội đã kết thúc chuyến đi tham quan
của chúng ta, em xin cảm ơn sự theo dõi, lắng nghe từ quý khách. Thay mặt ban quản lý khu
di sản Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, em kính chúc quý khách luôn mạnh khỏe, thành
công và có những phút giây trải nghiệm tuyệt vời tại Hà Nội. Xin cảm ơn và xin chào quý
khách. 

You might also like