You are on page 1of 7

PHÂN TÍCH NỘI TÂM NHÂN VẬT ZEZÉ TRONG TIỂU THUYẾT “CÂY

CAM NGỌT CỦA TÔI” CỦA TÁC GIẢ JOSÉ MAURO DE


VANSCONCELOS
Người thực hiện: Ngô Mai Anh- MSV: 725611006

Tóm tắt: Bài nghiên cứu phân tích nội tâm nhân vật Zezé trong các mốc thời gian
và sự kiện khác nhau trong cuộc đời: trước khi gặp “ông Bồ”, khi gặp được “ông
Bồ” và sau khi “ông Bồ” mất. Qua bài phân tích ta thấy được tầm quan trọng của
việc miêu tả nội tâm nhân vật và thông điệp của tác giả về tình yêu thương cũng
như tài năng nghệ thuật của ông.
Từ khóa: “nội tâm nhân vật”, “Zezé”, “Cây cam ngọt của tôi”

1. Đặt vấn đề
- Lý do lựa chọn đề tài:
Nội tâm nhân vật là vấn đề quan trọng mà độc giả quan tâm khi tìm đến một tác
phẩm. Bởi nhân vật cũng như đứa con của nhà văn, nó có ý nghĩa truyền tải những
thông điệp của nhà văn đến với độc giả. Tuy nhiên, đây lại là một yêu cầu khó đối
với tác giả. Không phải ai cũng có khả năng miêu tả tâm lý nhân vật tài tình, và để
dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nội tâm ấy lại càng khó hơn. Ấy vậy mà nhà văn
José Mauro de Vansconcelos đã làm được điều đó. Ông đã khiến người đọc như
được nhập vai vào nhân vật, khiến độc giả cười nắc nẻ rồi cũng khiến độc giả khóc
rưng rức ngay sau đó. Đi sâu vào bóc tách những tầng cảm xúc trong tâm hồn một
cậu bé mới năm tuổi, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn tài năng của tác giả … Từ đó,
chúng ta thấy được tầm quan trọng của vấn đề miêu tả nội tâm nhân vật trong tác
phẩm văn học, và cũng từ đó chúng ta thấy được những thông điệp ẩn chứa mà tác
giả muốn gửi gắm.
Macxim Gorki từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải Bắc cực mà là nơi không có
tình yêu thương”. Tình yêu thương là chất keo gắn kết người với người. Thế
nhưng, có những đứa trẻ khi sinh ra đã thiếu thốn tình thương, hay thậm chí là chỉ
được nhận tình yêu thương trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời. Zezé-
nhân vật chính trong tiểu thuyết “Cây cam ngọt của tôi”- là một đứa trẻ thiệt thòi
và đáng thương như thế.
- Đối tượng nghiên cứu: Nhân vật Zezé trong câu chuyện “Cây cam ngọt của tôi”
- Phạm vi nghiên cứu: Trong tiểu thuyết “Cây cam ngọt của tôi”
- Nhiệm vụ nghiên cứu: Phân tích sự thay đổi trong nội tâm nhân vật Zezé trong
các giai đoạn khác nhau
- Sơ lược lịch sử nghiên cứu: Hiện nay chưa có một bài nghiên cứu hoàn chỉnh nào
về vấn đề này. Qua bài nghiên cứu, tôi muốn cung cấp cho mọi người một cái nhìn
rõ nét hơn về tầm quan trọng của việc miêu tả nội tâm nhân vật và cụ thể là nội tâm
nhân vật Zezé trong tác phẩm trên.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát về tác giả, tác phẩm
- “Tác giả José Mauro de Vasconcelos (1920 - 1984) sinh ra trong một gia đình
nghèo ở ngoại ô Rie de Janeiro, Brazil. Lớn lên ông phải làm đủ nghề để kiếm
sống, nhưng với tài kể chuyện thiên bẩm, trí nhớ phi thường, trí tưởng tượng tuyệt
vời cùng vốn sống phong phú, José cảm thấy trong mình thôi thúc phải trở thành
nhà văn nên đã bắt đầu sáng tác từ năm 22 tuổi”. (trích trong sách)
- Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện”Cây cam
ngọt của tôi”. Cuốn sách ra mắt độc giả năm 1968 và đã được đưa vào chương
trình tiểu học của Brazil.

