You are on page 1of 26

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-------------------------------------------------

VƯƠNG THỊ PHƯƠNG THẢO

VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII – ĐẦU XIX

VỚI VẤN ĐỀ CÁI CHẾT

Chuyên ngành:Văn học Việt Nam

Mã số: 60.22.34

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Hà Nội – 2011

1
Công trình được hoàn thành tại:
KHOA VĂN HỌC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN
VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Nho Thìn

Phản biện 1:TS Nguyễn Đức Mậu

Phản biện 2: PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng

2
MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài.
Thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX là thời kỳ văn học đạt tới
đỉnh cao với những thành tựu rực rỡ nhất trong lịch sử văn học trung
đại Việt Nam. Những nghiên cứu về văn học Việt Nam thế kỷ XVIII
– đầu XIX cho tới nay đã có thể khẳng định được một cách xác đáng
và toàn diện vị trí của văn học giai đoạn này với những giá trị to lớn
của nó trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Điểm đặc sắc nhất
của văn học giai đoạn này chính là sự khẳng định cuộc sống trần thế
và đề cao tình cảm của con người với tư cách là một cá nhân đầy
cảm xúc trong đời sống ấy. Thay thế cho mẫu hình lý tưởng là thánh
nhân – quân tử chủ trương khắc chế tình cảm, đề cao lý trí trong văn
học những thế kỷ trước; những con người trần thế tài hoa, đầy cảm
xúc, những thân phận nhỏ bé trong xã hội bước vào văn chương thế
kỷ XVIII – XIX với những rung động tinh tế và tình cảm chân thực,
sống động chưa từng có trước đó.
Nhìn lại lịch sử văn học trung đại Việt Nam suốt một thời
gian dài, chúng tôi nhận thấy văn học giai đoạn XVIII – đầu XIX
viết nhiều về vấn đề cái chết. Cùng với đó, là sự thay đổi quan trọng
trong thái độ ứng xử đối với vấn đề cái chết thể hiện rõ nét trong các
sáng tác văn học thời kỳ này. Nhìn một cách tổng thể, sự thay đổi
thái độ trước cái chết phản ánh sự thay đổi trong tư tưởng và quan
niệm của các tác giả - nằm trong mạch nguồn nhân bản của văn học
thế kỷ XVIII – XIX. Thái độ đối với vấn đề cái chết thể hiện trong
văn học thời kì này xuất hiện những cung bậc tình cảm hết sức đa
dạng và sâu sắc, như một sự khẳng định mạnh mẽ và đề cao quyền

3
sống, quyền được hạnh phúc của con người trong chính cuộc sống
thực tại. Đó là điều mà suốt từ thế kỷ X – XVII không hề có trong
văn học, khi mà cái chết được nói tới như một sự bảo toàn đạo lý
theo chuẩn mực đạo đức đã được quy định, được mô hình hóa.
Sự thay đổi quan niệm về vấn đề cái chết trong văn học thế
kỷ XVIII – đầu XIX có thể nói, là một vấn đề văn học sử quan trọng
trong tiến trình văn học Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa
có công trình nào đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề cái chết
trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX một cách
toàn diện.
Lựa chọn đề tài “Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu XIX
với vấn đề cái chết”, chúng tôi mong muốn với một cách tiếp cận
mới, góc nhìn mới sẽ góp phần làm phong phú hơn những nhận định,
tìm hiểu về văn học giai đoạn này, cũng như góp phần hiểu thêm,
hiểu sâu hơn những giá trị của một thời kỳ văn học đỉnh cao của
nước nhà.
2. Lịch sử vấn đề
Qua quá trình khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi, Vấn đề cái
chết trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu XIX hiện chưa được
coi là vấn đề trung tâm của bất kỳ công trình nghiên cứu nào. Tuy
nhiên, các công trình khảo cứu về văn học giai đoạn này đều ít nhiều
có đề cập tới thái độ, cảm xúc của con người trước cái chết như là
một trong những biểu hiện của tình cảm cá nhân con người. Do vậy
có tính định hướng, có giá trị tham khảo cho đề tài của chúng tôi.
2.1. Hầu hết các giáo trình, các công trình nghiên cứu mang
tính khái quát, tổng hợp về văn học Việt Nam trong thời kỳ trung đại
giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến đầu XIX đều đi sâu vào trào lưu nhân

4
đạo chủ nghĩa trong văn học như một bước ngoặt lớn của văn học
dân tộc. Từ những thành tựu nghiên cứu về cảm hứng chủ đạo của
văn học trong trào lưu này, chúng tôi có thể tìm thấy được nhiều lý
giải và gợi ý quan trọng cho việc tiến hành nghiên cứu đề tài của
mình.
Dương Quảng Hàm viết Việt Nam văn học sử yếu xuất bản
năm 1943.
Nguyễn Lộc (1976), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII
– nửa đầu XIX, Nxb ĐH&THCN.
Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam.
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu XIX
(Huỳnh Lý chủ biên, In lại lần 2 có sửa chữa bổ sung 1978, Nxb Văn
học
2.2. Bên cạnh các công trình nghiên cứu mang tính tổng thể
về văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu XIX, các công trình mang
tính chuyên khảo, đặc biệt đi sâu vào tìm hiểu các tác giả cụ thể, tiêu
biểu cũng như công việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm
văn học có giá trị của văn học giai đoạn này cũng đem lại những gợi
ý quan trọng.
NNC Trần Thị Băng Thanh với Ngô Thì Sĩ – những chặng
đường thơ văn. NNC Phan Văn Các tiến hành dịch chú và giới thiệu
Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du.
2.3. Văn học viết về cái chết không thể bỏ qua thể loại văn
học đặc trưng là Văn tế. Với Văn tế cổ và kim, Phong Châu –
Nguyễn Văn Phú đã tiến hành sưu tầm, chú thích và giới thiệu các
bài văn tế trong lịch sử văn học Việt Nam. Các tác phẩm được sắp
xếp theo từng giai đoạn lịch sử nên có giá trị tham khảo.

