You are on page 1of 5

NHẬP MÔN Y HỌC THỂ THAO

BS Phan Vương Huy Đổng

MỤC TIÊU BÀI GIẢNG


1. Trình bày được khái niệm về y học thể thao và các định nghĩa liên quan
2. Trình bày được các nhân tố và mối liên hệ giữa các nhân tố đó trong y học thể thao
3. Trình bày được cách so sánh cường độ giữa các môn thể thao

1. Y HỌC THỂ THAO LÀ GÌ


1.1. Định nghĩa
Theo UNESCO, thể dục thể thao là bất cứ hoạt động cơ thể nào có tính vui chơi hay thi
đấu với nhau hay với thiên nhiên, tinh thần thể thao phải là biểu hiện của sự trung thực khi thi
đấu, đề cao tính giáo dục rất lớn của thể dục thể thao.
Y học Thể dục thể thao là một ngành y học toàn diện đa ngành nhằm chọn lọc, hướng dẫn,
theo dõi kiểm tra và điều trị cho những người tập thể dục thể thao không kể tuổi tác và giới
tính. Năm 1958, theo chủ tịch FIMS, Y học Thể dục thể thao gồm các ngành y học lý thuyết
hay thực hành thăm dò các ảnh hưởng của sự tập luyện thể dục thể thao ở người lành cũng như
người bệnh, cũng như ảnh hưởng của sự không vận động nhằm đạt được hiệu quả tối ưu cho
việc dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Y học Thể dục thể thao có bốn nhiệm vụ chính:
– Lựa chọn: để cá nhân biết bản thân phù hợp và không phù hợp với động tác nào, môn
thể thao nào
– Hướng dẫn: đi sâu vào chi tiết các khía cạnh vận động của môn thể thao.
– Theo dõi kiểm tra: là việc khám định kỳ và theo dõi tiến triển của việc tập luyện hoặc
của quá trình hồi phục, phát hiện các dấu hiệu quá tải hoặc chuyển biến xấu, có vai trò
quan trọng trong việc dự phòng các vấn đề y khoa cho vận động viên.
– Điều trị các tai nạn, chấn thương: ngoài việc điều trị cục bộ như y học cổ điển, Y học
Thể dục thể thao còn phải chú ý một cách toàn diện con người vận động viên (kỹ thuật,
dụng cụ, môi trường, thể chất...).
1.2. Lịch sử
Tập luyện để duy trì sức khỏe hay làm cho cơ thể mạnh hơn đã được con người từ cổ chí
kim, từ Đông sang Tây thấu hiểu. Ở Đông phương, 2700 năm trước Công Nguyên, các đạo sĩ
Trung Quốc đã biết dùng hệ thống các động tác để giảm đau và tăng cường sức khỏe. Đến thời
phong kiến cũng đã có các sử liệu ghi chép lại về việc giáo dục thể chất, Đạo giáo có các tài
liệu về kỹ thuật dưỡng sinh gọi là công phu (khí công). Phương Tây có Herodicus (Hy Lạp, 500
năm trước Công Nguyên) là thầy của Hippocrate sử dụng thể dục cho mục đích trị bệnh. Galien
(năm 150 sau Công Nguyên) đã có những ghi chép về việc chữa bệnh bằng xoa bóp và tập vận
động. Đến đầu thế kỷ XIX, Pehr H.Ling (Thụy Điển, 1776-1839) phát triển trường phái thể dục
Thụy Điển với bốn mục đích chính gồm: sư phạm; quân sự; y học và thẩm mỹ.
Đến giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tính cách cá nhân của Y học Thể dục thể thao trước
đây dần trở nên có tính cộng đồng hơn nhờ làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp. Y học
Thể dục thể thao hiện đại theo đó được sảnh sinh từ Y học kinh điển bởi ba động cơ chính:
– Khẩu hiệu nổi bật của thể thao: “nhanh hơn – cao hơn – mạnh hơn”
– Sự phát triển kinh tế - xã hội vượt trội của thời kỳ hiện đại
– Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật
Năm 1928 tại St.Morris, Liên Đoàn Y Học Thể Dục Thể Thao Quốc Tế (FIMS - Fédération
International de la Médicine du Sport) được thành lập với 150 người tham dự từ 70 nước. Đến
nay đã có 117 quốc gia thành viên, trụ sở đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ. Đến năm 1990 nhân Á Vận
Hội lần thứ 11 tại Bắc Kinh, Liên đoàn Y học Thể thao Châu Á (Asian Federation of Sports
Medicine hoặc AFSM) ra đời, là một trong những liên đoàn lục địa đa quốc gia dưới sự giám
sát của Liên đoàn Y học Thể thao Quốc tế (FIMS). Đến nay, AFSM đã có 30 thành viên Hiệp
hội Y học Thể thao Quốc gia và vẫn đang tiếp tục phát triển.

