You are on page 1of 9

CHỮ HÁN CHỮ NÔM

VỚI VĂN HIẾN HÁN NÔM VIỆT NAM

1. Chữ Hán và Chữ Nôm


Mặc dù trong giới khoa học lịch sử Việt Nam đang tồn tại những giả
thiết về một thứ văn tự cổ đại nào đó của người Việt từ thời “các vua Hùng
dựng nước” cách nay khoảng ba bốn ngàn năm, song nền văn hiến (ngữ
văn) cổ điển Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay chỉ biết đến có chữ
Hán và chữ Nôm trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Dĩ nhiên,
khi cần có một cái nhìn toàn diện hơn về nền văn hiến chung của cộng
đồng các dân tộc Việt Nam đã chung sống lâu đời trên dải đất hình chữ S
hiện nay, thì ngoài chữ Hán và chữ Nôm ra, còn cần phải kể đến một loạt
các loại văn tự khác nữa, như chữ Chăm ở phía Nam, chữ Thái ở phía Bắc,
v.v... Song dẫu sao kho tàng văn hiến chữ Hán và chữ Nôm vẫn là nền tảng
của văn hiến cổ truyền Việt Nam.
Chữ Hán đã có mặt ở phương Nam khá sớm, có thể từ vài ba thế kỉ
trước Công nguyên. Với sự thành lập nước Nam Việt (207 - 111 TCN) của
Triệu Đà, chữ Hán trở thành phương tiện hành chính cho cả người Hán và
người Việt thời bấy giờ. Tuy nhiên, phải sang đầu Công nguyên, dưới thời
nhà Hán, với sự tích cực truyền bá văn hóa Hán của các Thái thú như Tích
Quang, Nhâm Diên, và đặc biệt là Sĩ Nhiếp, chữ Hán mới thực sự trở thành
công cụ trong tay người Việt. Tầng lớp trí thức và quan lại địa phương
người Việt am hiểu và sử dụng được chữ Hán bắt đầu xuất hiện từ đó.
Không phải ngẫu nhiên mà Sĩ Nhiếp (186 - 266) được người đời sau tôn
xưng là “Nam giao học tổ”. Tuy nhiên, những tư liệu về chữ Hán thời ấy và
cả mấy thế kỷ tiếp sau đó trên đất Việt, đã không còn lưu truyền về sau.
Văn bản chữ Hán có niên đại cổ nhất còn lại đến nay là bài văn bia Đại Tùy
Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn, được phát hiện ở huyện
Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, do Nguyễn Nhân Khí soạn năm Đại Nghiệp 14
(618) nhà Tùy (khổ bia 75 cm x 150 cm, chữ mòn mờ, hiện đặt tại Viện
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

