You are on page 1of 4

CÁC HỆ SINH THÁI NHIỆT ĐỚI

VỚI TIỀN SỬ VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á


SVTH: ÂU Ý NHIÊN
MSSV: 2166 042 001
1. Tóm tắt bài viết:
Bài viết “Các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á” của GS.
Hà Văn Tấn được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1982 và đăng lại
trong “Theo dấu các văn hóa cổ” (trang 32-61). Nội dung bài viết tập trung phân tích tác
động của hệ sinh thái nhiệt đới đối với xã hội tiền sử của loài người ở Việt Nam và Đông
Nam Á cũng như tác động ngược lại của con người lên cảnh quan và môi trường nơi
đây. Đồng thời nhấn mạnh vai trò to lớn của công cụ tre gỗ như là một hệ quả của điều
kiện tự nhiên.
Hệ sinh thái được định nghĩa là quần xã và ngoại cảnh của quần xã, được chia thành
hai loại: hệ sinh thái phổ tạp (chỉ số đa dạng sinh học cao) và hệ sinh thái chuyên biệt
(chỉ số đa dạng sinh học thấp). Hệ sinh thái nhiệt đới Đông Nam Á thuộc hệ sinh thái
phổ tạp với đặc trưng là rừng hỗn hợp thường xanh và rụng lá phân mùa và quy định
đặc điểm sống của các cư dân cổ tại đây là săn bắn hái lượm theo phổ rộng do “số lượng
loài thì lớn nhưng không có loài nào trội hẳn lên với số lượng cá thể của từng loài ít”.
Tính phổ tạp của hệ sinh thái Đông Nam Á cũng quy định nên đặc điểm săn bắn ở
nơi đây là hái lượm trội hơn săn bắn, luận điểm đó được chứng minh bằng các công
trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học như R.B.Lee, De Vore, Carleton Coon, trong
đó: hái lượm thức ăn thực vật là hoạt động kinh tế trội vì hệ thực vật càng phong phú
khi càng gần đường xích đạo còn động vật thì ngược lại, và nêu lên một số ví dụ cụ thể.
Từ đó tác giả đưa ra nhân định rằng “Chính sinh khối nhỏ bé của động vật so với sinh
khối thực vật của rừng nhiệt đới Đông Nam Á đã cắt nghĩa sự kém phát triển của nghề
săn ở đây”. Và tập tính nông nghiệp cũng đã định hình nên lối sống định cư lâu dài của
cư dân nơi đây, cụ thể là tại các di tích thuộc văn hóa Hòa Bình và Quỳnh Văn.
Hệ sinh thái và môi trường tự nhiên Đông Nam Á còn quy định diện mạo của nền
nông nghiệp sơ khai: nông nghiệp trồng củ, thuần hóa nhiều giống thực vật, chăn nuôi
có địa vị bé nhỏ hơn trồng trọt. Đồng thời, môi trường Đông Nam Á còn ảnh hưởng đến
việc sử dụng và chế tác các công cụ của cư dân nơi đây, bộ công cụ đá không mấy phát
triển có thể do sự phổ cập hơn của các công cụ bằng tre nứa mà theo thời gian đã không
còn nữa. Thông qua các nghiên cứu khảo cổ học kết hợp dân tộc học, tác giả cho rằng
các công cụ khai khác chủ yếu từ tre gỗ có tính chuyên hóa và các công cụ chế tạo chủ
