You are on page 1of 14

HỆ THỐNG 

THỂ LOẠI VÀ NGÔN NGỮ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM (45 tiết) 
BÀI KHÁI QUÁT
-                   Mục tiêu bài học:
+ Hướng tới mục tiêu chung của học phần: Hướng dẫn sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng về
thể loại và ngôn ngữ văn học trung đại Việt Nam (VHTĐ); trên cơ sở đó, sinh viên được rèn luyện
kỹ năng đọc hiểu, dạy học và nghiên cứu thể loại - ngôn ngữ VHTĐ nói riêng, thể loại - ngôn ngữ
văn học Việt Nam nói chung.
+ Mục tiêu trọng tâm của bài Khái quát: sinh viên nắm vững và vận dụng tốt những kiến thức
chung về thể loại và ngôn ngữ văn học trung đại Việt Nam: các khái niệm, thuật ngữ cơ bản; một
số quan niệm và khuynh hướng phân loại thể loại văn học từ thời trung đại đến thời hiện đại; đặc
trưng thể loại VHTĐ; quá trình hình thành và phát triển của thể loại VHTĐ…
-                   Nhiệm vụ đọc tài liệu PDF (slide bài giảng)
-                   Nhiệm vụ tự học:
+ đọc học liệu được đưa lên Fitel,
+ tham gia làm bài tập nhóm theo yêu cầu của giảng viên,
+ làm bài kiểm tra kiến thức (chấm điểm tự động) 
1. Giới thiệu chung về Thể loại Văn học trung đại Việt Nam (VHTĐVN)
1.1. Khái niệm, đặc trưng, phân loại “thể loại văn học”
1.1.1. Khái niệm
- “Thể loại tác phẩm văn học (TPVH) là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó
ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình
thức tồn tại chỉnh thể” (dẫn theo Giáo trình Lí luận văn học ĐHSPHN, sách tk1, tr.339).
Thể loại thiên về phương diện hình thức của TPVH (như mô hình câu văn, lời thơ, thể thơ; mô
hình bố cục, kết cấu, cốt truyện; mô hình đối thoại kịch...) có mối quan hệ “thống nhất trọn vẹn”
hoàn chỉnh “quy định lẫn nhau” với các yếu tố nội dung TPVH (như đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư
tưởng/tính cách nhân vật, chân dung tinh thần tác giả...).
Và “sự phối hợp tổ chức các phương diện nội dung, hình thức khác nhau của tác phẩm thành một
chỉnh thể” luôn “được tiến hành theo những phương thức có tính quy luật” (Giáo trình Lí luận văn
học ĐHSPHN, sách tk1, tr.344). Với TPVH “có tầm cỡ”, “thể loại là toàn bộ các phương thức tổ
chức, phản ánh và giao tiếp độc đáo của nó như một hệ thống chỉnh thể” (Giáo trình Lí luận văn
học ĐHSPHN, sách tk1, tr.340).
- “Thể loại” (nghĩa từ Hán: “Thể” - thân thể, xương cốt) → bộ khung chứa đựng/biểu hiện nội
dung của tác phẩm.
1.1.2. Đặc trưng (thể loại văn học)
+  mang tính lịch sử, tính thời đại: sự ra đời của các thể loại thần thoại, truyền thuyết, sử thi,
truyện cổ tích...
+ mang tính dân tộc
+ vừa mang tính ổn định, bền vững vừa có yếu tố tái sinh, đổi mới: “Thể loại... bao giờ cũng đồng
thời vừa cũ vừa mới. Thể loại được tái sinh và đổi mới trong từng giai đoạn mới của sự phát triển
văn học và trong từng tác phẩm cá biệt của thể loại đó” – M.Bakhtin, Những vấn đề thi pháp của
Đôxtôiepxki, dẫn theo Giáo trình Lí luận văn học ĐHSPHN, sách tk1, tr.346)
1.1.3. Phân loại (thể loại văn học)
(tóm tắt Giáo trình Lí luận văn học ĐHSPHN, sách tk1):
- “Chia ba” loại: Quan niệm thể loại văn học phương Tây (Aristôt mở đầu/đại diện):
Tự sự - Trữ tình – Kịch (căn cứ phương thức phản ánh hiện thực của TP)
+ Thơ tự sự / Tiểu thuyết / Ngụ ngôn
+ Thơ trữ tình / Văn xuôi trữ tình (dung lượng ngắn, không có cốt truyện hoàn chỉnh)
+ Hài kịch / Bi kịch / Chính kịch
- “Chia bốn”: Quan niệm thể loại văn học Trung Hoa (Lục Cơ, Tiêu Thống, Lưu Hiệp):
Thơ ca – Văn xuôi – Tiểu thuyết – Kịch (căn cứ hình thức lời nói, cấu trúc văn bản)
+ Thơ trữ tình / Thơ tự sự
+ Văn xuôi trữ tình / Du kí / Tạp kí / Truyện kí / Phóng sự / Tạp văn / Tiểu phẩm / Văn chính luận
nghệ thuật
+ Tiểu thuyết
+ Kịch
- “Chia năm”: quan niệm văn học Việt Nam (VHVN):
Thơ ca – Văn xuôi – Tiểu thuyết – Kịch – Kí và Văn chính luận (cáo, chiếu, biểu, tuyên ngôn
độc lập, thư, văn bia, văn tiểu phẩm...)
→ Những cách phân loại trên đây dựa trên hai tiêu chí cơ bản: thứ nhất, phương thức phản ánh
hiện thực; thứ hai, hình thức cấu trúc của văn bản/lời nói. Phân loại như vậy có tính khái quát
cao/vĩ mô nên không phản ánh đúng hoàn toàn thực tế sáng tác của các nền văn học trên thế giới,
chỉ là kiểu mô hình có tính tham khảo tương đối.
1.2. Quan niệm, phân loại thể loại VHTĐVN
Khái quát đặc điểm thể loại văn học thời cổ trung đại:
- Thể loại văn học mang tính nguyên hợp: hội tụ các yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, triết
học,...
- Thể loại văn học không thuần nhất, biến đổi theo giai đoạn lịch sử, tên gọi thể loại khác thời hiện
đại.
1.2.1. Phân loại thể loại VHTĐ Trung Hoa
Việc đối chiếu với quan niệm phân loại thể loại văn học Trung Hoa là cần thiết vì đặc thù lịch sử,
địa lí, văn hóa, xã hội, chính trị của hai nước dẫn đến những giao lưu/ảnh hưởng trực tiếp giữa văn
học/văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Trong phạm vi môn học, dưới đây là một số lược khảo ban
đầu:
* Lưu Hiệp (465 - 532) phân chia 2 loại lớn: vận văn (Văn) – tản văn/phi vận văn (Bút); trong
đó bao gồm:
vận văn: Thi, Nhạc phủ, Thuyên phú, Tụng tán, Chúc minh, Minh châm, Lỗi bi, Ai điếu, Tạp văn,
Hài ẩn,…
tản văn: Sử truyện, Chư tử, Luận thuyết, Chiếu sách, Hịch di, Phong thiền, Chương biểu, Tấu
khải, Nghị đối, Thư kí,…
* Diêu Huyễn (đời Tống) phân chia 23 loại, bao gồm: cổ phú, nhạc phủ từ, cổ văn, cổ điệu ca
thiên, tụng, tán, biểu tấu, thư sớ, hịch, lộ bố, chế sách, văn, luận, nghị, bi, minh, kí, tự, truyện lục
kí sự, thư...
