You are on page 1of 14

CẢI CÁCH GIÁO DỤC NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ - VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO NGUỒN

NHÂN LỰC
PGS.TS Nguyễn Tiến Lực
Đặt vấn đề
Sau khi lật đổ chính quyền Tokugawa bakufu thiết lập chính quyền Minh Trị, các nhà lãnh
đạo chính quyền mới đứng trước một vấn đề cấp bách là làm thế nào để nhanh chóng đào tạo cho
được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc duy tân đất nước. Xuất phát từ nhận thức chỉ
có duy tân Nhật Bản mới thoát khỏi nguy cơ bị thực dân hóa như các dân tộc phương Đông phải
gánh chịu, chính quyền Minh Trị phải đưa ra những quyết sách mạnh mẽ: tiến hành cải cách căn
bản về giáo dục, xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục “thực học” nhằm đào tạo ra nguồn
nhân lực mới; mời chuyên gia nước ngoài đến Nhật làm việc, giảng dạy ở các trường đại học hoặc
cố vấn đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho công cuộc duy tân và gửi sinh viên ra nước ngoài du
học, chuẩn bị căn bản cho việc đào tạo nguồn nhân lực cao cho tương lai. Những việc làm này của
chính quyền Minh Trị thành công, góp phần làm nên những kỳ tích của Nhật Bản vào thế kỷ XIX.
1.Tiến hành cải cách căn bản nền giáo dục
Trong thời kỳ Edo (1603-1867), giáo dục Nhật Bản cũng đã phát triển và có được những
thành tựu to lớn. Ngoài các trường công lập do Bakufu trực tiếp quản lý (ví như Shoheiko), trường
Han lập do Daimyo trực tiếp quản lý (gọi là Hangako), trường làng do võ sĩ địa phương quản lý
(Kyogakko) và trường tư thục do Samurai quản lý dành riêng cho con em của võ sĩ và quý tộc thì
trên khắp cả nước hệ thống các trường Terakoya (gọi là trường chùa) cũng đã được xây dựng để
giáo dục cho con em của thường dân.
Vào cuối thời Edo, loại trường Terakoya rất phát triển, số lượng lên tới hàng chục vạn, thu
hút đông đảo con em thường dân theo học. Chính nhờ hệ thống trường Terakoya này mà đến năm
1868, tỷ lệ người biết đọc biết viết ở Nhật Bản rất cao so với thế giới đương thời: khoảng 43%
nam giới và 10% nữ giới biết chữ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo
nguồn nhân lực cho công cuộc duy tân sau này.
Tuy nhiên, nền giáo dục thời Edo (và trước đó) vẫn chứa đựng nhiều khiếm khuyết căn
bản. Khiếm khuyết nghiêm trọng nhất là nền giáo dục mang nặng tính “hư học”(kyogaku), ít tính
“thực học”(Jitsugaku)1, thiếu giáo dục khoa học tự nhiên và kỹ thuật và chưa phổ cập cho toàn

1
Về “hư học” và “thực học” của Nhật Bản, xin tham khảo Nguyễn Tiến Lưc, 2013: Fukuzawa Yukichi và Nguyễn
Trường Tộ: Tư tưởng cải cách giáo dục, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
dân. Để khắc phục điều đó, chính phủ Minh Trị phải tiến hành cải cách căn bản nền giáo dục của
đất nước.
Cải cách giáo dục là một trong ba đại cải cách đầu tiên của chính phủ Minh Trị. Năm 1871,
Bộ Giáo dục được thành lập để quản lý và phát triển giáo dục trong cả nước và thực thi một nền
giáo dục cho toàn dân. Tháng 12 năm đó, Bộ Giáo dục (Monbusho) đã bổ nhiệm 12 học giả danh
tiếng, mà phần lớn là những nhà Tây học (Yogakusha) vào Ủy ban soạn thảo Học chế (Gakusei)
có nhiệm vị hoạch định chiến lược giáo dục mới cho Nhật Bản. Tháng 8 năm 1872, Ủy ban này
đề xuất lên chính phủ sơ thảo Học chế, tháng 12 năm 1872 ban hành Học chế. Học chế là luật giáo
dục với mục tiêu là xây dựng một nền giáo dục cho toàn dân và xây dựng xã hội học tập, làm nền
tảng cho việc xây dựng Nhật Bản thành quốc gia “phú quốc cường binh”. Học chế chịu ảnh hưởng
rất nhiều từ tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi được nêu lên trong tác phẩm Khuyến học
(Gakumon no susume) xuất bản vào năm 1872.
Nguyên tắc cơ bản của Học chế gồm 4 điểm: Một là, xây dựng một xã hội học tập cho toàn
dân dựa trên cơ sở “tứ dân bình đẳng” với khẩu hiệu “không người nào không được học, không
làng nào không được học”; Hai là, khuyến khích toàn dân học tập, coi học vấn là tài sản cơ bản
nhất để lập thân; Ba là, giáo dục “thực học” có ích cho đời sống hàng ngày từ khoa học tự nhiên,
công nghệ đến pháp luật, chính trị, y học.v.v. và Bốn là, xây dựng nguyên tắc nghĩa vụ giáo dục,
các trường công sẽ miễn học phí cho học sinh2.
Thực hiện Học chế, chính phủ đã lập 8 khu Đại học, 32 khu Trung học và 210 khu Tiểu
học khắp cả nước.Bộ Giáo dục thực hiện thống nhất quản lý giáo dục trong cả nước. Chính phủ
Minh Trị vẫn duy trì hệ thống các trường Terakoya để giáo dục bậc tiểu học ở nông thôn. Vào năm
1875, Terakoya chiếm 70% số trường tiểu học trong 24.000 trường tiểu học của cả nước.
