You are on page 1of 13

Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

CHƯƠNG 1 — B Lc

Nó tên là Minh. Bố mẹ sinh nó ra trong tình cảnh mà mấy cô hàng xóm gọi là “vỡ kế hoạch”.

Họ mỉa mai vậy cũng đều có cớ, bởi bố nó thì đi làm ăn xa (đó là theo lý thuyết mà mẹ nó

thường nói khi được hỏi “bố thằng bé khi nào mới về?”), còn mẹ nó là một người phụ nữ

trẻ, xuất thân từ một vùng nông thôn nghèo, bỏ quê lên phố làm thuê ở một khu công

nghiệp ngoại thành Hà Nội.

- Hôm nay phố đông người quá. Sắp Tết đúng không mẹ?

- Ừ. Sắp Tết rồi. Mẹ con mình đi chơi Hồ Gươm và mẹ sẽ mua kẹo bông cho con.

Từ khu xóm lao động đến Hồ Gươm cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ bằng xe buýt. Xe

buýt Hà Nội vốn dĩ đã chậm lại thêm sự đông đúc của những ngày cuối năm thì tốc độ của

nó so với bà cụ đạp xe mua đồng nát thường tạt ngang khu xóm nghèo chẳng khác nhau là

mấy. Ngồi trên xe buýt, nó chẳng biết làm gì ngoài việc nhìn những con số màu đỏ dán trên

cửa kính. Năm nay, nó gần 6 tuổi rồi nhưng chỉ biết đếm vài chữ số bằng các ngón tay.

Những chữ cái thì lại càng khó nhằn với nó. Mẹ nó cũng đã bắt đầu dạy khi nó lên 4 nhưng

việc kiếm tiền với gia đình nó là điều quan trọng hơn cả. Vì biết đọc, biết viết mà không có gì

cho vào mồm thì cũng hệt như một bức tranh đẹp được tạo ra để cho bà Thu bán xôi đầu

ngõ bọc cơm nếp và lạc vừng giá vài đồng bạc. Vì thế mà khả năng đọc và phân biệt các chữ

cái của thằng bé ngày càng thua xa mấy đứa nhóc tầm tuổi trong xóm. Đang loay hoay với

dòng chữ số màu đỏ, mẹ nó nhẹ xoa đầu:

- Hôm nay được đi chơi Hồ Gươm mà không vui sao?


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

- Đâu có! Chỉ là con đang cố đọc hết mấy số kia kìa. – Tay nó chỉ về phía cửa sổ gần

bác tài xế, còn vẻ mặt khá tự hào về trí nhớ của bản thân.

- Được rồi, chuẩn bị xuống xe nhé. Điểm dừng tiếp theo rồi đấy.

- Đã thấy Hồ Gươm đâu hả mẹ? – Nó luống cuống vừa bước xuống xe vừa hỏi.

- Mình phải đi một chuyến xe nữa. Nhanh lên con! – Mẹ liền ẵm nó lên rồi bước

vội lên xe phía trước từ cửa sau.

Chuyến xe này đông hơn nên chẳng còn ghế nào để mẹ con nó ngồi. Mọi người trên

xe đa số cũng trẻ như mẹ nó, chỉ khác một điều là họ không mang theo một thằng

nhóc nào.

Sau một vài lần dừng xe, người xuống xe thì ít nhưng người lên xe thì mỗi lúc một

đông. Hễ có người nhổm mông đứng dậy thì vài người xung quanh đã sẵn sàng

chiếm lấy để có thể ngồi xuống và lướt ngón tay trên màn hình điện thoại mà không

lo bị những nhịp rung lắc của chiếc xe làm mất đi sự kết nối của đôi mắt với chiếc

điện thoại. Nó không còn quá bé để họ phải nhường ghế, mẹ nó cũng không mang

bầu hay quá già để nhận một ghế ngồi ưu tiên.

Vẫn may là nó và mẹ đứng gần cửa sổ nên ít ra vẫn có thể nhìn được khung cảnh

nhộn nhịp của Hà Nội những ngày giáp Tết. Những quán ăn, cửa hàng rất nhiều

người bên trong. Thỉnh thoảng lại có hàng dài người xếp hàng để đến lượt mình

được bước vào cửa hàng quần áo đang giảm giá dịp Tết. Mấy cô đội nón lá cũ kĩ dắt

chiếc xe đạp với đằng sau yên xe là những bó hoa đủ các loại màu.