* Chân Đức Tú (1178 - 1235) cho rằng, tứ đại môn của “văn chương chính tông” gồm có: Từ
mệnh, Nghị luận, Tự sự, Thi phú
→ Qua lược điểm cách phân loại thể loại văn học của một số học giả Trung Hoa đại biểu cho các
giai đoạn lịch sử có thể nhận thấy xu hướng phân loại dần tiệm cận quan niệm văn học thời hiện
đại, phản ánh quan niệm văn học trung đại rất khác hiện đại: thể loại VHTĐ mang “tính chất
thuần túy văn học” rất ít, phần lớn thể loại VHTĐ giai đoạn đầu mang “chức năng ngoài văn
học/phi văn học”; mặt khác, các thể loại VHTĐ cũng đều tiềm tàng “chất văn học” do gắn liền với
khả năng biểu hiện của ngôn từ và quan niệm thẩm mĩ cũng như mục đích truyền đạt của người
viết; “chất văn học” không phụ thuộc vào quy phạm thể loại mà “nằm trong xu thế siêu việt các
quy phạm ấy” (Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp VHTĐVN, s&gtc11, tr.101, 102)
[Nguồn: Nguyễn Đăng Na - Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, s&gtc1]
1.2.2. Phân loại thể loại VHTĐVN
- Thời trung đại:
+/ các bộ thi tuyển, văn tuyển (Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập,
Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, v.v...) cho thấy: tác giả VHTĐVN
quan tâm đến “thơ” hơn “văn xuôi” (do tính cách dân tộc và đặc trưng ngôn ngữ dân tộc - “thi
quốc”); người trung đại ít có ý thức “tổng kiểm kê” kho tàng văn học; văn bản văn học bị thất lạc
nhiều do binh hỏa, khí hậu, ý thức con người…
+/ Lê Quý Đôn (1726 - 1784): chọn 115 bộ sách, chia 4 loại:
Hiến chương/Thi văn/Truyện kí/Phương kỹ:
Hiến chương (16 bộ): liên quan đến triều chính do vua quan viết
Thi văn (66 bộ): gồm Thơ, Phú là chủ yếu, (“lạc hệ thống”: Quân trung từ mệnh tập, Kim Lăng
kí, Tứ thư thuyết ước)
Truyện kí (19 bộ): gồm Sử, Binh pháp, lục, tạp lục, ngữ lục, mạn lục
Phương kĩ (14 bộ): gồm thư tịch về nội dung Phật giáo, Đạo giáo: Tam tạng kinh, Đại tạng kinh,
Tham đồ hiển quyết, Đại thành toán pháp, Tả Ao địa lí luận...
→ tiêu chí phân loại thư tịch của Lê Quý Đôn theo hướng chính thống và dị đoan
+/ Phan Huy Chú (1782 - 1840): chọn 214 bộ sách, chia 4 loại:
Hiến chương/Kinh sử /Thi văn/Truyện kí: trong đó:
Thi văn: “lạc hệ thống”: Lịch khoa tứ lục, Quân trung từ mệnh tập, Kim Lăng kí, Quốc triều
chương biểu
Truyện kí: 54 bộ: lục, thực lục, ngữ lục, tạp lục, mạn lục, tập, bút, chí, kí, tiệp bút, chí lược, văn,
văn chú, truyền kì, hài, giáo, ca, luận, cảo, thư: “lạc hệ thống”: Khóa hư lục, Lam Sơn thực lục,
Binh gia yếu lược, Vạn Kiếp binh thư, Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Đại thành toán
pháp, Tả Ao địa lí luận...
→ tiêu chí phân loại thư tịch của Phan Huy Chú có điểm kế thừa Lê Quý Đôn, song đã gần hơn
với chức năng/đặc trưng văn học
→ Thực chất sự phân loại của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú là “phân loại tất cả thư tịch/trước
tác cổ” trong tính nguyên hợp cổ đại, chưa phải là phân loại văn học theo quan niệm hiện đại. Chỉ
có một nửa “kho tàng” thuộc phạm vi văn học (Thi văn, Truyện kí) song trong đó vẫn bao gồm
những văn bản “lạc hệ thống” văn chương/văn học. Điều đó chứng tỏ quan niệm sáng tác văn học,
quan niệm thể loại văn học của thời trung đại có nhiều điểm “lệch pha” với thời hiện đại.
[Nguồn: Nguyễn Đăng Na - Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, s&gtc1]
- Thời hiện đại:
·                  Đầu XX – 1945
+/ Phan Kế Bính: Việt Hán văn khảo (1918) đề cập các thể loại: thơ, phú, văn tế, minh, trâm, tán,
ca khúc (lục bát, song thất lục bát), diễn kịch, đối liên, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục, hịch văn, văn
xuôi, văn kí sự, văn tựa… Đây là công trình văn học sử đầu tiên thống kê các thể loại VHTĐ khá
phong phú, song mới dừng lại ở mô tả “diễn dịch vi mô”, không “quy nạp” thành nhóm lớn,
chứng tỏ học giả ý thức được tính phức tạp của thể loại VHTĐ và chưa có điều kiện tìm hiểu sâu
hơn.
+/ Bùi Kỉ: Quốc văn cụ thể (1932) giới thiệu đa dạng thể thơ văn Hán – Việt song lại thiếu các
thể: ngâm, truyện Nôm, truyền kì, kệ,...
+/ Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử (1942) sử dụng phương pháp biện chứng lịch sử để
phân loại thể loại văn học cổ; tuy chỉ dừng lại ở văn học thời Trần – Hồ song học giả đã có cái
nhìn thấu đáo về cội nguồn lịch sử văn học dân tộc. Lần đầu tiên khẳng định sự hình thành lâu đời
của VHTĐ, từ các giai đoạn cổ xưa:
* giai đoạn “phát đoan văn học” từ Sĩ Nhiếp đến Ngô Quyền (Bắc thuộc, 187 - 939) còn truyền lại
bài phú (Bạch vân chiếu xuân hải - Khương Công Phụ);
* giai đoạn Ngô – Đinh – Tiền Lê (939 - 1009): tản văn (thư, biểu đời Tiền Lê); thơ ca (Đỗ
Thuận, Ngô Chân Lưu); văn chương tôn giáo (kinh, kệ của Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh); sấm
kí/sấm vĩ (dùng lối văn vần ngắn, chiết tự: Đinh La Quý (852-936), Vạn Hạnh (939?-
1018)... ); vận văn quốc âm (ca dao, tục ngữ, hát trò/bài ưu)
* giai đoạn Lý (1010 - 1225): thơ ca (các tăng thống, quốc sư Khánh Hỉ, Viên Thông, Mãn
Giác...; vua tôi nhà Lý: Thái Tôn, Đoàn Văn Khâm,...); tạp văn (các loại văn bia, văn phổ
khuyến, minh, khánh, tán... theo lối biền ngẫu: sư Viên Thông, sư Huệ Sinh, sư Y Sơn...); tản
văn (chiếu dời đô, chiếu khuyến nông, chiếu tha thuế, chiếu lâm chung...); văn hịch và binh
học; sử học; địa dư học; hát chèo và hát tuồng...
