You are on page 1of 18

HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

PHÂN KHOA THẦN HỌC


Chương Trình STB: Giai Đoạn Triết Học

Sinh viên: Philipphê Lê Minh Nhật


Niên Khóa: 2022-2023

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO

VỚI THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Môn học: Ấn Giáo và Phật Giáo


Giáo sư: Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân

TP HỒ CHÍ MINH: 01/2023


2

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

MỤC LỤC

DẪN NHẬP...................................................................................................................trang 03

I. TỔNG QUAN VỀ NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO....................................................trang 04


1. Định nghĩa về giới...........................................................................................trang 04
2. Tầm quan trọng của giới trong qúa trình tu tập: Giới, Định, Tuệ....................trang 04
3. Ngũ giới trong Phật giáo (Pañca- sīla).............................................................trang 05

II. NỘI DUNG NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO.............................................................trang 06

1. Không sát sanh (Pànàtipàtà veramanì).............................................................trang 06

2. Không trộm cướp (Adinnàdàna veramanì)......................................................trang 07

3. Không tà dâm (Kàmesu micchàcàrà veramanì)...............................................trang 08

4. Không nói dối (Musà vàdà veramanì).............................................................trang 09

5. Không uống rượu (Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì)....................trang 11

III. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NGŨ GIỚI ............................................................trang 12


1. Trên chiều kích cá nhân...................................................................................trang 12
2. Trên chiều kích tập thể.....................................................................................trang 13

IV. NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO VỚI THẬP GIỚI CÔNG GIÁO ........................trang 14

V. NHẬN ĐỊNH......................................................................................................trang 15

KẾT LUẬN.....................................................................................................................trang 17

TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................................trang 18


3

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

DẪN NHẬP

Sống ở bất cứ xã hội nào, con người đều được chi phối bởi những quy luật nhất định,
mục đích của những quy luật đó là mang lại hạnh phúc cho con người. Vài ngàn năm trước,
sau khi đã đắc quả Chánh đẳng, Chánh giác bằng con đường (trung đạo) tịch diệt, vì tâm từ bi,
Đức Phật liền nghĩ đến con đường hoằng pháp cứu độ chúng sanh (sinh). Ngài đã chế ra giới
luật với chủ đích là mong các đệ tử nhờ tuân thủ giới luật mà diệt trừ đươc những căn tính
tham- sân - si để đạt tới bến bờ an lạc.
Tuy nhiên, căn cơ chúng sanh, trình đô cao thấp bất thường không thể tiếp nhận cùng
một giáo pháp như nhau, nên Đức Phật đã xây dựng giới luật theo từng cấp bậc khác nhau,
nhưng căn bản vẫn là Ngũ giới. Ngũ giới là cơ sở nền tảng đạo đức cho mọi người, đặc biệt
với hàng phật tử tại gia. Người phật tử tại gia khi thọ Tam bảo tất nhiên phải trì Ngũ
giới. Năm giới này không những đưa con người tiến mạnh trên con đường giải thoát, mà còn
đem lại trật tự, an vui, hoà bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa 1. Bởi vì theo Phật giáo,
giới luật không phải là một tín điều hay mặc khải, mà nó được xây dựng trên các giá trị cuộc
sống, tức giá trị nhân bản của con người. Đề cập đến vấn đề nhân bản là nói đến địa vị “tối
thượng”, đến giá trị, khả năng và phẩm cách của con người trong cuộc sống. Do đó, Đức Phật
chế định giới bổn là nhằm củng cố cho hàng phật tử tại gia cũng như xuất gia một năng
lực sống có ý nghĩa và có gía trị giữa cuộc đời đầy những hiềm khích, oán thù này. Con người
sẽ bị chao đảo bởi những vọng kiến mê lầm, cho nên mỗi người phải giữ giới cho chính mình
để tự nâng cao giá trị cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy những giá trị đó hiện rõ trong Ngũ giới tại
gia căn bản.
Qua những bài học về Phật giáo của Đức Cha Gioan, người viết nhận ra nhiều triết lý
sâu sắc. Vì vậy, bài viết này xin phép khai thác một trong những triết lý đó, Ngũ giới của Phật
giáo, từ đó có những cái nhìn đến Mười điều răn hay còn gọi là Thập giới Công giáo.

1
Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển I. Thành Hội Phật Giáo An Hành, 1997, tr. 81.
4

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

I. TỔNG QUAN VỀ NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO


1. Định nghĩa về giới
Đức Phật dạy: “Sīlena sugatiṃ yanti, sīlena bhoga sampadā; sīlena nibbutiṃ yanti,
tasmā sīlam visodhaye”. Nghĩa là: Nhờ giới được an lạc. Nhờ giới được của cải, tài sản. Nhờ
giới được hạnh phúc tối cao. Vậy hãy thọ trì giới cho trong sạch 2.
Theo tiếng Phạn (Sìla) dịch là giới. Người Trung Hoa phiên âm là (Thi-la) , tức phòng
phi chỉ ác, nghĩa là đề phòng điều trái quấy, dừng chỉ mọi điều ác, cũng có nghĩa là chỉ ác tác
thiện, tức là ngưng làm điều ác, làm mọi điều thiện, đó là ý nghĩa tổng quát của Giới.
Giới có nghĩa là điều phục, chế ngự, tức Tỳ Nai Da (Vinaya): chế ngự bằng tỉnh giác,
chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng tham nhẫn, bằng tinh tấn, mục đích để đạt được thanh
tịnh của Tam nghiệp. Giới còn có nghĩa là thanh lương (mát mẻ), ý nói điều ác dễ khiến tâm
ta nóng bức; nhưng khi giữ Giới thì Giới làm cho thân tâm ta trong sạch, lắng dịu, cho nên gọi
là mát mẻ. Nếu đứng ở phạm trù giáo dục tác động cùng chiều, tức từ nhân đến quả, thì Giới
là nhân tố đầu tiên dẫn đến Định và từ Định phát sinh Huệ 3. Giới là một trong ba châncủa
cái kiềng Tam lậu học.
Ngoài ra Giới còn có nghĩa là Mộc-Xoa hay Ba-La-Đề-MộcXoa (Pràtimoksa): Biệt
giải thoát, Xứ xứ giải thoát, Tuỳ thuận giải thoát. Biệt giải thoát tức giữ Giới phần nào thì
được giải thoát phần đó. Xứ xứ giải thoát tức nơi nào có giữ Giới thì có giải thoát. Tuỳ thuận
giải thoát là tuỳ vào sự tu tập của người hành trì mà được quả (thành tựu) hữu vi hay vô vi.
Tóm lại, giới là giới luật, ngăn cản con người làm điều trái. Giới giống như cái thắng xe, giữ
cho xe khỏi trơn trượt; giới giúp con người đi trong chính đạo, thẳng tiến đến chân lý giác
ngộ, giải thoát. Giới cũng giống như sợi dây buộc vào con diều, giữ cho con diều được cân
bằng để có thể lên cao tít trên tầng mây. Giới lại là đôi cánh nâng con diều lên khỏi mặt đất để
bay trong không gian bao la. Chính nhờ giới, con người thoát khỏi tham, sân, si để có thể tìm
thấy Chân lý giải thoát. Như thế, hẳn Giới phải có chỗ đứng nào đó trong quá trình tu tập.

