You are on page 1of 11

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


------------------------
Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2022

BÁO CÁO TỔNG KẾT BUỔI ĐI THỰC TẾ TẠI TOÀ ÁN

Họ và tên: Trần Hoàng Thy Uyên Mã sinh viên: 2111610064


Lớp tín chỉ: PLU 215.1 Nhóm: 02 - STT: 70
Báo cáo của em sau chuyến đi thực tế tại Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
như sau:

I. Giới thiệu về Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội


- Một trong các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam. Tòa án này có thẩm
quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của
Việt Nam từ Hà Tĩnh trở ra bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú
Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào
Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hưng
Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái
Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Tòa nhân dân cấp cao tại Hà Nội thành lập trên cơ sở Tòa phúc thẩm Tòa
án nhân dân tối cao tại Hà Nội vào ngày 28/5/2015 (Nghị quyết số
957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
- Tổng số biên chế là 192 người, Chánh án Nguyễn Xuân Tĩnh, 3 Phó
Chánh án và Uỷ ban thẩm phán gồm 11 người.
- Trụ sở tòa án đặt tại ngõ 2, Tôn Thất Thuyết, Phường Yên Hòa, Quận
Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

II. Tổng quan về vụ án (vụ án hình sự, tội danh giết người và tàng trữ
trái phép chất ma tuý)
1. Nội dung vụ án
Năm 2016, Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1991, nghề nghiệp tự do, trú tại Hà
Nội) kết hôn cùng anh Trần Ngọc Sơn. Do có mâu thuẫn, hai người không sinh
sống cùng nhau, mà Lan Anh đã quay về sống cùng mẹ đẻ. Hai người có một
con chung là cháu Nguyễn Ngọc Minh Minh (sinh năm 2017). Sau khi sinh
cháu Minh, Lan Anh đã gặp gỡ và quen biết Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm
1989, nghề nghiệp tự do, trú tại Hà Nội).
Năm 2018, Lan Anh ly hôn với anh Trần Ngọc Sơn, kết hôn cùng Nguyễn Minh
Tuấn. Cả hai có một con chung là cháu Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 2018).
Lan Anh để cháu Nguyễn Ngọc Minh Minh lại cho bà ngoại cháu chăm sóc.
Tháng 10 năm 2019, do công việc bận rộn, nhiều ngày phải thức đêm làm việc,
Nguyễn Minh Tuấn đã mua ma tuý đá về và sử dụng.
Tháng 02 năm 2020, Tuấn liên hệ với một đối tượng nam giới tên Nam (không
xác định được nhân thân), mua 2.300.000 đồng tiền ma túy đá và bảo vợ đi lấy
hàng mang về cất giữ để sử dụng dần.
Ngày 05 tháng 03 năm 2020, Lan Anh gọi điện cho mẹ đẻ, xin phép đón cháu
Minh sang để chăm sóc và được bà đồng ý.
Từ ngày 05 tháng 03 đến ngày 08 tháng 03 năm 2020, cháu Minh ngoan, nghe
lời và được Tuấn yêu quý. Giữa Tuấn và cháu Minh không xảy ra mâu thuẫn gì.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 29 tháng 03 năm 2020, sau khi ngủ dậy, Tuấn bảo cháu
Minh đang ở trên gác xép xuống làm vệ sinh cá nhân và sau khi cháu Minh vệ
sinh cá nhân xong lên gác xép ngồi, Tuấn hỏi Minh ăn gì thì cháu đòi ăn bánh
gạo. Do không hài lòng với thái độ của cháu Minh, Tuấn gọi Lan Anh lấy chậu
mang lên gác xép rồi bắt Minh Minh vào ngồi phạt ở trong chậu đến khi nào
Minh Minh nhận lỗi mới tha.
Trong ngày 29 tháng 03 năm 2020, Tuấn nhiều lần dùng tay đánh vào vùng đầu,
mặt, ngực, lưng của cháu Minh; đồng thời dùng cán chổi đánh vào đầu gối,
chân, tay, mông, lưng và hai bên mạn sườn của cháu; trong khi vẫn phạt cháu
phải quỳ trong chậu nhựa.
Trong cùng ngày, Lan Anh và Tuấn đã có hành vi sử dụng ma tuý đá. Sau khi sử
dụng ma tuý, cả hai tiếp tục có những hành vi bạo lực với cháu Minh, Lan Anh
đã dùng cán chổi tiếp tục đánh cháu, lấy tay véo hai bên tai và có hành vi sử
dụng kim khâu đâm vào bắp tay, mặt trong đùi cháu (mỗi bên khoảng 2 - 3 lần).
Khoảng 2 giờ sáng ngày 30 tháng 03 năm 2020, Lan Anh xuống nhà, hỏi cháu
Minh có uống sữa không thì phát hiện cháu có biểu hiện mệt mỏi, đại tiện mất
kiểm soát nên gọi cháu dậy để ra nhà vệ sinh nhưng cháu không đứng dậy được.
Lan Anh đã xốc nách cháu đưa ra nhà vệ sinh tắm rửa rồi đưa cháu lên gác xép
ngủ.
Khoảng 8 giờ ngày 30 tháng 03 năm 2020, Tuấn và Lan Anh phát hiện cháu bị
đau, có biểu hiện khó thở, chân tay lạnh, thân nhiệt cao bất thường nên đã tiến
hành hô hấp nhân tạo, ép ngực để cấp cứu. Sau đó, Lan Anh đã gọi điện cho bố
chồng nhờ giúp đỡ. Cháu Minh được đưa đến bệnh viện Đại học Y Hà Nội, và
sau khi cấp cứu đến khoảng 11h cùng ngày thì cháu Minh đã tử vong. Do phát
hiện cơ thể cháu Minh có nhiều dấu vết ngoại lực tác động (phát hiện viêm hô
hấp cấp, tuần hoàn yếu, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím, nhiều vết xước), nên
bệnh viện đã báo cơ quan Công an để làm rõ.
13 giờ 30 cùng ngày, cơ quan điều tra quận Đống Đa phát hiện nhiều dấu vết
trên gác xép, đồng thời phát hiện chất lỏng trong suốt là ma tuý đá. Ngoài ra,
còn thu giữ 01 túi ni lon bên trong chứa tinh thể màu trắng là ma túy loại
Methamphetamine, khối lượng 2,618 gam và chất lỏng bên trong chai nhựa
nhãn hiệu “STING” màu vàng có ma túy loại Methamphetamine, thể tích chất
lỏng 90 ml, nồng độ Methamphetamine là 0,00075 g/ml.
Bản giám định pháp y số 4220 ngày 02 tháng 06 năm 2020 của Phòng KTHS –
CATP Hà Nội kết luận nguyên nhân tử vong của cháu Nguyễn Ngọc Minh Minh
là chấn thương sọ não nặng. Thương tích vùng đầu, mặt nạn nhân do tác động
của vật tày gây nên.
Ngày 30/3/2020, cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị
can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan
Anh về tội: Giết người và tàng trữ trái phép chất ma túy.