* giai đoạn Trần (1225 - 1380): phát triển rực rỡ hai thế kỉ XIII - XIV: trước tác Nho, Phật, Đạo
cùng thịnh hành, phổ biến; văn cải cách việc nước (Kê minh thập sách của Nguyễn Thị Bích
Châu); sách vở về hình luật điển lễ; sách vở về luân lí chính trị của đế vương (bài minh dạy con
của vua Thái Tông, Thánh Tông, Minh Tông, Nghệ Tông...); văn giao thiệp với ngoại quốc (thơ,
thư giao thiệp với nhà Nguyên); trước tác binh học, diễn thuyết quân sự (Hưng Đạo vương); sử
học (Đại Việt sử kí – Lê Văn Hưu, 30 quyển; An Nam chí lược – Lê Tắc, 20 quyển; Trung hưng
thực lục – Trần Nhân Tông; Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục...); văn tiểu thuyết (Việt
điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục, tiểu thuyết trữ tình Chiếc giày thơm); văn ngụ
ngôn (Trê Cóc?); thơ ca và thi xã (lối thơ nhàn tản: Trần Quang Triều, Trần Tung/Quốc Tảng?,
Nguyễn Sưởng, Trần Quốc Toại, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Tông Mại; lối thơ cao siêu: Huyền Quang,
Chu An, Thánh Tông...; lối thơ cảm khái: Trần Nguyên Đán, Trương Hán Siêu...; lối thơ hùng
tráng: Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông; lối văn khôi hài và
trào phúng: Nguyễn Sĩ Tố, Nguyễn Công Phụ,...; lối thơ vịnh sử: Anh Tông,...; lối thơ sứ trình:
Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Thái Tông, Minh Tông, Trần Quang Khải...); văn biền
ngẫu (phú, câu đối,...); văn chương phái ngoại quốc (Trần Ích Tắc, Lê Tắc); văn học quốc
âm (Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Điểm Bích,...); thơ ca bình dân; hát tuồng cải lương và văn
hát tuồng, hát ả đào...
* giai đoạn Hồ (1380 – 1399, 1400 - 1407): văn phê bình (Hồ Quý Ly – Minh đạo); thơ;
phú (Nguyễn Phi Khanh, Hồ Tông Thốc, Đoàn Xuân Lôi,...); vài lối thơ mới (thơ sáu chữ/lục
ngôn của Trần Ngạc, Phạm Tông Mại,...; thơ thất ngôn xen lục ngôn; thơ cổ thể...); văn kí
sự (Thanh Hư động kí,...); văn chương quốc âm; sách dịch (Hồ Quý Ly dịch Kinh Thi ra quốc
văn); văn chương phái phục Trần,...
→ Học giả đời sau đều đánh giá cao văn chương Lý – Trần, coi văn học Lý – Trần là mẫu mực cổ
điển, ví dụ Lê Quý Đôn phẩm bình: “văn đời Lí đều là biền ngẫu có nhiều vẻ đẹp sánh được với
thể văn đời Đường” (Kiến văn tiểu lục); Phạm Đình Hổ tán dương: “văn đời Lí thì cổ áo xương
kính, phảng phất như văn đời Hán... đến văn Trần thì lại hơi kém đời Lí nhưng cũng còn điển nhã
hoa thiệm, nghị luận phô bày đều có sở trường cả...” (Vũ trung tùy bút)
→ tiêu chí phân loại của Nguyễn Đổng Chi chưa nhất quán song đã bao quát được đầy đủ tính
chất phong phú, trình độ nghệ thuật cao và đặc trưng phong cách thơ ca của văn học đời Trần, từ
đó khẳng định một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học chữ Hán và bước khởi đầu vững vàng
của văn học Nôm.
+/ Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu (1943) tiến tới sự phân loại hiện đại hơn, bao
quát thực tế thể loại VHTĐ đầy đủ rộng lớn hơn, bằng việc chỉ ra các nhóm thể loại:
Thể văn mượn của Tàu: Vận văn (thơ, phú, văn tế) – Biền văn (không vần, có đối: câu đối, tứ
lục, kinh nghĩa/lối bát cổ, văn sách); Văn xuôi (tự, bạt, truyện, kí, bi, luận, sử kí, địa chí)
Thể văn vần riêng của ta: lục bát, song thất và các biến thể (hát nói, sẩm, lí, hề, điên...); nói lối
(vè, tuồng); truyện, ngâm, hát nói…
Thơ Đường luật (ngũ ngôn, thất ngôn, cổ phong, Đường luật, tứ tuyệt, bát cú)
Lối thơ riêng: thủ vĩ ngâm, liên hoàn, thuận nghịch độc, yết hậu, tiệt hạ, lục ngôn thể, vĩ tam
thanh, song điệp, họa vận, liên ngâm/liên cú
→ Dương Quảng Hàm tổng quát được nhiều thể loại đa dạng, trong đó, lần đầu tiên có sự phân
biệt hai nhóm thể loại lớn (văn vần riêng của ta và văn mượn của Tàu) thể hiện nhận thức sáng tỏ
về vị trí của nền “văn học trẻ” bên cạnh nền “văn học già” Trung Hoa đồng thời là ý thức khẳng
định bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, học giả chưa quan tâm đến một số thể loại, như tiểu thuyết
chương hồi chẳng hạn.
·                  Học giả miền Nam trước 1975
+/ Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1961) có thể đã kế thừa được thành
quả nghiên cứu của tiền bối họ Dương, và tiến thêm một bước dài khi phân loại thể loại VHTĐ
chi tiết hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt đáng ghi nhận là việc chính thức định danh và phân loại các
nhóm thể loại văn học chức năng (công văn, sử ký, biên khảo…) chứng tỏ học giả họ Phạm am
hiểu sâu sắc đặc thù VHTĐ và bắt đầu lưu ý cho hậu bối điều đó:
* Hán văn: 5 loại chính: Thi văn; Truyện kí (truyện ngắn truyền kì, truyện thơ diễm tình, truyện
dài du kí, truyện dài lịch sử); Công văn (hịch, cáo, chiếu); Sử kí (chính sử; phụ sử - ngọc điệp,
thực lục, liệt truyện, điển chế, đăng khoa lục; tư sử; dã sử); Biên khảo (biên khảo Kinh học
– Thiền Tông chỉ nam, Khóa hư lục, Tứ thư thuyết ước, Thánh hiền mô phạm lục, Quần thư khảo
biện, Vân đài loại ngữ, Xuân Thu quản kiến...; biên khảo văn học – Việt âm thi tập, Trích diễm thi
tập, Quần hiền phú tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt
văn tuyển...; biên khảo sử kí – Lam Sơn thực lục, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Việt sử tiêu
án, Quốc triều đăng khoa lục, Quốc triều hương khoa lục...; biên khảo địa dư; biên khảo chuyên
nghệ - binh học, toán học, y học, phong thủy học...; biên khảo hội hợp – Kiến văn tiểu lục, Lịch
triều hiến chương loại chí...)
* Việt văn: ba thời kì: Sơ khởi triều Trần – Lê; Phát triển các triều phân tranh từ Mạc đến hết
Tây Sơn; Thịnh đạt triều Nguyễn.
Các thể loại quốc văn: văn Nôm (thơ, phú, thơ Hàn luật, truyện thơ Đường luật, truyện thơ lục
bát, ngâm truyện, hát nói…)
Tuy nhiên, tiêu chí phân loại của Phạm Thế Ngũ chưa thật rõ ràng, có lẽ ông cũng muốn bày tỏ
quan điểm về sự khác biệt giữa hai nhóm thể loại ngoại nhập và nội sinh. Từ đó mà gián tiếp
khẳng định nền quốc văn đáng tự hào của nước Việt đã có một truyền thống lịch sử bề thế song
hành cùng Hán văn thể loại vay mượn. Cách “gọi tên” thể loại theo xu hướng “hiện đại hóa”
(truyện dài du kí, truyện dài lịch sử…) góp phần khiến thể loại VHTĐ trở nên gần gũi hơn với độc
giả thế kỷ XX.
