You are on page 1of 6

MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP TỰ LUẬN TRONG MÔN HỌC

PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG


I. Phân tích cấu trúc quy phạm pháp luật

Nhiệm vụ: phải đi xác định rõ các thành phần giả định, quy định, chế tài trong 1
quy phạm pháp luật cụ thể. Lưu ý:

- Giả định thường quy định về thời gian, địa điểm, các chủ thể, các hoàn cảnh
cụ thể mà quy phạm pháp luật điều chỉnh. Giả định thường là phần trả lời cho
câu hỏi với từ để hỏi: ai, trong hoàn cảnh nào?
- Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu rõ cách xử sự của chủ thể
pháp luật (cá nhân hay tổ chức) ở vào hoàn cảnh điều kiện đã nêu trong phần
giả định, gồm sự cho phép hay bắt buộc phải thực hiện. Bộ phận quy định trả
lời câu hỏi Phải làm gì (hoặc không được làm gì) và làm như thế nào?
- Chế tài nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng
đối với chủ thể pháp luật đã không thực hiện theo đúng quy tắc xử sự nêu ở
bộ phận quy định của quy phạm pháp luật (là hậu quả bất lợi đối với chủ thể
vi phạm pháp luật).

Một số bài tập ví dụ:

1/ “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân,
với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ
Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng
đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. (Điều 65 Hiến pháp 2013)

Giả định: “Lực lượng vũ trang nhân dân”. Phần giả định trong trường hợp này
nêu lên quan hệ xã hội mà quy phạm này điều chỉnh, xác định rõ đối tượng phải
chịu sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật này đó là lực lượng vũ trang nhân
dân.

Quy định: “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước,
có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà
nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện
nghĩa vụ quốc tế”. Phần quy định trong trường hợp này nêu lên cách thức xử sự
của đối tượng được nêu ở phần giả định.

Chế tài: không có.


2/ “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có
quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu” (Điều 132 Bộ
luật Dân sự 2005)

Giả định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa”.
Giả định trong trường hợp này đã nêu lên tình huống, hoàn cảnh chịu sự điều
chỉnh của quy phạm này đó là khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa
dối hoặc bị đe dọa.

Quy định: “có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.
Quy định trong trường hợp này nêu lên cách thức xử sự của đối tượng được nêu
ở phần giả định.

Chế tài: không có

3/ “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì
bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng
đến hai năm” (Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999)

Giả định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người
khác”. Giả định trong trường hợp này đã nêu lên đối tượng phải chịu sự điều
chỉnh của quy phạm pháp luật này đó là người xúc phạm nghiêm trọng nhân
phẩm, danh dự của người khác.

Quy định: không được nêu rõ ràng trong quy phạm pháp luật nhưng ở dạng quy
định ngầm. Theo đó, quy định trong trường hợp này là không được xúc phạm
nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Chế tài: “bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ
ba tháng đến hai năm”. Chế tài ở đây là biện pháp của Nhà nước tác động đến
chủ thể vi phạm pháp luật

II. Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật (xác định chủ thể, nội dung,
khách thể trong quan hệ pháp luật)

Một số bài tập ví dụ:

1/ Tháng 10/2009 bà B có vay của chị T số tiền 300 triệu đồng để hùn vốn kinh
doanh. Bà B hẹn tháng 2/1010 sẽ trả đủ vốn và lãi là 30 triệu đồng cho chị T.

Chủ thể: bà B và chị T

- Bà B:
o Có năng lực pháp luật vì bà B không bị Tòa án hạn chế hay tước đoạt
năng lực pháp luật;
o Có năng lực hành vi vì bà B đã đủ tuổi được tham gia vào quan hệ dân
sự theo quy định của Bộ luật Dân sự và không bị mắc các bệnh tâm
thần.
 Bà B có năng lực chủ thể đầy đủ
- Chị T:
o Có năng lực pháp luật vì chị T không bị Tòa án hạn chế hay tước đoạt
năng lực pháp luật;
o Có năng lực hành vi vì chị T đã đủ tuổi được tham gia vào quan hệ
dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự và không bị mắc các bệnh
tâm thần.
 Chị T có năng lực chủ thể đầy đủ

Nội dung:

Bà B Chị T

- Quyền: được nhận số tiền vay - Nghĩa vụ: giao khoản tiền vay
để sử dụng; cho bà B;
- Nghĩa vụ: trả nợ gốc và lãi - Quyền: nhận lại khoản tiền
theo thỏa thuận. gốc và lãi sau thời hạn vay.

Khách thể: khoản tiền vay và lãi

III. Các dạng bài tập về vi phạm pháp luật

1/ Xác định vi phạm pháp luật:

Cần xác định một hành vi vi phạm pháp luật dựa vào 4 dấu hiệu sau:

- Nêu lên hành vi cụ thể (ví dụ: hành vi giết người, hành vi cố ý gây
thương tích…). Hành vi này ở dạng ……. (hành động hay không hành động).
- Hành vi này trái pháp luật ………… (pháp luật hình sự, pháp luật hành
chính, pháp luật dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình,…).
- Có lỗi của người thực hiện hành vi vi phạm là: …………. (lỗi cố ý trực
tiếp, hay cố ý gián tiếp, hay vô ý do quá tự tin, hay vô ý do cẩu thả).
- Do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện (Nếu là cá nhân
thì đủ tuổi theo quy định + không bị mắc bệnh tâm thần. Nếu là tổ chức thì
chứng minh có tư cách pháp nhân).

