You are on page 1of 5

Trường phái Tâm lý học hình thái (Gestalt)

1.1 NGUỒN GỐC NẢY SINH CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THÁI
Trường phái tâm lý học Gestalt là một trường phái do các nhà tâm lý học người Đức sáng lập.
Chữ Gestalt là một từ trong tiếng Đức, có nghĩa là cấu trúc, hình thái. Ở đây gọi trường phái này
là tâm lý học hình thái hay tâm lý học Gestalt, để phân biệt với trường phái tâm lý học cấu trúc
do E.B. Titchener sáng lập.
Có thể nói, việc hình thành trường phái tâm lý học hình thái cũng như các trường phái tâm lý
học khách quan khác là kết quả của sự khủng hoảng trong khoa học tự nhiên nói chung và
khủng hoảng về phương pháp luận cho việc tìm kiếm con đường xây dựng một nền tâm lý học
thực sự khách quan nói riêng ở thời kỳ này.
Tâm lý học hình thái ra đời vào năm 1913, thời kỳ khủng hoảng của tâm lý học trên thế giới, do
ba nhà tâm lý học người Đức là Max Wertheimer (1880 – 1943), Kurt Koffka (1886 – 1941), và
Wolfgang Kohler (1887 – 1967) lập ra. Đây là một trường phái chuyên nghiên cứu về tri giác, ít
nhiều nghiên cứu về tư duy con người nhằm chống lại tâm lý học liên tưởng, tham vọng xây
dựng một nên tâm lý học khách quan theo hướng kiểu mẫu của vật lý học.
Về cơ sở triết học ảnh hưởng đến sự ra đời của tâm lý học hình thái có thể kể đến như sau:
Triết học tiên nghiệm của I.Kant (1724-1804): I.Kant là nhà triết học duy tâm người Đức, người
khởi xướng phép biện chứng tiên nghiệm về nền triết học cổ điển Đức cuối thế kỷ XVIII, đầu thế
kỷ XIX. Kant nghiên cứu nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau: triết học, toán học, cơ học, vật lý,
địa chất, nhân chủng học, thần học,…
Kant đã đưa ra khái niệm “vật tự nó”, nghĩa là vật thể tồn tại độc lập với ý thức, con người không
thể nhận thức được, nhưng lại phù hợp với những biểu tượng của con người. Kant đưa ra phạm
trù tiên thiên và cho rằng, không gian, thời gian, tính nhân quả và các quy luật tự nhiên không
phải là đặc tính của bản thân sự vật, mà là đặc tính về khả năng nhận thức của con người. Nhờ
khả năng nhận thức, con người có thể đặt ra các mục đích và thực hiện chúng. Tính thống nhất
của tự nhiên không phải là tính của vật chất mà là đặc tính của chủ thể nhận thức, là cái tôi, là
cái gì đó có sẵn trong con người.
Triết học duy tâm của Ernst Mach (1836-1916): Ernst Mach, nhà triết học duy tâm người Áo, nổi
tiếng với luận điểm về sự phối hợp cảm giác. Ông cho rằng, sự vật bên ngoài mà chúng ta cảm
nhận được chẳng qua là sự phức hợp (phối hợp) cảm giác của con người. Mach đã ảnh hưởng
rất nhiều đến các nhà vật lý học cũng như những người có ý muốn xây dựng nền tảng tâm lý
học hình thái.
Phái Hiện tượng học của nhà triết học duy tâm người Đức là E.Husserl (1859-1938): Các luận
điểm của phái hiện tượng học đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến ý tưởng của những người sáng
lập trường phái tâm lý học hình thái. Khái niệm trung tâm của hiện tượng học là “tính cố ý” của ý
thức. Theo Husserl, có “ý thức thuần túy” tồn tại và ý thức của một chủ thể cụ thể. Tiêu chuẩn
của chân lý chính là những cảm thụ cá nhân của chủ thể. Dựa vào các cơ sở này, những người
đi tiên phong trong việc thành lập trường phái tâm lý học hình thái đã cho rằng, tâm lý con người
phải được hiểu là cái gì đó không thể bị chia cắt, mà nó là một thể hoàn chỉnh của cấu trúc hoàn
chỉnh.
