You are on page 1of 24

CHIẾN TRANH VÀ 

SỐ PHẬN CON NGƯỜI

- Đỗ Hải Phong -

Ngày 22/6/1941, phát-xít Đức tấn công Liên Xô. Trong cuộc đụng đầu lịch sử vĩ
đại nhất và cũng khốc liệt nhất của thế kỷ XX này, Mikhail Sholokhov trở thành
một phóng viên chiến tranh.

Những bài ký, phóng sự chiến tranh của Sholokhov như Về hướng Smolensk, Trên
đường ra mặt trận, Những cuộc gặp gỡ đầu tiên, Những người Hồng quân... không
chỉ có tính kịp thời của thông tin mặt trận, mà còn khắc hoạ được nét ưu trội tinh
thần của những người Xô-viết trong sự tương phản với kẻ thù phát xít. Những nẻo
đường chiến tranh với cả sự thảm khốc cũng như hào hùng được Sholokhov khắc
họa hết sức tinh tế: những xác người vất vưởng bên những hố bom, mìn; một con
ngựa non vừa chết bên cạnh mẹ của nó còn đang run rẩy; một con mèo vàng với bộ
lông cháy sém đang lấy tay rửa mặt bên căn nhà cháy dở; hai con gà mái bới tìm
thức ăn trong vườn rau mọc đầy cỏ dại; đàn chim câu xao xác không muốn rời mái
nhà thờ đã bị phá huỷ; những người phụ nữ dắt díu đàn con nhặt nhạnh những gì
còn lại trên mảnh vụn của những ngôi nhà với những chiếc giường trẻ con cong
queo đen sạm; những nơi bọn Đức đi qua chỉ còn lại hoang tàn đổ nát, nhưng đây
đó bên dòng suối những người công binh lưng trần "mồ hôi loáng lên dưới nắng"
đang dựng lại những cây cầu, hương nhựa thông của vỏ bào cùng hơi mát từ dòng
suối quyện lại với nhau ngây ngất... 

Nỗi đau chiến tranh khơi dậy lòng căm thù, tôi luyện lòng người, thúc giục con
người sống và chiến đấu. Ngày 22/6/1942, truyện ngắn Khoa học căm thù của
Sholokhov được đăng trên báo Sự thật. Một ngày sau nó được in lại trên báo Sao
đỏ, rồi được xuất bản riêng thành những cuốn sách nhỏ. Những cuốn sách đó có
một ảnh hưởng sâu rộng đến những người lính Xô-viết trên toàn mặt trận.

Khuynh hướng chính luận của truyện ngắn Khoa học căm thù được quyết định bởi
tính thời sự của nó. Tuy nhiên, đó không phải là tính chính luận khô khan mà là
hơi thở của chính cuộc sống những người lính Xô-viết trong chiến tranh.

Truyện ngắn Khoa học căm thù chủ yếu được kể từ lời "người trong cuộc", trung
uý Gherasimov.
Từ khi còn ở vùng quê Ural của mình người thợ máy Gherasimov biết về người
Đức qua những trang sách của các nhà văn kinh điển, qua những cỗ máy được làm
ra bởi những bàn tay thông minh và cẩn thận. Gherasimov "yêu mến và quen kính
trọng nhân dân Đức". ấy vậy mà chiến tranh bùng nổ, Gherasimov phải chia tay
với vợ, hai con nhỏ và ông bố tàn tật để lên đường chiến đấu với "bọn láng giềng
phản trắc". Trong những ngày đầu cuộc chiến Gherasimov vẫn còn quan tâm đối
xử tốt với tù binh Đức. Thế nhưng những cảnh khủng khiếp mà anh phải chứng
kiến và trải qua trên những nẻo đường chiến tranh không thể không dấy lên trong
anh lòng căm thù: "Những xóm làng bị đốt trụi, hàng trăm đàn bà, trẻ em, người
già bị bắn chết, những chiếc thây bất thành nhân dạng của các chiến sĩ hồng quân
bị bắt làm tù binh, những phụ nữ, thiếu nữ, em gái nhỏ bị chúng hãm hiếp và giết
hại một cách dã man..."

Khắc họa nỗi đau chiến tranh, ngòi bút của Sholokhov có lúc như sưng tấy lên
nghiệt ngã đến đau xót. Nhức nhối mãi trong lòng người đọc cũng như trong lòng
người chiến sĩ Gherasimov hình ảnh cô bé mười một tuổi bị bọn phát xít lôi ra
vườn rau hãm hiếp rồi giết chết "trên những cây khoai tây nát bét... xung quanh là
những quyển vở và sách giáo khoa đẫm máu vương vãi... mặt em bị băm vằm
trông rất khủng khiếp, tay em còn nắm chặt chiếc cặp học sinh mở tung"; rồi cảnh:
"Trên những cành cây mọc ở bờ khe, treo lủng lẳng những thân hình đẫm máu
không chân không tay bị lột gần hết da... ở dưới đáy khe có tám người bị giết chất
thành một đống... một đống thịt lớn bị chặt vụn..."

Có lẽ ít có nhà văn nào viết về chiến tranh nghiệt ngã đến như Sholokhov, nhưng
cũng ít có nhà văn nào miêu tả được ý chí, nghị lực, sự quật cường của những con
người bình dị trong chiến tranh thành công như Sholokhov. Khi rơi vào tay quân
Đức Gherasimov trong lúc bị thương đã gượng đứng lên vì "không thể nằm như
vậy mà chết". Bị bọn Đức đánh đập, hành hạ, Gherasimov không cho phép mình
gục ngã mà gắng gượng tự nhủ: "tôi vẫn bước đi và như thế có nghĩa là tôi vẫn còn
sống và có thể hành động được". Mọi cực hình trong trại tập trung của phát xít
không bẻ gãy được ý chí của Gherasimov, không cướp đi được tấm thẻ Đảng mà
anh gìn giữ nâng niu. Gherasimov gắng sống, gắng gượng chịu đựng tất cả với
quyết tâm: "Tôi cần phải trở lại đội ngũ những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc". Và cuối
cùng người chiến sĩ Xô-viết ấy đã trốn được về với những người đồng đội của
mình. 
Gherasimov trở về với đội ngũ với lòng căm thù nung nấu nhói đau không chịu nổi
mỗi lần anh nhìn thấy một tên phát xít nào còn sống. Câu chuyện của "người trung
uý mới ba mươi hai tuổi mà đã trải bao thử thách khủng khiếp, nhưng vẫn khoẻ
mạnh cứng rắn như một cây sồi" ấy thể hiện sức mạnh tinh thần của cả đất nước
Xô-viết đang sục sôi ý chí biến căm thù thành hành động. Khoa học căm thù thực
chất là khoa học yêu thương đối với mảnh đất và những con người đang bị giày
xéo dưới gót giày quân phát xít.

Truyện ngắn Khoa học căm thù được những người lính Xô-viết chuyền tay nhau
trong mỗi chiến hào, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu thời sự trước mắt, mà còn là
bản phác thảo đầu tiên cho kiệt tác Số phận con người.

Tháng Năm năm 1943, trên báo Sự thật bắt đầu đăng một số chương của tiểu
thuyết Họ chiến đấu vì Tổ quốc của Sholokhov. Một số chương tiếp theo của cuốn
tiểu thuyết được đăng tải trên báo và tạp chí vào những năm 1944, 1949, 1954,
1959, 1969. Cuốn tiểu thuyết không được hoàn thành vì nhiều lý do khác nhau,
nhưng với những chương đã được công bố tác phẩm này của Sholokhov đã thể
hiện rõ ý tưởng kỳ vĩ của nhà văn.

Vào mùa xuân năm 1946, mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, trong một chuyến
công tác qua thôn Volokhovsky thuộc trấn Elanskaya, tại một bến phà, Sholokhov
làm quen với một người lái xe đi cùng một cậu bé. Người lái xe kể cho nhà văn
nghe về cuộc đời chìm nổi của mình. Câu chuyện đặc biệt làm cho nhà văn xúc
động và dự định sẽ viết một truyện ngắn về người lái xe ấy. Tuy nhiên, phải mười
năm sau ý tưởng ấy mới trở thành hiện thực.

Sholokhov đã phải nghiền ngẫm rất lâu để cuối cùng có thể đặt bút viết liền một
mạch và hoàn thành truyện ngắn chỉ trong mấy ngày cuối năm 1956. Truyện
ngắn Số phận con người được in trên báo Sự thật vào số ra ngày 31/12/1956 và
ngày 1/1/1957.

Số phận con người của Sholokhov chinh phục người đọc bằng sự giản dị và hàm
súc của nó. Tác phẩm được xây dựng theo một kết cấu truyền thống - kết cấu
"truyện trong truyện". Tuy nhiên, loại kết cấu có từ thuở sơ khai của các loại hình
tự sự này được tác giả sử dụng với một hiệu quả nghệ thuật đặc biệt: câu chuyện
được kể lại tự nhiên như chính cuộc sống đồng thời được soi sáng từ cả điểm nhìn
bên trong lẫn điểm nhìn bên ngoài, kết hợp được cả tính bi kịch, tính sử thi với tính
trữ tình.