2/ Phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật

¤ Về mặt khách quan:

- Hành vi: việc làm của …ai đó……….(nêu ra việc làm cụ thể) là hành vi
trái quy định của pháp luật………(dân sự, hình sự,hành chính)……………..
- Hậu quả:…………………………………….
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hậu quả …….. xáy ra là
do nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm của …………….
- Thời gian: …………………………………..
- Địa điểm: ……………………………………
- Hung khí: …………………………………..

¤ Mặt chủ quan:

- Lỗi: Xác định trường hợp này là lỗi gì và chứng minh.


- Động cơ: ………………………………………..
- Mục đích: ……………………………………….

¤ Chủ thể vi phạm:

Chủ thể của vi phạm pháp luật là ……. (…. tuổi) là một công dân có đủ khả
năng nhận thức và điểu khiển hành vi của mình và không mắc bệnh tâm thần.

Hoặc Chủ thể của vi phạm pháp luật là ………….. là tổ chức có tư cách pháp
nhân nên có năng lực trách nhiệm pháp lý.

¤ Mặt khách thể:

Hành vi của …………….... đã xâm phạm tới quyền được bảo đảm về tính mạng,
hay sức khỏe, hay danh dự, nhân phẩm của công dân, vi phạm đến quan hệ xã hội
được pháp luật bảo vệ.

3/ Xác định loại vi phạm pháp luật

Có các loại vi phạm pháp luật sau:

- Vi phạm pháp luật hình sự;


- Vi phạm pháp luật hành chính;
- Vi phạm pháp luật dân sự;
- Vi phạm quy chế của tổ chức.
Ví dụ:

Chị Thanh (40 tuổi, không chồng), có quan hệ với anh Lê Mạnh H (đã có vợ),
và sinh được một đứa con (cháu Minh). Sau khi chấm dứt quan hệ với anh H,
chị luôn bị một người tên Đỗ Thị Kim Hoa (43 tuổi) - vợ của H, gọi điện thoại
chửi mắng.

Ngày 06/11/2011, Hoa đến nhà chị Thanh (Đông Anh, Hà Nội). Tại đây, Hoa
xin được bế đứa trẻ, chị Thanh đồng ý. Lấy cớ nghe điện thoại, Hoa bế cháu
xuống bếp và dùng chiếc kim khâu lốp dài 7cm mang theo đâm vào đỉnh thóp
đầu cháu. Sợ bị phát hiện, Hoa lấy mũ đậy vết đâm lại, nhưng máu chảy quá
nhiều, cháu khóc thét lên nên bị mọi người phát hiện. Sau khi đưa đi cấp cứu,
cháu Minh (40 ngày tuổi) qua đời.

Hoa (sinh năm 1974, Đông Anh, Hà Nội) không có bệnh về tâm thần, chưa có
tiền án, là một người làm ruộng.

Câu hỏi:

1/ Hành vi của Hoa có phải là vi phạm pháp luật không?

2/ Nếu có, hãy phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật trên.

Giải

1/ Xác định vi phạm pháp luật

- Hành vi: dùng kim khâu lốp đâm vào đỉnh đầu cháu Minh (hành vi ở dạng
hành động).

- Hành vi này trái pháp luật hình sự.

- Có lỗi của người thực hiện hành vi vi phạm là: lỗi cố ý trực tiếp vì Hoa thấy
trước được hậu quả cháu Minh chết do hành vi mình gây ra và mong muốn hậu
quả đó xảy ra.

- Hoa 43 tuổi và không bị tâm thần hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến năng
lực nhận thức => Hoa có năng lực trách nhiệm pháp lý.

Vì vậy, hành vi của Hoa là vi phạm pháp luật.

2/ Phân tích cấu thành vi phạm pháp luật của Hoa

* Mặt khách quan:

- Hành vi: dùng kim khâu lốp đâm vào đỉnh đầu cháu Minh.

- Hậu quả: cháu Minh chết.


- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: cháu Minh chêt do bị tổn
thương não là hậu quả trực tiếp do bị Hoa dùng kim khâu lốp đâm vào đầu.

* Mặt chủ quan:

- Lỗi: cố ý trực tiếp vì Hoa thấy trước được hậu quả cháu Minh chết do hành vi
mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

- Động cơ: ghen tuông.

- Mục đích: trả thù.

* Chủ thể: Hoa 43 tuổi và không bị tâm thần hoặc các bệnh khác ảnh hưởng
đến năng lực nhận thức => Hoa có năng lực trách nhiệm pháp lý.

* Khách thể: Quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của công dân.

You might also like