332 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


Tiếng Việt và tiếng Hán dù có thể bắt nguồn từ những ngữ hệ khác
nhau (Hán-Tạng đối với tiếng Hán và Nam á đối với tiếng Việt), song về mặt
loại hình chúng lại rất gần gũi nhau. Cả hai đều là ngôn ngữ thuộc loại đơn
lập - âm tiết tính, mà đặc điểm chung cơ bản là mỗi âm tiết hầu như đều
mang nghĩa, đều có thể được sử dụng như một từ mà không biến hình. Chính
vì vậy mà chữ Hán với mô hình biểu âm biểu ý cho từng âm tiết một sẽ là
hình ảnh lý tưởng cho văn tự tiếng Việt thời bấy giờ. Và trên đại thể, từ chữ
vuông của tiếng Hán đến chữ vuông của tiếng Việt (chữ Nôm) là con đường
không mấy chông gai. Bởi vậy, một văn bản chữ Nôm cho tiếng Việt thoạt
nhìn qua thật khó phân biệt được nó với một văn bản chữ Hán.
Tuy nhiên, chữ Nôm đã không hình thành một cách chóng vánh. Mới
đầu chỉ là những chữ lẻ tẻ dùng để ghi tạm những tên đất, tên người, tên
sản vật bản địa, xen lẫn vào các văn bản chữ Hán. Tình hình này có thể
diễn ra ngay từ đầu Công nguyên, khi chữ Hán đã thực sự được người Việt
sử dụng, không phải chỉ để đọc, mà còn để ghi chép, mô tả các sự kiện, con
người và môi trường nước Nam. Nhưng từ đó để đi đến chỗ chế tác và định
hình nên một hệ thống văn tự biểu âm biểu ý cho tiếng Việt còn phải trải
qua một thời gian khá dài. Đây không hẳn là do phải trăn trở dai dẳng về
các thao tác tạo chữ, mà điều tiên quyết là dân tộc phải được giải phóng,
đất nước phải được độc lập, nhu cầu sử dụng chữ viết dân tộc phải trở
thành bức xúc đối với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Cho
nên phải chờ cho đến thời đại các triều Đinh, Lê, Lý, Trần (từ thế kỷ XI
đến thế kỷ XIV), khi nền độc lập đã được xây đắp vững chắc, ý thức dân
tộc được khẳng định mạnh mẽ, thì chữ Nôm mới có đủ điều kiện trở thành
một hệ thống văn tự hẳn hoi và các văn bản tiếng Việt bằng chữ Nôm mới
dần dần xuất hiện. Theo sử sách ghi lại, thì sự ra đời của chữ Nôm được
đánh dấu bởi truyền thuyết về Hàn Thuyên (tức Nguyễn Thuyên) với bài
văn Tế cá sấu và thơ phú bằng chữ Nôm của ông. Dưới thời Trần Nhân
Tông (1279 - 1293) vào năm Thiệu Bảo 4 (Nhâm Ngọ, 1282) nhân có cá
sấu vào sông Lô, nhà vua sai Thượng thư Nguyễn Thuyên lập đàn và làm
bài văn tế bằng chữ Nôm ném xuống sông, cá sấu liền bỏ đi (Theo Đại Việt
sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q.5). Bài thơ này và nhiều tác phẩm khác của ông
nay đều thất truyền. Những tác phẩm chữ Nôm vào thời Trần còn truyền lại
đến nay là mấy bài ca ngợi cảnh Thiền của nhà vua Trần Nhân Tông và nhà
sư Huyền Quang (Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca,

NGUYỄN QUANG HỒNG 333


Vịnh Hoa Yên tự phú) trong sách Thiền tông bản hạnh (bản khắc in sớm
nhất còn lại là vào năm Cảnh Hưng 6, tức 1745).
Từ đó về sau, cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, trong đời
sống xã hội Việt Nam, chữ Hán và chữ Nôm vẫn luôn luôn sóng đôi tồn tại
trong sự phân biệt và phối hợp sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả.
Vai trò chức năng của chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam trong quá khứ có
thể được hình dung một cách khái quát như dưới đây.
2. Vai trò của chữ Hán
Trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán chiếm địa vị độc
tôn ở Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, có một
loạt trí thức người Việt cầm bút lông viết ngữ lục hoặc văn phú bằng chữ
Hán. Một nhân vật tiêu biểu trong số họ là Khương Công Phụ (thế kỷ VIII),
người Ái Châu (Thanh Hoá), từng sang thi Tiến sĩ ở Trung Hoa và đã đỗ đầu
khoá với một bài phú và một bài văn sách chữ Hán (theo Toàn Đường văn,
Q.446). Tuy nhiên, các văn bản chữ Hán của người Việt ở thơì kỳ này lưu lại
cho đến nay thật ít ỏi, mà truyền bản đều ở ngước ngoài.
Điều đáng được lưu ý là chính vào thời kỳ các dân tộc Việt Nam
giành được quyền độc lập tự chủ, vào lúc họ bắt tay xây dựng chính quyền
của mình theo hình mẫu nhà nước phong kiến Trung Hoa, thì khi đó chữ
Hán mới được người Việt chủ động sử dụng một cách phổ biến và có hiệu
quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Vai trò chức năng
của chữ Hán từ đó cho đến mãi về sau này luôn được thể hiện như sau:
(1) Trước hết, trong lĩnh vực hành chính, các triều đại phong kiến
Việt Nam, từ nhà Đinh (thế kỷ X) đến nhà Nguyễn (thế kỷ XX), luôn luôn
sử dụng chữ Hán trong các giấy tờ chính thức của các cấp chính quyền. Từ
chiếu chỉ, đạo dụ, sắc phong, cáo hịch... của triều đình ban ra cho đến tấu,
biểu, đơn từ v.v... của cấp dưới và dân chúng trình lên, hết thảy đều viết
bằng chữ Hán. Người dân thường không biết chữ, có việc cần thưa trình
cửa quan, đều phải nhờ cậy hoặc thuê mướn người có học viết đơn từ hộ.
Thảng hoặc lắm mới có một bức chỉ dụ, thư từ của vua (như trường hợp
vua Quang Trung viết thư cho Nguyễn Thiếp, và phê vào đơn của các nho
sĩ Bắc Hà) hoặc đơn từ, tờ tâu của dân chúng viết bằng chữ Nôm thuần tuý.
Tiêu biểu cho các văn bản hành chính bằng chữ Hán là Quân trung từ mệnh
tập của Nguyễn Trãi (viết thay Lê Lợi), là bộ Châu bản triều Nguyễn , tập

