You are on page 1of 23

SẮC PHONG TRIỀU NGUYỄN Ở THỪA THIÊN HUẾ

VÀ SÁCH THƯ MỤC ĐỀ YẾU

1. Mở đầu
Qua 143 năm (1802-1945) tồn tại, triều Nguyễn đã đóng góp cho lịch sử
nước nhà nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các bình diện (kinh tế, văn hóa, xã hội,
ngoại giao…). Trên phương diện di sản tư liệu thành văn, triều đại này đã để lại
nguồn di sản Hán Nôm đồ sộ, phong phú và đa dạng.
Tiếc rằng trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc (như sự tàn phá của chiến
tranh, những ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu và quan niệm, nhận thức về vấn
đề lưu trữ, bảo tồn của chúng ta trong từng thời kỳ lịch sử có phần chưa được đầy
đủ, chuẩn xác), nguồn di sản Hán Nôm nói chung và di sản Hán Nôm làng xã nói
riêng đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng
không nhỏ đến quá trình nghiên cứu và phát huy giá trị các giá trị độc đáo từ nguồn
tư liệu này mang lại.
Có một vấn đề rất đáng lưu tâm là tư liệu Hán Nôm hiện đang bị biến thành
một “món đồ cổ” có giá cao và đã bị kẻ gian lấy cắp để buôn bán trục lợi. Bên
cạnh đó, nguồn tư liệu Hán Nôm ở nhiều làng được cất giữ chưa phù hợp, tình
trạng bảo quản khá sơ sài, đơn giản nên rất dễ khiến hệ thống văn bản quý giá này
ngày một xuống cấp. Đây là một trong những thực trạng có tính cấp thiết, đòi hỏi
các ban ngành liên quan cần đặc biệt lưu tâm, và có các biện pháp kịp thời, phù
hợp nhằm tránh tình trạng tư liệu tiếp tục bị hủy hoại hay thất thoát.
Trong thư tịch Hán Nôm của triều Nguyễn, bên cạnh số lượng tư liệu khá đồ
sộ liên quan đến di sản cung đình triều Nguyễn như Châu bản, Mộc bản, các loại
văn bản hành chính, chính sự… được cơ quan nghiên cứu, lưu trữ lớn ở Trung
ương và địa phương lưu trữ và có các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, giữ gìn (như
Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Viện Thông
tin Khoa học Xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư
viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Bảo tồn Di
tích Cố đô Huế…) thì hiện có một phần không nhỏ sắc phong, văn bằng, chiếu chỉ
được các gia đình, dòng họ, làng xã trong cả nước lưu trữ cho đến ngày nay. Các
văn bản này, với tính độc đáo, độc bản, đặc trưng và quý hiếm, thể hiện truyền
thống đáng tự hào của làng xã, gia đình ở mỗi địa phương nên được xem là nguồn
văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều
phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà, cũng như các yếu tố chuyên
môn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội.
Thời gian gần đây, sự nhìn nhận đánh giá về di sản văn hóa nói chung và di
sản tư liệu Hán Nôm (trong đó có loại hình sắc phong làng xã, dòng tộc) nói riêng
đã có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ, tích cực và thông thoáng hơn. Nhiều tổ
chức và cá nhân trong và ngoài nước đã và đang đẩy mạnh công tác số hóa, tiến tới
bảo tồn di sản tư liệu một cách bền vững bằng các công nghệ và phương thức lưu
trữ hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát huy các giá trị đặc
sắc của nguồn tư liệu này.
Nhằm đưa đến cho độc giả, các nhà nghiên cứu và những cá nhân, tổ chức
quan tâm cái nhìn tổng quan về nguồn văn bản sắc phong ở Thừa Thiên Huế, Thư
viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thư viện Tổng hợp
Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nỗ lực tiến hành công
tác lập phiếu thư mục đề yếu sắc phong có trên địa bàn. Công trình tổng hợp thư
mục đề yếu của 2.198 sắc phong này là kết quả của quá trình số hóa, lập phiếu thư
mục của chúng tôi trên cơ sở hơn 10 năm tiến hành số hóa văn bản Hán Nôm ở
nhiều làng xã của tỉnh nhà.
Mặc dù chưa thể bao quát đầy đủ tất cả các sắc phong hiện tồn của toàn khu
vực, song với những gì hiện có, chúng tôi vẫn mạnh dạn thực hiện công trình với
mục đích giúp ích cho các độc giả và những người quan tâm có cái nhìn tương đối
bao quát về loại hình văn bản đặc biệt này ở Thừa Thiên Huế.
Để làm cơ sở cho quá trình lập thư mục, chúng tôi xin trình bày vài nét về
sắc phong (khái lược về nội dung, hình thức và giá trị của sắc phong) và sắc phong
triều Nguyễn tại Thừa Thiên Huế.
2. Vài nét về sắc phong và sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
Sắc phong 敕封 là loại hình văn bản hành chính cấp cao của vương triều, do
hoàng đế ban bố và thưởng cấp cho thần dân trăm họ, nhằm để phong tặng, tưởng
thưởng về hàm tước, quan vị, vật hạng, thần hiệu, mỹ tự…
Tùy từng triều đại, văn bản sắc phong có những quy thức về chất liệu, ấn
triện, nội dung ban bố, cách hành văn khác nhau1…

