You are on page 1of 16

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SINH VIÊN KẾ TOÁN- KIỂM

TOÁN VIỆT NAM KHI THEO ĐUỔI CHỨNG CHỈ NGHỀ NGHIỆP
QUỐC TẾ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP.

Trần Thị Trà My

Nguyễn Hồng Anh

Phạm Thị Vân Anh

Lớp K22CLCG Khoa Kế toán Kiểm toán

Tóm tắt báo cáo

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, giáo dục Việt Nam trong thời gian qua đã
có những đổi mới không ngừng cho phù hợp với xu thế hội nhập thế giới, điển hình là
tại các trường đại học Việt Nam đã áp dụng tích hợp giảng dạy chuyên sâu các chứng
chỉ hành nghề quốc tế theo chuẩn mực IFRS giúp sinh viên đạt được nhiều kiến thức
chuyên ngành hơn. Là sinh viên đang theo học chứng chỉ quốc tế, chúng tôi nhận thấy
rõ những cơ hội mà mình đã và đang tích lũy được cũng như những khó khăn, gian
truân mà hầu hết các sinh viên Việt Nam đều gặp phải. Do đó, bằng phương pháp
nghiên cứu định tính và ứng dụng, bài nghiên cứu này sẽ phân tích thực trạng đào tạo
Kế toán- Kiểm toán theo chứng chỉ hành nghề quốc tế tại thị trường Việt Nam, phần
tiếp theo tập trung khai thác những cơ hội và thách thức mà sinh viên Việt Nam gặp
phải khi đang theo đuổi chứng chỉ nghề nghiệp theo chuẩn mực quốc tế là gì? Cuối
cùng, nhóm tác giả đề xuất những giải pháp khả thi nhất có thể nhằm góp phần tháo
gỡ những khó khăn, giúp cải thiện tốt hơn trong giảng dạy, đào tạo sinh viên Việt Nam
và hơn bao giờ hết là bước đệm tạo điều kiện sinh viên Việt Nam nỗ lực phát triển bản
thân khi hướng tới đấu trường quốc tế.

Từ khoá: Cơ hội và thách thức, chứng chỉ hành nghề, chuẩn mực IFRS, giải pháp
khắc phục khó khăn.
1. GIỚI THIỆU CHUNG

Hoà nhập với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, lĩnh vực kế
toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia. Để phù hợp
với yêu cầu đa dạng và ngày càng khắt khe của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư
và sự cạnh tranh của thị trường lao động trong và ngoài nước, các quốc gia thường
khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp lựa chọn Chuẩn mực lập báo cáo tài chính
quốc tế (IFRS) khi lập và trình bày báo cáo tài chính. Hiện nay, Chuẩn mực lập báo
cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang được triển khai rộng rãi trên toàn cầu và tiến tới áp
dụng phổ biến tại Việt Nam. IFRS được xây dựng thông qua Hội đồng chuẩn mực kế
toán quốc tế - IASB (International Accounting Standards Board). Ngày 16/03/2020,
Bộ trưởng Bộ tài chính ký quyết định phê duyệt "Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài
chính tại Việt Nam" nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực báo cáo tài chính
Việt Nam mới (VFRS) theo hướng IFRS từ sau năm 2025.

Chương trình đào tạo của nhiều trường Đại học cũng được xây dựng theo cách
hướng đến tính liên thông với các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp
quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia, CIMA,… nhằm giúp sinh viên nâng cao
vị thế của bản thân, được trang bị những kiến thức chuyên môn cơ sở và rèn luyện các
kỹ năng mềm cũng như tạo sự khác biệt cho bản thân phát triển nghề nghiệp một cách
thuận tiện. Dẫu vậy, số lượng kế toán, kiểm toán viên nói chung và sinh viên khoa Kế
toán- Kiểm Toán tại Việt Nam nói riêng vẫn còn hạn chế về việc nắm vững các thông
lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế, khả năng tư duy tích lũy am hiểu các vấn đề toàn cầu
còn hẹp và thiếu sót, khó hội nhập sâu rộng với kế toán, kiểm toán quốc tế. Đặc biệt,
trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, việc nghiên cứu các cơ hội sẵn có cũng
như trở ngại tiềm ẩn của sinh viên khi sở hữu chứng chỉ kế toán quốc tế là hết sức cần
thiết và cấp bách. Chính vì lẽ đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu và phân tích về
những cơ hội và thách thức đối với sinh viên khoa Kế toán- Kiểm toán tại Việt Nam
khi theo đuổi chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế trong thời kỳ hội nhập để có một cái nhìn
bao quát hơn về thực trạng tại quốc gia mình.Từ đó, nhóm tác giả đưa ra những đề
xuất nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phổ biến hóa Chương trình đào
tạo kế toán theo chứng chỉ quốc tế tại Việt Nam. 

