You are on page 1of 23

`v


CHƯƠNG TRÌNH TÒA TUYÊN ÁN. A.

KỊCH BẢN PHÁP LÝ

HÀNG GIẢ ... CHẾT THẬT

TGKB: Lê Công Tuấn Điệp

Hà nội 10.2014
TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 22/11/2013, trong buổi tiệc mừng nhà mới, anh Vũ Quang đã mang ra 2 can
nhựa đựng rượu nhãn hiệu “ RƯỢU NẾP 30”, sau khi cuộc nhậu gần tàn thì 4 người
đã lăn ra chiếu đau bụng quằn quại. Người nhà đã gọi xe cấp cứu và đưa cả 4 người
vào bệnh viện. Kết quả 2 người đã tử vong. Cùng thời gian đó, bệnh viện còn tiếp
nhận 4 ca cấp cứu khác cũng bị ngộ độc rượu và cả 4 người cấp cứu sau cũng đều bị
tử vong, những can rượu dở thu được cũng cùng một loại rượu ‘‘RƯỢU NẾP 30”.
Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Hường và triệu tâp
các đối tượng Trần Đình Tú và Vũ Hoàng Long
Tại cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ: Nguyễn Văn Hường là Giám đốc Công ty
trách nhiệm hữu hạn RƯỢU NẾP 30, có trụ sở đóng trên địa bàn huyện Hà Ninh đã
chỉ đạo cho 2 nhân viên kỹ thuật của Công ty là Trần Đình Tú và Vũ Hoàng Long
pha chế cồn rượu ETHANOL có công thức hóa học là C2H5OH để sản xuất ra loại
rượu có nhãn hiệu “RƯỢU NẾP 30”. Hai đối tượng Trần Đình Tú và Vũ Hoàng
Long, vì không biết loại cồn nào đã gọi điện hỏi Hường, Hường trả lời rằng số cồn
đó Công ty mới nhập về đang để trong kho, Tú và Long đã mang số cồn đó ra pha
chế với 2000 lít nước lã rồi cho đóng vào can nhựa loại 2 lít một can, được 1000
can. Sau đó các can rượu trên được dán nhãn hiệu “RƯỢU NẾP 30”, đóng vào các
hộp giấy và xuất đi các địa phương. Bị bắt sau khi sự việc chết người ở Hà Ninh xảy
ra, Nguyễn Văn Hường khai nhận nguyên nhân gây tử vong cho các nạn nhân là có
sự “nhầm lẫn” trong việc pha chế cồn công nghiệp vào rượu rồi bán ra thị trường.
Hường cũng khai nhận do bản thân không kiểm soát quá trình nhập cồn vào để pha
chế rượu, dẫn đến nhập “nhầm cồn công nghiệp, thay cho cồn thực phẩm”. Hường
cũng thừa nhận quy trình sản xuất có sự sai sót, lẽ ra sau khi pha chế cồn vào nước
tạo thành thành phẩm phải kiểm tra lại nồng độ METHANOL rồi mới đóng chai, tuy
nhiên các đối tượng Vũ Hoàng Long và Trần Đình Tú đã bỏ qua khâu này nên mới
có rượu độc bán ra thị trường.
Kết quả kiểm định các mẫu rượu trên đã xác định: hàm lượng metanol và
etanol trong rượu đều chiếm thể tích từ 80% đến trên 98% (vượt 1600 đến trên 1900
lần giới hạn cho phép theo TIÊU CHUẨN VIỆT NAM 7044:2009)
Hội đồng giám định chất liệu Trung ương đã xác định: loại cồn công nghiệp mà
Công ty trách nhiệm hữu hạn RƯỢU NẾP 30 đã dùng để sản xuất rượu bán ra thị
trường chính là sản phẩm cồn dùng để in ấn, may mặc và đánh bóng vec ni được
nhập lậu từ nước ngoài về chứ không phải là cồn rượu.
Viện kiểm sát truy tố các đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương
thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 157 BLHS, Luật sư
bào chữa cho các bị cáo thì bào chữa theo hướng các bị cáo phạm tội do vô ý.Việc
tranh luận tại phiên tòa đã dẫn đến quyết định của Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo
Hường tù chung thân, các bị cáo Tú và Long mỗi người 20 năm tù về tội danh trên.
Từ vụ án này, cũng cho thấy cần phải xem lại vấn đề về nguyên tắc quản lý sản
xuất, kinh doanh rượu; tiêu chuẩn chất lượng rượu; điều kiện cấp giấy phép kinh
doanh rượu và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan đơn vị liên quan để
loại trừ nhữn hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật; góp phần bảo vệ tính
mạng, sức khỏe người tiêu dùng xã hội và bảo vệ trật tự trị an xã hội.

PHÂN VAI

Các vai diễn Thể hiện

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Bà Đoàn Thị Cẩm Tú


Thẩm phán: Bà Nguyễn Nam Bảo Trân
Các Hội thẩm nhân dân:
1.Bà Nguyễn Ngọc Phương Uyên
2.Ông Huỳnh Lâm Thảo Nguyên
3. Bà Lê Bảo Nhi
Thư ký Toà án: bà Nguyễn Phương trinh
Kiểm sát viên1: bà Nguyễn Hoàng Ngọc Anh
Kiểm sát viên 2: ông Liêu Hà Anh Thái
Luật sư: bà Nguyễn LêThảo Uyên
+Bị cáo:
1. Nguyễn Văn Hường (khoảng 45 tuổi) Phan Quốc Khánh
2. Vũ Hoàng Long (khoảng 35 tuổi) Huỳnh Quốc Thuận
3. Trần Đình Tú (khoảng 28 tuổi) Đinh Nam Thành
+Người bị hại: Vũ Văn Hồng: 50 -55 tuổi (mỏi mệt) Nguyễn Duy
Anh
+Đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Đỗ Cẩm Nhung 25 – 26 tuổi Ý Uyên
+Người làm chứng: Nguyễn Đức Quân : 43 tuổi, điềm đạm chín
chắn Tường Duy
+Người giám định: Nguyễn Duy Hiền: 45 tuổi Bích Trâm
Vật chứng cần đưa ra xem xét: 02 can nhựa đựng rượu nhãn
hiệu “RƯỢU NẾP 30”.