→ Nhìn chung, quá trình nghiên cứu lịch sử thể loại VHTĐVN của các nhà văn học sử thời hiện
đại (miền Bắc đầu thế kỉ XX - 1945, miền Nam trước 1975) diễn tiến theo xu hướng tiệm tiến việc
khẳng định “chức năng VHNT” (VH phi chức năng) của VHTĐ: dần đưa vào bảng thống kê thể
loại VHTĐ các thể loại vốn không được người trung đại coi trọng, vốn không thuộc văn học chính
thống/trung tâm, như: ngâm khúc, truyện nôm, hát nói, tiểu thuyết chương hồi,...
+/ Thanh Lãng: Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967)
·                  Học giả miền Bắc sau 1954: có thành tựu nổi bật hơn cả trong sự nghiệp nghiên cứu
thể loại VHTĐ là một số học giả tiêu biểu như:
+/ Bùi Văn Nguyên (1965) đề xuất các tên gọi thể loại “thơ ca cổ truyền Việt Nam; thơ ca mô
phỏng Trung Quốc; Văn vần – Biền văn” → có thể coi là một bước tiếp tục kế thừa quan điểm đã
được gợi mở từ Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ…
+/ Nguyễn Huệ Chi (1977): phân chia năm loại lớn: Thơ ca / Biền văn / Tản văn / Tạp văn /
Truyện kể; trong đó cụ thể như sau:
Thơ ca: sấm vĩ, suy lí, trữ tình, tự sự…
Biền văn: phú, hịch, cáo, chiếu, chế, biểu, tấu…
Tản văn: bình luận, thư tín, ngữ lục…
Tạp văn: luận thuyết tôn giáo
Truyện kể: truyện, sử, bia, kí…
→ Học giả tiếp tục phân loại chi tiết hơn, chủ yếu dựa vào tiêu chí phương thức ngôn từ/ hình
thức lời văn/mô hình văn bản, không đặt ra tiêu chí ngoại nhập – nội sinh/ ảnh hưởng – kiến tạo
+/ Trần Đình Sử (1999): có điểm tương đồng với Nguyễn Huệ Chi, chia sáu loại lớn, nhưng có
điểm mới là học giả quan tâm đến nhóm thể loại sân khấu và đề xuất “tên gọi” thể loại theo hướng
Việt hóa, gọn gàng, giản dị, hiện đại hơn: Thơ / Phú / Văn / Truyện / Tuồng / Chèo. Cụ thể như
sau:
Thơ (chữ Hán – tiếng Việt) gồm Luật thi, tuyệt cú, cổ phong – lục bát, song thất lục bát, Đường
luật, diễn ca, truyện Nôm, ngâm khúc, vãn, hát nói; Phú ; Văn gồm biền văn (cáo, chiếu, biểu,
hịch, bi, luận, phú, văn tế, câu đối, trần tình văn…) và tản văn (tựa, bạt, kí, lục, thư, luận, thuyết,
ngữ lục…) ; Truyện (văn xuôi chữ Hán): thực lục, mạn lục, ngẫu lục, tùy bút, chí, tiểu thuyết, kí
sự, tạp kí, tiểu sử, tiểu truyện ; Tuồng; Chèo
→ Tựu trung, nhìn chung từng tồn tại hai xu hướng phân loại thể loại VHTĐ: một là, theo tiêu chí
nguồn gốc thể loại, ngoại nhập – nội sinh, vay mượn – sáng tạo (Dương Quảng Hàm, Phạm Thế
Ngũ, Bùi Văn Nguyên,…); hai là, theo tiêu chí hình thức trình bày văn bản/lời nói (Nguyễn Huệ
Chi, Trần Đình Sử…). Càng về sau, học giả lớp mới càng kế thừa được nhiều kinh nghiệm nghiên
cứu hơn, ngày càng đưa ra được những cách phân loại thể loại VHTĐ toàn diện hơn, bao quát đầy
đủ hơn và sát đúng hơn đặc thù VHTĐ.
·                  Giáo trình ĐHSPHN hiện nay (do Thầy Nguyễn Đăng Na mở đường và các thế hệ
bộ môn VHTĐ tiếp bước) chọn tiêu chí “tính loại hình/đặc trưng/chức năng thể loại kết hợp với
hình thức cấu trúc văn bản và tiến trình văn học sử”, chia VHTĐ gồm  hai loại hình:
+ văn học chức năng (VHCN) gồm văn học chức năng hành chính (HC) và văn học chức năng
tôn giáo lễ nghi (TG-LN)
+ văn học nghệ thuật (VHNT) gồm các thể loại văn chương được tạo nên bởi sự sáng tạo, hư cấu,
tưởng tượng,…như thơ chữ Hán, thơ Nôm, ngâm khúc, truyện Nôm, truyện truyền kỳ, tiểu
thuyết…
Mặt khác, có thể chia ba nhóm thể loại lớn: Vận văn; Biền văn/Tản văn; Kịch bản văn học; trên
cơ sở kế thừa/tổng hợp thành tựu của tiền nhân, nỗ lực phản ánh sát đúng thực tế sáng tác thời
trung đại.
2. Đặc trưng Thể loại VHTĐVN
Văn học viết thời trung đại phản ánh đặc thù nền “văn học trẻ”, trước hết gắn với văn tự Hán và
các thể loại tiếp thu Trung Hoa (từ thế kỷ X). Mặt khác, thể loại văn học dân tộc gắn với chữ Nôm
và văn học/văn hóa dân gian tuy ra đời, phát triển muộn hơn (khoảng thế kỷ XIII) nhưng ngày
càng lớn mạnh, nhiều thành tựu.
2.1. Thể loại VHTĐVN đa dạng, phức tạp, mang tính loại hình đậm nét, phản ánh các vấn đề
đặc trưng VHTĐ (quan niệm, đề tài, chủ đề, cảm hứng, khuynh hướng nội dung, lí tưởng thẩm
mĩ...) như sau:
+/ Ảnh hưởng quan niệm rộng rãi về “Văn/ Văn chương” từ Trung Hoa nói riêng, thế giới cổ
trung đại nói chung, VHTĐVN mang đặc trưng “văn sử triết bất phân”, mang tính nguyên hợp cổ
đại, có thể gọi là “văn học đa chức năng” với những chức năng ngoài văn học được ưu tiên phát
triển trước.
