You are on page 1of 58

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.

HCM
KHOA KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN

TÀI LIỆU THAM KHẢO


KẾ TOÁN QUỐC TẾ

Năm 2020

1
LỜI NÓI ĐẦU

Kế toán quốc tế nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán, các tổ
chức nghề nghiệp và các nhà nghiên cứu. Có thể thấy, những nỗ lực để tìm kiếm một
tiếng nói chung về kế toán trên thế giới đã được thực hiện từ đầu thế kỷ 20. Trong xu
hướng toàn cầu hóa, trước nhu cầu đòi hỏi thông tin chất lượng cao áp dụng cho thị
trường vốn toàn trên cơ sở hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã mở ra kỷ
nguyên mới trong báo cáo tài chính quốc tế hướng tới hội tụ kế toán quốc tế.
Tại Việt Nam, việc tiếp cận chuẩn mực kế toán Việt Nam trên cơ sở hệ thống chuẩn
mực quốc tế về kế toán đã được áp dụng từ năm 2001. Khái niệm kế toán quốc tế không
phải là mới đối với Việt Nam mà đã được quan tâm bởi các tổ chức nghề nghiệp, các
công ty kiểm toán tuy nhiên để nhận thức mang tính hệ thống về kế toán quốc tế thì
chưa có nhiều tài liệu phổ biến một cách rộng rãi.
Trước nhu cầu thực tiễn trong việc nghiên cứu những vấn đề về kế toán ở phạm vi quốc
tế của nhiều đối tượng cũng như đáp ứng nhu cầu tài liệu dùng trong giảng dạy, nghiên
cứu của giảng viên, sinh viên các trường đại học trong đó có trường đại học Ngân hàng
Thành phố Hồ Chí Minh, tập thể tác giả để biên soạn giáo trình “Kế toán quốc tế”.
Kết cấu của giáo trình Kế toán quốc tế gồm 4 chương, cụ thể:
Chương 1: Tổng quan về kế toán quốc tế
Chương 2: Tổ chức lập qui và qui trình soạn thảo chuẩn mực báo cáo tài chính
quốc tế
Chương 3: Khuôn mẫu lý thuyết chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Chương 4: Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Để hoàn thành giáo trình Kế toán quốc tế, tập thể tác giả đã cố gắng tiếp cận thông tin
mới, thu thập, chọn lọc thông tin có sự kế thừa các tài liệu từ các tác giả liên quan với
mong muốn tài liệu đạt được tính khoa học, thực tiễn, rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, Kế
toán quốc tế là lĩnh vực rộng với nhiều nội dung phức tạp và đa dạng nên giáo trình sẽ
không tránh khỏi những khiếm khuyết về bố cục cũng như nội dung. Chúng tôi rất
mong nhận được sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng nghiệp và anh
(chị) đọc để giáo trình sẽ được bổ sung, chỉnh sửa phù hợp hơn.
Tập thể tác giả Bộ môn KTQT

2
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

Phần tiếng Việt


BCTC Báo cáo tài chính
BTC Bộ Tài Chính
CMKT Chuẩn mực kế toán
DAP Vụ chế độ kế toán và kiểm toán
KQHĐKD Kết quả hoạt động kinh doanh
NCA Hội đồng quốc gia về kế toán
TSCĐ Tài sản cố định
TTCK Thị trường chứng khoán

Phần tiếng Anh


AICPA American Institute of Certified Public Accountants
Học viện kế toán công chứng Mỹ
AMF Autorité des Marchés Financiers
Ủy ban chứng khoán Pháp
ANC Autorité des Normes Comptables
Ủy ban chuẩn mực kế toán Pháp
ASBE Accounting System for Business Enterprises
Hệ thống kế toán cho các DN kinh doanh Trung quốc
ASC Accounting Standard Codification
Điều khoản chuẩn mực kế toán Mỹ
CASC Chinese Accounting Standard Committee
Ủy ban chuẩn mực kế toán Trung quốc
CNC Conseil National de la Comptabilité
Ủy ban quốc gia về kế toán Pháp
CRC Comité de la Réglementation Comptable
Ủy ban qui định kế toán Pháp
CSRC Chinese Security Regulatory Commission
Ủy ban chứng khoán Trung quốc
EC European Commission
Ủy ban châu Âu
EITF Emerging Issues Task Force
Ban xử lý các vấn đề phát sinh
EU European Union
Liên minh châu Âu
FAF Financial Accounting Foundation
3
Tổ chức kế toán tài chính Mỹ
FASAC Financial Accounting Standards Advisory Council
Hội đồng tư vấn chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ
FASB Financial Accounting Standard Board
Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ
GAAP Generally Accepted Accounting Principles
Những nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung
IAS International Accounting Standard
Chuẩn mực kế toán quốc tế
IASB International Accounting Standard Board
Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế
IASC International Accounting Standard Committee
Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế
IASCF International Accounting Standard Committee Foundation
Tổ chức uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế
ICA International Congresses of Accountants
Diễn đàn quốc tế về kế toán
ICCAP International Coordination Committee for the Accounting
Profession
Ủy ban hợp tác quốc tế hành nghề kế toán
IFAC International Federation of Accountants
Tổ chức Liên đoàn kế toán quốc tế
IFRIC International Financial Reporting Interpretation Committee
Ủy ban hướng dẫn báo cáo tài chính quốc tế
IFRS International Financial Reporting Standard
Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
IFRS Advisory International Financial Reporting Standard Advisory Council
Council Hội đồng tư vấn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
IFRS for SMEs International Financial Reporting Standard for Small and Medium-
sized Entities
Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và
vừa
IFRS Framework International Financial Reporting Standard Framework
Khuôn mẫu lý thuyết kế toán cho việc lập và trình bày BCTC quốc
tế
IFRS Foundation International Financial Reporting Standard Foundation
Tổ chức ủy bản chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
IFRS Interpretations International Financial Reporting Standard Interpretations
4
Committee Committee
Ủy ban hướng dẫn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
IOSCO International Organization of Securities Commissions
Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán
OECD Organisation for Economic Co-operation and Development
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế
PRC People’s Republic of China
Cộng hòa nhân dân Trung quốc
SEC Securities and Exchange Commission
Ủy ban chứng khoán của Mỹ
SFAC Statement of Financial Accounting Concepts
Báo cáo khuôn mẫu kế toán tài chính Mỹ
SFAS Statements of Financial Accounting Standards
Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ
SIC Standard Interpretation Committee
Ủy ban hướng dẫn chuẩn mực
US GAAP United States Generally Accepted Accounting principles
Những nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Mỹ
VAA Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam
VAS Chuẩn mực kế toán Việt Nam
WTO World Trade Organization
Tổ chức thương mại thế giới

5
MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1 - TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN QUỐC TẾ
Mục tiêu nghiên cứu chương 1
1.1. Lược sử quá trình hình thành và phát triển chuẩn mực kế toán quốc tế
1.1.1. Giai đoạn hình thành
1.1.2. Giai đoạn phát triển
1.2. Đối tượng nghiên cứu của kế toán quốc tế
1.3. Các khái niệm liên quan đến kế toán quốc tế
1.3.1. Các khái niệm cơ bản
1.3.2. Khái niệm về kế toán quốc tế
1.4. Các tổ chức quốc tế về kế toán
1.4.1. Tổ chức Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC)
1.4.2. Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB)
1.4.3. Các tổ chức liên quan khác
1.5. Những nhân tố tác động đến kế toán quốc tế
1.5.1. Vai trò của các nhân tố tác động đến kế toán quốc tế
1.5.2. Nội dung và mức độ ảnh hưởng các nhân tố tác động đến kế toán
quốc tế
1.6. Xu hướng hội tụ kế toán quốc tế
Câu hỏi chương 1
Tài liệu tham khảo
CHƯƠNG 2 - TỔ CHỨC LẬP QUI VÀ QUI TRÌNH SOẠN THẢO
CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
Mục tiêu nghiên cứu chương 2
2.1. Tổ chức lập qui
2.1.1. Tổng quan về các lý thuyết lập qui
2.1.2. Nội dung của tổ chức lập qui quốc tế
2.2. Qui trình ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính
Câu hỏi chương 2
Tài liệu tham khảo
CHƯƠNG 3 - KHUÔN MẪU LÝ THUYẾT CHUẨN MỰC BÁO CÁO
TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
Mục tiêu nghiên cứu chương 3
6
3.1. Ý nghĩa và vai trò của IFRS Framework
3.1.1. Ý nghĩa của IFRS Framework
3.1.2. Vai trò của IFRS Framework
3.2. Nội dung cơ bản của IFRS Framework
3.2.1. Mục tiêu chung của BCTC
3.2.2. Các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích
3.2.3. BCTC và đơn vị báo cáo
3.2.4. Các yếu tố BCTC
3.2.5. Ghi nhận và không ghi nhận
3.2.6. Đo lường
3.2.7. Trình bày và công bố
3.2.8. Khái niệm về vốn và bảo toàn vốn
Câu hỏi & bài tập chương 3
Tài liệu tham khảo
CHƯƠNG 4 - HỆ THỐNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC
TẾ
Mục tiêu nghiên cứu chương 4
4.1. Tổng quan về hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế
4.1.1. Đặc điểm cơ bản
4.1.2. Vai trò
4.2. Những nội dung cơ bản của chuẩn mực BCTC quốc tế
4.2.1. Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)
4.2.2. Các chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS)
4.2.3. Các hướng dẫn chuẩn mực (IFRS Interpretations)
Câu hỏi & bài tập chương 4
Tài liệu tham khảo

7
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN QUỐC TẾ

Mục tiêu nghiên cứu chương 1


Chương này giúp người đọc có thể:
- Nhận định được tiến trình hình thành và quá trình phát triển của các chuẩn
mực quốc tế.
- Xác định được các đối tượng nghiên cứu của kế toán quốc tế.
- Hiểu được các khái niệm cơ bản liên quan đến kế toán quốc tế.
- Hình dung được phương pháp tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế về
kế toán
- Hiểu được các nhân tố tác động đến hệ thống kế toán quốc tế.
- Nhìn nhận xu hướng hội tụ kế toán quốc tế.

1.1. Lược sử quá trình hình thành và phát triển chuẩn mực kế toán quốc tế
Kế toán đã xuất hiện trong hoạt động thương mại cách đây nhiều năm dưới những hình
thức giản đơn. Qua thời gian, hoạt động kế toán phát triển thành các qui tắc mang tính
ước lệ của mỗi quốc gia. Sang thế kỷ 20, để giảm khoảng cách khác biệt giữa các quốc
gia, chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standard - IAS) được hình
thành với các qui định và những nguyên tắc để hòa hợp kế toán quốc tế. Trong xu
hướng toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu thông tin đòi hỏi mang tính chuẩn tắc nhằm giúp so
sánh được để đáp ứng yêu cầu thị trường vốn quốc tế. Với yêu cầu này, kế toán đã có sự
chuyển hướng từ hòa hợp sang hội tụ bằng việc xây dựng chuẩn mực báo cáo tài chính
(International Financial Reporting Standard - IFRS) chất lượng cao mang tính toàn
cầu. Tiến trình phát triển đó có thể được chia thành hai giai đoạn cơ bản như sau:
1.1.1. Giai đoạn hình thành
Những nỗ lực để hướng đến tiếp cận toàn cầu của kế toán đã được thực hiện từ đầu thế
kỷ 20. Năm 1904, Diễn đàn quốc tế về kế toán (International Congresses of
Accountants - ICA) đã hình thành với mục đích tìm kiếm một tiếng nói chung về kế
toán trên thế giới. Tuy nhiên phải đến năm 1967 trong ICA được tổ chức tại Paris,
Nhóm vận động quốc tế (International Working Party - IWP) được hình thành để thúc
đẩy tiến trình ra đời một tổ chức quốc tế về kế toán. Nhóm vận động này đã trình bày
trong ICA tại Sydney năm 1972 bảng báo cáo để thành lập Ủy ban hợp tác quốc tế hành
nghề kế toán (International Coordination Committee for the Accounting Profession -
ICCAP) với các thành viên như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Nhật, Ấn độ . . Tổ chức này
là tiền thân của Tổ chức Liên đoàn kế toán quốc tế (International Federation of
Accountants - IFAC).

