You are on page 1of 4

Tiểu luận Ngôn ngữ và văn học

Published on 02/16,2011

Mọi hình thái ý thức đều là sự phản ánh của thế giới khách quan thông qua chủ thể con
người. Trong ý nghĩa ấy thì sáng tác văn học vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính
khách quan. Nó không đơn thuần chỉ là một hoạt động phản ánh mà còn là hoạt động
sáng tạo – sự sáng tạo vừa mang tính trực tiếp vừa mang tính gián tiếp độc đáo để cuối
cùng tác phẩm ra đời như là nảy sinh trong cuộc sống một hiện tượng thẩm mỹ hoàn toàn
mới mẻ. Tác phẩm ra đời là kết quả của một quá trình tích lũy, thai nghén “mang nặng đẻ
đau”. Nhà văn đưa tác phẩm tới tay bạn đọc cũng như đặt đứa con vào cuộc đời với bao
lo toan hy vọng. Liệu những điều mình nghiền ngẫm trăn trở và thể hiện bằng hình tượng
nghệ thuật này có tìm được sự trân trọng, đồng cảm của người đọc như là sự gặp gỡ tri
kỷ, tri âm? Rõ ràng là dù muốn hay không, tác phẩm văn học giữ vai trò là điểm tiếp xúc
giữa thế giới bên trong của người nghệ sỹ với thế giới quan bên ngoài hay nói cách khác
một tác phẩm văn học không đứng im trong suốt quá trình tồn tại của nó, nhờ sự tiếp
nhận của người đọc mà nó có sức sống trường cửu, bất chấp thời gian và không gian. Tác
phẩm hóa thành một sinh thể nghệ thuật chân chính. L.Tolstoi đã nhận định rất đúng :
“nghệ thuật là một trong những phương tiện giao tiếp giữa người với người. Bất kỳ một
tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều làm công việc khiến cho người cảm thụ tham gia vào
sự giao tiếp với người đã hoặc đang sản sinh ra nghệ thuật cũng như với tất cả những ai
cùng một lúc với anh ta, trước hoặc sau anh ta đã cảm thụ hoặc sẽ cảm thụ ấn tượng
nghệ thuật của anh ta” Đối với một nghệ sỹ chân chính thì những mối liên hệ với độc giả
vừa là ý nghĩa, vừa là mục đích sáng tác của người đó “Tôi không thể phân biệt được
những câu hỏi Tại sao tôi viết? và Tôi viết cho ai? – R.Rolang tuyên bố - Hoạt động của
tôi luôn luôn có tính chất năng động. Tôi bao giờ cũng viết cho những người đang tiến
lên phía bởi vậy bản thân tôi bao giờ cũng tiến lên phía trước... Đối với tôi, cuộc sống sẽ
không là gì cả nếu như nó không biểu thị sự vận động, lẽ cố nhiên là hướng thẳng về
phía trước…”. V.Kôrôlencô đã nhấn mạnh rằng một đặc tính hữu cơ của nghệ thuật bằng
ngôn ngữ là thường xuyên hướng về độc giả, thính giả, hướng về sự cảm thụ của họ đối
với những giá trị nghệ thuật. Ông khẳng định: “... Ngôn ngữ con người – ông viết – đâu
có phải để mà cho nó tự thích thú, có ngôn ngữ cốt là để thể hiện và truyền đạt cho
những người khác những tư tưởng tình cảm, cái phần chân lý hoặc cảm ứng mà anh ta
có được. Và điều đó gắn bó hữu cơ với thực chất của ngôn ngữ đến mức là nếu bị nhốt
kín, nếu không được truyền đạt và không được chia sẻ thì ngôn ngữ sẽ mất dần và giảm
yếu đi... Tác giả phải luôn luôn cảm thấy những người khác và phải ngoái nhìn lại xem
(không phải vào chính lúc sáng tác) là tư tưởng, tình cảm, hình tượng của mình có thể
đứng vững trước độc giả và biến thành tư tưởng của họ, hình tượng của họ và tình cảm
của họ hay không. Và phải rèn dũa ngôn ngữ của mình sao cho nó có thể làm được công
việc đó (ngay lập tức hay sau đó – đấy là một vấn đề khác). Lúc ấy những khả năng nghệ