2.2. Vấn đề “nội tâm nhân vật” trong văn học


“Nội” là bên trong, “tâm” là trái tim, cũng có thể hiểu là những suy nghĩ tình cảm,
ý chí của con người, như vậy “nội tâm” là tâm tư, tình cảm của con người, là một
phần tính cách của con người. Nội tâm nhân vật là thế giới phong phú hơn cả. Đó
là thế giới riêng của tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ, đặc biệt là những thay đổi trong ý
thức, thái độ sống và tâm lí nhân vật qua các giai đoạn. Thông qua những cảm xúc
mong manh đó, nhà văn bộc lộ quan điểm sống và quan điểm nghệ thuật của bản
thân.

2.3. Phân tích nội tâm nhân vật Zezé trong tác phẩm “Cây cam ngọt của tôi”
(José Mauro de Vasconcelos)
2.3.1 Nội tâm nhân vật Zezé trước khi gặp được “ông Bồ”
2.3.1.1 Hoàn cảnh của Zezé
Zezé sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em, bố thất nghiệp, mẹ phải
đi làm nhà máy để nuôi gia đình. Gia đình em luôn phải vật lộn với miếng cơm
manh áo nên từ nhỏ em đã quen với cái nghèo. Giáng sinh của người ta là quà
bánh, là “cái máy hát, là “ba bộ vét”, là “một hộp lớn bút chì màu”, “một hộp đầy
đồ chơi”, “một cái máy bay gắn cánh quạt quay được”, “hai cái thuyền với cánh
buồm trắng”... Nhưng giáng sinh của em, em chẳng mong gì hơn là một món quà
xuất hiện trong đôi giày mà em đặt ngoài cửa. Em thậm chí đã phải thốt lên: “Thật
kinh khủng khi có một người cha nghèo!”.

2.3.1.2. Tính cách của Zezé trước khi gặp được “ông Bồ”
a) Zezé là một cậu bé thông minh bẩm sinh, hiểu chuyện từ bé và có ước mơ chân
chính đáng ngợi ca
Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, nhưng ở sâu bên trong tâm
hồn của cậu bé ấy, em vẫn ánh lên những phẩm chất tốt đẹp. Em vừa có sự hồn
nhiên, ngây thơ của trẻ con vừa có trái tim nhân hậu giàu tình yêu thương và sự
hiểu chuyện đến đau lòng.
Chỉ mới 5 tuổi em đã biết mình phải kiếm tiền bằng sức lao động. Em đã đi đánh
giày để kiếm tiền mua thuốc tặng cha vào giáng sinh. Em làm một công việc chân
chính, kiếm những đồng tiền chân chính để mua quà cho cha. Em không thích
người ta “cho” em như bố thí, em muốn mình phải bán sức lao động để đổi lấy
tiền. Thậm chí, em còn không lấy tiền của bạn bè…………
Em có một ước mơ là sau này sẽ trở thành một nhà thơ trên cổ đeo chiếc nơ
bướm. Đó là ước mơ hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Trong thế giới của người
lớn, có lẽ bố mẹ em đã quên mất “ước mơ” là gì, bởi họ đã bị cuốn vào guồng xoay
cơm áo gạo tiền của cuộc sống. Họ chỉ mong sao có tiền mua gạo, nuôi đủ cho mấy
miệng ăn. Nhưng em- một đứa trẻ- vẫn đang giữ được tâm hồn đầy mộng mơ của
mình. Có lẽ chúng ta còn phải học tập cậu bé Zezé này rất nhiều bởi “Kẻ nghèo
nhất không phải kẻ không có nổi một xu dính túi mà là kẻ không có nổi một ước
mơ”. Chì cần có ước mơ, ta vẫn có mục tiêu để sống, để tiến về phía trước chứ
không chỉ là tồn tại. Tuy chỉ là một đứa bé 5 tuổi nhưng cách nói chuyện và cách
cư xử của em bé Zezé khiến nhiều người phải nể phục.