8
Sự khác biệt về kế toán giữa các quốc gia phát xuất từ sự bất đồng về quan điểm, lập
trường của các tổ chức kế toán đã gây trở ngại cho tiến trình hòa hợp kế toán quốc tế.
Các quốc gia nhận thấy nhu cầu cần phải có ngôn ngữ chung kế toán trên bình diện
quốc tế nên trong ICA tại Sydney cũng diễn ra buổi họp để thống nhất thành lập Ủy ban
chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standard Committee - IASC).
Như vậy, những nỗ lực phát triển IAS được đánh dấu năm 1973 khi IASC chính thức
thành lập ngày 29/06/1973 tại London. Trong thời gian đầu, IASC có 10 quốc gia đó là
Úc, Canada, Pháp, Đức, Ai-len, Nhật, Mexico, Hà lan, Anh và Mỹ.
Trong giai đoạn này, IASC đã ban hành các IAS chủ yếu là thu hẹp sự khác biệt kế toán
các quốc gia bằng việc đưa ra nhiều lựa chọn kế toán. Tuy nhiên, việc cho phép nhiều
lựa chọn đã tạo ra sự dễ dãi trong kế toán và chính điều này của IASC, báo cáo tài chính
(BCTC) đã không đáp ứng được yêu cầu thông tin cho người sử dụng.
Trước yêu cầu ngày càng cao của người sử dụng thông tin trên BCTC cũng như tìm
kiếm sự ủng hộ của các quốc gia và các tổ chức trên thế giới, IASC đã bắt đầu thiết lập
Khuôn mẫu lý thuyết kế toán vào năm 1989. Trên cơ sở đó, IASC đã có những điều
chỉnh để phù hợp với mục tiêu chung trong việc xây dựng IAS bằng việc giảm dần sự
lựa chọn kế toán. Theo đó, IASC chỉ cho phép sử dụng phương pháp chuẩn hoặc
phương pháp thay thế và nhờ vậy tính so sánh thông tin trên BCTC đã được nâng cao.
Trọng tâm của IASC nhằm hòa hợp kế toán quốc tế và khái niệm hòa hợp được IASC
sử dụng phổ biến trong giai đoạn này.
Việc chấp nhận áp dụng IAS của các quốc gia bắt đầu gia tăng như châu Âu (EU), Úc...
Một trong những thành công phải kể đến trong giai đoạn này là IASC được Tổ chức
quốc tế các ủy ban chứng khoán (International Organization of Securities Commissions
- IOSCO) chấp nhận hệ thống IAS áp dụng đối với các công ty niêm yết của các quốc
gia trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong hệ thống IOSCO. Tính đến 2000, IASC
đã ban hành Khuôn mẫu lý thuyết kế toán và các IAS được đánh số từ 1 đến 41.
1.1.2. Giai đoạn phát triển
Đây là giai đoạn mà nền kinh tế thế giới phát triển theo hướng toàn cầu hóa. Để đáp ứng
sự thay đổi, năm 2001 IASC đã tái cấu trúc để hình thành Hội đồng chuẩn mực kế toán
quốc tế (International Accounting Standard Board - IASB). Mục đích của IASB nhằm
phát triển hệ thống IFRS, hình thành kỷ nguyên mới trong BCTC quốc tế hướng tới hội
tụ kế toán toàn cầu. Trong giai đoạn này, IASB sử dụng khái niệm hội tụ với trọng tâm
hướng đến một hệ thống chuẩn mực duy nhất chất lượng cao. Quá trình hội tụ dần đi
đến một hệ thống chuẩn mực áp dụng cho tất cả các quốc gia, tập trung trên lĩnh vực
TTCK thể hiện bởi các BCTC hợp nhất.
Quá trình hội tụ kế toán ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán
cũng như các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia
bằng việc áp dụng IAS/IFRS thay thế chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc gia. Ngay
9
những năm đầu 2005, IAS/IFRS đã được áp dụng một cách phổ biến với 65 quốc gia
chấp nhận như EU, Úc các quốc gia Hongkong, Nam Phi, các nước châu Á như Trung
quốc và các nước Đông Nam Á, các nước châu Mỹ La tinh, Braxin, Canada. Hệ thống
chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS) đã được chấp
nhận trên toàn cầu và tiếp tục mở rộng ra nhiều quốc gia và đó là điều thiết thực cho các
quốc gia nhằm đạt được những lợi ít nhất định khi áp dụng IAS/IFRS (Phụ lục 1).
Từ năm 2001 đến nay, IASB đã ban hành Khuôn mẫu lý thuyết kế toán (IFRS
Framework) năm 2018 (thay thế IFRS Framework 2010 và Khuôn mẫu lý thuyết kế
toán năm 1989 được ban hành bởi IASC) và 17 IFRS. Ngoài ra, năm 2009, IASB đã ban
hành chuẩn mực báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (IFRS for SMEs)
và tháng 5/2015 IASB đã ban hành phiên bản chỉnh sửa IFRS for SMEs.
Có thể thấy, tiến trình phát triển hệ thống IAS/IFRS là cả bước tiến dài từ khi ban đầu
với các qui tắc được thiết lập mang tính ước lệ của mỗi quốc gia, đến việc hình thành
IAS và nay đã ban hành các IFRS.
1.2. Đối tượng nghiên cứu của kế toán quốc tế
Kế toán quốc tế nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan ở phạm vi quốc tế. Đây là vấn đề
rộng bao gồm hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế. Đây là hệ thống chuẩn, mang tính
toàn cầu chất lượng cao. Vì vậy, khi xử lý vấn đề về kế toán phát sinh giữa các quốc gia
đều giải quyết trên nền tảng của hệ thống IAS/IFRS. Có thể thấy, phát xuất từ các yếu tố
môi trường chính trị, pháp lý kinh tế và văn hoá của các quốc gia khác nhau nên hệ
thống chuẩn mực kế toán của các quốc gia có một số nội dung không thống nhất so với
hệ thống IAS/IFRS do vậy kế toán quốc tế còn thể hiện trong việc đối chiếu, so sánh
giữa chuẩn mực kế toán quốc gia với hệ thống IAS/IFRS. Không những thế, kế toán
quốc tế đã giải quyết vấn đề kế toán của các công ty đa quốc gia. Vì khi các công ty
được thành lập ở các quốc gia khác nhau và do mỗi quốc gia có những đặc thù riêng nên
chuẩn mực kế toán của các quốc gia có những khác biệt so với hệ thống IAS/IFRS nên
BCTC của các công ty ở các quốc gia khác nhau đó sẽ không đồng nhất. Chính vì vậy,
BCTC hợp nhất của công ty đa quốc gia không dừng lại từng quốc gia mà ở phạm vi
quốc tế. Đó là vấn đề mà kế toán phải giải quyết và xử lý để đảm bảo chất lượng thông
tin cho người sử dụng. Trong xu hướng toàn cầu hoá, để đảm bảo ngôn ngữ kinh doanh
chung việc hội tụ kế toán quốc tế đã trở thành tâm điểm. Xu hướng hội tụ kế toán quốc
tế được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận và nhất quán cho
hệ thống kế toán toàn cầu. Tóm lại, có thể thấy, đối tượng nghiên cứu của kế toán quốc
tế là vấn đề rộng bao gồm các hoạt động liên quan đến:
- Hệ thống IAS/IFRS.
- Sự đối chiếu giữa chuẩn mực quốc tế với CMKT các quốc gia.
- Kế toán các công ty đa quốc gia.
- Xu hướng hội tụ kế toán quốc tế.
10
1.3. Các khái niệm liên quan đến kế toán quốc tế
1.3.1. Các khái niệm cơ bản
1.3.1.1. Chuẩn mực kế toán quốc tế
CMKT nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán như Tổ chức
hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and
Development - OECD), Tổ chức ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (International
Accounting Standard Committee Foundation - IASCF) bên cạnh các nhà nghiên cứu
điển hình như David Alexander & Christopher Nobes (1994), Ashley et al (2008). Có
thể thấy, CMKT được định nghĩa dưới những giác độ khác nhau.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa: “CMKT là các phương pháp
kế toán trong việc trình bày và công bố thông tin trên BCTC”.
Trong nghiên cứu của David Alexander & Christopher Nobes (1994) cho rằng: “CMKT
là các qui định trong việc ghi nhận, đánh giá và trình bày thông tin trên BCTC.”
Quan điểm của IASB cho rằng: “CMKT là các tuyên bố có thẩm quyền về các giao dịch
cụ thể và các sự kiện khác được phản ánh trong báo cáo tài chính”.
Luật kế toán Việt Nam (2015) định nghĩa: “Chuẩn mực kế toán gồm những nguyên tắc
và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính”.
Hiểu theo nghĩa chung nhất, CMKT là các qui định về nguyên tắc ghi nhận, phương
pháp đánh giá cũng như trình bày và công bố thông tin trên BCTC. Tuy nhiên, CMKT
chủ yếu xử lý từng mảng vấn đề liên quan đến từng nội dung cụ thể. Trong khi chuẩn
mực BCTC tập trung giải quyết về phương diện thông tin BCTC đảm bảo tính minh
bạch và có thể so sánh thông tin trên BCTC trên cơ sở nền tảng khuôn mẫu mang tính
thống nhất cao.
1.3.1.2. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Trước xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, thông tin trên BCTC phải đảm bảo tính so sánh và
điều này đòi hỏi cần phải xây dựng hệ thống nguyên tắc chung nhất áp dụng trên phạm
vi toàn cầu. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu đó, IASB đã ban hành chuẩn mực BCTC quốc tế
với tên gọi IFRS. Mục đích của IASB là thiết lập một hệ thống chuẩn mực chất lượng
cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vốn toàn cầu. Theo IASCF (2010) cho rằng: “IFRS
là các chuẩn mực và hướng dẫn, giải thích của IASB bao gồm IFRS, IAS và các hướng
dẫn, giải thích chuẩn mực”
Do đó, nếu theo nghĩa hẹp IFRS là những IFRS do IASB ban hành nhưng theo nghĩa
rộng IFRS bao gồm các IFRS do IASB ban hành và cả IAS được ban hành bởi IASC
cũng như các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực. Trong giai đoạn chuyển tiếp, do IAS
chưa được dựa trên nền tảng khuôn mẫu mới cũng như chưa xứng tầm quốc tế với chất
lượng cao nên trước mắt IAS vẫn được duy trì và được chỉnh sửa cho phù hợp. Nhìn
chung, IFRS do IASB ban hành vẫn tồn tại song song và không có sự mâu thuẫn so với
IAS được ban hành bởi IASC.
11
1.3.2. Khái niệm về kế toán quốc tế
Kế toán quốc tế là phạm vi rộng bao hàm nhiều nội dung và các vấn đề liên quan, do
vậy, khái niệm này nhận được nhiều quan điểm riêng. Theo Jenings (1962) cho rằng kế
toán quốc tế là việc xem xét hệ thống chuẩn mực kế toán các quốc gia ở phạm vi quốc
tế. Đối với Fantle (1968) kế toán quốc tế là sự đa dạng và đối chiếu chuẩn mực kế toán
các quốc gia liên quan đến kế toán các công ty đa quốc gia. Tương tự như Weirich
(1971) kế toán quốc tế là là hệ thống chuẩn mực được áp dụng bởi các quốc gia và sự
đối chiếu những khác biệt giữa các quốc gia. Riêng J.M. Samuels & A.G. Piper (1985)
nhận định kế toán quốc tế là nghiên cứu kế toán sự đa dạng của các quốc gia và so sánh
kế toán các quốc gia cũng như xu hướng hoà hợp với kế toán quốc tế. Gần đây,
Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007) cho rằng kế toán quốc tế là hoạt động kế
toán bao gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, thuế và hệ thống thông tin
kế toán. Từ quốc tế trong kế toán quốc tế được hiểu trên 3 mức độ đó là cấp kế toán đa
quốc gia, kế toán các công ty đa quốc gia và so sánh kế toán giữa các quốc gia.
Như vậy, trên cơ sở quá trình hình thành và phát triển kế toán cũng như trên cơ sở đối
tượng nghiên cứu của kế toán quốc tế, có thể thấy kế toán quốc tế là hoạt động bao hàm
các vấn đề phát sinh về kế toán liên quan ở phạm vi quốc tế gồm hệ thống IAS/IFRS,
đối chiếu giữa chuẩn mực quốc tế với CMKT các quốc gia, kế toán các công ty đa quốc
gia và xu hướng hội tụ kế toán quốc tế.
1.4. Các tổ chức quốc tế về kế toán
1.4.1. Tổ chức Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC)
Theo thời gian ICCAP đã tổ chức các hội nghị và trở thành khuôn mẫu tổ chức cho kế
toán ở cấp độ quốc tế. Đến năm 1976, tổ chức ICCAP tan rã và thay vào đó là tạo lập
Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC). IFAC được thành lập vào ngày 07/11/1977 tại
Munich của Đức, ban đầu với 63 thành viên từ 51 quốc gia tham gia. Reinhard
Goerdeler được bầu làm chủ tục đầu tiên của IFAC. Mục tiêu của IFAC là thiết lập và
mở rộng mang tính chuyên nghiệp kế toán toàn cầu vì lợi ích cộng đồng cụ thể là phát
triển chuẩn mực quốc tế chất lượng cao và vận động sự tham gia áp dụng của các quốc
gia; tạo điều kiện hợp tác và cùng hợp tác với các quốc gia; hợp tác với các tổ chức
quốc tế; tạo lập ngôn luận quốc tế trong ngành nghề kế toán. Hoạt động của IFAC cơ
bản là gia tăng vai trò các qui định của nghề nghiệp quốc tế; thông tin với các nhà làm
luật quốc tế, các tổ chức ban hành chuẩn mực, các tổ chức đầu tư, các cổ đông; gia tăng
sự cần thiết cho BCTC chất lượng cao và quản lý tài chính thông qua phát triển chuẩn
mực kế toán khu vực công quốc tế; mở rộng tập trung thực hành kế toán vừa và nhỏ,
phát triển ở các quốc gia; gia tăng hợp tác với các thành viên của IFAC, phát triển tổ
chức kế toán theo khu vực; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp kế toán hàng dầu
thông qua các diễn đàn doanh nghiệp. IFAC đã thiết lập các tổ chức như:

12
- Tổ chức chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế (International Auditing and
Assurance Standards Board - IAASB)
- Tổ chức chuẩn mực đào tạo kế toán quốc tế (International Accounting
Education Standards Board - IAESB)
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán quốc tế (International Accounting
Education Standards Board - IESBA)
- Kế toán nghề nghiệp trong tổ chức kinh doanh (Professional Accountants in
Business Committee - PABC)
- Ủy ban chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (International Public Sector
Accounting Standards Board - IPSASB)
- Tổ chức kiểm toán quốc tế (Transnational Auditors Committee - TAC)
- Ban tư vấn hướng dẫn (Compliance Advisory Panel - CAP)
- Tổ chức quốc gia phát triển (Developing Nations Committee - DNC)
- Tổ chức thực hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Practices
Committee - SMPC)
Như vậy sự ra đời của hai tổ chức IASC và IFAC đã được nhiều đại biểu trong tổ chức
kế toán quốc tế tranh luận. Những thảo luận đã được trình bày tại hội nghị Munich
(1977) về mối quan hệ giữa IASC và IFAC. Các thảo luận tiếp tục được tổ chức đến
năm 1981 và đã thống nhất trong hội nghị Mexixo (1982) với kết luận cuối cùng của hội
nghị là IFAC đã chấp nhận IAS là một hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu.
1.4.2. Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB)
Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế được thành lập với mục tiêu cơ bản sau:
- Phát triển hệ thống chuẩn mực chất lượng cao vì lợi ích cộng đồng, có thể hiểu
được và tuân thủ chuẩn mực toàn cầu với yêu cầu chất lượng cao, minh bạch và
thông tin có thể so sánh thông tin trên BCTC và những BCTC khác để giúp
những người tham gia trên các thị trường vốn khác nhau trên thế giới và những
người sử dụng khác để ra các quyết định kinh tế.
- Đẩy mạnh việc sử dụng và nhất quán áp dụng những IAS/IFRS.
- Chủ động hợp tác với các quốc gia ban hành chuẩn mực để đạt đến sự hội tụ
của chuẩn mực kế toán quốc gia và IAS/IFRS chất lượng cao.
Các thành viên được bầu chọn từ Ban quản trị. Các thành viên có đầy đủ trách nhiệm để
phát triển, lên chương trình xây dựng chuẩn mực. Các thành viên có đầy đủ chuyên môn
và kinh nghiệm thực tế về thị trường và kinh doanh quốc tế nhằm đảm bảo IASB không
bị chi phối hay ảnh hưởng của bất kỳ một thể chế hay lợi ích khu vực. Không có thành
viên được kiêm nhiệm Ban quản trị và thành viên IASB. Theo cấu trúc mới, IASB có 16
thành viên trong đó ít nhất là 13 thành viên làm việc toàn thời gian còn 3 thành viên là
bán thời gian. IASB luôn duy trì với các cơ quan ban hành chuẩn mực của các quốc gia

13
và các tổ chức quan tâm đến hệ thống chuẩn mực để xúc tiến hội tụ chuẩn mực của các
quốc gia với IAS/IFRS của IASB.
Nhiệm kỳ của các thành viên IASB là 5 năm nhưng theo dự thảo nhiệm kỳ của thành
viên chỉ còn là 3 năm trừ chủ tịch và phó chủ tịch của IASB.
Về nguyên tắc bỏ phiếu của các thành viên, mỗi quản trị viên có tương ứng một phiếu
và kết quả bỏ phiếu là thuộc về đa số. Việc ban hành các chuẩn mực, dự thảo hay hướng
dẫn trình bày BCTC quốc tế phải được chấp thuận bởi 9 trong tổng số 16 thành viên và
phải đảm bảo 60% thành viên đang có mặt hoặc đang điện đàm.
Tổ chức IASB có trách nhiệm trong việc trình bày và ban hành các IAS/IFRS; công bố
các dự thảo ra công chúng; cung cấp chi tiết các nghiên cứu và các công việc khác cho
các hệ thống chuẩn mực của các quốc gia; thiết lập qui trình kiểm tra các phản ánh; hình
thành các nhóm tư vấn chuyên môn để có những tham vấn đối với các dự án quan trọng;
tư vấn cho IFRS Advisory Council các thứ tự công việc ưu tiên; công bố các kết luận về
chuẩn mực và các dự thảo . . .
1.4.3. Các tổ chức liên quan khác
Bên cạnh các tổ chức trên, kế toán quốc tế còn nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ
chức nghề nghiệp, các tổ chức thuộc các khu vực, các tổ chức liên chính phủ và các tổ
chức thị trường chứng khoán, cụ thể:
- Các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như nhóm G4+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Úc,
Canada và New Zealand)
- Các tổ chức thuộc các khu vực gồm Liên đoàn kế toán châu Âu (Federation des
Experts Comptables Europeens - FEE), Hiệp hội kế toán Đông Nam Á (ASEAN
Federation of Accountants - AFA), Hội kế toán Mỹ (American Accounting
Association - AAA).
- Các tổ chức liên chính phủ như Liên minh châu Âu (Europe Union - EU), nhóm
chuyên gia liên minh chính phủ về chuẩn mực quốc tế (Intergovernmental
Working Group of Experts on International Standards of Accounting and
Reporting - ISAR).
- Các tổ chức thị trường chứng khoán như Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng
khoán (IOSCO), Ủy ban chứng khoán Mỹ (Securities and Exchange Commission
- SEC).
1.5. Những nhân tố tác động đến kế toán quốc tế
1.5.1. Vai trò của các nhân tố tác động đến kế toán quốc tế
Hệ thống kế toán các quốc gia đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi các nhân tố tác động nhưng
tựu chung gồm ba yếu tố cơ bản là môi trường kinh doanh, pháp lý và văn hóa. Các yếu
tố này luôn có sự kết hợp và tác động lẫn nhau đã tạo những khác biệt nhất định, hình
thành sự đa dạng và phong phú đối với kế toán các quốc gia.

14
Có thể thấy, từng nhân tố đã tác động và ảnh hưởng đến thông tin kế toán đối với từng
quốc gia hay khu vực. Mỗi nhân tố chi phối mức độ khác nhau đến hoạt động kế toán
trong việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố thông tin của mỗi quốc gia, tạo sự
khác biệt cơ bản trong hệ thống kế toán các quốc gia. Nếu môi trường kinh doanh được
đánh giá là quan trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực tài chính trong phát triển
kinh tế của quốc gia thì môi trường pháp lý là điều kiện then chốt thể hiện mức độ về
quản lý, kiểm soát và điều phối kinh tế của quốc gia nhưng môi trường văn hóa lại có ý
nghĩa quyết định và trở thành nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến hệ thống kế toán quốc gia.
Môi trường văn hóa không tách rời các môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý mà
ngược lại chính văn hóa là hạt nhân trung tâm tác động và chi phối các nhân tố khác
trong việc hình thành những đặc trưng riêng của kế toán các quốc gia.
1.5.2. Nội dung và mức độ ảnh hưởng các nhân tố tác động đến kế toán quốc tế
1.5.2.1. Môi trường kinh doanh
Các nghiên cứu cho thấy môi trường kinh doanh bao gồm những yếu tố từ đặc điểm của
doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường vốn, loại hình tài chính và các nhân tố này sẽ
ảnh hưởng đến nhu cầu thông tin khác nhau về kế toán của các quốc gia.
Xét về đặc điểm của các doanh nghiệp bao hàm qui mô của doanh nghiệp, ngành nghề
kinh doanh, tình hình niêm yết trên TTCK. Trong các nghiên cứu đều cho rằng các
doanh nghiệp có qui mô lớn sẽ có nhiều hoạt động kinh doanh và thông thường công bố
nhiều thông tin hơn các doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Do vậy, quốc gia có nhiều doanh
nghiệp với qui mô lớn có xu hướng yêu cầu công bố thông tin nhiều hơn. Ngoài ra về
ngành nghề kinh doanh như ngân hàng hay khai khoáng đều quan tâm đến việc áp dụng
CMKT và thực hành kế toán. Đối với việc niêm yết thông tin trên TTCK thì các công ty
niêm yết có khuynh hướng công bố thông tin nhiều hơn những công ty chưa niêm yết.
Về sự phát triển của thị trường vốn, chất lượng thông tin trên BCTC có mối quan hệ với
sự phát triển của thị trường vốn. Thị trường vốn sẽ tác động đến thông tin trên BCTC
bởi các nhà đầu tư. Ngoài ra, ảnh hưởng của thị trường vốn đến các qui định kế toán bao
gồm cả việc áp dụng IAS/IFRS ở các quốc gia.
Đối với loại hình tài chính được phân thành hệ thống tài chính và hệ thống trên cơ sở thị
trường vốn cho rằng loại hình tài chính sẽ tác động đến việc công bố thông tin trên
BCTC cũng như áp dụng IAS/IFRS của các quốc gia. Trong nghiên cứu của Tymothy
Doupnik & Hector Perera (2007) cho rằng nguồn cung cấp tài chính cho hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp có thể từ nhiều nguồn khác nhau như gia đình, ngân hàng,
Chính phủ, các cổ đông … Các quốc gia có nguồn cung cấp tài chính từ gia đình, ngân
hàng, Nhà nước thường ít cung cấp thông tin ra công chúng. Đối tượng này không cần
thông tin thuyết minh do họ đầy đủ quyền lực để kiểm tra thông tin khi cần thiết. Thông
tin trình bày chủ yếu cho nội bộ trong Hội đồng quản trị để thực hiện việc ra quyết định,
ví dụ như quốc gia Ý nguồn cung cấp tài chính có thể nằm trong tay đại gia đình các
15
nhà tư bản trong khi Đức có các công ty với cấu trúc vốn do Ngân hàng là chủ yếu
nhưng Nhật có TTCK mạnh nhưng các nhà đầu tư chủ yếu gồm các nhà tư bản, riêng
Mỹ, Anh nhà đầu tư chủ yếu nhỏ, lẻ nên họ cần có nhiều thông tin thuyết minh trên
BCTC. Điều này đã tạo sự khác biệt cho nhu cầu thông tin trên BCTC.
1.5.2.2. Môi trường pháp lý
Theo các nghiên cứu, môi trường pháp lý được xem xét trên cơ sở pháp luật, các qui
định về thuế cũng như tổ chức nghề nghiệp. Các yếu tố này sẽ tác động đến sự hình
thành hệ thống kế toán các quốc gia.
Hệ thống luật pháp đã tác động rất lớn đến kế toán các quốc gia cũng như trong việc ban
hành CMKT. Theo nghiên cứu của Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007) nhận
định trên thế giới, hai hệ thống luật cơ bản được sử dụng là thông luật và điển luật (luật
La mã). Đối với thông luật, các quốc gia thường ít ban hành các qui định mà phụ thuộc
vào từng trường hợp cụ thể, dẫn đến những tiền lệ hay án lệ. Ngược lại, hệ thống điển
luật, các quốc gia có khuynh hướng ban hành nhiều luật. Tùy thuộc vào hệ thống luật
pháp mà mỗi quốc gia có những qui định riêng trong việc ghi nhận, đánh giá và trình
bày, công bố thông tin trên BCTC.
Các qui định về thuế là một trong những nhân tố chi phối, tác động khá mạnh đến hệ
thống kế toán. Theo các tác giả nhìn nhận một số quốc gia hệ thống thuế được coi như
một công cụ quản lý, điều tiết, kiểm soát của quốc gia. Hơn nữa, nhiều quốc gia qui
định kế toán phải tuân thủ các qui định của thuế và BCTC được lập trên cơ sở các qui
định của thuế. Do đó BCTC được điều chỉnh cho mục đích tính thuế.
Tổ chức nghề nghiệp có vai trò nhất định trong việc hình thành hệ thống kế toán quốc
gia. Chất lượng của BCTC có mối quan hệ đến sự phát triển của Tổ chức nghề nghiệp.
Trong nghiên cứu của Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007) cho rằng một số quốc
gia có Tổ chức nghề nghiệp phát triển khá mạnh và thông thường là những tổ chức hoạt
động độc lập, phi lợi nhuận không chịu tác động của các tổ chức Nhà nước. Các tổ chức
này đảm trách việc ban hành các CMKT và kiểm toán cũng như các qui định liên quan
đến nghề nghiệp và được chấp nhận rộng rãi. Do đó, Tổ chức nghề nghiệp có sức ảnh
hưởng và chi phối đáng kể đến hệ thống kế toán quốc gia. Mô hình này phù hợp với các
quốc gia thuộc trường phái Anglo-Saxon như Mỹ, Anh. . . Ngược lại, một số quốc gia,
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định đến hệ thống kế toán của quốc gia. Do đó,
các nguyên tắc, qui định kế toán được quản lý, kiểm soát bằng việc ban hành các luật
định, pháp lệnh. Như vậy, Tổ chức nghề nghiệp của những quốc gia này thường không
phát triển mạnh và không chi phối nhiều đến hệ thống kế toán quốc gia điển hình như
các quốc gia Pháp, Đức . . .
1.5.2.3. Môi trường văn hóa
Phạm vi văn hóa của Hofstede