Thời điểm kể của câu chuyện là mùa xuân năm 1946, mùa xuân đầu tiên sau cuộc
chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của dân tộc Nga chống phát-xít Đức (1941 - 1945). Ở
đầu truyện ngắn, người kể chuyện - tác giả khoan khoái tận hưởng không khí mùa
xuân hòa bình đầu tiên "rất mực hiền hòa và kiên quyết" đến với vùng thượng lưu
sông Đông sau khi vượt qua một chặng đường khó đi và chèo một chiếc thuyền nát
qua sông Elanka bị nước lũ tràn bờ "rộng đến một cây số", phải chờ người bạn
đồng hành đi chuyến sau sang. Mạch kể chậm rãi, hình ảnh mùa xuân với "làn gió
ấm" tháng ba, "những bãi cát bên tả ngạn sông Đông đã lồ lộ ra sạch bóng tinh
tươm", "sông ngòi thảo nguyên phá vỡ băng, cuồn cuộn chảy", "bầu không khí ban
mai mát mẻ xông lên nồng nặc và ngây ngất mùi mồ hôi ngựa và mùi nhựa" quen
thuộc của cuộc sống lao động hòa với "mùi hương muôn thuở thanh xuân, thoang
thoảng của đất vừa thoát khỏi cảnh tuyết phủ", hình ảnh "xóm quê trải dài tít tắp"
dưới ánh "mặt trời chói chang như giữa tháng năm", "những đám mây trắng căng
phồng, đang lững lờ trôi trên nền trời xanh nhạt" – tất cả nhấn mạnh dòng chảy bất
tận của cuộc sống. Chủ đề "con người và số phận" trong văn học từ thời Cổ đại vốn
là một chủ đề mang tính bi kịch, ở Sholokhov nó lại bắt đầu được triển khai theo
phong cách sử thi.

Trên bờ sông, người kể chuyện gặp một người đàn ông dắt tay một em bé chừng
năm, sáu tuổi. Người đàn ông có đôi bàn tay "to lớn đen sạm", "to lớn sần sùi" và
cặp mắt "như bị phủ tro, chan chứa một nỗi buồn thê thảm chết chóc", còn đứa bé
có đôi bàn tay "bé bỏng hồng hồng lạnh buốt" và "cặp mắt trong xanh như da trời".
Sự tương phản giữa hai con người của hai thế hệ thể hiện qua những hình ảnh có ý
nghĩa biểu trưng phổ biến trong mối quan hệ giữa con người với số phận. Người
đàn ông, vốn làm nghề lái xe (cái nghề luôn phải vững tay lái trên một con đường),
tưởng người kể chuyện-tác giả cũng là lái xe nên thân mật dừng lại bắt chuyện và
tâm sự về cuộc đời mình. Người đàn ông ấy tên là Andrey Sokolov[1].

 Nhân vật trung tâm tự kể về cuộc đời mình vận dụng cả hai điểm nhìn: điểm nhìn
"lúc đó" song hành với sự kiện và điểm nhìn "bây giờ" từ ý thức về những kết cục
của sự kiện. Hai điểm nhìn này bổ sung cho nhau để người đọc vừa có thể nhập
trực tiếp vào mạch kể, vừa có lúc gián cách với câu chuyện mà suy ngẫm. Câu
chuyện về cuộc đời Andrey Sokolov có thể chia làm ba giai đoạn lớn: trước chiến
tranh vệ quốc, trong và sau chiến tranh.

Andrey Sokolov sinh năm 1900 tại một làng thôn thuộc tỉnh Voronezh, trong thời
gian cách mạng và nội chiến từng phục vụ trong Hồng quân. Để nhân vật "sinh ra
cùng thế kỷ" nhấn mạnh cuộc sống của mình "cũng bình thường thôi", Sholokhov
muốn thông qua số phận của một người "bình thường" hướng tới khắc họa vận
động tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân loại trong cơn bão táp lịch sử của thế
kỷ XX.

"Năm hai mươi hai đói kém" Andrey trôi dạt tới Kuban làm thuê kiếm sống. Khi
trở về thì "bố mẹ và em gái đã chết đói hết". Đòn đầu tiên của "số phận" ấy đặt
nhân vật vào hoàn cảnh "tứ cố vô thân": số phận cướp đi của con người những
người thân yêu nhất, bắt con người phải cô độc một mình.

Andrey bỏ lên thành phố làm cho một hợp tác xã mộc, rồi làm thợ nguội. ít lâu sau
anh cùng cô gái "lớn lên trong trại mồ côi" Irina lập thành một gia đình. Người "tứ
cố vô thân" và cô gái "mồ côi" kết nối với nhau bằng tình yêu thương để chống
chọi với số phận. Irina hiền hậu, dịu dàng đã làm cho Andrey cảm thấy ấm lòng và
kiềm chế được cả thói rượu chè, chí thú làm ăn, lo toan cho cuộc sống. Câu chuyện
Andrey kể về thái độ thông cảm đầy thương yêu của vợ đối với lần anh say rượu
không chỉ là minh chứng cho sự hiền dịu của người vợ trong trường hợp cụ thể ấy
mà còn như nhấn mạnh sức mạnh của tình yêu thương, khả năng đồng cảm có thể
cải biến con người: Andrey thầm nhủ "Chả nhẽ ta lại nỡ phụ một tấm lòng tin cậy
như thế hay sao?" Motif rượu vừa như chất men say cuộc sống vừa có thể nhấn
chìm cuộc sống được đưa vào tác phẩm chính ở chi tiết này và sẽ được triển khai
xuyên suốt cả ba giai đoạn trong cuộc đời nhân vật.

Cuộc sống của Andrey và Irina dần dần đi vào ổn định như cuộc sống của hàng
triệu người dân Xô-viết khác. Họ có ba  con: Anatoli giỏi toán, hai cháu gái Olga
và Nastia ngoan hiền. Andrey học lái xe và "ngồi sau tay lái thấy đời vui hơn"
(Nghề lái xe cũng sẽ gắn bó với Andrey suốt trong cả đoạn đời sau này). Gia đình
Andrey dành dụm được một ít tiền, dựng được một ngôi nhà nhỏ. "Mấy đứa con có
sữa ăn với cháo, trên đầu có mái nhà che nắng che mưa, giày dép đủ, áo quần đủ,
thế là mọi sự đều ổn cả". Con người dường như chỉ cần có vậy, song đúng vào lúc
hạnh phúc nhỏ nhoi được thiết lập, số phận phũ phàng cướp đi tất cả.
Tháng Sáu năm 1941, chiến tranh Vệ quốc bắt đầu. Andrey Sokolov lên đường ra
mặt trận. Nỗi đau chiến tranh được Sholokhov nhấn mạnh ngay từ cảnh số phận
chia lìa: cảnh gia đình tiễn người đàn ông ra mặt trận. Đó là nỗi đau của những đứa
trẻ: "Những đứa con từ nay vắng bố đứng cụm lại với nhau" với "đôi vai rung rung
như người bị lạnh", "không giữ được mấy giọt nước mắt", "muốn cười nhưng nụ
cười không hé ra được". Và đặc biệt là nỗi đau của người vợ tiễn chồng ra mặt
trận: "Suốt đêm, Irina gục đầu vào vai tôi, vai và ngực áo sơ mi của tôi đẫm nước
mắt không khô..."; "đôi môi sưng mọng lên vì nước mắt, làn tóc xõa tung dưới
khăn bịt đầu, mắt đục ngầu, đờ đẫn như người bị mất trí"; "bổ nhào vào ngực tôi,
hay tay bíu chặt lấy cổ tôi, toàn thân run lên như một thân cây sắp bị đẵn đổ"; "áp
sát vào người tôi như chiếc lá dính vào cành, chỉ run rẩy toàn thân không nói được
nửa lời"; "hai tay ôm lấy ngực, đôi môi trắng bệch như phấn, thầm thì điều gì đó,
nhìn tôi không chớp mắt và toàn thân ngả về phía trước như muốn đi ngược chiều,
cố cưỡng lại một luồng gió mạnh..." Linh cảm "không còn thấy lại nhau" của người
vợ và việc Andrey xô vợ ra rồi ân hận được miêu tả từ cả hai điểm nhìn "lúc đó" và
"bây giờ" vừa nhấn mạnh ý chí hướng tới sự sống của Andrey lúc lên đường, vừa
thể hiện nỗi đau chia lìa khủng khiếp.

Đánh giặc chưa được một năm, Andrey bị thương hai lần vào tay và chân. Trong
thời gian ấy, anh vẫn viết thư về nhà nói "mọi sự đều ổn cả", vì anh hiểu rằng "ở
hậu phương đám đàn bà và trẻ em bất hạnh có dễ chịu gì hơn đâu! Cả nước trông
đợi vào họ!", còn trên chiến trường "Anh là thằng đàn ông, anh là thằng lính, khi
cần thiết phải chịu hết, phải gánh hết". Chính tinh thần kết nối bằng sự thông cảm
và thấu hiểu của người lính ngoài tiền tuyến với "đám đàn bà trẻ con" ở hậu
phương ấy tạo nên sức mạnh để cộng đồng dân tộc, nhân loại chống chọi với thù
hận, chia lìa của chiến tranh phát-xít.