- Hôm nay, mẹ có mua hoa về để đón Tết không ạ? – nó ngước lên hỏi mẹ.

- Hoa ở chợ gần nhà mình rẻ hơn. Với lại, mua hoa từ hôm nay thì đến Tết chắc là

héo mất. – mẹ nó cúi xuống thì thầm vào tai.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

Chiếc xe buýt dừng lại. Lần này, xe dừng lâu hơn, rất nhiều người xuống xe. Đám đông trên

xe thưa dần khiến khung cửa sổ bên đối diện ngày càng lộ ra. Nó cũng nhận thấy bên ngoài

khung cảnh Hồ Gươm. Chưa kịp reo lên thì mẹ nó đã vội vàng dắt tay nó xuống.

Mẹ bế nó lên và đi sang bên kia đường gần mép hồ rồi nhẹ nhàng cho nó tự tụt xuống đất.

Mẹ rút ra chiếc điện thoại di động từ trong cái ba lô nhỏ khoác trên vai trái, tay còn lại chỉnh

mái tóc của nó để không bị che mắt.

- Nào, để mẹ chụp cho con trai một kiểu ảnh ở Hồ Gươm nhé!

- Dạ. – nó nhanh chóng vào dáng bởi quanh nó cũng có rất nhiều người từ trẻ đến

già cũng đang tạo dáng để có những tấm hình đẹp cuối năm.

Mẹ đưa nó dạo quanh Hồ Gươm một lúc. Mặt trời đã gần chạm nóc mấy toà nhà cao nhất.

Trời cuối đông, gió bấc thổi những chiếc lá khô cuốn vào chân người đi đường. Tiếng loa

phát thanh từ trên cái cột cao cao được cắm ngay bên cạnh gốc lộc vừng. Nhờ có tiếng

thông báo tưởng chừng vô nghĩa mà nó biết được rằng mới chỉ có 3 giờ chiều.

- Mới 3 giờ chiều thôi hả mẹ? – nó ngạc nhiên hỏi.

- Ừ. Còn sớm mà! – mẹ nó như bất giác trước câu hỏi liền tìm một ghế đá chưa ai

ngồi để nghỉ chân.

Ba giờ chiều ở xóm lao động, mặt trời vẫn còn ở trên cao, nắng vẫn còn gay gắt hắt vào hiên

nhà – nơi mà nó với mấy đứa hàng xóm vẫn chơi chung vài món đồ chơi cũ. Vậy mà ở Hồ

Gươm – nơi trung tâm náo nhiệt của thành phố, mọi người đã sắp sửa không thấy ánh nắng

sau khi mặt trời khuất xuống mấy toà nhà cao tầng kia.

Phía xa xa, khu vui chơi miễn phí cho trẻ em được một nhóm người tổ chức. Mỗi lần ra chốn

đông người, nó lại sợ bị lạc nên chẳng dám hỏi mẹ để nó tự ra đó khám phá. Nhưng nó đủ

can đảm để cho mẹ hiểu khao khát của nó.

- Các bạn đang chơi gì kia hả mẹ?


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

- Mấy trò chơi dân gian đấy con ạ. Con muốn ra đó thử không?

- Có ạ! – Nó đáp ngay lập tức như đang chực chờ câu hỏi.

Lần này là nó dắt tay mẹ đi chứ không phải mẹ dắt tay nó như mọi khi nữa. Nó có phần háo

hức, có phần lo lắng. Trong đầu đứa trẻ lúc này xuất hiện nhiều luồng suy nghĩ khác nhau.

Nó vui vì ở đây có nhiều trẻ con như nó, nhiều thú vui hơn ở khu xóm trọ nghèo. Nó ước gì

mấy đứa bạn thân ở xóm cũng có thể ở đây để cùng nó nhập cuộc, có mặt tụi nó chắc chắn

nó sẽ tự tin hơn rất nhiều. Nó băn khoăn liệu không biết lũ trẻ thành thị có cho nó chơi cùng

không. Bỗng có một tiếng chào mời của một chàng thành niên mặc chiếc áo phông trắng với

hình trái tim và dòng chữ “HN” được in ở ngang ngực.