2. Kết luận của phiên tòa sơ thẩm


Ngày 18 và 19 tháng 11 năm 2020, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, đại
diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: “Trong vụ án này, bị cáo Tuấn giữ vai trò chủ
mưu, còn bị cáo Lan Anh là đồng phạm tích cực”.
Tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tuấn
tử hình vì tội giết người, 30 tháng tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tổng
hợp hình phạt chung là tử hình.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lan Anh tù chung thân vì tội giết người, 18
tháng tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tổng hợp hình phạt chung là tù
chung thân (Tuy có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền sống của con
người nhưng được giảm nhẹ do bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi).

3. Lý do xét xử phúc thẩm


Ngày 20 tháng 11 năm 2020, bà Vũ Thị Dự (trú tại xã Võng La, huyện Đông
Anh, Hà Nội), bà ngoại của cháu Nguyễn Ngọc Minh Minh, có đơn kháng cáo
gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cùng Toà án nhân dân thành phố Hà
Nội, bày tỏ mong muốn giữ nguyên hình phạt tử hình bị cáo Nguyễn Minh Tuấn
về tội giết người và buộc bị cáo phải tâm phục khẩu phục, tăng hình phạt về tội
tàng trữ trái phép chất ma tuý đối với Tuấn.
Sau đó, bà Dự đã rút đơn kháng cáo.
Ngày 15 tháng 12 năm 2020, bà Vũ Thị Dự, bà ngoại cháu Nguyễn Ngọc Minh
Minh, viết đơn xin giảm hình phạt cho Tuấn, xin cho Tuấn bị phạt tù chung thân
thay vì tử hình; xin giảm nhẹ hình phạt cho Lan Anh.
Bên cạnh đó, hai bị cáo Tuấn và Lan Anh cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ
hình phạt đối với tội giết người.

