You are on page 1of 4

DẤU VẾT MỘT HỆ THỐNG CHỮ VIẾT TRƯỚC HÁN VÀ

KHÁC HÁN Ở VIỆT NAM VÀ NAM TRUNG QUỐC


SVTH: ÂU Ý NHIÊN
MSSV: 2166 042 001
1. Tóm tắt bài viết:
Bài viết của tác giả Hà Văn Tấn được in trong tạp chí Khảo cổ học, số 1 năm 1982
(trang 31-46). Mở đầu bài viết, thông qua các luận điểm được trình bày trong các Hội
nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương và các nghiên cứu khác, tác giả đặt vấn đề về việc
đi tìm dấu vết của chữ viết trong văn hóa Đông Sơn.
Hành trình đi tìm chữ viết của tác giả bắt đầu bằng hai hình đối xứng trên một lưỡi
cày hình cánh bướm khai quật được ở Thanh Hóa, hai hình này có nhiều khả năng là
chữ viết. Tác giả cũng tìm được những manh mối tương tự trên một chiếc qua đồng ở
Thanh Hóa.
Chiếc qua đồng Thanh Hóa mang đặc trưng của qua thời Chiến Quốc, có năm ký
hiện khắc chìm dọc theo trên một mặt. Những ký hiệu này không phải hoa văn hay hình
trang trí, tác giả cho rằng đây là một thứ chữ viết hình tuyến sau khi so sánh với các quy
cách tiểu triện Tần Hán, Kim văn, Văn tự giáp cốt và không tìm thấy sự tương đồng.
Qua vốn là vũ khí có nguồn gốc Hán nhưng nó không phải là một thứ vũ khí xa lạ với
người Đông Sơn, chiếc qua Thanh Hóa có thể đã được người dân Đông Sơn sử dụng
hoặc chính bản thân họ đã tạo ra nó. Và chữ viết trên qua hoàn toàn có khả năng là văn
tự của họ.
Trong quá trình tìm hiểu sâu hơn, tác giả lại phát hiện thêm ba chiếc qua trong mộ
Sở ở Hồ Nam có cùng một loại chữ viết như chiếc qua Thanh Hóa. Bằng các cách phân
tích và phân loại ký hiệu, tác giả đã xác định được các ký hiệu trên 3 chiếc qua Trường
Sa 1, Đức Sơn, Trường Sa 2 có cùng nguyên tắc cấu tạo chữ với qua Thanh Hóa và kết
luận đây là một hệ thống chữ viết khác Hán. Còn theo Văn Đạo Nghĩa (một học giả
Trung Quốc), các chữ trên thuộc một trong ba loại chữ: Ti văn, Đại triện và Điểu triện
nhưng tác giả đã bác bỏ quan điểm này do các học giả Trung Quốc đã không có sự tổng
hợp so sánh và không nhận ra được một hệ thống chữ viết khác Hán.
Mỗi ký hiệu trên qua có khả năng là một từ, tuy nhiên, vì biết quá ít ký hiệu và văn
cảnh của chúng, nên chúng ta chưa thể giải mã được. Và tác giả cho rằng đây là một hệ
thống chữ viết ghi ý nhưng có khả năng ghi âm. Niên đại của chữ viết này được xác định
là trước khi Tần thống nhất Trung Hoa. Tại Việt Nam, căn cứ vào niên đại của qua
Thanh Hóa (thế kỷ IV TCN) là thời kỳ quốc gia Văn Lang của các vua Hùng và thời kỳ
văn Đông Sơn phát triển rực rỡ. Về chủ nhân, cư dân các quốc gia không phải Hán có
quan hệ với Sở ở Nam Trung Quốc đều ít có khả năng là tác giả hệ thống chữ viết này.
Và tác giả đặt ra giả thiết rằng cư dân Đông Sơn là người sáng tạo ra hệ thống chữ viết
tìm thấy trên các qua đồng và lan rộng đến đất Sở thông qua con đường từ Quảng Đông
đến Trường Sa. Tác giả đề xuất tiếp tục nghiên cứu để giải mã hệ thống chữ viết đã phát
hiện dù cho phải mất nhiều thời gian.
