You are on page 1of 6

1.

PHẦN I: Cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước trên nhiều phương diện: Chiều
rộng của không gian địa lí, chiều dài của lịch sử và chiều sâu của văn hóa, xã hội.
1.1. Đoạn 1 (Từ “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi” đến “Đất Nước có từ ngày đó…”): Nhà thơ cảm nhận
Đất Nước ở góc độ thời gian – lịch sử, trả lời cho câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ. Rồi từ đó nhà thơ nhận
ra gương mặt của Đất Nước: gần gũi, bình dị mà rất đỗi thiêng liêng.
a. Khái quát:
- Đoạn thơ thể hiện những suy tư sâu lắng của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước theo chiều dài lịch sử và
chiều sâu văn hóa.
- Nhịp thơ trầm lắng chậm rãi. Hai tiếng “Đất Nước” được viết hoa xuất hiện nhiều lần trên trang thơ, gợi
một cảm xúc thành kính trang trọng. Các câu thơ tự do vắt dòng linh hoạt ngắn dài xen kẽ góp phần thể
hiện niềm xúc động thiêng liêng, sự nghiêng mình thành kính của cái tôi Nguyễn Khoa Điềm thiết tha.
b. Phân tích:
* Câu 1: Câu thơ mở đầu được nhà thơ viết theo thể câu khẳng định:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi.
- Giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ tự nhiên, êm đềm như lời tâm tình, đưa người đọc trở về với cội nguồn
dân tộc.
+ Đại từ “ta” là cách tự xưng của nhân vật trữ tình hay cũng chính là của cả một thế hệ, một dân tộc,
Nguyễn Khoa Điềm không tách mình ra khỏi cái chung, cái cộng đồng.
+ Cụm từ “đã có rồi” thể hiện Đất Nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng; có sự bồi đắp qua nhiều thế hệ,
được truyền nối từ đời này qua đời khác.
-> Câu thơ chất chứa niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử.
* Bảy câu tiếp: Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước không phải là một khái niệm trừu
tượng, mà hiện hữu cụ thể trong những sự việc, những con người, những câu chuyện gần gũi bình dị quanh
ta, nhìn đâu cũng thấy dáng hình đất nước.
- Quan sát ở cự li gần, hình ảnh Đất Nước hiện lên cụ thể, tha thiết mà cũng rất đỗi thiêng liêng.
Trong quá trình trả lời câu hỏi “Đất Nước có từ bao giờ”, nhà thơ đã nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn dân
tộc qua những hình ảnh thấm đẫm chất liệu văn hóa dân gian:
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
+ Các từ “đã có rồi”, “bắt đầu”, “lớn lên”, “có trong”, “có từ ngày đó” gợi hình ảnh đất nước sống động
như một sinh mệnh, có dáng vóc, có thể cảm nhận được, nhìn thấy được.
+ Đất Nước hiện hữu trong câu chuyện cổ tích nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ từ những ngày thơ. Cụm từ
“Ngày xửa ngày xưa” làm ta liên tưởng đến các tích cổ thần thoại, truyền thuyết ra đời từ thuở khai thiên
lập địa, tạo nên không khí cổ kính cho đoạn thơ. Những câu chuyện cổ tưới đẫm tâm hồn người Việt bao
đời, bồi đắp lối sống lương thiện, nhân ái, gieo niềm tin ở hiền gặp lành, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.
+ Đất Nước sinh ra từ những câu chuyện cổ, và trưởng thành với những thuần phong mỹ tục ngàn đời.
• Đất Nước được cảm nhận gắn với giao tiếp đời thường, với hình thức sinh hoạt lễ nghi: “miếng trầu
là đầu câu chuyện”, “miếng trầu nên dâu nhà người”.
• Câu thơ còn gợi nhắc tới sự tích Trầu Cau, được xem là xưa nhất trong những câu chuyện cổ. Tục
ăn trầu cũng bắt nguồn từ tích này mà nên. Có thể thấy, thẩm thấu trong miếng trầu dung dị là 4000
năm hình thành và giữ gìn phong tục. Miếng trầu còn là biểu tượng của tình yêu, của lối sống thủy
chung son sắt, đạo lý sống trọng nghĩa trọng tình.
+ Nếu khởi đầu phôi thai của Đất Nước là những “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”, là “miếng
trầu” bà ăn, thì Đất Nước lớn lên, trưởng thành cùng với lịch sử giữ nước oai hùng.