2. PHÂN LOẠI CÁC MÔN THỂ THAO


Với mục đích ứng dụng Y học Thể dục thể thao cho các nhiệm vụ lựa chọn, hướng dẫn,
theo dõi kiểm tra và điều trị tai nạn/chấn thương, các môn thể thao thường được phân loại theo
cường độ và sự va chạm.

Phân loại theo cường độ


NẶNG TRUNG BÌNH NHẸ
Chạy nước rút Bơi Đi bộ
Chạy đường dài Đi bộ nhanh Gôn
Đua xe đạp Chạy lúp xúp Bắn cung
Bơi đua Đạp xe chậm Bowling
Trượt băng tốc độ Bóng chuyền
Bóng rổ Quần vợt
Bóng đá Bóng bàn
Bóng bầu dục
Phân loại theo sự va chạm
VA CHẠM KHÔNG VA CHẠM
MẠNH CÓ GIỚI HẠN NẶNG VỪA NHẸ
Quyền anh Bóng rổ Thể dục nhịp điệu Cầu lông Bắn cung
Võ tự do Xe đạp Chạy nước rút Bóng bàn Gôn
Bóng đá Nhảy cầu Bơi lội
Đô vật Trượt tuyết Quần vợt
Bóng bầu dục Bóng chuyền Cử tạ

Y học Thể dục thể thao còn được phân loại theo công tác quản lý:
– Y học Thể dục thể thao có tính cá nhân dành cho người khỏe mạnh: Mỗi cá nhân tập
luyện độc lập với nhau: aerobic, dưỡng sinh... Gồm 4 khâu chọn lựa, hướng dẫn, kiểm
tra, điều trị đều được chú ý.
– Y học Thể dục thể thao tập thể: Bóng đá, bóng chuyền, đồng diễn... Ngoài 4 khâu trên
(chọn lựa, hướng dẫn, kiểm tra, điều trị), cần chú ý thêm dịch tễ học.
– Y học Thể dục thể thao thi đấu/thành tích cao: Điền kinh, bóng đá chuyên nghiệp, cử
tạ... Cần chú ý về vấn đề năng lượng dinh dưỡng.
– Y học Thể dục thể thao cho đối tượng đặc biệt: dành cho người già, trẻ em, người khuyết
tật cần chú ý đặc điểm của từng đối tượng.