1
Thuật ngữ Sắc phong 敕封 ở nước ta có nhiều thay đổi qua từng triều đại, từng thời kỳ lịch sử, nên việc nhận thức
về nội hàm khái niệm của thuật ngữ này cho đến nay vẫn chưa được giới nghiên cứu đưa ra một cách nhất quán.
Riêng đối với triều Nguyễn, theo ghi chép của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, loại hình phong tặng cho các
Vương tôn, Vương hậu, Hoàng tử, công chúa, cung giai… thì được gọi là Sách phong冊封, loại hình thăng thưởng
hàm tước cho quan viên thuộc quyền do Hoàng đế ban cấp thì “phàm cắt bổ các quan văn võ: từ chánh nhất phẩm
đến tòng ngũ phẩm đều gọi là Cáo thụ (誥授); từ chánh lục phẩm đến tòng cửu phẩm đều gọi là ‘Sắc thụ’ (敕授)”
(Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển), tập 3 (bản dịch Viện Sử học), Nxb
Thuận Hóa, 1993, tr.56 ). Loại hình “cáo thụ” cho các viên quan từ chánh nhất phẩm đến tòng ngũ phẩm đến này
thường có mô thức hành văn khởi đầu là “Thừa Thiên hưng vận Hoàng đế chế viết” 承天興運皇帝制曰, nên thường
được các nhà nghiên cứu gọi tên là “chế phong” 制封; còn loại hình “sắc thụ” dùng ban cho các viên quan từ chánh
lục phẩm đến tòng cửu phẩm thì mô thức hành văn khởi đầu phổ biến là “Sắc viết” 敕曰 hoặc “Phụng thiên thừa
mệnh, Hoàng đế sắc viết” 奉天承運皇帝敕曰(sắc phong). Cá biệt có một số trường hợp cụ thể (nhất trong giai đoạn
biến động lịch sử lớn của triều Nguyễn như thời Kiến Phúc (1883-1884) thì quy cách cáo sắc ban phong có sự thay
đổi nhất định. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy sắc phong (chế phong/ cáo mệnh) ban thưởng cho nhân vật vào các niên
hiệu Tự Đức, Đồng Khánh cho ông bà cha mẹ và cá nhân ông Đoàn Đại Lợi 段大利, thuộc họ Đoàn phái Đại, làng
Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang có hình thức văn bản mở đầu khác biệt, là: “Phụng thiên thừa vận
Hoàng đế chế viết” 奉天承運皇帝制曰 và sắc phong (sắc mệnh) năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) ban phong cho
ông Trương Đức Thiệu 張德紹 ở làng Phương Diên, xã Phú Diên huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế có hình
thức văn bản mở đầu là “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế sắc viết” 奉天承運皇帝敕曰). Đây là nguồn văn bản khá
đặc biệt, giúp ích cho giới nghiên cứu có cái nhìn tương đối toàn diện, phù hợp hơn đối với loại hình sắc phong triều
Nguyễn nói chung, và sắc phong nhân vật nói riêng. Ở đây, chúng tôi tạm gọi chung hai loại chế phong (cáo thụ) và
sắc phong (sắc thụ) này là sắc phong nhân vật.
Ở nước ta, do những biến động thường xuyên liên tục của lịch sử, nên sắc
phong của những triều đại Lê Sơ (1427-1527) trở về trước khá hiếm thấy, đến nay
xuất hiện phổ biến là các sắc phong từ thời Lê Trung Hưng (1533-1789) trở về sau,
và hiện hữu nhiều nhất vẫn là sắc phong triều Nguyễn (1802-1945).
Sắc phong triều Nguyễn, về cơ bản có hai loại: Sắc phongnhân vật (cách gọi
chung cho các thể loại cáo mệnh 誥命 (hay còn gọi chế phong 制封), sắc mệnh
敕命, tích phong 錫封, Phong tặng 封贈 [ban tên thụy]…) và sắc phong thần kỳ
(thiên thần, nhiên thần, nhân thần).
Sắc phong nhân vật là loại hình văn bản hành chính do Hoàng đế ban phong
về phẩm hàm, tước vị… cho các quan lại của triều đình, thăng thưởng hàm tước,
ban tặng hoặc truy tặng thụy hiệu cho ông bà cha mẹ của những quan viên có công
trạng...Loại hình văn bản này là bảo vật giá trị, do các gia đình dòng tộc lưu trữ
khá kỹ càng.
Triều Nguyễn, từ vua Minh Mạng (1820-1840) trở đi, trên cơ sở tham khảo
và châm chước điển lệ của Bắc sử (các triều đại Trung Hoa, nhất là triều Minh –
Thanh) đã dần điển chế hóa quy cách và nội dung của loại hình sắc phong nhân
vật. Hội điển chép rằng: “Triều đình nước ta từ khi mở mang đến nay, phàm bổ
dụng chức quan văn võ lớn nhỏ, đều do bộ Lại phụng chiểu theo chức hàm thực
thụ mà điền vào chiếu văn, từ trước đến nay cứ theo nếp sẵn mà làm, chưa từng
suy nghĩ về mẫu văn cáo sắc. Vốn là buổi mới gây dựng lên, chưa có thì giờ nghĩ
đến phẩm tiết, nay gặp lúc triều đình nhàn hạ, mọi việc mở mang, những cáo sắc
nhà vua ban ra, cũng phải có khi tự thân định lại. Vâng xét điển lệ các đời về Bắc
triều, phàm cắt bổ các quan văn võ: từ chánh nhất phẩm đến tòng ngũ phẩm đều