Vào thời kỳ này, hệ thống các trường sư phạm đào tạo giáo viên cũng được thành lập rộng
rãi. Trường sư phạm đầu tiên được thành lập vào năm 1873, giáo viên chủ yếu là người nước ngoài.
Toàn bộ chi phí do nhà nước trả. Năm 1875, đã có 8 trường sư phạm được thành lập, sau đó, các
tỉnh (ken) đều phải thành lập trường sư phạm. Hệ thống các trường sư phạm được tổ chức chặt chẽ,
với cách thức như quân đội, có tính kỷ luật và mô phạm cao nhằm đào tạo ra những giáo viên vừa
có kiến thức mới vừa có tinh thần phụng sự đất nước.
Nội dung giáo dục được thay đổi căn bản: các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật được đưa
vào giảng dạy ở trường học. Thực ra, vào thời Edo, ở các trường Hà Lan học (Rangaku) cũng đã

2
Nguyễn Tiến Lực, 2010: Minh Trị duy tân và Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 90.
giảng dạy các môn khoa học và y học phương Tây nhưng với cải cách giáo dục thời Minh Trị, các
môn khoa học mới được đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách chính thức, bắt buộc. Thời
gian đầu, các môn khoa học, kỹ thuật đều phải mời giáo viên nước ngoài đảm nhiệm và sách giáo
khoa cũng sử dụng sách giáo khoa nước ngoài hoặc mô phỏng sách giáo khoa nước ngoài. Nhưng
sau đó, các môn học này do các giáo viên người Nhật, thường là du học sinh từ nước ngoài về
nước hoặc sinh viên từ các trường đại học trong nước tốt nghiệp ra trường đảm nhiệm. Các giáo
sư, nhà giáo người Nhật cũng dần dần đảm nhiệm việc biên soạn sách giáo khoa. Trong giáo dục,
tính cầu thị, tính tự cường của người Nhật được thể hiện rất cao.
Để đào tạo ra số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp duy tân,
chính phủ Minh Trị xúc tiến thành lập các trường đại học hiện đại tổ chức theo kiểu đại học phương
Tây. Năm 1870, ở Tokyo có 6 trường đại học mới được thành lập và đến năm 1877, Trường Đại
học nổi tiếng nhất ở Nhật - Đại học Tokyo cũng được thành lập. Điều đáng chú là, ngoài hệ thống
trường công lập, chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục, từ tiểu học cho
đến đại học, thành lập và hoạt động. Nhờ đó, mà Nhật Bản có được hệ thống trường tư thục đông
đảo, có chất lượng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp duy tân
đất nước.
Tóm lại, bằng việc tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản, đồng bộ và quyết liệt,
Nhật Bản đã xây dựng được một nền giáo dục mới, hiện đại, một nền giáo dục đào tạo được nguồn
nhân lực cao phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH, đảm bảo thắng lợi của công cuộc “phú quốc
cường binh” của đất nước.
2. Mời chuyên gia nước ngoài đến Nhật làm việc
Cung với việc tiến hành cải cách căn bản nền giáo dục, chính phủ Minh Trị đã có một quyết
định sáng suốt là đẩy mạnh việc thuê các chuyên gia nước ngoài đến Nhật Bản làm việc để nhanh
chóng đào tạo được nguồn nhận lực mới, có trình độ khoa học và kỹ thuật, phục vụ cho công cuộc
duy tân đất nước. Điều này cũng nhằm thực hiện Điều 5 trong Ngũ điều Ngự thệ văn (Năm lời thề
nguyện) của Thiên hoàng Minh Trị công bố vào tháng 4 năm 1868 là “tiếp thu tri thức nhân loại,
chấn hưng sự nghiệp quốc gia”.
Trước hết, chính phủ Minh Trị chấn chỉnh tình trạng thiếu kế hoạch và lệ thuộc trong việc
thuê chuyên gia thời Bakufu. Tháng 8-1868 chính phủ Minh Trị đã ra chỉ thị cho các han về qui
chế mới trong việc thuê chuyên gia. Tiếp đó tháng 2-1870 chính phủ Minh Trị ban hành Sắc lệnh
“Các điều khoản về việc tiếp nhận chuyên gia nước ngoài”. Sắc lệnh đề cập đến những vấn đề liên
quan đến việc thuê chuyên gia như luật pháp, hợp đồng, chế độ đãi ngộ, kinh phí, việc thực hiện
và chấm dứt hợp đồng v.v… Sắc lệnh chỉ rõ: “Việc tiếp nhận chuyên gia nước ngoài là việc rất hệ
trọng, khi tiếp nhận phải xem xét học thuật của chuyên gia đó sâu nông ra sao, học thuật đó có khả
năng ứng dụng vào Nhật Bản hay không, tư cách và nhiệt tâm của chuyên gia như thế nào”3.
Nhờ những chính sách đó mà trong thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản đã thu hút được một số lượng lớn
các chuyên gia của phương Tây đến Nhật làm việc. Theo nhiều cách tính toán khác nhau, các nhà
nghiên cứu đưa ra nhiều con số rất khác nhau. Migi cho rằng có 1.377 chuyên gia nước ngoài có
công đối với Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX4. Ngược lại, Griffis, một chuyên gia, về sau là người
đầu tiên nghiên cứu một cách căn bản vấn đề này, đã đưa ra con số khoảng 5.000-6.000 người.
Burks cho rằng hàng năm có khoảng 8.000 người nước ngoài đến Nhật làm việc nhưng có một nửa
là người lao động Trung Quốc5. Schuwantes đưa ra con số thấp hơn chỉ khoảng 1500-2000 người6.
Jones điều tra cẩn thận, đưa ra con số 3000 người và suy luận rằng có thể lên tới 4.000 người. Vĩnh
Sính cũng cho rằng có khoảng 3.000 người7.