334 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


hợp hơn 50.000 văn bản từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại (hiện được lưu
giữ tập trung tại Cục Lưu trữ Trung ương, Hà Nội).
(2) Cùng với hành chính là giáo dục và thi cử , trong đó từ sách vở
kinh điển thánh hiền đạo Nho cho đến các loại văn bài trường ốc, đều bằng
chữ Hán. Việc đào tạo nhân tài cho đất nước theo con đường Nho học được
thực hiện một cách chủ động từ thời nhà Lý. Năm 1070 thời Lý Thánh
Tông (1054 - 1072) cho xây Văn miếu - Quốc tử giám ở Thăng Long làm
nơi học tập Hán văn cho hoàng thái tử. Và năm 1075 dưới thời Lý Nhân
Tông (1072 - 1128) việc tuyển lựa hiền tài theo Nho học lần đầu tiên ở Việt
Nam đã được tổ chức. Từ đó cho đến năm 1919 là năm mở khoa thi Hội
cuối cùng (ở Huế), cả nước có tất cả 2898 người đỗ đại khoa, và đây là lực
lượng trí thức chủ yếu gây dựng nền văn hiến cổ điển Việt Nam qua nhiều
thế kỷ.
(3) Văn hóa thành văn (bao gồm các tác phẩm về lịch sử, địa lý, văn
học, tôn giáo, tín ngưỡng v.v...) của Việt Nam trong quá khứ được hình
thành trước hết là từ chất liệu chữ Hán. Bộ Đại Việt sử ký do sử thần Lê Văn
Hưu hoàn thành năm 1272 dưới thời Trần Thánh Tông (1258 - 1278) là bộ
chính sử đầu tiên ở Việt Nam, gồm 30 quyển, nay đã thất truyền, nhưng nó
đã được kế thừa và phát triển qua các bộ chính sử có quy mô lớn hơn vào các
triều đại sau như: Đại Việt sử ký toàn thư khắc ván in năm Chính Hòa 18
(1697) thời nhà Lê, Đại Việt sử ký tiền biên khắc in xong năm Cảnh Thịnh 8
(1800) thời Tây Sơn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hoàn thành
năm Tự Đức 34 (1881) thời nhà Nguyễn, v.v... Tương tự như vậy, thời Lý có
bộ luật Hình thư ban hành năm 1042, thời Trần có bộ Quốc triều hình luật
ban hành năm 1244, nhưng đều thất truyền. Nay còn lại các bộ luật nổi tiếng
như Quốc triều hình luật ban hành năm 1489 thời Lê Thánh Tông (còn gọi là
Luật Hồng Đức), Hoàng triều luật lệ của nhà Nguyễn ban hành năm 1815
(còn gọi là Luật Gia Long) v.v... Nhiều công trình khảo cứu, ghi chép và mô
tả thực tế con người và đất nước Việt Nam đã lần lượt xuất hiện dưới ngọn
bút Hán văn thành thục của Lê Hữu Trác (1724 - 1791), Lê Quý Đôn (1726 -
1784), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Phạm Đình
Hổ (1769 - 1839), Phan Huy Chú (1782- 1840) v.v...Với chữ Hán, văn nhân
nước Việt cũng đã tạo nên một nền văn chương có đủ các thể loại, đặc biệt là
thơ phú và truyện ký. Về thơ thì hầu như không một bậc Nho học và Phật
học nào của nước ta là không làm thơ chữ Hán. Riêng về truyện ký, đáng kể