16
Các nghiên cứu về môi trường văn hóa đều nhận định rằng văn hóa ảnh hưởng đến thực
hành kế toán ở các quốc gia. Khi đề cập đến môi trường văn hóa phải kể đến Hofstede,
một trong những tác giả có nhiều công trình nghiên cứu từ những năm 1980. Theo
Hofstede (1984) văn hóa ảnh hưởng rõ rệt trên BCTC của các quốc gia. Hofstede đã xác
định có 6 khuynh hướng văn hóa đó là: chủ nghĩa cá nhân, khoảng cách quyền lực, né
tránh những vấn đề chưa chắc chắn, định hướng dài hạn, khuynh hướng nam tính và xu
hướng ham thích (Riêng xu hướng ham thích được bổ sung bởi Michael Minkow năm
2010), cụ thể:
- Chủ nghĩa cá nhân (Individualism - IDV): liên quan đến mối quan hệ giữa các
cá nhân trong xã hội. Những quốc gia có chủ nghĩa cá nhân cao, việc trình bày
BCTC có xu hướng linh hoạt hơn, ngược lại có xu hướng bảo thủ, hạn chế thông
tin công bố trên BCTC.
- Khoảng cách quyền lực (Power Distance - PD): liên quan đến mức độ xã hội có
thể chấp nhận sự bất bình đẳng bên trong và giữa các định chế, tổ chức. Các quốc
gia mà khoảng cách quyền lực cao có khuynh hướng kiểm soát bằng luật định,
cần sự thống nhất cao và do đó thông tin trình bày và công bố trên BCTC thường
hạn chế, ít cung cấp thông tin.
- Né tránh những vấn đề chưa chắc chắn (Uncertainty Avoidance - UA): liên
quan đến mức độ mà xã hội cảm thấy bị đe dọa bởi vấn đề chưa rõ ràng. Nếu các
quốc gia có mức né tránh những vấn đề chưa chắc chắn cao, thông thường những
quốc gia này sẽ thể hiện tính bảo thủ khi trình bày BCTC, hạn chế thông tin cung
cấp và thường tôn trọng những qui định. Đồng thời, những quốc gia này cũng
hạn chế những xét đoán trên BCTC, ít ban hành luật để qui định rõ ràng.
- Định hướng dài hạn (Long Term Orientation - LTO): coi trọng sự kiên trì, sắp
xếp các mối quan hệ theo địa vị và tôn trọng sự sắp xếp này. Những quốc gia
theo định hướng dài hạn có xu hướng nghiêng về tính bảo thủ và thống nhất cao
trong kế toán.
- Khuynh hướng nam tính (Masculinity - MAS) không ảnh hưởng trực tiếp đến
thông tin kế toán và khuynh hướng này chủ yếu đề cập đến mức độ mong muốn
đạt được những lợi ích trong xã hội và chất lượng cuộc sống.
- Xu hướng ham thích (Indulgence versus Restraint - IVR) cũng không ảnh
hưởng trực tiếp đến thông tin kế toán và xu hướng này liên quan đến mức độ
đam mê, thích thú trong cuộc sống.
Giá trị kế toán của Gray
Trên cơ sở lý thuyết của Hofstede, Gray đã phát triển và hình thành các giá trị kế toán
bao gồm: phát triển nghề nghiệp, thống nhất, thận trọng và bảo mật, cụ thể:
- Phát triển nghề nghiệp đối lập với kiểm soát theo luật định: đánh giá nghề
nghiệp và duy trì những qui định riêng cho nghề nghiệp theo những yêu cầu của
17
luật pháp. Chủ nghĩa nghề nghiệp đặc trưng là những quốc gia Anh, Mỹ. Theo
đó, Tổ chức nghề nghiệp tự kiểm soát trong nghề nghiệp. Như vậy, nếu Tổ chức
nghề nghiệp tự kiểm soát tốt thì Nhà nước không cần can thiệp. Khi nghề nghiệp
phát triển mạnh thì các CMKT, các qui định kế toán đều do Tổ chức nghề nghiệp
qui định và ban hành, cụ thể:
- Thống nhất đối lập với linh hoạt (Uniformity versus flexibility): việc áp dụng
thực tế kế toán thống nhất giữa các công ty và sử dụng nhất quán qua thời gian.
- Thận trọng đối lập với lạc quan (Conservatism versus optimism): liên quan đến
việc đo lường mức độ tổn thất của những sự kiện không chắc chắn trong tương
lai.
- Bảo mật đối lập với minh bạch (Secrecy versus transparency): liên quan đến
những bảo mật trong việc công bố thông tin, việc thông tin chỉ liên quan đến
những người có liên quan đến tình hình tài chính và quản lý của doanh nghiệp.
Mô hình lý giải sự khác biệt quốc tế trên báo cáo tài chính của Christopher W. Nobes
Nhiều lý do giải thích sự khác biệt trên BCTC, riêng Nobes đã trình bày hai lý do đó là
văn hóa và bản chất của hệ thống tài chính. Nobes cho rằng lý do chính cho sự khác biệt
này là mục tiêu khác nhau để trình bày BCTC. Hệ thống tài chính quốc gia được xác
định là yếu tố cơ bản để xác định mục tiêu BCTC. Từ đó, Nobes đã chia hệ thống
BCTC làm hai nhóm A và B, cụ thể:
- Hệ thống kế toán nhóm A được hình thành từ tài chính của các cổ đông lớn.
Thực tế đo lường hệ thống kế toán nhóm A ít thận trọng, công bố thông tin rộng
rãi, thực tế kế toán khác với qui định thuế. Nhóm A phù hợp với các quốc gia của
kế toán Anh, Mỹ thuộc trường phái các nước Anglo-Saxon.
- Ngược lại, hệ thống kế toán nhóm B có tài chính của các cổ đông nhỏ, đo lường
hệ thống kế toán nhóm B thận trọng hơn, công bố thông tin hạn chế, thực tế kế
toán gần với qui định thuế. Nhóm B phù hợp với các quốc gia của EU. Trên cơ
sở của phạm vi văn hóa của Hofstede, kế thừa giá trị kế toán của Gray, Nobes
đưa ra mô hình về lý do của sự khác biệt kế toán quốc tế cụ thể:

Môi trường Phát triển vốn - hệ


Văn hóa thống tài chính của Nhóm kế toán
bên ngoài
người bên ngoài

Theo Nobes, những nhân tố bên ngoài hình thành giá trị văn hóa, chính yếu tố văn hóa
ảnh hưởng và chi phối đến nguồn cung cấp tài chính và từ nguồn kinh tế tài chính này
sẽ tác động đến kế toán.
Tóm lại, hệ thống kế toán của các quốc gia đa dạng và phức tạp, hình thành những bản
sắc riêng biệt. Sự khác biệt đó có thể phát sinh từ mỗi quốc gia hay khu vực quốc gia
18
tạo nên các trường phái kế toán khác nhau trên thế giới. Nhiều nguyên do dẫn đến sự
khác biệt trong đó phải kể đến các yếu tố từ môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý
và môi trường văn hóa. Các nhân tố được hình thành đã tác động đến hệ thống kế toán
của các quốc gia. Các nhân tố đó không tách rời nhau mà kết hợp với nhau để cấu thành
những đặc trưng kế toán riêng. Viễn cảnh đó cho thấy thế giới vẫn tồn tại một ranh giới,
một khoảng cách nhất định đối với kế toán toàn cầu.
1.6. Xu hướng hội tụ kế toán quốc tế
Ngay những năm đầu 2005, IAS/IFRS đã được áp dụng một cách phổ biến với 65 quốc
gia chấp nhận như EU, Úc các quốc gia Hongkong, Nam Phi, các nước châu Á như
Trung quốc và các nước Đông Nam Á, các nước châu Mỹ La tinh và đây là xu hướng
tích cực đối với IAS/IFRS. Theo tiến triển, quá trình hội tụ kế toán quốc tế ngày càng
được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia trên thế
giới. Trong điều tra Deloitte với 175 quốc gia vào năm 2018, kết quả cho thấy so với
những năm trước các quốc gia áp dụng IAS/IFRS ngày càng gia tăng đáng kể, cụ thể:
- 98 quốc gia bắt buộc áp dụng toàn bộ IAS/IFRS
- 9 quốc gia bắt buộc áp dụng IAS/IFRS đối với một số doanh nghiệp
- 25 quốc gia yêu cầu áp dụng IAS/IFRS
- 22 quốc gia không yêu cầu áp dụng IAS/IFRS
- 21 quốc gia không có TTCK
Tuy nhiên, viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế đầy thử thách. Quá trình đó là bài toán phức
tạp và nan giải bởi chúng xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau như hệ thống pháp lý,
hệ thống thuế, nguồn cung cấp tài chính, thể chế chính trị và kinh tế cũng như yếu tố
văn hóa trong mỗi quốc gia. Sự đa dạng và phong phú trong tiến trình hội tụ với xu
hướng được hình thành ở phạm vi các quốc gia và khu vực. Có thể thấy, hội tụ kế toán
quốc tế là xu thế tất yếu và cần thiết nhằm đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh
những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận, viễn cảnh hội tụ kế toán đặt ra nhiều
thách thức, những “chông gai” phía trước của các quốc gia và khu vực bởi thực trạng
việc vận dụng IAS/IFRS vào chính các quốc gia và từng khu vực theo những phương
pháp tiếp cận khác nhau. Điều này làm cản trở để hướng tới mục tiêu chung trong việc
xây dựng hệ thống chuẩn mực chất lượng cao mang tính toàn cầu.

Tóm tắt chương 1


Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu thông tin đòi hỏi mang tính chuẩn tắc
nhằm giúp so sánh được để đáp ứng yêu cầu thị trường vốn quốc tế. Với yêu cầu này, kế
toán đã có sự chuyển hướng từ hòa hợp sang hội tụ bằng việc xây dựng chuẩn mực báo
cáo tài chính (IFRS) chất lượng cao mang tính toàn cầu.

19
Đối tượng nghiên cứu của kế toán quốc tế là vấn đề rộng bao gồm các hoạt động liên
quan đến hệ thống IAS/IFRS, sự đối chiếu giữa chuẩn mực quốc tế với CMKT các quốc
gia, kế toán các công ty đa quốc gia và xu hướng hội tụ kế toán quốc tế.
Các tổ chức quốc tế về kế toán là hệ thống của các tổ chức gồm Liên đoàn kế toán quốc
tế (IFAC), Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và các tổ chức quốc tế liên quan
khác.
Hệ thống kế toán các quốc gia đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi các nhân tố tác động nhưng
tựu chung gồm ba yếu tố cơ bản là môi trường kinh doanh, pháp lý và văn hóa. Các yếu
tố này luôn có sự kết hợp và tác động lẫn nhau đã tạo những khác biệt nhất định, hình
thành sự đa dạng và phong phú đối với kế toán các quốc gia.
Xu hướng hội tụ kế toán quốc tế ngày càng được nhiều quốc gia hưởng ứng và đã được
áp dụng một cách phổ biến với nhiều quốc gia chấp nhận. Theo tiến triển, quá trình hội
tụ kế toán quốc tế ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán cũng
như các quốc gia trên thế giới.
Câu hỏi chương 1
Câu hỏi trắc nghiệm
Chọn câu trả lời đúng hay sai và giải thích:
1. Hệ thống IAS/IFRS được thiết lập với mục đích để nâng cao chất lượng thông tin kế
toán và đáp ứng thị trường vốn toàn cầu?
2. Kế toán quốc tế là để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến kế toán ở phạm vi
toàn cầu?
3. Xã hội là một nhân tố tác động đến sự đa dạng của kế toán các quốc gia?
4. Tất cả các quốc gia đều phải áp dụng hệ thống IAS/IFRS?
5. Tổ chức Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) là tổ chức ban hành hệ thống IAS/IFRS?
Đánh dấu (x) vào câu trả lời đúng:
6. Đối tượng của kế toán quốc tế là:
a. Hệ thống chuẩn mực quốc tế và sự đối chiếu với chuẩn mực kế toán các quốc gia
b. Kế toán các công ty đa quốc gia
c. Xu hướng hội tụ kế toán quốc tế
d. Tất cả các câu trên đều đúng
7. Vai trò của Tổ chức quốc tế các uỷ ban chứng khoán (IOSCO):
a. Ban hành hệ thống IAS/IFRS
b. Kiểm gia và giám sát việc soạn thảo hệ thống IAS/IFRS
c. Hướng dẫn và tư vấn việc áp dụng hệ thống IAS/IFRS
d. Tất cả các câu trên đều sai
8. Nhân tố ảnh hưởng đến sự đa dạng của kế toán các quốc gia
a. Chính trị, pháp lý, kinh tế và xã hội
b. Văn hoá, kinh tế, pháp lý và chính trị
20
c. Kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội
d. Tất cả các câu trên đều sai
9. Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành:
a. Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)
b. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
c. Hệ thống IAS/IFRS
d. Không ban hành chuẩn mực
10. Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) được thành lập thời gian nào và đầu tiên
có bao nhiêu nước tham gia.
a. Năm 1970 và 8 nước tham gia
b. Năm 1973 và 10 nước tham gia
c. Năm 1975 và 12 nước tham gia
d. Tất cả các câu trên đều sai
Câu hỏi lý thuyết
1. Tại sao cần thiết phải ban hành chuẩn mực quốc tế bao gồm CMKT và chuẩn mực
BCTC quốc tế?
2. CMKT và chuẩn mực BCTC quốc tế có sự khác biệt về hình thức và nội dung không?
Giải thích?
3. Hiện nay, IFAC có bao nhiêu thành viên. Việt Nam là thành viên của IFAC từ năm
nào? Ý nghĩa và mục đích của việc tham gia là thành viên của IFAC đối với một quốc
gia?
4. Kế toán quốc tế được hình thành khi nào và do tổ chức nào quản lý?
5. Nhân tố chính trị có ảnh hưởng đến việc ban hành chuẩn mực quốc tế hay không?
6. Liên hệ với Việt Nam, những nhân tố nào tác động và mức độ ảnh hưởng đến việc
ban hành CMKT Việt Nam?
7. Công ty của một quốc gia muốn niêm yết cổ phiếu trên TTCK quốc tế thì xét về mặt
kế toán trong việc trình bày thông tin trên BCTC phải tuân thủ các qui định nào?
8. Hiện tại, có bao nhiêu quốc gia áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế, trong đó có bao
nhiêu quốc gia châu Á áp dụng?
9. Tại sao Mỹ là quốc gia có sức ảnh hưởng và chi phối đến tiến trình hội tụ kế toán
quốc tế?
10. Theo anh (chị), Việt Nam có cần thiết phải hội tụ kế toán quốc tế? Những lợi ích và
thách thức của quá trình hội tụ của Việt Nam?

Tài liệu tham khảo


1. Baker, C. R., and Barbu, E. M., 2007. Evolution of research on international
accounting harmonization: A historical and institutional perspective. Socio-Economic
Review, 5(4), 603-632.
21
2. Gunther Gebhardt, 2000. The Evolution of Global Standard in Accounting
3. Gray, S., 1988. Towards a theory of cultural influence on the development of
accounting systems internationally. Abacus, March.
4. Hofstede G., 1984. Cultural dimensions in management and planning
5. IASC Foundation, 2010. International Financial Reporting Standard – Part A
6. Kees Camferman and Stephen A. Zeff, 2007. Financial Reporting and Global Capital
4. King, T. A. 2006. More than a numbers game: a brief history of accounting. Jew
Jersey: Wiley
7. Kees Camferman and Stephen A. Zeff, 2007. Financial Reporting and Global Capital
Markets: A history of the International Accounting Standard Committee, 1973 – 2000,
Oxford, UK, Oxford University Press
8. Muiz Alia & Joël Branson, 2010. The effect of environmental factors on accounting
diversity. A literature review
9. Nobes & Parker, 1995. Comparative International Accounting, Prentice Hall.
10. Nobes, C., 1998. Towards a general model of the reasons for international
differences in financial reporting. Abacus.
11. Ole-Kristian Hope, Justin Jin, and Tony Kang, 2006. Empirical Evidence on
Jurisdictions that Adopt IFRS, Journal of international accounting research
12. Tymothy Doupnik & Hector Perera, 2007. International Accounting.
13. Yannick Lemarchand, Marc Nikitin and Henri Zimnovitch (2008), International
congresses of accountants in the twentieth century: a French perspective, 18 (2), 97 –
115.
14. Các website liên quan: www.ifac.org, www.iasb.org, www.ifrs.org,
www.iasplus.com...

22
CHƯƠNG 2
TỔ CHỨC LẬP QUI VÀ QUI TRÌNH SOẠN THẢO
CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Mục tiêu nghiên cứu chương 2


Chương này giúp người đọc có thể:
- Hiểu được các lý thuyết lập qui.
- Hình dung được các nội dung cơ bản của tổ chức lập qui quốc tế.
- Hiểu rõ qui trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
- Vận dụng để đối chiếu, so sánh với tổ chức lập qui các quốc gia.

