You are on page 1of 6

Trần Đình Sử

Sự ý thức về người đọc


Văn học là một bộ phận của thế giới kí hiệu mang nghĩa do con người tạo ra, sự sáng tạo
văn bản đồng hành cùng sáng tạo ra người đọc và người hiểu. Không có người đọc thì mọi
sáng tạo kí hiệu trở thành vô nghĩa, giống như người nói mà không có người nghe. Trong
văn học cổ sơ cũng như trong thực hành nghi lễ, cúng bái thần linh, tổ tiên, sinh hoạt văn
hóa dân gian người biểu diễn và người xem chưa phân biệt nhau. Họ vừa là diễn viên vừa
là ngườì xem. Nhưng khi đã có văn bản viết, có sân khấu, thì người sáng tác và người xem
đã phân biệt nhau rõ rệt. Văn bản có tác dụng gián cách con người với lời nói miệng. Vì
thế các bậc trí giả như Platon, khi suy nghĩ về chức năng của thi ca ông đã nghĩ đến người
xem và người nghe, người đọc. Trong Thi pháp học khi nói đến tác dụng “catharsis” là
Aristote đã suy nghĩ đến người xem. Horace trong Nghệ thuật thi ca cũng nói nhà thơ
phải tìm cách lung lạc người đọc. “Anh phải cười thì mới khêu gợi cho người khác cười
theo, cũng như vậy, anh phải khóc, thì mới bắt người khác có phản ứng. Trước hết anh
phải cảm thấy đau khổ, lúc đó bất hạnh của anh mới khiến tôi đau lòng. Nếu lời của anh
không tương hợp, thì chỉ khiến tôi buồn ngủ, khiến tôi bật cười.” Người đọc, người xem là
đối tác của tác giả.[1]
Từ đọc thành tiếng đến đọc thầm.
Ngày nay ai cũng biết người đọc là thế nào, nhưng trong lịch sử sự hình thành người đọc
đòi hỏi một quá trình lâu dài hàng nghìn năm. Thời nguyên thủy trong nghệ thuật
nguyên hợp, chưa có chữ viết tất nhiên là chưa có người đọc. Có bằng chứng chữ viết đã
xuất hiện đầu tiên khoảng 3100 năm TCN ở vùng Lưỡng Hà. Đời sống con người lúc ấy
cũng đang dựa vào hái lượm. Ở phương Tây, ngay cả khi đã có chữ viết và văn bản rồi, thì
chữ viết là kí hiệu để ghi lại lời nói, tiếng nói, cho nên người đọc đầu tiên là người đọc để
nghe bằng tai. Moise, Phật Đà, Giêsu đều thuộc những người truyền miệng. Thích Ca
thuyết pháp bằng miệng, lúc đầu nói cho hai tì kheo, sau cho bốn hành giả, rồi sau số
người tăng lên, năm chục, năm trăm, hàng nghìn. Cách tụng niệm kinh Phật thành tiếng
to hoặc nhỏ vẫn đang truyền đến ngày nay trong các chùa ở Việt Nam là một minh chứng.