2. LÝ THUYẾT CHỨNG CHỈ NGHỀ NGHIỆP


Môi trường kinh doanh toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang trải qua
giai đoạn toàn cầu hóa rộng lớn với những bước tiến kỹ thuật vượt bậc và chính điều
này đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong các yêu cầu về các kỹ năng cần có của các
sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán (Coetzee & Schmulian 2012). Tuy nhiên có rất
nhiều các nghiên cứu trên thế giới cũng nhận định rằng những người hành nghề kế
toán kiểm toán hiện có kiến thức khá thấp về IFRS (Alkahtani (2010), AlMotairy and
AlTorky (2012). Dựa vào thông tin mà nhóm nghiên cứu tìm hiểu được thì IFRS là từ
viết tắt của International Financial Reporting Standards, dịch ra tiếng Việt là Chuẩn
mực Báo cáo tài chính quốc tế. Đây là tên gọi của một hệ thống các chuẩn mực kế toán
do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), một cơ quan trực thuộc IFRS
Foundation (Quỹ IFRS) ban hành với mục đích tạo ra một “ngôn ngữ” toàn cầu chung
về kế toán, giúp cho các Báo cáo tài chính được trình bày nhất quán, minh bạch, tin
cậy và dễ dàng so sánh với nhau không phân biệt lĩnh vực, quốc gia hay vùng lãnh thổ.
Để tăng thêm sự hiểu biết về IFRS thì việc theo đuổi những chứng chỉ nghề nghiệp
quốc tế chuyên nghiệp là điều cần thiết

Chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế thể hiện sự công nhận của một Hiệp hội nghề nghiệp
uy tín, được phê duyệt thành lập bởi các cơ quan chuyên môn cấp quốc gia, khẳng
định kiến thức và kĩ năng chuyên môn của người học ở một lĩnh vực và cấp độ nhất
định. Với lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán, hiện nay những chứng chỉ nghề nghiệp quốc
tế phổ biến như là:

2.1 ICAEW ACA

ICAEW ACA (Institute of Chartered Accountant in England and Wales) là chứng


chỉ kế toán quốc tế được Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales
cấp. ICAEW có trụ sở chính ở London, UK. Tính đến nay ICAEW đã thành lập được
141 năm và là một trong những bằng cấp kế toán quốc tế danh giá và được nhiều
người săn đón nhất. ICAEW có hơn 140.000 hội viên chính thức phân bố trên 165
quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2006, ICAEW được Ủy Ban Châu Âu chọn là đơn vị
nghiên cứu và triển khai áp dụng IFRS trên toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh
Châu Âu.   

2.2 ACCA (Certified Public Accountant)


 ACCA là chứng chỉ kế toán quốc tế do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc
cấp. Trải qua 117 năm hình thành và phát triển, hiệp hội đã mang đến cho giới tài
chính kinh doanh tấm bằng kiểm toán quốc tế chuyên nghiệp, được công nhận rộng rãi
trên toàn thế giới. Theo một số báo cáo, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc có
tốc độ phát triển nhanh và lớn nhất thế giới với hơn 170.000 hội viên và 436.000 học
viên phân bố tại 183 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để cầm trên tay chứng chỉ kiểm toán
danh giá này, học viên phải vượt qua 14 môn học của chương trình và có 3 năm làm
việc trong lĩnh vực liên quan. 

2.3.Chứng chỉ CPA Úc. 

CPA Úc là chứng chỉ kế toán quốc tế dành cho kiểm toán viên hành nghề tại Úc
nhưng được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Đây là chứng chỉ kiểm toán quốc tế
dành cho kiểm toán viên hành nghề tại Úc. Tuy nhiên đây là chứng chỉ kiểm toán uy
tín và có giá trị tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Nhân viên kiểm toán sở hữu chứng
chỉ CPA hoàn toàn có đủ điều kiện để làm việc tại Mỹ, Anh hay Hong Kong. Điều
kiện để đăng ký theo học CPA là học viên phải làm hồ sơ xét duyệt. 

2.4Chứng chỉ CIA

 Thời gian học và lấy chứng chỉ CIA khá ngắn. Đây là chứng chỉ kiểm toán được
cấp bởi Hiệp Hội Kiểm Toán Nội Bộ IIA. Đây là tổ chức duy nhất được thế giới công
nhận về kiểm toán nội bộ. Được thành lập năm 1941, hiện CIA đã có hơn 180.000 hội
viên phân bố tại hơn 190 quốc gia. CIA được đánh giá chứng chỉ kế toán đáng tin cậy
trong việc đánh giá năng lực chuyên môn kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro doanh
nghiệp. Đối tượng mà CIA hướng đến là những nhân viên kiểm toán nội bộ, người làm
việc trong lĩnh vực kế toán, sinh viên năm cuối có ý định làm kiểm toán nội bộ. Đặc
biệt, thời gian học và lấy chứng chỉ CIA khá ngắn, chỉ khoảng 5 tháng là có thể hoàn
thành. 

    Có thể nói, chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cùng với bộ chuẩn mực báo cáo tài
chính quốc tế (IFRS) là một trong những định hướng có thể giúp sinh viên Kế toán -
Kiểm toán tiếp cận với nghề nghiệp dễ dàng hơn. 
3. Thực trạng của việc tiếp cận chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế của sinh viên Việt
Nam hiện nay.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ tài chính kế toán - kiểm toán của Việt
Nam đã hội nhập sâu rộng với khu vực, quốc tế và chịu nhiều tác động từ việc cam kết
mở cửa, đặc biệt là Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong
ASEAN. Thỏa thuận này cho phép những người hành nghề kế toán - kiểm toán được
di chuyển, hoạt động tự do trong cộng đồng ASEAN.