2. Bình luận nội dung bài viết
Với việc trình bày nội dung một cách mạch lạc, tuần tự, thống nhất từ tiêu đề cho
đến toàn bộ nội dung, bài viết đã cho thấy thành quả nghiên cứu của tác giả trong việc
đi tìm Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam
Trung Quốc. Xuất phát từ ý tưởng ban đầu là nghi vấn về việc có hay không chữ viết
trong một nền văn minh Đông Sơn rực rỡ, tác giả đã lần theo từng manh mối với khởi
điểm là các ký hiệu trên một chiếc lưỡi cày đồng đến các qua đồng được tìm thấy ở
Thanh Hóa và trong các mộ Sở ở nam Trung Quốc.
Nội dung bài viết thể hiện sự đầu tư và nghiên cứu công phu của tác giả trong việc
đi tìm hệ thống chữ viết này. Tác giả tìm hiểu và phân tích từng di vật cụ thể, tập trung
vào phân tích từng ký hiệu một trên từng hiện vật để tìm ra những đặc điểm chung của
các ký hiệu; từ đó tiến hành thống kê và phân loại ký hiệu để ra được một hệ thống gồm
20 ký tự và tần suất xuất hiện của chúng trên các hiện vật. Không chỉ dừng lại ở phân
tích và phân loại, nội dung bài viết còn là sự liên hệ của tác giả với văn tự học, để từng
bước xác định rõ đây có thể là dạng chữ viết ghi ý (theo cách phân chia truyền thống)
hay chữ viết ghi âm tiết (theo V.A. Isrin).
Tuy bài viết còn nhiều hạn chế khi chưa thể khẳng định nguồn gốc Đông Sơn của
hệ thống chữ khác Hán và trước Hán nảy cũng như chưa thể giải mã được chúng nhưng
đã vạch ra được một hướng đi cho khảo cổ học Việt Nam trong việc hoàn thiện những
hiểu biết của chúng ta về văn hóa Đông Sơn. Và để làm được điều đó cần có sự đầu tư
về thời gian và công sức của nhiều người.
DI CHỈ GÒ CẤM VÀ CON ĐƯỜNG TIẾP BIẾN VĂN HÓA SAU
SA HUỲNH. KHU VỰC TRÀ KIỆU
SVTH: ÂU Ý NHIÊN
MSSV: 2166 042 001
1. Tóm tắt bài viết:
Bài viết của tác giả Nguyễn Kim Dung được đăng trên tạp chí Khảo cổ học số 6/2005
(trang 17-50). Nội dung bài viết trình bày sơ lược về các kết quả khai quật di chỉ Gò
Cấm trong khoảng từ 2000 đến 2003 và nhận định của tác giả về mối liên hệ giữa Gò
Cấm và Trà Kiệu và sự tiếp biến văn hóa sau Sa Huỳnh ở khu vực này.
Di chỉ Gò Cấm (Gò Rừng Cấm) là một gò cát lớn nằm gần sông Bà Rén (một nhánh
lớn của sông Thu Bồn), cách di tích Trà Kiệu 3km về phía đông. Xung quanh Gò Cấm
là các di tích mộ chum khác như Gò Miếu Ông, Gò Mả Vôi… Trong những năm 2000
và 2003, có nhiều cuộc khai quật được thực hiện tại đây, trong đó có một cuộc khai quật
lớn vào năm 2001-2002. Diện tích khai quật là 192m2.
Về địa tầng, Gò Cấm tồn tại hai lớp văn hóa sớm muộn khá rõ ràng:
- Lớp dưới (dày 20-30cm), hay lớp Thôn Tư là một lớp cư trú của cư dân Sa Huỳnh.
Lớp này được nhận diện dựa vào sự có mặt của gốm mịn Sa Huỳnh. Theo loại hình
học, các hiện vật gốm phát hiện tại đây có sự tương đồng về phong cách và loại hình
với di tích Gò Mả Vôi (đã được xác định là di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh). Có thể
chủ nhân của khu mộ táng tại Gò Mả Vôi đã từng sống tại đây. Niên đại của lớp này
được xác định là từ thế kỷ I TCN đến những năm đầu thế kỷ I CN.
