You are on page 1of 47

QUẬN HOÀN KIẾM

Hoàn Kiếm là quận ở trung tâm thủ đô Hà Nội, tên quận được đặt theo tên
hồ. Lịch sử quận Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử nghìn năm xây dựng và gìn giữ
Thăng Long - Hà Nội. Thời Tiền Lý, năm 545 Lý Nam Đế đã đóng quân, dựng
bè gỗ trên sông Tô Lịch chống lại nhà Lương. Thời kỳ nhà Nguyễn, vào năm
1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội, là đất thuộc huyện Thọ Xương. Thời kỳ
1954-1961, khu vực này gồm toàn bộ khu phố Hoàn Kiếm, khu phố Đồng Xuân
và một phần khu phố Hàng Cỏ với khu phố Hai Bà; năm 1961 gộp thành khu
phố Hoàn Kiếm; tháng 1/1981 đổi tên thành quận Hoàn Kiếm gồm 18 phường:
Chương Dương, Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng
Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý
Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền và giữ ổn định
cho đến nay.

Đến Hà Nội chắc chắn phải đến khu trung tâm, chính là địa bàn quận
Hoàn Kiếm với Hồ Gươm và các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.

1. Đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm là tên gọi chính thức của khu
di tích từ khi được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và nay là di tích
cấp Quốc gia đặc biệt. Cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm với trung tâm tín
ngưỡng là đền Ngọc Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc
biệt của Thủ đô.

Hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là Hồ Gươm) đẹp như một lẵng hoa giữa lòng
thành phố, được bao quanh bởi các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ,
Hàng Khay dài khoảng 1.800m. Mặt nước là tấm gương lớn soi bóng la đà
những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha bóng rủ, những mái đền, chùa cổ
kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh. Hồ là dấu
tích của một khúc sông Nhị Hà bị những bãi cát chèn ở phía Bắc và phía Đông.

1
Hồ từng có tên gọi là Hồ Lục Thủy vì nước có màu xanh quanh năm (tên gọi
này xuất hiện vào thời Lê Trung Hưng). Như vậy Hồ Hoàn Kiếm chính là phần
"để lại" của sông Hồng-sông Cái-sông Mẹ, con sông đã lưu lại đặc tính nền văn
minh sông Hồng của người Việt đã và đang là một bảo tàng nước của thiên
nhiên, của lịch sử và huyền thoại, nó vẫn là đề tài muôn thuở của giới nghiên
cứu, người yêu nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước.

Hồ Hoàn Kiếm có nghĩa là hồ trả gươm, dân gian gọi tắt là Hồ Gươm.
Tên gọi đó xuất hiện từ một truyền thuyết thời vua Lê Thái Tổ, thế kỷ XV.
Chuyện rằng: Giặc Minh chiếm nước ta, đặt ách đô hộ, chúng tàn ác gây nhiều
bạo ngược, lòng dân sôi sục căm thù. Lúc bây giờ ở đất Thanh Hoá có một
người đánh cá tên là Thận. Một đêm anh ta kéo lưới thấy nặng, chắc mẩm được
mẻ cá to, ai ngờ chỉ có một thanh sắt. Thận bèn vứt xuống nước rồi đi thả lưới
ở một đoạn sông khác. Lần thứ hai lưới kéo cũng nặng tay và anh lại thấy thanh
sắt nọ. Thận lại quẳng xuống sông. Đến lần thứ ba vãn thanh sắt đó chui vào
lưới. Thận lấy làm lạ bật mồi lửa soi, thì ra một lưỡi gươm. Về sau, Thận gia
nhập vào nghĩa quân của Lê Lợi. Một lần chủ tướng đến thăm nơi Thận ở, thấy
trong góc tối có ánh sáng loé lên, cầm lên thì thấy lưỡi gươm có khắc hai chữ
“Thuận Thiên”. Lần khác Lê Lợi qua một khu rừng thấy trên ngọn cây có ánh
sáng lạ, ông trèo lên tìm được một chiếc chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ đến lưỡi
gươm ở nhà Thận, ông cầm chiếc chuôi về lắp vào chuôi thấy vừa như in. Từ
đó, thanh gươm theo Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn tung hoành trong suốt
10 năm. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm vua Lê Lợi cưỡi thuyền
rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm
thần. Khi chiếc thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô
đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Ðứng ở mạn
thuyền, vua thấy lưỡi gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Rùa vàng
nhô đầu lên cao, tiến về phía thuyền vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho
Long Quân!”. Vua rút gươm quẳng về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há
miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và rùa đã chìm đáy nước,
người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
2
Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Giới thiệu cụ thể về cụm di tích

Đền Ngọc Sơn trong lòng Hồ Hoàn Kiếm là một quần thể kiến trúc
phong cảnh, có non, có nước, có tháp, có đài, có cầu, có đình, có rừng cây cổ
thụ và cỏ hoa bốn mùa, lại có cả một kho văn thơ kim cổ, có cả một bảo tàng về
huyền thoại và lịch sử, có cả truyền thống văn hoá và đấu tranh cách mạng,
điểm đến của du lịch tâm linh, du lịch nghiên cứu và du lịch sinh thái. Các bộ
phận kiến trúc của khu di tích đã tạo nên sự hài hoà, đan xen không thể thiếu
trong danh thắng hồ Gươm. Bề dày lịch sử văn hoá của khu di tích cùng các di
tích quanh hồ như: tháp Hoà Phong, đền Bà Kiệu, khu tưởng niệm vua Lê, đình
Nam Hương, Hội khai trí tiến đức, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã từ
lâu đã được coi là lẵng hoa, là lá phổi của kinh đô Hà Nội là niềm tự hào của
người Hà Nội và của đất nước Việt Nam nói chung.

Hồ Hoàn Kiếm là nơi hội tụ, điểm hẹn của du khách bốn mùa. Mùa xuân
đậm đà lễ hội truyền thống và rực rỡ sắc hoa đào. Mùa hạ ùa ra từng cơn gió
lồng lộng, quạt đi cái oi bức của phố phường râm ran tiếng ve. Mùa thu với
màn sương huyền ảo, dáng liễu mơ hồ như thực, như hư đã làm say đắm bao du
khách. Mùa đông đi giữa cơn mưa lá vàng, chân nhẹ bước trên thảm lá vừa
rung, xuýt xoa với cái rét và những giọt mưa phùn lất phất bay.

Mùa nào tình nấy, hồ Gươm mãi là dấu ấn vẻ vang thời giữ nước và khát
vọng hoà bình của người dân Thăng Long - Hà Nội và đất nước, là nơi điểm
hẹn đẹp đẽ nhất của người Hà Nội, bạn bè trong nước và quốc tế.

Tháp Rùa:

Đây là một công trình kiến trúc được coi là dấu ấn đặc trưng của hồ
Gươm. Tháp có tên chữ là: Quy Sơn tháp, tức là Tháp Núi Rùa (vì là đảo đất tự
nhiên, vào ngày hè rùa thường lên đây phơi nắng và đẻ trứng). Xưa kia, từ thời
vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê

3
Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17-thế kỷ 18), chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng
trên gò nhưng sang thời Nguyễn thì không còn dấu tích.

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883, dân vùng ven hồ xiêu tán cả.
Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có tay Nguyễn Ngọc Kim là chức dịch
làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được
chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim.
Khoảng năm 1884-1886, Bá Kim lấy cớ xin xây tháp lên trên để làm “gồ đằng
sau” cho ngôi chùa Báo Ân ở phía bờ sông. Hôm khởi công, hắn lén lút đưa hài
cốt bố mẹ ra táng trộm ở đó, vì hắn rất mê thuật phong thuỷ. Đây là một vị trí
tốt, nếu được như vậy thì hắn và con cháu hắn sẽ được giàu có, sung sướng.
Nhưng nhân dân hay biết đã bí mật đào cốt quẳng xuống hồ. Bá Kim cay đắng
vẫn phải tiếp tục xây tháp cho xong. Ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ
Kim. Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng
Nữ Thần Tự Do (1890-1896) mà dân chúng châm biếm gọi là tượng Đầm Xòe.
Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ (giai đoạn chính phủ Trần Trọng
Kim nắm chính quyền).

Do xây dựng trong hoản cảnh như vậy nên sau cách mạng tháng 8/1945
nhân dân định phá bỏ tháp, nhưng cũng vì trên ngọn tháp này, cờ cách mạng đã
được cắm ở đó nên tháp Rùa được giữ lại.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử,
Tháp Rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân Hà Nội và
du khách thập phương.

Tháp Rùa là sự kết hợp phong cách kiến trúc châu Âu với hàng cửa cuốn
gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.

Ngôi tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, theo hình
vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên, các mặt
phía đông và tây có 3 cửa cuốn. phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu.
Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên
vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh.Tháp xây bằng gạch, hình chữ

4
nhật, tứ diện, mặt Đông và Tây có 03 cửa, mặt Bắc và Nam có 02 cửa, gồm 04
tầng, tầng bốn có mái kiểu phương đình 04 mái.

Tháp có kết cấu kiểu truyền thống nhưng lại có những đặc điểm khác như
mặt bằng chân đế hình chữ nhật và các bộ cửa vòm chịu ảnh hưởng từ nghệ
thuật Gô tích của phương Tây. Từ đảo Ngọc nhìn ra, toà Tháp nổi cao trên
thảm cỏ xanh và lung linh trên làn nước biếc đã thu hút bao tao nhân, mặc
khách.

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn toạ lạc trên đảo Ngọc trong Hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc
Sơn là di tích văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, nơi thờ Thánh Trần Hưng Đạo và
Quan Vũ Đế cùng hai vị võ tướng được xếp vào hàng “Thánh” và cũng là nơi
chứng kiến những buổi tập thuỷ chiến của quân đội Đại Việt. Lịch sử và huyền
thoại được hoà quyện tạo thành không gian văn hoá lịch sử quanh Hồ Hoàn
Kiếm. Ngay từ thời Lý, hồ đã soi bóng Tháp Báo Thiên, kiến trúc lừng danh
một thời của đất Thăng Long. Những thế kỷ sau, đền Ngọc Sơn-Hồ Hoàn Kiếm
lại chứng kiến những sự kiện lịch sử vẻ vang của nước nhà, nhất là cuộc đấu
tranh giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc chiến đấu
anh dũng để bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh Hồ Hoàn Kiếm đã làm giàu
thêm nội dung và tôn cao giá trị của di tích đền Ngọc Sơn-Hồ Hoàn Kiếm.

Dẫn vào đền có hệ thống cổng và một cây cầu có tên là “Thê Húc” nối
đảo Ngọc với bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Xưa kia, đảo Ngọc là nơi chúa
Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thuỵ đời Vĩnh Hựu (1735 – 1739) làm nơi
yến ẩm, vui chơi ngày hè. Để làm đẹp thêm quang cảnh, chúa cho đắp hai gò
núi Đào Tài và Ngọc Bội ở bên bờ phía đông.

Khi họ Trịnh suy vong, Lê Chiêu Thống được Nguyễn Huệ trao trả quyền
hành, năm 1786 đã trả thù họ Trịnh bằng cách đốt trụi Phủ Chúa và cung
Khánh Thụy. Đầu thế kỷ 19, một ngôi chùa dựng trên nền cung điện cũ ở đảo
Ngọc nên gọi là Ngọc Sơn tự. Trước chùa có một lầu chuông khá cao. Năm
5
1843, hội Hướng thiện1 quản lý đã chuyển chùa thờ Phật thành ra đền thờ Tam
Thánh và đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau đó lầu chuông bị phá bỏ. Năm 1864,
nhà nho yêu nước là Phương Đình2 Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại toàn
cảnh. Trong đền, ông đề cao việc thờ thần Văn Xương, vị sao chủ trông nom
khoa cử theo tín ngưỡng Đạo giáo. Ông cho xây kè đá ở chân đảo, dựng đình
Trấn Ba ngày trước đền và trông thẳng ra đảo Rùa.

Kiến trúc hiện nay của đền Ngọc Sơn về cơ bản vẫn giữ được quy mô,
kiểu dáng từ thời Nguyễn Văn Siêu tu sửa. Từ ngoài vào, các công trình kiến
trúc gồm: Nghi Môn ngoại, Tháp Bút, Nghi Môn nội, Đài Nghiên, cầu Thê
Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, nhà Tiền Tế, Trung đường, Hậu cung, Tả
hữu vu, nhà Kính thư, nhà Hậu (phòng Rùa).

Nghi môn ngoại: được xây gạch dạng trụ biểu và những mảng tường lửng
hợp thành. Hai bên mặt ngoài nghi môn có đắp nổi hai chữ Hán lớn được sơn
màu đỏ là chữ Phúc và chữ Lộc với mong ước về điều Phúc (đông con nhiều
cháu) và Lộc (nhiều của cải). Đây là hai đại tự do chính tay Nguyễn Văn Siêu
đề bút. Ngắm hai đại tự này, chúng ta lại nhớ tới lời người xưa từng khắc trên
bia đá: “Người làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của
mình, để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Được như vậy thì chẳng cầu phúc, cầu
lộc nhưng phúc lộc vẫn tự nhiên đến vậy”.