5
Tác giả Nguyễn Đông Triều đã dành nhiều quan tâm cho thể
loại văn tế trung đại Việt Nam. “Một số công trình nghiên cứu liên
quan đến văn tế trung đại Việt Nam – Điểm lại và định hướng nghiên
cứu”, “Cảm hứng vô thường trong một số bài văn tế trung đại Việt
Nam” . Đây là những tham khảo thiết thực đối với luận văn.
2.4. Ngoài các cách tiếp cận văn học sử truyền thống, những
công trình nghiên cứu văn học trung đại trong đó có giai đoạn thế kỷ
XVIII – đầu XIX của nhiều tác giả đã có những cách tiếp cận mới,
góp phần đa dạng thêm điểm nhìn cũng như góp phần đánh giá một
cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn về tác giả, tác phẩm, văn học giai
đoạn.
NNC Trần Đình Sử tiếp cận dưới góc độ thi pháp: Thi pháp
văn học trung đại Việt Nam. Công trình này đem lại một cái nhìn
tổng thể và hệ thống của văn học trung đại Việt Nam dưới góc độ thi
pháp. Trong đó có phân tích sự phát triển của con người trong thơ,
trong các thể loại văn học trung đại mà chúng tôi có thể tham khảo,
áp dụng cho vấn đề nghiên cứu cụ thể của mình trong đề tài này.
NNC Trần Ngọc Vương tiếp cận bằng phương pháp loại
hình học tác giả. Trong công trình công phu và đầy tâm huyết Nhà
nho tài tử và Văn học Việt Nam, ông đã phân tích rất cụ thể về ba
loại hình nhà nho: hai chính thống (hành đạo và ẩn dật) và đặc biệt là
loại hình nhà nho phi chính thống – nhà nho tài tử - những con người
điển hình của thời đại đã tạo nên chân dung mới của văn học thế kỷ
XVIII-XIX đầy thành tựu. NNC Trần Ngọc Vương đã khẳng định
tính chất “thị tài” và “đa tình” của lớp nhà nho tài tử. Trước những
thay đổi của thời đại, đó là những con người đã dám vượt thoát ra
khỏi vòng lễ giáo, lên tiếng đòi hỏi thẳng thắn về tình yêu và hạnh

6
phúc, không ngại ngần bộc lộ những khao khát cá nhân đa dạng,
mãnh liệt. Chính từ sự xuất hiện của những nhà nho tài tử này, chúng
tôi nhận thấy việc bộc lộ thái độ cá nhân đối với vấn đề cái chết có
sự thay đổi, đó cũng là một trong những tiếng nói cất lên đòi quyền
sống, quyền được hưởng hạnh phúc của cá nhân con người trong
chính đời sống hiện tại. Với những phân tích và nhận định sắc sảo,
xác đáng của tác giả, công trình này là một tài liệu tham khảo vô
cùng hữu ích đối với chúng tôi. Các tác giả nhà nho tài tử tiêu biểu
được NNC Trần Ngọc Vương nghiên cứu theo hệ thống một cách kỹ
lưỡng, cụ thể; kèm theo đó là phần phụ lục tuyển chọn các tác phẩm
văn chương tài tử tiêu biểu đã tạo thuận lợi cho chúng tôi khi tìm
hiểu, tiếp cận và thực hiện đề tài của mình.
Với cách tiếp cận mới: tiếp cận văn hóa học, NNC Trần Nho
Thìn đã có nhiều công trình viết về văn học thế kỷ XVIII – XIX có
tính định hướng và giá trị tham khảo đặc biệt quan trọng đối với luận
văn này của chúng tôi. Công trình Văn học trung đại Việt nam dưới
góc nhìn văn hóa với những bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều
như: Triết lý Truyện Kiều trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam
cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX; Nhân vật Truyện Kiều và vấn đề
tiếp cận nhân học văn hóa; NNC Trần Nho Thìn đã đi sâu vào phân
tích giá trị to lớn của Truyện Kiều với một góc nhìn mới. Vấn đề cái
chết lần đầu tiên được định danh, nằm trong hệ thống các phạm trù
giá trị văn hóa khi ông tiến hành phân tích nhân vật trong Truyện
Kiều với cách tiếp cận nhân học văn hóa với hai khái niệm “Thân”
và “Tâm”. Đây cũng là một cách làm mà chúng tôi lựa chọn và kế
thừa khi thực hiện luận văn này. Qua những tranh cãi khen chê trái
chiều về nhân vật Kiều của các nhà Nho thời trung đại, đặc biệt là

7
chuyện Kiều không tự tử chết để bảo toàn danh tiết theo quan điểm
truyền thống của Nho giáo, NNC Trần Nho Thìn đã chỉ ra sự phân
hóa quan điểm đạo đức trong văn học thời kỳ trung đại về vấn đề cái
chết. Bài viết còn cung cấp những đánh giá và phân tích cụ thể về
tiến trình vận động của quan niệm về cái chết trong lịch sử tư tưởng
và văn học trung đại.
Cũng trong sách này, bài viết Trào lưu chủ tình của Văn học
Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX và dấu vết ảnh hưởng của
sách Thế thuyết tân ngữ đã đem tới thêm một cách lý giải rất thuyết
phục cho yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng tới sự thay đổi đời sống và tư
tưởng văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này. Trong sự thay đổi
mạnh mẽ của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu XIX với trào lưu
chủ tình – coi trọng tình cảm, tất yếu có sự thay đổi thái độ ứng xử,
thay đổi quan niệm về vấn đề cái chết.
Trong bài viết “Từ thực tiễn văn học Việt Nam, góp thêm
một tiếng nói phương pháp luận vào cuộc thảo luận quốc tế về vấn
đề Nho giáo và nữ quyền” (Tham luận trình bày tại Hội thảo khoa
học quốc tế Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á, tổ chức tại Viện
Triết học, ngày 23-24/6/2009); NNC Trần Nho Thìn cũng chỉ ra quan
điểm đạo đức Nho giáo truyền thống chi phối và áp chế mạnh mẽ tới
sự sống – chết của người phụ nữ thể hiện rõ nét trong văn học trung
đại Việt Nam.
Có thể nói, các công trình nghiên cứu ở nhiều quy mô khác
nhau về văn học giai đoạn này đều ít nhiều đề cập tới vấn đề cái chết
trong văn học. Tuy nhiên, coi thái độ đối với cái chết trong văn học
như một vấn đề văn học sử làm đối tượng nghiên cứu và đánh giá
như là một bước chuyển biến hết sức quan trọng trong cả một giai