- Con muốn vào chơi không?

- Dạ ….. Nhưng mà ….! – Nó chưa sẵn sàng thì phải.

Người mẹ trẻ vừa động viên vừa đẩy thằng bé vào bãi trung tâm với những đứa trẻ khác. Nó

quay lại nhìn mẹ như để lấy thêm tinh thần rồi bước đến chỗ chàng trai trẻ để được hướng

dẫn và buộc một dải lụa nhỏ màu xanh nhạt lên cổ tay. Nó vừa ngắm băng lụa mỏng, vừa

lắng nghe luật chơi từ người quản trò. Xung quanh nó tầm hơn chục đứa trẻ khác, có đứa

nghe luật chơi đầy nghiêm túc như muốn nhớ từng câu chữ vào đầu, có đứa chỉ ra phía

vòng ngoài – nơi bố mẹ chúng đang vẫy tay động viên, một số khác thủ thỉ nói chuyện

nhưng nét mặt y như đã nắm chắc luật chơi của trò này rồi.

Tiếng còi bắt đầu vang lên, âm thanh từ hai chiếc loa màu đen như khuấy động tưng bừng

bầu không khí, tiếng người bên ngoài hò hét và cả tiếng đám trẻ reo lên mỗi khi tìm được

mảnh ghép đúng cho đội của mình. Nó cùng với ba đứa khác cùng một đội – đội xanh.

Những mảnh ghép được rải ở khắp nơi trên bàn, trên tấm bạt rộng phủ kín mặt đất. Chốc

chốc, mấy đứa lại phải nhìn lại bức hình gốc để xem còn thiếu mảnh ghép nào. Mấy mảnh

ghép cuối cùng lại càng khó hơn bởi màu sắc của chúng na ná nhau.
Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

“Đội Đỏ chỉ còn thiếu một mảnh ghép nữa thôi!” – Người quản trò thông báo.

Hai đội còn lại cuống lên để không bị thua cuộc. Nó tìm được cùng lúc hai mảnh ghép, chạy

đến lắp vào bức hình lớn của đội, nó cảm thấy rạo rực hơn bao giờ hết. Người quản trò cũng

nhanh chóng nhận ra: Đội Xanh cũng chỉ còn thiếu một mảnh ghép cuối cùng.

- Đội Xanh cũng chỉ cần một mảnh ghép nữa thôi!

- Con tìm được rồi! – một cậu bé hét lên.

Nó nhận ra ngay đó là đồng đội của mình. Bốn đứa trẻ xúm lại cùng nhìn bức hình hoàn

thiện và ăn mừng chiến thắng. Kế sau đó vài giây là Đội Đỏ cũng tìm được mảnh ghép cuối

cùng. Mấy đứa trẻ Đội Vàng vẫn loay hoay tìm mảnh ghép màu nâu nhạt để hoàn thiện

chiếc mũ rơm của người nông dân trong bức hình. Mọi người đều cổ vũ tinh thần cho họ.

Nó cũng vỗ tay và reo hò: “Cố lên!”. Chiến thắng đã làm cho nó không còn nhút nhát như

lúc mới nhập cuộc nữa. Giờ nó nhận ra rằng câu nói “Chơi cho vui mà, thắng thua không

quan trọng.” hoàn toàn sai đối với nó ngay lúc này. Những người thắng thì họ sẽ hiểu được

tầm quan trọng của sự chiến thắng to lớn đến nhường nào. Khi bạn chiến thắng, nó sẽ tạo

cho bạn một sự tự tin kì lạ, lớn hơn bất kì lời động viên, khích lệ chân thành nào.

- Đội Vàng đã làm được! – Chú thanh niên áo trắng reo mừng.

Tất cả mọi người xung quanh vỗ tay cho những đứa trẻ đã tham gia và nỗ lực hết mình để

hoàn thành nhiệm vụ của trò chơi. Sau đó, từng đứa đến chỗ chú thanh niên để trả lại dải

lụa màu. Chẳng biết từ bao giờ mà dải lụa đã thắt nút rất chặt. Vì lười tháo dải lụa hay vì

biết thằng bé thích, người thanh niên cất giọng:

- Không cần trả lại đâu. Tặng con đấy.