 Năm 2019, thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ, thị trường dịch vụ kế toán và
kiểm toán thống nhất đang hình thành trong khu vực ASEAN sẽ làm thay đổi rất lớn
sự nhận thức của người làm kế toán kiểm toán Việt Nam đối với việc tiếp cận chứng
chỉ hành nghề quốc tế. Cùng với đó, thị trường đào tạo kế toán - kiểm toán Việt Nam
đang phát triển khá sôi động. Sự phát triển tất yếu này xuất phát từ yêu cầu của nền
kinh tế, từ thực tế phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán, thị
trường tài chính cũng như xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Những tổ chức
đào tạo kế toán - kiểm toán hàng đầu thế giới đã hoạt động tại Việt Nam, các đơn vị
đào tạo về kế toán - kiểm toán trong nước về chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cũng
không ngừng gia tăng về số lượng. Với sự phát triển của lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán
như hiện nay nhưng theo khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, từ các
trường Đại học Kế toán - Kiểm toán lớn và có uy tín của Việt Nam cho thấy có tới 2/3
trả lời chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao mà
phải được đào tạo, hướng dẫn lại (Phan Thanh Hải & Nguyễn Phi Sơn, 2016). Trước
thực trạng trên, nỗ lực đổi mới phương pháp đào tạo của lãnh đạo các trường đại học
nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các đòi hỏi thực tiễn của
thời đại mới đã góp phần khắc phục tình trạng trên. Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục,
trong đó có các trường đại học, nghiên cứu về sự hài lòng của sinh viên đối với các
dịch vụ, chương trình đào tạo của trường là bằng chứng về hiệu quả của hệ thống giáo
dục, giúp hệ thống kịp thời có những điều chỉnh hợp lý để ngày càng tạo ra mức độ hài
lòng cao hơn của những đối tượng được phục vụ. Riêng đối với những chương trình
đào tạo mới, đang trong quá trình áp dụng đối với một số hệ như chất lượng cao, quốc
tế, việc tìm hiểu mức độ hài lòng của sinh viên trở nên cần thiết để các chương trình
này có thể được áp dụng một cách rộng rãi, hiệu quả. Chính điều này đã tạo điều kiện
thuận lợi cho nhiều sinh viên theo học các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế chuyên
nghiệp và có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

4. Cơ hội đối với sinh viên khi theo đuổi chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế:

Một sinh viên với trình độ học vấn cao đã từng được coi là một ứng viên sáng giá
trong mắt nhà tuyển dụng. Yếu tố trình độ học vấn đã từng được coi là một yếu tố
quan trọng tuy nhiên thị trường lao động ngày càng có những đòi hỏi về nguồn nhân
lực chất lượng cao. Sinh viên với những con số GPA chưa phản ánh được đúng những
năng lực của bản thân do chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học trên cả nước là
không đồng đều. Hơn nữa, lượng kiến thức mà sinh viên thu được trên giảng đường
đại học mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hỗ trợ cho sinh viên trong công việc
khi các lĩnh vực đang không ngừng phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều này
đã dẫn tới một thực trạng đáng buồn là khi ra trường sinh viên tuy có thể nắm vững lý
thuyết chuyên môn nhưng lại không hoặc có rất ít kinh nghiệm thực tế hay kỹ năng
nghề nghiệp. Để khắc phục được tình trạng trên hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã có xu
hướng lựa chọn chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế chuyên nghiệp như ACCA, ICAEW,
CPA Australia,... mở ra những cơ hội mới giúp hoàn thiện bản thân trên con đường sự
nghiệp trong tương lai. 

Thứ nhất, các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế chuyên nghiệp hiện nay được phát
triển dựa trên việc khảo sát ý kiến từ các chuyên gia tài chính, kế toán và nhà tuyển
dụng quốc tế. Vì vậy, các chứng chỉ này nhận được sự tín nhiệm của nhà tuyển dụng
khắp thế giới. Chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế giống như một tấm vé thông hành giúp
sinh viên bước những bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp. Tham gia khóa học lấy
chứng chỉ quốc tế chính là cánh cửa mở ra những cơ hội nghề nghiệp không chỉ tại
Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có thể kể đến chứng chỉ ACCA có quan hệ hợp
tác chặt chẽ với hơn 7600 nhà tuyển dụng đối tác có tên tuổi và tiêu chuẩn cao về đào
tạo, phát triển nhân viên trong lĩnh vực kế toán - tài chính và 80 hiệp hội tài chính kế
toán trên toàn thế giới. Hay một trong những chương trình đáng chú ý trong năm qua
là ICAEW đã hợp tác với PwC Malaysia và STES - thành viên Tập đoàn giáo dục
Sunway Malaysia - để phát triển đội ngũ nhân lực trẻ Việt Nam thông qua việc cung
cấp cơ hội được đào tạo Chương trình ACA của ICAEW tại STES. Các sinh viên trúng
tuyển sẽ được tài trợ toàn bộ tài chính cho tất cả các môn học cấp độ chuyên nghiệp
của Chương trình ICAEW ACA. Các ứng viên được lựa chọn sẽ có cơ hội được đào
tạo và làm việc tại Malaysia trong hai năm trước khi trở về tiếp tục làm việc tại PwC
Việt Nam. ICAEW đã phối hợp cùng KPMG ký kết Thỏa thuận hợp tác với 4 trường
đại học để triển khai trong 3 năm quỹ học bổng dành cho 20 sinh viên xuất sắc mỗi
năm ở mỗi trường đại học. Các sinh viên đủ điều kiện sẽ được tài trợ để học Chương
trình CFAB và có cơ hội thực tập và làm việc tại KPMG.