Về quốc tịch của các chuyên gia thì theo nghiên cứu Jones, trong giai đoạn đầu, chuyên gia
người Anh là đông nhất (1.034), kế đến là người Pháp (401), Mỹ (351) và Đức (279). Trong giai
đoạn sau, số lượng chuyên gia người Mỹ, Đức tăng lên, trong khi đó chuyên gia người Pháp giảm
xuống. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ Nhật đặt nhiều hy vọng vào các giáo sư đến từ
Mỹ và Đức.
Cũng theo Jones, Bộ Công nghiệp Nhật là cơ quan thuê nhiều chuyên gia nước ngoài nhất.
Tính toàn thể mà nói, chuyên gia làm việc ở Bộ Công nghiệp chiếm 1/3 tổng số chuyên gia làm
việc ở Nhật. Có 50% chuyên gia là các kỹ sư trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình lớn như
đường sắt, điện tín, hải cảng và đèn biển hay điều khiển các máy móc hiện đại, số còn lại là những

3
Umetani Noboru, 1979: Otayoi Gaigakujin-Gaisetsu (Các chuyên gia nước ngoài, T.1,Khái luận), Kashima
Shuppan, tr. 103-108.
4
Migi Hirooto, 1960: Kindai Nihon Samgyo Gijutsu no Seoka (Tây Âu hóa nền kinh tế sản nghiệp Nhật Bản cận
đại), Tokyo Keijai Shimbunsha, tr. 257-361.
5
Arthad W.Burks: Seijo kara Nihon e Oyatoi Gaikokujin (Các chuyên gia từ phương Tây đến Nhật Bản), Arthad
W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Kindaika no suishinshatachi: Ryugakusei, Oyatoi Gaikokujin to
Meiji (Những người xúc tiến công cuộc hiện đại hóa: Du học sinh, chuyên gia nước ngoài và Minh Trị),
Shibunkaku Shuppan, Tokyo, tr.189.
6
Robert Schwantes, 1990: Nihon no hatten ni okeru Otayoi Gaikokujin (Vai trò của các chuyên gia nước ngoài
đối với sự phát triển của Nhật Bản), Arthad W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), Sđd, .tr.201.
7
Hazel Jones: Gurifisu no teze to Meiji Otayoi Gaikokujin (Đề cương của Griffis và chuyên gia nước ngoài thời
Minh Trị), Arthad W. Burks- Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Sđd, tr. 218-221. Vĩnh Sính, 1991: Nhật Bản
cận đại, NXB TP. Hồ Chí Minh, tr. 123.
cố vấn ở Bộ và làm việc ở các văn phòng. Chuyên gia nổi tiếng nhất ở Bộ Công nghiệp là William
Cargill, người Anh, Tổng công trình sư các tuyến đường sắt đầu tiên ở Nhật.
Bộ Giáo dục chủ yếu thuê chuyên gia giảng dạy ở các ngành y học, khoa học tự nhiên và
ngôn ngữ học. Ở Bộ này, các chuyên gia người Đức chiếm 37,2%, Anh: 22,5%, Mỹ: 20,1%, Pháp:
13%. Những chuyên gia có ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục cận đại Nhật là các giáo sư David
Murray, Marion Scott (Mỹ), Ludwig Reiss, Herman Roessler, Albert Mosse (Đức) và luật sư
Gustave Boissonade (Pháp)8.
Bộ Hải sản phần lớn thuê các chuyên gia người Anh huấn luyện. Các chuyên gia người
Pháp làm việc ở nhà máy luyện kim ở Yokohama và nhà máy đóng tàu ở Yokosuka. Chuyên gia
nổi tiếng ở nhà máy đóng tàu ở Yokosuka là Francois Verny, người Pháp.
Bộ Nội vụ chủ yếu thuê chuyên gia người Đức. Họ cố vấn thiết lập hệ thống cảnh sát. Bộ
Lục quân chủ yếu thuê chuyên gia Pháp. Có một số chuyên gia Đức làm việc ở Tham mưu Lục
quân. Cục Khai khẩn Hokkaido thuê nhiều chuyên gia người Mỹ. Bộ Tài Chính chủ yếu thuê các
chuyên gia Anh và Pháp. Các địa phương (Fuken - phủ huyện) chủ yếu thuê các nhà kỹ thuật, các
giáo viên dạy ngoại ngữ và bác sĩ.
Về chế độ đãi ngộ chuyên gia nước ngoài của Nhật Bản: chính phủ Minh Trị đã bỏ ra một
khoảng kinh phí rất lớn để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài. Từ tháng 7 năm 1876 đến
tháng 6 năm 1877, Chính phủ Nhật bỏ ra 1.371.809 yên để thuê các chuyên gia nước ngoài, chiếm
khoảng 2,3% tổng ngân sách của chính phủ. Năm 1874, Bộ Công nghiệp bỏ ra 766.888 yên để
thuê các chuyên gia nước ngoài, chiếm 1/3 ngân sách của Bộ này9.
Có khoảng 7% chuyên gia hưởng lương tương đương với Thái chính Đại thần (tương đương
với Thủ Tướng), Viện trưởng Viện Cơ mật, Tham nghị, Bộ trưởng, Đại tướng Hải Lục quân…
trong đó có khoảng 1% hưởng lương cao gấp hơn hai lần lương của Thái chính Đại thần (lương
cao nhất ở Nhật). Cụ thể lương của Tống công trình sư người Anh Cargill là 2.000 yên/tháng
(đương thời 1 yên bằng 1 USD), lương của Kinder, kỹ sư người Anh, phụ trách nhà máy chế tạo
tiền ở Osaka là 1.045 yên/tháng, lương của Caipon một năm là 10.000 yên. Trong khi đó lương
của Thái chính Đại thần Sạno Tsunemi chỉ 800 yên/tháng, của Hữu Đại thần Iwakura là 600

8
Theo Vĩnh Sính,1991: Sđd, tr.123.
