You are on page 1of 3

Một tác phẩm văn học xuất sắc là một tác phẩm phải chạm được đến cảm

xúc, trái
tim của người đọc. Đôi lúc, nó làm chúng ta thấy được câu chuyện của chính mình
trong đó và khoảnh khắc mà tôi cảm nhận được sự cảm thông, thấu hiểu trong nỗi
đau xót về thể xác lẫn tinh thần của nhân vật chính một cách sâu sắc đó là lúc tôi
đặt trọn tâm trí vào tác phẩm “Cây cam ngọt của tôi”. Tuy đây là một cuốn sách
viết về trẻ em nhưng nó lại chứa đựng những câu nói vô cùng day dứt đến ám ảnh.
Cây cam ngọt của tôi được kể dưới góc nhìn của Zezé một cậu bé mang tính cách
phá phách, nghịch ngợm và được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con.
Mặc dù chỉ mới năm tuổi nhưng cậu bé đã có những suy nghĩ già dặn, thông minh
hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa, nhưng không phải bẩm sinh mà cậu mang
một nét tư duy như thế mà do chính hoàn cảnh khốn khổ đã hình thành nên sự
trưởng thành trong nhận thức của cậu nhóc “sinh ra chỉ để bị đánh đập”, chính là
cách mà Zezé đã tự miêu tả cuộc đời đầy đau thương của mình khi mà tấm thân
nhỏ bé này đã phải liên tục hứng chịu những trận đòn “thập tử nhất sinh” từ người
anh, người chị, mà đặc biệt là người cha ruột mà đáng lẽ ra cậu phải hết mực tỏ
lòng yêu quý. Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, khi bỗng một ngày kia ông Bồ xuất
hiện và thắp sáng lên cuộc đời đen tối của Zezé một chút tia hi vọng, đối với một
nguồn sống đang dần cạn kiệt thì đây là động lực rất to lớn để buộc cậu phải bước
tiếp, nhưng cậu không hề biết rằng sau này cũng chính ông ấy là người đã khiến
cậu phải thốt lên rằng “Tôi bị trừng phạt bằng cách phải tiếp tục sống”. Đặc sắc
nhất trong tác phẩm này phải kể đến đó là cách xây dựng hình tượng nhân vật
chính Zezé, cậu mang dáng dấp của một “ông cụ non” chính hiệu, một tính cách
đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn. Sự trưởng thành trong lối suy nghĩ và trách nhiệm của
cậu nhóc được thể hiện qua việc Zezé không những biết chăm lo rất chu đáo cho
cậu em trai Luís của mình mà còn tự ý đi làm thêm vào dịp Giáng Sinh tất cả chỉ
vỏn vẹn để dành tặng cho cha mình một món quà sau khi cậu cảm thấy có lỗi vì đã
lỡ lời với ông ấy. Dẫu vậy, cuộc đời của cậu nhóc này chưa bao giờ là dễ dàng, bởi
vì ai cũng phải đau lòng khi nhận ra rằng không có đứa trẻ năm tuổi nào mà lại
mang những suy nghĩ trải đời như thế này. Những dòng tâm trạng, hay những câu
hỏi ngây thơ đến đau lòng của Zezé khi cậu thể hiện cảm xúc khiến cho ai nấy
cũng phải quặn lòng “mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên cõi đời này”.
“không yêu người đó nữa, và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết”. Điểm ấn
tượng thứ hai đối với tôi có lẽ chính là lúc nhận ra rằng không chỉ có mỗi cây cam
ngọt ngào và dịu dàng với cậu nhóc mà còn một người duy nhất đối xử như thế với
cậu đó là ông Bồ. Dĩ nhiên, Zezé không phải là một đứa bé hoàn hảo khi mà ai
cũng chấp nhận sự thật rằng cậu phải chịu đựng vô vàn những tổn thương nặng nề