Thứ hai, việc có kiến thức về tài chính, kế toán gần như là điều bắt buộc đối với các
vị trí quản lý cấp cao như giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO), kiểm
toán viên (Auditor) , tư vấn thuế  (Tax Advisor) , trưởng phòng tài chính (Head of
department)/ quản trị doanh nghiệp, các vị trí kiểm soát, quản lý ngân sách, các vị trí
chủ chốt tại các ngân hàng (CFO, Risk Management, trưởng phòng Treasury)... theo
ông Giles, Phó giám đốc điều hành công ty tư vấn và quản lý nhân sự Investigo – UK
cho biết: “Ngày nay bất cứ ai mong muốn có sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính và đạt
được những vị trí quản lý cấp cao đều cần có kiến thức về kế toán và tài chính. Bằng
cấp ACCA được các nhà tuyển dụng đánh giá cao vì nó đảm bảo cho nhà tuyển dụng
về mặt kiến thức chuyên môn. Khi được kết hợp với kinh nghiệm làm việc, nó là chìa
khóa giúp nhà tuyển dụng xác định bạn có phải là ứng viên phù hợp. Tại các nước phát
triển với hệ thống tài chính chuyên nghiệp, bằng cấp kế toán chuyên nghiệp được coi
là tiêu chuẩn để cạnh tranh, nhà tuyển dụng sẽ hỏi thăm bạn mất bao lâu để hoàn thành
chương trình ACCA, vì vậy tôi khuyên bạn nên hoàn thành bài kiểm tra càng sớm
càng tốt để đảm bảo sự phát triển nghề nghiệp và nhận mức tiền lương tối đa”.Có thể
thấy khi đạt được chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế là bằng chứng  cho việc sở hữu các
kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, kế toán và là một trong những điều kiện
cần để đáp ứng những nhu cầu mà công việc cấp cao đặt ra.

Thứ ba, các thành viên của chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế trong Hiệp hội Kế toán -
Kiểm toán đều là các đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực về kế toán, tài
chính như  Hiệp hội ACCA đã có hơn 503.000 học viên và 208.000 hội viên tại hơn
180 quốc gia trên thế giới và ICAEW là hơn 27.000 học viên và 150.000 hội viên và
165 quốc gia trên thế giới.Khi theo đuổi chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế sinh viên
không những có cơ hội trở thành một phần của mạng lưới toàn cầu với hơn 60.000
chuyên gia tài chính kế toán hàng đầu mà còn được tương tác, học hỏi lẫn nhau, trao
đổi kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình học tập và hành nghề sau này. Việc tiếp
cận với các chuyên gia giàu tâm huyết và kinh nghiệm sẽ là những người giúp đỡ và
truyền cảm hứng cho sinh viên trong việc xác định sự nghiệp trong tương lai từ đó mở
rộng mối quan hệ nghề nghiệp. 

Thứ tư, chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế mở ra cho sinh viên rất nhiều cơ hội học tập
mới. Khi theo học chứng chỉ nghề nghiệp này sinh viên sẽ có cơ hội nâng cao những
kiến thức mà chưa được trang bị ở bậc đại học như là kỹ năng mềm và kỹ năng nghề
nghiệp. Chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế đã xây dựng chương trình học chủ yếu tập
trung vào tính thực tiễn, giúp người học dễ dàng hình dung và áp dụng vào những tình
huống nghề nghiệp trong thực tế, thoát ly khỏi lối học lý thuyết thiếu tính ứng
dụng.Sinh viên khi trở thành hội viên của Hiệp hội Kế toán - Kiểm toán sẽ có cơ hội
được tham gia các buổi hội thảo, chương trình cập nhật kiến thức nâng cao chuyên
môn nghề nghiệp.

5. Khó khăn, thách thức khi tiếp cận chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế

   Từ những thực trạng đã tổng hợp và trình bày ở trên, qua đó đã thấy được những
khó khăn, thách thức đối với sinh viên hiện nay trong quá trình theo đuổi chứng chỉ
nghề nghiệp quốc tế chuyên nghiệp.