+/ Quan niệm “Văn/ Văn chương” đó dẫn tới việc đề cao trước hết hai chức năng cơ bản của văn
chương: giáo huấn và thực hành tín ngưỡng. Văn học có sứ mệnh giáo hóa xã hội theo đạo đức
thánh hiền/cổ nhân và xây dựng/đảm bảo mối quan hệ hòa hợp giữa con người/xã hội với thiên
nhiên, vũ trụ. Sứ mệnh cao quý đó của văn học một phần xuất phát từ qui luật/nguyên lí tâm lí, tín
ngưỡng thời cổ đại là ma thuật giao cảm - bao gồm hai loại chính - ma thuật vi lượng/ma thuật bắt
chước/qui luật tương đồng và ma thuật lây truyền/qui luật tiếp xúc. Bởi thế, VHTĐ không xa lạ
với tín ngưỡng cổ trung đại về những hiện tượng “thần giao cách cảm” “đồng thanh tương ứng,
đồng khí tương cầu”… Các nhà nghiên cứu đều đã đề cập về đặc trưng sùng cổ của VHTĐ nói
riêng, văn hóa cổ trung đại nói chung, theo những cách khác nhau, mà dưới đây là một cách phát
biểu đáng quan tâm:
“Con người nguyên thủy... là kẻ nô lệ của quá khứ, của những linh hồn tổ tiên đã chết... Những gì
mà tổ tiên làm là khuôn mẫu của công lí, là một bộ luật tự nhiên không thành văn, con người
nguyên thủy phục tùng khuôn mẫu và bộ luật đó một cách mù quáng mà không hề tranh cãi”
(J.G.Frazer, Cành vàng, tr.87)
+/ Tiêu chuẩn thẩm mỹ/Lí tưởng thẩm mĩ đặc thù gắn liền với tư tưởng đạo đức/chính trị: đề cao
cái Đẹp đạo đức (hướng thượng, trang nhã, thuần hậu, trật tự), tán dương cái Đẹp cổ xưa (sùng cổ,
phục cổ, hiếu cổ), coi trọng cái Đẹp khuôn mẫu/quy phạm (công thức, ước lệ).
2.2. Một số đặc điểm chủ yếu của thể loại VHTĐ
2.2.1. Tính giao thoa giữa các loại hình thể loại: giữa văn học chức năng và văn học phi chức
năng (VHNT), giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn vần và văn xuôi, giữa các thể loại
đồng loại hình (truyện – kí, truyện – sử, thơ - từ khúc, thi – kệ...)… Đơn cử một số hiện tượng tiêu
biểu:
* Hiện tượng “văn học đa chức năng” – văn bản cùng lúc thực hiện nhiều chức năng (hành chính
công vụ, ngoại giao, quân sự, tôn giáo lễ tiết, trữ tình cá thể...): ví dụ trường hợp Quốc
tộ (986), Vương lang quy từ (987), Dụ chư tì tướng hịch văn (1282 - 1284?), Bình Ngô đại
cáo (1428), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)...
Có hiện tượng sáng tác thuộc thể loại VHCN (Chiếu, Cáo, Hịch, Biểu, Văn tế) nhưng văn bản tác
phẩm mang tính nghệ thuật, tác động mạnh tới cảm xúc, mĩ cảm của đối tượng tiếp nhận do tài
năng biểu hiện cũng như tầm tư tưởng lớn hoặc cảm xúc chân thật của tác giả: Dụ chư tì tướng
hịch văn, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc....
Hoặc trái lại, văn bản vốn thuộc loại hình VHNT (thơ ca) nhưng lại thiên về nội dung có tính
“chức năng chính trị/đạo đức” “tải đạo nói chí”. Ví dụ thơ ngôn chí, trần tình, bảo kính cảnh giới,
giới sắc, giới tửu... của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; thơ tụng ca nghĩa quân thần, minh
quân thần lương của Tao Đàn nhị thập bát tú; truyện kỳ ảo có yếu tố khuyến hiếu răn nghĩa,
khuyến thiện trừng ác như Hà Ô Lôi – Lĩnh Nam chích quái lục hoặc các thiên truyện Thánh Tông
di thảo, Truyền kỳ mạn lục...
Vì vậy, còn có nhiều cách “gọi tên” khác nhau về thể loại VHTĐ (có thể cũng dùng chung cho
kiểu thể loại ở một số giai đoạn văn học hiện đại, đương đại), như: “văn xuôi nghệ thuật và văn
xuôi ứng dụng”, “văn học chức năng và văn học hình tượng”...
* Hiện tượng “giao lưu” giữa văn học dân gian và văn học viết:
Văn học dân gian Việt Nam (VHDG) là nền tảng tạo sinh các thể loại văn học viết thời trung đại
(VHV/VHTĐ): Thơ ca, tục ngữ dân gian (thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát, song thất lục
bát, dân ca Bắc Trung Nam,...) góp phần sản sinh Ngâm khúc, Truyện Nôm, Hát nói… và Việt
hóa thể thơ Đường luật. Với các thể loại ngoại nhập như truyện truyền kì, chí quái, tiểu thuyết
chương hồi,... VHDG cung cấp đề tài, cốt truyện, nhân vật, tình huống, giọng điệu nghệ thuật... đó
là trường hợp các tác phẩm truyện văn xuôi chữ Hán Lĩnh Nam chích quái lục, Truyền kỳ mạn lục,
Lan Trì kiến văn lục, Hoàng Lê nhất thống chí... VHV ảnh hưởng trở lại, trau chuốt, nâng cao tính
nghệ thuật cho thơ ca dân gian (trường hợp Đoạn trường tân thanh và ca dao…).
* Hiện tượng đan xen thể loại trong một văn bản tác phẩm: ví dụ, trong các truyện ngắn truyền kì
thế kỷ XV – thế kỷ XVIII (Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả…) đan xen
giữa lời dẫn truyện bằng văn xuôi là các bài thơ/từ góp phần biểu lộ tư tưởng, tâm lý, cảm xúc của
nhân vật/tác giả hoặc như một hình thức ẩn dụ để “ngầm nói ra” những cấm kị (chính trị, sắc dục).
Trong truyện thơ lục bát Nôm thì đan xen các thể thơ văn đa dạng: thất ngôn bát cú, tuyệt cú, câu
hát dân gian, văn tế, câu đối, liễn, văn tứ lục, thơ tứ ngôn, từ khúc... (Phạm Công Cúc Hoa, Sơ
kính tân trang, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,...)
* Hiện tượng thể loại đồng loại hình: ví dụ, những bộ truyện văn xuôi chữ Hán thế kỷ XVIII –
XIX thường bao gồm nhiều chục thiên truyện ngắn khác nhau, có thiên mang mô hình “truyện”,
lại có thiên ngả sang sắc thái “ký” (Công dư tiệp ký, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục…);
những bộ truyện văn xuôi chữ Hán vừa là sử/chính sử/tư sử/dã sử vừa hàm chứa “chất truyện” với
các yếu tố hư cấu, kỳ ảo, tưởng tượng… (Đại Việt sử ký toàn thư, Niên phả lục, Hoàng Lê nhất
thống chí…), thơ - từ khúc (các bài thơ làm theo điệu hát của từ khúc, nhạc phủ trong sáng tác của
Cao Bá Quát, Nguyễn Du: Thương Ngô trúc chi ca, Thái liên khúc, Tự quân chi xuất hĩ, Đông Vũ
ngâm,...)…
2.2.2. Mối quan hệ giữa tính quy phạm và bất quy phạm ở nhóm văn học phi chức năng: hiện
tượng phá cách, phá luật trong luật thi chữ Hán, Đường luật Nôm; hiện tượng gieo lệch vần trong
câu bát của một số truyện Nôm bình dân (vần nằm ở chữ thứ 4 hoặc thứ 5 câu bát); tiểu thuyết
chương hồi về đề tài lịch sử nhưng không theo lối biên niên...