Tháp Bút: nằm ngay sau Nghi môn ngoại, được dựng trên ngọn núi đá
cao 4m, đường kính 12m. Theo văn bia ghi lại thì gò đất này có tên là núi Độc

1
Hội Hướng thiện: tập hợp các nhà Nho yêu nước đương thời, như: Nguyễn Văn Siêu (1799-1870); Vũ Tông
Phan (1800-1851)… nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục điều thiện cho quần chúng. Hội còn tổ chức khắc ván
in nhiều loại sách khác nhau như: sách thuốc, sách kinh của đạo Giáo, sách về tín ngưỡng.
Khi Thực dân Pháp chiếm Hà Nội, nhiều Hội khác như: Lạc Thiện, Tập Thiện, An Lạc cũng lấy Đền Ngọc Sơn
làm nơi tuyên truyền chống Pháp. Những năm đầu của thế kỷ XX, các cụ Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can
đã cho xây kinh đàn để giảng kinh. Các nhà trí thức lập ra các tổ chức công khai kêu gọi nhân dân đoàn kết yêu
nước mà tiêu biểu là phong trào Đông Kinh nghĩa Thục, đương thời gọi là các “Minh xã”, tức các tổ chức xã hội
công khai.
Khoảng thập kỷ đầu thế kỷ XX, tại Đền Ngọc Sơn đã in kinh Đạo Nam do nhóm các nhà Nho yêu nước ở Nam
Định, đứng đầu là cụ Nguyễn Ngọc Tỉnh biên soạn theo kiểu “thơ giáng bút”. Sau đó để phổ biến được rộng rãi,
nhiều nơi dịch kinh Đạo Nam từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, in thành sách. Kinh Đạo Nam được truyền vào tận
Sài Gòn, Cần Thơ ở miền Nam. Thực dân Pháp đã ngăn cản việc in ấn và lưu hành sách này, đã bắt giam những
người in ấn và giảng kinh, như cụ đồ Nguyễn Ngọc Tỉnh đã bị đày đi Côn Đảo.
2
Bút danh của Nguyễn Văn Siêu
6
Tôn để tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ tử vong thời vua Lê - chúa Trịnh 3.
Tháp hình vuông, thân chia làm năm tầng, đỉnh dựng hình tượng ngọn bút lông.
Mặt Bắc của ba tầng dưới ghi 3 chữ Hán “Tả thanh thiên” nghĩa là “Viết lên
trời xanh”. Tháp Bút là biểu tượng của tinh thần văn chương, dựng trên ngọn
núi tưởng nhớ trận chiến của chúa Trịnh và quân sĩ, được Nguyễn Văn Siêu ca
ngợi: Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi. Dưới chân núi
Độc Tôn còn có miếu Sơn thần. Miếu rất nhỏ, chỉ như một am thờ nhưng rất
linh thiêng, là tục thờ của người Việt, có núi, có miếu thờ thần núi. Trên vòm
cửa miếu có 3 chữ Hán: Sơn thần miếu, hai bên có đôi câu đối:

Cố điện hồ sơn lưu vượng khí

Tân từ hương hỏa tiếp dư linh

Nghĩa là:

Điện cũ núi hồ lưu vượng khí

Đền mới hương hóa nối tiếp linh thiêng xưa.

Nghi môn nội: nằm kế tiếp sau Tháp Bút, cửa chính tạo bởi hai trụ, đỉnh
trụ đặt tượng nghê ở tư thế chầu. Hai bên trụ nhỏ xây cửa nách giả, mái tạo
kiểu chồng diêm hai tầng tám mái có các đao cong. Tại cổng này, một bên đắp
nổi hình chú hổ trắng và với chữ “Hổ Bảng” và bên kia là hình rồng cuộn đón
đàn cá thi nhau vượt sóng với hai chữ “Long Môn” ở phía trên. Ở Long Môn,
theo văn hóa phương Đông, có sự tích cá chép vượt vũ môn để chỉ sự đỗ đạt
trong thi cử. Học trò thi đỗ được coi như là đã vượt Vũ Môn (Long Môn).

Còn chữ Hổ Bảng, nghĩa đen là bảng hổ, nghĩa bóng là bảng ghi tên
những người đỗ tiến sĩ.

Đài Nghiên: Có Tháp Bút nên có Đài Nghiên. Nghiên được tạo từ một
khối đá xanh hình trái đào cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm lòng chảo.
3
Khoảng thời Lê Vĩnh Hựu (1735-1739) nghịch Phương (quận Hẻo Nguyễn Danh Phương) lén chiếm núi Độc
Tôn ở huyện Phổ Yên xứ Thái Nguyên, Vương sư (chúa Trịnh Doanh) đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội,
liên tiếp phá giặc. Ngày khải hoàn, nhân gò đất cao, đắp núi để ghi công, đặt tên là núi Độc Tôn. Sau cuộc chính
biến núi bị gai góc phủ đầy. Trong hồ có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu miếu, ngó sang bờ Đông, thấy có
núi, bèn phát cỏ dọn cây, xây tháp Bút, đối diện với đài Nghiên. Núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là
biểu tượng của văn hóa. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại.
7
Nghiên được đỡ bằng 3 con thiềm thừ 4 (con cóc). Đài Nghiên có niên đại cùng
thời gian trùng tu đền năm 1865. Có ba con thiềm thừ (con cóc) đội Nghiên như
cái chân kiềng. Đặc biệt, trên thân của Nghiên có khắc một bài minh do
Nguyễn Văn Siêu soạn với 64 chữ Hán, được dịch là: “Xưa lấy hốc đất làm
nghiên để chú giải Đạo đức kinh, đẽo nghiên đá để viết sách Hán Xuân Thu.
Nghiên đá này há chẳng phải là biểu tượng đó sao! Từ đá tách ra làm nghiên,
chẳng có hình dáng, không vuông, không tròn, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu.
Không cao, không thấp, ở chính giữa cúi nhìn mặt nước, ngửa trông ngọn bút
đá. Ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư
không”…

Qua cổng Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc dẫn vào trong đền.

Cầu Thê Húc: Thê Húc nghĩa là “Nơi đậu ánh nắng ban mai”. Tên cầu đã
gợi lên bao điều thơ mộng. Cây cầu này ban đầu được tạo bởi những tấm ván
gỗ đặt dọc theo mặt phẳng trên các hàng cột chôn dưới nước mà không có tay
vịn. Sau này, qua những lần trùng tu đã làm mới kiểu hình cầu vồng, sơn đỏ
hợp với cái tên “nơi đậu nắng ban mai”, làm thêm cả hai hàng lan can cho việc
đi lại được an toàn và tạo dáng cho cây cầu. Lần tu sửa năm 1916 và sau năm
1954 thì cầu Thê Húc5 có hình dáng uốn cong như hiện nay. Ba chữ Thê Húc
kiều được viết sau năm 1884.

Qua cầu Thê Húc là lớp cổng thứ tư gọi là cổng Đắc nguyệt

Cổng Đắc Nguyệt: Đắc Nguyệt nghĩa là “Được trăng”, được làm trước
năm 1884, có thể từ thời Nguyễn Văn Siêu. Cũng như tên cầu Thê Húc, cổng
Đắc Nguyệt mang đậm tinh thần đạo giáo, tu tiên, theo cái tự nhiên. Đây là
một kiến trúc xây bằng gạch khá vững chắc, kiểu 02 tầng 08 mái đao cong, trên
tầng hai nhìn ra hồ cũng là nhìn về phía Đông, chính giữa phần cổ diêm trổ một
cửa hình tròn, trên cửa có tấm biển khắc ba chữ Đắc Nguyệt lâu nghĩa là “Lầu
được trăng”. Hai bên cổng có 02 cửa nách bề mặt bưng kín, trên đó đắp nổi 02
4
Thiềm thừ là con cóc vàng 3 chân có nguồn gốc từ Trung Hoa, theo truyền thuyết luôn mang lại may mắn, tốt
lành.
5
Cầu với các thanh làm bằng gỗ lim, có 15 nhịp, mỗi nhịp 3m, chân đỡ hệ thống ván cầu làm bằng bê tông cắm
sâu xuống lòng hồ, cầu dài 45m, mặt cầu rộng 2,6m
8
bức phù điêu, bên trái là đề tài Long Mã hà đồ, bên phải là Thần Quy lạc thư.
Hà Đồ và Lạc Thư đều bàn về lẽ sinh thành của vũ trụ quần sinh, đều chủ
trương lẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, và Nhất thể tán Vạn thù, Vạn thù qui
Nhất thể, đều chủ trương vạn vật phát xuất từ một tâm điểm, phóng phát ra
ngoài, rồi cuối cùng lại qui hướng về tâm điểm ấy. Tích về Long Mã hà đồ và
Thần Quy lạc thư truyền từ thời vua Phục Hi của Trung Hoa cổ đại.

Qua cổng Đắc Nguyệt lầu dẫn vào khu kiến trúc chính của đền.

Đình Trấn Ba: Trấn ba nghĩa là Chắn sóng. Ngôi đình được làm phía
trước đền chính để chắn những sóng gió, uế tạp từ hồ vào. Đình hướng Nam,
kiến trúc được dựng trên 08 hàng cột bê tông giả gỗ, nền cao hơn mặt sân
45cm, xung quanh bó vỉa gạch. Mái kiểu chồng diêm 02 hai tầng 08 mái, các
đầu đao được tạo áng cong vút thanh thoát.

Trước đây mái đình Trấn Ba được lợp bằng ngói ống, 04 cột cái làm bằng
gỗ lim có kích thước lớn, 04 cột quân ở các góc tạo bằng chất liệu đá trắng hạt
mịn. Trong lòng nhà dựng tấm bia lớn để ghi sự tích của đình. Năm 1947, bia
đá và đình Trấn Ba bị chiến tranh phá huỷ, kiến trúc hiện còn đến nay là sản
phẩm của lần trùng tu năm 1952.

Tiền tế: gồm 03 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, dạng hai
tầng bốn mái. Mặt trước mở hệ thống cửa bức bàn, phía trong thông với nhà
Trung đường. Tại nhà Tiền tế có các bia đá gắn tường, bia sát cửa nách bên
phải có vết đạn bắn trong chiến tranh. Tại đây còn có di vật quý là đôi hạc gỗ
kiểu mình hạc, đầu vẹt có niên đại thế kỷ 18. Phía trên có các bức hoành phi
được làm vào thời Nguyễn, hoành phi chính giữa là: Hồi thiên độ thế (nghĩa là:
Xoay trời cứu thế) có niên đại thời vua Thành Thái nhà Nguyễn. Đặc biệt có
bức hoành phi: Phồn hi vĩnh tích (Ban phúc dài lâu) ghi niên đại Trung Hoa
dan quốc Cường ngữ đan át, nghĩa là Năm Đinh Mão thời Trung Hoa dân
quốc. Cách ghi niên đại ở đây cũng rất đặc biệt, là cách ghi theo lối cổ của sách
Nhĩ Nhã, Cường ngữ ứng với chữ Đinh, Đan át là Mão-Cường ngữ Đan át

9
nghĩa là Đinh Mão. Đây có lẽ là hoành phi do những người Hoa công đức nên
họ đã ghi lạc khoản về niên đại như vậy.

Trung đường: Đây là nơi đặt ban thờ 3 vị Quan Công (chủ về võ nghệ),
Lã Dộng Tân (chủ về nghề thuốc) và Văn Xương Đế Quân (chủ về học hành,
thi cử). Các sĩ tử đi thi theo truyền thống thì nên đến đền Ngọc Sơn cầu khấn
Văn Xương Đế Quân. Nhà Trung đường rộng lòng, nền cao hơn so với nhà
Tiền tế 40cm. Hệ thống cửa bức bàn 03 gian được chạm trổ trang trí cầu kỳ các
hình chữ thọ, dơi, rồng, phượng, “Long Mã chở hà đồ”, “Rùa đội lạc thư”. Gian
giữa đặt hương án, sập thờ để bày đồ tự khí và bài trí các tượng thờ. Hai gian
bên sát tường hậu treo chuông và khánh đồng. Sát tường hồi đặt hai ban thờ
“Tiền Hậu công đức tả ban liệt vị” (ban bên trái) và “Tiền Hậu công đức hữu
ban liệt vị” (ban bên phải). Tại đây treo nhiều bức hoành phi, câu đối có neien
đại thời Nguyễn, trong đó có những câu đối ca ngợi cảnh đền và hồ, có những
câu đối lại mang hàm nghĩa răn dạy con người như:

Thiên hà ngôn tai, hiển đạo phi quan ngã bốc

Thần nhất giả dã, âm chất chỉ tại Trung kinh

Nghĩa là:

Trời có nói gì đâu, cái đạo vẫn cứ hiển hiện, không liên quan gì đến việc
bói toán của ta.

Thần chỉ một vậy, âm chất là ở chỗ Trung kinh (Trung kinh - chỉ Kinh
Xuân thu)

Nối toà Trung đường với Hậu cung là một nếp nhà cầu được tạo kiểu 02
tầng mái, ngăn cách giữa mái thượng và mái hạ là hàng trấn song con tiện có
tác dụng vừa tạo ánh sáng tự nhiên cho kiến trúc vừa có giá trị trang trí làm
giảm nhẹ sự thô cứng nặng nề của toà kiến trúc.

Hậu cung: Đây là nơi đặt tượng thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, người có
công lớn trong 3 lần chống quân Nguyên Mông thời nhà Trần, được nhân dân
phong Thánh và thờ tự ở rất nhiều nơi. Hậu cung có nền cao nhất trong số các
10
tòa thờ tự tại đây. Trước cửa Hậu cung mở hệ thống cửa gỗ kiểu bức bàn, cửa
giữa trang trí hoa văn, hai cửa bên làm kiểu “thượng song-hạ bản”. Các câu đối
ca ngợi đức thánh Trần như:

Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

Nghĩa là:

Gươm báu ngàn vàng ẩn dưới làn nước mùa thu

Một tấm lòng trong nơi bình ngọc

Gian bên trái là ban thờ có bài vị thờ Thân phụ Hưng Đạo Đại vương,
gian bên phải là ban thờ Sơn thần, Thủy thần, ông Công, ông Táo và chư vị
dựng lập chùa trước kia.

Tả vu, Hữu vu: bố cục liên hoàn kề sát với các công trình kiến trúc chính
của đền. Mỗi dãy 05 gian xây kề tường hồi hai bên của Trung đường và Hậu
cung. Tả vu mở cửa hướng ra cổng Đắc Nguyệt, mái lợp ngói ta, các bộ vì kèo
đỡ mái có kết cấu kiểu “chồng rường”, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Hữu vu mở
cửa về phía Tây, hướng ra hồ, kết cấu phần mái kiểu vì kèo cầu quá giang bán
mái.

