You are on page 1of 198

Văn học châu Á 2

(VĂN HỌC ẤN ĐỘ, NHẬT BẢN

LÀO, CAMPUCHIA, Ả RẬP)

Tài liệu dùng cho sinh viên hệ Ngữ văn Đại học

Lưu hành nội bộ

AN GIANG ® 2011

LỜI GIỚI THIỆU

Việt Nam, Ấn Độ, Lào và Cam pu chia có mối quan hệ mật thiết từ lâu đời. Nền văn hoá,
văn học Ấn Độ đã góp phần ảnh hưởng khá lớn và sâu sắc vào quá trình phát triển văn hoá và
nghệ thuật ở khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Văn hoá, triết học và nghệ thuật của nước Ấn Độ
đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Nền tảng và truyền thống
của triết học Ấn Độ là lý tưởng hoà bình, bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật
giáo, nghệ thuật và khoa học Ấn Độ đã lan tỏa khắp thế giới”.
Do hoàn cảnh cùng sống trên một lục địa, thuận lợi về đường bộ và đường biển nên việc
giao lưu văn hoá giữa Ấn Độ với Việt Nam, Lào, Cam pu chia và các nước châu Á khác phát
triển khá sớm.

Trước hết phải kể đến sự có mặt của đạo Bà la môn và đạo Phật. Đạo Bà la môn lan truyền
đến Miến Điện, Cam pu chia, Chăm pa, Indonesia…sớm hơn đạo Phật. Nhiều dấu tích đền thờ
thần Brahma, Indra, Linga…. và những bia đá chép kinh Veda được tìm thấy ở vùng tháp
Ăngko đất nước Cam pu chia và những vùng có đền tháp Chăm ở miền Trung nước ta. Đạo Bà
la môn tuy đến sớm nhưng ảnh hưởng lại không sâu rộng bằng đạo Phật.

Tư tưởng từ bi, bác ái, vị tha và mục đích cứu khổ cứu nạn của đạo Phật như luồng gió mát
lành lan toả khắp nơi đến tận phía đông bắc châu Á. Đến đâu cũng được nhân dân mở rộng
cửa đón tiếp. Nhiều vị sư sãi đi truyền đạo được coi như sứ giả của hoà bình và hữu nghị. Nhiều
chùa chiền của Phật giáo được dựng lên để tụng kinh và dạy học. Những bản kinh kệ bằng
tiếng Phạn, tiếng Pali được phổ biến hoặc được dịch ra tiếng địa phương. Có thể nói tư tưởng
Phật giáo đã trở thành kho báu tinh thần chung của các dân tộc ở Đông Nam Á. Nhiều nước đã
lấy Phật giáo làm quốc giáo như Thái Lan, Miến Điện, Lào và Cam pu chia.

Ở nước ta, vào thời Lý – Trần, đạo Phật được khẳng định và phát triển mạnh.

Tôn giáo Ấn Độ đến với các nước Đông Nam Á còn mang theo các hình thức văn hoá-nghệ
thuật khác, đặc biệt nghệ thuật kiến trúc có ảnh hưởng sâu đậm và dễ thấy nhất. Đó là những
lăng mộ, đền tháp, hoa văn, phù điêu. Kế đến một số phong tục tập quán lễ hội, trò chơi cũng
có nhiều dấu vết Ấn Độ .

Do việc truyền bá kinh kệ giáo lý đạo Bà la môn và đạo Phật nên chữ Pali và chữ Phạn
(Sanskrit ) được phổ biến và có ảnh hưởng đến văn tự và ngôn ngữ một số nước như Thái Lan,
Miến Điện, Cam pu chia, Lào…. Theo đó nhiều tác phẩm văn học dân gian và cổ điển của Ấn Độ
cũng được phổ biến sâu rộng ở các nước Đông Nam Á và thế giới. Đặc biệt nó được bản địa hoá
ở vùng Đông Nam Á. Hai sử thi Ramayana và Mahabharata đến vùng đất này được cải biên cho
phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa nơi đây .

Ở Việt Nam, văn học Chăm vẫn còn giữ được nguyên tên trường ca Ramayana, kể bằng
ngôn ngữ Chăm. Truyện Dạ thoa vương trong sách Lĩnh Nam chích quái là rút từ cốt
truyện Ramayana. Ở Indonesia có Seri Rama, Thái Lan có Rama Kiên, Cam pu chia có Riêm
Kê, Lào có Phallahk Phallahm, Philippines có Alim… Các tác phẩm đó đều có chung nguồn gốc
là sử thi Ramayana của Ấn Độ, xoay quanh trục bộ ba nhân vật “Người con trai – người con gái
– ác quỉ”. Cuối những năm 1980 sân khấu chèo Việt Nam xây dựng vở “Nàng Si ta” của soạn
giả Lưu Quang Vũ. Kế đó sân khấu cải lương tiếp tục chuyển thể ”Nàng Si ta” thành “Nàng Xê
đa”, cả hai đều dựa trên một nguồn gốc sử thi Ramayana.

Nhiều truyện cổ tích Ấn Độ cùng với đạo Phật đã lan rộng và thấm sâu vào kho tàng cổ
tích và văn hoá của các dân tộc Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Đến thế kỷ thứ XIX, các dân tộc ở Đông Nam Á cùng chung số phận bị chủ nghĩa thực dân
phương Tây xâm lược. Từ đó mối quan hệ văn hoá lâu đời giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam
Á bị chặn đứng, ảnh hưởng qua lại ngày càng mờ nhạt. Do vậy những tác phẩm văn học ưu tú
của các nhà văn Ấn Độ trung đại, hiện đại như Kabia, Tunxidat, Tagore … ít được biết đến.
Ngược lại ở Ấn Độ, cũng ít ai biết được Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của Việt Nam …

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhiều nước ở vùng Đông Nam Á lần lượt giành được
độc lập như Việt Nam, Lào, Cam pu chia, Miến Điện, Ấn Độ và Indonesia . Mối quan hệ văn
hoá truyền thống lại được khôi phục, đến nay mới là những bước đi ban đầu, nhưng ngày càng
đáp ứng được nhu cầu cần thiết .

Chủ trương giảng dạy văn học Ấn Độ, Lào, Cam pu chia ở các trường đại học, cao đẳng sư
phạm là đúng đắn và thiết thực. Từ đây chúng ta thay đổi thói quen lâu nay chỉ chú trọng văn
học Phương Tây và Trung Quốc mà lãng quên nghiên cứu học tập các nền văn hoá văn nghệ của
các dân tộc gần gũi như Ấn Độ, Lào, Cam pu chia và các nước châu Á khác.

Ngày nay, bên cạnh quan hệ lâu đời với Ấn Độ, Lào, Cam pu chia và Đông Nam Á,
nước ta cũng đang phát triển quan hệ hợp tác với các nước Đông Bắc Á khác như Nhật Bản,
Triều Tiên. Theo chương trình của Bộ Giáo dục, phần văn học Nhật Bản mới được bổ sung vào
nhóm văn học châu Á. Các nước Đông bắc Á ngày càng có mối quan hệ mật thiết với nước ta
với nguyện vọng hợp tác lâu dài, nhằm xây dựng nền hoà bình vững chắc và thịnh vượng trong
khu vực. Việc nghiên cứu học tập các nền văn học châu Á chẳng những vì mục đích học thuật,
hưởng thụ văn hoá nhân loại mà còn góp phần vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác
và phát triển toàn diện .

Về việc phiên âm tên nhân vật và địa danh

Tên Ấn Độ : nguyên bản văn chương thường là tiếng Pali (văn tự gần giống như chữ Lào
Thái, Khmer). Giới xuất bản Ấn Độ đều chuyển ngữ sang tiếng Anh để dễ phát hành trên thế
giới. Mặt khác ở Ấn Độ ngày nay tiếng Anh đã được coi là một trong 15 ngôn ngữ dùng chính
thức .

Tên Nhật Bản: văn tự Nhật chịu ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài của Hán ngữ. Có thể so sánh cấu
tạo văn tự Nhật như sự ra đời chữ Nôm của Việt Nam. Tiếng Nhật ngày nay cũng được phiên âm
theo kiểu tiếng Bắc Kinh (pinyin) nhằm giúp người nước ngoài không biết Nhật ngữ chí ít cũng
có thể đọc tên. Ví dụ “cây chuối ” trong chữ Hán và Nhật đều viết giống nhau là 芭 蕉, tiếng
Bắc Kinh phiên âm là ba jiao, tiếng Nhật đọc và phiên âm là ba sho, còn người Việt thì phiên âm
Hán Việt là “ba tiêu”. Ngày nay danh từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc khi sử
dụng ở nước ngoài đều được phiên âm Latin , ở Việt Nam cũng có xu hướng như trên mà không
cần phiên âm Hán Việt như trước nữa.

Trong tài liệu này, các danh từ Ấn và Nhật đều được in theo phiên âm Latin như đã trình
bày trên để sinh viên dễ đọc .
& P.H.N

MỤC LỤC

Nội dung Tra


ng

LỜI GIỚI THIỆU 1

Mục lục 4

PHẦN THỨ NHẤT. VĂN HỌC ẤN ĐỘ

Chương I. Đất nước Ấn Độ 5

1. Địa lý

2. Lịch sử sơ lược

3. Chủng tộc và đẳng cấp.

4. Văn hoá, nghệ thuật và khoa học 15

5. Phân kỳ văn học Ấn Độ 17

Chương II . Thần thoại 24

Chương III. Sử thi (Ramayana và Mahabharata)

Đọc thêm 1. Truyện cổ tích 33


40
Chương IV. Kịch thơ
47
Kalidasa
Chương V. Sơ lược văn học hiện đại. Prem Chand
nhà văn hiện thực lớn của Ấn Độ 53

Chương VI. Thi hào Rabindranath Tagore

1. Chủ nghĩa nhân đạo Tagore

2. Thi pháp thơ Tagore 90

82

PHẦN THỨ HAI. VĂN HỌC NHẬT

100
Khái quát
107
Chương VII. Murasaki và tiểu thuyết Genji
111
(Genji monogatary)

Chương VIII . Thơ haiku và thi sĩ 117


thiền sư Basho
123
Chương IX- Giới thiệu văn học hiện đại Nhật Bản

và nhà văn Kawabata Yasunari


133

PHẦN THỨ BA. GIỚI THIỆU VĂN HỌC LÀO &


CAMPUCHIA 135

Chương X. Văn học dân gian Lào

Chương XI. Văn học dân gian Campuchia


PHẦN THỨ TƯ GIỚI THIỆU VĂN HỌC Ả RẬP

Chương XII- Giới thiệu văn học Ả Rập-Hồi giáo và


tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”.

Đọc thêm 2 Chủ nghĩa hiện sinh Ấn Độ

Đọc thêm 3 Thơ haiku tuyển chọn của Basho

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHẦN THỨ NHẤT VĂN HỌC ẤN ĐỘ

“Nếu tôi được hỏi dưới bầu trời nào trí óc con người đã phát triển một cách đầy đủ nhất
những năng khiếu hoàn hảo nhất của mình, đã suy tư sâu sắc nhất về những vấn đề lớn nhất của
cuộc sống, và đã tìm ra những lời giải của một vài vấn đề trên, hoàn toàn xứng đáng được sự chú
ý của ngay cả những người đã nghiên cứu Platon và Kant thì tôi sẽ chỉ vào Ấn Độ.

Và nếu tôi tự hỏi mình rằng từ nền văn học nào mà chúng ta ở châu Âu, những người đã
được nuôi dưỡng hầu như hoàn toàn với những tư tưởng của người Hy Lạp, La Mã và một chủng
tộc Semit là người Do Thái, có thể rút ra được các yếu tố điều hòa hiện đang cần nhất để làm cho
cuộc sống bên trong của chúng ta hoàn thiện hơn, toàn diện hơn, phổ biến hơn, thực sự là một
cuộc sống của con người hơn, không phải chỉ cho cuộc đời này, mà cho một cuộc sống biến hình
và vĩnh cửu thì tôi lại chỉ vào Ấn Độ”

(F. Max Muller – nhà Đông phương học người Đức)


CHƯƠNG I ĐẤT NƯỚC ẤN ĐỘ

1 – Địa lý

Ấn Độ là đất nước rộng lớn và đông dân ở miền Nam Á, phía bắc có dãy núi Himallahya
hùng vĩ được ví là ” lâu đài tuyết trắng”, “bông sen trắng vĩ đại”, “nóc nhà của thế giới”. Đi
dần xuống phía nam qua hai lưu vực sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange) phì nhiêu
được gọi là châu thổ “đất vàng”. Đi tiếp gặp dãy núi Vindehia với cao nguyên Decan rộng lớn
tiếp giáp núi Gat chạy dài xuống bờ biển Ấn Độ dương ngập tràn ánh nắng mang hình vòng
cung tới gần hòn đảo Sri Lanka.

Từ đông sang tây có vùng Penjab (hoặc Puljab) do năm nhánh sông hợp thành gọi là
vùng Ngũ Hà. Đất đai ở đây rất mầu mỡ. Tiếp đó là vùng Kasemir bốn mùa cây lá xanh tươi.
Nhờ có núi cao, rừng rậm, sông dài, đất đai rộng lớn mà tài nguyên của Ấn Độ vô cùng phong
phú. Trong rừng sâu, dưới lòng đất chứa nhiều khoáng sản quý như vàng bạc kim cương, ngọc,
cẩm thạch đủ các màu sắc. Có nhiều loại chim muông thú vật vừa đẹp vừa có ích cho nền kinh tế
như sư tử, hổ báo, voi, ngựa, trâu, bò, dê, cừu, trăn, rắn …. Cây cối gồm nhiều loại quả ngọt và
gỗ quí.

Hàng năm, Ấn Độ trải qua những tháng hè nóng bỏng như lửa đốt, thiêu cháy cỏ cây và
làm chết người, có những trận bão cát từ sa mạc cuốn về hun nóng cả vùng rộng lớn. Lại có
những trận mưa dữ dội gây ra lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, tàn phá mùa màng, tàn hại cả con người
và súc vật. Tuy thế cũng có những ngày xuân ấm áp, bầu trời trong xanh dịu mát tạo nên cảnh
trí đẹp đẽ.

Nói chung, đất đai, thiên nhiên và khí hậu của Ấn Độ phức tạp và khắc nghiệt. Giàu có
về tài nguyên nhưng bị thiên tai bất trắc tàn phá cho nên nền kinh tế xưa kia luôn luôn ở trong
tình trạng trì trệ đình đốn, chậm phát triển. Người Ấn Độ từ khi ra đời đã phải trải qua đấu
tranh vật lộn ác liệt với thiên nhiên, điều đó được phản ánh rất rõ trong những truyện thần
thoại đầy sức hấp dẫn và kỳ vĩ của họ.

2. Lịch sử sơ lược

Ấn Độ thời nguyên thuỷ : để lại những di chỉ đồ đá mới, đồ đồng , ước chừng từ 2500 năm
đến 1700 năm trước công nguyên. Chủ nhân là những người Aryan và Dradivian

Ấn Độ cổ đại: người du mục Aryan dần dần đẩy lui người Dravidien để chiến lấy vị trí chủ
đạo .

Thế kỷ VI trước CN, người Ba Tư (Iran cổ) trở thành đế quốc có nền văn minh rực rỡ đã
xâm nhập vào tây bắc Ấn Độ .

Năm 327 trước CN, vua xứ Macedoani (thuộc xứ Hi lạp) là Alexander đại đế sau thời gian
chinh phục Ba Tư, lại tiếp tục đánh chiếm Ấn Độ. Xung đột xảy ra giữa các lực lượng chiếm
đóng và ngay cả lính Hi Lạp cũng phản chiến. Alexander đại đế để lại một đội quân cai quản và
rút về Ba Tư, đến thành Babylon. Sau 2 năm ông ta bị bệnh sốt rét và chết ở đó (năm 323 tr. CN),
bởi vậy đế quốc Hi Lạp sụp đổ, nhường chỗ cho đế quốc La Mã nổi lên. Kết quả là nền văn hoá
Hi Lạp có dịp tràn vào xứ Ấn Độ, hỗn dung với văn hoá bản địa.

Vương triều Muarya và Kusana : sau cuộc xâm lược của Alexander đại đế , một vương triều
thống nhất và độc lập ra đời cai quản vùng này, đó là triều đại Mauria. Nhà vua sáng lập là
Chandra Goupta, trị vì từ 321 đến 297 tr. CN, nhờ sự ủng hộ của đạo Bà la môn, đất nước khá
cường thịnh. Thời vua Asoka là hưng thịnh nhất, vua này ủng hộ cho Đạo Phật phát triển, xây
nhiều chùa chiền, cột đá, tháp Phật . Mở hội nghị Phật giáo lần thứ 3 giữa thế kỉ IV trước CN,
đưa Phật giáo trở thành quốc giáo.
Đế quốc Asoka sụp đổ, mấy thế kỉ sau đó đất nước Ấn Độ bị chia cắt, có một bộ tộc nước
ngoài xâm nhập từ phía Trung Á lên cai trị, vua nổi tiếng nhất là Kusana (từ năm 78 đến 103 ).

Đến thế kỉ III, Ấn Độ lại bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc, sau đó đến triều đại Goupta .

Vương triều Goupta và đế quốc Hacsa : thế kỉ IV Ấn Độ lại cường thịnh, đặc biệt vua
Goupta II, kinh tế phát triển, tham gia vào “con đường tơ lụa “ nối liền Trung Quốc với Trung Á
và châu Âu. Thời vua Chandra Goupta II văn hoá phát triển mạnh, gọi là thời đại hoàng kim.. .
Nhà sư Pháp Hiển từ Trung Quốc du ngoạn 15 năm ở Ấn Độ đã để lại nhận xét tốt về sự phồn
vinh tươi đẹp của xứ sở này.

Thế kỉ VI, các bộ tộc Hung Nô tràn xuống miền Trung Á và Ấn Độ, lập ra ách cai trị mới. .

Thế kỉ VII, một tướng Ấn Độ là Hacsa nổi lên đánh đuổi bọn xâm lược, lập ra triều đại
Hacsa (năm 606). Hacsa làm cho đất nước trở nên hưng thịnh, tiếp tục quan tâm Phật giáo, lập
trường đại học Phật Giáo đầu tiên và lớn nhất thế giới. Nhà sư Huyền Trang từ Trung Quốc đến
đây thỉnh kinh và học tập ở tu viện đại học này và kết bạn thân với vua Hacsa.

Đế quốc Hacsa sụp đổ, đất nước lại chia cắt. Lịch sử Ấn Độ bước vào thời ký trung đại.

Thế kỉ VII đến VIII, các tộc người Ả rập theo Hồi giáo phát triển mạnh, lập ra đế quốc lớn
đi chinh phục khắp châu Âu, châu Phi và châu Á. Họ cũng lấn tới Ấn Độ, cướp bóc rồi rút đi. Bộ
tộc Thổ nhĩ kỳ và Afghanistan dưới chiêu bài trừng phạt dị giáo cũng đem quân xâm nhập Ấn Độ
. Đợt xâm lược lớn nhất của bộ tộc Hồi giáo vào Ấn Độ diễn ra vào thế kỉ XI. Năm 1001, vua
Mahmud xứ Afganistan đem quân chiếm Bắc Ấn, tàn phá, cướp đoạt, bắt người Ấn về làm nô lệ,
từ đó mỗi năm các tộc Hồi lại đi cướp, không chủ trương chiếm đóng lâu dài.

Cuối thế kỷ XIII, một số tộc Hồi xâm nhập Ấn Độ và ở lại xây dựng chế độ cai trị riêng, gọi
là vương triều Hồi giáo Deli, sau chia ra 33 quốc vương. Đây là vương triều của những thủ lĩnh
quân sự dày dạn chinh chiến và tàn bạo. Chính sách cai trị khắc nghiệt khiến dân chúng căm phẫn
và chiến đấu khiến cho vương triều Deli suy sụp. Tuy vậy, đạo Hồi đã có đủ thời gian thâm nhập
vào đất nước Ấn Độ, hỗn dung với các tôn giáo Bà la môn, Phật giáo và tôn giáo bản địa khác.

Trong khi đó, ở Nam Ấn một vương triều Hồi giáo khác vẫn tồn tại và cường thịnh, xây
một kinh đô dài cả trăm ki lô mét mà nhiều du khách phương Tây hồi ấy đã đến và ghi chép lại.
Về sau các tộc Hồi giáo lại tiêu diệt vương triều này .

Trong khi đó các bộ tộc Mông Cổ phiá bắc rặng Himalaya phát triển mạnh, tràn vào phá
Deli, cướp và giết. Hơn 150 năm sau, họ xâm nhập lần thứ hai và lập ra đế quốc Mogon (tướng
Baber đem 12 nghìn quân kị binh, pháo binh mạnh đánh chiếm vùng Penjab đến 1526 thì chiếm
được Deli. Baber chết sau đó 4 năm nhưng con cháu y tiếp tục xây dựng được chính quyền khá
mạnh và lâu dài ở Ấn Độ)
Cháu của Baber là Akbar trở thành một nhà vua nổi tiếng, ông ta mở rộng Ấn Độ thành một
đế quốc lớn, với tổ chức triều đình mạnh mẽ theo mô hình phong kiến. Akbar thực hiện chính
sách khoan dung, hoà hợp tôn giáo mặc dù ông ta là tín đồ Hồi giáo. Chấp nhận tất cả tôn giáo
bản địa, kể cả thiên chúa giáo mới từ phương Tây nhập vào . Vua Akbar biết ưu đãi coi trọng
văn nghệ sĩ mặc dù ông không biết chữ. . .Ông lập ra một thư viện có tới 24 000 cuốn sách chép
tay, cho dịch sang tiếng Ba Tư bộ sử thi vĩ đại Mahabharata và xây dựng nhiều công trình kiến
trúc lớn …

Những nhà vua nối tiếp Akbar thì không ai có khả năng lãnh đạo bằng ông. Vua Shahjahan
hoang phí dùng công quĩ xây dựng lâu đài cung điện xa xỉ, đặc biệt xây toà lâu đài Taj Mahal
bằng đá cẩm thạch trắng làm cái nhà mồ cho cô vợ trẻ chết yểu của y.

Aurang Zeb con trai của cô vương phí chết yểu kia lại trở thành một vị vua say mê quyền
lực, phá phách mối đoàn kết dân tộc, phá chùa chiền…. và dẫn đến vương triều Deli sụp đổ khi y
chết. Đế quốc Mogon sau đó 30 năm thì hoàn toàn mất quyền cai trị. Thực dân tư bản phương
Tây đứng đầu là Anh quốc từng kéo đến từ thế kỉ trước nay đẩy mạnh can thiệp, thôn tính đặt ách
cai trị đất nước Ấn độ rộng lớn và cổ kính này.

Ấn Độ cận hiện đại. Sự xâm nhập của Tây phương kéo dài từ 1500 đến 1857.

Do vị trí trung chuyển của Ấn Độ trên con đường giao thương Đông- Tây, thực dân phương
Tây nhòm ngó từ lâu xứ sở này. Đi đầu là Bồ Đào nha với các nhà hàng hải, sau đến Hà Lan
thành lập công ty Đông Ấn năm 1602, họ coi đây là trạm đi tiếp đến vùng Indonesia .

Tuy nhiên cả Hà Lan và Bồ đào nha cuối cùng đều bị Anh và Pháp gạt ra và chiếm chỗ.
Suốt thế kỷ XVII, Anh ráo riết xâm nhập xứ này, năm 1600 nữ hoàng Elizabeth thành lập Công
ty Đông Ấn Độ của người Anh. Giới thương nhân Anh kéo sang, giao thiệp khéo, nắm được
chính quyền Hồi giáo địa phương, vừa buôn bán vừa làm chính trị, họ tập trung xây dựng 3 trung
tâm Madrad, Bombay, Cancutta. Pháp đến muộn hơn, năm 1664, Conbert mới thành lập Công ty
Đông Ấn của Pháp, đồng thời truyền bá đạo Gia tô. Anh và Pháp cạnh tranh mạnh ở thế kỉ XVIII,
hai tên trùm toàn quyền Anh và Pháp tìm cách diệt nhau. Gây ra xung đột vũ trang. Chiến tranh
giữa Anh và Pháp diễn ra những năm 40 đến 50 thế kỉ XIX, kết quả Anh thắng lợi nhiều trận.
Quân Pháp buộc phải đầu hàng. Hoà ước Paris năm 1863 Pháp bị gạt khỏi Ấn Độ nhưng còn giữ
được 5 thành phố. Chính quyền Mogon chỉ còn danh nghĩa đến năm 1856. Thực dân Anh toàn
quyền cai trị xứ này.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ấn Độ 1857-1859

Dưới sự cai trị của thực dân Anh, nông dân điêu đứng vì tô thuế, nạn cho vay lãi . Thợ thủ
công bị phá sản thất nghiệp vì hàng hoá Anh tràn ngập thị trường . Một bộ phận quí tộc phong
kiến bị tước đoạt quyền lợi. Họ bộc lộ thái độ chống đối chính quyền Anh .

Sau gần một thế kỉ rên xiết dưới ách cai trị của thực dân Anh, phong trào khởỉ nghĩa lớn của
nhân dân bùng lên ở nhiều địa phương . Ngọn cờ cựu hoàng Mogon cũng được dương lên. Nhiều
binh lính người Ấn cũng bỏ quân đội đi theo cuộc khởi nghĩa. Thực dân Anh huy động quân đội
đàn áp khởi nghĩa, bắn giết cướp bóc thậm tệ. Nhân dân Ấn Độ tiến hành chiến tranh du kích.
Khởi nghĩa tan rã vào năm 1859.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã khiến chính quyền thuộc địa Anh thay đổi chính sách
cai trị. Chính quyền thuộc địa Ấn vốn thuộc “Công ty Đông Ấn” nay phải chuyển trả cho chính
phủ hoàng gia Anh. Chính sách cải tổ, tổ chức lại quân đội, binh lính Anh vốn chiếm quân số 1/5
nay nâng lên 1/2…Một viên toàn quyền Anh cầm quyền ở Ấn Độ thay mặt nữ hoàng Anh. Bà
Victoria nữ hoàng Anh cũng được suy tôn “nữ hoàng Ấn Độ”.

Phong trào dân tộc Ấn 1858-1918

Bên cạnh việc tăng cường cai trị Ấn, thực dân Anh còn bành trướng sang Miến
Điện, ép nước này nhập vào Ấn Độ, chinh phục Afghanistan. Tiếng Anh được đưa vào làm ngôn
ngữ chính thức ở xứ này.

Văn hoá Anh có xu hướng phá vỡ truyền thống văn hoá cổ truyền Ấn Độ.

Từ nửa sau thế kỉ XIX , một phong trào đấu tranh mang tính dân chủ tư sản đã nảy sinh và
phát triển, kết hợp chủ nghãi dân tộc Ấn, do các trí thức mới Tây học lãnh đạo. Bản nhạc dạo đầu
là trào lưu phục hưng văn hoá và tôn giáo Ấn, chủ yếu là đạo Hindu, cổ vũ xoá bỏ những mê tín
hủ tục Ấn cổ, dung hợp văn hoá Đông Tây . Tiến tới, phong trào đòi trả lại quyền độc lập, tự trị
cho dân tộc Ấn. Lãnh tụ của đảng Quốc đại là các ông Mahatma Gandhi và Jawahaclan Nehru.
Những cuộc đấu tranh chính trị, tránh bạo động kiên trì đã đem lại hiệu quả. Ảnh hưởng của Cách
mạng tháng Mười Nga khiến Đảng cộng sản Ấn Độ thành lập vào năm 1925. Rải rác vẫn có đấu
tranh bạo lực chống lại quan Anh.

Năm 1947 Ấn Độ giành lại quyền độc lập

Sau đại chiến thế giới II, Gandhi và Nehru kiên trì đấu tranh thương lượng hội nghị với
chính phủ Anh. Trước sự kiên trì đấu tranh của nhân dấn Ấn Độ , cuối cùng thực dân Anh đành
phải chia xứ này thành hai nước : Ấn Độ theo đạo Hindu và Pakistan theo Hồi giáo . Ngày 15-8-
1947 thực dân Anh tuyên bố trao trả độc lập cho Ấn Độ .

[Ngày 26-1-1950 nước Cộng hoà Ấn Độ chính thức ra đời. Ngày 30.1.1948 lãnh tụ M.
Gandhi bị bọn phản động cuồng tín ám sát, gây tổn thất lớn cho nhân dân Ấn Độ, lãnh tụ
Jawahaclan Nehru kế tục sự nghiệp. Sau đó con gái ông là bà Indira Gandhi lại làm thủ tướng
xứng đáng của dân tộc . Ngày 30.10.1984 bà Gandhi lại bị bọn phản động hèn hạ ám sát. Con trai
bà tiếp tục kế vị, lại bị ám sát … Đất nước Ấn Độ ngày nay đang ra sức đổi mới hoà nhập vào
thời đại công nghiệp hoá] .

3. Chủng tộc và đẳng cấp


Ấn Độ là đất nước có nhiều chủng tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, ước tính có tới
1652 ngôn ngữ. Trước đây chữ Sanskrit được sử dụng trong văn học cổ và đạo Bà la môn, còn
chữ Pali phổ biến ở miền Nam Ấn và dùng trong kinh Phật. Hiến pháp Ấn Độ ngày nay qui
định dùng 15 thứ ngôn ngữ chính thức trong đó có tiếng Anh (do thực dân Anh đưa vào từ sau
hai thế kỉ thống trị Ấn Độ ).

Các chủng tộc đông nhất gồm có Dravidian, Arian, Xumeria, Naga … về sau có thêm người
Hi Lạp, Ba Tư, Arập, Mông Cổ … lần lượt xâm nhập Ấn Độ và dần dần trộn huyết với dân bản
địa tạo ra nhiều chủng tộc phức tạp. Nhưng chủ yếu phải kể hai dân tộc lớn nhất Ấn Độ thời
cổ là Dravidian và Arian.

Theo sử liệu, chủ nhân sớm nhất của đất nước Ấn Độ là người Dravidian. Ba nghìn năm
trước công nguyên, người Dravidian từng sinh sống dọc lưu vực sông Ấn và sông Hằng. Họ đã
xây dựng nên nền văn minh sông Ấn rực rỡ.

Chủ nhân thứ hai là giống người Arian, nguồn gốc thuộc ngữ hệ Ấn- Âu thiên di từ phía
nam dãy núi Uran đến vùng Tuyeckestan (Liên Xô). Dân tộc này chia ra ba bộ phận, trong đó
một bộ phận đi qua Afghanistan, vượt núi Himallaya vào định cư ở bang Penjab.

Lúc đầu, người Arian chỉ muốn di cư hoà bình, mang theo súc vật và dụng cụ gia đình để
tìm kiếm đất đai cư trú làm ăn theo lối dân du mục. Về sau họ phải dùng vũ trang chống lại
người dân bản địa. Người Arian biết chăn nuôi, thạo săn bắn, giỏi cung kiếm, can trường hung
bạo và khoẻ mạnh nên đã chiến thắng người Dravidian và chiếm cứ đất đai.

Người Dravidian và các thổ dân khác bị chinh phục, một số trở thành tù binh rồi làm nô lệ
cho Arian, số còn lại phải bỏ chạy vào rừng sâu hoặc kéo nhau tràn xuống định cư ở phía nam.

Lúc đầu, trình độ văn hoá của người Arian thấp hơn người Dravidian, nhưng sau họ
tiếp thu văn hoá của kẻ bị chinh phục, học tập kỹ thuật làm ruộng, lại thấy đất đai màu mỡ nên
người Arian chuyển sang đời sống định cư và canh tác nông nghiệp. Từ đây, chế độ công xã
nông thôn Arian hình thành và phát triển.

Do mâu thuẫn về quyền lợi đất đai và chiến lợi phẩm, nội bộ cộng đồng Arian ngày càng
chia rẽ và xung đột vũ trang đã xảy ra.

Sau những cuộc xung đột đó, nhiều tiểu vương quốc ra đời do Vua đứng đầu và một hội
đồng đại biểu quí tộc điều hành.

Từ đó chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã, nhường chỗ cho chế độ phong kiến ra đời.

Sau khi đế quốc Moria suy sụp (322-185 tr. CN), Ấn Độ cổ đại lại chia thành nhiều quốc
gia phong kiến cát cứ và chiến tranh liên tiếp nổ ra.
Đầu thế kỷ V trước công nguyên, người Ba Tư đánh chiếm vùng Penjab. Đầu thế kỉ IV
trước công nguyên, người Hi Lạp, Italia và Macedoni xâm nhập tây bắc Ấn Độ . Khoảng thế kỉ I,
người Saca ở Trung Á tiến vào Bắc Ấn… Người Ấn Độ luôn luôn phải chịu đựng và chống trả
nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo. Tiêu biểu hơn cả là cuộc chiến tranh chống người
Hồi giáo và người Mông Cổ từ thế kỷ thứ VII, và cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhất của thực
dân Anh vào đầu thế kỉ thứ XIX.

Các dân tộc Ấn Độ còn phải chịu đựng chế độ đẳng cấp rất khắc nghiệt.

Chế độ đẳng cấp ra đời nhằm phân biệt đối xử giữa người Arian và Dravidian với các thổ
dân khác.

Xã hội có 4 đẳng cấp chính:

1- Brahman ( tăng lữ Bà la môn)

2- Ksatrya (vương công, quí tộc, võ sĩ).

3- Vaisya (thương nhân, nông dân, thợ thủ công).

4- Sudra (nô lệ, tôi tớ, người làm thuê).

Đẳng cấp Sudra còn chia ra 2 hạng người. Hạng người Sandallah sống ở hạ lưu sông
Hằng và hạng thấp nhất là Paria ( # ) sống ở vùng cao nguyên Decan – hai hạng người này là do
đàn bà của đẳng cấp Brahman lấy đàn ông của đẳng cấp Sudra sinh ra. Họ không được xã hội
thừa nhận và bị đối xử phân biệt rất thậm tệ.

Chế độ đẳng cấp đã đẻ ra nhiều luật lệ hết sức khe khắt. Hôn nhân giữa các đẳng cấp bị
cấm đoán. Người khác đẳng cấp không được ngồi gần nhau và ăn cơm chung. Người đẳng cấp
dưới phải phục tùng vô điều kiện và tôn kính đẳng cấp trên, nhất là đẳng cấp Brahman.

Lịch sử Ấn Độ bị chế độ đẳng cấp làm cho trì trệ hàng ngàn năm. Về sau, Mahatma
Gandhi (1869 – 1948), nhà yêu nước vĩ đại Ấn Độ đã tích cực đấu tranh để xoá bỏ chế độ
đẳng cấp. Ông nói “Chúng ta đều biết rằng, hệ thống đẳng cấp đã lỗi thời, cần phải xoá bỏ nó
nếu đất nước Ấn Độ muốn được tồn tại và phát triển”.

Thực hiện chủ trương của M.Gandhi, từ ngày Ấn Độ được độc lập (1947), tệ phân biệt
đẳng cấp chính thức bị xoá bỏ nhưng đến nay trên thực tế, nhiều vùng nông thôn lạc hậu vẫn
còn duy trì tệ nạn này.

Đặc điểm hoàn cảnh xã hội trên đây đã tạo cho dân tộc Ấn Độ truyền thống đấu tranh bất
khuất, kiên cường nhằm giữ gìn hoà bình, hoà hợp và công bằng bác ái. Tinh thần đó đã được
phản ánh từ rất sớm trong các bản sử thi vĩ đại như Ramayana, Mahabharata và các tác phẩm
văn học nghệ thuật khác.
4 – Văn hoá, nghệ thuật và khoa học

Ấn Độ là nước có nền văn minh rất sớm, không kém Hi lạp, La Mã, Ai Cập. Những cuộc
khai quật khảo cổ học đầu thế kỉ XX ở lưu vực sông Ấn đã chứng minh nền văn minh rực rỡ
của người Dravidian có từ 3000 năm trước công nguyên.

Có thể gọi Ấn Độ cổ đại là mảnh đất màu mỡ cho tôn giáo và triết học sinh sôi phát triển.
Đặc biệt, tôn giáo và triết học gắn bó chặt chẽ với nhau ngay từ đầu và trở thành một bản sắc
văn hoá độc đáo Ấn Độ .

4 .1 . Tôn giáo

Tôn giáo đầu tiên ở Ấn Độ bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thuỷ, theo kiểu tô tem:
Sùng bái vật tổ và tự nhiên. Có bốn đạo chính là: Bà la môn (Brahmanism) đạo Giên (Jainism),
đạo Phật (Buddism) và đạo Hindu (Hinduisme) ngoài ra còn các đạo khác

như đạo Hồi (Islamism), đạo Sikh, đạo Thiên chúa .v.v…

Đạo Bà la môn ( Brahmanism)

Đạo Bà La Môn ra đời đầu tiên. Nó tuyên truyền học thuyết van vật bất di bất dịch, xã
hội có nhiều đẳng cấp là ý muốn của đấng tối cao Brahma. Nỗi đau khổ trên đời là tạm thời
không đáng quan tâm, cuộc đời là huyền ảo chỉ có đấng tối cao Brahma là có thực. Thuyết
luân hồi (Samsara) và nghiệp báo (Karma) cho rằng con người sau khi chết sẽ biến ra kiếp
khác. Hiện tại nghèo khổ là do kiếp trước phạm nhiều tội ác. Muốn kiếp sau khỏi trở thành súc
vật thì phải sống đúng đạo Darma do đấng Brahma đề ra, phải biết an phận, không được
ghen ghét đẳng cấp.

Sau này đạo Brahmanism trải qua nhiều cải cách và trở thành đạo Hindu, tức là Ấn Độ
giáo thịnh hành trong thời phong kiến và tồn tại đến ngày nay.

Đạo Giên (Jainism)

Nhận thấy đạo Bà la môn là công cụ áp bức giai cấp, nhiều người ở đẳng cấp vương
công quí tộc bất mãn, tìm cách chống đối. Họ tự ý rời bỏ đời sống giầu sang đi tìm nơi ẩn đật
ở rừng sâu núi vắng để tu luyện khổ hạnh, mong tìm đạo lý khác giúp con người thoát khỏi
mọi đau khổ trần tục. Mahavira tên thật Vacdamana sống giữa thế kỉ thứ VI trước công nguyên
ở châu thành Vaisali, nay là tỉnh Bihar, đau buồn vì bố mẹ tuyệt thực quyên sinh ông đã bỏ nhà
đi tìm đạo. Sau 13 năm tu hành, ông đã lập ra một đạo giáo tên là Jain (có nghĩa đắc đạo). Đạo
Jain phủ nhận quyền uy của kinh Veda, chống lại chế độ đẳng cấp và đạo Bà la môn. Họ chủ
trương không tế lễ, coi vạn vật đều có vật chất và linh hồn. Chỉ có linh hồn cao cả nhất, hoàn
hảo nhất mới được “giải thoát” vĩnh viễn, những linh hồn đó gọi là Arhat. Muốn thế phải sống
khổ hạnh, phải giữ luật bất tổn sinh (Ahimsa) có nghĩa tránh giết hại mọi sinh vật (kể từ con
vật nhỏ bé), không nói dối, không lấy cái gì của ai (trừ tặng vật), từ bỏ mọi lạc thú. Người tu
hành có quyền tuyệt thực để tự tử, tự tử là chứng tỏ linh hồn đã hoàn toàn chiến thắng. Sau khi
Mahavira qua đời, đạo Jain tự phân hoá thành 2 giáo phái. Phái Svetambara mặc áo cà sa trắng
và phái khoả thân Digambara (coi không khí là y phục tự nhiên).

Mahatma Gandhi đã chịu ảnh hưởng của đạo Jain. Ông tôn trọng luật Ahimsa, sống giản dị
khắc khổ. Khi bị bọn thực dân Anh cầm tù, ông thường tuyệt thực để đấu tranh. Ngày nay ở
Ấn Độ, người theo đạo Jain ngày càng giảm, chỉ còn 0,5% dân số.

Đạo Phật (Buddism)

Sau Mahavira, có Siddata Gotama, hiệu là Sakya Muni (Thích ca mầu ni), hoàng tử con vua
Suddodama và hoàng hậu Maya. Ông sinh năm 563 và mất 483 trước công nguyên. Sau bao năm
đi tìm chân lý, ông đã ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề ở vùng Bodigaya, sau đó đi truyền đạo dọc
sông Hằng suốt 40 năm đến khi chết.

Giáo lí đạo Phật cho rằng tội lỗi là do dục vọng con người sinh ra. Dục vọng thì vô hạn,
do đó tội lỗi và đau khổ của con người không bao giờ xoá sạch được. Cuộc đời là bể khổ, con
người bị chi phối bởi vòng luân hồi và thuyết nhân quả nên phải tu hành để giải thoát khỏi cái
vòng luẩn quẩn ấy. Phải tiêu diệt hết dục vọng để kiếp sau lên chốn Niết bàn (Nirvana) vì đó là
nơi cực lạc.

Đạo Phật chủ trương bình đẳng giữa chúng sinh, mở đường giải thoát cho những người bị
áp bức, đè nén, đương thời tư tưởng này phản đối chế độ đẳng cấp của đạo Bà la môn.

Đối với lịch sử, đó là điểm tiến bộ, nhưng căn bản giáo lý vẫn mang tính tiêu cực, nhẫn
nhục vô vi. Đạo Phật chủ trương không dùng bạo lực, trong đấu tranh thì thoả hiệp, hoà hoãn,
nhẫn nhục. Đạo Phật về sau lại bị vương quyền lợi dụng như một công cụ áp bức tinh thần quần
chúng.

Trong thời đại Asoka ( -273 -232), Đạo Phật được truyền bá sâu rộng qua các nước châu Á,
trước hết ở Đông Nam Á … Đến thế kỷ thứ IX, sự truyền bá chậm lại và phân hoá thành giáo
phái tiểu thừa (Hinayana) và Đại thừa (Mahayana). Đạo Phật vào mỗi nước lại được phân hoá
thành các giáo phái khác nữa .

Ấn Độ giáo ( Hinduisme, Induism)

Trước sự phát triển thắng thế của đạo Phật, đạo Bà la môn phải cải cách và biến thể thành
đạo Hindu. Đạo Hindu tiếp thu trở lại một phần giáo lý , tín điều đạo Phật. Đạo này quan niệm
vũ trụ trải qua ba giai đoạn : Sinh – Trưởng - Diệt. Nhất thể hoá ba vị thần tượng Brahma –
Visnu – Shiva, đề cao thần Visnu là thần đại đức giáng thế, là người thiện lí tưởng nhất để cứu
nhân loại khỏi vòng trầm luân truỵ lạc. Ngày nay, Ấn Độ giáo vẫn chiếm được đa số các dân tộc
Ấn .

4.2 . Triết học


Triết học ra đời và phát triển sớm. Từ thời kỳ cổ đại đã có nhiều môn phái triết học. Tư
tưởng triết học duy vật ra đời sớm nhưng giai cấp thống trị nhanh chóng tìm cách thủ tiêu và
năgn chặn nó nên ngày nay không còn thấy có tác phẩm nào để lại. Người ta chỉ tìm thấy tư
tưởng đó phản ánh trong các kinh Veda, kinh Upanisad, trong luật Manu, trong sách đạo đức
học Acthasatra v.v…

Triết học duy vật cổ đại có nhiều trường phái, trong đó ba trường phái chính còn để lại
nhiều ảnh hưởng như phái Yadushaida, phái Svabatavada và phái Protosankia.

Ba trường phái ấy có những quan niệm khác nhau về thế giới và vũ trụ nhưng đều phủ
nhận thượng đế và thần thánh sáng tạo vũ trụ. Trường phái Charvak được truyền bá khá sâu
rộng trong quần chúng bình dân.

Đối lập với các trường phái duy vật là 6 hệ thống triết học duy tâm chính thống , gọi là
Darsana. Họ đều thừa nhận uy quyền của các bộ kinh Veda. Trong đó môn phái Vedanta là
quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn đến ý thức xã hội Ấn Độ.

Tiếng Sanskrit, Vedata có nghĩa là phần kết luận của Veda. Kinh Veda dần dần được các
sư phụ (Guru) đem ra giảng giải. Các bài giảng đó được tập hợp lại thành bộ kinh Upanishad
(có nghĩa là ngồi cung kính nghe giảng).

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Upanishad ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VIII trước công
nguyên, được xem như tác phẩm triết học đầu tiên của nhân loại. Môn phái Vedanta, lấy
Upanishad làm cơ sở lý luận cho học thuyết của mình có nhiệm vụ giải thích và phát triển
nguyên lý cơ bản của Upanishad :

- Linh hồn tuyệt đối (Brahman) đồng nhất với linh hồn cá thể (atman).

- Thừa nhận thuyết luân hồi (Samsara) và nghiệp báo (Karma).

Từ thế kỷ X trở đi, môn phái có ảnh hưởng đến các nhà văn hoá Ấn Độ là Bhakti (sùng
tín) môn phái này vẫn coi thế giới là do một vị thần tối cao sáng tạo ra, nhưng có khuynh hướng
xã hội tiến bộ, đề cao tình yêu thương giữa con người một cách chân thực, phủ nhận đẳng cấp,
kêu gọi hoà hợp các tôn giáo.

Sự gắn bó giữa tôn giáo và triết học tạo cho tư tưởng và tư duy người Ấn Độ khá độc đáo.
Người Ấn rất coi trọng đời sống tâm linh, tư duy luôn luôn hướng về cái tuyệt đối, phổ quát,
coi nhẹ cái cá biệt, cụ thể, luôn luôn chiêm nghiệm, vừa hướng nội lại vừa khao khát tìm hiểu cái
mới lạ, đưa tâm hồn vào thế giới trừu tượng mênh mông vô hạn và luôn tìm cách thích nghi với
thế giới thực tại .

4.3. Khoa học


Thời Vêda, toán học đã được soạn thành sách. Cuốn sách Sunva Sutra (phép tính toán
bằng dây thừng) được phổ biến rất sớm. Các nhà toán học lớn như : AryaBhata thế kỷ thứ
V,Varahamihara thế kỷ thứ VI có nhiều công lao trong việc phát triển toán học, hình học. Hai
ông đề ra lý thuyết và giảng giải các phương trình có 2 ẩn số, phương trình vô định, căn thức
bậc hai, bậc 3, sin và Cosin, tính chu vi đường tròn theo số pi (3,1416. . .).

Chữ số Arập và số không (0) cũng là những phát minh đầu tiên của Ấn Độ.

Nhà bác học Brahma Gupta ở thế kỷ thứ VII đã tìm ra trọng lực và sức hút trái đất,
trước Newton nhiều thế kỷ.

Thời xưa người Ấn quan tâm nhiều đến thiên văn vì thiên văn liên quan đến việc tế lễ
thần thánh. Cuốn sách cổ nhất có giá trị về thiên văn là cuốn Siddhanta ra đời vào khoảng
năm 425 trước công nguyên. Sách này giải thích nguồn gốc và sự vận hành của mặt trời, mặt
trăng và các vì sao. Trước CN, người Ấn Độ biết dùng lịch quy định 1 tháng có 30 ngày, mỗi
năm 12 tháng, cứ 5 năm có 1 tháng nhuận và biết giải thích chính xác hai hiện tượng nguyệt
thực và nhật thực.

Y dược học cũng được nghiên cứu và phát triển từ trước công nguyên. Nhiều cây thuốc
và sách sử dụng đã được ghi trong kinh Veda. Nhà sáng lập ra nền y học Ấn Độ là Susruta ở
thế kỷ II trước CN, ghi lại trên 1120 chứng bệnh và cách điều trị, đề ra phương pháp dưỡng sinh
Yoga và các phương pháp phòng bệnh. Kĩ thuật mổ xẻ cũng sớm đạt nhiều thành tựu. Đến thế
kỉ thứ II đã xuất hiện cuốn Samhita là bộ bách khoa toàn thư về y dược do nhà y học Charaka
biên soạn – đó là cuốn sách quí của nền y học Ấn Độ và thế giới.

Kế thừa những thành tựu khoa học kĩ thuật ở thời cổ đại, ngày nay Ấn Độ đang ra sức
đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Tháng 3 năm 1958 chính phủ Ấn Độ đề ra chính sách về khoa
học kĩ thuật, coi trọng nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng vào sản xuất, xem đó là bản
“hiến chương về khoa học”.

Ngày nay, Ấn Độ đứng thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ) về đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật.
Năm 1960, nhà máy nguyên tử đầu tiên được xây dựng ở Tarapua gần thành phố Bombay.
Năm 1974, Ấn Độ thử quả bom nguyên tử đầu tiên. Năm 1975 Ấn Độ cho phóng lên vũ trụ vệ
tinh nhân tạo mang tên nhà bác học cổ đại Aryabhata. Năm 1981, các nhà hải dương học phát
hiện ra “tấm thảm kim loại ” ở thềm lục địa Ấn Độ và hiện nay đang tiếp tục thăm dò và khai
thác.

Nền văn minh Ấn Độ ra đời sớm nhưng về sau suy tàn dần không được phát triển liên tục
nên ảnh hưởng của nó không trực tiếp mạnh mẽ như các nền văn hoá cổ đại khác.

Nghiên cứu và giảng dạy văn học Ấn Độ không thể bỏ qua việc nghiên cứu những đặc
điểm đất nước và con người Ấn Độ.

4.4. Nghệ thuật


Nghệ thuật Ấn Độ phát triển theo nhịp vận động của tôn giáo. Giữa thế kỷ thứ III trước
CN, nhiều cung điện đền thờ nguy nga xây bằng đá khối bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ. Nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc ảnh hưởng sâu sắc đến các nước vùng Đông Nam Á, Tây Á nhất là
các nước lấy đạo Phật làm quốc giáo, đó là kiểu kiến trúc Stupa (hoa sen).

Đến giữa thế kỷ thứ XVI và XVII, Đạo Hồi du nhập vào Ấn Độ khiến cho nghệ thuật kiến
trúc Ấn được bổ sung thêm. Một kiểu kiến trúc hoà hợp nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật
truyền thống Ấn ra đời .

Hội hoạ Ấn Độ có mầu sắc rất phong phú. Nhiều bích hoạ tuyệt đẹp ở các hang động
khiến cho khách du lịch phải kinh ngạc về tài nghệ người Ấn Độ cổ xưa.

Từ xa xưa ca, múa, nhạc Ấn Độ thường thường được biểu diễn phối hợp chặt chẽ. Có trên
hai trăm loại nhạc cụ, độc đáo nhất là trống. Nghệ thuật múa phát triển sớm, hình thức phong
phú, gợi cảm, riêng điệu múa Apsara đã có trên 50 tiết điệu biểu diễn khác nhau và được phổ
biến rộng rãi ở Đông Nam Á .

Ngày nay, ở Ấn Độ có nhiều viện nghiên cứu và trường đào tạo ca múa nhạc. Việc giới
thiệu nghệ thuật Ấn ra nước ngoài cũng được nhà nước chú trọng và khuyến khích.

Nói chung, nghệ thuật Ấn Độ đượm mầu sắc tôn giáo, luôn luôn đi tìm cái đẹp trong sự ôn
hoà, tĩnh mịch và tôn nghiêm.

5. Phân kỳ văn học Ấn Độ

Phân kỳ lịch sử văn học Ấn Độ là một việc khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, nói chung ý thức về
thời gian lịch sử của người Ấn không phát triển mạnh mẽ. Về thời điểm ra đời của một tác phẩm,
người ta có thể tranh cãi nhau với sự sai lệch hàng mấy trăm năm.

Tránh cái khó này, một số công trình về văn học Ấn thường giới thiệu lần lượt các nền văn
học trong các ngôn ngữ khác nhau hoặc giới thiệu lần lượt các thể loại trong nền văn học này.
Cách làm như vậy có nhược điểm là không cho thấy những vận động chung có tính chất toàn lục
địa trong những giai đoạn lịch sử lớn nhất định và do đó khó trình bày những đặc điểm bản chất
cùng quy luật phát triển của nền văn học Ấn.

Nền văn học đa ngữ của Ấn Độ cần phải được giới thiệu theo tiến trình lịch sử qua các thời
đại quan trọng cho dù sự xác định ranh giới thời gian có thể còn nhiều tranh cãi, miễn là làm nổi
bật sự phân biệt của mỗi thời đại về bản chất tinh thần, nội dung và hình thức văn chương. Tên
gọi của mỗi thời đại vì thế có thể không lệ thuộc vào phân kỳ lịch sử mà xuất phát từ tên của
thành tựu vĩ đại nhất hoặc vận động quan trọng nhất của mỗi thời kỳ văn học.
1. Văn học cổ đại (khoảng từ năm 1500 tr CN đến thế kỷ X sau CN)

1.1. Thời đại Veda từ 1500 đến 600 tr CN

“Veda” – tên của tác phẩm văn chương đồng thời là tác phẩm tôn giáo đầu tiên thường
được dùng để gọi tên thời bình minh của văn học Ấn.

Thời kỳ này, văn minh Ấn Độ nảy nở giữa rừng xanh. Các rishi (thi nhân, thấu thị) đã đi từ
thế giới cảm quan sinh động tới những lĩnh vực trừu tượng siêu hình và cuối cùng đạt đến kết
luận về sự đồng nhất và hợp nhất giữa linh hồn con người và linh hồn vũ trụ. Thần thoại đã xuất
hiện trước tiên (trong các kinh Veda, chủ yếu là Rig Veda) rồi sau đó là văn chương – triết học
(trong các kinh Upanishad). Ngôn ngữ Sanskrit từ giai đoạn đầu tiên còn hết sức cổ sơ (mà nhiều
học giả gọi là giai đoạn ngôn ngữ Veda) đã ngày càng được rèn giũa và tăng cường hiệu quả
trong luận giải và thuyết giảng.

1.2. Thời sử thi và Phật giáo từ 600 tr CN đến thế kỷ IV

Nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên chứng kiến sự hình thành lần lượt các sử
thi lớn nhất của Ấn Độ. Các sử thi đã phản ánh hiện thực lịch sử của thời kỳ hình thành, phát
triển của những vương quốc lớn ở Ấn Độ và xung đột, chiến tranh giữa chúng. Hai sử thi sanskrit
: Mahabharata và Ramayana có dung lượng lớn hơn, tầm phổ biến và ảnh hưởng rộng rãi hơn.
Chúng cũng thuộc về các tác phẩm kinh điển của đạo Bà la môn nhưng có tính văn chương, tính
trần thế đậm đà hơn Veda, Upanishad nhiều.

Xảy ra gần đồng thời với thời đại anh hùng là sự xuất hiện những phong trào tôn giáo – triết
học chống Bàlamôn. Các guru (đạo sư giác ngộ) đã dũng cảm phủ nhận hệ thống đẳng cấp, nghi
lễ, các giáo điều chật hẹp trong tôn giáo Bàlamôn và thuyết giảng những nguyên tắc đạo đức của
tình yêu nhân loại, lòng trắc ẩn và đức vị tha. Văn học Phật giáo gắn liền với tôn giáo của vị đạo
sư vĩ đại nhất: Đức Phật. Các kinh Phật (thời gian đầu viết bằng tiếng Pali, về sau bằng tiếng
Sanskrit) là một di sản tinh thần quý báu trong văn học thế giới – không chỉ do vẻ đẹp đạo đức
mà cả vẻ đẹp văn chương.

1.3. Thời cổ điển từ đầu công nguyên đến khoảng thế kỷ X, trong đó nổi bật là các
thế

kỷ IV, V, VI

Đây là thời kỳ có những triều đại phong kiến phát triển thịnh vượng về mọi mặt. Cũng là
thời phục hưng của tinh thần truyền thống: đạo Bàlamôn phát triển đến giai đoạn cổ điển thành
đạo Hindu. Văn học cung đình bằng tiếng Sanskrit nảy nở cực độ, để lại nhiều thành tựu có vẻ
đẹp mẫu mực, kinh điển trong mọi thể loại. Trong đó nổi bật lên Kalidasa, nhà thơ và kịch tác gia
vĩ đại, “kỳ công thứ nhất” của văn học Ấn Độ.

1. 2. Văn học trung đại (từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XVIII)
Hồi giáo xâm nhập và sự hỗn dung Hindu giáo – Hồi giáo đã khiến cho văn học trung đại
phát triển mạnh thơ ca sùng tín. Các bhakta (thi nhân – sùng tín) dâng tình yêu lên Đấng Tối Cao
với niềm tin đạt đến hợp nhất với Đấng Tối Cao trong tình yêu và bằng tình yêu (bhakta) chứ
không phải tri thức (jnana) hay hành động (karma). Tinh thần tự do, cởi mở nên hình thức cũng
phóng khoáng. Thơ ca sùng tín nở rộ phong phú trong khắp các phương ngữ, cả ngữ hệ Arian lẫn
ngữ hệ Dravidian, chấm dứt thời kỳ độc tôn của Sanskrit.

1. 3. Văn học cận hiện đại (từ thế kỷ XVIII đến nay)

Bị phương Tây nhòm ngó và cuối cùng bị đặt dưới sự đô hộ của thực dân Anh, Ấn Độ phải
đấu tranh dài lâu để cuối cùng giành lại độc lập. Đây là thời kỳ Ấn Độ phát triển chủ nghĩa dân
tộc, đồng thời mở rộng ra quốc tế. Văn học Ấn Độ đã thực hiện sự tổng hợp Đông – Tây để phát
triển đến một trình độ mới. Đại diện xuất sắc nhất, Rabindranath Tagore, “kỳ công thứ hai” của
văn học Ấn, đạt giải Nobel văn chương vào năm 1913 đã đưa Ấn Độ tới một địa vị rõ ràng hơn
trong bối cảnh chung của văn học thế giới thế kỷ XX .

CHƯƠNG II. THẦN THOẠI ẤN ĐỘ

Thần thoại Ấn Độ là sáng tác dân gian truyền miệng của nhiều chủng tộc, nhiều địa
phương kế thừa lẫn nhau trong quá trình phát triển đất nước. Đó là một thế giới thần thoại kì
ảo, được giữ trong các tập sách Veda, Brahmana, Upanisand, Purana, Phật thoại Budda…

Thần thoại Ấn Độ phát triển qua nhiều thời kỳ .

Trước khi người Arian xâm nhập Ấn Độ thì các chủng tộc ở đây tôn thờ và ca ngợi thần
núi, thần sông, thần cây cối, thần súc vật, thần rắn (Naga), thần bò mộng (Nandi), thần cổ
thụ (Yatsa) .v.v. và ma quỷ yêu tinh khác theo kiểu tô tem.

Đặc biệt họ tín ngưỡng thần Mẹ và thờ cúng âm lực, coi âm vật – bộ phận sinh dục nữ
(Yoni) là nguồn gốc của mọi sáng tạo. Bên cạnh Yoni, còn thờ dương vật (Linga), giống như
người Ai Cập cổ thờ dương tính Osiris, người Hi Lạp cổ thờ Phallus. Thần Yoni và Linga được
tạc bằng đá hoặc nặn bằng đất sét với hình trụ có chóp tròn (hoặc tháp nón) đặt trên bệ hình
tam giác hoặc hình tròn. Ngày nay trên đường phố, vườn hoa người ta còn thấy các bức tượng đó.
Người Ấn Độ xưa còn đeo hình Linga ở cổ để trang điểm, khi làm lễ cầu tự, họ trang hoàng
lộng lẫy cho các bức tượng trên , đó là ý niệm về sự sinh tồn. Họ cho rằng sự sinh sôi nảy nở
trong trời đất đều do đực và cái kết hợp với nhau. Đó cũng là quan niệm duy vật thô sơ nhưng
dần dần bị thần bí hoá.

Đến thời kỳ Veda (khoảng 1500 năm trước CN) khi người Arian vào đất Ấn và hoà hợp
với các chủng tộc khác thì thần thoại phát triển phong phú đa dạng và có hệ thống hơn.
Tăng lữ Bà la môn bắt đầu chú ý ghi chép lại những chuyện thần thoại rải rác trong các
bộ tộc trong các địa phương rồi sắp xếp có hệ thống trong bộ kinh Rig Veda.

Đó là những câu ca, bài hát ca ngợi các lực lượng thiên nhiên mà họ tôn thờ và sùng bái.

Lời hát và cảm xúc của người Arian trong sáng, hồn nhiên, chân thực và lành mạnh, trí
tưởng tượng của họ bay bổng diệu kỳ. Các thần linh chẳng khác gì con người, họ rất gần gũi và
dễ dàng đáp ứng lời cầu nguyện của con người. Các thần cũng thích đi lang thang, du mục,
cũng chăn bò vắt sữa, yêu nhau và sinh con đẻ cái.

Thần thoại Ấn Độ là những bức tranh chân thực tuyệt đẹp miêu tả thiên nhiên nơi
người Arian đi qua và sinh sống.

Thần thoại Rig Veda phản ánh thời thơ ấu Ấn Độ, như Karl Marx nói về Thần Thoại
Homer rằng “Nó phản ánh cái đẹp, phản ánh thời kỳ ấu trĩ một đi không trở lại của loài người”.

Bước sang thời kỳ hậu Veda, chế độ đẳng cấp ngày càng được cũng cố và phát triển, là
quá trình hình thành tôn giáo Bà la môn và triết học duy tâm thần bí. Do vậy, thần thoại Ấn Độ
từ đây trở nên phức tạp, tối tăm, trừu tượng, huyền bí và ngày càng xa rời cuộc sống con người.

Lúc đầu, bất cứ vị thần nào trong Rig Veda cũng có quyền lực như nhau, đều sáng tạo ra
của cải vật chất, phục vụ đời sống con người và được con người ca ngợi, tôn thờ như nhau.

Về sau, người ta qui tất cả quyền lực của các thần vào một đấng sáng tạo tối cao. Đó là
quá trình từ đa thần giáo (polytheism) chuyển sang nhất thần giáo (monotheism) trong lịch sử
tôn giáo nói chung.

HỆ THỐNG THẦN THOẠI RIG VEDA

Veda do từ gốc là Vid trong tiếng sanskrit có nghĩa là “hiểu biết” , hiểu biết xâu xa về mọi
mặt. Người Ấn Độ cổ xưa quan niệm rằng khi con người ra đời thì thần thánh ban cho sự hiểu
biết rồi. Sự hiểu biết đó cứ thế mà phát triển liên tục. Người Ấn Độ rất coi trọng sự hiểu biết,
họ có câu châm ngôn sau “Hiểu biết thật sự là hiểu biết có thể đưa ta tới tự do “

Những hiểu biết có được đều đã sưu tập trong bộ thần ca Veda. có thể Veda ra đời
khoảng từ 1500 đến 1000 năm trước công nguyên.

Thần ca Veda có 4 tập, trong đó tập Rig Veda mang tính chất văn học đậm đà nhất,
chứa đựng nhiều truyện thần thoại và ra đời sớm nhất.

Rig có nghĩa là “tụng niệm”. Ba tập sau có các tên là : Sama Veda (ca vịnh), Giagina
Veda (tế tự) và Alhava Veda (phù chú, ma thuật )
Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu một số thần thoại trong RIG VEDA

1. Nhóm thần vũ trụ-thiên nhiên

Đầu tiên là thần Trời và Đất sáng tạo muôn loài.

Trời Cha – Dyaus (người Hi lạp có Zeus hoặc Jupiter).

Đất mẹ – Addidi.

Dyaus và Addidi lấy nhau sinh ra Aditya – đây là tất cả các loại thần linh.

Các Aditya điều hành mọi sinh hoạt trong trời đất và vũ trụ, họ ở khắp 3 cõi – trời, không
trung và đất. Trời do thần Mặt Trời là Surya cai quản, không trung do thần Gió Vayu và Đất-hạ
giới do thần lửa Agni cai quản.

Thần Lửa Agni được coi là vị thần quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người
cho nên Agni được ca ngợi rất nhiều. Trong Rig Veda có hơn hai trăm bài ca tụng thần Lửa
Agni.

Agni có thân hình màu đỏ và màu vàng, có hai đầu bảy lưỡi, tay cầm một chiếc rìu, một
ngọn đuốc, một cây quạt và một chuổi hạt. Agni ngồi trên cổ xe do bảy con ngựa hồng kéo.
Khói là cờ, gió là bánh xe. Agni có mặt khắp ba cõi, ở mỗi nơi Agni có hình dạng và nhiệm vụ
khác nhau. Lửa ở hạ giới có sứ mệnh làm trung gian giữa con người và thần linh. Lửa thiêu đốt
lễ vật dâng lên trời. Lửa ở trên trời giúp cho thần Surya toả ra sức nóng chiếu khắp vạn vật. Lửa
ở không trung giúp thần Indra làm ra sấm sét. Agni được coi là đấng-thâm-nhập-khắp-nơi, biết
được mọi việc, soi sáng khắp nơi, đốt cháy được tất cả mọi vật, dù sạch sẽ hay vật dơ bẩn. Agni
khi hung dữ, lúc dịu dàng, sẵn sàng cung cấp đồ ăn thức uống cho loài người. Agni được coi là
người bạn tốt nhất ” chúa của cải ” ” người chế tạo và ban phát thức ăn”. Về sau tôn giáo Bà la
môn biến Agni thành thầy cúng-cây cầu nối Trời và Đất, thần và người trong các buổi hiến tế.

Agni còn tham dự đám cưới, ma chay, lễ tết, hội hè. Thần chứng kiến lễ cưới : hai vợ
chồng trẻ phải đi bảy vòng quanh đống lửa đốt bằng phân bò khô và đọc 7 lời thề chung thuỷ

Thần Agni thiêu huỷ thể xác con người để hoàn trả lại cho thế giới vật chất cái “ảo ảnh
tạm thời “, giúp con người trở về chốn vĩnh hằng của thần thánh, chết là giải thoát. Thần Lửa là
vị tu sĩ cao nhất ban phúc lành cho người. Thần tiêu diệt mọi thứ uế tạp và theo dõi đạo đức con
người. Hàng năm hai kỳ tết Xuân và Thu (Holy và Divapati), dân chúng đốt những đống lửa lớn
gọi là lửa Holy, thắp nhiều nến để xua đuổi yêu quái và tội lỗi .

Thần gió Vayu cai quản không trung. Thần là hơi thở của lửa, sinh khí của vũ trụ, mạch
sống của muôn loài. Thần có sứ mệnh làm trong sạch bầu trời và cùng với lửa chuyển lễ vật
đến thần linh. Vayu và thần Mưa-Sét Indra có khi hoà làm một cai quản không trung. Đó là vị
thần màu trắng toát, hùng dũng mang cung tên cưỡi xe bằng vàng có ngựa kéo bay khắp
không trung. Ngoài tính chất hùng mạnh, nhanh nhẹn, sinh động, Vayu còn là vị thần đa tình,
chuyên rủ rê ăn nằm với các vũ nữ thiên thần .Vayu đã ăn nằm với vũ nữ Angiana, đẻ ra
giống khỉ Hanuman-nhân vật có tài thần thông biến hoá, có thuật phi hành, được miêu tả trong
các sử thi Ramayana và Mahabharata .

Thần Surya (mặt trời) cai quản thiên giới. Surya do chữ Sur hay Svar (tiếng Sanskrit ) có
nghĩa sáng chói (tiếng Anh : sun). Thần gây ra ban ngày, là con mắt của vũ trụ, tồn tại mãi mãi.
Surya có thân hình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, cưỡi xe 7 ngựa hồng kéo rất dữ tợn.
Thần đội vương miện, đeo nhiều vòng toả ánh hào quang chói lọi. Thần đẻ ra Manu – con
người đầu tiên của trần thế. Manu lại đẻ ra Iksuacu – người sáng lập triều đại Mặt Trời, chàng ta
lại sinh ra một trăm con trai.

Trong hệ thống thần vũ trụ – thiên nhiên, còn có các thần linh khác như thần Varuna (bầu
trời), thần Soma (rượu), thần Chandra (mặt trăng), thần Rudra (bão táp), nữ thần Usa (rạng đông )
..

2. Nhóm thần sáng tạo thế giới và thuỷ tổ loài người

Thần thoại Ấn Độ miêu tả một số mẫu người sáng thế như Toastri (thần Rèn), Burusa
( người khổng lồ ), thần Manu (thần Nguyên thuỷ , thủy tổ loài người ) …

Hãy kể về thần Manu.

Manu có nghĩa là « người » (Latin :Humanus, Anh: Human).

Manu là con của đấng tối cao Brahma. Thần Brahma tự tách mình ra hai nửa đực, cái
hoặc âm và dương. Hai nửa kết hợp nhau sinh ra Manu .

Manu làm ra bộ luật Manu, theo luật đó mà cai quản thế giới cổ sơ.

Buổi sáng kia, Manu rửa tay trong dòng nước, bỗng thấy có con cá bơi tới, Manu bắt lấy –
cá nói “Hãy nuôi ta rồi có ngày ta sẽ cứu sống người. Sắp đến ngày xảy ra nạn hồng thuỷ, lúc
đó ta sẽ cứu người thoát chết “.

Manu bỏ cá nuôi trong chậu. Cá lớn nhanh. Manu chuyển cá sang thùng, rồi sang hồ, từ
hồ chuyển sang sông Hằng, từ đó ra biển, ca cứ lớn mãi. Theo lời cá, Manu đóng sẵn một con
thuyền. Khi cơn lũ lụt xãy ra, Manu gọi cá và ngồi vào thuyền. Manu buộc thuyền vào mõm cá.
Cá đưa thuyền vượt qua dãy núi HimAllahya đến ngọn núi cao nhất. Theo lời cá dặn, Manu
buộc thuyền vào gốc cây, ngồi chờ nước rút. Sau khi nước rút, mặt đất trơ trọi, không một sinh
vật nào sống sót. Manu thèm khát có đồng loại bèn cầu nguyện Brahma, một cô gái xuất hiện.
Hai người ăn ở chung chạ, cùng lao động sinh sống và sinh hạ một đứa con trai.