2.2.3. Mối quan hệ giữa hai hệ thống thể loại văn học chữ Hán (ngoại nhập) và văn học chữ Nôm
(nội sinh): văn học chữ Hán ra đời trước, phát triển mạnh ở trung tâm do được các triều đại sử
dụng triệt để phục vụ công việc triều chính “nội trị và ngoại giao”, gắn liền với chế độ khoa cử -
quan chức; kéo dài tầm ảnh hưởng và thành tựu suốt mười thế kỉ (đến 1915/1919). Văn học chữ
Nôm xuất hiện sau, chủ yếu tồn tại ngoại biên, trong dân gian; chỉ được chú trọng phát triển trong
những khoảng thời gian ngắn ngủi ở hai triều đại, nhà Hồ (đầu thế kỷ XV), nhà Quang Trung Tây
Sơn (cuối thế kỷ XVIII); nhiều vị vua chúa thích làm thơ văn Nôm (Trần Nhân Tông, Trịnh Căn,
Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Tự Đức,...) song không có chính sách khuyến khích in ấn
văn học Nôm. Thực tế cho thấy, sức sống của văn học Nôm cực kì mãnh liệt (thơ Nôm Hồ Xuân
Hương, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Đoạn trường tân thanh, Tống Trân Cúc
Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phan Trần, thơ Nôm và câu đối Nôm của Nguyễn Khuyến, Trần Tế
Xương,...) được bảo lưu sâu rộng lâu bền trong trường kì lịch sử, làm phong phú kho tàng văn học
dân tộc, chứng minh tính đa dạng, đa sắc màu của VHTĐ trên tất cả các phương diện (đề tài, chủ
đề, tư tưởng, cảm hứng, giọng điệu, thể loại,...).
2.2.4. Tên gọi thể loại thường xuất hiện ở phần cuối nhan đề tác phẩm (Thiên đô chiếu, Lâm
chung chiếu, Tạ ơn biểu, Phạt Tống lộ bố văn, Dụ chư tì tướng hịch văn, Bình Ngô đại cáo, Thanh
Hư động ký, Truyền kì mạn lục, Niên phả lục, Giá Viên biệt lục, Nam triều công nghiệp diễn
chí, Hoàng Lê nhất thống chí...), nhưng cũng có ngoại lệ, khi nhan đề thể loại không hoàn toàn
phù hợp với bản chất tác phẩm (xét theo quan niệm hiện đại): Bắc hành tạp lục, Bích Câu kì ngộ
kí, Tục công dư tiệp kí, Kim Hoa thi thoại, Hải khẩu linh từ lục, An Ấp liệt nữ lục, Truyền kì tân
phả, Đoạn trường tân thanh?...
Tên gọi thể loại đa dạng, biến đổi, khác với cách định danh thời hiện đại: ví dụ: các thể loại “lục”
(ghi chép) cực kì đa dạng, không đồng nhất, khó phân biệt: ngữ lục (Thiền uyển tập anh ngữ lục ≠
Thiên Nam ngữ lục), tạp lục, tiểu lục, ngẫu lục, biệt lục; thể “kí” và “truyện” không luôn được
hiểu như thời hiện đại.
3. Khái quát quá trình phát triển thể loại VHTĐVN: 4 giai đoạn
3.1. Giai đoạn hình thành (X - XIV)
VHCN ở trung tâm đời sống văn học chính thống:
- Những tác phẩm VHV được lưu giữ lại đầu tiên là tác phẩm VHCN, mang chức năng ngoài văn
học, cụ thể là chức năng hành chính (bàn luận việc triều chính, nội trị) và ngoại giao (đón tiễn sứ
giả Trung Hoa), thể loại và văn tự ngoại nhập: 1 bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú và 1 bài từ khúc đều
bằng chữ Hán: Quốc tộ (986, 987 – 990?), Vương lang quy từ (987).
Trường hợp bài Vương lang quy từ (viết theo điệu Nguyễn lang quy, điển Lưu Thần, Nguyễn
Triệu vào núi hái thuốc gặp tiên nữ, sống trong tiên cảnh nửa năm, rồi từ biệt tiên nữ vì nhớ nhà)
được đánh giá là “sáng tạo độc đáo” thể hiện “trình độ chiếm lĩnh nghệ thuật viết/điền từ của
người Việt”, “cách khai thác rất riêng chức năng của từ, không phụ thuộc vào chức năng của thể
loại từ ở văn học Trung Quốc” (Trần Nho Thìn, Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX,
sách tk4, tr.136)
- Các thể loại chiếm địa vị trung tâm, đạt thành tựu ở đời Lý – Trần là VHCN:
+/ VHCN hành chính: Chiếu, Cáo, Hịch, Biểu, Tấu, Sớ, Sử kí,...
Hai nhóm Chiếu lệnh (Chiếu, Hịch, Cáo) và Tấu nghị (Biểu, Tấu, Sớ).
Ví dụ: Thiên đô chiếu (Lí Công Uẩn, 1010); Xá thuế chiếu (Lí Thái Tông, 1044); Bình Nùng
chiếu (Lí Thái Tông, 1039, chiếu đánh dẹp Nùng Tồn Phúc “tiếm xưng vị hiệu” ở châu Quảng
Nguyên – Cao Bằng); Lâm chung di chiếu? (Lí Nhân Tông, 1128); Thiện vị chiếu (khuyết danh,
1225, danh nghĩa Lí Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh);
Phạt Tống lộ bố văn (Lí Thường Kiệt, 1075, đánh Tống lần 1, các châu Ung – Khâm -
Liêm), Thảo Ma sa động hịch (Lí Nhân Tông, 1119, đánh tù trưởng Ma sa không chịu triều cống,
châu Đà Bắc – Hưng Hóa); Dụ chư tì tướng hịch văn (Trần Quốc Tuấn, 1285);
Biểu tạ ơn (theo thể văn tứ lục) của Mạc Đĩnh Chi (v/v được ban cho mũ sam hàng đại liêu ban);
của Lê Bá Quát (v/v đc ban cho nghiên lục kim); của Trương Hán Siêu (v/v đc thăng chức Hàn
lâm viện Trực học sĩ); của tác giả khuyết danh (v/v thiên triều ban cho pho sách Đại quang minh
tạng...)... (Kiến văn tiểu lục, tr.258)
+/ VHCN tôn giáo lễ nghi: Tập, Ngữ lục, Thực lục, Kệ, Lục (thần phả - sự tích thần linh/nhân
thần/nhiên thần, tiểu truyện thiền sư, thi - kệ)
Nam quốc sơn hà (thơ thần, gắn với tín ngưỡng thờ thần Trương Hống (sông Như Nguyệt)
Trương Hát (cửa sông Nam Quân)
Việt điện u linh tập, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục, các bài thi – kệ ở cuối các tiểu
truyện thiền sư: Cáo tật thị chúng, Thị đệ tử, Sinh lão bệnh tử, Hưu hướng Như Lai, Ngôn hoài,
Thị tịch... (Nhan đề các bài thi – kệ đều do người sau thêm – trong đó có Lê Quý Đôn)
Khóa hư lục, Thiền Tông chỉ nam tự, Kim Cương tam muội kinh tự (Trần Thái Tông)
Thượng sĩ ngữ lục (Trần Tung)
Văn bia (Bi, Bi kí, Bi minh, Minh): nằm giữa ranh giới VHCN hành chính và tôn giáo lễ nghi: ghi
chép sự tích chùa, vẻ đẹp của chùa và công đức người xây dựng chùa, theo lệnh các vua đời Lí;
nội dung: ca ngợi tư tưởng Phật giáo, truyền bá hoằng dương Phật pháp kết hợp với tinh thần tụng
ca đức sáng của vua, quốc tộ lâu bền, triều đại thịnh trị, trăm họ yên vui...; đặc trưng thể loại:
phần đầu được viết bằng văn xuôi chữ Hán, phần cuối thường là bài “minh” “từ” theo thể thơ tứ
ngôn hoặc tứ ngôn pha lối tạp ngôn (có tiếng đệm “hề”) → đan xen thể loại văn – thơ – từ khúc.