PHIÊN TOÀ

1. PHẦN THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TOÀ


2. Thư ký làm thủ tục:
3. Ổn định trật tự phòng xử: - Yêu cầu những người có mặt trong
phòng xử án giữ trật tự. Sau đây tôi phổ biến nội quy phiên tòa:
Mọi người trong phòng xử án đều phải tuân theo sự điều khiển của
chủ tọa phiên tòa. Không được mang theo chất độc, chất cháy nổ
vào phòng xử án, không được sử dụng điện thoại trong phòng xử
án, trẻ em dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường
hợp được Tòa án triệu tập. Mọi người đều phải có thái độ tôn
trọng Hội đồng xét xử, những người vi phạm trật tự nội quy phiên
tòa có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo, buộc phải rời phòng xử án hoặc
có thể bị bắt giữ.Mọi người đều phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử
vào phòng xử án.
4. Quay sang: Mời Hội đồng xét xử vào phòng xử án.
Quay xuống: Yêu cầu tất cả mọi người đứng dậy
HĐXX ngồi vào chỗ
Thẩm phán chủ tọa: Hôm nay ngày…. Tòa án nhân dân tỉnh Hà Ninh tiến
hành xét xử sơ thẩm công khai về tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực,
thực phẩm, thuốc chữa bênh, thuốc phòng bệnh theo Điều 157 BLHS. Thay mặt
HĐXX tôi tuyên bố khai mạc phiên tòa, mời mọi người ngồi xuống, các bị cáo
đứng tại chỗ. Sau đây tôi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NINH NAM
Số: 239/2011/HSST-QĐ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------***---------

Hà Ninh, ngày ... tháng năm 2014

QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VỤ ÁN RA XÉT XỬ


TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NINH
Căn cứ vào các điều 45, 255 và 277 của Bộ luật tố tụng hình sự;
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 250/2013/HSST
ngày 2/9/2013.

QUYẾT ĐỊNH
I/ Đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Văn Hường, (khoảng 45 tuổi)

- Sinh ngày 28/12/1971


- Nghề nghiệp: kinh doanh
- ĐKHKTT: Xóm Hoàn Phan, xã Trường Phan, huyện Tây Long, tỉnh Hà
Ninh
2. Vũ Hoàng Long
- Sinh ngày 8/10/1981
- Nghề nghiệp: kinh doanh
- ĐKNKTT: số 3 khu tập thể Nhà máy in tiền Thăng Long, HN
3. Trần Đình Tú
- Sinh ngày 16/5/1987
- Nghề nghiệp: Nhân viên kỹ thuật

- ĐKNKTT: số 5 khu tập thể Hóa Học, quận Thăng Long, HN


Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Ninh truy tố về tội Sản xuất,
buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều
193 Bộ luật hình sự.
Thời gian mở phiên toà: Hồi 8 giờ 00 ngày tháng năm 2014.
Địa điểm mở phiên toà: Toà án nhân dân tỉnh Hà Ninh
Vụ án được xét xử công khai.
II/ Những người tiến hành tố tụng:
* Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Bà Đoàn Thị Cẩm Tú
*Thẩm phán: Bà Nguyễn Nam Bảo Trân
* Các Hội thẩm nhân dân: ông .................................................. Cán bộ Sở
Công thương tỉnh Hà Ninh và bà ..................................................Chủ tịch Hội
người tiêu dùng tỉnh Hà Ninh. Bà ............................................... Cán bộ Ủy ban
mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Ninh
* Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: bà Nguyễn Phương Trinh
* Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà: bà Nguyễn Hoàng Ngọc Anh -
Chức vụ Kiểm sát viên. Ông Liêu Hà Anh Thái – Chức vụ Kiểm sát viên.
III/ Những người tham gia tố tụng:
* Người bị hại:
Ông Vũ Văn Hồng: - sinh năm 1962
ĐKNKTT: số 26/5 đường Sân bay, tổ 26, khu tập thể Nhà máy Hóa chất Hà
Ninh
*Đại diện hợp pháp của người bị hại:
Bà Đỗ Cẩm Nhung (khoảng 40 tuổi)
*Người làm chứng:
Ông Nguyễn Đức Quân (khoảng 35 tuổi)
* Người giám định: bà Nguyễn Thị Bích Trâm – gám định viên
*Người bào chữa cho các bị cáo: Luật sư Nguyễn Lê Thảo Uyên Công ty
luật Nguyễn Hoàng và công lý, Đoàn LS thành phố HN
. IV/ Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà:
02 can nhựa đựng rượu nhãn hiệu “RƯỢU NẾP 30”.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NINH


Thẩm phán
Nguyễn Văn Điệp (đã ký)

PHẦN XÉT HỎI


Chủ tọa: Đề nghị đại diện VKS công bố Cáo trạng. Các bị cáo đứng dậy.
Kiểm sát viên 1: Thay mặt VKSND tỉnh Hải Ninh, tôi công bố bản Cáo
trạng.

CÁO TRẠNG

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HÀ NINH

Kết luận
Hành vi nêu trên của Nguyễn Văn Hường, Trần Đình Tú và Vũ Hoàng
Long đã phạm vào tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm,
thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Khoản 4 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia
thực phẩm.
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia
thực phẩm thì bị phạt phạt tù 02 năm đến 07 năm
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc
tù chung thân.

Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Truy tố các bị can Nguyễn Văn Hường, Trần Đình Tú và Vũ Hoàng Long ra
trước Tòa án nhân dân tỉnh Hà Ninh để xét xử theo các tội danh và điều luật đã
viện dẫn.
Kèm theo cáo trạng là toàn bộ hồ sơ vụ án gồm 182 bút lục, được đánh số từ 01
đến 182.

Chủ tọa hỏi – hỏi các bị cáo

Hỏi: Các bị cáo đã nghe rõ nội dung bản cáo trạng mà vị đại diện Viện kiểm sát
vừa công bố hay không
Đáp: Thưa rõ ạ.
Chủ tọa: Cho bị cáo Long, bị cáo Tú ngồi, bị cáo Hường đứng tại chỗ.
Hỏi: Bị cáo hãy trình bày toàn bộ nội dung sự việc xảy ra.
Đáp: Thưa Tòa, vào ngày 25/11/2013, tôi đang ở Công ty thì bị Cơ quan cảnh sát
điều tra Công an tỉnh Hà Ninh bắt giữ, tôi hỏi vì sao mà bắt tôi thì họ đã đọc lệnh
bắt khẩn cấp, trong đó nói rằng có 6 người dùng rượu của Công ty tôi đã bị tử
vong. Sau đó họ tiến hành khám xét rồi niêm phong toàn bộ cơ sở sản xuất của
công ty tôi ạ.
Hỏi: Bị cáo hãy trình bày rõ, công ty của bị cáo là loại hình công ty gì, sản xuất
mặt hàng gì?
Đáp: Công ty tôi là Công ty trách nhiệm hữu hạn một tha
viên, sản xuất rượu, bia và nước giải khát ạ.
Hỏi: Loại rượu mà Công ty bị cáo sản xuất là rượu gì?
Đáp: Thưa, là rượu nếp, rượu vang ạ.
Hỏi: Doanh nghiệp của bị cáo đã có giấy phép sản xuất rượu chưa?
Đáp: Thưa chưa ... ạ.
Hỏi: Chưa có giấy phép sao bị cáo đã cho sản xuất?
Đáp: Thưa, lần trước kiểm tra, các anh ở cơ quan chức năng đã xử phạt rồi vẫn cho
tồn tại, chỉ nhắc nhở chúng tôi phải xin giấy phép nhanh thôi ạ.
Hỏi: Loại rượu mà công ty bị cáo sản xuất có nhãn mác gì?
Đáp: Thưa rượu của chúng tôi có nhãn hiệu “RƯỢU NẾP 30 ” và “NOVA” ạ.
Hỏi: Những nhãn mác này đã được đăng ký chưa?
Đáp: Thưa, chúng tôi đã đăng ký nhưng ...chưa được công nhận ạ
Hỏi: Vì sao những nhãn mác đó chưa được công nhận?
Đáp: Thưa, vì cơ quan kiểm tra cho rằng nội dung ghi nhãn mác chưa đúng quy
định ạ.
Hỏi: Bị cáo hãy trình bày rõ mối quan hệ giữa bị cáo với bị cáo Long và bị cáo
Tú?
Đáp: Thưa tòa, Long và Tú là nhân viên làm việc tại Công ty tôi ạ.
Chủ tọa mời Thẩm phán và các vị Hội thẩm tiến hành xét hỏi.
Thẩm phán 2 : - Tòa hỏi bị cáo Vũ Hoàng Long, bị cáo Long đứng dậy.
Hỏi: Bị cáo có quan hệ như thế nào với bị cáo Hường?
Đáp: Tôi là nhân viên ở Công ty của anh Hường.
Hỏi: Bị cáo được giao nhiệm vụ gì trong Công ty?
Đáp: Thưa, tôi làm bất cứ việc gì mà Giám đốc giao.
Hỏi: Cụ thể là những việc gì?
Đáp: Thưa, bốc vác, lái xe, pha chế rượu.
Hỏi: Bị cáo đã tốt nghiệp phổ thông trung học chưa?
Đáp: Thưa chưa ạ.
Hỏi: Chưa tốt nghiệp phổ thông trung học sao bị cáo lại dám pha chế rượu?
Đáp: Thưa, tôi chỉ việc cho cồn vào nước lã theo sự chỉ dẫn của anh Tú thôi.
Hỏi: Bị cáo Tú đã chỉ dẫn cho bị cáo pha chế như thế nào khi bị cáo pha chế mẻ
rượu “RƯỢU NẾP 30”?
Đáp: Thưa, hôm đó anh Tú bảo tôi vào kho lấy cồn ra và pha theo tỉ lệ 1/100.
Hỏi: Tỉ lệ 1/100 là tỉ lệ như thế nào?
Đáp: Thưa, cứ 1ca cồn thì pha với 100 lít nước lã ạ ...