Bên cạnh đó, loại hình tích phong dùng để sắc ban phẩm hàm, truy tặng hàm tước và loại hình Phong tặng dùng ban
hàm tước cùng tên Thụy (thụy hiệu) cho cha mẹ ông bà của các viên quan có công trạng… chúng tôi đều đưa vào
danh mục “sắc phong” dưới đây.
gọi là CÁO THỤ; từ chánh lục phẩm đến tòng cửu phẩm đều gọi là SẮC THỤ…”2.
Cũng theo Hội điển và căn cứ vào văn bản thực tế hiện tồn, chúng tôi thấy thể văn
cáo thụ (phong tặng cho các quan viên từ chánh nhất phẩm đến tòng ngũ phẩm) có
mô thức văn bản khởi đầu thường là: “Thừa thiên hưng vận Hoàng đế chế viết”, vì
thế các nhà nghiên cứu thường gọi đây là “chế phong”; còn thể văn Sắc thụ (phong
tặng cho quan viên từ chánh lục phẩm đến tòng cửu phẩm) thì mô thức văn bản
khởi đầu thường là: “Sắc viết”, hoặc “Thừa thiên hưng vận hoàng đế sắc viết”.
Hội điển cho biết thêm: “Năm [Minh Mạng] thứ 10 (1829) nghị chuẩn:
trước đã qua viện Hàn Lâm nghĩ soạn ra thể văn cáo sắc, thể văn cáo mệnh ban từ
nhất phẩm đến ngũ phẩm, mở đầu đều có 8 chữ “thừa thiên hưng vận hoàng đế
chế viết”, thể văn sắc mệnh ban từ lục phẩm đến cửu phẩm mở đầu chỉ có 2 chữ
“Sắc viết”, việc đó đã tấu chuẩn rồi. Nhưng tra cứu từ đầu quốc triều ta khi mới
mở nước trở về sau, phàm các ân chiếu sách phong đều bắt đầu bằng những chữ
“Thừa thiên hưng vận”. Lại tham khảo đến điển lệ nhà Thanh, phàm những cáo
sắc trục: cáo trục thì nói rằng “Phụng thiên cáo mệnh”, sắc trục thì nói rằng
“Phụng thiên sắc mệnh” thế thời người Thanh ở chỗ bắt đầu cáo sắc đều mở đầu
bằng những chữ “phụng thiên thừa vận”, cho nên nói là “phụng thiên cáo mệnh,
phụng thiên sắc mệnh”, vả lại cáo mệnh, sắc mệnh đều là cái ý nhà vua đem chức
quan ban cho thần hạ, cho nên đem những chữ hay để lên trước, để tỏ sự thể chính
đại. Và nay những cáo sắc cấp cho chức quan đã dùng chữ “Thừa thiên hưng vận
hoàng đế chế viết”, thì ở sắc mệnh cũng nên dùng chữ “thừa thiên hưng vận hoàng
đế sắc viết” cho phù hợp với điển lệ mà tỏ ra nhất luật”3.
Vào khoảng giai đoạn đầu triều vua Minh Mạng trở về trước, sắc văn ban
cấp “nguyên là chữ Chiếu, Minh Mạng năm thứ 19 đổi làm chữ Sắc”4.Đây là một

2
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Sđd, tr.55-56
3
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Sđd, tr.63-64
4
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Sđd, tr.22
quyết định thay đổi tên gọi hợp lý, góp phần chuẩn hóa điển chế của triều Nguyễn
trong việc ban cấp sắc phong. Bởi lẽ, trước đó, Chiếu 詔 vừa được dùng để sắc
phong ban thưởng (đóng ấn Chế cáo chi bảo制誥之寶), lại vừa được dùng để sai
phái, mệnh lệnh (đóng ấn Quốc gia tín bảo國家信寶) nên sự phân định loại hình
văn bản chưa được cụ thể, rạch ròi.
Bênh cạnh loại hình sắc phong nêu trên, chúng ta còn thấy loại hình sách
phong 冊封 dùng để ban cấp, thưởng phong cho hoàng hậu, vương phi, hoàng tử,
công chúa, thân vương… triều Nguyễn (loại hình này gồm nhiều loại phân biệt
bằng chất liệu là kim sách [sách vàng], ngân sách [sách bạc], đồng sách [sách
đồng]), thể sách [sách lụa], với mô thức văn bản khởi đầu phổ biến là: “Thừa Thiên
hưng vận hoàng đế nhược viết” 承天興運皇帝若曰 (Tuy nhiên, trong phạm vi của
đề tài này, chúng tôi tạm thời không đưa Sách phong vào Thư mục đề yếu sắc
phong). Đây là một trong những yếu tố văn bản học quan trọng dùng để khu biệt
loại hình văn bản (sắc phong – sách phong)5.
Ngoài ra có loại sắc phong thần (nhân thần và thiên thần, nhiên thần) là do
Hoàng đế phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình
làng hoặc từ đường của các gia tộc6. Hiện nay, loại hình sắc phong thần này hiện
hữu ở đa số các làng xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Sắc phong thần linh là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với
lịch sử và đời sống tâm linh của nhân dân.

5
Loại hình tích phong và phong tặng (quan viên còn sống), truy tặng (quan viên đã khuất hay cho ông bà cha mẹ
quan viên có công), về cơ bản vẫn tương tự cách mở đầu văn bản như loại hình sắc phong nhân vật.
6
Chẳng hạn như loại sắc phong cho các vị nhân thần Khai canh, Khai khẩn, Khai thác, Khai cơ, Thành hoàng… thì
tùy vào điều kiện và quan niệm của mỗi gia tộc, vùng đất, làng xã cũng như có những biến động nhất định trong
từng thời kỳ lịch sử, nên việc bảo lưu và thờ phụng sắc phong thần Thành hoàng, Khai canh khai khẩn… ấy có nơi
thì đặt tại đình làng, song cũng có một số nơi thì được phụng thờ tại từ đường của các gia tộc, hoặc nhà thờ của các
vị trưởng tộc, các vị thủ sắc…
Đối tượng của sắc phong thần là các nhân thần có công trạng to lớn đối với
đất nước, làng xã (như các vị thần đế vương và hậu phi các đời, thần Thành hoàng
[bổn thổ Thành hoàng, Bổn xứ Thành hoàng, Đông Chinh Thành hoàng…), Tiền
hiền, Khai canh, Khai khẩn…), đã linh ứng rõ rệt từ lâu và được dân làng sùng tín
phụng thờ và nhiều thần linh đã được đưa vào tự điển (điển chế thờ tự của quốc
gia); các thiên thần, nhiên thần núi sông, đất đai toàn cõi như thần Thiên Y A Na,
thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, thần Cao Các Quảng Độ
(hay Cao Sơn Cao Các), thần Ngũ Hành Tiên Nương, thần Hiển Tài Hiển Quý,
thần cửa biển Tư Hiền (Tư Hiền hải môn), Hà Bá Thủy Quan… luôn phò trợ, giúp
đỡ cho dân cho nước.
Nội dung sắc phong thần cơ bản là phong tặng cho các thần những thần hiệu,
mỹ tự và cấp bậc xếp hạng phù hợp (thượng, trung, hạ đẳng thần) tùy theo vị thế và
vai trò của thần đối với làng xã.
Một trong những đặc điểm văn bản quan trọng giúp cho độc giả phân biệt rõ
ràng về sắc phong thần của triều Nguyễn so với các triều đại trước (như Hậu Lê,
Tây Sơn) là hệ thống mỹ tự ở sắc phong thần triều Nguyễn tương đối ngắn gọn,
phân tách rạch ròi, chứ thần hiệu và mỹ tự không quá dài, có phần “lạm phong” và
nhiều mỹ tự bị trùng lặp như các triều đại trước. Hội điển viết: “Lại chuẩn lời tâu:
các thần hiệu mới được phong tặng, mà những mỹ tự ở trong sắc cũ có 3,4 mươi
chữ, hoặc đến 1, 2 trăm chữ, phần nhiều là trùng lắp chắp vá thì nhiều các sắc cũ,
chỉ trích lấy những nguyên tên hiệu cũ của vị thần ấy, viết rõ vài câu mới”7. Cũng
theo Hội điển thì: “Tự Đức năm thứ 3, chuẩn lời nghị: cứ lần lượt đem những thần
hiệu đã được sắc chỉ tặng sắc ở thuộc hạt danh sách các địa phương, nghị định gia
tăng mỹ tự: vị nào liệt ở thượng đẳng thì thiên thần gia tặng chức Túy Mục, Thổ
thần gia tặng chữ Hàm Quang, Sơn thần gia tặng chữ Trác Vĩ, Âm thần gia tặng