Minh: thể văn để ca tụng, khuyên răn, hoặc  ngụ ý khen để ngăn ngừa; thường được khắc vào
đỉnh, mâm, đá; “minh tinh” (tấm vải dùng trong tang lễ, ghi vắn tắt về danh tính, công đức của
người đã mất)
An Hoạch sơn Báo Ân tự bi kí (Chu Văn Thường (?-?), quan đời Lí Nhân Tông 1072-1128) (Bài
kí bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, tức núi Nhồi ở Đông Sơn-Thanh Hóa, 1110?); Bảo Ninh Sùng
Phúc tự bi (Lí Thừa Ân (?-?), quan hai đời Lí Nhân Tông và Lí Thần Tông 1128-1137) (Văn bia
chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, ở Chiêm Hóa-Tuyên Quang); Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (Văn
bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, ở Cửu Chân-Thanh Hóa, 1126) và Sùng Nghiêm Diên
Thánh tự bi minh (Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, ở Cửu Chân-Thanh Hóa, 1118) của
Pháp Bảo (thiền sư Giác Tính Hải Chiếu); Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên
Linh tháp bi (Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư [nhà Lí] đương làm chủ nước Đại
Việt, ở chùa núi Long Đội/Đội Sơn/núi Đọi, Duy Tiên-Hà Nam, khánh thành năm 1122, tg
Nguyễn Công Bật (?-?), Thượng thư Bộ Hình triều Lí Nhân Tông); Càn Ni sơn Hương Nghiêm
tự bi minh (Văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni, ở Đông Sơn-Thanh Hóa, khuyết danh); Viên
Quang tự bi minh tính tự (Văn bia chùa Viên Quang [bao gồm lời tựa], ở Giao Thủy, lộ Thiên
Trường, 1122; tg Dĩnh Đạt (?-?), chùa Viên Quang do thiền sư Giác Hải sáng lập); Cự Việt quốc
Thái úy Lí Công thạch bi minh tự (Văn bia về Thái úy Lí Công nước Đại Việt, khuyết danh; Lí
công tức Đỗ Anh Vũ (?-1158, cậu ruột Lí Thần Tông, được vợ Lí Thần Tông sủng ái, được đổi
theo họ vua → bài văn bia này mang tính chất hư cấu văn chương, không ghi chép sự thật về cuộc
đời Đỗ Anh Vũ); Báo Ân thiền tự bi kí (Bài kí bia chùa Báo Ân, ở Yên Lãng-Phúc Yên, tác giả
Ngụy Tự Hiền (?-?), quan đời Lí Cao Tông 1176-1210).
- Thể loại VHNT ban đầu mang tính chức năng, và giảm dần tính chức năng ngoài văn học:
+ thơ chữ Hán giai đoạn đầu (Tiền Lê, Lí, Trần) chính là các bài Kệ (thi kệ/kệ thị tịch) truyền bá
giáo pháp Thiền tông cho đệ tử của các vị cao tăng thuộc hai phái Tì ni đa lưu chi và Vô ngôn
thông. Từ (khúc) phục vụ công việc ngoại giao đón tiễn sứ Tống. 
+ Truyện văn xuôi chữ Hán giai đoạn đầu được sáng tác dựa trên cốt truyện dân gian, ghi chép,
chỉnh lí, cải biên truyện dân gian (Lĩnh Nam chích quái lục).
+ Sang đời Trần, thơ chữ Hán bắt đầu phát triển đa dạng cảm hứng và phong cách nghệ thuật
(theo Nguyễn Đổng Chi, VNCVHS - tlđd: thơ đời Trần có đủ các giọng điệu thơ văn: lối thơ nhàn
tản, lối thơ cao siêu, lối thơ cảm khái, lối thơ hùng tráng, lối văn khôi hài và trào phúng... )
+ Phú đời Trần bắt đầu hình thành, phát triển: Hán và Nôm
Tiểu kết giai đoạn 1:
- Mô hình thể loại trung tâm: Công văn (Chiếu, Hịch, Biểu), Văn bia (Bi kí, Bi minh), thi – kệ,
thần phả, tiểu truyện thiền sư; phú chữ Hán đời Trần chủ yếu mang nội dung ca tụng triều đại
thịnh trị, vua sáng tôi hiền, khuyên răn đạo lí người làm việc triều chính (quan lại, chép sử)
- Xu hướng vận động: VHCN ban đầu ở trung tâm, VHNT (thơ trữ tình) vừa xuất hiện đã đạt
thành tựu lớn
+ thời Lý VHCN phổ biến;
+ thời Trần: phú Nôm bắt đầu xuất hiện cũng mang tính chức năng tôn giáo lễ nghi (Cư trần lạc
đạo phú – Trần Nhân Tông – truyền bá tư tưởng phái Thiền Trúc Lâm: Cư trần lạc đạo thả tùy
duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn
Thiền → thể hiện tư tưởng đa tôn giáo hòa đồng của đời Lí - Trần, tinh thần khoan dung cởi mở
của Thiền phái Trúc Lâm kế thừa/ảnh hưởng/giao thoa hai Thiền phái Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn
thông [tư tưởng “hòa quang đồng trần”, hòa cùng ánh sáng và bụi bặm thế gian, sống theo quy
luật tự nhiên giữa trần thế và “tự giác giác tha” thực hành đạo, chủ trương Phật tại tâm, tất cả mọi
chúng sinh đều có Phật tính, con đường đạt Giác Ngộ là trở về trạng thái Tâm rỗng không (Vô
Tâm, Tâm Không), Tâm không câu chấp không bám víu, thoát khỏi mọi “vọng niệm” “vô minh”
sẽ đạt tới cảnh giới Niết Bàn]);
+ thời Trần xuất hiện thơ chữ Hán trữ tình, mang phong cách nghệ thuật đa dạng, được đời sau
đánh giá cao.
3.2. Giai đoạn phát triển (XV - XVII)
VHNT, văn học Nôm xuất hiện muộn hơn, từ vị trí ngoại biên tiệm tiến dần vào trung tâm:
- VH chữ Hán và VH chữ Nôm đều có xu hướng “nho giáo hóa” “điển phạm hóa” phục vụ thể chế
chính trị độc tôn Nho giáo thời Lê sơ (1428 - 1497): Thơ Nguyễn Trãi, thơ Lê Thánh Tông và Hội
Tao Đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Nôm của Trịnh Căn (làm Chúa 1682 - 1709) [tạo thành
dòng thơ Nôm Trịnh phủ đậm tính “tải đạo” suốt thế kỉ XVIII: Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh
Sâm]  
- Thơ Nôm Đường luật /Ngâm khúc /Hát nói/ Truyện (thơ) Nôm Đường luật
- Truyện văn xuôi chữ Hán có bước phát triển đột xuất: truyện ngắn truyền kì chính thức ra đời và
đạt đỉnh cao nghệ thuật (Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục), thể kí xuất hiện ở hải
ngoại: Nam ông mộng lục
Tiểu kết giai đoạn 2:
- Mô hình thể loại trung tâm: thế kỉ XV thơ chữ Hán và Nôm thiên về tải đạo nói chí, trừ thơ
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự kết hợp giữa ngôn chí và trữ tình nghệ thuật.