• Câu thơ tiếp theo tái hiện hình ảnh Thánh Gióng từ đứa trẻ mới lên ba, vươn vai trở thành tráng sĩ,
nhổ bụi tre ngà đánh giặc, khẳng định những chiến tích phi thường, lòng yêu nước nồng nàn cùng
tầm vóc lớn lao của dân tộc ta suốt những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
• Vẻ đẹp ấy song hành cùng hình ảnh cây tre, biểu tượng quen thuộc của quê hương xứ sở. Cây tre
mang cốt cách con người Việt Nam: thật thà đôn hậu, nhưng cũng kiên cường bất khuất, hiên ngang
không chịu khuất phục trước mọi khó khăn thử thách.
+ Đất Nước phát triển gắn liền với cuộc sống của những người dân lao động bình dị, cần cù chịu
thương chịu khó, sâu đậm nghĩa tình.
• Hình ảnh “tóc mẹ thì bới sau đầu” mang đậm đặc trưng phong tục người Việt như búi tóc, nhuộm
răng đen…, tô đậm vẻ đẹp duyên dáng của những người phụ nữ Việt Nam tảo tần, vị tha.
• Đất Nước có trong tình cảm sắt son của cha và mẹ: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối
mặn”. Nhà thơ lồng ghép tài tình chất liệu văn học dân gian, “gừng cay muối mặn” trong ca dao
xưa là biểu trưng cho tình nghĩa sắt son, bền chặt:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình đầy
Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa”
• Đất Nước còn nên hình nên dạng từ sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc: “Cái kèo, cái cột thành
tên”. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người đặt tên gọi cho các sự vật xung quanh, đặt ra
quy ước chung để nhận biết, cứ như thế tiếng nói của Đất Nước ngày càng phong phú, giàu đẹp.
Câu thơ cũng gợi nhắc đến tục làm nhà cổ của người Việt, kèo cột giằng giữ vào nhau làm nên một
tổ ấm vững chãi.
-> Từ đó, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định Đất Nước lớn lên trong truyền thống trọng tình cảm, lối sống
thủy chung và đề cao gia đình.
• Và Đất Nước lớn lên trong quá trình lao động miệt mài, dãi nắng dầm sương của những người nông
dân: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Dân tộc ta phát triển từ nền văn minh
lúa nước, con người Việt Nam trong suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử luôn cần cù, siêng năng,
thấm trong từng hạt lúa hạt gạo là vị mặn giọt mồ hôi lam lũ nhọc nhằn. Thủ pháp liệt kê cùng
thành ngữ “một nắng hai sương” thể hiện sự thấu hiểu, lòng biết ơn của nhà thơ với nhân dân lao
động – những người góp phần quan trọng làm nên gương mặt Đất Nước.
* Câu cuối: Sau khi cảm nhận Đất Nước trong những điều bình dị mà thiêng liêng, nhà thơ đi đến
khẳng định:
“Đất Nước có từ ngày đó…”
+ “Ngày đó” là thuở sơ khai dựng nước với các tích chuyện xưa, là lúc dân ta hình thành phong tục tập
quán, hình thành các truyền thống đạo lý sống cao đẹp.
+ Dấu ba chấm kết thúc dòng thơ gợi ra một quá trình phát triển dài lâu. Câu thơ cuối khép lại đoạn trích,
nhấn mạnh khởi nguồn cùng bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ý thơ khái quát cho thấy
rõ nét màu sắc trữ tình chính luận của hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm.
c. Tiểu kết:
* Đặc sắc nội dung:
- Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận về Đất Nước ở một cự li rất gần, ở đó Đất Nước hiện ra giản dị
mà cũng rất đỗi lớn lao. Lý Thường Kiệt tìm đến “đế cư”, “thiên thư”, Nguyễn Đình Chiểu mượn
hình ảnh “Một mối xa thư đồ sộ/ Hai vầng nhật nguyệt sáng lòa”để định nghĩa về đất nước. Nguyễn
Khoa Điềm đưa đất nước từ ngai vàng chói lọi trở về với cuộc sống sinh hoạt đời thường, với
miếng trầu, với hạt muối, với vị gừng cay. Cội nguồn dân tộc bắt rễ từ đời sống, từ lao động, thấm
vào mạch hồn mỗi người dân Việt Nam.