2. Tầm quan trọng của giới trong quá trình tu tập: Giới, Định, Tuệ
Giới có một chỗ đứng rất quan trọng trên con đường tu tập giải thoát. Chính giới luật
giúp con người tu tập sửa mình để nên người chân, thiện, mỹ trong xã hội. Như Kinh Hoa
Nghiêm nói: “Giới là gốc của Vô thượng Bồ đề”. Thật vậy, giới luật chính là khuôn thước

2
https://luatminhkhue.vn/gioi-la-gi-ngu-gioi-pañca-sīla-trong-dao-phat-duoc-hieu-nhu-the-nao.aspx
3
Nhiều tác giả, Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, Nxb TP. HCM, tr. 199
5

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

mẫu mực là “Bậc thang đầu của đạo quả giác ngộ, là nền tảng của thiền định, trí tuệ, là ngọc
anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là huyền bè đưa người ra khỏi biển khổ sinh tử, là kho
tàng vô lượng công đức” (Ht.Thích Thiện Siêu). Vì thế, việc chế định ra nhiều giới điều là
nhằm giúp cho hàng đệ tử có một cuộc sống chân chính, có một môi trường tốt trong việc tu
tập. Giới luật là nền tảng của sự giải thoát, nếu không giữ Giới không thể nào Định được, vì
trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nhiếp tâm là Giới. Nhơn giới sanh định, nhơn định phát
huệ”. Giới, Định, Huệ là ba pháp môn (Tam vô lậu học), tuy là ba nhưng đồng một thể. Nhà
tu hành có giữ giới một cách thanh tịnh mới vào cõi Định, nhờ thiền Định mới phát Huệ. Có
Huệ mới chứng chân lý, đoạn tuyệt các mối tà ác 4. Cho nên người tu tập phải kết hợp chặt
chẽ ba pháp môn này, nếu không thì đích điểm tối hậu là giải thoát, an lạc sẽ không đạt tới
được.
Thực hành Giới mang đến Định, Định thì cần thiết cho Huệ. Chánh niệm là nền tảng
của Định, Định cho phép ta nhìn sâu, và Huệ chính là hoa trái của sự nhìn sâu 5. Khi có
chánh niệm (vì giới là sự biểu hiện cụ thể nhất của sự tu tập chánh niệm), ta thấy rằng nếu
tránh không làm điều này, ta có thể ngăn ngừa được điều kia. Một người tu tập theo tiến trình
tuần tự từ Giới sang Định; nhờ đó Huệ phát sinh, ngõ hầu trở thành con người đạo đức, có
giới hạnh ngày càng thăng hoa, để xứng là rường cột chánh pháp. Đối với xã hội, người đó
thực sự là một công dân hữu ích. Chính những điều này đã xác định được vị trí của con người,
trong cuộc sống đạt tới đỉnh cao ở mọi lãnh vực của thời đại. Như thế, người ấy đã có được
một vị trí kiên cố, tức là đã tự xây cho mình một “ốc đảo” an lạc tại thế này, như có bài kệ
khen rằng:
“Giữ giới cho thân không lỗi lầm (giới)
Cho tâm như ngọc luyện dồi trao (định)
Cho hoa Bát Nhã tươi ngàn kiếp (huệ )
Cho quả từ bi đẹp bội phần.”
Tóm lại, giới luật là nền tảng cho sự chứng đắc tâm thức thật sự, là phương châm chỉ
hướng cho hành giả đang bước trên đường tu tập phạm hạnh chứng quả giải thoát.
Riêng hàng Phật tử tại gia, chỉ cần Ngũ giới là căn bản. Vậy Ngũ giới là gì?

3. Ngũ giới trong Phật giáo (Pañca- sīla)


Theo “Phật học phổ thông”, Ngũ giới là năm điều ngăn cấm Đức Phật chế ra để ngăn
những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn dạy ấy là:
4
Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, tập I, 1966, tr. 593
5
Thích Nhất Hạnh, Để Có Một Tương Lai, Lá bối, 1993, tr. 7
6

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

không được giết hại; không trộm cướp; không tà dâm; không nói dối; không uống rươụ. Năm
điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật
tự, an vui cho xã hội mà Đức Phật thành lập. Ngũ giới chính là năm thành trì ngăn chặn người
ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào cho ta khỏi rơi xuống vực sâu đang khi đi trên
con đường giải thoát. Ngũ giới là nền tảng căn bản đem lại an lạc hạnh phúc cho con người,
đặc biệt nó là bậc thang đạo đức cho hàng phật tử tại gia bắt đầu bước chân trên con đường
giác ngộ. Khi quy- y người thọ trì tự nhận là đệ tử Phật; để đủ tư cách một phật tử cần phải
gìn giữ năm giới cấm này. Tuy nhiên, Ngũ giới cũng là nền tảng cơ bản cho giới xuất gia trên
đường tu tập. Sự tu hành thiết thực phải gầy dựng trên cơ sở này, sau đó mới tiến lên những
bước cao siêu hơn.
Đó là nội dung tổng quát của Ngũ giới, giờ đây chúng ta cùng đi vào tìm hiểu từng
phần của nó như thế nào.
.
II. NỘI DUNG NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO
1. Không Sát Sanh (Pànàtipàtà veramanì)
Giới cấm thứ nhất mà Đức Phật khuyên mọi người là không được giết hại mạng sống
của con người cũng như loài vật. Bởi vì sinh mạng chúng sanh, nhất là sinh mạng con người
thì vô giá. Do đó, nếu giết hại một sinh mạng để mưu cầu ích lợi cho một sinh mạng khác, đặc
biệt giết hại con người là điều bất thiện, không hợp với tinh thần của đạo; không thể chấp
nhận được, nếu người vi phạm giới này lại là một phật tử.
Con người giết hại nhau qua nhiều hình thức: bằng gươm dao, súng đạn, bằng chính
trị, kinh tế và bằng những lời nói thâm hiểm, độc hại nữa.
Là con người đa phần ai cũng muốn sống, sợ chết. Mình biết quý trọng thân mạng
mình, tại sao muốn chà đạp sinh mạng người? Giới thứ nhất không chỉ nghiêm cấm giết sinh
mạng người, mà theo tinh thần của Phật giáo, loài vật chúng cũng ham sống sợ chết, vì thế
không nên bất công giết chúng để bồi dưỡng thân ta; cũng không được ủng hộ hay vui khi
nhìn người khác tàn sát, vì:
Thú kia nó cũng là thân,
Cũng xương, cũng, thịt, có phần như ta
Đánh đau chúng nó kêu ca
Tiếng rên đứt ruột, tiếng la xé lòng.
(Kinh Tam Bảo, tr.153).
7