3. Nhóm thần tinh thần – tình cảm – thần tình yêu Kama
Giống như Eros của Hi lạp, Cupidon của La mã, Kama là thần tình yêu. Cuộc đời
chàng là một trong những truyện thần thoại Ấn Độ hay nhất. Lúc đầu, Kama chỉ là một ý
niệm về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài. Người Ấn Độ cổ tin rằng sự sinh sôi nảy nở trong trời
đất là do sự phối hợp giữa giống đực ( purusa ) và giống cái (prakriti). Hai giống ấy có ở khắp
nơi và luôn luôn tìm gặp nhau theo ” ý muốn tự nhiên ” – tức là Kama.

Đến người Arian, họ quan niệm Kama là sự vận động đầu tiên của vũ trụ, sau đó chuyển
vào cuộc sống,làm phấn chấn và lôi cuốn muôn loài, muôn vật. Bộ kinh Rig Veda (vệ đà) có
đoạn “Kama là mầm mống của lòng người, của trí tuệ, là sợi dây ràng buộc cái bản thể với cái
không bản thể “. Họ coi Kama là vị thần có tất cả trước mọi loài. Người đời luôn luôn ước mong
Kama đến với mình. Trong buổi tế lễ, người cầu nguyện: ” Hỡi Kama vị thần có mũi tên bắn
trúng đích. Cánh tên là nỗi sầu muộn, lòng tên là mong mỏi, mũi tên là dục tình, mong thần hãy
xuyên qua trái tim con “.

Kama được miêu tả như một chàng trai tuấn tú ngồi trên chiếc xe do chim vẹt kéo, cầm
chiếc cung, cánh cung làm bằng cây mía uốn cong, dây cung làm bằng đàn ong mật kết cánh với
nhau, mũi tên làm bằng hoa xoài mềm mại. Chàng có vợ là nàng Rati (có nghĩa là: say đắm) và
bạn chàng là chúa xuân Vasanta, đi theo chàng còn có các chàng trai mục đồng Gandarva và các
vũ nữ Apsara.

Thần Tình yêu được miêu tả như một biểu hiện độc đáo của nghệ thuật dân gian Ấn Độ.
Thiên nhiên gắn liền với tình cảm con người. Kama trở thành nguồn trữ tình lai láng, đắm đuối
của con người và là lực lượng đáng kể chống lại lối tu hành khổ hạnh. Các vị thần linh, giáo
sĩ đạo Bà la môn và Hindu, kể cả chúa tể Brahma đã nhiều phen điêu đứng vì mũi tên của Kama.

Truyện kể rằng :” Taraka là con quỷ có uy lực ghê gớm khiến cả đấng tối cao Brahma
cũng phải kính nể . Nó bắt thần Brahma truyền cho nó phép trường sinh bất tử. Từ khi có phép
đó nó trở nên kiêu ngạo, khinh rẻ các thần linh. Các thần muốn tiêu diệt Taraka nhưng biết chắc
rằng không có ai ngoài con trai của thần Siva sinh ra mới đủ sức tiêu diệt nó. Nhưng khốn nỗi
Siva theo chủ nghĩa khổ hạnh, không chịu lấy vợ. Các thần bàn cách làm sao cho Siva cưới Uma
– con gái thần núi Himallahya. Kama nhận nhiệm vụ cực kỳ khó khăn này. Chàng mang “vũ
khí”, dẫn đoàn tuỳ tòng và nàng Uma lên đỉnh núi Kailasa, nơi thần Siva đang ngồi tu luyện.

Uma được trang điểm lộng lẫy, nàng tìm mọi cách khêu gợi dục tình của Siva, nhưng Siva
không mảy may xao động, đôi mắt vẫn lim dim hướng về thượng đế. Chờ đến khi nàng Uma
có sức quyến rũ và xinh đẹp tuyệt trần, Kama gương cung bắn thẳng mũi tên vào trái tim Siva.
Thần Siva bàng hoàng, nhức nhối trái tim, vùng đứng dậy, quắc mắt tìm kiếm xem kẻ nào dám
cả gan quấy rối.

Trông thấy Kama, thần mở to con mắt thứ ba trên trán, phun lửa hừng hực đốt cháy Kama
thành tro. Nhưng trái tim Siva vẫn nhức nhối, ngọn lửa tình trong người cứ bừng cháy. Siva ẩn
nấp vào bóng cây râm mát hòng dập tắt lửa tình. Vô hiệu, vì xung quanh có nhiều sơn nữ xinh
đẹp đang nhìn Siva khiến cho ngọn lửa càng nóng hơn . Thần chạy trốn xuống hồ nước, nước
hồ lại càng sôi lên khi nàng Uma đứng trên bờ hồ chờ đón. Cuối cùng Siva nhảy lên bờ. Nàng
Uma chạy tới ôm chặt lấy thần. Lúc ấy Siva mới cảm thấy lòng mình êm dịu. Thế là Siva lấy vợ
và sinh con trai.

Sau khi thần Kama chết thế giới trở nên khô cằn, lạnh lẽo vì Thần tình yêu không còn
nữa. Thần linh và loài người đều vô cùng lo sợ. Mọi người lập đàn tế lễ cầu xin Siva cải tử
hoàn sinh cho Kama. Nàng Rati goá bụa, đau khổ tìm nàng Uma năn nỉ cầu xin Siva cho chồng
sống lại. Siva đồng ý cho Kama sống lại nhưng phải chịu vô hình vô ảnh. Và Kama tồn tại
mãi với muôn loài cho đến ngày nay.

Tết Holy vào dịp mùa xuân được coi là ngày giỗ thần tình yêu Kama. Tục truyền sau khi
Kama chết. Người đời lấy tro xác Kama hoà vào nước, nước hoá ra màu đỏ tía. Từ đó người
Ấn Độ xem màu đỏ tía là màu hạnh phúc. Vào dịp tết Holy, nam nữ thanh niên dùng một thứ
bột màu hoặc nước đỏ tía để xoa lên mặt hoặc vẩy lên quần áo, chúc nhau hạnh phúc. Cô gái
nào đã có chồng thì chấm một chấm đỏ giữa trán, ghi nhận mình đã có hạnh phúc (nhưng ngày
nay thì bất kỳ cô gái nào cũng có thể chấm đỏ nếu thích). Thanh niên tổ chức nhảy múa, hát ca
ngợi Kama và ca ngợi những mối tình chung thuỷ của chàng hoàng tử Rama và công chúa Sita,
mối tình của chàng Krisna và Rada.

Trong đoàn tuỳ tòng của Kama, còn có các chàng trai thiên thần mục đồng Gandarva.
Đó chính là hình ảnh thực của những thanh niên thổ dân ở miền Bắc Ấn Độ nơi có phong cảnh
hữu tình, có nhiều rượu ngọt, thích ca hát nhảy múa – họ sống tự do, chuyên đi tìm bạn gái và
kết hôn tự do không theo phép tắc của gia đình và xã hội. Lối kết hôn đặc biệt đó gọi là tục
Gandarva , về sau nhà nước nô lệ và phong kiến chỉ dành riêng tục kết hôn Gandarva cho vua
chúa.

Các vũ nữ Apsara: apsara có nghĩa là “lượn trong nước”. Hình tượng này giống như nữ
thần Nymph trong thần thoại HiLạp, Lamã. Hoặc giống các tiên nữ trong thần thoại Trung
Quốc và Việt Nam. Apsara thường sống trong nước, thích bơi lội múa hát, có hình dáng rất
đẹp. Các cô thường bị các chàng trai Gandarva trêu ghẹo, thu trộm quần áo khi các cô đang tắm
dưới sông hồ. Apsara được coi là thần múa và thần khêu gợi dục tình.

Hình ảnh và điệu múa Hoan Lạc của apsara phổ biến rộng khắp vùng Đông Nam Á. Ở
Trung Quốc có điệu múa ” Nghê thường vũ y khúc” bắt nguồn từ điệu múa Apsara. Có người
cho rằng các động tác múa chèo Việt Nam cũng có thể bắt nguồn từ Apsara.

Trong hệ thống thần tinh thần, tình cảm, còn có Yama (thần Chết) cũng là một vị thần quan
trọng, nhiều quyền lực.

4 – Hệ thống bộ ba thần tối cao Brahma – Visnu – Siva (gọi chung là : Trimuty)

4.1 Thần thoại Brahma


Brahma là đấng tối cao của thần thoại Bà La Môn. Có nhiều nguồn gốc khác nhau đẻ ra
thần Brahma. Brahma là thuỷ tổ của văn học – nghệ thuật, kiến trúc hội hoạ ca múa nhạc và
ban phát tri thức cho nhân loại.

Brahma được miêu tả có 4 cánh tay, tay thứ nhất cầm pho sách Veda, tay thứ hai cầm
trượng, tay thứ ba cầm cung, tay thứ tư cầm bình nước. Đó là người có bốn đầu, cưỡi con thiên
nga.

4.2. Thần thoại Visnu

“Visnu” do từ gốc là “wish” có nghĩa là tràn lan, thâm nhập. Visnu là thần bảo vệ. Ngài
có tới 24 hình ảnh và hàng chục kiếp hoá thân khác nhau. Hai hình ảnh thông thường nhất là
Visnu nằm nghỉ trên mình con rắn thần Sesa bồng bềnh trên mặt biển Ananta vô biên, hoặc
Visnu đứng thẳng, 4 tay nắm gữi 4 vật: vỏ ốc, dĩa tròn, bông sen và cây chuỳ. Thần tích
Visnu rất nhiều, đó là những kiếp hoá thân của ngài. Thường kể về 10 kiếp hoá thân : 5 kiếp vật
cá, rùa, lợn, sư tử và ngựa, và 5 kiếp người: người lùn, dũng sĩ Parasurama, hoàng tử Rama,
anh hùng Krisna và đức Phật Budda.

4.3. Thần thoại Siva

Siva có nghĩa là tốt lành. Nhưng tính cách thần lại giống như thần Rudra (Bão táp)
Indra (Sấm sét), Marut (Giông tố). Thần Siva vừa ác vừa thiện, có khi gây nỗi lo sợ cho con
người, lúc khác đem lại niềm vui. Thần có nhiệm vụ phá huỷ và tiêu diệt vạn vật, sinh linh
nhưng sau đó lại hồi phục sự sống và sức khoẻ cho muôn loài.

Hình tượng Siva được miêu tả: da trắng, tượng trương cho bản chất tinh khiết, ba con mắt
chỉ mặt trời, mặt trăng và ngọn lửa thế gian, có thể nhìn thấu quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mái tóc rối tượng trưng thần gió, sông Hằng chảy từ mái tóc xuống. Ngài có 4 cánh tay
tượng trưng 4 phương trời, thể hiện chức năng thống trị. Một tay cầm cây chĩa ba thể hiện ba
chức năng: sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ. Một tay cầm rìu biểu hiện sức mạnh tuyệt đối, một tay
ra hiệu xua đuổi sự sợ hãi và một tay ban phước lành. Thuộc tính triết học của Siva là phá huỷ
nên thần được đồng nhất với thần thời gian và thần chết.

Một hình tượng khác của Siva cũng khá quen thuộc. Siva đứng một chân theo điệu múa
Tandarva (vũ trụ đại hoà điệu). Chân phải đạp trên một người lùn, chân trái nâng cao và chéo
sang phải. Siva có 4 cánh tay, tay phải cầm trống, tay trái cầm ngon lửa, tay phải dưới xoè ra và
chĩa lên trời biểu thị một ấn quyết, tay trái dưới đưa chéo qua phải và bàn tay chĩa xuống đất.
Người ta hiểu hình tượng Siva như sau: Tiếng trống gióng lên, gọi con người trở về với tâm
linh, ngon lửa là tri thức diệt trừ u tối, dấu ấn quyết là quyền lực tuyệt đối, chân đè lên người lùn
chứng tỏ sức mạnh Siva chế ngự được tội lỗi. Một con rắn quấn quanh mình Siva tượng trưng
cho tri thức nội tại. Mái tóc tượng trưng sức mạnh và các thứ trang sức trên tóc là biểu thị các
đức tính cao quí.

Thần thoại về Siva còn nhiều, chứng tỏ địa vị có ưu thế hơn hẳn trong bộ ba Trimurti.
Ba vị thần tối cao được hiểu là ba thuộc tính của một quá trình. Sáng tạo - bảo vệ – huỷ
diệt diễn ra như một chu kỳ liên tục. Người ta đã nhất thể hoá 3 vị thần thành một bức tượng
một đầu 3 mặt. Hình tượng đó là kết quả của sự hoà hợp các giáo phái và trở thành truyền thống
đấu tranh cho sự hoà bình hoà hợp giữa các dân tộc.
GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ CỦA THẦN THOẠI ẤN ĐỘ

Tác giả của thần thoại Ấn Độ là các nghệ sỹ dân gian ở các thời đại.

Tập sách Rig Veda vừa là bộ kinh Bà La môn, vừa là tác phẩm thần thoại đặc sắc nhất.

Trước hết nó chứa đựng nhiều yếu tố hiện thực như những bức tranh sinh hoạt sinh động
và chân thực của người Ấn Độ cổ xưa. Thần thoại phản ánh việc chăn nuôi, săn bắn trồng
trọt, khai phá đất đai, chinh phục núi non sông hồ.

Thần thoại Ấn Độ sử dụng thành thạo các thủ pháp tượng trưng và phóng đại.

Thiên nhiên được đưa vào làm tăng vẻ đẹp và chất trữ tình cho thần thoại. Núi HimAllahya
hùng vĩ, sông Hằng trong xanh, những thảo nguyên mênh mông, những đàn súc vật tung tăng
với ánh mặt trời, cây cỏ hoa lá đua nhau nở dưới nắng xuân, ánh trăng soi trên hồ nước lung
linh có những con thiên nga vỗ cánh, trên bờ suối con nai vàng ngơ ngác …

Đặc biệt nghệ thuật nhân cách hoá thể hiện khiếu thẩm mỹ và trí tưởng tượng thật đáng
khâm phục của người Ấn Độ cổ xưa.

Đề tài của thần thoại Ấn Độ rất phong phú , bao gồm đủ mọi chuyện đời.

Về hình thức, thần thoại Ấn Độ rất đa dạng. Có thể thấy mần mống sử thi như các truyện
kể về thần Indra, hay hình thức kịch như cuộc đối đáp giữa hai anh em Yama và Yani, ngoài ra
lại có nhiều đoạn văn xuôi và thơ trữ tình.

Bên cạnh những giá trị lớn lao đó, thần thoại Ấn Độ cũng có những hạn chế đáng lưu ý. Đó
là tư tưởng tôn giáo và triết lý thần bí chi phối quá mạnh đến thần thoại. Giáo sư Cao Huy
Đỉnh trong cuốn “Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ “ đã nhận xét “ . .. mỹ cảm của người Ấn Độ bị
hương khói của tôn giáo che mờ, bị tư biện triết học làm băng giá, bị phù chú và kinh kệ vùi dập.
Chủ nghĩa duy tâm đã dẫn đến nguyên lí mỹ học phản hiện thực : lí tính siêu thực chỉ đạo cảm
tính, cá nhân phải đồng hoá với vũ trụ, sự hưởng lạc cảm quan đi liền với chủ nghĩa khổ hạnh.
Cuộc đời được miêu tả như trò chơi phù phiếm hay ảo mộng mà thượng đế bày đặt ra để thử
thách con người. Thượng đế là chân thực, trần thế là hư vô. Quan niệm về hiện thực như thế là
bị đảo lộn”.

So sánh thần thoại Ấn Độ và thần thoại Hy Lạp- La Mã, chúng ta thấy có một số điều
khác biệt sau :
Trình độ phát triển tư duy Ấn Độ thể hiện trong thần thoại Ấn Độ có một độ cao nhất
định nhưng bị tôn giáo thần thánh hoá. Nội dung và lòng yêu cuộc sống, tinh thần đấu tranh bị
bóp méo do đó hạn chế óc duy vật khoa học thực nghiệm, khiếu nhận xét lịch sử và tính năng
động của nhân dân Ấn Độ đã manh nha rõ rệt.

Ngược lại, thần thoại Hi Lạp có giá trị ở chỗ lý tưởng hoá con người, mô tả những con
người đẹp nhất trong những con người. Hình ảnh Promete người đưa lửa cho loài người, dũng
sĩ Hercules, anh hùng Achille, Ulyse… vẫn là những nhân vật lý tưởng và ước mơ lành mạnh cao
quí của con người. Thần thoại Hy Lạp cũng đề cao cái đẹp tự nhiên, hiến cho ta những hình ảnh
đẹp, năng lực thẩm mỹ và lòng yêu đời.

Ở Hi Lạp, khi tư tưởng triết học cùng thuyết vũ trụ học của các triết gia Ionian (thế kỷ VII
trước CN) thì thần linh mất dần ảnh hưởng. Người ta chỉ trích, chế nhạo thần linh cốt để mở
đường cho những tìm tòi sáng tạo khoa học.

Trong khi đó, ở Ấn Độ thế giới thần linh vãn giữ được uy thế mặc dầu những quan niệm
khá duy vật vè vũ trụ như Atman và Brahman trong kinh Upanisad. Điều này chứng tỏ tính
kém năng động, tâm hồn trầm tư, mộ đạo của người Ấn đã kìm hãm sự phát triển của nền văn
minh Ấn Độ vốn ban đầu không kém gì nền văn minh Hi Lạp – La Mã .

KẾT LUẬN
Thần thoại Ấn Độ phong phú, chan chứa chất trữ tình và tinh thần nhân đạo sâu sắc – đó
là truyền thống bất hủ của văn học nghệ thuật Ấn Độ. Từ giai đoạn anh hùng ca về sau đến thế
kỷ XX, các thế hệ văn nghệ sĩ Ấn Độ luôn luôn lấy đề tài thần thoại và mượn nó làm phương
tiện miêu tả. Các nhà thơ lớn như Kalidasa ở thế kỷ thứ V, Kabia ở thế kỷ XV-XVI, Tunxidat ở
thế kỷ XVI-XVII, R.Tagore (1861-1941) vv…đã vận dụng thần thoại để miêu tả và đề cao cuộc
sống tình yêu, đất nước giàu đẹp và nhân dân lao động nghèo khổ của mình, sáng tạo ra nhiều
tác phẩm văn học xuất sắc.

Trái lại, thứ văn học tôn giáo ngày càng mờ nhạt và bị lãng quên trong thế giới huyền bí, hư
vô.

Thần thoại Ấn Độ cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam. Câu chuyện “Dạ thoa vương” trong
cuốn “Lĩnh nam chích quái” chịu ảnh hưởng motif quỉ vương Ravana của thần thoại Ấn Độ.

&

CHƯƠNG III. SỬ THI ẤN ĐỘ


Sau giai đoạn văn học thần thoại Veda, tiếp đến giai đoạn sử thi-anh hùng ca. Sử thi
Ấn Độ ra đời trong chế độ phong kiến quân chủ .

Sử thi (cũng gọi anh hùng ca) là bức tranh sinh động phản ánh đời sống và tư tưởng nhân
dân Ấn Độ trong một thời đại có nhiều cuộc chiến tranh giữa các vương quốc, chủng tộc trên đất
nước Ấn Độ cổ đại. Nó cũng là những bài ca vĩ đại ca ngợi chiến công hiển hách, khí phách
hào hùng của những bậc anh hùng được nhân dân đề cao, ngưỡng mộ và lí tưởng hoá.

Có hai bản sử thi lớn nhất là Ramayana và Mahabharata khiến thế giới phải kinh ngạc
về tấm vóc hoành tráng của nó.

Những bản sử thi đó mở ra một thời đại hoàng kim trong văn học Ấn Độ.

SỬ THI RAMAYANA

( Kì tích của hoàng tử Ra ma)

1. Vài nét về tác phẩm

Ramayana, thiên anh hùng ca vĩ đại ra đời khoảng bốn, năm trăm năm trước công
nguyên, được ghi lại thành văn bản vào đầu công nguyên.

Ban đầu, câu chuyện về hoàng tử Rama được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian, về sau
được nhà thơ Vanmiki ghi chép lại thành văn vần.Từ đó về sau, câu chuyện còn qua tay gọt
giũa của nhiều thi sĩ vô danh và lời kể của nhiều nghệ nhân, ngày nay không còn nguyên bản của
Vanmiki nữa.

Bộ sách bằng tiếng Sanskrit, gồm 500 đoạn chia thành 12 cuốn gồm 24000 câu thơ
đôi(sloka)

Ở Ấn Độ, Ramayana còn được soạn ra nhiều thứ tiếng dân tộc, cải biên thành tuồng kịch,
ca, múa và các hình thức nghệ thuật khác. Dân chúng khắp nơi ai cũng yêu thích. Người Ấn
Độ từng nói “chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ramayana vẫn còn say mê lòng người
và cứu giúp họ ra khỏi vòng tội lỗi”.

Ramayana đã được phổ biến đến nhiều nước ở Đông Nam Á. Có nước đã mượn cốt truyện
để sáng tác ra những truyện mang mầu sắc riêng của dân tộc mình như truyện Rama Kiên ở Thái
Lan, Riêmkê ở Cam pu chia, Phallahk Phallahm ở Lào, Ramayana của đân tộc Chăm (Champa/
Chăm) và truyên cổ tích Dạ thoa vương của người Việt.

2. Cốt truyện
Ngày xưa ở kinh đô Ayodhya thuộc vương quốc Kosalah, có ông vua già yếu tên là
Daxaratha muốn nhường ngôi cho con trưởng là Rama. Sau ông lại nghe lời xúi giục của thứ phi
Kaikeia nhường ngôi cho Bharata do mụ sinh ra và đày Rama vào rừng sâu 14 năm trời.

Rama đem vợ là nàng Sita và em trai là Laksmana vào rừng dựng lều sống đời ẩn dật,
hàng ngày săn bắn, tập tành võ nghệ, tu luyện đạo đức, ăn quả rừng, uống nước suối, sống
cuộc đời khổ hạnh.

Quỷ vương đảo Lanka là Ravana biết tin có nàng Sita xinh đẹp đang sống trong rừng, hắn
mò đến, lập kế cướp nàng về làm vợ. Ravana giam nàng trong cung điện, ra sức dụ dỗ nhưng
không được.

Mất nàng Sita, hai anh em Rama quyết tâm đi cứu nàng. Được tướng loài khỉ tên là
Hanuman giúp sức, anh em Rama kéo đoàn quân khỉ, gấu, trăn rắn… tấn công đảo Lanka. Sau
nhiều trận giao chiến ác liệt, Rama cứu được Sita. Vợ chồng hội ngộ vui mừng chưa được lâu
thì Rama chẳng thoát khỏi cơn nghi ngờ ghen tuông, tin rằng nàng đã thất tiết với quỉ vương, nên
tuyên bố không nhận Sita là vợ nữa, và nàng không thể đăng quang hoàng hậu.

Sita uất ức, đau buồn đòi thử thách bằng cách nhảy vào đống lửa tự thiêu, nghĩa là thề
trước thần lửa Agni. Thần lửa Agni chứng giám lòng chung thuỷ của Sita nên đã cứu sống nàng.
Thấy vậy, Rama hối hận, sung sướng dang tay đón nàng cùng trở về kinh đô, vừa đúng lúc chấm
dứt thời hạn lưu đày 14 năm. Rama lên ngôi, Sita là hoàng hậu. Bỗng nghe dư luận dân chúng
chỉ trích Rama đã dung túng cho Sita người đàn bà đã chung chạ với quỉ sứ. Rama lại nổi cơn
ghen tức bèn đuổi Sita vào rừng khi nàng đang thai nghén. Vua khỉ Hanuman cũng bỏ đi theo
Sita để bảo vệ chăm sóc nàng .

Mười năm sau, trong dịp hội lớn ở đô thành Ayodhya, có hai đứa bé tên là Kusa và Lava đi
hát rong, bài hát kể về kì tích của Rama, lòng chung thuỷ và nổi đau khổ của nàng Sita, khiến cho
mọi người bùi ngùi, xúc động.

Rama nghe tin, cho gọi hai đứa bé vào cung, hỏi chuyện và nhận ra 2 đứa con mình do Sita
sinh ra ở chốn rừng sâu. Chàng vô cùng buồn bã hối hận, đi vào rừng tìm gặp Sita và ngỏ lời đón
về . Nhưng nàng Sita cương quyết từ chối. Nàng thề rằng hai người chỉ gặp nhau khi một kẻ nằm
xuống vĩnh viễn . Vua Rama quay trở lại kinh đô và bày kế giả chết . Tin dữ lan vào rừng sâu .
Ba mẹ con Sita trở về kinh đô thọ tang vua . Khi nàng quì khóc , vua Rama xuất hiện xin lỗi
nàng và mời nàng trở lẹi ngôi hoàng hậu . Nàng cầu xin mẹ là nữ Thần Đất mở rộng lòng đất đón
nàng trở về nơi đã sinh ra nàng. Rama đau khổ, van nài thần linh. Thần Brahma xuất hiện, an ủi
và cho biết chàng sẽ được tái hợp Sita trong kiếp sau ở cõi trời. Sau đó, Rama nhường ngôi
vua cho hai con và trở về cõi trời, trở lại bản thân nguyên thuỷ là Visnu-thần Bảo vệ.

3. Phân tích một số hình tượng nhân vật

3.1. Hình tượng Rama


Theo thần thoại , Rama là hoá thân thứ 7 của thần Visnu. Visnu giáng thế làm người
để cứu nhân loại khỏi cảnh chiến tranh loạn lạc.

Rama, mẫu người lý tưởng của đạo Hindu và đẳng cấp vương công quí tộc, đồng thời thể
hiện khát vọng của nhân dân về một vị minh quân, một anh hùng tài trí dũng cảm và đạo đức ,bả
o vệ hạnh phúc cho nhân dân, giữ gìn công bằng xã hội.

Trước hết, Rama là người biết trọng danh dự, giữ bổn phận người con, người chồng và
ngôi vua. Rama biết mình được quyền kế ngôi cha, nhưng vì cha đã hứa hẹn với thứ phi
Kaikeia đày mình vào rừng sâu để nhường ngôi báu cho Bharata, chàng không cưỡng lại lệnh
cha, vui vẻ đi vào rừng.

Rama là người yêu vợ, quí trọng lòng chung thuỷ, đã từng hối hận về sự ghen tuông của
mình, nhưng vì danh dự một đức vua, chàng buộc lòng phải đuổi Sita vào rừng.

Lời hứa của cha là danh dự, danh dự của cha là của mình và dòng họ. Tuyệt đối phục tùng
ý nguyện của cha là bổn phận. Đó là đạo đức của đẳng cấp quí tộc và của xã hội đương thời.

Rama có sức mạnh phi thường, có võ nghệ cao cường và lòng quả cảm. Chàng đã vượt qua
bao gian nan và thử thách, chiến đấu với loài quỉ dữ để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc, đem lại
công lý và hoà bình. chàng dũng sĩ Ksatrya đó đã đánh bại thần Biển và thần Núi trên đường tiến
đánh đảo Lanka. Chàng giết chết con quỉ khổng lồ Valin, con trâu thần Đunđubhi. Với tinh thần
nghĩa hiệp, chàng chiến đấu giành lại ngôi vua cho vua khỉ Sugriva bị Valin cướp. Trong bất cứ
hoàn cảnh nào chàng cũng thể hiện khí phách một dũng sĩ. Chàng có đủ sức mạnh sử dụng cây
cung thần do Brahma cấp,” chiếc cung thu hồi gió vào đôi cánh, sức nóng mặt trời vào đầu mũi
tên, sức nặng của núi vào thân cung ” để xuyên thủng ngực quỉ vương Ravana.

Đạo đức của Rama là khuôn vàng thước ngọc của người Ấn cổ xưa, trước hết là của đẳng
cấp Ksatrya.

Tín đồ đạo Hindu ( trước đó là Bà la môn ) phải đạt được 4 nhiệm vụ sau đây mới coi là
hoàn thiện được cuộc đời :

Thực hiện đạo lí Darma (quản lí gia sản)

Artha (đất đai)

Kama (thực hiện tình nghĩa vợ chồng, gia đình)

và Moksa (tu luyện siêu thoát).

Hình tượng Rama mặc dầu còn hạn chế về quan niệm đạo đức của đẳng cấp (danh dự dòng
họ cao hơn tình vợ chồng ) nhưng có thể nói toàn bộ ý chí, tình cảm, tài năng và sức mạnh chiến
thắng của quần chúng đã được khái quát thành biểu tượng người anh hùng này. Đó là con người
luôn luôn bênh vực điều thiện chống cái ác, cứu người hiền đặc biệt là phụ nữ. Đó là sản phẩm
tuyệt vời của trí tưởng tượng và ước mơ cao đẹp của người Ấn cổ xưa.

3.2 Hình tượng Sita

Nàng là người phụ nữ Ấn Độ cổ đại mẫu mực, người vợ chung thuỷ tiết hạnh, người con
gái hiền từ nhu mì nhân hậu. Nàng cao cả vì đã hiến dâng một tình yêu quên mình, bất chấp mọi
gian khổ, bất chấp cả tính mạng.

Sita xuất thân thần thánh – con của thần Đất, nhưng lại được miêu tả như người phụ nữ
bình thường.

Sita yêu say đắm Rama người dũng sĩ có tài năng hơn người, có sức khoẻ phi thường bẻ
gãy chiếc cung thần, điều kiện cầu hôn không có chàng trai nào thực hiện được.

Sita rơi vào tay con quỉ dâm dục tàn bạo Ravana. Hắn dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, quyến
rũ và đe doạ, nhưng nàng vẫn kiên trinh, bất khuất giữ lòng chung thuỷ, lại còn chống trả
quyết liệt. Trước lời lẽ ngon ngọt của quỉ sứ Ravana, nàng ” chỉ ngồi bó gối che thân và hoàn
toàn cự tuyệt “. Nàng còn nguyền rủa kẻ thù và hết lời ca ngợi Rama chồng nàng. ” Ta là vợ
của một người có đạo đức, không thể để cho loài quỉ sứ độc ác như mày làm hại ta được … Ta
không siêu lòng khi mày đưa ngọc ngà châu báu, uy quyền quyến rũ ta đâu. Ta chỉ thuộc về một
người, người đó là Rama, như ánh sáng thuộc về mặt trời. Ta xứng đáng là vợ của vị chúa tể thế
gian như tri thức của người hiền triết. Hãy hàng phục Rama đi, vì chàng là sư tử của loài người”.

Khi bị Rama nghi ngờ, nàng kêu khóc thảm thiết. Nàng tự minh oan cho mình: “Nếu
như mối tình đằm thắm của đôi ta, mối duyên bền chặt của đôi ta không đủ để cho chàng hiểu
thiếp thì chàng ơi, vì tính đa nghi của chàng, thiếp đành chịu chết thôi !”. Nàng nói với Rama
như vậy rồi thản nhiên bước vào đống lửa không chút sợ hãi. Thần lửa Agni hiểu tấm lòng trong
trắng và trái tim chung thuỷ của nàng, chẳng những không thiêu cháy mà còn làm cho nàng đẹp
hơn trước: “nàng như mặt trời mới mọc ban mai, đỏ rọi toàn thân, rực rỡ ngọc vàng, nét mặt
ngây thơ hiền hậu trong sáng, mái tóc đen nhánh và vòng hoa ở cổ trắngømuốt , tươi mơn mởn”
. Hình ảnh Sita như một bông hoa rực rỡ điểm tô cho thiên tình sử thêm đẹp đẽ, hương sắc bông
hoa đó vẫn tươi đẹp mãi đến ngày nay.

3.3 Hình tượng Hanuman

Hanuman là con khỉ khổng lồ, con trai của thần gió Vayu là một hình tượng đáng yêu đáng
quí. Đối lập với lũ quỷ Ravama và những thế lực tàn bạo đáng ghét.

Hanuman đóng vai trò quyết định trong mọi chiến công của Rama và về sau là người đầy
nhiệt tình bảo vệ mối tình chung thuỷ Sita – Rama.

Hanuman có sức khoẻ phi thường có phép thần thông biến hoá, nhanh nhẹn và mưu trí
khôn lường (so với nhân vật Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây du ký đời Minh Thanh Trung
Quốc, chúng ta có thể tin rằng người Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng hình tượng Hanuman khi
sáng tạo nhân vật Tề thiên đại thánh).

Hanuman nhảy một bước vượt qua biển, đặt chân lên hòn đảo Lanka để đi tìm Sita. Thần
rắn biển dùng phép bắt bóng kéo Hanuman xuống để nuốt sống, Hanuman dùng phép thu
mình chui lọt vào bụng rắn thần xé nát ruột kẻ thù. Rama bị thương nặng, Hanuman bay
thẳng về núi Himallaya tìm cây thuốc. Các cây thuốc dấu mình trong đất đá, chàng nổi giận nhổ
cả một đám núi cõng lên lưng bay về, lấy thuốc chữa vết thương cho Rama.

Hanuman đã đóng góp biết bao nhiêu chiến tích vào thắng lợi của Rama trên đảo Lanka.

Có thể nói Hanuman chính là hoá thân của lực lượng quần chúng nhân dân làm hậu thuẫn
cho những vịanh hùng chiến đấu cho tự do và công lí, giải phóng và bảo vệ đất nước. Đó là
chân lí: không có vị anh hùng nào thành công nếu thiếu sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân.

4. Nghệ thuật

Bàn về nghệ thuật sử thi Ramayama, nhiều nhà Ấn Độ học trên thế giới đánh giá rất cao.
Will Durant một tác giả Mỹ nổi tiếng thế giới, chuyên nghiên cứu văn hoá phương đông, đã viết
về Ramayama như sau :”Tác phẩm không chỉ nói đến kì tích mà còn là toà lâu đài đầy những
nhân vật lí tưởng, soi sáng tâm hồn và hành động ….nó còn là một tác phẩm ghi lại các truyền
thống triết học, tôn giáo và đạo đức của dân tộc Ấn Độ. Người Ấn Độ coi trọng nó như người
theo đạo thiên chúa với cuốn sách ” Đời các vị thánh ” vậy. Ngoài việc thưởng thức một cách thú
vị về văn chương, họ xem đó là một thánh kinh, đọc xong họ tin rằng sẽ được thánh thần phù hộ
và chuộc được mọi tội lỗi”.

Giá trị đó làm cho Ramayana sống mãi trong lòng người đọc từ đời này qua đời khác. Sự
gợi cảm không chỉ ở thiên tình sử éo le Rama - Sita mà còn do tài nghệ miêu tả và kể chuyện
của nghệ sỹ dân gian. Yếu tố tưởng tượng kỳ ảo giữ vai trò quan trọng. Yếu tố thần kỳ được kết
hợp một cách độc đáo với miêu tả hiện thực khách quan của thời đại. Những nét hoang đường
siêu nhiên kết hợp sinh động với tính cách người trần thế. Những nhân vật, loài vật Hanuman,
quỉ Ravana được miêu tả chân thực như tính người rất sinh động.

Những nhân vật đáng yêu đáng kính ấy là những con người có đầy đủ nhân tính, biết đau
đớn, nhớ thương, căm giận, hối hận và yêu thương, độ lượng.

Những đoạn văn miêu tả thần tình nhiều cảnh ngộ oái oăm, những tâm trạng khổ đau, dằn
vặt suy tư của nhân vật khi cần đấu tranh khắc phục khó khăn.

Romesh Dutt nhà nghiên cứu văn học Ấn Độ nhận xét “ngay cả đến Shakespeare cũng
không thể diễn tả được sự thôi thúc của những tâm tình cuồng nhiệt trong lòng người một cách
sống động chân thực và mạnh mẽ ghê gớm như đã thấy trong Ramayana”.
Tác phẩm còn vẽ lên cảnh chiến trường ác liệt, cung tên rào rào, đô thành bốc cháy, đất đá
tung toé, người và quỉ thần quần đảo nhau bằng nhiều phép thuật thần kỳ gây hứng thú cho
người đọc.

Những đặc điểm nghệ thuật trên tạo ra tính chất bi hùng trong tác phẩm, nâng cao giá trị
thẩm mỹ của sử thi. Ramayana đã thật sự mở ra một thời đại mới rực rỡ trong văn học Ấn Độ.

SỬ THI MAHABHARATA

(Truyện kể về cuộc chiến tranh giữa các dân tộc Baharata vĩ đại)

1 . Vài nét về tác phẩm

Cũng như Ramayana và các tác phẩm khác ở thời kỳ cổ đại, MaHabharata cũng khó xác
định thời gian ra đời. Dự đoán câu truyên được lưu truyền trươc CN, về sau được nhiều
người ghi chép, bổ sung, chỉnh biên cho đến thế kỷ V mới chấm dứt.

Theo truyền thuyết, người sưu tập đầu tiên bản sử thi này là đạo sĩ Krisna Domopayana
Vyasa (Vyasa có nghĩa là sưu tập).

Nguyên bản lúc đầu lên đến hàng trăm vạn câu thơ. Đến nay còn lưu truyền bản 110.000
câu thơ đôi (Sloka) gồm 22 vạn dòng, dài gấp 7 lần hai anh hùng ca Iliad và Odysse của Hi Lạp.

Ở Ấn Độ, công việc nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm này vẫn đang tiếp tục.

Nói về giá trị của pho sử thi này, ở Ấn Độ có câu ngạn ngữ ” Cái gì không có trong
Mahabharata thì cũng không có ở bất cứ nơi nào trên đất nước Ấn Độ”.

Mahabharata có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới , đặc biệt ở Đông Nam Á. Khoảng thế kỉ
thứ VII đến thứ VIII , ở Inđonêsia xuất hiện nhiều truyện được phóng tác từ cốt truyện
Mahabharata bằng tiếng Java cổ như “Trận đánh vĩ đại của con cháu Bharata”, “Đám cưới của
Acgiuna “ . Ở Cam pu chia, Mahabharata còn xuất hiện sớm hơn, vào thời kì văn học Angko,
nhiều cảnh trong Mahabharata được khắc phù điêu trên mặt đền Angko và các đền đài khác ở
Phnompênh.

Gần đây, ở Pháp công diễn vở kịch Mahabharata do hai nhà soạn kịch nổi tiếng Peter Brook
người Anh và Jean Claude Carriere người Pháp soạn ra , được công chúng tán thưởng nhiệt liệt.

2 . Cốt truyện

Bharata là ông vua của triều đại mặt trăng, sinh hai người con trai chia thành hai chi nhánh
Curu và Pandu. Pandu sinh 5 người con trai gọi là anh em Pandava (Yudhitira, Bhima, Arjuna,
Nakula, Sahadeva). Còn người anh là Dritaratra bị mù loà, sinh 100 con trai gọi là anh em
Korava, anh trai trưởng là Duriodana.

Sau khi Pandu qua đời, Dritaratra đem năm người con của em trai về nuôi chung với đàn
con của mình. 5 anh em Pandava trưởng thành rất nhanh chóng nổi tiếng là những người có
tài năng và đức độ. Điều đó làm cho anh em Korava ghen tị, lập mưu hãm hại từng người
trong nhóm 5 anh em. Dritaratra đưa 5 anh em Pandava đến lâu đài bằng sáp và những thứ dễ
cháy. Anh em Korava định đốt cháy lâu đài và giết hết 5 anh em. Nhưng nhờ có người báo
tin, anh em Pandava đã dẫn mẹ là bà Kunti trốn vào rừng, cải trang thành những đạo sĩ Bà la
môn sống lang thang ẩn đật.

Một năm sau, vua Đropada xứ Panchallah mở hội kén phò mã cho công chúa Đropadi. Anh
em Pandava kéo đến đua tài. Trong cuộc thi đấu với hoàng tử các nơi, Acgiuna người em thứ
ba đã giành chiến thắng. Nhà vua làm lễ cưới cho hai người. Năm anh em đưa nàng Đropadi về
chào mẹ thì nghe lời nguyền của mẹ, nên Đropadi trở thành vợ chung của 5 anh em, điều đó
cũng phù hợp lời thề cùng chia ngọt xẻ bùi. Trong một buổi lễ, người ta chứng nhận 5 anh em
chính là một cơ thể của một vị thần linh. Vì vậy cuộc hôn nhân là hợp lệ.

Anh em Korava biết tin 5 anh em Pandava còn sống và trở thành đồng minh của một
nước láng giềng hùng mạnh. Theo lời khuyên của trưởng lão Bhisma, Dritaratra cho đi mời anh
em Pandava trở về vương quốc và chia cho họ một nửa đất đai. Yudhi là anh cả được làm vua xứ
Indaprasa bên cạnh vương quốc Hastinapura của anh em Korava .

Mặc đầu lãnh thổ của anh em Pandava xấu hơn nhưng nhờ tài năng cai trị mà vương quốc
của họ trở thành thịnh vượng giầu có. Bọn anh em Korava lại sinh lòng đố kị và tìm cách chiếm
đoạt.

Yuhi vốn là người coi trọng danh dự và say mê cờ bạc cho nên bị Đuriodana (Đurio- anh
cả của trăm anh em Korava) rủ rê vào trò cờ bạc. Đurio nhờ một tay cờ bạc có ma thuật đánh
cho Yuhi thua bạc liên tục phải đem gán cả vương quốc cho Đurio như giao kèo. Anh em
Pandava lại kéo nhau đi ẩn trong rừng sâu suốt 13 năm trời theo qui định sau khi thua bạc. Hết
hạn họ trở về vương quốc nhưng anh em Đurio trở mặt không trả lãnh thổ cho 5 anh em. Thậm
chí Yuhi chỉ xin một làng nhỏ để cư trú và sinh sống cũng vẫn bị Đurio cự tuyệt. Năm anh
em Pandava không thể nhẫn nhục hơn nữa, buộc phải cầu viện các tiểu vương quốc khác kéo
quân tiến đánh anh em Korava.

Cuộc chiến tranh giữa hai phe trong dòng họ Bharata lôi cuốn nhiều nước tham chiến với
hàng triệu người với hàng vạn xe ngựa cung kiếm.

Chiến trường Kurusetra mịt mù khói lửa trong vòng 18 ngày, hàng triệu xác chết chất
thành núi, máu chảy thành sông. Trận chiến kết thúc chỉ còn 11 người sống sót.
Anh em Pandava tuy chiến thắng vẻ vang nhưng vô cùng đau xót vì đã phải chém giết tất
cả những người ruột thịt. Sau khi làm lễ giết ngựa tế thần để tỏ lòng xám hối, Yuhi lên ngôi
vua trị vì 36 năm liền.

Câu chuyện kết thúc bằng cuộc hành hương của năm anh em Pandava và nàng Đropadi
lên đỉnh núi Meru cao chót vót của Himallaya – nơi đó là cõi trời.

Dọc đường đi xa xôi hiểm trở, nàng Đropadi và bốn người anh em Yuhi lần lượt bỏ xác ở
trần gian, chỉ còn Yuhi và con chó mà chàng bắt gặp dọc đường lên tới được đỉnh núi Meru.
Bấy giờ, thần Indra ra tiếp đón nhưng không chịu cho con chó vào cõi trời. Yuhi quyết định xin ở
ngoài cõi trời với con chó trung thành của mình. Lúc ấy con chó hoá trở thành thần Darma và
cho biết đây là hành động thử thách đạo đức Yudhi. Thế là Yudhi bước vào cõi trời. Đầu tiên
chàng gặp toàn những kẽ thù cũ, sau đó được đưa đến hoả ngục gặp các em và bạn bè của chàng.
Yudhi xin các thần :” Tôi xin ở lại chốn này vì những người thân của tôi ở đâu thì nơi đó là
thiên đường của tôi “. Nhưng đó vẫn là thử thách cuối cùng –thử thách lòng trung thành. Kết
quả cả năm anh em Pandava và vợ con điều được vào chốn vĩnh hằng bất diệt .

3 . Gía trị nội dung và nghệ thuật

Chủ đề của tác phẩm vĩ đại này là cuộc chiến tranh lớn giữa dòng họ Bharata để dành
giật đất đai bờ cõi. Nhưng bao quanh chủ đề còn có nhiều nội dung và tư tưởng rộng lớn và
sâu sắc.

Bộ sử thi đã đề cao lí tưởng và đạo đức của thời đại. Lí tưởng và đạo đức đã đúc kết trong
tập giáo lí Bhaganat Gita gần 19 chương, 700 câu là một bộ phận sử thi MahaBaharata. Chiến
thắng của anh em Pandava được coi như là chiến thắng của đạo đức và công lý. Hành động của
họ đã hoàn thiện được bổn phận và danh dự là nội dung của Darma.

Ở đây chúng ta không đi sâu vào phân tích mặt triết lí Darma của tác phẩm mà chỉ bàn về
ý nghĩa lịch sử của nó.

Chiến tranh xãy ra trong vòng 18 ngày làm cho hàng triệu người chết là biểu hiện của sự
suy tàn của chế độ huyết thống trong công xã đồng thời là dấu hiệu sự phát triển và hưng thịnh
của quốc gia nô lệ.

Lúc đầu anh em Korava và Pandava sống chung bình đẳng trong vương quốc
Hastinapura của mình nhưng về sau do xung đột về quyền lợi đất đai và nô lệ mà anh em
Pandava tách ra thành lập vương quốc mới Indraprasa riêng. Đó là biểu hiện sự phân hoá ra
nhiều vương quốc nhỏ. Chế độ dân chủ bộ lạc đã mất hiệu lực, nhường chổ cho chế độ dân
chủ quân sự. Vương quốc nào cũng muốn hùng mạnh và phồn vinh, từ đó đẻ ra xung đột và
thường giải quyết xung đột bằng chiến tranh để thống nhất và mở rộng quốc gia. Anh em
Pandava chiến thắng trở lại thống trị cả hai vương quốc là biểu hiện xu thế ấy.
Sự thắng lợi của anh em Pandava thuộc đẳng cấp võ sĩ Ksatrya cũng nói lên một điều là
sự thống trị xã hội đương thời đã không còn phụ thuộc vào đẳng cấp Brahman nữa.

Anh em korava và pandava xâu xé nhau về quyền lợi thông qua chiến tranh chứng tỏ sự
tan rã của các phương thức sản xuất dựa trên cơ sở huyết thống.

Qui mô của chiến tranh trong sử thi Mahabharata phá vỡ dần nền văn minh nô lệ, kéo xã
hội Ấn Độ chậm lại. Chiến tranh tàn khốc trút lên đầu nhân dân nô lệ, “tiếng khóc của phụ nữ
hoà vào tiếng kêu la inh ỏi của coôn trùng trên cánh đồng Kurusetra” ở cuối tác phẩm đã nói lên
điều đó.

Trong bối cảnh xã hội đầy rẫy những mâu thuẩn, tội ác xuất hiện ngày càng nhiều. Qua
những cuộc chiến tranh giành quyền lợi, thân phận con người lao động ngày bị giày xéo ,
một ” tinh thần Ấn Độ ” nổi lên, đó là tinh thần nhân văn chủ nghĩa, vốn đã nảy nở từ trong
những sáng tác dân gian có trước đó ở khắp miền đất nước được thu hút và tập trung vào thiên
anh hùng ca này. Duy trì và thể hiện tinh thần nhân văn chính là nội dung lẽ sống Darma của tôn
giáo. Có nghĩa là sống thiện, hoà hợp, bình đẳng và bác ái chính là lí tưởng của bộ sử thi.

Khi quốc gia nô lệ hình thành thì tư tưởng tư hữu (Danda) của phong kiến cũng xuất hiện.
Tư tưởng Danda tôn trọng quyền tư hữu, chế độ phụ quyền và dùng sức mạnh quân sự, chính
trị của giai cấp Ksatrya và Brahman làm công cụ đàn áp xã hội. Trước đó, mỗi khi giải quyết
những mối bất hoà, xung đột về quyền lợi, quần chúng làm trọng tài phán xử còn bây giờ kẻ
thống trị nắm quyền quyết định. Mahabharata đã phản ánh mâu thuẫn đó một bên giai cấp thống
trị muốn xây dựng hệ thống tư tưởng Danda để bảo vệ quyền lợi của họ. Một bên quần chúng
nhân dân lại muốn duy trì truyền thống Darma. Cuối cùng, những người thống trị buộc phải
tuyên bố “Thiên hạ và cuộc đời tiếp tục theo tinh thần Darma”.

Hình ảnh anh em Yudhi từ bỏ ngôi báu sau ba mươi sáu năn trời để cùng nhau hành hương
lên cõi trời tìm chốn vĩnh hằng, để sám hối đã nói lên sự thắng thế của tinh thần Đarma-khát
vọng của nhân dân đương thời.

Lý tưởng và đạo đức Mahabharata được thể hiện qua hành động và tính cách của năm anh
em Pandava và một số nhân vật khác như: Dropadi, Kunti, Krisna, Bhima, ..

Mỗi nhân vật có một tính cách, một đời sống tinh thần riêng chứ không mang tính ước lệ
theo khuôn mẫu truyện dân gian – đó là đặc sắc nghệ thuật xây dựng nhân vật của sử thi.

Yudhi đức độ, sáng suốt bình tĩnh. Acgiuna dũng cảm kiên hùng, Bhima xông xáo sôi nổi
quyết giữ trọn lời thề cho đến chết; Kacna hùng dũng và kiêu căng; Krisna tài trí siêu việt;
Drita tuy mù loà nhưng vẫn oai nghiêm trong cốt cách ông vua gian hùng, xảo quyệt … mỗi
nhân vật đều để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc .

Romesh Dutt -nhà nghiên cứu văn học Ấn Độ nhận xét “Trừ tác phẩm Iliad ra, không có
tác phẩm nào mà nghệ thuật miêu tả nhân vật lại phong phú và chân thực như Mahabharata.
Nhân vật không đau khổ dằn vặt như nhân vật của Dante, không say mê cực độ như nhân vật của
Shakespeare, trái lại các nhân vật đều phản ánh tính cách uy nghiêm, trầm lặng của sức mạnh
tinh thần, giống như những hình tượng bất hủ bằng cẩm thạch từ thời xưa để lại mà các nghệ sĩ
điêu khắc ngày nay không tài nào mô phỏng được”.

Đọc “Mahabharata”, người đọc bị lôi cuốn vào quang cảnh chiến tranh tràn ngập hào khí
và sôi động. Người đọc say mê, hồi hộp theo dõi những trận giao tranh ác liệt hoặc những âm
mưu gián điệp, tâm lý chiến, địch vận xảy ra suốt mười tám ngày liền. Cảm xúc càng tăng lên khi
cuộc chiến tiến dần đến ngày kết thúc,khi các tướng lĩnh dũng mãnh nhất lần lượt ngã gục ở
chiến trường.

Một nhà Ấn Độ học phương Tây nhận xét:”Trong văn học thế giới có lẽ khó tìm thấy
những đoạn văn mô tả cảnh chiến tranh đặc sắc như vậy “.

Cuộc đua tài đọ sức khá sôi nổi giữa các dũng sĩ khắp bốn phương đến cầu hôn
Đropadi, cuộc đụng độ nảy lửa giữa hai dũng sĩ Acgiuna và Kacna được ví như cuộc giao
chiến Achin va Herto trong thần thoại và sử thi Hi-lạp, tình cảm và thái độ phản kháng mãnh
liệt của nàng Đropadi khi nàng bị anh em Korava định chiếm đoạt sau ván cờ bất hạnh của
Yuhi khiến cho cả thần linh cũng phải xúc động và ra tay can thiệp. Đó là những đoạn văn có
sức truyền cảm mạnh đối với người đọc.

Mahabharata được coi là cuốn bách khoa toàn thư về đời sống văn hoá, chính trị và xã
hội Ấn Độ cổ đại. Tác phẩm chứa đựng những sự kiện lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, tập quán
sinh hoạt của toàn thể dân tộc Ấn Độ suốt từ chân núi HimAllahya tới vịnh Bengan.

Biruni nhà Ấn Độ học người Ả-rập đã viết trong cuốn ” Ấn Độ “ xuất bản năm 1930 như
sau:

“Người Ấn Độ có cuốn sách mà mình tôn kính đến mức khẳng định dứt khoát, rằng tất
cả những gì có trong sách khác thì chắc chắn không có trong sách này. Tất cả những gì có
trong sách này thì không có trong sách khác. Người ta gọi đó là Mahabharata”.

Do nội dung phong phú bao gồm nhiều hình thức thần thoại, cổ tích, trường ca, bài ca
giáo huấn, ngụ ngôn, kinh kệ, triết lý, nghệ thuật khác …, tác phẩm này có lối kết cấu khác
biệt hẳn những bản anh hùng ca khác.

Nhược điểm của Maha là kết cấu phức tạp quá mức, có nhiều đoạn trùng lặp, mâu
thuẫn và có những đoạn không liên quan đến nội dung tác phẩm.

Tuy vậy, Mahabharata vẫn là tác phẩm mẫu mực về qui tắc anh hùng ca / sử thi của nhân
loại.
&

ĐỌC THÊM. TRUYỆN CỔ TÍCH DÂN GIAN ẤN ĐỘ

1. Khái quát

Nói Ấn Độ là kho tàng cổ tích giàu nhất trên thế giới điều đó rất đúng. Kho tàng đó, từ thế
hệ này đến thế hệ khác khai thác không bao giờ hết. Đó là thành quả tuyệt diệu của sự thông
minh, đầy mưu trí, giàu óc tưởng tượng của nhân dân Ấn Độ.

Ngay từ trước công nguyên cho đến về sau trải qua hàng thế kỷ, truyện kể Ấn Độ đã được
ghi chép, được biên soạn lại thành nhiều hợp tuyển bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau rất có giá
trị và được lưu hành khắp đất nước Ấn Độ và trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á và Trung cận
Đông.

Cũng vì sự giàu có và được lưu hành rộng rãi như vậy mà có nhiều nhà học giả nghiên cứu
về văn học dân gian trên thế giới cho rằng một số truyện dân gian được lưu hành trên thế giới có
những môtíp giống nhau đều bắt nguồn từ Ấn Độ.

Điều này đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi và đầy lý thú trong lĩnh vực nghiên cứu
folklore học.

Do qua tay nhiều người sao chép, biên soạn ở nhiều thời đại khác nhau mà làm cho truyện
cổ Ấn Độ mang những đặc điểm sau đây:

Trong một số truyện có thay đổi ít nhiều cốt truyện, đôi khi hai ba truyện gộp lại thành một
truyện, có khi một truyện được phân ra thành hai ba truyện riêng biệt.

Ngay trong một số hợp tuyển người biên soạn cũng như người phiên dịch ra các tiếng dân
tộc khác nhau, nhiều lúc cũng tự ý thêm bớt đôi chỗ làm cho truyện hoàn chỉnh thêm nhưng lại
mất đi tính chất nguyên thuỷ của nó.
Có những cốt truyện bị thay đổi thành nhiều dị bản, lại có truyện xen kẽ truyền thuyết, thần
thoại, lại có truyện mang dáng dấp truyện ngắn hiện đại, v.v.

Mặc dù trải qua nhiều sự biến đổi về nội dung và hình thức, mặc dầu khoác tấm áo khác
nhau của nhiều thời đại, nhưng truyện cổ Ấn Độ căn bản vẫn giữ được cái vẻ trẻ trung, hồn
nhiên, chân thực, hóm hỉnh, đầy tính lạc quan của nó.

2. Nội dung và ý nghĩa truyện cổ tích

Nhìn vào kho tàng truyện cổ Ấn Độ chúng ta thấy nhân vật của truyện khá phong phú. Mỗi
loại nhân vật đều đại biểu cho mỗi giai cấp trong xã hội Ấn Độ. Đó là các vị vương hầu công
tước, các tu sĩ Ba-la-môn, các vị quan toà, các quan hành chính, thầy cò, thầy kiện, các hiền triết,
các ẩn sĩ, người đi buôn, kẻ ăn mày, người thợ cày, người thợ thủ công, v.v.

Bên cạnh lại có cả một thế giới súc vật được xây dựng theo sự tưởng tượng của con người,
dùng làm tượng trưng, ám chỉ, ngụ ý, ẩn dụ, v.v. Những con vật đó đều giữ đúng đặc tính của nó,
ví như rắn độc ác, lừa ngu dốt, cáo ranh mãnh.

Xây dựng những nhân vật đó các tác giả dân gian muốn phê phán thói hư tật xấu của con
người và sự bất công trong xã hội.

Truyện cổ tích Ấn Độ cũng giống như các truyện cổ của các dân tộc khác đều phản ảnh
hiện thực cuộc sống xã hội. Thói hư tật xấu của con người bao giờ cũng bị đả kích, bị trừng phạt,
lòng tốt bao giờ cũng được phát huy và ca ngợi. Thiện bao giờ cũng thắng ác, chính nghĩa bao
giờ cũng thắng hung tàn và bạo ngược. Các truyện đều ngụ ý giáo dục và khuyên răn người đời.

Kẻ mạnh bao giờ cũng chiến thắng kẻ yếu, nhưng không hẳn như vậy nếu kẻ yếu biết dùng
mưu trí, biết đoàn kết tương trợ với nhau thì nhất định chiến thắng được kẻ mạnh. Chẳng hạn
trong truyện “ Đoàn kết thì sống” miêu tả lũ nhái, ong vò vẽ và chim đã đoàn kết đánh chết được
voi.

Qua truyện “Nhà vua biết giá mình như thế nào”, chúng ta sẽ hiểu rằng giá nhà vua không
đáng một trinh, hoặc trong truyện “Nhà vua với quan đại thần” thì những người tuỳ tùng đối với
vua tốt hơn là vua đối lại với họ. Trong truyện “Nhà vua với tên cướp” tên cướp đã ví mình như
nhà vua, nhưng tội của y còn nhẹ hơn tội của nhà vua vì nhà vua đi cướp đất đai của thiên hạ.

Nhiều truyện đã giễu cợt bọn tu sĩ. Trong thực tế tu sĩ Ấn Độ không phải đều là những kẻ tu
hành chân chính, ngược lại có một số khoác áo thầy tu để lừa phỉnh, dụ dỗ dân lành để trục lợi và
làm những điều xằng bậy. Có truyện châm biếm tu sĩ lừa đảo kẻ khác để cướp vợ, có tu sĩ lòng
tham vô đáy. Truyện “Tu sĩ và bốn tên lưu manh” đã giễu cợt sự cuồng tin và ngu ngốc của bọn
tu sĩ. Truyện “Đôi chim sẻ với tu sĩ” có kèm theo một đoạn nhận xét, bình luận sâu sắc vạch trần
sự ti tiện, nhỏ nhen của giới tu sĩ. Truyện “Con mèo ngoan đạo”, dưới hình thức loài vật đã chỉ
trích ra bản chất “khẩu phật tâm xà” của giới tu sĩ.

Đối với các vị quan toà, quan hành chính, những kẻ cầm cân nảy mực, điều khiển công lý
trong xã hội bị lên án, bị vạch mặt là những kẻ tham lam, bóc lột rất thậm tệ. Có tên quan toà lợi
dụng quyền hành của mình lập mưu cướp đoạt người đàn bà đẹp có tên ăn hối lộ căn cứ vào lời
khai dối trá của tên lái buôn để kết tội người thợ cạo như trong truyện “Gã lái buôn với người thợ
cạo”.

Truyện “Lão ăn mày và đàn chuột” đã vạch trần bản chất lừa đảo, hống hách, đểu trá của
những tên thủ quỹ, những tên xã trưởng ở nông thôn Ấn Độ.

Một đối tượng khác thường được tác giả những truyện cổ tích tập trung đả kích là bọn phú
thương, bọn lái buôn gian xảo, lắm mánh khoé trục lợi, lừa mua rẻ bán đắt, như trong truyện “ Gã
lái buôn với người bạn của y”, truyện “Nhà hiền triết, nhà vua và người bán hương trầm”.

Nhân dân lao động, những người cùng đinh thường đóng vai trò quan trọng trong truyện cổ
tích Ấn Độ. Trước hết truyện thường tập trung ca ngợi, đề cao nghèo khổ nhưng không hề chịu
khuất phục, không hề luồn cúi, họ căm phẫn, và phản kháng những kẻ chuyên ức hiếp và áp bức
họ.

Truyện “Ngựa và trâu” đã nói lên chân lý: “Ai có lao động đều mang lại lợi ích cho loài
người”. Cánh tay rám nắng vì lao động của cô gái nông dân nghèo đẹp hơn là những cánh tay nõn
nà của những cô gái quý tộc như trong truyện “Ba cô gái qúy tộc và bà lão ăn mày ”.

Nhân dân lao động trong truyện bao gồm nhiều thành phần như thợ mộc, thợ nề, thợ dệt,
thợ may, thợ đồ gốm, thợ cạo, người đi săn, kẻ đốn củi, v.v. Họ được miêu tả như là những người
thợ lành nghề, thông minh và giàu trí tuệ, cần mẫn, chân thực, khéo tay và tháo vát như trong
truyện “Tu sĩ, người thợ kim hoàn, thợ mộc và thợ may”.

Các tay thợ vàng bạc vốn là những tên khét tiếng hám tài, xảo quyệt, lừa lọc là đối tượng
thường bị đả kích không thương tiếc.

Hoàn cảnh nghèo khổ của những con người lao động sống trong xã hội phong kiến thường
được miêu tả một cách sâu sắc và cảm động. Truyện thường bắt đầu bằng cảnh những người
nghèo đói lang thang rời bỏ quê hương làng mạc đi kiếm ăn ở nơi khác. Sâu sắc nhất là truyện
người thợ Dari trong truyện “Người thợ dệt không may”. Mặc dầu có tài, Dari sống trong kinh
thành của mình không tìm được cách bán những tấm vải đắt tiền vì người nghèo không có tiền
mua.

Truyện cổ Ấn Độ còn nêu lên những bài học xử thế trong quan hệ bạn bè, anh em, quan hệ
giữa người với người, nhằm giáo dục những đức tính tốt chống lại những thói kiêu căng, tự cao
tự đại, ích kỷ, hẹp hòi, ti tiện, lừa thầy phản bạn, v.v.
Truyện “Vua Xuhayman và con sếu” tập trung ca ngợi tình bạn, nếu không có bạn bè thì
cuộc sống không có ý nghĩa. Bạn bè phải chia bùi xẻ ngọt với nhau, vui buồn có nhau như trong
truyện “Hai người bạn và túi tiền”. Sự cãi cọ, mâu thuẫn lẫn nhau chia rẽ nhau sẽ không đem lại
lợi ích gì cho nhau, chỉ khiến cho kẻ khác “đục nước béo cò” mà thôi, như trong truyện “Của tôi
và của cô”, “Chó, mèo và khỉ.” Tình nghĩa bạn bè có sâu đậm là do tính trung thực, chung thuỷ
và biết yêu thương nhau. Truyện “Người thợ kim hoàn và thợ mộc” đã lên án những kẻ phản bội
lại tình bạn vì hám lợi. Truyện “Tính vênh váo” vạch trần những kẻ khi đã có địa vị danh vọng
trong xã hội rồi thì lên mặt, khinh thường bạn bè, quên cả cảnh sống thuở hàn vi với nhau.

3. Nghệ thuật truyện cổ Ấn Độ

Nhìn chung kết cấu truyện cổ Ấn Độ thường chặt chẽ cô đọng, súc tích, ngắn gọn. Có
truyện vẻn vẹn 5, 6 dòng.

Thông thường có 2 cách bố cục:

Một là, bố cục thường bắt đầu cốt truyện chính, sau đó để nhân vật chính trong truyện kể,
ngừng kể là kết thúc. Cuối truyện thỉnh thoảng có những câu thơ bình luận ngắn, hoặc ngụ ngôn,
hoặc châm ngôn, hoặc một lời bình rút ra cho người đọc một bài học kinh nghiệm.

Cách bố cục thứ hai, thường mở đầu bằng lời giới thiệu của người kể truyện về đề tài
chuyện, người kể chuyện có thể là một con vật hay người. Sau đó là cốt truyện, kết thúc truyện có
thể là cảm tưởng của người nghe, hay lời bình về thái độ và tâm trạng của người nghe. Nếu người
nghe yêu cầu kể tiếp thì truyện lại được nối tiếp bằng một truyện khác.

Về ngôn ngữ thì lời ít ý nhiều, lời lẽ giản dị, dễ hiểu có lúc bóng bảy, hóm hỉnh hài hước
tạo ra một mỹ cảm sảng khoái, lạc quan. Văn chương thường uyển chuyển và sinh động.

Có nhiều truyện, nhân vật được khắc hoạ thành những nhân vật điển hình tạo nên ấn tượng
sâu sắc cho người đọc, người nghe.

Giàu chất triết lý, dồi dào trí tuệ, nhiều ngụ ngôn là đặc điểm nổi bật trong truyện cổ Ấn
Độ. Điều này cũng phản ảnh rõ đặc tính dân tộc Ấn Độ.

Tuy vậy, truyện cổ Ấn Độ cũng bộc lộ một số nhược điểm của nó, có nhiều truyện mang
nặng màu sắc huyền bí, chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng tôn giáo đặc biệt là Phật giáo làm cho một
số truyện kém phần giá trị hiện thực của nó.

4. Giới thiệu một số tập truyện cổ


Truyện Con Vẹt.

Quá trình hình thành truyện Con Vẹt

Đây là truyện cổ tích cỡ dài nổi tiếng của Ấn Độ. Nhiều nhà nghiên cứu của Ấn Độ và thế
giới cho rằng tập truyện này có từ lâu, phổ biến rộng rãi nhất vào thế kỷ XII.

Soạn giả đầu tiên là ai không rõ, nhưng trải qua nhiều thế kỷ đã có nhiều bàn tay sưu tập,
chọn lọc, sao chép bổ sung nhiều lần làm mất dần nội dung của nguyên bản.

Dù vậy, đến nay tác phẩm vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị của nó, được nhiều người ưa
thích, được lưu hành rộng rãi trên thế giới. Truyện đã được dịch ra tiếng Nga, Afghanixtan, Anh,
Pháp, Đức, v.v.

Truyện Con Vẹt bắt nguồn từ tập Sucaxaptati gồm 70 truyện tập này in ra không bao lâu, bị
thất lạc, sau này Nahsabi biên soạn lại lấy tên là Tutinan vào năm 1330 bằng tiếng Iran. Có nhiều
chỗ khác xa tập Sucaxaptati, số truyện rút lại còn 52.

Sau đó được Môhamet Cadiri, nhà văn Ấn Độ ở thế kỷ XVIII cải biến lại lấy tên là “ Quyển
sách của Con Vẹt” nổi tiếng từ đó. Số truyện rút lại còn 38.

Tiếp sau Cadiri lại có bản của Haidabase Haidari soạn lại năm 1801 đến năm 1803 xuất bản
ở Calcuta lấy tên Tôtaxơhani (Con Vẹt). Tập truyện này tuy vẫn giữ nguyên các cốt truyện trước,
nhưng soạn giả chú trọng xây dựng tính cách và lời đối thoại giữa con Vẹt và nàng Hudaxta sinh
động hơn. Vẹt thì mang tính cách ranh mãnh, tinh khôn, nàng Hudaxta thì nhẹ dạ, bồng bột si
tình. Truyện có nhiều chi tiết và phong phú hơn. Soạn giả còn biết vận dụng nhiều phương ngôn,
tục ngữ, cách ngôn, đoạn thơ mở đầu và kết thúc. Chuyện kể rất hấp dẫn và lý thú. Kết cấu chặt
chẽ.

Nhờ tài năng của Haidari mà truyện Con Vẹt được nhiều người biết tới và ưa thích. Truyện
được lưu truyền khắp trên đất nước Ấn Độ và thế giới, trở thành tác phẩm văn học dân gian có
giá trị.

Tóm tắt cốt truyện

“Ngày xưa có ông vua tên là Ahơmat giàu có và quyền thế, hiềm một nổi là không có con
trai nối dõi tông đường nên hoàng hậu phải đến các chùa chiền cầu tự. May sao sau đó vua sinh
ra được một hoàng tử khôi ngô tuấn tú đặt tên là Maimun. Lớn lên nhà vua cưới cho hoàng tử
một cô vợ nhan sắc lộng lẫy tên là Huđaxta. Đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc, không hề rời nhau
một bước.

Nhân một hôm Maimun cưỡi ngựa ra khỏi kinh thành ghé vào xem chợ, bắt gặp một người
đang xách chiếc lồng có con vẹt muốn bán. Maimun hỏi mua, nhưng giá ngàn đồng quá đắt, vừa
tiếc tiền, vừa muốn mua vẹt, đang đắn đo ngập ngừng thì bỗng vẹt ta lên tiếng bảo với chàng rằng
sắp tới sẽ có một toán lái buôn giàu có đến kinh thành tìm mua quế. Hoàng tử nên mua tất cả quế
tích trữ vào kho, khi họ đến mua các cửa hàng bán quế không có quế để bán cho họ, lúc bấy giờ
buộc họ phải tìm mua quế của hoàng tử, hoàng tử muốn bán giá cao bao nhiêu họ cũng phải mua,
như vậy hoàng tử sẽ có một món tiền to. Maimun nghe vậy thích chí quá bỏ ngay ngàn đồng để
mua Vẹt.

Đúng như lời Vẹt nói, Maimun làm theo và quả thật thu được một món tiền lãi kếch xù làm
cho hoàng tử thêm giàu có, từ đó Maimun càng tin con Vẹt.