thuật mới phát triển, mới trở nên sôi động, mới được củng cố. Bị nhốt kín trong sự tự
thỏa mãn biệt lập, chúng càng ngày càng mai một đi, càng mất dần hiệu lực và sức sống,
chúng sẽ trở nên còm cõi hoặc biến thành những tình cảm phiến diện, đặc biệt, mang
tính chất kỳ quặc thuần túy”. Khó có thể tưởng tượng một tác phẩm sẽ tồn tại ra sao nếu
như thiếu độc giả bởi khi ấy văn học mới thực sự hiện thực hóa nội dung của nó. Nó sẽ
mãi chỉ là một văn bản chết khô trên giấy, không hơn không kém. Người đọc không chỉ
lắng nghe, thấu hiểu tiếng nói của người nghệ sỹ gửi gắm trong tác phẩm mà còn góp
phần trong quá trình đồng sáng tạo của nhà văn... Trong quá khứ, tác phẩm văn học được
xem là sự thống nhất không tách rời giữa nội dung và hình thức. Gắn với quan niệm này
là cách hiểu tác phẩm văn học như một khách thể đã hoàn thành và bất biến, không phụ
thuộc vào người đọc có đọc nó hay không và hiểu nó như thế nào. Do đó, tác giả hoàn
toàn quyết định sự hiểu của người đọc và cái mà người đọc hiểu chỉ có thể là nguyên ý
của nhà văn. Quan niệm tuyệt đối hóa vai trò của tác giả, tách rời hoạt động đọc của
người đọc trong những ngữ cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể đa dạng. Những năm gần đây,
đặc biệt là những năm 60 của thế kỷ XX, chủ nghĩa cấu trúc chủ trương dùng khái niệm
“văn bản” thay cho “tác phẩm” điều đó có nghĩa là vai trò sáng tạo của người viết cũng
như vai trò đồng sáng tạo của người đọc chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng; cực
đoan hơn có ý kiến cho rằng trong văn học hiện đại tác giả và người đọc đã chết nghĩa là
phủ định sạch trơn vị trí của tác giả và độc giả trong hoạt động văn học. Là một nhà văn
tự do và dấn thân, Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã xuất phát từ quan niệm của mỹ học
tiếp nhận và hậu cấu trúc để khẳng định: “Tác phẩm văn chương như một con quay kỳ
lạ chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một
hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự
đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra nó chỉ là vệt đen trên tờ giấy trắng”. Đây
không phải là lần đầu tiên J.P.Sartre trăn trở tìm sự tương tác giữa tác giả và độc giả.
Trước đó ông đã từng nói: Nhà văn sở dĩ được gọi là nhà văn vì anh ta luôn tồn tại cùng
một người khác, một "cái tôi thứ hai" của anh ta: đó là người đọc. Nếu tác phẩm là trung
gian giữa nhà văn và người đọc, thì chính sự đọc tác phẩm bởi người đọc (chứ không bởi
nhà văn) đã quyết định cho tác phẩm một đời sống, một tồn tại. Trong nhận định của
J.P.Sartre, ông giải quyết hai vấn đề trong hoạt động tiếp nhận văn học:

1. J.P.Sartre nhìn nhận hoạt động tiếp nhận văn học từ góc nhìn biện chứng từ đó ông
thừa nhận sự tồn tại như một sinh thể của tác phẩm văn học. Tác phẩm không tĩnh tại trên
trang viết như nhiều người đã lầm tưởng. Không phải lúc nhà văn đánh dấu chấm câu
cuối cùng kết thúc tác phẩm đồng nghĩa với việc đánh luôn dấu chấm hết cho vòng đời
của tác phẩm ấy. Tác phẩm rời thế giới bên trong của người nghệ sỹ bước vào thế giới
khách thể mới thực sự bắt đầu cuộc sống của nó. Nó vận động theo quỹ đạo riêng chỉ có
điều quỹ đạo ấy chỉ được thực thi chừng nào nó nhận được một lực tác động từ phía bên
ngoài. Lực tác động ấy mang tên “sự đọc” - quá trình lấp đầy khoảng trống văn bản của
độc giả.