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Ta thử nghĩ xem, khi con trâu, con heo, con bò, bị đập đầu, thọc huyết, ta thấy sự phản
đối mãnh liệt, sự đau đớn tột đỉnh bằng tiếng kêu la hoảng hốt cùng cực của chúng cầu mong
thoát chết như thế nào! Theo lẽ công bằng, điều ta không muốn ai làm cho ta thì ta cũng đừng
làm cho kẻ khác hay loài vật. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
Ai cũng sợ gươm đao
Ai cũng sợ sự chết
Suy ta ra lòng người
Chớ giết, chớ bảo giết.
Chẳng những đức Phật dạy người ta luật công bằng mà còn bảo tồn cho họ tâm từ bi
nữa. Vì chúng sanh mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà đồng một Phật tánh 6: Nhất thiết
chúng sanh giai hữu Phật tánh. Đức Phật xác chứng Phật tánh đã bình đẳng, thì không thể nói
rằng loài vật sinh ra để nuôi dưỡng con người rồi cứ thẳng tay sát hại không chút xót thương,
đi ngược với lòng từ- bi- hỷ- xả của Phật. Vì thế, nhẫn tâm làm cho người hay loài vật phải
giẫy giụa, rên xiết, đau đớn quằn quại trong máu là tự giết lòng từ bi, bóp chết mầm yêu
thương quý báu trong tâm hồn mình, để rồi rơi vào vòng nhân quả báo ứng. Ai càng tạo
nghiệp sát, càng lao mình vào vòng đau khổ. Cho nên Kinh Lăng Già khuyến cáo: Người
thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử, không có
ngày ra khỏi.
Tuy nhiên, có vài trường hợp vi phạm giới sát nhưng tạm thời được dung thứ, thí dụ,
vì thương xót chúng sanh mà phải giết người hay thú hung ác để cứu mạng sinh linh, bảo tồn
phật pháp. Trên ý nghĩa người ấy làm điều thiện, nhưng theo luật nhân quả, cũng phải bị quả
báo đền mạng vì đã sát hại một sinh mạng.

2. Không trộm cướp (Adinnàdàna veramanì)


Từ nhỏ bắt đầu có trí khôn cho đến khi đầu bạc răng longai trong chúng ta đều biết
rằng hễ lấy những gì của người khác mà không có sự đồng ý, ưng thuận của người đó hoặc
cưỡng ép người ta ưng thuận bằng bất cứ hình thức nào đều bị coi là trộm cướp. Những vật
quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, tiền bạc, ngọc ngà châu báu, cho đến vật nhỏ mọn
như cây kim, cọng rau, ngọn cỏ khi không có sự cho phép của người mà tự ý lấy đều là trộm
cướp.
Hình thức trộm cướp thì nhiều: ỷ mạnh bè đảng giựt ngang của người; cậy thế ỷ
quyền làm tiền kẻ yếu; bắt chẹt người ta trong lúc túng thiếu để vay nặng lãi; dùng mưu mẹo

6
Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển I, Nxb. TP. HCM, tr. 84
8

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

để cân non, đong thiếu, trốn thuế 7, tham ô hối lộ, tất cả những hành vi này đều là trộm cướp.
Nói chung, bất cứ hình thức nào do lòng tham lam lấy của người khác đều vi phạm giới thứ
hai này.
Như giới thứ nhất, lý do Đức Phật cấm trộm cướp là vì tôn trọng sự công bằng, bình
đẳng để nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh nghiệp báo oán thù. Suy bụng ta ra bụng người, tự
nhiên chúng ta không muốn ai lấy bất cứ thứ gì của mình, sao lại muốn chiếm đoạt của người
khác? Làm như thế không những trái với lẽ công bằng mà còn xâm phạm đến cái gọi là Phật
tánh nơi mỗi người đều có như nhau.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: khi vì sơ ý làm mất hoặc bị người ta lấy cắp
một vật quý giá như tiền, vàng, bạc, ngọc ta cảm thấy buồn sầu, ăn không ngon, ngủ không
yên, vậy sao nỡ tâm lấy của người để họ phải khổ đau vì mình? Người đời có nói: tiền tài như
mạng mạch, có nghĩa tiền bạc, tài sản gắn liền với cuộc sống đến độ như là sự sống của con
người. Vì thế, khi ta chiếm đoạt tài sản của người khác, nhất là người nghèo, tất chiếm đoạt
sinh mạng của họ vậy! Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đặc biệt quan tâm, bênh vực người
nghèo, cô thế cô thân: Nếu ai bóc lột người nghèo, chà đạp người yếu thế, Thiên Chúa sẽ biện
hộ cho họ, và ai bóc lột họ, Người sẽ tước mạng sống (Cn 22,22-23). Làm cho người phải
điêu đứng, khổ sở, hành động này trái với tâm từ bi và còn gây hậu quả khó lường trong hiện
tại và quả báo vị lai bần cùng khốn khổ nữa, phải làm thân trâu ngựa đền trả cho người. Cho
nên, vua Trần Thánh Tông đã nói trong bài Kệ như sau:
Khoét vách đào tường chí những đau,
Ngàn mưu trăm kế luống tham sầu;
Của người dầu có đời nay được,
Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu. 8
Do đó, người phật tử muốn tránh nghiệp báo oán thì phải giữ giới không trộm cướp để
có thể tạo sự an lạc hạnh phúc cho mình, cho người thân và cho tha nhân nữa.