b) Zezé có trí tưởng tượng phong phú


Zezé lấy trí tưởng tượng để làm vũ khí chống lại thế giới người lớn quay cuồng
trong tiền bạc nhưng thiếu vắng hạnh phúc và ước mơ. Em tưởng tượng cái chuồng
gà trong vườn là sở thú, rồi em còn tưởng tượng ra ở xung quanh nhà em là cả
châu Âu, sông Amazon...
Em đã đặt tên cho cây cam ngọt trong vườn là Pinkie, và còn gọi nó là “Bạn
Yêu”. Em thấy cây cam ngọt lần đầu khi chuyển sang ngôi nhà mới bé hơn nhà cũ,
ban đầu em không thích nó vì em thấy nó nhỏ quá. Thế nhưng, sau này, nó đã trở
thành người bạn thân thiết của em. Em kể với nó tất cả mọi chuyện diễn ra trong
cuộc sống của em. Nó như một người bạn biết lắng nghe, biết tâm sự, biết hờn dỗi
… Thậm chí em còn ngồi lên cành của nó và tưởng tượng là mình đang cưỡi ngựa
qua những vùng đất mới.

c) Zezé tự ti khi tự coi mình là “quỷ”, cảm thấy mình không xứng đáng được sinh
ra trên đời
Zezé là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cha Zezé thương con theo quan niệm
“thương cho roi cho vọt”, “nếu em không biết thì đòn roi sẽ dạy cho em biết”. Em
thường xuyên bị bố đánh đập, thậm chí có lần còn bị chị đánh đập một cách dã
man. Đỉnh điểm là có một lần, cha em vì quá tức giận nên đã “lấy thắt lưng làm roi
quất đen đét” lên người em, khiến em “ngã xuống sàn”, “ngất đi”. Sau đó, em “sốt
hầm hập”, mọi cử động đều khiến cho toàn thân em đau nhức, em “gần như không
thở nổi”. Em thậm chí đã phải thốt lên: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh
ra trên đời này”.
Zezé thấy rằng mình thực sự bị đối xử bất công trong chính gia đình của mình.
Lúc nào em cũng là đứa trẻ cuối cùng được chọn. Thế nên, ngay từ nhỏ- chỉ mới 5
tuổi- em đã luôn mặc cảm, tự ti, tự nhận mình là quỷ. Cũng bởi vì thế cho nên em
luôn bày trò trêu chọc người khác. Em cảm thấy “con quỷ” trong em đã làm những
điều đó. Zezé không phải một đứa trẻ bình thường, nó là đứa trẻ thường xuyên bị
đánh đập, có ngày còn bị ăn đòn đến ba lần.
Có lẽ chính vì thế mà trong Zezé luôn có những suy nghĩ bạo lực, em thậm chí
còn muốn “giết” bố. Nhưng “giết” ở đây là không yêu người đó nữa, là khiến cho
người đó không có hiện hữu trong trái tim mình nữa. Trong trái tim non nớt trẻ thơ
của Zezé, điều đáng sợ nhất chính là không được yêu thương, và không được chú
ý. Zezé luôn thích trêu chọc người khác, những trò đùa thực sự rất oái oăm và thậm
chí là khiến người khác bị thương. Nhưng có lẽ, đó là cách mà em muốn được mọi
người chú ý. Em không muốn mình không còn xuất hiện trong con mắt của người
khác nữa, em muốn mình phải được hiện hữu, phải được sống như những người
bình thường, hay những đứa trẻ bình thường khác.
Nam Cao đã từng nói: “Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao
nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất.” Cha em, mẹ em, cả gia đình em chính là nạn nhân
của cái đói, cái nghèo. Họ khổ, đúng vậy, bởi vì họ khổ nên mối quan tâm của họ
mỗi ngày chỉ là cơm áo gạo tiền. Thế nên họ đã vô tình “giết chết” giấc mơ, và tâm
hồn của một đứa trẻ thánh thiện. Lớn lên trong đòn roi, Zezé thiếu thốn tình yêu
thương đến mức em phải làm bạn với cây cam ngọt sau nhà. Và em cũng hiểu
chuyện hơn nhiều so với những đứa bạn khác. Mới 5 tuổi, cái tuổi đáng ra đang
phải được vui chơi, vô lo vô nghĩ thì em lại phải đối mặt với hiện thực là nhà mình
nghèo.