7
Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7 (bản dịch Viện sử học), Nxb Thuận Hóa,
1993, tr.175
chữ Trang Huy; vị nào liệt ở trung đẳng, thì thiên thần gia tặng chữ Linh Thúy, thổ
thần gia tặng chữ Tĩnh Hậu, sơn thần gia tặng chữ Củng Bạt, thủy thần gia tặng
chữ Nông Nhuận, dương thần gia tặng chữ Quang Ý, âm thần gia tặng chữ Trai
Thục; vị nào liệt ở hạ đẳng thì thiên thần gia tặng chữ Thuần Chính, thổ thần gia
tặng chữ Đôn Ngưng, sơn thần gia tặng chữ Tứ Ngực, thủy thần gia tặng chữ
Trừng Trạm, dương thần gia tặng chữ Đoan Túc, âm thần gia tặng chữ Nhan
Uyển, mỗi thần hiệu đều gia tặng 2 chữ, các thần hiệu dự ở phong tặng đều xét
từng hạng viết điền vào nhưng trong khi viết sắc, đem cả những chữ tích phong
trước kia và mỹ tự gia tặng lần này, viết liền đi, để cho hợp với việc làm trước”8.
Đây là những quy cách có tính chuẩn mực và thống nhất, được ghi chép cụ
thể trong điển lệ của triều Nguyễn, giúp vinh danh thần linh toàn cõi một cách rõ
ràng rành mạch.
Trên thực tế tìm hiểu tư liệu sắc phong (cho thần linh và nhân vật) hiện tồn,
đối chiếu với các quy định ở Hội điển, chúng tôi còn thấy rằng cách thức sử dụng
ấn (dùng ấn nào đóng trên văn bản nào) và quy thức đóng ấn triện (đóng ấn [tức
bảo tỷ] của Hoàng đế triều Nguyễn ở đâu trên dòng niên hiệu) trên các văn bản
hành chính nói chung, văn bản sắc phong nói riêng cũng là một đặc điểm quan
trọng để nhìn nhận và xác định tính chuẩn mực, hợp cách của văn bản ấy.
Từ khoảng những năm đầu triều Minh Mạng, văn bản Chiếu詔 vì được dùng
chung cho sắc phong (ban cấp chức tước hàm cấp của quan lại) lẫn lệnh chỉ để sai
phái, triệu tập các tướng lĩnh và nhiều lĩnh vực khác, nên Chiếu 詔 dùng ở sắc
phong nhân vật thì thường đóng ấn Chế cáo chi bảo制誥之寶 , còn Chiếu dùng ở 9

8
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, sđd, tr.187
9
Giai đoạn đầu triều vua Gia Long, việc ban cấp sắc phong để thăng thưởng chức tước vẫn còn sử dụng
văn bản Thị示 và đóng ấn Chế cáo chi bảo bên cạnh dấu hiệu tiểu long tỷ (Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền
hành) ở đầu văn bản. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy loại hình sắc phong dùng Thị 示 này vào triều
vua Gia Long còn hiện hữu ở dòng họ Nguyễn của ông Nguyễn Thố 阮措 (Đội trưởng Cửu đội, vệ Trung
Vũ thuộc Tiền Doanh của quân Thần Sách, quê ở xã Hải Côn, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Đức
Quang, nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)
văn bản sai phái thì dùng ấn Quốc gia tín bảo國家信寶 10. Đối với ấnPhong tặng
chi bảo封贈之寶, đây là loại bảo tỷ dùng để đóng ở các sắc phong ban tặng cho
thần kỳ và các quan văn võ. Đối với ấn Mệnh đức chi bảo命德之寶: “Kim bảo này
được dùng đóng trên các bản văn ban thưởng các quan viên có công lao lớn, có
thành tích đặc biệt hay trung thành”11. Loại sắc phong có đóng ấn Mệnh đức chi
bảo hiện nay khá hiếm thấy, bởi đây là tư liệu trân quý, chỉ được lưu trữ tại một số
gia tộc có tổ tiên cha ông từng làm quan lớn triều Nguyễn, có công lao đóng góp
không nhỏ đối với lịch sử, với công nghiệp trung hưng của triều đại này12.
Cũng vì tính chất phức tạp và chưa thống nhất về quy cách trong các loại
hình văn bản phong tặng từ thời vua Gia Long đến đầu triều vua Minh Mạng, nên
vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Thánh tổ Nhân Hoàng đế đã ban dụ: “Ấn báu
của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải
làm, về khí cụ cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn… … Khen thưởng
người có công lao to lớn, về thành tích chính sự xuất sắc, người nổi tiếng trung
lương thì dùng ấn Mệnh đức chi bảo. Hết thảy các việc ban cấp các sắc mệnh cho
quan văn, quan võ, và tặng cho bách thần, cho người thì dùng ấn Sắc mệnh chi
bảo. Sai phái các quan lớn nhỏ, ban cấp chiếu lệnh, dùng chiếu văn thăng cấp,
giáng cấp, cùng mọi việc dạy dỗ răn bảo thì dùng ấn Chế cáo chi bảo. Các chức
hàm quyền thự, tuy chưa được cấp cho cáo sắc, song cũng có khác với việc sai
phái tầm thường, vậy những chiếu văn thăng thự cũng cho dùng ấn Sắc mệnh chi
bảo…”13.Từ đây, ấn sắc mệnh chi bảo được dùng thống nhất để ban cấp sắc phong
cho thần dân trăm họ.