Cũng chính tinh thần kết nối ấy hội tụ trong ý chí của Andrey khi xung phong lái
xe vượt qua tuyến lửa tiếp đạn cho một đơn vị pháo, bất chấp hiểm nguy: "Đằng
kia các đồng chí có thể đang hy sinh, còn ở đây lẽ nào tôi lại chần chừ". Xe của
Andrey trúng phải đạn pháo, anh bị thương, lúc tỉnh dậy đã thấy mình ở trong vòng
vây quân địch. "Không muốn chết nằm", anh cố đứng dậy "lảo đảo, vật vờ như cây
dương trong cơn bão tố".
Bọn Đức bắt giải Andrey đi cùng đoàn tù binh đến một nhà thờ bị bom làm sạt mất
vòm, khóa trái cửa lại "như nhốt một đàn cừu trong chuồng tối", có người muốn
xin ra ngoài đi vệ sinh thì bị chúng xả súng bắn chết. Phát-xít Đức không chỉ lăng
nhục con người, chúng còn là những kẻ "không có Chúa". Tối hôm đó, Andrey
được một người bác sĩ quân y chữa cho khỏi bong gân và phải giết chết một kẻ
định phản bội đồng chí của mình. Motif đấu tranh Thiện – Ác ở ngay chính trong
nội bộ những người tù binh được nâng lên tầm vóc triết luận của Kinh thánh qua
đoạn độc thoại ngắn, dứt khoát, của nhân vật trung tâm không phải là trí thức,
không quen suy tưởng, thiên về hành động nhiều hơn: sau khi bóp chết kẻ phản
bội, Andrey "thấy người khó chịu ghê gớm, muốn đi rửa tay quá chừng, cứ như là
vừa mới bóp chết một loài rắn độc nào đó, chứ không phải một con người... Lần
đầu tiên trong đời, tôi đã giết người, mà đó lại là người mình... Nhưng sao hắn lại
là người mình được nhỉ? Hắn còn tồi tệ hơn người xa lạ nữa kia, hắn là thằng phản
bội..."

Bọn Đức tiếp tục giải đoàn tù binh về phía Tây, phía đất Đức. Một lần chúng sai
Andrey đào huyệt chôn những người chết vì dịch tả. Nhân lúc chúng sơ hở, Andrey
"nhằm thẳng phía mặt trời mọc" bỏ trốn. Được bốn ngày, khi tạm trốn "trong đám
kiều mạch" thì bọn Đức đuổi tới. Chúng suỵt chó cắn Andrey "da thịt tả tơi từng
mảnh" rồi nhốt vào "xà lim riêng" một tháng. Nhưng Andrey "vẫn cứ sống... và
vẫn còn sống". Khát vọng sống để còn có một ngày kết nối được với "quân mình"
giúp cho con người đứng vững dù có bị đẩy vào hoàn cảnh biệt lập đến đâu chăng
nữa.

Hai năm, Andrey chuyển hết từ trại tập trung này sang trại tập trung khác trên "nửa
đất Đức". Dọc đường đoàn tù binh bị rơi rụng đi nhiều, người thì chết do không đủ
sức đi tiếp, người thì bị bọn Đức bắn chết, sang đến trại B-14, một trại tập trung
trên đất Đức, đoàn người chỉ còn lại 57 trên tổng số 142 người lúc trước. Tại trại
tập trung này, bọn Đức bắt mỗi tù nhân phải đào mỗi ngày mỗi người bốn thước
khối đá, Andrey nói đùa rằng "một khối cũng thừa để xây mồ". Có kẻ ton hót với
tên trưởng trại khét tiếng tàn ác Müller. Hắn cho gọi Andrey lên và bày ra một trò
tiêu khiển: thử xem Andrey, lâu ngày nhịn đói có còn uống rượu được như một con
người hay không. Song bọn Đức đã không thể biến được Andrey "thành súc vật".
Với "phẩm chất Nga và niềm kiêu hãnh của mình", Sokolov đã chứng tỏ dũng khí
của một người Nga "không chịu nghẹn họng vì miếng ăn chúng thí cho". Không bẻ
gãy được ý chí của Andrey, Müller tha chết cho anh và thưởng cho anh "khúc bánh
mì không to lắm và một miếng thịt mỡ". Khi còn chưa thoát hoàn toàn khỏi vòng
nguy hiểm, suy nghĩ đầu tiên của Andrey là nghĩ về những người cùng cảnh ngộ:
"Hắn mà cho mình một phát vào đầu thì không mang được mấy món này về cho
anh em". Về đến phòng giam, những thứ "chiến lợi phẩm ấy" được "chia đều cho
tất cả" và "ai cũng hài lòng". Chính tinh thần sẻ chia, khả năng nghĩ đến người
khác với tình yêu thương ấy đã làm nên sức mạnh tập thể dẫn những người Nga
đến chiến thắng. Lúc đó là vào năm 1944, chính vào lúc quân Nga thắng trận
Stalingrad và bắt đầu phản công. Thử thách cao trào đối với nhân vật trung tâm
ứng với bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chung của cả dân tộc, nhân loại.

Mặt trận tiến dần về phía tây, tinh thần quân Đức ngày một trở nên rệu rã. Bọn
Đức bắt Andrey lái xe chở một tên thiếu tá kỹ sư. Trên đường phố bắt đầu xuất
hiện nhiều tên Đức say rượu. Andrey nhân đó lấy được một bộ quần áo của một tên
hạ sĩ quan say rượu, chuốc rượu cho tên thiếu tá say mèm, lấy cặp tài liệu của hắn
và lái xe vượt chiến tuyến về với quân Nga. Trong thời gian nghỉ phép, Andrey
nhận được tin từ quê nhà: từ tháng Sáu 1942, một quả bom đã rơi trúng ngôi nhà
gần xưởng sản xuất máy bay của gia đình anh, vợ và hai con gái của anh đã mất
trong trận bom đó. Suốt trong thời gian bị bắt làm tù binh, đêm đêm Andrey thầm
nói chuyện với những người thân, hóa ra anh "toàn nói chuyện với những người đã
chết". Không phải vô tình, thời gian bị giam hãm của Andrey trùng với thời gian
anh mất vợ và các con gái. Mô hình cốt truyện "phục sinh từ cõi chết" cổ xưa sống
lại trong tác phẩm đặt lại vấn đề con người và số phận của Sholokhov, nó chuyển
vấn đề từ bình diện bi kịch sang bình diện sử thi.

 Niềm tự hào, niềm hy vọng cuối cùng của Andrey là Anatoli con trai của anh giờ
đã là một đại úy pháo binh đang chỉ huy một đơn vị tiến vào Berlin. Đúng ngày
9/5/1945, ngày chiến thắng phát-xít Đức, Andrey được tin con trai anh đã hy sinh
trong trận đánh cuối cùng. Andrey đã phải chôn "niềm vui sướng và niềm hy vọng
cuối cùng" của mình trên đất Đức với "những giọt nước mắt dường như đã khô lại
trong tim... làm tim đau buốt" như vậy. Kết thúc chiến tranh, số phận lại trả Andrey
"như người mất hồn" về tình huống "tứ cố vô thân" đơn độc, đau xót.

Ra khỏi cuộc chiến tranh, Andrey Sokolov bỏ đến Uriupinsk lại tiếp tục làm lái xe.
Xê dịch không làm con người nguôi nổi nỗi đau, song nó tạo cảm giác về sự vận
động và hy vọng vào sự bắt đầu của một cuộc sống mới. Ở Uriupinsk, Andrey sống
cùng hai vợ chồng người đồng ngũ không con cũng là nạn nhân của chiến tranh. Bi
kịch khủng khiếp nhất của con người là bi kịch "không có người tiếp nối". Vì
buồn, Andrey uống rượu và "đã đi quá sâu vào cái tật nguy hại ấy", nhưng trong
quán giải khát, anh đã gặp cậu bé mồ côi "lem luốc, bụi bặm, ai cho gì ăn nấy"
Vania. Tiếng thở dài và ánh mắt của cậu bé "như con chim con non choẹt" không
người chăm sóc ấy làm Andrey rung động. "Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên
trong mắt", Andrey quyết định "không gì có thể chia cắt mình với nó được nữa",
anh nhận nó làm con. Hai con người côi cút, một già một trẻ, hoàn toàn xa lạ,
nương tựa vào nhau trong sự đùm bọc, yêu thương để tiếp tục chống chọi với số
phận. Song số phận vẫn chưa buông tha cho họ.

Ít lâu sau, Andrey lái xe vô tình đâm phải một con bò, vì vậy mà bị tịch thu bằng
lái. Hai bố con lại phải dắt díu nhau sang Kashary với hy vọng "làm thợ mộc
chừng nửa năm, rồi tỉnh họ cấp lại bằng lái xe mới". Vậy là "hai bố con cứ du lịch
khắp nước Nga".

Câu chuyện của Andrey đọng lại ở một nốt trầm đau xót: hầu như đêm nào anh
cũng "chiêm bao thấy những người thân đã quá cố... ở bên kia hàng rào dây thép
gai và chỉ vừa mới toan lấy tay đẩy dây thép gai thì vợ con lại rời xa, cứ như là vụt
tan biến mất... ban đêm thức giấc thì cứ đầm đìa nước mắt".

