You are on page 1of 2

Phát hiện dãy núi ẩn dưới dòng hải lưu mạnh nhất

hành tinh
Dãy núi ngầm nằm ở độ sâu khoảng 4.000 m, hình thành dưới hải lưu vòng Nam Cực,
dòng hải lưu ảnh hưởng đến tình trạng nước biển dâng.

Khu vực mới được lập bản đồ với các ngọn núi ngầm. Ảnh: Focus/CSIRO
Nhóm nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Investigator phát hiện dãy núi ngầm trong
chuyến thám hiểm ở Nam Đại Dương do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công
nghiệp Australia (CSIRO) triển khai, Newsweek hôm 18/12 đưa tin. Mục đích ban đầu
là nghiên cứu hải lưu vòng Nam Cực - dòng hải lưu mạnh nhất thế giới - để tìm hiểu
xem nó đóng góp như thế nào vào mực nước biển dâng. Cụ thể, họ nghiên cứu xem
dòng hải lưu truyền nhiệt về phía châu Nam Cực như thế nào.

Trong chuyến thám hiểm, các nhà khoa học rà quét một vùng biển chưa được lập
bản đồ trước đó, trải dài 370 km ở phía tây đảo Macquarie. Họ phát hiện rằng dưới
dòng hải lưu xoáy mạnh, ở độ sâu khoảng 4.000 m dưới mặt nước giữa Tasmania và
Nam Cực, là một dãy núi ngầm.

Dãy núi ngầm cổ xưa đáng chú ý này gồm 8 ngọn núi lửa ngầm không hoạt động với
các đỉnh cao khoảng 1.500 m, theo nhà địa vật lý CSIRO Chris Yule. Một ngọn núi
trong số đó thậm chí còn có miệng phun kép.
Khu vực này nằm gần Đứt gãy Macquarie Ridge, nơi vẫn đang có các hoạt động kiến
tạo. Các ngọn núi có khả năng hình thành từ "điểm nóng" bên dưới lớp phủ của Trái
Đất cách đây 20 triệu năm. Những phát hiện như trên góp phần quan trọng giúp con
người hiểu thêm về động lực học đại dương, theo nhà khoa học Helen Phillips, thành
viên đoàn thám hiểm.

Trong chuyến nghiên cứu, nhóm chuyên gia sử dụng một vệ tinh mới do NASA và
Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) phát triển. Điều này cho phép họ
quét hình ảnh đáy biển với độ phân giải cao.

Hải lưu vòng Nam Cực chảy theo chiều kim đồng hồ, từ tây sang đông, quanh châu
lục này. Đây không chỉ là dòng hải lưu mạnh nhất thế giới mà còn là dòng duy nhất
kết nối tất cả các đại dương trên thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu hải lưu này đặc biệt
quan trọng, giúp giới khoa học tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với các đại dương
do biến đổi khí hậu.

"Đại dương giúp hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt từ hiện tượng nóng lên toàn cầu và
khoảng 25% lượng khí thải CO2 của con người. Chúng tôi đang làm việc tại một 'cánh
cổng' nơi nhiệt được truyền tới Nam Cực, góp phần làm băng tan và mực nước biển
dâng. Chúng ta cần hiểu cánh cổng này hoạt động như thế nào, lượng nhiệt truyền
qua là bao nhiêu và điều này có thể thay đổi ra sao trong tương lai", Benoit Legresy,
nhà khoa học đứng đầu chuyến thám hiểm, cho biết.

You might also like