2.1. Tổ chức lập qui


2.1.1. Tổng quan về các lý thuyết lập qui
2.1.1.1. Những nội dung cơ bản về các lý thuyết lập qui
Trong quá trình hình thành và phát triển chuẩn mực, qui trình soạn thảo và ban hành
CMKT đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như phát sinh nhiều tranh luận xung
quanh vấn đề này. Xét về tính chất, 2 quan điểm tiếp cận trái ngược nhau đó là quan
điểm công nghệ và quan điểm chính trị:
- Quan điểm công nghệ (Technical Perspective) dựa trên cơ sở kế toán liên quan
đến việc đánh giá những sự kiện thực tế. Do vậy, người kế toán quan tâm đến
trách nhiệm nghề nghiệp khi cung cấp thông tin kế toán trong qui trình xây dựng
CMKT và tách biệt tính kinh tế cũng như xã hội.
- Ngược lại, quan điểm chính trị (Political Perspective) cho rằng kế toán thể hiện
vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, việc lập và trình bày các
thông tin tài chính phải nhằm đảm bảo tính chính trị và xã hội. Hơn nữa, những
thông tin này đáp ứng hữu ích cho bộ phận các nhà quản lý, những người chuyên
môn trong lĩnh vực kế toán, nhóm các nhà đầu tư . . .
Trên cơ sở các quan điểm tiếp cận lý thuyết lập qui, mô hình lý thuyết lập qui được chia
thành 3 lý thuyết cơ bản đó là lý thuyết lợi ích xã hội, lý thuyết nắm giữ và lý thuyết lợi
ích cá nhân.
Lý thuyết lợi ích xã hội
Quan điểm của lý thuyết lợi ích xã hội (Public - Interest Theory) cho rằng nguyên do
kinh tế là nguồn gốc để Nhà nước can thiệp vào hoạt động của các thị trường khác nhau
vì lợi ích chung của xã hội. Các qui định cần được thiết lập nhằm đáp ứng yêu cầu của
xã hội trong việc điều chỉnh sự bất công hay không hiệu quả của giá cả thị trường. Lý
thuyết này liên quan đến sự thất bại của thị trường. Sự thất bại của thị trường thể hiện
như thiếu sự cạnh cạnh lành mạnh, hình thành thị trường độc quyền, hay tạo các rào cản

23
nhằm ngăn chặn sự xâm nhập thị trường hoặc những thông tin không hoàn hảo, bất đối
xứng giữa người bán và người mua.
Trong nghiên cứu của Beaver (1998) cho rằng lý thuyết lợi ích xã hội được hình thành
trên cơ sở khuyến khích các nhà làm luật được điều chỉnh những lợi ích chung của xã
hội. Hơn nữa, King (2006) đã minh chứng Luật chứng khoán của Hoa kỳ năm 1934
được xây dựng trên cơ sở bảo đảm về lợi ích xã hội trên TTCK nhằm tránh những
khủng hoảng tài chính. Điều này cũng được thể hiện rõ trong đạo luật Sarbanes – Oxley
năm 2002.
Lý thuyết nắm giữ
Lý thuyết nắm giữ (Capture Theory) hay lý thuyết nhóm lợi ích, giả định rằng tất cả các
thành viên trong xã hội là những thành phần kinh tế và mỗi thành phần kinh tế sẽ cố đạt
những lợi ích riêng trong xã hội nhằm tối đa hóa lợi ích các thành viên trong nhóm.
Theo đó, các nhóm lợi ích sẽ tìm cách vận động hành lang các tổ chức lập qui nhằm ban
hành các qui định theo chiều hướng có lợi và tránh những điều bất lợi cho riêng nhóm.
Lý thuyết nắm giữ cho rằng ngay cả các tổ chức lập qui cũng không khách quan và độc
lập trong quá trình soạn thảo qui định. Do đó các nhóm lợi ích khác nhau sẽ tranh giành
quyền kiểm soát tổ chức lập qui. Quá trình nắm giữ có thể xảy ra khi các nhóm lợi ích
kiểm soát được các qui định của tổ chức lập qui hay chi phối tổ chức lập qui. Những
điều kiện để nhóm lợi ích thực hiện những vấn đề trên là một nhóm nhỏ các đối tượng
bị điều chỉnh theo qui định; hay các đối tượng bị điều chỉnh kiểm soát thông tin cần
thiết; hoặc nguồn lực của tổ chức lập qui rất nhỏ so với nguồn lực của các đơn vị bị điều
chỉnh.
Theo quan điểm của Viscusi, Vernon & Harrington Jr. (2000), các qui định được ban
hành theo những đề xuất của các ngành nghề nhất định và điều này cũng đồng nghĩa các
các qui định được kiểm soát bởi các ngành nghề đó. Do vậy, các tổ chức lập qui cũng
như các nhà làm luật sẽ bị sự chi phối bởi các tổ chức ngành nghề.
Lý thuyết lợi ích cá nhân
Quan điểm về lý thuyết lợi ích cá nhân (Private – Interest Theory) cho rằng hoạt động
qui định phản ánh quyền lực chính trị giữa các nhóm lợi ích. Tác động của các nhóm
quyền lợi đến các nhà chính trị nhưng những nhà chính trị này không thể hiện sự phán
xét mà tập trung vào lợi ích cá nhân. Các nhà chính trị tìm kiếm cơ hội để được trúng cử
thông qua các phiếu bầu chọn trong tương lai từ những nhóm lợi ích. Thị trường chính
trị có sự chuyển đổi về quyền lợi. Lý thuyết lợi ích cá nhân tin rằng sẽ có thị trường qui
định tương tự như quan hệ cung cầu trên thị trường vốn. Thị trường qui định có nhiều
người trả giá và chỉ có một nhóm thành công khi trả giá cao nhất. Khi đó nhóm lợi ích
có thể sử dụng quyền điều hành để đem lại lợi ích riêng cho nhóm.
Như vậy, nếu xét trên phương diện luận thuyết kinh tế và luật, ba lý thuyết trên thể hiện
đầy đủ những nội dung và ý nghĩa về việc hình thành tổ chức lập qui. Tuy nhiên, nếu
24
nhìn dưới góc độ luận thuyết triết học và xã hội học, lý thuyết lập qui bao hàm cả lý
thuyết ba chiều của Miguel Reale và phương pháp Habermas của Laughlin. Trong lý
thuyết ba chiều của Miguel Reale cho rằng các qui định là một cấu trúc xã hội hóa mà
thể hiện sự biện chứng linh hoạt ba chiều đó là thực tế, giá trị và qui tắc. Trên cơ sở lý
thuyết ba chiều của Reale, Laughlin đã phát triển thành phương pháp Habermas. Theo
đó, Laughlin đã phân biệt các qui định của kế toán trong qui định kế toán. Qui định kế
toán là bên ngoài kế toán và được chính thức hóa bởi CMKT và các qui định xã hội trên
cơ sở lý thuyết kế toán. Trong khi đó, các qui định của kế toán được thể hiện bên trong,
chịu tác động bởi các qui định bên ngoài.
Nhìn chung các lý thuyết về lập qui cho thấy việc lập qui phải đứng trên mục tiêu bảo
vệ lợi ích xã hội nhưng quá trình này có thể bị mất đi tính trung lập do ảnh hưởng của
các nhóm lợi ích khác nhau từ các tổ chức nghề nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Các
lý thuyết này là cơ sở nền tảng để làm rõ quá trình hình thành và phát triển của các tổ
chức lập qui trên thế giới.
2.1.1.2. Các quan điểm về lập qui
Từ các lý thuyết lập qui, quan điểm lập qui tựu chung giải quyết vấn đề việc CMKT
được ban hành bởi các qui định hay thị trường tự do. Hai quan điểm này ảnh hưởng đến
việc lập qui của các quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống chuẩn
mực kế toán.
Quan điểm thị trường tự do
Quan điểm thị trường tự do (Free – Market Approach) cho rằng kế toán được xem là
một đơn vị hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực về thông tin. Trong thị trường tự do,
như tất cả các hàng hóa khác, đơn vị này sẽ vận động theo qui luật cung cầu. Theo đó,
cầu về thông tin kế toán được hình thành bởi những người sử dụng trong khi cung chính
là các công ty công bố thông tin trên BCTC. Giả sử, một loại thông tin tài chính mới
theo yêu cầu của người sử dụng và người cung cấp sẵn lòng cung cấp thông tin với một
mức giá tương ứng và cuối cùng giá sẽ tự điều chỉnh. Do đó người cung cấp cũng có
những lợi ích từ việc cung cấp thông tin và người sử dụng tin rằng chi phí bỏ ra tương
ứng hoặc thấp hơn lợi ích mang lại. Nếu không thỏa thuận, thông tin sẽ không được
cung cấp. Nói cách khác, qui luật thị trường tự do sẽ tự xác định những dữ liệu thông tin
được cung cấp và các chuẩn mực cần thiết. Vì vậy, cơ chế thị trường sẽ tự giải quyết
vấn đề thông tin trên BCTC giữa người cung cấp và sử dụng.
Quan điểm về qui định
Quan điểm về qui định (Regulatory Approach) cho rằng cần có tổ chức lập qui thay vì
để cho thị trường tự quyết định. Quan điểm này nhận định rằng phương cách tiếp cận
của thị trường tự do đối với kế toán là không thực tế bởi cơ chế thị trường sẽ không đạt
được tính xã hội về thông tin kế toán. Theo đó, thông tin kế toán không được xem như
những hàng hóa khác mà kế toán là hàng hóa mang tính phục vụ lợi ích chung của xã
25
hội. Nếu những thông tin kế toán bị lệch lạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng
trong xã hội. Hơn nữa, theo quan điểm thị trường tự do, các công ty sẽ cung cấp thông
tin dưới mức cần thiết và có xu hướng sẽ bán thông tin với giá cao cho người sử dụng.
Xét trên phương diện xã hội, BCTC với thông tin được cung cấp đảm bảo mức phí phù
hợp. Do đó, quan điểm về qui định là cần có những qui định để đảm bảo được các thông
tin kế toán trên cơ sở các tổ chức lập qui sẽ đưa ra các chuẩn mực nhằm bảo đảm sự
thống nhất quan điểm giữa người lập và người sử dụng cũng như khả năng so sánh của
các thông tin kế toán.
2.1.1.3. Những hình thức của tổ chức lập qui
Phát xuất từ các quan điểm về lập qui, tổ chức lập qui được chia thành 3 tổ chức cơ bản.
Tuy nhiên, mỗi tổ chức đều có những ưu việt bên cạnh những tồn tại nhất định.
Tổ chức nghề nghiệp
Theo phương cách này, Tổ chức nghề nghiệp sẽ thực hiện việc soạn thảo và ban hành
chuẩn mực. Phải nhìn nhận rằng, Tổ chức nghề nghiệp là nơi qui tụ những người có
kiến thức và nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và có những điều chỉnh kịp thời đáp
ứng nhu cầu để hoàn thiện và phát triển hệ thống chuẩn mực. Tuy nhiên, Tổ chức nghề
nghiệp chưa thật sự khách quan theo hướng ban hành các qui định, nguyên tắc để bảo vệ
lợi ích của người hành nghề hơn là bảo vệ lợi ích của xã hội. Ngoài ra, các chuẩn mực
được ban hành từ Tổ chức nghề nghiệp cũng gặp những trở ngại nhất định về tính tuân
thủ từ đối tượng sử dụng.
Nhà nước
Theo hình thức này, Nhà nước sẽ là tổ chức soạn thảo và ban hành chuẩn mực. Do tính
pháp lý của Nhà nước nên đối tượng sử dụng phải tuân thủ các qui định, nguyên tắc
trong chuẩn mực và khi đó lợi ích xã hội sẽ được quan tâm. Tuy nhiên, do cơ chế quản
lý Nhà nước nên thiếu tính linh hoạt, kịp thời cũng như khả năng bị “chính trị hóa” của
các chuẩn mực.
Ủy ban độc lập
Theo cách tiếp cận này, việc xây dựng và ban hành chuẩn mực sẽ do một Ủy ban độc
lập thực hiện. Theo đó, Ủy ban độc lập sẽ đại diện các nhóm lợi ích như vậy sẽ giải
quyết được sự xung đột, mâu thuẫn về quyền lợi của các nhóm lợi ích. Hơn nữa, các
chuẩn mực được ban hành sẽ được độc lập và khách quan. Khi đó những chuẩn mực sẽ
hình thành với chất lượng cao. Mặc dù Ủy ban độc lập với nhiều ưu điểm trên nhưng
thách thức cũng đặt ra về sự chi phối cũng như những ảnh hưởng của các doanh nghiệp
hoặc các tổ chức nghề nghiệp đến Ủy ban. Do Ủy ban hình thành trên cơ sở đại diện các
nhóm lợi ích nên để đạt được sự đồng thuận của các nhóm lợi ích cũng là vấn đề khó
khăn. Ngoài ra, các chuẩn mực do Ủy ban độc lập ban hành cũng khó đạt được tính tuân
thủ cao trừ khi được Nhà nước công nhận.

26
Có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển kế toán, tùy thuộc vào những đặc điểm
riêng về môi trường kinh doanh, pháp lý và văn hóa, các quốc gia sẽ chọn lựa phương
cách tiếp cận phù hợp.
2.1.2. Nội dung của tổ chức lập qui quốc tế
Tổ chức lập qui của hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế bao gồm các tổ chức phối hợp
thực hiện trên cơ sở cấu trúc hoạt động độc lập. Ngoài Hội đồng giám sát (Monitoring
Board), tổ chức lập qui cơ bản bao gồm:
- Tổ chức ủy ban chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Foundation)
- Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB)
- Hội đồng tư vấn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Advisory Council)
- Ủy ban hướng dẫn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Interpretations
Committee)
Sơ đồ về tổ chức lập qui của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Nguồn: www.iasplus.com
Đối với tổ chức lập qui quốc tế, Hội đồng giám sát (Monitoring Board) là là cầu nối
giữa Ban quản trị và cơ quan công quyền (Public Authorities). Mối quan hệ này được
thiết lập trên cơ sở quốc tế đối với hệ thống chuẩn mực và cơ quan công quyền. Trách
nhiệm của Hội đồng giám sát là tham gia vào qui trình bổ nhiệm Ban quản trị; kiểm tra
và tham vấn cho Ban quản trị. Đại diện trong Hội đồng giám sát bao gồm Ủy ban châu
Âu; Tổ chức thị trường mới nổi IOSCO; Tổ chức công nghệ OISCO; Tổ chức dịch vụ
tài chính Nhật; Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC); Quan sát viên là đại diện Tổ
chức giám sát ngân hàng.
27
2.1.2.1. Tổ chức uỷ ban chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Foundation)
Trong quá trình tái cấu trúc để chuyển đổi từ IASC thành IASB, nhằm tài trợ và giám
sát cho các hoạt động soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán quốc tế, IASC
Foundation đã được thành lập vào năm 2000. IASC Foundation là tiền thân của IFRS
Foundation được chính thức đổi tên từ ngày 31/03/2010 với mục tiêu hoạt động cụ thể:
- Phát triển hệ thống chuẩn mực BCTC chất lượng cao có thể hiểu được, mang
tính tuân thủ và được chấp nhận toàn cầu trên cơ sở nguyên tắc rõ ràng vì lợi ích
cộng đồng. Chuẩn mực toàn cầu với yêu cầu chất lượng cao, minh bạch và thông
tin có thể so sánh trên BCTC và những BCTC khác để giúp các nhà đầu tư và
những người tham gia trên các thị trường vốn khác nhau trên thế giới và những
người sử dụng khác để ra các quyết định kinh tế.
- Đẩy mạnh việc sử dụng và nhất quán áp dụng những chuẩn mực BCTC.
- Thực hiện kết hợp hai mục tiêu trên với việc xem xét nhu cầu cụ thể cho các
mức độ hoạt động.
- Đẩy mạnh việc sử dụng và tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng chuẩn mực
BCTC, các hướng dẫn và giải thích được ban hành bởi IASB trong xu hướng hội
tụ chuẩn mực kế toán của các quốc gia và chuẩn mực BCTC.
Thành viên Ban quản trị (Trustees) được sự ủy nhiệm từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ
IFRS Foundation và IASB xây dựng hệ thống chuẩn mực toàn cầu chất lượng cao. Quản
trị viên là những người hiểu biết về lĩnh vực tài chính để phát triển và vận dụng chuẩn
mực toàn cầu chất lượng cao trên thị trường vốn quốc tế. Các quản trị viên ở các khu
vực địa lý và đa đạng về kiến thức chuyên môn. Các quản trị viên đảm bảo lợi ích cộng
đồng trong tất cả những vấn đề. Ngoài ra, quản trị viên phải đảm bảo tính cân đối về
nghề nghiệp chuyên môn như các kiểm toán viên, người trình bày, người sử dụng, nhà
chuyên môn và các tổ chức đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thông thường hai quản trị
viên là chuyên viên cao cấp đại diện cho các công ty kế toán quốc tế. Ban quản trị gồm
22 thành viên đại diện cho các khu vực. Nhiệm kỳ của quản trị viên là 5 năm nhưng
theo dự thảo nhiệm kỳ trong thời hạn ba năm.
Nhiệm vụ của các quản trị viên cụ thể nhằm tạo lập và duy trì nguồn tài chính hợp lý;
thiết lập và sửa chữa qui trình hoạt động của Ban quản trị; xác định cơ sở pháp lý mà
IFRS Foundation hoạt động; kiểm tra tiến trình IFRS Foundation cả tính pháp lý và quá
trình hoạt động, tìm kiếm các nguồn tài trợ cho IFRS Foundation từ các quốc gia; tổ
chức các buổi họp công khai, điều hành thảo luận; công bố những báo cáo định kỳ hàng
năm về hoạt động của IFRS Foundation. Ngoài ra, các quản trị viên còn có nhiệm vụ bổ
nhiệm thành viên của IASB; bổ nhiệm thành viên của IFRS Interpretations Committee
và IFRS Advisory Council; kiểm tra chiến lược hàng năm của IFRS Foundation và
IASB; phê chuẩn ngân sách hàng năm của IFRS Foundation; thiết lập và sửa chữa qui