Theo các nhà tâm lý học hình thái thì đối tượng của tâm lý học phải là “tồn tại những mối quan
hệ” (những chỉnh thể trọn vẹn) mà trong đó những gì xảy ra (hành vi) không phải bắt đầu từ
những phần tử, đơn vị nhỏ bé tồn tại như những phần tử biệt lập được kết nối lại với nhau, mà
là cái đã xảy ra được quyết định bởi các quy luật bên trong của chỉnh thể trọn vẹn đó. Với cách
tiếp cận đó, các nhà tâm lý học hình thái cho rằng, đặc trưng của một quá trình tâm lý, hiện
tượng tâm lý đó là tính trọn vẹn, tổng thể, cấu trúc hoàn chỉnh, có tổ chức. Đây là những quy
định đầu tiên khi đặt vấn đề xem xét các hiện tượng của phái tâm lý học hình thái và đó cũng là
tiền đề để họ đi vào nghiên cứu các hiện tượng tâm lý, rút ra các quy luật của chúng.
Tâm lý học hình thái đã hình thành trong điều kiện lịch sử ấy với mong muốn xây dựng tâm lý
học theo hình mẫu của vật lý học.
1.2 SỰ SÁNG LẬP CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THÁI
Max Wertheimer (1880-1943) là người sáng lập trường phái tâm lý học hình thái. Vào năm 1910,
khi Max Wertheimer đang ngồi trong một toa xe lửa khởi hành từ Vienna trong chuyến đi nghỉ tại
vùng Rhineland, bỗng ông chợt nảy ra một ý tưởng mà sau này sẽ làm phát sinh tâm lý học hình
thái. Ý tưởng đó là các tri giác của chúng ta có các cấu trúc khác hẳn với cấu trúc của kích thích
giác quan. Nghĩa là, tri giác của chúng ta thì khác với các cảm giác tạo thành tri giác. Để tìm
hiểu thêm khái niệm này, Wietheimer xuống xe ở ga Frankfurt (Đức) mua một đèn chớp đồ chơi
(một đèn có thể làm cho các hình bất động có vẻ như cử động), và bắt đầu thí nghiệm trong một
khách sạn. Rõ ràng Wertheimer đang tri giác một chuyển động mà trong thực tế không có
chuyển động gì cả. Để nghiên cứu hiện tượng này kỹ hơn, ông đến Đại học Frankfurt, nơi ông
có thể sử dụng một đèn chớp siêu tốc. Chớp liên tiếp hai lần liền, Wertheimer thấy rằng nếu thời
gian giữa hai lần chớp là lâu (200/1000 giây hay lâu hơn), người quan sát nhận ra hai tia chớp
tắt bật liên tiếp. Quãng giữa hai tia chớp rất ngắn (30/1000 giây hay ít hơn), cả hai tia chớp có
vẻ xảy ra đồng thời. Nhưng nếu quãng cách giữa hai tia chớp vào khoảng 60/1000 giây, thì hình
như một tia sáng di chuyển từ một vị trí này sang một vị trí khác. Wertheimer gọi hiện tượng
chuyển động này là phi hiện tượng, và bài báo của ông năm 1912 nhan đề “Nghiên cứu thực
nghiệm về tri giác chuyển động” mô tả hiện tượng này thường được coi là khởi điểm chính thức
của tâm lý học hình thái.
Hai phụ tá phòng thí nghiệm của Wertheimer tại Đại học Frankfurt là hai nhà nghiên cứu vừa
đậu tiến sĩ ở Berlin: Kurt Koffka và Wolfgang Kohler, cả hai đều đứng ra làm vật thí nghiệm cho
Wertheimer trong thí nghiệm của ông về tri giác. Koffka và Kohler luôn gắn liền mật thiết với sự
phát triển tâm lý học Gestalt khiến cho hai ông thường được coi là đồng sáng lập trường phái
này cùng với Wertheimer.
1.3 MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THÁI
1.3.1 Tri giác và các quy luật cơ bản của tri giác
Các quy luật của tri giác
Qua nhiều năm, các nhà tâm lý học hình thái đã phân biệt ra được trên 100 hình thái (Gestalten)
theo đó các dữ liệu thị giác được sắp xếp. Chúng ta chỉ nêu ví dụ một vài hình thái dưới đây.
Quy luật hình và nền
Quy luật này do Rubin, nhà tâm lý học Đan Mạch tìm ra. Theo quy luật này, khi ta tri giác thì bao
giờ cũng có một phần của trường tri giác nổi bật lên, đậm nét, rõ ràng và có ý nghĩa, còn những
vật xung quanh thì mờ nhạt, không có ý nghĩa, giữa chúng có sự tách biệt tương đối, tạo nên cái
gọi là “hình” và “nền”.