8
đoạn từ thế kỷ XVIII – đầu XIX thì chưa có công trình nào tiến hành
một cách toàn diện.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Với đề tài “Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX
với vấn đề cái chết”, chúng tôi tiến hành khảo sát, nghiên cứu nguồn
tư liệu văn học trong giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX.
Với vấn đề trung tâm là Vấn đề cái chết trong văn học, chúng tôi đi
sâu vào tìm hiểu các tác phẩm, các thể loại viết về cái chết hay thể
hiện quan điểm, thái độ của tác giả đối với vấn đề sống – chết. Đó là
phạm vi nghiên cứu chính của luận văn.
Mặt khác, nhằm mục đích chỉ ra được sự thay đổi về quan
niệm, thái độ đối với vấn đề cái chết trong văn học, đòi hỏi chúng tôi
cũng phải tiến hành việc tìm hiểu lịch sử văn học viết về vấn đề cái
chết ở những giai đoạn trước đó cũng như việc tìm hiểu nguồn gốc
quan niệm về cái chết đã chi phối thái độ ứng xử trong suốt một thời
gian dài của lịch sử văn học Việt Nam. Việc mở rộng phạm vi nghiên
cứu vì vậy cũng là một đòi hỏi bắt buộc.
4. Phương pháp nghiên cứu.
Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp
nghiên cứu xã hội học và văn hoá học để tìm hiểu, soi chiếu các vấn
đề đã được đặt ra. Tất nhiên, điều này không mang nghĩa loại trừ đối
với các phương pháp nghiên cứu khác (phương pháp thống kê phân
loại, phương pháp liên ngành…).
5. Bố cục luận văn gồm:
Ngoài Phần mở đầu, cấu trúc luận văn gồm có ba chương chính:
Chương 1. VẤN ĐỀ CÁI CHẾT
TRONG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG.

9
Chương 2. KHÁI LƯỢC VẤN ĐỀ CÁI CHẾT
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XVIII.
Chương 3. SỰ PHÂN HÓA QUAN NIỆM VỀ VẤN ĐỀ CÁI CHẾT
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII – ĐẦU XIX.
Tổng kết phần chính văn còn có phần Kết luận.
Cuối luận văn là phần Danh mục tài liệu tham khảo.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1.
VẤN ĐỀ CÁI CHẾT TRONG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG
VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG.
(Nhìn từ thế ứng xử với thân xác.)
Con người là một thực thể sống có thể xác và tinh thần, tình
cảm; mà người xưa gọi là Thân và Tâm. Con người hiện diện trong
cuộc đời này, biểu lộ Tâm của mình không cách gì khác chính là
bằng thân xác. Thân xác là hữu thể cho phép con người có mặt trên
đời đích thực và hiển nhiên với tư cách là “con người” theo đúng
nghĩa. Thân biểu hiện phần bản năng của con người, mà trong đó
sống – chết là một trong những bản năng mạnh mẽ nhất.
Những học thuyết, tư tưởng lớn ở phương Đông như Nho –
Phật – Đạo đều hướng tới xây dựng mẫu hình con người lý tưởng.
Hòng đạt tới những mẫu hình lý tưởng đó, thân xác với tư cách là
phần biểu hiện bản năng của con người, trong quan niệm của các tư
tưởng cổ trung đại, cần phải bị kiểm soát tối đa. Cùng với sự đối xử
khắc nghiệt với thân xác, Tâm được hết thảy các học thuyết đề cao,
được coi như là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người, cũng
quyết định thái độ của con người trước cái chết.

10
1.1. Nho giáo và tư tưởng “sát thân thành nhân” – “xả thân
thủ nghĩa”.
Nho giáo là một trong những tư tưởng, học thuyết có ảnh
hưởng mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong lịch sử trung đại khu vực
Đông Á, trong đó có Việt Nam. Mẫu hình lý tưởng của các nhà Nho
là bậc “thánh nhân - quân tử”. Để đạt tới mẫu hình đó, nhà nho “phải
lấy tu thân làm gốc” (Đại học). “Tu thân”, “tu kỉ trị nhân” chính là
rèn luyện bản thân, mà theo quan niệm của Nho gia thì phải thực
hiện với những hình thức rất nghiêm khắc, trước nhất chính là đòi
hỏi sự khắc kỉ đối với thân xác: “tồn thiên lý, khử nhân dục” (bảo tồn
thiên lí, diệt dục vọng bản năng). Để làm được điều đó, nhà nho phải
rèn cách “dĩ tâm khống thân” (dùng ý chí khống chế dục vọng bản
năng).
Coi hiếu đạo là nền tảng đạo đức của một người có “nhân”,
Nho giáo dạy người ta phải biết trọng thân, quý thân mình vì thân
xác đó là do cha mẹ ban cho. Tâm thế của nhà nho trước cái chết là
nỗi lo lắng về việc mình có giữ được đạo nghĩa, có làm tròn được
trách nhiệm của mình để không hổ thẹn với cha mẹ, tổ tiên hay
không.
Quan niệm trọng tâm nhất trong học thuyết Nho giáo chính
là chữ Nhân. Đối với nhà nho, đạo Nhân phải được đặt lên trên
chuyện giàu nghèo, đặt lên trên những cám dỗ của tình ái, và đặc
biệt, phải được đặt lên trên chuyện sống chết của bản thân. Khổng
Tử nhấn mạnh:bậc chí sĩ người có đạo Nhân là những người không
ham sống mà sợ chết, khi cần thiết, phải tự mình chết để bảo toàn
đạo Nhân. Kế thừa những học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử tiếp

11
tục nói rõ thêm về “chết vì đạo đức nhân nghĩa”, đó là “xả thân thủ
nghĩa” (xả thân để bảo vệ nghĩa lớn).
Nho gia có tư tưởng “trọng thân”, coi thân là gốc (thân vi
bản) nhưng lại mang nghĩa là coi trọng tu thân, đề cao vai trò của
tâm - ý chí chứ không có ý đề cao thân xác bản năng của con người.
Đúng như NNC Trần Nho Thìn đã nhận định: “Khắc kỉ và sẵn sàng
chết khi cần thiết để bảo vệ đạo Nhân, đặt các giá trị luân lí đạo đức
cao hơn giá trị của thân xác là mô hình lí tưởng của nhà nho”.
Những quan niệm, tư tưởng của Nho giáo đối với người phụ
nữ thì càng trở nên khắt khe hơn, đặc biệt là quan niệm nghiệt ngã về
trinh tiết: "Nga tử sự tiểu, thất tiết sự đại" (Chết đói là chuyện nhỏ,
thất tiết mới là chuyện lớn). Thân xác người phụ nữ không được nhìn
nhận và đánh giá như một giá trị, đó chỉ là công cụ để đánh giá đạo
đức, ý chí; khi cần có thể hy sinh để bảo vệ trinh tiết – cái được coi
là danh dự sống còn của người phụ nữ trong xã hội.
1.2. Phật giáo và cái nhìn liễu sinh tử (rõ sống chết).
Trong khi vấn đề cốt lõi của Nho giáo là trách nhiệm, mục
đích của con người đối với xã hội, tìm cách trả lời cho câu hỏi: con
người sống để làm gì? Cần phải sống ra sao? Thì trái lại, Phật giáo
quan tâm tới vấn để bản thể luận của con người: con người là ai?
Con người từ đâu tới, sẽ đi về đâu? trong mối tương quan với vũ trụ,
vạn vật.
Trong quan niệm của Phật giáo, mọi thứ chỉ là hư huyễn,
thân xác của con người cũng vậy. Trong các kinh kệ của Phật giáo
đều phân tích sự hư huyễn của thân xác. Thân (sắc) là cái không thật,
không thường hằng, có đó rồi mất đó. Chỉ khi nhận thấy rõ cái thân