2.3.1.3 Tính cách, tâm trạng Zezé thay đổi khi gặp được ông Bồ
“Ông Bồ” là một người đàn ông người Bồ Đào Nha có chiếc xe hơi rất đẹp. Ban
đầu, Zezé và ông có một xích mích và Zezé cực kỳ ghét ông ta, thậm chí còn muốn
lớn lên sẽ giết ông ta. Thế nhưng, sau một lần được “ông Bồ”: giúp đỡ, Zezé đã
làm bạn với ông. Và đó là người bạn tốt nhất trong cuộc đời của Zezé. Đối với
Zezé, “ông Bồ” giống như một người bạn già thực thụ, một người được Chúa cử
xuống để giúp em nhận được tình yêu thương mà em đáng được nhận. Em được
“ông Bồ” cho ngồi trên xe hơi, và ông Đồ đã gọi đó là “xe của chúng ta”, họ đã
cùng đi câu, đi ăn, làm mọi thứ với nhau giống như hai người bạn thân thực sự.
Đối với cha em, với anh Totoca, hay với những người hàng xóm, Zezé là một đứa
trẻ hư, một con quỷ lắm mưu nhiều mẹo, thường xuyên bày trò nghịch ngợm làm
phiền người khác, nhưng với những người hiểu và thương em, như mẹ, với cô giáo,
với bác Edmundo, với “ông Bồ”,... em là hiện thân của thiên thần, của tình yêu
thương và của những điều kỳ diệu.
Em thương em trai em- Luís- một tình yêu thương vô điều kiện, vô bờ bến. Em đã
từng phải thổn thức khi nghĩ rằng “Chúa đang trừng phạt tôi bằng cách không tặng
quà cho em trai tôi. Nhưng điều này không công bằng với Luís, nó là một thiên
thần. Không một thiên thần nào trên thiên đường có thể tuyệt vời hơn nó.” Em đã
tặng hoa cho cô giáo chủ nhiệm khi thấy trên bàn các cô giáo khác đều có hoa
nhưng cô giáo em thì không. Cô giáo đã gọi em là “trái tim vàng”. Em đã đi đánh
giày lấy tiền mua bao thuốc cho cha vào dịp giáng sinh…
Khi em tìm được người bạn hiểu mình như “ông Bồ”, em đã thật sự thích thú và
trân trọng người bạn này. Đó là những tháng ngày đáng giá nhất trong cuộc đời
em. Dường như em đã được cảm nhận tình yêu thương một cách trọn vẹn- thứ tình
cảm mà em luôn khao khát được nhận từ những người thân của mình. Em không
chỉ muốn ông Bồ là bạn mình, em còn muốn ông ấy là cha mình. Em đã ngỏ lời
muốn ông ấy nhận nuôi mình: “Chúng ta không thể chọn cha mình trước khi chào
đời. Nhưng nếu có thể, cháu sẽ chọn ông.” Đứa trẻ ấy đã nguyện không chửi bậy,
nguyện ngoan ngoãn và học giỏi để có thể làm bạn với “người bạn già” của mình
suốt đời. Có thể nói, “ông Bồ” chính là “cây cam ngọt” thứ hai xuất hiện trong
cuộc sống của đứa trẻ ấy.
Trái tim Zezé- đứa trẻ năm tuổi thiếu thốn tình yêu thương, đã được yêu thương
một cách chân thành và trọn vẹn- mặc dù tình yêu ấy không kéo dài suốt cả cuộc
đời của cậu bé. Em đã từng tâm sự với Pinkie là: “Trái tim chúng ta phải đủ lớn để
có chỗ cho tất cả mọi thứ chúng ta yêu thương”. Có thể thấy, cái nghèo, cái khổ đã
không thể đánh cắp đi trái tim lương thiện, giàu tình thương của em. Suy cho cùng,
mọi thứ đều có thể mất đi, chỉ còn tình yêu thương ở lại.
“Với một đứa trẻ, thế giới không giới hạn trong một bữa ăn, mà thế giới cần có
hào quang của tình thương”. Vì thế cho nên, khi được nhận tình yêu thương của
ông Bồ, Zezé cũng đã đáp trả lại tình yêu thương ấy. Em chia sẻ với ông tất cả mọi
thứ trong cuộc sống của mình như chia sẻ với cây cam ngọt, em đánh giày cho ông,
thậm chí em còn hôn ông- điều mà em chưa từng làm với ai trong gia đình. Tâm
hồn của đứa trẻ thơ ấy như chiếc cây non cằn cỗi được tưới mát, và trái tim của em
như được hồi sinh, được nâng niu che chở. Mặc dù khoảng thời gian ấy là không
dài, nhưng có lẽ nó là những tháng ngày em thực sự được sống như những đứa trẻ
khác- không phải quỷ, mà là một con người. “Ông Bồ” là món quà mà Chúa đã gửi
tặng đến em, để em không còn cảm thấy đơn độc trong cuộc sống. Em cảm nhận
được tình yêu thương giữa người với người- tình yêu thương nhẹ nhàng, giản dị
chứ không phải tình yêu nhưng lại hiện hữu trong những trận đòi roi của bố.