Trong Kinh Thánh chúa Kitô có lần lấy ngón tay viết mấy chữ trên cát, sau đó người xóa
di, ngoài ra ngài chỉ nói, không viết chữ nào. Socrates cũng không sử dụng sách vở. Ông
là bậc thầy của lời nói miệng, ông không đánh giá cao đối với văn bản. Một thế kỉ sau
Platon và Aristote mới sưu tập tư liệu và viết về ông. Ở Trung Quốc Khổng Tử và Mạnh Tử
cũng đều bậc thầy nói miệng. Các nghệ nhân biểu diễn thơ sử thi, thơ bi kịch, ngâm thơ
trữ tình (như sau này các nghệ sĩ hát rong troubadour) chỉ dùng bản ghi để nhớ mà biểu
diễn thành tiếng, chứ không đọc thầm. Bởi vì hình thức âm thanh là quan trọng nhất, nó
thể hiện cụ thể, chân thực tiếng nói. Mọi sự đọc đều đọc thành tiếng, có âm thanh, âm
thanh như đôi cánh giúp tinh thần bay cao, chữ viết thì im lặng như chết. Các văn bản
bằng đất sét, bằng da dê hoặc bằng giấy cuộn, rồi sau, bỏ cuộn, sắp xếp thành tập sách
theo từng trang đều đọc thành tiếng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (hoặc theo thứ
tự khác, tùy theo kiểu văn tự). Đối với Ciceron “đọc là một kĩ năng bằng miệng”, “đọc”
thuộc phạm trù của thuật hùng biện, đối với St. Augustine là thuộc phạm trù giảng đạo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa cho biết: “… Công chúng Hy Lạp xưa kia không ngồi ở
nhà đọc anh hùng ca, đọc kịch như chúng ta ngày nay. Ngay đến môn triết học khô khan,
văn nghị luận (hùng biện) cứng rắn, đanh thép ở Hy Lạp xưa kia người ta cũng giảng và
đọc ở quảng trường, ngã tư đường phố. Giấy và máy in chưa ra đời, việc phổ biến tác
phẩm văn học rất khó khăn. Chỉ một số rất ít người có điều kiện mới có thể đọc, “sách”
được đọc trên những tấm da bò hoặc vỏ cây. Vì thế công chúng Hy Lạp xưa kia đi nghe
các nghệ sĩ kể anh hùng ca, nghe đọc thơ, ngâm thơ, diễn kịch”[2] Ở Việt Nam, đọc kinh
Phật là “tụng kinh”, nghĩa là đọc ngân nga có kèm theo tiếng gõ mõ đánh nhịp, hết đoạn
còn đánh chuông để đánh dấu. Giảng kinh phải đọc thành tiếng cho mọi người nghe và
giải thích những chỗ họ nghe không hiểu. Đó là hành động công khai. Sự đọc như thế đã
góp phần cải tiến văn bản. Lúc đầu văn bản viết liền tù tì các chữ cái với nhau, chưa tách
từ ra khỏi từ, chưa tách câu ra khỏi câu, chưa có các dấu câu, khiến đọc nhầm chữ này với
chữ khác, do liên kết chữ cái cuối của từ trước với chữ đầu của tiếng sau, tiếng sau của câu
trước với tiếng trước của câu sau. Sự bất tiện đó giúp hoàn thiện các dấu câu của văn bản
vào thế kỉ 9 – 10. Văn bản văn ngôn Trung Quốc, Việt Nam cũng hoàn toàn không có dấu
câu, mãi cho đến thời cận đại mới tham khảo phương Tây mà tạo ra và đánh dấu câu các
văn bản cổ hoặc phiên âm. Trước đó, người đọc phải tự học cách ngắt câu, ngắt đoạn, gọi
là “cú đậu”. Khi đã thành thạo “cú đậu” rồi thì mới hình thành năng lực đọc hiểu văn bản.