Được ít lâu, Maimun tạm biệt vợ đi chu du khắp các đô thành. Trước khi đi dặn vợ lại nếu ở
nhà muốn điều gì, cần hỏi cái gì thì hỏi ý kiến Vẹt. Xa chồng đã lâu, Huđaxta thấy buồn phiền,
nhớ nhung, cô đơn, nhân có một chàng công tử qua lại trước kinh thành thấy nàng đẹp, tìm cách
rủ rê nàng. Huđaxta vốn si tình nên phải lòng chàng công tử này. Đêm nào nàng cũng trang điểm
thật đẹp để đi đến với nhân tình. Vẹt biết vậy, cho nên mỗi lần nàng cất bước ra đi Vẹt ta lại gọi
nàng lại kể cho nàng nghe một câu truyện thật lý thú và hấp dẫn.

Mỗi lần Hudaxta nghe kể nàng lấy làm thích thú không muốn rời bước. Nếu muốn rời bước
thì chuyện cũng đã kết thúc và trời cũng đã sáng rồi.

Cứ như vậy trong 38 đêm liền, mỗi đêm một chuyện Vẹt giữ chân nàng Huđaxta si tình này
lại cho đến lúc người chủ của mình là Maimun trở về”.

Jataka

(Những truyện tiền kiếp của đức Phật).

Đây không chỉ là quyển sách kinh điển viết về đạo Phật của người Ấn Độ mà còn là một tác
phẩm văn học có giá trị mang nhiều yếu tố hiện thực đầy sinh động.

Nội dung gồm 547 câu truyện kể lại cuộc đời của Phật, từ khi Phật sinh ra đi tìm đạo để cứu
nhân độ thế cho đến lúc lên chốn cực lạc. Nhân vật trong truyện xuất hiện dưới nhiều dạng khác
nhau, khi súc vật, khi con người khi thần thánh. Mỗi nhân vật đều có một cuộc đời riêng biệt.
Trong câu chuyện kể bao giờ cũng có mặt của Phật, có lúc Phật là một nhân vật chính diện, có
lúc là thứ yếu, có lúc là người đứng chứng kiến câu chuyện ấy.

Trong số trên 547 câu chuyện được ghi lại trong Giataca có truyện rất xưa, có thể ra đời vào
thế kỷ IV trước công nguyên. Truyện khá phong phú, súc tích, uẩn khúc, bóng bảy. Hình thức
thường là truyện kể, thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn. Phần nhiều các truyện đó có giá trị về văn hoá
nghệ thuật rất lớn, nhưng về sau đạo Phật đã lợi dụng nó, cải biến một số nội dung cho phù hợp
với giáo lý và tư tưởng của đạo Phật để làm phương tiện truyền bá đạo Phật…

Nguyên do trong phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ thời cổ đại từ thế kỷ VI trước
công nguyên, chống chế độ đẳng cấp xã hội, phê phán đạo Ba-la-môn, đả kích triết lý huyền bí
của đạo ấy, người ta đã vận dụng văn học dân gian đặc biệt là truyện cổ tích và ngụ ngôn để
minh hoạ lý thuyết, tránh dùng hình ảnh khô khan trừu tượng, làm cho tư tưởng dễ thâm nhập
vào lòng người.

Phật giáo nguyên thủy chống đạo Ba-la-môn đã thể hiện rõ tính chất nhân dân qua các
phong trào ấy. Cách truyền đạo của Phật từ những chuyện đời cụ thể qui nạp thành lời khuyên răn
luân lý.

Bản thân truyện dân gian có giá trị phê phán xã hội, văn học Phật giáo đã chịu ảnh hưởng
dân gian về nội dung và hình thức. Nhưng phần kết luận của các truyện Phật giáo lại thường theo
quan điểm đạo đức tôn giáo, xuyên tạc ý nghĩa khách quan của các truyện dân gian như ngụ ngôn
mà nó dùng để minh hoạ. Nội dung đó đã tạo nên một lối bố cục đặc biệt của các truyện trong tập
Giataca.

Cách bố cục trong mỗi truyện gồm ba phần:

1. Phần mở đầu, kể về tiền kiếp của Phật:

Bồ tát (bôđhisatva) xưa sống lẫn với người, cây cỏ súc vật, qua nhiều kiếp nên đã chứng
kiến được muôn hình vạn trạng cuộc đời trần tục.

1. Cốt truyện dân gian hoặc được giữ nguyên hoặc được cải biên hay bổ sung
thêm để minh hoạ luân lý.
2. Kết luận; Luân lý tôn giáo rút ra từ cốt truyện trên (phần nhiều là xuyên tạc
ý nghĩa khách quan của truyện dân gian).

Lấy truyện “Con cò, con cua với đàn tép”, trong tập Giacata để làm ví dụ, chúng ta cũng
thấy rất rõ cách bố cục đó:

Phần mở đầu: Bồ tát xưa kia là một vị thần cây ở bên hồ, được chứng kiến

một câu chuyện xảy ra gần đó giữa con cò, con cua và đàn tép.

Cốt truyện dân gian (kể cụ thể tình tiết câu truyện trên).

Kết luận theo luân lý tôn giáo (thường bằng văn vần)

“Ác giả ác báo xoay vần

Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường”.

Jiataca là một truyện dân gian nổi tiếng có thể so sánh với tập Panchatantra (năm tập sách
giáo huấn) hoặc bộ Hitôpađêslna (Lời khuyên tốt). Giataca trở thành sách Phật kinh điển của
người Pali, đã được truyền bá khắp các nước có đạo Phật thịnh hành, đặc biệt các nước châu Á
như Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Sri Lanka, Nepal, v.v.
(Giataca được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, v.v.)

Panchatantra (Năm tập sách giáo huấn)

Panchatantra (Năm tập sách giáo huấn) là


bộ truyện ngụ ngôn của người Ấn Độ, bắt
nguồn từ một truyện kể cổ nhất viết bằng
tiếng Xăngcơrit có tên Trantrâkhuâyika hay
gọi là “truyện kể về luân lý” ra đời vào
khoảng giữa thế kỷ II được cải biên dần cho
đến thế kỷ thứ VI mới hoàn chỉnh.
Đó là nguồn sáng tác truyền miệng của nông dân, thợ thủ công, binh lính, nghệ nhân, có cả
tu sĩ, đạo sĩ, những người hành khất ở Ấn Độ đã bất mãn với xã hội, về sau được các nhà hiền
triết sưu tập và biên soạn.

Bộ Panchatantra gồm trên 70 truyện, chia 5 tập, mỗi tập mang một chủ đề riêng.

Nội dung của truyện rất phong phú và nói chung mang ý nghĩa xã hội rất tiến bộ, có tinh
thần chống tôn giáo, phản đối vua quan cai trị, đả kích con buôn, bọn giàu sang phú quý, nêu cao
những bài học đạo đức luân lý, nêu cao lòng nhân đạo công bằng, bác ái, đề ra những cách ăn ở,
cách xử thế trong mối quan hệ xã hội, v.v.

Panchatantra có giá trị lớn về hình thức, đúc kết được nhiều câu cách ngôn, châm ngôn, ngụ
ngôn. Truyện kể chủ yếu bằng văn xuôi với giọng văn hài hước dí dỏm, châm biếm đả kích sâu
cay dùng ám dụ, ẩn dụ rất sâu sắc. Câu văn bao giờ cũng ngắn gọn và súc tích. Cuối truyện
thường kết thúc bằng một câu văn vần đúc kết ý của toàn truyện.

Từ khi ra đời, Panchatantra đã được hiện đại hoá dần dần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau
của Ấn Độ.

Tác phẩm còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, đầu tiên dịch ra tiếng Pêkhơlivi của Iran, từ đó
dịch ra tiếng Ả rập, tiếng Xyri và các thứ tiếng khác ở thời trung cổ, được dịch ra tiếng Iran từ thế
kỷ thứ VI, tiếng Ả rập thế kỷ thứ VIII, tiếng Latin vào thế kỷ VIII.
Panchatantra được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới từ Đông sang Tây, nó trở thành
một bộ truyện ngụ ngôn mẫu mực của thế giới không kém gì truyện ngụ ngôn La Phông ten và
của Êdốp.

Pancharantra trở thành một hiện tượng văn học thế giới được nhiều người nghiên cứu như
Têôđo Benphây (1809-1881), người Đức, chuyên nghiên cứu tác phẩm Panchatantra.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian cho rằng nhiều truyện cổ của nhiều dân tộc trên thế
giới đặc biệt các nước ở châu Á chịu ảnh hưởng sâu sắc truyện Panchatantra.

Ở Lào và Cam pu chia đã dịch và phổ biến từ lâu. Các tập truyện cổ Cam pu chia và Lào
phần nhiều dựa vào cốt truyện của Panchatantra rồi biến hoá thêm. Một số truyện cổ Việt Nam
cũng có ảnh hưởng nhưng không phải là nhiều lắm, tiêu biểu nhất có truyện “Mèo lại hoàn mèo”.

Ngoài ra trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ còn có một số tập truyện đáng chú ý như Tripitica
(Tam tạng), Kơthasaritsaga (Biển truyện), Hitopađêsa (Lời khuyên tốt), v.v. . .

CHƯƠNG IV. KỊCH THƠ


SAKUNTALLAH

1 Sơ lược nghệ thuật kịch cổ điển Ấn Độ

Kịch cổ điển Ấn Độ còn gọi là kịch cung đình. Kịch yêu cầu phải thể hiện cho được triết lý
tôn giáo Bà la môn , phải tôn trọng sự phân biệt đẳng cấp ( Varna) . Biên gtới của đẳng cấp là
không thể xâm phạm . Karma ( nghiệp báo) là luật thần thánh , ban thưởng kẻ có công và những
tâm hồn biết chịu đựng khổ đau, trừng phạt kẻ tội lỗi ở trần gian . Karma là quyền lực vạn năng
của định mệnh. Kịch còn phải thể hiện cho được quan niệm Maya ( ảo tưởng) . Maya bao trùm
thế giới ngoại cảnh và nội tâm . Cuộc đời trước mắt là bể khổ nhưng cũng là huyền ảo. Cần phải
vựơt qua ảo tưỏng để hoà hợp với thần linh mới tìm được Chân- Thiện -Mỹ . Nghệ thuật phải
giáo dục con gnười những tư tưởng và quan niệm kể trên. Kịch phaỉ thể hiện sự yêu ghét rõ ràng

Về mặt hình thức, tuồng, kịch Ấn Độ chưa phân ranh giới rõ ràng giữa các thể loại, nhưng
đã có mầm mống bi kịch và hài kịch.
Cách bố cục chưa thật chặt chẽ lắm, có phần giáo đầu tiếp theo có nhiều hồi, thông thường
có 7 hồi, có hồi chia hai cảnh. Ý niệm về màn lớp chưa rõ ràng. Giáo đầu giống bi kịch Hy Lạp
có đối thoại giữa diễn viên để giới thiệu tác giả. Trong kịch không chú ý tính thống nhất về thời
gian và địa điểm như luật tam duy nhất của Aritxtôt.

Nhân vật chính phải là con người lý tưởng, kiểu quân vương, anh hùng võ sĩ và thần thánh
có đủ ba tiêu chuẩn: tình yêu, anh hùng và cao thượng.

Ngôn ngữ của nhân vật được qui định rõ ràng, nhân vật đàn ông phải dùng tiếng nói bác học
Xăngcơrit, đàn bà dù quý tộc cũng vậy phải dùng tiếng Pracơrit, là khẩu ngữ thông thường của
nhân dân. Khi nhân vật đối thoại với nhau thì dùng văn xuôi, độc thoại dùng văn vần. Ca múa
đóng vai trò phụ hoạ trong kịch. Dùng vai hề để gây cười làm cho không khí của sân khấu thêm
vui. Hội hoạ cũng được sử dụng để trang trí sân khấu. Y phục của nhân vật lại loè loẹt và cầu kỳ.
Nhân vật, thường dùng động tác, cử chỉ, dáng điệu để minh hoạ ý của mình, điều này khiến cho
người xem phải dùng sức tưởng tượng để hiểu hoàn cảnh hoạt động của nhân vật. Kịch thường
đem diễn ở trong cung đình hay ở trong sân nhà của kẻ giàu sang, chưa chú trọng xây dựng rạp
hát.

Đó là những quy phạm sân khấu triều đình.

Bên cạnh đó, hình thức kịch dân gian ra đời từ lâu cũng được phát triển. Đặc biệt hình thức
kịch Natraka bắt nguồn từ những điệu múa ca ngợi thần Siva, loại Datara bắt nguồn từ lối kể
chuyện đối đáp về đời sống thần Kritxna, hoặc loại tuồng theo hình thức sân khấu tự nhiên gọi là
Lila diễn tả kỳ tích anh hùng Rama trong Ramayana.

Trong cuốn “Bàn về nghệ thuật sân khấu” (Natyashâstra) do Bharata soạn trước Kalidasa
chừng một thế kỷ đã nói đến nghệ nhân đấu tranh với thần thánh, đòi phải đem người phụ nữ vào
cung đình, đem sinh hoạt và tiếng nói của tầng lớp dưới đáy xã hội lên sân khấu.

Kịch cổ Ấn Độ kết hợp quy phạm sân khấu triều đình và sân khấu dân gian rất nhuần
nhuyễn.

2. Cuộc đời của nhà thơ Kalidasa

Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu đầy đủ và chính xác về thân thế Kalida – nhà thơ vĩ đại
của nền văn học cổ điển Ấn Độ . Theo ước đoán của các nhà nghiên cứu Ấn Độ và Châu Âu,
Kalidasa sống vào triều đại Goupta (320-530) đầu thế kỉ V , đây là triều đại phong kiến lẫy lừng
nhất của lịch sử Ấn Độ . Ông được nhà vua phong là “một trong chín viên ngọc quý” của cung
điện vua Vilramaditya (380-413)“. Truyền thuyết về ông khá nhiều ở Ấn Độ

Theo truyền thuyết, Kalidasa mồ côi cha mẹ từ sớm , được một người chăn bò nuôi nấng,
lớn lên tính tình đần độn nhưng khoẻ mạnh, mặt mày sáng sủa khôi ngô , chàng được một công
chúa xinh đẹp đem lòng yêu mến . công chúa xin vua cha cho cưới chàng Kalidasa . Vua cha ưng
thuận, nàng lại cầu xin nữ thần Kali – thần trí tuệ , truyền trí thông minh cho chàng , từ đó chàng
được gọi là “ Kalidasa “ nghĩa là” nô lệ của thần Kali “. Kalidasa tiếp xúc với cuộc sống sôi nổi
của “ thời đại hoàng kim” – thời đại nền kinh tế và văn hoá Ấn Độ phát triển rực rỡ trong thời kì
phong kiến đang thịnh đạt . Tiếp thu cảm hứng dồi dào từ các bộ kinh Veđa , thần tích Purama ,
các sử thi Ramayana và Mahabharata và kho tàng văn hcọ dân gian khác của Ấn Độ mà Kalidasa
đã sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật Ấn Độ . Ông để lại
nhiều tác phẩm hnư : 03 vở kịch , Urvasi, Mallahvika và Sakuntallah , hai tập trường ca và một
số thơ trữ tìnhtrong đó nổi bật là bài thơ Megaduta ( Sứ mây). Đặc biệt vở kịch thơ Sakunt allah
nổi tiếng khắp thế giới .

Mười lăm thế kỉ đã trôi qua, Kalidasa vẫn chiếm địa vị độc tôn “ chúa Thơ” của nền văn
học Ấn Độ . Nhà thơ đã vận dụng và phát triển cao độ tính hình ảnh và uyển chuyển của thơ ca
Sanskrit và văn chương dân gian Ấn Độ đến cao độ để ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên
nhiên và đất nước Ấn Độ .

Với thành tựu rực rỡ về nghệ thuật và tầm cao tư tưởng , Kalidasa xứng đáng là bông hoa
tươi đẹp của nghệ thuật nhân loại , niềm tự hào lớn lao sâu sắc của nhân dân Ấn Độ và nhân dân
châu Á.

3. Vở kịch Sakuntallah

3.1 Cốt truyện

Vở kịch bắt nguồn từ mảng truyện kể dân gian trong bộ sử thi Mahabharata, được nhà thơ
cải biên chi tiết cho phù hợp với qui phạm sân khấu cung đình , đồng thời phát triển chủ đề tình
yêu .

Nhân vật thứ nhất là Dusanta , vị vua trẻ tuấn tú một ngày kia vào rừng sâu săn bắn , tình cờ
lạc vào vườn tu của đạo sĩ Kanwa . Đạo sĩ đi vắng , vua trẻ chỉ gặp nàng SakuntAllah nữ tu trẻ
con nuôi của đạo sĩ . Trước sắc đẹp rực rỡ của nữ tu , nhà vua say mê không thể bỏ đi .
Sakuntallah e thẹn nhưng ngọn lửa tình đầu đã bừng cháy . Họ tỏ tình với nhau . Nàng dùng
mng1 tay đề thơ trên lá sen để thổ lộ tâm tình . Hai người ưng thuận kết hôn theo tục lệ Gandarva
( phong tục một số vùng núi phía bắc – trai gái tự ý kết hôn, sau mới thông báo với gia đình) .
Trước khi từ biệt về kinh đô theo tin nhắn của hoàng hậu và triều đình, Dusanta cùng nàng thề
thốt chung thuỷ, vua tặng nàng chiếc nhẫn khắc tên Dusanta làm tin , hẹn sẽ cho sứ giả đến đón
nàng vào cung điện làm hoàng hậu . Tháng ngày trôi qua , nàng chờ đợi tin vua nhưng vẫn biệt
tăm , nàng nhớ nhung sầu muộn, biếng ăn biếng ngủ , xao lãng công việc chăm sóc vừon tu. Một
hôm có vị đại đạo sĩ tên Durava đi hành hương ngang qua vườn ghé vào xin nghỉ trọ . Vì đang
ngẩn ngơ buồn rầu, Sakuntallah vô tình không chào hỏi đón tiếp vị đại thánh Durava . Durava là
một đạo sĩ khó tính đến độ khắc nghiệt đã nổi cơn giận dữ kết tội aønng vô lễ . Đạo sĩ đọc thần
chú nguyền rủa người yêu của nàng sẽ bị mất trí nhớ, quên hẳn Sakuntallah . Hai ngưòi bạn nữ tu
của Sakuntallah đến van xin đạo sĩ rút lại lời nguyền mà giảm tội cho nàng . Đạo sĩ bằng lòng sửa
lại lời nguyễn rủa :nếu người yêu của nàng nhìn thấy lại chiếc nhẫn kỉ niệm thì trí nhớ sẽ được
phục hồi. Hai bạn gái cho Sakuntallah biết điều đó thì nàng càng thêm sầu muộn , lúc này nàng
biết mình đã có thai . Ở triều đình, quả nhiên vua trẻ Dusanta đã quên lãng người yêu nơi rừng
núi.

Đạo sĩ Kanwa trở về vừon tu, thiên thần báo cho ông bhiết rằng nàng Sakuntallah đã được
đấng tối cao Brahma cho kết duyên với vua Dusanta và sẽ sinh hoàng tử vinh quang sau này.
Theo tục lệ tôn giáo, con gái đã kết hôn thì không được ở lại nhà mình mà phải đến ở nhà chồng,
đạo sĩ Kanwa buộc lòng phải phái sư nữ Gotami và hai môn đệ trẻ dẫn nàng Sakuntallah về triều
đình tìm chồng .

Buổi chia tay giữa nữ tu Sakuntallah với cỏ cây muông thú, ngưòi thân trong rừng tu là một
trường đoạn trữ tình cảm động lưu luyến lạ lùng.

Sakuntalah cùng đoàn đã đến triều đình, xin vào gặp nhà vua . Mặc dù nàng đã trình bày hết
mọi chuyện nhưng nhà vua trẻ Dusanta không nhận ra nàng. Hai bạn gái nhắc nàng rút chiếc
nhẫn kỉ vật trao cho vua. Nhưng khi nàng tìm chiếc nhẫn thì mới hay đã bị rơi khi qua sông
Hằng. Nhà vua nổi giận, càng nghi ngờ, nàng đành cố kể lại những lời riêng tư họ nói với nhau
lúc tự tình trong rừng với bao xấu hổ, nhưng vẫn vô hiệu . Nhà vua còn xỉ mắng nàng là kẻ gian
trá. Thanh danh bị xúc phạm nặng nề, nàng đã không kìm nén được nữa. Nàng đứng lên dõng dạc
giữa triều thần kết tội tên vua bội bạc tráo trở. Các nữ tu khuyên ngăn, bảo nàng đã lấy chống thì
sống chết theo chồng như tục lệ tôn giáo, vẫn phải ở lại hoàng cung. Họ bỏ nàng ở lại một mình,
quay lại rừng tu . Trong cảnh đơn độc tuyệt vọng, Sakuntallah kêu khóc thảm thiết , nàng cầu
thiên thần cho nàng lên chốn vĩnh hằng . Một đám mây mù hạ xuống đón nàng đi .

Ít lâu sau có người dân chài đem một con cá lớn bán ở kinh thành, khi mổ cá bán , ông thấy
chiếc nhẫn, cũng rao bán luôn. Lính triều đình nhìn thấy nhẫn có khắc tên vua liền bắt ông chài
vào triều . Nhà vua thấy hnnẫ thì phục hồi trí nhớ . nhớ ngay Sakuntallah . Lòng hối hận và
thương nhớ càng dày vò nhà vua trẻ ., cho người đi tìm kiếm khắp các rừng nhưng vô hiệu. Buồn
rầu, vua cố vẽ một bức tranhvề nàng Sakuntallah để xem ngắm cho khuây . . . Bảy năm sau,
Dusanta theo lệnh Đấng tối cao đem quân đi đánh bọn ma quỷ thắng lợi , được Đấng tối cao cho
hai vợ chồng đoàn tụ chốn thiên đường . Nàng và đứa con trai theo vua về vương quốc. Con trai
đặt tên là Bharata sau lên nối ngôi cha cai trị đất nước .

3.2. Kalidasa đã kế thừa và phát huy truyền thống kịch cổ điển qua vở kịch
“Sakuntallah” nổi tiếng của mình.

Kalidasa vốn là tín đồ và chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Ba-la-môn, và nhà soạn kịch cung
đình này ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng quan điểm nghệ thuật của giai cấp thống trị quý tộc, ông
cũng không thể xa rời được quy phạm khe khắt của thơ ca và sân khấu triều đình. Tuy thế tinh
thần nhân đạo, nghệ thuật kịch dân gian của Ấn Độ đã có ảnh hưởng rất lớn đến thiên tài của
Kalidasa.

Kalidasa đã tuân thủ quy phạm và hình thức trên đây để thể hiện một hình tượng Dusanta
mang đầy đủ lý tưởng của thời đại.
Chính trong lúc tuân thủ những quy phạm đó mà ngòi bút hiện thực tài tình của Kalidasa đã
len lỏi vào làm rạn nứt những quy phạm cứng nhắc, thậm chí biến yếu tố thần linh làm phương
tiện để biểu hiện cuộc sống sôi động của xã hội.

3.3. Tập trung ca ngợi tình yêu chân thực và trong sáng

Tình yêu phần nhiều trở thành đề tài chủ yếu trong các vở kịch cổ Ấn Độ mà Sakuntallah là
tiêu biểu.

Sakuntallah tuy sống cuộc đời khổ hạnh ở trong rừng, ngày ngày lễ bái, tụng niệm, ăn hoa
quả, mặc áo vỏ cây, uống nước suối theo đúng lễ giáo nhưng lại không hề vướng mùi khổ hạnh.
Tình yêu của nàng đã phá tan thành quả tu luyện khắc khổ của nàng.

Gặp Dusanta, một ông vua sùng đạo, nhưng lại là chàng trai khôi ngô tuấn tú, bỗng trong
lòng mình rực lên ngọn lửa tình, ngọn lửa đó đã đốt cháy cái hàng rào đẳng cấp, địa vị đang ngăn
cách nàng với vị vua, nàng quên hẳn những lời tâm niệm của nàng trước vị thần khổ hạnh, giờ
đây nàng chỉ biết trái tim của nàng đã thuộc về Dusanta. Nàng chỉ biết rằng trong khu rừng già
yên tĩnh này chỉ có nàng và một chàng trai trẻ Dusanta đang yêu nhau.

Dusanta cũng yêu Sakuntallah một cách tự nhiên và chân thành. Mặc dù trong đầu óc của
Dusanta đang bị bóng ma tôn giáo và đẳng cấp ám ảnh, miệng luôn luôn thanh minh với anh hề là
không yêu, nhưng trái tim thì lại quá rạo rực, quá khao khát với tình yêu như “Kim chỉ nam sáng
suốt đưa đường vào chân lý” và sẵn sàng “Hoan nghênh cái chết miễn là chính người yêu của
mình sẽ tuân lệnh thần ái tình làm người đao phủ”.

Tình yêu hồn nhiên, sáng chói đó, được thiên nhiên ấp ủ, được lòng người che chở, đã sưởi
ấm cái không khí lạnh lẽo âm u trong cái vườn tu này.

Đẳng cấp, nghiệp báo, ảo tưởng, những đòi hỏi đó trong qui tắc của nội dung kịch đã bị
Kalidasa hạ xuống hàng thứ yếu trong vở kịch để làm nổi bật lên sự chiến thắng của tình yêu, một
hiện thực rất sinh động.

Xung quanh Sakuntallah là một cảnh tượng ma quỉ rùng rợn, tác oai tác quái, xác rắn quấn
quanh vòng ngực, chim muông và kiến làm tổ trên tóc, những tu sĩ Ba-la-môn, nhưng tất cả
không làm giảm vẻ đẹp của Sakuntallah và khung cảnh của tình yêu, nàng vẫn nở nụ cười tươi trẻ
trong cuộc sống khổ hạnh:

“Bên những ẩn sĩ u uất đó

Nàng như nụ tươi thắm giữa lá vàng khô”

Kalidasa đã đưa cái chất trữ tình đó vào kịch để làm nổi bật ý nghĩa đối lập giữa tình yêu và
tôn giáo.
3.4. Tố cáo uy quyền của chế độ và lễ giáo phong kiến.

Kalidasa đã dựng lên một cuộc đấu lý rất sinh động giữa Dusanta với Sakuntallah ở màn V.
Nhà vua bị phê phán là người giả dối, đổi trắng thay đen, nuốt mất lời hứa. Đó là những lời tố cáo
làm lay động địa vị và uy quyền của nhà vua giữa chốn cung đình uy nghiêm tưởng như không
bao giờ có thể xảy ra những cơn sóng gió đó được.

Sakuntallah đã dũng cảm vạch trần giọng lưỡi của các thầy tu bênh vực nhà vua, bênh vực
uy quyền của lễ giáo Ba-la-môn:

“Con người võ sĩ suy bụng ta ra bụng người. Thật không có gì nham hiểm cho bằng, cứ
đứng trơ trơ như con ong núp trong áo đạo đức và tôn giáo để đánh lừa thiên hạ như cái miệng
hầm sâu há hốc che đậy bằng những chùm hoa tươi chúm chím”.

Nhà vua cự tuyệt tình yêu vì địa vị của mình, hai tu sĩ trẻ và Gôtami cùng đi với nàng sau
khi giúp nàng đấu tranh với nhà vua không được, họ chán chường và bất lực quay trở về chốn
rừng già, bắt buộc nàng phải ở lại với chồng, vì nàng đã có chồng, không có quyền bỏ về nhà cha
mẹ được, lễ giáo đã quy định như vậy:

“Nếu đúng như nhà vua đã kết tội

Thì thân phụ không thể nào cho chị về nhà

Vì bằng lương tâm chị

Có thể chứng giám cho tâm hồn chị trong trắng

Thì dù chồng có bắt làm nô lệ

Cũng vui cười mà chịu đựng chị ơi?

Đã là người của nhà chồng phải thế”.

Đó là sợi dây oan nghiệt của luật lệ hôn nhân phong kiến đã ràng buộc SakuntAllah, cái đạo
“tòng phu” của chế độ phụ quyền ấy nàng nghe đến phải run sợ, nàng không dám chạy theo đoàn
thân nhân của mình. Nàng đứng đơn độc khóc than thảm thiết giữa chốn cung đình.

Số phận nàng đã quyết định, nàng phải rời bỏ cái trần thế độc ác đã giày xéo lên hạnh phúc
của nàng, nàng kêu gọi thiên thần hãy cứu nàng, trả nàng trở về nơi mẹ nàng đã sinh ra nàng.
Thiên thần xúc động trước tiếng khóc nức nở và mở rộng lòng đón nàng. Đời nàng đến đó là hết,
nhưng tâm hồn nàng thì sống mãi.
Sự thực làm gì có chuyện Dusanta lên xứ sở thiên thần dẹp loạn sau 7 năm quay về tái ngộ
với vợ con. Đó là quan niệm nghiệp báo (Karma) của tôn giáo Ba-la-môn buộc Kalidasa phải
tuân thủ.

Tuy phục tùng cái hậu ấy nhưng Kalidasa đã chen cái hiện thực vào. Trong truyện dân gian
không có chuyện Đurava đọc thần chú bắt vua phải quên Sakuntallah mà nhà vua quên thực sự.
Kalidasa thêm chi tiết này vào để tránh kết án nhà vua và tăng thêm kịch tính tạo ra sự hấp dẫn
của kịch.

Chiếc nhẫn bị đánh rơi cũng vì số mệnh, may thay một người chài lưới cùng đinh bắt được,
đem trả lại cho vua, trí nhớ vua được phục hồi, tình yêu đã trở lại với Dusanta, hạnh phúc của
Sakuntallah được khôi phục. Rõ ràng ở đây nhân định thắng thiên, mặc dầu định mệnh là quyền
lực vạn năng không sao cưỡng nổi những khát vọng và ước mơ của con người đã chiến thắng.

Kalidasa đã đưa hình ảnh người cùng đinh lên sân khấu để đề cao tâm hồn cao đẹp của họ.
Đó là hình ảnh đối lập với thói khinh miệt, hám tiền, hám của, xu nịnh của bọn quần thần trong
cung đình, nó có ý nghĩa phê phán và tăng thêm giá trị hiện thực thể hiện tinh thần nhân đạo và tư
tưởng tiến bộ của Kalidasa.

3.5 Kín đáo châm biếm vua chúa và quần thần một cách sâu sắc

Chịu ảnh hưởng tính lạc quan, yêu đời, cách giễu cợt hóm hỉnh trong các truyện dân gian
Ấn Độ, Kalidasa đã xây dựng vai hề, nữ tỳ, hai người bạn gái, người chài lưới, v.v. và qua tính
cách và hành động của họ để châm biếm vua, các quần thần một cách sâu sắc và kín đáo.

Lời lẽ Dusanta đẹp thật, nhưng nhiều khi mất hết chân thực và nghiêm chỉnh bên cạnh
những câu pha trò đùa cợt của anh hề.

Ở hồi II, V, VI, anh hề đã gây ra những chuyện xích mích, chuyện ghen tuông giữa cung
thần mỹ nữ khiến chúng ta nghĩ đến vua là con người chỉ biết hưởng lạc nhiều hơn là chân thành
yêu một sơn nữ.

Trong hồi VI, nhà vua khóc than kể lể tỏ ra thương thân trách phận mình nhiều hơn là yêu
thương vợ. Khóc là vì vua nghĩ đến mình không có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ
tiên dòng họ Puru.

Vua cũng là con người trần, cũng biết yêu thương nhưng do địa vị và hoàn cảnh mà cũng dễ
thay lòng đổi dạ, thiếu đức hy sinh và cao thượng trong tình yêu như các nam nữ thanh niên
thuộc tầng lớp xã hội khác.

Nếu không để ý thì khó mà thấy được những ẩn ý sâu này của Kalidasa.

3.6 Vận dụng những truyền thống nghệ thuật của văn học cổ điển Ấn Độ
Qua tác phẩm Sakuntallah, người ta cho rằng Kalidasa là bậc thầy về mỹ từ pháp, là người
am hiểu khá sâu sắc tiếng nói giản dị, cụ thể, trong sáng và véo von của quần chúng nhân dân.
Ông thường chú trọng khai thác và làm nổi bật những hình ảnh đẹp của thiên nhiên.

Trong tác phẩm ta đã bắt gặp dòng sông Malini lững lờ trôi chảy trong những ngày xuân ấm
áp, cảnh bình minh tươi mát, sườn đồi xanh tươi dưới dãy núi Hymallahya hùng vĩ, những con
công, con tu hú, ong bướm, hươu nai, hoa sen, hoa huệ, hoa nhài luôn luôn chan hoà và điểm tô
cho câu chuyện thêm trữ tình.

Kalidasa còn có sở trường đặc biệt là dùng ẩn dụ, tỉ dụ, nhân cách hoá không kém gì văn
chương hiện đại. Sử dụng thần thoại, phương ngôn, thành ngữ một cách sinh động. Kế thừa và
vận dụng chất trữ tình trong trường ca Ramayana và Mahabharata rất sâu sắc và tinh tế.

3.7 Sakuntallah với nền văn học Ấn Độ và thế giới


“Mong sao cho đấng Saravati

Là nguồn ngôn ngữ là nữ thần nghệ thuật

Được mọi người tài đức mãi mãi kính yêu”.

Kalidasa theo quy phạm của kịch cổ điển đã kết thúc vở kịch của mình bằng lời thơ như
vậy.

Mười lăm thế kỷ qua, Kalidasa vẫn chiếm được địa vị “chúa thơ” trong văn học Ấn. Thật
vậy, khó tìm lại được một vài nhà viết kịch thơ nào đầy tài năng như Kalidasa.

Sau Kalidasa có vua Harsha đã soạn ba vở hí khúc được diễn đi diễn lại trong mấy thế kỷ.
Trăm năm sau một người Ba-la-môn ở vùng Bêra tên là Bhavabhuti soạn ba vở kịch về đề tài tình
yêu được xem có giá trị như kịch của Kalidasa, nhưng thực sự hình thức văn chương kịch của hai
ông trên cũng không vượt nổi Kalidasa.

Sakuntallah từ khi ra đời đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nền văn học nghệ thuật
Ấn. Nhiều văn nghệ sĩ đã dựa vào nội dung để xây dựng nhiều hình thức nghệ thuật khác để biểu
diễn như kịch nói, điện ảnh, ca vũ kịch, ngay các ngành hội họa, ngôn ngữ học cũng tìm thấy
những vấn đề để nghiên cứu và sáng tác.

Kịch Sakuntallah đến với thế giới cũng rất sớm và có ảnh hưởng sâu rộng. Năm 1739 ở
châu Âu, bản dịch bằng tiếng Anh của Uyliam Giôn (William John) ra đời, đã gây nên một luồng
gió phấn khởi trong văn học, khiến đại văn hào Đức Gớt (Goethe) viết:

“ Nếu muốn có một tiếng ôm ấp được cả hoa mùa xuân và quả mùa thu

Một tiếng làm đắm say, nuôi dưỡng và thoả mãn được tâm hồn
Nếu muốn có một tiếng bao gồm cả trời đất

Thì tôi gọi Sakuntallah !


Tiếng đó nói lên tất cả! ”

Có người cho rằng Gớt đã mượn ý của Kalidasa mà tạo cho kịch Phaoxtơ (Faust) một đoạn
mở đầu.

Sakuntallah đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được soạn thành nhạc kịch, ca
vũ kịch diễn nhiều nơi.

Caramzin, nhà văn Nga đã dịch Sakuntallah năm 1792 với lời giới thiệu:” Đối với tôi,
Kalidasa cũng vĩ đại như Homerơ”.

Ở Việt Nam, năm 1957 nhân dịp thế giới kỷ niệm Kalidasa, kịch Sakuntallah cũng được
dịch và giới thiệu vài đoạn. Năm 1962 được dịch toàn bộ tác phẩm. Năm 1982 lần đầu tiên Đoàn
Chèo trung ương dựng vở kịch Sakuntallah do nhà thơ Lưu Quang Vũ biên soạn .

CHƯƠNG V. SƠ LƯỢC VĂN HỌC HIỆN ĐẠI ẤN ĐỘ. PREM CHAND NHÀ VĂN
HIỆN THỰC LỚN

Sau khi thực dân Anh tiến hành xâm lược và đặt ách thống trị trên đất nước Ấn Độ ,
khoảng từ đầu thế kỉ XIX trở đi nền văn học hiện đại Ấn Độ có những chuyển biến sâu sắc

Cùng với các mặt chính trị , kinh tế , văn hoá Ấn Độ có những biến đổi quan trọng . Thực
dân Anh lập ra những trường trung học và một số đại học dạy theo chương trình Châu Âu , lấy
tiếng Anh làm chuyên ngữ , nhằm mục đích đào tạo lớp người bản xứ làm tay sai cho họ . Nền
văn hoá Phương Tây và văn hoá Anh đã có điều kiện thâm nhập vào nền văn hoá cổ truyền phức
tạp Ấn Độ. Tầng lớp thượng lưu và trí thức trẻ Ấn Độ tiếp thu những trào lưu tư tưởng và văn
học Phương Tây và Anh. Công nghiệp in ấn phát triển ở Ấn Độ , lúc đầu in chữ Anh, sau đó in
chữ Phạn (Sanskrit) và các chữ dân tộc Ấn khác. Một số báo chí đã hoạt động là phương tiện
ngôn luận đại chúng tạo đà và triển khai một nền văn học mới.

Sự chuyển biến đầu tiên của nên văn học hiện đại Ấn Độ bắt đầu từ một phong trào cải cách
đạo Hindu mà thủ lĩnh là Ram Mohan Ray (1772-1833) – người cha đẻ về tinh thần của đất nước
Ấn Độ mới. Ông là một trí thức uyên bác, hiểu sâu sắc cả nền văn hoá truyền thống Ấn Độ và cả
văn hoá Phương Tây, thông thạo tiếng phạn, Ba Tư, Arập và tiếng Anh . Mohan Ray đã bảo vệ và
cách tân đạo Hindu, gạn lọc các giá trị truyền thống của tôn giáo này , loại trừ các hủ tục tệ lậu ,
tiếp thu và hỗn dung nó với những tinh hoa văn hoá Phương Tây đậm tính duy lý. Về văn học và
ngôn ngữ, ông dịch các bộ kinh Vedanta và Upanisad ra tiếng Bengali, chủ trương phổ viến văn
xuôi vốn đang bị hạn chế. Mohan Ray chính là người đặt nền móng cho nền văn học mới Ấn Độ
về mặt tư tưởng.

Sau giai đoạn chuyển tiếp khoảng nửa thế kỷ, nền văn học Ấn Độ mới có những bước tiến
lớn lao vào cuối thế kỷ XIX. Văn xuôi ngày càng phát triển. Các tiếng dân tộc địa phương cũng
góp mặt vào văn học. Xứ Bengal trở thành trung tâm lớn và tiếng Bengali đi đầu trong các phong
trào văn học. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng văn hoá Phương Tây sớm nhất và sâu sắc nhất.
Sau tiếng Bengali là tiếng Hindi và Uordu (trung gian của tiếng Hindi và Arập) là kết quả giao
lưu Ấn-Hồi. Một số tác giả người Ấn Độ bắt đầu viết văn bằng tiếng Anh .

Bước sang thế kỉ XX, nền văn học Ấn Độ được tiếp thêm hơi thở của tính dân tộc và thời
đại biến chuyển. Phong trào dân tộc Ấn Độ trước hết là những hoạt động của Đảng Quốc đại và
vai trò của Gandhi đã ảnh hưởng lớn đến tiến trình văn học. Nhiều nhà văn Ấn Độ cũng là những
chiến sĩ đấu tranh chính trị do Gandhi khởi xướng. Mặt khác , ảnh hưởng của cách mạng Tháng
Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân Ấn Độ, nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa
Liên Xô đã là những nhân tố tác động đến tư tưởng và nội dung tác phẩm của nhiều nhà văn Ấn
Độ. VAllahton (1978-1958) là nhà thơ Ấn Độ đầu tiên chào mừng cách mạng vô sản Nga với bài
thơ Ngày 7 tháng 11. Chatopadya ( sinh 1898) nhiệt tình ca ngợi Liên Xô và phong trào cách
mạng công nông thế giới bằng các bài thơ Lê Nin, Hồng quân và tập thơ Búa liềm. Một số tác
giả đã đi sâu vào vấn đề quan hệ giữa truyền thống và Đổi Mới, giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ
nghĩa quốc tế, phân tích những vấn đề đó dưới những góc độ mới.

Nét đáng chú ý trong nền văn học cận hiện đại Ấn Độ là sự tồn tại song song nhiều dòng
văn học có những khuynh hướng tư tưởng khác nhau. Chất liệu nền tảng tạo nên nguồn cảm hứng
cho các tác phẩm văn học vẫn là những cảm xúc và suy tư tôn giáo mang tính truyền thống, rút ra
từ những cuốn sách kinh và kho tàng truyền thuyết và thần thoại Ấn Độ. Tuy nhiên đạo Hindu
giờ đây không còn giữ được những dáng vẻ nguyên sơ ngày xưa, mà đã được cách tân, phần nào
dung hợp với các trào lưu tư tưởng tôn giáo khác của Phương Tây như các học thuyết triết học tư
biện, các khuynh hướng tư tưởng dân chủ tư sản, tình yêu con người Cơ đốc giáo . . .

Bên cạnh dòng văn học mang tính tôn giáo truyền thống, thời kì này ở Ấn Độ còn xuất hiện
một số dòng văn học mới. Chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn Tây Âu thế kỷ XIX,
trước hết là chủ nghĩa lãng mạn Anh, một dòng văn học lãng mạn nhân đạo cũng xuất hiện ở Ấn
Độ từ nửa sau thế kỉ XIX, với các gương mặt tiêu biêủ như Madusudan Datta và Bankim Sandra.
Tình yêu thiên nhiên và con người, tình yêu đất nước, chủ nghĩa anh hùng mã thượng . . . là
những đề tài ưa thích của các nhà văn này.

Một dòng văn học khác ngày một lớn mạnh là dòng văn học hiện thực phê phán . Các tác
giả này một mặt đề cập và phân tích những vấn đề xã hội truyền thống Ấn Độ như vấn đề đẳng
cấp, vấn đề tự do , hôn nhân và quyền sống của người phụ nữ . Mặt khác họ đã miêu tả đời sống
cực khổ về cật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân lao động như nông dân công nhân lao
động nghèo. . . Đại biểu xuất sắc của trào lưu văn học này là Prem Chand. Một số tác giả trong
dòng văn học này ngày càng đi đến lập trường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa .

Một dòng văn học mới có tính chất chủ đạo và ảnh hưởng quan trọng đến các dòng khác là
dòng văn học yêu nước- dân tộc. Qua văn thơ , tác giả khơi dậy tâm hồn Ấn Độ , những giá trị
văn hoá truyền thống, lòng yêu nước , sức mạnh tiềm tàng của nền văn hoá cổ kính và niềm tin
vào tương lai . Ông Mahatma Gandhi lãnh tụ chính trị vĩ đại của Ấn Độ người suốt đời đấu tranh
cho tự do và hạnh phúc của nhân dân Ấn Độ đồng thời cũng là một người viết văn . Nữ thi sĩ
Sarojini Naidu được mệnh danh là “ con chim hoạ mi Ấn Độ “đã viết những vần thơ yêu nước
cháy bỏng để phục vụ cho các hoạt động chính trị xã hội của bà.

Tất cả những tinh hoa của các dòng văn học nói trên đã được tổng hợp lại trong một hiện
tượng văn học độc đáo mang tầm cỡ quốc tế ở Ấn Độ vào đầu thế kỉ XX . Đó là Rabindranath
Tagor . Ở Tagore có sự kết hợp nhuần nhuyễn gữa chủ nghĩa tâm linh, chủ nghĩa lãng mạn , chủ
nghĩa hiện thực xã hội , chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế . Với Tagore, văn học hiện đại
Ấn Độ đã chiếm được vị trí xứng đáng trong nền văn học thế giới.

SUMITRA NANDAN PANT (sinh năm 1900)

Pant là nhà thơ lớn hiện đại Ấn Độ, viết bằng tiếng Hindi, có khuynh hướng lãng mạn, dân
tộc, pha màu sắc tượng trưng. Ông sinh tại một vùng hoành sơn thuộc dãy HimAllahya, từ nhỏ
ông đã say mê một tình yêu thiên nhiên Ấn Độ .

Thời sinh viên, Pant tham gia phong trào đấu tranh bất hợp tác do M. Gandhi đề xướng .
Năm 1921 ông bỏ học đại học , để sau đó chuyên làm thơ , nghiên cứu văn học và triết học . Pant
cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nhà thơ Tagore và trường phái lãng mạn Anh.

Tập thơ Bản năng trẻ của Pant được coi như bản tuyên ngôn của trường phái thơ trữ tình
lãng mạn Ấn Độ . Lời thơ của Pant giàu hình ảnh đồng thời mang tính chất triết lý , bộc lộ khát
vọng tâm linh và nhân đạo của con người . Có một thời gian khoảng giữa những năm , thơ Pant
đã đề cập đến những vấn đề xã hội và tư tưởng chống đế quốc .

Ông đã được tặng giải thưởng của Viện hàn lâm văn học Ấn Độ .

MULK RAJ ANAND (sinh 1905)

Anand là nhà văn hiện thực nổi tiếng của văn học Ấn Độ. Sinh ra ở vùng Penjab ,tây bắc
Ấn Độ , theo học lịnh sử triết học, nghệ thuật và văn học ở Anh . Trở về Ấn Độ , ông viết báo và
dạy đại học ở Bombay , viết văn bằng tiếng Anh và có nhiều ảnh hưởng ra nước ngoài. Trong các
tác phẩm , Anand đề cập những vấn đề tâm lý xã hội của tầng lớp hạ lưu sống ngoài lề xã hội ,
lên tiếng bênh vực quyền lợi của những con người đáng thương ấy . Ông còn là nhà hoạt động
chính trị chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác , ông còn là một chiến sĩ quốc tế chống phát xít và
bảo vệ hoà bình , được nhận giải thưởng Hoà bình quốc tế năm 1954.

Những tác phẩm quen thuộc của Mulk Anand là Kẻ cùng đinh (1935) , Cu li (1936) , Hai
lá một chồi (1937) , tiểu thuyết bộ ba: Làng ; Ngoài vũng bùn ; Kiếm và liềm (1939) , Trái tim vĩ
đại và nhiều truyện ngắn khác. Trong đó tác phẩm chính của Anand là tiểu thuyết Cu li (1936) đã
dịch ra tiếng Việt . Tác phẩm miêu tả cuộc đời của một thiếu niên nông thôn Ấn Độ bị đẩy ra
thành phố làm đủ mọi nghề kiếm sống vất vưởng , lầm than , bị bọn nhà giàu bóc lột và khinh rẻ ,
cuối cùng anhđi làm cu li kéo xe và kết thúc cuộc đời bằng một cái chết bi thảm . Tác phẩm được
dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài .

PREM CHAND nhà văn hiện thực lớn của Ấn Độ

(1880-1936)
Sinh ngày 31 tháng 7 năm 1880 tại làng Lamnhi gần thành phố Benares , trong một gia đình
nông dân nghèo . Lên bảy tuổi mồ côi mẹ , đến 15 tuổi theo tục lệ tảo hôn Prem lấy vợ , một năm
sau cha mất . Từ đó ông sống cuộc đời tự lập , lao động nặng nhọc kiếm sống, kiếm tiền đi học và
nuôi gia đình . Rồi ông bỏ dở việc học lên tỉnh làm gia sư trong một gia đình luật sư . Lão chủ
keo kiệt , đối xử tồi tệ , cho ông ở một góc xép tối tăm trên chuồng ngựa , Prem phải tự nấu ăn .
Ngoài giờ dạy thêm ông còn đi chép bài thuê cho những sinh viên con nhà giàu . Sống ở gác xép ,
Prem tìm được cái thú đọc sách , kiến thức mở rộng , đặc biệt tiếp thu được tư tưởng tiến bộ của
nhà văn Ấn Độ và thế giới. Sách vở khiến ông rung cảm sâu sắc với số phận những con người
đau khổ và nghĩ về đời mình. Ông muốn hoà nỗi khổ bản thân với nỗi đau chung của mọi người .
Chỉ có cách là viết văn ! Prem Chand hạ quyết tâm bắt đầu viết văn từ đó .

Ông nhờ một người bạn thân xin cho làm giáo viên tiểu học . Gần gũi trẻ em , ông bắt đầu
sáng tác cho thiếu nhi những đứa bé đáng yêu của mình . Ông viết lại những mẩu chuyện rút từ
cuốn sử thi Ramayana , Mahabharatha . . . để giáo dục lòng yêu nước, yêu truyền thồng văn hoá
dân tộc cho các em .Từ năm 1911 trổ đi ông viết rất nhiều , từ việc dịch truyện của Tagore tiếng
Bengan sang tiếng Hindi , đến 1907 ông viết truyện ngắn và các bài phê bình văn học đăng trên
tạp chí Thời Đại.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ , Prem Chand cho ra đời tập truyện ngắn Đất nước
bỏng lửa . Đây là bản cáo trạng hùng hồn đối với bọn đế quốc Anh , qua đó kêu gọi nhân dân
vùng dậy đấu tranh giải phóng đất nước . Sáu tháng sau khi sách phát hành, sách bị kết án là «
cuốn sách phản quốc » . Ông bị Sở mật thám gọi đến cảnh cáo , sách bị tịch thu , 500 cuốn bị
đốt . Kế tiếp ông lại viết các tiểu thuyết Việc nhà , Tổ ấm của tình yêu phản ánh cuộc sống cơ
cực ở nông thôn .
Sau hai mươi năm sống cuộc đời nhà giáo nhạt nhẽo , cơ cực ông chuyển hẳn đi làm báo .
Năm 1929 ông làm chủ bút tờ báo Đẹp, tuyên truyền phát triển tiếng Hindi , giáo dục tinh thần
yêu nước và giải phóng dân tộc . Trong phong trào « bất hợp tác” của Mahatma Gandhi , ông
xuất bản tở tạp chí văn nghệ hàng tháng đặt tên là Cười , phục vụ phong trào và đặt nền tảng cho
việc thống nhất phong trào văn học nghệ thuật toàn quốc . Mặc dù bọn thống trị tìm mọi cách
xoá bỏ tờ báo nhưng do tinh thần đấu tranh bền bỉ của ông mà tạp chí Cười keró dài tới năm 1936
.

Trước kia ông chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của Gandhi nhưng về sau chứng kiến
cảnh đàn áp dã man của đế quốc Anh và giai cấp thống trị tay sai , ông nhận rõ được bản chất
thoả hiệp đầu hàng của giai cấp tư sản Ấn Độ, hiểu rõ phong trào đấu tranh của giai cấp công
nhân , nông dân, trí thức ngày càng sôi nổi , Prem Chand giác ngộ , tích cực ủng hộ đường lối
cách mạng của Đảng Cộng sản Ấn Độ . Trong phong trào đó , ông đã hoàn thành kiệt tác Godan,
được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội các nhà văn tiến bộ Ấn Độ. Về học thuật, ông chịu ảnh
hưởng của các các nhà văn hiện thực Anh như Thaccerey, Charles Dickens, các nhà văn Nga
Liev Tolstoi, Turguenev, Gorky . . .

Nhà văn Prem Chand mất ngày 3 tháng 10 năm 1936 , để lại 12 cuốn tiểu thuyết, 2 vở kịch ,
200 truyện ngắn, nhiều tiểu luận tạp văn bút ký và những bài phê bình văn học . . . Xuất thân
là người nghèo khổ bị áp bức, từ khi cầm bút cho đến lúc tắt thở , nhà văn Prem Chand luôn luôn
trung thành với phương châm viết văn của mình là : « Bảo vệ những người bị áp bức là nhiệm vụ
tất yếu của các nhà văn », « văn nghệ phản ánh hiện thực là văn nghệ chân chính ».

Danh hiệu « ông hoàng tiểu thuyết Hindi » thật xứng đáng với tài năng của Prem Chand.
Ông đã có công làm cho hai ngôn ngữ miến Bắc Ấn Độ là Urdu và Hindi đạt đến một ngữ pháp
chính xác, thoát ly sự cầu kỳ bí hiểm , bóng bảy của ngôn ngữ quí tộc Sanskrit , đặc biệt thoát
khỏi ảnh hưởng của văn học tư sản Anh . Ông đã đưa tiếng Hindi lên địa vị lấn át sự độc tôn của
tiếng Anh . Nhà văn quan niệm « tiếng mẹ đẻ có được tôn trọng thì mới thật sự độc lập » .

Đánh giá Prem Chand, nhà phê bình văn học xuất sắc Ấn Độ Ram Vila Sacma đã
viết:« Những nhà văn như Prem Chand đã giác ngộ cho nhân dân nhiều hơn những hoạt động
chính trị đương thời . Những nhà văn như Prem Chand là những nhà yêu nước lớn có cảm tình
với chủ nghĩa xã hội vì họ nhân thức được rằng tổ quốc không phải của bọn thiểu số giàu có bóc
lột mà là của quảng đại quần chúng nhân dân nghèo khổ bị áp bức . Với khả năng tiên tri của nhà
văn , họ đã cảm nhận được thắng lợi của nhân dân Ấn Độ trong một tương lai gần đây » .

TIỂU THUYẾT GODAN

Đây là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Prem Chand và văn học hiện đại Ấn Độ .

Câu chuyện xoay quanh ước mơ có mơ con bò cái của một bác nông dân nghèo, nhưng cả
tiểu thuyết Godan là một bức tranh vô cùng sinh động về cái làng quê Ấn Độ mà người ta gọi là”
xương sống của tổ quốc” với đủ mọi thành phần giai cấp, mọi loại tâm lý, các thứ tập tục hủ lậu,
các thứ thành kiến cổ truyền, các sự kiện phức tạp và tàn nhẫn , đủ mọi loại quan hệ xã hội điển
hình của đất nước Ấn Độ từ những năm hai mươi của thế kỷ XX này .

Hori chính là một hình ảnh điển hình của người nông dân Ấn Độ trong cái xã hội thuộc địa
phong kiến nặng thói mê tín và sùng đạo .

Bác Hori chỉ muốn có được một con bò sữa trong nhà cho con cái có sữa uống mà đủ lớn,
cho gia đình khỏi khổ cực . Ông cha bác từ ngàn xưa đã sống vì sữa và theo tập tục thương mến
bò cái , đời bác không có bò thì còn là một nỗi nhực nhã nữa . Do vậy bác Hori chạy vạy mọi
cách để mua cho được một con bò cái . Khi có bò rồi thì bao nhiêu tai hoạ rơi xuống gia đình
bác . Nhà tan cửa nát , cha con anh em chia lìa , ruộng đất cũng chẳng còn , nợ nần chồng chất .
Cuối cùng bò cái để lấy sữa cũng mất , bò đực để cày cũng mất nốt . Cuối cùng bác Hori chỉ còn
hai bàn tay trắng đi làm thuê . Bác phải bỏ quê nhà đi làm phu đập đá , rồi một trận cảm gió bác
ngã xuống chết sau những ngày làm lụng cực nhọc . Bọn thầy tu Bà la môn còn bắt vợ bác theo
tục lệ nộp một con bò cái để cúng thần Brahma. Vợ bác không thể mua được bò đành chịu quì
dưới chân thần tu xin chịu phạt . . . Con bò thần ấy vẫn tiếp tục hành hạ linh hồn bác Hori và
những người thân . Prem Chand đã đặt tên truyện là Godan ( nghĩa là con bò lễ vật hiến cho thần
Brahma ) .

Bác Hori mang nhiều đức tính tốt đẹp truyền thống của người dân lao động Ấn Độ : cần cù
chất phác, hiền hậu, biết yêu thương vợ con , đoàn kết với bạn bè xóm giềng và sẵn lòng giúp đỡ
người cùng khổ . Nhưng dù bác có cố gắng làm lụng cực nhọc đến đâu cũng không sao cứu nổi
ghia đình , hi sinh đến mức nào cũng không sao yên ổn . Con bò cái là ước mơ bình thường của
người nông dân như bác nhưng để thực hiện được ước mơ đó phải kéo theo biết bao hệ luỵ đau
đớn . Số phận bác Hori khiến người đọc không khỏi xót xa căm phẫn cái xã hội khủng khiếp trên
đất nước Ấn Độ trước ngày độc lập và cải cách

Bên cạnh nhân vật Hori còn những nhnâ vật tiêu biểu khác anya vợ bác Hori, Goba con
trai , Xelia một cô gái hạ đẳng làm thuê làm mướn . . . Bác gái Danya tuy không vượt khỏi những
người cùng đẳng cấp nhưng luôn luôn có ý thức đấu tranh trực tiếp, kiên quyết phản kháng bọn
thống trị và bóc lột ở làng khiến chúng nhiều khi phải e ngại . Bác gái Danya có tình thương yêu
vô bờ với chồng con , với những người cùng cảnh ngộ , sẵn lòng chia sẻ khó khăn với những chị
em phụ nữ và trẻ em . Bác đã dám vượt khỏi lễ giáo phong kiến hủ lậu nhận Julia về làm dâu ,
nhận Xelia về ở chung , bảo vệ tình yêu trong sáng thuỷ chung của họ , chăm sóc con caí họ mặc
kệ làng nước chê cười hay ngăn cản . Hiểu tính cách của vợ , bác Hori bảo “ miệng thì sắc như
dao như kéo ,nhưng lòng thì dịu dàng như đường như mật “ .

Julia, Xelia là những cô gái cùng đinh có tình cảm mãnh liệt , không chịu đựng được lễ giáo
đã chống lại bọn tăng lữ Bàlamôn dâm ô, đạo đức giả nên họ chịu nhận bao đau khổ . . .

Nhà văn Prem Chand đã miêu tả lớp người phụ nữ cùng đinh này với tất cả tấm lòng trìu
mến thương xót của mình .
Goba, con trai bác Hori là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên và sau này một công
nhnâ thành thị biết đấu tranh phản kháng , có chí tiến thủ , giác ngộ biết rõ bản chất và thủ đoạn
bóc lột của kẻ thống trị . Anh chống lại bọn địa chủ , những tên cho vay nặng lãi , rồi tham gia
đình công ở thành thị . Anh nhận thức rằng :” Phải can đảm thông minh định đoạt số phận của
mình. Nếu con người không đấu tranh tự bảo vệ thì không có sức mạnh huyền bí thần linh nào có
thể giúp mình được “.

Nhưng đấu tranh như thế nào ? – Đó là điều mà Goba chưa biết rõ . Chỉ biết rằng con
đường anh không phải là kiểu tranh đấu “ bất bạo động” theo kiểu đình công bãi thị chẳng đưa lại
kết quả là bao, đặc biệt khi những người lãnh đạo lại hèn nhát thoả hiệp vì sợ đổ máu . Theo con
đường đó cũng chẳng khác nào theo cái cái luân lý chịu đựng nhẫn nhục mà bác Hory đã từng nói
với Goba :” Trời đã bắt ta sống kiếp nô lệ thì phải cam chịu chứ còn biết tính sao” , …: không đi
hầu hạ bọn địa chủ thì đời con ta càng ngày càng khổ hơn “ … “ chúng ta không nên vứt bỏ đạo
lý , gieo nhân thì hái quả “.

Godan còn phản ánh chân thực bộ mặt giai cấp thống trị và những giai cấp khác trong xã
hội Ấn Độ thuộc địa Anh. Cuộc sống ti tiện , giả dối, trục lợi, bất nhân của tầng lớp con buôn ,
hạng tai to mặt lớn đều phơi bày dưới ngòi bút hiện thực sắc sảo của Prem Chand .

Godan còn phản ánh bản chất của tầng lớp tiểu tư sản trí thức Ấn Độ như Metta giáo sư
triết học , như Manti nữ bác sĩ – những người có tư tưởng tiến bộ luôn đi tìm lí tưởng , đã từng
cảm thông cảnh sống đau khổ của nhân dân lao động , cũng đã từng tham gia đấu tranh cải thiện
sinh hoạt đời sống nhnâ dân lao động . Nhưng khuynh hướng đấu tranh của họ cũng chỉ dừng lại
ở con đường cải tạo xã hội theo kiểu ôn hoà và không tưởng mà thôi.

Tình hình xã hội Ấn Độ vào năm 1936 khi ông viết Godan chưa cho ông một nhận thức cụ
thể về cách mạng Ấn Độ mặc dầu ông có thiện cảm với chủ nghĩa xã hội và Cách mạng tháng
Mười Nga , vì thế không thể đòi hỏi ngòi bút của ông vạch chính xác con đường đấu tranh cho
nhân dân Ấn Độ .

k
CHƯƠNG VI. THI HÀO RABINDRANATH TAGORE

(1861-1941)

1. Cuộc đời một thiên tài

Tagore là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, một hoạ sĩ có tài, một nhạc sĩ nổi tiếng, một
nhà giáo, một vị hiền triết và một nhà hoạt động xã hội. Đó là thiên tài của Ấn Độ và thế giới.

Tagore sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861 tại thành phố CANCUTTA, bang Bengan giàu đẹp.
Bengan là nơi văn học phát triển rất sớm và có truyền thống nhân đạo chủ nghĩa từ lâu đời,
cũng là mảnh đất kiên cường nổi lên những cuộc đấu tranh chính trị chống đế quốc và phong
kiến.

Tagore xuất thân trong gia đình quí tộc Bà la môn, về sau gia đình ông vì chống lại đẳng
cấp đó mà bị khai trừ ra khỏi đẳng cấp.

Cha của Tagore là DEVEN DRANATH TAGORE (1817-1905) triết gia và nhà cải cách
xã hội nổi tiếng, trở thành lãnh tụ của phong trào Barahma somaj.

Gia đình Tagore có 15 anh chị em ruột. Ông là con thứ 14. Trong số đó có nhiều người trở
thành nhân tài của nước Ấn Độ và có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá hiện
đại Ân Độ. Mặc dù tôn giáo liệt gia đình họ vào hạng người không đẳng cấp nhưng vẫn được
nhân dân quý trọng.

Cha Tagorerất chú trọng đến việc giáo dục con cái, dạy con sống giản dị, cần cù, trau dồi
sức khoẻ và văn hoá, biết yêu dân tộc và đất nước. Tagore được cha quan tâm và chăm sóc
nhiều nhất. Ông thường theo cha đi du lịch khắp đất nước từ rừng núi HimAllahya có nhiều
thắng cảnh đẹp đến tận bờ biển phía nam lộng gió tràn ngập ánh mặt trời.

Tagore còn theo cha tham dự các cuộc mít tinh, hội thảo của các nhà cải cách xã hội về
các đề tài chính trị, thời sự và văn hoá nghệ thuật. Đó là những dịp tốt tạo cho Tagore thêm
lòng yêu đất nước, yêu dân tộc mình một cách sâu sắc.

Tagore là cậu bé thông minh, chăm chỉ, hiếu học, ba lần gia đình gửi đến ba trường khác
nhau nhưng Tagore không chịu ngồi yên ở một trường nào cả, vì Tagore không chịu nổi cảnh
thầy giáo người Anh đánh đập, hành hạ học trò bắt học trò hát những bài hát tiếng Anh vô nghĩa.
Tagore chỉ thích tự học. Ông đã tự học lấy tiếng cổ Sanskrit và đọc được các tác phẩm văn học
cổ, tự trau dồi ngôn ngữ và chẳng bao lâu đã nổi tiếng là cậu bé giỏi văn Bengan. Tagore
cũng tự học tiếng Anh, đến năm 11 tuổi đã dịch được kịch Macbeth của Shakespeare ra tiếng
Bengan. Đến tuổi thanh niên Tagore đã thông thạo trong việc dịch thuật thơ ca của Schille,
Byron, Browning,Victor Hugo .v .v…Tagore còn chú trọng học hỏi những người xung quanh,
những người lao động giúp việc trong gia đình mà ông gọi họ là ” vương quốc của những
người đầy tớ “. Tagore thường chăm chú nghe họ kể chuyện, ngâm vịnh bản trường ca
Ramayana, nghe hát những bài dân ca trữ tình giàu tình yêu con người.

Là cậu bé hay xúc động, Tagore thường ôm những cuốn sách ngồi khóc thầm trong bóng
tối, tính tình hiền hậu trầm tư, suy nghĩ. Lớn lên gặp cảnh đau buồn của gia đình, trong vòng bốn
năm trời, người thân cứ lần lượt vĩnh biệt ông. (Năm 1902 vợ chết, 1904 con gái thứ hai chết,
1905 cha và anh chết, 1907 con trai đầu chết). Từ đó Tagore càng buồn phiền, thường ngày ngồi
hàng giờ trên bao lơn nhà mình ngắm nhìn người qua lại trên đường hoặc ngồi trầm tư cả buổi
trên divan trong phòng ở. Ông thích vào rừng ngồi ngắm nhìn cảnh đẹp của cây cối hoa lá hoặc
trên bờ sông ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi trong buổi hoàng hôn.

Tagore bước vào cuộc đời hoạt động xã hội và chính trị khá sớm. Năm 1877, cha cho qua
học luật ở Anh, không thích, ông lại trở về. Từ đó ông lại bắt tay vào hoạt động xã hội và tích
cực sáng tác văn học nghệ thuật ông say mê hăng hái sáng tác và hoạt động xã hội.

Tagore đã tham gia hội Brahma Somaj, dự đại hội Đảng Quốc Đại (1880), xuống đường
biểu tình cùng nông dân chống thực dân Anh(1905), ủng hộ phong trào đấu tranh của Tilắc
(1908), diễn thuyết ủng hộ phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên Ấn Độ (1910), gửi
thư cho phó vương quốc Anh phản đối đàn áp nông dân ở Amrisa (1919), ủng hộ phong trào
đấu tranh giải phóng của Gandhi (1920).

Từ năm 1916 trở đi, Tagore lần lượt đi thăm một số nước trên thế giới như Anh, Pháp,
Mỹ, Trung Quốc, Nhật, .v.v…. ông đi thăm không phải để du lịch mà làm nhiệm vụ con ong đi
hút mật ngọt bồi bổ cho dân tộc mình, để ông được “tái sinh mãi mãi” trên quê hương Ấn Độ
nghèo khổ và đau thương của mình.

Những dịp đó ông thường tranh thủ tố cáo chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản. Ở
Tokyo, ông diễn thuyết về chủ nghĩa quốc gia, ở Paris đọc bài “Lời nhắn gửi phương Đông”
ông tiên đoán rằng chủ nghĩa đế quốc sẽ có ngày sụp đổ, số phận của nó như con voi đứng trên
đống cát, cát lún lấp dần voi.

Năm 1930, Tagore thực hiện ước mơ lớn lao của ông là đến thăm Liên Xô, đất nước mà
giai cấp vô sản đang làm chủ vận mệnh của mình, đất nước có cuộc sống rất gần gũi với ước
mơ và nguyện vọng của ông.

Từ đó trở đi, Tagore càng tích cực tham gia các hoạt động văn hoá và xã hội. Ông có chân
trong Hội các nhà văn tiến bộ Ấn Độ thành lập năm 1936. Những năm gần cuối đời, Tagore là
“chiến sĩ thập tự quân chống phát xít” – ông tích cực đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ hoà bình
và chống chiến tranh thế giới lần thứ II. Mặc dù bị mù loà năm trên giường bệnh, ông vẫn hăng
hái sáng tác thơ ca lên án chiến tranh đế quốc.
Tagore còn nối tiếp ý chí và sự nghiệp của người cha thân yêu, bỏ nhiều công sức và
của cải vào công cuộc cải cách xã hội, nâng cao trình độ nhân dân.

Nhà riêng của ông còn thường là nơi diễn thuyết, để sinh hoạt văn hoá, diễn kịch ngâm
thơ. Ông dành tài sản gia đình để xây dựng ở vùng thôn quê mọt trường học cho con em nông
dân học tập theo phương pháp giáo dục do ông đề ra, trái với chế độ giáo dục của thực dân Anh.
Học sinh ở trường SantiniKetan (chốn hoà bình) này, vừa học kiến thức trong sách vở, vừa
được tiếp xức với cuộc sống xã hội, tham gia cải tiến kỹ thuật canh tác cho nông dân, cùng lao
động với nông dân, thầy và trò sống trong tình thương yêu, dân chủ và bình đẳng.

Sau khi đi thăm một số nước về, ông lại lập ra trường Visua Bharati (Đại Học Thế Giới)
vào năm 1922 để thu hút thanh niên quốc tế đến học tập văn hoá Ấn Độ trên tinh thần hoà
hợp dân tộc – ông đã từng mong mỏi mỗi sinh viên đều là Visuamana (người rộng rãi) với tư
tưởng “ cả thế giới là nhà của tôi, tất cả mọi người là bạn của tôi”.

Sự nghiệp văn học nghệ thuật của Tagore rất lớn, ông để lại cho Ấn Độ và thế giới 52 tập
thơ, 42 vở kịch, trong đó vở kịch “Sự trả thù của tự nhiên”(1883), “Lễ máu” (1890) là nổi tiếng
hơn cả ; 12 tập tiểu thuyết trong đó “Gora” (1808), “ Nhà thế giới” (1916) là tác phẩm ưu tú,
gần 100 truyện ngắn khác .v.v…

Ngoài ra Tagore còn để lại nhiều tập ca khúc. Quốc ca của nước cộng hoà Ấn Độ hiện
nay là ca khúc của Tagore và hàng nghìn bức tranh do ông vẽ đang được giữ gìn ở viện bảo
tàng.

Những công trình nghệ thuật kể trên đây nói lên đầy đủ tài năng và sức lao động nghệ
thuật vô tận của Tagore. Ông được xem là “kì công thứ hai” của văn học Ấn Độ sau khi có
Kalidasa ( nhà thơ, nhà soạn kịch thế kỷ thứ V).