3. ĐỘI Y TẾ THỂ THAO


3.1. Thế nào là đội y tế thể thao?
Việc chăm sóc các vận động viên thời nay đang được tiếp cận theo hướng toàn diện và cá
thể hóa, kết quả là bác sĩ y học thể thao phải gánh vác một mức độ trách nhiệm chưa từng có
trong việc giám sát những khía cạnh liên quan đến chăm sóc một vận động viên. Chính vì vậy
cần có một đội y tế gồm: bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu... và huấn tập viên. Đội
y tế phải có sự giao tiếp tốt với huấn luyện viên, người đại diện, phụ huynh và các bên liên quan
khác về tình trạng sức khỏe của một vận động viên. Có thể khái quát sự liên kết của các bên
bằng sơ đồ sau, trong đó huấn tập viên là trung tâm của việc trao đổi, giao tiếp:
3.2. Bác sĩ phụ trách Thể dục thể thao
Bác sĩ thể thao cần có kiến thức căn bản về sinh lý vận động, pháp y, săn sóc vết thương
quá tải, chỉnh hình, nội khoa (hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết...), tập hợp và phân tích số
liệu. Vì các môn thể thao khác nhau có các luật lệ, chiến lược, văn hóa và nguy cơ khác nhau,
một số bác sĩ có xu hướng trở thành chuyên gia trong một nhóm các môn thể thao cụ thể trong
khi vẫn duy trì sự thành thạo ở các khía cạnh khác của y học thể thao. Đây là một minh chứng
cho sự độc đáo và niềm đam mê chỉ có trong lĩnh vực thể thao.
Trách nhiệm chính của bác sĩ phụ trách là tạo sự an toàn cho vận động viên về y tế sức
khỏe bằng cách ngừa chấn thương, chuẩn bị cho thi đấu và di chuyển, hợp tác trao đổi với huấn
luyện viên, gia đình vận động viên, các ngành chức năng khác. Vai trò bác sĩ của đội rất đa
dạng, tuỳ theo giai đoạn của mùa giải, vị trí và điều kiện có sẵn khác. Các nhiệm vụ trong giai
đoạn đầu mùa giải chủ yếu bao gồm tầm soát sức khỏe và thể lực, tối ưu hoá chương trình luyện
tập và dinh dưỡng, và đưa ra các chiến lược phòng ngừa chấn thương. Giai đoạn huấn luyện
căng thẳng yêu cầu sự quản lý chấn thương thể thao ở mức cao và tập trung duy trì động lực,
áp lực trong giải đấu đòi hỏi bác sĩ của đội phải xử lý nhiều khía cạnh khác của chăm sóc thể
thao nhằm tối ưu hóa thành tích và sức khỏe của vận động viên.
3.3. Huấn tập viên
Theo Hiệp hội Huấn tập viên Quốc Gia Mỹ (NATA-National Athletic Trainers Association)
huấn tập viên là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng tác với các bác sĩ Y học Thể dục thể
thao, thực hành nhiệm vụ huấn luyện vận động viên với mục đích tối ưu hóa hoạt động và chất
lượng sống. Hoạt động huấn luyện của huấn tập viên bao gồm phòng ngừa, chẩn đoán và can
thiệp các tình trạng cấp cứu, cấp và mạn tính liên quan đến suy giảm/hạn chế chức năng và cả
các vấn đề khuyết tật.
Huấn tập viên phải có sự thấu hiểu đa khía cạnh về vận động viên của mình từ tâm tư tình
cảm đến những bất thường về tâm lý, do đó song song với vai trò của người điều trị và cố vấn,
huấn tập viên còn là một người bạn đối với vận động viên. Để tối ưu hóa lợi ích cho vận động
viên, họ cũng phải là cầu nối giao tiếp giữa các bên gồm vận động viên, ban huấn luyện, đội y
tế và gia đình người thân của vận động viên đó. Vì vậy huấn tập viên phải giỏi trong việc nắm
bắt ý đồ của ban huấn luyện, có nền tảng y khoa và hiểu rõ được năng lực, khả năng thể chất,
tình trạng của vận động viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Văn Quang: sách Y học Thể dục Thể thao, NXB Y học 1999 – Nhập môn Y học Thể dục
Thể thao.
2. Chan, K.M: Sport Medicine – A wonder journey throught time. Presidential Address – 2nd
Congress of Asian Federation of Sports medicine, manila, The Phillipines 25-2-1996
3. Keller, N.: Reflections in Sports for the Physically Handicapped – Physiotherapy 1965, 252.
4. Lyle J. Micheli, Fabio Pigozzi, Kai-Ming Chan, Walter R. Frontera, Norbert Bachl, Angela D.
Smith, S. Talia Alenabi - Team Physician Manual - International Federation of Sports Medicine.

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ


1. Theo UNESCO, tinh thần thể thao thể hiện tính cách gì:
A. Tính cạnh tranh
B. Tính trung thực
2. Trong 4 nhiệm vụ của Y học thể thao, KHÔNG có nhiệm vụ nào:
A. Lựa chọn
B. Điều trị
C. Hướng dẫn
D. Truyền thông
3. Trường phái thể dục Thụy Điển có mấy mục đích chính:
A. 1
B. 2
C. 3
D. 4
4. Ngành Y học thể dục thể thao thực sự bắt đầu phát triển vào thời gian nào:
A. Đầu thế kỷ XIX
B. Những năm 2000
C. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
D. A, B, C đều sai
5. Trụ sở của tổ chức FIMS hiện nay đặt ở đâu:
A. Thụy Sĩ
B. Thụy Điển
C. Hoa Kỳ
D. Trung Quốc
6. Liên đoàn Y học Thể thao Châu Á (AFSM) ra đời vào năm nào:
A. 1995
B. 1999
C. 1990
D. 1991
7. Phân loại theo cường độ, môn bóng đá thuộc loại nào:
A. Nặng
B. Trung bình
C. Nhẹ
D. Thuộc phân loại khác
8. Theo công tác quản lý, Y học thể dục thể thao không có loại nào:
A. Cá nhân khỏe mạnh
B. Tập thể
C. Đối tượng đặc biệt
D. Thẩm mỹ
9. Ai là người có vai trò trung tâm trong việc giao tiếp trao đổi trong việc huấn luyện và chăm
sóc vận động viên:
A. Bác sĩ
B. Người nhà vận động viên
C. Huấn luyện viên
D. Huấn tập viên
10. Các nhiệm vụ của bác sĩ y học thể dục thể thao của đội trong giai đoạn đầu mùa giải chủ
yếu bao gồm:
A. Tầm soát sức khỏe và thể lực
B. Tối ưu hoá chương trình luyện tập và dinh dưỡng
C. Đưa ra các chiến lược phòng ngừa chấn thương
D. A, B, C đều đúng

You might also like