3. Không tà dâm (Kàmesu micchàcàrà veramanì)


Tà dâm tức muốn nói sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Luật dạy người xuất gia ly tục
phải dứt hẳn dâm dục, vì nó là nguồn gốc của sinh tử luân hồi. Còn người tại gia thì không
được tà dục. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ phi pháp
gọi là tà9. Khi có đôi bạn rồi tuyệt đối không được phạm đến sự thanh tịnh của người khác,
7
Thích Thiện Hoa, Sdd, tr. 82
8
Thích Thiện Hoa, Sđd, tr. 91.
9
Thích Thiện Hoa, Sđd, tr. 92
9

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

làm khổ người, khổ mình. Ngay cả khi đã chính thức trở thành vợ chồng nhưng trong vấn đề
chăn gối không chừng mực, bạo lực, thô thiển cũng được coi là tà dâm. Nói chung, phàm
những sự phóng tâm đắm sắc, say mê nhục dục, chơi bời phóng túng, và ngay cả tư tưởng lời
nói bất chính, khêu gợi đều thuộc giới tà dâm. Không chỉ hành động, nhưng nếu lúc nào con
người cũng ôm lòng ái dục, tức nghỉ tưởng, ước muốn, nhìn xem thì đã phạm giới thứ ba này,
và hậu quả thật khó lường.
Như chúng ta đã biết không chỉ Phật giáo, mà đa số các tôn giáo khác cũng như các
luật luân lý xã hội đều đề cập đến vấn đề dâm dục này, bởi đó là một điều xấu, phi luân, phi
pháp, nhất là khi nó làm hoen ố nét thuần phong mỹ tục của dân tộc, của quốc gia, làm đổ vỡ
nền gia giáo và hạnh phúc của gia đình người khác. Kinh nghiệm cho ta thấy một gia đình có
cảnh ông ăn chả, bà ăn nemgia đình đó khó bảo tồn hạnh phúc, sự nghiệp tan tành, làng xóm
chê bai, danh giá hoen ố, con cái sẽ hoang mang, xấu hổ, về sau con cái cũng có thể theo lối
sống bê tha, lăng loàn như vậy.
Ai cũng mong muốn gia đình mình yên vui, đầm ấm, nhưng lại đi phá hại gia cang
người khác, đó là điều bất công. Người sống dâm dật không chỉ gây đau khổ cho người, phá
hoại hạnh phúc gia đình người khác, mà còn để lại những tai hại cho chính bản thân như bệnh
tật, suy sập tinh thần. Chính ái dục dẫn dắt con người phiêu bạt trong bể khổ và là nguồn gốc
của vô số bất hạnh trong đời. Kinh Pháp Cú nói: Do ái dục phát sinh lo âu, do ái dục phát
sinh sợ sệt. Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái dục không còn lo âu, càng ít sợ hãi 10. Ngoài ra,
người có đời sống dâm bôn sẽ có ngày nhận lấy hậu quả thảm khốc bởi những ghen tương,
tức giận, oán thù từ phía mình gây ra. Ngược lại, theo Kinh Thập Thiện Nghiệp thì người
không tà dục được hưởng bốn điều lợi ích: trước hết sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) được
vẹn toàn; thứ đến trọn đời được người kính trọng; kế tiếp đoạn trừ hết cả phiền lụy khuấy
nhiễu; và sau cùng cuộc tình duyên không bị ai xâm phạm.

4. Không nói dối (Musà vàdà veramanì)


Trong Bát Chánh Đạo gọi giới này là Chánh ngữ . Không nói dối tức không nói sai sự
thật. Có nhiều lối nói sai sự thật: nói láo, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
Chung quy, giới thứ tư này khuyên người ta có nói có, không nói không; đừng nghĩ một
đường nói một ngã để che dấu lỗi lầm của mình; đừng ác tâm nói những lời vu khống hay
thêu dệt (ít xích ra nhiều) làm cho ân nghĩa chia lìa và gây cho đôi bên oán thù hờn giận. Nhất
là ta không được trở thành đòn sóc nhọn hai đầu, nghĩa là đến chỗ này, người này thì nói xấu

10
Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu. Nxb Thuận Hoá, 2005, tr.470.
10

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

người bên kia, và ngược lại, làm cho hai người đang thân thiện trở nên nghi ngờ, ghen ghét,
thù địch nhau. Ngay cả dùng những lời văn chương bóng bẩy, những câu nói ngọt ngào xui
người khác làm quấy, dụ dỗ họ bước vào đường tà; hoặc dùng những lời nói cộc cằn thô tục,
chửi rủa người ta đều thuộc về nói dối. Tóm lại, không nói dối nghĩa là ý nghĩ, lời nói, việc
làm của ta phải đồng nhất, không được mâu thuẫn :
vọng ngôn chuyện có nói không,
Chết vào địa ngục cùm gông mang đày
(Kinh pháp cú).
Kinh Thánh Công giáo có nói: sự thật sẽ giải thoát anh em, nghĩa là con người được
giải thoát nhờ tin và sống với sự thật. Chủ trương của Phật giáo cho rằng đạo Phật là đạo
chân thật, người tu theo đạo Phật phải tôn trọng sự thật. Người quen với dối trá, không thiết
tìm sự thật thì khó có thể chứng quả được 11. Lý do đầu tiên Đức Phật cấm nói dối là vì tôn
trọng sự thật. Người biết tôn trọng sự thật thì am hiểu lời khuyên dạy của các bậc tiền bối xưa
để lại là trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Hai là để giữ sự thanh liêm ngay chính, người
phật tử không được nói dối.
Chúng ta đã biết, lời nói là một công cụ thiết yếu trong giao tiếp, truyền đạt những
hiểu biết, tâm tư tình cảm cho nhau. Lời nói có thể làm cho người ta an vui, hạnh phúc, nhưng
cũng có thể đưa đến thất vọng, mất tin tưởng, gây đau khổ cho nhau. Vì, cái động lực chính
của sự dối trá là lòng ích kỷ, ác ý, muốn hại người để thoả lòng dục vọng đen tối của mình 12.
Người ta nói dối thường là để lừa gạt lẫn nhau, nên nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời
hung ác hay mắng nhiếc nhằm mục đích là để bảo vệ cái ngã của mình. Đồng thời, khi làm
cho người bị lừa dối, phỉnh gạt phải đau khổ cách này hay cách khác là ta đã táng tận lương
tâm, đồng nghĩa với sự bóp nghẹt lòng từ bi vậy. Một khi lòng từ bi không còn nữa thì người
ta khó bảo tồn sự trung tín; từ đó gây đổ vỡ, dẫn đến gia đình không còn hạnh phúc và xã hội
bị suy tàn vì mọi người không tin tưởng lẫn nhau. Trong khi đó tục ngữ có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Hay:
Mở lời trước cạn xét suy,
Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là?
Bằng như lời ấy thốt ra

11
Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển I. Nxb TP. HCM, tr.96.
12
Thích Thiện Hoa, Sdd, tr. 96.
11

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng13.