NGUYỄN QUANG HỒNG 335


nhất là tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (giữa thế kỷ XVI) gồm 20
truyện ngắn lấy đề tài từ xã hội Việt Nam thời bấy giờ; bộ tiểu thuyết lịch sử
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái phản ánh thời kỳ tao loạn
trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, và một loạt truyện
ký, tiểu thuyết Hán văn khác, đặc biệt là của Phan Bội Châu (1867 - 1940),
v.v... Không chỉ với Nho gia, chữ Hán cũng là phương tiện quan trọng để
truyền bá kinh sách đạo Lão, đạo Phật ở Việt Nam. Chữ Hán đã thâm nhập
khá sâu vào các đền thờ, miếu mạo, chùa chiền và cả các di tích, danh lam ...
Đó là thứ văn tự đầy vẻ trang nghiêm, thích hợp cho việc làm văn bia để ghi
tạc công đức và thờ cúng người xưa, khắc lên hoành phi, câu đối để trang trí
nơi công cộng và cả tư gia. Dĩ nhiên, ở những không gian và môi trường văn
hóa này, người Việt cũng sử dụng cả chữ Nôm.
3. Vai trò của chữ Nôm
Khi chữ Nôm ra đời và dần dần được hoàn thiện một cách tự phát ở
người sử dụng (mà đồng thời cũng là người sáng tạo), thì chữ Hán đã có
một lịch sử “cư trú“ lâu đời và đã phục vụ đắc lực cho xã hội người Việt
trong nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, đặc biệt là trong công việc
hành chính và đào tạo nhân tài của đất nước.. Đây không hẳn là do uy tín
của bản thân chữ Hán, mà là do ưu thế của một nền văn hóa Trung Hoa có
sức lan tỏa trong khu vực thời trung đại thông qua chữ Hán mà người Việt
cũng như nhiều dân tộc khác đã từ bị động đến chủ động tiếp nhận. Cho
nên, sẽ là không thỏa đáng, nếu đặt ra cho chữ Nôm nhiệm vụ phải giành
giật lại cho mình những vai trò mà chữ Hán từ lâu đã nắm giữ một cách
xứng đáng. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã từng có vài ông vua quan tâm
đến chữ Nôm, muốn sử dụng nó trong giao dịch hành chính (như Hồ Quý
Ly, Nguyễn Huệ) và có cả những trí thức muốn cải cách văn tự, dùng chữ
Nôm thay cho chữ Hán (như Nguyễn Trường Tộ trong Tế cấp bát điều
dâng vua Tự Đức). Song, tất cả những ý tưởng và thử nghiệm rất đáng trân
trọng đó đều chỉ thoảng qua và chưa kịp để lại một dấu ấn gì rõ rệt cho chữ
Nôm. Vậy thì, trong những bối cảnh như thế, chữ Nôm đã thi thố khả năng
của mình ra sao để có thể cùng với chữ Hán góp phần xây dựng nền văn
hiến cổ điển Việt Nam?
(1) Trước hết, có những lĩnh vực mà chữ Hán tỏ ra yếu thế, thậm chí
là bất lực, và phải nhường chỗ cho chữ Nôm thực hiện vai trò của mình. ít