Thẩm phán 2 cho bị cáo Long ngồi, Hội thẩm 1 yêu cầu bị cáo Tú đứng dậy.
Hỏi: Bị cáo trình bày rõ, bị cáo làm công việc gì trong Công ty trách nhiệm hữu
hạn RƯỢU NẾP 30?
Đáp: Thưa, tôi là nhân viên kỹ thuật của Công ty ạ
Hỏi: Trình độ chuyên môn của bị cáo như thế nào?
Đáp: Thưa ... tôi có bằng trung cấp hóa chất ạ.
Hỏi: Bị cáo đã chỉ dẫn cho bị cáo Long pha chế như thế nào khi bị cáo pha chế mẻ
rượu “RƯỢU NẾP 30” như thế nào?
Đáp: Thưa, sáng hôm đó tôi bận việc nên đã gọi điện cho Long bảo Long vào kho
lấy cồn ra và pha theo tỉ lệ 1/100. Long mang số cồn đó ra pha chế với 2000 lít
nước lã rồi cho đóng vào can nhựa loại 2 lít một can, được 1000 can ạ.
Hỏi: Bị cáo có kiểm tra chất lượng mẻ rượu đó không?
Đáp: Thưa, hôm đó vì bận việc nên tôi chưa kịp kiểm tra ạ.
Hỏi: Tại sao bị cáo chưa kịp kiểm tra đã cho đóng chai rồi xuất hàng?
Đáp: Thưa, hôm đó anh Hường bảo làm nhanh để xuất hàng cho đối tác, nên tôi đã
chỉ đạo Long làm nhanh ạ.
Hỏi: Bị cáo có biết là hàm lượng methanol trong mẻ rượu đó cao gần 3000 lần so
với mức cho phép không?
Đáp: Thưa không ạ.
Hỏi: Tại sao bị cáo lại không biết, bị cáo là nhân viên kỹ thuật phụ trách việc pha
chế rượu cơ mà?
Đáp: Thưa, vì tỉ lệ cồn và nước lã tôi đã chỉ đạo Long làm đúng như mọi lần thì
chắc sẽ không có việc gì xảy ra, tôi không hiểu sao mẻ rượu đó lại có hàm lượng
Methanol cao thế ạ.
Hội thẩm 1 cho bị cáo Tú ngồi xuống. Hội thẩm 2 hỏi người bị hại.

Hội thẩm 2: - Tòa hỏi người bị hại Vũ Văn Hồng, mời ông Hồng đứng dậy.
Hỏi: Tình trạng sức khỏe của ông hiện nay như thế nào?
Đáp: Thưa, tôi đã cảm thấy khá hơn rồi ạ.
Hỏi: Ông có thể trả lời các câu hỏi của Tòa không?
Đáp: Vâng, tôi trả lời được ạ.
Hỏi: Bà hãy trình bày sự việc xảy ra vào sáng ngày 22/11/2013?
Đáp: Thưa, trưa ngày 22/11/2013, tôi và mấy người bạn đến mừng nhà mới của
anh Quang đã mang ra 2 can nhựa đựng rượu nhãn hiệu “ RƯỢU NẾP 30”, sau
khi uống hết 1 can, đang uống sang can thứ hai thì tôi thấy đau bụng quằn quại.
Nhìn sang thấy anh Quang, anh Hựu, chú Thắng người nào cũng bị đau, người nào
cũng nôn ọe, một lúc sau thi tôi bị hôn mê không biết gì nữa. Sáng hôm sau khi
tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện ạ.
Hỏi: Ông hãy xác định, hôm đó mọi người đã ăn thức ăn gì?
Đáp: Thưa, chúng tôi ăn những thức ăn bình thường mà gia đình nấu, gia đình anh
Quang cũng ăn, nhưng chỉ người nào uống rượu mới bị, còn ai không uống thì
không sao.
Hỏi: Cụ thể là những thức ăn gì?
Đáp: Thưa, tôm hấp, mực luộc, sườn lợn, rau cải xào và lạc rang ạ.
Hội thẩm 2 mời ông Hồng ngồi xuống, Hội thẩm 3 mời chị Nhung - người đại
diện hợp pháp của người bị hại Quang đứng dậy.
Hỏi: Quan hệ của chị với anh Quang là như thế nào?
Đáp: Thưa, tôi tôi là vợ anh Quang ạ.
Hỏi: Trưa ngày 22/11/2013 chị có nấu thức ăn cho mọi người không?
Đáp: Thưa có ạ.
Hỏi: Những thức ăn đó là thức ăn gì?
Đáp: Thưa, ông Hồng vừa nói với Tòa rồi ạ.
Hỏi: Chị có ăn cùng mọi người không?
Đáp: Thưa có.
Hỏi: Còn có ai cùng ăn hôm đó nữa?
Đáp: Thưa, còn có ông Vũ, anh Quân nữa ạ.
Hội thẩm 3: Mời chị ngồi xuống. Chủ tọa đề nghị đại diện Viện kiểm sát tiến
hành xét hỏi.
KSV 1: Kiểm sát viên đề nghị hỏi người làm chứng Nguyễn Đức Quân
Hỏi: Anh đã chứng kiến sự việc gì xảy ra vào trưa ngày 22/11/2013?
Đáp: Thưa, hôm đó tôi lái xe chở ông Vũ đến mừng nhà mới anh Quang, tôi cùng
ngồi ăn với mọi người, khi mọi người uống hết can thứ nhất, bắt đầu rót can thứ
hai thì anh Quang, ông Hồng, ông Vũ ngã lăn ra, ôm bụng kêu, có người nôn ọe.
Tôi gọi điện cho cấp cứu 115 đến rồi đưa mọi người ra xe ạ. Sau đó thì tôi biết
được anh Quang và ông Vũ chết, còn ông Hồng thì đang mê man, bất tỉnh ạ.
Hỏi: Theo anh thì nguyên nhân nào mà anh Quang, ông Vũ chết?
Đáp: Thưa, tôi khẳng định rằng họ bị chết do ngộ độc rượu ạ.
Hỏi: Tại sao anh khẳng định như vậy?
Đáp: Thưa, vì những người chỉ ăn mà không uống thì không sao, chỉ những người
uống mới bị thôi ạ.
Hỏi: Hôm đó anh có uống không?
Đáp: Thưa, tôi không uống ạ.
Hỏi: Vì sao anh không uống?
Đáp: Thưa, vì hôm đó tôi phải lái xe đưa đón ông Vũ ạ.
Kiểm sát viên 2 đề nghị hỏi bị cáo Hường. Chủ tọa yêu cầu bị cáo Hường
đứng dậy
Hỏi: Ngoài “ RƯỢU NẾP 30”, Công ty của bị cáo còn sản xuất rượu gì nữa
không?
Đáp: Thưa, còn có cả rượu vang nữa ạ.
Hỏi: Nhãn hiệu của rượu vang là gì?
Đáp: Thưa đó là rượu “NOVA” ạ.
Hỏi: Đã có lần nào Công ty của bị cáo bị xử lý về chất lượng của sản phẩm rượu
này chưa?
Đáp: Thưa, đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra và xử phạt hành
chính ba lần nhưng vẫn cho tồn tại ạ.
Hỏi: Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính Công ty của bị cáo về lỗi gì?
Đáp: Thưa, vì chất lượng rượu chưa đảm bảo, hàm lượng methanol còn cao và vì
Công ty không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hỏi: Còn vì gì nữa?
Đáp: Thưa ... còn vì nội dung ghi nhãn mác không đúng quy định ạ.
Kiểm sát viên1: Kiểm sát viên đề nghị được hỏi người giám định.
Chủ tọa: mời người giám định Nguyễn Duy Hiền đứng dậy
Kiểm sát viên: Ông có thể trình bày rõ, trong thành phần của rượu mà những
người bị hại uống có những thành phần gì?