Phật giáo hay Nho giáo đều lấy chữ tín làm căn bản. Đành rằng Lòng người nham
hiểm ai đo cho được nhưng nếu giữa hai người, trong một gia đình, đoàn thể hay xã hội không
tin nhau không thể tín nhiệm, không tín nhiệm thì dể ngờ vực, đoán xét oancho nhau, khó
được an hoà, không khéo lại tạo ra bao ác nghiệp cho mình.

5. Không uống rượu (Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì)


Giới thứ năm này không chỉ cấm uống rượu, nhưng tất cả những thứ có chất men làm
say người, hay chất độc hại người đều không được uống. Chính mình không uống đã đành
mà cũng không được phép ép buộc hay khuyến khích người khác uống 14. Nếu ta nài ép hay
khuyến khích người khác uống tức đã xâm phạm quyền tự do của họ cách nào đó, như thế tội
còn nặng hơn cả chính mình uống. Chúng ta phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì không
hay xảy ra cho người đó. Tuy nhiên, trong trường hợp lâm bệnh, dưới sự chỉ định của Lương-
y phải dùng rượu ngâm thuốc để trị bệnh thì tạm thời được dùng, nhưng không được lạm
dụng, khi hết bệnh phải ngưng uống thuốc có hoà rượu đó ngay.
Chúng ta vừa tìm hiểu cơ bản từng phần của Ngũ giới, nhưng tại sao người Phật tử
phải hành trì Ngũ giới, đó là điều chúng ta nên biết.
Tương truyền khi Đức Phật còn tại thế, ở một vương quốc nọ: trong khu rừng có một
con Khủng long gây nhiều tai hại cho dân chúng. Vị quốc vương ấy cho những tướng tài giỏi
đi hàng phục Khủng long nhưng tất cả đều bất lực. Ngày kia có vị Tỳ kheo đi khất thực ngang
qua khu rừng nghe tin dữ, vị ấy đi tới chỗ của Khủng long, dùng sức thần thông hàng phục
được nó. Tin lành đến tai nhà vua, vua rất vui mừng dâng thức ăn cúng dường và ban cho vị
Tỳ kheo những bình rượu quý. Sau khi thọ dụng thức ăn vật uống, vị Tỳ kheo ngã quỵ bên
đường15. Đức Phật đi tới và nói: vị Tỳ kheo này khi nãy hàng phục được con Khủng long bây
giờ con ruồi cũng không đuổi nổi. Do đó Đức Phật chế ra giới cấm uống rượu này.
Với tinh thần của Phật giáo, giới thứ năm không chỉ cấm uống rượu mà tất cả các hoá
chất mang yếu tố kích thích, có khả năng làm say và chết người như: rượu, bia, ma tuý, thuốc
độc làm rối loạn hoặc tê liệt hệ thần kin, đưa đến những hành vi phạm pháp. Chúng ta cũng có
kinh nghiệm: rượu, nếu uống ít (1-2 ly nhỏ) và điều độ sẽ có tác dụng giúp trợ tiêu, ăn ngon,
hoặc chữa trị một số bệnh nào đó. Nhưng chung quy rượu vẫn là một thứ kích tố độc hại: làm

13
Ni Giới Hệ Phái Khất Sĩ, Kinh Tam Bảo, (Ni trưởng Huỳnh Liên biên soạn). Nxb Tôn giáo 2000, tr. 157.
14
Thích Thiện Hoa, Sđd, tr. 9.
15
Thích Nữ Như Định, Tam Vô Lậu Học (Luận văn tốt nghiệp, 2004, tr. 5), 2004.
12

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

tâm trí cuồng loạn, mất giống trí tuệ; làm cho lý trí và ý chí không còn sáng suốt để phán
đoán điều hay lẻ phải.
Thực ra rượu tự nó chưa phải là tội, nhưng là nguyên nhân sinh ra tội lỗi khác. Bởi vì:
Một khi rượu đã mê lâm
Những điều dối, hại, trộm, dâm khó lường
Hiện đời người chẳng kính ưa
Ngu si quả báo còn chừa kiếp sau.
Do đó ta có thể gọi giới thứ năm này là giáo giới (giới giáo hoá, ngăn ngừa trước để
khỏi phạm tội). Bốn giới trước chính là tội lỗi nên gọi là tánh giới, (tự tâm, tính, tự lòng mình
hổ thẹn răn lấy mình).
Tóm lại, những lý do phải hành trì Ngũ giới là vì tôn trọng sự thật, công bình, mến
chuộng nhân nghiã, vì lòng từ bi muốn đem hạnh phúc, an lạc đến cho người và cho mình.
Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta có cách nào đê hành trì những giới cấm đó cho hiệu
quả; đành rằng sự tuân thủ giới răn, luật lệ là do ý thức của mỗi người là chính.

III. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NGŨ GIỚI


1. Trên chiều kích cá nhân
Như chúng ta đã tìm hiểu thì năm giới cấm vừa nói trên không có gì cao siêu nhưng
rất thực tế, gần gũi, là bài học phổ thông không chỉ dành riêng cho hàng phật tử, mà còn
chung cho tất cả những ai muốn sống một cuộc đời lành mạnh, an vui, có lễ nghĩa và tiến
bộ16. Chúng sanh hành trì năm giới cấm này sẽ gặt hái được nhiều lợi ích. Về phương diện cá
nhân: Không sát sanh, bản thân không bị tù tội (nếu giết người), không bị thù hiềm, không lo
lắng sợ hãi, không bức rứt, hối hận, không bị nghiệp báo luân hồi, thâm tâm bình an thư thái
nên vừa nằm đã ngủ say. Không trộm cướp, bản thân được yên ổn, không bị người ta theo dõi,
không bị giam cầm tù tội, dễ được người khác tin cậy, tín nhiệm. Không tà dâm, bản thân
được hưởng bốn điều lợi: sáu căn (Tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được trọn vẹn; trọn đời
được người kính trọng; đoạn trừ được những phiền lụy khuấy nhiễu; cuộc tình duyên trọn đời
không ai dám xâm phạm (Kinh Thập Thiện Nghiệp).
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, một trong những điều được người đời kính trọng, quý
mến người tu hành là đời sống độc thân khiết tịnh. Người nào giữ trọn được điều này, không
chỉ thân tâm an lạc mà sự an lạc, trong sáng đó còn được biểu hiện trên gương mặt rạng ngời.
Không nói dối, bản thân không bị người khác xem thường, không bị mọi người xa lánh, tạo

16
Thích Thiện Hoa - Phật Học Phổ Thông, q.I. Thành Hội phật Giáo TP. HCM ấn hành 1997, tr. 102
13

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

được niềm tin và được người đời trọng nể. Không uống rượu, cơ thể được khỏe mạnh, ít bệnh
tật, trí tuệ sáng suốt và tinh thần phấn chấn. Có thể nói, rượu chè, xì ke- ma tuý là đầu mối của
các tội. Khi người ta phạm giới thứ năm này thì cũng dễ phạm giới sát, giới đạo, giới tà dâm.
Ta thấy tinh thần cứu khổ ban vui của Phật giáo thể hiện rõ trong năm giới này. Nếu
một người đã có trong mình tâm từ bi (thương mình thương người) thì không thể coi thường
Ngũ giới là căn bản của đạo làm người ngay hiện tại và là quả phúc trong tương lai nữa, vì:
Giới luật còn như đeo ngọc quý
Giới huỷ rồi ngọc quý mất đi
Ai ơi cạn xét cùng suy
Bạc vàng dễ kiếm ma ni17 khó tìm.
Ngũ giới không chỉ là nền tảng đạo đức tạo hạnh phúc an lạc cho cá nhân mà nó còn
tác động tích cực trên đoàn thể nữa.

2. Trên Chiều Kích Tập Thể


Chúng ta đã thấy, khoa học ngày nay có thể kéo dài tuổi thọ của con người được ít
năm, nhưng thế giới vẫn luôn sống trong cảnh nước sôi, lửa bỏng trước những khủng bố,
chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sóng thần đã và sẽ còn nguy cơ làm tiêu vong hàng vạn sinh
mạng con người.
Thiết nghĩ, nếu mỗi gia đình, mỗi đoàn thể, cộng đồng hay mỗi quốc gia hiểu được giá
trị và hành trì nghiêm túc giới sát này chắc hẳn sự chết chóc sẽ giảm tối thiểu. Nếu:
Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nổi đạo binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện,
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.
(Phật Học Phổ Thông, tr 86).
Thực tế cho ta thấy, nếu làng xã hay phố phường nào không có cảnh trộm cướp, người
người biết tôn trọng tài sản của nhau thì ở đó sẽ yên bình, có sự tin tưởng cởi mở với nhau
hơn. Trong một gia đình, xã hội có ít người tà hạnh thì gia đình, xã hội ấy hẳn được yên vui,
không còn cảnh đổ vỡ xáo trộn. Nói chung trong một tập thể, muốn có sự tín cẩn, đoàn kết,
thương yêu, mỗi người nhất thiết phải tránh nói dối, và cũng đừng uống rượu. Vì nếu thôn
xóm hay khu phố nào có vài người say xỉn quậy phá hoặc vì xì ke, ma tuý mà trộm cắp thì ở
17
Ma ni: Tiếng Phạn có nghĩa là ly cấu như ý. Ma ni châu là thứ bảo châu ly cấu (ra khỏi sự nhiểm dơ, lìa khỏi
phiền não; yếng sáng rất trong sạch, bụi dơ không bám vào được. Người ta bỏ thứ châu này xuống nước đục thì
nước trở nên trong, bỏ vào đồ độc, thì chất độc liền tan.
14

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

đó bình yên không? Kinh nghiệm cho thấy gia đình nào có người cha phạm giới tửu rượu chè
be bét mỗi ngày, gia đình đó như rắn mất đầu, công ăn việc làm bê trễ, vợ con sao khỏi chán
chường, thất vọng; bầu khí gia đình luôn nặng nề và làng xóm cũng ngao ngán theo. Thực sự
cá nhân và tập thể luôn có sự tương tác nhau. Chúng ta thường nghe nói một con sâu làm rầu
nồi canh thì một que diêm cũng có thể làm rực sáng một vùng trời. Sự tốt xấu của một người
ảnh hưởng đáng kể đến tập thể. Ngược lại, tập thể cũng có thể làm cho cá nhân hãnh diện
hoặc thất vọng. Vì có nhiều cá nhân mới thành tập thể, mà trong tập thể đều có từng cá thể.
Như thế, rõ ràng ích lợi của giới luật, nói riêng Ngũ giới không chỉ tác dụng ở mức độ cá nhân
tạo ra phước đức và trí tuệ cho chính người hành trì, mà nó còn tạo ra lợi ích và an lạc cho
những người xung quanh, cho gia đình và xã hội. Trong Phật giáo có một thành ngữ: Cái gì
hiện thực, cái đó có tác dụng; và ngược lại cái gì có tác dụng, cái đó hiện thực.
Qua đây, chúng ta thấy giới luật Phật giáo không xa lạ lắm so với Giới răn của Công
giáo. Đặc biệt hầu hết các thành phần của Ngũ giới đều được nói đến trong Điều răn Công
giáo, xin được viết là Thập giới.