Ngày 7 tháng 8 năm 1941, Tagore kết thúc cuộc đời mình như kết thúc một bản hợp tấu
hùng hồn vĩ đại – bản hợp tấu mang ý chí và nghị lực của một thiên tài lớn lao.

Chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ Tagore

“Trong bóng tối, trong nghèo nàn và đau khổ, hỡi thần thơ ca hãy đem cho chúng
tôi bó đuốc và lòng tin tưởng” (My life – tập hồi kí tiểu luận triết học)

Đó là tuyên ngôn thơ của Tagore. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đem thơ ca “dâng” cho
con người, phụng sự người, con người của tổ quốc và của nhân loại.

Tagorelàm thơ khá sớm, lên 8 tuổi đã say mê làm thơ, lúc nào trong túi áo cũng có thơ, ai
cần đến thơ ông sẵn sàng rút ra đọc cho họ thưởng thức. Năm 13 tuổi, tập thơ đầu tay “Bông
hoa rừng” ra đời. Năm 25 tuổi, xuất bản tập “Sắc nhọn và cùn mòn” gồm nhiều bài Sonnet (xon -
nê: thể thơ châu Âu gồm 14 câu), trong đó có bài “Bạn ơi đến đây, đừng nao lòng” (1886) được
xem như “Lời kêu gọi nhân dân” :
Bạn ơi đến đây đừng nao lòng

Hãy bước xuống trên trái đất cằn khô

Đừng hái mộng trong bóng tối

Bão táp rung chuyển trời

Chớp sáng loà quất vào giấc ngủ

Hãy bước xuống hoà vào đời bình dị,

Màng ảo tưởng xác xơ rồi

Hãy náu mình giữa những tường đá nhám

Tập “Thơ dâng” (Gitanjali) gồm 103 bài do Tagore tuyển chọn từ các tập thơ khác viết
bằng tiếng Bengali của mình rồi tự dịch ra tiếng Anh. Sau khi được tặng giải thưởng Nobel
năm 1913, “Thơ Dâng” lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, tài năng và tên tuổi
của ông ngày càng nổi bật trên thế giới. (ở Việt Nam có bản dịch là Khúc hát dâng đời)

Pier Hintrom, viện sĩ Viện hàn lâm Thuỵ Điển nói về tập Thơ Dâng khi quyết định tặng
thưởng giải Nobel như sau: “Tập thơ nhỏ bé được chính tác giả dịch ra tiếng Anh đã tạo ra một
ấn tượng về sự phong phú và tài năng thơ đáng kinh ngạc, không có gì là lạ hay vô lí trong đề
nghị tặng thưởng cho nó”.

Tiếp đó, năm nào Tagore cũng giới thiệu với người đọc một vài tập thơ ở nhiều chủ đề
khác nhau. Năm 1914 tập thơ “Người làm vườn” (The Gardener ), năm 1915 tập “Trăng
non” (The Crescent Moon),” Mùa hái quả “ (Fruit Gathering ), những năm sau đó, tập
“Những cánh thiên nga” (A flight of swans), ” Tặng phẩm của người yêu ” (Lover’s gift ) v. v…
lần lượt ra đời.

Tagore là nhà “nhân đạo chủ nghĩa ” (lời Nehru ), tinh thần nhân đạo của ông kế thừa
truyền thống nhân đạo của nhân dân Ấn Độ qua nền văn học cổ điển từ kinh Veda, Upanisad,
cho đến Kalidsa. Ông còn chịu ảnh hưởng chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp tư sản và nền văn
hoá phục hưng phương Tây.

Tagore tiếp thu những nét tích cực như đòi giải phóng cá tính, đề cao tinh thần tự giác,
đáu tranh cho tự do và công bằng bác ái, tin ở sức mạnh con người và tin yêu con người.

Tagore đã kết hợp nhuần nhuyễn các truyền thống nhân đạo cổ kim đông tây rồi biến
thành chủ nghĩa nhân đạo riêng của mình.
Tagore ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa con người một cách chân thành với lòng
thiện, với đức tin, với lòng từ bi của tôn giáo Ấn Độ .

Ông chủ trương muốn giải phóng đất nước, trước hết phải giải phóng con người, giải phóng
bản chất tự nhiên của con người, là tinh thần và ý thiện.

Mặc dầu trong chủ nghĩa nhân đạo của Tagore còn để lại dấu ấn của tư tưởng duy tâm
siêu hình và huyền bí, nhưng nội dung căn bản là lòng yêu nước, yêu nhân dân, đặc biệt là yêu
nhân dân lao động cùng khổ – điều đó khiến cho Tagore vĩ đại.

Tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của Tagore được thể hiện sâu sắc và cụ thể trong toàn bộ
thơ ca của ông. Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu nội dung thơ ca của ông.

2.1 Tình yêu con người và cuộc sống

Một câu được ghi trong bộ kinh Veda của người Ấn Độ cách đây hàng nghìn năm.

“Trong tất cả mọi cái gì đang tồn tại, trong tất cả mọi cái gì sẽ tồn tại, con người là và sẽ là
tối cao ” .

Quan niệm đó được Tagore thể hiện cụ thể bằng những vần thơ hiện đại trong bài “
Con người thần thánh “sáng tác năm 1896. Con người đối với Tagore là vĩ đại, là ánh sáng
thiêng liêng, là lòng khoan hồng rộng mở, là tâm hồn thanh thản, là tình yêu, là kẻ thù của kiêu
ngạo và bạo tàn.

Trong tác phẩm triết học Sadhana (Thực hiện toàn thiện, toàn mỹ ), Tagore viết “chúng ta
không bao giờ có được một quan niệm chân chính về con người nếu chúng ta không chứng tỏ
tình yêu đối với nó “.

Thơ của Tagore chan chứa lòng tin yêu con người. Con người trong thơ ca của ông có
lúc chung chung nhưng có lúc cụ thể, có lúc trừu tượng lại có lúc thật rõ ràng. Dù là miêu tả
hình ảnh gì, cuối cùng Tagore cũng nói tới con người Ấn Độ nghèo khổ và đau thương của
mình.

Tagore xúc động trước cảnh từng đoàn người cùng khổ, đói rách lang thang dọc sông
Hằng, họ cất lên tiếng ca ai oán trong các điệu dân ca kể nỗi cơ cực của con người, nói lên khát
vọng đi tìm cuộc sống và hạnh phúc. Cuộc sống và hạnh phúc mà họ từng tin gởi ở bàn tay
Thượng đế và Thánh thần nhưng từ đời này qua đời khác, chẳng thấy thần thánh nào cứu giúp
được con người, buộc con người phải tự cứu lấy mình. Nhận thức được chân lý đó, Tagore
quyết tâm từ bỏ Trời, bỏ thần thánh, lập ra ” tôn giáo con người”, “tôn giáo của nhà thơ”, và lấy
thơ ca làm thần thánh. Đây hai khúc mở đầu tập Gitanjali :
(Bài) 1

Vì vui riêng, Người đã làm tôi bất tận. Thân này thuyền nhỏ mỏng manh đã bao lần Người
tát cạn rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi.

Xác này cây sậy khẳng khiu, Người đã mang qua núi qua đồi qua bao thung lũng, và
phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời.

Khi tay Người bất tử âu yếm vuốt ve, trái tim nho nhỏ trong tôi ngập tràn vui sướng, thốt
nên lời không sao tả xiết.

Tặng vật Người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng.
Thời gian lớp lớp đi qua, Người vẫn chưa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi.

(Bài) 2

Khi Người ban lệnh cất lời ca, tôi thấy tim mình như rạn nứt vì hãnh diện khôn
cùng; ngước nhìn mặt Người, nước mắt tôi ứa lệ.

Những gì trong tôi lạc điệu, đúc khàn biến thành khúc dịu êm, như chim vui náo nức
băng qua biển cả, lòng tôi đê mê dang cánh bay xa.

Tôi biết lời ca tôi làm Người vui thích. Và tôi biết chỉ khi khoác áo ca sĩ tôi mới đến
trước mặt Người.

Lời ca tôi vươn cánh rộng dài bay đến nhẹ vuốt chân NGười, bàn chân trước kia nào dám
ước mơ chạm tới.

Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình, tôi gọi Người là bạn, Thượng đế của
lòng tôi”.

(Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan)

Đối với nhà thơ, thượng đế chính là Cuộc sống lao đ ộng. Thượng đế luôn luôn ở bên cạnh
người nghèo khổ, người lao động cùng cực:

” Thượng đế ở xa kia,

nơi thợ cày nai lưng

cày đất cằn sỏi cứng

Thượng đế ở cạnh người làm đường


đang đập đá

Thượng đế với họ cùng vất vả

giãi nắng dầm mưa

áo quần lấm bụi “

( Bài 11 – Thơ Dâng)

Tagore quan niệm rằng, trước hết phải giải phóng con người ra khỏi những chỗ
ẩn náu trong hang động, sau những tượng đá trong bóng tối âm u ở các góc đền. Con người
muốn được giải thoát ra khỏi khổ đau chỉ có lao động :

Muốn giải thoát ư ,

anh muốn tìm đâu ?

Chính Thượng đế cũng vui vẻ

tự đem mình ràng buộc với trần thế

và đời đời quyến luyến chúng ta

Thôi đừng trầm tư mặc tưởng

cất đi cả hương hoa

quần áo rách bẩn, mặc

đến gặp thượng đế thôi

cứ đến đứng bên Người

trong lao động cùng cực

khi trán đổ mồ hôi

(Thơ Dâng)

Chẳng có thứ tôn giáo nào quá khắc nghiệt, quá độc ác bằng tôn giáo Bà la môn trên đất
nước Ấn Độ . Chủ nghĩa khổ hạnh, phép hành xác, chế độ phân biệt đẳng cấp, nghi thức lễ máu,
các dàn hoả thiêu v.v…đã huỷ diệt bao sinh mệnh con người, làm héo hon trái tim bao đôi trai
gái, trói buộc và kìm hãm nhân tính, tự do của con người. Nhưng cũng chính từ địa ngục đó, con
người đã ngẩng cao đầu đi tìm tự do. Từ địa ngục đó, con người đã ngẩng cao đầu đi tìm tự do.
Tự do trong đấu tranh, như hạt giống nảy mầm, búp hoa đơm nụ:

“Tự do là trút phăng tuổi đời ngàn năm đè đầu, gập lưng, làm mù mắt người, không cho
người thấy tương lai đang vẫy gọi.

Tự do là chặt xiềng xích mê muội , giam hãm Người trong đêm tối im lìm, khiến Người
không tin cả ngôi sao chỉ cho mình con đường gập ghềnh chân lý “.

(Thơ ngắn 1922)

Tagore đòi tự do cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân, cho con người Ấn Độ của ông.
Ông mong con người sẽ được sống trong sự hoà hợp và bình đẳng với nhau :

“Trong sân chầu vũ trụ

chiếc lá cỏ bình thường

cùng ngồi chung một mâm

với ánh sáng mặt trời

và sao sáng trong đêm “

(Thơ Dâng)

Tagore tin tưởng rằng “trên quê hương tự chủ”, “hạnh phúc ca khải hoàn” sẽ đến với
nhân dân Ấn Độ yêu thương, sẽ không còn tiếng ai oán rên xiết đau khổ nữa.

Tagore vốn là người trầm lặng suy tư, có buồn riêng trong lòng nhưng không sầu muộn rên
rỉ bi ai như các nhà thơ lãng mạn tiêu cực khác. Âm điệu buồn trong thơ ông là cái buồn của
dân tộc ông.

Ông tin rằng con người có thể làm thay đổi cuộc sống ngột ngạt, đói khổ bệnh hoạn của
xã hội ông – xã hội thuộc địa. Vì vậy ông vẫn yêu cuộc sống, lạc quan, tin tưởng và hoà mình
với cuộc sống.

Ông coi cuộc sống như “li rượu tràn đầy nồng nàn “:

“Người đã tạo cho tôi vô tận, đó là ý thích của Người

cái li mảnh khảnh này, Người không ngớt rót


vơi đi và không ngớt lại rót đầy sự sống tươi mới “

Cuộc sống tràn đầy như vậy nhưng ông tiếc rằng đôi bàn tay mình quá nhỏ hẹp không đủ
sức ôm vào lòng những cái mà cuộc sống cho mình :

Tặng vật Người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng.
Thời gian lớp lớp đi qua, Người vẫn chưa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi.

Nếu nhà thơ vĩ đại Đức Goeth (1749-1832) đã từng nói “mọi lý thuyết đều xám xịt, còn
cây đời mãi mãi xanh tươi”, Tagore cũng có quan niệm như vậy.

Đó là những câu thơ trong bài thơ mở đầu tập Thơ Dâng, tập thơ mà ông muốn dâng cho
Đời, cho Con Người.

Và cũng bởi yêu cuộc sống, nhà thơ Tagore yêu cả cái chết. Chết là một quy luật không
ai tránh khỏi, cho nên không cần phải sợ sệt, lo lắng, hoảng hốt trước cái chết.Con người cần
bình thản, ung dung bước vào cõi chết như đi trên chiếc cầu bắc qua sông, từ bờ này sang bờ
khác.

Trước khi bước vào cõi chết, phải tự xem mình đã làm được gì cho cuộc đời và để lại cái
gì mình đã có và làm ra :

Bài số 90

Vào hôm thần Chết đến gõ cửa, anh sẽ lấy gì để biếu, hả anh ?

Ồ, tôi sẽ đặt trước mặt khách cốc rượu đời mình tràn đầy, tôi sẽ chẳng chịu để khách ra đi
tay không.

Lúc năm tháng đời tôi khép lại, khi Thần Chết đến gõ cửa mời đi, tôi sẽ đặt trước y tất cả
trái nho thơm dịu của những ngày mùa thu, những đêm mùa hè, những gì kiếm được, những gì
chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc.

(tập Thơ Dâng)

Nếu không có trách nhiệm đối với cuộc đời thì cũng khó mà có một thái độ đúng đắn về
lẽ sống, chết như vậy.

2.2 Lòng ưu ái phụ nữ

Người phụ nữ Ấn Độ cũng có những nỗi đau khổ giống như phụ nữ Việt Nam
dưới chế độ phong kiến. Họ là loại người bị chà đạp nhân phẩm triền miên qua nhiều chế độ.
Tagore rất quan tâm đến số phận phụ nữ Ấn Độ và biểu lộ kòng ưu ái sâu sắc. Ông đã
dành nhiều trang thơ ca ngợi họ. Trước hết Tagore tìm thấy ở phụ nữ Ấn một sắc đẹp tự nhiên,
được đất trời tô thắm và được bàn tay con người tô vẽ thêm:

Không chỉ riêng Thượng đế

đã thêu dệt nên nàng

mà cả loài người nữa

Nhà thơ dùng sợi vàng

dệt nên hình dáng nàng

hoạ sĩ tô đường nét

cho nàng đẹp vạn đời

(Bài số 59 tập thơ “Người làm vườn”) .

Phụ nữ chẳng những chỉ đẹp hình dáng bên ngoài mà đẹp cả trong tâm hồn nữa.
Tagore thấy “lòng người phụ nữ là ngai vàng” như trong truyện ngắn Minu mà ông tả. Tagore
thương xót những người phụ nữ đẹp cả sắc và tình nhưng không được hạnh phúc xứng đáng.

Cuộc đời họ cũng giống như một cô gái mù :

” Một buổi sáng trong vườn hoa có một cô gái mù

đến tặng tôi một vòng hoa bọc kín trong lá sen .

Tôi quàng vòng hoa vào cổ, nước mắt rưng rưng.

Tôi hôn nàng và nói : “Nàng mù đúng lúc những bông hoa nở,

chính nàng cũng không rõ quà tặng của mình đẹp biết chừng nào”.

(Bài số 58 – tập Người làm vườn )

Bài thơ ngắn mà xúc động quá, người đọc không khỏi xót xa cho cô gái mù. Nhưng thơ
Tagore giàu tính triết lý, “cô gái mù ” cần được hiểu là những người phụ nữ vô tư không tự
biết mình đã đem cho mọi người bao nhiêu vẻ đẹp và niềm hạnh phúc.

Cuộc đời người phụ nữ Ấn Độ bị kìm hãm bởi cái vòng xiềng đeo ở chân và chiếc khăn
trùm mặt, bị ngăn cách giao tiếp với mọi người. Chỉ quanh quẩn ở xó bếp hoặc lao động quần
quật suốt ngày, không dám ngẩng mặt nhìn trời. Nhiều sợi đây lễ giáo ràng buộc người phụ nữ :
nạn tảo hôn, tục lệ hoả thiêu khi chồng chết trước, nộp của hồi môn v.v…Cuộc đời họ cần
được giải phóng – đó là nguyện vọng, là tình cảm, là mối quan tâm hàng đầu của nhà nhân đạo
chủ nghĩa Tagore.

Bài “Nữ quyền” Tagore viết năm 1928 có thể xem là “chiến lệnh”, là lời kêu gọi, giục
giã phụ nữ Ấn Độ xông ra chiến trường nhằm thẳng số mệnh, nhằm thẳng xiềng xích mà đập
phá, giành lấy tự do, nữ quyền.

“Không đời nào ta lẩn trốn vào buồng đâu

với đôi kiềng chân rụt rè kêu lẻng xẻng

trong bóng tối âm u

Không, ta hiên ngang xông pha vào chốn hiểm nghèo

đầy tuyệt vọng của tình yêu

trong bể cồn cuộn sóng;

Nơi bão tố cuồng say

giật ngay cái khăn trùm trên mặt ta

là phận héo hon của đàn bà

và giữa tiếng chim bể rùng rợn, nhức nhói

giọng ta truyền chiến lệnh vang vang :

anh là của riêng em “.

Đó là “chiến lệnh” của hàng triệu phụ nữ Ấn Độ giành tự do cho tình yêu, hôn nhân, gia
đình và tự do trong xã hội.

Tagore không chỉ đấu tranh cho phụ nữ bằng thơ văn mà bằng cả hành động thiết thực
của mình nữa.

Năm 1916, ông sáng tác bài thơ “Bức thư của người đàn bà ” để phản đối tên toàn quyền
Anh hay dùng những lời lẽ thô tục và khinh miệt phụ nữ Ấn Độ Mặc dù Tagore không tán
thành chủ trương bất bạo động của Gandhi trong một số hoạt động chính trị, nhưng khi Gandhi
đề xướng cuộc vận động giải phóng phụ nữ và tầng lớp cùng đinh thì Tagore nhiệt tình ủng hộ
ngay. Qua tập thơ ngắn Patataca, ông phê phán xã hội khắc nghiệt đối với phụ nữ nông thôn,
đòi huỷ bỏ tục tảo hôn, xoá bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp, đòi tự do hôn nhân.

Bài thơ Raida người phu quét rác bẩn thể hiện chủ trương nam nữ tự do yêu đương và hôn
nhân không kể đẳng cấp, giàu nghèo, sang hèn và lên án lễ giáo Bàlamôn : Nàng công chúa yêu
người phu quét rác bẩn. Thầy tu Bà la môn kết tội nàng vi phạm lễ giáo. Nàng kiên quyết bảo
vệ tự do tình yêu và công lí :

“Thầy tu cứ kiêu ngạo thắt dây nữa đi cho thoả thích, thắt bao nhiêu nút nữa cũng
vô ích. Thầy cứ việc chà xát trái tim khắc khổ của thầy nữa đi. Còn tôi, người con gái hành khất,
tôi vẫn sung sướng nhận của yêu, nhận quà dính bụi của chồng tôi là người phu quét rác “.(Thơ
ngắn)

Tagore tích cực đóng góp tiếng nói nghệ thuật vào sự nghiệp đấu tranh giải
phóng phụ nữ bằng cả trái tim, bằng cả lòng yêu thương thắm thiết của nhà thơ :

Hãy lấy tình thương và từ thiện bao la

mà tẩy sạch hoen mờ trong lòng trái đất

Ông tự hào về điều đó và tin rằng dù ông có từ biệt cuộc đời đi nữa thì hàng triệu phụ nữ
Ấn Độ ở những thế kỷ sau vẫn tin yêu ông :

Nếu nhà thơ nay còn sống và gặp ta

thì nhà thơ chắc sẽ yêu ta

tôi biết, nàng tự bảo:

chỉ trong đêm nay dưới mái hiên

ta thắp đèn chờ

dù ta biết chẳng bao giờ nhà thơ đến

(Thơ ngắn)

2.3 Thơ Tagore về tình yêu nam nữ

Thơ tình yêu chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của Tagore. Thơ tình Tagore thể
hiện một quan niệm yêu đương đúng đắn và tiến bộ .
Tagore đã từng yêu đương say đắm. Ông dành cho chủ đề này hai tập thơ “Người làm
vườn” và “Tặng phẩm người yêu”. Ngoài ra còn rải rác ở các tập thơ khác : “Những con chim
bay lạc” , “Người thoáng hiện” v.v…

” Người làm vườn ” The Gardener là tập thơ tình hay nhất của Tagore .

Nhà thơ cho rằng tình yêu là một nhân tính thiêng liêng . Con người , ai cũng phải yêu , vì
đó là hạnh phúc , là nhu cầu của sự sống , cần thiết như ánh lửa và mặt trời vậy.

Những kẻ nói không cần tình yêu là kẻ giả dối . Tình yêu đã từng lung lay biết bao trái
tim kẻ theo chủ nghĩa khổ hạnh, từng thề thốt không bao giờ yêu và căm ghét tình yêu. Nối tiếp
truyền thống đấu tranh giữa tình yêu và tôn giáo trong văn học cổ Ấn Độ ,Tagore có những bài
thơ rất sâu sắc về chủ đề này. Tagore khẳng định tình yêu là hạnh phúc .

Tình yêu ơi ! Khi người đến

với ngọn đèn bừng sáng trên tay

thì ta có thể nhìn thấy mặt người

và biết người là tuyệt vời hạnh phúc

(Bài 162- tập Những con chim bay lạc)

và “tình yêu là cuộc đời trong trạng thái tràn đầy như cái cốc có rượu ” .

Nhà thơ cảm thấy thoả mãn là suốt đời đã từng yêu và mong muốn cuối cùng là được
nói lên điều đó trước khi bước vào cõi chết :

Cõi đời ơi khi tôi đã chết rồi

thì trong cõi vắng lặng của người

chỉ một lời này còn lại

” tôi đã từng yêu “

(Bài 217- tập Những con chim bay lạc)

Tình yêu trong thơ Tagore không có cái dung tục tầm thường , không phải thứ
tình yêu rầu rĩ , rên xiết cũng không quá cao siêu, lí tưởng. Tagore tìm sự hoà hợp giữa hai tâm
hồn và tự do trong tình yêu .

“Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu


đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó ”

(Bài 31, The Gardener)

Nhưng đâu có dễ dàng tìm được tình yêu hoà hợp tâm hồn và sự tự do trong tình
yêu (Bài số 28 , The Gardener):

Đôi mắt em hỏi han băn khoăn u buồn; mắt ấy muốn tìm hiểu ý nghĩa lời tôi như mặt trăng
muốn đo lường đáy biển.

Tôi đã lột trần đời mình từ đầu đến cuối để em rõ để em hay, không đậy che không giấu
giếm. Bởi thế mà em không hiểu ý nghĩa những điều tôi nói.

Nếu đó chỉ là viên ngọc báu, tôi sẽ đập ra trăm mảnh, xâu thành chuỗi rồi choàng lên cổ em
xinh.

Nếu đó chỉ là bông hoa tròn trĩnh nhỏ nhắn thơm tho, tôi sẽ bứt ra khỏi cành rồi gài lên mái
tóc em đẹp.

Nhưng đó lại là trái tim, em ơi, thì biết đâu là bờ là đáy ?

Dẫu không biết hêt biên giới của kinh đô tình yêu, em vẫn là nữ hoàng trị vì trong đó.

Nếu đó chỉ là giây phút vui tưoi, giây phút ấy sẽ nở thành nụ cười cởi mở và em có thể bắt
gặp khi chợt thấy chợt nhìn.

Nếu đó chỉ là nỗi thương đau ắt sẽ biến thành nước mắt trong vắt phản ánh buồn sầu thầm
kín không lời than vãn.

Nhưng đó lại là tình yêu, em ạ. Nguồn vui nỗi sầu của tình yêu thường mênh mông; điều
tình yêu thiếu, tình yêu thừa cũng vô cùng vô tận.

Tình yêu vẫn gần gũi như chính cuộc đời em đang sống, song có bao giờ em hiểu rõ hoành
toàn.

(Bản dịch Đỗ Khánh Hoan)

Trong tinh yêu, nam nữ không hiểu nhau còn vì “những đòi hỏi và sự giàu sang
của nó là trường cửu”. Nhà thơ cho rằng trong tình yêu sắc đẹp thể xác giống như bông
hồng chóng tàn phai, chỉ có tâm hồn đẹp mới bền lâu

“Tôi muốn nắm trong tay sắc đẹp của nàng

nhưng nó cứ thoát ra
và trong tay tôi chỉ còn thân thể

tôi đã mỏi mệt quay về thất vọng

Ôi thân thể làm sao chạm được đến bông hoa

chỉ tinh thần mới chạm được” (Bài 49- Người làm vườn)

Càng đi sâu vào cái “vườn tình ái” ấy, Tagore cũng như nhiều cặp tình nhân thấy tình yêu
đâu có đơn giản như một bài hát mà nó khá phức tạp . Có lúc tràn đầy hy vọng , sung sướng vô
biên khát khao cháy bỏng, nhưng cũng có lúc khổ đau, buồn chán, hi sinh và mất mát :

“Em đã bỏ anh và theo đuổi con đường của em

anh nghĩ rằng anh sẽ chết khổ vì em “

“Môi em vừa ngọt vừa chua

bởi vị rượu của niềm đau khổ của anh “

Trải qua đau khổ, Tagore rút ra bài học

” Tình yêu của ta ơi


các người hẳn biết chúng ta không trường cửu

thì khôn ngoan gì mà đập vỡ tim mình

vì một con người mang trái tim của họ đi xa

bởi thời gian ngắn ngủi “

Tagore không giống các nhà thơ tình lãng mạn khác. Tình yêu tuy đau khổ nhưng không
chịu khóc than rên xiết hoặc huỷ hoại thân mình mà vẫn giữ lấy niềm tin tưởng

“Hãy tin tưởng ở tình yêu

dù nó có đem sầu muộn đến

đừng đóng kín tim anh “

…( Bài 27- The Gardener)

“Tôi biết rằng cuộc đời này


dù không chín rộ trong tinh yêu

cũng không phải đã mất đi tất cả “

2.4 Tình yêu hoà bình và tinh thần chống chiến tranh

Tagore đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới . Đất nước Ấn Độ cũng là nạn nhân
của hai cuộc chiến ấy. Thực dân vơ vét người và của cải Ấn Độ ném vào hai lò lửa ấy . Nhân
dân Ấn Độ chịu bao nhiêu thảm hoạ .

Khát vọng hoà bình, nỗi căm giận chiến tranh đế quốc của Tagore được phản ánh trong thơ
một cách nồng nhiệt

Năm 1937, được tin bọn phát xít Italia xâm lược Etiopia, Tagore viết ngay bài thơ
“Châu Phi”, lên án tội ác man rợ của chúng. Nhân dân Etiopia đang sống yên lành trên mảnh
đất quê hương thì phát xít Italia hợm mình là kẻ văn minh đem quân dày xéo lên cuộc sống yên
vui của họ. Tagore đòi kẻ xâm lược phải nhận tội lỗi trước nhân dân châu Phi và xin nhân dân
hãy tha tội cho mình

… Hãy đến đây

đến trước người thiếu phụ bị giày vò

hãy cầu xin Nàng ân xá

và xem đó là lời trịnh trọng cuối cùng

giữa cơn cuồng say của một lục địa ốm

(Thơ, 1942)

Cũng năm đó, phát xít Nhật xâm lược vùng đông bắc Trung Quốc. Tagore làm bài
thơ “Tín đồ Phật giáo” lên án bọn phát xít Nhật gây chiến, tàn phá các công trình văn hoá giết
hại dân lành, gieo rắc bao đau thương. Nhà thơ vạch trần giọng điệu “khẩu phật tâm xà ” và
luận điệu “chủ nghĩa Đại Đông Á” của chúng .

Năm 1939, sau khi bọn phát xít phát động chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tagore viết bài
thơ “Luồng phá hoại mù quáng cuồng điên“. Bài thơ đó được xem như bản tuyên ngôn gửi các
dân tộc nhỏ bé bị nô lệ, kêu gọi họ đoàn kết, đấu tranh ngăn chặn cuộc chiến tranh tàn bạo này

Hãy đến đây, các dân tộc trẻ trung


hãy tuyên bố đấu tranh giành tự do trở lại

hãy giương cao ngọn cờ của lòng tin không ai lay chuyển nổi

hãy lấy đời mình bắc những chiếc cầu tiếp nối

qua những vực hằn thù trong lòng đất thẳm sâu

và cùng nhau tiến tới

Trong đoạn kết thúc bài thơ về hoà bình trong tập “Cánh thiên nga” (A flight of swans)
Tagore tuyên bố :

Ta có thể hiến đời ta cho lòng tin tưởng

hoà bình là có thực

lòng từ thiện là có thực

sự hoà hợp muôn đời là có thực

Đó là lí tưởng cao đẹp của nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại Tagore.

2.5 Tình yêu thương trẻ em

Hầu như nhà thơ lớn nào cũng vậy, đều dành cho trẻ em những bài thơ hay để ca ngợi và
khuyên bảo các em, mong mỏi các em phát huy và giữ gìn bản chất ngây thơ tốt đẹp để phục vụ
Tổ quốc và xã hội.

Các nhà văn thế giới từ Gorki, Lỗ Tấn, Victor Hugo, Liev Tolstoi… đều có tác phẩm hay
viết về trẻ em. Tagore viết thơ cho trẻ nhỏ xuất phát từ tình cảm chân thành của người ông,
người cha, người thầy. Tagore yêu mến và tin tưởng vào tương lai các em và nhắc nhở mọi
người hãy giữ chân – thiện – mỹ trong trẻ nhỏ.

Tagore làm thơ cho trẻ em trong một hoàn cảnh đau buồn khi hai con ông đều lần lượt chết.

Tập Sisu (năm 1909) được dịch ra Anh văn đặt tên là The crescent moon (Trăng lưỡi liềm,
Trăng non hoặc Trẻ thơ) năm 1915.

Tagore am hiểu sâu sắc tâm lý, tình cảm, ước mơ của trẻ em. Thơ ông nhiều hình ảnh và
ngôn ngữ phù hợp trẻ em.
Trước hết, có ai hỏi “Trẻ em là ai ?“. Câu trả lời không dễ !

Tagore chú trọng ca ngợi tính hồn nhiên, trung thực và vô tư của thiếu nhi. Đứa trẻ nào
cũng vậy, thích hoà mình với thiên nhiên, thích vui đùa giữa cái thế giới vô biên ấy.

Bọn trẻ gặp nhau trên bến bờ những thế giới vô biên

giông tố gặp nhau trên bầu trời không có một lối đi

thuyền bè đắm trên nước không dấu vết

cái chết ở ngoài kia

nhưng lũ trẻ vẫn đùa chơi

trên bến bờ những thế giới vô biên

là hội lớn của bầy con trẻ.

(Trên bờ biển )

Nói về tính thật thà trung thực của trẻ em, Tagore kể lại câu chuyện sau đây thật cảm động.
Một chú bé không cha đến xin học với đạo sĩ Bà la môn. Đạo sĩ hỏi em ở đẳng cấp nào, nếu
thuộc đẳng cấp Bàlamôn mới được ngồi học chung với trò cùng đẳng cấp. Chú bé không biết,
chạy về hỏi mẹ, mẹ nói rằng :

“Ngày trẻ mẹ nghèo, phải đi làm cho nhiều chủ, và con ơi, con đã ra đời trên cánh tay
của mẹ Jaballah, một người mẹ không chồng”

Chú bé trở lại thuật cho đạo sĩ Gotama đúng như mẹ kể. Đạo sĩ ôm chú bé vào lòng và nói :

Con ơi con là người Bramin ưu việt

Con đã có được cái gia tài cao quí nhất

đó là lòng trung thực của con (Mùa hái quả-1915)

“Bản hợp đồng cuối cùng” (hoặc Mặc cảm cuối cùng, tập Trăng non) là bài thơ mang ý
nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là bài tuyên ngôn thơ ca dành cho thiếu nhi. Tagore đem tâm hồn trong
sáng bản chất chân – thiện -mỹ tồn tại trong trẻ thơ đối lập với bản chất xấu xa, đê tiện, đáng
khinh của xã hội bị đồng tiền, quyền lực và sắc đẹp chi phối.

Thơ kể chuyện một người làm thuê, vừa đi vừa rao :


Buổi sớm mai bước đi trên con đường rải đá ,

tôi rao lên ”Ai đến đây mà mướn tôi không ? »

Kiếm cầm tay, nhà vua giong xe đi tới .

Ngài cầm tay tôi và bảo : “Ta mướn ngươi với quyền chức của ta »

Nhưng quyền lực của ngài chẳng có ý nghĩa gì và ngài quay xe đi .

Trời nóng nực, nhà nhà đều đóng cửa .

Tôi lang thang trên con đường khúc khuỷu .

Một ông lão ôm gói vàng bước ra.

Ông nghĩ ngợi và bảo «Ta sẽ mướn người bằng tiền bạc của ta»

Ông nhấc lên từng đồng vàng nhưng tôi ngoảnh mặt đi .

Chiều về vườn đơm đầy hoa .

Một người thiếu nữ xinh đẹp bước ra và bảo « Em sẽ mướn anh với những nụ cười».

Nụ cười của nàng nhạt nhoà trong nước mắt và nàng lủi thủi trở lại vùng tối đen .

Ánh mặt trời long lanh trên cát

và sóng vỗ rì rào

một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc

Cậu ngẩng đầu lên và dường như cậu nhận ra tôi

cậu nói ” Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”.

Và từ khi bản hợp đồng được kí kết chơi với cậu bé,

tôi đã trở thành người tự do “

Tagore trân trọng, chăm sóc trẻ em từ giấc ngủ bình thường đến một ước mơ nho nhỏ.

Bài thơ ” Người ăn cắp giấc ngủ ” nói lên tình cảm đó :
Con đang ngủ, mẹ xuống suối lấy nước trở về, thấy con đã thức,

Đang ngao du bằng cả bốn chân khắp gian phòng.

Mẹ bực tức đi tìm hỏi ai đã ăn cắp giấc ngủ trên đôi mắt bé ?

Cho đến khi chiều xuống và chợ đã tan,

và trẻ con trong làng đã ngồi trên đùi mẹ thì những con chim đều thét vào tai tên ăn cắp
giấc ngủ rằng : ” Bây giờ, ngươi sẽ ăn cắp giấc ngủ của ai nào ? “

Giọng điệu bài thơ thật ngây ngô, ngộ nghĩnh phù hợp tâm lí trẻ thơ.

Tagore cũng từng thương tâm đứng nhìn một chú bé nghèo khổ buồn tủi ước mơ mua một
vật nho nhỏ :

Nỗi buồn đau của đám người đông đảo

cũng không sao lớn bằng

nỗi buồn tủi của chú bé kia .

Chú không có nổi một xu

để mua một chiếc bút tô màu

đôi mắt thèm thuồng của chú

nhìn vào cửa hàng

làm cho tất cả đám người kia thương xót

Tagore hiểu tình cảm của trẻ thơ đối với cha mẹ, nhất là mẹ – người đã mang nặng đẻ đau,
nuôi nấng bé từ lọt lòng, cho nên bé luôn luôn quấn quít bên mẹ, luôn luôn nũng nịu với mẹ, đòi
hỏi ở mẹ một tình thương bao la và chúng biết quí trọng tình thương ấy hơn cả vàng ngọc.

Bé có hàng đống vàng, đống ngọc

thế nhưng bé đã đến mặt đất này

như một kẻ ăn xin

không phải tự nhiên mà bé đến


cải trang như vậy

cậu bé ăn xin, trần truồng, yêu mến này

muốn làm ra thảm hại vô cùng

để có thể đến xin cả kho báu tình thương của mẹ.

(tập Trăng non)

Yêu thương nhưng vẫn phải nghiêm khắc giáo dục khi trẻ có lỗi, và cha mẹ cũng
thấy một phần trách nhiệm ở mình :

Khi tôi phải trừng phạt nó

thì nó càng trở nên một phần của bản thân tôi

và khi tôi làm cho nó khóc

thì lòng tôi cũng khóc cùng với nó.

chỉ tôi mới có quyền rầy la và trừng phạt

bởi vì chỉ có ai thương

người đó mới có quyền trừng phạt

(Phán xử )

Khi con cái lớn lên tách khỏi cha mẹ thì chúng có bổn phận của chúng . Cha mẹ không
thể dùng của cải tiền bạc mua chuộc trái tim chúng , mà phải dùng tình thương yêu bao la và
lòng khoan dung độ lượng . Thái độ làm cha mẹ bình thản như ngọn núi đứng nhìn âu yếm
dòng sông :

Món quà

Con ơi , ta muồn cho con một chút gì , bởi chúng ta trôi dạt trong dòng đời .

Chúng ta có thể sống xa nhau , tình ta có thể quên lãng mau.

Mẹ không ngu ngốc tới nỗi hi vọng mua chuộc lòng con bằng tặng vật .

Đời con còn trẻ đường con còn dài


Con uống một ngụm trong chén tình cha mẹ mang tới rồi quay đi và xa lìa cha mẹ .

Con có trò chơi riêng, có bạn bè riêng .

Có sao đâu nếu con chẳng có thời giờ và tâm trí nhớ tới mẹ cha .

Còn chúng ta , tất nhiên trong tuổi già

chúng ta có đủ thì giờ nhàn rỗi

để đếm những ngày trôi qua

và để ôm ấp trong lòng ta

những thứ mà tay ta đã mất đi mãi mãi

dòng sông vừa chảy vừa hát ca

và đập tan hết những thứ gì ngăn cản

nhưng núi thì ở lại nhớ mong

và nhìn theo dòng sông

với tấm lòng trìu mến .

3 . Khái quát đặc điểm nghệ thuật trong thơ Tagore

Thơ giàu chất hiện thực là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật thơ Tagore mà nhiều nhà
nghiên cứu đã nói đến. Nhưng Tagore không phải là nhà thơ hiện thực thuần tuý dù nội dung
thơ ca của ông đều phản ánh cuộc đời và sự sống. Nội dung ấy được bọc ngoài một lớp từ ngữ,
hình ảnh tượng trưng có tính chất tôn giáo, siêu hình thần bí như Chúa Đời , Thượng đế , Thầy,
Người … nhưng những câu chuyện, tình tiết, hình ảnh ông sáng tạo ra đều là những chuyện
thực, người thực từng xảy ra trên đất nước Ấn Độ nghèo khổ và đau thương của ông

Đó là nỗi tủi nhục của người đàn bà Jaballah không chồng, là ước mơ nho nhỏ của chú bé
cùng đinh , đó là mối tình éo le của nàng công chúa bị lễ giáo Bàla môn hành hạ , tấm lòng cao
quí của người hành khất v.v…
Đó còn là chuyện đấu tranh chống tôn giáo, cường quyền bạo ngược, chống chiến tranh và
bảo vệ hoà bình .

Nira Chandhuri nhà phê bình văn học Ấn Độ đã nhận xét :”Thơ tôn giáo của Tagore là
thơ sùng kính, không phải là thơ thần bí” . Ông khẳng định rằng: một người yêu đời như ông
(Tagore) không thể là một người thần bí mà hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong việc tự phủ
nhận mình và phủ nhận cõi đời này ” .

Còn Nadim Hicmet ( 1902 – 1963 ) nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét : ” Tôi yêu thơ
Tagore và nhạc Bach. Tôi cóc cần cái vẻ thần bí của họ. Tôi biết họ có điểm thần bí , nhưng
cái có nhiều nhất là lòng yêu cuộc sống, lòng tin cuộc đời. Vì vậy mà Bach vẫn là rất lớn trong
các nhạc sĩ lớn nhất, Tagore vẫn là rất lớn trong các thi sĩ lớn nhất .

Chất trữ tình và tính lãng mạn dồi dào . Thơ ca của Tagore vừa là bản tình ca tuyệt
diệu, vừa là bức tranh thiên nhiên tươi màu. Ông thường tạo ra trong thơ nhiều hình ảnh lung
linh huyền diệu, nhiều màu sắc tươi mát, biến nỗi khổ đau thành niềm vui kì lạ của đất nước,
của con người “tan ra chảy thành tiếng hát trong trái tim thi sĩ ” (Bài 86 – Mùa hái quả ). Về căn
bản, Tagore là nhà thơ lãng mạn.

Thiên nhiên là đối tượng được Tagore miêu tả khá nhiều, ông đã để cho thiên nhiên ùa
ngập vào trong thơ ca. Tagore vốn là nhà thơ yêu thích thiên nhiên , chủ trương con người hoà
đồng với thiên nhiên, với vũ trụ . Người nghệ sĩ là người tình của thiên nhiên và xem thiên
nhiên là đối tượng gần gũi như con người “Mỗi chủ thể của thiên nhiên được biểu hiện là hoà
trong muôn vàn chủ thể khác, vô hình” , vì vậy ông kêu gọi : ” Nhà thơ ơi, ánh dương đã thấy
trong ánh hồng rực cháy mùa xuân Ôi , tôi ghi lại tất cả khi đang cất bước lên đường ” (Bài
41- tập Cánh thiên nga ) .

Tagore là người mẫu mực thực hiện điều đó. Chúng ta sẽ bắt gặp trong thơ ông hình ảnh
Himalahya hùng vĩ thách thức mặt trời và không gian vô hạn . Hằng Hà rộng lớn , dài sâu dịu
dàng hôn lên những bến bờ, đồng ruộng để bộc lộ lòng yêu nước , yêu quê hương , cuộc sống
Ấn Độ. Thơ ca dồi dào màu sắc mỹ lệ của hoa lá cỏ cây , ánh sáng chói chang của mặt trời, ánh
trăng vàng êm ả óng chuốt, hoa quả ngọt ngào trĩu cành … Những âm thanh rung động, giục giã
lòng người, tiếng sáo du dương, tiếng chim hót líu lo v.v… vang động trong thơ ông . Cũng dễ
hiểu tại sao các tác phẩm của ông đều mang tên thiên nhiên Mùa hái quả, Trăng non , Cánh
thiên nga, Con chim bay lạc , Vượt biển, Người làm vườn …

Từ ngữ thơ ca Tagore được chọn lọc, điêu luyện và đẹp đẽ, giàu hình ảnh gây cho người
đọc nhiều cảm xúc. Đúng như Illia Erenbua (1891 -1967) nhà văn Liên xô đã nhận xét: “Tagore
là nhà thơ trữ tình tinh tế vào bậc nhất ” và là “nhà lãng mạn sáng tạo” như Tagore đã tự nhận xét
.

Chất trí tuệ


Đây là nét đặc trưng khác bộc lộ trong thơ Tagore là : sự suy tư trăn trở tạo cho thơ dồi dào
về từ , hàm súc về ý .

Những hình ảnh sinh động , những mẩu chuyện thâm thuý , những từ ngữ giản dị trong
sáng được ông sử dụng để lý giải một cách minh bạch, sâu sắc, đầy sức thuyết phục về triết lí
con người cuộc đời và sự sống .

Ông đưa lại cho người đọc một nhận thức đúng đắn về Thượng đế, thiên đường, địa
ngục, sự sống và sự chết , đau khổ và hạnh phúc .

Trong thơ ông, không phải bài thơ nào đọc cũng hiểu ngay được, đặc biệt tập THƠ
DÂNG, có bài phải đọc nhiều lần mới hiểu . Người đọc phải suy ngẫm, đắm mình vào sự liên
tưởng, mơ ước, gây niềm tin mới, làm cho trí tuệ bừng sáng. Nhiều đoạn thơ như ngụ ngôn,
cách ngôn có tác dụng giáo dục sâu sắc như trong tập thơ “Những con chim bay lạc ” .

Thủ pháp biểu hiện tượng trưng

Để làm nổi bật những đặc điểm trên đây, Tagore thường vận dụng lối biểu hiện tượng trưng
như trong kinh Thánh , kinh Phật , tức là mượn câu chuyện để bày tỏ ý kiến và quan niệm của
mình . Ông vận dụng linh hoạt những hình ảnh tôn giáo , kể cả thần thoại truyền thuyết , cổ tích
trong văn học cổ để thể hiện nội dung mới. Ông biến thần tượng vô hình trừu tượng thành hình
tượng cụ thể. Ông tước bỏ uy quyền của thần tượng để ca ngợi phẩm chất người lao động
nghèo , biến thần tượng thành vũ khí chống lại giai cấp bóc lột , chống lại thần thánh như trong
bài “Thượng đế là lao động” , “Thánh Norattam (bài 34 – Mùa hái quả). Ngoài ra, Tagore còn
dùng các hình ảnh loài vật , thiên nhiên và ngôn ngữ tượng trưng, ngụ ý .

Chính nhờ vận dụng thủ pháp biểu hiện tượng trưng trên đây mà thơ ca Tagore dễ đi vào
lòng người, cả lý trí và tinh cảm. Đó là thủ pháp độc đáo trong nghệ thuật thơ ca lãng mạn
Tagore.

Cheliev – nhà Ấn Độ học Liên xô đánh giá Tagore như sau : “Tagore là một tổng hợp thiên
tài kì diệu của văn học Ấn Độ , từ Upanisad qua tài liệu Phật giáo đến thơ Kalidasa, kể cả tinh
thần nhân đạo thời Trung cổ, cùng với tính chất lãng mạn tiến bộ trong văn học Anh và tinh
thần đấu tranh chống đế quốc giành độc lập của nhân dân Ấn Độ ” .

Chính vì thế, thơ Tagore “vừa rất dân tộc lại vừa là của chung toàn thế giới “(Nehru) . Giá
trị thơ ca của Tagore đã khiến cho ông xứng đáng là “ngôi sao sáng Ấn Độ phục hưng” và là
“nhà cách tân vĩ đại”. Người ta còn xếp ông là một trong mười nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX .

4. Thi pháp thơ Tagore

Bengal – quê hương R.Tagore là nơi có truyền thống đấu tranh dân tộc rất lớn. Nền văn học
nhân đạo phát triển từ lâu và rất sâu sắc. Tagore chịu ảnh hưởng của những truyền thống đó.
Tagore lớn lên trong xã hội Ấn Độ thuộc địa vào cuối thời cận đại đầu hiện đại. Ông chứng
kiến thảm cảnh đất nước bị nô lệ dưới sự thống trị tàn bạo của đế quốc Anh, đồng thời thấy rõ
truyền thống đấu tranh của dân tộc mình qua cuộc khởi nghĩa Tilak (1856 – 1926) năm 1905, và
phong trào đấu tranh chính trị đòi độc lập của Mahatma Gandhi (1869 – 1948) vào những năm
1920 – 1921.

Tagore là nhà thơ có thế giới quan khác hẳn các nhà văn tư sản, quí tộc Ấn Độ đương thời
và cũng không giống hoàn toàn với thế giới quan của nhà văn macxit.

Là một thiên tài nhiều mặt, phương pháp sáng tác Tagore chủ yếu là lãng mạn – trữ tình,
ông không phải là nhà văn hiện thực thuần túy. Đôi khi, sáng tác của Tagore còn chịu ảnh hưởng
màu sắc tôn giáo huyền bí và tư tưởng phiếm thần luận.

Hoàn cảnh gia đình riêng ảnh hưởng không nhỏ tới sáng tác nghệ thuật của Tagore. Hiếu
học, có ý chí, giàu nghị lực, Tagore tự học là chủ yếu.

Tagore đại diện cho nền văn hóa phục hưng Ấn Độ. Đứng trong hàng ngũ nhà văn tiến bộ
lớn của nhân loại đấu tranh cho hòa bình ở thế kỷ 20. Ông là bạn thân của Romain Rolland
(Pháp), nhà vật lý A.Einstein (Đức), giáo sư Muray (Anh)…

Tất cả những nhân tố trên đã tạo dựng một thiên tài Tagore hóa thân trong tác phẩm nghệ
thuật. Chuyên luận này không đủ sức phân tích, nghiên cứu toàn bộ thi pháp Tagore, chỉ giới hạn
trong phạm vi thi pháp thơ Tagore.(§)

Trong phần này, chúng tôi tập trung một số ý kiến bàn về thi pháp thơ Tagore, đồng thời cố
gắng đưa ra những phát hiện của mình về thi pháp thơ Tagore. Chúng tôi chưa thấy ai nói về bút
pháp “hướng nội”, chủ nghĩa hiệnthực kết hợp huyền ảo. Nhiều người thích bàn đến cảm hứng
tôn giáo trong thơ ông.

Thi pháp thơ Tagore phải là một hệ thống đặc điểm nghệ thuật riêng củaTagore giúp chúng
ta cảm thụ, tiếp nhận thơ ông một cách dễ dàng và góp phần khám phá tài năng nghệ thuật của
một thiên tài.

Bài đầu tiên: « Vịnh cây đa ». Mười ba


tuổi xuất bản tập thơ “Bông hoa rừng”
Tagore để lại 52 tập thơ. Trong đó, tập “Thơ Dâng” (Gitanjali) tiếng Anh là « Song
Offerings » được giải thưởng Nobel 1913, ông là người châu Á đầu tiên được giải này .

Thơ Tagore tạm phân thành 3 nhóm :

Thơ triết luận


Thơ tình

Thơ trẻ em

Thơ triết luận Tagore nặng suy tư, triết lí về những quan niệm thượng đế – con người, thiên
đường – địa ngục, sống – chết, hạnh phúc – đau khổ… chủ yếu ở Thơ Dâng, Những con chim bay
lạc và Người thoáng hiện.

Thơ tình của ông rất chân thực, bình dị mà nồng thắm, trẻ trung, hồn nhiên lại sâu sắc.
Người làm vườn (The Gardener), Tặng phẩm của người yêu (Lover sù Gift) là hai tập thơ tình
hay nhất. Tagore luôn luôn hướng tình yêu đi đến tự do, hạnh phúc, tình yêu không sa vào dung
tục, tầm thường, và cũng không phải cao siêu xa rời thực tế.

Nhiều bài thơ tình của ông trở thành những bản tình ca tuyệt diệu. Nam nữ thanh niên Ấn
Độ và thế giới rất yêu thích thơ tình Tagore.

Thơ trẻ em của Tagore rất giàu trí tưởng tượng, dồi dào chất huyền thoại, giản dị chân thật,
gần gũi với trẻ thơ. Tập “Trăng non” (The Crescent Moon) không chỉ là tập thơ khuyên răn dạy
bảo trẻ em mà còn là những bài học kinh nghiệm về trách nhiệm làm cha làm mẹ.

Thơ Tagore phong phú về đề tài nhưng đều toát lên một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đó là
tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu nước, yêu nhân dân, yêu hòa bình và yêu thiên nhiên…

4.1 Tư tưởng triết học- nghệ thuật của Tagore

Ở Ấn Độ, người ta gọi Tagore là vị thánh. M.Gandhi đã nói “Tagore đã trở thành bậc thi
hào của Châu Á và thế giới, đồng thời trở thành vị thánh của Ấn Độ” trên thế giới có nhiều người
có chung ý kiến ấy. Francois Cornfort nói “… gặp Tagore ta gặp một điều kỳ diệu… Ông ta là
một vị thánh. Giờ đây ta có thể tưởng tượng rằng đó là một đức chúa Jesus toàn năng và đáng
yêu”.

Tagore không những là bậc thi hào mà còn là vị hiền triết, nhà tư tưởng. Hành động nhân
cách và tư tưởng của ông được xem là mẫu mực của dân tộc Ấn Độ trong giai đoạn phục hưng
đất nước.

Sách triết học của ông không nhiều. Những bài diễn văn, tiểu luận, bài nói chuyện và thư từ
của ông đều mang nội dung, quan niệm triết học. Cuốn Sadhana (Thực hiện toàn mãn), là một tác
phẩm triết học tiêu biểu của Tagore” (Introduction à La France Lyrique)

4.1.1 Tôn giáo con người (Religion of man)


Năm 1924 một nữ sĩ phương Tây, bà André Karpeles Hoegman viết thư hỏi Tagore “Ông
thuộc về loại tôn giáo nào? Bà la môn hay Kitô giáo” Tagore trả lời như sau :

“Tôi chẳng thuộc về tôn giáo nào cả, và cũng không có một tín ngưỡng nào đặc biệt. Có
điều tôi biết rằng khi Thượng Đế sinh ra tôi thì chính người đã trở thành tôi rồi. Người vẫn hàng
ngày tích cực triển khai con người tôi qua kinh nghiệm cuộc sống, vẫn nâng niu con người tôi với
những sinh lực và vẻ đẹp khác nhau của thế giới này. Chính cái sự kiện tôi hiện hữu đã mang
trong đó lòng yêu thương vĩnh cửu rồi”.

Trong hồi ký của Tagore, “My life”, ông đã tuyên bố “Tôn giáo của tôi chủ yếu là tôn giáo
con người (Religion of Man) “ và ông cũng nói “Do tính khí đặc biệt của tôi, tôi không thể chấp
nhận bất cứ một giáo lý nào chỉ vì một lẽ duy nhất là những người xung quanh tôi tin nó là
đúng”.

Sau này, cả gia đình Tagore đã tham gia ba phong trào lớn có tính chất cách mạng ở Ấn Độ.
Đó là:

- Phong trào cải cách xã hội và cải cách tôn giáo của tổ chức Somajdo Ram Mohen
Roy lãnh đạo.

- Phong trào phục hưng văn học (Hindumela) do nhà văn Bakhim Chandra đề xướng.

- Phong trào dân chủ do Tilak cầm đầu.

Tagore kể lại: “Gia đình tôi đã tham gia tích cực cả ba phong trào đó. Chúng tôi bị bại trừ ra
khỏi đẳng cấp vì quan niệm tôn giáo của chúng tôi khác với dòng chính thống. Do vậy, được
hưởng cái tự do của những người ngoài đẳng cấp (phi đẳng cấp: Mleccha). Chúng tôi phải dùng
tư tưởng, năng lực và trí tuệ để xây dựng cuộc đời mình (My Life). Tư tưởng của Tagore đối lập
với tôn giáo chính thống trên đất Ấn Độ như là một tia chớp rực sáng xuyên thủng bầu trời u ám.

Người đọc có thể thấy rõ tinh thần Tagore trong các tác phẩm như vở kịch “Thầy tu khổ
hạnh”, “Lễ máu”, các bài thơ trong thơ Dâng, trong truyện ngắn “Đắc đạo”…

Chống lại tôn giáo, chống lại thánh thần, chống lại các đấng tối cao siêu hình, Tagore suy
tôn con người. Con người cũng là thần thánh ông đề xướng “Tôn giáo con người”. Đưa các ý
niệm Chúa, Thượng đế, thấnh thần nhập vào cuộc sống thực của con người.

Triết lý về con người của Tagore

Thực ra những quan niệm về con người, về năng lực và sự sáng tạo của nó, về sự vĩ đại và
thiêng liêng cao cả và đẹp đẽ đã được các triết gia và nghệ sĩ bàn luận nhiều ở phương Tây thời
phục hưng. Và từ thời cổ đại Ấn Độ – thời đại Kinh Veda đã có nhiều tác phẩm tôn giáo, triết học
từng nói về con người như kinh Veda, Upanisat, Bhagavat Gita.

Có lẽ đây là những lời tụng ca sớm nhất về con người trong kinh Veda:

“Trong tất cả những cái gì đang tồn tại, trong tất cả mọi cái sẽ tồn tại, con người là và sẽ là
tối cao”

Trong bộ luật Manu, bộ luật đầu tiên của Ấn Độ ra đời đầu công nguyên có viết rằng “ưu tú
nhất trong mọi sinh vật là loài động vật, ưu tú nhất trong giới động vật là loài động vật có lý tính
và ưu tú nhất trong động vật có lí tính là con người”.

Trong trường ca Bhagavat Gita cũng có những mẩu chuyện ca gợi chân lý con người như
huyền thoại vua Asoka và cô gái điếm.

Trước Tagore đã có nhiều nhà thơ, nhà hiền triết bàn đến con người, như Cabir, Chandhi
Das, Ram Mohen Roy, Vivekananda.

Triết lý của Vivekananda có ảnh hướng khá sâu sắc đến quan niệm “tôn giáo con người”
của Tagore.

Vivekananda chủ trương:

“Chúng ta cần một tôn giáo tạo ra những con người cho ra người… chúng ta không nên có
những tôn giáo thần bí làm cho con người suy nhược đi, nên bỏ hết các thần linh khác trong trí
óc chúng ta đi. Chỉ có một đấng thượng đế có ý thức là nòi giống chúng ta. Đâu đâu cũng có bàn
tay của người, bàn chân của người. Người là bao trùm hết thảy. Sự sùng bái chính đáng nhất là
sự sùng bái vạn vật quanh ta “những thần linh mà ta thờ phụng trước hết là đồng bào của chúng
ta”.

Những triết lý trên đây ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm của Tagore. Trước hết ông cho
rằng Thượng đế hay là đấng cao siêu khác mà con người thờ phụng cũng chỉ là ý niệm trừu
tượng, siêu hình, mang một ý nghĩa đại toàn duy nhất, hiện ra thành muôn hình muôn vẻ trong
đời sống con người. Thế giới hữu hạn là hiện thân của thượng đế, cho nên phương châm của
Tagore là “thực hiện cái vô hạn trong cái hữu hạn”, dẫn dắt con người trong cõi hư vô về với thực
tại. Ông chuyển đổi ý niệm thượng đế thành vấn đề con người. Thượng đế chính là cái đích, cái
khát vọng, ước mơ mà con người vươn tới. Thượng đế là niềm hạnh phúc, là tự do, là sự sống mà
con người luôn luôn mong nó đến với mình, ban phát cho mình.

- Con người sinh ra đã gặp khổ đau, đã bất lực với nó, luôn luôn mong muốn có một
bàn tay ban phước, cứu rỗi, giải phóng họ ra khỏi khổ đau. Những người đó là Đức Phật, là Jesus,
là đấng Allah… Nhưng thử hỏi xem đã có bàn tay màu nhiệm nào cứu con người ra khỏi khổ đau
chưa ? Bởi vậy, tốt nhất là, con người phải đi tìm thượng đế trong thực tại cuộc sống của mình.
- Con người cần phát huy khả năng, sức sáng tạo để giải phóng mình, giải phóng bản
chất tự nhiên của con người, đừng để bị ràng buộc, đừng để nô lệ những gì trái ngược với ý thiện
và phẩm chất tốt đẹp của con người.

Con người cần hòa đồng với vũ trụ

Muốn tồn tại và phát triển, trước hết con người phải hòa đồng với vũ trụ, không đối lập và
xa rời thiên thiên, cần phải hòa nhập vào thiên nhiên để tìm ra quy luật tự giải phóng bản thân
mình và phục vụ cuộc sống của mình.

Tagore nói “Con người không bao giờ tạo được mật ngọt riêng của mình trong bộng ong
của đời mình. Cái kho dinh dưỡng và đời sống vô tận vẫn ở ngoài tổ ong. Con người nên biết
rằng khi nó cắt đứt mọi liên hệ với cõi vô cùng mà chỉ sống riêng cho mình (cô độc) thì trở nên
điên cuồng và hủy hoại bản thân của mình” (trích Sadhana)

Vậy vũ trụ là gì , thiên thần là gì mà con người phải hòa đồng?

- Đó là bầu trời, trái đất này, là vạn vật quanh ta. Là đất, nước, núi rừng, sông ngòi,
biển cả, cây cối, súc vật… Tất cả những cái đó đều tác động đến cuộc sống hiện hữu của con
người, chi phối hạnh phúc tương lai của con người. Phải chăng trong kinh Upanisad đã chỉ rõ như
sau: “Mọi vật từ nguồn sống bất tận phân phát và tác động đến đời sống con người”.

Con người cần nuớc để uống, tắm rửa, để làm cho tâm hồn thanh thản, thanh lọc mọi dơ
bẩn. Ngược lại, nước cũng cần đến bàn tay của con người chế ngự, cải tạo, bảo vệ khiến cho
nước luôn luôn phục vụ cuộc sống của con người. Vậy con người phải luôn luôn yêu nước và giữ
gìn nó.

Đất cũng vậy, không chỉ nuôi dưỡng sự sống của con người, bài trí nên cảnh vật tuyệt đẹp
cho con người chiêm ngưỡng, du ngoạn mà cuối cùng còn che bọc thân xác con người.

Tagore cho rằng người Ấn Độ cổ xưa đã có ý tưởng muốn hòa đồng vũ trụ, đã có một nền
“văn minh núi rừng”. Rừng núi đã là nơi nuôi dưỡng trí tưởng tượng và đầu óc mơ mộng của
người Ấn Độ.

Romain Rolland, nhà văn lớn nước Pháp (1866 – 1944) đã nói “Nếu như trên trái đất này có
một nơi nào mà tất cả những mơ mộng của con người đang sống tìm được chỗ ẩn náu từ những
ngày xưa nhất khi con người bắt đầu mơ ước sống thì đó là đất nước Ấn Độ”.

Rừng núi là nơi sản sinh và phát triển nền văn hóa Ấn Độ, nhiều bậc Rishi (người thấu hiểu
mọi chân lý) đã vào rừng sống ẩn dật, lập am miếu tu luyện, hòa mình với thiên nhiên và chiêm
nghiệm. Các Rishi đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm triết học và những công trình nghệ thuật. Rừng
núi chính là ngôi thánh đường hùng vĩ nhất của người Ấn Độ.
Một mặt Tagore tích cực phát huy ý tưởng hòa đồng với thiên nhiên, mặt khác ông không
chấp nhận lối sống tôn thờ thiên nhiên một cách huyền bí và luôn luôn sợ sệt trước sức mạnh của
thiên nhiên và chỉ biết làm nô lệ thiên nhiên. Tagore chủ trương hòa đồng vũ trụ nghĩa là hòa
nhập vào thiên nhiên, năng động xông xáo tích cực đi tìm quy luật thiên nhiên để tự giải phóng.
Quy luật ấy có sẵn trong cuộc sống, trong vũ trụ bao la, không phải ở trong một đấng tối cao vô
hình nào. Định luật Newton, học thuyết Darwin… đều được tìm thấy trong cuộc sống, trong sự
tăng trưởng của vạn vật.

Khi đã nắm bắt được quy luật, cuộc sống con người lại càng dễ chịu hơn. Con người được
giải phóng, được hạnh phúc. Quy luật là cái chìa khóa mở cách cửa cuộc sống.

Muốn nắm giữ được quy luật, đòi hỏi con người phải có quan hệ mật thiết với cuộc sống,
khám phái vũ trụ mà chúng ta đang sống.

“Nếu một người không thấu hiểu quan hệ mật thiết của mình với thế giới thì người ấy sống
trong ngục tù mà vách ngục là kẻ thù” (Sadhana)

Tagore là người yêu thiên nhiên tha thiết và luôn luôn sống gắn bó với thiên nhiên. Ông đã
từng đi du lịch khắp đất nước, đã dừng lại rất lâu những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Ông đã
ngồi im hàng buổi trong khu rừng già để ngắm những lá vàng rơi, để ngắm những chùm hoa
dại… Những lúc ấy, nhà thơ ngồi yên, bất động, chim chóc bay trên đầu, sóc nhảy lên vai. Ông
ngồi trầm ngâm để cho tâm hồn hòa nhập thiên nhiên.

Tagore đã đưa quan niệm và tình yêu thiên nhiên vào thơ ca của mình, làm cội nguồn cho
chất trữ tình của thơ ca.

Con người phải biết hành động

Đó là một trong những nội dung triết học “tôn giáo con người” của ông.

Khác với các triết gia duy tâm khác, Tagore không bao giờ nhìn con người với con mắt bi
quan yếm thế, thụ động, sống theo định mệnh. Có người đề xướng lối sống vô vi, an phận như
Lão Trang. Có người chủ trương thả nổi con người trên dòng sông số mệnh, sống gấp, sống vội
theo hiện sinh chủ nghĩa. Tagore cho rằng: “Nếu chung ta cứ mải lo lắng đến cái chết thì vũ trụ
đối với chúng ta dường như là nấm mồ hãi hùng”.

Do đó, ông kêu gọi con người phải biết hành động. Hành động là lao động, làm việc không
ngừng, coi đó là bổn phận làm người. Con người muốn tồn tại thì phải hành động.

Trong kinh Upanisad có viết “Chúng ta sống và muốn sống, phải làm việc. Cuộc sống và sự
hoạt động của con người luôn luôn gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời được”.

Con người hành động (theo Tagore, hành động rộng hơn lao động), đó là một nghĩa vụ. Ông
viết:
“Thiên nhiên đã giao cho con người đủ việc phải làm và nó có thể giết chết con người hoặc
vì phải lao động nhọc nhằn quá sức, hoặc vì làm không đủ ăn… và con người lại không muốn
làm việc như thiên nhiên đã áp đặt cho loài bò sát hay chim muông. Con người phải vươn lên tất
cả loài vật và hoạt động kiểu khác” (Sadhana)

Ông lại viết:

“Thiên nhiên, cuộc sống là một công trường vĩ đại mà con người phải liên tục làm việc,
giống như sự hoạt động liên tục của một bông hoa”. Cây ra búp, nở hoa, cho hương sắc, cho quả
chín, sống theo luật tuần hoàn của nó. Con người cũng vậy, làm việc để đạt thành quả. Mục đích
đó không chỉ đơn thuần là nhu cầu sự sống. Mục đích tối thượng là làm cho con người cao đẹp
hơn, hoàn thiện, hoàn mỹ hơn. Không lao động, không hành động thì con người mất hết bản chất
người (Paramatman)

Còn Kinh Upanisad viết: “Tri thức, uy đức và hành động là bản chất con người”.

Con người hành động, lao động còn tạo ra nguồn vui cho cuộc sống trên trái đất vốn có quá
nhiều đau khổ (cho nên họ đã đi tìm thiên đường cực lạc, cõi niết bàn -Nirvana). Muốn tìm được
chốn ấy, con người phải tu thân tích đức, phải cầu nguyện, nài nỉ… Đó cũng là “hành động” của
người tu hành, nhưng là hành động tiêu cực mơ hồ và an phận. Còn “tôn giáo con người” của
Tagore hướng về việc con người hành động tạo ra nguồn vui, hạnh phúc cho chính mình. Nguồn
vui có trong vũ trụ, trong nhiên nhiên, xung quanh ta và tồn tại trong con người chúng ta.

Kinh Upanisad cũng nói “Tất cả mọi vật đều sinh ra trong nguồn vui bất tận”.

Con người không nên đeo đẳng nỗi ưu phiền chán chường. Cần phải đuổi ra khỏi tâm trí
mình những ý nghĩ bạc nhược, lười biếng, lẩn tránh cuộc sống. Phải ngẩng cao đầu, làm kẻ anh
hùng chiến thắng, vượt qua cảnh loạn ly, đau khổ với tâm hồn rạng rỡ, với niềm tin lạc quan.
Chính ngay trong những hành động của con người đã mang nguồn vui. “Trong công việc tôi làm
có nguồn vui của tôi, và từ nguồn vui này sẽ tạo ra mọi nguồn vui khác” (Upanisad).

Mặt trời đưa lại nguồn vui cuộc sống bằng ánh sáng. Bầu trời đưa lại không khí, lửa đưa lại
sự cháy. Hoa đưa lại nguồn vui là hương sắc, dáng vẻ đẹp. Con người đem lại nguồn vui bằng lao
động với thành quả do mình sáng tạo ra.

Con người phải thực hiện lòng thiện và tình yêu thương

Trong lịch sử loài người, từ xưa đến nay, tôn giáo nào, đạo giáo nào sau khi ra đời cũng chủ
trương con người phải tu thân, đi tìm cái thiện, phát huy cái thiện, diệt trừ cái ác. Trong những
trang văn học đầu tiên của con người như thần thoại, truyện cổ dân gian… cũng đã có sự phản
ánh xung đột giữa thiện và ác. Và bao giờ cái thiện cũng thắng cái ác. Sự xung đột ấy xảy ra hàng
ngày trên trái đất nơi con người đang sinh tồn.
Trong Upanisad: “điều thiện là tối cao”. Kế thừa nguyên lý đó, Tagore luôn luôn coi trọng
phẩm chất thiện của con người và kêu gọi con người hướng thiện. Theo Tagore, thiện nghĩa là:
con người phải biết hy sinh lợi ích cá nhân mình khi cần thiết, khắc phục thói ích kỷ, dục vọng,
tham lam. Con người phải có lòng vị tha cao cả, biết phụng sự lợi ích nhân loại, sống có lí tưởng,
hướng về sự hoàn thiện nhân cách, biết dâng hiến cho đời.

Tagore đề xướng con người chân thiện là xuất phát từ ý tưởng giải phóng con người, đấu
tranh cho tự do của con người. Lấy nhân thiện để tiêu diệt ác độc, kể bóc lột, đàn áp người khác,
giải phóng con người khỏi mọi ngục tù hữu hình và vô hình.

4.1.2 Tôn giáo thơ ca (Religion of Poetry)

Tagore quan niệm văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng là những tiếng nói thiêng
liêng, thanh cao, tiếng nói của một tôn giáo. Ông coi thơ ca là “thần linh”, là tôn giáo.