Giám định viên: Kết quả kiểm định các mẫu rượu trên đã xác định: hàm lượng
metanol và etanol trong rượu đều chiếm thể tích từ 80% đến trên 98% (vượt 1600
đến trên 1900 lần giới hạn cho phép theo TIÊU CHUẨN VIỆT NAM 7044:2009)
Hội đồng giám định chất liệu Trung ương đã xác định: loại cồn công nghiệp mà
Công ty trách nhiệm hữu hạn RƯỢU NẾP 30 đã dùng để sản xuất rượu bán ra thị
trường chính là sản phẩm cồn dùng để in ấn, may mặc và đánh bóng vec ni được
nhập lậu từ nước ngoài về chứ không phải là cồn rượu.
Kiểm sát viên 1: Ông xác định nguyên nhân gây tử vong cho các nạn nhân là gì?
Giám định viên: Do hàm lượng metanol và etanol trong dạ dày, ruột non, gan, thận,
cuống tim của những người bị hại vượt mức cho phép. Nguyên nhân gây tử vong do
suy gan cấp; trụy tim ...
Kiểm sát viên 1: Kiểm sát viên không hỏi gì thêm,
Chủ tọa đề nghị vị Luật sư tham gia xét hỏi.
Luật sư đề nghị hỏi bị cáo Hường.
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Hường đứng dậy
Hỏi: Anh có thấy mình có lỗi trong sự việc đã xảy ra không?
Đáp: Thưa có.
Hỏi: Sau khi sự việc xảy ra, anh và công ty đã có biện pháp gì để khắc phục hậu
quả chưa?
Đáp: Thưa, Công ty chúng tôi đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng rồi ạ.
Hỏi: Có sự bàn bạc trước giữa anh với anh Tú và anh Long về việc tăng hàm lượng
methanol trong rượu không?
Đáp: Thưa, không ạ. Tôi chỉ chỉ đạo chung, còn thực hiện là công việc thường
ngày của họ ạ.
Hỏi: Việc họ sử dụng nhầm loại cồn anh có biết không?
Đáp: Thưa, tôi không biết, chỉ đến khi hậu quả đáng tiếc xảy ra tôi mới biết thôi ạ.
Hỏi: Anh đã có tiền án, tiền sự bao giờ chưa?
Đáp: Thưa, hoàn toàn chưa ạ.
Luật sư đề nghị hỏi bị cáo Tú. Chủ tọa cho bị cáo Hường ngồi, yêu cầu bị cáo
Tú đứng dậy.
Hỏi: Ngoài sự việc này ra, anh đã có lần nào bị bắt, bị giam giữ hoặc bị xét xử
chưa?
Đáp: Thưa, chưa ạ.
Hỏi: Vì sao anh lại không kiểm tra chất lượng rượu thành phẩm khi đóng vào?
Đáp: Thưa, lỗi là tại tôi, hôm đó sau khi gọi điện cho Long, tôi phải về nhà để đưa
người nhà đi bệnh viện, nên tôi không kịp kiểm tra, hơn nữa tôi cũng tin là Long sẽ
làm tốt, vì thế mới xảy ra cơ sự này?
Hoi: Anh có ân hận về những gì đã làm không?
Đáp: Bây giờ khi tĩnh trí lại, tôi thấy ân hận lắm, tôi chỉ vì sai một ly, đi một dặm
nên mới đến nông nỗi này, tôi ... muốn được chuộc lại lỗi lầm của mình ạ...
Luật sư không hỏi gì thêm, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Chủ tọa: Tôi tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh
luận.

PHẦN TRANH LUẬN


Chủ tọa: Đề nghị đại diện Viện kiểm sát trình bày lời luận tội. Các bị cáo đứng
dậy.

Kiểm sát viên 2 trình bày lời luận tội:

Kính thưa Hội đồng xét xử. Thưa toàn thể các quý vị. Cuộc thẩm vấn công khai
trước phiên tòa đến đây đã kết thúc.Tôi ..................................... – Kiểm sát viên
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Ninh, thực hành quyền công tố Nhà nước, xin phát
biểu quan điểm của VKSND tỉnh Hà Ninh đối với các vấn đề về chứng cứ và
hướng xử lý với các bị cáo trong vụ án này cụ thể như sau:
Ngày 22/11/2013, trong buổi tiệc mừng nhà mới, anh Vũ Quang đã mang ra
2 can nhựa đựng rượu nhãn hiệu “ RƯỢU NẾP 30 ”, sau khi ăn uống xong 2 người
đã tử vong. Cùng thời gian đó, còn có 4 ca cấp cứu khác cũng bị ngộ độc rượu và cả
4 người cấp cứu sau cũng đều bị tử vong, những can rượu dở thu được cũng cùng
một loại rượu ‘‘RƯỢU NẾP 30 ”.
Tại cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ: RƯỢU NẾP 30 ” là sản phẩm do Công ty
trách nhiệm hữu hạn RƯỢU NẾP 30, có trụ sở đóng trên địa bàn huyện Hà Ninh sản
xuất. Nguyễn Văn Hường là Giám đốc đã chỉ đạo cho 2 nhân viên kỹ thuật của
Công ty là Trần Đình Tú và Vũ Hoàng Long pha chế cồn rượu ETHANOL có công
thức hóa học là C2H5OH để sản xuất ra loại rượu có nhãn hiệu “RƯỢU NẾP 30”.
Hai đối tượng Trần Đình Tú và Vũ Hoàng Long, vì không biết loại cồn nào đã gọi
điện hỏi Hường, Hường trả lời rằng số cồn đó Công ty mới nhập về đang để trong
kho, Tú và Long đã mang số cồn đó ra pha chế với 2000 lít nước lã rồi cho đóng vào
can nhựa loại 2 lít một can, được 1000 can. Sau đó các can rượu trên được dán nhãn
hiệu “RƯỢU NẾP 30”, đóng vào các hộp giấy và xuất đi các địa phương.
Kết quả kiểm định các mẫu rượu trên đã xác định: hàm lượng metanol và
etanol trong rượu đều chiếm thể tích từ 80% đến trên 98% (vượt 1600 đến trên 1900
lần giới hạn cho phép theo TIÊU CHUẨN VIỆT NAM 7044:2009)
Hội đồng giám định chất liệu Trung ương đã xác định: loại cồn công nghiệp mà
Công ty trách nhiệm hữu hạn RƯỢU NẾP 30 đã dùng để sản xuất rượu bán ra thị
trường chính là sản phẩm cồn dùng để in ấn, may mặc và đánh bóng vec ni được
nhập lậu từ nước ngoài về chứ không phải là cồn rượu.

Hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi đã gây nên hậu
quả chết người và làm chết nhiều người. Các bị cáo đã bàn bạc, cấu kết với nhau
sử dụng nguyên liệu, hóa chất nguy hiểm gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về
tính mạng và sức khỏe đối với những người bị hại, làm cho một số người bị hại bị
tử vong, một số người bị hại khác không những tổn hại về mặt vật chất, mà còn bị
tổn hại về thể chất cũng như tinh thần, gây hoang mang lo sợ trong cộng đồng dân
cư. Do vậy, hành vi của các bị cáo cần phải bị xử lí nghiêm khắc theo khoản 4
Điều 193 Bộ luật hình sự: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực,
thực phẩm, phụ gia thực phẩm
với các tình tiết tăng nặng: Có tổ chức; Dùng phương tiện có khả năng gây nguy
hại cho nhiều người; Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tại phiên tòa hôm nay đã làm rõ động cơ và phương thức thực hiện hành mà các bị
cáo đã thực hiện. Như vậy, các bị cáo đã không từ một thủ đoạn tàn ác nào để có
thể có được lợi nhuận phi pháp và việc VKS truy tố các bị cáo về các tội danh nêu
trên là hoàn toàn có cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý.
Từ các phân tích trên, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều
193 BLHS: phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ; các điểm a, b, m Điều
52 BLHS để loại trừ bị cáo Nguyễn Văn Hường ra khỏi xã hội, các bị cáo Trần
Đình Tú và Vũ Hoàng Long mỗi người từ 19 đến 20 năm tù về tội danh sản xuất,
buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 587 Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo phải
liên đới bồi thường cho những người bị hại 626 triệu đồng.
Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý lắng nghe của Hội đồng xét xử cùng toàn thể quý
vị.
Chủ tọa: Các bị cáo đã nghe rõ những lời luận tội của vị đại diện VKS chưa?
Các bị cáo (người trước, người sau): Thưa, nghe rõ rồi ạ ...
Chủ tọa: Cho các bị cáo ngồi, đề nghị vị Luật sư trình bày lời bào chữa cho các bị
cáo.
Bản bào chữa của luật sư
Kính thưa Hội đồng xét xử. Thưa vị đại diện Viện kiểm sát. Thưa toàn thể các quý
vị đang theo dõi phiên tòa.
Tôi Nguyễn Lê Thảo Uyên Luật sư thuộc Công ty Luật Nguyễn Hoàng và Công
lý - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nhận nhiệm vụ bào chữa để bảo vệ cho quyền
và lợi ích hợp pháp của các thân chủ tôi là các bị cáo Nguyễn Văn Hường,Trần
Đình Tú và Vũ Hoàng Long tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay.