III. Diễn biến phiên tòa phúc thẩm


1. Chuẩn bị khai mạc phiên tòa
- Thư ký Toà án tiến hành các công việc:
● Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập (không
có ai vắng mặt).
Các thành phần tham gia phiên toà:
+ Hội đồng xét xử: Thẩm phán chủ toạ phiên toà cùng hai Thẩm
phán khác thuộc Tòa án Nhân dân cấp cao
+ Thư ký phiên tòa: Thư ký Toà án nhân dân cấp cao
+ Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
+ Người đại diện theo uỷ quyền của người bị hại: Bà Vũ Thị Dự (bà
ngoại của nạn nhân)
+ Luật sư bào chữa: Bà Ngô Phương Mai
+ Bị cáo: Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Minh Tuấn
+ Người giám định thuộc bộ phận Giám định pháp y công an thành
phố Hà Nội
+ Người giám định Pháp y bệnh viện Saint Paul
+ Chuyên viên phòng Kỹ thuật Hình sự công an thành phố Hà Nội
+ Lực lượng Công an nhân dân bảo vệ phiên tòa
● Phổ biến nội quy phòng xử án, trong đó bao gồm một số điều như
sau (theo Điều 3 Thông tư số 01/2014/TT-CA do Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao ban hành năm 2014):
+ Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc,
chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài
liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào
phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử
hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo
để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
+ Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình
giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký
phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc
phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của
Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy
triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên
tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
+ Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử
vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được
phép của Chủ tọa phiên tòa.

2. Khai mạc phiên tòa


- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định.
- Thư ký Tòa án báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt của những người
được Tòa án triệu tập.
- Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người có mặt tại
phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và kiểm tra lý lịch, phổ biến
quyền và nghĩa vụ.
● Kiểm tra lý lịch của các bị cáo: bao gồm họ và tên, năm sinh, địa
chỉ thường trú trước khi bị bắt tạm giam, nghề nghiệp, trình độ văn
hoá, đã từng có tiền án hình sự hay chưa.
● Kiểm tra lý lịch của người đại diện theo uỷ quyền của người bị hại:
bao gồm họ và tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, quan
hệ với người bị hại và người uỷ quyền.
● Kiểm tra sự có mặt của người giám định, luật sư bào chữa, kiểm sát
viên.
● Phổ biến về quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, của người đại diện
theo uỷ quyền của người bị hại và các thành phần khác tham gia
phiên toà.
- Chủ toạ phiên toà công bố tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án
sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị (như đã nêu ở phần I).

