You are on page 1of 6

Họ và tên: Phạm Vũ Ngọc Minh – Lớp 12A10

ĐỀ 1: PHÂN TÍCH 9 CÂU ĐẦU CỦA ĐOẠN TRÍCH “ĐẤT NƯỚC”. TỪ ĐÓ


NHẬN XÉT VỀ CÁCH LÝ GIẢI ĐỘC ĐÁO, MỚI MẺ CỦA NGUYỄN
KHOA ĐIỀM VỀ CỘI NGUỒN CỦA ĐẤT NƯỚC.
A. Mở bài
1. Giới thiệu tác giả
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các
nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông giàu
chất suy tư, xúc cảm lắng đọng thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước
đối với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung
của dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về Nhân Dân, Đất Nước qua những
trải nghiệm của chính mình.
2. Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích, VĐNL
Điều đó được thể hiện rõ nét ở 9 câu thơ đầu của trích đoạn “Đất Nước”,
trích “ Trường ca Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...”
mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...”
B. Thân bài
1/ Xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Đoạn trích “Đất Nước” thuộc đoạn đầu chương V của “Trường ca Mặt
đường khát vọng” – được tác giả sáng tác ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, bàn
về sự thức tỉnh, sự tự ý thức của tuổi trẻ Việt Nam hướng về Nhân Dân, về Đất
Nước trong thời kì chống Mĩ.
2. Khái quát nội dung của 9 câu thơ đầu và xác định luận điểm
Chín câu thơ đầu đã góp phần lý giải một trong những bình diện đầu tiên của
tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”, đó là quan niệm: Đất Nước có từ lâu đời, Đất
Nước hòa quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.
3/ Phân tích
a/ LĐ1: Trước hết, tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” được thể hiện qua
những cảm nhận sâu sắc về Đất Nước trong mối quan hệ gắn bó với cuộc sống
Nhân Dân.
* Khái quát về hình tượng Đất Nước trong văn học:
- Đầu tiên, Đất Nước được hiểu là nơi cư trú của một cộng đồng dân tộc có cương
giới, lãnh thổ riêng, có sự gắn kết sâu sắc với nhau về văn hóa, về phong tục tập
quán, có tiếng nói ngôn ngữ riêng, có truyền thống lịch sử văn hiến lâu đời. Tùy
theo từng thời kì lịch sử, Đất Nước được định nghĩa theo những cách quan niệm
khác nhau: Đất Nước có thể thiêng liêng khi đó là “nơi Vua ở” ( Bài thơ Thần – Lý
Thường Kiệt), Đất Nước có thể hiện ra trong những khái niệm trừu tượng như
trong “Bình Ngô đại Cáo” của thế kỉ 15 với “Nền văn hiến đã lâu”, “Núi sông bờ
cõi đã chia”, “Phong tục Bắc Nam cũng khác”..., Đất Nước có thể là những hình
ảnh kì vĩ, tráng lệ, mang đậm tính biểu tượng khi “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, hay
đẹp lung linh kì vĩ kì ảo xa vời trong so sánh “Đất Nước như vì sao – Cứ đi lên
phía trước” (Thanh Hải).
* Hình tượng Đất Nước trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Đặc biệt, Nguyễn Khoa
Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận vừa mới mẻ, vừa thấm thía xúc động về Đất
Nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân, trong đó những khái niệm trừu
tượng, những tiêu chí thiêng liêng định hình nên Đất Nước đã được nhà thơ thể
hiện qua những hình ảnh cụ thể và bình dị, quen thuộc và gợi cảm, những hình ảnh
luôn thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.
- Câu thơ mở đầu đưa đến một cảm nhận ấm áp về sự hiện hữu của Đất Nước đối
với mỗi con người:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
+) Trước hết, “ta” là một khái niệm mơ hồ không xác định, đó có thể là bất cứ một
người Việt Nam nào trong bất cứ thời kì nào, là chúng ta hôm nay, là con cháu sau
này, là cha ông hàng ngàn năm trước, mỗi người Việt Nam sinh ra ngay lập tức
được bao bọc và nâng niu, được nuôi dưỡng và che chở trong chiếc nôi lớn lao, ấm
áp và thân yêu, đó là Đất Nước.
+) Hơn nữa, Đất Nước luôn có từ trước đó như từ thuở khai thiên lập địa đón nhận
những con dân Việt.
- Trong đó, biện pháp điệp lại liên tiếp từ ghép “Đất Nước” trong đoạn thơ đã đưa
đến cho người đọc một cảm giác rất rõ nét, Đất Nước không ở đâu xa lạ, Đất Nước
luôn gắn bó thân thiết với cuộc sống Nhân Dân, Đất Nước luôn có mặt ở mọi nơi,
hiện hữu trong mọi hình ảnh dù là “con người” với ông bà cha mẹ, với anh và em,
dù là cảnh vật, Đất Nước có thể hữu hình với “cái kèo cái cột”, “hạt gạo”, “miếng
trầu” hay vô hình sau những nghĩa tình của “muối mặn gừng cay”, sau những nhớ
nhung của tình yêu đôi lứa...