- Con cảm ơn chú! – nó vừa vuốt ve dải băng trên cổ tay, vừa gật đầu lễ phép.

Mẹ nó vẫy tay, chưa kịp gọi tên thì nó đã lao ngay đến khoe với mẹ. Mẹ chùng gối xuống lau

mồ hôi trên má nó:


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

- Con giỏi lắm! Con muốn ăn gì để mẹ thưởng cho con.

- Ăn gì cũng được! – nó mừng rỡ.

Mẹ dắt tay nó ra khỏi đám đông. Những nhóm người khác đã chuẩn bị để tiếp tục những

lượt chơi mới. Mặt trời đã khuất hẳn sau những toà nhà, chỉ còn thấy ánh nắng hắt lên từ

những tấm cửa kính. Trời mỗi lúc lạnh hơn, gió thổi mặt hồ lăn tăn. Những chiếc lá khô trôi

trên mặt nước như những chiếc thuyền tí hon trong bức hình mà nó ghép ở trò chơi vừa

nãy. Nghĩ về chiến thắng đó, nó lại tủm tỉm.

Mẹ đưa nó đến một chiếc ghế đá cạnh hai cây cọ cảnh, tàu lá khẽ đung đưa như mời chào.

Mẹ lấy từ trong ba lô của nó ra chiếc mũ lưỡi trai mà mẹ đã mua cho từ mùa hè năm ngoái.

Mẹ đội mũ lên đầu cho nó. Mái tóc đẫm mồ hôi hồi nãy giờ đã khô cong bởi những cơn gió

đông của Hà Nội.

- Con ngồi đợi mẹ ở đây nhé! – Mẹ nhẹ nhàng đặt chiếc ba lô lên đùi để nó ôm cho

khỏi gió.

- Vâng. Mẹ đi mua gì hả mẹ? – Nó băn khoăn vì không biết phần thưởng cho chiến

thắng vừa rồi của nó sẽ là gì.

- Ừ. Mẹ đi lát thôi.

Bà mẹ trẻ đứng phắt dậy đi ngay về phía những cửa hàng bán đồ ăn thức uống. Nó dõi mắt

nhìn theo nhưng chẳng mấy chốc mẹ nó đã hoà vào dòng người nhộn nhịp trên khu phố

đông đúc lẫn với khói bếp toả ra từ những gánh hàng bán ngô khoai nướng. Ánh nắng le lói

cuối cùng len được qua khe hở giữa hai toà nhà bên kia hồ chiếu chính diện vào khuôn mặt

khiến nó phải nheo mắt, cúi xuống . Nhiều cặp bố mẹ trẻ cách đó không xa vẫn đang cố

hứng lấy những tia nắng cuối cùng để chụp hình cùng với các con của mình. Tự nhiên nó

thấy nhớ bố, nó ước cũng được đi chơi với cả bố và mẹ. Nếu có cả hai thì lúc này nó đã

không phải ngồi chờ một mình.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

Thực tế bố nó là người đàn ông tính cách thế nào, vóc dáng ra sao thì nó cũng không hề rõ.

Trong tâm trí non nớt của nó rất mơ hồ về bố qua những lời mà mẹ nó miêu tả. Nó cảm

nhận lúc gần, lúc xa về người bố đó. Chỉ có duy nhất một chi tiết mà nó được nghe rất nhiều

lần đó là: “Bố của con đi làm ăn xa lắm.”

Mấy gia đình trẻ tản mác dần và đi về phía khu phố ẩm thực – nơi mẹ nó đang tìm mua đồ

ăn. Nó tò mò không biết mẹ mua những gì mà lâu đến thế. Mắt nó hướng về khu phố đông

đúc, ngóng chờ người mẹ bước ra từ dòng người tấp nập đó. Khu phố càng đông hơn khi

chiều muộn, lác đác một vài chiếc xe bán bánh chuối đã sáng đèn. Ngày mùa đông ngắn đến

không tưởng hay tại mấy chiếc đèn bên kia đường khiến cho không gian sẩm tối nhanh hơn.