3. Xét hỏi
- Hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo không; hỏi các
bị cáo về lý do kháng cáo:
● Hỏi đại diện theo uỷ quyền của người bị hại: Bà Vũ Thị Dự kháng
cáo xin giảm nhẹ hình phạt (hai đơn kháng cáo: một đơn với tư
cách cá nhân và một đơn với tư cách người đại diện theo uỷ quyền
của người bị hại). Chủ toạ phiên toà công bố rõ, đơn kháng cáo chỉ
xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội giết người, không xin
xem xét giảm nhẹ đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Bà Dự
đồng ý, không có ý kiến thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Về lý do kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho hai bị
cáo: Sau một thời gian suy nghĩ, bà Dự thấy rằng dù sao hậu quả sự
việc cũng đã xảy ra, cùng với lý do con của bị cáo Tuấn và Lan
Anh vẫn còn nhỏ, cần có bố mẹ nuôi dưỡng.
● Hỏi các bị cáo:
+ Bị cáo Nguyễn Minh Tuấn: Chủ toạ phiên toà hỏi về lý do xin
kháng cáo. Lý do bị cáo đưa ra là hình phạt quá nặng (đã thừa nhận
tội danh và phương thức phạm tội nêu trong nội dung bản án sơ
thẩm là đúng), do bị cáo chỉ đánh nạn nhân với mong muốn dạy dỗ
con trẻ, chứ không phải hành vi cố ý giết người. Đồng thời, bị cáo
cũng đưa ra tình tiết giảm nhẹ: do gia đình có công với Cách mạng.
+ Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh: Về lý do xin kháng cáo, cũng đưa ra
lý do xin xem xét lại do hình phạt quá nặng (đã thừa nhận nội dung
bản án sơ thẩm là đúng, tuy vậy không thừa nhận tội danh giết
người). Không có tình tiết giảm nhẹ.
Trước lời phủ nhận tội danh giết người của bị cáo, chủ toạ phiên
toà đưa ra lời giải thích: hành vi của bị cáo đã gây ra thương tích,
góp phần dẫn đến cái chết của nạn nhân, và dù không phải nguyên
nhân trực tiếp dẫn đến cái chết nhưng trước hành vi bạo lực của
chồng, bị cáo cũng không có biện pháp can ngăn, vậy nên được xác
định là đồng phạm trong vụ án.
- Hỏi bị cáo:
● Bị cáo Nguyễn Minh Tuấn:
+ Câu hỏi: Lý do bị cáo muốn đưa cháu Minh về nuôi dưỡng là gì?
Bị cáo trả lời: Muốn vợ mình được đoàn tụ với con, muốn hai chị
em (nạn nhân và con chung của bị cáo Tuấn và Lan Anh) được
sống cùng nhau từ nhỏ để nuôi dưỡng tình cảm.
+ Câu hỏi: Trước khi đón cháu Minh về nuôi dưỡng, bị cáo có nhận
thấy cháu có biểu hiện bất thường gì về tinh thần và sức khoẻ
không?
Bị cáo trả lời: Ban đầu không để ý nhiều, nhưng sau khi cùng
chung sống một thời gian thì phát hiện cháu hay cãi bướng, sau đó
thì không nói chuyện cùng ai.
+ Câu hỏi: Giữa hai vợ chồng có nhất trí trong việc đưa cháu Minh
về nuôi dưỡng không?
Bị cáo trả lời: Bị cáo nhất trí với việc hai vợ chồng đưa cháu Minh
về nuôi dưỡng.
+ Câu hỏi: Trước khi bị cáo kết hôn cùng bị cáo Lan Anh, có biết
rằng Lan Anh đã có con không?
Bị cáo trả lời: Biết Lan Anh đã có con.
+ Câu hỏi: Lý do bị cáo sử dụng ma tuý là gì?
Bị cáo trả lời: Do công việc, phải thức khuya nhiều.
+ Câu hỏi: Lý do sử dụng bạo lực với cháu Minh là gì? Do tác dụng
của ma tuý, do cháu là con riêng của bị cáo Lan Anh, hay vì lý do
khác?
Bị cáo trả lời: Do tác dụng của ma tuý và do cháu Minh thường
xuyên không trả lời và lườm bị cáo.
● Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh:
+ Câu hỏi: Trước khi đón cháu Minh về nuôi dưỡng, bị cáo có nhận
thấy cháu có biểu hiện bất thường gì về tinh thần và sức khoẻ
không?
Bị cáo trả lời: Cháu bị chậm nói, không nói được các câu dài, có
vài lần tự đập đầu vào tường.
+ Câu hỏi: Giữa bị cáo và mẹ đẻ là bà Vũ Thị Dự có xảy ra mâu
thuẫn gì không?
Bị cáo trả lời: Không xảy ra mâu thuẫn gì.
- Hỏi người đại diện theo uỷ quyền của người bị hại: Bà Vũ Thị Dự xác
nhận giữa bà và bị cáo Lan Anh không có mâu thuẫn gì, bà đồng ý để Lan
Anh đưa cháu Minh về nuôi dưỡng do bà nghĩ rằng Lan Anh có khả năng
nuôi dưỡng cháu tốt hơn.
- Hỏi giám định viên: Giám định viên xác nhận biên bản giám định pháp y
là chính xác, kết luận nguyên nhân tử vong do bị vật tày tác động gây
chấn thương sọ não nặng là phù hợp với nội dung nêu trong bản án sơ
thẩm: nạn nhân tử vong do bị tát, đánh nhiều lần vào vùng đầu, mặt.
Giám định viên đồng ý với ý kiến của Hội đồng xét xử.