yếu bằng đá có tính phổ dụng và từ đó đề xuất xem xét lại chức năng của các công cụ
đá ghè đẽo đã biết, như việc phân tích chức năng của chiếc rìu đá ở Đông Nam Á, tác
giả đã làm rõ quan điểm rằng chức năng biểu hiện ở kích thước chứ không phải ở hình
thái. Và đi đến nhận định rằng không nên đánh giá công cụ đá ở Đông Nam Á là không
chuyên hóa, trì trệ.
2. Bình luận nội dung bài viết
Bài viết được viết theo lối diễn dịch, các đoạn văn được trình bày rõ ràng theo từng
vấn đề cụ thể. Mỗi vấn đề được nêu lên và giải quyết thông qua từng khái niệm, dẫn
luận các nghiên cứu liên ngành khác, phân tích và nêu ví dụ cụ thể để làm rõ quan điểm
của tác giả.
Nội dung bài viết được trình bày từ lớn đến nhỏ, từ tổng quát đến chi tiết. Hệ sinh
thái Đông Nam Á nói chung (tác giả chưa đi sâu vào việc phân tích từng hệ sinh thái cụ
thể cũng như tác động khác nhau của chúng đối với cư dân tiền sử nơi đây) đã tác động
đến tập tính sinh sống của người dân là định cư lâu dài và hái lượm chiếm vai trò chủ
đạo trong nền kinh tế. Không chỉ vậy, bài viết còn chỉ ra được các đặc tính của nền nông
nghiệp nơi đây thông qua dẫn chứng của các nghiên cứu tại các vùng có khí hậu tương
tự từ khắp nơi trên thế giới. Bằng lối viết tuần tự từ đặt vấn đề đến phân tích và dẫn
chứng xuyên suốt toàn bộ nội dung, bài viết cũng đồng thời khẳng định quan điểm của
tác giả rằng tại sao không nên đánh giá một cách phiến diện bộ công cụ đá thời tiền sử
tại Đông Nam Á và Việt Nam là không chuyên hóa, trì trệ thông qua việc phân tích yếu
tố quyết định của môi trường đến việc sử dụng bộ công cụ lao động phù hợp hơn (ở đây
là tre nứa). Tuy nhiên, tác giả vẫn chưa làm rõ được tác động ngược lại của các hoạt
động nông nghiệp đến môi trường nơi đây như đã nêu ở đầu bài.
Bài viết không chỉ giúp cho người đọc có thêm kiến thức về đặc tính sinh thái tại
Đông Nam Á và tác động của nó lên đời sống cư dân tiền sử mà quan trọng hơn còn
giúp cho người đọc có một phương pháp đúng đắn khi nghiên cứu một vấn đề. Chúng
ta cần vận dụng các kiến thức liên ngành để đặt con người vào bối cảnh cụ thể, phân tích
để có cái nhìn khách quan nhất, hạn chế đánh giá phiến diện, sai lầm về bản chất của sự
vật hiện tượng trong quá khứ, qua đó mới có thể tiệm cận sự thật lịch sử như cái nó vốn
là.
EARLY SETTLEMENT CONSTRUCTION IN SOUTHEAST ASIA:
LIME MORTAR FLOOR SEQUENCES AT LOC GIANG,
SOUTHERN VIETNAM
(CÔNG TRÌNH CƯ TRÚ SỚM Ở ĐÔNG NAM Á: CÁC LỚP SÀN
TRÌNH VỮA VÔI CHỒNG XẾP TẠI LỘC GIANG, MIỀN NAM
VIỆT NAM)
SVTH: ÂU Ý NHIÊN
MSSV: 2166 042 001