336 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


nhất có ba lĩnh vực sau đây để chữ Nôm phát huy khả năng của mình một
cách tối ưu:
a) Người Việt, cũng như nhiều dân tộc khác, từ lâu trước khi có chữ
viết, họ đã có một kho tàng văn hóa truyền miệng phong phú và đa dạng. Đó
là những câu chuyện kể, những lời ca tiếng hát, những câu ca dao, tục ngữ,
thành ngữ, câu đố v.v... lưu truyền trong dân gian. Rõ ràng là để ghi chép,
sưu tập, chỉnh lý kho tàng văn hóa truyền miệng bằng tiếng Việt này, không
gì thích hợp và trung thực hơn là trực tiếp dùng chữ Nôm (chứ không phải
dịch sang Hán văn). Và trên thực tế cũng đã có không ít những sưu tập như
thế được thực hiện bằng chữ Nôm, như sách Lý hạng ca dao chép 256 bài ca
dao; sách Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục gồm 27 mục chép các bài
ca dao, tục ngữ, câu đố; sách Nam ca tân truyện ghi lại các bài hát cổ theo
các điệu ca ở Huế v.v... Có thể kể vào đây một loạt các vở tuồng cổ và chèo
cổ như Văn Duyên diễn hí, Trương Viên diễn ca, Lưu Bình trò v.v...
b) Chữ Nôm được viết dưới hình thức văn vần là một cách thích hợp
và hiệu quả nhất cho việc phổ cập, truyền bá các tri thức thuộc mọi lĩnh vực
khác nhau. Trước hết, đó là những bộ sách diễn ca lịch sử như Việt sử diễn
âm (thế kỷ XVI), Thiên Nam minh giám (nửa đầu thế kỷ XVII), Thiên Nam
ngữ lục (nửa cuối thế kỷ XVII), Đại Nam quốc sử diễn ca (thế kỷ XIX)
v.v... Quả thật, đa số dân chúng không biết chữ Hán và chữ Nôm, nhưng
nhờ có những tác phẩm văn vần chữ Nôm như vậy mà họ được nghe đọc,
nhiều lần thì nhập tâm mà thuộc lòng từng đoạn, có khi cả tác phẩm dài
hàng ngàn câu. Tương tự như vậy đối với các tác phẩm chữ Nôm “diễn ca”
hoặc “diễn âm” : về luật lệ như Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, về y
học như Chẩn đậu diễn ca, v.v...
c) Vai trò nổi bật của chữ Nôm được thể hiện trong sáng tác văn
chương. Mặc dù văn nhân mọi thời đều đã dùng chữ Hán để làm thơ, viết
truyện, song chỉ với chữ Nôm, người Việt mới có điều kiện để làm nên
những tác phẩm văn học bất hủ của dân tộc. Tập thơ Nôm có niên đại sớm
nhất còn lại đến nay là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), sau
đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) với Bạch Vân am quốc ngữ thi.
Điều đặc biệt là, nếu như với chữ Hán ta đã có những tập truyện ngắn và
tiểu thuyết văn xuôi, thì với chữ Nôm, ta hầu như lúc nào cũng có thể bắt
gặp văn vần đủ các thể loại. Nổi bật và có nhiều thành tựu nhất là thơ ca
trường thiên theo thể lục bát và song thất lục bát. Chính với hai thể thơ này