  Thứ nhất, khó khăn đầu tiên chính là đội ngũ giảng dạy theo chuẩn mực kế toán
quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Hiện nay, chỉ có một số ít các trường đại học như Kinh tế
quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện tài chính, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại
học quốc gia TP HCM)... đã tích hợp chương trình đào tạo chuyên sâu với chuẩn mực
về kế toán, có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập về quốc tế. Đa số các sinh viên
thuộc các hệ của trường thường không được tiếp cận nhiều về IFRS vì chương trình
đào tạo này chủ yếu áp dụng với chương trình chất lượng cao, hệ tiên tiến và hệ quốc
tế nên có thể thấy không có nhiều sinh viên tiếp cận được với kiến thức về IFRS. Cùng
với đó lượng các giảng viên thuộc chuyên ngành kế toán được đào tạo tại nước ngoài,
đặc biệt là tại các nước phát triển còn ít, dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng
giảng dạy IFRS có chất lượng tốt. Các chương trình đào tạo kế toán hiện nay tại các
trường đại học Việt Nam đã tích hợp một vài môn học có liên quan tới chứng chỉ nghề
nghiệp tuy nhiên tầm quan trọng và mức độ chú trọng chưa cao với cả đội ngũ giảng
dạy và người học. 

   Thứ hai, nguồn tài liệu dành cho việc học cũng như giảng dạy những chứng chỉ
này còn khá khiêm tốn. Các nguồn tài liệu chính thống và các giáo trình, các phiên bản
cập nhật của các chuẩn mực kế toán quốc tế từ các tổ chức nghề nghiệp như ACCA,
ICAEW, CPA Úc,... được tính phí khiến việc tiếp cận cũng như sự hiểu biết của sinh
viên về các chứng chỉ này bị hạn chế. Nhiều sinh viên do không có đủ điều kiện kinh
tế thì sẽ khó có cơ hội để được tiếp cận với kiến thức có hệ thống và được cập nhật
liên tục bởi Hiệp hội Kế toán - Kiểm toán quốc tế. Bên cạnh đó, việc sinh viên tìm
kiếm những đầu sách, tài liệu chuyên ngành bằng tiếng anh trên thư viện tại các trường
đại học hoặc các nhà sách cũng không phải là một điều dễ dàng.

   Thứ ba, do tại Việt Nam hiện nay, các công ty vẫn áp dụng theo thông tư
200/2014/TT-BTC hoặc thông tư 133/2016/TT-BTC và chỉ có một số ngân hàng hoặc
một số công ty lớn áp dụng lập thêm báo cáo tài chính theo IFRS, khiến cho nhiều sinh
viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của những chứng chỉ hành nghề quốc tế đem
lại. Cùng với đó việc thực hiện các nghiên cứu theo các chủ đề của chuẩn mực kế toán
quốc tế tại các trường đại học Việt Nam còn tương đối khiêm tốn và việc sinh viên
chưa có trải nghiệm rõ ràng về nghề nghiệp, cũng như định hướng nghề nghiệp tương
lai cũng tác động đến ý định theo đuổi chứng chỉ của sinh viên. 

   Thứ tư, đối với sinh viên Việt Nam khi tiếp cận với chứng chỉ này có lẽ là rào cản
về ngoại ngữ. Tất cả các giáo trình và các bài thi chuyên môn đều được biên soạn bằng
Tiếng Anh; trong khi khả năng đọc, hiểu ngôn ngữ của sinh viên còn khá nhiều hạn
chế. Sinh viên không đảm bảo trình độ tiếng Anh từ trên 450 TOEFL hay 5.0 IELTS
thì sẽ phải học thêm để tự nâng cao trình độ của mình nếu muốn nắm chắc được kiến
thức. Do đó, sinh viên nếu muốn đi sâu tìm hiểu về các chuẩn mực kế toán quốc tế
cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan của chứng chỉ này thì sẽ không có lựa chọn
khác ngoài việc trau dồi tiếng Anh cho bản thân bởi vì các tài liệu bằng tiếng Việt hầu
như không có và thường ít được cập nhật lại những thay đổi mới nhất của Hiệp hội Kế
toán - Kiểm toán sửa đổi. 
Thứ năm, kỹ năng quản lý thời gian khi học song song bằng đại học và chứng chỉ
hành nghề quốc tế cũng là một thách thức lớn đối với sinh viên.  Người học vừa phải
đảm bảo việc theo kịp chương trình học trên lớp vừa phải tiếp cận một khối kiến thức
khổng lồ. Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên khi ngồi trên giảng đường đại học chưa
nắm được các kiến thức của các môn cơ sở ngành cũng như chuyên ngành Kế toán -
Kiểm toán căn bản khiến cho việc học kiến thức của các chứng chỉ này bằng tiếng Anh
lại càng trở nên khó khăn hơn. Nếu sinh viên vẫn giữ thói quen học thụ động thì khó
có thể vượt qua được các bài thi chuyên môn của chứng chỉ này đặt ra và sẽ có tâm lý
e dè, lo sợ bản thân không theo kịp những kiến thức trong chương trình. Do đó, khả
năng phân tích, tự tìm tòi, đọc tài liệu, mở rộng vấn đề là vô cùng cần thiết để có thể
nắm vững được kiến thức của chương trình học.