9
Robert Schwantes, 1990: Bđd, tr. 225; Vĩnh Sính, 1991: Sđd, tr.120-121. Để biết them chi tiết, xin xem Kanai
Makoda, 1976: Otayoi Gaikokujin, 17, Jinbunkagaku (Các chuyên gia nước ngoài, T.17, Khoa học nhân văn),
Kashima Shuppan,; Ueno Masuzo, 1979: Otayoi Gaikokujin, 3, Shizen Kagaku (Các chuyên gia nước ngoài, T.
3, Khoa học tự nhiên), Kashima Shuppan.
yên/tháng, của Tham nghị kiêm Bộ trưởng Nội vụ Okubo là 500 yên/tháng. Lương của các chuyên
gia kỹ sư là 400-800 yên/tháng, trong lúc nếu là người Nhật cũng chỉ 250 yên/tháng.10
Trong ngành giáo dục, lương của chuyên gia cũng cao hơn người Nhật rất nhiều. Lương
của chuyên gia bằng với lương của Giám đốc Đại học đế quốc (đại học hàng đầu ở Nhật mà Giám
đốc do chính Thiên hoàng sắc phong) là 400 yên/tháng. Ở bậc phổ thông, lương của một giáo viên
nước ngoài cao gấp nhiều lần so với Hiệu trưởng người Nhật.
Về nơi ở: các chuyên gia có quyền được cư trú ở những nơi mà họ làm việc, cho dù đó
chưa phải là những thành phố mở cửa. Vốn có một mức lương rất cao, các chuyên gia thường sống
với gia đình trong các biệt thự sang trọng, có đủ tiện nghi và người phục vụ. Chính phủ Nhật cũng
có chính sách bảo vệ an toàn cho các chuyên gia nước ngoài. Trong những năm đầu, chính phủ
Minh Trị còn bố trí các đội bảo vệ cho các chuyên gia làm việc ở Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.
Có thể nói chính phủ Minh Trị đã cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện chế độ đãi ngộ
cho các chuyên gia nước ngoài mà chính phủ thuê. Mục tiêu lớn nhất của chính phủ Nhật không
phải là đơn thuần sử dụng chất xám của chuyên gia mà muốn họ đến vừa làm việc vừa góp phần
đào tạo cho Nhật Bản nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao vai trò của chuyên gia nước ngoài trong việc cận đại
hóa Nhật Bản. Vai trò của họ biểu hiện qua các mặt sau đây:
1. Việc mời các chuyên gia phương Tây đến làm việc tại các cơ quan và địa phương thì
đồng thời du nhập phương thức sinh hoạt hiện đại vào Nhật. Điều đó đóng vai trò đẩy nhanh quá
trình hiện đại hóa Nhật Bản. Ví dụ như việc thiết lập nhà máy chế tạo tiền ở Osaka do người nước
ngoài cố vấn đã tạo ra nếp sống cận đại rõ nét: những người làm việc mặc Âu phục, thực hiện chế
độ nghỉ ngày chủ nhật, việc thiết lập chế độ ghi chép kiểu châu Âu, lập quỹ bảo hiểm, lập các trạm
xá, tuyến điện thoại, dùng đèn gas… Nếp sống đó đã nhanh chóng ảnh hưởng đến các vùng khác
của Osaka và lan rộng khắp cả nước.
2. Trong quá trình làm việc với các chuyên gia, ngoài việc tiếp thu kiến thức của họ, người
Nhật hiểu rõ tính ưu việt của những kiến thức đó, mà thoát được tư tưởng chống phương Tây cố
chấp có từ cuối thời Bakufu và cũng thoát khỏi tư tưởng sùng bái phương Tây mù quáng, kích
thích ý thức tự lập cho người Nhật.
3. Các giáo sư nước ngoài đã gây được ảnh hưởng to lớn đối với nền giáo dục Nhật. Họ
chẳng những gây ảnh hưởng về học thuật mà còn tạo cho tầng lớp trí thức mới của Nhật tinh thần

10
Robert Schwantes, 1990: Bđd, tr. 209; Umetani Noboru, 1979: Sđd, tr.206-207.
sáng tạo, tinh thần cách mạng trong khoa học, xây dựng nền tảng xã hội và tinh thần cho công
cuộc cận đại hóa.
4. Các chuyên gia nước ngoài đã làm việc tại Nhật nói chung là những người hiểu biết và
có cảm tình với Nhật Bản. Sau khi về nước, nhiều chuyên gia đã công bố sách báo, tổ chức các
cuộc triển lãm giới thiệu về văn hóa, con người và tình hình Nhật Bản, góp phần làm cho người
nước ngoài hiểu về Nhật Bản sâu sắc hơn. Ví dụ, các cuốn sách của Griffis, Japan của Molles, Life
and Adventure in Japan của Crark.. Đó là các cuốn sách đầu tiên về văn hóa và lối sống của Nhật
Bản cho người phương Tây, góp phần làm cho người phương Tây hiểu biết và có thiện cảm hơn
về đất nước và con người Nhật Bản..
Tóm lại: việc thuê các chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở Nhật là cách thức đúng đắn
để Nhật Bản nhanh chóng có được nguồn nhân lực mới, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp duy tân đất nước. Các chuyên gia nước ngoài đến Nhật làm việc ở những lĩnh vực mới, đào
tạo chuyên môn cho đồng nghiệp người Nhật, giảng dạy ở các trường học đào tạo nguồn nhân lực
mới cho Nhật Bản. Các chuyên gia nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp góp phần to lớn vào việc đào
tạo nguồn nhân lực mới, chất lượng cao và rất cần thiết cho sự nghiệp duy tân, một sự nghiệp khó
khăn nhưng vĩ đại chưa có tiền lệ ở châu Á.