Ở phương Tây, ít nhất cho đến khoảng thế kỉ thứ 4 – 5, thứ 8, 9 CN tình hình nhìn chung
vẫn là như thế. Một người nghệ nhân sao chép kinh sách trong tu viện than phiền:
“Không ai biết nỗi khó nhọc của chúng tôi, ba ngón tay cầm bút, hai mắt bận nhìn chữ,
chiếc lưỡi uốn để đọc, toàn thân đều lao động”, chứng tỏ ngay khi sao chép, đọc đến chữ
nào người chép phải đọc thành tiếng chữ ấy (phải chăng là đánh vần?).[3] Mọi người vào
các thư viện thời ấy thấy một cảnh tượng ồn ào, tiếng đọc sách rào rào như cái chợ, nhưng
ai lo đọc của người ấy. Tuy nhiên, từ thế kỉ thứ 4-5, vào một buổi chiều, thánh Augustine
nhìn thấy St. Ambrose ngồi đọc thầm kinh sách, lúc đầu nghi rằng ông sợ đọc to, gặp
những chỗ khó hiểu, chưa biết chia sẽ cho mọi người chăm chú nghe như thế nào. Sau
mới ngộ ra rằng, khi đọc thành tiếng, âm thanh trở ngại cho ghi nhớ và tư duy, và ông bắt
đầu đọc thầm. Khi đọc thầm đã thành quy phạm trong các tu viện, sự đọc không còn bị
văn tự gò bó, đồng thời, người khác không biết mình đang đọc gì, và như vậy giữa người
đọc và văn bản có được một mối quan hệ mới, từ ngữ, hình ảnh âm thanh và ý nghĩa của
văn bản vang lên trong tâm trí, mà không bị người ngoài can thiệp. Vấn đề không chỉ có
thế. Khi chỉ đọc thành tiếng hoặc nghe đọc, con người chủ yếu làm việc bằng tai, còn khi
đọc thầm, con người chuyển trọng tâm sang đôi mắt và làm việc trước hết với hệ thống kí
hiệu thị giác. Đọc chữ có tác dụng đặc biệt với trí não. Bác sĩ Brasil Andrei Roch Lecours
cho rằng, nếu chỉ nói mà không đọc, không làm quen với hệ thống kí hiệu chữ viết, thì
không cách gì có thể giúp phát triển năng lực ngôn ngữ tại bán cầu đại não hết[4]. Cho
nên đọc trầm phát huy trí tuệ con người. Điều này là một tiến bộ rõ rệt đối với con người,
nhưng đem lại nguy hại cho các cha đạo, bởi vì họ không thể kiểm soát việc đọc của con
chiên. Việc đọc thầm biến hoạt động đọc thành một hoạt động tư nhân, hoàn toàn cá
nhân, phụ thuộc vào thị hiếu. Người đọc có thể tìm kiếm những nơi vắng vẻ, cách xa hoặc
kín đáo để đọc các sách bị hạn chế để tự thỏa mãn. Tuy nhiên đọc thành tiếng vẫn duy trì,
phải đến thế kỉ XVII việc đọc mới trở thành việc của cá nhân, một hành vi cô độc. Việc
đọc trầm mở ra khả năng tư duy, tìm hiểu, suy luận, liên hệ, phát hiện, nói chung là sự
sáng tạo của người đọc.
Từ người đọc đặc quyền đến người đọc đại chúng
Chữ viết ban đầu chỉ lưu hành trong một phạm vi nhỏ của một số người quản lí quốc gia,
vương hầu, quan lại, thầy cúng nắm giữ các bí mật, sử sách, hộ tịch, sách cúng lễ, bùa chú,
sau là các nhà quý tộc, coi như một đặc quyền. Sự phát mình nghề làm giấy đã phát triển
sự viết và sự đọc. Trung Quốc phát mình ra giấy từ đầu công nguyên từ thế kỉ 1 -2, truyền
sang Việt Nam thế kỉ 3, sang Triều Tiên thế kỉ 4, truyền sang Nhật Bản thế kỉ 5, sang
châu Âu thế kỉ 8. Trước đó châu Âu, Ai Cập dùng giấy làm bằng lá sa thảo (paperus) hoặc
giấy bằng da dê. Lúc đầu do phải khắc chữ, chép tay, số văn bản rất ít, mặc dù đã có