12
xác của mình là tạm bợ, thì con người mới được giác ngộ, thoát khỏi
nỗi ám ảnh bởi cái chết.
Điều này cũng có nghĩa là muốn vượt thoát ra khỏi sự chi
phối của sống – chết, Phật pháp hướng con người tới phương pháp
nhận thức đòi hỏi người tu trì phải vượt thoát khỏi vòng hạn chế của
nhận thức kinh nghiệm bằng thân xác. Xét thực chất, Phật giáo chủ
trương kiểm soát thân xác bản năng một cách nghiêm ngặt “thiểu dục
tri túc” (giảm thiểu ham muốn, biết đủ). Quan điểm này, đối với thân
xác, thực chất cũng khắc kỉ giống như Nho giáo và Đạo giáo.
Với cái chết, từ quan niệm đời là bể khổ, vạn sự vô thường,
Phật giáo coi tử là một hành trình trong vòng luân hồi của kiếp
người: sinh – lão –bệnh –tử. Con người từ khi sinh ra là bắt đầu bước
vào vòng quay sinh trụ dị diệt, cũng tức là bắt đầu bước vào những
nỗi khổ đau. Cốt lõi của tất thảy những đau khổ mà con người phải
gánh chịu, theo Phật giáo, là bởi con người còn Tham ái, trong lòng
không thoát được tam muội (Tham – Sân – Si), mà gốc rễ là bởi Vô
minh – không hiểu biết. Chỉ khi dứt trừ tham dục, dừng lại những tạo
tác do mê lầm mới cắt đứt được những phiền não, hệ lụy trong cuộc
đời, chấm dứt vòng luân hồi lẩn quẩn vì nghiệp duyên ràng buộc, khi
đó mới tìm thấy an lạc hạnh phúc thật sự trên cõi đời này. Nắm bắt
được huyền nghĩa của “cái chết”, các bậc thiền sư, trí giả xả bỏ tấm
thân xác giả tạm như là cởi bỏ một chiếc áo cũ.
Ở một khía cạnh khác, Phật giáo cũng gặp gỡ quan điểm “có
cái chết nặng tựa Thái sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng” của Nho
giáo. Phật giáo coi tự tử là một tội rất lớn, là hành vi đáng trách và
tội lỗi – khi đó là hành vi sát thân do nóng giận và tuyệt vọng, vì đó
là hành động do sự vô minh của con người. Nhưng với những cái

13
chết để bảo toàn giới luật hay vì động cơ và mục đích cao cả thì nhà
Phật vẫn nêu cao công đức và tán dương.
Như vậy, Phật giáo là học thuyết đề cao Tâm, lấy Tâm làm
chủ. Con người khi hiểu rõ sinh tử (liễu sinh tử) thì sẽ không còn sợ
hãi, mà an nhiên tự tại đón nhận cái chết. Trong quan niệm của Phật
giáo, khi đối mặt với cái chết, người sắp chết không sợ hãi, mà người
sống cũng không nên buồn đau, bởi người hiểu biết nhận chân được
lẽ sinh diệt theo duyên hợp của tâm và thân – những cái vốn dĩ chẳng
bao giờ thực sự thuộc về con người.
1.3. Đạo giáo và quan niệm “tề sinh tử” (sinh tử là như nhau).
Đạo giáo nhìn nhận sự sống và chết là như nhau. Kế thừa tư
tưởng của Lão Tử, đứng trên góc độ Đạo để nhìn nhận về vấn đề
này, Trang Tử cho rằng sống hay chết đều là sự biến hóa của Đạo,
hay là sự biến hóa của khí. Đạo giáo cho rằng con người sinh ra từ sự
hòa hợp giữa hai khí âm và dương, do khí tụ lại mà sinh ra, khi khí
tán thì chết đi. Vì vậy, sự sống và cái chết chính là một thể thống
nhất. Sự sống và cái chết chỉ khác nhau về hình thái chứ không khác
biệt về bản chất. Giá trị của cái chết, theo Trang Tử, vì thế, cũng chỉ
là một dạng nghỉ ngơi sau cuộc du chơi trên cuộc đời. Thế nên, con
người nên thuận theo lẽ sống chết.
Trong cách nhìn của Trang Tử, những nhân cách tinh thần lý
tưởng chính là Chân nhân, Chí nhân và Thần nhân. Điểm chung của
họ đều có thể vượt lên trên sự sống chết – đạt tới siêu việt sinh tử.
Đối với Lão Tử, vô vi – không ham muốn - mới là điều thực
sự vui thích. Trang Tử tiến thêm một bước, đưa ra cách nhìn đầy triết
lý về cái chết vốn là điều mà con người phàm trần thường rất lo sợ.
Trang Tử giải thích bằng việc nhận thức quy luật của sinh mệnh. Từ

14
đó mà nói rằng nếu cứ than khóc trước cái chết thì tức là không hiểu
mệnh số. Bậc thánh nhân nắm được quy luật thì không rơi lệ trước sự
chia sống chết nữa.

CHƯƠNG 2. KHÁI LƯỢC VẤN ĐỀ CÁI CHẾT TRONG


VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỈ XVIII.