Tuy nhiên, truyện ngắn không kết thúc ở nốt trầm bi kịch ấy. Cuối tác phẩm lại tái
hiện cảnh mùa xuân, dòng sông, con đường... Mạch kể chuyển về với âm hưởng sử
thi. Nhìn theo những con người "đã trở thành thân thiết" ấy, người kể chuyện - tác
giả không giữ được vai trò của một người nghe và kể lại khách quan nữa. Cảm
hứng trữ tình không nén được trào lên đầu ngọn bút: 

"Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến
tranh thổi bạt tới những miền xa lạ... Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Tự
nhiên tôi muốn nghĩ rằng con người Nga đó là người có ý chí kiên cường không gì
bẻ gãy được, và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đương
đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường, nếu như Tổ quốc
kêu gọi".
Nỗi đau bi kịch không dễ gì nguôi được, song cuộc sống vẫn tiếp tục dòng chảy
của nó và cái chính là phải nghĩ đến tương lai. Cần phải sống và "đừng để những
giọt nước mắt của mình làm tổn thương trái tim em bé".

Số phận của Andrey Sokolov là một số phận bi kịch, nhưng nó không bi kịch hơn
số phận của hàng ngàn, hàng triệu người dân Nga nửa đầu thế kỷ XX. Nỗi đau mất
những người ruột thịt, mất vợ con, mất đi cuộc sống bình yên và những cực hình
mà Andrey phải trải qua trong trại tập trung phát xít được miêu tả như nỗi đau
chung của con người Xô-viết, hay nhân loại trải qua cuộc chiến tranh thế giới
khủng khiếp.

Song Số phận con người không chỉ nói về nỗi đau chiến tranh mà còn nói về sức
mạnh của những con người Xô-viết bình dị trong chiến tranh đã trở thành những
anh hùng. Số phận con người còn là cuộc chiến đấu với số phận của con người nói
chung trong cơn bão táp lịch sử của thế kỷ XX. Đau thương không bẻ gãy được ý
chí và nghị lực sống của con người nhập cuộc. 

Ngoài âm hưởng sử thi ở đầu và cuối tác phẩm, cần lưu ý rằng mỗi giai đoạn và sự
kiện dù nhỏ bé trong cuộc đời Andrey Sokolov ứng với một giai đoạn và sự kiện
lớn lao trong lịch sử dân tộc. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Số phận
con người là "tiểu anh hùng ca" hay "sử thi ở thể loại nhỏ". Trong chiến tranh,
Andrey Sokolov không có những chiến công kỳ vĩ. Anh chỉ hành động như một
người lính Xô-viết "bình thường". Nhưng làm một người lính Xô-viết bình thường
mà vẫn giữ vững được nhân cách của mình trong hoàn cảnh khốc liệt ấy thực chất
đã phải là một anh hùng, là một cánh chim ưng trong bão tố: phải dũng cảm chiến
đấu, gánh hết, chịu hết, phải giữ vững được tinh thần và danh dự trong mọi hoàn
cảnh, phải biết sống và vượt qua mọi thử thách, đau thương, song quan trọng hơn
cả là phải luôn biết kết nối với người khác trong tình yêu thương: tình cảm gia
đình, tình yêu, tình tiền tuyến – hậu phương, tình đồng đội, tình cảm giữa những
người cùng cảnh ngộ, hay đơn giản chỉ là sự đồng cảm sẻ chia giữa những con
người hoàn toàn xa lạ với nhau - đó là vũ khí của con người nhập cuộc trong cuộc
chiến khốc liệt chống chọi với số phận nghiệt ngã.

Khả năng nghĩ đến người khác nằm sâu trong bản chất của những người Nga Xô-
viết đã giúp Andrey tìm lại được nguồn lực sống sau những mất mát tưởng như
không thể bù đắp được của mình. Nhận bé Vania côi cút làm con nuôi, Andrey tái
lập lại cuộc sống. Không phải vô tình Vania thường được Andrey so sánh với "con
chim sẻ nhỏ". Là một cánh chim ưng, Andrey chăm sóc cho "con chim sẻ nhỏ" ấy,
dìu dắt cho nó biết cất cánh bay. Cuộc sống của anh, tương lai của anh là ở đứa bé
mang cái tên tượng trưng cho người Nga - Ivan[2] - ấy.

M.Gorky từng miêu tả "sự ra đời của con người", M.Sholokhov nói tới "số phận
con người". Bi kịch trải nghiệm nhức nhối không kém nỗi đau sinh thành. Song
con người không bị chìm trong nỗi đau, con người tiếp tục sống và vận động, nói
như L.Tolstoy, "con người là dòng sông". Dòng sông không thể ngừng chảy.

[1] Họ "Sokolov" vốn có gốc từ "socol" trong tiếng Nga có nghĩa là "chim ưng". 
[2] Ivan (gọi âu yếm là Vania) - tên gọi phổ biến mang ý nghĩa tượng trưng cho
người Nga.

"SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM" - MIKHAIL SHOLOKHOV


- Đỗ Hải Phong -
Năm 1925, trở về với sông Đông, M.Sholokhov (1905-1984) tâm sự với bạn bè
rằng ông đang nung nấu quyết tâm viết một tác phẩm lớn "về nhân dân nơi tôi đã
sinh ra, nhân dân mà tôi biết rõ". Sau này Sholokhov kể lại: "Tôi bắt đầu cuốn tiểu
thuyết vào năm 1925. Thoạt tiên tôi cũng không nghĩ là sẽ mở rộng nó đến thế.
Nhiệm vụ miêu tả dân côzăc trong cách mạng rất hấp dẫn. Tôi bắt đầu từ sự tham
gia của những người côzăc vào cuộc hành binh của Kornhilov về Petrograd..."
Cuốn tiểu thuyết về sông Đông bắt đầu như vậy. Nó được khởi thảo với cái tên
"Donshina" .
"Donshina" đã bắt đầu được khoảng bốn tờ giấy in khổ lớn thì ngừng lại.
Sholokhov không hài lòng với những gì được viết ra: "Những người côzăc là thế
nào? Thế nào là vùng quân dịch sông Đông? Có lẽ đối với độc giả nó vẫn là một
terra incognita nào đấy chăng?... Vì thế tôi bỏ hết những gì đã làm, bắt đầu nghĩ về
một tiểu thuyết lớn hơn".
Năm 1926, nhà văn hai mươi mốt tuổi Mikhail Sholokhov bắt tay vào viết cuốn
"tiểu thuyết lớn hơn" ấy. Phạm vi miêu tả của nó không chỉ bó hẹp trong khuôn
khổ một cuộc bạo loạn. Sholokhov bắt đầu cuốn tiểu thuyết mới bằng việc miêu tả
phong tục, tập quán và cuộc sống lao động của những người côzăc sông Đông
trước chiến tranh, trước cách mạng để lý giải những dao động của họ trong chiến
tranh, trong cách mạng, đồng thời tạo sự tương phản giữa cảnh sông Đông "êm
đềm" với cảnh sông Đông "ngầu đục". Khai triển cái nhìn mang tính nhân dân, tính
thời đại đối với hình tượng sông Đông, nhà văn đồng thời cũng tìm ra phương thức
kết cấu những nhân vật cận cảnh của cuốn tiểu thuyết xung quanh và bắt đầu từ
một gia đình và một nhân vật trung tâm - gia đình Melekhov và Grigori Melekhov.
Như vậy, tính sử thi sẽ được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết và dòng chảy lịch
sử sẽ được tái hiện thông qua sinh hoạt thường ngày cũng như số phận và sự đan
cài số phận của một cá nhân với những khuynh hướng khác nhau của thời đại. Tìm
ra được một nhân vật điển hình phức tạp như Grigori, Sholokhov có khả năng phản
ánh được cả bi kịch nhân cách và thời đại, cả triển vọng lịch sử. Vấn đề nan giải
nhất dường như đã được giải quyết sau khi Sholokhov tìm ra được nốt nhạc đầu
tiên giản dị của bản hoà tấu lớn lao về sông Đông: "Cơ ngơi nhà Melekhov ở ngay
rìa thôn..." - phần I của cuốn tiểu thuyết bắt đầu như vậy.
Sholokhov khởi thảo "Sông Đông êm đềm" ở trấn Bukanovskaya và tiếp tục viết cả
khi cùng gia đình chuyển về trấn Vioshenskaya vào năm 1926.
Không chỉ ngồi một chỗ để viết, Sholokhov còn phải thu thập thêm tài liệu, gặp gỡ
những người đã chứng kiến những sự kiện lịch sử được nói đến trong tiểu thuyết,
vùi đầu vào đống sách vở, tài liệu của thư viện, bảo tàng lịch sử ở tỉnh nhà cũng
như ở Moskva. Mùa hè và thu năm 1927 Sholokhov sống ở Moskva, làm việc ở toà
soạn tạp chí Thanh niên nông dân, để tiện khai thác kho tài liệu lưu trữ của thư
viện quốc gia, nhưng chẳng bao lâu ông lại quay về Vioshenskaya, nơi, như ông
nói, "cả tư liệu, cả thiên nhiên - trong tầm tay". Ở Vioshenskaya nhiều khi
Sholokhov ngồi hàng giờ để nghe người côzăc Kh.Ermacov - một trong những
nguyên mẫu trong đời thực của nhân vật Grigori Melekhov - kể về cuộc đời chìm
nổi của mình.
"Sông Đông êm đềm" được viết trong mười lăm năm căng thẳng trong cuộc đời
của Sholokhov. Sau này nhà văn hồi tưởng lại: "Cả viết cũng khó khăn, cả sống
cũng khó khăn, nhưng căn bản là viết được".
Quyển I của cuốn tiểu thuyết hoàn thành vào cuối năm 1927. Quyển này giới thiệu
nhân vật Grigori khi mới bắt đầu bước vào cuộc sống, kể về sinh hoạt của gia đình
Melekhov và những người côzăc ở làng nhỏ Tatarsky ven sông Đông trước và
trong những năm đầu của đại chiến thế giới lần thứ nhất cho đến năm 1916. Tính
"địa phương", tính "tập tục sinh hoạt"và cách viết "cổ điển" của phần đầu cuốn tiểu
thuyết làm cho các nhà xuất bản, toà soạn e ngại. Tháng Giêng năm 1928, nhờ có
sự giới thiệu nhiệt thành của Serafimovich, tiểu thuyết mới bắt đầu được đăng trên
tạp chí Tháng Mười. Trong bài đăng trên báo Sự thật ngày 19/4/1928 Serafimovich
thực sự vui mừng tuyên bố về tác giả "Sông Đông êm đềm": "Đúng, từ trái trứng
của những truyện ngắn "không tồi và đầy triển vọng" đã vỡ ra một nhà văn đặc biệt
không giống ai, với gương mặt của riêng mình, ẩn chứa những khả năng to lớn...
Cái tài năng lớn lao ấy đã làm Sholokhov vụt cái bay lên đến trời khiến cho mọi
người đều phải trông thấy... con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh
mông".
Quyển II của "Sông Đông êm đềm" được đăng cũng trên tạp chí Tháng Mười từ
tháng Năm năm 1928. Quyển này viết về số phận của các nhân vật cũng như của cả
vùng sông Đông từ tháng Mười năm 1916 đến mùa xuân năm 1918 trong những
ngày chuẩn bị cho cuộc cách mạng, trong cách mạng, trong thời gian bè lũ phản
cách mạng Kornhilov nổi loạn, màn đầu của Nội chiến. Nhiều tư liệu của cuốn
"Donshina" dang dở được Sholokhov sử dụng vào phần này.
Hai quyển đầu "Sông Đông êm đềm" ra đời được giới văn chương, đặc biệt là
M.Gorky, đánh giá rất cao. Gorky khẳng định "Sông Đông êm đềm" là một tác
phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao", là một trong những cuốn sách "nêu bật hình
ảnh Nội chiến một cách rộng rãi, chân thực và tài tình nhất". Chủ tịch Liên bang
Xô-viết M.Kalinin cũng tuyên bố: "Tôi coi "Sông Đông êm đềm" là tác phẩm nghệ
thuật xuất sắc nhất của chúng ta". Đầu năm 1929, quyển I "Sông Đông êm đềm"
được xuất bản bằng tiếng Đức tại Berlin khởi đầu cho vinh quang của Sholokhov
trên thế giới. Sau khi bản dịch tiếng Anh phần đầu "Sông Đông êm đềm" ra đời,
nhà văn Anh J.Linsey tuyên bố: "Mikhail Sholokhov là nhà văn nước ngoài đầu
tiên có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống văn hoá ở nước Anh". Thực sự "Sông Đông
êm đềm" đã vượt ra khỏi bến bờ của mình và chảy khắp thế giới" - nói theo cách
nói hình tượng của nhà văn M.Alekseev.
Không ai nghi ngờ về giá trị nghệ thuật của "Sông Đông êm đềm", nhưng ngay sau
khi quyển II vừa được in xong trên một số báo, tạp chí thuộc khuynh hướng cấp
tiến như "Kíp bolshevik", "Trên cao trào"... đã xuất hiện hàng loạt bài chỉ trích
Sholokhov, kết tội ông vì "ý thức hệ culăc ", khẳng định chính ông là "thành phần
trung nông dao động". Những lời bình luận này gây rất nhiều khó khăn cho
Sholokhov.
Năm 1929, tạp chí "Tháng mười" sau khi đăng mười hai chương của quyển III
"Sông Đông êm đềm" đã phải dừng lại vì những sự kiện xảy ra vào năm 1919
trong cuộc bạo loạn Vioshenskaya, dao động của Grigori cũng như những người
côzăc sông Đông được miêu tả trong quyển này được soi sáng từ quan điểm lịch sử
khác hẳn với quan niệm giai cấp dung tục và chật hẹp phổ biến thời đó.
Sau những bài báo "phê bình" tư tưởng "phản động" của tác giả "Sông Đông êm
đềm", xuất hiện dư luận vu khống cho Sholokhov tội "đạo văn". Những lời đồn đại
cho rằng Sholokhov lấy cắp "Sông Đông êm đềm" của nhà phê bình Goloushev,
bạn của nhà văn L.Andreev. Tất cả chỉ vì trong một vài tư liệu, thư từ của Andreev
có nhắc đến một cuốn sách ở dạng bản thảo của Goloushev có tiêu đề là "Sông
Đông êm đềm". Thực chất "Sông Đông êm đềm" của Goloushev là những ký sự đi
đường và ký sự sinh hoạt ghi chép lại tâm trạng của những người dân sông Đông
trong thời kỳ Cách mạng 1917. Khi viết "Sông Đông êm đềm" của mình
Sholokhov không hề hay biết đến sự tồn tại của một bản thảo thất lạc như vậy.
Song những lời buộc tội nghiêm trọng làm cho quyển III của cuốn tiểu thuyết đã
hoàn thành vào năm 1930 không được in ngay một cách trọn vẹn lại làm tăng thêm