IV. NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO VỚI THẬP GIỚI CÔNG GIÁO
Trong Ngũ giới có giới không sát sanh, thì trong Thập giới có chớ giết người (điều răn
thứ năm); không trộm cướp tương đương với chớ lấy, chớ tham của người (điều răn thứ bảy
và thứ mười); không tà dâm tương đương với chớ làm sự dâm dục, chớ muốn vợ chồng người
(điều răn thứ sáu và thứ chín); không nói dối tương đương với chớ làm chứng dối (điều răn
thứ tám); không uống rượu tương đương với chớ mê ăn uống (Bảy mối tội đầu).
Chung quy, giới hay Ngũ giới nói riêng là nền tảng cơ sở cho những thiện pháp phát
sinh, là công năng nuôi dưỡng lòng đạo đức của người phật tử; là cánh cửa giải thoát con
người khỏi vòng tham sân si để đạt tới chân trời an lạc. Muốn được như vậy, người ta phải giữ
giới; muốn hành trì giới hiệu quả, trước hết là sự hành trì bằng tâm niệm. Căn bản của sự
hành trì là diệt trừ tận gốc những tà tâm, ác ý. Đồng thời sự thực tập giới đức cũng phải được
đặt trên nền tảng của niềm tin: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin hiệu lực của việc giữ giới đem
lại.
Thập giới trong Kinh Thánh của đạo Công giáo, theo văn tự, có nghĩa là, Mười lời nói
(Xh 34, 28; Dnl 4, 13). Thiên Chúa đã mặc khải Mười lời nói này cho Dân của Ngài trên núi
thánh. Ngài đã viết những lời này bằng ngón tay của Ngài (Xh 31, 18; Dnl 5, 22), khác với
những điều luật do Môsê viết ra, cho nên Giáo hội thường gọi là Mười Điều Răn Đức Chúa
Trời, đó là bản tóm lề luật của Thiên Chúa.
15

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Thập giới vạch ra cho Dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được
giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Những điều răn là con đường sống: Nếu ngươi yêu mến Thiên
Chúa của ngươi, nếu ngươi bước đi trong đường lối, nếu ngươi tuân giữ các điều răn của
Người, ngươi sẽ được sống (Đnl 30,16). Và đây cũng là câu trả lời của Chúa Giêsu cho người
thanh niên giàu có khi anh ta hỏi Người: làm gì để được sự sống đời đời? Qua việc tuân giữ
giới răn, chúng ta nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến đầy yêu
thương của Ngài với lòng biết ơn. Giới răn nói lên những đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên
Chúa và tình yêu đối với tha nhân 18. Cho nên động lực của việc tuân giữ giới răn là tình yêu
và lòng mến. Bởi vì giới răn không còn khắc trên bia đá nữa mà đã được Thiên Chúa ghi tạc
vào tim, vào lòng con người.
Thế nhưng, tự sức con người khó có thể giữ trọn điều gì, nên chúng ta phải cậy nhờ
vào ân sủng của Thánh Thần mới có khả năng tuân giữ các giới răn, mệnh lệnh, thánh chí ngõ
hầu tâm hồn mới được bình an thư thái, sẽ thành công trong mọi việc ta làm và trong mọi
hướng ta đi.
Tóm lại, xét về nội dung, chúng ta thấy Ngũ giới của Phật giáo và Thập điều của
Công giáo có nhiều điểm tương đồng, nhưng về tinh thần không hoàn toàn giống nhau.

V. NHẬN ĐỊNH
Theo quan điểm của Phật giáo, trong mỗi người đều có sẵn Phật tánh. Vì thế, ta có thể
nói, đặc trưng giáo lý của Phật giáo là tuyên dương giá trị của con người. Điều cốt thiết còn
lại là con người có biết khai thác khả năng đang ngủ vùi nơi mình. Con người có quyết tâm từ
bỏ cuộc sống tầm thường, sống say chết mộng để vươn lên đỉnh tối ưu của mình hay không?
Nói cụ thể hơn, để làm người đúng nghĩa, đòi hỏi tối thiểu là con người phải tuân giữ
năm giới do Phật chế. Ngũ giới là năm giới cấm tại gia có công năng xây dựng một nền đạo
đức căn bản cho người phật tử, cũng như cho tất cả những ai thành tâm thiện chí muốn tiến
bước trên đường đức hạnh, an lạc, giải thoát cho mình và cho người. Bởi khách quan mà nói
Ngũ giới không cao siêu huyền bí, nhưng mang một giá trị nhân bản, thiết thực với cuộc sống
thường nhật của con người ở mọi thời đại. Có thể nói tinh thần cứu khổ ban vui của Phật giáo
thể hiện rõ trong năm giới này.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn nạn trong việc hành trì năm giới. Chẳng hạn khi thuyết
pháp về sự hiện hữu của chúng sanh trong vũ trụ, Đức Phật chỉ vào bát nước trên bàn nói:
trong bát nước này có tám vạn bốn ngàn chúng sanh (vi trùng ) (trong Kinh Phật, 8 vạn 4

18
Hội Thánh Công Giáo, Giáo Lý Chung số 2067.
16

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

ngàn có nghĩa là số lượng rất nhiều)19. Theo lời Phật nói ở đây, khó có ai trong cõi trần này
giữ trọn được giới sát? Vì cho dầu ta không giết người, sát thú nhưng vẫn phải nấu cơm nấu
nước, luộc rau chứ. Nếu ta không trực tiếp sát hại (không nấu nướng) nhưng khi thọ thực, ta
gián tiếp phạm giới rồi! Thượng toạ Thích Thiện Hoa trong Phật giáo phổ thôngcũng thừa
nhận: Người tại gia khó tránh khỏi phạm giới sát, nhưng chỉ cần giữ phần quan trọng là
không giết người và các con vật lớn như trâu, bò, heo, chó là được. Đàng khác, giết con vật
lớn vì vô ý như để tự vệ thì nhẹ tội hơn khi ta giết một sinh vật nhỏ như con sâu, con kiến
nhưng với chủ ý, do ác tâm. Hoặc có những trường hợp cũng có thể nói dối mà không có tội,
đó là khi vì lòng từ bi muốn cứu mạng hay để giúp người thoát qua cơn hoạn nạn.
Qua đây, cho chúng ta thấy tinh thần du di của Phật giáo, nhưng làm cho ta không
khoỉ suy nghĩ: nếu một giới luật đưa ra mà tự bản chất của nó không có tính triệt để nên khó
có ai tuân giữ trọn vẹn. Giới luật là nền tảng của tất cả thiện pháp, là chiếc phao cho những
người đang trôi lăn trong biển sinh tử luân hồi, nhưng thiếu tính an toàn triệt để, khác nào cái
phaocứu hộ thiếu không khí, có đủ năng lực đưa chúng sanh sang đến bờ an lạc không?.
Mặt khác, trong vấn đề thiền định giải thoát và hành trì giới luật, nếu cho rằng tự lực
hoàn toàn e rằng khó chấp nhận. Xét cho kỹ thì không có cái nào hoàn toàn tự lực hay hoàn
toàn tha lực hết. Trong tự có tha, trong tha có tự, chỉ có tự nhiều tha ít, hay tự ít tha nhiều.
Khi thiền định ta phải nương vào một thiền sư, thì đó là tha lực rồi! Ngay cả Chư Tổ Thiền
thuở xưa cũng phải đi hành cước tìm thầy khai ngộ chứ một mình ngồi thiền làm sao giác
ngộ? Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên nếu không gặp Phật sao chứng quả A La Hán? Nếu nghĩ tự
lực mà có thể giác ngộ thì đó là ảo tưởng, mà nghiệp lực thì dẫn đi luân hồi chứ làm sao giải
thoát 20. Khi nào người ta còn nương vào thầy, bạn, kinh sách, tụng niệm, Tam bảo thì không
thể nói hoàn toàn tự lực được.
Ngược lại, nếu ta chỉ ỷ lại, nương vào tha lực mà không có một chút tự lực tu hành thì
Phật hay Chúa đều bó tay? Một người muốn cứu lên bờ nhất thiết phải đưa tay ra cho người
khác kéo lên hoặc nắm lấy một cái gì đó. Thiết tưởng trên bước đường hành trì- tu tập nếu
người nào khôn ngoan biết kết hợp tự lực lẫn tha lực, khác nào chiếc thuyền buồm ra khơi
nương vào sức gió mới đến được bến bờ an lạc bên kia vậy.