Các nhà tâm lý học hình thái quan niệm: Hình là cái luôn luôn có trong quan hệ đối với bộ phận
còn lại của trường, đó là nền. Hình là cái có tính chất đối tượng, là cái gì đó có tính độc lập với
cái xung quanh được xác định bởi đường viền bao quanh nó. Hình thường là cái hài hòa, cân
đối. Còn nền là cái đằng sau sự thật, là cái khó xác định và có tính vật chất. Nền là cái vừa làm
nổi bật hình lên, nhưng đồng thời cũng là nơi tan biến của hình, như sóng tan biến trên mặt biển.
Về mối quan hệ giữa hình và nền, các nhà tâm lý học Gestalt cho rằng, hình là cái được sắp xếp
gần hơn nền bởi tính hiệu quả của định vị chủ quan. Hình có nổi được hay không là nhờ nền. Do
các nền khác nhau mà cùng một hình, có thể có những cảm nhận khác nhau. Mức độ thể hiện
của hình phụ thuộc vào nền chứa nó. Đây là những tri thức hết sức lý thú làm phong phú cho
các quá trình nhận thức của con người. Những quy luật ảo giác trong nhận thức của con người
đều bắt nguồn từ thực nghiệm này của các nhà tâm lý học Gestalt.
Như vậy, cái gì là ảnh và cái gì là nền có thể được hoán chuyển bằng cách thay đổi sự chú ý.
Hình 8.1 cho thấy điều này.
Hình 8.1. Trong mỗi hình trên đây, cái gì là hình và cái gì là nền?
Hình 8.2. Hình ảnh tạo ảo giác do tác động của nền vào hình
Quy luật bổ sung
Theo quy luật này, tri giác bao giờ cũng có xu hướng làm cho hình ảnh tri giác được hoàn chỉnh,
trọn vẹn, đẹp mắt. Ví dụ, nhìn một hình tam giác bị thiếu một góc, ta vẫn thấy nó là một hình tam
giác đủ cả 3 cạnh, 3 góc. Thấy một góc ngôi nhà là có thể hình dung ra đủ cả cái nhà… Hiện
tượng này thường gặp trong cuộc sống, cũng như trong hội họa, điện ảnh… Như vậy, hình ảnh
tri giác luôn có tính trọn vẹn, đẹp, hoàn chỉnh và hài hòa đối với với người tri giác tại thời điểm
đó. Điều này cũng nói lên rằng, tri giác không phải là hệ quả của tổng các kích thích, cũng không
phải là kết quả của phản xạ này liên tưởng với phản xạ kia.
Quy luật bổ sung của tri giác mà các nhà tâm lý học hình thái đã phát hiện ra là hoàn toàn đúng,
về sau này được giải thích là do con người tri giác sự vật, hiện tượng bằng cả vốn sống, kinh
nghiệm hoạt động của mình.
Quy luật về tình gần gủi
Các sự vật có tính chất giống nhau (về độ lớn, hình dạng, màu sắc…), tức là có sự gần gũi với
nhau về một phương diện nào đó, thì thường có khuynh hướng nhóm lại với nhau, tách ra khỏi
các sự vật khác. Vào năm 1923, W.Wertheimer đã nghiên cứu hiện tượng này bằng các vật liệu
rất đơn giản. Trên một mặt phẳng, ông vẽ lên đó các điểm cách đều nhau. Đồng thời vẽ lên đó
các hình tròn nhỏ đều nhau, cũng được sắp xếp với khoảng cách như nhau, tương tự như
khoảng cách giữa các điểm (như hình vẽ bên dưới).
Hình 8.3. Mô tả quy luật về tình gần gũi
(Thực nghiệm của W.Wertheimer năm 1923)
Như vậy, các điểm và các vòng tròn là những kích thích tương tự nhau, được sắp xếp trên một
mặt phẳng với khoảng cách như nhau nhưng được tiếp nhận như những hình cột chứ không
phải trải ra trên một mặt phẳng. Chúng có khuynh hướng nhóm lại do tính gần gũi của các kích
thích.
Quy luật về tính không đổi (tính ổn định)
Các kích thích của các sự vật trên giác quan chúng ta thực sự có những biến đổi rất lớn, nhưng
chúng ta vẫn nhận thấy cùng một vật, sự kiện này được gọi là sự không biến đổi tri giác, nghĩa
là hình ảnh do tri giác tạo ra có tính chất ổn định (không đổi).