Nó căng mắt nhìn về phía những chiếc xe bán hàng sáng loá những ánh đèn để nhìn rõ hơn

mọi thứ ở gần đó. Tiếng mời gọi khách í ới hoà với tiếng nhạc vọng lại từ xa của đám thanh

niên trẻ nhảy nhót trên phố đi bộ. Đầu óc cậu bé lúc này chỉ chăm chú nhìn về phía bên kia

đường, mắt nó khô đi vì mỏi. Cho đến khi mờ đi, nó mới chịu nháy mắt và lấy bàn tay dụi

nhẹ. Rồi lại tiếp tục căng hai con ngươi chờ mẹ. Niềm vui chiến thắng của nó dần dần bị thế

chỗ bởi sự lo lắng và bồn chồn khó tả.

“Hay là mình chạy đi tìm mẹ?” – nó phân vân không biết phải làm sao. Nhưng nó quyết định

sẽ ngồi chờ mẹ ở đây như lời mẹ dặn trước đó. Nó lại tiếp tục ngồi ôm chiếc ba lô, tay phải

cứ táy máy dải lụa xanh ở cổ tay trong vô thức.

Những cột đèn đường bật sáng giúp nó nhìn rõ hơn cảnh vật xung quanh. Hòn đảo nhỏ giữa

hồ cũng được khoác lên một màu lấp lánh. Xung quanh thành hồ cũng được thắp sáng bằng

những chiếc bóng nhỏ. Mặt hồ phản chiếu màu sắc đẹp như một bức tranh. Ngay cạnh chỗ

nó ngồi, một cột đèn đường rọi xuống, nó nhìn rõ bóng mình in trên mặt đất. Mấy tàu lá cọ

thỉnh thoảng lại run lên trong gió như muốn trò chuyện cùng cậu bé đang ngồi lủi thủi với

mớ cảm xúc hỗn độn.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

- Cháu đi với ai? – một cô bán hàng rong hỏi khiến cậu bé giật mình.

- Cháu đi với mẹ. Mẹ cháu đang đi mua đồ ăn.

Nó nhìn mặt cô bán hàng trông bộ dạng cũng giống với những người ở trong xóm lao động

nghèo. Sau vài câu hỏi xã giao, người phụ nữ đứng dậy, cắp cái rổ lớn đựng đầy món hàng

bé xíu vào hông tiếp tục đi bán hàng. Cậu bé nhìn theo được vài bước, mắt lại đảo liền về

phía khu phố tấp nập bên kia.

Mấy xe hàng bánh chầm chậm di chuyển. Có lẽ họ đã bán hết số bánh của hôm nay. Bụng nó

bắt đầu phát ra những âm thanh báo hiệu rằng đã đến lúc phải ăn gì đó sau một buổi chiều

giải phóng hết năng lượng bằng việc di chuyển và chơi đùa. Nhưng mẹ vẫn chưa trở lại để

giúp cái bụng đói của nó được yên ắng trở lại. Nó quay ngược chiếc mũ lưỡi trai trên đầu để

có thể quan sát rõ hơn. Mắt nó mỏi nhừ và nhoè dần vì hai hàng nước tuôn ra từ lúc nào

không hay. Tay nó liên tục lau nước mắt trên má, trên cổ. Nó chỉ dám nấc khẽ vì nó sợ người

đi qua sẽ để ý, một phần khác là nó sợ nếu mẹ thấy cảnh như vậy thì nó sẽ rất xấu hổ.

Phố sá thưa dần. Các cô chú lao công đã bắt đầu quét dọn. Một số cửa hàng không còn thấy

bóng dáng vị khách nào nữa, chỉ còn vài nhân viên đang lau chùi và xếp lại mấy chiếc ghế

nhựa màu đỏ thành từng chồng cao. Khu phố tấp nập giờ đây đã vãn. Tầm mắt của nó cũng

được xa hơn. Nó nhìn những bóng dáng ở gần và tìm kiếm, rồi đưa mắt xa hơn để cố gắng

nhận diện xem liệu người nào đó đang đi về hướng nó có phải là mẹ không. Sau hơn chục

lần như thế, nước mắt cứ trào ra không ngừng. Nó run lên lẩy bẩy vì sợ, vì đói và vì rét. Tàu

lá cọ nghiêng đi nghiêng lại như đồng cảm với cậu bé ngay lúc này. Nó khoác chiếc ba lô lên

lưng, mắt nhìn về khu phố chỉ còn lác đác vài người, chạy nhanh về hướng đó để tìm mẹ.