28
trình hoạt động; phát triển chương trình giáo dục nhất quán với mục tiêu của IFRS
Foundation.
Để được biểu quyết thông qua các vấn đề trong buổi họp quản trị viên phải đảm bảo
60% thành viên đang có mặt hoặc đang điện đàm. Mỗi quản trị viên có tương ứng một
phiếu và kết quả bỏ phiếu là thuộc về đa số.
2.1.2.2. Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB)
Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế được thành lập với mục tiêu cơ bản sau:
- Phát triển hệ thống chuẩn mực chất lượng cao vì lợi ích cộng đồng, có thể hiểu
được và tuân thủ chuẩn mực toàn cầu với yêu cầu chất lượng cao, minh bạch và
có thể so sánh thông tin trên BCTC và những BCTC khác để giúp những người
tham gia trên các thị trường vốn khác nhau trên thế giới và những người sử dụng
khác để ra các quyết định kinh tế.
- Đẩy mạnh việc sử dụng và nhất quán áp dụng những IAS/IFRS.
- Chủ động hợp tác với các quốc gia ban hành chuẩn mực để đạt đến sự hội tụ
của chuẩn mực kế toán quốc gia và IAS/IFRS chất lượng cao.
Các thành viên được bầu chọn từ Ban quản trị. Các thành viên có đầy đủ trách nhiệm để
phát triển, lên chương trình xây dựng chuẩn mực. Các thành viên có đầy đủ chuyên môn
và kinh nghiệm thực tế về thị trường và kinh doanh quốc tế nhằm đảm bảo IASB không
bị chi phối hay ảnh hưởng của bất kỳ một thể chế hay lợi ích khu vực. Không có thành
viên được kiêm nhiệm Ban quản trị và thành viên IASB. Theo cấu trúc mới, IASB có 16
thành viên trong đó ít nhất là 13 thành viên làm việc toàn thời gian còn 3 thành viên là
bán thời gian. IASB luôn duy trì với các cơ quan ban hành chuẩn mực của các quốc gia
và các tổ chức quan tâm đến hệ thống chuẩn mực để xúc tiến hội tụ chuẩn mực của các
quốc gia với chuẩn mực BCTC quốc tế của IASB.
Nhiệm kỳ của các thành viên IASB là 5 năm nhưng theo dự thảo nhiệm kỳ của thành
viên chỉ còn là 3 năm trừ chủ tịch và phó chủ tịch của IASB.
Về nguyên tắc bỏ phiếu của các thành viên, mỗi quản trị viên có tương ứng một phiếu
và kết quả bỏ phiếu là thuộc về đa số. Việc ban hành các chuẩn mực, dự thảo hay hướng
dẫn trình bày BCTC quốc tế phải được chấp thuận bởi 9 trong tổng số 16 thành viên và
phải đảm bảo 60% thành viên đang có mặt hoặc đang điện đàm.
IASB có trách nhiệm trong việc trình bày và ban hành các chuẩn mực BCTC quốc tế;
công bố các dự thảo ra công chúng; cung cấp chi tiết các nghiên cứu và các công việc
khác cho các hệ thống chuẩn mực của các quốc gia; thiết lập qui trình kiểm tra các phản
ánh; hình thành các nhóm tư vấn chuyên môn để có những tham vấn đối với các dự án
quan trọng; tư vấn cho IFRS Advisory Concil các thứ tự công việc ưu tiên; công bố các
kết luận về chuẩn mực BCTC và các dự thảo...
2.1.2.3. Hội đồng tư vấn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Advisory
Council)
29
Hội đồng tư vấn chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS Advisory Council) được chính thức
đổi tên từ Hội đồng tư vấn chuẩn mực kế toán quốc tế (SAC) từ ngày 31/03/2010 với
mục tiêu:
- Tư vấn chương trình làm việc của IASB cũng như các quyết định và thứ tự ưu
tiên các công việc.
- Cung cấp các quan điểm của các cá nhân hay tổ chức về những dự án xây dựng
chuẩn mực
- Các tham vấn khác cho IASB và Ban quản trị
Thành viên IFRS Advisory Concil được bổ nhiệm bởi Ban quản trị với số lượng trên 30
thành viên, bao gồm những cá nhân và các tổ chức quan tâm đến BCTC quốc tế. Thành
viên đại diện cho các khu vực địa lý và ở các lĩnh vực chuyên môn. Nhiệm kỳ của các
thành viên là 3 năm.
2.1.2.4. Ủy ban quốc tế hướng dẫn chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRS
Interpretations Committee)
Ủy ban hướng dẫn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC) được thay thế từ Ủy
ban hướng dẫn thường trực (SIC) năm 2002 nhằm soạn thảo các hướng dẫn cũng như
những vấn đề chưa được qui định trong chuẩn mực. IFRIC là tiền thân của Ủy ban
hướng dẫn chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS Interpretations Committee) được chính
thức đổi tên từ ngày 31/03/2010.
Thành viên IFRS Interpretations Committee bao gồm 14 thành viên bỏ phiếu, được bổ
nhiệm bởi Ban quản trị với nhiệm kỳ 3 năm. Các thành viên đại diện các tổ chức bao
gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn, đa dạng về những người có kinh nghiệm
về thị trường và kinh doanh quốc tế, các nhà phân tích BCTC.
Ban quản trị sẽ bổ nhiệm một thành viên của IASB, giám đốc hoạt động công nghệ hoặc
nhân viên cao cấp của IASB. Xét thấy cần thiết, Ban quản trị sẽ bổ nhiệm đại diện các
quan sát viên có quyền tham dự và phát biểu trong buổi họp nhưng không bỏ phiếu.
Các buổi họp phải đảm bảo 10 thành viên đang có mặt hoặc đang điện đàm và sẽ được
họp công khai.
Về nguyên tắc bỏ phiếu của các thành viên, mỗi quản trị viên có tương ứng một phiếu
và kết quả bỏ phiếu là không nhiều hơn 4 phiếu chống để thông qua dự thảo hay các
hướng dẫn, giải thích cuối cùng.
IFRS Interpretations Committee sẽ trình bày việc áp dụng các IAS/IFRS, những nội
dung của khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày BCTC; thực hiện việc hướng
dẫn theo mục tiêu của IASB, chủ động tham gia với chuẩn mực kế toán các quốc gia để
thực hiện hội tụ chuẩn mực kế toán quốc gia với IAS/IFRS; báo cáo lên IASB về kết
quả đồng thuận của của các thành viên đối với hướng dẫn, giải thích cuối cùng.
2.2. Qui trình ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính

30
Chuẩn mực BCTC quốc tế được phát triển thông qua một qui trình chặt chẽ và minh
bạch dưới hình thức những dự án. Qui trình này mở rộng sự tham gia của các nhà kế
toán, các nhà phân tích tài chính, những người sử dụng báo cáo tài chính, các tổ chức
kinh doanh, cơ quan chứng khoán, những chuyên gia và những tổ chức, cá nhân quan
tâm trên toàn thế giới. IASB công khai những dự án quan trọng, quyết định chương
trình và ưu tiên thứ tự công việc, những vấn đề chuyên môn được thảo luận trong buổi
họp. Có thể thấy, qui trình ban hành chuẩn mực BCTC quốc tế gồm 6 bước cơ bản như
sau:
Bước 1: Thiết lập chương trình
Khi quyết định nội dung chương trình, IASB xem xét tính thích hợp đối với các đối
tượng sử dụng thông tin và mức độ tin cậy của thông tin được cung cấp; các hướng dẫn
hiện tại; khả năng làm gia tăng tính hội tụ và chất lượng của chuẩn mực được nâng cao.
IASB tăng cường thảo luận về các nội dung chương trình cũng như các quan điểm từ
các tổ chức lợi ích khác, IFRS Advisory Council, IFRS Interpratations Committe, các
nghiên cứu viên. Kết quả sẽ được IASB quyết định trong cuộc họp công khai để tiến tới
ban hành các dự án nghiên cứu cũng như lên chương trình hoạt động của IASB.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch dự án
Khi bổ sung nội dung vào chương trình hoạt động, IASB quyết định quản lý dự án độc
lập hay liên kết với các tổ chức ban hành chuẩn mực. Sau khi xem xét bản chất của việc
ban hành và mức độ lợi ích giữa các tổ chức, IASB sẽ hình thành Nhóm hoạt động để
thực hiện công việc theo kế hoạch.
Bước 3: Phát triển và công bố bản thảo luận
Mặc dù bản thảo luận không phải là bước bắt buộc trong qui trình nhưng IASB thường
công bố bản thảo ra công chúng về bất cứ các chủ đề mới để thu hút sự tham gia từ các
tổ chức. Bản thảo luận về cơ bản bao hàm tổng thể việc ban hành, phương pháp tiếp
cận, quan điểm của các tác giả hay của IASB. IASB thường kỳ hạn 120 ngày cho việc
thảo luận các bản thảo (nhưng có thời dài hơn nếu những dự án quan trọng). Sau thời
hạn, tất cả những bình luận được tập hợp để IASB xem xét và được đăng tải trên
website của IASB.
Bước 4: Phát triển và ban hành dự thảo chuẩn mực
Ban hành dự thảo là bước bắt buộc trong qui trình. Không như bản thảo, các dự thảo có
các đề xuất cụ thể để hình thành chuẩn mực. Khi dự thảo được hoàn tất, IASB sẽ bỏ
phiếu kín và sau đó được công bố ra công chúng. IASB thường có thời hạn 120 ngày
cho những bình luận của dự thảo (những dự án quan trọng thời hạn có thể được kéo dài
hơn). Sau những bình luận kết thúc, IASB sẽ xem xét các ý kiến đóng góp và tổ chức
các buổi họp để thảo luận. IASB yêu cầu tư vấn từ IFRS Advisory Council.
Bước 5: Phát triển và công bố chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

31
Sau khi tổng hợp các ý kiến nhận được, IASB sẽ tiến hành dự thảo chuẩn mực BCTC
quốc tế. Dự thảo trước khi bỏ phiếu kín thường được xem xét bởi tổ chức bên ngoài,
thông thường là IFRS Interpretations Committee. Trước khi IASB bỏ phiếu kín cho
chuẩn mực, dự thảo cuối cùng được đăng tải trên website của IASB. Cuối cùng, thành
viên IASB bỏ phiếu kín để công bố chuẩn mực BCTC quốc tế.
Bước 6: Sau khi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được công bố
Sau khi chuẩn mực BCTC quốc tế công bố, nhân viên và các thành viên IASB tổ chức
những buổi họp đều đặn với các bên có lợi ích, tổ chức ban hành chuẩn mực khác để
giúp hiểu biết hơn về nội dung ban hành. IFRS Foundation cũng khuyến khích hoạt
động đào tạo để áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế. IASB sẽ nghiên cứu nhưng vấn đề
như kiểm tra việc áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế, thay đổi môi trường BCTC và các
yêu cầu pháp lý, các bình luận của IFRS Advisory Council, IFRS Interpretations
Committe, các tổ chức ban hành chuẩn mực khác.
Có thể thấy, trong thực tiễn việc cụ thể hoá qui trình này thường được thực hiện những
bước sau (riêng những bước có dấu [*] được qui định bởi IFRS Foundation):
- Các nhân viên đề nghị kiểm tra tất cả những nội dung ban hành phù hợp với
chủ đề và xem xét việc áp dụng khuôn mẫu lý thuyết kế toán để ban hành.
- Nghiên cứu thực tế và yêu cầu kế toán các quốc gia cũng như quan điểm thay
đổi trong việc ban hành với tổ chức ban hành chuẩn mực của các quốc gia.
- IFRS Advisory Council xem xét để bổ sung những nội dung phù hợp trong
chương trình của IASB [*].
- Thông tin đến nhóm tư vấn để tư vấn cho IASB trên các dự án.
- Ban hành ra công chúng các bình luận từ văn bản thảo luận.
- Ban hành ra công chúng bình luận những dự thảo (dự thảo được chấp nhận ít
nhất 9 thành viên của IASB) [*].
- Ban hành những dự thảo về những kết luận cơ bản.
- Xem xét tất cả các các bình luận nhận được [*].
- Quan tâm, lắng nghe công luận và kiểm tra lĩnh vực quản lý.
- Chuẩn mực được chấp nhận với ít nhất là 9 phiếu của thành viên IASB [*].
- Ban hành trong chuẩn mực những kết luận cơ bản và giải thích những điều khác
biệt đó.

Tóm tắt chương 2


Trong quá trình hình thành và phát triển chuẩn mực, qui trình soạn thảo và ban hành
CMKT đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như phát sinh nhiều tranh luận xung
quanh vấn đề này. Xét về tính chất, có hai quan điểm tiếp cận đó là quan điểm công
nghệ và quan điểm chính trị. Từ quan điểm tiếp cận lý thuyết lập qui, mô hình lý thuyết
32
lập qui được chia thành ba lý thuyết cơ bản đó là lý thuyết lợi ích xã hội, lý thuyết nắm
giữ và lý thuyết lợi ích cá nhân. Từ các lý thuyết lập qui, hình thành hai quan điểm lập
qui đó là qui định hay thị trường tự do. Hai quan điểm này ảnh hưởng đến việc lập qui
của các quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống chuẩn mực kế toán.
Phát xuất từ các quan điểm về lập qui, tổ chức lập qui được chia thành ba tổ chức cơ
bản đó là Tổ chức nghề nghiệp, cơ quan Nhà nước và Ủy ban độc lập.
Tổ chức lập qui của hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế bao gồm các tổ chức phối hợp
thực hiện trên cơ sở cấu trúc hoạt động độc lập. Ngoài Hội đồng giám sát (Monitoring
Board), tổ chức lập qui cơ bản bao gồm Tổ chức ủy ban chuẩn mực báo cáo tài chính
quốc tế (IFRS Foundation), Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), Hội đồng tư
vấn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Advisory Council), Ủy ban hướng dẫn
chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Interpretations Committee).
Chuẩn mực BCTC quốc tế được phát triển thông qua một qui trình chặt chẽ và minh
bạch dưới hình thức những dự án. Qui trình này mở rộng sự tham gia của các nhà kế
toán, các nhà phân tích tài chính, những người sử dụng báo cáo tài chính, các tổ chức
kinh doanh, cơ quan chứng khoán, những chuyên gia và những tổ chức, cá nhân quan
tâm trên toàn thế giới. Qui trình ban hành chuẩn mực BCTC quốc tế gồm 6 bước cơ bản
gồm thiết lập chương trình, xây dựng kế hoạch dự án, phát triển và công bố bản thảo
luận, phát triển và ban hành dự thảo chuẩn mực, phát triển và công bố chuẩn mực
BCTC quốc tế và sau khi chuẩn mực BCTC quốc tế được công bố.

Câu hỏi chương 2


Câu hỏi trắc nghiệm
Chọn câu trả lời đúng hay sai và giải thích:
1. Tổ chức lập qui của quốc tế là tổ chức của nhà nước?
2. Qui trình soạn thảo và ban hành hệ thống IAS/IFRS do IASB thiết lập?
3. Các lý thuyết lập qui ảnh hưởng đến tổ chức lập qui của quốc tế?
4. Về quan điểm lập qui gồm quan điểm về thị trường tự do và quan điểm về qui định?
5. Lợi ích nhóm là một những những lý thuyết về lập qui ?
Đánh dấu (x) vào câu trả lời đúng:
6. Hình thức lập qui có thể là:
a. Tổ chức nghề nghiệp
b. Ủy ban độc lập
c. Tổ chức nhà nước
d. Tất cả các câu trên đều đúng
7. Tổ chức ban hành hệ thống IAS/IFRS hiện nay là:
a. Tổ chức IFAC
b. Tổ chức IASC
33
c. Tổ chức IASB
d. Tổ chức IFRS Foundation
8. Các bước thực hiện trong qui trình soạn thảo và ban hành hệ thống IAS/IFRS hiện
nay bao gồm:
a. 3 bước
b. 4 bước
c. 5 bước
d. 6 bước
9. Thành viên Hội đồng tư vấn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Advisory
Council) được bổ nhiệm bởi
a. Ban quản trị (Trustees)
b. Hội đồng giám sát (Monitoring Board)
c. Tổ chức ủy ban chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Foundation)
d. Các tổ chức liên quan
10. Theo cấu trúc hiện hành, IASB có bao nhiêu thành viên tương ứng số lượng thành
viên làm việc toàn thời gian và thành viên là bán thời gian
a. 16 thành viên trong đó ít nhất là 3 thành viên làm việc toàn thời gian còn 13 thành
viên là bán thời gian
b. 16 thành viên trong đó ít nhất là 13 thành viên làm việc toàn thời gian còn 3 thành
viên là bán thời gian
c. 16 thành viên trong đó ít nhất là 8 thành viên làm việc toàn thời gian còn 8 thành viên
là bán thời gian
d. Tất cả các câu trên sai
Câu hỏi lý thuyết
1. Phân biệt nội dung cơ bản giữa các lý thuyết lập qui?
2. Lý thuyết lập qui ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xây dựng chuẩn mực?
3. Những ưu điểm và tồn tại trong từng hình thức của tổ chức lập qui?
4. Xu hướng của các quốc gia trong việc lựa chọn hình thức của tổ chức lập qui?
5. Việc lựa chọn hình thức của tổ chức lập qui có liên quan đến từng châu lục hay
không? Tác động của các hình thức lập qui đến hệ thống chuẩn mực như thế nào?
6. Minh họa một số quốc gia tiêu biểu đại diện cho các châu lục lựa chọn hình thức của
tổ chức lập qui?
7. Tổ chức lập qui của quốc tế mang tính độc lập hay bị chi phối bởi một hoặc các tổ
chức chính trị, kinh tế? Vì sao?
8. Tổ chức lập qui của quốc tế như hiện nay là hoàn hảo chưa? Vì sao? Nếu chưa, theo
anh (chị) có cần thiết lược bỏ tổ chức nào không hay bổ sung thêm tổ chức mà theo anh
(chị) cần thiết?
9. Việc soạn thảo và ban hành chuẩn mực có cần thiết phải thực hiện đúng qui trình?
34
10. Trình tự thực hiện qui trình theo anh (chị) có phù hợp chưa? Nếu chưa, cần có sự
điều chỉnh thứ tự các bước để đảm bảo tính thống nhất? Vì sao?

Tài liệu tham khảo


1. Beaver, W. H., 1998. Financial reporting an accounting revolution. 3.ed. New Jersey:
Prentice Hall.
2. IASC Foundation, 2010. International Financial Reporting Standard – Part A
3. Jayne Godfrey, Allan Hodgson & Scott Holmes, 2003. Accounting Theory
4. Ricardo Lopes Cardoso (2008), Accounting Regulation and Regulation of
Accounting Theories and Brazilian Case of Convergence to IFRS
5. Viscusi, W. K.; Vernon, J. M. & Harrington JR., J. (2000) E. Economics of regulation
and antitrust. 3. ed. Cambridge, Mass.: The MIT Press.
6. www.www.ifrs.org, www.iasplus.com

35
CHƯƠNG 3
KHUÔN MẪU LÝ THUYẾT
CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Mục tiêu nghiên cứu chương 3


Chương này giúp người đọc có thể:
- Hiểu được ý nghĩa và vai trò của khuôn mẫu lý thuyết chuẩn mực báo cáo tài
chính quốc tế.
- Hiểu được những đặc điểm chất lượng của thông tin.
- Hình dung những nội dung cơ bản về khuôn mẫu lý thuyết chuẩn mực báo cáo
tài chính quốc tế.
- Làm nền tảng để đối chiếu với khuôn mẫu lý thuyết kế toán của các quốc gia.
- Ứng dụng để có thể xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác kế toán.