Nhà Kính thư: gồm 03 gian, nối liền với Tiền tế về phía Đông (bên phải),
kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền cao hơn mặt sân. Các bộ vì đỡ mái
kết cấu kiểu “vì kèo cầu quá giang cột trốn”. Nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Nhà Hậu (phòng Rùa): gồm 03 gian, nối liền với nhà Tiền tế ở phía Tây
(bên trái). Tại đây đặt tiêu bản rùa Hồ Gươm. Câu chuyện truyền thuyết về việc
vua Lê Lợi trả gươm cho thần Kim quy đã được truyền từ bao đời nay, cộng
với việc trong lòng hồ tồn tại loài rùa lớn được phát hiện từ những năm kháng
chiến chống Mỹ đã khiến cho những huyền tích về Hồ Gươm càng trở nên linh
thiêng. Do đó, có thể rùa Hồ Gươm mất ngày 02/6/1967 đã được đích thân cố
chủ tịch UBND thành phố Trần Duy Hưng ra chỉ đạo bảo vệ tiêu bản và trưng
bày tại di tích đền Ngọc Sơn để nhân dân kính ngưỡng, vơi bớt tiếc nuối về sự
11
mất mát của một linh vật trầm tích trong mình những giá trị văn hóa tinh thần.
Tiêu bản này đã được trùng tu, sửa chữa đầu năm 2010 do bị nấm mốc, nứt,
tróc… vì người dân nhét tiền vào các khe kính khiến không khí xâm nhập
nhiều. Sau trùng tu, trong lồng kính đặt tiêu bản cụ rùa, một chiếc máy hút ẩm
hoạt động 24/24 được lắp đặt để đảm bảo những tiêu chuẩn cho phép về độ ẩm
không khí nhằm bảo quản tuổi thọ cho tiêu bản, tránh ẩm mốc… tác động làm
hư hại, xuống cấp mai và các bộ phận của cụ rùa. Hệ thống đèn chiếu sáng
được lắp đặt phía trên tủ kính giúp du khách có thể nhìn rõ tiêu bản cụ rùa được
đặt ở vị trí trung tâm. Dưới ánh sáng của hệ thống chiếu sáng này, hình ảnh cụ
rùa linh thiêng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Hàng triệu lượt khách du lịch
đã nghiêm cẩn chiêm bái cụ, ngót một thế kỷ qua. Trên phía mặt tường đối diện
với phần lưng tiêu bản cụ rùa đền Ngọc Sơn, hai bức ảnh cụ rùa hiện tại vào
các năm 1997 và 2000 trong dịp cụ rùa lên bờ phơi nắng ở khu vực chân Tháp
Rùa do PGS.TS Hà Đình Đức chụp và phóng tặng BQL Di tích Đền Ngọc Sơn.
Có một điều thú vị rằng, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu xem giữa cụ rùa
sống động ngoài đời và cụ rùa đang nằm trang trọng trong tủ kính, cụ nào có
tuổi đời cao hơn.

Đền Bà Kiệu:

Đền Bà Kiệu, tên chữ là Thiên Tiên điện, là một ngôi đền ở ven phía
đông hồ Gươm, Hà Nội, đối diện cửa đền Ngọc Sơn. Tên gọi đền Bà Kiệu là
tên gọi dân gian, đến nay chưa rõ xuất xứ.

Căn cứ vào thư tịch cổ và văn bia còn lại, thời Lê Trung Hưng, đền thuộc
thôn Tả Vọng, huyện Thọ Xương, đến giữa thế kỷ XIX đền thuộc thôn Hà
Thanh, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX đền
là hộ số 3 thuộc phố cổ Bờ Hồ, và hiện nay đền tọa lạc tại phố Đinh Tiên
Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh và hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa Công
chúa. Mẫu Liễu là một trong tứ bất tử (bốn vị thánh bất tử): Phù Đổng Thiên
Vương (Thánh Gióng), Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử, trong thần điện
12
Việt Nam. Về sự tích Mẫu Liễu Hạnh hiện còn khá nhiều thư tịch cổ nói về bà.
Khảo cứu các sách Truyền Kỳ Mạn Lục, Thính Văn Lục, Hà Thành Linh Tích
Cổ Lục, Thăng Long Cổ Tích Khảo, chỉ có truyện Vân Cát thần nữ trong
Truyền Kỳ Tân Phả của Đoàn Thị Điểm là ghi chép cụ thể và đầy đủ nhất. Loại
trừ những yếu tố thần thoại được dân gian truyền tụng cuộc đời Mẫu Liễu Hạnh
rất khớp với những điều ghi chép trong gia phả dòng họ Trần Lê ở quê hương
bà thôn An Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay. Sự tích của bà có
thể được tóm lược như sau: Vốn là con gái Ngọc Hoàng vì đánh vỡ chén ngọc
nên bị giáng xuống cõi trần. Đầu thai vào nhà Lê Thái Công với cái tên Giáng
Tiên, rồi làm con nuôi vị hưu quan họ Trần. Giáng Tiên không những đẹp
người mà còn đủ tài cầm, kỳ, thi, họa. Lấy chồng họ Đào con một viên quan ở
làng, sinh được 2 người con 1 trai, 1 gái. Vợ chồng đang yên ấm xum vầy thì
đã đến hạn về trời. Không bệnh tật gì, bỗng nhiên nàng hóa. Song lòng trần
không dứt nàng lại xin vua cha cho xuống hạ giới, với phép biến hóa thần
thông nàng đi ngao du khắp cõi, ẩn hiện bất thường, khi thì làm cô bán rượu ở
Tây Hồ xướng họa cùng Trạng Bùng và nho sinh họ Ngô, họ Lý, lại lúc làm
thơ ghẹo sứ bộ từ phương Bắc trở về. Cuối cùng nàng vào vùng đất Nghệ An
kết duyên với một nho sĩ vốn là chồng cũ thác sinh, sau khi sinh được một
người con trai nàng lại phải về trời. Ba năm đằng đẵng trên thiên đình, nỗi nhớ
cõi trần day dứt không yên,Công chúa Liễu Hạnh lại xin xuống trần lần nữa,
lần này Công chúa mang theo hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa ở lại phố
Cát, Thanh Hóa nơi núi non xinh đẹp, hoa cỏ tốt tươi, giếng ngọc linh thiêng,
người vào Nam ra Bắc. Ở đây Tiên Chúa thường hiển linh ban phúc cho người
lành giáng họa cho kẻ ác, dân chúng nhớ ơn đã lập đền thờ phụng. Bấy giờ là
niên hiệu Cảnh Trị nhà Lê (1663 - 1671), Triều đình cho quân và thuật sĩ đến
phá đền nhưng không được đành phải làm trả đền mới và phong cho Tiên Chúa
là Mã Hoàng Công chúa, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, Mẫu Nghi Thiên
Hạ... Mẫu Liễu Hạnh chính là biểu tượng của tình yêu, tự do, sự nhập thế và
dấn thân vì cuộc sống đời thường.

13
Đền được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng đến giữa niên hiệu Cảnh Trị,
quy mô đền được mở rộng. Với những vật liệu quý, gỗ núi Xưa, đá núi Nhuệ
của vùng Châu Ái nổi tiếng, với tài năng khéo léo của những người thợ, đền Bà
Kiệu quả là một di tích hiếm có. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ
“Công” gồm nhà Đại bái, Phương đình và Hậu cung. Trước kia đền Bà Kiệu
còn có Tam quan nằm sát hồ Hoàn Kiếm. Khi người Pháp chiếm lấy Hà Nội và
mở rộng phố xá chung quanh hồ Gươm thì vị trí đền Bà Kiệu bị trưng dụng.
Năm 1891 niên hiệu Thành Thái thứ hai, một phần đất của ngôi đền phải giao
cho chính phủ để đắp "Boulevard Francis Garnier" (sau năm 1954 là đường
Đinh Tiên Hoàng). Con đường cắt ngang khu đền ra làm đôi: cổng tam quan
phía tây nằm ở phía bờ hồ còn nhà đại bái, phương đình và hậu cung thì nằm
bên phía đông đường.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao tác động của thiên nhiên, đền Bà
Kiệu đã được trùng tu nhiều lần, song vẫn giữ được những nét cổ kính thâm
nghiêm, đó là hai tượng cá hóa rồng bằng gốm men xanh đang chầu vào bình
nước thiêng trên nóc tòa Đại bái. Phía bên trong các đầu dư đều chạm hình đầu
rồng, thân chạm nổi vân mây, đường triện... rồi những bậc được lát bằng những
phiến đá lớn màu xanh xám, các hàng cột hiên được làm bằng đá trắng, mỗi
cạnh 25cm, đá kê chân cột hình đôn màu xanh v.v. Phần quan trọng nhất của
điện thần được đặt ở gian chính giữa. Các mẫu tọa lạc trong một khám thờ lớn
được chạm khắc rất tinh xảo, lớp trên là 3 pho tượng Tam tòa Thánh mẫu, mẫu
Thiên, mẫu Thoải, mẫu Địa, lớp dưới có tượng mẫu Liễu Hạnh và hai tiên nữ
đứng hầu Quỳnh Hoa, Quế Hoa.

Điều tạo nên giá trị đặc sắc của đền Bà Kiệu đó là những di vật của các
triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn còn lưu giữ được đến hôm nay. Trước hết phải
kể đến quả chuông lớn bằng đồng (cao 94cm, đường kính miệng 45cm) đúc
năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Chuông do một vị quan dưới Triều Tây Sơn là
Nhuận Trạch Hầu Trần Duy Ứng cung tiến vào đền. Tiếp đến là 4 tấm bia đá:

14
- Hưng Công Bi (bia Hưng Công) dựng năm Cảnh Thịnh 8 (1800) ghi lại
việc Trần Duy Ứng, một vị quan thời Tây Sơn cung tiến vào đền.

- Trùng tu Huyền Chân Từ Bi Ký (bia ghi việc trùng tu đền Huyền Chân)
dựng năm Tự Đức 19 (1866). Bia do quyền Tuần Phủ Hưng Hóa Nguyễn Duy
Dĩ cùng các chức sắc trong làng viết về lai lịch ngôi đền và lần trùng tu năm Tự
Đức 17 (1864) đã để lại nhiều dấu ấn về mặt kiến trúc đến hôm nay.

- Thiên Tiên điện nguyên phụng quản nhận thế thứ hương hỏa Lê tộc tổ
tiên tòng hương bi (bia ghi tổ tiên thế thứ dòng họ Lê nguyện nhận trông nom
điện Thiên Tiên được làng cho tòng tự). Bia dựng năm Tự Đức (1874), chép 5
đời họ Lê từ cao tổ là Trọng Hiên đến đời thứ năm là Trọng Tín.

- Lê tộc bi ký (bia ghi về họ Lê) dựng năm Bảo Đại 8 (1933) ghi việc ông
Lê Chất Ký và Lê Văn An được phối hưởng tại điện thờ.

Hiện nay đền Bà Kiệu còn lưu giữ được 27 đạo sắc phong cho Mẫu Liễu
Hạnh và hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Đây là một điều hiếm thấy, nhất
là đối với các di tích thờ Mẫu. Trong số 27 đạo sắc phong có 3 đạo niên hiệu
Cảnh Hưng 44 (1783) và 3 đạo niên hiệu Chiêu Thống (1787) đời Lê. Thời Tây
Sơn có 3 đạo sắc phong niên hiệu Quang Trung năm (1792) và 3 đạo sắc năm
Cảnh Thịnh (1793). Trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức,
Đồng Khánh, Duy Tân triều Nguyễn, Mẫu đều được phong tặng các mỹ tự và
xếp loại Thượng Đẳng Thần.

Với các giá trị nổi bật trên, đền Bà Kiệu cùng với cụm di tích đền Ngọc
Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm sẽ mãi mãi là niềm tự hào không chỉ của riêng
người Hà Nội mà còn là của cả nước.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Là một Quảng trường nằm ở
phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quảng trường này là đấu nối các phố
Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Thời Pháp thuộc,
Quảng trường này có tên là Palace Négrier (Quảng trường Tướng Négrier).

15
Về lịch sử Đông Kinh Nghĩa Thục: Từ giữa năm 1906 dân phố Hàng Đào
thấy các nhà nho có tên tuổi như Phó bảng Hoàng Tăng Bí, Cử nhân Dương Bá
Trạc, Tú tài Lê Đại, Huấn đạo Nguyễn Quyền…thường xuyên lui tới nhà cụ Cử
Lương Văn Can ở số nhà 4. Lại có các vị thanh niên Tây học danh tiếng như
Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá... cũng có mặt.

Hội Khai Trí Tiến Đức: Còn được gọi là Hội AFIMA (viết tắt nguyên
tiếng Pháp của Hội l’Association pour la Formation Intelleetuelle et Morale des
Anmamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào
lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ XX (1919-
1945).

Được thành lập ngày 2 tháng 5 năm 1919 với Phạm Quỳnh làm Tổng
Thư ký, Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi
cũng đứng tên trong Hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của
Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ binh kiêm Bộ học
Thân Trọng Huề (người mà Vua Bảo Đại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty,
Chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội.

Năm 1922, Hội mua được căn nhà ngay phía Tây bờ hồ Gươm để làm
Hội quán, nay thuộc Tòa nhà Không gian Văn hóa Việt ở 16 Lê Thái Tổ, Hà
Nội làm nơi tổ chức nhiều sinh hoạt như: các cuộc hội thảo, diễn thuyết, triển
lãm tranh cùng các trò giải trí tiêu khiển như bi da, đánh cờ, yến tiệc. Hoạt
động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như “Giải thưởng văn chương năm
1925” (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuận),
truy niệm Thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu Doanh gia Bạch Thái Bưởi
(1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học... Có những cuộc
trao đổi không kém gay gắt về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính
quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại Hội quán tuy chủ ý của Hội là văn
hóa chứ không phải là chính trị.

16
Sau khi Việt Minh đoạt chính quyền, Hội bị giải tán theo Sắc lệnh ngày
24 tháng 9 năm 1945 vì bị cho là “công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn
hóa của thực dân”.

Thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt
mang tựa Việt Nam Tự điển do Nhà In Trung - Bắc Tân - Văn xuất bản năm
1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (Chủ bút),
Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy
Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục và Đỗ Thận. Cuốn
từ điển này sang thế kỷ XXI vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ
mục.