NGUYỄN QUANG HỒNG 337


mà vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX văn học cổ điển Việt Nam đạt tới
những đỉnh cao mà thế giới đã biết đến: đó là Chinh phụ ngâm khúc của
Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của
Nguyễn Du (1766 - 1820). Với thơ ca chữ Nôm, ta còn gặp các tên tuổi
sáng giá khác nữa từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX như Nguyễn Huy Tự,
Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v... Chính nhờ họ
mà tiếng Việt đã được trau giồi trên cơ sở hấp thu hai nguồn ngữ liệu: ngữ
liệu chữ Hán và ngữ liệu văn hóa dân gian Việt để trở thành một ngôn ngữ
văn học trong sáng và giàu sức biểu hiện.
(2) Mặt khác, chữ Nôm không phải bao giờ cũng “độc lập tác chiến”,
mà đã biết phối hợp cùng chữ Hán để tạo nên các tác phẩm cụ thể, hỗ trợ
cùng nhau để sáng tạo và lưu truyền văn hóa. Có thể nhận thấy điều này
qua những hiện tượng sau đây:
a) Không kể những trường hợp một số chữ Nôm lẻ tẻ có thể xuất hiện
bất kỳ trong các tác phẩm Hán văn bác học khi cần thiết, thì trong dân gian
chữ Nôm hầu như thường xuyên được dùng xen kẽ với chữ Hán để ghi
chép sinh hoạt làng xóm, hương ước, địa chí, thần phả, tộc phả, sổ sách,
đơn từ, khế ước v.v... Bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm cũng xuất hiện trong
các câu đối, hoành phi, bia đá, chuông đồng ở đình chùa miếu mạo... Còn
có cả một thể loại thơ ca rất được lớp nho sĩ bình dân ưa chuộng là hát nói
(trong ca trù), trong đó giữa những lời hát thuần chữ Nôm tiếng Việt
thường xen kẽ mấy câu đặc chữ Hán.
b) Chữ Nôm còn được sử dụng một cách đắc lực vào việc phiên
chuyển văn bản và phổ biến văn hoá thành văn. Chẳng hạn như sau:
- Các kinh sách cổ điển của đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật từ Hán văn
có thể được chuyển dịch sang chữ Nôm theo hai cách: Hoặc là lược thuật
đại ý và chuyển thành văn vần chữ Nôm để dễ phổ cập (như sách Luận ngữ
thích nghĩa ca diễn Nôm thể lục bát 20 thiên sách Luận ngữ); hoặc là trực
dịch từng câu Hán văn sang câu chữ Nôm (như sách Thi kinh giải âm dịch
nghĩa toàn bộ hơn 300 bài thơ trong Thi kinh sang chữ Nôm). Một số văn
bản từ các ngôn ngữ phương Tây đôi khi cũng được lược dịch sang văn
xuôi chữ Nôm, như bộ Các Thánh truyện (1650) do Jeronijimo Maijorica
chủ biên gồm 1506 trang.

338 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


- Tương tự như vậy, một số tác phẩm văn xuôi chữ Hán của Việt
Nam cũng được người đời sau phiên chuyển sang văn xuôi chữ Nôm theo
kiểu trực dịch từng câu. Tiêu biểu là bản “giải âm” tương truyền của
Nguyễn Thế Nghi (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) cho bộ Truyền kỳ
mạn lục của Nguyễn Dữ (giữa thế kỷ XVI), và phần dịch chữ Nôm trong
tác phẩm Cổ Châu Phật bản hạnh ngữ lục (thế kỷ XVI) mà bản khắc hiện
còn lưu trữ tại chùa Dâu.
- Có một loạt các sách công cụ, trong đó chữ Nôm được dùng để giải
nghĩa các từ ngữ chữ Hán, được soạn ra theo các thể văn vần. Sử dụng các
bộ sách này, người ta đồng thời học được chữ Hán lẫn chữ Nôm. Thuộc
vào loại này có thể kể các sách như Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa (thế kỷ
XIV và XVII), Tam thiên tự giải âm của Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII), Nhật
dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVIII), Tự học giải nghĩa ca
thời Tự Đức (thế kỷ XIX), Đại Nam quốc ngữ của Nguyễn Văn San (thế kỷ
XIX) v.v...
4. Vài nhận xét bổ sung
Ở đây, cần phải lưu ý thêm một điều là chữ Hán và chữ Nôm ở Việt
Nam, dù được sử dụng chuyên biệt hay trong sự phối hợp với nhau, đều có
thể được định hình như nhau bằng đủ các phương thức thủ công cổ truyền.
Các phương thức định hình chủ yếu là: (a) Viết tay bằng bút lông lên giấy,
vải, lụa hoặc bất kỳ một mặt phẳng nào có thể được; (b) Dùng dao, đục ...
khắc lên các vật rắn như gỗ, đá, đồng... để tạo thành các bản văn khắc (như
bia, chuông, biển, v.v...); (c) Dùng gỗ khắc chữ ngược lên ván gỗ tạo nên
các khuôn in để in ấn hàng loạt lên giấy. Chính nhờ phương thức in ấn thủ
công này mà các tác phẩm chữ Hán chữ Nôm của người Việt được nhân
bản và lưu truyền rộng rãi, và điều này kích thích sự phát triển nền văn hiến
chữ Hán chữ Nôm trong quá khứ, kể từ thời trung đại về sau. Cho đến
những thập kỷ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà sách vẫn tổ chức khắc ván in đi in
lại nhiều tác phẩm Hán - Nôm và bán ra rất chạy trên thị trường sách báo
đương thời.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, ngay từ thế kỷ XI trở đi, khi
người Việt chủ động sử dụng chữ Hán cho công việc của mình, họ đã bắt
đầu đọc chữ Hán theo cách phát âm cuối Đường đầu Tống và dần dần
thoát ly khỏi cách phát âm chữ Hán ở quê hương của nó, ngả dần theo sự
chi phối ít nhiều của ngữ âm tiếng Việt. Đó là cách phát âm Hán Việt.