Văn học Việt Nam trước thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét những
ảnh hưởng sâu sắc quan niệm về cái chết từ các tư tưởng văn hóa
lớn, đặc biệt là từ Nho giáo và Phật giáo. Với lực lượng sáng tác văn
học chủ lực từ các Thiền sư, quý tộc rồi chuyển sang sự thắng thế
của tầng lớp nho sĩ, tất thảy đều thấm nhuần những giá trị đạo đức,
những phẩm chất để vươn tới mục đích trở thành con người lý tưởng,
mà điểm chung là không sợ hãi trước cái chết. Các tác phẩm văn học
giai đoạn này vì thế cũng thể hiện thái độ của họ, trực tiếp hay gián
tiếp khi nhận thức và viết về cái chết.
Ở chương này, chúng tôi chỉ nhằm khái lược lại được những
nét chung nhất, rõ nét nhất của văn học giai đoạn trước thế kỷ XVIII
về vấn đề cái chết, để từ đó có được sự so sánh đối chiếu với các
sáng tác văn học giai đoạn XVIII – đầu XIX.
2.1. Thơ Thiền sư: Thái độ ung dung điềm tĩnh trước cái chết.
2.1.1. Thấm nhuần quan niệm thân xác là huyễn ảo, cái
chết là lẽ thường.
Sắc thân, cái hình hài, thể xác cũng như cảm xúc của con
người đều thuộc về cái vô thường, là ảo hóa hư huyễn trong quan
niệm của nhà Phật. Thân hư ảo thì cái chết vì thế hoàn toàn là lẽ tự
nhiên. Quán niệm này thể hiện rõ trong sáng tác của các thiền sư thời
Lý Trần, đặc biệt là trong các thơ, kệ của các thiền sư trước khi chết.
15
Các thiền sư đời Lý nói về sự hư ảo của thân xác, cái mộng huyễn
của cuộc đời như một mệnh đề không cần phải giải thích, là một tất
yếu hằng nhiên.
Với tinh thần khắc phục sự mê lầm về tính thực hữu của thân
xác, nhận thức được thân xác chỉ là một chặng trong chuỗi hóa sinh,
chuyển tiếp giữa vô và hữu, không và sắc, các bài kệ của các thiền sư
Lý- Trần thường xoay quanh triết lý sắc không, coi cái chết như là sự
trở về. Sinh – lão – bệnh – tử được vẽ ra không nhằm để ca ngợi
cuộc sống tươi đẹp với khát vọng tận hưởng cuộc sống ấy, mà nhằm
nhắc nhở con người giác ngộ phương tiện tạm bợ, giả dối, hư huyễn
của cuộc sống, nhìn ra khía cạnh vô nghĩa của tham – sân – si mà
người đời vẫn chạy theo. Trong Thiền uyển tập anh, tập đại thành
của văn học Thiền tông thời Lý Trần còn lưu truyền tới ngày nay,
chúng ta còn có thể tìm thấy rất nhiều các tiểu truyện về thiền sư kết
thúc bằng những bài kệ về lẽ sinh tử trước khi một vị thiền sư nào đó
nhập diệt. Trong đó, tất thảy đều cho thấy một cảm hứng về một hình
tượng con người mang tính chất siêu thoát, liễu sinh tử (rõ sống chết)
vượt thoát ra khỏi sự mê chấp thân xác của người thường. Chính bởi
thế, điều ta bắt gặp ở các vị thiền sư luôn luôn là điềm tĩnh, ung dung
đón nhận cái chết – một thái độ “vô úy”.
2.1.2. Thái độ vô úy (không sợ hãi) trước cái chết.
Hiểu rõ chân lý về lẽ sống chết vô thường, thiền sư đã vượt
khỏi vòng sinh tử luân hồi để đến chỗ chân như, tự tại.Tâm thế ấy, ta
có thể bắt gặp ở nhiều vị thiền sư đắc đạo trước khi qua đời. Trong
Thiền uyển tập anh, mô típ về cách thức chết là mô típ phổ biến, có
mặt ở tất cả các tiểu truyện về thiền sư. Đó là những cái chết được
đón nhận một cách thanh thản, bình tĩnh như thể được chờ đợi từ lâu.

16
Cái chết đối với các thiền sư không hề mang âm hưởng bi kịch, mà
chết – là một chặng trong luân hồi vĩnh viễn của kiếp người, chết là
chấm dứt cái ảo mộng, là một sự trở về với vũ trụ.
“Thân cá biệt là huyễn ảo, hoa bướm là huyễn ảo (Giác Hải).
Sống là chết, chết là sống (Giới Không). Người ta tìm đến chân thân,
diệu thể; chân thân trong vạn tượng, vô thân mới là chân thân. Phủ
nhận kinh nghiệm biến ảo để đạt tới cái siêu nghiệm vững bền là
quan niềm của con người Thiền học lúc này. Hành vi tiêu biểu của
họ thường thấy là coi biến đổi như không, không sợ hãi, không kinh
ngạc, đặc biệt là điềm nhiên, bình thản trước cái chết của chúng sinh
và của chính mình” (Trần Đình Sử). Các vị thiền sư đã để lại một
dấu ấn rõ nét trong văn học thời Lý Trần một tâm thế an nhiên tự tại
trước cái chết, hoàn toàn không có tiếng khóc than cho sự hữu hạn
của đời người.
2.2. Thơ văn nhà Nho: sẵn sàng chết để bảo toàn nghĩa lớn.
2.2.1. Trung thần tiết nghĩa vì nước quên thân:
Vấn đề cái chết nhìn từ thế ứng xử với thân xác thể hiện
trong văn học của các nhà nho từ thế kỷ XV trở đi mang đậm nét ảnh
hưởng của Nho giáo. Đó là sự đề cao nhân cách của hình tượng nhà
nho lý tưởng: trung thần tiết nghĩa.
Không chỉ tự bản thân nhà nho xác tín quan niệm sẵn sàng
chết vì nghĩa lớn, bảo vệ giềng mối của nho gia, mà họ còn được
củng cố niềm tin ấy một cách mạnh mẽ trong sự lưu truyền, đánh giá,
đề cao những tấm gương tôi trung tiết nghĩa trong sử sách (tiêu biểu
như trong Đại Việt sử ký toàn thư). Đặc biệt trong những bài thơ
vịnh sử, lấy các nhân vật lịch sử làm trung tâm, các tác giả nhà nho
đã thể hiện rất rõ quan điểm, thái độ của mình khi ngợi ca những bậc