* Đặc sắc nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ bình dị, mang đậm màu sắc dân gian, làm nên một không gian nghệ thuật đậm đà
phong vị văn hóa dân tộc.
- Ngôn ngữ thơ mộc mạc, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hai từ “Đất Nước” được viết hoa trang
trọng và lặp lại xuyên suốt đoạn thơ, thể hiện tình yêu nước tha thiết cùng niềm tự hào tự tôn về Tổ
quốc của tác giả.
- Lời thơ nhẹ nhàng, giọng thơ thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm tính triết lý sâu sắc.
Đoạn 5 (Từ “Em ơi em/Hãy nhìn rất xa…Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”): Cảm nhận Đất Nước ở góc độ
lịch sử, từ đó khẳng định công lao của nhân dân – những con người vô danh, bình dị đã sống, chiến đấu và
bảo vệ Tổ quốc.
a. Khái quát:
- Nếu các nhà thơ khác đi tìm chân dung đất nước, gương mặt quê hương, sức mạnh dân tộc qua hình ảnh
những người anh hùng xuất chúng, những triều đại lớn lẫy lừng, thì Nguyễn Khoa Điềm lại nhìn sâu vào
lịch sử bốn nghìn năm xa xôi, vào bề dày truyền thống để khẳng định công lao của những người lao động
bình thường. Họ là những người con gái con trai giản dị, những người nông dân cần cù chân chất, từ đời
này qua đời khác lặng lẽ gánh vác trọng trách của thời đại để làm nên những chiến tích kì diệu, dựng nên
tượng đài Đất Nước vinh quang.
-> Qua đoạn thơ thứ năm, nhà thơ khẳng định chính nhân dân là người đã chiến đấu và bảo vệ đất nước,
làm nên truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc qua hàng nghìn năm, từ đó làm nổi bật tư tưởng Đất
Nước của Nhân Dân từ phương diện lịch sử.
- Đoạn thơ mở ra với lời tâm tình thiết tha. Các câu thơ tự do ngắn dài xen kẽ, nhịp thơ chậm, trầm
lắng chan chứa suy tư, tự hào.
b. Phân tích:
* Ba câu đầu: Sau khi khẳng định vai trò của nhân dân làm nên hình hài sông núi, góp phần vào bức tranh
địa lý – văn hóa muôn màu muôn vẻ, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục bày tỏ những chiêm nghiệm, nhận thức
của mình về công lao của nhân dân đối với lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
- Đoạn thơ mở ra bằng một lời gọi “Em ơi em”, tạo nên giọng thơ tâm tình tha thiết, là lời nhắn nhủ
mọi người, cũng chính là sự phân thân của tác giả để nhắc nhở chính mình. Từ đó, tác giả dẫn dắt
người đọc ngược dòng quá khứ, trở về với thời kì dựng nước, trở về với từng chặng đường giữ nước
của dân tộc.
* Tám câu tiếp: Nhà thơ tôn vinh tình yêu nước cao cả mà lặng lẽ, sự dấn thân cống hiến quên mình của
nhân dân dành cho đất nước:
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
- Sự lặp lại của dày đặc những từ ngữ chỉ số lượng không thể đong đếm được: điệp ngữ “người người lớp
lớp”, thủ pháp liệt kê “con gái, con trai”, “nhiều người”, “nhiều anh hùng” đã đem đến ấn tượng về sự đông
đảo vô cùng của Nhân Dân. Mỗi thế hệ đều có biết bao người con trai con gái dâng hiến tuổi xuân cho đất
nước, nối tiếp nhau hết thời này đến thời khác cần mẫn hăng say lao động trong thời bình để xây dựng Đất
Nước, sẵn sàng ra trận và hi sinh máu xương khi Đất Nước có giặc ngoại xâm.
+ Ý thơ gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh những nghĩa sĩ Cần Giuộc chất phác đơn sơ, “cui cút làm ăn toan lo
nghèo khó”, nhưng khi quê hương lâm nguy họ liền dấn thân, “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh
hồn theo giúp cơ binh…” (Nguyễn Đình Chiểu).