Bước vào trong khu phố, nó mới thấy được nhiều ngõ ngách đến nhường nào. Nó thầm nghĩ

hay là mẹ nó cũng bị lạc rồi. Theo cảm tính, nó men chọn con đường sáng nhất và còn nhiều

người qua lại nhất. Những cửa hàng bán đồ trang trí Tết đỏ rực hai bên phố. Khách vẫn còn
Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

lựa chọn những món đồ ưng ý nhất trước khi cửa hàng đóng cửa. Hễ cửa hàng nào có người

là nó lại nhòm vào để tìm mẹ. Hi vọng khi thấy đám đông rồi thất vọng khi ở đó chẳng có

mẹ. Cứ thế, nó đã đi hết con phố trong nỗi tuyệt vọng.

Nó ngồi trước thềm của một cửa hàng đã đóng cửa, nhìn lại con phố vừa đi qua như muốn

kiểm tra lại một lần nữa biết đâu nó đã bỏ sót gương mặt nào chăng. Nó ôm mặt khóc. Nó

không sợ người đi đường để ý nữa, lại càng không lo mẹ chứng kiến sự yếu đuối này. Nó

ngồi đó, khóc lên từng cơn giữa khu phố vắng. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy phóng vụt qua

nhưng chẳng ai để tâm đến tiếng khóc của nó. Cái đói đã vắt hết sức lực của nó. Tiếng khóc

cũng nhỏ dần, nước mắt thấm ướt cả hai đầu gối. Nó chỉ còn sức để nấc lên một cách gấp

gáp.

Một người phụ nữ dắt theo đứa trẻ đi ngang, trông thấy thằng bé tội nghiệp đang ngồi co ro

vì đói rét. Họ tiến đến và hỏi thăm.

- Con bị lạc à? Bố mẹ của con đâu? – người phụ nữ đặt nhẹ bàn tay lên lưng nó.

- Vâng. Con bị lạc mẹ. – nó nhìn mặt người phụ nữ khẩn khoản.

- Con biết địa chỉ hay số điện thoại của mẹ con không?

- Con không biết.

- Con chỉ biết từ nhà con đến đây rất xa. Phải ngồi trên xe buýt gần hai tiếng cơ. –

nó nghẹn ngào đưa tiếp thông tin với ánh mắt đầy hi vọng.

Người phụ nữ mở cái túi xách mà bên trong có chừng bốn năm chiếc bánh mì nóng, hơi khói

vẫn còn bay lên khi chiếc túi được mở ra. Cô đưa một chiếc bánh cho nó. Nói chưa hết câu

cảm ơn, nó đã ngay lập tức cắn một miếng đầy miệng.

- Để cô xem ba lô của con có gì ở trong. Biết đâu, chúng ta lại tìm được địa chỉ hay

thông tin gì đó có ích.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

Nó không trả lời. Nhưng nó nghe rõ lời yêu cầu nên bỏ chiếc ba lô ra và đưa cho người phụ

nữ. Thằng bé vẫn chỉ lăm lăm chiếc bánh mì và cắn những miếng cuối cùng. Nó cũng thường

được mẹ mua bánh mì ở xóm ăn vào buổi sáng thay cho những ngày không lót dạ bằng nắm

xôi lạc của bà Thu. Chưa bao giờ nó ăn bánh mì nhanh như thế. Cái đói rét thật tàn bạo!

- Có một lá thư! – người phụ nữ lấy ra từ trong ba lô của nó.

Nó nuốt vội miếng bánh cuối cùng còn chưa kịp nhai kĩ. Mắt nó sáng lên nhìn vào lá thư trên

tay người phụ nữ. Người phụ nữ lẩm nhẩm, mắt lướt nhanh trên tờ giấy từ trái sang phải,

khuôn mặt đăm chiêu. Nó thấy hai lông mày của cô thỉnh thoảng lại cau xuống.

- Thư của mẹ con hả cô? – nó thắc mắc.

- Ừ, của mẹ con! – Vừa nói, người phụ nữ vừa gấp lá thư, cho vào ba lô, rồi kéo

khoá lại.