3.1. Ý nghĩa và vai trò của Khuôn mẫu lý thuyết chuẩn mực báo cáo tài chính quốc
tế (IFRS Framework)
3.1.1. Ý nghĩa của IFRS Framework
IFRS Framework có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập và hoàn thiện hệ thống
chuẩn mực BCTC toàn cầu chất lượng cao, đảm bảo thông tin hữu ích cho người sử
dụng.
- IFRS Framework là hệ thống các khái niệm và nguyên tắc chung làm nền tảng
tạo sự nhất quán trong việc xây dựng hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế.
- IFRS Framework góp phần nâng cao tính thống nhất và nhất quán giữa các
chuẩn mực trong hệ thống.
- IFRS Framework là cơ sở trong việc đưa ra các quyết định mang tính xét đoán
khi phải xử lý hay giải quyết một vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa
được qui định trong một chuẩn mực cụ thể.
3.1.2. Vai trò của IFRS Framework
IFRS Framework hướng đến việc xác lập những khái niệm thống nhất về kế toán làm
nền tảng cho việc lập và trình bày các BCTC cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông
tin. Vai trò của IFRS Framework có thể khái quát như sau:
- Là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển các chuẩn mực
BCTC quốc tế mới, cũng như xem xét lại các chuẩn mực kế toán hiện hành.
- Giúp thúc đẩy sự hài hòa trong nhiều quy định, chuẩn mực kế toán, cũng như
các thủ tục kế toán liên quan đến trình bày BCTC bằng việc đưa ra các cơ sở để
giảm thiểu các phương pháp xử lý kế toán khác nhau được cho phép trong các
IAS/IFRS.

36
- Căn cứ vào IFRS Framework, các quốc gia có thể tự xây dựng hệ thống chuẩn
mực kế toán để tạo sự thống nhất với IAS/IFRS.
- Trong trường hợp gặp các vấn đề chưa được đề cập trong các IAS/IFRS, các
đơn vị lập BCTC có thể dựa vào IFRS Framework để xác định các phương pháp
và xử lý kế toán cần thiết.
- IFRS Framework làm căn cứ để các kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán về
tính tuân thủ của các báo cáo tài chính.
3.2. Nội dung cơ bản của IFRS Framework
Nội dung cơ bản của IFRS Framework bao gồm: Mục tiêu chung của BCTC (The
Objective of general purpose financial reporting); Các đặc điểm chất lượng của thông
tin tài chính hữu ích (Qualitative characteristics of useful financial information); BCTC
và đơn vị báo cáo (The financial statements and the reporting entity); Các yếu tố BCTC
(The elements of financial statements); Ghi nhận và không ghi nhận (Recognition and
Derecognition); Đo lường (Measurement); Trình bày và công bố (Presentation and
disclosure); Khái niệm về vốn và bảo toàn vốn (Concepts of capital and capital
maintenance).
3.2.1. Mục tiêu chung của BCTC
Mục tiêu của BCTC đáp ứng cho nhà quản lý nguồn lực tài chính (stewardship) là
những người có thể mua, bán, nắm giữ các khoản đầu tư và người sử dụng chính yếu
(primary users) là nhà đầu tư, người cho vay và những chủ nợ khác hiện tại và tương lai
mà không thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin trực tiếp
3.2.2. Các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích
Các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích là những loại thông tin mà
mang lại hữu ích nhất cho những người ra quyết định về doanh nghiệp báo cáo. Thông
tin tài chính là hữu ích khi đảm bảo tính thích hợp và trình bày trung thực trên BCTC.
Thông tin tài chính hữu ích nếu đảm bảo có thể so sánh được, đáng tin cậy, kịp thời và
có thể hiểu được.
3.2.2.1. Các đặc điểm chất lượng nền tảng
Thích hợp
Thông tin tài chính thích hợp là có khả năng thực hiện các quyết định khác nhau bởi
người sử dụng nếu thông tin tài chính có giá trị dự đoán, giá trị xác thực (hoặc cả hai).
Giá trị dự đoán và giá trị xác thực của thông tin tài chính được liên kết với nhau.
Tính trọng yếu là một doanh nghiệp cụ thể đảm bảo tính thích hợp, được căn cứ trên bản
chất hay tính chất (hoặc cả hai) của những khoản mục mà những thông tin liên quan đến
những khoản mục này thể hiện trên BCTC của một doanh nghiệp cụ thể.
Trình bày trung thực

37
BCTC cho mục tiêu chung trình bày hiện tượng kinh tế bằng những từ ngữ và các con
số. Do đó, để đảm bảo tính hữu ích thông tin tài chính không chỉ thích hợp mà phải trình
bày trung thực.
3.2.2.2. Các đặc điểm chất lượng bổ sung
Có thể so sánh
Thông tin của doanh nghiệp báo cáo được hữu ích hơn nếu thông tin đó được so sánh
với những thông tin tương tự của các doanh nghiệp khác hoặc cùng doanh nghiệp nhưng
giữa các kỳ hay thời gian khác nhau. Có thể so sánh được cho phép người sử dụng phân
biệt và hiểu sự giống nhau hay có khác biệt về các khoản mục.
Có thể kiểm chứng
Có thể kiểm chứng giúp để đảm bảo cho người sử dụng về những thông tin trình bày
trung thực đối với các hiện tượng kinh tế. Có thể kiểm chứng đồng nghĩa là những
người quan sát độc lập và có kiến thức khác nhau có thể cùng nhất trí với nhau mặc dù
không cần thiết thỏa thuận được hoàn tất.
Kịp thời
Kịp thời có nghĩa là thông tin có sẵn sàng cho việc ra quyết định một cách đúng lúc.
Có thể hiểu được
Phân loại và trình bày thông tin rõ ràng và súc tích giúp thông tin có thể hiểu được. Mặc
dù một số hiện tượng kinh tế phức tạp và không dễ dàng để hiểu ngoại trừ những thông
tin về BCTC chưa hoàn tất. BCTC được trình bày cho người sử dụng là những người có
những kiến thức nhất định về kinh doanh và hoạt động kinh tế cũng như có khả năng
đánh giá và phân tích thông tin.
Các hạn chế
Chi phí là rào cản trong việc cung cấp thông tin hữu ích. Quan hệ giữa chi phí và lợi ích
sẽ ảnh hưởng đến thông tin BCTC chung.
3.2.3. BCTC và đơn vị báo cáo
Báo cáo tài chính cung cấp thông tin liên quan đến Bảng cân đối kế toán (financial
position), báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (financial performance), báo cáo khác
và thuyết minh.
Báo cáo tài chính đảm bảo giả định hoạt động liên tục. Theo đó, BCTC giả định rằng
doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động nếu không, doanh nghiệp phải công bố và báo cáo
trên cơ sở khác.
Doanh nghiệp báo cáo là đơn vị trình bày BCTC. Doanh nghiệp báo cáo là một đơn vị
riêng lẻ hoặc nhiều hơn 1 đơn vị. Doanh nghiệp báo cáo không nhất thiết là đơn vị pháp
lý.
Báo cáo tài chính hợp nhất cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn, thu nhập, chi
phí của cả công ty mẹ và các công ty con. Báo cáo tài chính không được coi là hợp nhất

38
khi đơn vị cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn, thu nhập, chi phí của công ty
mẹ, không liên quan đến các công ty con.
3.2.4. Các yếu tố BCTC
Tài sản là nguồn lực được kiểm soát bởi doanh nghiệp, là kết quả của sự kiện quá khứ,
thu được những lợi ích kinh tế trong tương lai.
Nợ phải trả là một nghĩa vụ của doanh nghiệp phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ và
khi thanh toán doanh nghiệp sẽ bị giảm lợi ích kinh tế.
Vốn chủ sở hữu là phần còn lại của tài sản sau khi trừ nợ phải trả.
Thu nhập là khoản lợi ích kinh tế gia tăng trong kỳ kế toán hay đó là sự gia tăng về tài
sản hoặc giảm nợ phải trả, kết quả làm tăng vốn chủ sở hữu nhưng không phải là sự
tham gia góp vốn. Thu nhập bao gồm cả doanh thu và thu nhập khác.
Chi phí là khoản lợi ích kinh tế bị giảm trong kỳ kế toán hay đó là sự giảm về tài sản
hoặc tăng nợ phải trả, kết quả làm giảm vốn chủ sở hữu nhưng không phải là sự rút vốn.
Chi phí bao gồm cả chi phí kinh doanh và chi phí khác.
3.2.5. Ghi nhận và không ghi nhận
Ghi nhận là qui trình kết hợp các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và báo cáo
KQHĐKD liên quan đến tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, thu nhập và chi phí.
Ghi nhận các yếu tố trên bảng cân đối kế toán và báo cáo KQHĐKD đảm bảo:
- Bảng cân đối kế toán thông tin giá trị đầu kỳ và cuối kỳ, tổng tài sản trừ nợ phài trả
bằng tổng vốn chủ sở hữu.
- Ghi nhận thay đổi vốn chủ sở hữu của kỳ báo cáo gồm thu nhập trừ chi phí được ghi
nhận trên báo cáo KQHĐKD và là khoản góp vốn của cổ đông sau khi trừ các khoản rút
vốn.
Ghi nhận thu nhập phát sinh cùng thời gian ghi nhận ban đầu của tài sản hoặc giảm giá
trị còn lại của tài sản; không ghi nợ phải trả hay giảm giá trị còn lại của nợ phải trả.
Ghi nhận chi phí phát sinh cùng thời gian ghi nhận ban đầu nợ phải trả hoặc tăng khoản
nợ phải trả; không ghi tài sản hay ghi giảm giá trị còn lại của tài sản.
Ghi nhận ban đầu tài sản hay nợ phải trả phát sinh từ nghiệp vụ kinh tế phát sinh hay sự
kiện khác và là kết quả liên quan đến ghi nhận thu nhập và chi phí.
Ghi nhận đảm bảo thông tin thích hợp và trình bày trung thực về tài sản, nợ phải trả và
kết quả của thu nhập, chi phí hay thay đổi vốn chủ sở hữu.
Không ghi nhận khi các khoản mục không đáp ứng định nghĩa của tài sản và nợ phải trả.
Đối với tài sản, khi đơn vị mất quyền kiểm soát tài sản, trong khi đối với nợ phải trả thì
khi đơn vị không còn có nghĩa vụ hiện tại đối với khoản nợ phải trả.
3.2.6. Đo lường
Đánh giá liên quan đến việc xác định giá trị tiền tệ của các yếu tố trên BCTC được ghi
nhận và báo cáo. IFRS Framework đưa ra 2 phương pháp đánh giá:
- Giá gốc
39
- Giá trị hiện hành (giá trị hợp lý; giá trị sử dụng và giá trị trung thực; giá phí
hiện hành)
3.2.7. Trình bày và công bố
Đơn vị báo cáo trình bày và công bố thông tin về tài sản, nợ, vốn, thu nhập và chi phí.
Để đạt được vấn đề có thể hiểu được và so sánh thông tin, việc trình bày và công bố
thông tin phải đảm bảo:
- Tập trung trình bày và công bố liên quan đến các nguyên tắc hơn là các qui
định;
- Phân loại thông tin theo đặc tính thể hiện nhóm các khoản mục giống nhau và
tách biệt các khoản mục không giống nhau;
- Các thông tin tập hợp không thể không rõ ràng, chi tiết không cần thiết hoặc
thừa thải.
3.2.8. Khái niệm về vốn và bảo toàn vốn
- Bảo toàn vốn về mặt tài chính: theo khái niệm này, nếu giá trị tài chính của tài
sản thuần cuối kỳ vượt khỏi giá trị tài chính của tài sản thuần đầu kỳ, sau khi loại
trừ đi các khoản góp vốn hay phân phối vốn, còn lại là lợi nhuận. Giá trị tài chính
có thể đo bằng đơn vị tiền tệ hay đơn vị sức mua cố định.
- Bảo toàn vốn về mặt vật chất: theo khái niệm này, nếu năng lực sản xuất vật
chất của doanh nghiệp cuối kỳ vượt khỏi đầu kỳ, sau khi loại trừ các khoản góp
vốn hay phân phối vốn, còn lại là lợi nhuận.
Tóm tắt chương 3
IFRS Framework có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập và hoàn thiện hệ thống
chuẩn mực BCTC toàn cầu chất lượng cao, đảm bảo thông tin hữu ích cho người sử
dụng. IFRS Framework hướng đến việc xác lập những khái niệm thống nhất về kế toán
làm nền tảng cho việc lập và trình bày các BCTC cung cấp cho các đối tượng sử dụng
thông tin.
Nội dung cơ bản của IFRS Framework bao gồm mục tiêu chung của BCTC; Các đặc
điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích; BCTC và đơn vị báo cáo; Các yếu tố
BCTC; Ghi nhận và không ghi nhận; Đo lường; Trình bày và công bố; Khái niệm về
vốn và bảo toàn vốn.
Câu hỏi & bài tập chương 3
Câu hỏi trắc nghiệm
Chọn câu trả lời đúng hay sai và giải thích:
1. IFRS Framwork là một chuẩn mực kế toán?
2. Giả định trong kế toán là một nguyên tắc kế toán?
3. Khái niệm bảo toàn vốn để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp?
4. IFRS Framwork được ban hành bởi IASB vào năm 2010?
5. IFRS Framework đưa ra 4 phương pháp đánh giá?
40
Đánh dấu (x) vào câu trả lời đúng:
6. Các yếu tố của báo cáo tài chính thể hiện ở:
a. Bảng cân đối kế toán
b. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
c. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
d. Tất cả các báo cáo trên
7. Đánh giá các yếu tố của báo cáo tài chính theo các phương pháp:
a. Giá hiện hành, hiện giá, giá trị hợp lý và giá trị thuần có thể thực hiện được
b. Hiện giá, giá gốc, giá hiện hành, giá trị hợp lý
c. Giá trị hợp lý
d. Giá hiện hành, hiện giá, giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được
8. Khái niệm về bảo toàn vốn được doanh nghiệp xem xét lựa chọn áp dụng khi có sự
biến động về:
a. Tình hình tài chính của doanh nghiệp
b. Giá của thị trường làm ảnh hưởng sức mua chung của đồng tiền
c. Doanh nghiệp bị lỗ
d. Tất cả các câu trên đều sai
9. Khuôn mẫu lý thuyết kế toán đầu tiên được ban hành vào năm nào và do tổ chức nào
ban hành?
a. Năm 1973 và IASC ban hành
b. Năm 1989 và IASC ban hành
c. Năm 2001 và IASB ban hành
d. Tất cả các câu trên đều sai
10. IFRS Framework là hệ thống bao gồm:
a. Các khái niệm cơ bản
b. Các nguyên tắc chung
c. Cả a và b
d. Tất cả các câu trên đều sai
Câu hỏi lý thuyết
1. Khuôn mẫu lý thuyết được xem là một chuẩn mực kế toán như những chuẩn mực kế
toán khác được không? Giải thích?
2. Ý nghĩa và vai trò của khuôn mẫu lý thuyết kế toán?
3. Phân biệt các loại báo cáo tài chính (BCTC hợp nhất, BCTC công ty mẹ, BCTC kết
hợp)?
4. Các đặc điểm chất lượng có ảnh hưởng như thế nào đến thông tin kế toán?
5. Phân biệt các đặc điểm chất lượng nền tảng và các đặc điểm chất lượng bổ sung?
6. Giả định cơ bản là nguyên tắc kế toán hay một yêu cầu kế toán? Tại sao phải giả
định? Ý nghĩa cơ bản của giả định là gì?
41
7. Phân biệt giữa nội dung “điều kiện ghi nhận và phương pháp đánh giá” và “trình bày
và công bố thông tin”?
8. Tại sao phải xem xét mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích của thông tin? Cho ví dụ cụ
thể để làm rõ vấn đề?
9. Phân biệt các phương pháp đánh giá (giá gốc, giá hiện hành, giá trị thuần có thể thực
hiện được, hiện giá). Giải thích trường hợp cụ thể áp dụng đối với từng phương pháp
tính giá khác nhau?
10. Ý nghĩa của việc bảo toàn vốn đối với thông tin kế toán? Doanh nghiệp áp dụng vấn
đề bảo toàn vốn trong trường hợp nào? Cho ví dụ minh hoạ?
Bài tập tình huống
Bài 3.1
Công ty M&N Cor. thuê tài chính một tài sản cố định hữu hình giá trị 100.000USD và
theo hợp đồng, cuối thời hạn thuê công ty M&N được mua tài sản cố định hữu hình với
trị giá 100USD. Mặc dù, trong suốt thời gian, tài sản này không thuộc quyền sở hữu của
công ty M&N Ltd. nhưng công ty vẫn ghi tăng giá trị tài sản thuê và được trình bày
trong phần tài sản trên bảng cân đối kế toán của công ty.
Yêu cầu
Công ty M&N Cor. có được ghi nhận là tài sản trong trường hợp này không?
Hãy lập luận việc ghi nhận trên cơ sở IFRS Framework?
Bài 3.2
Công ty Jonhson Cor. cuối năm trích lập khoản phúc lợi cho người lao động từ lợi
nhuận giữ lại 100,000USD. Như vậy, khoản quỹ phúc lợi được ghi nhận là khoản nợ
phải trả hay vốn chủ sở hữu?
Yêu cầu
Hãy trình bày quan điểm riêng của anh (chị) trên cơ sở IFRS Framework?
Bài 3.3
Công ty New World Cor. ký hợp đồng bán hàng cho khách hàng là công ty Mike giá trị
hợp đồng là 500.000 USD nhưng theo hợp đồng qui định nếu quốc gia của công ty Mike
không cho phép nhập thì công ty Mike được quyền trả lại?
Yêu cầu
Trường hợp thời điểm hàng đã xuất bán cho công ty Mike, công New World Cor.
có được ghi nhận doanh thu hay không? Hãy lập luận thời điểm ghi nhận (nếu
có) trên cơ sở IFRS Framework?
Bài 3.4
Công ty WFC đi kiện bán phá giá ra Tòa án quốc tế, chi phí phát sinh liên quan đến vụ
kiện này là 50.000USD, với thời gian đã hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Yêu cầu