Không phải ông là người đầu tiên quan niệm như vậy. Năm 1817, trong Bách khoa toàn thư
về nghệ thuật Hy lạp, Hegel đã nói “Tôn giáo nghệ thuật”.

Tagore còn xem thơ ca là vũ khí, là công cụ để giải phóng tư tưởng, để đánh thức, để giác
ngộ tinh thần con người, đem lại niềm tin, soi sáng trí tuệ.

“Trong bóng tối, trong nghèo nàn và đau khổ, hỡi thần thơ ca, hãy đem đến cho chúng tôi
bó đuốc và lòng tin tưởng”.

Đó là tuyên ngôn thơ của Tagore. Trong suốt cuộc đời mình, Tagore đã đem thơ ca dâng
cho con người, phụng sự con người và cuộc đời. Con người của Tổ quốc và của nhân loại. Đó
cũng là quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”

Bàn về trách nhiệm của nhà thơ, ông nói:

“Con người nghệ sĩ chân chính cần phải biểu lộ niềm vui, niềm lạc quan. Đem niềm vui giải
thoát cho mọi người, chớ gieo rắc sầu muộn khổ đau hay sự chán chường, bi lụy”.

Bàn về nghệ thuật thơ, ông nói:

“Mỗi một nhà thơ đều cần có một ngôn ngữ làm trung gian riêng cho mình. Không phải
toàn bộ ngôn ngữ đều do anh ta làm ra mà vì bản thân anh ta đã sử dụng nó, nhờ có bàn tay kỳ
diệu của cuộc sống đụng vào biến nó thành một thứ công cụ do anh sáng tạo ra”.

Coi trọng qui luật thơ nhưng không nô lệ quy luật, đừng làm mất đi cái tự do phóng túng
của nhà thơ.

“Vẻ đẹp của một bài thơ phải theo qui luật khắt khe, nhưng cần phải biết vượt qua quy luật
đó. Qui luật là đôi cánh của nó, đừng để cho qui luật níu kéo nó mà qui luật phải mang bài thơ
đến tự do. Hình thức bài thơ ở trong qui luật, còn tinh thần bài thơ là vẻ đẹp. Qui luật là bước đầu
tiên đi đến tự do. Vẻ đẹp là sự giải phóng đi tới tự do”.

Kế thừa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại là nhiệm vụ quan trọng của nhà
văn.

Tagore là người mẫu mực trong việc kế thừa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa của
nhân loại. Đánh giá về mặt này, viện sĩ Odenburg ở Nga đã nhận xét “một nền văn học qua
Shakespear, Milton, Byron, đã quyết định tính chất tư duy của Tagore”.

Chính Tagore cũng thừa nhận: “Chúng tôi sung sướng thưởng thức nghệ thuật văn học Anh
không phải vì thẩm mỹ mà vì trong sự đình trệ của chúng ta, văn học ấy đã đem đến một làn sóng
mãnh liệt mặc dầu làn sóng ấy cũng có thể mang tất cả những cái dơ bẩn từ dưới đáy phơi trần
lên bề mặt”.

Trong việc học hỏi kế thừa văn học nước ngoài, Tagore thường nhấn mạnh đến bản sắc dân
tộc, ông viết:

“Chúng ta sẽ học được rằng, chúng ta có thể vươn tới thế giới lớn lao của loài người không
phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của mình”.

Ông kiên quyết chống thói nô dịch, dập khuôn, lai căng, thiếu tính sáng tạo khi tiếp thu văn
hóa nước ngoài. Ông chống lại thái độ sùng bái văn hóa phương Tây quá đáng và thái độ coi
khinh văn hóa dân tộc. Ông nói:

“Có phải chúng ta sinh ra để làm những người nô lệ mãi mãi cúi đầu dưới sức nặng của
những tài sản tinh thần mà chúng ta thu hoạch ở nơi này nơi khác không? Không bao giờ!” Và
ông khuyên:

“Chúng ta nên sử dụng văn học phương Tây như một món ăn chứ không phải như một gánh
nặng” (The Centre of Indian Culture)

Tagore là người phương Đông tích cực đề xướng tinh thần hòa hợp giữa văn hóa Đông Tây
và chống lại quan niệm “Đông là đông”, “Tây là tây”. Ông đề nghị hai nền văn hóa phải được
giao lưu với nhau trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không kỳ thị. Ông mở trường
Visua Bharati (Thế giới đại học) nhằm mục đích đó, đồng thời là nơi truyền bá văn hóa Ấn Độ
cho thanh niên trí thức trên thế giới. Thanh niên nhiều nước và một số nhà văn, học giả phương
Tây đã đến đây nghiên cứu và giảng dạy. Cố thủ tướng Indira Gandhi cũng là cựu sinh viên của
trường này.

4.2 Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tagore


4.2.1 Bút pháp hướng nội đi sâu miêu tả tâm linh, đánh thức bản ngã

Ý nghĩa bút pháp hướng nội:

- Xuất phát từ đặc điểm tư duy người Ấn Độ, Tagore xác định bút pháp hướng nội của
mình trong thơ.

Người Ấn Độ coi trọng tư duy hướng nội, tư duy tâm linh (Atman Viddhi), tư duy tri ngã tự
thân. Kinh Upanisad đã ghi “Các nhà hiền triết đã tìm đời sống vĩnh cửu, đã hướng mắt vào nội
tâm và nhận ra chân ngã Atman”.

- Truyện “Con hổ con và đàn dê” (Trong truyện cổ dân gian Ấn Độ) đã giải thích thế
nào là bản ngã.

- Tư duy hướng nội có đặc điểm là giàu tưởng tượng, tập trung ý chí, đi tìm chân lý,
hướng về điều mình cần biết.

Để miêu tả chiều sâu nội tâm, Tagore dùng nhiều hình thức từ cấu trúc ý thơ đến hình ảnh
đôi mắt, cảnh cô đơn, sự im lặng, không gian thanh vắng, thời gian chiêm nghiệm, ngôn từ đối
thoại, độc thoại nội tâm… Tất cả được trình bày trong thơ trữ tình, đặc biệt hai tập “Người làm
vườn” và “Tặng phẩm của người yêu”.

4.2.2 Cấu trúc thơ

Ý nghĩa bài thơ được xếp đặt theo hướng từ ngoài vào trong theo vòng tròn, xoắn ốc hoặc
từ thấp lên cao theo bậc thang. Lấy bài số 31 – Tập người làm vườn làm mẫu mực.

Trái tim chàng trai có hình ảnh con chim bay, 3 lần bay.

+ Bay lạc vào

+ Bay lượn

+ Bay lên cao

Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiều sâu đôi mắt ấy.

Hãy để anh bay lượn

Trên khung trời này rộng rãi cô đơn

Hãy để anh xuyên thủng tầng mây


Và tung cánh bay lên trong ánh mặt trời”.

Bài thơ số 28 – tập Người làm vườn, nói về khát vọng tình yêu. Tình yêu là trường cửu, vô
biên. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu, một tình yêu bền chặt, trọn vẹn thì phải luôn luôn khám
phá cái bí ẩn của tình yêu.

Trái tim người cũng là một thế giới bí ẩn khó biết trọn vẹn.

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”

Để lý giải điều đó, Tagore cấu trúc thơ từng bậc từ thấp lên cao hoặc từ ngoài vào trong.

4.2.3 Đôi mắt

Để miêu tả thế giới nội tâm, Tagore thường dùng “đôi mắt”. Nhiều nhà thơ tình trên thế giới
cũng miêu tả đôi mắt. Ngay trong tập “Người làm vườn”, đôi mắt xuất hiện 30/35 bài đã dịch.
Theo K.Marx, các giác quan là công cụ cơ bản nhận thức nghệ thuật. Trong đó chắc chắn Mắt là
công cụ nhạy bén nhất. Mắt là cửa sổ của tâm hồn. Mắt có ngôn ngữ thầm lặng, qua đôi mắt có
thể thấy sự hòa điệu, giao cảm.

Tagore viết “Đôi mắt chúng ta liên kết nhau trong hòa điệu làm cho chúng ta hành động
được thống nhất” (Sadhana).

“Tay nắm chặt tay, mắt dừng lâu trong mắt

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu như vậy đó”

(Bài 16 Người làm vườn)

Qua đôi mắt, có thể hiểu được diễn biến của tâm trạng: “có những cặp mắt tươi cười và
những cặp mắt đẫm lệ và mắt tôi đượm màu ngây dại” (Bài 25, Người làm vườn)

Qua đôi mắt, có thể đoán người tình đang nghĩ gì.

“Đôi mắt em ánh lên nụ cười nghi ngại

Khi anh đến tìm em để từ biệt, ra đi”


(Bài 40 / Người làm vườn)

Ngắm đôi mắt người tình của có thể biết được tội lỗi của họ. Tình yêu có lúc cũng biết che
giấu tội lỗi một cách ranh mãnh:

“Qua khóe mắt tò mò nhưng kín đáo của em

Em hãy hỏi đôi mắt thẫm đen, láu lỉnh

Thử xem tội lỗi ấy của ai?”

(Bài 39 – Người làm vườn)

4.2.4 Sự im lặng

Tagore thường miêu tả sự im lặng, cảnh im lặng, phút im lặng, người im lặng…

Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ, là đỉnh cao của âm thanh/. Im lặng thường biểu hiện
nhiều trạng thái nội tâm như buồn giận, khổ đau hoặc trầm tư, nghĩ suy… Im lặng có khi là thái
đội bất bình, phản ứng, có khi đồng tình nhưng khó nói.

Tagore cho rằng im lặng là một tâm trạng ở chiều sâu thăm thẳm của con người.

Bài thơ sau đây coi như một sự giải thích “thi pháp âm dương”:

“Con cá ở trong nước thì im lặng (thủy)

Con thú trên mặt đất thì ồn ào (thổ)

Con chim trên trời thì ca hát (khí/hỏa)”

Còn con người mang sẵn trong mình cả sự im lặng biển cả, sự ồn ào của đất và tiếng nhạc
của trời”. (Bài 43 – Những con chim bay lạc).

Trong thơ Đường, thơ Thiền, thơ Haiku thường miêu tả cái im lặng. Ở Nhật có trường phái
mỹ học Đá, tôn thờ sự im lặng của đá (Vườn đá Roendi ở Kyoto-cố đô, ra đời cách đây 5 thế kỷ).

Trong Bài 39 (Người làm vườn), đôi tình nhân không nói với nhau một lời, qua cử chỉ, qua
im lặng biết tình cảm của họ thật thắm thiết:

“Hãy để cặp môi chúm chím của em nói một lời thề

Làm sao tiếng nói của anh lạc vào trong im lặng
Hãy để cho anh ngồi xuống bên em

Và hãy để môi anh làm công việc của nó

Trong im lặng và ánh sao mờ…”

Trong bài 29 (Người làm vườn), đôi bạn tình trước lúc chia tay, nói với nhau lần cuối, lời
đã dứt và họ chỉ còn nói với nhau bằng im lặng:

“Khi lời của em đã dứt

Chúng ta sẽ im lặng ngồi yên

Chỉ có hàng cây thì thào trong bóng tối

Đêm nhạt dần. Ngày sắp hừng lên

Chúng ta sẽ nhìn vào mắt nhau

Rồi lại tiếp tục đi trên những con đường khác biệt”.

Trong bài 71 (Người làm vườn), Tagore kể lại một chàng trai chia tay vợ đi buôn bán
nhưng thua lỗ trắng tay. Mất của lại sợ mất cả vợ, khi anh trở về, may sao người vợ vẫn yên lặng
đợi chờ anh trong đêm.

“Tôi trở về nhà vào lúc nửa đêm với hai bàn tay trắng

Em đợi tôi ngoài cửa với đôi mắt lo âu

Lặng im và thao thức như một con chim e sợ

Em bay đến lòng tôi, yêu mến nồng nàn”.

Tình yêu có lúc tan lúc hợp, thậm chí có thể chia tay mãi mãi. Chia tay tình yêu bao giờ
cũng để lại nỗi đau nên coi cuộc chia tay đó là một kỹ niệm đẹp. Kỷ niệm ấy được giữ lại trong
im lặng.

“Hãy để cho lần nắm tay cuối cùng

Cũng đáng yêu như một đóa hoa yêu

Ôi chung cục mĩ miều

Xin hãy đứng yên trong giây phút


Và hãy để nói lên trong im lặng

những lời cuối cùng

Ta xin cúi mình và nâng ngọn đèn lên

Soi sáng cho người trong lúc ra đi”

4.2.5 Cảnh cô đơn, hình ảnh và tâm trạng cô đơn

Trong yêu đương, con người có lúc phải chịu cảnh cô đơn, lẻ loi, có thể vì mới chia tay
người yêu, hoặc bị phụ bạc ruồng bỏ, hoặc người yêu xa vắng…

“Thực thú vị thay

Khi ngồi trầm ngâm trong một góc

Và viết lên thành điệu thành vần

Rằng em là tất cả cõi đời anh

Thực anh dũng thay

Khi dám ôm ấp nỗi buồn đau

Và quyết định không cần ai an ủi”

(Bài 46 – Người làm vườn)

Bài 55 (Người làm vườn) miêu tả tâm trạng cô đơn của người con gái khi người yêu chia
tay ra đi. Cô ngồi nơi thanh vắng nghĩ về anh:

“Làng xóm ngủ yên trong hơi nóng ban trưa

Đường xá không người qua lại

Những khóm lá từng hồi, đột ngột

Nổi lên xào xạc chết lặng

Trong khi làng xóm ngủ yên trong hơi nóng ban trưa

Em nhìn kỹ bầu trời


Và em dệt vào màu xanh

Những chữ của một cái tên em hằng quen biết”.

Bài 65 (tập Người làm vườn) nói về chàng trai buồn đau chờ đợi người yêu trong cảnh vắng
lặng, cô đơn. Bỗng nghe tiếng người yêu gọi, và nỗi cô đơn tan biến, như màn sương bị phá tan:

“Tuy nhiên mọi vật rồi sẽ cáo chung

Và rồi nỗi cô đơn trong bóng tối

Là riêng của từng người.

Vậy mà tiếng nói của em

Lại chọc thủng nỗi cô đơn và dằn vặt của ta ư?”

5 Vận dụng trí tuệ, triết lý để nhận thức và lý giải những phạm trù con người và vũ
trụ một cách minh bạch và sáng tạo

Khi chúng ta nói đến chức năng nhận thức của con người là khẳng định sự tham gia tích cực
của trí tuệ, của chủ thể sáng tạo. Mọi nghệ thuật đều là sản phẩm của trí tuệ.

Nếu trí tuệ sáng tạo ra lịch sử thì nó cũng sáng tạo ra nghệ thuật chân chính.

Trong nghệ thuật, chất trí tuệ không biểu hiện một cách trừu tượng mà nó phải thông qua sự
rung động sâu xa của cảm xúc và thẩm mỹ.

Trí tuệ là sự biểu hiện cao của một năng lực tư duy đến một mức độ nào đó.

Trong thơ, chất trí tuệ kết tụ lại như một điểm sáng thẩm mỹ mang phong cách nghệ thuật
đầy tài năng (như Bertolt Brecht, Goethe, Puskin, Chế Lan Viên…)

Trong bài thơ 21 (tập Người thoáng hiện), Tagore đã giải thích về ý nghĩa của trí tuệ. Trí
tuệ là do sự tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết tong thực tế cuộc sống. Trí tuệ như một lâu đài, một
tháp cao, nó phải được xây cất lên nhờ các vật liệu.

Xuân Diệu cũng có quan niệm như vậy: “Trí tuệ không phải của thần linh cho, trí tuệ là cái
kết quả cao quí, tinh vi, kỳ diệu của sự phản ánh của thực tại vào trong tâm não con người, và
trong nghệ thuật. Trí tuệ tự nó lấy lại những tài liệu, chất liệu của thực tại mà sáng tác ra tác
phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật là sự quyện se, nhào nặn giữa thực tại với tư tưởng, tình cảm,
cảm xúc, cá tính của nghệ sĩ” (Dao có mài mới sắc. NXB Văn học, 1961, trang 131)
Chất trí tuệ, sự suy tư, triết lý đã trở thành dấu ấn, trở thành kiểu phong cách và phương tiện
biểu hiện trong thơ của Tagore, nổi bật trong tập Thơ Dâng (Gitanjali)

Nhận thức và lý giải về Chúa Trời – Chúa Đời, tức là Thượng Đế và con người, và cặp
thiên đường – địa ngục, hạnh phúc – đau khổ, tồn tại – hủy diệt (sự sống – cái chết). Đó là những
cặp phạm trù của vũ trụ quan, và nhân sinh quan mà Tagore thường đề cập trong thơ ông.

6 Chúa Trời – Chúa Đời

Chúa trời (hoặc Thượng đế) là ý niệm về một đấng sáng tạo tối cao, đầy quyền uy, có thể
chỉ huy và định đoạt cuộc đời, số phận con người nơi trần thế. Tagore nhận thức rằng Chúa Trời
chính là cuộc sống cũng có thể gọi là Chúa Đời. Cuộc đời thực tại của con người mới có khả
năng quyền lực dẫn dắt số phận của con người.

Có chúa nào trước mắt người đâu

Chúa ở đâu ?

Người nông dân đang cày mảnh đất khô cằn

Và người phu đường đang đập đá

Chúa ở cùng với họ

Trong nắng trong mưa

Và áo quần của người đầy bụi bặm

(Bài 11 – Thơ Dâng)

Như vậy là chúa hiện hữu, chúa là hiện thân cuộc sống trước mặt. Nhà thơ đã đưa chúa vô
hình vô ảnh ở cao xa đến với cuộc sống con người. Đó là Chúa Đời, cầu nguyện Chúa là cầu
nguyện cuộc sống.

Chúa ơi, đây là điều tôi muốn cầu xin người:

Xin hãy đánh, đánh cho tận gốc

Cái tình trạng khốn cùng trong trái tim tôi

Xin hãy cho tôi sức mạnh

Để cơ thể nhẹ nhàng chịu đựng


Những niềm vui và nỗi sầu muộn của tôi (Bài 36 – Thơ Dâng)

7. Thiên Đường – Địa Ngục

Tagore nhận thức và lý giải về Thiên Đường – Địa Ngục một cách rất uyển chuyển, linh
hoạt và đầy sáng tạo, những câu chuyện, hình ảnh cụ thể đã góp phần cắt nghĩa thiên đường và
địa ngục.

Bài thơ số 49 (tập Tặng phẩm của người yêu), một bà mẹ đã giải thích thiên đường cho con
như sau:

“Con ơi con hỏi mẹ

Thiên đường là ở đâu (…)

Con ơi thiên đường trọn vẹn

trong tấm thân dịu dàng

trong trái tim hồi hộp của con…

Thiên đường sinh ra ở trong con

Ở trên cánh tay của bà mẹ đất bụi này”.

Tagore xác định. Thiên đường ở chốn thực tại thì địa ngục cũng không phải ở trong lòng đất
mà hiện hữu ngay trên mặt đất này.

- Đó là triều đình, đền miếu, nhà thờ, gông cùm, xiềng xích của những kẻ áp bức bóc
lột và giai cấp thống trị.

8. Sống và chết

Đây là phạm trù của sự tồn tại và sự hủy diệt của thế giới. Sống và chết là quy luật tự nhiên
của con người. Thơ Tagore thể hiện quan niệm sống chết rất rõ ràng.

Tagore kế thừa tư duy triết học Ấn qua tác phẩm Bhagavat Gita (Chí tôn ca).

Cái gì sinh ra tất phải diệt

Cái gì đã diệt tất phải sinh


Tagore quan niệm sống – chết như hai đầu chiếc nôi đưa đẩy, như cặp vú trên ngực người
đàn bà, như hai bờ của dòng sông.

“Cuộc đời này là một chuyến qua biển

Khi chết là chúng ta đến bến

Và chúng ta gặp nhau trong một chiếc thuyền con

Khi chết là chúng ta đến bến

Và mỗi người đi về nơi thế giới của mình”.

(Bài 242 – Những con chim bay lạc)

Nhà thơ ví cuộc sống như “ly rượu tràn đầy” (the cup of life). Cuộc sống tràn đầy, nhưng
ông tiếc rằng hai bàn tay mình quá nhỏ bé, không đủ sức ôm vào lòng tất cả những gì cuộc sống
ban cho. Ông viết:

“Tôi yêu cuộc đời này

Tôi hiểu rằng tôi cũng yêu cái chết”.

Bàn về trí tuệ, triết lý trong thơ Tagore, Radha Krijna (Ấn Độ) đã nói:

“Sáng tác của Tagore cho thấy trí tuệ thâm nhập thật sâu xa, chất thơ thật huyền diệu và
tinh thần thật tha thiết. Những sáng tác ấy đã bộc lộ được những gì nhân loại hằng mơ ước khát
khao”.

9. Kết hợp hiện thực và huyền ảo

Huyền ảo là hình dung từ chỉ những hiện thực mang màu sắc hư hư thực thực, hình ảnh mờ
ảo, lấp lánh, lung linh.

Huyền ảo kết hợp hiện thực, Tagore thường dùng những huyền thoại, hình ảnh thần bí của
tôn giáo và những hình ảnh hư ảo để biểu hiện, để thông báo ý nghĩa.

Cốt lõi của hiện thực được bao bọc, viền giát bên ngoài bằng một lớp huyền ảo:Tagore
thích dùng lối biểu tượng (Parabole) như trong kinh thánh hoặc kinh phật, mượn một câu chuyện
để bày tỏ ý kiến của mình. Nhưng đằng sau cái bề ngoài thần bí ấy là một thực chất không thần
bí. Cái lõi của thơ Tagore và nhiều tác phẩm thể loại khác đều là cuộc đời, là sự sống trên mặt
đất, thế kỷ XX. Và các dáng dấp, các màu sắc huyền ảo kia chỉ là vỏ ngoài, như chiếc áo cà sa
khoác trên lưng người trần tục.

Đặc trưng kết hợp hiện thực với huyền ảo trong thơ Tagore thể hiện qua mấy điểm sau:

Chọn đề tài từ truyền thuyết, cổ tích, thần thoại

Nội dung thơ gợi ta nhớ lại những chuyện dân gian, như bài 23 (tập Người thoáng hiện).
Gốc gác bài thơ lấy từ thần thoại kể chuyện vũ nữ thiên thần Menaca và đạo sĩ Visuamitra. Hoặc
trong bài 11 (Người thoáng hiện), Tagore dùng truyền thuyết nàng Uôcvasi làm biểu tượng của
sự sống, cuộc đời, hạnh phúc và tình yêu.

Bài “Bản hợp đồng” (tập Trăng non) mang chất liệu, âm hưởng truyện kể dân gian Ấn Độ.

Tagore còn huyền thoại hóa một số đề tài như mẹ và con trong bài “Mây và sóng”… (tập
Trăng non).

11. Xây dựng hình ảnh thiên nhiên

Trong triết học và nghệ thuật Ấn Độ, thiên nhiên được coi là đối tượng lý tưởng của sự suy
ngẫm, tìm tòi chân lý.

Nhìn bề ngoài, thiên nhiên chỉ là một thực thể tồn tại khách quan, nhưng nội tâm con người,
thiên nhiên là biểu hiện của tình cảm và trí tuệ. Con người có nhu cầu trao đổi tinh thần với thiên
nhiên, tựa vào thiên nhiên để tự giải phóng.

Thiên nhiên là hiện thực trong sạch và chứa đựng nhân cách. Với tác phẩm nghệ thuật,
thiên nhiên được coi là nhân vật.

Tagore nói “Nghệ sĩ phải là người bạn tình của thiên nhiên”

Ông kêu gọi:

“Nhà thơ ơi ! Anh đã từng thấy ánh hồng rực cháy của mùa xuân

Rồi ghi lại tất cả khi đang cất bước trên đường”

(Bài 41 – Tập Cánh thiên nga)

Sự phong phú của thiên nhiên đất nước Ấn Độ là nguồn cảm hứng thơ ca của Tagore, là đối
tượng để ông miêu tả, là thế giới trong tưởng tượng mơ mộng của ông.
Thiên nhiên trong thơ Tagore là một thiên nhiên đặc biệt, nó được huyền ảo hóa, nhân hóa
và thần thánh hóa.

Ở phương Đông, thiên nhiên đều được coi là có linh hồn, khác với quan niệm của phương
Tây.

Trong bài “HimAllahya ơi!” ông viết năm 1922 trong một tập thơ ngắn, Tagore đã nhân hóa
núi HimAllahya như một nhà bác học uyên thâm:

“Người sống một mình như một bác học, trên gối mở ra cuốn sách cổ có vô vàn trang đá.
Tôi không biết trong đó ghi truyện gì. Phải chăng là vở kịch Thần Ghê rợn ngỏ tình với Nàng
Yểu điệu? Phải chăng là Thần Khổ Hạnh muốn kết duyên với Nàng Yêu?”

Trong thơ Tagore đầy ắp những cảnh sắc, hoa lá, cảnh tượng, cây cối thiên nhiên. Qua đó
ông miêu tả, phản ánh tâm trạng. Tagore thường sử dụng lối nhân hóa thiên nhiên:

- Hỡi mùa xuân, người tình nhân lơ đãng của đất

- Ngọn gió xuân trễ nải

- Gió tháng ba xao xuyến nghịch đùa mái tóc trên má em

- Những đám mây trắng lười không chuyển động.

- Những vì sao phập phồng.

- Làn sóng lả lơi…

- Hỡi những bông hoa nôn nóng, mệt mỏi đợi chờ

Ngay cả những hương thơm vô hình mà ông cũng có thể nhân hóa một cách kỳ ảo.

- Hương thơm kêu van chiếc nụ hoa (Thật khổ thân tôi)

(Bài 60 – Tập Mùa hái quả)

Cái độc đáo của bút pháp Tagore trong việc xây dựng thiên nhiên vừa thực vừa ảo chính là
ở chỗ ông biết chuyển những hình ảnh thiên nhiên thành những hình ảnh thi ca mang vẻ đẹp trữ
tình của xứ sở mộng mơ của ông.

Sarma (nhà nghiên cứu Ấn Độ) nói: “Không một thi sĩ Ấn Độ nào từ thời Veda lại nhiệt
thành cảm thấy sự hiện diện của thiên nhiên bằng Tagore”.

12. Vận dụng thủ pháp tượng trưng, so sánh, ẩn dụ


Thủ pháp tượng trưng là một phương pháp biểu hiện một cách tương ứng có nghĩa đen và
nghĩa bóng giữa ý nghĩa và hình ảnh.

Tượng trưng sẽ tạo ra một tương ứng giữa ý nghĩa và hình ảnh, giữa tín hiệu và sự vật.

MA.Navipdov viết: “Hình ảnh thơ ca bao giờ cũng có một ý nghĩa nhất định. Chỉ được xem
là hình ảnh tượng trưng khi ý nghĩa này không được nêu ra một cách lộ liễu như so sánh, hoặc tự
bản thân nó chưa phải đã rõ ràng và hiển nhiên”. (Tầm lý học sáng tạo. NXB Văn hoc. H. 1978.
Trang 356).

Ta bắt gặp trong thơ Tagore nhiều hình ảnh Chúa, được gọi dưới nhiều tên khác nhau:
Thầy, Người, Vầng dương, ánh sáng…

Tất cả những tên gọi đó đều mang ý nghĩa tượng trưng, tượng trưng cho cuộc đời, cuộc
sống, chân lý…

Dùng cả những hình ảnh con vật như: chim, rắn, voi, ngựa, nai… để tượng trưng:

“Con rắn mù quằn quại trong hang tối

Không biết gì đến mắt ngọc trên đầu

Cũng không biết ánh sánh mặt trời sáng chói”

Đó là biểu tượng đất nước Ấn Độ trong tăm tối nô lệ.

Trong bài 28, (tập Người làm vườn), Tagore dùng thủ pháp tượng trưng, so sánh, ẩn dụ khá
nổi bật:

“Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh

như trăng kia muốn vào sâu biển cả”

Mắt = Trăng

Biển = Tâm hồn

Và trong bài 31 (tập Người Làm Vườn):

Mắt em = khung trời

Mắt em = cái nôi buổi sáng

Mắt em = vương quốc của trời sao.


Sự so sánh đó đã đẩy lên mức tượng trưng. Tagore muốn nói tình yêu thanh cao, trong sáng,
thiên liêng, cao cả, rộng lớn, sâu thẳm như bầu trời, như trăng sao, như biển cả. Tagore muốn
nâng con người mang tầm vóc vũ trụ. Con người cũng là một thế giới, là tiểu vũ trụ (có người gọi
là thi pháp vũ trụ Tagore).

Thủ pháp tượng trưng, so sánh, ẩn dụ trong thơ Tagore thường mang ý nghĩa liên tưởng,
vừa so sánh vừa tượng trưng, vừa so sánh vừa ẩn dụ:

Giọt sương nói với mặt hồ:

“Người là giọt sương to nằm dưới lá sen

Ta là giọt sương nhỏ hơn nằm trên lá”

Ngọn cỏ tìm bạn bè đông đảo ở dưới đất

Cái cây tìm sự cô đơn ở trên trời”

Nói về tài năng mô tả kết hợp hiện thực và huyền ảo, W.Yeats (Aixơlen) đã đánh giá
Tagore là “Một họa sĩ tài năng vẽ bụi đất và ánh sáng mặt trời”.

13. Đặc điểm ngôn ngữ ( Lời văn nghệ thuật )

Ngôn từ trong thơ là phương tiện thể hiện sự nhận thức có tính mỹ học đối với hiện thực
được biểu hiện trong hình tượng nghệ thuật.

Trong thơ Tagore có thể tìm thấy mấy đặc điểm sau:

13.1 Độc thoại nội tâm

Độc thoại nội tâm là phát ngôn của nhân vật với chính mình thể hiện liên tiếp quá trình tâm
lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của
nó.

Độc thoại nội tâm trong thơ Tagore có nhiều dạng:

- Độc thoại về nỗi đau của tình yêu:

“Ôi cuộc đời

Ta đã hái một cành hoa của người


Ta đã ôm cành hoa vào trái tim ta

Và đã bị gai đâm

Khi ánh ngày đã nhạt và trời đã tối đen

Thì hoa cũng héo tàn

Nhưng nỗi đau còn ở lại”.

(Bài 57 – Tập Người làm vườn)

Độc thoại để hồi ức những kỷ niệm của mình thời thơ ấu:

“Cảnh mặt trời lặn, mùa thu đã đến với tôi

Ở khúc đường quanh

Trong chỗ hoang vu quạnh quẽ

Như một cô dâu

Lật tấm mạng lên, nhận người yêu

Thế mà ký ức của tôi

Vẫn còn ngào ngạt mùi hương

Những đóa nhài trắng đầu tiên

Mà tôi đã ôm trong tay

Khi hãy còn thơ dại”.

(Những đóa hoa nhài đầu tiên – tập Trăng non)

13.2 Đối thoại để lý giải một khái niệm, một vấn đề

Đối thoại giữa hai nhân vật, hỏi và trả lời như một màn kịch nói. Ví dụ người nô bộc và
hoàng hậu trong bài số 1 (tập Người Làm Vườn) hoặc bài 31 (tập Thơ Dâng), hoặc:

“… Vì sao hoa lại tàn?

Tôi ghì nó vào lòng tôi


Với một tình yêu khắc khoải

Chính vì vậy mà hoa đã tàn”

(Bài 52 – tập Người làm vườn)

13.3 Thường dùng các liên từ ngữ, thán ngữ… để thể hiện giọng trữ tình và triết lý

“Ôi! Tình yêu

Sao người để ta phải đợi chờ ngoài cửa một mình?”

(Bài 18 – Thơ Dâng)

“Mặt trời, mặt trăng và tinh tú

Người có thực như những vật thực này chăng?

Than ôi, người chỉ là một bức tranh?”

(Bài 6 – Những cánh thiên nga)

“Hãy từ bỏ những vòng tràng hạt

Và những lời tụng niệm hát ca

Hãy mở mắt nhìn xem

Có chúa nào trước mắt người đâu?”

(Bài 11 – Thơ Dâng)

“ Nếu đời anh là một viên ngọc

Anh sẽ đập nó ra thành trăm mảnh

Và xâu thành chuỗi

Quàng vào cổ em ”

(Bài 28 – Người làm vườn)

“Có phải môi em thơm dịu như nụ hoa tình đầu


Mới hé nở lần đầu biết mình yêu ? ”

(Bài 32 – Người làm vườn)

13 . 4 Vận dụng hình thức thơ Sonnet của châu Âu và thơ văn xuôi khi dịch ra tiếng
Anh

Thơ Tagore viết bằng tiếng Bengal theo âm luật Sloka. Ông tự dịch ra thể thơ Sonnet (14
câu: 2 khổ 4 và 2 khổ 3, gọi là 2 quatrain và 2 tercet), cấu trúc: 4, 4, 3, 3.

Thể sonnet và thơ văn xuôi có ưu thế tự do, ít gò bó niêm luật, vẫn tạo được hồn thơ và giàn
nhạc điệu, ấy là thờ âm điệu, nhịp điệu, ngữ điệu và chất thơ. Trong thơ Tagore có những bài thơ
như kinh cầu nguyện.

W.Yeats nói “Tagore viết nhạc cho những bài thơ của ông và lúc nào người ta cũng hiểu
rằng thơ ông phong phú hồn nhiên, táo bạo trong tình cảm và luôn luôn sáng tạo”.

Nói về nhịp điệu, có thể thấy rõ ở bài thơ “Lễ tạ ơn” (tập Mùa hái quả) giống như bài kinh
thánh nguyện cầu.

KẾT LUẬN VỀ THI PHÁP THƠ TAGORE


Tagore là một tổng hợp nhân tài kỳ diệu của văn học Ấn Độ, từ Upanisad, qua tài liệu phật
giáo, đến thơ Kalidasa, với tinh thần nhân đạo trung cổ cùng với tính chất lãng mạn tiến bộ của
văn học Anh và tinh thần đấu tranh chống đế quốc giành độc lập của nhân dân Ấn Độ.

Sự hòa quyện giữa đời sống bình thường và những bí ẩn trong đời sống bình thường, sự hòa
quyện giữa thơ và triết học, chất hài hước và trữ tình, sự phân tích xã hội và sự phát hiện ra thế
giới nội tâm của con người. Đó là những đặc điểm trong thơ Tagore.

Ảnh hưởng của Tagore đối với tinh thần Ấn Độ và đặc biệt là các thế hệ đang kế tiếp nhau
ngay nay là vô cùng to lớn. Không chỉ riêng tiếng Bengal – ngôn ngữ ông dùngđể viết, mà tất cả
các ngôn ngữ khác ở Ấn Độ đã được nhào nặn một phần bởi các tác phẩm của ông. Hơn bất cứ
người Ấn Độ nào khác, Rabindranath Tagore đã góp phần mang lại sự hài hòa cho các lý tưởng
Đông và Tây (Nehru).

k
Hướng dẫn ôn tập

1 / So sánh thần thoại Ấn Độ với thần thoại Hi Lạp- La mã và thần thoại Việt Nam

2/ Đọc bài Văn học Ấn Độ trong sách Văn học 10 tập 2 và truyện “Thần lửa Agn” sách
Văn học 6 tập 1

3 / Phân tích bài thơ “Mây và sóng” của Tagore ở sách Văn học lớp 6 tập 1

4 / Tìm hiểu về sự truyền bá tôn giáo và văn hoá Ấn Độ tới vùng Đông Nam Á và ảnh
hưởng trên thế giới .

(SV tìm hiểu sự ảnh hưởng văn học Ấn Độ ở vùng Nam bộ )

PHẦN THỨ HAI. VĂN HỌC NHẬT

KHÁI QUÁT
Các nhà sử học thường nhắc nhở học trò về đất nước Nhật như một tấm gương, một bài học
và một sự cổ vũ rằng nước này đã đi tiên phong trong cuộc canh tân đầu tiên của châu Á nhằm
hướng tới và bắt kịp Âu Mỹ ; Đất nước Phù Tang thực sự đã vươn lên vị trí những cường quốc
hàng đầu thế giới. Nhưng người Nhật cũng không quên tai họa phát xit giữa thế ỉ XX…

Bên cạnh Thần đạo là một tôn giáo nguyên sơ, người Nhật ngày nay đã chấp nhận Đạo Phật
là quốc giáo, với hình ảnh những ngôi chùa mái cong thanh thoát và những ngày lễ Phật linh
thiêng…

Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, người Nhật còn đề cao “tứ đạo”: Thư đạo , Kiếm
đạo, Hoa đạo và Trà đạo. Nhưng người nước ngoài vẫn cảm thấy khó hiểu với tập quán “võ sĩ
đạo” (võ sĩ samurai tự mổ bụng bằng kiếm để tỏ ý chí). Nghệ thuật chơi cây cảnh bonsai lại là
một thú chơi đầy triết lí của người Nhật đang lan rộng khắp thế giới ngày nay.

Dân ca Nhật ngất ngây hương vị mùa xuân và mùa thu, bài Hoa anh đào nhuốm nỗi buồn
tiếc thời gian (Mùa xuân sang có hoa anh đào, màu hoa tôi chót yêu từ lâu ..) Khách du lịch
phong lưu hào hoa có thể nhắc tới những cô gái geysha - một dạng kĩ nữ phòng trà quí tộc được
đào tạo một số kĩ xảo văn chương nghệ thuật đủ để tiếp khách tài tử văn nhân…
Những điều kể trên chưa thể gọi là đủ để nói về một đời sống văn hóa thẩm mĩ và nghệ
thuật của một đất nước có trên nghìn năm văn chương và hai nhà văn giải Nobel : Kawabata và
Oe Kenzaburo.

Trên thế giới cũng như ở nước ta, nhiều người chưa biết đến một nền văn học Nhật bản đầy
đủ . Trong khoảng mươi năm lại đây, học sinh trung học Việt Nam mới được làm quen với truyện
ngắn Thủy nguyệt một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Kawabata (sách Văn học lớp 11 tập II).
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một truyện ngắn với dung lượng nhỏ chưa điển hình cho nền văn học
đặc sắc này. Những người sành thơ nhắc đến thể thơ độc đáo haiku – một bài thơ chỉ có ba câu –
với nhà thơ tiêu biểu là thiền sư Mitsuo Basho.

Theo quan điểm văn hoá học, văn hóa Nhật là sự tổng hợp các thành tố sau :

Văn hóa bản địa quần đảo biệt lập (gốc)+ Văn hóa Trung Quốc+ Văn hóa Ấn Độ + Phương
Tây

Ba thành tố đầu kết hợp nhuần nhuyễn. Tuy vậy người thưởng thức vẫn nhìn thấy ba tính
cách khá đậm nét : tính Ấn Độ ưa tư duy và thần bí, tính Trung Hoa ưa hành động và thực tiễn,
còn tính Nhật ưa tình cảm và cái đẹp.

Có thể nói, thơ văn Nhật Bản đi theo một “tín ngưỡng” đáng yêu là tôn thờ cái đẹp . Từ chữ
viết, áo quần, ăn uống, cắm hoa, đốt nhang. . . cho đến tự sát cũng đòi hỏi phải đẹp (ngày nay
không phải ngẫu nhiên thiên hạ khâm phục mẫu mã hàng hoá Nhật luôn luôn… đẹp đẽ, xinh xắn)
. Và lòng sùng tín cái đẹp ấy đôi khi đi ngược lại cả tôn giáo và luân lí đạo đức khiến bị trách là
vô luân. Hơn một ngàn năm, cái đẹp hòa hợp giữa thiên nhiên và tâm hồn con người đã trở nên
hạt nhân của nền văn chương Nhật bản .

Khái quát về nền văn học Nhật bản, có thể chia nền văn học này ra ba phần :

Phần 1. Văn học cổ (từ khởi thủy đến thế kỉ 13)

Phần 2. Văn học trung đại (thế kỉ 13 đến 1868)

Phần 3. Văn học hiện đại (từ 1868 đến nay)

VĂN HỌC CỔ ĐẠI

Thời đại Nara : buổi bình minh


Khoảng đầu Công nguyên, nước Nhật gồm 100 xứ nhỏ với hàng trăm bộ tộc cát cứ . Khi
thống nhất, chọn kinh đô là Nara, về sau còn mang những tên Yamoto, Nippon .

Vào khoảng năm 710, người Triều Tiên đem Phật giáo vào xứ đảo quốc này. Thơ , tùy bút,
nhật kí, tiểu thuyết viết bằng chữ Hán, ưa dùng điển tích Hán nhưng mang đậm nét thiên nhiên
quần đảo và tâm hồn Nhật .Tập thơ Vạn diệp tập (nghìn chiếc lá) gồm 4500 bài thơ do Thiên
hoàng tổ chức in và phát hành. Đây là buổi bình minh của nền văn học Nhật nên chưa hình thành
rõ nét phong cách.

Thời đại Heian (bình an): thời của cái đẹp

Văn chương quí tộc và bình dân nở rộ, tự nhiên như hoa cỏ. Đặc biệt, các cây bút nữ quí
tộc chiếm ưu thế với những tác phẩm tiêu biểu cho cả nền văn học, đến nỗi ngày nay người ta bảo
văn chương Nhật đầy nữ tính. Giai đoạn văn học này tạo ra truyền thống sâu sắc, hình thành
phong cách Nhật khá ổn định, khiến các giai đoạn sau kể cả văn học hiện đại ngày nay vẫn không
né ra ngoài bóng rợp của nó. Các tập Cổ kim tập , Thầm nhặt bụi trần , Tiểu thư ánh trăng , Tiểu
thư yêu sâu bọ , Sách gối đầu (tác giả nữ sĩ Sei Shonagon), Phù du nhật ký và đặc biệt Truyện
Genji của nữ sĩ Murasaki là tác phẩm tiêu biểu nhất. Genji dày 1 000 trangkể chuyện tình
duyên của thái tử Genzi hào hoa phong nhã . Qua cuộc đời Genji, nữ sĩ đã miêu tả hiện thực xã
hội cung đình và đời sống người Nhật thế kỉ XI thật sinh động.

VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

Giai đoạn 1. Thế kỉ 13 – 15 là “thời Khói lửa”

Sáng tác của võ sĩ và tu sĩ là chủ yếu

Thơ ca và văn xuôi đều phát triển. Kể tên một số tác phẩm tiêu biểu : Nhà trên núi , Mây
hoang dại , Ghi chép trong lều , Trầm tư trên cỏ , Những truyện kể theo tiếng đàn tì bà . . .

Thời kì này còn xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới : sân khấu Nô ( Noh), sáng tác từ
thế kỉ 14 đến 16 . Đây là một nghệ thuật tổng hợp gồm nói , hát , đọc thơ , văn xuôi , múa và âm
nhạc . Nhân vật chính luôn đeo mặt nạ , nhân vật thì không . Nam đóng luôn cả vai nữ . Xoay
quanh 5 loại nhân vật : thần linh , võ sĩ , giai nhân , người điên và hồn ma . Ảnh hưởng sâu tư
tưởng Phật Thiền tông . Chủ đề : con người lăn lộn trong cuộc sống , tham vọng và dục vọng ,
danh dự và tội lỗi , cuối cùng tìm lối giải thoát . Kịch Nô là sự tổng hợp , kế thừa toàn bộ tinh hoa
văn học cổ đại cho tới đương thời của đảo quốc này . Nhà nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn kịch Noh
ưu tú nhất là Zeami Motokiyo . Ngày nay còn lại khoảng 240 vở kịch Nô đặc sắc vẫn được diễn .

Giai đoạn 2. Thế kỉ 17 đến 1868

Gọi là “Văn chương phù thế” (văn chương về cuộc đời trôi nổi, thực dụng. . . )
Chế độ phong kiến đang rạn vỡ, báo hiệu một cuộc cách mạng lớn .

Hai tác giả tiêu biểu là nhà văn Saikaku với dòng tiểu thuyết thế sự . Ông có hai tác phẩm
nổi tiếng là Vầng trăng trong mưa và Gót chân giang hồ . Nhà thơ thứ hai là Mitsuo Basho
đỉnh cao của thể thơ haiku độc đáo .

VĂN HỌC HIỆN ĐẠI (từ cuộc Canh tân 1868 đến nay)

Văn học Nhật tiếp thu tinh hoa văn học Tây Âu, chủ yếu về mặt phương thức biểu hiện, tính
tự do dân chủ, giải phóng cá nhân. Điều cốt lõi của văn chương vẫn là một tinh thần Nhật bản, cái
đẹp Nhật bản, sự đau khổ nuối tiếc nhìn thấy và cố sức níu kéo những cái đẹp truyền thống đang
băng hoại nhanh chóng trong cuộc sống công nghiệp ngày nay . Tác giả tiêu biểu là Kawabata
Yasunari với các tác phẩm sau: Cố đô , Xứ tuyết , Ngàn cánh hạc, Vũ nữ Itzu, Người đẹp say ngủ.
Ông được tặng giải thưởng Nobel 1968.

CHƯƠNG VII. NỮ SĨ MURASAKI và TIỂU THUYẾT GENJI

(Genji monogatary)

còn gọi là “Truyền ngữ Nguyên Thị ”

Genji là cuốn tiểu thuyết cổ điển vĩ đại nhất của nền văn học Nhật Bản , được sáng tác
từ cuối thời cổ đại .Trong lịch sử tiểu thuyết thế giới, đây là điều khó tin của nhân loại .

Tác giả là nữ sĩ Murasaki, tước hiệu nữ quan là Shikibu dưới triều đình Thiên hoàng Ichijo
( 986-1011) .

TÁC GIẢ

Nữ sĩ Murasaki là con một học giả quan chức nổi tiếng, kết hôn với người anh họ . Sinh hạ
một đứa con gái , nhưng nàng goá chồng sớm vì chồng chết bởi bệnh dịch hạch. Thời thơ ấu như
trong nhật ký nàng ghi “khi tôi còn nhỏ , ngồi nghe anh tôi ngồi học Sử ký Tư Mã Thiên , tôi
lắng nghe và học thuộc rất mau. Anh tôi thì chậm chạp và hay quên ”. Năm 1005 , Murasaki
được tuyển vào cung của thứ phi Akiko làm một chức nữ quan . Nàng thường đọc thơ Lí Bạch và
dạy môn Thơ Đường cho hoàng phi. Nữ sĩ nổi tiếng văn chương nên được thiên hoàng mến mộ .
Quan tể tướng, cha của hoàng phi thường tìm cách tán tỉnh nữ sĩ , đôi khi xướng hoạ thơ với nàng
.

Truyện Genji viết ở đâu và khi nào chỉ được kể trong truyền thuyết mà không có tài liệu xác
thực. Cuộc sống phù hoa chốn cung đình khiến nàng chán ngán , giống như thi tiên Lý Bạch vậy.
nàng cô đơn giữa chốn phồn hoa . . . chỉ có sáng tác văn chương mới làm cho nàng cảm thấy cuộc
sống có ý nghĩa .

TÁC PHẨM
Tiểu thuyết dày 3 000 trang bản gốc) , gồm 54 chương. Nội dung có hai phần .

Phần đầu 40 chương kể về cuộc đời của hoàng tử Genji, chủ yếu là những cuộc pgiêu lưu
tình ái và chân dung những phụ nữ quan hệ với Genji.

Phần hai 14 chương lấy bối cảnh xa kinh đô – ấy là vùng Uji . Sau khi Genji chết , nhân vật
trung tâm bây giờ là Kaoru mà mọi người lầm tưởng đó là con trai của hoàng tử Genji .

Phần đầu

Hoàng tử Genji mồ côi mẹ từ bé, được phụ hoàng yêu thương nhưng vị trí của chàng không
phải là thái tử kế vị. Chàng chỉ được coi là một hoàng tử bình thường mang họ Genji, không
thuộc vương quyền.

Năm 12 tuổi , theo lệnh triều đình chàng kết hôn với công chúa Aoi lớn hơn 4 tuổi . Trong
thâm tâm hoàng tử chỉ yêu thương kế mẫu Fujitsubo – người phụ nữ rất giống mẹ chàng .

Genji là chàng trai tuấn tú, thường được gọi là Hikaru Genji (Genji sáng chói) . Ai cũng yêu
mến chàng. Một goá phụ 27 tuổi tên Rokujo mê đắm Genji đến độ khi chết đi linh hồn bà vẫn
theo ám những người phụ nữ thân thiết với Genji . Cô gái huyền bí Yugao mà Genji tình cờ gặp
gỡ đã phải chết trong tay anh do bị linh hồn đánh ghen.

Khi đi chữa bệnh trên biển, Genji gặp một cô bé xinh xắn mười tuổi tên là Murasaki , cháu
gái một tu sĩ. Chàng đem cô bé về cung nuôi dưỡng. Fujitsubo cung phi của vua cha sinh ra một
bé trai . Vì thế nàng được tấn phong hoàng hậu . Chẳng ai ngờ cậu bé này lại là con của Genji.
Công chúa Aoi vợ chính thức của Genji sau khi sinh hạ một con trai cũng qua đời. Cô bé con
nuôi Murasaki lớn lên thành thiếu nữ diễm lệ, trở thành vợ không cưới của Genji. Dù rất yêu
nàng, Genji không thể làm lễ thành hôn bởi nàng không thuộc dòng dõi quí tộc .

Thiên hoàng băng hà, truyền ngôi cho hoàng tử Suzaku, con của bà phi Kokiden. Hoàng phi
Fujitsubo quyết định qui y nhà Phật để làm một nữ tu hoàng gia .
Genji lại dan díu với em gái của thái hậu Kokiden khiến bà ta nổi giận .

Trước sự lộng quyền của thái hậu Kokiden , Genji buộc phải rời cung điện, tự lưu đày ở xứ
Suma mà không thể đem được Murasaki đi theo. Chàng sống cô đơn trong một túp lều bên bờ
vịnh. Vắng chàng “hoàng tử sáng chói”, triều đình trở nên ảm đạm . Điều đó càng làm thái hậu
Kokiden thêm giận dữ.

Genji tìm quên lãng trong những mối tình phương xa , chàng trao đổi thư từ với con gái của
vị ẩn sĩ Akashi.

Thiên hoàng Suzaku bệnh nặng, triệu Genji về triều. Genji được trọng vọng, nổi tiếng hơn
và được ngưỡng mộ hơn.

Thiên hoàng phaỉ thoái vị vì sức khoẻ sa sút nên con trai của Fujitsubo ( cũng là con bí mật
của Genji) lên ngôi , lấy hiệu là Ryozen .

Trong khi đó , cô gái ở Akashi sinh hạ một bé ái , đó là đứa con riêng của Genji , đem về
nuôi và được Murasaki chăm sóc mặc dù nàng cũng không tránh khỏi sự ghen tuông cay đắng .

Tình cờ, Genji biết tin tức về cô con gái của nàng Yugao , người tình của chàng đã chết vì
ma ám năm xưa . Cô gái tên là Tamakatsura , nhưng không phải con chàng , cha nó là Chujo bạn
thân của Genji.

Tamakatsura rất đẹp , thường bị các thanh niên đeo đuổi quấy rầy . Genji đem cô về bảo
dưỡng và gả cho một người cầu hôn tuy rằng cô gái do giống mẹ là Yugao nên chàng cũng rất
quyến luyến không muốn rời .

Người vợ đầu của Genji đã mất, Murasaki thì không có danh nghĩa vợ chính thức nên nàng
được coi như kẻ độc thân .

Vì thế cựu hoàng Suzaku gọi Genji mà gả con gái là công chúa Onnasan cho chàng . Công
chúa Onnasan mới 13 tuổi còn Genji thì đã 40. Nhưng Genji không yêu thương cô vợ mới mà
vẫn nặng tình với Murasaki .

Rồi Murasaki lâm trọng bệnh . Genji túc trực bên nàng, quên ăn quên ngủ .

Onnasan không được đoái hoài nên sinh ra u buồn . Nàng ngây thơ xinh đẹp thuỳ mị , nàng
bị chàng Kashiwagi quyến rũ đành phải miễn cưỡng ngoại tình và rất đau khổ . Vì Kashiwagi
chính là con trai của Chujo mà cả hai cha con đều thân thiết với Genji .

Cơn bệnh kéo dài của Murasaki càng trở nên nguy kịch , rồi nàng chết . Như thể bầu trời đổ
sụp, Genji ngã quỵ hoàn toàn. Chỉ còn chàng và đứa con trai Yugiri mà chàng có với người vợ
đầu Aoi . Chàng thanh niên mới lớn Yugiri cố che giấu nỗi khổ tâm trước cái chết của Murasaki
vì chàng cũng đã yêu thầm Murasaki .
Murasaki – đó là mối tình bất tuyệt của hai cha con nhân vật Genji và Yugiri .

Phần hai

“Genji đã chết và không ai kế tục được chàng ” - đó là câu mở đầu phần hai .

Tác phẩm vẫn tiếp tục. Lại xuất hiện hai chàng trai .

Một là Kaoru , trước mắt mọi người, chàng là con trai của Genji và Onnasan . Nhưng
người cha đích thực của nàng là Kashiwagi .

Hai là Niou , cháu ngoại của Genji , mới 14 tuổi . Bà ngoại chàng thiếu niên này là người
tình của Genji ở xứ Akashi .

Trung tâm câu chuyện phần hai ở Uji và thuộc mười chương cuối cùng, mười chương tuyệt
tác.

Hoàng thân Hachi , em trai của Genji, có hai cô con gái đẹp là Oigimi và Nakano kimi .

Cung điện hoàng thân bị cháy nên phải dọn về ở Uji nơi hoàng thân có một trang viên nhỏ .
Kaoru đến học kinh Phật với hoàng thân . Mấy năm sau hoàng thân ngã bệnh và qua đời để lại
hai cô con gái vốn đã mồ côi mẹ từ bé .

Niou thích cô em là Nakanokimi nên nhờ Kaoru làm mối . Còn Kaoru thì tin rằng Oigimi sẽ
là của mình . Nhưng trớ trêu thay Oigimi lại muốn Kaoru lấy em gái mình nên đã tìm cách đưa
Kaoru đến giường em gái .

Rồi Oigimi cũng ngã bệnh và qua đời . Hai chàng trai thu xếp cho Nakanokimi chuyển về
kinh đô . Có một cô gái rất giống Oigimi tìm gặp Nakanokimi . Thực ra cô ấy là con hoàng của
hoàng thân Hachi tên là Ukifune đang được quan tổng trấn ở Hitachi nuôi dưỡng .

Khi Ukifune ghé lại Uji trên đường viếng ộ cha thì gặp Kaoru . Chàng ta tưởng đâu như
Oigimi phục sinh . Để tránh hoàn cảnh khó chịu ở nhà cha nuôi , Ukifune phải tìm đến chỗ
Nakanokimi tạm trú . Do vậy nàng gặp chàng Niou ( cháu ngoại Genji) .

Sao đó mẹ của Ukifune thu xếp cho nàng về Uji với sự giúp đỡ của Kaoru . Kaoru dạy nàng
học đàn vì chàng nhớ ngày xưa Oigimi đàn rất hay .

Cả Kaoru và Niou đều yêu say đắm nàng Ukifune – cô gái có số phận trôi nổi ấy. ( Tên
Ukifune nghĩa là con thuyền trôi nổi) .

Ban đầu nàng yêu Kaoru nhưng sau lại bị cuốn vào mối tình rực cháy của chàng Niou .
Cuối cùng, hầu như quẫn trí không biết phải lựa chọn ra sao, nàng nghĩ rằng mình phải «
biến mất ».

Đang dêm nàng bỏ trốn , đến bờ sông Uji trầm mình . Một gia đình tăng ni cứu nàng , đem
về Ono . Nàng xin cắt tóc qui y .

Kaoru trong thương nhớ , bảo đứa em trai của nàng ( cùng cha khác mẹ) làm tiểu đồng . Họ
đi tìm và biết Ukifune còn sống , đang ẩn tu ở Ono . Hai anh em tìm đến .

Cậu em trai cầm thư của Kaoru xin vào gặp Ukifune – người mà cậu thương yêu hơn tất cả
trong đám chị em gái. Nhưng cậu rất thất vọng khi chị Ukifune từ sau bức màn buông lạnh lùng
đưa trả bức thư . Chàng sứ giả tội nghiệp lủi thủi qua về .

Thế là hết ! « Con thuyền trôi nổi ” Ukifune đã ở bên kia bờ thế tục.

Tác phẩm Genji mono gatari xuất hiện trong văn học Nhật Bản và thế giới như một hiện
tượng bất ngờ , mới lạ , thậm chí người ta coi nó như một kì quan.

Một mặt nó là một sáng tạo thuần tuý nhật chứa đưnöï tất cả những tố chất tinh hoa truyền
thống . Giống như một bức tranh cuộn thời Heian ( một thể loại tranh Nhật) nó mở dần cho ta
thấy thiên nhiên diễm lệ và một xã hội thanh lịch .

kết cấu Genji không tập trung vào hành động mà chịu sự chi phối của một cảm thức chung,
một thế giới xùc cảm tinh tế. Mỗi tình tiết tưởng hnư rời rạc nhưng giọng điệu chung của cảm
thức ấy trở thành một làn sóng trong ngọn triều lớn là toàn bộ tác phẩm Genji . Ngay từ khi nó
xuất hiện Genji đã được coi là « cổ điển ».

Mặt khác, Genji là con đường mới của tiểu thuyết . Không cần thời gian dò dẫm ngập
ngừng, nó mở ra thế giới cỏ hoa thiên nhiên sống` thực và mọi khoảnh khắc thời gian của cuộc
đời thực .

Với kiệt tác này, nữ văn sĩ thiên tài Nhật Bản Murasaki đã chính thức khai sinh cho nhân
loại một thể loại mới: tiểu thuyết. Nhà phê bình Olga Kenyon ( Anh quốc ) gần mười thế kỉ sau
đã ghi nhận hiện tượng Murasaki như sau :

«Phụ nữ chính là mẹ đẻ của tiểu thuyết … Thế mà các ông phê bình nghiên cứu từng dạy
chúng ta rằng cha đẻ của tiểu thuyết là Defoe và Richardson. Trước họ rất lâu chính người phụ nữ
Murasaki đã gây dựng thể loại này – đó là Truyện Genji viết từ thế kỉ 11 ở nhật Bản . Đó là tiểu
thuyết tâm lý đầu tiên của thế giới , có cảm hứng phi thường và độc đáo vô song. Genji là người
tình vĩ đại, quyến rũ, tài hoa và khả ái, đó là một nguyên mẫu thực sự . Truyện Genji không chỉ là
một truyện kể , một tư tưởng về một thế giới xa xăm tốt đẹp xưa mà còn là một hiện thực với tinh
thần thẳng thắn và không hề uỷ mị .
Murasaki có ý thức rất rõ về giá trị thực sự của tiểu thuyết . Nàng để cho nhân vật Genji
biện minh về tiểu thuyết như sau : « Không có tiểu thuyết thì làm thế nào chúng ta biết được con
người sống ra sao trong quá khứ, từ thời thần linh đến ngày hôm nay ? Sử sách, như cuốn Nhật
Bản thư kỷ , chỉ cho ta thấy một góc nhỏ hẹp của đời sống . Trong khi đó những nhật ký và tiểu
thuyết chắc chắn chứa đựng những sự việc chi li nhất về những cuộc đời của riêng tư . . . » .

Các luận điểm của Murasaki sơ lược như sau

- Tiểu thuyết giúp ta hiểu cuộc sống hơn các loại sử sách

- Tiểu thuyết là tiếng nói của những xúc cảm mà người sáng tác không thể giữ kín
trong lòng

- Bất cứ điều gì, tốt hay xấu, trong cuộc đời bình thường đều có thể là đề tài của tiểu
thuyết .

Đó là tuyên ngôn đầu tiên của tiểu thuyết trong lịch sử văn học trên thế giới.

Ngày nay những khaí niệm ấy không xa lạ , nó đã trở nên quen thuộc . Nhưng hãy ghi công
khai phá phi thường của Murasaki vào cái thời xã hội đầy rẫy chuyện hoang đường huyễn
tưởng , phiêu lưu thần quái, kì dị . . .

Murasaki vô tình đã so sánh tiểu thuyết với Kinh Phật chứ không kém về giá trị.

GENJI là một tác phẩm cổ điển hiếm hoi cố gắng phát hiện cái thế giới bên trong của con
người trong cảm thức say mê, mơ mộng, tưởng nhớ, u buồn, tuyệt vọng, xao xuyến . . . đặc biệt là
niềm bi cảm thời gian .

Về điểm này nó mang tính hiện đại, gần gũi với những tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất
(Marcel Proust) và Đến ngọn hải đăng của Virgina Woolf. Điểm gặp gỡ giữa ba tác phẩm đó là
cảm thức thời gian. Thời gian đã mất , đang trôi, sự suy tàn là cái chết . Trong cả ba tác phẩm,
«thời gian» dường như có vai trò một nhân vật trung tâm . Các nhân vật quan hệ với nhau, tác
động lẫn nhau nhưng giữa họ bao giờ cũng có thời gian . Họ đối diện với thời gian, trôi theo nó
và thầm thì với những gương mặt biến đổi của nó. . . Thời gian cuốn trôi đi những vinh quang,
hạnh phúc, những mối tình, những cô gái thanh xuân , cả những ông vua bà chúa .. .

Trong Genji , sự huỷ diệt của thời gian được biểu hiện rõ nhất trong những cái chết yểu
mệnh của các cô gái . . .

Thời gian gắn liền với nỗi mất mát , với niềm bi cảm . Gần cuối tác phẩm , khi nhân vật
Kaoru nghĩ về số phận đã ràng buộc mình với ba chị em Uji chàng nhìn thấy một con phù du bay
ngang lối đi của mình , từ trong tâm hồn chàng một bài thơ nảy sinh :
Ta bắt được em rồi

Phù du ơi phù du

Nhưng em biến đi đâu

Hay em chưa từng có

Trong tay ta bao giờ ?

Nữ sĩ Murasaki thường quan tâm đến một tính chất của thời gian: sự qui hồi của ấn tượng
xưa . Quá khứ vẫn cứ in dấu lên hiện tại theo cách nào đó . Nàng Fujitsubo được thiên hoàng yêu
thương vì nàng có những nét tương tự với hoàng hậu quá cố .

Genji cũng yêu Fujitsubo và sau này gặp lại hình bóng thân thương ban đầu của nàng ở
trong nhân vật Murasaki

. Một người tình khác của Genji là Yugao cũng mệnh yểu , sau này con gái của nàng
là Tamakatsura cũng gợi nhắc Genji nhớ đến người xưa .

Nhân vật Kaoru cũng vậy . Chàng yêu Oigimi . Sau khi nàng qua đời , Kaoru gặp gỡ
Ukifune em gái cùng cha khác mẹ của nàng thì tình xưa sống dậy .

Cả ba , thiên hoàng, Genji và Kaoru đều tìm thấy ở người phụ nữ này hình bóng người phụ
nữ khác.

Những tình tiết ấy trở đi trở lại cho ta cảm thấy tính chất phản hồi của thời gian , của tình
yêu và vòng đời . Cuộc sống tiến tới trước nhưng đồng thời cũng quay về , theo mùa , theo tình
yêu . . . Ngày mới đến chứa trong nó cả ánh sáng cũ .

Chủ đề của Genji không phải là định mệnh mà là Thời Gian . Con người là thời gian .

Một trong những khả năng lạ thường của Genji là có thể phục hồi đầy đủ cảm xúc xa xưa
dù trải qua bao năm tháng cách biệt . Bởi thế , kẻ đa tình như anh vẫn được nhiều người hết sức
ngưỡng mộ .

Thời gian, như bài thơ trong tác phẩm về tấm gương soi cho thấy, chẳng giữ lại gì nhưng đó
là dòng đời . Khi Genji buộc phải rời cung điện đi lưu đày ở Suma , chàng an ủi Murasaki bằng
bài thơ :

Dù xa xôi

Nơi đất lạ
Nhưng trong gương còn lại

Bóng hình tôi


Bên em không rời

Còn lại với cô đơn, Murasaki thu xếp đồ đạc, áo ngủ gửi ra chốn lưu đày cho chàng , và
nàng cay đắng nhận thấy tấm gương soi còn đó nhưng bóng hình thì chỉ còn trong thơ , thực ra nó
vẫn đi theo Genji . Nàng nghĩ có khi xa mặt cách lòng, chàng không còn yêu nàng nữa . Tấm
gương soi cho ta thấy một chiều sâu bất ngờ của tâm lý và cuộc sống .

Chiếc gương thì nói được gì ,

chiếc gương thì chứa được gì .

Chỉ có nàng Murasaki đau khổ vì yêu và hoài nghi.

Thời gian bi cảm của Murasaki thường bôi xoá các nhân vật của nàng, để lại khỏng trống
trên bức tranh cuộn của định mệnh , không thể kéo lê họ vào cuộc đời tuổi già . Đó là một thời
gian nữ tính , nó thích tuổi trẻ và cái chết hơn là sự héo hắt già cỗi.

Bởi vậy , nàng Murasaki đã đặt hai chàng trẻ tuổi kaoru aøv Niou vào khoảng trống mà
Genji bỏ lại .

Câu chuyện của nàng chỉ chấm dứt trong nỗi tuyệt vọng của cậu bé bị người chị xinh đẹp
quy y từ chối cho gặp mặt . Cái đẹp tự khép mình trước thế giới trước khi nó tự băng hoại

Khi đọc xong tác phẩm , ta biết rằng thời gian có thể huỷ diệt tất cả, chỉ có các nhân vật của
Murasaki vượt ra khỏi sự chế ngự của thời gian . Ta nhớ về họ như nhớ tuổi trẻ và sắc đẹp , nó
không tàn tạ .

Hương vị của tác phẩm, nếu như ta công nhận rằng mỗi kiệt tác có một làn hương riêng,
chính là hương vị của mùa tình ái , dù hương vị ấy luôn luôn gây ra một nỗi buồn, một niềm bi
cảm , mùa xuân hay mùa thu .

Cái đẹp có thể cứu vớt cả thế giới. Với sử thi Homer, vẻ đẹp làm cho các chiến binh thành
Troie quên đi mười năm khói lửa . Với Murasaki , vẻ đẹp lôi cuốn con người đi vào cuộc sống ,
gắn bó với cuộc sống. Một tu sĩ kêu lên khi nhìn nắgm chàng Genji : “ Người ta đồn rằng chàng
đẹp đến nỗi ngay cả những tu sĩ khắc khổ gặp chàng cũng quên hết tội lỗi và buồn đau trong đời
sống , từ đấy muốn sống lâu hơn trong một thế giới có nhiều vẻ đẹp như thế này “.

Vẻ đẹp còn làm cho con người thêm rộng lượng . Nhìn thấy công chúa Onasan với tất ảc
những nết yêu kiều, hồn nhiên giản dị thắm tươi, Genji bỗng cảm thấy “ mọi ý nghĩ về đức tính
không chung thuỷ của nàng tan biến khỏi tâm hồn chàng . Với vẻ đẹp ấy , mọi sự đều có thể dung
thứ ”.
Cái đẹp thì bất tử nhưng những hiện thân của nó thì phù du, chỉ là những khoảnh khắc, vô
thường .

Đối với nhân vật Murasaki ( trùng tên tác giả) thì một khoảnh khắc ấy là mùa xuân . Khi
nàng sắp chết , bình minh hiện ra , màu hoa nổi bật trên sương mù buổi sớm , nàng cảm nhận rõ
mùa xuân , mùa nàng say mê như bị một quyền lực không cưỡng được kêu gopị nàng . Quyền lực
ấy là cái đẹp chan chứa trong cõi đời này . Nàng chết trong buổi triều dương rực rỡ mặc dù cái
đẹp gọi nàng về lại cuộc sống, như tiếng hát thiên thần đã gọi Faust trong vở kịch thơ của Goethe
mãi sau này .

Một bài văn phê bình Genji xuất hiện từ những năm 1200 nhận xét “ không có chương nào
tuyệt diệu hơn Kiritsubo . . . Toàn chương tràn đầy một niềm bi cảm ( aware : bi ai) làm đậm đà
ngôn ngữ , tình cảnh và mọi điều khác.”

Khi nói rằng Genji là tác phẩm hoàn thiện hoàn mỹ của cái đẹp thì có nghĩa là nó đã thể
hiện toàn bích niềm bi cảm của con người trong cuộc sống thực .

Truyện Genji được so sánh với Decameron (Truyện Mười ngày của Boccacio 1353 thời
Phục hưng Italia ) . Bởi vì thế giới của Decameron vận động trên những ngọn triều của tình yêu ,
không kể vui buồn , thanh tao hay dung tục . Nhưng thế giới Decameron mamng sắc màu dân
gian , nặng yếu tố nhục thể và tiếng cười , còn Genji với sự tinh tế kì ảo của cảm xúc tình yêu ,
tính thẩm mỹ cao hơn .

Lại có cách nhìn khác : Genji được so sánh với Don Juan, có người đã vội vàng gọi chàng
là “ Don Juan Nhật bản” . Thật ra chỉ có sự giống nhau bề ngoài : hai chàng đều chinh phục được
nhiều phụ nữ . Nhưng không thể đồng nhất hình ảnh chàng “ Genji sáng chói” với Don Juan gã
lừa đảo , phóng đãng , con bạc và tay báng bổ đã bỏ lại sau lưng hàng chuỗi trái tim tan vỡ và
những gia đình sụp đổ , y còn quyết đấu và giết chết cha người yêu của mình .