- Không chỉ có thế, trong đoạn thơ đầu của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước không
được định nghĩa trong các khái niệm xa xôi trừu tượng mà hiện ra qua những chi
tiết đời thường, gần gũi và bình dị của cuộc sống Nhân Dân, trong sự xưa cũ vô
cùng của thời gian năm tháng. Mỗi câu thơ đều chứa đựng một ý một tứ nào đó của
ca dao, thành ngữ, tục ngữ, một hình ảnh quen thuộc nào đó của truyền thuyết, thần
thoại và cổ tích; ngoài ra, những chất liệu của văn hóa dân gian qua sự chọn lọc
tinh tế của nhà thơ hiện đại đã làm hiện ra những phong tục, thói quen sinh hoạt
hàng ngày như “miếng trầu bây giờ bà ăn” hay “tóc mẹ bới sau đầu”, thói quen đặt
tên cho con một cách mộc mạc theo những sự vật vật dụng hàng ngày quen thuộc
để “cái kèo, cái cột” trong những ngôi nhà tranh thân thuộc trở thành một phần hồn
cốt của con người; hiện ra cả một nền văn minh chỉ từ “hạt gạo một nắng hai sương
xay, giã, giần, sàng”...; rồi truyền thống đánh giặc ngoại xâm trong hình ảnh “cây
tre làng Gióng”, văn hóa ứng xử trong đạo lý nghĩa tình của mẹ cha “gừng cay
muối mặn”...
=> Như vậy, tất cả những hình ảnh gần gũi bình dị ấy đều đưa người đọc liên
tưởng đến với một phương diện nào đó của Đất Nước, đều là sự thể hiện sâu đâm,
lâu bền nhất những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đất
Nước khiến cho cái vĩnh hằng của Đất Nước luôn tồn tại, luôn hiện hữu trong cái
hàng ngày của cuộc sống mỗi con người.
- Cuối cùng, qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn và tùy hứng của cuộc trò
chuyện tâm tình, qua những hình ảnh gợi nhắc tới tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ
tích... nhà thơ đã đưa người đọc dần đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc thấm
thía: Đất Nước có một lịch sử lâu đời, Đất Nước không hề xa lạ hay trừu tượng,
Đất Nước là những gì gần gũi, thân yêu vô cùng, luôn hiện hữu trong cuộc sống
hàng ngày của Nhân Dân, Đất Nước làm nên vóc dáng hình hài, làm nên tâm hồn,
cốt cách, làm nên lối sống, lối nghĩ của mỗi con người, Đất Nước làm nên cuộc
sống Nhân Dân.
b/ LĐ2: Bên cạnh những cảm nhận sâu sắc về Đất Nước trong mối quan hệ
gắn bó với cuộc sống Nhân Dân, nhà thơ đã đặt Đất Nước trong chiều dài
miên viễn của thời gian lịch sử để lý giải cội nguồn của Đất Nước.
- Sau lời khẳng định tự hào và ấm áp “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”, cảm giác
về lịch sử lâu đời của Đất Nước được tô đậm hơn trong sự khám phá:
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...”
mẹ thường hay kể”
+) “Ngày xửa ngày xưa” là câu mở đầu quen thuộc trong chuyện cổ tích – thế giới
cổ tích là thế giới xa xăm vô cùng trong tâm thức con người, vậy mà trong thế giới
ấy, Đất Nước của chúng ta đã hiện hữu. Đất Nước như đã có tự thuở hồng hoang
trong những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” của mẹ, từ sử thi đẻ đất đẻ nước, từ
sự tích trăm trứng, truyền thuyết về An Dương Vương hay là Thánh Gióng...
+) Khống chỉ có thế, nhắc tới “ngày xửa ngày xưa” cũng là nhắc tới những cách lý
giải hồn nhiên của dân gian về sự hình thành và phát triển của Đất Nước, về quá
trình dựng nước và giữ nước, qua đó Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện niềm tự hào
sâu sắc về truyền thống của cha ông, về bề dày lịch sử của Đất Nước bốn ngàn
năm.