- Thư viết gì ạ? Có địa chỉ hay số điện thoại của mẹ con không? – nó sốt sắng.

Người phụ nữ nhìn vào mắt cậu bé, tay lau nhẹ những vụn bánh mì còn vương lại trên khoé

miệng. Cô thở dài và lấy một hơi như bắt đầu một cuộc trò chuyện quan trọng.

- Mẹ con không đón con nữa đâu. Trong thư mẹ con nói rằng nếu ai đó bắt gặp

con thì hãy giúp nuôi con. Vì mẹ con không thể tiếp tục nuôi con được nữa.

- Không! – nó hét lên và oà khóc nức nở…

Tiếng khóc của nó phá tan sự yên tĩnh về đêm ở khu phố này. Nó giận mẹ vì đã đưa nó đến

đây và bỏ nó lại một mình. Nó sợ sẽ không có ai bảo về và chăm sóc nó nữa. Nó vừa khóc

vừa giãy giụa hai bàn chân xuống đất như oán trách khi bị ai đó đổ thừa. Đứa bé đi cùng

người phụ nữ thôi im lặng. Cô bé đến gần hơn.

- Chị cũng bị mẹ bỏ rơi. Em đừng sợ!

- Là sao? – nó nín thít sau lời nói của cô bé.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

- Hai năm trước, mẹ chị cũng đưa chị đi vào phố và bỏ chị ở đó. Rồi chị gặp được

mẹ Quỳnh và về sống với mẹ. – ánh mắt cô bé đưa sang người phụ nữ.

- Hay mẹ đưa em về cùng đi mẹ? - cô bé lí nhí hỏi.

Trên con phố vắng hoe, dưới ánh đèn đường vàng, người phụ nữ cùng hai đứa trẻ bước

chậm rãi về phía hun hút. Bóng của ba con người in xuống mặt đường, họ chẳng nói gì với

nhau bởi trong suy nghĩ sâu thẳm của họ đang có những chất chứa riêng không thể chia sẻ.

Chỉ có mấy tán bàng đung đưa được ánh đèn vàng soi lên mặt đường rải nhựa xào xạc, xào

xạc, …

Mở cánh cổng sắt đã hoen rỉ, họ bước vào một căn nhà cấp bốn. Phía trước có một cái sân

nhỏ với mấy chậu cây có vẻ đã chết khô từ lâu. Duy nhất một gốc hoa giấy vẫn còn vài chiếc

lá xanh âm thầm và cố gắng giữ lấy sự sống của mình.

- A! mẹ và chị Mai về rồi. – một đứa trẻ từ trong nhà reo lên như thông báo.

Sau tiếng báo hiệu của cậu, một đứa trẻ khác lao ra như tên bắn, nhảy phắt xuống sân bỏ

qua cả mấy bậc thềm lát đá hoa lởm chởm đủ thể loại màu sắc, hình dáng.

- Sao nay mẹ về muốn thế? Bọn con về hơn tiếng đồng hồ rồi.

- Bánh mì đây. Ăn đi! – người phụ nữ đưa cả bịch bánh mì cho bọn trẻ, và phớt lờ

thắc mắc của chúng.

Chị Mai ngoắc cái đầu ra hiệu cho Minh:

- Đi vào đây.

- Ừ, dạ, …

- Ai đây, chị Mai? – đứa trẻ ôm bịch bánh mì và hỏi.

- Nó là Minh. Bằng tuổi bọn mày. Mẹ với tao thấy trên phố nên đưa về đây.

- Cũng bị bỏ à? – đứa trẻ còn lại đánh một câu tỉnh queo.

- Ờ….. ừ…. ! – Nó ngập ngừng.


Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

Nó không biết phải xác minh cái thông tin nó bị bỏ như thế nào nữa. Chính lúc này đây, nó

cũng chưa tin điều gì đã vừa xảy ra trong cuộc đời nó. Đầu óc nó như một mớ bòng bong.

Đâu đó trong suy nghĩ nó chưa tin đây là sự thật. Nhưng nghĩ về lá thư, nhìn chị Mai và hai

đứa trẻ còn lại, nó chợt nhận ra sự thật nghiệt ngã này không phải là giấc mơ.