4. Tranh luận
- Ý kiến kiểm sát viên: Kiểm sát viên đưa ra lời luận tội: Theo bản án sơ
thẩm số 440 ngày 19 tháng 11 năm 2020; căn cứ vào các điều 40, 55, 58,
khoản 1 điều 219, khoản 1 và 2 điều 251,... Bộ luật Hình sự năm 2015,
hình phạt tổng hợp dành cho bị cáo Tuấn là tử hình, bị cáo Lan Anh là tù
chung thân. Theo khoản 1 và 2 điều 51 Bộ luật Hình sự, đã áp dụng các
tình tiết giảm nhẹ như: chưa từng có tiền án; quá trình học tập, công tác
tốt; gia đình có công với Cách mạng (với Tuấn); đang nuôi con nhỏ dưới
36 tháng tuổi (với Lan Anh).
Theo ý kiến của kiểm sát viên, đây là hình phạt hợp lý, không có căn cứ
giảm nhẹ; đề nghị bác đơn kháng cáo của bà Vũ Thị Dự và hai bị cáo, giữ
nguyên hình phạt.
- Ý kiến tranh luận của luật sư: Đồng tình với ý kiến của đại diện Viện
kiểm sát cấp cao. Tuy nhiên, xét đến các tình tiết của vụ án, bị cáo Tuấn
đã nhiều lần hỏi cháu Minh muốn ăn gì nhưng không nhận được câu trả
lời, bị cáo Lan Anh đã cho cháu Minh uống sữa khi phát hiện cháu mệt
vào buổi sáng ngày 30 tháng 03. Khi phát hiện ra các dấu hiệu bất
thường, cả hai bị cáo đã có động thái sử dụng các biện pháp tích cực: hô
hấp nhân tạo, bị cáo Lan Anh đã gọi bố chồng giúp đỡ, gọi xe cứu thương
đưa cháu Minh đi cấp cứu. Thêm việc bà Dự đã gửi đơn kháng cáo, với
bà Dự, bị cáo là con gái, con rể, là thành viên gia đình. Các bị cáo đã có
thái độ hối hận, ăn năn, và sẽ day dứt suốt phần đời còn lại.
Luật sư đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn thành tù chung thân,
bị cáo Lan Anh thành 20 năm tù.
Kiểm sát viên đề nghị do Hội đồng xét xử quyết định. Người đại diện
theo uỷ quyền của người bị hại, các bị cáo không có gì bổ sung. Kết thúc
tranh luận.

5. Bị cáo nói lời sau cùng


Bị cáo Tuấn nói lời xin lỗi bố mẹ, gia đình, những người phải chịu ảnh
hưởng bởi vụ việc. Bị cáo Lan Anh nói lời xin lỗi mẹ đẻ và mong được
tha thứ.

6. Nghị án
Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

7. Tuyên án
Thẩm phán chủ toạ phiên toà tuyên án: Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành
vi phạm tội, phiên tòa sơ thẩm được tiến hành xét xử theo đúng quy định
của pháp luật. Lời nhận tội của các bị cáo phù hợp với biên bản giám
định. Hội đồng xét xử đồng ý để các bị cáo được sống, tạo cơ hội để quay
lại đời sống xã hội, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ
thẩm.
Kết luận: Bị cáo Nguyễn Minh Tuấn nhận hình phạt tù chung thân với tội
danh giết người, 30 tháng tù với tội danh tàng trữ trái phép chất ma tuý,
tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh nhận
hình phạt 20 năm tù với tội danh giết người, 18 tháng tù với tội danh tàng
trữ trái phép chất ma tuý.