2. Ông khẳng định vai trò của độc giả trong hoạt động tiếp nhận văn học. Một tác phẩm
văn học chân chính không thể nào tách rời sự đọc. “Tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng
nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra nó chỉ là những vệt đen trên tờ giấy
trắng”. Quan điểm ấy vừa có cơ sở lý luận : Từ trực quan sinh động tư duy trừu tượng và
từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là con đường biện chứng của quá trình nhận thức thế
giới, của sự nhận thức chân lý khách quan (bởi lẽ xét đến cùng hoạt động tiếp nhận văn
học cũng chính là hoạt động nhận thức thế giới-người viết nhấn mạnh), vừa xuất phát từ
cơ sở thực tiễn sáng tạo nghệ thuật. Hoạt động văn học từ xưa cho đến nay đều vận hành
qua các bước: hiện thực – nhà văn – tác phẩm – bạn đọc, cho nên cũng như các mối quan
hệ giữa tác phẩm với hiện thực, tác phẩm với nhà văn ... từ rất lâu, người ta ít hoặc nhiều,
trực tiếp hoặc gián tiếp đã chú ý đến mối quan hệ giữa tác giả với bạn đọc, tức là sự tiếp
nhận tác phẩm từ phía bạn đọc. Khi nhắc lại niềm ưu tư của Đại thi hào Nguyễn Du:
“Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Độc Tiểu Thanh ký)
hay nỗi mong ước của thi sỹ Nguyễn Hành: “Ta kêu bằng văn chương chữ nghĩa, đến tập
thơ này là tột cùng của sự đau khổ rồi... Ai là người nghe thấy được để nối tiếp tiếng kêu
của tập thơ này (Minh quyên thi tập) cũng đủ để thấy được vị trí của người đọc trong
hoạt động tiếp nhận. Người đọc giữ vai trò quan trọng trong trục tam giác:Tác giả-Tác
phẩm–Độc giả của quá trình sáng tác văn học, họ vừa là điểm xuất phát, vừa là điểm kết
thúc của một vòng đời tác phẩm. Nhà thơ Tố Hữu đã thừa nhận : Thi ca thực chất không
chỉ là thi ca mà còn là cuộc đời. Thi ca sẽ không là gì cả nếu không từ cuộc đời mà ra, vì
cuộc đời mà có… Người đọc chính là chủ thể tiếp nhận văn học nhưng cũng là hiện thân
của nhu cầu xã hội, hiện thân cho động lực thôi thúc người nghệ sỹ cầm bút… Nói một
cách hình ảnh thì nếu xem một tác phẩm văn học là một sinh thể thì những dòng chữ trên
trang viết kia chỉ là phần Xác còn sự tiếp nhận của người đọc mới thực sự làm nên phần
Hồn của tác phẩm. Mất đi phần Hồn, tác phẩm chỉ còn lại văn bản, dòng chữ kia chỉ còn
là “những vệt đen trên tờ giấy trắng” vô nghĩa. Người đọc chủ động tiếp nhận mở rộng
giới hạn ngữ nghĩa cho văn bản, chính họ là người giải mã “bảy phần chìm của một tảng
băng trôi”, họ đối thoại bằng những cảm xúc thẩm mỹ trong hoạt động giao tiếp mà
người phát là tác giả. Giáo sư Đỗ Hữu Châu đã khái quát sự tương tác hai chiều giữa tác
giả và độc giả bằng lược đồ giao tiếp, từ đó tác giả khẳng định: Lược đồ giao tiếp ( gồm
các nhân tố tham gia trong hoạt động giao tiếp, tác động và sự điều chỉnh lẫn nhau giữa