Thưa Hội đồng xét xử. Các thân chủ của tôi Nguyễn Văn Hường, Vũ Hoàng
Long và Trần Đình Tú đã gây ra một hậu quả đau lòng, nhưng hậu quả ấy họ hoàn
toàn không hề mong muốn. Tôi nói như vậy để Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát
hiểu thêm về hoàn cảnh phạm tội, động cơ phạm tội, cũng như tính chất nguy hiểm
cho xã hội của hành vi mà các thân chủ tôi đã thực hiện, hoàn toàn không phải là
phạm tội có tổ chức và có tính chất chuyên nghiệp như cáo trạng và luận tội mà vị
đại diện VKS đã nêu.
Thưa Hội đồng xét xử, các thân chủ của tôi bị truy tố cùng về một tội danh và cùng
phải chịu các tình tiết tăng nặng định tội như nhau, tôi cho rằng cáo buộc ấy là
không có cơ sở, không hợp lý và cũng chẳng hợp tình, bởi các lẽ:
Thứ nhất: Trong quá trình thực hiện hành vi pha chế cồn vào rượu, Nguyễn Văn
Hường đã giao việc cho 2 nhân viên dưới quyền, công việc đó là công việc thuần
túy có tính chất chuyên môn, chứ hoàn toàn không bàn bạc, thống nhất ý chí về
mục đích làm ảnh hưởng đến tính mạng hoặc sức khỏe của những người bị hại.
Việc bị cáo Tú nhận việc rồi do hoàn cảnh phải đưa người đi bệnh viện, không trực
tiếp thực hiện công việc mà giao cho bị cáo Long là nằm ngoài mong muốn của bị
cáo Hường, bị cáo Tú đã không trực tiếp thực hiện công việc, không trực tiếp kiểm
tra chất lượng sản phẩm, đó là lỗi vô ý do cẩu thả. Còn bị cáo Long do thiếu hiểu
biết đã pha nhầm loại cồn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đó là lỗi vô ý quá tự tin.
Các bị cáo đã không ý thức được hậu quả, lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ,
tại các bút lục 22, 25, 27 và tại phiên tòa hôm nay cũng đã chứng minh điều đó. Vì
vậy việc Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo phạm tội có tổ chức,là không có cơ sở.
Không những thế Viện kiểm sát còn sử dụng cùng một lúc nhiều tình tiết tăng nặng
giống nhau, ở những điều luật khác nhau, đó là điểm a khoản 1 Điều 48 và khoản
1, khoản 4 Điều 193 . Chúng tôi cũng cho rằng điều ấy thật là phi lý, bởi lẽ, Viện
kiểm sát vừa lấy yếu tố tăng nặng định khung của tội này để làm tình tiết định tội
cho tội danh kia, đó là điều trái quy định của pháp luật hình sự, không thể chấp
nhận được. Hơn nữa, các thân chủ tôi chưa từng vi phạm pháp luật, chưa từng có
tiền án tiền sự, các thân chủ của tôi đã nhiều lần day dứt và hối hận về hành vi của
mình, gia đình bị cáo Hường đã thực hiện việc bồi thường, khắc phục hậu quả, ấy
vậy mà những tình tiết này cũng không được vị đại diện Viện kiểm sát lưu tâm khi
đưa ra các đề xuất của mình.
Vì vậy, từ góc độ của Luật sư bào chữa cho các bị cáo, tôi kính đề nghị Hội đồng
xét xử xem xét, cân nhắc cả về lý và tình, để từ đó căn cứ Điều 17, Điều 193 BLHS
để loại trừ các tình tiết tăng nặng: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội
gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây
nguy hại cho nhiều người theo các điểm a, b, m Điều 52 BLHS mà đại diện
Viện kiểm sát đã viện dẫn . Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2
Điều 51 BLHS để giảm đến mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các thân
chủ của tôi, để các thân chủ của tôi không bị cách ly ra khỏi xã hội, từ đó có cơ hội
để làm lại cuộc đời và khắc phục sửa chữa những lỗi lầm mà họ đã gây ra. Xin trân
trọng cảm ơn Hội đồng xét xử và các quý vị đã chú ý lắng nghe.
Chủ tọa: Các bị cáo đã nghe rõ lời bào chữa của vị Luật sư chưa? Các bị cáo có
muốn bổ sung thêm gì không?
Bị cáo Hường: Không ạ.
Bị cáo Tú: Thưa không.
Bị cáo Long: Thưa không ạ.
ĐỐI ĐÁP
Chủ tọa: Mời đại diện Viện kiểm sát đối đáp lại ý kiến của vị Luật sư
Kiểm sát 2:
Thưa Hội đồng xét xử, tôi không đồng ý với luận điểm mà vị Luật sư đưa ra, vị
Luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội có tổ chức, đó là một điều không thể
chấp nhận. Các bị cáo đã bàn bạc với nhau trước khi đi thực hiện hành vi. Bị cáo
Hường đã chỉ đạo bị cáo Tú, bị cáo Tú đã chỉ đạo bị cáo Long, vậy mà vị Luật sư
vẫn cho rằng các bị cáo không có tổ chức, điều đó thật hết sức vô lý và thật nực
cười. Thiết nghĩ vị Luật sư nên về nhà và đọc lại Điều 17 Bộ luật hình sự về Đồng
phạm.
Luật sư
Thưa, Hội đồng xét xử, tôi không nói rằng các bị cáo không phạm tội, mà chỉ cho
rằng các bị cáo không phạm tội có tổ chức mà thôi. Nhưng trước khi đối đáp, tôi đề
nghị Hội đồng xét xử yêu cầu vị đại diện Viện kiểm sát không được có những lời
lẽ xúc phạm Luật sư.
Chủ tọa: Tòa đồng ý với ý kiến của vị Luật sư, đề nghị vị đại diện Viện kiểm sát
phải hết sức kiềm chế và ứng xử đúng mực. Đề nghị vị Luật sư tiếp tục tranh luận.
Luật sư: Thưa Hội đồng xét xử, chúng tôi cho rằng hành vi của các bị cáo không
có các yếu tố có tổ chức, không phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Bởi lẽ, các bị
cáo không thống nhất trước với nhau về mục đích phạm tội, các bị cáo không có
động cơ phạm tội, các bị cáo phạm tội lần này là lần đầu tiên, vì vậy tôi khẳng định
rằng, không thể áp dụng các tình tiết tăng nặng theo các điểm a, b khoản 1 Điều 52
BLHS đối với các bị cáo.
Kiểm sát viên: Vậy thì Luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo có các tình tiết
tăng nặng điểm m Điều 52? Thưa vị Luật sư?
Luật sư: Thưa Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo có phạm vào các tình tiết
tăng nặng hay không, thiết nghĩ sẽ được Hội đồng xét xử làm rõ trong quá trình
đánh giá chứng cứ, chúng tôi không có trách nhiệm buộc tội thân chủ mình. Tôi chỉ
xin lưu ý rằng, không thể vừa sử dụng tình tiết tăng nặng định khung lại vừa sử
dụng tình tiết tăng nặng định tội được.
Kiểm sát viên: Thưa Hội đồng xét xử, điểm m, khoản 1 Điều 52 quy định: “Dùng
thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây
nguy hại cho nhiều người”. Ở đây, có thể thấy rằng hành vi của các bị cáo pha chế,
sản xuất rất nhiều loại rượu độc này thì khả năng gây nguy hại cho nhiều người là
cực lớn, vì vậy tình tiết tăng nặng này chúng tôi cho rằng không thể không áp
dụng.
Luật sư: Thưa Hội đồng xét xử, như chúng tôi đã trình bày, lỗi của các thân chủ
tôi trong vụ án này không phải là lỗi cố ý, mà chỉ là những lỗi vô ý do cẩu thả và
vô ý quá tự tin mà thôi, nên không thể áp dụng các tình tiết tăng nặng này được.
Chủ tọa: Vị đại diện Viện kiểm sát còn có ý kiến gì tranh luận thêm không?
Kiểm sát viên: Thưa Hội đồng xét xử, xét thấy các chứng cứ đã đầy đủ, các đề
xuất mà chúng tôi đưa ra là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc trong quá
trình nghị án, chúng tôi không còn ý kiến gì thêm.
Chủ tọa: Vị Luật sư còn có ý kiến gì để đối đáp tranh luận thêm không?
Luật sư: Chúng tôi cũng không tranh luận gì thêm, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp
tục làm việc.