IV. Đánh giá về vai trò các thành phần tham gia phiên toà phúc thẩm. Bài
học kinh nghiệm về vai trò các vị trí làm việc trong tòa án.
1. Đánh giá về vai trò của các thành phần tham gia phiên toà
- Căn cứ vào điều 354 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, phiên tòa đã
được tổ chức theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
- Đánh giá về vai trò của từng thành phần: Các thành phần tham gia phiên
toà đều đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định
của pháp luật.
+ Thư ký phiên tòa: Đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình do
pháp luật quy định (theo điều 300 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm
2015 về chuẩn bị khai mạc phiên tòa). Sau khi kiểm tra sự có mặt
của những người được Tòa án triệu tập, đã thực hiện công bố rõ
ràng nội quy phòng xử án (theo đúng Điều 3 Thông tư số
01/2014/TT-CA do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
năm 2014). Ngoài ra, trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra, thư ký
phiên tòa đã làm tròn nhiệm vụ ghi chép biên bản diễn biến phiên
tòa.
+ Hội đồng xét xử:
Chủ toạ phiên toà làm tròn nhiệm vụ của mình (theo điều 301 và
khoản 2 điều 354 Bộ luật Tố tụng Hình sự về khai mạc phiên tòa
và thủ tục phiên tòa phúc thẩm).
Hội đồng xét xử làm đúng nhiệm vụ tóm tắt nội dung vụ án, quyết
định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị (theo
khoản 1 điều 354 Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục phiên tòa
phúc thẩm); thực hiện đúng thứ tự xét hỏi, đảm bảo xét hỏi theo
đúng quy định pháp luật (điều 309, 310 và 316 Bộ luật Tố tụng
Hình sự về hỏi bị cáo; hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện;
hỏi người giám định). Trong phần tranh luận, đảm bảo có sự tranh
luận giữa kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và luật sư
bào chữa cho bị cáo (điều 322 Bộ luật Tố tụng Hình sự về tranh
luận tại phiên tòa); nghị án, tuyên án theo đúng quy định (điều 326
và 327 Bộ luật Tố tụng Hình sự về nghị án và tuyên án).
+ Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: Thực hiện đúng
nhiệm vụ (theo điều 321 và 322 Bộ luật Tố tụng Hình sự về luận
tội của Kiểm sát viên và tranh luận tại phiên tòa).
+ Người giám định pháp y, chuyên viên phòng Kỹ thuật Hình sự:
Thực hiện đúng nghĩa vụ, trả lời khi được hỏi (điều 316 Bộ luật Tố
tụng Hình sự về hỏi người giám định).
+ Luật sư bào chữa cho bị cáo: Thực hiện đúng nhiệm vụ khi tham
gia tranh luận (điều 322 Bộ luật Tố tụng Hình sự về tranh luận tại
phiên tòa).
+ Các bị cáo, người đại diện theo uỷ quyền của người bị hại: Thực
hiện đúng nghĩa vụ, trả lời khi được hỏi (điều 309 và 310 Bộ luật
Tố tụng Hình sự về hỏi bị cáo; hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại
diện).
+ Lực lượng Công an nhân dân: có mặt trong và ngoài phòng xử án
trong thời gian xử án nhằm bảo vệ phiên tòa, đảm bảo cho các bị
cáo được gặp luật sư bào chữa trước khi khai mạc phiên tòa.

2. Bài học kinh nghiệm về vai trò các vị trí làm việc trong tòa án.
- Cần trau dồi các kiến thức chung, nắm chắc các điều luật quy định
trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, đảm bảo tổ chức phiên tòa xét xử
vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
- Hội đồng xét xử: cần nắm chắc các quy định về nhiệm vụ trong Bộ
luật Tố tụng Hình sự, đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ. Chủ tọa
cần đảm bảo điều hành phiên tòa theo đúng quy định, đảm bảo tính
công bằng, công khai, minh bạch trong xét xử. Ngoài ra, cần lắng
nghe ý kiến của những người tham gia tố tụng, nắm chắc các quy
định của Bộ luật Hình sự, đảm bảo cân nhắc đưa ra các bản án,
quyết định phù hợp khi nghị án.
- Thư ký phiên tòa: cần nắm chắc các quy định về nhiệm vụ trong
Bộ luật Tố tụng Hình sự, biết rõ nội quy phòng xử án, đảm bảo thủ
tục chuẩn bị khai mạc phiên toà diễn ra đúng quy định, đảm bảo
ghi chép biên bản diễn biến phiên toà đầy đủ.
- Luật sư bào chữa: nắm chắc các điều luật trong Bộ luật Hình sự,
đặc biệt là các điều luật có liên quan tới vụ việc của thân chủ, xem
xét, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (nếu có)
nhằm đưa ra lời bào chữa hợp lý nhất.

You might also like