Phụ trách dịch nội dung phần Archaeology in Loc Giang, trang 3 (1540).
1. Tóm tắt bài viết:
Bài viết của Elle Grono và các tác giả khác đăng trên tạp chí Antiquity 2022, số
96(390) (trang 1538-1554), là một báo cáo về việc sử dụng các công nghệ phân tích vi
khảo cổ học để làm rõ tính chất của các lớp cư trú tại di tích Lộc Giang (Long An), một
trong những minh chứng sớm nhất cho việc sử dụng sàn trình vữa vôi trong khu vực.
Đại đa số các di tích Đá mới ở miền Nam Việt Nam đều là mộ táng, có rất ít các di
chỉ cư trú được tìm thấy tại đây, giới hạn các kiến thức về đời sống sinh hoạt, cư trú của
người tiền sử. Tại các di tích Lộc Giang, Rạch Núi, An Sơn, đã tìm thấy các lớp sàn
được nén chặt, chồng xếp lên nhau có màu kem trắng, bước đầu được xác định là sàn
làm từ vữa vôi. Trong bài viết này, các tác giả tiếp cận di tích dưới góc độ vi khảo cổ
học thông qua phân tích vi hình thái học, quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR),
đánh giá định lượng tự động khoáng sản bằng quang phổ tán sắc năng lượng (QEM-
EDS), nhiễu xạ tia X (XRD) và nồng độ silica sinh học.
Bài viết phân biệt 2 loại: cốt vữa (hỗn hợp vôi đã được gia nhiệt dùng để làm sàn
nhà) và lớp phủ (hỗn hợp đất sét hoặc đá vôi – làm lớp hoàn thiện bề mặt). Di tích này
gồm hơn 30 lớp văn hóa, thuộc 4 giai đoạn xây dựng. Trong đó, giai đoạn 2 (11 lớp) và
giai đoạn 3 (hơn 25 lớp) chứa những bằng chứng cho thấy sự mở rộng không gian cư
trú và cư trú liên tục. Niên đại xác định khoảng từ 3510 đến 3150 BP.
Các kết quả phân tích đã xác định ba loại vôi được dùng tại Lộc Giang. Cốt vữa là
loại được tìm thấy nhiều nhất, hỗn hợp tinh thể CaCO3, khoáng sét, tro can xi nén chặt
và được gia nhiệt, điển hình cho vật liệu đá vôi đã được nung. Mỗi chất trong hỗn hợp
có độ nung khác nhau (từ 600-800°C). Một số các chất khác đôi khi được thêm vào hỗn
hợp như hạt thạch anh, samot, xương, vỏ nhuyễn thể và phân. Độ dày của mỗi lớp sàn
này khoảng từ 10 đến 50mm. Lớp phủ chỉ dày <5mm được phủ ở trên cùng của sàn
trình vữa vôi. Không đủ số liệu để xác định đây có phải là lớp hoàn thiện cuối cùng hay
không, nhưng các tác giả đã đoán định dựa vào độ sáng, cùng mức độ hao mòn bề mặt
trong quá trình cư trú. Cuối cùng, xà bần là các khối bột vôi màu trắng, mặt cắt mỏng,
bị cacbon hóa nhiều lần, phụ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất cốt vữa vôi.
Dựa vào các kết quả phân tích, Lộc Giang hiện được xác định là di tích sớm nhất sử
dụng vữa vôi ở Đông Nam Á với niên đại của giai đoạn 2 là 3510-3370 BP và giai đoạn
3 là 3320 – 3150 BP. Với việc không tìm thấy dấu vết của các công đoạn thử nghiệm,
các tác giả cho rằng cư dân tại đây đã thành thạo kỹ thuật này từ rất sớm. Không có mỏ
đá vôi trong vùng và cũng không tìm thấy bằng chứng cho việc nhập nguyên liệu từ nơi
khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, nguồn vôi được lấy từ việc nghiền vỏ các loài nhuyễn
thể, tuy nhiên cũng cần phải nghiên cứu sâu hơn.
Từ các nghiên cứu liên quan, các tác giả cho rằng tại Lộc Giang đã hình thành một
trong những cộng đồng cư trú sớm nhất Đông Nam Á lục địa và sàn trình đá vôi là một
truyền thống xây dựng và phản ánh quá trình cư trú lâu dài nơi đây. Các kết quả nghiên
cứu mở ra các hướng nhìn mới về cư trú và tổ chức xã hội ở Đông Nam Á thời Đá mới,
một giai đoạn văn hóa phân hóa đa dạng và phong phú trong lịch sử. Và việc ứng dụng
công nghệ vi khảo cổ học vào trong nghiên cứu nên được ứng dụng rộng rãi hơn.
2. Bình luận nội dung bài viết
Bài viết là một báo cáo ngắn gọn các kết quả khai quật được tại Lộc Giang, Long
An, miền Nam Việt Nam thông qua một hướng tiếp cận khá mới mẻ là sử dụng công
nghệ để phân tích cấu tạo vật liệu từ cấp độ phân tử, gồm cả tính chất vật lý và hóa học
của vật liệu. Các kết quả cũng đã được trình bày tóm lược thông qua các bảng biểu và
hình ảnh đính kèm.
Việc phân tích vi khảo cổ học trong bài chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết về vật liệu
và kỹ thuật người xưa đã sử dụng để làm nên các lớp sàn này; tuy nhiên, chưa đủ cơ sở
để khẳng định nguồn gốc nguyên vật liệu, cũng như tập quán cư trú, xây dựng thời này
chỉ mới dừng lại ở bước giả định. Nguyên nhân một phần là do sự thiếu vắng các di tích
cư trú, trước nay chỉ mới tập trung vào nghiên cứu các di tích mộ táng và khả năng mở
rộng khai quật còn hạn chế.
Bài viết đã giới thiệu được các công nghệ lần đầu tiên được ứng dụng trong nghiên
cứu các di tích cư trú ở Đông Nam Á lục địa là phân tích vi hình thái học, FTIR, QEM-
EDS, XRD và nồng độ silica sinh học; và đề xuất nên các công nghệ này nên được ứng
dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh khảo cổ học Việt Nam thì điều này không dễ
do các vấn đề về chi phí, trình độ, kỹ thuật, đội ngũ nhân sự… trong quá trình khai quật
và hậu khai quật.

You might also like