3. Chính sách du học Âu-Mỹ của chính quyền Minh Trị
Như trên đã trình bày, việc mời chuyên gia nước ngoài đến cố vấn, chỉ đạo, giảng dạy có
tác dụng to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực mới cho Nhật Bản, đáp ứng nhanh chóng yêu
cầu của sự nghiệp duy tân đất nước nhưng đó cũng không phải là biện pháp lâu dài. Chỉ có việc
gửi học sinh ra nước ngoài du học, trực tiếp tiếp thu khoa học và kỹ thuật phương Tây và sau này
về nước, trực tiếp làm việc hay đào tạo nguồn nhân lực mới cho Nhật Bản là chính sách cơ bản và
lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực cho duy tân đất nước11.
Năm 1869, chính quyền mới thấy rằng, để nhanh chóng tiếp thu khoa học, kỹ thuật, chế độ
và luật pháp phương Tây, cần phải khẩn cấp việc cử các học sinh có năng lực, trước hết là con em
của công khanh triều đình và các Han gửi sang các nước phương Tây du học. Thế nhưng, việc
chính phủ đặt ưu tiên cho con em của công khanh và các Han trong việc tuyển chọn du học sinh
có sự bất công, rất nhiều trường hợp được tuyển chọn không phải do năng lực mà do thành phần
xã hội hay là sự quen biết các quan chức chính quyền. Điều này đã gây ra tình trạng bất mãn trong
xã hội và vì vậy mà năm 1871, chính phủ phải sửa đổi và ban hành Quy chế về lưu học sinh (Kaigai

11
Arthad W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Sđd, tr. 149.
Ryugakusei Kisoku). Theo đó, việc tuyển chọn phải tiến hành một cách tự do, dựa vào năng lực
của học sinh và không phân biệt thành phần xã hội và việc gửi học sinh đó đến học nước nào,
trường nào, ngành nào là do chính phủ quyết định. Ngay từ lúc đó, chính quyền Minh Trị đã biết
lựa chọn các nước có ngành học nổi tiếng nhất ở các trường đại học Âu-Mỹ để gửi lưu học sinh
của mình đến đó học tập. Nếu trước đây hầu hết lưu học sinh là con em của những người có vị trí
trong xã hội nên họ coi du học như đi du lịch hay thị sát nước ngoài không thật chú tâm vào việc
học tập thì lần này các du học sinh đều xác định rõ ràng mục đích du học và say mê, chủ động
trong việc học tập. Chính phủ căn cứ vào các ngành cần đào tạo mà quyết định gửi du học sinh
sang các trường có ngành học tốt nhất. Học về máy móc, thương nghiệp, tài chính-tiền tệ, đóng
tàu, gia súc, hoạt động từ thiện thì đi Anh; học về luật, luật quốc tế, động vật học và thực vật học
thì đi Pháp; học về chính trị học và y học thì đi Đức; học về bưu chính, công nghệ, nông học, gia
súc, thương mại, khai khoáng thì đi Mỹ12.
Với những chính sách như vậy số lượng du học sinh kể cả kinh phí chính phủ lẫn tự phí
tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ năm 1870, số lượng lưu học sinh là 170 người, năm
1871 là 441 người. Trong đó, du học sinh hưởng học bổng chính phủ, năm 1870 có 130 người,
năm 1871 là 354 người13. Trong số các nước có du học sinh Nhật Bản đến học tập thì Mỹ là nước
có số lượng nhiều nhất. Điều này có nhiều lý do: Một là, về mặt giao thông, đương thời đi từ Nhật
đến Mỹ thuận lợi hơn đến châu Âu; hai là, cả chính phủ lẫn nhân dân Nhật đều có cảm tình với
Mỹ tốt hơn các nước châu Âu; ba là, có nhiều nhà truyền giáo Mỹ đến Nhật và họ làm vai trò trung
gian, tích cực quảng bá việc du học ở Mỹ; thứ tư là, Mỹ là quốc gia mới, phát triển nhanh chóng,
về học thuật thì khai phóng, tự do, dễ thích hợp với người Nhật hơn là nền học thuật châu Âu có
truyền thống lâu đời và mang nặng tính hàn lâm.
Trong chuyến đi sứ Âu-Mỹ của phái đoàn Iwakura vào năm 1871-1873, Nhật Bản đã bắt
đầu tiến hành điều tra tình hình du học sinh ở Âu-Mỹ. Năm 1875, Bộ Giáo dục Quy chế cho vay
tiền đi lưu học (Monbusho Taihi Ryugakusei Kisoku). Theo đó, Bộ Giáo dục kết hợp với Bộ Tài
chính sẽ cho lưu học sinh vay tiền đi học và sau khi về nước làm việc sẽ trả dần. Quy chế cũng nói
rõ việc gửi lưu học sinh đi đào tạo lần này là để nhằm đào tạo cán bộ khoa học để thay thế cho các
chuyên gia nước ngoài.

12
Arthad W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Sđd, tr. 151.
13
Ishizuku Minoru, 1972: Kindai Nihon no kaigai ryugakushi (Lịch sử lưu học nước ngoài của Nhật Bản thời cận
đại), Minerva, tr. 168.
Theo quy chế mới này, việc tuyển chọn những tài năng trẻ đi du học được giao cho các
trường nổi tiếng như Trường Tokyo Kaisei (tiền thân của Đại học Tokyo), Trường Sư phạm Aichi
(Nagoya), Trường Keio Gijuku…chứ không phải Bộ trực tiếp tuyển chọn như trước nữa. Việc
tuyển chọn thông qua một loạt bài thi: môn ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài phụ trách, các môn
chuyên môn do giáo viên Nhật phụ trách. Trước khi đi, các du học sinh được bồi dưỡng thêm kiến
thức chuyên môn và ngoại ngữ nhờ đó mà khi ra nước ngoài, họ không gặp khó khăn gì đặc biệt
cả.