TÍnh cách chàng Genji là hào hoa độ lượng, không lừa đảo với những tiểu xảo. Khi yêu
đương, chàng không trốn tránh trách nhiệm , sẵn sàng cưu mang bảo bọc người mình yêu cho dù
là cô gái thấp kém hơn giới quí tộc . . .Trong những ngày lưu đày chàng lám quen Akashi con gái
một ản sĩ . Khi trở về kinh đô vẫn không quên nàng . Lúc được tin nàng sinh bé gái , Genji gửi
một nữ tỳ đến chăm sóc hai mẹ con . Lại mời nàng về cung điện nhưng nàng từ chối . Khi nàng
dọn đi vùng khác , chàng cho người hầu đến chăm sóc . Chàng lại thường đến thăm hai mẹ
con . Sau chàng còn giao đứa con ấy cho Murasaki – người vợ không cưới- chăm sóc tiếp . . . Với
cô gái Suyet sumu kém nhan sắc chàng lỡ yêu rồi vỡ mộng , chàng cũng đưa về cung khi thấy
cảnh đời sa sút của nàng .

Chính lòng độ lượng ấy đã đặt Genji lên một vị trí cao hơn những đàn ông đa tình khác .
Chàng là một người tình lí tưởng . Trong cuốn tiểu thuyết mang tên nhân vật chính , Genji được
xây dựng công phu nhất , đầy chăm chút và trìu mến của nữ sĩ Murasaki .
Đi bên Genji qua từng trang sách, người đọc thoát khỏi mọi sự dung tục , du hành vào một
thế giới thực và ảo , một hiện thực đầy lãng mạn .

Đi bên Genji , người ta thưởng thức mọi vẻ đẹp của trần gian từ cỏ hoa đến con người . Bạn
đọc tắm trong một làn văn xuôi tuyệt đẹp như dòng suối mát , lứot qua hơn 800 bài thơ trữ tình
rải rác như hoa trong tác phẩm .

Nhân vật Genji chẳng phaỉ một anh hùng sử thi , chẳng phaỉ kẻ phiêu lưu phóng đãng hay
một quân tử nặng mùi sách vở kinh điển và cũng không phải một nhân vật bi kịch .

Trong suốt cuộc đời mình, Genji đi tìm bóng hình một người mẹ trong mọi người tình .
Chàng khao khát sống lại tuổi ấu thơ sớm mồ côi mẹ .Những nhân vật “ người tình- mẫu thân”
vừa giúp chàng thoả mãn ái dục của chàng trai trưởng thành vừa trở lại tuổi thơ . Giới phê bình
Nhật gọi đó là “ phức cảm Genji ”( Genji complex) . Phức cảm genji chẳng phải là nét riêng của
Genji , tâm lí học gọi đó là hiện tượng tâm sinh lý phổ biến trong nam giới . Nữ sĩ Murasaki đã
thể hiện điều đó thật sinh động tự nhiên trong tiểu thuyết.

Những cuộc tình ái phiêu lưu vô tận của Genji khó được chấp nhận theo quan điểm Nho
giáo và Phật giáo . Nhưng nhà phê bình nổi tiếng Motoori Norinaga (1730-1801) nhận xét :”
Tiểu thuyết không giống Phật giáo dạy con người đạt ngộ theo con đường chính đạo, cũng không
giống Nho giáo dạy con người tề gia trị quốc. Tiểu thuyết đơn giản chỉ là câu chuyện về nhân
thế , không chú tâm vào vấn đề thiện ác mà chỉ gắn bó với những ai hiểu biết niềm bi cảm nhân
sinh . Mục đích của tiểu thuyết Genji, có thể nói , giống như một người vì yêu hoa sen nên phải
gom cả bùn lầy để vun trồng hoa đó . Chất bùn ô trọc của những tình yêu bất chính trong Genji
không đưa ra làm gương mà để vun trồng cho loài hoa của niềm bi cảm nhân sinh . Hành động
của hoàng tử Genji cũng tựa như hoa sen ngát hương cắm rễ trong nước đục đầm lầy . Truyện
không dựa vào sự ô trọc của thứ nước ấy mà dựa vào những người có trái tim đồng cảm với nỗi
buồn nhân thế – cội rễ của hiền nhân . (Nguồn gốc của truyền thống Nhật bản – trang 532-533 )

Ảnh hưởng của Genji hầu như bao trùm toàn bộ nền văn hoá xứ Phù Tang . Trong bài diễn
văn đọc trước Viện Hàn lâm Thuỵ Điển khi nhận giaỉ Nobel văn học 1968, văn hào Kawabata nói
:“ Bao nhiêu thế kỉ đã trôi qua rồi mà sự mê thích Genji vẫn còn nồng nhiệt , người ta vẫn còn bắt
chước hay mô phỏng tác phẩm ấy. Nó đã là nguồn suối sâu rộng nuôi dưỡng cảm hứng cho thi ca
mĩ thuật, mĩ nghệ và cả nghệ thuật vườn cảnh nữa ” ( Đất Phù Tang , cái Đẹp và Tôi –
Kawabata , Lá Bối xuất bản 1969. Cao Ngọc Phượng dịch).

Sân khấu Noh dàn dựng Genji , người ta bảo rằng nữ sĩ Murasaki hẳn là hoá thân của Quán
Thế Âm Bồ Tát, viết tiểu thuyết Genji để chỉ cho con người thấy cuộc đời chỉ là ảo mộng, như
các câu chuyện trong tiểu thuyết này.

Ngôn ngữ tiểu thuyết Genji cách đây non ngàn năm nay đã được viết lại theo ngôn ngữ
hiện đại . Trong đó bản viết laị của nhà văn Tanizaki được coi là xuất sắc nhất . Hầu hết những
ngôi sao văn học Nhật Bản hiện đại đều chịu ảnh hưởng của Genji trong linh hồn của cái đẹp .
Làn hương của tiểu thuyết và nữ sĩ nghìn năm trước vẫn còn vương vất trong bút pháp của thế kỷ
XX .

CHƯƠNG VIII. THƠ HAIKU VÀ THI SĨ THIỀN SƯ


BASHO

1. Cuộc đời nhà thơ

Basho tên thực là Matsuo Munefusa sinh trong một gia đình võ sĩ samurai ở thị trấn Ueno
xứ Iga ngày 15-11-1644. Mới lên 9 tuổi Basho đã phải xa nhà đến lâu dài Chúa đại danh xứ Iga
làm tiểu đồng cho con trai chúa là Yoshitada lớn hơn Basho hai tuổi. Hai thiếu niên trở thành đôi
bạn thân cùng nhau học tập và làm thơ.

Đôi bạn chuyên tâm vào chuyện làm văn chương hơn là võ thuật , cũng bởi hồi ấy là thời
bình an (1600-1868). Đôi bạn làm thơ dưới sự hướng dẫn của Kigin . Một số bài thơ của đôi bạn
bắt đầu xuất hiện trong vài hợp tuyển thơ ca hồi ấy.

Nhưng tình bạn văn chương ấy kết thúc sơm vì Yoshitada chết lúc 24 tuổi .

Basho thực hiện chuyến hành hương đầu tiên lên núi Koya để đặt một nạm tóc của bạn
Yositada vào chùa. Trong rừng vắng giữa đền chùa và mộ địa, Basho bắt đầu cảm nghiệm về nỗi
vô thường và niềm cô tịch – những cảm thức rồi sẽ thấm sâu vào mỗi dòng chữ sau này.

Sau đó, Basho rời bỏ lâu đài xứ Iga nơi đầy kỉ niệm dù không được phép của Chúa đại
danh. Ông cũng muốn xa rời người goá phụ trẻ đẹp của bạn mà ông đã thầm lặng yêu thương, bởi
ông biết đó chỉ là mối tình vô vọng. Năm năm kế tiếp ông sống ở Kyoto , tiếp tục học cổ văn
Nhật, ngoài ra còn đọc cổ văn Trung Quốc và thư pháp, khi thì sống trong nhà ông thầy, khi thì ở
đền chùa. Năm 1672 về thăm quê vài tháng, Basho không trở lại kinh đô Kyoto mà đi về phía đô
thị Edo (ngày nay là thủ đô Tokyo) . Edo là thành phố lớn nhất nước Nhật hồi đó , văn hoá đang
phát triển khiến ta nhớ đến thời Phc Hưng Tây Âu. Thị dân và nông dân đều khát khao kiến thức
văn hoá mới mà giới quí tộc không còn làm chủ được nữa. Học vấn được phát triển cả Nho học
Trung Hoa và quốc học Nhật. Phật giáo nhường một bước cho Nho giáo, mặt khác văn hoá
huyền thoại dân tộc cũng được duy trì.

Văn chương thời này được gọi là ” văn chương phù thế”. Nghĩa là nó chỉ sống với những
hiện tượng cuộc đời trần tục, chấp nhận nó mà không bận tâm với những gì trừu tượng xa xôi.
Sắc dục và tiền bạc là hai đề tài phổ biến trong tiểu thuyết và sân khấu . Trong cái xã hội cuồng
nhiệt với tiền tài tình dục ấy, Basho như là kẻ lạc loài. Nhưng chính nhờ đó ông trở nên thiên tài
duy nhất cuả thời đại. Ông xa lánh của cải vật chất để đi theo con đường tâm linh cô tịch. Ông từ
chối một chức quan của triều đình với những lợi lộc mà theo đuổi thơ ca không bao giờ hối tiếc.
Trong cái xã hội phù thế nhốn nháo ấy, nhà thơ đứng cao hơn nó. Ông nổi tiếng và được mọi nơi
trọng vọng . Lúc này ở kinh đô đã có tới hai trường phái thơ haiku, và Basho đã được văn giới
kinh đô nồng nhiệt đón nhận. Nhiều năm sau, với nhiều thời gian tích luỹ , rèn luyện thử thách
Basdho đã trở thành biểu tượng điển hình nhất của thơ haiku. Một thương gia giàu có ngưỡng mộ
ông đã xây cho ông một ngôi nhà bên dòng sông, bên nhà có một cây chuối do học trò trồng cho
thầy. Ông rất yêu cây chuối và lấy tên nó (ba tiêu = basho) làm bút danh. Ngôi nhà ở được ông
đặt là “Ba tiêu am“ (Basho an). Ông thích bài thơ “Ba tiêu” của Bạch Cư Dị “Cách song tri dạ
vũ, ba tiêu tiên hữu thanh “ (Đêm ở trong nhà biết ngoài trời rơi mưa, ấy là do cây chuối lên tiếng
trước). Từ năm 28 tuổi, Basho học thiền đạo. Đến năm 37 tuổi trở đi phong cách thơ thiền Basho
hình thành rõ nét với 5 bài thơ nổi tiếng về con quạ .

Trên cành khô,

cánh quạ đậu

chiều thu

Bài thơ đơn sơ cực độ mà sâu thẳm vô cùng. Một chiều mùa thu xám tối, âm u, con quạ
dừng trên cành khô héo úa, nó đang chuyển động cùng vũ trụ. Hoàng hôn cô tịch, con quạ cô
đơn, chiều thu cô liêu chiếm hết không gian lặng lẽ nhưng vẫn chuyển động. Nhà thơ hoà nhập
với chúng, bay theo thời gian, thời gian lướt qua cánh quạ im lìm, cành cây khô và buổi chiều thu
ấy. Là một hoạ sĩ, sau này ông còn vẽ một bức tranh thuỷ mặc miêu tả bài thơ này.

Với bài thơ Con quạ, Basho đã chính thức tạo dựng thể thơ haiku bất hủ và ông chính thức
lên đường. Biết bao giấy mực đã bình phẩm bài thơ “con quạ” trên đất nước Phù Tang .

Ba Tiêu Am và những bước đường phiêu lãng

Ba Tiêu Am ở được hai năm thì bị cháy cùng một nạn hoả hoạn lớn ở thành Edo . Bạn bè và
đệ tử lại xây cho ông một căn nhà mới ở thành Fukagawa . Một năm sau ông khởi hành chuyến đi
mới. Cuộc ra đi lần này để lại tập Nhật ký gió mưa đồng nội (Nozarasgi kiko). Từ đây
nhà thơ trút bỏ hết ràng buộc trần tục. Tập bút kí này còn pha trộn văn xuôi và haiku. Hai năm
sau cuộc hành trình, Basho tạo ra chấn động văn học nước Nhật với bước nhảy của con ếch :

Ao cũ

con ếch nhảy vào

vang tiếng nước xao

Biết bao lời bình luận bài thơ kì bí này. Theo ý kiến Basho thì “thơ ca chỉ sinh ra từ
sự hoà điệu khi ta và sự vật trở thành Một, khi ta đã lặn sâu vào lòng sự vật để nhìn thấy điều gì
đó tựa như tia sáng mờ ảo ẩn giấu ở đó . . .”
“… Ao cũ không nằm ở đâu cả nhưng đồng thời nằm trong Basho và trong chúng ta Nó cũ
nghìn xưa đồng thời có mặt ngay bây giờ vì nó là vô thuỷ vô chung. Một con ếch đánh thức vũ
trụ với bước nhảy của mình. Ếch ta nhỏ nhoi đang nhảy vào cuộc sống, ta cũng là chiếc ao cũ và
là tiếng vang của chính ta và tiếng vang của vũ trụ. Ao cũ hay cành khô, con quạ hay con ếch,
nếu bạn đọc cảm nghiệm được nỗi cô tịch và cái u huyền của chiều thu , nghe được tiếng vang
của nước ao cũ thì nó sẽ tràn đầy trong hồn ta một cảm xúc mới “.

Những chuyến đi tiếp tục, một tập kỷ hành khác lại ra đời. Hai mưoi năm trở lại gặp những
cây anh đào gần Kyoto. Giữa mùa xuân bùi ngùi đứng ngắm cây mà nhớ người bạn thơ yểu mệnh
xưa :

Nhiều điều xiết bao

gợi hồn ta nhớ

những cánh hoa đào .

Rồi sau đó :

Áo bông tôi cởi

quẩy lên vai trần

mùa thay, áo đổi

Con đường sâu thẳm

Du hành lên phương Bắc bao gian khổ bất trắc, Basho cùng đệ tử Sora thường
xuyên đi bộ, suốt gần ba năm trời. Lần này để lại kiệt tác văn xuôi pha trộn thơ ca , tạm dịch là
“Con đường sâu thẳm”. Nơi đây nhà thơ đã kết tinh trong mình cả độ cao và chiều sâu của của
tâm hồn dân tộc, cả ánh sáng và bóng tối của nó . . . Ông lấy cái hiện tại làm vĩnh cử (The eternal
Now) trong khi nền văn hoá khác chỉ lấy quá khứ hoặc tương lai làm vĩnh cửu

Chung quán bên đường

Các du nữ ngủ

Hoa và trăng thu

Bài thơ trên rất thơ mộng, nhưng bài sau đây cũng chẳng kém phần lãng mạn :

Chấy bọ rầy rà

Nơi tôi nằm ngủ


Ngựa đứng đái không xa

Thơ Basho có hoa, trăng nhưng cũng có chấy rận và nước đái ngựa, có thiền sư và
có gái điếm, tất cả đều có ý nghĩa cuộc sống. Chẳng gì vô nghĩa trong thơ của thiền sư Basho.

Thăm ngôi mộ của một học trò thơ chết trẻ, ông viết :

Hãy rung lên, nấm mồ

giọng ta than khóc

là gió mùa thu.

Huyễn trú am

Basho đi Kyoto về quê thăm nhà và cùng bạn thơ du quan hồ Tỳ Bà (Biwa) . Trên đường,
ông tạm trú mấy thảo am như Huyễn trú am (Genju an), Vô danh am (Mumei an) và Lạc thị xá
(Rakushi sha). Bài tuỳ bút nổi tiếng Huyễn trú am chi ký thổ lộ niềm hạnh phúc ở cái am đời hư
hoặc :

”. . . Và tôi lê chân dọc theo bờ biển hoang dại của phương Bắc nơi mỗi bước chân băng
qua cồn cát đều khó cực . Tôi lang thang ven bờ hồ tìm nơi trú ngụ . Một nhánh lau sậy mà chiếc
tổ chim cộc trắng sẽ tấp vào trên dòng nước chảy . Đây là nơi huyễn trú của tôi , bên cạnh núi
Kokubu . Gần đây có một đền thờ cổ xưa nơi tôi cảm thấy mình được gột sách cát bụi trần gian.
Chủ nhân của nó đã bỏ đi từ tám năm trước, am còn lại phía sau , giữa ngã tư đời hư huyễn . . .
Trong niềm vui , tôi gọi bồ câu rừng :

Chim kankodori

nỗi buồn sâu thẳm

đọng vào tôi đi

Làm sao tôi không hạnh phúc cho được ! Quang cảnh nơi này có thể sánh ngang những
thắng cảnh tuyệt vời nhất ở xứ Trung Hoa ” .

Những năm tiếp theo Basho sống hoàn toàn cô tịch theo đúng ý nguyện « Niềm cô tịch sẽ là
bạn tôi, và sự nghèo nàn sẽ là của cải của tôi. Trong tuổi năm mươi đấy là điều tôi tự nguyện »

Mùa xuân năm 1694 Basho gọi đem bút mực để soạn bài thơ từ giã thế gian :

Đau yếu giữa hành trình

chỉ còn giấc mộng phiêu lãng


trên những cánh đồng hoang

Thi hào Basho mất ngày 12-10-1694 trong khi giấc mông của ông còn lang thang phiêu bạt
trên những cánh đồng hoang, trên những ngã tư đời hư ảo, trên những con đường sâu thẳm và vô
danh, trên những ao hồ vĩnh cửu . Nhà thơ được chôn cất trong một ngôi đền gần Vô danh am,
nhìn xuống hồ Tỳ bà nơi ông hằng thích thú. Chừng ba trăm học trò tiễn đưa thầy. Trong số học
trò có chừng 10 người trở thành những nhà thơ haiku nổi danh, được gọi chung « Basho thập
triết » gồm : Etsujin, Hokushi, Joso, Kikaku, Kyorai, Kioroku, Ransetsu, Shiko, Sanpu và Yaha.
Vài năm sau khi Basho mất, các học trò tập hợp tác phẩm của thầy thành bảy bộ sách « Ba Tiêu
thất bộ tập » gồm Ngày đông, Ngày xuân, Hoang dã, Bầu rượu, Áo rơm cho khỉ, Túi đựng than,
Tiếp nối áo rơm cho khỉ . Nhiều ngôi đền Thần đạo (tôn giáo nguyên gốc Nhật bản) đã
phong thần cho nhà thơ Basho mặc dù ông là thiền sư Phật giáo, một số ngôi đến lấy thơ ông để
đặt tên .

Một cuộc đời tương đối ngắn trên dưới 50 tuổi, như Shakespeare 54, Nguyễn Du 55, Basho
đã tiêu biểu cho thơ ca của dân tộc Nhật, kết tinh dòng văn hoá Đông phương thâm trầm từ Ấn
Độ đến Trung Hoa trở về Nhật bản, rồi toả ra khắp phương Đông.

Những kỉ niệm để lại

Khắp đất nước Nhật bản, nơi nào Basho đi qua cũng mọc lên những tấm bia kỉ niệm, có
hơn ba trăm tấm bia như thế. Có nhiều gò đất được bảo tồn vì người ta cho rằng những gò ấy
chứa các vật dụng đi đường của Basho. Trên bia kỉ niệm đầu khắc bài thơ haiku của Basho.
Chẳng hạn, trên một hòn đá tảng trên đồi Kemarizuka dưới bóng cây dẻ cổ thụ ghi bài:

Ngón tay nhỏ nhoi

hạt dẻ còn trong vỏ

xin mùa thu đừng rời

Ở Okitsu, một tấm bia dựng bên đường lộ:

Gió mùa thu

thổi niềm cô tịch

bay đi khắp đời.

Khi thị trấn Okitsu gặp nhiều tai hoạ, dân chúng định khiêng ném tấm bia thờ Basho xuống
biển. Vị hoà thượng gần đó nhận tấm bia thơ về vườn chùa Seikenji đặt bên hồ nước. Khi thị trấn
trở lại thịnh vượng, dân chúng hối hận đã thất lễ với nhà thơ nên đi rước bia đá về chỗ cũ. Thời
gian sau thị trấn lại gặp tai hoạ khác, tấm bia lại quay về vườn chùa bên hồ nước. Bây giờ nó vẫn
còn đó, cô tịch, soi bóng bình yên, không phù phiếm thực dụng như lòng người. . .
Biết bao giai thoại dân gian thêu dệt mãi cuộc đời của nhà thơ. Chuyện kể một đêm trăng
rằm, Basho ghé một cái làng nơi đám dân chúng tụ tập ngoài trời uống rượu sakê, thưởng trăng
và rủ nhau làm thơ haiku. Họ mời ông khách lang thang nhập cuộc. Đến lượt khách, họ giục đọc
thơ, ông cất tiếng: Vầng trăng non dại … Một người dân ngắt lời bảo “trăng rằm chứ không phải
trăng non…”, Basho bình tĩnh đọc đủ cả bài :

Vầng trăng non dại

theo tôi từ độ ấy

ai có ngờ đêm nay !

Ai nấy kinh ngạc lặng đi, có người cất tiếng hỏi “Xin lỗi, ông là ai ?” Một người khác kêu
lên “Có phải ông là tiên sinh Basho ?”… Họ chỉ ưa làm câu thơ khuôn sáo về vầng trăng bất
động, vầng trăng giả nên thơ cũng giả. Vầng trăng của Basho cùng bước du hành, linh động, có
hồn người, hồn vũ trụ, đồng cảm với thi nhân, nó có cả một số phận thăng trầm. Trăng sáng
không chỉ nhờ ánh sáng thiên nhiên, còn sáng lên nhờ tâm hồn thi nhân nữa.

1. Cảm xúc thẩm mĩ

Cảm xúc thẩm mỹ thứ nhất khá quen thuộc trong thi ca Nhật là sabi. Có thể diễn giải
ra là cô liêu, tịch lặng, cổ xưa, đơn sơ … Cảm xúc này bắt gặp thiền tông một cách chan hoà,
thấm sâu vào tâm hồn Nhật Bản làm nên sinh mệnh nền văn hoá này.

Lại có hai phạm trù phụ thuộc cảm hứng này là “vô tận” và “tự nhiên”.

“ Biển tối dần

tiếng kêu chim nhạn

trắng màu trong đêm ”

Nhà thơ nhìn thấy màu trắng của âm thanh-tiếng chim kêu trong đêm. Đây chẳng phải là
“phép tu từ, chuyển nghiã, chuyển cảm giác” như người ta thường bình phẩm những thơ ca khác
một cách sáo mòn, công thức. Đó là cảm thức của nhà thơ thiền Basho .

Cảm xúc thẩm mỹ thứ hai là wabi, nghĩa là cái đẹp cao nhất nằm trong vẻ đơn sơ và thanh
tịnh. Nó cũng được phát triển trong trà đạo (chado). Chén trà tao nhã là hoá thân của đất sét đơn
sơ. Chất nước thanh khiết trong bình hoà với những chiếc lá đơn sơ. Bồ Tát hay Phật cũng là sự
chuyển hoá từ một thứ đất sét đơn sơ nào đó, rồi trở thành chúng sinh.

Tinh thần Trà đạo ngấm vào thơ ca. Thơ haiku không lộng lẫy khoa trương, rực rỡ , đạo của
nó là trái tim bình thường .
Mái lều im

một con chim gõ kiến

gõ ngoài trụ hiên

Người nóng vội sẽ hỏi: rồi sao nữa ? Chỉ có con chim gõ kiến đang gõ bên ngoài cái lều im
ắng của một thiền sư hay ẩn sĩ. Tự tiếng gõ ấy đã đủ đâu cần thêm gì nữa! Cũng như con quạ, con
ếch, con chim gõ kiến gõ vào cái cô tịch nhịp điệu bình thường của cuộc sống.

Cảm xúc thẩm mỹ thứ ba là aware. Cảm thức này đã có từ thế kỉ 11 với tiểu thuyết Genji
của nữ văn sĩ Murasaki, sử dụng hơn một ngàn lần trong bộ sách đó. Bi ai là cảm giác xao xuyến
trước vẻ đẹp não lòng của sự vật, nó như một âm vang, những gì đã qua, sắp qua tác động vào ta
như một âm vang, bi cảm thâm trầm :

Trăng rụng rồi

bốn góc bàn quen thuộc

còn lại mà thôi

Bài thơ nói về cái chết của một người bạn. “Trăng” tượng trưng cho cái chết. “Bốn góc
bàn” nơi người ấy thường ngồi bên. Đó chẳng phải là bi kịch, bởi sự sống và cái chết cũng đơn
giản như vầng trăng và cái bàn ấy thôi.

Cảm xúc thẩm mỹ thứ tư là karumi (khinh) : cảm giác nhìn sự vật với tâm thế nhẹ nhàng,
thanh thản (ảnh hưởng của tính thiền).

2. Một số đặc điểm nghệ thuật

Đặc điểm đầu tiên của haiku là : cô đọng, ý ở ngoài lời Thơ ca Á Đông nhìn chung cô đọng,
như tứ tuyệt (Trung Hoa), tanka (Nhật), sijo (Triều Tiên), ca dao Việt Nam…Đấy là “những bàn
tay nắm chặt” nên có sức mạnh lớn lao không ngờ.

Nhà thơ Chile Pablo Neruda nhận xét: trong thơ haiku “lời lẽ đôi khi thu nhỏ lại ”

Nhà phê bình Pháp Rolland Barthes có ý kiến “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề
hình thức, haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là sự tình
vắn tắt đã tìm được hình thức vừa vặn của nó”.
Dân tộc Nhật đã tìm ra haiku–con đường thơ ca mảnh mai 17 âm tiết (5/7/5) đã đưa họ đi
rất xa trên những con đường sâu thẳm. Haiku không phải loại thơ dùng sự ít lời để nói lên nhiều
điều. Haiku thích sự đơn sơ, nhỏ nhắn nhưng không bị lèn chật cứng. Nó trống trải và im lặng.
Có khi nó chỉ ra sự vật mà không giải thích hay miêu tả .

Thơ haiku ngây thơ một cách hiền minh, và hiền minh một cách ngây thơ.

Trong tranh thuỷ mặc Trung Hoa và Nhật có phong cách vẽ “tranh một góc”. Khoảng trống
chiếm hầu hết bức tranh, vì hoạ sĩ không muốn “ đầy”. Đấy là cái chân không sinh động. “Cái
chân không” ấy có trong trà đạo, vườn đá, vườn cảnh, thuật cắm hoa … và cả trong haiku. Chẳng
hạn trong vườn cảnh sơn thuỷ, không cần sum sê chi tiết, không cần dòng nước, chỉ dùng cát để
diễn đạt cả nước và sự bao la.

Basho chỉ với một chiếc lá mà diễn tả cả cuộc sống của cây cỏ, mùa màng và vũ trụ thiên
nhiên :

Lá thuỷ tiên

dưới làn tuyết rơi

nhè nhẹ trĩu mình .

Thi hào Tagore nhận xét: “Nhà thơ haiku chỉ giới thiệu đề tài, rồi bước tránh qua một bên” .

Basho tạo ra truyền thống của thơ haiku, bao giờ cũng gắn bài thơ với mùa và thiên nhiên,
nhiều khi đặt tên cho bài thơ bằng mùa .

3. Ba nguyên lí thơ haiku

Nguyên lí “mùa”: mỗi bài thơ cần thiết có từ “mùa” (quí ngữ) hoặc gợi ý về mùa (như
mưa phùn, hoa đào, trăng, tuyết …).Con người và vạn vật đều sống trong thời tiết thường xuyên
vận hành. Trước hết trong cuộc sống ta cảm thấy đất trời cụ thể. Nghĩa đen của câu tục ngữ “chạy
trời không khỏi nắng”.

Nguyên lí “tương quan”: mỗi sự vật luôn luôn liên quan với một sự vật khác (con bướm và
cơn gió, con chuột với con chim sẻ, con người và con cua, con hạc với dòng sông, mỗi sinh thể
với mùa vụ, bầu trời, tiểu vũ trụ với đại vũ trụ), chúng nương tựa vào nhau cùng sống.

Nguyên lí “bình đẳng”: mọi sự vật trong vũ trụ tồn tại độc lập, đáng quí như nhau. Điều
này xuất phát từ triết lí Phật giáo: mọi chúng sinh bình đẳng.
Tóm lại, thi pháp thơ haiku biểu hiện mỹ học Thiền (Zen : phiên âm Nhật ngữ, chán : phiên
âm Hán ngữ) đồng thời thu hút tinh hoa mỹ học dân tộc Nhật. Người Nhật ưa sống thanh nhã,
yêu cái đẹp giản dị, trọng danh dự, tâm hồn mở rộng đến thiên nhiên. Dường như mỗi người
nông dân Nhật đều có thể là một nhà mỹ học, một nghệ sĩ biết cảm thụ cái đẹp từ thiên nhiên.
Người Nhật sẵn sàng đi thật xa để ngắm một cảnh vật đẹp nhỏ bé nào đó. Một quả núi, một hòn
đá lớn, một con suối, một thác nước … được người ta sùng bái thì đều gắn vào hình tượng trong
các ngôi đền thờ Khổng Tử, Phật Thích ca. Nghệ thuật Nhật nảy sinh từ lòng tôn thờ vẻ đẹp toát
ra từ tổng thể hoà điệu của thế giới xung quanh ấy. Và Basho là một điển hình của tinh thần Nhật
Bản.

Basho có tất cả 5 tập nhật ký:

1. Nazarashi kiko (Nhật kí gió mưa đồng nội)


2. Kashima kiko (Kashima nhật kí)
3. Sarashina kiko (Sarasshina nhật kí)
4. Oku no hosomichi (Nẻo đường sâu thẳm lên Oku)

5. Genjuan no kiko (Huyễn trú am chi kí)

CHƯƠNG IX. GIỚI THIỆU VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VÀ KAWABATA

KHÁI QUÁT VĂN HỌC HIỆN ĐẠI

Năm 1869 vua Meigi (Minh Trị) lên ngôi, khởi xướng công cuộc “đổi mới” đất nước với
tinh thần “học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây”. Từ đó nước Nhật mở ra trang sử mới.
Người ta ví nước Nhật như một vận động viên trẻ trung hăm hở chạy đua với lòng mong muốn
chiến thắng không lúc nào ngơi .

Chỉ trong vòng ba mươi năm tính đến khi cây bút Kawabata ra đời (1899) nước Nhật đã
thay đổi căn bản. Một nước Nhật công nghiệp đang vươn tới. Những bước nhảy vọt kinh tế khiến
cả thế giới phải kinh ngạc, nhiều dân tộc ở châu Á phải khâm phục . Rabindranath Tagore thi hào
Ấn Độ khi đến thăm Nhật Bản vào năm 1916 đã viết : “Châu Á thức dậy khỏi giấc ngủ hàng thế
kỉ, Nhật bản nhờ những mối quan hệ và va chạm với phương Tây đã chiếm một vị trí danh dự
trên thế giới. Bằng cách đó, người Nhật đã chứng tỏ rằng họ sống bằng hơi thở thời đại chứ
không bằng những thần thoại huyền hoặc của quá khứ” .

Sự đổi mới kinh tế tác động mạnh mẽ đến nền văn học nghệ thuật của nước này . Bộ mặt xã
hội Nhật đã thay da đổi thịt , văn học nghệ thuật cũng đổi thay màu sắc .

Nếu thời trung đại văn học Nhật chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho và Phật của Trung Quốc thì
thời mở cửa lại tiếp thu nhiều luồng tư tưởng tự do dân chủ phương Tây : Anh , Pháp , Mỹ. Đặc
biệt tư tưởng dân quyền của Jean Jacques Rousseau (1712-1778) nhà tư tưởng Pháp và những
nhà lí luận hiến pháp của Đức đã ảnh hưởng đến trí thức văn nghệ sĩ Nhật bản. Những tư tưởng
ấy như luồng gió mới thổi vào văn học nghệ thuật những cảm hứng của chủ nghĩa tự do, chủ
nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên khiến văn nghệ
Nhật phát triển mạnh .

Người đặt viên gạch đầu tiên cho chủ nghĩa hiện thực Nhật là Tsubouchi Shoyo (1869-
1935).

Trong tác phẩm Bản chất của tiểu thuyết (Shosetsu Shinjui) xuất bản năm 1885, Tsubouchi
Shoyo đã đề xướng viết văn phải tôn trọng khách quan, phản ánh đời sống hiện thực, phải áp
dụng phương pháp viết mới mà ông tiếp thu được trong văn học châu Âu. Tác phẩm mới đầu tiên
của chủ nghĩa hiện thực Nhật kết hợp văn viết và văn nói là Mây trôi (Ukigumo)xuất bản năm
1887 của Futabotci Shimei (1864-1909). Sách miêu tả đời sống bình thường và những ước mơ
cao đẹp của nam nữ thanh niên Nhật đương thời.

Từ đó nhiều người noi theo, sáng tác những tác phẩm mới khác hẳn tiểu thuyết bác học quí
tộc trước đó. Nhiều tổ chức văn học theo khuynh hướng này hình thành, trong đó Nghiên cứu xã
(Ken Yusha) là tổ chức tiêu biểu.

Tiếp đến các trường phái khác lần lựơt ra đời ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào sáng tác
văn học. Trong tác phẩm của họ xuất hiện những đề tài về số phận con người bi kịch cá nhân
miêu tả những tâm trạng bi quan, thất vọng . . . Đại biểu của trường phái này phải kể Kitamura
Tokoku (1868-1894), nữ văn sĩ Higuchi Ichio (1872-1896), Kunikida Doppo (1871-1908),
Tayama Katai (1871-1930), Mori Ogai (1862-1922)và Natsume Soseki (1867-1916) .

Kunikida là nhà văn nổi bật trong số nhà văn theo phong trào đổi mới kể trên . Ông bắt
đầu nhận thức được tính hai mặt của cuộc duy tân. Cải cách kinh tế làm cho nước Nhật giàu có
lên nhanh chóng nhưng đơì sống công nghiệp cũng huỷ hoại không ít đến bản sắc văn hoá truyền
thống Nhật bản, đặc biệt mặt tâm hồn. Nhà văn cảm thấy đau buồn, cô đơn, ông viết trong hồi kí
như sau: ”xã hội đầu độc và huỷ hoại tâm hồn tôi. Phải chăng cái sức mạnh ma quỉ của xã hội
đang biến con người thành vật hi sinh cho danh vọng và sự nhục nhã. Cho sự làm giàu và những
cuộc vỡ nợ ? . . . Con người chỉ nhìn thấy những gì bề ngoài. Còn cái đẹp, chân lí bên trong và
Tạo hoá không hề rung động anh ta . . .” Tâm trạng của K.Doppo phản ánh thực trạng của sự
xung đột giữa văn minh phương Tây với truyền thống Nhật bản đang xảy ra ở đất nước tiên
phong duy tân này . Xung đột đó dai dẳng, trở thành chủ đề chính của nhiều tác phẩm văn học và
nghệ thuật Nhật Bản. Nổi bật nhất là Kawabata nhà văn giải Nobel mà chúng ta sẽ nghiên cứu kĩ
ở phần sau.

Năm 1912, Minh Trị thiên hoàng qua đời, vua Taisho lên ngôi (1912-1926). Lúc này
Kawabata còn ở tuổi thiếu niên . Một tuổi trẻ u buồn, cha mẹ ông mất khi ông mới bốn tuổi. Ông
phải sống với ông bà nội và chị gái. Khi họ qua đời, Kawabata còn trơ trọi một mình . Mười lăm
tuổi Kawabata bắt đầu tự kiếm sống và nếm mùi cay đắng cuộc đời . Lớn lên Kawabata chứng
kiến hai thảm hoạ lớn của nước Nhật : Đại chiến thế giới lần thứ Nhất (1914-1918). Do tham
vọng bành trướng mà Nhật mang quân sang Trung Hoa, vùng Thái bình dương và đến tận Siberi
phía bắc .Nhiều lớp thanh niên Nhật phải xa quê hương lao vào những trận mạc xa lạ. Riêng ở
Siberi, Nhật đã mất 23 000 quân. Sau chiến tranh, đời sống vô cùng khó khăn thì năm 1923, một
trận động đất khủng khiếp xảy ra ở vùng Kanto (khoảng giữa Tokyo và Yokohama), 10 vạn
người chết, 50 vạn người bị thương, trên 70 vạn ngôi nhà bị tàn phá. Những cuộc đấu tranh đòi tự
do dân chủ cơm áo của nhân dân Nhật nổ ra liên miên. Văn học Nhật cũng chuyển theo khuynh
hướng dân tộc – đại chúng, nhiều văn phái mới ra đời.

Trước hết, phái Shira Kaba (Bạch hoa) gồm nhiều nhà văn trẻ. Phái này chủ trương tôn
trọng cá tính và lập trường nhân đạo chủ nghĩa để nói lên nỗi bất hạnh của người trí thức hiện đại.
Họ tạo ra lối viết “tiểu thuyết tự truyện” gọi là “tiểu thuyết về tôi” (Watakushi Shosetsu). Shiga
Naoyo là nhà văn thành công về tiểu thuyết “tự truyện”. Tác phẩm Waka ( hoà giải) của ông là
tác phẩm tiêu biểu. Ngoài ra còn có Yozo (Tình bạn) của Musanozoki Sancatsu, Aru onna (Có
một người đàn bà) của Arisshima Takeo. v. v. . .

Một văn phái khác lấy tên là Shinshicho tân tự trào) lại chủ trương phản ánh mâu thuẫn của
xã hội, dùng lí trí phân tích mổ xẻ thế giới nội tâm phức tạp bí ẩn của người đương thời. Nhà văn
Akutagawa (1892-1927) là ngôi sao sáng trên văn đàn. Ông có công xây dựng nền văn học hiện
đại Nhật bản đứa nó hoà nhập vào dòng thác văn học thế giới . Tác phẩm Cổng Rasyomon (1915)
của ông gây tiếng vang lớn, thể hiện tài năng kết hợ truyền thống dân tộc với hơi thở hiện đại thật
điêu luyện. Tên ông Akutagawa ngày nay được đặt cho giải thưởng văn học lớn ở Nhật .

Cùng với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Nhật, một dòng văn học vô sản cũng ra đời.
Năm 1928, Liên hiệp nghệ thuật vô sản thành lập, năm 1929 Hội nhà văn vô sản hình thành. Một
trong những nhà văn sáng lập là nữ văn sĩ Miamoto Yuriko (1899- 1951). Cơ quan ngôn luận của
Hội này là Tanema Kuhito (Người gieo hạt giống) . Nhà văn và tiêu biểu có Hayama Yoshiki với
tác phẩm Umini Kunihitobito (Những người sống trên biển ), Kobayashi viết cuốn Kani Kosen
(Tàu đánh cua) .

Phái văn học đại chúng (Faishu Bungaku) chủ trương phục vụ đại chúng nhân dân . Hai cây
bút đáng chú ý là Nakagato với tác phẩm Daibosa Tosutoge. Tác phẩm này được coi là dài nhất
thế giới (dài gấp ba lần tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của L.Tolstoi). Người thứ hai là
Yoshi Kawa Eizi(1892-1962) tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Miyamoto Musashi .
Những sự kiện văn học trên đây ít nhiều ảnh hưởng đến Kawabata khi ông đang theo học
trường đại học Tổng hợp Tokyo (1920).

Thiên hoàng Nhật Tasho chết cuối năm 1926. Thái tử Hirohito lên ngôi đổi niên hiệu là
Showa. Lúc này văn hào Kawabata 27 tuổi thực sự bước vào làng văn. Ông chứng kiến một nước
Nhật quân phiệt đang trên đà bành trướng uy thế .

Tinh thần Kokutai (quốc thể) của phe Bảo hoàng được phát động với huyền thoại nước
Nhật là ưu việt hơn tất cả các nước khác . Nước Nhật hăm hở bước vào chiến tranh thế giới thứ
Hai với ngọn cờ “ Chủ nghĩa Đại Đông Á” với mộng bá chủ châu Á. Văn học Nhật bản lắng chìm
trong khói lửa, nên rất ít có tác phẩm đáng giá về nghệ thuật mà chỉ có những tác phẩm tuyên
truyền cuồng tín, đề cao “sứ mệnh” của nước Nhật phát xít. Sự phân hoá trong hàng ngũ nhà văn
Nhật ngày càng rõ nét.

Đầu tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử của đế quốc Mỹ ném xuống Hiroshima và
Nagasaki, biến hai thành phố sầm uất này thành đống tro tàn chôn vùi gần 30 vạn người và bao
thảm hoạ khác cho đất nước Nhật Bản. Nền công nghiệp hiện đại được xây dựng non một thế kỷ
qua lâm vào cảnh suy tàn. Nước Nhật bị đế quốc Mỹ chiếm đóng và trở thành một nước bị phụ
thuộc nhiều mặt.

Sau 5 năm khôi phục, nước Nhật lại trỗi dậy theo truyền thống Minh Trị. Từ 1950 trở đi,
nước Nhật bước vào công cuộc hiện đại hoá nền công nghiệp với hơi thở mới của thời đại. Nền
văn học Nhật bản theo đà đó bước vào thời kì đương đại. Nhiều khuynh hướng văn học bắt đầu
nảy nở và trở nên phức tạp. Có người thích văn học nước ngoài , muốn Âu hoá văn học Nhật, phủ
nhận truyền thống. Có người muốn duy trì bảo vệ bản sắc Nhật, có người lại muốn dung hoà
truyền thống và thế giới hiện đại.

Giữa các khuynh hướng đó, nổi lên Dajai Osamu (1909-1948) hiện thân cho thế hệ thanh
niên tham gia đại chiến thế giới II. Họ hoang mang, thất vọng trước sự tan vỡ của các lý tưởng
truyền thống, đạo đức xã hội bị băng hoại, con người bị xã hội công nghiệp tha hoá. Bản thân
Dajai Osamu lâm vào tình trạng hoang mang đến nỗi ba lần tự sát , lần thứ 4 ông đã cùng người
yêu ôm nhau nhảy xuống sông mà chết. Tiểu thuyết Mặt trời lặn (1947) viết về một chàng trai
của một gia đình quí tộc bị sa sút sau chiến tranh. Anh đi lính trở về, sa vào nghiện ngập ma tuý,
cùng người chị gái sống cuộc đời trác táng và nổi loạn, cuối cùng tự sát.

Trong số các nhà văn trẻ nổi lên sau chiến tranh, không phải tất cả đều khuynh tả, cực đoan.
Có người cũng tìm cho mình một lý tưởng sống hợp thời. Misima Yakio (1925-1970) là một nhà
văn trung thành với hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng tôn quân , không thích đời sống hiện
đại và cũng là người hiểu biết sâu rộng văn hoá phương Đông và phương Tây . Sáng tác của ông
thường phản ánh xung đột giữa văn minh phương Tây với các giá trị truyền thống Nhật bản. Tác
phẩm nổi tiếng Lầu vàng (1956) là tiểu thuyết viết về một đạo sĩ trẻ hoang mang không thể giải
quyết được mâu thuẫn giữa cuộc đời và nghệ thuật. Trong cơn hoảng loạn, anh ta đốt ngôi đền
nổi tiếng về nghệ thuật tạo hình ở Tokyo .
Một số nhà văn chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hiện đại Tây Âu như Inovse Yasusi (sinh
1907) thành danh sau đại chiến thế giới II. Tác phẩm của ông giàu chất thơ, chuyên miêu tả sự cô
đơn của con người, hành động không có mục đích, thể hiện chủ nghĩa hư vô của con người hiên
đại. Tác phẩm Chọi bò (1949) được giải thưởng Akutagawa, Súng văn (1949), Bướm đen
(1955) .v.v. . .

Akeboko (sinh 1924) viết tiểu thuyết tâm lí kiểu hiện sinh chủ nghĩa với bút pháp hiện thực
kết hợp hư ảo, miêu tả số phận con người qua những biểu tượng. Cuốn Người phụ nữ cồn cát
(1962) đựơc giải thưởng Akutagawa và dựng thành phim truyện.

Nhà văn Oe Kenjaburo (sinh1935) chịu ảnh hưởng khá rõ chủ nghĩa hiện sinh Jean Paul
Sartre (Pháp) và Heyr Miller (Mỹ). Ông viết theo lối biểu tượng, miêu tả thế giới mộng mị, tình
dục và cuộc sống tha hoá của con người Nhật hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu của ông : Hãy bảo
chúng tôi cách tồn tại với sự điên rồ cuả mình (1969), Ngày mai anh hãy cố lau nước mắt của tôi
(1971), Làm thế nào giết một cái cây (1984) . Năm 1994 Oe Kenjiaburo nhận được giải Nobel
văn chương .

Sau thế chiến II, văn học vô sản lại có điều kiện phát triển mới. Nhiều nhà văn tích cực
phản ánh đời sống cùng cực và tinh thần đấu tranh đòi quyền lợi của tầng lớp nhân dân lao động
như Nakagami Kengi (sinh 1946) xuất thân đẳng cấp cùng đinh (Bura Kunin) với tác phẩm Biển
những cây chết, ông đã được tặng giải thưởng Akutagawa .

Văn học Nhật bản từng có dòng văn học nữ tính từ thời trung đại (thế kỉ XI, thời Heian /
Bình an) cho đến thế kỉ XIII thì lắng xuống mãi đến thế kỉ XIX dưới thời đại Minh Trị mới trỗi
dậy. Nhiều nhà văn nữ đóng góp đáng kể cho nền văn học hiện đại và đương đại Nhật. Sono
Avako sinh 1935 nổi tiếng từ năm 22 tuổi với tác phẩm Người khách từ phương xa (1954).
Trong đó Sono miêu tả nhân vật thiếu nữ 19 tuổi tỏ thái độ khinh thường những tên lính Mỹ
ngang tàng . . .

Văn học Nhật Bản từ thời Minh Trị thiên hoàng cho đến lúc văn hào Kawabata qua đời
được ví như một dòng sông lớn. Con sông có nhiều dòng chảy, Kawabata tắm mình trong đó và
ông biết chọn cho mình một dòng chảy trong lành nhất để gội tâm hồn của “một lữ khách u buồn
đi tìm cái đẹp đã mất” (nhận xét của nhà văn Mishima Yukio ) .

KAWABATA YASUNARI - nhà tiểu thuyết hiện đại

(1899-1972)

Sinh trưởng tại ngoại ô thành phố Osaka, đến tuổi mười sáu , Kawabata đã cho ra mắt tác
phẩm đầu tay Nhật ký tuổi mười sáu (Juro Kusaino Nikki). Tác phẩm báo hiệu một tài năng mới
mẻ đầy triển vọng của nước Nhật Bản. Năm 21 tuổi Kawabata cùng bạn bè sinh viên trường đại
học Tổng hợp Tokyo sáng lập tạp chí Trào lưu mới (Sintio) . Truyện ngắn đầu tay Lễ chiêu hồn
của Kawabata đăng trên tạp chí này.

Nhiều người sành văn chương đã khen ngợi truyện ngắn của Kawabata khiến từ đó ông say
mê văn chương thôi hẳn cái mộng làm hoạ sĩ. Ông tìm đọc tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng
phương Tây và phương Đông . Tác phẩm của các nhà văn Marcel Prust, James Joyce, A.
Shekhov, L. Tolstoi . . . đã gây nhiều hứng thú cho ông.

Năm 1923 ông được mời làm trong ban biên tập của tạp chí Văn nghệ xuân thu ( Bungei
Shunziu) do nhà văn Kikuchia Kan sáng lập, đồng thời cùng nhà văn Yokomitsu thành lập tạp chí
Văn nghệ thời đại ( Bungei Jidai ) .

Kawabata chuyên tâm sáng tác văn học bên cạnh công việc biên tập viên. Năm 1948 ông
được bầu làm chủ tịch Hội văn bút (Pen Club) Nhật bản. Lúc này các trào lưu văn học phương
Tây với khuynh hướng hiện đại đua nhau tràn vào nước Nhật. Thoạt đầu ông cũng chịu ít nhiều
ảnh hưởng của các khuynh hướng đó . ka sáng tác theo chủ nghĩa duy cảm mới nhưng ngòi bút
của ông không bị cám dỗ bởi vẻ hào nhoáng, tân kỳ, quái đản và phi lý của một số khuynh hướng
“hiện đại” Tây Âu. Ông không xa rời tính độc lập dân tộc và hình thành bản lĩnh của mình, chủ
trương giữ gìn di sản văn học và truyền thống mĩ học dân tộc. Ông nói: “bị lôi cuốn bởi những
trào lưu hiện đại phương Tây đôi lúc tôi cũng thử làm theo. Nhưng tôi phải giữ cái gốc rễ phương
Đông của mình và không bao giờ rời bỏ con đường ấy” .

Những tác phẩm ưu tú của các nhà văn cổ điển Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài năng của
Kawabata. Nhà văn cho biết rằng truyện Genji monogatari của nữ sĩ Murasaki Sibiku (978-
1044) kiệt tác của nền văn chương cổ đã tác động sâu sắc đến khiếu thẩm mĩ và ngôn từ nghệ
thuật của ông. Ông viết : “Trong các monogatari, Genzi là thiên truyện không ai có thể vượt qua
được kể cả trước và sau đó. Không có tác phẩm nào thấm sâu vào lòng người đến thế, không có
tác phẩm nào biết thể hiện vẻ đẹp u buồn của sự vật một cách sâu sắc và cảm động đến thế.
Nhiều tác giả sau này cố bắt chước Genji nhưng vẫn thua xa. Không phải bàn cãi nữa, bút pháp
Genji là vô song. Phong cảnh đất nước Nhật với sắc trời thay đổi bốn mùa xuân hạ thu đông,
hình ảnh những người và phụ nữ Nhật sinh động mà rõ nét như bằng xương bằng thịt ” .

Genji không chỉ là được coi là “sách giáo khoa sáng tác” cho Kawabata mà còn nhiều nhà
văn khác nữa.

Kawabata còn biết kết hợp những khái niệm mĩ học và triết học Nhật bản chặt chẽ và sinh
động. Ông rút ra những nét đặc sắc của truyền thống văn hoá dân tộc với những khám phá sáng
tạo của mình .

Đọc tiểu thuyết của Kawabata, giới phê bình đều cảm nhận thấy thi pháp tiểu thuyết
Kawabata khá gần gũi với thi pháp thơ haiku. Chính Kawabata đã nói “tác phẩm của tôi thường
được tả như là tác phẩm chân không” . Cái “chân không” đó là sự trống vắng thường xuất hiện
trong haiku, trong tranh thuỷ mặc, trên sân khấu Noh, trong vườn đá tảng” .
Tiểu thuyết Vũ nữ Itzu (Itju no Odoriko)

Năm 1925 Kawabata cho ra đời tiểu thuyết ngắn đầu tiên là Vũ nữ Itzu .

Đây là tác phẩm tiêu biểu theo “chủ nghĩa duy cảm mới”. Bằng cảm xúc chân thực, ông
miêu tả tinh tế vẻ đẹp của cô vũ nữ ông gặp trên hòn đảo Itju. Vẻ đẹp của thiếu nữ tuổi mười bảy
trẻ trung đầy sức sống đang hoà lẫn trong nắng xuân bên con suối trong ngần, thanh khiết. Một
bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu khiến người lữ khách quyến luyến không muốn rời hòn đảo.
Hình ảnh cô vũ nữ đọng mãi trong tâm trí ông. Về sau nhân vật này còn được tái hiện trong hai
tiểu thuyết Hoa luân vũ khúc , Hồng đoàn ở Asakura .

Tiểu thuyết Xứ tuyết (Yuki guni)

Từ năm 1935 đến 1947, trong mười hai năm trời Kawabata miệt mài với Xứ tuyết . Tác
phẩm được đăng tải nhiều kỳ trên Tạp chí Văn nghệ Xuân Thu.

Vẫn là chàng du khách xuất hiện trong Vũ nữ Itzu , lần này với tên là Shiamura .

Simamura đã đứng tuổi, có vợ con, sống ở thủ đô Tokyo, thỉnh thoảng một mình đi du lịch
xứ tuyết miền Bắc, ngắm phong cảnh và tắm suối nước nóng. Ba lần trong ba mùa xuân thu đông
khác nhau, anh đến vùng này và quen biết một cô du nữ tên là Komako . Komako chơi đàn
samisen… Cô bước chân vào nghề geisha chuyên nghiệp để kiếm tiền trị bệnh lao cho Yukio, con
trai của bà giáo dạy nhạc của cô. Lần thứ hai gặp lại, cô tỏ lòng yêu anh thực sự. Anh cũng say
đắm không thể dời bỏ. . .Hai người tuy yêu nhau thắm thiết nhưng Komako sống trong nỗi khắc
khoải, giày vò “chẳng biết anh ấy có thực sự yêu mình không ? ”. Còn anh ban đầu chỉ kết bạn
giải khuây, sau bị tình yêu quyến rũ thực sự. Nhưng Simamura là người không có khả năng chia
sẻ tình yêu lớn lao của Komako. Anh vốn là người nhẹ dạ và nông nổi, đam mê hết thứ này đến
thứ khác.

Những ngày ở xứ tuyết, anh còn yêu thầm người con gái tên Yoko gặp trên một chuyến tàu
đêm như một tình yêu lí tưởng chưa từng có. Yoko cũng là một geisha, cô cũng hết lòng chăm
sóc Yukio con bà giáo. Yuko bị Komako ghen gét nhưng vẫn bình thản tận tụy với chàng trai xấu
số cho đến khi anh chết… Lần sau gặp lại, Yoko xin anh mang theo cô về Tokyo, anh chần chừ…
Gặp đám cháy,Yoko xông vào cứu người và hi sinh. Anh buồn chán bỏ lại Komako và xứ tuyết,
trở về Tokyo trong thất vọng, hoang mang…

Trong Xứ Tuyết, vẻ đẹp của vũ đạo và âm nhạc dân tộc cũng được nhân vật Shimamura
phóng đãng phiêu lưu phát hiện sau khi nghiên cứu nghệ thuật Phương Tây … Nhà văn còn
miêu tả những vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên xứ tuyết với ngòi bút tỉ mỉ, tinh tế. Nhà văn đặc
biệt miêu tả quan hệ rất phức tạp giữa hai cô gái geisha, Yuko hấp dẫn và bí ẩn trong mắt anh và
càng ngày càng lộ rõ phẩm chất thánh thiện của cô, qua lần gặp đầu tiên trên xe lửa và lần gặp
cuối cùng trong quán rượu trước khi cô chết…Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kawabata đã
đạt đến mức độ tuyệt diệu…
Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc (Sembazuru)

Tác phẩm được đăng báo đầu tiên năm 1949 và hai năm sau xuất bản thành sách. Câu
chuyện bi thương xoay quanh những buổi trà đạo với bốn nhân vật chính .

Câu chuyện về trà đạo với những nghi thức khá cầu kì, những bình lọ chén tách cổ đan xen
với những quan hệ chằng chịt của các nhân vật .

Cha của Kikuji trước kia đã trải qua những mối tình nhanh chóng với cô giáo trà đạo
Kurimoto, rồi bà Ota . Trong một đêm Tokyo bị oanh tạc, ông cũng đã qua đêm với cô Fumiko
con gái bà Ota dưới hầm trú ẩn .

Đến lượt mình, con ông là Kikuji cũng bị hút vào mối tình định mệnh với phu nhân Ota …
rồi chàng cũng yêu Fumiko với một tình yêu trong sáng hơn . . .

Ngàn cánh hạc [Sembazuru]


Kikuji Mitani: chuyện kể từ cậu bé 11 tuổi
đến nay là viên chức, độc thân, cha vừa mất
được 4 năm.
Cha dan díu với Chikako, cô giáo dạy trà đạo, tặng cô cái tách trà sứ hiệu Oribe làm lưu
niệm mối tình.

Mẹ buồn chán vì cha ngoại tình nhiều, bà đã chết trước ông.

Chikako Kurimoto bây giờ đang muốn quyến rũ Kikuji, nhưng lại tìm cách mối mai cô gái
Yukiko Inamura cho anh.

Yukiko Inamura-thiếu nữ mang chiếc khăn màu hồng in ngàn cánh hạc trắng. Anh dửng
dưng trước tình yêu của cô gái nhút nhát, rụt rè, lại khó chịu vì cô được người đàn bà đáng ghét
Chikako có cái bớt xanh trên ngực giới thiệu…Trong khi chuyện trò, cô chỉ biết nói chuyện về
người cha của anh mà anh không muốn nghe…

Bà Ota, chồng bà trước khi chết, giao lại bộ đồ sứ pha trà cho bà và cha Kikuji coi sóc.

Cha Kikuji lại dan díu với bà Ota. Cô Chikako ghen, từng rủ mẹ chàng cùng ghen.

Cô Fumiko, tâm trạng phức tạp. Đeo chiếc nhẫn cha Kikuji tặng một lần đưa tiễn ông về
nhà sau trà đạo, trú đêm trong hầm tránh máy bay Mỹ, sáng mới về…
Fumiko biết mẹ có cảm tình với chàng, đến thuyết phục chàng đừng quan hệ với mẹ mình
nữa. Nàng cũng nói thẳng với mẹ để can ngăn mẹ… Mẹ nàng đau khổ…Bà ngã bệnh, lần chót
đến với chàng, xin ngủ lại. Hôm sau bà tự vẫn.

Sau tang mẹ, cô mời anh đến trà đạo, tặng anh chiếc bình shino 300 tuổi của mẹ vốn để
đựng nước pha trà, nay cắm hoa. Anh mang về nhà. Cô lại cho anh một chiếc chén trà có vết son
môi chùi không sạch của bà Ota.

Hai chiếc tách (chén) raku đen và đỏ (cha chàng và mẹ nàng từng uống chung) nay nàng
mang ra để hai người con uống tiếp …

Chikako nói dối chàng rằng Fumiko đã lấy chồng. Chàng nghe Fumiko gọi điện thoại báo
tin… Cô bán nhà đi chỗ khác sau khi gửi th cho chàng (tỏ tình)… Cô quay lại gặp chàng, lấy lại
lá thư, xé bỏ. Hai người hút vào nhau như vô thức. Cô lại bỏ đi …

Một buổi uống trà, Fumiko mang ra cái chén karatsu kỉ vật của cha chàng. Đối ẩm như cha
mẹ họ ngày xưa, giờ đến lượt họ. Nàng xin uống lần chót cái chén shino của mẹ … Nàng không
kìm chế được tình yêu chàng…Họ ngã vào nhau… Sau đó nàng bảo “còn nhiều chén shino khác
mới hơn mà !” rồi ném mạnh cái chén vào bể nước, chàng ngăn không kịp. Khuya, chàng ra vườn
tìm, nhặt được 4 mảnh ghép lại, thiếu một mảnh nhỏ nơi miệng chén. Định đem chôn trong vừơn,
sau lại gói giấy cất đi .…Nàng bỏ đi biệt tích. Kikuji tìm không được.

Rút cục, chỉ còn lại chàng và Chikako-người đàn bà chàng căm ghét nhưng không dứt ra
được …

Cấu trúc

Truyện xoay quanh những buổi trà đạo tại túp lều trong khu vực đền Engakuji, tại nhà của
họ.

Những chi tiết nổi bật:

1. Ngàn cánh hạc trắng trên nền khăn hồng: Ý nghĩa tượng trưng ?
2. Vòm cây trong nắng chiều
3. Chiếc bình shino và những chén trà bằng sứ gốm cổ.
4. Thỏi sáp môi của mẹ nàng
5. Ngôi sao kép (ý nói “hai mẹ con Ota và Fumiko” )
6. Xây dựng những quan hệ từng đôi chằng chéo đấy ngụ ý, ẩn dụ…

Người đọc dễ có cảm giác về sự vô luân trong truyện này. Nhưng đặt nó vào hoàn cảnh tàn
bạo của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II thì chuyện Kawabata kể cũng chẳng khác nhiều so với
những chuyện mà văn sĩ Phương Tây viết thời gian này. Câu chuyện cũng không xa lạ với truyền
thống văn học Nhật Bản nếu chúng ta chưa quên Truyện Genji của Murasaki cách đây 10 thế kỉ.
Dù sao, Ngàn cánh hạc đã đem lại cho người đọc một thế giới tranh tối tranh sáng giữa cái đẹp
và cái xấu. Một bên là cô giáo Kurimoto nhỏ nhen đến độ ác độc với biểu tượng cái bớt đen to
tướng trên ngực. Bên kia là phu nhân Ota đẹp đẽ, nồng nàn và giàu đức hi sinh, bà đã uống thuốc
ngủ tự tử, vì mối tình tuyệt vọng hay vì hạnh phúc của đứa con gái ?

Đoạn kết – Trong đau khổ và tuyệt vọng, cô gái Fumico đập vỡ chén trà Shino có vết son
môi của mẹ để lại . Chàng Kikuji, người yêu của cô, thu nhặt những mảnh vỡ cất đi vì đó là kỉ
niệm mối tình của anh với mẹ nàng, cũng là kỉ niệm về người cha của anh Cha anh đã yêu mẹ
nàng hồi xưa. Sau khi cha mất đi, anh bỗng yêu mẹ nàng không sao cưỡng được. Anh luôn luôn
uống chén trà của người yêu cũ để lại . Nàng ghen ngay cả với người mẹ đã qua đời , quyết đập
bỏ cái tách trà .

Đó là mối tình trầm luân, chằng chéo phản ánh sự giằng co giữa cái đẹp truyền thống và
những cái mới trong tình yêu và trà đạo. Dù sao cái đẹp truyền thống đang mất dần. Tiểu thuyết
là một thế giới đa tình và đa đoan. Tính dục được miêu tả không phải như sự hoan lạc thấp hèn
mà như một đam mê và khổ nạn của con người. Khó phân biệt đó là cách nhìn của phân tâm học
Freud hay là triết lý nhân sinh Phật giáo đại thừa .

Tiểu thuyết chủ yếu bàn về sự lựa chọn cái đẹp chứ không chỉ là “truyện tình”

Tiểu thuyết Cố đô ( Kyoto / Jing du )

Đăng lần đầu trên tờ nhật báo Asahi Shimbun năm 1961, in sách năm 1962. Kawabata bày
tỏ nỗi lo âu về số phận của cái đẹp trước sức đe doạ của nền kinh tế hàng hoá với việc sản xuất
hàng loạt và thói tiêu dùng trưởng giả , thẩm mĩ thấp kém của lớp thị dân hiện đại. Câu chuyện
xoay quanh cửa hàng bán trang phục kimono của gia đình ông Takichiro:

Nàng Chieko – đứa con bị bỏ rơi, được ông bà Takichiro chủ cửa hàng kimono nuôi dưỡng
như con. Nàng trở nên kiều diễm thông minh nhạy cảm như một tiểu thư quí tộc . Nhân dịp lễ hội,
nàng nhận lại được cô em gái song sinh Naeko nay đang làm công cho một xưởng mộc ở một
vùng núi xa. Nàng muốn chị em đoàn tụ ở ngôi nhà ông bà Tachikiro . Ông Tachikiro cưng chiều
Chieko đến mức ông lên một ni viện (gồm toàn nữ tu) nửa tháng trời để chép lại những hoa văn
truyền thống Nhật bản, kết hợp với hội hoạ của Paul Klee , Matisse Chagall (các hoạ sĩ đương
đại Tây Âu) rồi vẽ kiểu một chiếc đai lưng cho Chieko . Đem về ông thuê anh thợ dệt tài năng trẻ
Hideo dệt cho nàng một chiếc . Hideo thầm yêu Chieko nhưng nghĩ mình không tương xứng với
cô gái quí tộc thành thị , anh quay ra yêu Naeko vẻ ngoài giống chị nhưng tính nết trong sáng
giản dị giàu đức vị tha (vẫn là tình yêu cô chị nhưng tạm bằng lòng với cô em) . Anh khen bản vẽ
của ông Tachikiro đẹp nhưng chê thiếu sự hài hòa và hơi ấm của tâm hồn , lại chứa đựng vẻ
bệnh hoạn và bất ổn . Tachikiro tức giận ném bản thảo xuống sông. . . Hideo mang hết tình cảm
say đắm nàng ra dệt chiếc đai lưng tuyệt tác. . . Nhưng cô em Naeko , sau một đêm tâm sự chị
em, cô nghĩ không thể sống với chị trong cảnh giàu sang và xa lạ. Chị em bùi ngùi chia tay nhau
vào buổi sớm tuyết bắt đầu tan trên cố đô Kyoto … Cuối cùng,Tachikiro phải bán nhà vì công ty
hàng dệt tay ế ẩm do bị nền cơ khí đại công nghiệp dệt bằng máy chèn ép. Bên cạnh đó, những vẻ
đẹp của thiên nhiên cũng đang chết dần, Kyoto đang có nguy cơ trở thành một khu công nghiệp,
một khách sạn khổng lồ với ô nhiễm khói bụi và lạnh lùng của bê tông sắt thép.
Tương lai thuộc về những người như Hideo và Chieko phục hưng để phục hồi kimono…

Tiểu thuyết Người đẹp say ngủ

Kawabata viết năm 1969. Nhà văn G.G, Marquez nồng nhiệt đánh giá cao và coi truyện
ngắn này là kiệt tác của văn học thế giới, ông nói rằng chỉ khi đọc truyện này ông mới chú ý đến
nền văn học Nhật bản.

Đô thị Nhật có một số lầu xanh độc đáo, kín đáo. Những thiếu nữ trẻ đẹp, khỏa thân được
uống thuốc ngủ trước khi khách vào phòng. Khách thường là những ông già tư sản có thể trả
những khoản tiền lớn (còn giữ tiền để làm gì nữa !) chỉ để ngắm nhìn và âu yếm suốt đêm người
con gái trẻ dưới hai mươi tuổi trên cùng một chiếc giường. Họ không đánh thức thiếu nữ dậy,
không thử làm điều gì đó phá trinh tiết cô gái. Họ chỉ muốn ngắm người đẹp ngủ …với tâm trạng
tâm thế khá phức tạp. Ông lão Eguchi đã 67 tuổi xuân, một lần tìm đến vì tò mò, trong căn phòng
ánh sáng mờ ảo hắt ra từ tấm màn nhung đỏ thắm khiến thiếu nữ trở nên huyền ảo như trong
mộng. Trái tim ông tê dại đi một chút trước người đẹp như đã sẵn sàng dâng hiến. Ông hôn lén
nàng. Nàng không tránh mà cũng không cảm nhận, ông cảm thấy một khoảng không trống rỗng
và tăm tối xâm chiếm đầu óc mình . . .

Đêm thứ ba, ông lão Eguchi nằm giữa hai cô gái. Một cô hoang dã, ngăm đen, da cứng
dày, mồ hôi nhớp nháp và cô kia trắng nõn mềm mại thơm tho. Ông bị thu hút về phía cô-hoang-
dã, ông cảm thấy nguồn sinh khí huyền diệu, hiện thân của sự sống . Ông thầm kêu lên «người
đàn bà cuối cùng của đời ta ! » và ông liên tưởng đến người đàn bà đầu tiên. Bầu vú thanh xuân
trong tay ông báo hiệu một viễn cảnh: khi ông chết đi, dòng đời vẫn tiếp tục chảy trong một mạch
máu khác. Nhan sắc của thiếu nữ những đêm trước càng tô đậm thêm nỗi buồn khổ lạnh lẽo của
tuổi già. Cái đẹp vô thường gây nỗi cô đơn và niềm bi cảm khi ông nằm giữa hai người đẹp. Lão
Eguchi chợt tỉnh giữa đêm, cô hoang dã đã chết (có lẽ dùng thuốc quá liều), người ta kéo lê cô
đi… (Thế là hai người đã chết ở đây một thiếu nữ và một ông già tư sản tên Phukura)… Ông vẫn
có thể ở lại trên giường với cô kia. Thân thể cô bỗng nhiên đẹp một cách rực rỡ khiến ông hoa
cả mắt … nhưng lại làm ông tỉnh hẳn ra khỏi cơn mộng. Ông già Eguchi uống thêm thuốc ngủ
mà vẫn không sao ngủ được …

«Người đẹp say ngủ» cho ta thấy quan niệm sống mơ hồ lẫn lộn trong cảm hứng sa đọa.
Tác phẩm cho thấy sự mất phương hướng trong lối sống. Nhà văn cũng tổ cáo tội lỗi của những
kẻ buôn người, nạn nhân thê thảm vẫn là phụ nữ.Nhà văn nêu lên quan niệm rằng cái đẹp không
chỉ nằm trong xác thịt. Nếu khách chỉ biết đến nhục dục thì cô gái kia chẳng khác gì “người đẹp
say ngủ” vậy thôi.

Truyện ngắn THỦY NGUYỆT

(Trăng trong nước)


Nghệ thuật của Kawabata có thể so sánh với chiếc gương phản chiếu cái đẹp, nói cách
khác, đặc điểm nghệ thuật của ông là “thẩm mĩ của chiếc gương soi” .

Hình ảnh cái gương xuất hiện thường xuyên trong văn của Kawabata, đặc biệt trong Xứ
tuyết và Thuỷ nguyệt .

Trong Xứ tuyết, hình ảnh chiếc gương soi xuất hiện nhiều lần, từ con mắt thiếu nữ đến núi
đồi, sương tuyết, mặt trời đến cái cửa kính toa tàu –nơi chàng Shimamura đang ngồi. Đang mơ
mộng, chàng chợt thấy trong gương một con mắt “Con mắt người con gái hiện lên chập chờn
trước mặt làm chàng suýt kêu lên vì kinh ngạc, đó chỉ là người con gái ngồi phía bên kia in hình
qua. . . Hơi nước đọng làm tấm gương mờ đục cho đến khi chàng vạch một lằn ngang. Trong
chiều sâu của tấm gương, phong cảnh buổi tối đằng xa lần lượt kéo qua như một đáy gương di
động, một vũ trụ kì ảo và duy nhất. . . Còn đây là hình ảnh Komako trong gương dưới mắt chàng
Shimamura“ Màu trắng mà chàng đã thấy trong gương chính là màu tuyết, và lơ lửng ở giữa là
màu đỏ rực của đôi má người đàn bà . . .