17
thần tử dám xả thân, tuẫn tiết để giữ đạo nghĩa của kẻ tôi trung: thơ
khen Nguyễn Hữu Nghiêm, Lưu Thường, Lê Cảnh Tuân, cha con
Đặng Dung, Đặng Tất…
Giữ vững tín niệm “bỏ sống để giữ nghĩa, còn hơn là sống.
Cầu sống mà chịu nhục, người quân tử ko làm” (Ngô Sĩ Liên), tâm
thế khi đối mặt với cái chết của những nhà nho luôn mang dáng vẻ
hiên ngang khí khái, không hề run sợ.
2.2.2. Ngợi ca những tấm gương liệt nữ.
Đề cao nhân cách lý tưởng của nho gia với hình tượng trung
thần tiết nghĩa, có thể liều mình xả thân thủ nghĩa xuất hiện nhiều
trong thơ văn của nhà nho. Vì thế nhân vật trong các sáng tác văn
học cũng đầy ắp hình ảnh của những người đàn ông đang thổ lộ ý
chí, đạo lý và nhân cách. Hình ảnh những người phụ nữ xuất hiện
trong các tác phẩm của nhà nho trước thế kỷ XVIII vốn rất ít ỏi, mà
khi xuất hiện cũng đều thể hiện rõ những bài học, giá trị đạo lý của
nho gia. Những cái chết vì chồng, vì nghĩa lớn của những người phụ
nữ được nhà nho ngợi khen, đưa ra làm mẫu hình khuyến khích cho
mọi người học tập, noi gương: Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ:
Người con gái Nam Xương, Chuyện nghĩa phụ ở Khoái Châu,
Chuyện Lệ Nương: người phụ nữ đều tự tử để bảo toàn trinh tiết, sự
thủy chung. Thơ khen nàng Mỵ Ê trong Hồng Đức Quốc âm thi tập,
Đại Việt sử ký toàn thư chép lại những sự kiện tự tử của những
người phụ nữ với những lời ngợi ca. Thực chất, nhà nho nhìn cái
chết của những người phụ nữ không phải từ sự tôn trọng quyền sống,
sự tôn trọng thân xác của họ; mà sự ngợi khen những cái chết ấy
chính là một hình thức khuếch trương giá trị đạo lý của nho giáo
nhằm mục đích khuyến khích nêu gương.

18
-------
Thái độ không sợ hãi trước cái chết, không khóc than trước
sinh ly tử biệt của các vị thiền sư cũng như của nho gia cho thấy một
sự thật về giá trị của thân xác con người không được trân trọng trong
giai đoạn này. Thiền sư coi thân xác là hư huyễn, giả tạm. Nhà nho
coi thân xác là phương tiện thực hành đạo. Bản thân thân xác với đủ
đầy những ham muốn và cảm xúc của nó, vẫn chưa được nhìn nhận
như một giá trị. Từ đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn đối chiếu sang
văn học giai đoạn XVIII – đầu XIX, một giai đoạn văn học lên tiếng
cho quyền sống, cho giá trị chữ “thân” của con người, từ đó thấy
được giá trị nhân văn sâu sắc của văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX.

CHƯƠNG 3. SỰ PHÂN HÓA QUAN NIỆM


VỀ VẤN ĐỀ CÁI CHẾT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
THẾ KỶ XVIII – ĐẦU XIX.

3.1. Tiếp tục cái nhìn duy lý về vấn đề cái chết trong văn học thế
kỷ XVIII – đầu XIX: đề cao nhân cách tử tiết của nhà nho.
Văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX vẫn có những tác phẩm ghi
chép, lưu truyền những tấm gương bỏ mình vì nước. Những nhà nho
bỏ thân vì chống giặc, chết theo vua hay thủ tiết không ra làm
quan…dù hành xử theo cách nào, kết cục cuối cùng vẫn là tìm đến
cái chết để tỏ lòng trung trinh tiết nghĩa. Các tác phẩm văn học thế
kỷ XVIII – đầu XIX như Tang thương ngẫu lục, Truyền kỳ tân phả,
Vũ trung tùy bút, và đặc biệt là Hoàng Lê nhất thống chí đều ghi
chép, miêu tả lại những cái chết tuẫn tiết như thế của nhà nho. Từ
những câu chuyện được lưu truyền ấy, không khó để nhận ra tư
tưởng “xả thân thủ nghĩa”, “sát thân thành nhân” của Nho gia vẫn
19
tiếp tục ảnh hưởng, đã ăn sâu vào tín niệm của các nhà nho giai đoạn
này. Những câu chuyện về Lê Tuấn Mậu, Đàm Thuận Huy, Nguyễn
Hữu Nghiêm, Bùi Thế Vinh, Vũ Duệ… một lòng phù vua “tôi trung
không thờ hai chủ” mà hy sinh thân mạng tiếp tục được kể lại.
Giữa vô vàn diễn biến lịch sử phức tạp, bề bộn của những
năm tháng cuối thế kỷ XVIII, các tác giả của Hoàng Lê nhất thống
chí sẵn sàng dành cho sự kiện tự tử của một trung thần như Lý Trần
Quán những trang miêu tả sinh động, kèm với đó là lời bình phẩm
ngắn gọn, và còn dẫn cả ý kiến dư luận khen ngợi. Trong tác phẩm
này còn miêu tả cái chết của những Hoàng Phùng Cơ, Trần Công
Xán, Nguyễn Đình Giản, Trần Danh Án, Trần Phương Bính, Nguyễn
Văn Quyên… Tất cả đều thể hiện rõ thái độ hiên ngang, khí khái của
nhân cách nhà nho trước cái chết. Đồng thời, các tác giả cũng thể
hiện rõ quan điểm tán dương của mình thông qua những nhận định
ngắn gọn hay dẫn theo ý kiến của dư luận đồng tình, cảm phục trước
những hành động được coi là minh chứng của một nhân cách lớn. cái
chết được nhà nho sử dụng như một biểu tượng của lòng trung thành,
cho nhân cách kẻ sĩ theo quan điểm nho giáo. Ứng xử trước cái chết
(hay là sự lựa chọn giữa sống và chết) của các nhà nho minh chứng
rõ ràng cho sự ăn sâu bám rễ của mẫu hình thánh nhân của nho giáo.
Thân xác của mỗi người là duy nhất, thuộc về cái riêng tư, cá nhân
nhất, nhưng ở đây lại được lựa chọn “dâng” cho nhà vua, hy sinh cho
đạo quân thần. Họ dùng cái chết để chứng tỏ nhân cách chân chính
của một nhà nho như học thuyết Nho giáo đã xác lập và củng cố
bằng truyền thống mang đậm dấu ấn tên tuổi các nhà nho tử tiết
trong lịch sử. Những tên tuổi như Bá Di, Thúc Tề, Khuất Nguyên