Năm 1882, chính phủ tiếp tục ban hành Quy chế lưu học sinh quốc phí (Kanhi Kaigai
Ryugakusei Kisoku), chủ yếu vẫn tuyển chọn số sinh viên học ở Đại học Tokyo và các trường đại
học quốc lập và dân lập danh tiếng khác. Quy chế quy định các du học sinh phải tuân thủ nghiêm
túc quyết định về ngành, về khoa và trường được cử đi học và có nghĩa vụ phục vụ đất nước sau
khi học xong. Các quy định này vẫn tiếp tục được thực hiên một cách nhất quán cho đến giữa thế
kỷ XX14.
Nhờ chính sách này mà về chất lượng, du học sinh Nhật Bản có chất lượng cao hơn, thành
tích học tập tốt hơn. Họ được lựa chọn từ các trường nổi tiếng ở Nhật và được bồi dưỡng thêm
kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ; họ cũng xác định rõ mục đích học tập là để trở thành những
nhà khoa học có thể thay thế được các chuyên gia nước ngoài và chủ động trong việc xây dựng
nền khoa học-kỹ thuật và văn hoá cận đại Nhật Bản. Thành tích học tập của họ không thua kém gì
học sinh nước sở tại, có khi còn tốt hơn, tốt nghiệp với kết quả xuất sắc hơn. Nhiều lưu học sinh
đã học tập có nhiều kết quả nhận được học vị cao quý của các trường danh tiếng ở nước ngoài,
tham gia nhiều học hội quốc tế có danh tiếng. Họ là tầng lớp tinh hoa (elite) của xã hội Nhật Bản.
Griffis nhận xét rằng: “Du học sinh Nhật Bản là đại biểu cho trí tuệ Nhật Bản, đại biểu cho những
người có địa vị cao trong xã hội và cũng là người đại biểu cho văn hoá truyền thống của Nhật. Họ
không phải là những người Nhật bình thường. Họ là những người xuất sắc nhất, có tính thông minh
di truyền, có nhân cách và rất năng động”15.
Theo nghiên cứu của Lanham thì chỉ ra rằng trong giai đoạn đầu của phong trào du học của
người Nhật, vai trò của Mỹ rất to lớn vì đến 1866 có tới 300 học sinh du học ở Mỹ. Một thống kê
khác của Ishizuki cho biết rằng năm 1872 ở Mỹ có khoảng 200 du học sinh Nhật và lúc bấy giờ
du học của sinh viên Nhật Bản rất thích du học ở Mỹ. Conte sử dụng tư liệu ở Bộ Ngoại giao của

14
Ishizuku Minoru, 1972: Sđd, tr. 205.
15
Theo Ishizuku Minoru, 1972: Sđd, tr. 172.
chính phủ Minh Trị rằng từ 1868 đến 1902 đã từ cấp 11.248 hộ chiếu du học và nói rằng đó con
số rất đáng tin cậy. Ông còn cho biết số hộ chiếu dành cho du học sinh đó chỉ chiếm 3% hộ chiếu
chính phủ cấp cho công dân Nhật đi ra nước ngoài mà thôi. Cùng thời kỳ, ông còn cho biết rõ có
khoảng 11% du học sinh do chính phủ Minh Trị cấp kinh phí. Và trong số đó có 57% hộ chiếu cấp
cho du học sinh sang Mỹ học tập. Conte còn đưa ra con số thống kê cụ thể hơn về lai lịch của 655
học sinh Nhật Bản ở hơn 100 trường đại học và trung học chuyên nghiệp của Mỹ16. Conte thống
kê vào những năm 1870 số du học sinh học về khoa học tự nhiên và kỹ thuật chiếm hơn một nửa,
vì lúc nó Nhật rất cần học tập nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của Âu-Mỹ. Ngược lại, theo nghiên
cứu của Ishizuki và Watanabe, thì những năm 1880 có 3 lĩnh vực mà du học sinh Nhật thích học
là khoa học xã hội và nhân văn; luật học và thứ ba là khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Còn những
năm 1990 thì lưu học sinh Nhật thường học khoa học cơ bản ở Nhật, còn muốn đi sâu chuyên môn
thì mới sang du học ở châu Âu, đặ biệt là Đức17. Những sinh viên du học từ nước ngoài, đặc biệt
là ở châu Âu về thường có vị trí và đặc quyền cao hơn trong các trường đại học, cơ quan khoa học,
các Bộ và trong xã hội.
Để thấy rõ hơn những đặc điểm của du học sinh Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX ta có
thể so sánh với du học sinh Trung Quốc cùng thời. Năm 1872, chính phủ Thanh Quốc cũng đã cử
120 người sang Mỹ, và sau đó còn cử nhiều người sang các nước Đức, Pháp, Anh du học. Nhưng
du học sinh Trung Quốc là những người còn quá trẻ tuổi, khi đi du học mới có một ít kiến thức
phổ thông, chưa thông thạo ngoại ngữ và cũng không có ý thức dân tộc sâu sắc. Điểm khác nhau
lớn với du học sinh Nhật Bản là lưu học sinh Trung Quốc sau khi đi học xong, về nước, không có
chỗ để sử dụng những kiến thức học được (không có đất dụng võ) vì thái độ bài học thuật phương
Tây ở Thanh Quốc còn mạnh. Hơn nữa, chế độ khoa cử vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc và đó là chế
độ duy nhất tuyển chọn quan lại cho đất nước18. Còn ở Nhật, chính phủ coi việc gửi du học sinh
sang phương Tây học là phương pháp tốt nhất để tiếp nhận kiến thức và văn minh của phương Tây,
các lưu học sinh rất quan tâm, gắn bó với những vấn đề trong nước, sau khi về nước họ đóng vai

16
James Conte, 1976: Ryugakusei, Overseas Study in the Development of Japan, 1867-1902, Toronto. Dẫn theo
Arthad W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Sđd, tr. 152.