42
Chi phí phát sinh liên quan đến vụ kiện này có được công ty WFC ghi nhận trên
cơ sở IFRS Framework?
Bài 3.5
Tập đoàn US Group ký hợp đồng bán hàng cho công ty UK cor. giá trị hợp đồng là
200.000 USD. Công ty UK cor. đã chuyển tiền thanh toán cho tập đoàn US Group và
theo đề nghị của công ty UK cor. tập đoàn US Group giữ hộ hàng hoá cho công ty UK
cor. cho đến khi công ty UK cor. yêu cầu giao hàng.
Yêu cầu
Hãy lập luận trên cơ sở IFRS Framework rằng:
- Tập đoàn US Group có được ghi nhận doanh thu không?
- Công ty UK cor. ghi nhận nghiệp vụ này như thế nào?
Bài 3.6
Trên bảng điều lệ vốn góp của 4 thành viên công ty GMPK là 1.000.000USD và
tương đương mỗi thành viên góp vốn là 250.000USD. Các thành viên đã chuyển tiền đủ
vào tài khoản của công ty trừ Grown vẫn chưa góp vốn cho công ty tính đến thời điểm
cuối năm trước khi lập BCTC.
Yêu cầu
Thông tin về vốn chủ sở hữu của công ty sẽ được ghi nhận như thế nào trên cơ sở
IFRS Framework?
Bài 3.7
Vào thời điểm cuối năm, Công ty PHO 3600 bị công ty PHO 360 kiện ra Toà án
kinh tế do vi phạm bản quyền. Số tiền mà PHO 360 đề nghị phải bồi thường là
500.000USD. Tuy nhiên Toà án đang trong quá trình thụ lý.
Yêu cầu
Công ty PHO 3600 có ghi nhận khoản nợ phải trả hay không trên cơ sở IFRS
Framework?
Bài 3.8
Trong năm tài chính, công ty SAC tái phát hành 1.000.000 cổ phiếu quỹ ra thị
trường chứng khoán vào 2 đợt:
Đợt 1: giá tái phát hành cổ phiếu quỹ thấp hơn giá ở thời điểm mua vào là 2USD.
Đợt 2: giá tái phát hành cổ phiếu quỹ cao hơn giá ở thời điểm mua vào là 1USD.
Yêu cầu
Công ty SAC ghi nhận khoảng chênh lệch như thế nào trên cơ sở IFRS
Framework?
Bài 3.9
Công ty CAB phát hành trái phiếu với mệnh giá 100USD theo 3 phương thức
Phương thức 1: trái phiếu thông thường (kỳ hạn 5 năm với lãi suất 12% năm) với giá
bán là 110USD
43
Phương thức 2: trái phiếu chuyển đổi (kỳ hạn 2 năm với lãi suất 11% năm) nhưng sau
khi đáo hạn được chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỷ lệ 1 – 1, với giá bán là 120USD.
Phương thức 3: trái phiếu chuyển đổi (kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12% năm) nhưng sau
khi đáo hạn được chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỷ lệ 1 – 1, với giá bán là 120USD
nhưng nếu lạm phát không đổi.
Yêu cầu
Công ty CAB ghi nhận khoảng chênh lệch trong từng phương thức như thế nào
trên cơ sở IFRS Framework?
Bài 3.10
Công ty A&A ký hợp hợp đồng mua hàng hoá giá trị là 100.000USD của công ty B&B
và công ty WB là đơn vị bảo lãnh cho công ty A&A. Sau thời gian, công ty B&B phát
lệnh đòi nợ công ty WB với lý do công ty A&A không có khả năng trả nợ.
Yêu cầu
Công ty WB có ghi nhận khoảng nợ phải trả hay không trên cơ sở IFRS
Framework?
Bài 3.11
Công ty B&B đã hoàn thành xây dựng tòa nhà có giá trị 1.000.000USD, thời gian bảo
hành 5 năm. Đến năm thứ 3, tòa nhà bị nghiêng và theo chuyên gia ước tính phục hồi lại
hiện trạng là 200,000USD.
Yêu cầu
Công ty B&B có ghi nhận khoảng nợ phải trả hay không trên cơ sở IFRS
Framework?
Bài 3.12
Công ty C&C được Tổ chức Viện trợ quốc tế tặng tài sản cố định là thiết bị với
giá trị 1.000.000USD. Công ty đã ghi tăng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu trên bảng
cân đối kế toán, tuy nhiên, một đơn vị tư vấn đề nghị công ty ghi tăng thu nhập trong
kỳ.
Yêu cầu
Công ty C&C ghi nhận trường hợp này như thế nào trên cơ sở IFRS Framework?

Tài liệu tham khảo


1. IASB, 2018. Conceptual Framework
2. www.ifrs.org

44
CHƯƠNG 4
HỆ THỐNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Mục tiêu nghiên cứu chương 4


Chương này giúp người đọc có thể:
- Hiểu được các đặc điểm cũng như vai trò của hệ thống chuẩn mực quốc tế.
- Tiếp cận những nội dung cơ bản liên quan đến hệ thống chuẩn mực quốc tế bao
gồm các IAS, IFRS, IFRS for SMEs và IFRIC.
- Làm nền tảng để có thể so sánh, đối chiếu với CMKT các quốc gia.
- Ứng dụng để xử lý các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến các nội dung của hệ
thống IAS/IFRS, IFRS for SMEs.

4.1. Tổng quan về hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế


Hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế bao gồm các CMKT và chuẩn mực BCTC quốc tế
cũng như các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực. Hệ thống IAS/IFRS bao gồm những
nguyên tắc và các qui định kế toán trong việc lập và trình bày BCTC.
4.1.1. Đặc điểm cơ bản
Hệ thống chuẩn mực BCTC xét về mặt cấu trúc bao gồm hai hệ thống, một hệ thống áp
dụng cho các doanh nghiệp có qui mô lớn, các công ty niêm yết và một hệ thống áp
dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty không niêm yết.
Trong quá trình phát triển chuẩn mực BCTC, IASB sử dụng phương pháp tiếp cận trên
cơ sở nguyên tắc (Principles-based approach) hơn là cơ sở qui định (Rules-based
approach). Đây là đặc điểm cơ bản đối với chuẩn mực BCTC. Việc xây dựng chuẩn
mực trên cơ sở qui định hay nguyên tắc là vấn đề gây nhiều tranh luận bởi tính hữu ích
trong việc sử dụng thông tin.
G. Stevenson Smith và C.W.Von Bergen (2009) cho rằng kế toán trên cơ sở qui định
được thiết lập từ những thập kỷ trước. Kết quả là một loạt các hướng dẫn chi tiết về các
qui định được sử dụng trong việc ghi nhận, đánh giá và trình bày thông tin BCTC.
Phương pháp tiếp cận này không còn phù hợp với bản chất của kế toán vì kế toán phải
được xét đoán bởi nghề nghiệp kế toán hơn là các qui định. Ngoài ra, Mergenthaler
(2009) nhận định nếu trên cơ sở qui định thì việc áp dụng chuẩn mực sẽ thuận lợi hơn
bởi sự cụ thể và rõ ràng nhưng làm phát sinh nhiều trường hợp ngoại lệ bởi các luật và
qui định liên quan cũng như khối lượng hướng dẫn nhiều và hướng dẫn chi tiết trong
việc áp dụng chuẩn mực.
Tuy nhiên, David Tweedie, nguyên chủ tịch IASB, cho rằng phát triển chuẩn mực
BCTC toàn cầu phải trên cơ sở nguyên tắc nhằm làm giảm những phức tạp không cần
thiết trong kế toán và nâng cao tính xét đoán của nghề nghiệp. Chuẩn mực BCTC được
xây dựng trên cơ sở nguyên tắc phải dựa trên khuôn mẫu lý thuyết kế toán. Chuẩn mực
45
tiếp cận được trên cơ sở nguyên tắc phải đảm bảo chuẩn mực sử dụng ngôn ngữ tiếng
Anh. Đây là vấn đề quan trọng để chuyển ngữ sang các quốc gia. Hơn nữa, chuẩn mực
được giải thích đơn giản các vấn đề và chuẩn mực được thông hiểu trực giác. Đồng thời,
chuẩn mực giúp cho việc mô tả các hoạt động kinh tế cơ bản.
Ngoài ra, D. J. Gannon (2004), chủ tịch trung tâm IFRS của Mỹ, nhận định chuẩn mực
phát triển trên cơ sở nguyên tắc sẽ tập trung vào các hoạt động kinh tế cơ bản trên cơ sở
các đánh giá của nghề nghiệp hơn là các điều kiện bởi qui định. Điều này là một thuận
lợi khi áp dụng chuẩn mực ở những môi trường khác nhau, đặc biệt đối với hoạt động
kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Theo đó, mức độ xét đoán nghề nghiệp luôn
được coi trọng và chuẩn mực tập trung vào các nguyên tắc chung. Chuẩn mực trên cơ sở
tiếp cận theo nguyên tắc phải thỏa mãn các điều kiện như chuẩn mực được phát triển
trên khuôn mẫu lý thuyết kế toán và được áp dụng trên cơ sở nhất quán, chuẩn mực cần
loại trừ các hạn chế và phương pháp thay thế cũng như tránh việc sử dụng theo tỷ lệ
phần trăm.
Tymothy Doupnik and Hector Perera (2007), chuẩn mực quốc tế được thiết lập trên
nguyên tắc sẽ tập trung trên cơ sở những nguyên tắc chung của khuôn mẫu lý thuyết kế
toán nhằm cung cấp các điều kiện ghi nhận và đánh giá cũng như trình bày và công bố
thông tin. Theo phương pháp này, IAS/IFRS hướng tới giảm các hướng dẫn để thực
hiện những nguyên tắc chung.
Như vậy, đặc điểm cơ bản của hệ thống chuẩn mực BCTC được xây dựng trên cơ sở các
nguyên tắc. Bên cạnh đó, chuẩn mực BCTC bao gồm khuôn mẫu lý thuyết kế toán, hệ
thống chuẩn mực BCTC và các CMKT cũng như các giải thích, hướng dẫn chuẩn mực.
Đặc điểm của hệ thống chuẩn mực BCTC còn thể hiện của sự chuyển đổi từ hoà hợp
sang hội tụ.
4.1.2. Vai trò
Chuẩn mực BCTC có vai trò quan trọng trong thực tiễn nghề nghiệp kế toán nói riêng
và hoạt động kinh tế nói chung. Vai trò của chuẩn mực BCTC càng có ý nghĩa hơn khi
xu thế hội tụ kế toán quốc tế đáp ứng tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Tổng thể,
vai trò của chuẩn mực được nhận định trên cơ sở:
- Hệ thống chuẩn mực BCTC sẽ góp phần giải quyết những quan điểm bất đồng
về kế toán giữa các quốc gia bởi các môi trường pháp lý, kinh doanh và văn hóa
khác nhau nhằm tạo dựng hệ thống chuẩn mực được chuẩn hóa với chất lượng
cao.
- Hệ thống chuẩn mực BCTC bao gồm các nguyên tắc chung làm nền tảng nhằm
tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng và để đảm bảo về chất lượng thông tin
kế toán.
- Hệ thống chuẩn mực BCTC được xây dựng trên cơ sở chuẩn hóa các nguyên
tắc và điều này làm tăng cường độ tin cậy của thông tin kế toán.
46
- Hệ thống chuẩn mực BCTC làm cơ sở để các kiểm toán viên xác định tính
trung thực và hợp lý của BCTC của tất cả các đơn vị.
- Hệ thống chuẩn mực BCTC cung cấp thông tin chuẩn xác và hữu ích cho tất cả
các đối tượng sử dụng.
4.2. Những nội dung cơ bản của chuẩn mực BCTC quốc tế
4.2.1. Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)
Chuẩn mực kế toán quốc tế được ban hành lần đầu tiên vào năm 1975 bởi IASC. Trong
thời gian hoạt động từ 1973 – 2000, IASC đã ban hành 27 IAS được đánh số từ 1 đến
41. Các chuẩn mực cụ thể như sau:
STT Số hiệu Tên chuẩn mực
01 IAS 1 Trình bày BCTC (Presentation of Financial Statements)
02 IAS 2 Hàng tồn kho (Inventories)
03 IAS 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statements)
04 IAS 8 Chính sách kế toán, sự thay đổi ước tính kế toán và sai sót
(Accounting Policies, Changes in Accounting Estimates and
Errors)
05 IAS 10 Sự kiện phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán (Events after
the Balance Sheet Date)
06 IAS 11 Hợp đồng xây dựng (Construction Contracts)
07 IAS 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp (Income Taxes)
08 IAS 16 Nhà xưởng, máy móc và thiết bị (TSCĐ hữu hình) (Property,
Plant and Equipment)
09 IAS 17 Thuê tài sản (Leases)
10 IAS 18 Doanh thu (Revenue)
11 IAS 19 Phúc lợi của người lao động (Employee Benefits)
12 IAS 20 Kế toán các khoản trợ cấp từ Chính phủ và công bố về sự hỗ trợ
Chính phủ (Accounting for Government Grants and Disclosure of
Government Assistance)
13 IAS 21 Ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá hối đoái (The Effects of Changes
in Foreign Exchange Rates)
14 IAS 23 Chi phí đi vay (Borrowing Costs)
15 IAS 24 Công bố về các bên liên quan (Related Party Disclosures)
16 IAS 26 Kế toán và báo cáo về các quỹ hưu trí (Accounting and Reporting
by Retirement Benefit Plans)
17 IAS 27 BCTC riêng (Separate Financial Statements)
18 IAS 28 Đầu tư liên kết (Investments in Associates)
19 IAS 29 BCTC trong nền kinh tế siêu lạm phát (Financial Reporting in

47
Hyperinflationary Economies)
20 IAS 32 Công cụ tài chính: Trình bày (Financial Instruments:
Presentation)
21 IAS 33 Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (Earnings per Share)
22 IAS 34 BCTC giữa niên độ (Interim Financial Reporting)
23 IAS 36 Tổn thất tài sản (Impairment of Assets)
24 IAS 37 Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng (Provisions,
Contingent Liabilities and Contingent Assets)
25 IAS 38 TSCĐ vô hình (Intangible Assets)
26 IAS 40 Bất động sản đầu tư (Investment Property)
27 IAS 41 Nông nghiệp (Agriculture)
Nguồn: www.ifrs.org

4.2.2. Các chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS)


Như đã trình bày trên, trong xu hướng hội tụ quốc tế về kế toán tiến tới xây dựng hệ
thống chuẩn mực toàn cầu chất lượng cao, song hành với việc tái cấu trúc của tổ chức
IASC thành IASB. IASB bắt đầu ban hành IFRS và đến nay IASB đã ban hành 17
IFRS. Các chuẩn mực cụ thể như sau:
STT Số hiệu Tên chuẩn mực
01 IFRS 1 Áp dụng lần đầu chuẩn mực BCTC quốc tế (First-time Adoption
of International Financial Reporting Standards)
02 IFRS 2 Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu (Share-based Payment)
03 IFRS 3 Hợp nhất kinh doanh (Business Combinations)
04 IFRS 4 Hợp đồng bảo hiểm (Insurance Contracts)
05 IFRS 5 Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và ngừng hoạt động (Non-current
Assets Held for Sale and Discontinued Operations)
06 IFRS 6 Hoạt động thăm dò và đánh giá khoáng sản (Exploration for and
Evaluation of Mineral Assets)
07 IFRS 7 Công cụ tài chính: Công bố (Financial Instruments: Disclosures)
08 IFRS 8 Các bộ phận hoạt động (Operating Segments)
09 IFRS 9 Công cụ tài chính (Financial Instruments)
10 IFRS 10 BCTC hợp nhất (Consolidated Financial Statements)
11 IFRS 11 Các hình thức liên doanh (Joint Arrangements)
12 IFRS 12 Công bố lợi ích trong các doanh nghiệp khác (Disclosure of
Interests in Other Entities)
13 IFRS 13 Đo lường theo giá trị hợp lý (Fair Value Measurement)
14 IFRS 14 Qui định tài khoản hoãn lại (Regulatory Deferral Accounts)
48
15 IFRS 15 Doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng (Revenue from
Contracts with Customers)
16 IFRS 16 Thuê tài sản (Lease)
17 IFRS 17 Hợp đồng bảo hiểm (Insurance Contracts)
Nguồn: www.ifrs.org

Ngoài ra, sau những lần dự thảo từ 2004, ngày 9/7/2009 chuẩn mực IFRS for SMEs đã
được ban hành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp này không niêm
yết với mục đích cung cấp các qui định và nguyên tắc trong việc lập và trình bày BCTC
đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các chủ nợ, nhà đầu tư, các bên trong nội bộ.
Năm 2015, hệ thống chuẩn mực IFRS for SMEs đã được tái bản. Hệ thống IFRS for
SMEs gồm những chuẩn mực cơ bản sau:
STT Phần Tên các phần
01 Phần 1 Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium-sized Entities)
02 Phần 2 Khái niệm và nguyên tắc phổ biến (Concepts and Pervasive
Principles)
03 Phần 3 Trình bày BCTC (Financial Statement Presentation)
04 Phần 4 Bảng cân đối kế toán (Statement of Financial Position)
05 Phần 5 Báo cáo thu nhập tổng hợp và báo cáo thu nhập (Statement of
Comprehensive Income and Income Statement)
06 Phần 6 Báo cáo tình hình thay đổi vốn và báo cáo thu nhập tổng hợp, tiền
lời giữ lại (Statement of Changes in Equity and Statement of
Comprehensive Income and Retained Earnings)
07 Phần 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Statement of Cash Flows)
08 Phần 8 Thuyết minh trên BCTC (Notes to the Financial Statements)
09 Phần 9 BCTC hợp nhất và BCTC riêng (Consolidated and Separate
Financial Statements)
10 Phần 10 Chính sách kế toán, ước tính và sai sót (Accounting Policies,
Estimates and Errors)
11 Phần 11 Công cụ tài chính cơ bản (Basic Financial Instruments)
12 Phần 12 Ban hành công cụ tài chính bổ sung (Additional Financial
Instruments Issues)
13 Phần 13 Hàng tồn kho (Inventories)
14 Phần 14 Đầu tư liên kết (Investments in Associates)
15 Phần 15 Đầu tư liên doanh (Investments in Joint Ventures)
16 Phần 16 Bất động sản đầu tư (Investment Property)
17 Phần 17 Nhà xưởng, máy móc và thiết bị (TSCĐ hữu hình) (Property,

49
Plant and Equipment)
18 Phần 18 TSCĐ vô hình khác với lợi thế thương mại (Intangible Assets
other than Goodwill)
19 Phần 19 Hợp nhất kinh doanh và lợi thế thương mại (Business
Combinations and Goodwill)
20 Phần 20 Thuê tài sản (Leases)
21 Phần 21 Dự phòng và các khoản tiềm tàng (Provisions and Contingencies)
22 Phần 22 Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (Liabilities and Equity)
23 Phần 23 Doanh thu (Revenue)
24 Phần 24 Trợ cấp chính phủ (Government Grants)
25 Phần 25 Chi phí đi vay (Borrowing Costs)
26 Phần 26 Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu (Share-based Payment)
27 Phần 27 Tổn thất tài sản (Impairment of Assets)
28 Phần 28 Lợi ích của người lao động (Employee Benefits)
29 Phần 29 Thuế thu nhập (Income Tax)
30 Phần 30 Chuyển đổi đồng tiền ngoại tệ (Foreign Currency Translation)
31 Phần 31 Siêu lạm phát (Hyperinflation)
32 Phần 32 Sự kiện sau ngày kết thúc kỳ báo cáo (Events after the End of the
Reporting Period)
33 Phần 33 Công bố các bên liên quan (Related Party Disclosures)
34 Phần 34 Hoạt động đặc thù (Specialised Activities)
35 Phần 35 Chuyển đổi chuẩn mực BCTC cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Transition to the IFRS for SMEs)
Nguồn: www.ifrs.org