sự nghi ngờ bất lợi cho Sholokhov.
Năm 1929 báo "Sự thật" cho đăng những bức thư của các nhà văn Serafimovich,
Stafsky và Fadeev phủ nhận tất cả những lời vu khống bôi nhọ Sholokhov. Sự ủng
hộ trực tiếp và gián tiếp của Gorky cũng giúp rất nhiều cho nhà văn trẻ: những bức
thư trao đổi và đặc biệt là lần gặp gỡ với nhà văn lão thành vào tháng Tư năm 1931
là nguồn động viên lớn đối với Sholokhov.
Tình hình dù sao cũng trở nên bớt căng thẳng khi Stalin thừa nhận Sholokhov là
"nhà văn ưu tú của thời đại chúng ta". Người ta chấp nhận để "nhà văn trẻ tài năng"
hoàn thành cuốn sách, nhưng những lời đồn đại, chỉ trích dưới hình thức này hay
khác trong một thời gian dài về sau vẫn không buông tha cho tác phẩm của
Sholokhov.
Những năm tháng ấy Sholokhov không chỉ đau đầu vì những vấn đề xung quanh
"Sông Đông êm đềm" mà còn kề vai sát cánh bên những người dân sông Đông
tham gia tích cực vào công cuộc Hợp tác hoá nông nghiệp. Cuối năm 1930,
Sholokhov tạm gạt "Sông Đông êm đềm" sang một bên để sáng tác quyển I tiểu
thuyết "Đất vỡ hoang". Những suy ngẫm của Sholokhov trong khi sáng tác "Đất vỡ
hoang" phần nào điều chỉnh lại, làm cho một số ý tưởng và tình tiết trong những
phần tiếp theo của "Sông Đông êm đềm" trở nên sâu sắc và gần gũi với thực tế
hơn.
Mùa hè năm 1931, Sholokhov gửi quyển III "Sông Đông êm đềm" đã có sửa chữa
đến toà soạn tạp chí "Tháng Mười". Năm 1932 quyển này ra mắt bạn đọc một cách
trọn vẹn. Cũng trong năm này Sholokhov trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Liên
xô.
Trong những năm ba mươi Sholokhov nhiều lần tuyên bố sắp hoàn thành cả quyển
II "Đất vỡ hoang" lẫn quyển IV "Sông Đông êm đềm". Nhà xuất bản Văn nghệ
Quốc gia dự định sẽ in cả hai cuốn sách vào năm 1937. Song năm 1937 Sholokhov
vẫn chưa thực hiện được ý định của mình.
Đó là những năm tháng khó khăn của vùng sông Đông. Sholokhov đấu tranh chống
lại việc bắt người bừa bãi, việc thúc ép và dùng bạo lực tịch thu toàn bộ lương thực
của những người dân đói kém để hoàn thành kế hoạch của chính quyền địa
phương. Sholokhov chấp bút viết thư lên Trung ương Đảng để nêu rõ tình hình
trong vùng và đề nghị can thiệp. Trung ương cử một đội thanh tra đặc biệt về vùng
sông Đông xem xét lại mọi vụ việc, thả người vô tội, trả lại lương thực cho dân.
Sholokhov tham gia trực tiếp vào mọi công việc của đoàn thanh tra. Năm 1937 ban
lãnh đạo trấn Vioshenskaya bị lãnh đạo tỉnh Rostov vu khống tội phản cách mạng,
bị khai trừ khỏi Đảng và bị bắt. Sholokhov đấu tranh đến cùng để minh oan cho
những con người trung hậu này bất chấp mọi sự đe dọa. Mũi nhọn thanh trừng
được chuyển sang chính Sholokhov. Một số người dân trong vùng bị đe dọa, bị ép
phải ký vào bản luận tội Sholokhov hoạt động phản cách mạng, nhưng họ đã không
những không làm điều đó mà còn báo cho Sholokhov biết mà cảnh giác.
Sholokhov kịp thời lên Moskva. Bộ chính trị Trung ương Đảng trực tiếp xem xét
điều tra vụ án, trừng phạt bọn cơ hội, đồng thời cùng với Sholokhov nghiên cứu,
điều chỉnh lại cơ cấu lãnh đạo tỉnh Rostov, điều chỉnh lại đường lối, chính sách đối
với những người dân sông Đông.
Sholokhov sáng tác quyển IV của "Sông Đông êm đềm" trong hoàn cảnh như vậy.
Quyển này gồm hai phần viết về giai đoạn kết thúc của Nội chiến và những năm
đầu tiên của cuộc sống mới, đặt ra những vấn đề chính trị nóng hổi nhất trong toàn
bộ tiểu thuyết, những vấn đề mà cách giải quyết của nó nhiều năm sau vẫn còn làm
cho các nhà nghiên cứu phải tranh cãi.
Cuối năm 1937 đầu năm 1938, tạp chí "Thế giới mới" đăng phần I của quyển IV
"Sông Đông êm đềm". Đầu năm 1940 cũng trên tạp chí này phần cuối cùng - phần
II quyển IV của cuốn tiểu thuyết được công bố. Sholokhov đã mất 12 năm để
"Sông Đông êm đềm" ra đời trọn bộ.
TÓM TẮT
Nội dung của "Sông Đông êm đềm" từ quyển I đến quyển IV có thể tóm tắt như
sau:
Quyển I của "Sông Đông êm đềm" giới thiệu nhân vật Grigori khi mới bắt đầu
bước vào cuộc sống, kể về sinh hoạt của gia đình Melekhov và những người côzăc
ở làng nhỏ Tatarsky ven sông Đông trước và trong những năm đầu của Đại chiến I
cho đến năm 1916. Người dựng nên cơ nghiệp nhà Melekhov là Prokofi. Rời khỏi
cuộc chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ, Prokofi đem về làng một cô vợ người Thổ. Bất chấp
sự phản đối của cha, hai vợ chồng tự gây dựng cơ ngơi ở rìa thôn trông ra sông
Đông. Nhân một nạn dịch gia súc, những người côzăc hủ bại đã quy kết vợ Prokofi
là "phù thủy" và bức tử chị. Người đàn bà bất hạnh qua đời khi vừa kịp sinh ra
Panchelay. Prokofi trả thù cho vợ đã rút gươm giết người và chịu đi đày. Panchelay
lớn lên cũng phải trải qua đời lính, rồi mới trở về gây dựng một cuộc sống có của
ăn của để cho gia đình Melekhov. Grigori là con thứ hai của Panchelay (người anh
cả là Petro và cô em út là Duniasha). Là người có tính cách quật cường, nhưng
Grigori luôn gắn bó với cuộc sống lao động nông dân bình dị... Cả tình yêu đầu
ngang trái của Grigori với Aksinia, cô vợ xinh đẹp nhưng bất hạnh của anh láng
giềng Stepan, cũng nảy nở trong khung cảnh lao động đó. Grigori yêu Aksinia
nóng bỏng, quyết liệt, nhưng lại đồng ý để cha cưới cho mình cô gái con nhà giàu
xinh đẹp, hiền thục Natalia. Cưới vợ được ít lâu, Grigori lại tiếp tục quan hệ với
Aksinia rồi cùng cô bỏ trốn đến làm thuê cho viên tướng Listnitsky. Natalia ở nhà
tuyệt vọng tự vẫn bằng lưỡi hái nhưng không chết. Aksinia sinh cho Grigori một
đứa con gái, nhưng trong thời gian Grigori đi quân dịch cô bé bị mắc bệnh, ốm rồi
chết. Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, Grigori phải tham gia chém giết, lập
chiến công và được phong hàm sĩ quan. Trong lúc trống vắng, Aksinia đã bị con
trai của Listnitsky là Evgheni lợi dụng. Khi về phép, biết chuyện này, Grigori đánh
cho Evgheni một trận rồi bỏ về gia đình với Natalia. Một thời gian sau Natalia đẻ
sinh đôi hai đứa con.
Quyển II của "Sông Đông êm đềm" kể về số phận của các nhân vật cũng như của
cả vùng sông Đông từ tháng Mười năm 1916 đến mùa xuân năm 1918 trong những
ngày chuẩn bị cho cuộc cách mạng, trong cách mạng, cuộc hành binh của tướng
Kornilov về Petrograd (Petersburg) và màn đầu của nội chiến. Cách mạng nổ ra, từ
chiến trường trở về, mong chóng kết thúc chiến tranh, Grigori đi theo Hồng quân.
Nhưng bất bình với việc Podchenkov, chủ tịch ủy ban Cách mạng, giết hại tù binh,
Grigori lại bỏ đi theo quân phiến loạn. Kinh hoàng trước vụ thảm sát những người
cách mạng của quân phiến loạn, Grigori bỏ về nhà.
Quyển III "Sông Đông êm đềm" tập trung miêu tả những sự kiện xảy ra vào năm
1919 trong cuộc bạo loạn ở trấn Vioshenskaya thuộc sông Đông. Một số chính
sách sai lầm của chính quyền Xô-viết mới được thiết lập đối với người côzăc đã
phần nào gây nên cuộc bạo loạn này. Grigori, vốn đã dao động lại tiếp tục lao vào
cuộc chiến, làm trung đoàn trưởng quân phiến loạn. Chia tay với Evgheni
Listnitsky, Aksinia lại quay về với Stepan, và một thời gian sau lại tiếp tục quan hệ
với Grigori. Petro bị Mishka Koshevoi, người bần cố nông đứng về phía chính
quyền Xô-viết, giết chết. Trả thù cho những người cộng sản bị giết, Koshevoi cũng
đốt phá nhà giàu, nhà thờ, giết chết ông già Grishak. Để đáp lại, Mishka
Korshunov, anh trai của Natalia, cũng giết bà già và trẻ con nhà Koshevoi một
cách cuồng bạo.
Quyển IV của "Sông Đông êm đềm" viết về giai đoạn kết thúc cuộc nội chiến và
những năm đầu tiên của cuộc sống mới. Cuộc chiến đã cướp đi biết bao sinh mạng
người côzăc. Gia đình Melekhov cũng tan tác: sau khi tham gia vào cuộc chiến,
ông già Panchelay chết vì bệnh thương hàn; Daria, vợ của Petro vốn là người dâm