17
Theo Arthad W. Burks-Umetani Noboru (Chủ biên), 1990: Sđd, tr. 153. Trong số lưu học sinh hưởng học bổng
nhà nước, có đến gần 70% được gửi sang học ở Đức.
18
Xem Kotake Fumio,1858: Shinmatsu ni okeru Chùgoku no gaikoku ryugakusei (Lưu học sinh của Trung Quốc
cuối thời nhà Thanh), trong Hayashi Tomoharu, Kinsei Chugoku Kyoiku-shi kenkyu (Nghiên cứu lịch sử giáo
dục Trung Quốc cận đại), Kokushisha, Tokyo, tr. 351-353.
trò tích cực trong sự nghiệp giáo dục, phổ biến kiến thức tiên tiến cho quốc dân, góp phần thực
hiện thành công công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Vào thời Minh Trị, các nhà lãnh đạo ở Nhật Bản hầu hết đều đã có kinh nghiệm thị sát và
du học ở phương Tây một mức độ nhất định, hoặc ít nhất là có kiến thức về phương Tây. Các công
thần duy tân như Iwakura, Okubo, Kido… đều đã từng đi thị sát dài ngày ở Âu-Mỹ, các nhân vật
chủ chốt của chính quyền Minh Trị như Okuma, Ito, Inoue, Yamagata, Saigo Tsugumichi (em trai
của Saigo Takamori)…đã từng du học ở châu Âu. Còn các lưu học sinh trong thời Minh Trị là
những người đi tiên phong trong việc xây dựng nền khoa học và văn hoá tiên tiến của Nhật Bản
và bằng kiến thức chuyên môn của mình, họ đóng góp to lớn vào cồn cuộc cận đại hoá đất nước.
Cống hiến quan trọng nhất của du học sinh là họ đã góp phần đào tạo lớp trí thức mới, nguồn nhân
lực mới, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH Nhật Bản. Có thể nói hầu hết du học sinh trở thành các
nhà khoa học đầu ngành ở các trường đại học của Nhật Bản. Trong số họ có nhiều người trở thành
nhà lãnh đạo các trường đại học, các cơ sở khoa học và các hội khoa học. Đáng chú ý nhất là
Yamakawa Kenjiro (1854-1931), du học sinh ở Đại học New Brunswick, về sau làm Giám đốc
Đại học Tokyo. Lưu học sinh cũng đã tiếp thu tinh thần khoa học phương Tây, họ đóng vai trò phê
phán xã hội một cách tích cực, giúp cho chính quyền điều chỉnh các chính sách thích hợp và đúng
đắn hơn. Bằng cách có, họ cũng có đóng góp lớn vào quá trình dân chủ hoá xã hội Nhật Bản cận
đại. Ví như, năm 1873, du học sinh Nhật Bản ở Mỹ cũng đã thành lập ra tổ chức Jinrikisha với
mục đích chủ yếu là luận bàn những vấn đề của Nhật Bản và thế giới và xúc tiến quá trình hiện đại
hoá Nhật Bản. Năm 1874, cựu du học sinh ở Anh đã thành lập ở Tokyo một tổ chức Kyozon Doshu
chủ trương dân chủ hoá chính trị Nhật Bản. Một tổ chức khác cũng được thành lập bởi nhiều người
có kinh nghiệm thị sát nước ngoài là Meirokusha, đóng vai trò to lớn trong việc phê phán tư tưởng
bảo thủ, truyền bá tư tưởng khai sáng cho dân chúng Nhật Bản.
Các lưu học sinh cũng đóng vai trò to lớn trong việc thành lập và điều hành hoạt động của
các hội khoa học và các tạp chí học thuật. Đó là các Hội Toán học Tokyo (1877) do Kikuchi
Dairoku sáng lập, Hội công học Nhật Bản (1879), trung tâm là lưu học sinh các ngành kỹ thuật,
Hội địa chấn Nhật Bản (1880) do Hattori Ichizo, Hội sinh vật học Tokyo (1882) do Yatabe
Ryokichi, Tạp chí Gakugei Shirin (1877, Đại học Tokyo), Toyo Gakugei Zasshi (1881)...
4. Thay lời kết luận
Cách đây hơn 150 năm, Nhật Bản đã tiến hành công cuộc duy tân và đạt được những thành
công vĩ đại. Một trong những động lực cho việc thực hiện thắng lợi của sự nghiệp duy tân là việc
đào tạo nguồn nhân lực mới. Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau để đào
tạo ra nguồn nhân lực như vậy. Đó là việc phải tiến hành cải cách căn bản nền giáo dục cũ, khắc
phục những khiếm khuyết của nền giáo dục cũ là nặng về hư học, ít tính thực học và thiếu giáo
dục khoa học kỹ thuật và xây dựng một nền giáo dục hiện đại tiên tiến mang tính thực học cao,
đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp duy tân Nhật Bản.
Để nâng cao hiệu quả của việc đào tạo nguồn nhân lực mới chính phủ Minh Trị đã đưa ra
quyết sách mời chuyên gia phương Tây đến làm việc ở Nhật và gửi thanh niên Nhật sang phương
Tây du học để tiếp nhận tri thức, khoa học kỹ thuật phương Tây.