Thứ sáu, hiện nay có nhiều chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế mà sinh viên có thể theo
học như ACCA, ICAEW,..nên việc lựa chọn chứng chỉ nghề nghiệp phù hợp với bản
thân cũng là một trở ngại không hề nhỏ với cá nhân mỗi sinh viên bởi vì nhiều sinh
viên cũng không được định hướng, tiếp cận với những thông tin, lộ trình về chương
trình học cụ thể. Nếu sinh viên thích được lựa chọn nơi làm việc nên cân nhắc đến
chứng chỉ ACCA vì chứng chỉ này không yêu cầu bắt buộc làm việc ở nơi chỉ định
như ICAEW ACA. Nếu sinh viên muốn theo đuổi chứng chỉ tốn ít thời gian hơn,
ACCA sẽ là lựa chọn hợp lý hơn. Trung bình ACCA chỉ tốn 2,5 - 3 năm để hoàn thành
đủ 13 môn, trong khi đó ACA tốn tới 3 - 5 năm cho 15 môn. Do có những sự khác biệt
rõ nét như trên thì sinh viên cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định lựa
chọn theo học chứng chỉ nào. Không chỉ khó khăn trong việc lựa chọn chứng chỉ theo
đuổi mà sinh viên còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn hình thức học những chứng
chỉ này cũng đang khiến cho sinh viên gặp trở ngại vì có những cách thức đào tạo khác
nhau như học online, học tại trung tâm, tự học…Bởi vì, mỗi sinh viên thì sẽ có năng
lực học tập khác nhau cũng như khả năng tài chính không đồng đều nên nếu không có
sự tìm hiểu kỹ càng về chứng chỉ mà mình dự định theo đuổi sẽ rất dễ dẫn đến tình
trạng bỏ dở giữa chừng khi đang theo học.

6. Đề xuất những giải đáp nhằm khắc phục những khó khăn

Với những thực trạng được tổng hợp và từ những phân tích về cơ hội cũng như
thách thức nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp đồng bộ giữa đơn vị đào
tạo, đơn vị sử dụng lao động và cả người học để có thể khắc phục những khó khăn mà
sinh viên phải đối mặt khi theo đuổi học tập chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế; qua đó
phần nào thúc đẩy quá trình tích hợp IFRS vào chương trình đào tạo sinh viên chuyên
ngành kế toán, kiểm toán giúp sinh viên thích nghi được những thử thách, thậm chí có
thể tăng lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường lao động trong tương lai.

6.1. Về phía các trường đại học:

Đổi mới phương pháp giảng dạy:

Xem xét bản chất dựa trên nguyên tắc của IFRS, đòi hỏi các tiêu chuẩn đầu ra cho
sự phát triển của các kỹ năng logic và tư duy phản biện, cũng như các kỹ năng đánh
giá chuyên môn thực tế. Do đó, trên thực tế, các cơ sở đào tạo cần thay đổi phương
pháp giảng dạy từ truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực là rất cần thiết.
Phương pháp dạy học tích cực tức là người dạy chỉ là người hướng dẫn, tư vấn còn
người học đóng vai trò chủ đạo trong việc tự khám phá và nghiên cứu tài liệu, điều đó
giúp sinh viên rèn luyện tư duy logic và tư duy phản biện ở mức độ cao hơn, đồng thời
yêu cầu giáo viên quan tâm nhiều hơn đến những gì học sinh làm thay vì tiếp nhận
thông tin từ học sinh. Như vậy, tăng cường áp dụng phương pháp làm việc theo nhóm
để thực hiện các bài tập tình huống thực tiễn do giảng viên đưa ra có tác dụng vô cùng
quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng quốc tế hoá.

Đặc biệt, trong việc dạy các nội dung về chuyên ngành kế toán kiểm toán, giảng
viên cần chú trọng sâu trong việc giảng dạy kế toán theo phương pháp dựa trên nguyên
tắc, tăng khả năng phán xét, suy luận bản chất vấn đề thay vì chỉ áp dụng các quy định
và khái niệm cơ bản. Có như vậy mới giúp sinh viên tăng khả năng thích nghi với các
quy định mới của khi toán khi tích hợp học tập với chuẩn mực IFRS.

 Đổi mới nội dung giáo trình đào tạo và tăng cường nguồn tài liệu IFRS

Trong nội dung giáo trình đào tạo và tài liệu học tập cũng cần có sự đổi mới, mạnh
dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA Australia, CIMA...Thông qua
đổi mới nội dung giáo trình đào tạo, người học tích lũy được những kiến thức vừa
mang tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa đậm tính ứng dụng, phát triển năng lực nghiên
cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong
chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, sự đổi mới trong Chương trình đào tạo cần được theo hướng
tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại
học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán thì sinh viên
mới có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc
quốc tế. 