chúng cho ta thông điệp – văn bản, tác phẩm – cả về nội dung và hình thức) giúp ta quan
niệm lại cái gọi là sự kiện văn học, đối tượng của khoa học về văn học. Nói đến sự kiện
văn học người ta thường chỉ nghĩ đến tác giả và tác phẩm. Tác phẩm được xem là bị
quyết định duy nhất bởi tác giả. Sau khi đã xuất bản (loại trừ những sửa chữa sau khi tái
bản) coi như không biến đổi nữa. Đó là quan niệm tĩnh, một chiều về văn học. Lược đồ
giao tiếp nhấn mạnh vai trò của người nghe, người tiếp nhận đối với thông điệp của
người nói phát ra. Nếu tác phẩm văn học là sản phẩm của cuộc giao tiếp giữa tác giả và
độc giả, thì một sự kiện văn học đầy đủ phải bao gồm cả độc giả. Cấu thành hoạt động
văn học là Tác giả - Tác phẩm – Độc giả, không phải chỉ là Tác giả - Tác phẩm. Độc giả
không chỉ xuất hiện sau khi tác phẩm đã ra đời mà có mặt ngay trong quá trình sáng tác.
Mỗi nhà văn khi sáng tác đều có ý thức xác định : Viết cho ai? Nghĩa là họ đang lập trình
hướng đối tượng cho tác phẩm của họ. Trong tâm tưởng của người nghệ sỹ lúc này không
thể phủ nhận sự tồn tại của thế giới độc giả, ấy là những nhu cầu, động cơ, tâm thế, điều
kiện, hoàn cảnh thưởng thức... Dưới ánh sáng của lý thuyết giao tiếp, câu nói của I.Lalich
sau đây trở nên dễ hiểu: “Cái bóng của độc giả đang cúi xuống ngay sau lưng nhà văn
khi nhà văn ngồi trước tờ giấy trắng. Nó có mặt ngay cả khi nhà văn không muốn thừa
nhận sự có mặt đó. Chính độc giả đã ghi lên trên tờ giấy trắng cái dấu hiệu không thể
tẩy xóa được của mình”. Từ đó suy ra thì sự kiện văn học là sự kiện động, dù tác giả
không còn nữa, dù tác phẩm không thau đổi nữa nhưng các thế hệ độc giả luôn luôn thay
đổi cho nên sự kiện văn học vẫn biến động theo độc giả. Vả chăng, như đã nói ở cơ chế
phản ánh, sự kiện văn học không chỉ ở những cái in ra, viết ra trên giấy. Chủ yếu nó là
B2, ý đồ sáng tác của tác giả thể hiện trên giấy, B3 là những điều mà độc giả tiếp nhận
được từ giấy mực. Về nguyên tắc, B2 và B3 không hoàn toàn trùng nhau. Không thể có
các B3 hoàn toàn tương đồng ở từng độc giả ngay trong một thời đại. Độc giả khi tiếp
nhận tác phẩm thì sáng tạo lại tác phẩm. Nói cách khác, tác phẩm văn học động vì nó
luôn luôn hành chức, nó hành chức trong tiếp nhận của từng độc giả và trong từng thế hệ
độc giả. Nhờ có độc giả, tác phẩm có được thời gian và không gian tồn tại cụ thể, độc giả
tiếp nhận thưởng thức tác phẩm muôn màu muôn vẻ phụ thuộc vào nghề nghiệp, giới
tính, lứa tuổi và đặc biệt là cá tính của từng chủ thể tiếp nhận. Như một quả lắc dao động
đều giữa tác giả và độc giả, tác phẩm nghệ thuật dần hình thành những chân giá trị của nó
ngay trong “rung động của đời”. Một hình tượng nhưng quy chiếu ở mỗi độc giả lại sản
sinh ra một trường cảm thụ khác nhau, tính đa diện của một tác phẩm cũng bắt đầu từ đó.