10
Cá biệt có trường hợp dùng Chiếu để ban phong chức tước cho Nguyễn Du làm Du Đức hầu thì đóng ấn
Quốc gia tín bảo. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.
11
Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Công Việt, Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế, Vương hậu
triều Nguyễn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam xuất bản, 2009, tr.21
12
Loại sắc phong có ấn Mệnh đức chi bảo này chúng tôi chỉ mới thấy 1 văn bản sắc phong cho Đắc Lộc
hầu Nguyễn Đình Đắc vào niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806) ở họ Nguyễn Đình thuộc xã Nghi Hợp, huyện
Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tại Huế, chúng tôi chưa phát hiện ra tư liệu văn bản sắc phong có bảo tỷ này.
13
Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 14, Nxb Thuận Hóa, 1993, tr.33
3. Một số giá trị, ý nghĩa cơ bản về sắc phong triều Nguyễn
3.1. Giá trị nội dung của sắc phong triều Nguyễn
Sắc phong là văn bản tư liệu cao quý, do Hoàng đế ban hành, dùng để tặng
thưởng, truy tặng cho bách thần (thần linh) và các quan viên có công lao đối với
vương triều, đất nước. Do vậy, gia tộc, làng xã nào được ban cấp sắc phong thì
trước hết đó là niềm tự hào, vinh dự to lớn cho các gia tộc, làng xã ấy.
Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm (ngày tháng
năm cụ thể) nên nội dung sắc phong tính chính xác gần như tuyệt đối. Do vậy, các
nội dung được thể hiện trong sắc phong góp phần không nhỏ trong việc xác định
tên tuổi, chức vụ, hàm tước, phẩm trật, dấu ấn, vị thế của các vị quan viên trong
lịch sử xã hội. Đó còn là nguồn tư liệu chuẩn xác để nghiên cứu, xác thực về quan
chế qua các triều đại (trong sắc phong nhân vật).Mỗi một sắc phong (cáo mệnh, sắc
mệnh) của nhà vua ban cấp cho các vị quan lại có công trạng chính là sự ghi công,
sự khẳng định của vương triều đối với nhân vật được ban thưởng. Trong suốt cuộc
đời làm quan của mình, không phải ai cũng được Hoàng đế ban phong, thưởng cấp
vinh danh tên tuổi, nên nhân vật nào được phong tặng cáo mệnh, sắc mệnh thì
không chỉ con cháu, họ hàng được tự hào, mà thậm chí làng xã quê hương, hoặc
nơi quan viên đó sinh sống cũng thơm danh. Đó chính là nguồn tư liệu chính thức
đầy hiển hách, giúp khẳng định vị thế của mỗi danh nhân, dòng tộc đối với quê
hương, đất nước.
Với thần linh, việc được ban cấp sắc phong, tặng thưởng mỹ tự hoặc vinh
danh và cho nhập vào điển chế thờ tự của các vương triều… thể hiện rõ vị thế, vai
trò của các vị thần linh đối với đất nước, với làng xã. Thần linh trên toàn cõi được
ban cấp sắc phong phổ biến từ triều vua Minh Mạng đến vua Khải Định (1820-
1925). Trên thực tế, qua nhiều năm khảo sát tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi chưa hề
thấy một tư liệu gốc sắc phong thần nào của triều vua Gia Long (1802-1820), còn
triều vua Bảo Đại (1925-1945), sắc phong thần cũng không nhiều (mới thống kê
được 29 đạo sắc). Đây cũng là một dấu hiệu văn bản khá quan trọng, giúp các nhà
nghiên cứu có cái nhìn hợp lý đối với việc phong thần qua các triều vua Nguyễn.
Niềm tin của nhân dân đối với bách thần không phải là niềm tin mù quáng
mà chính là động lực, là sức mạnh tinh thần to lớn giúp cố kết muôn dân, giúp mọi
người sống tốt hơn với làng với nước. Bởi thế, việc thần linh ở mỗi làng được ban
cấp sắc phong qua từng triều đại sẽ càng giúp niềm tự hào của con dân các làng đối
với truyền thống quý báu của vùng đất nơi mình “chôn nhau cắt rốn” ngày một
được cao hơn.
Với các nhà nghiên cứu và các độc giả quan tâm về truyền thống văn hóa
Việt Nam, việc tìm hiểu về hệ thống mỹ tự của thần linh được ban phong qua từng
thời kỳ, kết hợp với quá trình đối chiếu nguồn văn bản văn tế thần (hay hương phả)
ở các làng sẽ giúp mọi người có cái nhìn tương đối toàn diện về tín ngưỡng văn
hóa nói chung, tín ngưỡng thờ phụng của dân làng mỗi vùng đất và tầm ảnh hưởng
của mỗi thần linh cụ thể đối với từng địa phương.
Sắc phong gốc14 ở mỗi gia tộc, làng xã còn là nguồn tư liệu chuẩn xác nhất
để nghiên cứu về sự thay đổi địa danh (diên cách tên gọi các địa phương) và đơn vị
hành chính (tỉnh, huyện, tổng, xã, phường, thôn, ấp…) của mỗi làng xã.
3.2. Về giá trị nghệ thuật của sắc phong triều Nguyễn:
Mỗi một văn bản sắc phong triều Nguyễn chứa đựng trong nó nhiều giá trị
nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Theo Hội điển, quy cách văn bản sắc phong triều
Nguyễn từ niên hiệu Minh Mạng thứ 3 (1822) trở đi đã có sự thay đổi về kiểu chữ
viết ở dòng niên hiệu: “Minh Mạng năm thứ 2 (1833) có Chỉ: từ trước đến nay, các