những làng nghề chép sách với những nghệ nhân viết chữ đẹp, nhưng không tránh khỏi
viết sai viết thiếu. Do nhu cầu in kinh Phật, Trung Quốc phát minh kĩ thuật in khắc ván từ
đời Đường, thế kỉ VII, rồi nhanh chóng lan ra cả nước và các nước lân bang. Nghề khắc
ván in kinh bắt đầu ở nước Việt từ cuối thế kỉ XII. Có thuyết nói thế kỉ XV[5]. Đến đời
Tống , thế kỉ IX thì phát minh thuật in chữ rời. Cho dù thế, văn bản chép tay vẫn là chủ
yếu, đến khi khắc ván số văn bản vẫn rất hạn chế, lại thêm giao thông vận chuyển khó
khăn. Chép tay vẫn nhanh hơn. Tô Thức cho biết, ông thích Sử kí và Hán thư, tất cả đều
do ông mượn về chép tay và đọc. Có nhà tàng thư hàng vạn bản đều do chủ nhân sao chép
và ghi chú[6]. Đời Đường do nhà nước mở khoa thi lấy tiến sĩ, bài thi cho làm thơ phú,
cho nên ngoài kinh điển nho gia, các sách như Văn tuyển của Tiêu Thống đời Tấn được in
bán phổ biến, khiến người học, người thi đông hẳn lên. Trường học đã có từ rất sớm,
nhiều nơi ở phương Tây sau công nguyên ba bốn học trò đọc chung nhau một cuốn sách,
bởi sách rất ít, và không đủ tiền mua. Rồi đến năm 1440 Johannes Gutenberg phát minh
ra máy in, chữ rời, mực in dầu. Ngày 3 – 2 năm 1468 lần đầu in được 250 bản tuyển Kinh
Thánh, đem triển lãm. Thế kỉ 16 máy in lan ra toàn châu Âu. Mặc dù bị giới sao chép thủ
công đố kị, nhưng sự kiện đó đã đem văn bản đến cho mọi người với giá rẻ, và thúc đẩy sự
hình thành người đọc trên quy mô rộng lớn, hình thành người đọc đại chúng. Đến lượt
mình, người đọc đại chúng là tác nhân thúc đẩy văn học ngoại biên như tiểu thuyết được
phát triển[7]. Bởi một khi sách trở thành tài sản nhà nước hoặc cá nhân, sẽ xuất hiện
những người kinh doanh sách, sưu tập sách, mê đọc sách, thành mọt sách, xuất hiện sách
“ngoài luồng”, sách bị cấm, bị tịch thu, bị tiêu hủy, đọc sách cấm. Xuất hiện cơ quan kiểm
duyệt. Từ năm Gia Tĩnh triều Minh đã có rất nhiều phường sách xuất hiện, ở Hàng Châu,
Tô châu có đến 30 phường sách, mỗi phường có đến hai trăm nghệ nhân chép sách[8].
Nhiều người làm sách giả, giả sách cổ, sách hiếm. Lịch sử nước nào cũng có danh sách
những sách bị cấm. Sách Bàn về chân lí, Bàn về thần của Protagoras bị tiêu hủy và năm
411 trước CN. Tần Thủy Hoàng TCN là vị vua Trung Quốc kế theo đốt sách, chôn nho. Đời
Minh Thanh ở Trung Quốc có 140 bộ tiểu thuyết bị cấm và bị hủy[9]. Sau này phát xít
Đức đốt sách năm 1933 tại Berlin và nhiều vụ đốt sách khác. Tất nhiên việc cấm sách
không ngăn cản được việc đọc sách, mà càng kích thích thêm trí tò mò khám phá, và rồi
các sách cấm đều được đọc bằng mọi cách và mọi nơi thích hợp.
Khi quần chúng biết đọc thì bọn thống trị rất sợ hãi họ sẽ tiêm nhiễm tư tưởng tự do và
phản kháng, nhà vua Anh đã ra lệnh cấm người lao động thuộc đế quốc Anh, đặc biệt
người da đen không được học đọc. Lệnh đó kéo dài tới giữa thế kỉ XIX. Nhà Khai sáng
Pháp Voltaire đã có bài văn châm biếm nỗi sợ của bọn thống trị đối với phát minh máy in
nhan đề Về sự nguy hại kinh khủng của việc đọc sách (De l’Horrible Danger de la
Lecture).