đãng, trong lúc vắng chồng đã lén lút vụng trộm, sau khi chồng chết lại càng phóng
đãng hơn, bị mắc bệnh lậu, cô đã trẫm mình vào lòng sông Đông tự vẫn; Natalia
biết chồng tiếp tục mối quan hệ với Aksinia, đã đi phá thai rồi băng huyết mà chết;
mẹ của Grigori trăn trở nhưng cuối cùng cũng chấp nhận để Duniasa lấy Mishka
Koshevoi, rồi qua đời. Chán ngán chiến tranh, Grigori trở về, bị Koshevoi đe dọa,
anh lại bỏ đi theo toán phỉ của tên sĩ quan bạch vệ Fomin. Có lần Grigori trốn về rủ
Aksinia bỏ đi thật xa, nhưng dọc đường bị phục kích, Aksinia trúng đạn chết trên
tay anh. Grigori quay lại với toán phỉ thì nó đã tan vỡ, anh cùng đám tàn quân lẩn
trốn bên kia sông Đông, rồi không đợi lệnh ân xá, anh sang sông, vứt bỏ vũ khí,
"bước những bước rất dài về nhà".
DÒNG SÔNG NGẦU ĐỤC TRỞ LẠI ÊM ĐỀM
Thành quả nhiều năm lao động của Sholokhov trở thành một trong những thành
tựu vĩ đại nhất của văn học Xô-viết. "Sông Đông êm đềm" kết thúc để lại một ấn
tượng đặc biệt trong lòng độc giả. Một trong những độc giả thời ấy có ghi lại ấn
tượng này: "Đọc "Sông Đông êm đềm" trong một thời gian dài ta ngây ngất bởi
sức mạnh của nó... Thêm vào đó cuốn sách này tuyệt vời bởi nó bắt ta phải suy
nghĩ. Và một trong những suy nghĩ đó là: một nghệ sĩ lớn đến như thế đang sống
trong thời đại của chúng ta".
"Sông Đông êm đềm" đem lại vinh quang cho Sholokhov, nhưng cũng đem lại cho
ông không ít điều phiền muộn . Điều đáng buồn không phải chỉ là những phiền toái
mà Sholokhov phải chịu để đứa con tinh thần của mình được ra đời, mà là khi đã ra
đời nó không được hiểu đúng như tác giả của nó mong muốn. Sholokhov đấu tranh
cho cách hiểu đúng tác phẩm của mình. Trong bài viết "Gửi các bạn đọc người
Anh" ngày 16 tháng Sáu năm 1934 Sholokhov viết: "Tôi có phần không yên lòng
vì thấy ở nước Anh cuốn sách này bị coi là một tác phẩm ly kỳ viết về một vùng xa
lạ. Có lẽ tôi sẽ sung sướng nếu phía sau những cảnh tả đời sống của người côzăc
sông Đông mà người châu Âu chưa có dịp làm quen các bạn đọc người Anh nhìn
thấy được một điều khác là bước ngoặt khổng lồ trong phương thức sinh hoạt,
trong đời sống và tâm lý con người được thực hiện trong chiến tranh và trong cách
mạng".
"Sông Đông êm đềm" không phải chỉ là một cuốn tiểu thuyết "phong tục" mang
"hương vị côzăc" thuần tuý. Thông qua việc tái hiện cuộc sống của những người
dân sông Đông trong chiến tranh và cách mạng Sholokhov sáng tác nên cuốn sử thi
nhân dân "bao gồm tất cả" vấn đề con người và lịch sử - nói theo cách nói của
L.Tolstoy. Vấn đề không phải chỉ là ở chỗ cuốn sách phản ánh một giai đoạn lịch
sử lớn lao (từ năm 1912 đến năm 1922) trên một phạm vi rộng rãi (không chỉ ở
vùng sông Đông mà trên nhiều vùng đất khác nhau của nước Nga và cả bên ngoài
biên giới nước Nga), mà còn là ở tinh thần chi phối cuộc sống của mỗi nhân vật,
bao trùm lên tất cả trong cuốn tiểu thuyết - tinh thần nhân dân, thời đại, lịch sử.
Cuộc sống của những người côzăc sông Đông là nguồn tư liệu phong phú, là cơ sở
để Sholokhov triển khai triết lý lịch sử của mình.
Cuốn sách bắt đầu bằng lời đề từ lấy từ bài ca cổ về vùng đất "sông Đông êm đềm"
mang tinh thần cuộc sống của những người côzăc. Đó là lời ca của dòng sông
"ngầu đục" day dứt muốn được trở về với dòng chảy "êm đềm":
Mảnh đất thân thương, mảnh đất vinh quang
của chúng ta không dùng cày khai vỡ -
Mảnh đất thân thương của chúng ta đã có vó ngựa cày,
Mảnh đất thân thương, mảnh đất vinh quang
của chúng ta được gieo những cái đầu côzăc,
Điểm trang sông Đông êm đềm của chúng ta
có những nàng gái goá trẻ măng,
Hoa nở trên sông Đông êm đềm, cha của chúng ta,
là bầy trẻ thơ côi cút,
Sóng sông Đông êm đềm đầy nước mắt những
người mẹ, người cha.
*
Hỡi sông Đông êm đềm, cha yêu của chúng ta, cha hỡi!
Hỡi sông Đông êm đềm, vì đâu dòng người ngầu đục?
Ôi, ta, sông Đông êm đềm, chảy sao khỏi đục!
Từ đáy ta, đáy sông Đông êm đềm,
xối lên những luồng nước giá,
Giữa lòng ta, lòng sông Đông êm đềm,
cá quẫy trắng ngầu.
Trên suốt chiều dài của bộ tiểu thuyết mâu thuẫn giữa chất chiến binh và chất nông
dân của những người côzăc sông Đông được triển khai như mâu thuẫn giữa tính bi
kịch và tính sử thi của cuộc sống con người nói chung trong dòng chảy lịch sử.
Trong quyển I "Sông Đông êm đềm" Sholokhov chậm rãi miêu tả cuộc sống sinh
hoạt của những người côzăc sông Đông ở thôn Tatarsky. Khác với nhiều nhà văn
khác Sholokhov không sợ "chất sinh hoạt" vốn bị coi thường từ đầu thế kỷ XX.
Sholokhov hiểu mỗi đoạn miêu tả sinh hoạt có thể có sức mạnh lớn lao khi nó thể
hiện được tinh thần của cuộc sống nhân dân.
Trong "Sông Đông êm đềm" chất thơ của cuộc sống lao động bình dị, chất thơ của
tâm hồn người côzăc được miêu tả đan xen với những tập quán mê tín hủ bại,
những đam mê, tội ác và sự trừng phạt khốc liệt. "Dưới mỗi mái nhà côzăc cuộc
sống diễn ra cay đắng - ngọt ngào" - lời kể nhấn mạnh.
Câu chuyện về gia đình nhà Melekhov hòa vào câu chuyện chung về dòng sông -
cuộc sống bi hùng của những người côzăc. Không phải vô tình những dòng đầu
tiên của cuốn tiểu thuyết nhấn mạnh: "Cơ ngơi nhà Melekhov... có một cái cổng
nhỏ mở về hướng bắc, hướng sông Đông. Chỉ xuống một đoạn dốc đứng dài tám
xagien nằm giữa những tảng đá phấn đầy rêu xanh là ra tới ngay khoảng bờ sông
lấm tấm những vỏ trai ốc óng ánh như xà cừ. Sóng nước âu yếm hôn hít một đường
viền ngoằn ngoèo đầy những hòn đá trứng ngỗng mầu xám xám. Nhìn ra xa nữa là
thấy đoạn sông Đông chảy xiết, sôi sục dưới làn gió với những vệt sóng gợn màu
thép biếc".
Tiền sử chuyện nhà Melekhov cũng mang đậm chất sông Đông. Người lập nên cơ
ngơi nhà Melekhov - Prokofi - từng tham gia chiến dịch Thổ nhĩ kỳ như hàng ngàn
chiến binh côzăc khác. Bất chấp sự phản đối của gia đình, lời ong tiếng ve của xóm
giềng, Prokofi kiên định, "hiên ngang ngẩng cao cái đầu cạo chỉ dành lại một bờm
tóc màu nhạt trước trán, phanh tà áo trêchmen , bước lững thững như đang đi trên
luống cày"cùng với người vợ Thổ nhĩ kỳ của mình "thu xếp nơi ăn chốn ở", "tự tay
quây lấy sân nuôi gia súc"... "Prokofi sống cô độc như con sói đực bỏ đàn" nhưng
"ngày ngày, hễ ráng chiều sắp bạc mầu... Prokofi lại bế vợ đến nấm cuôcgan
Tatarsky... đặt vợ ngồi lên đỉnh nấm cuôcgan, lưng quay về tấm đá đã bị bao thế kỷ
mài mòn và ăn thủng lỗ chỗ, rồi ngồi xuống bên cạnh, và hai người cứ thế đăm
đăm nhìn ra đồng cỏ rất lâu..." Để có được một cuộc sống lao động bình yên thật
khó. Những người côzăc mê tín ép chết người vợ đang mang thai của Prokofi vì
cho cô là phù thuỷ, đem lại nạn dịch cho gia súc. Phẫn uất, Prokofi phải tuốt gươm
chém người, phải chịu đi đày để bảo vệ gia đình bé nhỏ của mình.
Người côzăc chiến binh và nông dân có lúc phải sống "cô độc", phải tách mình ra
khỏi cộng đồng để sống, cái cộng đồng gia trưởng thân thương mà tiềm ẩn nhiều
tai họa. Người côzăc nhiều lúc phải cầm lấy thanh gươm, phải nhúng tay vào máu
người để bảo vệ gia tộc và mái ấm, nhưng bao giờ cũng khao khát "hướng về đồng
cỏ", khao khát được yêu thương, "nâng niu" người vợ hiền, được "thu vén", xếp
đặt" cơ ngơi êm ấm, hạnh phúc, được "đi trên luống cày", trở về với cuộc sống lao
động bình dị.
Dòng máu của Prokofi, dòng máu của người côzăc chảy trong huyết quản của
Grigori Melekhov - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm".
Từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết Grigori, chàng thanh niên côzăc có cái mũi
mũi khoằm "nom như mỏ diều hâu, hai con mắt quả trám sáng bừng bừng hơi xếch
và thoáng có ánh biêng biếc, hai gò má cao nhọn nhô lên dưới làn da nâu hồng",
"hàm răng trắng loá như răng chó sói" - một "vẻ đẹp hơi man rợ" kiểu Thổ nhĩ kỳ,