14
Ở đây, chúng tôi nói đến văn bản sắc phong gốc, với tất cả các dấu hiệu văn bản chuẩn xác thể hiện trên đó, chứ
không đề cập đến các loại sắc phong sao bản, hoặc sắc phong được phục chế sau này. Trên thực tế, hiện nay đang
tồn tại rải rác các loại sắc phong mới được phục dựng, làm lại (do nhiều nguyên nhân như bị mất mát do chiến tranh,
thiên tai, do nhận thức chưa phù hợp của chúng ta trong từng giai đoạn xã hội nhất định, do bị kẻ gian đánh cắp hoặc
bị hủy hoại, biến mất do sự bất cẩn, sơ suất của một số cá nhân ở các làng xã…), nhưng vì thiếu nghiên cứu chuẩn
xác nên có phần làm sai quy cách, không đúng với mẫu sắc phong từng thời kỳ… Những sắc phong mới phục chế
đó không thuộc đối tượng được nói đến ở bài này.
sắc biểu và văn thư dùng ở các nha, chỗ dòng niên hiệu những chữ
năm…tháng…ngày… đều dùng chữ viết đơn, chuẩn từ sau đều dùng chữ viết
kép”15. Đây là một sự thay đổi, có tính chuẩn hóa về quy thức trình bày chữ viết ở
dòng niên hiệu, vừa tránh bị vô ý hoặc cố tình sửa chữa, lại là dấu hiệu văn bản đặc
trưng để phân biệt với các triều đại trước.
Đối với sắc phong thần linh: đa số các sắc phong thần đều được viết trên
giấy long đằng16. Mỗi một đợt cấp sắc phong thường có một kiểu giấy long đằng
với mô típ trang trí (như hoa văn, hình rồng, hình ngọc tròn tỏa lan, hình tứ linh
(Long lân quy phụng), hình chữ vạn… làm mẫu trang trí bìa sau, màu giấy long
đằng, cách bố trí và cách đài chữ…) khác nhau. Đây là một dấu hiệu nghệ thuật
khá độc đáo và giá trị, giúp ích cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật triều Nguyễn nói
riêng, giới nghiên cứu nói chung những ý nghĩa tư liệu thực tế để tham chiếu về
nghệ thuật và giá trị của sắc phong triều Nguyễn.
Bên cạnh đó, nghệ thuật chữ viết của mỗi sắc phong trong nhiều đợt ban cấp
cũng có giá trị thẩm mỹ rất cao. Qua thực tế khảo sát, chúng tôi thấy phong cách
chữ viết sắc phong trong từng thời kỳ phong tặng chính là một đặc điểm thẩm mỹ
khá quan trọng nhằm góp phần nghiên cứu về thư thể và mỹ thuật của sắc phong
triều Nguyễn17

15
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Sđd, tr.41
16
Ngoại trừ một số trường hợp cụ thể được bộ Lễ ban cấp lại trên giấy dó, như trường hợp 2 sắc phong gộp cho các
thần Quan Thánh Đế Quân, Nam Hải Long Vương, Tùng Giang Văn Trung (sắc phong 1) và các thần Đại Càn Quốc
Gia Nam Hải, Thiên Y A Na (sắc phong 2) năm Tự Đức thứ 33 (1880) ở làng Thai Dương Hạ, xã Thuận An, huyện
Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế thì được viết trên giấy dó, phía bên trái góc cuối phía dưới có đóng dấu của bộ Lễ về
việc sao cấp lại.
Đối với triều Nguyễn, chữ viết trên sắc phong do các quan chuyên trách của Hàn Lâm viện biên soạn, đều là chữ
17