- Lớp trên (dày 50-70cm), hay lớp Gò Cấm chứa một di tích quan trọng là một sàn
nhà bằng gỗ cháy kích thước 14x7,5m. Tìm thấy được 13 tấm ván gỗ dùng để làm
sàn nhà; vách nhà được đắp đất sét bên ngoài, bên trong là các cây gỗ nhỏ buộc sát
nhau. Ngoài ra, là sự có mặt của vô số các mảnh ngói âm dương phong cách Hán.
Di vật tìm thấy là các loại bình hình trứng mang phong cách địa phương, bình vò
miệng rộng, bát nông lòng đặc trưng Sa Huỳnh, nồi. Cùng với đó là các loại hình di
vật có nguồn gốc Hán hoặc bắc Việt Nam như ngói, phong nê bằng gốm, đồ sành và
bán sứ, công cụ và vũ khí bằng đồng hay sắt, trang sức thủy tinh; và các mảnh gốm
thương mại Nam Ấn. Niên đại của lớp Gò Cấm được xác định là từ thế kỷ I đến
những năm đầu thế kỷ II CN.
Phần 2 của bài viết là nhận định của tác giả về chức năng và bản chất của di chỉ Gò
Cấm, qua đó phát thảo con đường tiếp biến văn hóa sau Sa Huỳnh: Gò Cấm và Trà Kiệu.
Lớp dưới của di chỉ Gò Cấm chỉ là nơi định cư đơn thuần trong khi lớp trên lại được sử
dụng làm nơi kiểm soát giao thông / nơi định cư / kho lưu giữ hàng hóa / bến chợ ven
sông… Thông qua so sánh lớp muộn Gò Cấm và lớp văn hóa sớm ở Trà Kiệu, tác giả
đã phác thảo một con đường tiếp biến văn hóa sau Sa Huỳnh tại khu vực Trà Kiệu như
sau: Gò Cấm  Trà Kiệu lớp sớm nhất  Trà Kiệu lớp kiến trúc I  Trà Kiệu lớp
kiến trúc II. Đồng thời khẳng định yếu tố nội sinh mạnh mẽ của Sa Huỳnh trước khi
tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh từ Trung Hoa hay Ấn Độ.
2. Bình luận nội dung bài viết
Bài viết đúc kết một cách ngắn gọn các kết quả khai quật từ năm 2000 đến 2003 tại
di chỉ Gò Cấm thông qua việc trình bày các kết quả nghiên cứu về địa tầng, di vật và di
tích. Về địa tầng, người đọc nắm bắt được cơ bản di tích này gồm 2 lớp cư trú riêng biệt:
Lớp sớm, có niên đại từ thế kỷ I TCN đến những năm đầu thế kỷ I CN, là lớp cư trú của
cư dân Sa Huỳnh; lớp muộn, niên đại từ thế kỷ I đến những năm đầu thế kỷ II CN, phát
hiện một di tích sàn nhà gỗ cháy, công trình đương thời mang nhiều chức năng giao dịch
thương mại bên cạnh chức năng cư trú. Về di vật, là các loại hình gốm, công cụ lao động
đồng, sắt cùng với các loại trang sức thủy tinh có nguồn gốc bản địa cũng như ngoại
nhập (Hán hay Ấn Độ). Các kết quả khai quật được trình bày trong bài viết, giúp người
đọc có cái nhìn tổng thể về di chỉ này.
Đồng thời, từ các kết quả trên, tác giả đã làm rõ được chức năng và bản chất của di
chỉ Gò Cấm, thông qua các phân tích về đặc điểm của sàn gỗ cháy từ vị trí địa lý, cấu
tạo sàn, vách, quy mô diện tích,… cùng các hiện vật phát hiện được trong đó. Và với
việc liên hệ Gò Cấm lớp trên và Trà Kiệu lớp dưới cùng, bài viết cũng đã làm rõ được
nét tương đồng và khác biệt của phức hệ di vật gốm thô đặc trưng của từng di tích. Từ
đó, phác họa một tiến trình phát triển văn hóa của khu vực này và thể hiện rõ quan điểm
của tác giả về các khái niệm “Hán hóa” hay “Ấn Độ hóa” trong việc hình thành những
vương quốc cổ trong khu vực Đông Nam Á.

You might also like