Các nhà duy nghiệm cắt nghĩa sự không biến đổi tri giác là kết quả của kinh nghiệm. Các nhà
tâm lý học hình thái không đồng ý. Kohler, chẳng hạn, cho rằng sự không biến đổi là phản ánh
trực tiếp hoạt động đang diễn ra trong não chứ không phải kết quả của cảm giác cộng với học
tập. Lý do khiến chúng ta kinh nghiệm một vật không thay đổi trong các điều kiện thay đổi là vì
sự tương quan giữa vật ấy và các vật khác vẫn là một. Vì sự tương quan này vẫn là một, nên
trường hoạt động của não cũng là một, vì vậy kinh nghiệm ý thức (tri giác) vẫn là một.
1.3.2 Tư duy và giả thuyết về sự bừng hiểu
Wertheimer rất quan tâm đến việc áp dụng thuyết hình thái vào việc giáo dục. Tác phẩm của ông
nhan đề Tư duy hiệu quả được xuất bản năm 1945, sau khi ông qua đời, và được tái bản năm
1959 dưới sự biên tập của con ông, Michael. Các kết luận Wertheimer đạt được về việc tư duy
hiệu quả được dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thí nghiệm, và phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng
về việc giải vấn đề, như Einstein. Wertheimer viết: “Đó là những ngày tuyệt vời, bắt đầu năm
1916, khi tôi may mắn được ngồi hàng giờ với Einstein, một mình trong phòng làm việc của ông,
và nghe ông kể câu chuyện về những phát triển kỳ diệu dẫn đến thuyết tương đối. Trong những
câu chuyện lâu như thế, tôi hỏi Einstein rất chi tiết về các sự kiện cụ thể trong tư tưởng ông”.
Wertheimer đối chọi lối học theo nguyên tắc hình thái với lối học từ chương chịu ảnh hưởng của
tác động tăng cường bên ngoài và liên tưởng. Lối học thứ nhất dựa trên việc hiểu bản chất của
vấn đề. Sự tồn tại của một vấn đề tạo ra một sự mất cân bằng trong ý thức bao lâu vấn đề còn
tồn tại. Giải pháp tìm ra sẽ phục hồi sự hài hòa nhận thức, và sự phục hồi này là tất cả sự tăng
cường mà người học cần đến. Vì học và giải quyết vấn đề làm cho cá nhân cảm thấy thỏa mãn,
chúng bị chi phối bởi sự tăng cường nội tại hơn là ngoại tại. Wertheimer nghĩ chúng ta được
thúc đẩy học và giải quyết vấn đề bởi vì chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi làm việc ấy, chứ không
phải bởi vì một ai khác thúc đẩy chúng ta làm như thế. Vì việc học tập theo các nguyên tắc
Gestalt thì dựa trên sự hiểu biết cấu trúc của vấn đề, nên nó dễ nhớ và được tổng quát hóa để
ứng dụng vào các hoàn cảnh khác. Việc suy nghĩ, phân tích vấn đề để hiểu, để ghi nhớ bền
vững ấy được các nhà tâm lý học Gestalt gọi là sự bừng hiểu (insight).
1.3.3 Học tập bằng trực giác
Kohler nghiên cứu rất nhiều về việc học tập từ 1913 đến 1917 khi ông bị bỏ rơi trên đảo Tenerife
trong Thế Chiến thứ I. Trong một thí nghiệm điển hình, ông dùng vượn làm vật thí nghiệm,
Kohler treo một món mà con vật ưa thích – ví dụ một quả chuối ở trên cao, vừa đủ xa khỏi tầm
với của con vật. Rồi ông đặt gần con vật các thứ như thùng và gậy mà con vật có thể sử dụng
để lấy quả chuối. Bằng cách xếp chồng các thùng lên nhau phía dưới quả chuối hay dùng các
cây gậy, con vật có thể lấy được quả chuối. Có trường hợp con vật phải nối hai cây gậy lại với
nhau để chạm tới quả chuối.
Khi nghiên cứu vấn đề học tập, Kohler cũng dùng các vấn đề vòng vo nghĩa là các vấn đề con
vật có thể thấy mục tiêu trong đó nhưng không thể đạt được mục tiêu ấy một cách trực tiếp. Để
giải vấn đề, con vật phải học sử dụng một con đường gián tiếp để đi đến mục tiêu. Kohler thấy
rằng loài gà gặp khó khăn nhiều với các loại vấn đề như thế, nhưng loài vượn có thể giải quyết
chúng khá dễ.
Kohler nhận thấy rằng trong giai đoạn trước khi đi đến giải pháp, con vật có vẻ cân nhắc tình
hình – nghĩa là chúng thử các cách khác nhau. Rồi đến một lúc nào đó, con vật đạt được trực
giác về giải pháp và hành động theo trực giác ấy. Theo các nhà Gestalt, học tập bằng trực giác
thì hiệu quả hơn học từ chương.