Hán khải (chân phương). Điều này thể hiện tính chuẩn mực, chân chính và nghiêm cẩn trong quan niệm của vương
triều khi cấp phong cho bách thần và quan lại. Đây cũng là một yếu tố văn bản học căn bản để phân biệt với loại
hình sắc phong thời Hậu Lê (có cả chữ đá lệ và chữ khải) và thời Tây Sơn (có chữ đá lệ đậm nét, chữ nghiêng mảnh
thuộc kiểu chữ phổ biến ở Đàng Trong giai đoạn thời Chúa Nguyễn đến đầu triều vua Minh Mạng, và cũng có một
số sắc phong viết chữ khải).
Về sắc phong (cáo mệnh, sắc mệnh) ban cho nhân vật: đây là loại hình sắc
phong khá đa dạng về vật liệu và mỹ thuật. Tùy theo từng triều vua và từng phẩm
hàm cấp bậc, vị thế của nhân vật được ban thưởng mà chúng ta sẽ thấy có nhiều
loại hình chế, sắc khác nhau. Triều Nguyễn từ vua Minh Mạng trở đi đã chuẩn hóa
quy thức giấy sắc cáo trục như sau: “Minh Mạng năm thứ 10 (1829) tẩu chuẩn:
phụng chiểu cáo sắc viết vào thứ giấy cáo trục hạng nào, theo điển lệ nhà Thanh,
về lệ chức tạo ty đô thủy ở bộ Công nói rằng: về cáo mệnh: tứ phẩm trở lên dùng
bằng tơ chín 5 [ngũ] sắc, ngũ phẩm dùng 3 [tam] sắc, sắc mệnh dùng thứ lụa
tráng, nhất phẩm dùng trục bằng ngọc, mặt gấm dệt con hạc, nhị phẩm trục bằng
sừng con tê, mặt gấm dệt con long, tam tứ phẩm trục bịt vàng, ngũ phẩm trục bằng
sừng, đều mặt gấm hoa, lục phẩm trở xuống trục cũng thế, ngũ phẩm mặt hoa gấm
những chùm nhỏ… … Thế thức giấy cáo sắc (đều dùng thứ giấy vàng tươi) do
cùng thước quan bằng gỗ: Quan nhất, nhị, tam phẩm, dùng thứ giấy rắc vàng hạng
nhất, cao 1 thước 4 tấc, dài 4 thước 5 tấc, mặt vẽ rồng to mây kín, rồng nhiễu 4
mặt, mặt sau vẽ tứ linh. Quan tứ, ngũ phẩm, dùng giấy rắc vàng hạng nhì, cao 1
thước 3 tấc, dài 4 thước, mặt giấy vẽ rồng to mây kín, giao long chung quanh, sau
lưng vẽ lân phượng. Quan lục, thất phẩm dùng giấy rắc bạc hạng nhất, cao 1
thước 2 tấc, dài 3 thước 5 tấc, mặt vẽ rồng to mây thưa, 4 bên vẽ hồi văn, mặt sau
vẽ tranh cổ đồ. Quan bát cửu phẩm, dùng giấy rắc bạc hạng nhì, cao 1 thước 2
tấc, dài 3 thước 5 tấc, mặt vẽ rồng to mây thưa, 4 chung quanh vẽ hồi văn, mặt sau
vẽ cổ đồ. Cách thức cáo sắc có đầu trục (trục dùng chất gỗ, đầu trục dài 5 phân):
Quan nhất, nhị, tam phẩm, đầu trục dùng đồi mồi
Quan tứ, ngũ, lục, thất phẩm, đầu trục dùng ngà voi
Quan bát, cửu phẩm, đầu trục dùng sừng trâu trắng.
Lại chuẩn tấu: nay đem những hạng giấy Bắc Thành theo đúng cách thức
mới chế ra để cấp cáo sắc, cho nhất, nhị, tam phẩm và bát, cửu phẩm mỗi hạng 1
tờ, tiến lãm, phụng sắc xuống, thứ giấy hạng nhất lưu làm giấy cấp cho nhất phẩm,
còn giấy cấp cho nhị, tam phẩm đến bát cửu phẩm cứ từng bậc lượng giảm đi để tỏ
người hơn kẻ kém, vả lại tờ giấy hạng nhất, đã để riêng làm hạng giấy cấp cho
quan nhất phẩm, thì từ nhị phẩm trở xuống, nên phải chiểu thứ bậc phân định từng
khoản từng hạng, để cho khác nhau, mới là chu đáo, trừ giấy rắc vàng hạng nhất,
cáo 1 thước 4 tấc, dài 4 thước 5 tấc, mặt giấy vẽ rồng to mây kín, chung quanh vẽ
tứ linh, vẫn theo cách thức trong nguyên nghi chế để làm thứ giấy viết các văn cấp
cho quan nhất phẩm. Còn từ nhị phẩm trở xuống đến cửu phẩm, phẩm nào nên
dùng giấy nào, lại chước nghị giao cho quan Vũ khố làm một thể, để không đến kỳ
viết cáo sắc: Quan nhị, tam phẩm dùng giấy rắc bạc mạ vàng hạng nhì, cao 1
thước 3 tấc, dài 4 thước, mặt giấy vẽ rồng to mây kín, 4 chung quanh vẽ liên vân,
mặt sau vẽ lân phượng. Quan tứ, ngũ phẩm: dùng thứ giấy rắc bạc mạ vàng hạng
ba, cao 1 thước 3 tấc, dài 3 thước 5 tấc, mặt giấy vẽ rồng to mây thưa, 4 chung
quanh vẽ hoa văn hoa dây, mặt sau vẽ đồ cổ. Quan lục, thất phẩm: dùng giấy rắc
bạc hạng 4, cao 1 thước 2 tấc, dài 3 thước 2 tấc, mặt giấy vẽ long vân, 4 chung
quanh vẽ hoa văn liên đằng. Quan bát cửu phẩm: dùng thứ giấy rắc bạc hạng 5
cao 1 thước 2 tấc, dài 3 thước 1 tấc, mặt giấy vẽ giao long và mây, 4 chung quanh
vẽ hoa văn liên đằng…”18.
Căn cứ các quy định của Hội điển, cũng như trên thực tế hiện tồn, chúng tôi
thấy các loại hình sắc phong nhân vật theo phẩm hàm ban cấp, hiện nay khá đa
dạng về màu sắc, mẫu mã. Trong đó, qua quan sát thì giai đoạn thịnh của triều
Nguyễn (từ triều vua Gia Long, Minh Mạng đến khoảng nửa cuối triều vua Tự
Đức) thì các quy thức ở Hội điển được tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, trước
sự khó khăn về kinh tế do những biến động của thời cuộc (nhất là từ khi thực dân
Pháp vào gây hấn, tiến tới xâm lược, đất nước rơi vào biến loạn) thì các loại hình
giấy tờ ban cấp sắc phong nhân vật không còn tuân thủ nghiêm ngặt như quy định

18
Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Sđd, tr.47-49
của Hội điển, mà dần theo hướng tinh gọn, giản tiện hơn, phù hợp với điều kiện
kinh tế của đất nước19.
Dưới đây là một số hình ảnh về sắc phong qua các thời kỳ.