- Đặc biệt, những cụm từ liên tiếp lặp lại từ đầu đến cuối đoạn thơ: “Đất Nước đã
có rồi...”, “Đất Nước bắt đầu...”, “Đất Nước lớn lên...”, “Đất Nước có từ ngày
đó...” đã gợi ra chiều dài thăm thẳm của lịch sử Đất Nước trong quá trình hình
thành và phát triển. Trong đó, lời khẳng định “Đất Nước có từ ngày đó...” tiếp tục
đưa đến cảm nhận về lịch sử lâu đời của Đất Nước. Hơn nữa, cụm từ “ngày đó” là
một khái niệm thật mơ hồ về thời gian, tính chất mơ hồ không xác định khiến cho
sự ra đời của Đất Nước càng trở nên xa xăm. “ngày đó” cũng là “ngày xửa ngày
xưa” khi dân mình biết “trồng tre đánh giặc”, khi “tóc mẹ bới sau đầu”, khi cha mẹ
thương nhau bằng “gừng cay muối mặn”...
=> Như vậy, câu thơ đã giúp người đọc nhận ra Đất Nước bắt đầu, Đất Nước lớn
lên... Đất Nước hình thành và phát triển chính từ những phong tục tập quán, những
truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Nếu sự nối tiếp các triều đại, các chế độ mới
chỉ cho thấy bề mặt lịch sử của Đất Nước thì chính những phong tục tập quán mới
thực sự chỉ ra chiều sâu văn hóa lịch sử, nền tảng vững chắc của Đất Nước.
c/ Đánh giá chung:
Với giọng điệu thơ trữ tình – chính luận vừa thủ thỉ tâm tình, vừa suy tư sâu
lắng, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa người đọc trở về với hình tượng một Đất Nước
gần gũi, bình dị, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân; một Đất Nước có
bề dày lịch sử lâu đời được tạo dựng từ những chiều sâu văn hóa, từ những phong
tục tập quán.
* Câu chuyển ý: Và với một giọng điệu mang đậm chất trữ tình – chính luận như
vậy đã trở thành một trong những yếu tố để nhà thơ đưa đến sự lý giải mới mẻ, độc
đáo về cội nguồn của Đất Nước.
4/ Nhận xét: Cách lý giải mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn
của Đất Nước
- Trước hết, nếu quan niệm coi Đất Nước là của Vua, thuộc về các triều đại như
trong “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đã từng khẳng định “Nam quốc sơn
hà nam đế cư/ Sông núi nước Nam, vua Nam ở” hay như trong “Bình Ngô đại cáo”
của Nguyễn Trãi: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán,
Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”.
- Nhưng trong quan niệm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước không phải
là cái gì to lớn siêu nhiên mà Đất Nước được hình thành từ những phong tục tập
quán, những thói quen hàng ngày, những vẻ đẹp thuần phong mĩ tục, truyền thống
văn hóa bình dị của Nhân Dân. Mà vẻ đẹp ấy của Đất Nước được phát hiện ở chiều
sâu trên bình diện lịch sử và văn hóa.
- Hơn nữa, nhà thơ không tạo ra khoảng cách sử thi để chiêm ngưỡng và ca ngợi
Đất Nước hoặc dùng những hình ảnh mỹ lệ mang tính biểu tượng để cảm nhận và
lý giải, ông dùng cách nói rất đỗi giản dị, tự nhiên, gần gũi, thân thiết, bình dị nhất,
đó là việc sử dụng những chất liệu dân gian trong thơ của mình.
- Đặc biệt, sự cảm nhận mới mẻ và độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm khi lý giải về
cội nguồn của Đất Nước còn thể hiện qua giọng điệu thơ thâm trầm trang nghiêm,
hay một giọng thơ hào sảng, đầy khẩu khí thường thấy trong thơ xưa; ngoài ra, cấu
trúc thơ theo lối tăng cấp: Đất Nước đã có, Đất Nước bắt đầu, Đất Nước lớn lên,
Đất Nước có từ... giúp cho người đọc hình dung ra cả một quá trình sinh ra và lớn
lên, trưởng thành của Đất Nước trong thời gian trường kì của con người Việt Nam
qua bao thế hệ; hơn nữa, cách nhà thơ viết hoa hai chữ “Đất Nước” vốn là một
danh từ chung giúp người đọc cảm nhận được tình yêu, sự trân trọng của nhà thơ
khi nói về Đất Nước quê hương mình.
C. Kết bài
Như vậy, chín câu thơ mở đầu cho đoạn trích "Đất Nước" đã thật sự để lại
những ấn tượng và cảm xúc sâu sắc cho người đọc về sự hình thành và phát triển
của Đất Nước cùng với cách lý giải mới mẻ độc đáo của nhà thơ về cội nguồn của
Đất Nước. Bởi lẽ, đoạn thơ còn cho chúng ta hiểu được Đất Nước thật thân thương
và gần gũi biết nhường nào. Từ đó đoạn thơ bồi dưỡng thêm cho chúng ta về tình
yêu Đất Nước, tình yêu quê hương và biến tình yêu ấy bằng thái độ, hành động
dựng xây, bảo vệ Đất Nước.

You might also like