+ “Người con trai ra trận” ấy, cũng gợi liên tưởng tới những người lính nông dân xuất thân từ miền quê
nghèo “đất cày lên sỏi đá”, dằn lòng để lại “gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Chính Hữu), sẵn sàng
quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
+ “Người con gái trở về” nuôi con dưỡng cái, vò võ ngóng đợi bóng hình nơi tiền tuyến, để rồi “không hóa
thạch kẻ ra đi mà hóa thạch kẻ đợi chờ” (Chế Lan Viên). Họ cũng làm người đọc nhớ đến những người phụ
nữ kiên trung nơi Thành đồng Tổ quốc, với câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch “Còn cái lai quần cũng đánh”.
- Nguyễn Khoa Điềm vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu văn học dân gian, từ câu thành ngữ “giặc đến nhà
đàn bà cũng đánh” đến câu ca dao: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”, khắc
họa đầy ấn tượng dáng vẻ tảo tần, chịu thương chịu khó cùng đức hi sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt
Nam bao đời, họ không chỉ là hậu phương vững chắc, mà còn sẵn sàng cầm súng chiến, xứng đáng với tám
chữ vàng “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”.
* Bảy câu thơ cuối: Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến cách nghĩ, cách sống và khẳng định công lao của Nhân
Dân trong bảy câu thơ kết đoạn đặc biệt hàm súc:
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
- Đại từ phiếm chỉ “biết bao” nhấn mạnh sự tiếp nối đông đảo của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy
truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc. Nhà thơ tiếp tục nói về tuổi trẻ, về những người
con trai con gái “bằng tuổi chúng ta”, “giống ta lứa tuổi”. Đặt trong hoàn cảnh ra đời, lời thơ như một lời
nhắc nhở, đánh thức trách nhiệm của thế hệ thanh niên với đất nước, xuống đường hòa nhịp đấu tranh cùng
nhân dân cả nước chống giặc ngoại xâm.
- “Họ” là đại từ nhân xưng ngôi số ba số nhiều, không mang tính chất xác định, đó không phải một người,
một thế hệ, đó là Nhân Dân, là quá khứ, hiện tại và tương lai của cha ông xưa, của chúng ta hôm nay, của
con cháu muôn đời sau.
- Câu thơ co ngắn lại, đúc kết ngắn gọn mà sâu sắc về công lao của nhân dân với cách sống giản dị, với
cách nghĩ bình tâm. Khi non sông lâm nguy, họ là những người đầu tiên ra trận, chiến đấu bảo vệ Đất
Nước. Khi hết giặc, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, họ trở về với cuộc sống đời thường, không đòi
hỏi, không so đo tính toán thiệt hơn, cứ lặng lẽ “gánh vác phần người đi trước để lại, dặn dò con cháu
chuyện mai sau”. Sự sống và cái chết của họ bình thản nối tiếp trong dòng chảy vĩnh hằng của thời gian.
- Lịch sử bốn nghìn năm Đất Nước được viết bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương của những con người ấy,
nhưng “không ai nhớ mặt đặt tên” bởi họ quá đông đảo, quá lớn lao và luôn luôn lặng lẽ, âm thầm cống
hiến. Câu thơ mang giọng điệu khẳng định mạnh mẽ chắc nịch: “Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”, cho ta
thấy lòng biết ơn sâu sắc của tác giả với sự hi sinh cao cả của nhân dân. Mỗi con người dân tộc mang hết
vốn liếng của cuộc đời mình: là sức lực, là tuổi xuân, là hạnh phúc riêng tư, là cả sinh mệnh… để hiến dâng
cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Chính đóng góp của những con người nhỏ bé, vô danh ấy đã làm
nên sự lớn lao, vĩ đại của Đất Nước, và chính những cuộc đời ngắn ngủi, hữu hạn của họ làm nên sự trường
tồn vô hạn của Đất Nước.
=> Tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” một lần nữa được nhấn mạnh, đồng thời đó cũng là tinh thần
chung của thời đại, trong hoàn cảnh đất nước ta đương thời – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng
khốc liệt, cả nước gồng mình hứng chịu mưa bom bão đạn, mỗi gia đình trở thành một pháo đài, mỗi người
dân trở thành một chiến sĩ. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm có ý nghĩa khái quát lớn, mang giá trị tư tưởng
chính trị rất cao, là sự ghi công cho những cống hiến của nhân dân, thể hiện tấm lòng của một người nghệ
sĩ luôn trăn trở, gắn cuộc đời mình với số phận của nhân dân, với vận mệnh của dân tộc.

You might also like