4.2.3. Các hướng dẫn chuẩn mực (IFRS Interpretations)


Các hướng dẫn, giải thích nhằm bổ sung nội dung chưa được đề cập cụ thể trong chuẩn
mực. Các hướng dẫn ban đầu với tên gọi là SIC, khi chuyển đổi từ IASC thành IASB,
được đổi tên thành IFRIC. Các hướng dẫn được ban hành bởi IFRIC là tiền thân của
IFRS Interpretations Committee. Các hướng dẫn cụ thể:
STT Số hiệu Tên hướng dẫn, giải thích
SIC
01 SIC 7 Giới thiệu đồng Euro (Introduction of the Euro)
02 SIC 10 Trợ cấp của Chính phủ – Không có quan hệ cụ thể với hoạt động
kinh doanh (Government Assistance- No Specific Relation to
Operating Activities)
03 SIC 15 Thuê hoạt động – Các ưu đãi (Operating Leases- Incentives)
50
04 SIC 25 Thuế thu nhập doanh nghiệp – Thay đổi tình trạng thuế của
doanh nghiệp hoặc cổ đông (Income Taxes- Changes in the Tax
Status of an Entity or its Shareholders)
05 SIC27 Đánh giá bản chất của giao dịch hợp đồng liên quan đến hình
thức pháp lý của thuê tài chính (Evaluating the Substance of
Transactions Involving the Legal Form of a Lease)
06 SIC 29 Công bố - Các hợp đồng nhượng quyền dịch vụ (Service
Concession Arrangements Disclosures)
07 SIC 31 Doanh thu – Nghiệp vụ trao đổi liên quan đến dịch vụ quảng cáo
(Revenue—Barter Transactions Involving Advertising Services)
08 SIC 32 Tài sản vô hình – Giá gốc của website (Intangible Assets -
Website Costs)
IFRIC
01 IFRIC 1 Thay đổi các khoản nợ hiện hành do nghĩa vụ phải thanh lý,
phục hồi tài sản cố định và các khoản nợ tương tự (Changes in
Existing Decommissioning Restoration and Similar Liabilities)
02 IFRIC 2 Cổ phần của thành viên hợp tác xã và các công cụ tương tự
(Members’ Shares in Co-operative Entities and Similar
Instruments)
03 IFRIC 4 Xác định một hợp đồng có bao gồm hoạt động thuê hay không
(Determining whether an Arrangement contains a Lease)
04 IFRIC 5 Quyền có lợi ích trong các quỹ về thanh lý, phục hồi và tái tạo
môi trường (Rights to Interests arising from Decommissioning,
Restoration and Environmental Rehabilitation Funds)
05 IFRIC 6 Nghĩa vụ phát sinh khi tham gia thị trường đặc biệt – Thiết bị
điện và điện tử phế thải (Liabilities arising from Participating in
a Specific Market—Waste Electrical and Electronic Equipment)
06 IFRIC 7 Áp dụng phương pháp điều chỉnh BCTC theo IAS 29 – BCTC
trong điều kiện nền kinh tế siêu lạm phát (Applying the
Restatement Approach under IAS 29 Financial Reporting in
Hyperinflationary Economies)
07 IFRIC 9 Đánh giá lại công cụ phái sinh (Reassessment of Embedded
Derivatives)
08 IFRIC 10 BCTC giữa niên độ và tổn thất tài sản (Interim Financial
Reporting and Impairment)
09 IFRIC 12 Hợp đồng nhượng quyền dịch vụ (Service Concession
Arrangements)

51
10 IFRIC 13 Chương trình ưu đãi khách hàng (Customer Loyalty
Programmes)
11 IFRIC 14 IAS 19: Giới hạn trên tài sản về phúc lợi của người lao động, yêu
cầu tài trợ tối thiểu và mối quan hệ hỗ tương (IAS 19- The Limit
on a Defined Benefit Asset, Minimum Funding Requirements and
their Interaction)
12 IFRIC 15 Thỏa thuận về xây dựng bất động sản (Agreements for the
Construction of Real Estate)
13 IFRIC 16 Dự phòng rủi ro đối với khoản đầu tư thuần vào hoạt động kinh
doanh ở nước ngoài (Hedges of a Net Investment in a Foreign
Operation)
14 IFRIC 17 Phân phối tài sản phi tiền tệ cho chủ sở hữu (Distributions of
Non-cash Assets to Owners)
15 IFRIC 18 Chuyển nhượng tài sản từ phía khách hàng (Transfers of Assets
from Customers)
16 IFRIC 19 Thanh toán nợ tài chính bằng công cụ vốn (Extinguishing
Financial Liabilities with Equity Instruments)
17 IFRIC 20 Chi phí trong ngành khai khoáng (Stripping Costs in the
Production Phase of a Surface Mine)
18 IFRIC 21 Thuế (Levies)
19 IFRIC 22 Nghiệp vụ tỷ giá hối đoái và xem xét các khoản ứng trước
(Foreign Currency Transactions and Advance Consideration)
20 IFRIC 23 Những khoản chưa chắc chắn đối với hạch toán thuế thu nhập
(Uncertainty over Income Tax Treatments)
Nguồn: www.ifrs.org

Tóm tắt chương 4


Hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế bao gồm các CMKT và chuẩn mực BCTC quốc tế
cũng như các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực. Hệ thống IAS/IFRS bao gồm những
nguyên tắc và các qui định kế toán trong việc lập và trình bày BCTC.
Chuẩn mực BCTC có vai trò quan trọng trong thực tiễn nghề nghiệp kế toán nói riêng
và hoạt động kinh tế nói chung. Vai trò của chuẩn mực BCTC càng có ý nghĩa hơn khi
xu thế hội tụ kế toán quốc tế đáp ứng tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
Chuẩn mực kế toán quốc tế được ban hành lần đầu tiên vào năm 1975 bởi IASC. Trong
thời gian hoạt động từ 1973 – 2000, IASC đã ban hành 27 IAS được đánh số từ 1 đến
41. Trong xu hướng hội tụ quốc tế về kế toán IASB bắt đầu ban hành IFRS và đến nay

52
IASB đã ban hành 17 IFRS. Bên cạnh đó, sau những lần dự thảo ngày 9/7/2009 chuẩn
mực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành (IFRS for SMEs) và hệ thống
chuẩn mực này được tái bản năm 2015. Ngoài ra, các hướng dẫn, giải thích nhằm bổ
sung nội dung chưa được đề cập cụ thể trong chuẩn mực.

Câu hỏi & bài tập chương 4


Câu hỏi trắc nghiệm
Chọn câu trả lời đúng hay sai và giải thích:
1. Hệ thống IAS/IFRS được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp?
2. Các IAS/IFRS được ban hành trên cơ sở của IFRS Foundation?
3. Một doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng hệ thống IAS/IFRS hoặc IFRS for SMEs?
4. IFRS là chuẩn mực được ban hành để hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo
cáo tài chính?
5. Hệ thống IAS/IFRS áp dụng cho các công ty niêm yết và IFRS for SMEs áp dụng cho
các công ty không niêm yết?
Đánh dấu (x) vào câu trả lời đúng:
6. Các hướng dẫn kế toán được ban hành nhằm:
a. Hướng dẫn tất cả hệ thống IAS/IFRS
b. Hướng dẫn các vấn đề phát sinh khi chưa được trình bày trong các chuẩn mực cụ thể
c. Giải thích những nội dung cần làm rõ đối với từng chuẩn mực
d. Tất cả các câu trên đều đúng
7. IFRS for SMEs được áp dụng đối với:
a. Các công ty niêm yết
b. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa
c. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không niêm yết
d. Tất cả các loại hình doanh nghiệp
8. Hệ thống IFRS tiếp cận trên cơ sở:
a. Nguyên tắc (principles-based approach)
b. Các qui định (rules-based approach)
c. Cả nguyên tắc và qui định
d. Cả nguyên tắc, qui định và các yêu cầu của kế toán
9. Đối với IAS và IFRS ban hành đầu tiên vào năm nào?
a. Năm 1973 (đối với IAS) và năm 2001 (đối với IFRS)
b. Năm 1975 (đối với IAS) và năm 2001 (đối với IFRS)
c. Năm 1975 (đối với IAS) và năm 2010 (đối với IFRS)
d. Các câu trên đều sai
10. Hệ thống IAS/IFRS:
a. Các IAS và IFRS
53
b. Khuôn mẫu lý thuyết kế toán cũng như các IAS và IFRS
c. Khuôn mẫu lý thuyết kế toán, các IAS và IFRS và các giải thích, hướng dẫn chuẩn
mực.
d. Các câu trên đều sai
Câu hỏi lý thuyết
1. Anh (chị) có thể chọn một tiêu chí cụ thể để phân loại các IAS, IFRS theo từng nhóm
liên quan?
2. Việc đánh số thứ tự của các IAS, IFRS hay IFRIC có tuân theo tiêu chí hay qui định
cụ thể nào không?
3. Trong từng IAS bao gồm những vấn đề gì? Các vấn đề được trình bày trong từng IAS
có sự khác biệt so với IFRS? Trình bày dẫn chứng cụ thể?
4. Tại sao không được gọi tên thống nhất là IAS hoặc IFRS mà có sự tách biệt? Sự khác
biệt này có ảnh hưởng đến việc ban hành chuẩn mực trong tương lai? Theo anh (chị), có
cần thiết tiến tới việc thống nhất về tên gọi chuẩn mực quốc tế?
5. Mục đích của việc ban hành các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực?
6. Nếu một vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa được qui định bởi các nội dung
trong chuẩn mực thì IASB sẽ ban hành hướng dẫn để giải thích vấn đề?
7. Theo qui định, IFRS for SMEs được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như
vậy các IAS, IFRS áp dụng cho các doanh nghiệp có qui mô lớn?
8. Tại sao một số chuẩn mực IAS/IFRS được ban hành nhưng không áp dụng đối với
IFRS for SMEs?
9. Anh (chị) có thể chọn một chuẩn mực được ban hành cho cả IAS/IFRS và IFRS for
SMEs. So sánh sự khác nhau về nội dung? Sự khác biệt cơ bản ở vấn đề nào?
10. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp có áp dụng hệ thống IAS/IFRS hay IFRS
for SMEs không? Nếu không, các đơn vị hành chính sự nghiệp áp dụng hệ thống chuẩn
mực nào? Đối với hoạt động ngân hàng được thực hiện như thế nào?
11. So sánh số lượng và nội dung cơ bản các chuẩn mực của hệ thống IAS/IFRS và
IFRS for SMEs?
12. Giải thích việc IASB tách IAS 25 trước đây với tên gọi là BCTC riêng và BCTC
hợp nhất (Separate and Consolidated Financial Statements) thành IFRS 10 – Báo cáo
tài chính hợp nhất (Consolidated Financial Statements) và IAS 25 hiện nay với tên gọi
là BCTC riêng (Separate Financial Statements)?
13. Giải thích nguyên do của việc chỉnh sửa IAS 39 trước đây với tên gọi Công cụ tài
chính: ghi nhận và đánh giá (Financial Instruments: Recognition and Measurement)
thành IFRS 9 - Công cụ tài chính (Financial Instruments)?
Bài tập tình huống
Bài 4.1

54
Doanh nghiệp Steel Ltd. là đơn vị sản xuất thép, trong kỳ công ty đầu tư xây dựng khu
xử lý nước thải giá trị là 100.000USD. Theo thiết kế, công trình có thời hạn sử dụng 5
năm. Tuy nhiên kế toán công ty có những quan điểm trái chiều trong việc ghi sổ kế
toán, cụ thể:
- Quan điểm 1, công trình này được ghi nhận như tài sản cố định và được tính khấu hao
như các tài sản cố định khác của công ty.
- Quan điểm 2, công trình này không thu được lợi ích kinh tế trong tương lai cho công
ty nên không thể ghi nhận như tài sản cố định mà ghi nhận khoản chi phí trả trước và
sau đó phân bổ theo thời gian sử dụng.
- Quan điểm 3, công trình này không những không thu được lợi ích kinh tế trong tương
lai mà cũng không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nên không
được ghi sổ kế toán.
Yêu cầu
Nội dung trên thể hiện trong chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Hãy trình bày lập luận quan điểm riêng của anh (chị)?
Bài 4.2
Công ty McDold Co. là đơn vị thương mại, trong tháng 12 năm 20X0 công ty đã ký
hợp đồng bán lô hàng cho công ty Mike giá trị 100.000USD và đồng thời ký hợp đồng
mua lại toàn bộ lô hàng vào đầu năm sau. Giao dịch bán hàng này đã được thực hiện
trong năm 20X0.
Yêu cầu
Nội dung trên thể hiện trong chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Theo anh (chị), vấn đề này được xử lý như thế nào?
Bài 4.3
Công ty LV Co. là đơn vị thương mại, trong năm 20X0 công ty áp dụng phương pháp
nhập trước xuất trước (FIFO) để xác định trị giá xuất hàng tồn kho nhưng trong năm
20X1, công ty thay đổi bằng phương pháp bình quân sau mỗi lần nhập (có trọng số).
Tuy nhiên, theo tính toán của công ty nếu công ty áp dụng theo phương pháp FIFO thì
giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tăng 200.000 USD.
Yêu cầu
Nội dung trên thể hiện trong chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Theo anh (chị), công ty có được thay đổi chính sách kế toán không? Nếu được,
giải quyết vấn đề này ra sao?
Bài 4.4
Tập đoàn năng lượng UK chuyên khai thác dầu khí, phát sinh các khoản chi phí liên
quan các dự án như sau:
- Dự án 1: công ty khai thác dầu và tìm được nguồn dầu khí ước tính trữ lượng
1.000.000 tấn khí (giá trị 1,000,000,000USD). Chi phí để tìm kiếm nguồn dầu khí này
55
kéo dài 3 năm là 800.000USD, tương ứng năm 1: 250.000USD, năm 2: 400.000USD và
năm nay là 150.000USD.
- Dự án 2: công ty khai thác dầu và chi phí để tìm kiếm nguồn dầu khí này kéo dài 2
năm là 500.000USD, tương ứng năm 1: 200.000USD và năm nay là 300.000USD. Theo
khảo sát, kết quả không như mong đợi, không tìm được bất cứ nguồn dầu khí nào.
Yêu cầu
Nội dung trên thể hiện trong chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Công ty UK cor. sẽ ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.5
FW Group sản xuất rượu nho trong qui trình khép kín. Theo qui trình thời gian bắt đầu
cho đến sản phẩm hoàn tất là 10 năm. Biết rằng, tình hình hoạt động kinh doanh của
công ty như sau:
- Chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm là 750.000USD.
- Trong nguồn vốn hoạt động của công ty cần phải đảm bảo hàng năm là 1.000.000
USD, do đó công ty không đáp ứng đủ năng lực vốn mà phải vay một phần vốn từ ngân
hàng. Theo thông tin của kế toán, trong 5 năm đầu vốn của công ty đảm bảo 80% và vay
ngân hàng là 20%, tuy nhiên từ năm thứ 6 trở đi khoản vay này được sử dụng cho dự án
kinh doanh về bất động sản.
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Công ty FW Group ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.6
Công ty FC đang xây dựng 2 phần mềm quản lý tự động cho công ty liên quan đến sản
xuất và bán hàng, thông tin cụ thể như sau:
- Dự án về phần mềm sản xuất, các chi phí phát sinh liên quan sau 2 năm là
150.000USD, riêng trong năm nay là 40.000USD.
- Dự án về phần mềm bán hàng, các chi phí phát sinh liên quan sau 2 năm là
100.000USD, riêng trong năm nay là 25.000USD.
Vào cuối năm tài chính, Hội đồng đã tiến hành nghiệm thu dự án phần mềm sản xuất và
đưa vào sử dụng. Chi phí triển khai để đưa vào sản xuất là 20.000USD và thời gian sử
dụng hữu ích là 10 năm. Riêng dự án phần mềm bán hàng, Hội đồng quyết định kết thúc
dự án do không khả thi.
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Công ty FC ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.7
Công ty ABC mua lại công ty XYZ với giá trị là 1.000.000 USD, thông tin về tài chính
của công ty XYZ tại ngày mua là:
56
Tài sản ngắn hạn 400.000USD Nợ phải trả 200.000 USD
Tài sản dài hạn 550.000USD Vốn chủ sở hữu 750.000USD
Tổng tài sản 950.000USD Tổng nguồn vốn 950.000USD
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Công ty ABC ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.8
Công ty XYZ sáp nhập với công ty ABC, sau khi sáp nhập để hình thành công ty ABC,
thông tin về tài chính của công ty XYZ tại ngày mua sáp nhập là:
Nội dung Giá trị sổ kế toán Giá trị hợp lý
Tài sản, trong đó: 300.000 350.000
- Hàng tồn kho 100.000 180.000
- TSCĐ hữu hình 200.000 170.000
Nợ phải trả 50.000 50.000
Vốn chủ sở hữu 250.000 250.000
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực nào?
Công ty XYZ ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.9
Đài truyền hình ATV nhận hợp đồng quảng cáo cho công ty H&H với giá trị là
60.000USD tương ứng thời gian 6 tháng. Hợp đồng quảng cáo này với tần suất phát
sóng đều nhau qua các tháng gồm 3 tháng cuối năm (tháng 10, 11, 12) và 3 tháng cho
đầu năm sau (tháng 1, 2, 3). Theo hợp đồng, H&H phải chuyển đủ toàn bộ số tiền cho
đài truyền hình ATV trước ngày phát sóng đầu tiên.
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Đài truyền hình ATV ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?
Bài 4.10
Công ty C&C chuẩn bị thành lập, các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình thành lập
công ty là 20.000USD. Sau khi các thủ tục đã hoàn tất, công ty đã đi vào hoạt động.
Yêu cầu
Nội dung kinh tế trên liên quan đến chuẩn mực IAS/IFRS nào?
Công ty C&C ghi nhận các nội dung kinh tế trên như thế nào?

Tài liệu tham khảo


1. IASC Foundation, 2009. Int ernational Financial Reporting Standard for Small and
Medium-sized Entities (IFRS for SMEs)
2. IASC Foundation, 2010. International Financial Reporting Standard – Part A
57
3. Mergenthaler, 2009. Principles-based versus Rules-based Standards and Earnings
Management. Working paper, University of Iowa
4. Jaraf, 2007. Can Global Standards Be Principle-based?
5. www.ifrs.org

58

You might also like