Khu tưởng niệm vua Lê

Thuộc số 18 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, bên
bờ phía Tây - Nam hồ Gươm.

Tên gọi của hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ
(1428-1443) trả gươm thần. Lê Lợi là người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc ở thế
kỷ XV. Sau chiến thắng quân Minh, Vua ngự thuyền rồng đi chơi Hồ và bị Rùa
vàng lấy lại gươm thần - trả lại kiếm, mở nền thái bình muôn thuở. Pho tượng
Lê Lợi được đúc bằng đồng, cao1,2m, tạo tác trong tư thế đứng, đầu đội mũ
Bình Thiên, bốn góc có trang trí kim tòng, thân mũ trang trí nổi các hình rồng
chầu. Tượng mặc áo long bào, lưng đeo đai, đây là kiểu áo của các vị vua thời
Nguyễn. Trên thân áo được trang trí Rồng chầu với thân nhỏ tạo vẩy nổi rõ như
vẩy cá chép điểm xuyết các đao. Thân áo tạo thành nhiều nếp lượn chảy xuôi
theo vạt mép áo kiểu biên lá sen. Tay trái của tượng chống vào hông, tay phải
của tượng cầm thanh kiếm trong tư thế hơi chúc xuống. Tượng Vua Lê được
xây dựng năm 1889, đời Thành Thái Nhà Nguyễn, trên khu vực đền cũ thờ Vua
Lê Thái Tổ.

Tháp Hòa Phong: Bên bờ Nam hồ Hoàn Kiếm, phía đường Đinh Tiên
Hoàng ngày nay còn lại một ngôi tháp mang vẻ rêu phong cổ kính như đồng
17
hành với thời gian - đó là tháp Hoà Phong. Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp tâm
hồn của người Hà Nội đã hơn 200 năm, mà ít người biết về ngọn nguồn của
ngôi tháp cổ này và lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm
mà nay đã vang bóng một thời – chùa Liên Trì Hải Hội, gọi tắt là chùa Liên
Trì6. Vào khoảng năm 1889, người Pháp cho xây dựng khu nhượng địa bên bờ
Nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì. Dấu tích của chùa còn lại tới
nay là tháp Hòa Phong, với vẻ đẹp cổ kính, lặng lẽ bên hồ. Tháp cao 3 tầng,
cửa tháp theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, các cửa đều có chữ Hán đề
tên như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hòa Phong tháp, Báo Thiên tháp,... tầng
trên còn có hình bát quái và chữ Phạn. Hòa Phong nghĩa là gió hòa, gió thuận.
Những hàng liễu rủ bóng bên hồ như tôn thêm vẻ đẹp của tháp cổ. Thời gian cứ
trôi đi, song táp cổ vẫn còn đó như chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất
và người Hà Nội.

Tượng đài Lý Thái Tổ:

Tượng đài được khởi công xây dựng ngày 17/08/2004, và được khánh
thành ngày 07/10/2004. Tượng đài do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác, công
ty Trách nhiệm hữu hạn Mĩ nghệ Đoàn Kết tỉnh Nam Định thực hiện. Đây là
bức tượng bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 34 tấn (tượng 14 tấn, bệ
20 tấn), cao 10,10 m (tượng cao 6,8 m, bệ cao 3,3 m), tính theo đơn vị
centimet, 1010 cm tương ứng với số năm 1010, năm khai sinh Kinh thành
Thăng Long.

6
Dải đất bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm xưa thuộc thôn Cựu Lâu, những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị
Nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai cho hưng công xây dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội
trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ được hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7
(1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian. Chùa vô cùng lộng lẫy và trang hoàng, sử sách còn ghi chép lại. Chùa dựng
xong Hòa thượng Phúc Điền trụ trì và ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Cứ
liệu ghi chép về ngôi chùa này sớm nhất hiện nay là sách Hà Nội địa dư được Lương Đình Công soạn năm Tự
Đức thứ 4 (1851) ghi rằng “chùa Liên Trì ở thôn Cựu Lâu, ...năm đầu Thiệu Trị, Nguyễn Tây Thúc (Đăng Giai)
dựng xây vô cùng tráng lệ, 8 ngòi trồng sen vây quanh, gọi là chùa Liên Hoa”. Về sau nhiều thư tịch cũng như
Trương Vĩnh Ký ra Bắc đều hết lời khen ngợi chùa Liên Trì. Vào khoảng năm 1889, người Pháp cho xây dựng
khu nhượng địa bên bờ Nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì.

18
Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công khởi lập và tạo dựng nên
mảnh đất ngàn năm văn hiến - vua Lý Thái Tổ, đầu đội mũ bình thiên, tay phải
cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài
hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu bốn cổng
thành Hà Nội, phần bệ giật cấp ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi
- nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận
Thiên.

Tượng đài là công trình văn hoá trọng điểm chào mừng 50 năm giải
phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004), tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng
Long - Hà Nội (1010 - 2010). Từ khi hoàn thành, khu tượng và vườn hoa trở
thành nơi sinh hoạt văn hóa quan trọng của Thủ đô. Tại đây đã diễn ra nhiều sự
kiện văn hóa, các buổi lễ mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớnm, trở thành điểm đến
của các tour du lịch.

19
2. Khu phố cổ Hà Nội
Nói đến lịch sử hình thành, quá trình phát triển "Thăng Long- Hà Nội"
không thể không nói đến khu phố cổ Hà Nội. Ngày nay, không chỉ nhân dân
Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế cũng quan tâm đến khu phố cổ Hà Nội, coi đó
là một di sản văn hoá, một đặc trưng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Khu phố cổ Hà Nội là một nhân tố quan trọng, một phần để nhận diện bản sắc
văn hoá đô thị Hà Nội.
Nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội bao gồm 76 tuyến phố,
được xác định bởi: phía bắc là phố Hàng Đậu; phía tây là phố Phùng Hưng;
phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông
là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.
Cùng với Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội là hiện hữu của
Kinh thành Thăng Long xưa, mang hồn thiêng khí phách lịch sử dân tộc, là một
di tích vô cùng quý giá của thủ đô Hà Nội và của cả nước.
Khu phố cổ Hà Nội là khu vực tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công
nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề mang những
nét truyền thống đặc trưng riêng biệt của cư dân thành thị và kinh kỳ. Cùng với
phố cổ Hội An, khu phố cổ Hà Nội được cho là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ”
của Việt Nam.
Khu phố cổ của Hà Nội được hình thành từ đầu thế kỷ 15. Vào thời Lê,
đầu thế kỷ 16, dân khắp nơi đổ về Thăng Long buôn bán làm ăn và dần dần
hình thành khu phố cổ. Thăng Long thời Lê có 36 phường, sang thời Nguyễn
đã lên đến hàng trăm phường, thôn, trại. “Kẻ Chợ” là tên gọi khác của Thăng
Long - Hà Nội xưa có thành, có thị, có bến, có phường buôn bán và thợ thủ
công, có chợ ô ven đô, các làng nghề chuyên canh và chế biến nông sản. Dân tứ
xứ kéo về Thăng Long-Hà Nội sinh sống, làm nghề. Thương nhân và thợ thủ
công sống rải rác trong tất cả các phố phường. Mỗi nghề còn giữ lại trên tên
phố Hà Nội như: Hàng Thiếc, Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Bạc, Hàng Chiếu....
Tên gọi Hàng Đường thì phố có rất nhiều cửa hàng bán đường, mứt, bánh, kẹo,
phố Hàng Mã lại chuyên bán các mặt hàng truyền thống làm từ các loại giấy
20
màu, phố Hàng Chiếu bán nhiều loại chiếu thảm bằng cói… Sau này, nhiều phố
"Hàng" đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (tức phố Trần Hưng Đạo ngày
nay), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Lọng (đường Nam bộ rồi Lê Duẩn),
Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức
Thắng),…
Trên bản đồ, khu phố cổ Hà Nội có hình gần tam giác, trục giữa là các
phố Hàng Giấy - Đồng Xuân – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào. Các
phố đan nhau trông tựa như chiếc nan quạt (hoặc hình xương cá). Có thể thấy
đây là một kiểu phân bố tự nhiên trong các làng quê Việt Nam, khác hẳn với lối
quy hoạch đô thị theo ô bàn cờ mà người châu Âu thể hiện sau này. Trong khu
vực phố cổ Hà Nội có 76 tuyến phố chia cắt, đan xen nhau, với 38 tuyến phố
bắt đầu bằng chữ Hàng. Trên thực tế, khu phố cổ Hà Nội còn bao gồm cả một
số phố khác nằm ở ngoại vi của khu vực bảo vệ nêu trên. Căn cứ trên thực địa
hiện nay, có thể thấy khu phố cổ Hà Nội tiếp giáp với khu trung tâm thành cổ
Hà Nội (bao gồm Cửa Bắc - Lầu Tĩnh Bắc - Điện Kính Thiên – Đoan Môn -
Cột Cờ) ở mạn phía tây khu phố cổ được tạm thời phân cách bằng phố Lý Nam
Đế.
Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc với khối không
gian nhỏ bé, hình thức kiến trúc mặt đứng, tuyến phố, ngôi nhà đặc biệt là các
lớp mái ngói "lô xô" với các hoạ tiết trang trí truyền thống của Việt Nam, tạo
nên một tổng thể cảnh quan kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ tiêu biểu với kiến
trúc truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn hoá dân tộc
Việt. Đây cũng là đặc trưng cho một đô thị cổ Châu Á.
Các di tích trong khu phố cổ Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố văn hoá khác
nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tín ngưỡng tôn giáo
đương thời và mang phong cách riêng rõ nét. Trong quá trình xây dựng và phát
triển, khu phố cổ Hà Nội là nơi tụ cư, hợp cư, hỗn cư và giao lưu văn hoá
không chỉ với các vùng trong nước mà với cả nước ngoài. Sự hiện diện của các
hội quán Trung Hoa, nhà thờ Lớn, nhờ thờ Hồi giáo là những chứng cứ vật chất
minh chứng rõ ràng cho giá trị này. Đó là chưa kể các thương điếm Hà Lan,
21
Anh, các cửa hàng Ấn Độ... tại đây đã được nhắc đến trong thư tịch cổ. Các
công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội cũng phản ánh rõ mối quan hệ
giữa kiến trúc với những quy định xã hội và các mối quan hệ khác. Hầu như
các kiến trúc trong khu phố cổ không có quy mô lớn về không gian, chiều cao
các công trình cũng vừa phải, phần lớn là các ngôi nhà hai đến ba tầng.
Đối với nhà dân, những nhà nào có điều kiện kinh tế hơn thì ngôi nhà
hình ống được kéo dài hơn về phía sau một chút, về cơ bản các ngôi nhà hình
ống có chiều ngang 2 mét đến 5 mét, chiều dài từ 10 mét đến 60 mét, chia
nhiều gian, được bố trí thành nhiều lớp cách nhau bằng một sân nhỏ phát triển
chủ yếu theo nhu cầu cụ thể cuộc sống một gia đình có người vợ là tiểu thương
hay người chồng là thợ thủ công. Khi con cái lớn lên, bố mẹ chia nhà cho các
đôi vợ chồng trẻ theo từng gian. Nếu cần phát triển hơn nữa về diện tích để ở
thì họ phát triển theo chiều cao để thành những tầng nhà hẳn hoi, do đó ta thấy
có những nhà chiều ngang chỉ vài ba mét nhưng làm cao đến 2, 3 tầng và có
chiều sâu tới vài chục mét. Kiểu kiến trúc này nhằm đảm bảo thông gió và lấy
sáng cho không gian sống của các căn nhà.
Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội là sự hội nhập từ nhiều
yếu tố kiến trúc nghệ thuật do mang nét chung của kiến trúc đô thị nước ta và
kiến trúc nghệ thuật của địa phương trên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nét chung
nhất là khu phố cổ nằm trong quy hoạch chung của kinh đô Thăng Long trong
mối quan hệ giữa thành và thị. Và điểm chung thứ hai là tuy nằm ở kinh đô
nhưng sự phát triển của khu phố cổ không được quy hoạch ngay từ đầu mà mở
rộng một cách ngẫu nhiên tương tự như các làng quê và một số đô thị khác của
Việt Nam.
Các di tích trong khu phố cổ có giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ
thuật cao. Với 1000 năm tồn tại và phát triển, khu phố cổ là chứng tích quan
trọng minh chứng cho lịch sử phát triển của kinh đô Thăng Long và chứa đựng
nhiều di sản văn hoá có giá trị cao. Đó là các di sản văn hoá vật thể cần được
bảo tồn, các di sản văn hoá phi vật thể: lễ hội, hoạt động văn hoá truyền thống
như hát ca trù, hát chèo… Khu phố cổ Hà Nội, nơi hội tụ của nhiều phố nghề
22
với đội ngũ nghệ nhân đông đảo nắm giữ các bí quyết của nhiều ngành nghề
thủ công truyền thống, và nơi đây là nơi tập trung điển hình nghệ thuật ẩm thực
của đất nước với các món ăn truyền thống hấp dẫn từ hương vị đến màu sắc,
hình dáng và nghệ thuật trình diễn khi thao tác nấu nướng. Và những nét đẹp
văn hoá truyền thống đó xưa kia đã tạo nên sự thanh lịch nổi tiếng của người
kinh kỳ.
Khu phố cổ Hà nội là một di sản kiến trúc quí báu mang đậm bản sắc
truyền thống văn hoá của dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho
cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với các hoạt động của đời
sống sôi động, đây không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm
văn hoá đa dạng đó là các giá trị văn hoá phi vật thể như lễ hội truyền thống
trong các di tích lịch sử, văn hoá, ứng xử nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
xưa cùng với sự hiện diện của văn hoá nghề thủ công truyền thống còn ghi dấu
lại bằng các tên phố, các di tích tổ nghề, bằng các hoạt động buôn bán, sản xuất
hiện hữu còn thể hiện trên phố.