Về việc mời chuyên gia nước ngoài: chính phủ Nhật lựa chọn mời chuyên gia của nước
nào, chuyên gia lĩnh vực nào để giúp cho việc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước Nhật Bản.
Nhật không thuê chuyên gia một cách ồ ạt mà họ có sự lựa chọn các quốc gia có trình độ tiên tiến
nhất về lĩnh vực vực nào thì thuê chuyên gia về lĩnh vực đó. Có như vậy, Nhật mới sớm nắm bắt
được những kiến thức tiên tiến nhất để học tập, mới có thể “đi tắt đón đầu”, tiến kịp các nước tiên
tiến nhất thế giới. Nhật Bản quan niệm: việc thuê chuyên gia phương Tây, tiếp thu kiến thức
phương Tây chính là việc “sử dụng kiến thức của ngoại quốc để chống lại sức ép của ngoại quốc”
và là cách thức nhanh nhất để đào tạo nguồn nhân lực mới cho sự nghiệp duy tân đất nước.
Tuy nhiên, chính sách gửi học sinh ra nước ngoài du học để tiếp thu văn minh và kỹ thuật
phương Tây một cách trực tiếp và sâu sắc là phương cách căn bản và lâu dài để người Nhật nắm
quyền chủ đạo trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước. Chính phủ Nhật Bản đã
biết lựa chọn các nước có ngành học nổi tiếng nhất ở các trường đại học Âu-Mỹ để gửi lưu học
sinh của mình đến đó học tập... Sau khi tốt nghiệp ở những trường như vậy, những ngành như vậy
họ mới đủ năng lực và tư cách để chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Nhờ chính sách và phương cách đúng đắn mà trong thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản đã đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp Minh
Trị duy tân, biến Nhật trở thành một nước tư bản tiên tiến, sánh ngang hàng với các cường quốc
trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình Đổi mới với mục tiêu rất rõ ràng là xây dựng
nước trở thành một nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Tuy nhiên,
ngay ở thời điểm này, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém trong
đào tạo nguồn nhân lực. Vậy chúng ta có thể học gì từ chính sách đào tạo nguồn nhân lực của Nhật
Bản từ thời Minh Trị?
Bài học đầu tiên là phải cải cách căn bản nền giáo dục của đất nước. Cải cách căn bản và
toàn diện nền giáo dục là “mệnh lệnh mà thực tế cuộc sống đang yêu cầu chúng ta vì tương lai đất
nước” (Hoàng Tụy). Thuật ngữ “cải cách giáo dục”, “đổi mới giáo dục”, “chấn hưng giáo dục”
được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các công trình nghiên cứu,
trong các cơ quan truyền thông và cả trong các nhà lãnh đạo giáo dục nhưng nội dung cần cải cách
nhất đối với nề giáo dục Việt Nam hiện nay là gì? Từ bài học của thời kỳ Minh Trị ở Nhật, theo
tôi, cần dứt khoat loại bỏ “hư học”, thực thi “thực học” trong giáo dục và đào tạo ở nước ta. Xuất
phát từ quan điểm “Đổi mới giáo dục là mệnh lệnh từ cuộc sống” thì cần dứt khoát vứt bỏ “hư
học”, tức là vứt bỏ việc giảng dạy những điều vô bổ, không có ích cho đời sống. Đó là những điều
mà ngày nay người ta hay nới “những điều mà người học không muốn học, người dạy không muốn
dạy” vì nó chẳng giúp ích gì cho cuộc sống của con người, thậm chí còn ngăn cản việc thực thi
giáo dục “thực học”.
Bài học thứ hai là việc mời chuyên gia nước ngoài. Mặc dầu hoàn cảnh quốc tế ngày nay
khác xã với thời Minh Trị và vị thế nước ta hiện nay cũng khác xa với Nhật Bản thời Minh Trị
nhưng chính sách, nguyên tắc mời và sử dụng chuyên gia của thời Minh Trị vẫn còn là bài học
quý báu cho chúng ta. Chính phủ và các cơ quan chức năng phải chủ động trong việc mời chuyên
gia, không để cho tình trạng tiếp nhận chuyên gia phái cử một cách thụ động. Cần quán triệt nguyên
tắc “Việc tiếp nhận chuyên gia nước ngoài là việc rất hệ trọng, khi tiếp nhận phải xem xét học
thuật của chuyên gia đó sâu nông ra sao, học thuật đó có khả năng ứng dụng vào Nhật Bản hay
không, tư cách và nhiệt tâm của chuyên gia như thế nào” như Nhật Bản đã làm cách đây hơn 150
năm. Trong những lĩnh vực công nghệ cao, có tính cấp thiết thì dù có phải chi ra một khoản tiền
lớn để mời được các chuyên gia hàng đầu đến làm việc, giảng dạy, đào tạo, cố vấn thì ta vẫn phải
làm. Trong trường hợp nước ta hiện nay, cần mời các chuyên gia người Việt, gốc Việt đang làm
việc ở nước ngoài về nước tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là chính sách
cần ưu tiên hành đầu.
Bài học thứ ba là vấn đề gửi du học sinh ra nước ngoài học. Bài học của việc gửi du học
sinh của thời Minh Trị là chính phủ (Bộ Giáo dục) phải căn cứ vào nhu cầu cần đào tạo rồi tìm
nhiểu ngành đó thì khoa nào của trường nào nổi tiếng nhất thế giới mà cử sinh viên đến để học.
Không chạy theo số lượng để rồi gửi sinh viên ra nước ngoài ồ ạt để hệ quả của nó là chúng ta chỉ
nhận được nhiều sản phẩm “bậc trung” không có các chuyên gia hàng đầu. Không có các chuyên
gia thực sự giỏi thì chúng ta không thể nào tạo ra sự đột phá trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao
cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

You might also like