Chủ tọa: Nếu không ai có ý kiến tranh luận gì khác, thay mặt HĐXX tôi tuyên
bố kết thúc phần tranh luận, trước khi nghị án, HĐXX cho phép bị cáo nói lời
sau cùng.

Bị cáo Hường: Thưa … tôi ân hận lắm, nhưng chắc đã muộn rồi …

Bị cáo Tú, Long: Bị cáo ân hận về hành vi của mình đã làm, mong tòa cho bị cáo
được khoan hồng để sớm trở về với xã hội.

NGHỊ ÁN VÀ TUYÊN ÁN
HĐXX vào phòng nghị án (đi ra ngoài, sau đó vào lại)
Thư ký: Tất cả mọi người trong phòng xử án đứng dậy, mời HĐXX vào làm
việc
Chủ tọa: Thay mặt HĐXX, tôi tuyên án. Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam,
tòa án nhân dân tỉnh Hải Ninh nhận thấy tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, bị cáo
Nguyễn Văn Hương, Vũ Hoàng Long, Trần Đình Tú đã khai nhận hành vi phạm
tội, lời khai của các bị cáo phù hợp với các nội dung đã được thẩm định thông qua
quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã
được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở
xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ ý kiến của KSV, của luật sư bào chữa, của bị
cáo, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác xét thấy hành vi của
các bị cáo đã cấu thành tội sản xuất, buôn bán hang giả là lương thực, thực phẩm,
phụ gia thực phẩm. Bởi lẽ, xuất phát từ động cơ vụ lợi muốn đạt được lợi nhuận
kinh doanh cao nhất mà các bị cáo đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng và sức
khỏe của người tiêu dung nên đã có hành vi pha chế cồn công nghiệp vào nước lã
để chế ra sản phẩm rượu độc hại. Các bị cáo cũng đã biết được rằng hành vi đó là
hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, các bị cáo đã bàn bạc
thống nhất công việc với nhau tuy nhiên việc các bị cáo gọi điện cho nhau chỉ
mang tính đồng phạm giản đơn chứ không phải là phạm tội có tổ chức. Hành vi
của các bị cáo có các tình tiết tăng nặng là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy
nhiên, cũng cần lưu ý đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị
cáo. Trong vụ án này, các bị cáo sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, ăn năn
hối cải, phạm tội lần này là lần đầu tiên, đã vận động gia đình khắc phục một phần
hậu quả. Từ cách tình tiết và chứng cứ nếu trên, quyết định tuyên bố:

- Bị cáo Nguyễn Văn Hường, Vũ Hoàng Long, Trần Đình Tú phạm tội sản
xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thực phẩm phụ gia áp
dụng Khoản 4 Điều 193 , các điểm b,s Khoản 1 Điều 51, Khoản 2 Điều 51,
Điều 31, điểm e Khoản 1 Điều 32 BLHS xử phạt:
- Bị cáo Nguyễn Văn Hường tù chung thân. Áp dụng Khoản 4 Điều 193, các
điểm b,s Khoản 1 Điều 51, Khoản 2 Điều 51, Điều 31, điểm e Khoản 1 Điều
32 BLHS xử phạt các bị cáo Vũ Hoàng Long, Trần Đình Tú mỗi bị cáo 20
năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày các bị cáo bị tạm giam. Về trách nhiệm dân
sự, áp dụng Điều 587 BLDS buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi
thường cho người bị hại 626 triệu đồng được trừ đi 60 triệu đồng gia đình bị
cáo Hường đã bồi thường trong giai đoạn điều tra, số còn lại là 566 triệu
đồng các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho người bị hại. Áp dụng các điều
47, 48 BLHS, điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu, tiêu hủy 1000 can rượu nếp
30 là tang vật của vụ án. Các bị cáo Nguyễn Văn Hường, Vũ Hoàng Long,
Trần Đình Tú mỗi bị cáo phải chịu 200k đồng án phí hình sự sơ thẩm. Các bị
cáo, người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo
bản án và các quyết định của tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa
tuyên án. Yêu cầu lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp dẫn giải các
bị cáo về trại giam, các hội thẩm nhân dân, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã
ký. Thay mặt HĐXX tôi tuyên bố kết thúc phiên tòa.

You might also like