23
Các di tích thờ tổ nghề
Khu phố cổ Hà Nội là nơi xuất hiện những ngôi đình thờ tổ nghề từ rất
sớm. Văn hóa đình làng từng có một vị trí hết sức quan trọng trong cộng đồng
người dân sống ở chốn kinh kỳ Thăng Long - Kẻ Chợ xưa kia. Theo thống kê,
ở khu phố cổ hiện nay vẫn còn hơn 60 ngôi đình trong tổng số hơn 100 công
trình tôn giáo tín ngưỡng từng có tại đây. Chức năng chính của các ngôi đình
trong khu phố cổ là thờ thành hoàng - vị thần bảo hộ cho người dân trong khu
vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng
của kinh thành Thăng Long như thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm...; lại
có những ngôi đình thờ nhân thần là các vị vua, vị quan hay những người có
công cai quản, trị vì đất nước như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh
hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vua Lê Lợi, đại thần Nguyễn Trung Ngạn hay
tướng quân Trần Lựu... Ngoài ra, một phần rất lớn các ngôi đình được lập nên
để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành lập nghiệp.
Có 14 ngôi đình thờ tổ nghề, đó là các ngôi đình: đình Hàng Quạt (thờ tổ
nghề quạt), đình Lò Rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng
bạc), đình Hoa Lộc Thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn),
đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu), đình Trang Lâu (thờ tổ nghề mộc), đình Hàng
Thiếc (thờ tổ nghề thiếc), đình Kiếm Hồ (thờ tổ nghề vôi), đình Phả Trúc Lâm
(thờ tổ nghề da), đình Hài Tượng (thờ tổ nghề giấy), đình Nhị Khê (thờ tổ nghề
tiện)... Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối,
hội tụ những người cùng họ tộc, quê quán, góp phần tăng thêm tính gắn kết của
các mối quan hệ cộng đồng, tích hợp được những tinh hoa của nhiều làng nghề
ở miền Bắc như: Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng nghề vàng bạc
Châu Khê (Hải Dương), Đồng Xâm (Thái Bình), Định Công (Thanh Trì, Hà
Nội), làng mộc Phương Lâm, Cúc Bồ (Hải Dương), Phụng Công (Thanh Oai,
Hà Nội), làng chạm khắc Nhị Khê, làng mộc Hà Vĩ, làng thêu Hướng Dương,
Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), Liễu Chàng (Gia Lộc, Hải Dương), làng chế
tác mây tre đan Giới Tế (Yên Phong, Bắc Ninh)…

24
Các công trình di tích nằm trong khu phố cổ có quy mô tương đối nhỏ, rất
ít ngôi đình có tổng thể hoàn chỉnh như ở nông thôn, nhiều công trình phải đơn
giản bớt các hạng mục, bố cục gọn gàng, quy mô nhỏ hẹp. Hiện nay nhiều ngôi
đình chỉ còn phần hậu cung hoặc chỉ còn phần bệ thờ, một số ngôi đình chỉ còn
lại 1 phần thờ cúng đặt trên tầng 2 của ngôi nhà…
Phần lớn các ngôi đình được xây dựng vào thời kỳ cuối thời Lê sang thời
Nguyễn, mang phong cách kiến trúc đặc trưng của các thời kỳ này.
Về mặt chức năng, các ngôi đình trong khu phố cổ vẫn thờ Thành hoàng,
thờ tổ nghề… nhưng có thể nhận thấy, về mặt vóc dáng qui hoạch kiến trúc và
cấu trúc không gian, chúng lại có những đặc điểm hết sức khác biệt so với
những ngôi đình truyền thống ở các vùng quê Bắc Bộ.
Nhìn chung, các ngôi đình đều không có hồ nước cũng như sân đình rộng
rãi trước mặt. Do đặc điểm của đô thị nên các ngôi đình thường có hình ống
đặc trưng, diện tích hạn chế với mặt tiền nhỏ hẹp. Tuy vậy, theo điều tra nghiên
cứu, cũng như qua lời kể của các thủ từ, nhiều ngôi đình đều có hướng quay
mặt về phía sông, hồ hay nguồn nước đã từng tồn tại trước kia.
Không những bị thu hẹp về qui mô, giản lược về cấu trúc mà nghệ thuật
kiến trúc, trang trí của các ngôi đình làng trong phố cổ cũng không quá đặc sắc
ở mức tuyệt tác như nhiều ngôi đình ở miền quê (như Đình Bảng, Tây Đằng,
Chu Quyến). Tuy nhiên, sự khéo léo, tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc dân
gian vẫn còn lưu dấu rất đậm nét trên các bức cửa võng, cuốn thư, hương án
cũng như trên các chi tiết kết cấu mái gỗ của đình. Có lẽ chính sự hài hòa giữa
tỷ lệ ngôi đình với kích thước của thế đất cũng như các công trình kiến trúc phố
phường xung quanh mới là yếu tố tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng của khu phố cổ.
Nó tạo nên sự chuyển đổi không gian mềm mại và uyển chuyển, tạo mối liên
kết về hình ảnh của Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai.

25
Giới thiệu một số đình thờ tổ nghề tiêu biểu
Đình Kim Ngân: ở số 42 Hàng Bạc
Đình Kim Ngân là công trình kiến trúc tín ngưỡng cổ được xây dựng từ
thời Lê. Ban đầu do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng,
huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời vua Lê
Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc 7 cho triều đình, xây dựng
nên. Đến thời Gia Long được người dân Châu Khê lại mua thêm đất mở rộng
đình. Với diện tích gần 600 m2, đình Kim Ngân có quy mô khá lớn so với các
công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội. Công trình có kiến trúc cơ bản
gồm: Nghi môn, sân, Đại bái, Hậu cung, kết cấu theo kiểu chữ “công”, Đại bái
3 gian, Hậu cung 3 gian được nâng lên trên cao và là hậu cung kép với khám
thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt. Nối giữa Đại bái và Hậu cung là ống
muống theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với Đại bái, cách mái
dưới bằng hệ thống chắn song con tiện để lấy ánh sáng và tạo sự thông thoáng
cho di tích. Ngôi đình còn giữ được nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo
do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề cùng với thợ kim hoàn
tạo nên. Đây là một trong những nét đặc sắc riêng của ngôi đình trong hệ thống
các đình thờ tổ nghề của khu phố cổ.
Xưa kia người thợ Châu Khê từng đúc bạc nén cho Nhà nước ở Tràng
Đúc, nay là số nhà 58 Hàng Bạc. Họ nhận nguyên liệu và giao bạc nén cho
người đại diện của triều đình tại đình Kim Ngân ở số nhà 42 Hàng Bạc và đình
Trương Thị ở số nhà 50 Hàng Bạc… Ngoài nghề đúc bạc, người dân ở đây còn
làm cả nghề đổi tiền, đổi bạc và kéo dài tới khi thực dân Pháp xâm lược nước
ta. Nghề đúc bạc ở phố này chấm dứt vào đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long
dời kinh đô vào Huế. Thợ làng Châu Khê chuyển sang làm nghề kim hoàn.
Nghề này bao gồm ba nghề khác nhau: “nghề chạm”, tức là chạm trổ những

7
Đúc bạc nén truyền thống gồm các công đoạn: Nồi nấu được gia công từ nguyên liệu đất thó trộn với gio, trấu,
sau đó phơi hoặc nung thật khô. Cho những miếng bạc chặt nhỏ và cân đủ nén vào nồi nấu, ngoài ra còn phải
thêm vào một ít hàn the (Bo3Na2). Hàn the sẽ làm bạc chóng chảy và láng mặt. Khi bạc đã nấu chảy thì đem đổ
vào khuôn. Khuôn đúc bạc nén (dân đây gọi là thão) thường được làm bằng sắt và có chuôi cầm bằng gỗ. Trước
khi đổ bạc, phải thoa dầu ép từ hạt thầu dầu (loại dầu thắp đèn phổ biến thời bấy giờ) để tránh cho bạc khỏi dính
vào khuôn. Lấy bạc ra khỏi khuôn rồi dùng búa nhỏ gõ sửa lại cho vuông vắn. Xong thì đóng dấu hai chữ “Thập
túc” (đủ mười) vào thành của nén bạc.
26
hình vẽ, hoa văn trên các đồ vật trang sức hay đồ dùng khác nhau bằng vàng
bạc; “nghề đậu” tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ rồi
chuyên thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức;
“nghề trơn” tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ, chỉ “cườm” cho
nhẵn bóng, trơn tru.
Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, là nơi phục vụ nhu cầu tín
ngưỡng, đình Kim Ngân còn là địa chỉ văn hóa thú vị cho khách du lịch khi tới
Hà Nội. Vào giữa năm 2011, Đình Kim Ngân chính thức trở thành một địa
điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật khi được chọn là nơi gặp gỡ của những
người yêu môn nghệ thuật ca trù. Các buổi biểu diễn diễn ra đều đặn vào các
buổi tối thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Những hoạt động này góp phần tạo
ra không gian văn hóa. Ngoài các hoạt động giàu ý nghĩa văn hóa, đình Kim
Ngân còn trở thành nơi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghề, tổ chức các hoạt
động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể
và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Qua đó cũng nhằm tôn vinh các giá trị
nghề truyền thống của khu phố cổ Hà Nội và nâng cao nhận thức của người dân
trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng
của phố nghề xưa.
Đình Phả Trúc Lâm: Tại số 40 Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Còn gọi là đình Trắm (hay Chắm), vốn là ngôi đình của người làng
Phong Lâm - một địa phương có nhiều thế hệ thợ da giầy nổi tiếng. Những
người thợ da giày đã đem nghề của mình đến làm ăn sinh sống ở nhiều nơi. Khi
đến Thăng Long - Hà Nội, thợ da giày đã quần tụ, lập phường thợ và xây dựng
đình Trúc lâm để thờ Tổ nghề của mình. Ban đầu ngôi đình được dựng bằng tre
nứa đơn giản, sau đó được tu bổ và nâng cấp thêm vào đầu thế kỷ XX . Kiến
trúc của đình khiêm tốn, quy mô vừa phải. Trải qua năm tháng và ảnh hưởng
của chiến tranh ngôi đình đã ít nhiều có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được phong
cách của kiến trúc truyền thống. Các vị Tổ của nghề da giầy được tôn thờ là
Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị khác là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức
Chính và Nguyễn Sĩ Bân. Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên
27
hiệu Thuần phúc nguyên niên, thời Lê - Mạc (năm1565), làm quan cho triều
Mạc đến chức Thừa Chánh sứ. Ông đã dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta qua Trung
Quốc để hòa đàm. Trong đoàn sứ có ba người cùng quê ở làng Phong Lâm là:
Ông Chánh, ông Chính và ông Bân. Trên đường đi, đoàn sứ bộ có qua Hàng
Châu, các ông đã chú ý đến nghề thuộc da, đóng giầy mà lúc đó ở nước ta,
nghề này chưa phát triển và tinh xảo bằng họ. Hoàn thành công việc sứ bộ,
Nguyễn Thời Trung cùng ba người bạn cùng quê quay lại Hàng Châu học nghề
da giầy. Trải qua bao gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững
các bí quyết về thuộc da, đóng giày. Khi về nước đã truyền nghề ở quê hương
Trúc Lâm. Từ đó nghề thuộc da, đóng giày phát triển thịnh đạt. Bốn ông đã
được triều đình ban phong chức tước. Sau này, khi các ông qua đời, làng nghề
da giày đã tôn vinh và thờ cúng làm Tổ nghề.
Phố Hàng Hành trước đây vốn là đất của thôn Tả Khánh Thụy thuộc tổng
Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nơi
đây đã có nhiều đời thợ da giày từ Hải Dương đến ở, quần tụ sinh sống, làm
nghề và buôn bán sản phẩm da giày. Nghề da giày cùng với sự hưng vượng của
kinh đô Thăng Long đã phát triển mạnh. Đến trước thế kỷ XIX, các phường thợ
da giày đã tập trung đông đúc ở vùng đất Tả Khánh và xung quanh tổng Tiền
Túc, Hữu Túc thuộc huyện Thọ Xương. Các địa danh mà sau này đổi thành tên
phố như Hàng Da, Hàng Hài, Hàng Trống, ngõ Hài Tượng... đều có liên quan
đến phường thợ da giày...
Đình Trúc Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn
hóa quốc gia năm 1995. Sau khi được công nhận, xếp hạng, di tích càng nhận
được sự quan tâm giữ gìn của các cấp chính quyền và nhân dân nên đã được
quy hoạch khang trang hơn.
Cứ vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hang năm là những ngày giỗ Tổ,
những người thợ da giầy ở Hà Nội và các địa phương tụ họp về làm lễ tế Tổ,
thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.
Đình Tú Thị: Tọa lạc tại số 2A phố Yên Thái