Sắc phong triều vua Gia Long - chất liệu giấy long đằng

19
Việc phân định rạch ròi trước những chuyển biến về mọi mặt của các chất liệu, hình thức sắc phong thần, sắc
phong nhân vật qua từng thời kỳ cho đến nay vẫn chưa được giới nghiên cứu tìm hiểu kỹ. Nguyên nhân của thực
trạng đó có lẽ do nguồn văn bản sắc phong, nhất là sắc phong nhân vật vốn được giữ gìn kỹ càng cẩn trọng ở mỗi họ
tộc; hoặc cũng do nhiều biến động xã hội nên có không ít tư liệu sắc phong, chế phong… đã bị hư hỏng, mất mát.
Đấy là nguyên do khiến cho nhiều người, trong đó có chúng tôi vẫn khó tiếp cận một cách đầy đủ, bao quát. Chúng
tôi sẽ bổ khuyết cụ thể trong tương lai, khi tiếp cận và bao quát được nhiều văn bản hơn.
Sắc phong triều vua Gia Long- chất liệu lụa

Sắc phong triều vua Minh Mạng- Chất liệu giấy long đằng
Sắc phong triều vua Thiệu Trị - Chất liệu giấy long đằng

Sắc phong triều vua Minh Mạng- Chất liệu lụa

Sắc phong triều vua Thiệu Trị- Chất liệu lụa


Sắc phong triềuvua Tự Đức- Chất liệu giấy long đằng

Sắc phong triều vua Duy Tân- Chất liệu giấy long đằng
Sắc phong triều vua Khải Định - Chất liệu giấy

Sắc phong triều vua Khải Định- Chất liệu giấy


.
Sắc phong triều vua Bảo Đại - Chất liệu giấy

Sắc phong triều vua Bảo Đại- Chất liệu lụa


II. Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
Trong cuốn sách sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu phần đề yếu nội dung của
2.198 sắc phong – kết quả của việc khảo sát, nghiên cứu tại Thừa Thiên Huế do
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Thư viện Tổng hợp Thừa
Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Trên thực tế, trong nhiều làng xã, gia đình, nhà thờ họ vẫn còn đang cất giữ sắc
phong nhưng chưa được điều tra nên số lượng có thể còn cao hơn nhiều.
Chúng tôi sắp xếp thư mục sắc phong theo thứ tự từng triều vua trị vì nhằm
thuận tiện để tra cứu, phân tích đánh giá hình thức và chất liệu của sắc phong cũng
như việc phân biệt nội dung văn bản của từng đời vua theo trình tự thời gian.

BẢNG THỐNG KÊ SẮC PHONG THỜI NGUYỄN


Hiện lưu trữ tại Thư viện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế
I. Sắc phong thần (1.679 đạo sắc)
STT THỜI VUA TỔNG KÝ HIỆU LƯU TRỮ GHI CHÚ
SỐ TTL.TT20 TTL.TH, GSL_HN21
GSL_HN, TTH.HN4
TTH.HN
1 Minh Mạng 94 28 27 39
2 Thiệu Trị 278 82 84 112
3 Tự Đức 270 72 80 118
4 Đồng Khánh 112 29 38 45
5 Thành Thái 69 16 33 20
6 Duy Tân 268 62 63 143
7 Khải Định 559 122 133 304
8 Bảo Đại 29 20 6 3

II. Sắc phong nhân vật (519 đạo sắc)


STT THỜI VUA TỔNG KÝ HIỆU LƯU TRỮ GHI CHÚ
SỐ TTL.TH, TTL.TH, GSL_HN,
GSL_HN, TTH.HN
TTH.HN
1 Gia Long 7 2 0 5
2 Minh Mạng 32 17 3 12
3 Thiệu Trị 43 9 2 32
4 Tự Đức 145 45 5 95

20
Ký hiệu lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
21,4
Ký hiệu lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế.
5 Kiến Phúc 1 1 0 0
6 Hàm Nghi 1 1 0 0
7 Đồng Khánh 23 12 2 9
8 Thành Thái 107 41 18 48
9 Duy Tân 35 8 3 24
10 Khải Định 73 9 5 59
11 Bảo Đại 52 12 3 37

Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế với phần sắc
phong được xếp theo thứ tự các đời vua gồm các ký hiệu nơi đang lưu trữ: TTL.TT
(Lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); GSL_HN và TTH.HN (Lưu
trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp
Thừa Thiên Huế) với tổng số là 2.198 sắc phong, mỗi sắc phong có đầy đủ các
thông tin, tên của vua phong cho đối tượng nào, thời gian sắc phong và nội dung
được sắc phong. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, hoặc thiên tai làm mất đi các di
sản Hán Nôm này, thì chúng ta vẫn có cơ sở để phục chế lại, hơn thế, đây cũng
chính là cách bảo quản, lưu trữ một cách bền vững cho thế hệ mai sau.
Có thể nói, Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế là
cuốn sách đầu tiên giới thiệu tóm tắt nội dung các sắc phong triều Nguyễn. Đây là
nguồn tài liệu quý giá, chứa đựng các thông tin có liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Trải qua 10 năm ròng rã với rất nhiều công sức, các nhà nghiên cứu, các chuyên
gia Hán Nôm mới tổng hợp, phân loại, tóm lược, sắp xếp và xuất bản được ấn
phẩm này, đây cũng là thành quả từ sự hợp tác tích cực giữa Thư viện Khoa học
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Trung
tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Chúng tôi hy vọng, Thư mục đề yếu sắc
phongtriều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế sẽ trở thành cuốn cẩm nang bổ ích cho nhiều
đối tượng, và là tiền đề cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu về sắc
phong triều Nguyễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Công việc mà chúng tôi đã và đang thực hiện thật không đơn giản, nên khó
tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn, rất mong nhận được những ý kiến góp ý, trao
đổi chân tình của quý bạn đọc xa gần.
Huế, tháng 4-2018
Ban biên soạn

You might also like