Ở Trung Quốc người đọc chủ yếu là tầng lớp tầng lớp trí thức, quan lại, tăng lữ, thầy cúng,
quý tộc, học trò, trí thức bình dân. Đến đời Tống, đặc biệt đời Minh đông đảo quần chúng
không biết chữ vẫn là người say mê nghe kể chuyện do nghệ nhân chuyên nghiệp thể
hiện. Đồng thời các nhà tàng thư đều sử dụng các bản chép tay là chính.

Cận độc giả hay độc giả đại chúng


Người đọc đại chúng là người đọc tùy theo hứng thú, không chuyên nghiệp, người đọc
tiêu dùng, chủ yếu để giải trí, mua vui, tìm thú vui tao nhã. Có thể gọi họ là cận độc giả.
Họ đọc hay nghe chuyện ngốn ngấu, có thể chưa hiểu hay không hiểu, hay hiểu khác đi,
mà tìm sự thỏa mãn, tức là người đọc mà sau này Albert Thibaudet nói là “nhà phê bình
tự phát”, “người đọc nghiệp dư”[10]. Khi thưởng thức họ có xuýt xoa khen ngợi, có chê
bai này nọ theo kiểu phản ứng thông thường, như kiểu nhân vật Hoàng trong truyện
ngắn Đôi mắt của Nam Cao, đọc Tam quốc đến chỗ thích thú rồi vỗ đùi: “Tài thật, tài đến
thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!” Theo định nghĩa của nhà xã hội học Đức Alphons
Silbermann người đọc này có 5 đặc điểm: 1.Đọc không có định hướng, phản ứng tự nhiên;
2. Một quần thể không cố định, không bị quy định bởi định kiến văn hóa nào; 3.Họ tự
phát, chưa được tổ chức; 4. Giữa họ không có bàn bạc, không có tiêu chuẩn; 5.Họ không
có cảm nhận giống nhau, không có ý thức như nhau.[11] Thời nào họ vẫn thế nhưng là
độc giả đông đảo nhất của văn học. Họ đọc cho vui mà không muốn mất thì giờ suy nghĩ
gì, họ đọc say sưa, đọc lướt, đọc nhanh, đọc cho biết chuyện, thỏa mãn hiếu kì, cho nên họ
thích thứ văn nghệ thông tục, dễ hiểu, thú vị, giống như ngồi tán chuyện gẫu, cắn hạt dưa,
buôn dưa lê. Chức năng đọc văn học của họ là nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí, thả lỏng bản
thân mình. Họ không bao giờ tốn tinh lực, lao tâm khổ tứ để tìm hiểu một điều gì, không
hiểu cũng chẳng sao. Có vẻ như họ có một khoảng cách đối với văn học. Nhưng đó chỉ là
bề ngoài, bởi một khi đã đọc, người đọc không tránh khỏi hóa thân vào tác phẩm và nhân
vật, họ bị tác phẩm chi phối, làm cho mê mệt, buồn vui với câu chuyện hư cấu, khiến cho
họ không tự chủ và mất khả năng đối thoại. Ngay khi đọc sách ngoại văn, nếu gặp vài ba
từ không hiểu cũng không ảnh hưởng gì. Họ bị văn học chi phối, bởi vì lúc này văn bản là
chủ thể kêu gọi, hấp dẫn, để rồi sau đó, người đọc buông mình vào tác phẩm, đồng nhất
mình với thế giới nhân vật, quên mình là ai, quên luôn không thời gian thực tại, mà chỉ
biết không thời gian của tác phẩm. Do đó đọc văn học theo Silbermann có 8 điểm khác
biệt sau: 1.Đọc không phải là làm việc; 2. Đọc là nghỉ ngơi; 3. Đọc là thỏa mãn sự chơi; 4.