về thể xác lẫn tinh thần ngay từ khi còn nhỏ, điều đáng nói là ở cái độ tuổi mà đáng
lí ra như bao đứa trẻ khác phải được nuông chiều, được tạo điều kiện tốt nhất để
phát triển bản thân một cách toàn diện, chung quy những tổn thất nặng nề đó đã
khiến cậu dần mất kiểm soát và buông ra những lời cay độc với chính người cha
ruột của mình “thật kinh khủng khi có một người cha nghèo”, đó là một trong
những lời độc miệng mà cậu vô tình tuôn ra trong lúc mất kiểm soát, thật đáng
thương. Nhưng chính bằng sự bao dung và sự trìu mến vô hạn, ông Bồ đã dùng hết
khả năng để có thể làm sống dậy tâm hồn ngây thơ, lém lỉnh của cậu nhóc Zezé để
cậu được hưởng thụ thứ tâm hồn vốn có của mọi đứa trẻ và ông đã nhấn mạnh cho
cậu biết rằng ai cũng được xứng đáng nhận được sự cảm thông, yêu thương và
chấp nhận cho dù người đó có mắc phải điều tồi tệ vốn không đáng có đi chăng
nữa. Khoảnh khắc Zezé cầm bông hoa Cam cuối cùng trên tay làm tôi chợt nhớ
đến lời văn của bác Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm “Hạ đỏ”: “Khi lần đầu tiên
đón nhận nỗi buồn, tôi hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết”, điều này chắc hẳn đã
chạm đến tâm can của người đọc một cách da diết. Có một thứ mà tôi tâm đắc ở tác
phẩm đó là sự tinh tế của nhà văn khi tôi chạm đến trang bìa của quyển sách, một
dòng cảm xúc đã chạm đến tâm hồn tôi sau thưởng thức tác phẩm này một cách
xuất sắc “vị chua chát của cái nghèo hoà trộn với vị ngọt ngào khi khám phá ra
những điều khiến cuộc đời này đáng sống”. Sau khi đọc tác phẩm này, tôi bỗng hồi
ức lại tuổi thơ của mình, mặc dù không có những biến cố, hoàn cảnh khốn khổ như
Zezé nhưng từ những dòng suy nghĩ và hành động của Zezé khiến cho tôi cảm
thông, thấu hiểu và bao dung hơn rất nhiều. Tôi nhận ra từ giờ trở đi bản thân phải
biết đối xử ra sao, phải làm như thế nào với những đứa trẻ sẽ gặp trong đời. Một
tác phẩm không phải chỉ để phân tích mà để cảm nhận. Tôi mong tất cả những
người làm cha mẹ hoặc sẽ làm cha mẹ nên dành thời gian đọc tác phẩm này, để họ
có thể thấu hiểu hơn, bao dung hơn và để biết rằng cuộc đời này thật sự rất khó
khăn nếu thiếu vắng đi sự yêu thương và niềm trắc ẩn của con người. Tác phẩm
này thật sự đã mang đến niềm an ủi, trao năng lượng tích cực đến những tâm hồn
cần được chữa lành, cảm thấy bản thân thật may mắn vì có một tuổi thơ trọn vẹn
hay đỡ hơn là không mắc phải sự khốn khổ như cậu nhóc trong câu chuyện và là
một lời gửi gắm sâu sắc đến cho những bậc phụ huynh hiện tại hay sau này, hãy
luôn đối xử tốt với mọi người bởi vì ai cũng xứng đáng để nhận được điều đó dù
họ có “hư” như thế nào đi chăng nữa đặc biệt là những đứa trẻ ngây thơ cần được
sự bao dung, thấu hiểu sâu sắc “ai đã ở trên đời, thì tức là người đó xứng đáng
được sinh ra con ạ. Con cũng thế”. Hãy trân trọng mọi tâm hồn tồn tại trên cõi đời
này, bởi vì những tâm hồn nhỏ bé đó rất cần sự thấu hiểu, chữa lành từ những con
người thiện lành.

“Trái tim chúng ta cần phải đủ lớn để có chỗ cho tất cả mọi thứ chúng ta yêu
thương” (Cây cam ngọt của tôi | José Mauro de Vasconcelos)

You might also like