2.3.1.4 Tâm trạng của Zezé sau khi “ông Bồ” mất
Hiện thực cuộc sống thật tàn khốc. Chúa đã mang đến cho em người bạn tuyệt vời
nhất trên đời, thế nhưng chính Chúa cũng cướp người bạn ấy khỏi tay em. Tàu
Mangaratiba đâm vào ông khi ông đang lái xe- một người bạn đã kể cho Zezé
nghe. Ngay lập tức, Zezé đã ra khỏi lớp mặc kệ cô giáo có hỏi cậu. Đó như một tin
sét đánh đối với Zezé, là cú sốc mà có lẽ cả cuộc đời này em không thể quên được.
Người dạy cho em biết về tình yêu thương lại ra đi một cách thê thảm như thế.
Em gào lên với Chúa: “Ngài keo kiệt lắm, Chúa Hài Đồng. Con cứ tưởng lần này
Ngài sẽ tốt với con, thế mà ngài lại làm chuyện này sao? Tại sao Ngài không thích
con nhiều như thích những đứa con trai khác? Con đã ngoan rồi mà. Con đã không
đánh nhau nữa, con đã làm bài tập về nhà, con không nói bậy nữa. Con thậm chí
không nói từ “đít” nữa. Tại sao Ngài lại làm thế với con, chúa Hài Đồng? Người ta
sắp đốn hạ cây cam của con và con thậm chí không bực tức vì điều đó. Con chỉ
khóc một chút thôi… Nhưng bây giờ… bây giờ…”... “Chúa Hài Đồng, con muốn
ngài trả lại ông Bồ cho con. Ngài phải trả lại ông Bồ cho con”.
Tiếng gào khóc của em nghe đau đến xé lòng. Nó cứa vào trái tim chúng ta như
hàng ngàn mũi dao. Thật tội nghiệp em. Khó khăn lắm em mới có được một người
bạn thực sự- người bạn bằng xương bằng thịt- người khiến em cảm nhận được tình
yêu thương- người khiến em thay đổi để tốt lên. vậy mà cuối cùng Chúa đã cướp
mất cả người bạn ấy của em. Em sẽ lại cô đơn một lần nữa.
Sau đó, Zezé như không còn sống nữa, em không ăn, thậm chí không muốn thở.
Người ta tưởng em sợ cây cam ngọt bị chặt, nhưng không, “cây cam ngọt” của em
đã bị chặt mất rồi. Tất cả điểm tựa đều mất hết. Cái chết của ông Bồ đã lôi em từ
thiên đường xuống địa ngục tăm tối. Đến lúc này, khi thần chết đang túc trực bên
em mỗi ngày, em mới nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của mọi người.
Nhưng những điều ấy chẳng thể khiến cho tâm hồn em tươi tỉnh lại. Trái tim của
em đã “chết”, đã đi theo người mà em yêu hơn cả cha đẻ của mình- người bạn tốt
nhất và duy nhất mà em có.
Zezé là một cậu bé có nội tâm phong phú. Ở sâu trong hình hài một đứa trẻ năm
tuổi nghịch ngợm ấy lại là tâm hồn giàu lòng yêu thương.
Nhà văn đã thực sự thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Nó khiến cho
chúng ta đi qua những cung bậc cảm xúc của Zezé, Nó khiến chúng ta vui sướng
khi chứng kiến hành trình của Zezé khi em gặp được ông Bồ, rồi lại khiến chúng ta
chết lặng theo em. Những trận đòn roi mà Zezé phải nhận, nó không chỉ đại diện
cho nỗi đau về thể xác, mà còn là đại diện cho một tâm hồn non dại đang thiếu đi
sự dìu dắt bằng tình yêu thương.