Giáo dục bằng vô thức;5. Cuộc tiếp xúc với tác phẩm; 6. Chờ đợi sự dễ chịu;7. Đọc như hồi
tưởng; 8. Đọc như là giết thời gian[12]. Cách đọc này rõ ràng không nhằm chiếm hữu tư
tưởng hay giá trị thẩm mĩ của tác phẩm, mặc dù vẫn bị tư tưởng, giá trị ấy thấm vào tâm
hồn một cách vô thức. Người đọc có thể vì lợi mà sưu tầm các văn bản quý hiếm, đóng gáy
đẹp, mạ chữ vàng để trang hoàng trong phòng khách, chơi sách, khoe sách như khoe sự
giàu có và sang trọng.
Người đọc chuyên nghiệp
Người đọc chuyên nghiệp là người đọc không nhằm để giải trí, mà nhằm mục đích “làm
việc” nghiên cứu, như nhà phê bình, nhà lập thuyết, khảo chứng, chú giải, biên tập, dạy
học, nhà lịch sử văn học, nhà phiên dịch. Những người này vẫn đọc để hưởng thụ khoái
cảm, chơi, sưu tập, tàng trữ chơi, nhưng mục đích của họ ở chỗ khác. Người đọc thông
thường chỉ đọc một lượt từ đầu đến cuối, nắm bắt xong kết cục là gấp sách lại. Nhà phê
bình lại khác, chỉ sau khi đọc hết tác phẩm thì công việc của họ mới bắt đầu. Họ khảo sát
tác phẩm như là một chỉnh thể, đọc đi đọc lại cho đến khi nắm được chỉnh thể. Từ đó họ
xác lập các nguyên tắc của văn học, họ tìm cho ta cách đọc những từ đã mất hút trong đời
sống, họ phát hiện các văn bản thiếu hay văn bản giả của một tác phẩm, họ sửa lại các
chữ, câu viết sai trong bản thảo, họ tìm cách chuyển nghĩa các văn bản tiếng nước ngoài,
họ khám phá ý nghĩa sâu của tác phẩm, xác định giá trị thẩm mĩ của nó…Đặc biệt là
những tác phẩm của thời đại xa xưa, nhầm lẫn tác giả, hoặc thất lạc do đăng báo hoặc do
binh lửa. Họ là đội ngũ chuyên gia không thể thiếu cho sự tồn tại và hành chức của văn
học. Họ từ xưa đã làm nên đời sống giao lưu, lí luận và phê bình văn học trong thời đại cổ
truyền, một phần không thể thiếu của nó. Đặc điểm của người đọc này là họ có trình độ.
Về mặt nghề nghiệp, họ có thể :1. Nắm vững ngôn ngữ của văn bản tác phẩm, 2. Có đủ tri
thức ngữ nghĩa để hiểu được sự biểu đạt của tác phẩm như cách kết hợp từ, chơi chữ, giễu
nhại, các thành ngữ, phương ngữ; 3. Có năng lực văn học, tức là biết nắm bắt phong cách
của tác phẩm.[13] Về mặt thẩm mĩ, tuy họ vẫn thưởng thức tác phẩm, nhưng họ không
xem đọc sách là lúc giải trí nhàn hạ, mà xem như một đối tượng làm việc nghiêm chỉnh.
Người đọc ở đây là chủ thể, văn bản tác phẩm là khách thể. Họ không bị tác phẩm mê
hoặc, khống chế, mà có thể đối thoại bình đẳng với tác giả của nó. Chức năng của người
đọc này là thưởng thức (chỉ ra cái hay cái đẹp của nó), diễn giải và bình xét giá trị của nó.