28
Đây là công trình tín ngưỡng thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606
- 1661). Theo bản thần phả họ Bùi Trần ở thôn Quất Động, huyện Thường Tín
thì cụ Lê Công Hành vốn người họ Mạc. Năm 1546, ở triều đình có ông Phạm
Tử Nghi định đưa Mạc Chính Trung lên ngôi vì ông vin cớ Phúc Nguyên còn
bé không thể nắm chính sự được, nhưng các quan trong triều không đồng ý.
Mạc Chính Trung bèn làm loạn. Lúc ấy để bảo toàn tính mạng, bà Bùi Thị Ban,
thứ phi của Mạc Phúc Hải đưa Mạc Phúc Đăng về lánh nạn ở làng Quất Động.
Tại đây, Mạc Phúc Đăng sinh con là Mạc Phúc Đồ. Năm 1952, nhà Lê khôi
phục lại triều chính ở Thăng Long, để tránh mọi phiền nhiễu, con cháu họ Mạc
ở Quất Động đổi sang họ Trần là họ ngoại. Cụ Lê Công Hành lúc trẻ tên là
Trần Quốc Khải, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606), có thời làm
con nuôi họ Bùi nên có tài liệu ghi cụ theo họ bố nuôi. Cụ đỗ Tiến sĩ đời vua
Lê Thần Tông (năm 1637). Năm 1646, lúc 40 tuổi, cụ được cử đi sứ Trung
Quốc. Là người nhạy cảm và thông minh, cụ đã học được kỹ thuật tinh xảo của
nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền cho nước ta. Vốn làm
Thượng thư Bộ Công, lại lập được nhiều chiến tích nên cụ được vua Lê ban
Quốc tính. Từ đó cụ có tên gọi là Lê Công Hành.
Lê Công Hành mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661) thọ 56 tuổi.
Nhớ ơn cụ tổ truyền nghề, nhân dân 5 xã ở tổng Vũ Du, huyện Thường Tín
dựng đền thờ, đến thời Thành Thái lại khắc bia “Vũ Du tiên sư bi ký” kể rõ lai
lịch cụ tổ nghề. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 6 thợ thêu các làng lại sắm lễ
vật, rước kiệu về đền Ngũ Xã và tế tổ tại đây.
Cùng với dòng người hội tụ về Kinh thành Thăng Long làm ăn, những
người thợ thủ công làng Quất Động đã di cư tới đây, định cư tại làng Yên Thái
để sinh cơ, lập nghiệp theo nghề tổ tiên để lại. Văn bia trong đền cho biết, đền
được xây dựng năm Thành Thái thứ ba (1891), trên một thửa đất 40 x 60m, do
26 người đứng lên quyên tiền và xây dựng. Tương truyền xưa kia, những thợ
thêu trong làng Yên Thái cứ ngày phiên chợ là mang đồ thêu ra bán và giao
dịch với khách hàng tại ngôi Đình, nên đình có tên Đình thợ Thêu. Hơn 100
năm qua, đền xưa vẫn mang dáng vẻ cổ kính. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng
29
sáu, các thợ thêu ở Hà Nội lại về Tú Thị đình lễ giỗ cụ rất trọng thể. Tiếp đến là
Tết Trùng Cửu (9 - 9) còn gọi là lễ thường tân. Lễ vật gồm chuối, cốm, chim
ngói, gạo mới. Đội tế gồm 9 đến 12 người là các bậc cao niên của phường thêu.
Ở đình Tú Thị, điều đặc biệt là các đỗ tế khí có giá trị từ mũ, hia, áo của thần
đến câu đối, hoành phi đều là sản phẩm đặc sắc của nghề thêu8.
Di tích đã được công nhận xếp hạng cấp Quốc gia năm 2012 tại Quyết
định số 4066/QĐ-BVHTTDL ngày 24/10/2012.
Đền Bạch Mã – trấn Đông:
Ngôi đền tọa lạc tại số nhà 76-78 phố Hàng Buồm, là một trong “tứ trấn”
của kinh thành Thăng Long. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô
Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội. Theo truyền thuyết, đền Bạch Mã được
Cao Biền xây năm 866, thần Long Đỗ được phong làm “Đô phủ thành hoàng
thần quân”. Năm 1010, sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho
sửa sang lại đền bởi ngôi đền và thần Bạch Mã gắn liền với truyền thuyết xây
thành của nhà vua. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên là kinh đô
Thăng Long, ngài đã cho xây dựng đô thành, nhưng thành cứ xây lên rồi lại lở.
Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh
một vòng, đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì
biến mất. Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thành lũy thì không lở nữa. Tạ
ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định
bang Thành Hoàng Đại Vương”, và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã
linh từ” (Đền thiêng ngựa trắng).
Theo các nhà nghiên cứu thì ngựa trắng là biểu tượng thần thoại của mặt
trời. Đền Bạch Mã trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long. Ngựa trắng từ đền
ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi lại quay về đền. Đó là biểu tượng sự vận
động biểu kiến của mặt trời, mặt trời mọc đằng đông, lặn ở đằng tây rồi lại
quay về đông (trong câu chuyện Cổ Loa, rùa vàng cũng hiện ra ở cửa đông kinh
thành). Phía đông là đền Bạch Mã, phía tây là đền Voi Phục, phía Bắc là Đền
8
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với
bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nhìn những người thợ làm việc, chúng ta có cảm tưởng họ rất nhàn
nhã, nhưng thực ra đó là một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng. Những đức tính, năng khiếu là yêu cầu cơ
bản đối với mỗi thợ thêu, nhằm tạo ra sản phẩm hợp màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải.
30
Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn. Đó chính là “Thăng Long tứ trấn” trong
quan niệm cổ truyền. Đền đã được sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được
tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc
Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được "tạo
lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa đền
thêm tráng lệ. Năm 1839, dựng văn chỉ ở bên trái đền, dựng Phương đình để
làm nơi cúng lễ các tuần tiết.
Dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay là dấu ấn đặc trưng của phong
cách kiến trúc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “tam”,
bên ngoài là phương đình tám mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này
chính là hệ thống mái hình “vỏ cua” (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng
mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tạo thêm không gian cho di
tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng
đồng bằng Bắc Bộ.
Đền còn lưu giữ được 15 tấm bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, nhiều sắc
phong của các triều vua từ thời Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, trong đó cổ nhất
là tấm bia có niên đại Chính Hoà thứ 8 (1867) cùng nhiều đồ thờ tự quý khác.
Ðền đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986.
Đình Đồng Lạc: Đình Đồng Lạc vốn là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh
Lang, Bạch Mã, đồng thời là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ
thứ XVII. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình đã bị tàn phá nặng
nề. Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô 2 tầng, dùng để bán hàng và
nhà ở. Năm 1956, đình lại được sử dụng làm cửa hàng bách hóa. Đến nay, ngôi
đình đã được trả lại không gian thờ cúng linh thiêng và trở thành điểm du lịch
văn hóa tiêu biểu tại khu phố cổ.
Ngôi đình tọa lạc trên thửa đất hình đuổi chuột, mặt bằng dạng thót hậu,
rộng mặt tiền 6m, bên trong thót lại còn 1,1m, tổng diện tích khu đất là 188,9m,
sâu 51,65m. Mặt bằng bố cục theo nguyên tắc nhà ống truyền thống ở phố cổ
Hà Nội.

31
Không gian kiến trúc ngôi đình được phân chia bởi từng lớp nhà, giữa
các lớp nàh có sân trong nhằm thông gió và lấy ánh sáng. Đặc điểm này cũng
chính là ưu điểm riêng của kiến trúc phố cổ nhằm thích nghi và phù hợp với
điều kiện khí hậu.
Cổng ngoài của ngội đình được xây gạch, mặt trước và mặt sau đắp nổi
các chữ Hán “Đồng Lạc đình”, trang trí đắp vẽ trên các cột trụ cổng theo kiểu
truyền thống. Cánh cổng ghi dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị” (Đình chợ
yếm Đồng Lạc).
Lớp nhà thứ nhất và thứ 3 của đình được làm 2 tầng, là phần đã được xây
dựng cải tạo với khung nhà là bê tông cốt thép, phần mái vẫn sử dụng kết cấu
gỗ dạng vì kèo. Theo hành lang bên phải của lớp nhà thứ nhất sẽ thấy tấm bia
đá gắn trên tường được khắc năm Tự Đức Bính Thìn (1856) ghi về việc đình
được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII). Trên bia ghi rõ: “Đình chợ có bán yếm
lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ
thời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá huỷ. Về sau, ông
Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông
Trần Hợp tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng. Người ở phường Đồng
Lạc là Dương Nghĩa Hợp vốn thích làm việc công đức đã cúng 100 quan tiền
kẽm để chi dùng cho việc chung. Bản chợ nghĩ đến tình nghĩa “biếu đào tặng
mận” đã cùng nhau hội họp bầu con thứ của ông là Lương Văn Tín, tên tự là
Doãn Tái, tên hiệu là Nhã Giảng được tòng tự tại đình để tỏ rõ đạo trung hậu,
bèn khắc vào bia để truyền lại cho muôn đời”. Đây là di vật rất quan trọng, là
nguồn tư liệu quý giá, giúp chúng ta biết được lịch sử hình thành và tồn tại của
ngôi đình và chợ bán yếm lụa đã có ở đây từ thời Lê. Sang thời Nguyễn, đình
được dân làng tu bổ trở thành nơi buôn bán trang phục cho phụ nữ.
Lớp nhà thứ hai là phần thờ chính của đình, được cải tạo nguyên trạng
theo lần trùng tu gần nhất năm 1941. Tầng một là văn phòng làm việc của Ban
Quản lý phố cổ Hà Nội, tầng 2 là gian thờ còn lại của đình. Trên dầm cột tầng 2
còn lưu giữ hai đầu dư chạm khắc hình đầu rồng, là dấu tích còn sót lại của

32
ngôi đình cũ. Thượng lương ghi dòng chữ Hán về năm trùng tu đình vào ngày
mùng 10 tháng 7 năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1941).
Năm 2000, thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) đã chọn ngôi
đình này để trùng tu, bảo tồn. Năm 2004, ngôi đình được Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Việc trùng tu đình
là sự kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng truyền thống với kỹ thuật tôn tạo hiện đại.
Hiện nay, tại đình Đồng Lạc, không gian Văn hóa Hanoia chính thức ra
mắt. Đây là chuỗi chương trình được thực hiện định kỳ hàng tháng, do thương
hiệu sơn mài Hanoia khởi xướng nhằm giới thiệu vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp
sáng tạo, giao lưu nghệ thuật… nhằm đánh thức những cảm xúc lành mạnh, gợi
mở những ý tưởng sống, giải tỏa áp lực của cuộc sống hiện địa. Theo đó, hàng
tháng, tại Không gian Văn hóa Hanoia sẽ diễn ra các buổi tọa đàm xoay quanh
các câu chuyện về văn hóa và phong cách sống được thực hiện định kỳ hàng
tháng (vào chiều thứ sáu của tuần thứ hai trong tháng), với khách mời là các
học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ… có uy tín. Đến đây, du khách sẽ được chiêm
ngưỡng các sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo, đặc trưng nhất của Thủ
đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Điều đặc biệt ở đây là mỗi sản phẩm
trưng bày, đều mang trong mình một câu chuyện riêng và là sự kết hợp giữa
bàn tay và trí óc tài tình của các nghệ nhân, thợ giỏi của Hà Nội, Việt Nam với
các nhà thiết kế đến từ châu Âu- những người đã nghiên cứu, gặp gỡ, tìm hiểu
và rồi “nặng lòng” với văn hóa Việt. Ví như góc trưng bày gần như duy nhất ở
Hà Nội thứ lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt, lãnh Mỹ A được hiện
diện bằng bộ sưu tập qua bàn tay của nhà thiết kế Công Trí. Đây là loại lụa
được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc
nưa trong suốt gần nửa năm trời biết bao vất vả và tinh hoa tay nghề thủ công
của nghệ nhân dệt.
Giữa con phố buôn bán tấp nập, đình Đồng Lạc như một nốt lặng giữa
những cung thanh ồn ã của đô thị hiện đại. Bước vào không gian của ngôi đình,
chúng ta sẽ như sống lại một thế giới của xưa cũ trầm mặc với lối kiến trúc
nghệ thuật độc đáo.
33
2.3 Các điểm thăm quan tiêu biểu khác ở khu phố cổ:
Ô Quan Chưởng:
Đây là cửa ô duy nhất còn sót lại khá nguyên vẹn của thành Thăng Long
xưa, nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu. Ô Quan Chưởng còn
được gọi là “Đông Hà Môn” do nằm ở phía đông của toà thành đất bao quanh
Kinh thành Thăng Long. Cửa ô này được xây dựng vào năm 1749, đến năm
1817 được xây lại và giữ nguyên kiểu kiến trúc cho đến ngày nay. Hiện nay, Ô
Quan Chưởng gồm cổng chính cao 3m và hai cổng phụ ở hai bên dành cho
người đi bộ trên vỉa hè. Cửa ô có hai tầng, tám mái. Bên trên cổng có vọng lầu,
bằng gạch vồ nâu đỏ trước là nơi canh gác của lính, có tấm bia đá của Tổng đốc
Hoàng Diệu cho dựng năm 1882 với nội dung cấm lính tráng nhũng nhiễu
người dân mang hàng hóa sản vật từ ngoài thành vào bán. Mặt trước lầu có đắp
tấm bảng với ba chữ “Đông Hà môn” chỉ địa phận trấn giữ. Cửa ô có dáng dấp
cũng như cửa thành nhưng nhỏ hơn. Các vòm cửa từng có cửa, ngày mở, đêm
đóng. Ban đêm tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào
kinh thành. Cửa ô chính là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm
soát, thu thuế, bảo vệ cuộc sống trong thành và phòng lụt khi nước sông Hồng
lên cao. Ô Quan Chưởng được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.
Nhà cổ 87 Mã Mây:
Phố Mã Mây xưa kia là hai phố: đoạn đầu là phố Hàng Mây chuyên bán
song mây, đoạn sau là phố Hàng Mã, thời Pháp thuộc còn có tên Quân Cờ Đen.
Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX theo kiểu kiến
trúc truyền thống Việt Nam với chức năng sử dụng để ở và bán hàng. Gia chủ
trước năm 1945 ở đây kinh doanh bán hàng gạo, sau năm 1945 đã bán lại cho
một gia đình người Hoa ở và bán thuốc Bắc. Đến Năm 1954, gia đình người
Hoa này di cư vào Nam, ngôi nhà thuộc sự quản lý của Nhà Nước. Sau đó được
sở Nhà đất bố trí cho 5 gia đình đến sinh sống tại ngôi nhà này. Đến năm 1999
ngôi nhà đã được cải tạo làm thí điểm bảo tồn với sự hợp tác giữa thành phố Hà
nội và thành phố Toulouse (CH Pháp) trong dự án “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà
nội”. Hiện nay, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây thuộc sự quản lý của UBND thành phố
34
Hà Nội mở cửa cho mọi du khách đến thăm quan và tìm hiểu Nếp sống văn hóa
người Hà Nội xưa.
Nhà 87 Mã Mây là loại nhà ở truyền thống của khu Phố cổ Hà Nội, nhà
có dạng hình ống, có những đặc điểm kiến trúc của nhà xây dựng thời kỳ năm
1890. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với
đường phố, chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt
hậu là 6m. Với hình dáng như vậy thì ngôi nhà đã tuân theo cách suy nghĩ của
người dân hồi xưa là : miếng đất làm nhà nên “nở hậu”, ý nghĩa sẽ mang lại
phúc lộc về hậu vận.
Ngôi nhà cũng tuân theo cơ cấu không gian kiến trúc kiểu nhà truyền
thống phố cổ Hà Nội, đó là: Nhà 1 – Sân 1 – Nhà 2 -Sân 2- Bếp – Nhà 3 (vệ
sinh, kho). Lớp nhà ngoài (lớp nhà 1): tầng 1 để bán hàng, tầng 2 gian tiếp
khách và gian thờ. Lớp nhà trong (lớp nhà 2): tầng 1 gồm nơi cất giữ hàng hoá
và nơi dành cho người giúp việc; tầng 2 là phòng ngủ của chủ nhà với hiên
trước có mái là nơi ngồi uống trà hay chơi cờ tướng của gia chủ và hiên sau là
sân phơi thuốc bắc. Lớp nhà trong cùng (lớp nhà 3) là khu phụ gồm vệ sinh và
kho.
Với cách bài trí không gian như vậy ngôi nhà hình ống này có điều kiện
tiện nghi rất tốt về thông gió và lấy sáng. Đây là 1 trong những ưu điểm lớn
trong việc bố cục không gian nhà ở truyền thống Việt Nam nói chung và của
phố cổ Hà Nội nói riêng trong việc thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu
địa phương.
Thời gian như ngưng đọng lại mỗi khi bước chân vào ngôi nhà cổ này.
Những nét trầm mặc của tháng ngày xưa cũ đọng lại trên mỗi vật dụng trong
ngôi nhà, từ bộ ghế phòng khách, chiếc cầu thang gỗ, bể nước, cối đá, nồi niêu
xong chảo… Tất cả đều ẩn chứa biết bao nét sinh hoạt và văn hóa của người Hà
Nội xưa. Ngôi nhà 87 Mã Mây đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong
hành trình của du khách đến với phố cổ Hà Nội.
Chợ đêm phố cổ Hà Nội:

35
Đi vào hoạt động từ năm 2004, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân
kết nối với chợ đêm Đồng Xuân thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm,
dài gần 3km với điểm bắt đầu từ phố Hàng Đào. Hiện nay có thêm phố đi bộ
quanh Hồ Gươm cũng vào cuối tuần từ thứ tối thứ 6 đến hết tối Chủ nhật, còn
chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần. Đặc biệt, vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, trên
các phố đi bộ chợ đêm còn là nơi trình diễn các bộ môn nghệ thuật đường phố
cùng các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như nhảy hiphop đương
đại, kéo đàn violin, chèo, tuồng, xẩm, ca trù,... rất được du khách quan tâm,
theo dõi. Đây cũng là điểm nhấn độc đáo riêng có của chợ đêm phố cổ.
Chợ đêm phố cổ có gần 4000 gian hàng đa dạng, thỏa sức cho bạn ngắm
nghía, trầm trồ. Điểm đặc trưng nhất của chợ đêm phố cổ là đã khai thác nét
văn hóa truyền thống phố cổ, quảng bá hình ảnh phố cổ với du khách, giới
thiệu các sản phẩm làng nghề. Các mặt hàng thủ công, đồ sứ, mỹ nghệ, đồ gốm,
…do chính những bàn tay nghệ nhân khéo léo làm ra được bày bán ở nhiều
gian hàng. Những chiếc bát, chén từ gốm sứ tinh xảo; các loại đồ chơi dân gian,
đồ dùng gia dụng từ tre, nứa, mây; những chiếc túi thổ cẩm sặc sỡ; rồi cả đồ
thờ cúng bằng đồng quý giá,….đều được hội tụ về đây.
2.4. Một số phố cổ tiêu biểu:
Phố Hàng Đào:
Đây là đất phường Thái Cực đời Lê, sau thuộc đất hai phường Đồng Lạc,
Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.
Phố Hàng Đào có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là rue de
la Soie (phố Tơ Lụa), năm 1945 lấy lại tên cổ là phố Hàng Đào, các lần đổi tên
sau vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Đào.
Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã ghi tên phố này vào sách Dư địa chí:
“Phường Hàng Đào nhuộm điều”. Thế nghĩa là dân phường này, ở thời đó, đã
có nghề nhuộm và chuyên về nhuộm màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào... Nhưng
tới thế kỷ XVII thì phố này nhận nhuộm thêm nhiều màu khác, còn nhận cả
“chuội” tơ lụa cho trắng nõn ra. Sách Thượng kinh phong vật chí ghi: “Phường
Hàng Đào làm nghề nhuộm màu. Màu trắng trắng như tuyết. Màu đỏ đỏ như
36
tiết. Màu đen như nhuộm mực... Màu vàng là màu chính. Màu tạp thì có màu
huyền, thiên thanh, hoa đào, cánh chả, quan lục, không màu nào giống màu
nào...”.
Ngày nay di tích của hai phường cũ đó là những đình miếu còn sót lại:
+ Miếu Đồng Lạc số nhà 31: chưa rõ thờ ai
+ Đình Đồng Lạc ờ số nhà 38: thờ thần Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn –
số 38 Hàng Đào.
+ Đền Đại Lợi còn có tên là đền Bạch Bố (vải trắng) ở nhà số 47, thờ
Bạch Mã. Còn đình Đại Lợi thì vốn ở vào cuối phố, giáp Hàng Gai, do mở
đường nên dời vào chỗ bây giờ là 50 phố Gia Ngư, cũng thờ ba vị thần Bạch
Mã, Linh Lang và Cao Sơn.
+ Đình Hoa Lộc (số nhà 90A) là do dân làng Đan Loan ở huyện Bình
Giang (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) lên đây cư trú lập ra. Vì dân Đan Loan làm
nghề nhuộm màu và buôn bán tơ lụa nên ở đình này thờ tổ nghề nhuộm và là
thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và vợ là Phương Dung tục truyền
là những người đã mở trường học đầu tiên tại Đan Loan.
Cho tới trước thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào là nơi tập trung bán tơ lụa.
Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm: the, lĩnh,
lụa, lượt, là, cấp, nái, kỳ cầu, nhiễu, gấm, vóc, sa, xuyến v.v... Cũng tại đây mỗi
tháng có họp sáu phiên chợ ngay trên đường phố vào các ngày 1 và ngày 6, gọi
là chợ Hàng Tơ. Người các làng La Khê, La Cả ra bán the. Người làng Mỗ ra
bán cấp, đũi. Người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem lĩnh tới... Trừ gấm vóc là dệt bằng
tơ đã nhuộm, còn các thứ khác thì để mộc. Dân Hàng Đào mua về đem nhuộm
điều, nhuộm đỏ, hoặc giao cho người ở chợ Dầu Đình Bảng, ở làng Tây Hồ, ở
Hàng Thợ Nhuộm đem nhuộm thâm, hoặc nhờ bên Cầu Gỗ chuội trắng... Ngày
ấy ở Hàng Đào cũng có vài hiệu bán vải nhưng thứ hàng này đã có một phố
riêng là phố Hàng Vải.
Tới đầu thế kỷ XX, một số người Ấn Độ tới mở hiệu bán các thứ vải vóc
len dạ nhập từ phương Tây. Cũng vào thời kỳ này, mọc lên một số hiệu tạp hoá,
vàng bạc, làm mũ... nhưng chủ yếu Hàng Đào vẫn là phố tơ lụa. Đối với lịch sử
37
cách mạng cận đại, phố này có một số ngôi nhà đáng lưu ý: nhà số 10 trong
thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1907 là trường Đông Kinh nghĩa thục
(do Lương Văn Can, người ở Nhị Khê, Thường Tín và các cộng sự lập ra. Tại
đây Phan Chu Trinh đã ngụ một thời gian ngắn và diễn thuyết nhiều buổi). Một
cơ sở nữa là nhà số 63 cũng là một ngôi nhà rộng nhiều gian trong, cổng sau đi
sang sân đình Đại Lợi và thông với phố Gia Ngư. Ảnh hưởng của Đông Kinh
Nghĩa Thục lan rộng nhanh chóng. Nhiều nơi ở ngoại thành Hà Nội đến xin tài
liệu giáo khoa và cũng mở lớp ở địa phương theo mẫu Đông Kinh Nghĩa Thục
Hàng Đào.
Vào ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, một mũi của đại quân ta từ bên
Gia Lâm qua cầu Long Biên tiến vào thành phố, qua phố Hàng Đào giữa một
rừng cờ hoa của dân chúng đón mừng.
Phố Hàng Ngang:
Đây nguyên là đất phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng
Đông Thọ), huyện Thọ Xương cũ.
Phố Hàng Ngang có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là “rue
des Cantonnais” tức là “phố Người Quảng Đông”, năm 1945 lấy lại tên tiếng
Việt là phố Hàng Ngang như dân chúng vẫn quen gọi. Các lần đổi tên sau vẫn
giữ nguyên tên này.
Từ đời Lê, người Trung Quốc được phép cư trú ở Thăng Long. Họ ở tập
trung tại một số phố, theo hàng bang (ví dụ bang Quảng Đông thì ở phố Hàng
Buồm, phố Hàng Ngang... bang Phúc Kiến thì ỏ phố Lãn Ông, phố Cửa
Đông...). Phố Hàng Ngang phần lớn là Hoa kiều gốc Quảng Đông, mà tỉnh này
lại có tên cổ là Việt, cho nên các sách địa chí cũ gọi phố này là phố Việt Đông.
Còn cái tên Hàng Ngang thì chưa rõ lai lịch của nó. Một thuyết cắt nghĩa
rằng thời xưa, ở hai đầu phố có dựng hai cái cổng chắn ngang đường, tối đến là
đóng lại, có phu canh gác, do đó mà thành tên.
Trong sách Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ có chép: “Phường Diên
Hưng và phường Đồng Lạc là phố Hàng Áo, bán các thứ tơ lụa, vóc nhiễu”.
Như vậy có lẽ trước khi người Hoa kiều tới đây mua nhà kinh doanh thì Hàng
38
Ngang (tức phường Diên Hưng) và đoạn đầu phố Hàng Đào (tức phường Đồng
Lạc) dân ta bán quần áo và cả yếm nữa (vì đình phường Đồng Lạc còn có tên là
đình Hàng Yếm). Trước đây ở phố Hàng Ngang quá nửa số dân là người Hoa.
Nhiều người đã thay đổi y phục theo phong tục Việt Nam nên dân ta gọi họ là
người Minh Hương (tức người Việt gốc quê nhà Minh). Phố Hàng Ngang cho
tới đầu thế kỷ XX có nhiều hiệu tơ lụa lớn của người Minh Hương đều có họ
hàng với nhau: Phan Đức Thành (số 2), Phan Thái Thành (số 4), Phan Hưng
Thành (số 26), Phan Vạn Thành (số 40), Phan Dụ Thành (số 56), Phan Hoà
Thành (số 60) v.v... Người Việt buôn tơ lụa lớn thì có Trịnh Phúc Lợi (số 7),
Lợi Quyền (số 27). Sau người con cụ Phúc Lợi là ông Trịnh Văn Bô chuyển
sang số nhà 48 cùng phố.
Người Hoa ở Hàng Ngang còn mở nhiều hiệu bán chè “Tàu”: Sinh Thái,
Chính Thái, Ninh Thái... Chè đựng trong lọ sứ, lọ thiếc, hoặc gói giấy... nhãn
hiệu chữ Trung Quốc song đa số lại là chè Phú Thọ được sao chế tại Hàng
Ngang và đóng nhãn hiệu Vũ Di Sơn, Phúc Kiến.
Ngày nay, ở phố này có một ngôi nhà đã gắn liền với lịch sử cách mạng
vẻ vang của dân tộc. Đó là ngôi nhà số 48, có cửa thông ra só 35 Hàng Cân.
Đây nguyên là nhà ở của vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ,
một nhà tư sản lớn thời đó. Bác và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung
ương ở tại tầng gác hai. Tại đây Bác đã chủ toạ cuộc họp đầu tiên của Thường
vụ tại Hà Nội, đã quyết định một số vấn đề quan trọng: tổ chức mít tinh để
Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân và thảo bản Tuyên ngôn độc lập, một văn
kiện có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc
ta. Ngôi nhà này hiện nay đã trở thành di tích cách mạng kháng chiến quan
trọng, được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1979 tại Quyết định số 54 VHTT/QĐ
29/4/1979.
Phố Hàng Đường:
Đây nguyên là phần đất của thôn Vĩnh Thái (đoạn đầu phố) và thôn Đông
Hoa Nội Tự (đoạn cuối phố), tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế
kỷ thứ XIX thôn Vĩnh Thái đổi ra là Vĩnh Hanh, và thôn Đông Hoa Nội Tự hợp
39
nhất với hai thôn Đông Hoa Môn và Hậu Đông Hoa thành ra thôn Đức Môn
(tổng Hậu Túc cũng đổi tên là Đồng Xuân).
Dấu vết các thôn xóm cũ này là các ngôi đền chùa còn sót lại tới nay:
đình Vĩnh Hanh, đình Đức Môn và chùa Đông Môn.
Phố Hàng Đường có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là là
rue du Sucre, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Đường, các lần đổi
tên sau vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Đường.
Đình Vĩnh Hanh nay ở gác 3 số nhà 19B, đình Đức Môn nay là số nhà
38, thờ Ngô Văn Long, một danh tướng đời Hùng Duệ Vương (thứ 18) nơi thờ
chính là chùa Hàm Long. Còn chùa Đông Môn thì thường được gọi nôm là
chùa Cầu Đông, nay là số nhà 38B, hiện còn giữ được nhiều bia cổ, ghi lại vị
trí, quá trình xây dựng chùa... Đó là các bia khắc vào những năm 1624, 1639,
1711, 1816. Lại còn có một quả chuông đề chữ Đông Môn Tự Chung (chuông
chùa Đông Môn) đúc đời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 8 (tức 1800). Ngày
trước, sông Tô Lịch từ cửa sông chỗ Chợ Gạo đi qua phố Nguyễn Siêu, Ngõ
Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi đi chéo sang phố Hàng Lược mà lên
Bưởi. Để đi qua khúc sông Tô ở chỗ Hàng Đường này có một cái cầu đá, gọi là
Cầu Đông (cầu của thôn Đông Hoa Môn). Tương truyền ở đầu cầu có một
tượng Phật đặt trên bệ lộ thiên. Tượng bằng đá ngồi xếp bằng tròn, miệng tủm
tỉm cười, nên có tên là tượng Tiêu Phật (Phật cười).
Phố Hàng Mã:
Đây nguyên là đất thôn Vĩnh Thái (đoạn phía đông) và thôn An Phú
(đoạn phía tây), tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương
cũ. Thời Pháp thuộc phố này có tên là phố Hàng Đồng (ịrue du Cuivre) nhưng
dân chúng vẫn gọi phân biệt hai phố: phố Hàng Mã từ phố Hàng Đường đến
đầu phố Hàng Đồng ngày nay và phố Hàng Đồng từ đầu phố Hàng Đồng ngày
nay đến phố Phùng Hưng, vì ở đây cũng có một số cửa hàng bán đồ đồng.
Năm 1945 đã gọi thống nhất là phố Hàng Mã, để tránh nhầm lẫn với phố
Hàng Đồng hiện tại ở phía bắc phố Bát Sứ. Dân ở phố này có một số gia đình