Trong truyện ngắn Thuỷ nguyệt, nhân vật nữ Kyoko khéo nghĩ ra cách dùng gương soi giúp
chồng nằm trên giường bệnh có thể ngắm nàng và hoà mình vào thế giới bên ngoài . Nhờ đó
chính nàng cũng khám phá ra một thế giới mới trong gương soi :

“ Kyoko vô cùng kinh ngạc về cái phong phú của thế giới trong gương . . . ”

- Bầu trời ánh bạc trong gương, Kyoko nói. Rồi nhìn vọng qua cửa sổ nàng tiếp – mà
bầu trời thật thì xam xám .

- Bầu trời trong gương thì thiếu hẳn màu xám chì và vẻ nặng nề bên ngoài . Trời trong
gương sáng chói . . .

- - Đúng rồi, trời xám đục . Nhưng mà màu trời không nhất thiết phải giống nhau qua
mắt của chó , của chim hay của người . Ta không bao giờ nhìn đúng màu thật cả .

- Có phải những gì ta nhìn thấy trong gương là do mắt của gương không anh ?

Kyoko muốn gọi tấm gương là con mắt tình yêu của họ. Cây lá trong gương tươi xanh hơn
cây lá thật và những cành huệ trắng trong hơn. ”

Kyoko cùng chồng thường nhìn ngắm ánh trăng trong gương, cái ánh trăng soi bóng trong
vũng nước mưa ở dưới nhà . Cái gương soi cái bóng của trăng chứ không phải chính ánh trăng ,
bóng của bóng ở trong gương. Nhà văn muốn bàn về cái phù ảo của thế giới qua những cái bóng
trong nước và bóng trong gương vậy .

Con người không thể tự nhìn thấy được gương mặt của mình . . . Tại sao thượng đế tạo nên
gương mặt của con người bằng cách không cho họ tự nhìn thấy mặt mình ?
Hai đoạn trích trên thể hiện khá rõ tư tưởng nghệ thuật của Kawabata , rằng thế giới trong
gương hay trong nghệ thuật tuy ảo nhưng lại rất thực và rất đẹp , rằng con người không thể nhìn
thấy mặt mình nếu thiếu những chiếc gương soi . Và gương không chỉ là gương mà còn là trái tim
, là tình yêu nữa . Truyện ngắn Thuỷ nguyệt của Kawabata bên cạnh chủ đề chính của nó đã mang
sứ mệnh biểu tượng tuyên ngôn cho thi pháp Kawabata .

Con người và thiên nhiên trong Kawabata làm chiếc gương soi chiếu lẫn cho nhau

Văn chương Kawabata là cuộc hành hương đi tìm cái đẹp và sự cảnh báo về nguy cơ diệt
vong của nó . Nhưng đó là những vẻ đẹp hiện đại nảy sinh từ truyền thống dân tộc . Do đó nhà
văn không phải là người bảo thủ hoài cổ . Nghệ thuật văn chương của ông kết hợp cả phương
Đông và phương Tây . Trong buổi lễ nhận giải Nobel , ông còn tranh thủ đọc bài luận văn bằng
tiếng Anh : Japan, the Beautiful and Myself trong đó ông thuyết minh về cái đẹp sâu lắng trong
văn hóa Nhật bản, tâm trạng người Nhật và những nỗi ưu tư của người nghệ sĩ hiện đại trong
sáng tác .

Văn học Nhật bản và Văn học Việt nam có cùng một gốc văn hóa phương Đông . Hai dân
tộc gặp nhau trong một tình yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên và cuộc sống . Đời sống sinh hoạt tinh
thần của dân tộc ta cũng sẽ không khác nhiều với những gì người Nhật đã và đang trải qua. Sự
nghiên cứu và tiếp nhận, thưởng thức văn học Nhật chắc không phải là vô vị .

(trích Kỉ yếu Hội thảo Văn học Kawabata)

Hướng dẫn ôn tập

VĂN HỌC NHẬT BẢN

1. Thơ Basho

+ Thử tìm hiểu thi pháp thơ haiku của Basho

+ Bình giảng bài thơ “Chiều thu” trong chùm thơ “Mùa thu” và các bài sau đây :

2. Tiểu thuyết Kawabata

+ Tinh thần thời đại Nhật bản trong văn xuôi đầu thế kỉ XX
+ Cảm xúc thẩm mĩ về cái đẹp Nhật Bản và nỗi khắc khoải của nhà văn Kawabata trong các
tiểu thuyết tiêu biểu của ông .

CHƯƠNG X. VĂN HỌC DÂN GIAN LÀO

ĐẤT NƯỚC LÀO

( Nước Lào còn gọi là: Ai Lao, Vạn Tượng, Triệu Voi, Laos )

Nước Lào nằm sâu vào lục địa trong bán đảo Đông Dương , tiếp giáp với Việt Nam Trung
Quốc, Cam pu chia, Thái Lan và Miến Điện .

Hơn 3/4 đất đai Lào là rừng núi Dãy núi Phu Luổng hùng vĩ ở phía Đông khởi nguồn cho
một hệ thống sông suối chằng chịt phần lớn đổ về phía tây , rồi nhập vào sông Mé nậm khoỏng
(tức Mekong) , chảy dọc theo hướng Bắc Nam trên đất Lào dài 1 500 km

Khí hậu Lào chia hai mùa rõ rệt . Mùa khô kéo dài 7,8 tháng làm cho đất đai cằn cỗi cây cối
kém phát triển . Mùa mưa dài 4 , 5 tháng là lúc cây cối và muôn vật sinh sôi . Đây là thời vụ
chính của nông nghiệp ( đồng ruộng lúa và nương rẫy .

Dân số Lào gần ba triệu rưỡi người , sinh sống trong ba cộng đồng : Lào Thơng , Lào Lùm
và Lào Xủng . Ba cộng đồng này gồm hơn 60 dân tộc nhỏ sống xen kẽ với nhau chung lưng góp
sức xây dựng đất nước và nền văn hóa đậm đà sắc thái Lào . Dân tộc Lào Thơng nói ngữ hệ Môn-
Khmer .Họ là dân bản địa lâu đời nhất , sống bằng nương rẫy , săn bắt và hái lượm – chủ nhân
của thời kỳ đồ đá .

Dân tộc Lào Lùm nói ngữ hệ Lào – Thái sống chủ yếu ở đồng bằng sông suối , trồng lúa
nước và chăn nuôi , là dân tộc đông nhất chủ yếu xây dựng nền văn hóa truyền thống Lào .
Dân tộc Lào Xủng nói ngữ hệ Môn – Dao và Miến – Tạng từ phía tây nam Trung Quốc di
cư xuống Lào , sống ở vùng núi cao Bắc Lào , thường trồng thuốc phiện .

Lịch sử Lào được ghi thành chính sử từ thế kỉ XIV khi xuất hiện nhà nước phong kiến trung
ương Lạn Xạng do vua Phạ Ngừm sáng lập năm 1353 .

Từ thế kỉ XIV đến XIX , chế độ phong kiến Lào trải qua 3 giai đoạn :

¨ Giai đoạn xây dựng , củng cố nhà nước phong kiến trung ương ( XIV- XV )

¨ Giai đoạn toàn thịnh ( XV- XVII )

¨ Giai đoạn suy thoái và mất chủ quyền ( XVIII- XIX )

Phạ Ngừm là người sáng lập Vương quốc Lào Lạn Xạng , lên ngôi vua năm 1353 lúc 37
tuổi , đóng đô ở Luangphrabang , xây dựng đất nước thống nhất từ Thượng Lào đến Hạ Lào . Đó
là một nhân vật kì lạ và phi thường xuất hiện trong lịch sử của một dân tộc yêu chuộng hòa bình ,
yên ổn . Vua đặt quan hệ bang giao với các nước lân cận trong đó có Đại Việt .

Thế kỉ XVI quốc gia phong kiến Lào toàn thịnh , vua Xulinha Voongxả tranh ngôi bá chủ
với vua Miến Điện . Năm 1533 dời thủ đô từ Luanphraban đến Vientiane(Viên chăn ) để tránh
những cuộc tấn công bất ngờ của quân Miến , nơi này ở trung độ đất nước và sẽ thích hợp chống
xâm lược năm 1535 ,1540 và 1564 . Thương nhân và giáo sĩ châu Âu ở kinh đô Vientiane lúc bấy
giờ đã ca ngợi tài năng đúc độ của nhà vua Voongxả . Năm 1690 vua qua đời , mước Lào suy
thoái . Giai cấp thống trị tranh giành quyền lợi địa vị . Nhân đó, triều đình Thái lan ( Xiêm) muốn
thôn tính nước Lào . Một anh hùng dân tộc tên Chậu Anụ bên ngoài thần phục Xiêm , và ngấm
ngầm chuẩn bị khởi nghĩa giải phóng đất nước .

Năm 1825 vua Xiêm chết , quân Anh uy hiếp nước Xiêm ở phía Nam , tranh thủ thời cơ ,
Chậu A nụ tấn công vào đất Thái .

Khởi nghĩa thất bại , Chậu A nụ chạy sang lánh nạn ở Việt Nam . Năm 1827 từ Nghệ An ,
ông kéo quân trở về Lào tiếp tục khởi nghĩa . Ông bị bọn quý tộc Lào ở Xiêng Khoảng phản bội
bắt giao cho giặc xâm lược .

Sau gần 100 năm bị xâm lược , đến hiệp ước Pháp – Xiêm kí ngày 3-10-1893 một bộ phận
đất Lào bên kia sông Mekong bị nhập vào đất Thái , phần còn lại là thuộc địa của thực dân Pháp .

Nhiều cuộc khởi nghĩa của các dân tộc Lào nổ ra chống Pháp .

Năm 1930, Đảng Cộng Sản Đông Dương tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ra
đời đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc , tạo ra bước ngoặt lớn lao cho lịch sử nước
Lào . Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1930 .
Năm 1945 phe phát xít bị đánh bại , nhân cơ hội thuận lợi , Đảng Cộng Sản Đông dương và
đảng bộ Lào đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền ( cùng năm với Cách Mạng Tháng
Tám ở Việt Nam ) . Nước Lào tuyên bố độc lập ngày 12.10.1945 . Bọn đế quốc Mỹ và Anh làm
chỗ nấp cho bọn thực dân Pháp quay lại xâm lược cả ba nước Đông Dương . Nhân dân Lào , Cam
pu chia và Việt Nam lại đứng lên quyết tâm kháng chiến , kề vai sát cánh đánh đuổi thực dân
Pháp bảo vệ nền độc lập dân tộc mình .

Chủ tịch Suphanuvon tư lệnh tối cao Lào , lãnh đạo các lực lượng yêu nước chiến đấu
trường kì kháng chiến chống Pháp rồi Mỹ suốt từ 1945 đến 1975 , sát cánh cùng nhân dân Việt
Nam và Cam pu chia cực kì gian khổ , liên tiếp chiến thắng qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại . Với
truyền thống kiên cường chống ngoại xâm , lại được sự ủng hộ đoàn kết của nhân dân các nước
Đông Dương và cộng đồng xã hội chủ nghĩa trên thế giới , năm 1975 nhân dân Lào đã giành lại
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ . Ngày 2 tháng 12 năm 1975 nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào thành lập , tiến vào xây dựng chủ nghĩa xã hội .

VÀI NÉT VĂN HÓA LÀO

Người Lào có những phong tục tập quán tốt đẹp hình thành từ truyền thống lâu đời lao động
và bảo vệ tổ quốc qua mấy chục thế kỉ . Họ tôn trọng , yêu thích sinh hoạt tập thể mà trung tâm là
bản làng , người Lào sống thẳng thắn cởi mở vị tha nhưng kiên quyết dũng cảm và sẳn sàng xả
thân vì cộng đồng .

Cuộc sống bản làng tuy còn nghèo vật chất nhưng cuộc sống tinh thần ấm cúng , tươi vui .
Tháng nào cũng có lễ hội chùa náo nức với nhiều ngôi chùa Phật nổi tiếng . Trung tâm của bản
làng là các ngôi chùa thờ Phật , đồng thời là lớp học , thư viện và nơi giao lưu sinh hoạt . Văn hóa
văn nghệ dân gian khá phát triển . Những công trình kiến trúc đặc sắc gắn liền lịch sử và tôn
giáo .

Đạo Bà la môn và đạo Phật thâm nhập vào Lào từ đầu công nguyên . Đạo Phật được coi là
quốc giáo , truyền bá rộng khắp , chính quyền phong kiến đề cao ,nhân dân kính cẩn . Đạo Phật
còn kéo theo và kích thích nghệ thuật , văn học , ngôn ngữ và văn tự cũng phát triển theo . Đến
thế kỉ 16 người Lào có chữ viết dần dần thay thế chữ Sanskrit vay mượn của Ấn Độ ghi kinh Phật
. Đạo Phật cũng sản sinh một đội ngũ trí thức , họ là tác giả dòng văn học viết với nguồn gốc Ấn
Độ à Di sản văn hóa Lào còn những điều bí ẩn chưa lí giải được , chẳng hạn hàng trăm chum
bằng đá ở tỉnh Xiêng Khoảng . Nhà nghiên cứ giải thích rằng đó là những vò rượu khổng lồ của
thời xưa mà tướng Khủn Chương làm để khao quân . Nhận định khác cho rằng đó là những ngôi
mộ cổ bằng đá . Hoặc có thể chỉ là chum vại chứa đựng lương thực . Công trường đá bị bỏ dở à
còn để lại dấu tích rõ rệt . Di sản này chứng tỏ tài nghệ của thợ thuyền nghệ nhân Lào ngày xưa
đạt độ tinh vi . Ở Nam Lào có một công trình kiến trúc đá đồ sộ với kĩ thuật tinh xảo . Hàng ngàn
chùa tháp trên ba miền Thượng , Trung và Hạ Lào với những bức phù điêu , tranh tường các cỡ
lớn nhỏ diễn tả các tích Phật , thần linh , phong cảnh thiên nhiên hiện thực và tưởng tượng .
Những bức tượng Phật ngồi nằm đứng các tư thế đủ cỡ . Ở thủ đô có pho tượng Phật nằm dài hết
năm gian chùa . Những hiện vật cổ bằng đá đồng gỗ gắn liền với tôn giáo nhưng cũng phản ánh
sự phát triển văn hóa của dân tộc Lào trong quá khứ .
3- VĂN CHƯƠNG DÂN GIAN LÀO

Hàng chục thế kỉ khi chưa có văn học viết , nhân dân Lào đã sáng tác nhiều văn chương dân
gian trong cuộc sống lao động cần cù và đấu tranh bảo vệ đất nước . Về sau , khi đã có văn học
viết thì những tác phẩm ấy vẫn bắt nguồn từ văn chương dân gian ( như các truyện Thao Hùng ,
Xiêng Miệng , Khủn Bulôm .

Truyện cổ Lào phản ánh sinh động cuộc sống dân Lào từ khi dựng nước trải qua bao cuộc
đấu tranh giai cấp và chống ngoại xâm từ xa xưa đến thế kỉ 20 .

Thơ ca dân gian Lào nhiều thể loại : câu đố (khăm thoải ) , câu hát ví giao duyên

( phạnhá) , tục ngữ ca dao (xúphaxit ) , dân ca ( lămkhắp ) và hò tập thể ( xợng ).

Ngày nay nhân dân Lào cũng đang sưu tầm biên soạn chỉnh lí văn học dân gian của dân tộc
để khai thác phát huy giá trị trong việc xây dựng nền văn hóa mới .

TRUYỆN CỔ

Truyện thần thoại

Nhân vật chính là các vị thần lập công tích tạo dựng thế giới vật chất và xã hội loài người
như Sinh đất đẻ nước , Punhơ – Nhanhơ . . . Lại có những truyện không có bóng dáng thần linh
như Nguồn gốc sinh ra đất Lào , Người Lào . Nhìn chung đặc điểm thần thoại Lào cũng giống
như các dân tộc là : băn khoăn tìm hiểu nguồn gốc thế giới , diễn tả mộc mạc giản đơn , trình độ
tư duy hạn chế , điều cơ bản là khát vọng và ý thức vươn lên của dân tộc . Các vị thần và anh
hùng trong thần thoại ấy đều là các danh nhân văn hóa của dân tộc , trở nên bất tử .

Truyền thuyết

Gồm hai nhóm .

Nhóm thứ nhất : trình bày quá trình hình thành các nương ( bản làng )cổ đại , dần dần hình
thành các tiểu vương quốc trước khi vương quốc ra đời . Đó là Khủa Bulôm , Vua Xkhốt
Taboong , Chàng Chăn tha , Quả bầu . . .
Nhóm thứ hai : các nhân vật lịch sử với phẩm chất cao đẹp chiến đấu bảo vệ bản làng và
những bi kịch lịch sử dân tộc nảy sinh trong quá trình liên hiệp các bộ tộc và sự bành trướng của
bên ngoài . Đó là Khủa Chương , Latxavoong

Truyện cổ tích

Khá phong phú , ngoài những truyện đã sưu tầm được phổ biến rộng khắp trong nước và
dịch ra nước ngoài còn nhiều truyện vẫn lưu hành riêng ở mỗi địa phương và những tác phẩm
chưa phát hiện được .

Mặc dù truyện cổ Lào chịu ảnh hưởng sâu của truyện cổ Ấn Độ nhưng nội dung vẫn là bức
tranh toàn cảnh của đất nước Lào qua các giai đoạn phát triển dân tộc . Những cảnh thiên nhiên kì
thú , hùng vĩ với người vật và xã hội Lào , những con người vươn lên chiến thắng số phận ,
nghèo hèn , chiến thắng kẽ thù địch , hiếu thào thủy chung với gia đình và làng bản .

Truyện cổ Lào cũng như truyện cổ các dân tộc Đông Nam Á miêu tả và coi các ma quỉ yêu
tinh là đại diện thế lực đen tối tàn bạo . Chỉ có Trời là đại diện lẽ công bằng nhân ái . Riêng
truyện cổ Lào có ngoại lệ – nhân vật yêu quỷ đôi khi cũng có tình người ( Nàng Rùa Vàng , Kẻ
mồ côi và con ma nhỏ ) . Và đôi khi Trời và thần linh trở thành kẻ thù của con người ( Vợ chồng
Phônxanga ) . Lại có hai nhân vật đặc biệt là người khổng lồ và Kẻ mồ côi ( Tứckhức , Bảy
Chum, Con bò đỏ , Phuhay . . . ) .

Nhìn chung truyện cổ Lào xoay quanh ba chủ đề :

 Lao động sản xuất


 Đấu tranh xã hội
 Tình cảm và phẩm chất con người .

Truyện cười

Truyện cười Lào là vũ khí sắc bén vạch trần bản chất xấu xa của giai cấp thống trị phong
kiến và uốn nắn những thói xấu của con người lao động , đồng thời là phương tiện giải trí lành
mạnh . Nhân vật truyện cười đủ mọi tầng lớp giai cấp xã hội từ vua chúa , sư sãi , quan lãi đến
dân quê chất phác . Một tập truyện cười nổi tiếng nhất hiện nay là Xiêng miểng (gần giống như
Truyện Trạng Quỳnh của Việt Nam, Thơ mênh chây của Cam pu chia)

Truyện ngụ ngôn


Còn gọi là truyện loài vật, mang màu sắc Lào rõ nét nhưng chịu ảnh hưởng truyện ngụ ngôn
của Ấn Độ .

Thơ ca dân gian

Xú pha xít

Giống như tục ngữ ca dao Việt Nam, tục ngữ Lào là những lời nói bóng bảy có nghĩa lí , dễ
nhớ. Hình thức câu chữ không qui định không cần gieo vần, được coi như châm ngôn triết lí . Ví
dụ :

 Chín trước ương (Việt Nam : ăn cơm trước kẻng)


 Thấy voi ” ị ” đừng ” ị ” theo .
 Rét vì gió , đắp chăn
 rét vì mưa, sưởi lửa
 rét vì lòng người , khó ở
 Uốn lưng lên trời, cắm mặt xuống đất , cuối cùng mới có ăn
 Muốn ăn cơm phải lao động

muốn ăn cá phải quăng chài

 Chết làm ma hơn sống làm tôi mọi


 Đừng rước giặc vào làng

Đừng bỏ hồng hoàng vào ruộng

 Voi vào ruộng chẳng bằng quan vào bản


 Lợn làm ruộng , chó ăn cơm
o Không dũng cảm không cưỡi được voi có ngà
o Đừng co mình như con sâu , quạ sẽ mổ

Lăm và Khắp

Là hai kiểu hát dân gian phổ biến trong những đêm hội , sinh hoạt tập thể , vui chơi , tình
bạn gắn với âm nhạc . Trước hết cần có bài lăm ( văn chương ) và kèn , trống đôi khi cả múa
nữa . Một bộ phận lăm xuất phát từ truyện cổ , trường ca . Đề tài thường xoay quanh chuyện yêu
đương đôi lứa . Lời thơ uyển chuyển nhiều hình ảnh ví von mộc mạc chân tình và thơ mộng .
Chẳng hạn , một cô gái hát :

Nếu anh thích em , nhờ bố mẹ tới xin

Mang thêm cái sọt đựng cô nàng về ở


Ăn không được , cô nàng sẽ bón

Ngủ không yên , cô nàng sẽ ru

Người có hương thơm hay không , cô nàng cũng kè sát

hôn anh suốt đêm , thật đấy , ơi người trai

hỡi người cổ tròn ơ (…)

Nếu em chết , sẽ hóa thành con gà rừng

anh sẽ chăng bẫy bắt

Nếu em thành con thiên nga bay lượn lượn lờ trên trời

anh sẽ hóa thành dây thòng lọng chăng khắp nơi

Một chàng trai hát :

Phải rồi anh yêu em

không phải mới ngày hôm nay hay hôm qua

Yêu từ khi quả dưa chưa có phấn

yêu từ khi quả mây chưa có hoa

yêu từ khi cha mẹ em bế ẵm mớm cơm

giữa trời em dãy nảy

anh yêu em từ đó tới nay chưa quên đâu . . .

CHƯƠNG XI. VĂN HỌC DÂN GIAN CAM PU CHIA

1. ĐẤT NƯỚC CAMPUCHIA, ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA


Cam pu chia là một lãnh thổ hình đa giác không đều , rừng rậm giáp Thái Lan , sông
Mekong chảy dài xuyên đất nước , có Biển Hồ rộng lớn nằm giữa trung tâm có cửa thông với
Biển Đông, đồng bằng màu mỡ , thuận lợi cho cư dân nông nghiệp và nghề cá , chăn nuôi từ
sớm .

Cam pu chia có nền văn minh Angkor rực rỡ góp phần phát triển vùng văn hóa Đông Nam
Á . Những di chỉ đồ đá cũ sơ kì đã được pht hiện dọc lưu vực sông Mekong giữa thế kỉ XX chứng
tỏ người Cam pu chia cổ đại đã sống ở Phnom Luông từ rất sớm , có thể trên 2000 năm trước
công nguyên .

Dân tộc Khmer vốn gốc người Indonesia là chủ nhân đầu tiên ở đất nước Cam pu chia, về
sau có thêm người Chăm, người Môn và một số tộc khác trong đó có người Dravidian từ vùng
Nam Ấn Độ và người Java ở Indonesia đến hội cư. Qua các chặng đường lịch sử, quốc gia Cam
pu chia đã từng mang các tên Phù Nam, Chân Lạp, Cao Miên. Nếu đọc tên chính xác nhất là
Cambuja (nghĩa là con cháu của Cambu) .

Tuy người Cam pu chia xuất hiện sớm nhưng đến thế kỉ I mới thành lập quốc gia tên là Phù
Nam. Thật ra trước đó đã có các tiểu vương quốc Sresthpura (thuộc vùng Bát Xắc ngày nay), tiểu
quốc Isanauna (vùng CôngpôngThom ngày nay), tiểu quốc Sambhupura (vùng Cratiê ngày nay)
và tiểu quốc Vyađhapura, vùng Ba Nam trái hạ lưu sông Mekong

Trong 5 thế kỉ đầu , vương quốc phù Nam tồn tại và phát triển ( thế kỉ I đến VI) kinh tế gồm
nghề đánh cá, trồng lúa nước , công trình thủy lợi, nghề thủ công cũng phát triển , kĩ thuật làm
vàng bạc, đúc đồng. Phù Nam cũng có quan hệ buôn bán với nước ngoài khá sớm , những di chỉ
tìm thấy ở vùng Óc Eo ( An Giang ) đã chứng minh điều ấy .

Nền văn hóa Cam pu chia từng bước phát triển. Đạo Bà la môn từ Ấn Độ được truyền bá
vào Phù Nam từ đầu công nguyên, thờ ngẫu tượng Linhga, thần Shiva và Visnu khá phổ biến. Về
sau, Đạo Phật dần dần chiếm ưu thế trên đất nước này .

Giữa thế kỉ VI, giai cấp thống trị phân hóa, tranh giành quyền lực. Một tiểu vương kéo quân
đánh vương triều Phù Nam , đổi tên là quốc gia Chân Lạp thống trị toàn cõi Cam pu chia. Thời kì
Chân Lạp là thời kì thịnh vượng, bộ máy chính phủ trung ương tập quyền được xây dựng, vương
quốc Chân Lạp càng hùng mạnh , chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Ấn Độ. Các bộ sự thi
Ramayana, Mahabharatha ,thần tích Purana được dùng làm tác phẩm giáo huấn của giai cấp
thống trị và quí tộc. Sang thế kỉ VII, mượn văn tự Sanskrit, họ chế tạo ra chữ Khmer dùng để viết
văn bia . . .

Sang thế kỉ VIII, nội bộ thống trị Chân Lạp lại chia rẽ, xung đột. Người Java từ Indonesia
kéo sang xâm chiếm cuối thế kỉ VIII cai trị qua mấy chục năm.
Năm 802 mở đầu triều đại mới – thời kì Angkor huy hoàng do nhà vua Cam pu chia là
Giayvaacman đánh đuổi người Java, khôi phục vương triều. Ông có công xây dựng kinh đô
Angkor và dùng làm trung tâm văn hóa của đất nước .

Ba thế kỉ sau đó đất nước khá thịnh vượng đặc biệt với công lao của vua Suryavaman II, đất
nước bành trướng ra các phía. Nhiều đến miếu và đặc biệt những công trình kiến trúc và nghệ
thuật tạo hình đặc sắc Angkor Vat .

Năm 1165 , vương triều bị một kẻ cướp ngôi làm đảo lộn quốc gia, đất nước rối loạn. Vua
Champa thừa cơ kéo quân sang xâm chiếm, giết vua, cướp kinh đô, đặt ách cai trị … Mười lăm
năm sau, em của nhà vua cũ đã khởi binh đánh đuổi Champa giành lại đất nước năm 1190 .

Vua lại cho xây thêm công trình Angkor Thom, xung quanh có bức tường dài 12 km bao
bọc, xây 5 con đường lớn đi ra như 5 cửa ô và nhiều tượng tháp Bayon bốn mặt người với nụ
cười bí ẩn nhìn ra bốn hướng được xây bằng đá tảng, nhiều tháp cao vút tượng trưng cho đỉnh núi
Meru trong thần thoại Ấn Độ. Kiến trúc, điêu khắc, tạo hình rất đẹp những hình ảnh, đặc biệt vũ
nữ apsara mềm mại uyển chuyển đầy sức sống chạm khắc công phu. Ngày nay công trình nghệ
thuật Angkor đã trở thành một kỳ quan của thế giới, chứng tích một thời văn minh văn hóa huy
hoàng của đất nước Cam pu chia ngày xưa .

Ca múa nhạc được nhân dân Cam pu chia ưa thích, nhiều nhạc cụ dân gian được chế tạo .

Văn học nghệ thuật nói chung chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhưng vẫn có tính dân tộc Cam pu
chia khá rõ và có nét độc đáo (như Lào cũng vậy)

Từ thế kỉ XIII đến XV, nhiều sự cố lớn ở Đông Nam Á cũng ảnh hưởng tới Cam pu chia :
quân Mông cổ đánh lấn xuống phương Nam , người Thái ở Tây Nam Trung Quốc bị dồn đuổi ,
tan rã ồ ạt tản xuống vùng sông Mekong sống lẫn với người Khmer .

Năm 1405 vua Cam pu chia phải dời đô về Phnom Pênh kết thúc thời kì Angkor phát triển
huy hoàng.

Từ đó trở đi, đất nước Cam pu chia thường xuyên bất ổn, nội bộ lục đục, nông dân nghèo
khổ. Quân Thái lan luôn quấy nhiễu. Chính sách cai trị ở Cam pu chia hà khắc đã đẩy đất nước
ngày càng suy thoái.

Năm 1811, vua Cam pu chia cầu cứu người Pháp (giống như Gia Long để giữ quyền
lực).Thực dân Pháp nhảy vào thực hiện âm mưu xâm chiếm thuộc địa Cam pu chia như ở Việt
Nam.

Dân tộc Cam pu chia cần cù lao động, dũng cảm chống giặc ngoại xâm liên tục đấu tranh .
Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của hoàng thân Sivêthan từ năm 1861 còn vua Norodom rục
rịch đầu hàng bọn xâm lược Pháp .
Khi Sevêthan già yếu ốm nặng chết thì khởi nghĩa tan rã. Sau đó cuộc khởi nghĩa của Acha
Sea có sự tham gia của nhiều dân tộc trong đó có người Việt Nam .. .

Những cuộc đấu tranh đó đều bị thực dân Pháp khủng bố. Cũng như ở Việt Nam qua gần
trăm năm cai trị, thực dân Pháp bóc lột vơ vét, phá hoại văn hóa dân tộc , chẳng ” khai hóa văn
minh ” được bao nhiêu !

Giữa thế kỉ XX, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Cam pu chia nhìn chung
tương tự như Lào và Việt Nam nhưng có những vấn đề phức tạp hơn .

2. VĂN HỌC DÂN GIAN CAM PU CHIA

Khái quát

Thế kỉ thứ V trí tuệ và bàn tay khéo léo của nhân dân Cam pu chia đã xây dựng được kì
quan Angkor vĩ đại đánh dấu một giai đoạn văn minh rực rỡ . Từ đó về sau , nền văn hóa Cam pu
chia phát triển liên tục và sớm định hình hơn một số dân tộc quanh vùng Đông Nam Á .

Văn tự xuất hiện thế kỉ VI như thế là khá sớm với ngữ hệ Môn-Khmer và văn tự Sanskrit
(Ấn Độ). Văn học tiếp thu ảnh hưởng đạo Bà la môn sâu sắc từ đầu thế kỉ mãi đến thế kỉ XV mới
chịu ảnh hưởng của văn hóa- văn học Phật Giáo .

Rất tiếc những tác phẩm văn học của giai đoạn đó viết trên vỏ cây bồ đề, lá cọ, da thuộc ,
giấy cổ đã bị hư hỏng , mất mt kh nhiều .

Còn văn học dân gian thì lại bị lẫn lộn với văn học viết nên rất khó phân biệt. Văn học dân
gian và văn học viết đều do nhà chùa Phật lưu giữ và định hình .

Văn học dân gian phong phú, đậm đã chất trữ tình ngân vang tiếng nói yêu tự do, yêu hòa
bình và trọng chính nghĩa. Văn chương dân gian lan tỏa trên các phum, sóc dọc dòng sông
Mekong xanh biếc êm đềm, những bài Cam pu chia tiếng hát và những câu chuyện kể được lưu
truyền từ đời này sang đời khác .

Các thể loại văn học dân gian

Thần thoại – truyền thuyết


Trước khi tiếp nhận các nhân vật thần linh Ấn Độ, người Cam pu chia đã thờ các vật tổ của
đất nước mình như thần Rắn Niek, thần Thủy tề, thần Arek (hộ mệnh). . . trong đó thần Nekta là
vị thần quan trọng nhất, được xây đền thờ trên các đồi cao (phnom) .

Truyền thuyết Prea Thong được dân Cam pu chia ghi nhớ truyền tụng nhiều nhất , được
xem như trang sử mở đầu cho lịch sử Cam pu chia .

Hoàng tử Prea Thong con vua xứ Intapata (vùng Angkor ngày nay) kết hôn với công chúa
Soma con gái của vua Rắn chín đầu ở phía nam. Hoàng tử tự xung là Cambu svay ambuva, về
sau con cháu nối nghiệp gọi vương quốc mình là Cambujedesa (nghĩa là con cháu của Cambu) từ
đó đọc thành Cam pu chia.

Truyền thuyết này chứng minh rằng dân tộc Khmer ban đầu sống ở miền Bắc sau chuyển
dần xuống phương Nam khai phá đất đai ngập nước để sinh sống Cuộc hôn nhân của hoàng tử
phương bắc và công chúa phương nam nói lên mối quan hệ giữa các bộ tộc trong quá trình hình
thành đất nước. Dị bản của truyền thuyết trên nói Kaunđinya nằm mơ thấy mình theo đường biển
trôi đến đất Phù Nam, đụng phải người địa phương , ông dùng phép thuật chế ngự được họ và kết
hôn với công chúa Soma con vua Rắn. Kaunđinya có thể là người Bà la môn Ấn Độ đã truyền bá
kinh bàlamôn cho dân địa phương (Kaunđinya vốn là tên của một kinh thành cổ ở Ấn Độ). Ít ra
điều này chứng tỏ người ẤN Độ cũng đã nhập cư và hội cư, trộn huyết ở đất nước này .

Ngoài ra còn nhiều truyền thuyết khác về sự tích núi non, đồi Phnom Pênh, hồ Tông lê Sáp,
đền Angkor và truyền thuyết về vua Pênh, tục lệ lễ năm mới. Sự tích núi Đàn ông Đàn bà nói về
tinh thần lao động sáng tạo thông minh của phụ nữ và tục lệ cưới hỏi ở, thi tài ở Cam pu chia.

Truyện cổ tích

Truyện cổ tích Cam pu chia ra đời từ hai nguồn chính. Một là cải biên các tập truyện cổ Ấn
Độ Jakacta, Panchtantra,Tripitaca, Biển truyện. . . của Ấn Độ , nguồn thứ hai xuất sinh tại chỗ
(bản địa) tử đất nước, lịch sử Cam pu chia .

Đặc điểm chung của truyện cổ Cam pu chia là thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo. Người dân
Khmer đã biết chọn lựa , chắt lọc những quan niệm , niềm tin tốt đẹp của Phật Giáo như từ bi,
bác ái, lẽ phải, công bằng, yêu tốt ghét xấu . . . Họ biết loại bỏ những tư tưởng lạc hậu , phản
khoa học và tiến bộ của Ấn Độ để nổi bật tính chiến đấu và bản chất thuần hậu của dân tộc .

Nhiều chuyện còn lên án những thói xấu tham lam ích kỉ ghen tị độc ác … để giáo hóa lẽ
phải cho người nghe .

Những truyện Cô gái hiếu thảo , Tình mẫu tử , Neang Cantoc và Neang Songanat giống như
truyện Tấm Cám của Việt Nam . Các nữ nhân vật nhờ ăn ở hiền lành hiếu thảo cần cù lao động
nên được thần phật phù hộ gặp may mắn , hạnh phúc . Các cô gái nghèo bị khinh bỉ bị ruồng bỏ
đã trở thành hoàng hậu .

Những truyện khác như: Anh chàng đào cua, Phú ông ức hiếp người nghèo, Bốn nhà tu và
túi tiền vàng , Người lính cận vệ của nhà vua , Con hổ triều đình, Mối tình chàng Vẹt và nàng
Sáo, Đứa con này của ai ?, Ông vua cơm cháy, Hoàng tử và cô gái thổi tiêu, Kiếp luân hồi của
con đa đa, Bốn anh em tài giỏi , Bố vợ chọn con rể, Truyện vua và em bé chăn trâu .. . với các
chủ đề cuộc sống rất phong phú .

Truyện cười

Ngay trong cổ tích đã chứa đựng một phần truyện cười, tiếng cười thú vị nhất là các tập
truyện cười Thơ Mênh Chây, Chàng A Lêu, Chàng Sọ Dừa . . .

Thơ Mênh Chây giống như truyện Trạng Quỳnh ở Việt Nam, Xiêng Miểng ở Lào, Tanon
Chaj ở Thái Lan.

Một chàng trai nghèo khổ tên là Thơ Mênh Chây đã dùng tài trí diễu cợt châm biếm bọn
phú ông giàu có, bọn vua chúa tham lam, kể cả sứ giả Trung Quốc. Ngay khi nhân vật thơ mênh
chây đã chết, bọn vua quan vẫn còn lo sợ .

Truyện ngụ ngôn

Cũng là những truyện kể chịu ảnh hưởng ngụ ngôn ấn Độ (Phật thoại ngụ ngôn) . Truyện
nhằm bàn về thói hư tật xấu của con người , nhắc nhở luân thường đạo lí xã hội , phát huy trí tuệ
tài năng .

Tuy chịu ảnh hưởng Phật Giáo Ấn Độ nhưng truyện ngụ ngôn Cam pu chia vẫn dựa vào
thực tế cuộc sống trên đất nước Cam pu chia . Như truyện Quan tòa thỏ , Tiếng tăm của quan tòa
thỏ , Thỏ xử kiện hai rái cá , Thỏ cứu người và trừng phạt cá sấu . Một bài học hay của con ốc
già . . .

Nhìn chung ngụ ngôn Cam pu chia cũng như ngụ ngôn Pháp dùng loài vật để răn đời nhưng
cũng mang ý thức giai cấp rõ nét.

Dân ca
Dân tộc Cam pu chia thích múa hát. Nhiều bài Cam pu chia điệu múa lưu truyền từ xa xưa
đến ngày nay. Bên ngọn lữa hồng sau một ngày lao động săn bắt trong rừng , bên bờ sông sau khi
bắt nhiều cá tôm, những nhịp điệu lời Cam pu chia ban đầu còn bắt chước thô sơ công việc lao
động, về sau cách điệu, uyển chuyển hơn ,nên giàu nhạc điệu hơn , lời Cam pu chia được trau
chuốt. Nhiều lễ hội diễn ra trên đất nước giàu tín ngưỡng . Tháng Giêng hội thả diều, tháng hai
hội ném cầu lửa, tháng tư hội năm mới, tháng bảy tháng tám cúng thổ thần và cầu mưa, tháng
chín hội du ngoạn trên sông, tháng mười một tháng chạp hội NƯỚC… Trong khi lễ hội, người
dân đánh trống đồng, đánh cồng hoặc đâm trâu, chọi gà, đua thuyền, tục lệ giã cối, trò chơi hát
giao duyên đối đáp, lễ cầu nguyện sinh sản . . .

Mặc dù thiên nhiên khá ưu đãi người dân Khmer với đất đai phì nhiêu mưa thuận gió hòa
nhưng họ vẫn lao động cần cù chăm lo ruộng đồng . Người phụ nữ Cam pu chia vừa sản xuất vừa
nội trợ nuôi con , Nhiều bài dân Cam pu chia nhắn nhủ phụ nữ nhớ bổn phận . Bài Giã Gạo :

Hỡi cô giã gạo

đừng nghỉ nhịp chày

hãy giã đêm ngày

để nuôi chồng con

hỡi cô giã gạo

cho gạo trắng ra

và đem đi đổi

lấy đường thốt lốt

để làm bánh ngọt

gạo cũ để ăn

gạo mới để dành .

Lời dặn dò thật mộc mạc chân thành.

Ngoài ra còn nhiều bài dân ca sông nước tả cảnh chèo thuyền đi lao động , đi trảy hội , chở
người đi xa buôn bán mô tả cuộc sống lao động sôi nổi vui mà quên mệt nhọc , giàu chất trữ tình .

Dân ca tình yêu cũng rất phong phú. Hãy nghe người thợ làm gốm ở Cômpông Chnăng hát
với người yêu khi đôi tay anh đang miệt mài nặn gốm :
Anh quay xung quanh em

anh làm cái bình mảnh mai

anh là người làm đồ gốm

anh cho đất sét có linh hồn

anh là bình minh và chiều

xung quanh chân trời

anh là nước thủy triều

đi rồi lại đến

Anh là bài ca

bay lên rồi tắt

Cho trái tim em

những nhịp đập khác lạ

cho đôi vai em

sự gúp đỡ của tình anh .

Khi anh đến nhà người yêu hát :

Em khéo mở đừng để cửa kêu

anh mới có đường vào

Em khéo mở đừng cho cửa động

anh mới có lối đến .

Cô gái mở cửa , tiếng kêu cạch làm bà mẹ hỏi cái gì . Cô nhanh trí hát : Em thưa rằng

con mở cửa , cửa kêu ba tiếng

con mở khóa , khóa kêu ba hồi


Con mở cửa xem trời

trời sắp mưa có phải

con mở cửa xem lại

trời sắp sáng đó mà

Những bài dân ca Cam pu chia vừa bộc lộ tình cảm lại vừa nhắc nhở cách ứng xử khi yêu
và những kinh nghiệm yêu sao cho đúng mức .

Tục ngữ

Tục ngữ Cam pu chia rất phong phú , diễn đạt mọi kinh nghiệm đời sống tự nhiên và xã
hội , hàm súc giàu triết lí và tế nhị . Thử đọc một số câu :

Chó sủa không cắn , sấm động không mưa

Nghe sấm động chớ vội đổ nước đi ( vừa tự nhiên vừa xã hội )

- Cử chỉ lộ dòng họ

- Nhiều cá thì nước đục

tiền nhiều khổ công giữ

- Đừng vãi vã với đàn bà

đừng buôn bán với người Hoa

đừng kiện cáo quan chức

– Gặp nạn mới hiểu bạn

- Thầy bói nói láo

- Đừng lấy chân cản nước

- Mất tiền con hơn nuốt lời

- Khi giận cố nén ,


- khi nghèo cố giúp ,

khi người cho nhiều chớ nhận ,

- Sợ chó chớ xông vào .

- Với rượu xã giao , với cơm bè bạn

PHẦN THỨ TƯ GIỚI THIỆU VĂN HỌC Ả RẬP- HỒI GIÁO

VÀ TÁC PHẨM “NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM”

1 - Vùng văn hoá Ả rập – Hồi giáo

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỒI GIÁO

Khi đạo Gia Tô đang bành trướng ở phương Tây thì đạo Hồi xuất hiện ở vùng các dân tộc Ả
rập. Nơi đây các dân tộc du mục A rập thường hay đi đánh cướp vùng lân cận hoặc chặn cướp
các đoàn thương nhân đi qua sa mạc. Đầu thế kỉ thứ 7 họ dần dần định cư vùng có thể làm nông
nghiệp, lập ra thị trấn. Hai thị trấn cổ nhất là Medin và Mecque (Mecce, Mecca). Dân Arập vốn
theo đa thần giáo, bấy giờ họ thờ một mảnh thiên thạch (vẫn thạch) .

Nhân vật Mahomed (Mahomed có nghĩa là được tôn vinh) sinh năm 570 gần Mecce, nhà
nghèo. Cậu bé đi chăn cừu, làm hướng đạo cho các đoàn thương nhân nên có dịp đi nhiều nơi.
Mahomed đã làm nô bộc cho một quả phụ giàu, rồi cưới bà ấy. Từ 40 tuổi đến 50, Mahomed có
hành vi khác thường, đề xướng lối sống độc thân . Nhiều người nhắc nhở đồn đại về ông như
một sự lạ và đi nghe ông giảng đạo. Nhiều dân Do Thái bỏ đa thần giáo mà tin theo Mahomed.
Họ mời ông tới Medin, ông chưa đi mà gởi tín đồ đi trước. Bọn hào mục địa phương ở Mecce
định ám sát ông, đúng đêm ấy ông bỏ trốn . Năm 622 cuộc đào tẩu của Mahomed đánh dấu sự bắt
đầu kỉ nguyên Hồi Giáo.

Tới Medin, ông tổ chức tôn giáo mới thành công, lại tổ chức thánh chiến để trừng phạt
những kẻ chống đạo. Quân lính của hai thị trấn đánh nhau dữ dội, phần vì đức tin phần vì nhân cơ
hội này mà cướp bóc. Khi quân của ông chiến thắng, ông được rước về thị trấn Mecce quê nhà.
Về sau Mecce được coi là “đất thánh”. Năm 62 tuổi, ông được toàn xứ Ả rập tôn sùng là giáo
chủ. Trước khi lâm chung, ông còn để lại những lời giảng nhân từ hấp dẫn .

Giáo điều căn bản có thể gọn trong câu thứ nhất “Chỉ có một đức Chúa duy nhất là Allah và
một tiên tri của người là Mahomed”. Câu thứ hai là “con người phải phục tùng ý muốn của Chúa
– như thế gọi là Islam ” .

Nghi lễ cũng đơn giản với bốn điều răn cơ bản :

- Mỗi ngày cầu nguyện 5 lần và nhớ tắm rửa trước khi cầu nguyện .

- Một lần tối thiểu trong đời cần hành hương đến Mecque .

- Kiêng rượu và thịt heo

- Chiến đấu vì Chúa sẽ được lên thiên đàng .

Hồi nhỏ khi làm hướng đạo, Mahomed gặp một giáo sĩ Gia Tô và đi theo đạo này . Khi
sống ở Mêđin gần người Do thái, ông lại chịu ảnh hưởng Do thái giáo . Vậy đạo Hồi là một hỗn
hợp Gia tô và Do thái giáo .

Giáo chủ – nhà tiên tri Mahomed – có tài ngoại giao, vừa trí xảo vừa có thể dùng bạo lực ,
biết tùy thời ( khi mềm dẻo hòa hoãn , khi tấn công quyết liệt) .

Các quốc vương Hồi giáo đầu tiên sống giản dị gương mẫu – như quốc vương Aboukark và
Giaó chủ Omar I . . . Dần dần về sau mọi quốc vương cũng giống như các vua chúa phương Đông
khác.

Đế quốc A rập lại chia ra thành ba xứ : Ai cập, Baghdad và Cordoue. Dần dà trung tâm của
vùng A rập là Iraq, thủ đô là Baghdad .

Nhìn chung văn hóa vùng Arập phát triển khá đều do học tập văn hoá từ các vùng xung
quanh từ Á sang Âu trong các cuộc tiếp xúc. Từ đó họ đóng góp nhiều sáng tạo, phát triển, tiếp
biến nền văn hoá khu vực của họ.

TÁM CUỘC THẬP TỰ CHINH – XUNG ĐỘT THIÊN CHÚA GIÁO VÀ HỒI GIÁO .

(từ thế kỉ 11 đến 13 )

Từ năm 1096 đến 1270 xảy ra 8 cuộc thánh chiến .

Nguyên nhân là do xung đột đức tin của hai tôn giáo .
Kẻ gây ra chiến tranh là tín đồ đạo Gia Tô ở Tây Âu nhằm giải thoát thánh mộ chúa Jesus
do người Hồi Giáo chiếm đóng .

Thánh địa Jerusalem vốn thuộc tín đồ đạo Gia Tô nhưng đến thế kỉ 11 nhóm người Thổ nhĩ
kì theo đạo Hồi từ Tân cương đến, tiêu diệt đế quốc Ả rập ở Bagdad, đe dọa thành Constantinope
và châu Âu . . . và chiếm Jerusalem. Khi làm chủ xứ này, họ nghiêm cấm tín đồ Gia Tô đi hành
lễ. Nhân cơ hội này, các lãnh chúa phong kiến muốn chiếm thêm đất, bọn võ sĩ thích phiêu lưu
những nơi xa lạ, nông dân muốn tìm thêm đất cày cấy tự do. Lí do khác: người Gia Tô ở Phi châu
bị người Thổ đánh đuổi nay muốn phản công trả thù người Thổ.

Giáo hoàng Urbain II tại hội nghị công giáo Clermon ngày 27 tháng 11 năm 1095 đã đề
xướng cuộc thánh chiến và Pierre L’Ermite lãnh đạo việc hô hào quần chúng .

Trong bản thông tri gởi các giáo sĩ, Giáo hoàng đã hứa hẹn sẽ tha tội cho những tội nhân
nào tham dự chiến tranh. Vợ con, tài sản của chiến sĩ được giáo hội bảo vệ . Những kẻ đói khổ,
thất nghiệp, lưu manh thừa cơ hội kéo từng đoàn đi cướp giật. Đến đâu họ cũng bị xua đuổi
nguyền rủa đến đó. Họ chết đường chết xá rất nhiều. Qua tới vùng Tiểu Á, ít người thoát khỏi tay
người Thổ nhĩ kì mà trở về.

Trong cuộc chiến tranh dưới ngọn cờ thập tự, ngoài các lãnh chúa nhất là các lãnh chúa
Pháp thì không có quốc vương nào tham dự (Lãnh chúa là những người mang danh hiệu quí tộc,
cai trị từng vùng, dưới quyền lãnh đạo của quốc vương nhưng họ ít khi chấp hành lệnh quốc
vương).

Số lính chính qui của đoàn quân thập tự gồm một triệu người. Họ đến tụ họp trước thành
Constantinope năm 1097 theo sự chỉ huy của một ông hoàng Bỉ, công tước Godefroi de Bouillon.
Từ đó họ tiến quân sang Châu Á. Khi tới Jerusalem phần bị quân Thổ tiêu diệt, phần vì thiếu
nước uống, họ chết gần hết. Số tàn quân còn khoảng bốn chục ngàn. Nhờ đức tin thúc đẩy, họ
quyết liệt tấn công Jerusalem và khi chiếm được thành, họ tổ chức vùng này thành một quốc gia
phong kiến kiểu Châu Âu, gồm các lãnh thổ Edesse, Antioche và Tripoli. Nhưng các xứ này lại
xung đột với nhau. Quốc vương mới Jerusalem không đủ khả năng chế ngự các chư hầu bởi họ
theo đuổi các đường lối chính trị riêng.

Lúc này, vùng Jerusalem bị tấn công từ nhiều phía. Hoàng đế Alexis ở thành Constantinope
dùng đủ mọi cách giành lại xứ Antioche, còn người Hồi giáo thì muốn lấy lại những đất đai mà
họ đã mất. Rồi người Thổ phản công, đánh phá các vùng la tinh (vùng Gia Tô giáo). Năm 1146,
họ chiếm xứ Edesse, xua đuổi tín đồ Gia Tô ra khỏi một phần xứ sở và hăm dọa xứ Antioche.
Nhiều cuộc chiến tranh thành chiến lại tiếp diễn .

Cuộc chiến tranh thập tự thứ 4 xảy ra năm 1202-1204. Lần này quân thập tự không tiến vào
Ai Cập và Palestine mà lại đánh phá thành Constantinope, phá hủy đế quốc Hy Lạp, thành lập đế
quốc La Tinh phía Đông (Đế quốc này tồn tại được trên nửa thế kỉ đến 1261). Trong lúc đánh
thành Constantinope, quân thập tự tham tàn man rợ . Họ đập phá các di sản nghệ thuật để lấy
ngọc vàng châu báu, nấu cả tượng đồng và những tác phẩm điêu khắc cổ xưa để đúc tiền .
Lần thứ 5 quân thập tự đánh xứ Ai Cập nhưng không kết quả .

Lần thứ 6 hoàng đế Frederic II không đánh mà thương nghị với tín đồ đạo Hồi , xin cho tín
đồ Gia Tô được hành lễ ở Jerusalem .

Lần thứ 7 và 8 cuộc chiến của quân thập tự do Saint Louis điều khiển lại bị thất bại thảm
hại – và đó là lần cuối cùng .

Chiến tranh thập tự chinh phát sinh vì lí do tín ngưỡng nhưng kết quả của tám cuộc chiến ấy
chỉ làm cho đức tin của Gia tô giáo giảm đi và thánh địa Jerusalem vẫn không được giải thoát.
Thật ra ban đầu những người tham dự chiến tranh thập tự đều có một đức tin hồn nhiên về đạo
Gia Tô. Họ hưởng ứng lời kêu gọi của giaó hoàng một cách thành thực và sẵn sàng nhận giáo
hoàng làm người hướng đạo. Nhưng những người tiếp tục tham chiến lại lợi dụng đức tin để kiếm
lợi khiến đức tin bị tàn phá. Những cuộc thập tự về sau đã mang tính chất chính trị và kinh tế hơn
là đức tin .

Hàng ngàn lãnh chúa, võ sĩ phải bỏ mạng. Nhiều nhà quí tộc phải chịu phá sản kiệt quệ trở
thành dân nghèo. Trái lại giai cấp thương nhân thành thị nhờ chiến tranh mà giàu lên. Họ đã bỏ
tiền cho lãnh chúa đánh giặc nên họ chi phối được lãnh chúa hoặc thoát ly khỏi kềm kẹp của bọn
này và tăng cường uy quyền của họ. Chính phủ lãnh chúa yếu đi thì chính phủ quân chủ trung
ương mạnh lên, củng cố và bành trướng. Nhìn chung chiến tranh làm chế độ phong kiến suy yếu
đi .

Về kinh tế, quân thập tự chiếm hải cảng lớn ở Syrie tạo điều kiện cho các đô thị Venice,
Jaine, Pisc phát triển mạnh. Các hải cảng Marseille, Barcelona hoạt động lại được nhờ con đường
hàng hải Tây phương và Đông phương khai thông. Thương nghiệp các nước chung quanh vùng
Địa Trung Hải thịnh vượng và lấn át các trung tâm thương mại ở đại lục. Sản phẩm phương Đông
tràn về châu Âu nhất là vào hải cảng Ý (Italia). Thương nhân tải về nào là thảm quí, gương soi,
đồ đạc, khí giới chạm khắc cẩn ngọc vàng, vải quí, lụa nhung. Những dân tộc Tây Âu sau khi tiếp
xúc với nền văn minh phương Đông cao hơn đã học được cả lối sống phong lưu cao nhã nên rất
ưa thích những thứ xa xỉ phẩm này. Chiến tranh thập tự làm cho chính trị suy yếu đồng thời có
lợi cho công thương nghiệp phát triển và một lần nữa chính nền công thương này lại giết chết hẳn
chế độ phong kiến. Giai cấp thị dân lớn mạnh đủ sức đương đầu với giới lãnh chúa phong kiến.
Họ xây dựng một nền kinh tế tư bản, họ lũng đoạn nền kinh tế nông nghiệp phong kiến và tổ
chức một lực lượng chính trị mới lấn át chính quyền phong kiến để một ngày kia họ làm cách
mạng lật đổ chính quyền đó, thành lập một xã hội khác- xã hội dựa trên công thương làm nền
tảng.

2 – Hai tác phẩm văn học tiêu biểu


KINH CORAN

Kinh của Đạo Hồi (Islamism) gồm 114 chương (xurat). Mỗi xurat gồm nhiều aiat (câu
thơ). Toàn bộ cuốn kinh có 6 219 câu thơ. Mỗi chương có một tiêu đề là chủ đề bàn luận, nhìn
chung nội dung các chương không nhất quán .

Chương đầu dài nhất gần như tóm tắt toàn bộ nội dung kinh Coran. Các nhà thần học Hồi
giáo coi chương đầu như một quyển “bổn kinh” (kinh gốc).

Kinh Coran gồm những bài truyền giáo, luật lệ và qui định nghi lễ thờ cúng, những lời niệm
chú và cầu nguyện, những truyện giáo huấn và ngụ ngôn do Mohamed – người được Thượng đế
Allah giao phó sứ mệnh tiên tri và truyền giảng tôn giáo. Trước hết Mohamed được “thiên khải
tiên tri”, làm một thiên sứ xuống trần truyền đạt lời Thượng đế . Mohamed ghi nhớ những lời
ấy .

Kinh Coran ghi lại hai thời kì truyền giáo của nhà tiên tri Mohamed, cũng là hai lần thiên
khải : thời kì ở Mecca và thời kì ở Medin, khoảng năm 610-632 . . .Khi Mohamed còn sống, chưa
có kinh Coran, ông tự tay ghi chép lời truyền giáo của mình. Sau khi ông qua đời (632) chiến hữu
của ông mới ghi chép thành văn bản. Văn bản sớm nhất còn lưu giữ được quãng thế kỉ 7 – 8.
Năm 1923 ở Cairo Ai cập giáo hội Islam chuẩn hóa lần cuối văn bản, qui định kết cấu, qui tắc
đọc, chính tả.v.v… cho phù hợp với sự phát triển của ngôn ngữ Ả rập .

Nội dung kinh Coran nhằm chống lại chế độ công xã nguyên thủy và hệ tư tưởng của nó,
với tập tục lễ nghi tôn giáo nguyên thủy như ngẫu tượng giáo, đa thần giáo , chống quan hệ chật
hẹp của bộ lạc, chống chiến tranh cướp bóc và trả thù nợ máu.

Kinh Coran đã thần thánh hóa sự bất bình đẳng trong thế giới à rập , khẳng định quyền tư
hữu tài sản , xác định quan hệ áp bức bóc lột giữa người giàu kẻ nghèo , đặc biệt giữa nam và nữ
giới . Nó khẳng định tư tưởng “nhất thần giáo” – chỉ có đấng Allah là cao quí nhất – là nguồn gốc
của sự sống. Cơ sở tư tưởng triết học của Hồi Giáo là tinh thần của truyện kể, ngụ ngôn như: sự
sáng tạo thê gian, tội nguyên thủy , ngày tận thế , v.v…thật ra bắt nguồn từ tư tưởng tôn giáo triết
học Anh. Những tư tưởng này đã từng lưu hành trong các giáo phái đạo Do thái và Đạo Thiên
chúa rồi. Các giáo phái này đã coi kinh Coran là một tôn giáo và phát sinh ra đạo Islam .

Thêm một nguồn đóng góp nữa là tôn giáo Doroastrer của người Iran từ thời cổ đại (thế kỉ 7
tr. CN) và quan niệm Malich là vị thần cầm đầu âm phủ – di sản của Do thái giáo và Thiên chúa
giáo…Gia tài văn hóa dân gian của Ả rập cũng góp phần cấu thành bộ kinh Coran. Trong bộ kinh
có đủ sự truyền giảng về thiên đường , địa ngục , ngày sám hối, ngày phán xét cuối cùng, về A
dam và Eva, Jesus Christ … nghĩa là những chất liệu truyền thuyết của Kinh Thánh thiên chúa
giáo .

KINH CORAN không trình bày một cách hệ thống giaó điều của Đạo. Nó chỉ đặt cơ sở cho
đức tin để sau này các nhà thần học phát triển và xây dựng hệ thống .
Phần lớn văn bản kinh Coran tường thuật những cuộc luận chiến giữa đức thánh Allah với
những người chống đối đạo hoặc những người còn do dự chưa tin đạo. Trong kinh có những lời
nhạo báng công kích những “dị giáo” như Do thái giáo và Thiên chúa giáo.

Nhiều chỗ nội dung không nhất quán, mơ hồ, lộn xộn, mâu thuẫn, khó hiểu. Đó cũng là quá
trình hình thành tư tưởng của nhà tiên tri Mohamed và sự tìm tòi cách diễn đạt tư tưởng mới . Từ
đó đòi hỏi các nhà truyền giáo phải bình luận và chú giải kinh Coran

KINH CORAN gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển tư tưởng văn hóa, triết học, đạo
đức, luật pháp ở các nước Ả rập.

Kinh Coran trước hết là trước tác tôn giáo và luật pháp, và cũng là tác phẩm văn học đầu
tiên của nền văn học Ảrập. Ảnh hưởng của Coran với văn học các nước Hồi giáo phương Đông
cũng tương đương như Kinh Thánh đối với văn học phương Tây .

Từ thế kỉ 11-12, kinh Coran được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ Ả rập. Châu Âu dịch kinh
Coran để nghiên cứu từ thế kỉ 19.

Kinh Coran phản ánh một chặng đường của lịch sử tư tưởng nhân loại và lịch sử tôn giáo.

NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM

Được kể vào khoảng trước sau năm 1400, tập truyện dân gian đồ sộ được sáng tác trên các
đất nước của các hoàng đế Ả rập – các nước nói ngữ hệ Ấn- Âu. Sau đó lại được bổ sung qua
nhiều thế kỉ, lưu truyền rộng rãi ở các nước Iran, Irăc , Aicập, Etiopia . . . rồi lan ra khắp vùng
Trung cận Đông. Cuối thế kỉ 14, bộ truyện được định hình .

Lần đầu tiên bộ truyện được công bố ở châu Âu (1704 -1709) trong bản dịch tiếng Pháp,
gồm 12 tập của học giả Antoine Galland. Sau đó bản tiếng Pháp được chuyển dịch sang nhiều thứ
tiếng khác trên thế giới .

Nghìn lẻ một đêm là một hệ thống truyện cổ xoay quanh một câu chuyện hạt nhân . Đây là
sự học tập kết cấu quen thuộc của những bộ truyện cổ Ấn Độ .

Ngày xưa ở miền Đông Ả rập có một nhà vua tên Sariya, vì bà hoàng hậu ngoại tình nên
ông vua căm ghét tất cả phụ nữ. Tính nết ông trở nên hung dữ tàn bạo. Để thỏa nỗi hờn căm phụ
nữ, ông đặt ra luật lệ: mỗi ngày ông cưới một thiếu nữ, sáng sớm hôm sau đem đi hành quyết…
Đã có bao nhiêu cô gái trẻ chết thê thảm, dân chúng khắp nơi hoang mang lo sợ, những người có
con gái đẹp dắt díu con cháu tìm nơi trốn tránh, nhưng thật khó thoát khỏi bàn tay khát máu của
nhà vua .

Sắp đến lượt nàng Seherazat con gái xinh đẹp của vị quan đại thần phải đi nộp mình cho
nhà vua. Quan đại thần buồn rầu vô hạn, cố tìm cách che giấu con mình nên ngày đêm lo lắng
mất ăn mất ngủ. Ông nói thực sự tình với con gái để bàn cách đối phó . Seherazat là cô gái thông
minh tài trí giàu nghị lực nên nàng an ủi cha khuyên cha cứ yên tâm dẫn nàng vào triều vì nàng
đã có mưu kế . Nàng đem theo cô em gái nhỏ , dự định sẽ thay nhau kể chuyện cho nhà vua nghe.
Mỗi đêm một truyện , nhưng chưa hết đêm thì cô kể sang truyện kế tiếp, trời sáng câu chuyện hấp
dẫn chưa kể xong. Mỗi câu chuyện còn liên quan đến chuyện sau khiến nhà vua không thể dứt.
Suốt một nghìn lẻ một đêm với tài nhớ chuyện và tài kể hấp dẫn của nàng, với sức mạnh cảm
hóa của những nhân vật phụ nữ trong truyện, nhà vua Sariya được đưa vào một thế giới kỳ thú ,
khiến ông ta suy nghĩ nghiêm túc hơn, thấu đáo hơn về con người. Nhà vua đã nguôi quên mối
hận của mình và tuyên bố bãi bỏ lệnh tàn bạo ba năm trước, chính thức cưới Seherazat làm hoàng
hậu

Như mọi truyện kể dân gian, Nghìn Lẻ Một Đêm phản ánh nguyện vọng và ước mơ của dân
chúng trong một xã hội bị áp bức cùng khổ. Họ chỉ mong thái bình yên ấm, may mắn hạnh phúc.
Như các truyện Cuộc hành trình trên biển của thuyền trưởng Xinbat, Allahdanh và cây đèn thần,
Người câu cá với vị thần, Con ngựa thần kì .v.v. . . Nhiều truyện phản ánh bản chất tốt đẹp của
người lao động cần cù chăm chỉ, kiên cường dũng cảm thông minh tài trí, giàu lòng thương người
.

Ali Baba và bốn mươi tên cướp . Truyện kể một cô gái nô lệ tên là Morgan đã cứu sống gia
đình bác tiều phu Ali Baba thoát khỏi bàn tay độc ác của tên cướp Hat xanh .

Nghìn lẻ một đêm còn tập trung vạch trần tội ác của vua chúa, quan chức, phú thương, phù
thủy, bọn bóc lột, nham hiểm tàn ác… Truyện nào cũng thể hiện chân lý thiện thắng ác, ở hiền
gặp lành mang ý nghĩa giáo dục cảm hóa con người.

Tuy nhiên Nghìn Lẻ Một Đêm cũng còn có những nhược điểm như mê tín dị đoan, mù
quáng tin vào số mệnh, lo sợ trời đất quỷ thần khiến cho truyện trở nên li kì huyền bí thiếu tính
hiện thực. Điều quan trọng nhất là bộ truyện đã mô tả được cả một thế giới muôn mặt đa dạng
của đời sống các dân tộc Ả rập thời Trung cổ một cách rõ nét và sinh động nhờ óc tưởng tượng
phong phú. Đủ mọi loại nhân vật trong xã hội Ả rập , những phong cảnh rộng lớn luôn luôn thay
đổi, những sự kiện gay cấn li kì . Nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện rất hoàn chỉnh , đột xuất bất
ngờ, phức tạp mà chặt chẽ từ các tình tiết , ngôn ngữ kể và tả thật điêu luyện, như nhà văn
M.Gorki nhận xét : “ngôn ngữ Nghìn Lẻ Một Đêm là những sợi tơ muôn màu lan tỏa khắp bốn
phương trời, một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng phủ trên mặt đất “. Tác phẩm qua tay nhiều người
kể và chép nên nhiều truyện không còn giữ nguyên bản gốc mà bị pha tạp với những yếu tố
truyện ngắn hiện đại .
Từ khi ra đời đến nay, Nghìn Lẻ Một Đêm đã trở thành tài sản văn hóa chung của nhân
loại, gây ảnh hưởng lớn từ Đông sang Tây. nhiều người đã sử dụng cốt truyện Nghìn Lẻ Một
Đêm để sáng tác lại phóng tác thành kịch ballet, phim truyện, phim hoạt hình, ca vũ kịch .v.v . . .

Tính thống nhất không phân biết quốc gia lãnh thổ của bộ truyện. Do sự giao lưu mạnh mẽ
(làm ăn, buôn bán mật thiết giữa các dân tộc Ả rập và do cùng chung tín ngưỡng Đạo Hồi, những
truyện cổ Ả rập không phân biệt quốc gia dân tộc mà trở nên tác phẩm chung của khu vực. Đó là
điều độc đáo của bộ truyện này .

Hướng dẫn ôn tập phần văn học Ả rập

1. Trình bày kết cấu của “Nghìn lẻ một đêm”. Ý nghĩa thi pháp của kết cấu đó.

2. Đọc kỹ 3 truyện liên hoàn “Chuyến du hành của thuyền trưởng Xin bát”, thuyết trình về
các vấn đề sau :

+ Khát vọng kinh tế của người Ả rập ?

+ Mẫu người lí tưỏng của vùng đất Ả ập ?

+ Ý nghĩa con số 3 ?

3. Đọc truyện “Allahdanh và cây đèn thần”, trình bày các vấn đề sau :

+Thân phận người lao động bình dân .

+ Tình yêu lãng mạn của công chúa và cảm xúc thẩm mỹ trong tình yêu của người phụ nữ
Ả rập .

4. Đọc truyện “Alibaba và bốn mươi tên cướp”, anh chị suy nghĩ gì về hình tượng nhân vật
nữ chính: cô Morgiane (lòng nhân ái, trí tuệ, quả cảm … ).

5. Chứng minh rằng “ẩn ức sa mạc” như một đặc điểm thi pháp của truyện cổ “Nghìn lẻ
một đêm”.

6. So sánh tính “văn hoá vùng” của “Nghìn lẻ một đêm” với “Truyện cổ Grim“ của Đức
k

ĐỌC THÊM 1

1. TỤNG CA USHA – NỮ THẦN RẠNG ĐÔNG

( trích kinh Rig Veda)

1. 1. Ánh sáng đang tới kìa, ánh sáng đẹp nhất trong mọi nguồn ánh sáng.
Ánh sáng sinh sôi, lan tỏa, ngập tràn.

Bóng đêm đang lui chân để mặt trời bừng dậy, nhường không gian cho buổi sớm chào đời.

1. 2. Nàng hiện ra kìa, Rạng Đông tươi tắn, làn da trắng sáng trong, trước
Nàng, cô em Bóng Đêm da đen rời gót khỏi nơi cư ngụ.

Hai chị em bất tử, theo bước nhau, thay đổi sắc màu và cùng tiến về phía trước.

1. 3. Chung bước trên đường xa tít tắp, được các thần linh dạy bảo, hai
nữ thần nối gót nhau đi.

Cùng tươi đẹp, khác màu da nhưng chung phận sự. Đêm tối với Rạng Đông không cãi cọ
bất hòa song cũng không ở cùng nhau.

1. 4. Ôi Usha, chúng tôi ngưỡng mộ Nàng, người dẫn dắt những âm thanh
vui vẻ. Trong ánh sáng chói lọi, Nàng mở rộng cổng trời.

Thức tỉnh toàn vũ trụ, Nàng làm phát lộ vô vàn kho báu thế gian: Nàng đánh thức mọi sinh
linh trên trái đất.

1. 5. Nàng bước tới những ai đang mê man vùi ngủ: kẻ do vui thú, kẻ bởi
giàu sang, người vì tín ngưỡng.

Ảo mộng triền miên tối tăm che mắt họ: Rạng Đông đã đến, giác tỉnh khắp muôn người.
1. 6. Đây kẻ chiếm địa vị, kia người tìm vinh quang, người này khát lộc
tài, kẻ khác say công việc.

Ai nấy theo đuổi nghề nghiệp riêng mình, còn bổn phận Rạng Đông, Nàng đánh thức tất cả.