20
vẫn được các nhà nho viện dẫn cho lòng trung trinh, thà chết giữ đạo
cương thường.
3.2. Cái nhìn chủ tình về vấn đề cái chết trong văn học thế kỷ
XVIII – đầu XIX.
Đến thế kỷ XVIII, trong bối cảnh thời đại có nhiều đổi thay,
môi trường văn hóa đô thị và tinh thần thị dân mạnh lên đã tác động
sâu sắc tới đời sống tinh thần của nhà nho. Kẻ sĩ thời này không còn
khuôn trong chuẩn mực của thời Quang Thuận, Hồng Đức thế kỷ XV
nữa. Các nhà nho không còn bám chặt vào những giáo lý đạo đức lý
tưởng của Nho giáo như những thế kỷ trước. Trong tư tưởng của họ
xuất hiện những “mối dị đoan”, đan xen cái chính thống. Các tác giả
nhà nho đã xuất hiện ngày càng mạnh cái ý thức rằng mình là một cá
thể đơn trị, có những hoài bão và dục vọng cá nhân tồn tại ngoài sự
ấn định của đạo đức truyền thống. Con người từ tầm cao lý tưởng,
sẵn sàng hy sinh thân mình vì đạo nghĩa của văn học thế kỷ trước đã
nhường chỗ cho những con người phàm trần, thậm chí là những con
người vốn ở địa vị thấp kém nhất như kỹ nữ, ả đào. Con người trở
nên thương Thân nhiều hơn gấp bội - tấm Thân bằng xương bằng
thịt, biết buồn vui, yêu ghét, đầy những khát khao, ham muốn. Cũng
chính vì thế mà cả đời thực lẫn thơ ca, nhà nho nói nhiều hơn gấp bội
tới sự cô đơn, chia lìa, mất mát - tức là những điều khiến cho cá nhân
bản thân mình đau khổ, bất hạnh. Đau buồn nhất trên đời này, đối
với một con người cá nhân mà nói, không có gì hơn tử biệt sinh ly,
yêu thương nhau mà phải chia lìa kẻ sống người chết. Văn học thế kỷ
XVIII – đầu XIX có thể nói là thời kỳ văn chương trung đại viết
nhiều nhất về cái chết, và vì thế trong những tác phẩm văn học thời
kỳ này, tràn đầy những tiếng khóc thương. Tiếng khóc thương trước

21
cái chết, là thái độ rõ ràng nhất cho sự bộc lộ tình cảm cá nhân nhất,
riêng tư nhất – cũng chính là nỗi luyến tiếc sự sống. Thái độ chủ tình,
trọng tình đã xuất hiện mạnh mẽ, không giấu giếm bên cạnh quan
niệm duy lý truyền thống lạnh lùng của Nho gia trước cái chết.
3.3.1. Khóc tình riêng ly biệt bởi cái chết: khóc cho niềm hạnh
phúc trần thế ngắn ngủi.
Những bài thơ khóc vợ, khóc người thương của các nhà nho
của thế kỷ XVIII- đầu XIX đều hết sức cảm động, không còn hợp
với đạo tồn dưỡng tỉnh sát, “ai nhi bất thương” của nho gia: Nguyễn
Kiều khóc vợ Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ khóc vợ với Khuê ai lục,
Phạm Nguyễn Du khóc vợ với Đoạn trường lục, Phạm Thái khóc
người yêu Trương Quỳnh Như; Lê Ngọc Hân khóc chồng là vua
Quang Trung, Hồ Xuân Hương khóc Tổng Cóc, Ông Phủ Vĩnh
Tường… Các “nhà thơ tình” thời này đã nhận ra một giá trị rất lớn
của cuộc sống là tình yêu. Tình yêu là hạnh phúc trần thế mà con
người luôn khao khát có được. Người ta thể hiện tình yêu gắn liền
với sự sống của thân xác con người. Vì thế, không có gì khiến con
người cảm thấy đau đớn hơn cái chết. Tiếng khóc của Phạm Thái,
của Phạm Nguyễn Du, của Ngô Thì Sĩ… là tiếng khóc cất lên từ
những cảm xúc cá nhân riêng tư nhất, không còn chịu sự chi phối của
đạo lý, của mẫu hình nhà nho lý tưởng biết “tri thiên mệnh” – không
ủy mị yếu đuối khóc lóc như “nữ nhi thường tình” nữa. Tiếng khóc
ấy cũng chính là thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong cuộc sống,
giữa cuộc đời hiện tiền.
Khóc tình riêng ly biệt trong văn học thế kỷ XVIII – đầu
XIX không chỉ là tiếng khóc thương chia lìa sự gắn bó và giao cảm
về mặt thân xác với người đã mất, mà ẩn sâu bên trong đó chính là

22
tiếng khóc thương thân của chính những người còn sống. Đó là sự tự
soi lại chính mình, thấy cá nhân mình trở nên cô độc và héo mòn
trong đời sống thiếu vắng tình yêu, người yêu: Ngô Thì Sĩ “khóc
sướt mướt, kêu khô khan, chỉ riêng một mình buồn”; Phạm Nguyễn
Du độc thoại “chỉ còn lại một nửa là thân tôi như điên dại này ở lại”,
Phạm Thái khóc cho chính mình lênh đênh chìm nổi; Ngọc Hân công
chúa chua xót “Lênh đênh chút phận bèo mây; Duyên kia đã vậy,
thân này nương đâu?”; với một người đàn bà đầy khao khát bản năng
như Hồ Xuân Hương, sống một cuộc sống nhiều cay đắng trong tình
cảm, nỗi thương thân càng trở nên mãnh liệt. Rõ ràng, hạnh phúc cá
nhân của con người không thể tách rời sự sống của thân xác. Có trân
trọng đời sống, trân trọng hạnh phúc trong cuộc sống hiện tiền, thì
con người mới khóc than khi không còn giữ được nó, vĩnh viễn mất
nó. Con người đạo lý của Nho gia với hình mẫu quân tử, liệt nữ đã
cúi mình soi gương nhìn vào nội tâm, cảm xúc của chính mình và
khóc cười với nó, trở về là những con người bình thường nhất, trần
tục nhất. Tình yêu gắn với mối liên hệ thể xác không còn là nỗi lo sợ
đe dọa nhân cách đạo đức của nhà nho như những thế kỷ trước, mà
trở thành niềm khao khát, thậm chí được cùng sống – chết với nó của
thế hệ nhà nho mới, những kẻ sĩ đa tình của thế kỷ XVIII – đầu XIX.
3.3.2. Tiếng khóc đồng cảm thương thân bạc mệnh.
Văn học thế kỷ XVIII- đầu XIX còn cất lên tiếng khóc
thương cho những số phận con người bé nhỏ, hồng nhan bạc phận,
sống đoạn trường, chết cũng lạc loài. Cảm hứng hồng nhan bạc
mệnh, tài mệnh tương đố lúc đầu thể hiện một cách không thật đậm
nét qua người chinh phụ, cung nữ cuối cùng đã chụm vào nhân vật kĩ
nữ, ả đào, vì chính hạng người này mới là hiện thân của nỗi bất hạnh