1.3.4 Ứng dụng lý thuyết về “Trường”
Nếu kinh nghiệm về các hiện tượng tâm lý không thể giải thích bằng các quy trình của giác quan
hay suy luận, thì phải giải thích nó như thế nào? Các nhà tâm lý học hình thái trả lời rằng, não
chứa các trường cấu trúc gồm các lực điện-hóa vốn đã có trước khi có kích thích của cảm giác.
Ngay khi vào trường này, các dữ liệu giác quan vừa biến đổi cấu trúc của trường vừa bị biến đổi
bởi nó. Cái mà chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức là do sự tương tác giữa các dữ liệu giác
quan và các lực trường trong não. Bản chất của trường sẽ có ảnh hưởng mạnh tới cách mà các
phân tử được phân phối, nhưng tính chất của các phân tử cũng ảnh hưởng tới sự phân phối
này. Trong trường hợp kinh nghiệm ý thức, điểm quan trọng là các trường của hoạt động trong
não biến đổi các dữ liệu của giác quan và tạo cho các dữ liệu ấy các tính chất mà vốn chúng
không có. Theo phân tích này, cái toàn thể (các lực trường điện-hóa trong não) tồn tại trước các
thành phần (các cảm giác riêng rẽ), và chính cái toàn thể này tạo cho các thành phần tính chất
hay ý nghĩa của chúng.
1.3.5 Cấu trúc đồng dạng tâm vật lý
Để mô tả đầy đủ hơn về sự tương quan giữa trường hoạt động của não và kinh nghiệm ý thức,
các nhà tâm lý học Gestalt đưa ra khái niệm về cấu trúc đồng dạng tâm vật lý, được Kohler mô
tả như sau: “Thứ tự được kinh nghiệm trong không gian thì luôn luôn có cấu trúc đồng dạng với
thứ tự chức năng trong sự phân phối các quy trình cơ bản của não.” Ở chỗ khác Kohler nói,
“Các sự kiện tâm lý và các sự kiện cơ bản trong não giống nhau về mọi tính chất cấu trúc của
chúng.”
Ý niệm hình thức về cấu trúc đồng dạng nhấn mạnh sự kiện rằng các lực trường trong não biến
đổi các dữ liệu giác quan đến não và chính các dữ liệu đã biến đổi này là cái mà chúng ta kinh
nghiệm một cách ý thức. Các mẫu hoạt động của não và các mẫu của kinh nghiệm ý thức có
cấu trúc tương tự nhau. Các nhà tâm lý học hình thái không nói rằng các mẫu hoạt động điện-
hóa của não cũng là một với các mẫu hoạt động của tri giác. Đúng hơn, họ nói rằng các trường
tri giác luôn luôn được tạo ra do các mẫu hoạt động cơ bản của não.
1.3.6 Quan niệm về nhân cách trong tâm lý học Gestalt
Các nhà tâm lý học Gestalt có đề cập đến vấn đề nhân cách trong lập luận của mình, nhưng khi
giải thích về nhân cách, họ đã vận dụng khái niệm “hình thái hoàn chỉnh”, “cấu trúc hoàn chỉnh”
để giải thích đời sống xã hội và sự phát triển có tính chất xã hội của con người.
Hòa trộn hai yếu tố cá nhân và hoàn cảnh tâm lý thành một thể thống nhất mà các nhà tâm lý
học Gestalt gọi là “không gian sống”. Trong không gian này có những điểm hình học, tức là
những con người chuyển động. Cả cá nhân và thế giới khách quan đều lan tỏa trong không gian
sống. Sự di chuyển trong không gian này được gọi là hành động. Di động là do nhu cầu, nhưng
nhu cầu lại do trạng thái căng thẳng của cá nhân gây ra. Cá nhân, theo các nhà tâm lý học
Gestalt, tựa như một cái máy phát tạo ra các năng lượng tâm lý có thể biểu diễn bằng các véc-
tơ. Con người phát ra năng lượng, nhưng về thực chất lại là những sinh vật tiêu cực do những
lực bên ngoài thúc đẩy.
Những quan niệm về nhân cách như trên của các nhà tâm lý học Gestalt là không đầy đủ, thiếu
chính xác.
ThS. Hoàng Minh Phú
Trích từ Giáo trình “Lịch sử Tâm lý học” tại HUTECH

You might also like