40
người làng Tân Khai (Hàng Sắt và Cổng Đục) dọn đến mở cửa hàng bán giấy
và đồ mã nhỏ, đó là đồ hàng giấy để trang trí và đồ mã để cúng lễ.
Đình thôn Vĩnh Thái (sau đổi là Vĩnh Hanh) ở số nhà 19 phố Hàng
Đường. Còn đình thôn An Phú thì ở số nhà 56 phố Hàng Mã (đình này ăn thông
sang phố Hàng Rươi, là số nhà 17).
Phố Hàng Mã thời trước chuyên làm các thứ hàng mã: cành hoa, hài giấy,
áo mũ giấy, nhà táng giấy... dùng trong việc thờ cúng, do đó mà thành tên.
Trong dịp tết Trung thu, ở đây cũng có bán những thứ đồ chơi bằng giấy cho
trẻ em: đèn xếp, đèn kéo quân, đèn cá chép hoá rồng, đầu sư tử, voi giấy, ngựa
giấy, ông tiến sĩ giấy...
Hàng Mã còn nổi tiếng với kiến trúc đặc trưng của phố cổ Hà Nội là
những ngôi nhà hình ống và nhà chồng diêm. Nhà hình ống với bề rộng có hạn,
nhưng người dân đã khéo léo kết hợp không gian ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản
xuất và công việc buôn bán. Nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng có cửa giả
hoặc cửa sổ cỡ nhỏ mở ra phía mặt đường phố, những ngôi nhà như thế này
ngoài mái ngói hắt nghiêng ra ngoài mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè
để che mưa nắng cho cửa nhà hoặc cửa hàng buôn bán.
Ngày nay, phố Hàng Mã vẫn là con phố sầm uất của Hà Nội, đặc biệt vào
dịp từ trước ngày Rằm tháng 7 Âm lịch khoảng một tháng, Tết Trung thu và từ
ngày 24 tháng Chạp ngay sau lễ Tết Ông Công ông Táo đến tận trưa ngày 30
Tết Âm lịch. Người dân nô nức đi mua sắm các loại đồ hang mã phục vụ cho
việc cúng tế trong gia đình và các nơi thờ tự, mua sắm đồ chơi dịp tết Trung thu
cho trẻ con đều tìm đến Hàng Mã để lựa chọn những món đồ tốt nhất.
Phố Hàng Bạc:
Phố này vào thời Lê là đất phường Đông Các, đã từng là bối cảnh của
truyện “Mẹo lừa” trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. Cũng chính
truyện này đã cho ta biết rằng phường Đông Các thời đó (thế kỷ XVIII) đã là
nơi đổi chác, mua bán bạc nén. Sang đầu thế kỷ XIX, đây là đất hai thôn Đông
Thọ (đầu phía đông) và Dũng Hãn (đầu phía tây) của tổng Hữu Túc, huyện Thọ

41
Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX hai thôn này nhập lại thành ra thôn Dũng Thọ
(tổng Hữu Túc cũng đổi ra là tổng Đông Thọ).
Thời Pháp thuộc, phố này gọi là phố của những người đổi bạc (rue des
Changeurs). Tên phố hiện nay được chính thức hóa từ sau cách mạng.
Phố Hàng Bạc ngày trước có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề
kim hoàn và nghề đổi tiền. Những người làm nghề đúc bạc đều là dân làng
Trâu Khê (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tương truyền đời Lê
Thánh Tông (1460 - 1497) có ông Lưu Xuân Tín, người làng này, làm Thượng
thư Bộ Lại, được vua cho phép lập một xưởng đúc bạc nén ở Kinh thành. Ông
đưa người làng ra làm nghề này. Làng Trâu Khê vốn có năm giáp: giáp Nhất,
giáp Nhị, giáp Đông, giáp Tây Xuyên, giáp Trung. Cả năm giáp đều có người
lên kinh đô, làm tại “Tràng” đúc bạc (nay là số nhà 58). Có tới nửa dân của
làng Trâu Khê đã lên ở đây. Họ lập hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là “Đình
trên” tức đình Trương (số nhà 50) và “Đình dưới” tức đình Kim Ngân (số nhà
42).
Nghề kim hoàn bao hàm ba nghề khác nhau: nghề chạm tức là chạm trổ
những hình vẽ, hoa văn trên các đồ vật trang sức hay đồ dùng bằng vàng bạc;
nghề đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ rồi chuyền
thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức; nghề trơn
tức là làm những đồ vàng bạc không cần trạm trổ chỉ “cườm ” cho nhẵn bóng
trơn tru. Thợ kim hoàn là người làng Định Công Thượng, nay thuộc quận
Hoàng Mai, Hà Nội. Tương truyền là vào đời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) có ba
anh em người làng này là Trần Điền, Trần Điện và Trần Hoà học được nghề
kim hoàn về dạy cho dân làng. Thợ kim hoàn Định Công Thượng ra Thăng
Long cũng ở phố Hàng Bạc nhưng muộn hơn thợ đúc bạc Trâu Khê, cho nên họ
ở lan sang chỗ nay là đầu phố Hàng Bồ. Họ cũng lập ra đền thờ tổ (là ba anh
em họ Trần nọ) ở phố Hàng Bồ, bài vị được “rước” về thờ ở đình làng Định
Công Thượng.
Cũng làm nghề kim hoàn còn có người làng Đồng Sâm (huyện Kiến
Xương, tỉnh Thái Bình). Họ cũng biết nghề chạm, nghề đậu, nghề trơn nhưng
42
dường như đã có sự phân công (không triệt để lắm) giữa hai làng kim hoàn này:
thợ Đồng Sâm chuyên về chạm trổ những mỹ phẩm lớn bằng bạc như lư, đỉnh,
hộp trầu, khay chén, bát bạc, đĩa bạc... Còn thợ Định Công phần lớn làm các
thứ nữ trang nhỏ nhắn như hoa tai, xuyến, hột, vòng...
Cho tới những năm đầu thế kỷ này, phố Hàng Bạc vẫn còn là một phố cổ,
với hai dãy nhà “chồng diêrrì\ với những hiệu “thợ bạc” mà “thiết bị” và bài trí
thì giống y như nhau, tức là chỉ gồm có một cái bễ nhỏ, một cái đe và một cái
vòng, khánh, bộ xà tích, ống vôi, chóp nón v.v...
Đối với lịch sử chiến đấu của Thủ đô, phố Hàng Bạc có một ngôi nhà nay
trở thành kỷ niệm đầy tự hào của Hà Nội. Đó là rạp hát Chuông Vàng, số nhà
72. Nơi đây, giữa những ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp ác liệt nhất,
vào sáng hôm 14-1-1947, đại đội quyết tử quân của Liên khu I đã làm lễ tuyên
thệ tại đây.
Ngày nay, phố Hàng Bạc vẫn luôn sầm uất, nhộn nhịp buôn bán, là một
trong những tuyến phố lõi của khu phố cổ Hà Nội.

43
3. Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò
như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh
thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu nước đã từng bị
thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây.

Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896, ban đàu có tên là Prison
Centrale (Nhà tù trung ương), song để tránh sự tò mò và kích động của dân
chúng nên đổi thành Maison Centrale (Ngôi nhà Trung ương) và hiện còn trên
cánh cổng chính dẫn vào di tích. Cũng do được xây trên đất của làng Phụ
Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ) – là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày
đêm rực lửa lò nung vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò. Đây là một trong số
những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, nằm trong chuỗi các
hoạt động tăng cường bộ máy đàn áp nhằm đối phó với các phong trào đấu
tranh của nhân dân Việt Nam. Nhà tù này do kiến trúc sư Villdie thiết kế và
được kỹ sư trưởng, giám đốc nha công trình và toàn quyền Đông Dương lúc đó
là PonDume phê duyệt. Tổng diện tích xây dựng là 12.980m2, trong đó diện
tích xây dựng nhà tù là 10.870m2. Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế của Thủ đô, Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của
nhà tù Hỏa Lò, hơn ¾ diện tích khu nhà tù được sử dụng để xây dựng tòa tháp
trung tâm Hà Nội. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn
tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng
niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại
nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Diện tích hiện còn là 2434m2.

Ngục Hỏa Lò được chia thành bốn khu: A, B, C và D.

Khu A và B dành cho phạm nhân đang được cứu xét, phạm nhân quan
trọng hoặc những tù nhân vi phạm kỷ luật nhà tù.

Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.

44
Khu D là nơi câu cấm phạm nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc
giảm án.

Kiến trúc nhà tù được xây dựng vô cùng kiên cố cùng với những bộ máy
tra tấn độc ác nhất. Bên cạnh nhà tù là tòa đại hình và sở mật thám, tạo thành
thế chân kiềng, sẵn sàng đàn áp phong trào Cách mạng của nhân dân ta. Hoả
Lò là công trình kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương, đến con kiến cũng khó
lòng qua nổi.

Bao quanh nhà tù là bức tường bằng đá, cốt thép cao 4m, dày 0,5m, được
gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là
những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam.
Riêng hệ thống cửa sắt, khóa được mang từ Pháp sang. Các phòng giam, phòng
tối, xà lim chật chội, thiếu không khí và những tên cai ngục khét tiếng, có thâm
niên cai quản nhà tù sẵn sàng đàn áp, thậm chí cướp đi sinh mạng của tù nhân.
Nhà tù này thực sự là địa ngục trần gian. Ngay từ khi chưa hoàn thành, tháng
1/1899, nhà tù đã đảm nhận việc giam người. Theo thiết kế ban đầu, Hỏa Lò
chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ
giam giữ tù nhân. Những năm 1950- 1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 người
tù.

Sau vụ ám sát Bazin ngày 9 tháng 2 năm 1929, nhiều đảng viên Việt Nam
Quốc dân Đảng bị truy bắt. Nguyễn Văn Viên, người chủ mưu bị sa lưới sáu
tháng sau và bị giải vào Hỏa Lò. Ông tự nhận đã ra tay giết Bazin khi khai cung
với chánh hội đồng đề hình Brides. Nguyễn Văn Viên sau đó đã tự tử trong sà
lim của ngục Hỏa Lò.

Sau năm 1954 Hỏa Lò là nhà tù của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong thời kỳ trận Điện Biên Phủ trên không của Chiến tranh Việt Nam, đây là
nơi giam giữ phi công Mỹ nhảy dù cho đến sau Hiệp định Paris 1973. Các tù
binh phi công Mỹ châm biếm gọi ngục Hỏa Lò là "Hanoi Hilton". Trong các tù
binh Mỹ, nổi tiếng nhất là đương kim nghị sĩ Mỹ John McCain. Ngoài ra, nhà
tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ những người được cho là tình báo của miền
45
Nam phái ra thời đất nước phân ly và cũng là nơi giam giữ những người bị cho
là liên quan đến những vụ án xét lại chống Đảng sau năm 1954 tại miền Bắc.

Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng, thực dân Pháp đã biến
mảnh đất Hỏa Lò thành nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của
hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Sống trong ngục tù đế
quốc, với chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày nhưng các chiến sỹ yêu
nước, cách mạng vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi
phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân
dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Có rất nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam bị thực dân
Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn
Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và năm đồng chí
Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Cừ, Trường
Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam
đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi
phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò
còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền
Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài
hước “Hà Nội Hilton”. Những phi công Mỹ bị giam giữ tại đây có cả Douglas
Peter Peterson, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và John Mc Cain - hiện là Thượng nghị sỹ Mỹ.

Tài liệu tham khảo:


- Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Đền Ngọc
Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm; Hồ sơ di tích quốc gia Khu phố cổ Hà Nội, Đình Kim
Ngân, đình Tú Thị, đình Phả Trúc Lâm, Nhà tủ Hỏa Lò
- Nguyễn Viết Chức (chủ biên): Từ điển đường phố Hà Nội. Nxb Hà Nội 2010
- Webside Cục di sản văn hóa: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn
Kiếm và đền Ngọc Sơn
- PGS.TS Phạm Quang Long, ông Bùi Việt Thắng (đồng chủ biên-2010):
Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội, Nxb Hà Nội

46
- Lưu Minh trị (Chủ biên-2011): Hà Nội danh thắng và di tích (tập 2). Nxb Hà
Nội
- Doãn Kễ Thiện (2015): Hà Nội cũ. Nxb Hà Nội
- Nguyễn Doãn Văn (2017): Đền Ba Kiệu - Một Di tích thờ Mẫu đặc sắc tại Hà
Nội, Tạp chí Thế giới di sản
- Hoàng Hải, Hoàng Anh (2010): Hỏi đáp về 36 phố cổ Hà Nội.Nxb Quân đội
nhân dân
- Hoàng Đạo Thúy (2015): Phố phường Hà Nội xưa. Nxb Hà Nội
- Doãn Kễ Thiện (2015): Hà Nội cũ. Nxb Hà Nội
- Philippe Papin (2015): Lịch sử Hà Nội. Nxb Mỹ thuật

47

You might also like