NGUYỄN QUANG HỒNG 339


Với cách phát âm này, tiếng Hán và cả chữ Hán trở nên quen thuộc với
người Việt, cảm giác “ngoại ngữ” đối với nó đã mờ nhạt dần. Bởi vậy
một điều đương nhiên là chữ Nôm ra đời không phải là để tẩy chay chữ
Hán, mà chỉ là để cùng với chữ Hán, đảm nhiệm những phần việc cần
thiết của mình đối với đời sống xã hội người Việt Nam, như những gì đã
được trình bày ở trên.
Ngày nay, từ đầu thế kỷ XX lại đây, chữ Việt phiên âm theo tự mẫu
La-tinh (quen gọi là chữ Quốc ngữ), đã dần dần thay thế vai trò của chữ
Hán và chữ Nôm trong hầu hết các chức năng xã hội của chúng. Tuy nhiên,
với bề dày của nền văn hiến Hán Nôm, chức năng thể hiện và chuyển tải
văn hoá cổ truyền của chữ Hán và chữ Nôm sẽ không bao giờ bị xoá nhoà.
Trong lòng người dân Việt Nam hôm nay, chữ Hán và chữ Nôm vẫn luôn
luôn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa quá khứ với hiện tại và tương lai
trong đời sống văn hoá của tất cả họ, kể cả tầng lớp trí thức lẫn người dân
bình thường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH


1. Đào Duy Anh. Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội, 1975.
2. Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.
Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979.
3. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Sách chữ Hán chép tay,
49 quyển. Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm (A.1551/ 1-8).
4. Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Thư tịch chí Việt Nam). Tập
I, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984; Tập II: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,
1990.
5. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tuyển
chọn và lược thuật). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
6. Nguyễn Quang Hồng. Di sản Hán Nôm nhìn từ góc độ khoa học ngữ văn.
Tạp chí Hán Nôm, 1987, N.2.
7. Trần Nghĩa, Francois Gros (chủ biên). Di sản Hán Nôm Việt Nam (Thư
mục đề yếu). Ba tập. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
8. Ngô Đức Thọ (chủ biên). Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919).
Nxb Văn học, Hà Nội, 1993.
* Tham luận đọc tại Hội thảo kỷ
niệm 50 năm thành lập Hội văn hóa chữ Hán ở Nhật
Bản, Tokyo, 3/1999. Đăng Tạp chí Ngôn ngữ & Đời
sống, 1999, N.5 (43).

340 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN

You might also like