Độc giả chính là người làm phong phú nội dung và góp phần tích cực vào việc hoàn thiện
tác phẩm. . Trong cuốn “Văn học là gì?” ông nói: độc giả số ít hay số nhiều cũng thế cả,
một người đọc vẫn là "người đọc”, và chỉ cần như thế, tác phẩm đã có thể là tác phẩm rồi,
bởi người đọc khát khao, yêu cầu, kỳ vọng ở chính tác phẩm mà mình đọc, họ có thể thấy
chính cái mà họ muốn thấy. Và họ phải “liên luỵ", phải cộng đồng trách nhiệm cùng tác
giả: "Và toàn bộ nghệ thuật của tác giả là buộc tôi (tức người đọc) phải sáng tạo rạ cái
mà anh bóc lộ, tức là, buộc tôi phải liên luỵ" Nhưng không vì thế mà cực đoan hóa vai
trò của độc giả để rồi dẫn tới việc phủ nhận vai trò của tác giả trong quá trình tiếp nhận
văn học. Nói một cách đơn giản thì tác phẩm là đứa con tinh thần mà nhà văn là người
sinh còn người đọc là kẻ dưỡng. Điểm hạn chế trong quan điểm của J.P.Sartre là ở chỗ
trong khi đề cao vai trò của độc giả (đến mức tuyệt đối hóa), ông lại chưa tìm được vị trí
hợp lý cho tác giả. Ông xem tác phẩm là “đối tác” của nhà văn, và chỉ khi có người đọc
thì nhà văn mới là nhà văn, tác phẩm mới thành tác phẩm. Có điều ông quên mất rằng
nhà văn chính là độc giả đầu tiên, cảm nhận tác phẩm của mình. Điều này hoàn toàn phù
hợp với lý thuyết tiếp giao tiếp ngôn ngữ: người nói chính là người nghe đầu tiên, thẩm
định và điều chỉnh lời nói của mình (âm lượng, nội dung..). Với tư cách là độc giả, nhà
văn tự điều chỉnh sáng tác của chính mình. Satobriang sửa chữa 17 lần bản thảo “Atala”,
M.Gorki đã chỉnh lý hơn 4000 chỗ trong “Người mẹ”... Nhà thơ Viên Mai trong Tùy
Viên thi thoại cũng thừa nhận : Làm thơ không thể không chữa...Không chữa ắt là hời
hợt...”. Ngụp lặn giữa những suy tư, tác giả (độc giả) bình giá chính đứa con tinh thần của
mình. Nhìn nhận hoạt động văn học gắn liền với hoạt động giao tiếp nghĩa là cần đánh
giá đúng đắn vai trò của người phát và người nhận. Đồng ý rằng nếu không có sự tác
động từ phía người đọc, tác phẩm văn chương sẽ là : “vệt đen trên tờ giấy trắng” nhưng
người đọc không phải là Đấng Toàn năng để có thể phủ định vai trò của người sáng tạo.

Mối quan hệ giữa Tác giả - Độc giả mang tính hữu cơ. Nếu không có người đọc, nhà văn
không thể tồn tại bởi thiếu đích sáng tác và tất nhiên nếu không có sáng tác của người
nghệ sỹ thì người đọc không thể thực thi những cảm xúc thẩm mỹ của mình. Do thời gian
và năng lực còn hạn chế, chắc chắn người viết không thể đi hết được chiều sâu trong tư
tưởng của Jean-Paul Sartre. Còn có những thiếu sót cần được lấp đầy bởi độc giả.

Chân thành cảm ơn thầy Bùi Minh Toán đã giúp đỡ người viết thực hiện tiểu luận!

You might also like