1. 7. Chúng ta thấy Nàng trên cao kia, trong sáng, con gái của Bầu trời,
cô thiếu nữ trẻ trung, ửng hồng trong xiêm y rực rỡ.

Nàng, bà chúa của mọi tài nguyên trên trái đất, rạng ngời tươi trẻ, đang soi chiếu chúng ta,
Rạng Đông lộng lẫy, buổi sớm mai này.

1. 8. Nàng, người đầu tiên của những Ban Mai bất tử rồi đây sẽ đến với
chúng ta, đang theo bước những Bình Minh đã ra đi ngày trước.

Ôi Usha, bừng lên, tăng khí lực cho muôn loài sinh sống – Và với cả những người đã chết,
xin đánh thức họ khỏi giấc ngủ mơ mòng.

2. CHANDOGYA UPANISHAD
( trích trong Kinh Upanisad)

Chandogya Upanishad gồm 8 chương. Sau hai chương đầu bàn về một số vấn đề nghi thức
tế lễ …, các chương còn lại bàn về bản chất của Brahman. Chúng tôi trích dưới đây một số mục
(phần) của chương 6 thuộc về bài thuyết giảng của UddAllahka Aruni cho Svetaketu (con trai
đồng thời là học trò của ông), liên quan đến tính duy nhất, bất biến của Brahman, được minh họa
bằng hàng loạt các thí dụ.

2.1. Khanda thứ mười

1. “Này con trai ta, những dòng sông kia đang chảy, con sông phía đông (như sông Hằng)
chảy về hướng tây. Chúng bắt nguồn từ biển rồi lại đổ ra biển (vì những đám mây đã lấy hơi
nước từ nước của biển bốc lên trời rồi gởi trả lại chúng cho biển dưới dạng mưa). Chúng trở nên
chính biển cả. Và khi những con sông đó ở trong biển, nhập vào làm một với biển cả, không sao
biết được, ta là sông này hay sông kia ”.

2. “Cũng như vậy, con ạ, mọi tạo vật sau khi sinh Xuất từ Thực Tại cũng không biết
chính chúng đã trở về từ Thực Tại. Những tạo vật đó dù giờ đây là gì đi nữa, sư tử hay chó sói,
lợn hay giun dế, ruồi hay muỗi, …. tất cả chúng đều xuất phát từ Thực Tại”.

3. “Đó, chính đó là cái bản chất tế vi, tất cả những gì tồn tại đều có tự ngã của
mình trong cái đó. Cái đó là Thực Tại. Cái đó là Tự Ngã và con, Svetaketu, con cũng là cái đó”.

“Thưa cha, làm ơn giảng giải thêm nữa cho con”. Người con nói.
“Được” cha trả lời.

2.2 – Khanda thứ mười một

1. “Nếu ai đó định đốn ngang rễ của một cái cây lớn, nó ứa nhựa nhưng vẫn sống.
Nếu anh ta đốn ngang thân cây, nó ứa nhựa nhưng vẫn sống. Tự Ngã sống động lan tỏa, thâm
nhập cái cây đó khiến nó đứng vững chãi, hấp thụ chất dinh dưỡng và vui thú”.

2. “Nhưng nếu cuộc sống (Tự Ngã sống động) rời khỏi một cành nhánh nào của
cây, nhánh cây đó sẽ tàn lụi, nếu Tự Ngã lìa bỏ cành thứ hai, cành ấy phải úa héo, nếu Tự Ngã
lìa bỏ cành thứ ba, cành này cũng rã rời. Nếu tự ngã rời bỏ toàn bộ cái cây, cả cây sẽ chết. Cũng
đúng như vậy đó, con trai ta ạ, hãy biết thế”. Vì vậy người cha nói.

3. “Cái thân xác này sẽ tàn tạ và sẽ chết khi Tự Ngã sống động rời khỏi nó, Tự Ngã
sống động thì không chết”

“Đó, chính đó là cái bản chất tế vi, tất cả những gì tồn tại đều có tự ngã của mình
trong cái đó. Cái đó là Thực Tại. Cái đó là Tự Ngã và con, Svetaketu, con cũng là cái đó”.

“Thưa cha, làm ơn giảng giải thêm nữa cho con”. Người con nói.

“Được” cha trả lời.

2.3 – Khanda thứ mười hai

1. “Hãy mang về đây một trái vả”

“Thưa cha, nó đây”

“Hãy bửa nó ra”

“Thưa cha, con đã bửa rồi”

“Con thấy gì trong đó?”

“Những cái hạt rất nhỏ ạ”

“Hãy bửa một hạt”

“Con đã bửa một hạt, thưa Cha”

“Con thấy gì trong đó?”

“Không gì cả ạ, thưa Cha”


1. 1. Người Cha nói:”Con trai của ta, cái bản chất tế vi mà con không thể
nhận thấy, chính nó đã làm cho cây vả to lớn kia tồn tại”.

3.”Con ơi, hãy tin điều đó. Đó, chính đó là cái bản chất tế vi, tất cả những gì tồn tại đều có
tự ngã của mình trong cái đó. Cái đó là Thực Tại. Cái đó là Tự Ngã và con, Svetaketu, con cũng
là cái đó”.

“Thưa cha, làm ơn giảng giải thêm nữa cho con”. Người con nói.

“Được” cha trả lời.

2 .4 – Khanda thứ mười ba

1. 1.

“Hãy thả muối này vào nước rồi sáng mai đến gặp ta”

Người con làm như cha bảo.

Người cha nói: “Hãy mang đưa tat chỗ muối con đã cho vào nước đêm qua”.

Người con tìm kiếm nhưng không thấy, tất nhiên, vì muối đã hòa tan trong nước.

1. 2.

Người cha nói: “Hãy nếm nước đó ở trên bề mặt. Nó thế nào?”

Con trả lời:”Nó mặn ạ”.

“Hãy nếm nước đó ở khoảng giữa. Thế nào?”

“Thưa, mặn ạ”

“Hãy nếm nước đó ở đáy, thế nào?”

“Mặn, thưa cha”

Cha bảo: “Đổ nước đó đi và đến gặp ta đây”.

Người con đổ nước đi nhưng muối vẫn tồn tại mãi mãi.
Khi ấy người cha bảo: “Ở đây cũng thế, con ạ, không ngờ vực gì nữa, con không nhận biết
được Thực Tại (Sat) nhưng thực ra nó vẫn tồn tại”.

1. 3.

“Đó, chính đó là cái bản chất tế vi, tất cả những gì tồn tại đều có tự ngã của mình trong cái
đó. Cái đó là Thực Tại. Cái đó là Tự Ngã và con, Svetaketu, con cũng là cái đó”.
TIỂU DẪN

Diễn đàn tư tưởng của Ấn Dộ, cho đến gần hết nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công
nguyên, về cơ bản là sự độc thoại của tôn giáo, triết học, văn học, đạo đức,… chính thống
BAllahmon . Khi bước sang thế kỷ thứ VI trước công nguyên thì bắt đầu chuyển mạnh thành đối
thoại. Đã xuất hiện nhiều phong trào rộng lớn với các lãnh tụ tinh thần xuất sắc dũng cảm phủ
nhận hệ thống đẳng cấp và nghi lễ trong tôn giáo BAllahmon, đặt lại vấn đề đối với các nghiên
cứu siêu hình của nó, đồng thời, thiết lập trên những điều kiện xã hội đã thay đổi những cơ sở
mới cho hành động và tiến bộ ý thức của con người. Trong đó, trở thành có đặc trưng rõ nét như
những truyền thống lớn, phải kể đến đạo Jain và đạo Phật.

Hai tôn giáo này được sáng lập bởi Vardhamana Mahavira, tức Jina và Gautama
Siddhartha, tức Buddha (đức Phật) – những đại sư giác ngộ nhiệt thành xưng tụng yếu tố thần
thánh trong nhân cách con người và thuyết giảng những nguyên tắc đạo đức của tình yêu nhân
loại, lòng trắc ẩn và đức vị tha. Sự xuất hiện của hai tôn giáo mới cũng làm nảy sinh hai nền văn
học phong phú và đều có tính chất linh thánh: văn học đạo Jain và văn học Phật giáo mà các tác
phẩm thực ra là sự ghi chép lại những bài thuyết giảng của các vị chủ soái tôn giáo. Ở thời kỳ
đầu, cả hai đều từ chối sử dụng ngôn ngữ Sanskrit và tìm kiếm một ngôn ngữ văn chương của
riêng mình: văn học đạo Jain dùng ngôn ngữ Ardhamagadhi còn văn học Phật giáo dùng ngôn
ngữ Pali – những ngôn ngữ phát sinh và có tính chất “tự nhiên” hơn so với Sanskrit, thường gọi
là ngôn ngữ Prakrit.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đạo Jain chỉ hạn chế trong phạm vi Ấn độ và nhiều mặt, không
thể so sánh với đạo Phật. Hứng thú văn chương cũng như giá trị văn chương trong các kinh điển
đạo Jain cũng ít hơn nhiều so với các kinh Phật.

Đức Phật Gautama Siddhartha (563 – 483 trước CN)

Đó chính là “con người vĩ đại nhất từng xuất hiện trên thế gian này” (ý kiến của thi hào R.
Tagore). Xuất thân là một hoàng tử, vào tuổi 29, ngài đã từ giã vợ con, từ bỏ vương quyền cùng
mọi của cải, quyền hành, lạc thú để dấn bước trên hành trình gian nan và căng thẳng của sự
nghiên cứu tinh thần tìm lối giải quyết những nổi khổ của nhân lọai. Sau khi giác ngộ ở tuổi 35,
ngài đã cống hiến cả 45 năm còn lại của cuộc đời mình để giác ngộ chúng sinh. Ngay trong thiên
niên kỷ thứ nhất, tôn giáo của ngài đã lan truyền rộng rãi từ Địa Trung Hải tới Nhật Bản và mặc
dù địa vị bị suy thoái khá sớm ở Ấn độ (ngày nay chỉ còn khoảng 1% dân số theo đạo Phật)
nhưng Phật giáo vẫn là một trong những tôn giáo có tính chất quốc tế quan trọng nhất của nhân
loại thế kỷ 20 với hơn 500 triệu tín đồ khắp các nước Ceylan, Miến Điện, Thái lan, Cam pu chia,
Lào, Việt Nam, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Triều Tiên, Đài Loan, một vài vùng
ở Ấn độ, Pakistan, Nepal và ở Liên Xô (cũ)……

Để có thể đạt những thành tựu vĩ đại như vậy, một sức sống lâu bền và một sự chinh phục
diệu kỳ như vậy (rất cần nhấn mạnh đây là một sự chinh phục hoàn toàn văn hóa – con đường
truyền bá đạo Phật qua bao nhiêu thời đại, tới nhiều xứ sở khác nhau chưa từng khi nào theo sau
lực lượng xâm lược và chưa từng làm đổ một giọt máu nào) chắc chắn trong thông điệp của đức
Phật phải chứa đựng những điều trọng yếu đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, những khao khát
muôn thuở của tinh thần nhân loại. Vậy thì những điều trọng yếu ấy là đâu?

Phải chăng ở ngay xuất phát điểm khi đức Phật không chú tâm tới những nguyên tắc siêu
hình khó nắm bắt ẩn dưới thế giới biểu hiện mà chỉ đau đáu với những nỗi đau của nhân loại
chúng ta “nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước
trong bốn bể” ?!. Nhưng không chỉ than van, ngài dạy một thái độ đầy hiểu biết trước đau khổ
rằng mọi đau khổ do ở sự thay đổi, ở trạng thái bị quy định và những nỗi thống khổ như vậy là
chung cho tất cả, chẳng trừ một ai. Mọi tạo vật, mọi hiện tượng, mọi quá trình có sinh thì có diệt,
có xuất hiện có biến mất…. Phải thừa nhận chân lý đó, phải thấu rõ nó. Khi tri thức tỉnh dậy ở
trong ta, tiêu diệt ngu mê, ánh sáng tỏa ra, xua tan tăm tối, khi chúng ta dập tắt ngọn lửa tham
lam, sân hận, si mê dấy lên từ ý thức lầm lạc về tự kỷ, tâm sẽ mát mẻ, yên bình, an lạc. Chính sự
tịch ấy là Niết bàn (Nirvana) – nơi tinh thần được giải thoát.

Tiếp theo, Phật bảo rằng những giả thuyết về khởi thủy hay sự hủy diệt thế giới … không
cần thiết gì cho việc sống một cuộc sống tốt đẹp bây giờ , nơi này, trên trái đất. Phủ nhận cả hai
cực đoan của lối sống hưởng lạc và khổ hạnh, Phật hướng dẫn con đường ở giữa (trung đạo).
Giác ngộ chân lý chỉ có thể thu hoạch bằng “một sự hoán cải trong tinh thần”, qua “khuôn đúc
toàn thể nhân cách, rèn luyện xúc cảm và điều tiết ý chí”, Tri là Hành.

Bình luận về chân lý Phật giáo, Rhys David từng hết lời ca ngợi: “Chưa từng có trong lịch
sử thế giới một chương trình cứu rỗi được thể hiện đơn giản đến thế trong bản chất; tự do đến thế,
thoát khỏi mọi yếu tố siêu nhân; không hề phụ thuộc vào và thậm chí tương phản đến thế với
niềm tin có một linh hồn và một hy vọng vào kiếp sau”.

Đông đảo nhân loại nhận thấy đây là cái dành cho họ, an ủi thân phận trần tục và những khổ
đau muôn thuở của họ. Hơn hai ngàn năm trăm năm sau đức Phật, trái đất cũng chưa dịu mát hơn
bởi vẫn còn lửa chiến tranh, xung đột, hằn thù, áp bức, bóc lột … Người ta, mỗi cá nhân và mỗi
dân tộc, chưa hết mê lầm về Ngã. Giọng nói thâm trầm của đức Phật kêu gọi từ bi, trắc ẩn vẫn
vang trong khát vọng của ngàn vạn con tim: “oán hờn không trừ diệt được oán hờn. Oán hờn phải
giải quyết bằng yêu thương, đấy là một định luật vĩnh cửu”.

Giá trị cao cả của kinh Phật chủ yếu nằm ở đó, và nó còn rất xuất sắc và hấp dẫn ở tính văn
chương. Với phong cách trung thực, thẳng thắn, sống động và sắc sảo, sáng rõ và đầy sức thuyết
phục; với những so sánh giản dị, đời thường, những ngụ ngôn nhẹ nhàng mà sâu sắc, đôi khi
những câu chuyện hài hước hóm hỉnh. Với ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, kinh Phật là một mẫu
mực tuyệt vời của nghệ thuật thuyết pháp.
Jataka (Chuyện tiền thân đức Phật) còn gọi là Kinh Bổn sinh hay Bổn sinh truyện thuộc
Tiểu bộ kinh trong kinh tạng Pali gồm 547 pháp thoại. Kinh kể các câu chuyện tiền thân của đức
Phật, có tác dụng giáo dục lớn về đạo đức Phật giáo đồng thời là một tác phẩm văn học có giá trị.
Về kết cấu, mỗi pháp thoại có ba thành phần: 1 – câu chuyện xảy ra trong hiện tại gợi nhớ đến
một câu chuyện xảy ra trong tiền kiếp. 2 – Phật kể lại câu chuyện tiền thân. 3 – Nhận diện các
nhân vật trong câu chuyện tiền thân. Trong mỗi pháp thoại đều có các bài kệ bằng thơ, tóm tắt
thuyết giảng pháp lành của đức Phật.

Tiền thân Silavaca (Jat 319)- con người không biết ơn

Câu chuyện này khi ở tại Trúc Lâm, một bậc đạo sư đã kể lại về Đề bà đạt đa (Silavaca).
Các tỳ kheo tại pháp đường ngồi nói chuyện: Thưa các hiền giả, Đề bà đạt đa vô ơn, không biết
những công đức của Như lai. Bậc Đại sư đến, hỏi: Này các tỳ kheo, các ngươi ngồi ở đây đang
nói chuyện gì? Sau khi được biết câu chuyện ấy, bậc Đạo sư nói: Này các tỳkheo, không phải chỉ
nay. Đề bà đạt đa mới vô ơn. Trước kia, nó cũng đã vô ơn rồi. Nó không bao giờ biết công đức gì
của Ta! Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Đạo sư kể lại câu chuyện quá khứ:

Thuở xưa, khi vua Brahamdatta trị vì ở Ballahnai, Bồ tát sanh trong bụng một con voi ở núi
Hy mã lạp sơn. Khi từ bụng mẹ sinh ra, Bồ tát toàn trắng như một khối bạc; con mắt Bồ tát giống
như những hòn châu báu, chói sáng như năm loại ánh sáng; miệng giống như tấm màn đỏ; vòi
giống như sợi dây bạc điểm thêm những chấm vàng đỏ. Bốn chân mài láng như sơn mài! Như
vậy, thân hình Bồ tát có sắc đẹp tối thượng, trang điểm với mười bAllah mật tuyệt hảo. Khi Bồ
tát lớn lên, tất cả những con voi ở Hy mã lạp sơn tụ họp lại để hầu hạ Bồ tát. Khi sống ở núi Hy
mã lạp sơn cùng với 80.000 con voi, Bồ tát thấy tội lỗi của đàn voi trong tương lai, nên tách rời
khỏi đàn, sống một mình trong rừng, và với đức hạnh của mình, được gọi là Tượng vương có đức
hạnh.

Một người sống ở Ba la nại, chưa quen sống ở rừng, đi vào núi Hy mã lạp sơn, tìm những
vật liệu cho nghề nghiệp nuôi sống của mình, không nhận định được phương hướng, lạc đường
hoảng hốt vì sợ bị chết, vừa đi vừa khoa tay than khóc. Bồ tát nghe nó than khóc quá độ, động
lòng thương, muốn cứu nó thoát khổ, liền đi đến gần nó. Nó thấy Bồ tát, hoảng sợ chạy trốn. Bồ
tát thấy nó chạy, liền đứng lại ngay tại chỗ ấy. Người ấy thấy Bồ tát đứng, cũng đứng lại. Bồ tát
đi đến, người ấy lại bỏ chạy. Khi thấy Bồ tát đứng, cũng đứng lại. Bồ tát đi đến, người ấy lại bỏ
chạy. Khi thấy Bồ tát đứng, nó đứng lại và suy nghĩ: Con voi này, khi ta chạy thời đứng lại, khi ta
đứng thời đi đến gần, nó không có ý muốn hại ta, nó muốn giúp ta thoát khỏi khổ này. Nghĩ vậy,
trở thành mạnh dạn, nó đứng lại. Bồ tát đi đến gần và nói: Này bạn, sao bạn lại đi lang thang ở
đây, khóc than như vậy?

Thưa chủ, không nhận định được phương hướng, lạc đường, tôi sợ chết ! Rồi Bồ tát đưa
người ấy về trú xứ của mình, trong một vài ngày, thết đãi nó với trái cây và những vật thực khác,
nói với nó: Này bạn, chớ sợ hãi. Ta sẽ đưa ngươi đến con đường của loài người đi ! Bồ tát để nó
ngồi trên lưng đưa nó đến con đường có loài người đi. Người ấy là một người phản bạn, nghĩ
rằng nếu có ai hỏi, sẽ nói lên những gì cần phải nói. Tuy ngồi trên lưng Bồ tát, nhưng người ấy
vừa đi vừa nhận diện tướng cây, tướng núi. Bồ tát đi ra khỏi rừng, đứng trên con đường lớn đưa
đến Ballah nại, tiễn người ấy đi và nói: Này bạn, hãy đi theo con đường này. Nếu có ai hỏi hay
không hỏi chỗ của Ta, chớ có nói cho ai biết. Nói xong, để người ấy đi, rồi Bồ tát trở lại trú xứ
của mình.

Người ấy đến Ba la nại, trong khi đang đi đến con đường của người thợ ngà voi . Thấy các
đồ vật được làm từ ngà voi, nó hỏi : Các bạn, được ngà một con voi đang sống, có ưa lấy không?
Bạn nói gì vậy. Ngà con voi đang sống có giá trị hơn ngà con voi đã chết rồi. Ta sẽ đem về cho
bạn ngà một con voi đang sống ! Sau khi chuẩn bị lương thực, đem theo một cái cưa sắc bén, nó
đi đến trú xứ của Bồ tát. Bồ tát thấy nó liền hỏi: Ngươi đến đây vì mục đích gì ? Thưa chủ, tôi
nghèo khổ, sinh sống quá khổ cực. Nếu bạn cho tôi đôi ngà của bạn, tôi sẽ bán chúng lấy tiền để
nuôi sống. Ta cho bạn ngà của Ta, bạn có cây cưa để cưa cặp ngà không ? Thưa chủ, tôi đến đây
có đem theo cưa. Vậy hãy lấy cưa, cưa ngà để đem về. Rồi Bồ tát co hai chân lại, ngồi xuống như
con bò ngồi. Người ấy cưa hai ngà tối thượng của con voi ấy. Bồ tát lấy cái vòi giao hai cái ngà
cho nó rồi nói: Này bạn, không phải vì không thích ý, vì không ưa mà Ta cho hai cái ngà này.
Nhưng ngàn lần, trăm ngàn lần thân yêu đối với Ta là cái ngà giải thoát về giác ngộ, ngà này có
thể giúp Ta hiểu tất cả các Pháp. Do vậy, mong rằng sự bố thí những ngà này của Ta sẽ đem lại
cho Ta Nhứt thiết trí ! Với lời nói ấy, Bồ tát đưa hai cái ngà cho người ấy như là cái giá của Nhứt
thiết trí. Nó lấy là xong, đem bán đi, khi tiền tiêu hết rồi, lại đến Bồ tát rồi nói:

Thưa chủ, sau khi bán hai cái ngà của chủ, với tiền lấy được, tôi chi trả hết nợ cũ. Vậy hãy
cho tôi cái ngà của chủ, với tiền lấy được, tôi chi trả hết nợ cũ. Vậy hãy cho tôi các ngà còn lại !
Bồ tát chấp thuận, bảo cưa như lần trước các ngà còn lại. Người ấy đem bán chúng, rồi lại đến và
nói: Tôi không thể sống được hãy cho tôi chân gốc của cái ngà. Tốt lắm. Con voi nói và ngồi
xuống như lần trước. Con người độc ác ấy đạp lên trên cái vòi giống như sợi dây bạc của bậc Đại
chúng sanh, leo lên trên đầu voi như đảnh núi Kelasa, đánh vào gốc chân của hai cái ngà, móc
thịt ra, leo lên trên đỉnh đầu, dùng cưa sắc bén cưa cái gốc chân ngà, lấy đem đi. Khi người ác
độc ấy vừa rời khỏi tầm mắt của Bồ tát, thì quả đất cứng dày đặc , dài hơn 200.000 do tuần, có
thể chở nổi sức nặng kinh khủng của núi Tu di, với các triền núi bao vây, với tất cả phân tiểu ghê
tởm hôi thối; quả đất không thể chịu đựng nổi, nứt ra tạo thành một vực thẳm. Các ngọn lửa từ
nơi “Đáy đại A tỳ địa ngục phun lên, bao phủ con người phản bạn với một cái màn tử vong, cuốn
lấy nó đem đi. Như vậy, khi con người độc ác ấy bị nuốt vào trong lòng đất, vị thần trú ở nơi
khóm rừng làm vang dậy khắp cả khu rừng với lời nói: Người bạn vô ơn phản bội, dầu có được
quốc độ của vua Chuyển luân cũng không cảm thấy thỏa mãn. Và để thuyết pháp, thiên nhân ấy
nói lên bài kệ này:

“Con người không biết ơn,

Dầu được cho quả đất,

Luôn luôn thấy kẽ hở,

Không bao giờ thỏa mãn”.


Như vậy, thiên nhân thuyết pháp, làm vang động cả khu rừng ấy, Bồ tát sống cho đến mạng
chung, đi theo nghiệp của mình.

Bậc đạo sư nói: Này các tỳ kheo, không phải chỉ nay Đề bà đạt đa mới vô ơn. Trong quá
khứ cũng đã vô ơn rồi! Sau khi kể lại pháp thoại ấy, bậc đạo sư nhận diện tiền thân như sau: Lúc
bấy giờ, người bạn phản bội là Đề bà đạt đa. Vị thiên nhân ở thân cây là Xá lợi phất. Còn Tượng
vương có đức hạnh là Ta vậy !

( THÍCH MINH CHÂU dịch Truyện tiền thân đức Phật - Viện nghiên cứu Phật học Việt
Nam, 1991 – Tập 2, tr 233 – 236 )

MAPADA ( trích kinh PHÁP CÚ)

Trong kinh tạng Pali, Kinh Pháp cú thuộc Tiểu bộ kinh gồm 423 bài kệ do đức Phật thuyết
giảng trong những dịp khác nhau suốt 45 năm cuộc đời Ngài như một Đại Sư Giác Ngộ. Chúng
được tổ chức thành 26 phẩm (chương) dưới những đầu đề khác nhau.

“Đọc xong kinh Pháp cú, độc giả sẽ thấy trong đó gồm những lời dạy về triết lý và luân lý
cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm
hàng tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên trùm cả hàng xuất gia. Do đó, dù
ở dạng nào, đọc cuốn kinh này, cũng thu thập được nhiều ích lợi thanh cao. Tôi tin rằng những
lời dạy giản dị mà thâm thúy trong kinh có thể làm cho chúng ta mỗi khi đọc đến thấy một niềm
siêu thoát lâng lâng tràn ngập tâm hồn, và những đức tính từ bi, hỉ xả, bình tĩnh, lạc quan vươn
lên tỏa rộng giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường ” (Thích
Thiện Siêu).

5. Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi mới trừ được hận thù.
Đó là định luật từ ngàn xưa.

6. Người kia, vì không hiểu rằng: “Chúng ta sắp bị hủy diệt” (nên mới phí sức tranh luận
hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó, thì chẳng còn tranh luận nữa.

19. Dù tụng nhiều kinh mà buông lửng không thực hành thì chẳng được hưởng phần ích lợi
của Samon, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người.

(Phẩm Song yếu )

42. Cái hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù, hay của oan gia đối với oan gia không bằng cái hại
của tâm niệm hướng về hành vi tà ác gây ra cho mình.

43. Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào khác làm, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi
chánh thiện làm cho mình cao thượng hơn.

( Phẩm Tâm)
51. Như thứ hoa tươi đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm, những người
chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành, chẳng đem lại ích lợi.

52. Như thứ hoa tươi đẹp vừa có màu sắc lại có hương thơm, những người nói điều lành và
làm được điều lành, sẽ đưa lại kết quả tốt.

53. Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa, từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều
việc thiện.

54. Mùi hương của các thứ hoa, dù là hoa chiên-đàn (2), hoa đa-già-la (3) hay hoa mạt-ly
đều không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh của người chân chính, tuy ngược gió
vẫn bay khắp cả muôn phương.

55. Hương chiên-đàn, hương đa-già-la, hương bạt-tất-kỳ (5), hương thanh-liên, trong tất cả
thứ hương, chỉ thứ hương đức hạnh là hơn cả.

56. Hương chiên-đàn, hương đa-già-la đều là thứ hương vi diệu, nhưng không sánh bằng
hương người đức hạnh, xông ngát tận chư thiên.

(Phẩm Hoa)

60. Đêm rất dài với kẻ mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân
hồi sẽ tiếp nối vô tận với kẻ ngu si, không minh đạt Chánh phát.

62. “Đây là con ta, đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng
biết chính ta còn không thiệt có, huống là con ta hay tài sản ta.

64. Người ngu suốt đời gần gũi người trí, vẫn chẳng hiểu gì Chánh phát, ví như cái muỗng
múc thuốc thang luôn mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của thuốc.

65. Người trí dù chỉ gần gũi người trí trong khoảnh khắc cũng hiểu ngay được Chánh pháp,
chẳng khác gì cái lưỡi mới tiếp xúc với thuốc thang đã biết ngay được mùi vị của thuốc. ( Phẩm
Ngu)

103. Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường chẳng bằng người tự thắng. Người tự thắng là
chiến sĩ oanh liệt nhất.

104. Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác. Muốn thắng mình phải luôn luôn tiết
chế lòng tham dục. (Phẩm Ngàn)

121. Chớ khinh điều ác nhỏ, cho rằng “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước
nhểu lâu ngày cũng làm đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác bởi chứa dồn từng khi ít mà nên.
122. Chớ khinh điều lành nhỏ, cho rằng “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước
nhểu lâu ngày cũng làm đầy bình. Kẻ trí sở dĩ đầy toàn thiện bởi chứa dồn từng khi ít mà nên.

123. Như người đi buôn mang nhiều của báu mà thiếu bạn đồng hành, tránh xa con đường
nguy hiểm làm sao, như kẻ tham sống tránh xa thuốc độc thế nào, thì các ngươi cũng phải tránh
xa điều ác thế ấy.

125. Đem ác ý xâm phạm đến người không tà-vạy, thanh tịnh vô nhiễm, tội ác sẽ trở lại kẻ
làm ác, như ngược gió tung bụi.

( Phẩm Ác)

202. Không lửa nào bằng lửa tham lam, không ác nào bằng ác sân hận. Không khổ nào bằng
khổ ngũ uẩn và không vui nào bằng vui Niết bàn.

(Phẩm An Lạc)

219-220. Người khách ly hương lâu ngày, từ phương xa trở về an ổn được bà con thân hữu
đón mừng thế nào, thì người tạo phước nghiệp cũng vậy, khi từ cõi đời này sang cõi đời khác,
phước nghiệp của họ là kẻ thân hữu đón mừng họ.

(Phẩm Hỷ ái)

222. Người nào ngăn được cơn giận dữ đang nổi lên, như dừng được chiếc xe đang chạy
mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi.

(Phẩm Phẫn nộ)

252. Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình mới khó. Lỗi người, ta cố phanh tìm như tìm thóc
lẫn trong gạo, còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài.

(Phẩm Cấu uế)

266. Chỉ mang bình khất thực, đâu phải là Tỳ kheo! Chỉ làm nghi thức tôn giáo, cũng chẳng
Tỳ kheo vậy!

267. Bỏ thiện (6) và bỏ ác, chuyên tu hạnh thanh tịnh, lấy “biết” (7) mà ở đời, mới thật là
Tỳ kheo.

(Phẩm Pháp trụ)

276. Các ngươi hãy nỗ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ chứ không giác
ngộ thế cho ai được. Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của các ngươi mà được cởi
mở.
(Phẩm Đạo)

340. Lòng ái dục tuôn chảy khắp nơi, như giống cỏ Man-la mọc tràn lan mặt đất. Ngươi hãy
xem giống cỏ đó để dùng Tuệ-kiếm đoạn hết căn gốc ái dục đi.

345. Đối với người trí, sự trói buộc bằng dây gai, bằng cây, bằng sắt chưa phải bền chắc,
chỉ có lòng luyến ái vợ con, tài sản mới thật sự trói buộc chắc bền.

346. Đối với người trí, những kẻ dắt người vào sa đọa là sự trói buộc chắc bền, nó hình như
khoan dung hòa hoãn mà thật khó lòng thoát ra. Hãy đoạn trừ đừng dính mắc, lìa dục đừng xuất
gia.

(Phẩm Ái dục)

393. Chẳng phải vì bện tóc, chẳng phải vì chủng tộc, cũng chẳng phải tại nơi sanh mà gọi là
Bà la môn; những ai hiểu biết chân thật, thông đạt Chánh pháp, đó mới là kẻ Bà la môn hạnh
phúc.

(Phẩm Bà la môn)

(Kinh Pháp cú – Thích Thiện Siêu dịch – Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành,
năm 1993)

CHÚ THÍCH:

(1) Phẩm Song yếu: Những Pháp yếu được diễn nói theo cách song đối.

(2) Chiên-đàn-na (Cadana)

(3) Đa-già-la (Cagara): Tên hai thứ cây thơm.

(4) Mạt-ly-ca (Mallika) là một thứ hoa nhỏ, thơm, mọc tùm lum như dây bìm.

(5) Bạt-tất-kỳ (Vassiki) là Vũ-quí-hoa

(6) Thiện đây chỉ cái thiện hữu-lậu, làm thiện với cái tâm bĩ thử ngã nhân.

(7) “biết”: biết giới, biết định, biết tuệ.

CÁC NGỤ NGÔN CỦA ĐỨC PHẬT

Các ngụ ngôn của Đức Phật là tác phẩm viết bằng tiếng Pali, ra đời năm 477 trước công
nguyên, tập hợp những ngụ ngôn mà Đức Phật đã sử dụng để truyền đạt ý nghĩa nhiều bài giảng
của ngài tới các đồ đệ. Câu chuyện Kisa Gotami dưới đây còn được gọi là Ngụ Ngôn về Hạt Cải,
khá nổi tiếng.

KISA GOTAMI

Gotami là cái tên thiếu nữ của nàng, nhưng vì rất dễ mệt mỏi nên nàng được gọi là Kisa
Gotami (Gotami Yếu đuối). Nàng được tái sinh ở Savithi trong một gia đình nghèo khó, bệnh tật.
Khi lớn lên, lấy chồng, đến ở nhà chồng. Vì dòng dõi gia đình, nàng bị khinh rẻ. Chỉ sau khi sinh
được một đứa con trai, nàng mới được mọi người đối xử một cách kính trọng.

Nhưng khi đứa bé đủ lớn, biết chơi bời chạy nhảy đây đó, nó chết. Nàng vô cùng sầu khổ.
“Từ khi con ra đời mình vốn bị khinh rẻ mới tìm được sự kính trọng trong gia đình này. Nay họ
thậm chí sẽ tìm cách vứt bỏ con ta”. Ôm con vào lòng, nàng ra đi, tìm đến nhà này nhà khác xin
thuốc cho con.

Ở mọi nơi, gặp nàng, người ta đều chế nhạo:”Cô ta từng thấy thuốc cho người đã chết ở đâu
chứ?”. Nói rồi, họ vỗ tay cười thích thú. Nàng không hiểu chút gì về điều họ muốn nói.

Bấy giờ có một người thông thái thấy nàng: “Người đàn bà này quá đau khổ vì con nên đã
bị lầm lạc tâm trí. Thuốc chữa cho bà, không ai khác, chỉ Đấng Cai Quản Mười Quyền Lực mới
biết thôi”. Ông ta bảo: “Thiếu phụ kia, thuốc cho con trai bà chỉ có một người có, đó là Đấng Cai
Quản Mười Quyền Lực, nhân cách vĩ đại nhất trong thế giới loài người và thế giới của các Thần
thánh, Ngài đang cư ngụ tại tịnh xá gần đây. Hãy đến hỏi Ngài”.

“Người đàn ông này đã nói chân lý”. Nàng nghĩ và đi tìm Đức Phật. Ôm con trong lòng,
nàng đứng ở vòng ngoài của đoàn tín đồ và nói: “Thưa Đấng đáng tôn kính, hãy cho tôi thuốc
chữa cho con trai tôi”.

Đấng Đại sư, thấy nàng đã sẵn sàng cho sự cải đạo, bèn nói:”Con đã làm đúng, Gotami, khi
đến đây tìm thuốc. Con hãy đi vào thành phố, tới các gia đình, hãy xin những hạt cải nhỏ từ ngôi
nhà nào chưa từng có ai chết cả”.

“Thưa Đấng Tôn Kính, tốt quá ạ”. Sung sướng, nàng đi vào thành phố. Tới ngôi nhà đầu
tiên, nàng nói:”Đấng Cai Quản Mười Quyền Lực bảo tôi xin những hạt cải nhỏ làm thuốc cho
con trai”. “Ôi dà, Gotami”- họ nói và đưa cho cô.

“Nhưng tôi không cần những hạt này. Trong gia đình đây từng có người đã chết”.

“Cô nói gì, Gotami! Ở đây không thể đếm xuể số người đã chết”.

“Thôi đủ rồi. Tôi không xin những hạt này. Đấng Cai Quản Mười Quyền Lực không nói tôi
dùng những hạt cải của một gia đình đã có bất kỳ một ai từng bị chết”.
Cũng như vậy, nàng tới gia đình thứ hai rồi thứ ba. “Trong toàn thành phố, ở đâu cũng thế
thôi. Đấng Budha tràn đầy lòng từ bi, thương xót vì hạnh phúc nhân loại hẳn thấy điều đó”. Chế
ngự sự xúc động, nàng ra khỏi thành phố, bế con tới một giàn hỏa. “Con trai yêu quý, mẹ từng
nghĩ rằng con là người duy nhất bị cái chết mang đi. Nhưng không phải thế. Đây là luật chung
của toàn thể loài người.” Nàng đặt con lên giàn hỏa. Rồi đọc đoạn thơ sau:

“Không phải lệ làng xã, không phải lệ phố phường

Không phải qui tắc riêng một gia đình nào cả

Đó là luật chung của thế giới loài người cùng toàn thể thần thánh

Rằng tất cả mọi thứ đã sinh ra đều chẳng vĩnh hằng”.

Sau đó, nàng đi tới gặp bậc Đại Sư. “Gotami, con đã kiếm được những hạt cải chưa?”
“Thưa Đấng Tôn Kính, việc những hạt cải con đã hoàn thành. Nay xin chỉ cho con một trú xứ tốt
lành.” Lúc này, Đại Sư đọc cho nàng nghe đoạn thơ sau đây trong Pháp Cú:

Người đàn ông này yêu trẻ và súc vật

Người đàn ông này tha thiết với đời

Nhưng Thần Chết bỗng chụp lấy anh ta

và đi con đường của Ngài

Như một trận lụt lớn cuốn sạch

cả một thôn làng đang say ngủ.

(XX. 287)

Dù ai có thể sống tới trăm năm

Cũng không gặp Miền Bất Tử

Tốt hơn là hãy sống một ngày giản dị

Anh đang thấy nơi vĩnh cửu đó mà (VIII.114)

Với kết luận của những bài kệ, nàng đạt đến tính thánh linh.
Đọc thêm 2 CHỦ NGHĨA HIỆN SINH ẤN ĐỘ

1. 1. Vài nét về lịch sử chủ nghĩa hiện sinh Phương Tây

Chủ nghĩa hiện sinh (CNHS) ra đời ở Đan Mạch thế kỷ XIX. Người đề xướng là Sorien
Kierkegard, nhưng thật ra cội nguồn CNHS có từ xa xưa.Thời kỳ Hy Lap cổ đại, CNHS đã nảy
mầm với nhà triết học Socratte (469- 399 tr.CN) ông đã suy tư và thực hiện lối sống hiện sinh
chủ nghĩa. Ông đã bàn sâu về luân lí và đạo đức .

Theo ông, có đạo đức là phải biết thân phận mình. Ông tuyên bố “Hiểu biết là đạo đức”,
cũng có nghĩa thiếu hiểu biết là thiếu đạo đức. Trong ngôi đền Denph ở Hilạp có ghi câu “Hãy tự
biết lấy chính mình”. Còn trong bộ kinh Veda của Ấn Độ có câu “Hiểu biết thực sự sẽ đưa ta
đến tự do” .

Từ khi Kierkegard lập ra hệ thống chủ nghĩa hiện sinh, đã có triết gia phản đối các nhà khoa
học khác rằng chỉ chuyên nghiên cứu khách quan và vũ trụ mà quên nghiên cứu ngay thân phận
con người “Đừng bỏ quên thân phận con người”. Bỏ qua ngoại cảnh để chú trọng đến cái TA
nội tâm đã trở thành khuynh hướng triết học duy tân trong lịch sử, chủ yếu là của giai cấp bóc
lột đã suy tàn. Foulquie -nhà hiện sinh Pháp đề xướng “phải nhiên cứu, khám phá nội tâm con
người”, “khoa học sắp xếp vạn vật, tìm hiểu chúng, tìm ra những mối tương quan giữa chúng,
còn kỹ thuật- kỹ nghệ chú trọng tới cái hữu dụng. Trái lại việc khám phá về sự hiện hữu và hữu
thể con người thì bị đa số người đời bỏ qua (Lời nói đầu cuốn “Chủ nghĩa hiện sinh”) .

Nhiều nhà hiện sinh Pháp cho rằng sau Socratte, trong Thiên chúa giáo có thánh Saint
Augustin cũng có tư tưởng như Socratte, đã làm nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh trong Kitô
giáo. Ngay trong Cựu ước, Tân ước đã có chứa đựng yếu tố hiện sinh chủ nghĩa (Existentialism).

Thánh Job Jesus Christ đưa ra lời kêu gọi “hãy cứu rỗi linh hồn!” (tức là giải thoát linh
hồn) .

S.Augustin nói “ở trong Chúa, cái đã được tạo dựng đó là sự sống”, “xin cho tôi am hiểu
được chính tôi và hiểu được chính Ngài ” (tập Thú nhận – Confession) . Ông đã xa rời chúa Trời,
sống đau khổ với tội lỗi và phóng đãng, vừa hoan lạc vừa bi đát . Cuộc sống đã gây trong ông nỗi
xao xuyến thầm kín và sự lo âu (Souci: Hoa xu xê : điển tích về sự lo lắng), chẳng biết cuộc đời
rồi đi về đâu !

Pascal, nhà vật lý người Pháp (định luật Pascal), đã viết cuốn “Tư tưởng” có đoạn: “Đây
là bản chất thực sự của ta, chính nó làm cho chúng ta không có khả năng biết một cái gì đích
xác, hoàn toàn. Ta bơi lội trên một khoảng không mênh mông và bất an, ta trôi giạt vật vờ từ
đầu này tới đầu kia ” .

Thực ra, tư tưởng hiện sinh của Socratte nhằm bảo vệ giai cấp chủ nô. Còn S. Augustin
có mục đích bảo vệ tôn giáo. Vì vậy , Socratte kêu gọi “sống đạo đức là sống biết mình, biết
mình là sống đạo đức” .
Augustin: “Sống biết Chúa Trời mới là biết mình. Biết Chúa Trời là sống trong Chúa
Trời” .

Triết học hiện sinh ra đời nhằm hoàn chỉnh những quan điểm hiện sinh trong lịch sử, để
liên minh và bảo vệ giai cấp tư sản, giai cấp thống trị trong thời đại khủng hoảng về tư tưởng
và chính trị.

Sorien Kierkegard sinh 1813, chết 1855 ở Đan Mạch, được coi là ông tổ của chủ nghĩa
hiện sinh hiện đại. Sorien ra đời vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản chuyển qua giai đoạn chủ
nghĩa đế quốc. Là con út trong một gia đình giàu có, có 7 người con. Cha ông gọi ông là đứa con
của tuổi già, ông bố có tới hai bà vợ. Họ đều ở Hội thánh Tin lành (Kitô biến thể).

Năm 1838, cha chết, gia đình suy sụp. Hai bà vợ của cha và 6 chị em Sorien cũng lần
lượt chết. Chỉ còn Sorien Kierkegard. Ông phải chịu cuộc đời sóng gió, vật lộn với thân phận cô
đơn. Nghĩ về thân phận con người, ông day dứt hoài và tìm thấy sự tiếp nối luồng tự tưởng hiện
sinh cổ đại. Sau khi học thuyết CNHS của ông phổ biến và có ảnh hưởng khá mạnh ở phương
Tây, nổi lên những nhà văn nghệ sĩ tiêu biểu sau đây sáng tác với cảm hứng hiện sinh chủ nghĩa :

+ Ở Đức, triết học hiện sinh chủ nghĩa của Heidegoer .

+ Ở Pháp: thơ, truyện, kịch của Jean Paul Sartre, tiểu thuyết của bà Francoise Sagan .

+ Ở Tây ban nha: Thơ ca “nổi loạn” của Breton. Hội hoạ “nổi loạn” của Picasso

+ Ở Tiệp khắc : Tiểu thuyết “Vụ án” của Kafkaz

+ Ở Italia: Nhà văn Matisse . v. v…

+ Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 cũng có một số hiện tượng văn học hiện sinh chủ
nghĩa.

Học giả Mounier (Pháp) viết : “Ngày nay, khi quan niệm về vũ trụ và kinh tế tỏ ra lạc
quan đã đánh dấu thời đại hoàng kim tuyệt đỉnh của phe trưởng giả giàu sang sung túc về vật
chất nhưng tư tưởng thì chật hẹp, đã xuất hiện một làn sóng ý thức về sự bất hạnh: một căn bệnh
mới của thời đại đang đẩy xô con người về với triết lý hiện sinh bi thiết để biện minh lối cười ra
nước mắt ” …”nó là thứ triết lý chống lại hạnh phúc và chiến thắng của con người, là hậu quả
của một Âu châu tan rã vì hai cuộc đại chiến (I và II) và một cuộc khủng hoảng không trù liệu
trước “.

Trong thực tế xã hội, cũng có những hành vi “nổi loạn” (sinh viên ăn mặc kỳ lạ : khoét
áo, vá quần lành, sống gấp, đập phá, vì lo rằng có chiến tranh thế giới thứ 3 khủng khiếp tàn phá
tương lai. Có những hội khoả thân sống ở vườn hoa hoặc mặc đồ thổ cẩm, thô sơ. Ông già cô
đơn sống với con chó. Li dị xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi …
Họ băn khoăn “con người là cái gì ?” Phấn đấu hi vọng vì cái gì ? Tại sao có con người (ý
nói con người xã hội), có cái tôi ? Họ thích suy tư cụ thể về con người và số phận, không bằng
lòng với những khái niệm và phạm trù triết học. Họ cho con người là cái riêng lẻ, không liên
quan gì đến xã hội .

Kierkegard nói “Tôi là tôi. Một cá nhân, không phải là một khái niệm. Không một ý tưởng
nào diễn tả được nhân cách của tôi, không thể thiết định một dĩ vãng, một hiện tại và một tương
lai. Cũng không có lập luận nào về chính tôi và cuộc đời cùng sự sinh tử của tôi” .

Như thế, con người hiện sinh phương Tây là con người cá biệt (sống tách rời xã hội) .

Muốn trở thành “con người hoàn thiện” thì phải “sa đoạ” – khi đó anh mới thấy rõ mình.
Qua sự sa đoạ và tội lỗi của trực giác và bằng linh cảm, kinh nghiệm sống của mình, anh trở
thành siêu việt…Nietzche, triết gia Đức nói “càng trải qua tội ác bao nhiêu lại càng vĩ đại bấy
nhiêu, đó là con người siêu việt – superman”. Lý luận của Nietzche đã có ít nhất một đệ tử cuồng
tín là Adolf Hitler – tên trùm phát xít Đức .

J.P.Sartre nói “Con người hiện hữu trước đã. Con người tự thấy mình sinh ra ở đời đã, sau
đó anh mới định nghĩa mình là ai ?” (cuốn “Hiện sinh, một thuyết nhân bản” của Lê Tôn
Nghiêm- xuất bản ở Sài gòn).

Ban đầu con người không là gì cả, sau đó mới là thế này, thế kia, và sẽ là cái mình tự tạo
nên mình. “Hiện hữu” không phải là TOBE (est), không phải là sống (live, livre) . Hiện hữu
không có nghĩa là ở lỳ một chỗ mà phải là “vươn tới cái sẽ là, cái mình sẽ là” , luôn luôn vượt ra
ngoài khuôn khổ hôm nay, tự mình tha hoá mình – Mỗi người sẽ là Would- be- man (Người phải
là ) .

Kierkegard kêu gọi “hãy chọn lấy chính mình”. Trong tác phẩm “Người khách đàn bà ”
(chưa dịch) của nữ văn sĩ Pháp Simon De Beauvoir miêu tả một người đàn bà” nàng đến làm cho
sự vật thoát khỏi sự vô thức của chúng. Nàng đã cho chúng màu sắc, hương vị của chúng…
Cần phải có nàng ở đó để bất tử hoá sự hoang vắng của chúng – cái căn phòng …Nàng làm
sống dậy các đồ vật và sự chờ đợi… ” Người đàn bà là giống cái trong cái mức độ nàng cảm thấy
theo tha nhân (người khác) chứ không do cơ cấu thân thể của nàng ” .

Mounier nói “con người là một sự kiện trần trụi mù loà, ở đó chả có ý nghĩa gì cả, như bị
ném ra đó”

J.P.Sartre : “Người, một cái gì thừa”

“Người là một bí mật tuyệt đối, không ai hiểu được, cao hơn, là cái không hiểu được”.

Đời người và con người rất phi lí, nó mù mịt, tối tăm. “cái vô lí” còn hiểu được , chứ “cái
phi lí” thì không thể hiểu được và nói được gì”. Chúng ta sinh ra thật là phi lí, ta hãy chết đi”.
Mỗi người là một bí mật tuyệt đối vì mỗi người là một sự trống rỗng tuyệt đối. Vì thế, chả
cần tìm hiểu làm gì ! Học giả Nguyễn văn Trung (cuốn Nhận định – Sài Gòn xuất bản trước
1975) cũng thể hiện ảnh hưởng hiện sinh của ông “Tôi buồn vì ý thức của tôi trống rỗng, trước
khi thông cảm, chỉ có mình tôi buồn, nỗi cô đơn là tuyệt đối. Lối sống hiện sinh tạo ra màng
ngăn cách với xã hội. Jean Paul Sartre nhà văn Pháp, viết “chỉ trong sa mạc, con người mới sống
đích thực”.

Keirkegard viết “Tự mình sắp đặt tất cả để cho mình cô đơn. Nỗi cô đơn càng tăng khi có
một bản ngã khác thường, một cá tính mãnh liệt. Con người quần chúng rất ít khi cảm thấy cô
đơn vì tâm hồn họ là một khối đồng tính. Con người quần chúng hoà vào nhau dễ dàng và
không có gì đặc biệt, và cũng không ai có gì độc nhất vô nhị. Người đặc biệt là người cô đơn” .
J.J. Rouseau viết “Nhà nước là sự vong thân của con người“

Giữa người với người có một vực thẳm cô đơn bất khả thông cảm “sống để dạ, chết mang
đi”. Mounier nói “Ta có thể có cuộc sống đích thực khi ta hoàn toàn tĩnh tại hoặc khi điên rồ“,
“Con người sinh ra thường làm nô lệ cho tha nhân, ta thoát ách nô lệ kẻ này thì lại mắc vào ách
nô lệ kẻ khác, còn học hành chẳng qua chỉ là chuyện người ta dạy cho ta những điều mà ta
không muốn ‘ .

2 . Sơ lược chủ nghĩa hiện sinh phương Đông và hiện tượng Krisna Murti của

Ấn Độ

Tên thực là Murti, nhà văn, triết gia Ấn Độ, ông đã lấy bút danh Krisna vốn là tên nhân vật
nửa người nửa thần trong thần thoại .

Sinh năm 1900 tại thị trấn Madanapal ở miền nam Ấn Độ.Trong mười tám năm liền, lập
phái “Thông thiên học” và được phong là vua của đạo “thông thiên học”. Có đồ đệ là Rama
Krisna, nhà đạo đức học chủ trương hoà hợp tôn giáo: “Hãy xoá bỏ sự khác nhau về tôn giáo,
đừng giành giật địa vị, quyền lợi, vô ích. Dù gọi là Jesus, Alla, Thích ca… cũng vẫn chỉ là một
chúa tể mà thôi. Mọi con đường của tôn giáo đều tốt cả. (về sau Tagore cũng chịu ảnh hưởng lí
thuyết đó. Ông viết: sinh tồn của nhân loại là bản hoà âm tuyệt mỹ. Á, Âu nên xoá bỏ ngăn cách).

Krisna Murti cùng một số người lập ra “Hội cứu tinh đông phương” (Gồm đủ tín đồ các
đạo Phật, Thiên Chúa, Hồi giáo thờ thánh Alla…), đến năm 1929 Hội này giải tán. Lời tuyên bố
giải tán của Murti như sau “chân lý là một xứ sở không có đường vào nên người ta cũng không
thể đặt chân vào đó bằng bất kỳ lối đi nào, Đạo giáo hay Phật giáo. Chân lý là sự thật của nội
tâm, không ai dạy ai được, nên không ai là thầy của ai cả. Mà tự mình phải là thầy của chính
mình”. Từ đó ông không lập giáo hội, không nhận học trò nữa .

Ông viết cuốn “Giải thoát chính kiến”, hoặc “Giải trừ kiến thức” (nguyên bản tiếng Anh:
Freedom from the Knowledge ) .
Vì sao cần phải giải trừ kiến thức ?

Người Ấn Độ vốn coi trọng hiểu biết. Bộ kinh Rig Veda quan trọng nhất của Bàlamôn, sau
này là Hindu giáo có nghĩa là “ca tụng sự hiểu biết” .

Thực ra, từ trước Công nguyên ở Trung quốc, Lão tử đã đưa ra học thuyết Vô vi, Trang tử
lại phát triển học thuyết Lão -Trang. Lão tử nói “Con người càng đi sâu tìm hiểu ngoại giới thì
càng xa đạo. Do hiểu biết, con người mất vẻ sống hồn nhiên. Do hiểu biết nhiều, nảy sinh xung
đột với nhau. Giữa những ý thức, quan niệm, tâm lý khác nhau nảy sinh ra mâu thuẫn” .

Do đó con người cứ quẩn quanh với những tâm lý ấy chỉ muốn giải thoát mình khỏi
những tương lai viển vông, khát vọng và mục tiêu, con người cứ khổ sở đi tìm những thiên
đường hứa hẹn, những chủ nghĩa mơ hồ.

Tóm lại Murti kết luận “không cần hiểu biết gì hết, hãy phủ nhận quá khứ và tương lai, cứ
sống với hiện tại, tạo cho mình cuộc sống hiện tại, hiện hữu.

Trước hết, không thể mang theo kè kè bên mình những thành kiến, hiểu biết, kết luận
của loài người dồn lại cho mình sau hơn hai nghìn năm. Hãy khởi hành bằng con số 0 ! Hãy
lên đường, bỏ lại tất cả những kỷ niệm, ký ức của bao tháng ngày qua, để ” tự tại”, “tự ngộ”,
Không cần uy lực nào, không cần lãnh tụ, đạo sĩ hay nhà phân tâm học, không cần triết gia nào.
Hãy làm một con người “trống rỗng”, “bất nhiễm”, không là gì cả!

Sống thế nào là “trống rỗng” ? Murti vạch ra rằng: sống không cần có mục đích. Sống
không cần phấn son, mộc mạc mà huyền diệu, tĩnh mà động, một mà là tất cả. Chính cuộc sống
là Nhân và cũng là Quả. Cuộc sống vừa là phương tiện vừa là cứu cánh (mục đích ).

Đạo là chân lý, chân lý là cuộc sống, còn tương lai chỉ là ảo ảnh. Chỉ có hiện tại là thực.
Nhưng hiện tại là gì ? Đừng nghĩ đến ! Nghĩ đến là mất nó, cuộc sống lại bị kéo dài thêm một kỳ
hạn thừa. Trong hình học, điểm là chỗ cắt đứt hai con đường. Điểm là hiện tại, xuất hiện là do
anh nghĩ đến. “Điểm” chính là cuộc sống, không có diện tích kích thước. Vậy nó là “không”
nhưng cũng là “có “, và Hiện tại là vô hạn.

Sự giải thoát không hẹn ở ngày mai và cũng chưa từng xảy ra ở quá khứ. Hiện tại ngay lúc
này mới là sự giải thoát, và chứa tất cả mọi sự vật.

Murti nói “Muốn sống cái hiện tại ấy, cái chân lí vĩnh cửu ấy, anh phải xa lìa tất cả
những gì cũ và mai sau…những lý thuyết hư nguỵ điêu tàn, những thần tượng phải mất đi,
và anh phải sống như đoá hoa toả khắp hương thơm cho thiên hạ. Chìa khoá mở cửa cực lạc là
ở ngay trong con người ta.

Sống là phi lý, làm gì cũng phi lý, chết cũng là phi lý.

Con đường giải thoát là con đường vô vi, để con người tự do, thả nổi theo dòng số mệnh.
Mất tự do là phải lẽ, nếu đi tìm chân lý thì lại bị ràng buộc. Cái tự do hoàn toàn không do
ai đưa đến, không do sự đấu tranh mà là ở sẵn trong tâm hồn ta, cái tâm hồn cô tịch, trống rỗng
tuyệt đối, không suy tưởng, có chăng hãy hỏi mình “anh đã thật sự muốn có tự do chưa ? Muốn là
được ! »

Nếu anh chỉ muốn giải quyết một vấn đề gì để được tự do thì lai mắc vào cái mất tự do
khác. Như thế chẳng lợi gì.

Vậy chỉ có tự do – tự tại là hoàn toàn, không nên chịu ràng buộc, bó khuôn theo tư tưởng
nào, uy lực nào.

Khi đạt được tình trạng cô tịch, trống không, ta là người ngoài cuộc – người tự do, không
bao giờ mắc cạm bẫy.

Sống thực sự với chính con người mình (man- would- be) chứ không sống theo quan
niệm (would-be-man). Tình yêu cũng vô ích vì ở đó con người rõ ràng mất tự do. Những điều
nói trên là cơ sở lí luận của thuyết hiện sinh phương Tây và phương Đông. Murti phát triển
CNHS theo một hướng mới. Ôâng cho rằng, thế giới hiện có hai lối phản kháng .

- Phản kháng bản năng

- Đấu tranh sau một sự áp bức cai trị lâu dài.

Murti cho rằng mọi sự xung đột trên thế giới đều do tâm lý nóng giận, bực tức mà sinh
ra, ví như một sĩ quan chỉ huy không nóng giận thì chiến tranh không xảy ra. Tự mỗi con
người gây ra chiến tranh, làm cách mạng bạo lực thì mỗi người cũng phải gánh trách nhiệm đó.
Nóng giận khiến con người thành tàn bạo. Muốn diệt nóng giận cần phải giải trừ kiến thức, ký
ức, khát khao. Đó mới là cách phản kháng, đó mới là đấu tranh, bằng sự bình tâm.

Quan niệm về tình yêu và cái đẹp của chủ nghĩa hiện sinh Ấn Độ

Phải giải bỏ tất cả những khái niệm, qui ước, tư tưởng về tình yêu vốn được trang bị từ
trước. Bởi vì tình yêu đã bị phân loại là tình yêu giả dối nguỵ biện.

Đã yêu thì không có giới hạn, qui cách nào hết.

Cái đẹp vốn tự nó có. Do sự hiểu biết mà mất cái đẹp. Thành thị chen chúc ồn ào xa rời
thiên nhiên, thiếu cái đẹp trăng, hồ, bình minh, đàn chim bay về tổ buổi chiều. Người thành thị
chỉ đi tìm cái đẹp chết trong viện bảo tàng. Họ không biết cảm nhận cái đẹp từ tâm mình đến
thẳng với nó .
Tóm lại, nếu ở phương Tây, CNHS kêu gọi sống thác loạn bất cần xã hội và ngày mai thì ở
Ấn Độ Murti kêu gọi sống cô tịch, vắng lặng cô đơn quên đi tất cả, hãy thả mình vào «dòng
sông hiện sinh » không tội gì gánh nặng quá khứ trên vai.

Thuyết hiện sinh Murti là sự hỗn hợp nhiều tôn giáo pha trộn. Đó là thuyết sùng đạo
Bhakti cổ xưa dược khai triển. Nó gieo rắc tư tưởng phủ nhận cách mạng, thủ tiêu đấu tranh.
Hiện sinh Ấn Độ xuất hiện nhằm phủ định hiện sinh phương Tây, dùng tư duy bị động để chống
tư duy năng động, là sự “nổi loạn bên trong” của người Ấn hiện đại.

Đọc thêm 3 Tuyển chọn một số bài thơ haiku của Basho

Mùa xuân (trích)

1.

Ngày đầu xuân

sao mà tôi nhớ

chiều thu cô đơn

2.

Trên bình nguyên

chim vân tước hát

xa mọi ưu phiền

3.

Từ trong rầm nhà

Đáp lời chim sẻ

Rúc rích chuột con


4.

Em là bướm ư

Ta là giấc mộng

Trong hồn Trang Chu

5.Trên cành liễu nghiêng

Con bướm đổi chỗ

mỗi lần gió lên

6.

Tiếng chuông chùa tan

Hương hoa đào buổi tối

Như còn ngân vang

7.

Đêm xuân phai tàn

Và rạng đông đến

Trên cành hoa đào

8.

Mùa xuân ra đi

Tiếng chim thổn thức

Mắt cá lệ đầy .
Mùa hạ

Một con ong

từ lòng thược dược

bay đi tần ngần

10

Mưa tháng Năm

Đứng dầm trong nước

Chân hạc ngắn dần

11

Nhu cảnh trong tranh

Tôi trên mình ngựa

chầm chậm qua đồng

12

Trong ánh ngày

Con đom đóm ấy

cổ đỏ gay

13

Tiếng ve mải mê

Không hề để lộ

Cái chết gần kề

14.
Ôi huy hoàng

Lá xanh, lá xanh

Chói ngời trong nắng

15.

Hoa mơ tưng bừng ,

bên lầu du nữ

mua sắm đai lưng

Mùa thu (trích)

16

Tiếng hạc vang trời

Và tàu lá chuối

trở thành tả tơi

17.

Con chuồn chuồn

đậu mãi không được

Trên ngọn cỏ gió rung

18.

Quán bên đường

Các du nữ ngủ

Trăng và đinh hương

19.
Mong manh mong manh

Một nhành hoa cúc

vừa đơm nụ vàng

20.

Con nhện kia ơi

Bài hát nào ngươi có

Trong gió thu này ?

21.

Bên đường

Đoá hoa dâm bụt

Đưa mình cho ngựa ăn

22.

Mùa thu ở Kiso

Người tiễn đưa ta

Ta tiễn đưa người

23.

Mưa mù sương,

phù dung một đóa

làm mùa lên hương .

Mùa đông (trích)


24.

Lá thuỷ tiên

dưới là tuyết mới

nhè nhẹ trĩu mình

25.

Con quạ ô

sớm mai trong tuyết

đẹp không ngờ

26.

Cời lửa đi nào

tôi có món quà kì diệu

Nắm tuyết trắng phau

27

Đi nữa bạn ơi

Ngắm nhìn tuyết đổ

Cho dù ta rơi

28.

Cưỡi ngựa mùa đông

chiếc bóng của mình

dường như cóng lạnh

29.
Hoa cúc hết mùa

Ngoài cây củ cải

Còn lại gì đâu !

Ghi chú : Trích theo tài liệu của Phan Nhật Chiêu – Nhà xuất bản Văn học 1994. Số thứ tự
trong phần trích do người biên soạn ghi theo các chủ đề khác nhau. Người soạn : P.H.N

Mô phỏng Dân ca Nhật

Nhạc sĩ Thanh Sơn

Hoa anh đào (sakura)

Mùa xuân sang có hoa anhh đào

Màu hoa tôi chót yêu từ lâu

Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào

Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào

mình nói chuyện ngày sau

Còn tìm đâu phút vui ban đầu

bụi thời gian cuốn trôi về đâu

để cho ai nhớ thương ai nhiều

vì đã xa cách nhau lâu rồi

dù nói không nên lời


Chuyện đời như một giấc chiêm bao mà thôi

tìm về quá khứ thấy xao xuyến lòng tôi

Gió xuân đến bao giờ

ngỡ như bước chân ai qua thềm . . .

Rồi xuân sang có hoa anh đào

Màu hoa đây dáng xưa còn đâu ?

Niềm tâm tư khép kín trong lòng

Và tôi yêu bóng ai năm nào

Như đã yêu hoa anh đào .

(sáng tác: Thanh Sơn)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

VĂN HỌC ẤN ĐỘ

1. Phạm Thuỷ Ba dịch, Sử thi Mahabharata, Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội
1986

1. Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thuỷ dịch, Người làm vườn (Tagore) NXB
Đà Nẵng 1997

3. Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thuỷ dịch, Trăng non (Tagore ), NXB Đà
Nẵng 1997
4. Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thuỷ dịch, Tặng phẩm của người tình
(Tagore)

NXB Đà Nẵng 1997

5. Phan Thu Hiền, Tham khảo Văn Học Ấn Độ, Đại học quốc gia TP Hồ Chí
Minh 1997
6. Nguyễn Thừa Hỷ ,Tìm hiểu văn hoá Ấn Độ,Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà
Nội1986
7. Nguyễn Hiến Lê dịch, Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb VH-TT,
2000
8. Nguyễn Hiến Lê dịch, Three Ways of Asian Wisdom của Will Durant, Mac
Milan, 1932
9. Phan Ngọc dịch, Sử thi Ramayana, Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1976

1. Phùng Hoài Ngọc, Luận văn thạc sĩ văn học nước ngoài, ĐHSP Hà Nội,
1988
2. Nhiều người dịch,Truyện cổ Ấn Độ, Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1986

12. Đào Xuân Quí dịch, Thơ Dâng của Tagore, Nhà xuất bản Đà Nẵng 1996
13. Lương Duy Thứ, Đại cương văn hoá Phương Đông, Nhà xuất bản Giáo dục
1996
14. Lưu Đức Trung, Giáo trình Văn học Ấn Độ, Đại học Sư phạm Hà Nội,
1984
15. Lưu Đức Trung (chủ biên) Văn học các nước châu Á, Nhà xuất bản Giáo dục
1989

VĂN HỌC NHẬT


1. Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo dục, Hà Nội
2002
2. Nhật Chiêu dịch & giới thiệu, Basho và thơ Haiku, Nhà xuất bản Văn học
HN, 1994 .

18. Phan Nhật Chiêu, Chuyên đề Văn học Nhật bản, NXB Giáo dục, Hà Nội
2000
19. Ngô Quí Giang dịch, Tuyển tập Kawabata, Nhà xuất bản Hội nhà văn. Hà
Nội 2001
20. Lưu Đức Trung, Yasunari Kawabata cuộc đời và tác phẩm, Nxb GD Hà Nội
1997
21. Nhiều người viết, Kỉ yếu hội thảo Văn học Nhật1999, Khoa Ngữ văn
ĐHKHXH NV tp HCM 1999
22. Nhiều người viết, Văn học so sánh, Đại học Quốc gia Hà Nội -ĐHKHXH
NV tp HCM,
2003

23.The Narrow Road to Oku /Oku no Hosomichi /おくのほそ道

VĂN HỌC ĐÔNG NAM Á


24.Lưu Đức Trung, Đinh Việt Anh, Văn học Ấn Độ Lào Cam pu chia, Nxb Giáo Dục, HN
1989

25.Vũ Tuyết Loan, Nguyễn Tấn Đắc, Tuyển tập văn học Cam pu chia, Nxb Văn Học HN
1986

26.Nhiều tác giả, Tìm hiểu lịch sử văn hóa Cam pu chia, Viện Đông Nam Á , Hà Nội,1985

VĂN HỌC Ả RẬP

27. Nhiều tác giả, Từ điển Văn học tập II, Nxb Khoa học xã hội , HN, 1983

28. Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới tập I, Nxb VH thông tin, Hà Nội, 1998

29. Văn Hoà dịch, Nghìn lẻ một đêm (03 tập), Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ Chí
Minh 2002 .

Đại học An Giang tháng 3 năm 2005

Phùng Hoài Ngọc

CHÚ THÍCH (#) : Nguyễn Ái Quốc đã lấy tên đẳng cấp Paria đặt cho tờ báo Le Paria ở
Pháp năm 1922, thường gọi là báo « Người cùng khổ » để nêu lên mục đích của cách mạng là
giải phóng nhũng người cùng khổ trên các lục địa Á –Phi – Mỹ Latinh

 § Sau đây sơ lược tình hình nghiên cứu thơ Tagore.

Ở Ấn Độ, nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã bàn luận về cuộc đời và tác phẩm
nghệ thuật của ông, trong đó có Mahatma Gandhi, Nêru – những lãnh tụ của phong trào giải
phóng dân tộc. Học giả Krisna Kripalini viết cuốn “R.Tagore”. Radhakrisnhan viết “Bàn về triết
học Tagore”. Nerallah với cuốn “Rừng thơ”, Nirad Chandhuri với “Tagore và chúng tôi”…
Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu Tagore như Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung
Quốc… Đáng chú ý ở Nga có Xerebriakov, viện sĩ Đenburg, Menkevich, Ilya Erenburg.
Karanova với tuyể·n tập R.Tagore khá đồ sộ. Ở Pháp có nhiều công trình của các nhà văn
Romain Rolland, Andre Gide, Jean Herbel, Devi… Sớm nhất là ở Anh với W.R.Yeats, Lesny,
Vincane, Thompson, Edward. Ở Mỹ có Rhys Ernest. Thổ Nhĩ Kỳ có Nadim Hicmet. Trung Quốc
có Tạ Băng Tâm, Trịnh Chấn Đắc…

Ở Việt Nam việc nghiên cứu Tagore chậm hơn và ít. Nói về Tagore sớm nhất có lẽ là năm
1924 trên báo Nam Phong số 81, 84 : bài “Một đại thi sĩ Ấn Độ- ông Rabindrnath Tagore” và
“Ông Tagore đối với nền văn minh Thái Tây”, “Lời đáp lại của Tây phương” của Trương Thúc
Định, bài dịch “Trường học của tôi” (My life).

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh Tagore (1961), nhiều nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên,
Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Đình Thi… đã dịch một số bài thơ tiêu biểu của Tagore, xuất bản
thành tập. Công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh –
người đầu tiên qua xứ Ấn Độ học tập và nghiên cứu. Năm 1979, Đào Xuân Qúi chọn dịch một số
bài ở nhiều tập thơ của Tagore in thành tuyển tập do NXB.Văn học ấn hành.

Trước năm 1975, ở Sài Gòn cũng có một số tập thơ Tagore được dịch và xuất bản, như Lời
Dâng, Khúc hát dâng đời, Tâm tình hiến dâng, Kỷ vật do Đỗ Khánh Hoan, Phạm Hồng Nhung,
Phạm Bích Thủy dịch…

You might also like