Vừa gặm miếng bánh mì, một đứa vừa tự giới thiệu bản thân như trong một lớp học có

thêm học sinh vừa mới chuyển từ nơi khác đến, chỉ khác là cách xưng hô này sẽ khiến giáo

viên giật mình, lo lắng.

- Tao là Tuấn. Mẹ Quỳnh nói tao 7 tuổi chứ thật ra tao cũng không rõ. Cứ gọi tao là

Tuấn Xoăn.

- Tao là Hải. Tao cũng 7 tuổi. Tao …đến đây ….từ mùa hè …năm ngoái. – vừa nói,

thằng bé vừa nhai cả miếng trứng rán to tướng trong mồm.

- Mọi người gọi nó là Hải Mập. – Chị Mai nói thêm.

- Mình tên là Minh. Vài tháng nữa sẽ 7 tuổi. – nó cúi gằm mặt xuống, tay dứt nhẹ

dải lụa xanh ở cổ tay trái.

- Đây là chị Mai. Chị ấy lớn tuổi nhất ở đây. Chị ấy giỏi lắm đấy! – Hải đập tay nhẹ

vào lưng Mai, mặt vẻ tự hào.

“Ăn nhanh rồi chuẩn bị đi ngủ. Ngày mai còn đi bán hàng.” - tiếng mẹ Quỳnh vọng ra từ căn

phòng nhỏ bên cạnh. Mấy đứa trẻ nghe thấy liền khẩn trương kết thúc “buổi gặp mặt” và

trèo lên chiếc phản gỗ cao hơn sàn nhà chừng một gang tay người lớn.

- Tất cả chúng ta ngủ ở đây à? – Minh thì thầm hỏi.

- Chẳng nhẽ ngoài sân à? – Hải Mập nằm sấp nhưng vẫn nghếch cái mặt lên đáp lại

Minh bằng một câu hỏi đầy ý khẳng định.

Minh rón rén bước lên, nằm vào chỗ trống còn lại trên giường (mặc dù đó không hẳn là một

cái giường). Chị Mai với ngón tay trỏ qua đầu, gạt cái công tắc điện xuống. Gian phòng tối
Vẽ Lại Nỗi Đau – Quang Lộc

đen như mực, nó vặn người nghiêng nhẹ, mặt hướng ra phía cửa. Lúc này, nó mới nhận ra

ánh sáng từ căn phòng của mẹ Quỳnh vẫn còn hắt ra khe cửa.

Mắt nó nhìn chằm chằm vào tia sáng mờ ảo chiếu vào bức tường vôi xám xịt. Nó nhớ căn

nhà nhỏ ở khu xóm lao động nghèo – nơi mà tối qua nó vẫn còn ở đó. Nó nghĩ về mẹ - người

yêu thương nó hết mực nhưng lại đành tâm bỏ nó giữa phố. Nó giận gia đình đã không yêu

thương và che chở cho nó như những gia đình trẻ ở bờ Hồ Gươm lúc chiều. Nước mắt nó

nóng hổi chảy qua sống mũi, rơi xuống chiếc gối ướt nhoè. Cảm giác bị bỏ rơi từ chính gia

đình của mình có lẽ là nỗi đau tuyệt vọng nhất trên thế giới này. Những câu hỏi cứ quanh

quẩn trong trí óc mà không tài nào tìm được lời giải đáp: “Tại sao họ lại bỏ rơi mình?”;

“Mình đã làm gì sai?”; “Họ ghét mình như vậy sao?”; “Mình là gì trên cuộc đời này?”; ….

Chúng không giúp nó thoải mái hơn, ngược lại chỉ khiến cậu bé càng thấy mình chẳng có giá

trị gì. Ánh sáng cuối cùng từ phòng bên vụt tắt, khoảng không tối thăm thẳm. Tầm nhìn của

nó vô định, nó nghe rõ tiếng thở của mình, tiếng khò khè của thằng Hải Mập. Nó chợt nhớ

về đám bạn cùng chơi đồ hàng trước hiên nhà, có lần tranh giành nhau tên người nhện làm

om cả xóm để rồi bị ông Lợi nhà bên mắng một trận tơi bời. Đầu óc tiếp tục nghĩ về những kỉ

niệm xa hơn, xa hơn, ….cho đến khi nó thiếp vào giấc ngủ.

You might also like