Ngoài ra, một trong những vấn đề khó khăn của các nhà giáo dục phải kể đến sự
thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn tài liệu IFRS. Các tài liệu tham khảo của các trường
cần được bổ sung thêm về các đầu sách nước ngoài bằng Tiếng Anh ở Thư viện. Hơn
nữa, trong thời đại mà công nghệ số ngày càng trở nên phát triển nhanh chóng như
ngày nay, việc khai thác tài liệu trên các website có ý nghĩa sâu sắc. Các giảng viên và
nhà trường cần cung cấp cho sinh viên những trang web bổ ích và tiêu biểu để tìm
kiếm tài liệu kế toán nói chung và tài liệu IFRS nói riêng một cách kịp thời.

Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn
phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến
thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại đồng thời phải có những am hiểu tình hình
thực tiễn của hoạt động chuyên môn. Đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Việt
Nam nên được hỗ trợ về các khóa tập huấn cập nhật kiến thức về IFRS thông qua các
buổi hội thảo, chia sẻ kinh kiệm, công trình nghiên cứu về chủ đề IFRS để cùng trao
đổi với các chuyên gia đầu ngành, các kế toán kiểm toán viên tại các công ty lớn, các
tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, định hướng rõ hơn về lộ trình cũng như nội
dung giảng dạy. Qua đó, giúp đội ngũ giảng viên tích lũy thêm nhiều kiến thức chuyên
môn, kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, ngay bản thân các cơ sở giáo dục đại học hiện
tại đang đối mặt với thách thức về sự chuyển dịch chất xám đội ngũ. Để đảm bảo về số
lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, bản thân các trường đại học tại Việt Nam cần
chủ động thu hút được đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham
gia vào quá trình đào tạo.

 Tăng cường khả năng ngoại ngữ

IFRS là một Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, do đó, phiên bản gốc được
chuẩn bị bằng tiếng Anh. Thành thạo ngoại ngữ để nghiên cứu và trao đổi học thuật
cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà giảng viên phải có để đáp ứng nhu cầu
đào tạo của các dự án tiên tiến quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế cũng sẽ tạo ra các
cơ sở đào tạo mới trên cơ sở tự do hóa việc cung cấp các dịch vụ đào tạo. Do đó, các
trường đại học cần tăng cường năng lực ngoại ngữ của sinh viên và giáo viên trong
chiến lược phát triển dài hạn, bao gồm tăng thời gian học tiếng Anh phổ thông và tiếng
Anh sử dụng trong các khóa học. Ngoài ra, đưa ra chuẩn đầu ra về Tiếng Anh theo các
bằng cấp quốc tế đòi hỏi cho cả sinh viên lẫn đội ngũ giảng viên.

Gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế

Để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên khi theo đuổi chứng chỉ quốc tế và đo
lường hiệu quả tiếp thu kiến thức của học viên, các trường đại học nên hợp tác với các
đối tác nêu trên để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về IFRS và thực hiện các khóa thực
tập ngắn hạn về IFRS tại các công ty lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, việc cần phối hợp và
thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA),
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Câu lạc bộ Kế toán… giúp tạo
nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong
nền kinh tế nhằm một mặt giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực
tế tại các doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, mặt
khác với việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được
từ phía các doanh nghiệp - các nhà tuyển dụng chủ lực - những yêu cầu về chất lượng
sản phẩm đào tạo được cung cấp cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để
đáp ứng yêu cầu về chất lượng được đặt ra.

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa trong môi trường giáo dục.

Nhà trường cần tăng cường mời các chuyên gia kiểm toán từ các tổ chức kiểm toán
quốc gia và các công ty kiểm toán đến trao đổi với sinh viên; giao lưu giữa các hiệp
hội nghề nghiệp, công ty kiểm toán và sinh viên được tổ chức mỗi năm một lần. Tiếp
xúc với các chuyên gia kiểm toán sẽ giúp sinh viên xác định tốt hơn nghề nghiệp
tương lai của mình, chuẩn bị cho sự nghiệp của họ sớm và tốt hơn, đồng thời tiếp cận
tốt hơn với các công việc kế toán và kiểm toán trong tương lai. Bên cạnh đó, các
trường cần tăng cường dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên môn để học sinh chuyển
tiếp sang lấy bằng quốc tế dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm
toán, cần trang bị thêm chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nâng cao.

6.2 Đối với người học

Hội nhập quốc tế về giáo dục hay tự do hóa thương mại về dịch vụ giáo dục được
xem là tất yếu trong xu thế phát triển chung hiện nay. Nhất là sau khi Việt Nam đã trở
thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sinh viên đòi
hỏi cần phải cập nhật và chuẩn hóa chương trình đào tạo đổi mới phù hợp với khu vực
và thế giới. Từ đó, từng bước nâng cao được giá trị của văn bằng theo chuẩn quốc tế.