23
(Trần Nho Thìn). Những người tài tử - những vị khách phong lưu,
khách tài tình, vốn dĩ “đa tình”, nhiều tình cảm, dễ xúc động nên dễ
bị lôi cuốn vì sắc đẹp và có nhiều xúc động nhất đối với số phận
người tài sắc, chính là những người khóc thương cho những nỗi đau
khổ và cái chết đầy bi kịch của người kỹ nữ, ả đào. Tiếng khóc
thương trước cái chết của những thân phận người phụ nữ tài sắc mà
bất hạnh ấy, đã trở thành tiếng kêu thương đầy nhân bản cho giá trị
nhân sinh của kiếp người trong văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX,
điều chưa từng có trong văn học giai đoạn trước đó. Khóc người tài
sắc, người tài tử (tiêu biểu như Nguyễn Du) cũng từ đó ngẫm khóc
cho thân của chính mình là một kẻ bạc mệnh vì văn chương. Tất cả
là những người nghệ sĩ bạc mệnh vì nghệ thuật.
3.3. Cái nhìn trân trọng và bảo vệ quyền sống của thân xác trong
sự phân hóa quan điểm về lựa chọn sống - chết của người phụ
nữ.
Văn học trước thế kỷ XVIII viết về cái chết của những người
phụ nữ, như chúng tôi đã trình bày, đều khẳng định những nét tính
cách không nằm ngoài trung hiếu tiết nghĩa, cũng nằm trong mục
đích xây dựng con người đạo lý. Khuynh hướng bảo thủ của nhà nho
trước vấn đề lựa chọn sống – chết của người phụ nữ cho tới thế kỷ
XVIII – đầu XIX, thể hiện rõ trong thái độ đề cao những tấm gương
liệt nữ - những nhân vật nữ giới có thật trong lịch sử đã tuẫn tiết theo
chồng, tỏ lòng thủy chung như nhất (Sách Tang thương ngẫu lục,
Truyền kỳ tân phả, thơ khen nàng Vũ thị…)
Bên cạnh sự tồn tại dai dẳng của những quan điểm bảo thủ,
khắc kỷ, không coi trọng thân xác của người phụ nữ như một cá thể
sống đầy tình cảm của các nhà nho, những tư tưởng nhân bản, thấm

24
đẫm tinh thần nhân văn, yêu thương và coi trọng giá trị sống của
người phụ nữ của văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX đã xuất hiện và
lên tiếng. Đó là tiếng nói trân trọng thân xác người phụ nữ như một
giá trị, bảo vệ quyền sống, quyền được hạnh phúc của cá nhân mỗi
con người, tạo nên giá trị bất hủ vượt thời đại của thời kỳ văn học
đỉnh cao này. Đứng trên quan điểm “sát thân thành nhân”, “xả thân
thủ nghĩa” của nho giáo, không ít các nhà nho (tiêu biểu như Nguyễn
Công Trứ) đã lên án Kiều vì nàng không tìm đến cái chết như một
lựa chọn duy nhất để thoát khỏi cuộc sống chốn nhà chứa để bảo
toàn danh tiết của mình. Tà dâm là tội lớn mà một số nhà nho gán
cho Kiều, vì đối với họ, chết đói là sự nhỏ thất tiết mới là sự lớn.
Chính từ sự khắc kỷ nghiệt ngã đó đối với quyền sống của con
người, mà ở đây là người phụ nữ mà chúng ta mới nhận thấy nhân
cách vượt thời đại của Nguyễn Du. Ông đã lý giải, biện minh cho
việc Kiều sống trong cảnh tủi nhục chừng ấy năm đoạn trường.
Nguyễn Du trân trọng sự sống của Kiều, cũng là trân trọng đời sống
thân xác của nàng.

KẾT LUẬN

Văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX cho thấy sự phân hóa rõ nét
về mặt quan điểm đối với cái chết. Có quan niệm đạo đức bảo thủ
của Nho giáo khi người ta ca ngợi cái chết tuẫn tiết vì vua chúa, vì
người chồng; mà cũng có quan niệm nhân bản, bảo vệ sự sống, thông
cảm với sự sống nhân vật. Chính vì coi trọng sự sống, coi trọng thân
xác nên văn học thời kì này có rất nhiều tiếng khóc thương trước cái
chết. Con người, với tư cách trần tục và thực nhất, chưa bao giờ được

25
cảm thương và trân trọng sự sống như khi bước vào các sáng tác văn
học thời kì này. Đó chính là nội lực mạnh mẽ tạo nên sự phát triển
của văn học giai đoạn sau này với rất nhiều thành tựu. Văn học cận
nhân tình, và thực sự yêu thương con người.
Nhìn một cách tổng thể, sự thay đổi thái độ trước cái chết
phản ánh sự thay đổi trong tư tưởng và quan niệm của các tác giả -
nằm trong mạch nguồn nhân bản của văn học thế kỷ XVIII – XIX.
Thái độ đối với vấn đề cái chết thể hiện trong văn học thời kì này
xuất hiện những cung bậc tình cảm hết sức đa dạng và sâu sắc, như
một sự khẳng định mạnh mẽ và đề cao quyền sống, quyền được hạnh
phúc của con người trong chính cuộc sống thực tại. Sự thay đổi quan
niệm về vấn đề cái chết trong văn học thế kỷ XVIII – đầu XIX có thể
nói, là một vấn đề văn học sử quan trọng trong tiến trình văn học
Việt Nam.
Vấn đề cái chết trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII- đầu
XIX là một đề tài rộng lớn, phức tạp nhưng cũng rất thú vị và hứa
hẹn rất nhiều hướng khai thác triển vọng. Phạm vi của một luận văn
cao học của chúng tôi chưa thể nào bao quát hết các khía cạnh của
vấn đề, chỉ hy vọng góp thêm một cách nhìn, cách tìm hiểu và tiếp
cận cho những công trình quy mô hơn sau này.

26

You might also like