được tác giả trìu mến miêu tả trong những cảnh lao động nông dân bình dị: lúc
đánh cá, lúc cho ngựa ra sông uống nước, khi cắt cỏ... Cả tình yêu đầu "bền bỉ, gân
bướng" của chàng trai với Aksinia, cô vợ xinh đẹp nhưng bất hạnh của anh láng
giềng Stepan, cũng nảy nở trong khung cảnh lao động đó. Hòa nhập với thiên
nhiên cảnh vật sông Đông, gắn bó với quê hương bằng đôi chân "vững vàng dẫm
trên mặt đất", Grigori cảm nhận mình như một phần của cái thế giới thân thuộc ấy.
Cuộc sống côzăc được Grigori cảm nhận trong dòng chảy bất tận của nó với những
chuẩn mực bất di bất dịch - lao động, gia tộc, sự giao hoà với thiên nhiên - và với
cả những cái không thể là chuẩn mực: sự tăm tối, sự ràng buộc khắc nghiệt của
"cuộc sống không niềm vui", cuộc sống tích luỹ gia trưởng, sự "khác nhau" về gia
cảnh giữa các lớp người côzăc trong thôn, rồi những trạm quân dịch, chiến trận và
tinh thần "trung thành tuyệt đối với ngai vàng" của Sa hoàng...
Mâu thuẫn giữa cái chuẩn mực và phi chuẩn mực của cuộc sống côzăc phần nào
phản ánh vào sự chao đảo trong ý thức của Grigori và là tiền đề cho những sự kiện
lịch sử cũng như số phận các nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết.
Grigori yêu người phụ nữ nóng bỏng, quyết liệt Aksinia, nhưng lại đồng ý để cha
cưới cho mình cô gái con nhà giàu xinh đẹp, hiền thục Natalia. Chàng thanh niên
chao đảo giữa nỗi đam mê Aksinia và khát vọng được sống cuộc sống yên ổn với
Natalia. Grigori không yêu vợ, nhưng cũng không muốn rời bỏ nếp sống gia
trưởng cùng mảnh đất quê hương. Đáp lại mong ước của Aksinia muốn "bỏ tất
cả...đi thật xa", Grigori từng khẳng định: "Anh chẳng bỏ mảnh đất này đi đâu được
cả". Dù vậy, cuối cùng sự đam mê như lửa cũng cuốn Grigori đi theo tiếng gọi của
nó, bất chấp tất cả. Grigori phải đối mặt với những lời dị nghị, phải nổi loạn chống
lại người cha độc đoán, gia trưởng, phải bỏ xóm làng, gia đình, cùng Aksinia đi
làm thuê cho nhà địa chủ Litnhitsky. Vô tình Grigori phải làm đau lòng người vợ
của mình, cũng như lần nào khi cắt cỏ lưỡi hái của anh cắt phải con vịt trời nhỏ tội
nghiệp. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cũng bằng một lưỡi hái Natalia định tự tử
và suýt chết vì không chịu nổi gánh nặng của "mối tình bị giày xéo, mối tình đã
quá cố" của mình với chồng.
Xa nhà, khi anh trai Petro đến thăm, Grigori thổ lộ: "Em nhớ thôn nhà quá... Em
nhớ sông Đông, ở đây thì đến nước chảy cũng chẳng nhìn thấy". Sống cùng
Aksinia, nhưng khi đi săn cùng lão chủ ngang qua "mảnh đất nhà mình" Grigori
"đưa tay áo lên lau những giọt nước mắt" nhớ lại "mùa thu trước chàng đã cùng
Natalia đi cày mảnh đất bốn góc thiên thẹo này", "những tảng đất làm nguội trong
lòng Grigori cái say sưa săn bắn". Hình ảnh "đất mẹ" thiên nhiên (cánh đồng, thảo
nguyên) cùng hình ảnh "những người mẹ" được triển khai trên suốt chiều dài tác
phẩm trở thành biểu tượng đa nghĩa vừa là ý niệm về nỗi đau sinh thành và mất
mát, vừa chỉ ra sức mạnh hồi sinh và sự vững bền của bản thể.
Cùng với sự chao đảo trong cuộc sống riêng của Grigori dòng sông Đông cũng bắt
đầu ngầu đục.
Tin tức về cuộc chiến tranh 1914 phá vỡ cảnh êm ả ngày mùa trên những cánh
đồng đang gặt dở của làng thôn côzăc.
Chiến tranh! "Kỵ binh giẫm nát lúa má đã chín vàng", "đất rùng mình", "bộ mặt
sầu thảm của đất cũng bị trái phá khoét thủng lỗ chỗ... dưới những cái lỗ ấy đang
hoen rỉ những mảnh gang và thép thèm khát máu người". "Biết bao xác chết đã
thối rữa trên những cánh đồng Galisi và Đông Phổ, ở Carpat và Rumani, ở khắp
các nơi nào có ánh lửa chiến tranh và in móng ngựa côzăc". Câu hát cũ của những
người côzăc vang lên trên khắp nẻo đường:
Sông Đông êm đềm, sông Đông chính giáo,
Xôn xao chuyển động, sóng cuộn ào ào...
Trong "tiếng ngựa hí ầm ĩ...tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng ra lệnh ồm ồm" Grigori ra
trận mang theo trong mình mâu thuẫn ngàn đời giữa người côzăc nông dân và
người côzăc chiến binh. Đau lòng vì những làng thôn bị tàn phá, những cánh đồng
chưa gặt bị vó ngựa tàn phá, phẫn nộ trước thái độ trịch thượng của bọn sĩ quan,
trước cảnh cướp bóc, cảnh đánh người do thái, cảnh cô gái Franhi bị bọn lính hiếp,
Grigori lại không thể không nhúng tay vào việc chém giết để giành lấy vinh quang
chinh chiến vốn rất được người côzăc coi trọng.
Cách mạng nổ ra chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhưng máu vẫn chưa thôi
nhuộm đỏ dòng nước sông Đông. Cuộc bạo loạn sông Đông năm 1919 rồi nội
chiến tiếp tục cuốn Grigori rời xa luống cày, nhúng tay vào máu. Grigori chao đảo
giữa quân Đỏ và quân Trắng, cũng như chao đảo giữa Aksinia và Natalia. Grigori
muốn tìm đường trở về với cuộc sống lao động bình dị theo lời "đất gọi", nhưng
khi dòng sông còn đang cuộn sóng và ngầu đục, ai có thể đứng ngoài dòng chảy
của nó? Grigori đau nỗi đau riêng bởi sự chao đảo của mình, nhưng cũng đau nỗi
đau chung của vùng đất sông Đông với ruộng đồng và những thảo nguyên đầy hoa
bị vó ngựa giày xéo. Natalia qua đời vì bị băng huyết và bị ruồng bỏ. Aksinia chết
dưới làn đạn trong niềm mong mỏi được trốn đi "thật xa" với Grigori. Trong cả hai
cái chết đều có một phần lỗi của Grigori, lỗi của "dòng chảy ngầu đục" mất
phương hướng ở trong lòng chàng, nhưng cũng có một phần lỗi của dòng sông
Đông cuộn sóng ngoài kia đang "xối lên những luồng nước giá".
Trong cơn đau của mình Grigori mơ hồ cảm thấy "mọi việc sẽ càng gần đến chỗ
kết thúc hơn".
Nội chiến cũng đến hồi kết thúc. Dòng sông Đông dần dần lặng sóng. Những con
sóng cuối cùng xác định hướng cho dòng chảy trong lòng Grigori. Chàng ném vũ
khí xuống dòng sông, bơi qua sông Đông và "bước những bước rất dài về nhà".
"Câu chuyện đúng là phải đi đến kết cục như thế" - Grigori tự nhủ.
Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng hình ảnh Grigori "đứng bên cạnh cổng ngôi nhà
thân yêu, thằng con bồng trên tay". Cuộc sống "êm đềm" chỉ có thể có được bên
mái nhà thân yêu ấy, với đứa con bồng trên tay ấy.
Con sông bi kịch lại trở về với dòng chảy sử thi.
Tuy nhiên, cuộc sống trong làng thôn côzăc giờ đây đã khác. Đó vẫn là một cuộc
sống lao động, nhưng không còn là cuộc sống gia trưởng xưa kia nữa, mà là một
cuộc sống khác, cuộc sống Xô-viết. Đó là bước chuyển của lịch sử, là sự sinh
thành sau "cơn đau đẻ vĩ đại".
Số phận của Grigori sẽ ra sao? Số phận của sông Đông sẽ ra sao? Những câu hỏi
lớn ấy vẫn day dứt trong lòng độc giả ngay cả sau khi gấp trang sách lại.
Từ khi bộ tiểu thuyết chưa hoàn thành người ta đã dự đoán rất nhiều về kết thúc
của nó. Độc giả muốn được thấy kết cục trọn vẹn của số phận Grigori. Năm 1935
trên báo "Tin tức" Sholokhov đã phải cảnh báo độc giả: "Tôi chỉ có thể nói rằng
kết thúc sẽ bất ngờ đối với sự trông đợi của nhiều người. Phần cuối cùng của
"Sông Đông êm đềm" thế nào cũng gây nên những cuộc tranh luận và những cách
lý giải khác nhau". Sholokhov nói thêm: "Cần phải có một kết thúc chân thực".
Cuộc sống trong làng thôn côzăc giờ đây đã khác. Đó vẫn là một cuộc sống lao
động, nhưng không còn là cuộc sống gia trưởng xưa kia nữa, mà là một cuộc sống
khác, cuộc sống Xô-viết. Đó là bước chuyển của lịch sử, là sự sinh thành sau "cơn
đau đẻ vĩ đại". Số phận của Grigori sẽ ra sao? Số phận của sông Đông sẽ ra sao?
Những câu hỏi lớn ấy vẫn day dứt trong lòng độc giả ngay cả sau khi gấp trang
sách lại.
Kết thúc cuốn tiểu thuyết của Sholokhov là một kết thúc chân thực. Đó là một kết
thúc mở. Cuộc sống mới bắt đầu. Con người làm thế nào để thay đổi chính mình,
để tiếp tục xây dựng, bảo vệ và làm chủ được cuộc sống mới ấy? Đó còn là vấn đề
của tương lai.

You might also like