- Xu hướng vận động: đi từ “văn học chức năng hóa” (thơ ngôn chí, cảnh giới…) đến văn học hư
cấu (truyện truyền kì)
3.3. Giai đoạn đỉnh cao (XVIII – giữa XIX):
VHNT vào trung tâm, VHCN ra ngoại biên:
- Tất cả các thể loại VHNT chữ Hán, chữ Nôm, ngoại nhập, nội sinh đều đạt thành tựu đỉnh cao.
- Các thể loại đều tập trung xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm của thời đại: người phụ nữ
(ca ngợi, xót thương, đồng cảm) và người Tài Tình (liên tài, thị tài, trọng tài):
Ngâm khúc / Truyện (thơ) Nôm (Lục bát) / Hát nói
Thơ Nôm Đường luật
Truyện (ngắn) truyền kì / Kí / Tiểu thuyết chương hồi
- Các thể loại văn thơ chữ Hán biến tấu đa dạng, phù hợp với nhu cầu thể hiện những nội dung
mới: phản ánh hiện thực (xã hội/thời đại, đời sống tâm hồn cảm xúc của cá nhân); bộc lộ quan
niệm “thơ chủ Tình, quý chân” (thuyết tính linh). Đơn cử:
Đoạn trường lục (Phạm Nguyễn Du, 1739 - 1786): chép chuyện “đứt ruột/xé lòng”, tập nhật kí
bằng thơ chữ Hán về nỗi đau và tiếng khóc thương người vợ trẻ. Người vợ đó là Nguyễn Thị
Đoan Hương, chị ruột Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, người làng Đông Hải, huyện Chân
Phúc, trấn Nghệ An; làm vợ Phạm Nguyễn Du từ 16 tuổi, sinh 6 lần, nuôi được 2 con, mất năm 29
tuổi. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng khóc bằng bài Văn tế chị chữ Nôm gồm 14 câu.
Đoạn trường lục được viết theo trình tự thời gian từ rằm tháng ba đến ngày 28/5 – khi đắp xong
mộ với bài Thành phần văn (văn đắp xong mộ). Đoạn trường lục có thể loại đa dạng, bao gồm 14
bài văn tế, 49 đôi câu đối cúng, phúng viếng, và 34 bài thơ gồm luật thi, tuyệt cú, tứ ngôn.
Khuê ai lục (Ngô Thì Sĩ, 1726 - 1780) được sáng tác trong khoảng 1770 - 1773, ghi lại nỗi đau
buồn về chuyện phòng khuê, là tiếng khóc người vợ trẻ (mới sống với ông 7 năm, sau khi vợ cả
ông mất để lại 5 con). Khuê ai lục cũng có thể loại đa dạng, bao gồm 17 bài thơ và khúc, 2 đôi đối
liễn, 10 bài văn tế, 1 tiểu truyện văn xuôi.
Ngoài ra, có thể kể một loạt tác phẩm “khóc thương” người phụ nữ trong gia đình, như: Văn tế
chị Nôm (Nguyễn Hữu Chỉnh, đã nêu trên); thơ Nôm và Hán nhớ vợ, khóc vợ (của Phan Thúc
Trực, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Khuyến…), thơ khóc con gái, chị gái (của Cao Bá
Quát), ngâm khúc khóc chồng (Ai tư vãn…), truyện thơ khóc người yêu (Sơ kính tân trang…).
Một góc độ khác, còn phải kể tới mảng thơ và văn tế, câu đối khóc vợ/chồng theo hướng trào
lộng, giễu nhại (thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…)
- Hiện tượng “thác lời/mượn lời/mượn giọng Nữ”: Ngâm khúc (Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán
ngâm khúc, Ai tư vãn, Bần nữ thán…); thơ Nôm (Hồ Xuân Hương); thơ Hát nói (Nguyễn Công
Trứ: Lời tiểu thiếp tự tình…)…
Tiểu kết giai đoạn 3:
- Mô hình thể loại trung tâm: các thể loại VHNT đạt đỉnh cao
- Xu hướng vận động: các thể loại văn học dân tộc (nội sinh) cả chữ Hán và Nôm chiếm ưu thế
vượt trội so với giai đoạn trước và so với các thể loại ngoại nhập, đạt thành tựu lớn, hoàn thiện
chất lượng thể loại.
3.4. Giai đoạn kết thúc (nửa cuối XIX): VHCN tái xuất, song hành cùng VHNT và
VHDG/khuyết danh tại trung tâm: Văn tế, Hịch, Thơ điếu, Tấu, Biểu, Sớ (Điều trần), Vè, Ca,...
Tiểu kết giai đoạn 4:
- Mô hình thể loại trung tâm: Văn tế, Hịch, Thơ điếu, Tấu, Biểu, Sớ (Điều trần), Vè, Ca,...
- Xu hướng vận động: văn học bị chức năng hóa mạnh vào cuối thế kỉ XIX, đáp ứng yêu cầu
chính trị của thời đại: chống ngoại xâm và canh tân đất nước. Thơ chữ Hán gắn với khuynh hướng
yêu nước chống ngoại xâm. Thơ Nôm và Hát nói có khuynh hướng đa dạng hơn.
- Xuất hiện những tác giả và tác phẩm văn học quốc ngữ (La tinh) đầu tiên của nền văn học Việt
Nam ở Nam Kỳ: Trương Vĩnh Ký (Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, 1875; Chuyện đời xưa - nhón
lấy những chuyện hay và có ích, 1866 - 1882); Nguyễn Trọng Quản (Truyện thầy Lazaro Phiền,
1887), Huỳnh Tịnh Của (Chuyện giải buồn, 1882?)…
Tổng kết: Kho tàng văn học Việt Nam đã bị khuyết tán, thất truyền nhiều. Ngoài các nguyên nhân
khách quan như địa lý, khí hậu nóng ẩm, nguyên nhân chiến tranh (những trận chiến tranh lớn kể
từ sau khi có quốc gia độc lập, như: Chiêm Thành đốt phá cướp bóc Thăng Long đời Nghệ Tông
1370 - 1372; nhà Minh cướp hết sách vở cổ kim của ta, phá hủy hoặc mang về Kim Lăng năm
1406 - 1407; cuối Lê sơ, loạn Trần Cảo 1516 ở Thăng Long cũng tiêu hủy nhiều sách vở; nội
chiến Nam Bắc triều; Trịnh – Nguyễn phân tranh; chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh; kháng
chiến Cần Vương...); còn do nguyên nhân chủ quan (đời sống và tâm lý tiểu nông ít quan tâm lưu
giữ thư tịch, nhà nước ít coi trọng văn chương phi chính thống…). Phần trước tác còn lại không
tránh khỏi tình trạng dị bản, tam sao thất bản, hoặc ngụy tạo,… khó có thể cho thấy đầy đủ diện
mạo thể loại và đặc trưng VHTĐ.
Dù vậy, một cách tương đối, những văn bản văn chương chữ Hán và chữ Nôm, chữ quốc ngữ
sớm… còn được lưu giữ, truyền lại, đã chứng minh sự hiện diện của một truyền thống văn học
dân tộc có bề dày hình thành và phát triển bản sắc riêng trên các phương diện thể loại cũng như
ngôn ngữ đáng khẳng định, tự hào.

You might also like