3. Kết luận
Có thể nói, chỉ với hơn 200 trang sách, nhà văn đã đưa người đọc lạc vào thế giới
của tâm hồn trẻ thơ với biết bao cung bậc cảm xúc: vui, buồn, đau khổ, thương
xót,... Dường như, nỗi lòng của Zezé cũng là nỗi lòng của tác giả, hay những đứa
trẻ khác ở vùng quê nghèo … Đó là nỗi buồn về hoàn cảnh nghèo khó của gia
đình, là nỗi sợ những trận đòn roi của bố, là nỗi lo khi phải chia tay người bạn tốt
nhất thế gian,… Thế giới nội tâm của Ze zé thật phong phú và rộng mở, nhưng
trong đó ánh lên tình yêu thương tha thiết. Phải chăng đó cũng chính là mong ước,
thông điệp của tác giả, rằng không đứa trẻ nào xứng đáng bị bạo hành, đánh đập,
chúng như là những cây con non nớt, chúng ta cần phải mở rộng lòng mình, yêu
thương và dẫn dắt nó.
Nhà văn đã thật tài năng khi khắc họa rõ nét nội tâm nhân vật Zezé. Qua đây,
chúng ta nhận thấy tài năng quan trọng của việc khắc họa nội tâm nhân trong tác
phẩm văn học. Bởi nhân vật trong văn học cũng là nhân vật trong đời, và qua đó
chúng ta còn thấy được thông điệp của nhà văn về tình yêu thương. Quả như nhà
văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “ Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm
mà tâm điểm là con người.”

4. Tài liệu tham khảo


https://thayhieu.net/chuyen-de-boi-duong-hoc-sinh-gioi-van-ly-luan-van-hoc-2/
Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi văn- Lí luận văn học

https://tuoitre.vn/cay-cam-ngot-cua-toi-bao-ve-su-ngay-tho-cua-the-gioi-
20210107103316692.htm
Cây cam ngọt của tôi: Bảo vệ sự ngây thơ của thế giới

https://nhandan.vn/doc-sach-cay-cam-ngot-cua-toi-loi-thu-thi-cua-tre-tho-
post747761.html
Đọc sách “Cây cam ngọt của tôi”: Lời thủ thỉ của trẻ thơ

You might also like