Không nhất thiết mọi người đọc loại này đều làm được các yêu cầu đó, nhưng cái đích của
họ là vậy. Mỗi tác phẩm đều có những bí mật, những báu vật cất giấu ở bên trong chờ đợi
người đọc khám phá. Bên cạnh người đọc chuyên nghiệp còn có siêu người đọc mà nhà
phê bình Hoa Kỳ Michael Riffaterre nêu lên, cũng tức là người đọc bậc thầy mà Albert
Thibaudet đã gọi như thế. Đây là người đọc có cá tính độc đáo, có nguyên tắc khám phá
tác phẩm, có tính chất nguyên sáng, khai mở về phương pháp và thẩm mĩ. Siêu người đọc
là ngưới phát hiện ra giá trị văn học, khẳng định giá trị thẩm mĩ của văn học, đồng thời
cũng đề xuất các tiêu chí thẩm mĩ. Tất nhiên người phê bình văn học chuyên nghiệp
không phải kẻ làm nghề như bác sĩ chẩn bệnh người ốm, khám ra người này đau dạ dày,
kẻ kia đau tim rồi kê đơn thuốc. Chuyên nghiệp ở đây có nghĩa là biết tuân theo quy luật
của sáng tạo thẩm mĩ. Những kẻ không biết quy luật sáng tạo thẩm mĩ không đáng được
gọi là nhà phê bình văn học. Theo Thibaudet, “việc mâu thuẫn giữa nhà văn và nhà phê
bình chuyên nghiệp là chuyện bình thường, chính vì có mâu thuẫn đó mới tạo ra đời sống
của văn học”[14]. Việc một tác phẩm như sử thi của Homère bị chê trong thời cổ đại
hay Bà Bovary của Flaubert bị chê bởi một số nhà phê bình thế kỉ XIX không ảnh hưởng
gì đến giá trị của chúng. Sẽ có những người khác khẳng định chúng. Ở đây văn học nảy
sinh và tồn tại nhờ phê bình biết quy luật thẩm mĩ. Brunetière nói văn học Đức nảy sinh
nhờ phê bình của Lessing, Herder, Goethe. Văn học Pháp thế kỉ 16 nảy sinh nhờ Ronsar,
văn học thế kỉ 17 nhờ Malherbe, cuối thế kỉ 17 nhờ Boileau[15]. Các tác giả ấy tuy là nhà
văn, nhưng họ viết với tư cách nhà phê bình văn học. Để chỉ hoạt động của hai loại người
đọc này chúng tôi sẽ gọi bằng một từ thông dụng là nhà phê bình văn học bậc thầy. Ở
phương Đông xưa không có thuật ngữ phê bình, mà chỉ có thuật ngữ “bình” hoặc “bình
điểm”. Thuật ngữ “phê bình” là vay mượn của phương Tây. Ở phương Tây thuật ngữ “phê
bình” bao gồm cả lí thuyết hai trong một.
Người đọc văn học, nhà phê bình văn học là sản phẩm của cả một tiến trình văn học lâu
dài.

[1] Horace, Thi nghệ, trong sách: Ngũ Lễ Phủ soạn, Tây phương văn luận tuyển, Tập 1,
Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1964, tr. 102.
[2] Nguyễn Văn Khỏa, Thần thoại Hy Lạp (Lời gới thiệu), Nhà xuất bản văn hóa dân tộc,
1998, T.1, tr. 15
[3] Alberto Manguel, The History of reading, Flamengo, Canada,1997. Bản dịch tiếng
Trung của Nxb Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2002, tr. 60.
[4] Alberto Manguel, Tldd, tr. 43.
[5] Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Nxb Trẻ, tp HCM, 1993, tr. 150.
[6] Thượng Học Phong và nhiều tác giả, Lịch sử tiếp nhận văn học cổ điển Trung Quốc,
Nxb Giáo dục Sơn Đông, Tế Nam, 2000, tr. 348- 349.
[7] Jan Watt, Sự trỗi dậy của tiểu thuyết, Nxb Tam Liên, Bắc Kinh, 1992, chương 2:
“Người đọc đại chúng và sự hưng thịnh của tiểu huyết”, tr. 30 – 62.
[8] Vương Kì, Lịch sử và tự sự của tiểu thuyết thoại bản, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh,
2002, tr. 10 – 11.

You might also like