Sinh viên là lực lượng có nhu cầu và khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu
và đổi mới về khoa học công nghệ hiện đại; năng động sáng tạo, luôn chủ động học
hỏi những cái mới và tiến bộ của nhân loại. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi cho đất
nước và mỗi địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trước hết, sinh viên cần chủ động chuyển từ “học thuộc, nhớ nhiều” sang hình
thành năng lực “vận dụng, phân tích, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo”. Giờ đây
không còn là vấn đề của việc chỉ học trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều
hình thức khác như qua liên hệ tương tác, học bằng giải quyết vấn đề, tình huống thực
tiễn. Cụ thể, sinh viên nên tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học để ứng
dụng những kiến thức đã học,tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ hai phải
tham gia các nhóm nghiên cứu, và các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn
đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội. Người học phải thay
đổi suy nghĩ, tư tưởng học để đối phó, để qua môn, họ cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng
làm việc trong môi trường toàn cầu hóa, cần biết bản thân đang ở đâu, vị trí nào trong
xã hội để trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết và vững chắc nhất trong
chuyên ngành của mình. Qua đó, cần có trách nhiệm trong việc có ý thức cao về tính
tự học hỏi, tự trau dồi kiến thức, tự nâng cao khả năng chuyên môn và rèn luyện kỹ
năng mềm còn thiếu sót, chủ động sáng tạo, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm cũng
như trình độ về tiếng Anh, về IFRS thông qua các tài liệu của Bộ tài chính, IFRS và
các trung tâm đào tạo, hiệp hội ngành nghề uy tín. Đặc biệt đối với sinh viên Việt
Nam, cần nắm được sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn
mực kế toán quốc tế (IFRS) để áp dụng đúng và chính xác cũng như hiểu được những
thay đổi trong kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Do đó, sinh
viên cần thi đua khởi nghiệp, lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện mới, đẩy
mạnh hoạt động lao động sáng tạo với tri thức và công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động
“Sáng tạo trẻ”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới

6.3. Phía cơ quan quản lý:

Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng một chiến lược
đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học theo chuẩn quốc tế và tạo điều kiện để từng
trường tùy theo năng lực hiện có thiết kế chương trình đào tạo phù hợp theo hướng
tiếp cận chương trình tiên tiến trên thế giới. Chiến lược này tạo nên nền tảng pháp lý
để từng trường chủ động trong việc hoạch định quá trình đào tạo nguồn nhân lực về kế
toán, kiểm toán có chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng tại Việt Nam cũng như các
nước trong khu vực và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

6.4. Đối với các tổ chức nghề nghiệp

Hội nghề nghiệp như Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), chi hội
kế toán hành nghề Việt Nam (VICA)… đóng vai trò chủ đạo trong việc kiểm tra, giám
sát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán để đảm bảo sự công bằng khi mà chỉ
những người đủ điều kiện, đủ năng lực chuyên môn, đủ kinh nghiệm tích lũy mới có
thể hành nghề, từ đó giúp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh giữa các công ty
kiểm toán Việt Nam trên thị trường ngày càng phát triển như hiện nay.

6.5. Đối với các doanh nghiệp kiểm toán

Các doanh nghiệp cần có mối quan hệ mật thiết với nhà trường mặt thứ nhất là để
tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp môi trường trải nghiệm,
thực tập, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia tập huấn, cập nhật
các kiến thức, các chuẩn mực kế toán, các chế độ kế toán mới, khuyến khích nhân viên
tham gia học các chứng chỉ kiểm toán quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hợp tác
với nhà trường thông qua việc phản hồi tích cực về chất lượng sinh viên mới ra trường
để các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo và tham gia biên soạn, phản
biện giáo trình và đào tạo tại các trường đại học các chính sách chế độ kế toán, kiểm
toán mới trên cơ sở các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế. Có như vậy mới giúp
nhà trường hoàn thành tốt chức năng đào tạo của mình.  

Kết luận

Tóm lại, IFRS được hiểu là các chuẩn mực kế toán trong lập báo cáo tài chính được
sử dụng chung cho nhiều quốc gia trên thế giới để xóa bỏ rào cản chênh lệch các chuẩn
mực kế toán trước đây, hỗ trợ cho sự minh bạch, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm hiểu và khám phá những điều cơ bản các thông
tin liên quan đến những cơ hội và thách thức mà sinh viên phải đối mặt trong quá trình
tiếp thu kiến thức về chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế. Công tác đào tạo tại các trường
đại học ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng khi áp dụng giảng dạy tích hợp IFRS càng
sớm càng tốt, song vẫn cần đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biệt, các trường đại học
cần đánh giá, xem xét lại các vấn đề nổi cộm liên quan đến công tác đào tạo kế toán để
khắc phục những mặt hạn chế, từ đó góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo
ngành Kế toán đáp ứng nhu cầu trong nền kinh tế hội nhập.

Tính mới của nghiên cứu là trình bày một cách logic về những thực trạng, cơ hội và
thách thức, đưa ra những giải pháp mang tính ứng dụng cao nhằm tháo gỡ khó khăn tại
các trường đại học ở Việt Nam từ nhiều đối tượng khác nhau. Từ những giải pháp
được nhóm tác giả phân tích nêu trên giúp cho giảng viên, sinh viên, nhà quản lý giáo
dục, Nhà nước và các doanh nghiệp cải thiện hơn nữa trong việc phát triển chất lượng
dạy và học chuyên ngành kế toán ở Việt Nam.

You might also like