TẠM KẾT
19
Lâm Thế Mẫn, Tinh Thần Và Nét Đặc Sắc Của Phật Giáo, Nxb Cà Mau 1996, tr. 31.
20
Thích Trí Siêu, Ý Tình Thân, 2002, tr. 208.
17

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Với sự phấn đấu, kiên trì tự thân và đã chứng quả Niết Bàn, Đức Thích Ca Mâu Ni
dùng giới luật vạch ra con đường Trung đạo, giúp chúng sanh thoát ra khỏi vòng khổ đau hệ
lụy để có thể giải thoát và giác ngộ như chính Ngài. Mà một trong những lối chính của con
đường ấy là Ngũ giới. Ngũ giới là nền tảng cho cuộc sống có hạnh phúc, có chí hướng vị tha,
có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời. Ngũ giới được xây dựng trên nguyên tắc
tôn trọng sự công bằng, bình đẳng; nuội dưỡng lòng từ bi và tránh nghiệp quả báo ứng. Hơn
nữa, năm giới này chính là tình thương. Thương có nghĩa là hiểu, bảo vệ, và mang lại an vui
cho đối tượng thương yêu của mình. Hành trì giới là thực hiện điều này. Chúng ta bảo vệ cho
mình và bảo vệ cho nhau. Nói cách khác, tâm từ bi, lòng bác ái phải là động cơ thiết yếu cho
việc hành giới cũng như cho mọi hoạt động của chúng ta, nhờ đó mới đem đến những gía trị
thiết thực. Vì tình thương, người ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc
cho người mình thương. Mặt khác, mọi công phu tu tập của chúng ta đều phải hướng tới việc
nhổ sạch những tham sân si làm nhơ bẩn tâm chúng ta. Nếu tâm nhơ bẩn, đầy dãy những
tham sân si, thì lời nói và hành động cũng sẽ nhơ bẩn, gây đau khổ và bất hạnh21. Trái lại, nếu
tâm được tu tập, được làm cho sạch, gạn lọc hết tham sân si, thì lời nói và hành động cũng sẽ
tự nhiên được thiện lành trong sáng.
Hành trì ngũ giới, ta nhận ra rằng những giới này có tính phổ thông, có thể áp dụng
vào bất cứ văn hoá, ở bất cứ thời điểm nào. Cho nên năm giới không chỉ dành riêng cho phật
tử, mà còn cho tất cả những ai thành tâm thiện chí. Năm giới này cũng là nguyên tắc đạo đức
căn bản để làm người, hầu xây dựng một xã hội trật tự, ổn định và mọi người được sống hạnh
phúc. Có thể nói, đó cũng chính là giá trị đạo đức, nhân bản thiết thực của Ngũ giới.
Thiết nghĩ, giả như tất cả các phật tử, hết thảy những người thiện chí đều tuân giữ giới
luật, đặc biệt hành trì Ngũ giới cách nghiêm minh, cuộc đời này sẽ vơi đi bao giọt lệ thương
đau, dập tắt được bao nhiêu ngọn lửa hận thù, chiến tranh, trái đất này sẽ xanh tươi, cuộc sống
an hoà, và chắc chắn nụ cười sẽ nở thắm trên môi mọi người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

21
Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, Nxb Tôn Giáo 2002, tr. 77
18

NGŨ GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ THẬP GIỚI TRONG CÔNG GIÁO

Tài liệu tiếng việt:


1. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Quyển I. Thành Hội Phật Giáo An Hành 1997.
2. Nhiều Tác Giả, Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, Nxb Tp.Hcm 2001.
3. Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, Tập I, 1966.
4. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Nxb Thuận Hoá 2005.
5. Ni Giới Hệ Phái Khất Sĩ, Kinh Tam Bảo, ( Cố Ni Trưởng Huỳnh Liên Biên Soạn). Nxb
Tôn Giáo, 2000.
6. Thích Nữ Như Định, Tam Vô Lậu Học (Luận Văn Tốt Nghiệp, 2004).
7. Trí Độ Và Tụê Quang, Kinh Lăng Nghiêm, Nxb Trường Sơn, 1964.
8. Hội Thánh Công Giáo Sách Giáo Lý Chung, Các Tu Sĩ Salêdiêng (Donbosco).
9. Lâm Thế Mẫn, Tinh Thần Và Nét Đặc Sắc Của Phật Giáo. Nxb Cà Mau, 1996.
10. Thích Trí Siêu, Ý Tình Thân, 2002.
11. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, Nxb Tôn Giáo
2002.

Tài liệu chuyển ngữ:


12. Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh Cựu Tân Ước. Nxb Tp.Hcm 1999.
13. Thích Nhất Hạnh, Nguyên Tác For A Future To Be Possible- Để Có Một Tương Lai.
Lá Bối, 1993.

Tài liệu viễn thông:


14. https://luatminhkhue.vn/gioi-la-gi-ngu-gioi-pañca-sīla-trong-dao-phat-duoc-hieu-
nhu-the-nao.aspx

You might also like