You are on page 1of 32

ĐỀ CƯƠNG NGỮ VĂN 8 HỌC KỲ I

A. Đọc-Hiểu Văn bản


I. LÃO HẠC – NAM CAO
1. Tìm hiểu chung:

a. Tác giả: Nam Cao ( 1917-1951 )

-Là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám

+ Quê quán: Hà Nam

+ Đề tài thường viết: Người nông dân nghèo bị vùi dập và người tri thức nghèo
sống mòn mỏi.

b. Văn bản:

+ Xuất xứ: Trích truyện ngắn “Lão Hạc” (1943)

+ Phương thức biểu đạt: Tự sự ( kết hợp miêu tả + biểu cảm )

+ Nội dung: Thể hiện chân thực, cảm động số phận đau thương của người nông
dân trong xã hội phong kiến cũ và phẩm chất cao quý, tiềm tang của họ. Đồng thời
còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân của tác giả.

+ Nghệ thuật: - Thể loại truyện ngắn

- Ngôi kể thứ nhất

- Miêu tả tâm trạng, tâm lí nhân vật chân thực chuyển biến theo
thời gian

- Bộc lộ tính cách nhân vật qua ngoại hình, từng hành động, cử chỉ,
lời nói

- Đặt nhân vật vào tình huống truyện hấp dẫn

2. Câu hỏi nhỏ

- Vở học nhóm
3. Nghị luận văn học

Câu 1: Viết đoạn văn ngắn giới thiệu về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Lão
Hạc

Tác giả của văn bản Lão Hạc là nhà văn Nam Cao. Nam Cao (1917-1951), quê tại
tỉnh Hà Nam. Ông là nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng của Việt Nam trước
Cách mạng tháng Tám. Ngòi bút của ông thường hướng về người nông dân nghèo
đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi trong xã hội cũ. Các tác phẩm
tiêu biểu của ông gồm có: Chí Phèo, Giăng Sáng,...Văn bản “Lão Hạc” trích từ
truyện ngắn nổi tiếng cùng tên được ông sáng tác năm 1943. Truyện kể về nhân vật
lão Hạc. Lão có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. Con trai
lão Hạc đi phu đồn điền cao su, lão sống một mình với “ Cậu Vàng”. Một lần, lão
ốm một trận khủng khiếp. Vì muốn để lại mảnh vườn cho con, lão phải bán con
chó . Lão mang tiền dành dụm được gửi ông giáo và nhờ ông giáo trông coi mảnh
vườn. Cuộc sống ngày một khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy. Một hôm, lão xin
Binh Tư ít bả chó. Ông giáo rất buồn khi nghe Binh Tư kể chuyện này. Lão bỗng
nhiên chết, cái chết thật dữ dội. Cả làng không hiểu vì sao lão chết, trừ Binh Tư và
ông giáo. Về nội dung, văn bản đã thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận
của người nông dẫn xã hội cũ và phẩm chất cao quý, tiềm tàng của họ. Đồng thời,
truyện còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng người nông dân của tác giả.
Bên cạnh đó, về nghệ thuật, văn bản “Lão Hạc” được viết theo thể loại truyện
ngắn, phương thức biểu đạt tự sự kết hợp miêu tả biểu cảm. Ngoài ra, tác giả còn
sử dụng ngôi kể thứ nhất với lời văn triết lí, giàu sức thuyết phục. Với tài năng
xuất sắc của mình, nhà văn Nam Cao đã miêu tả tâm trạng, tâm lí nhân vật chân
thật, chuyển biến theo thời gian; bộc lộ cảm xúc nhân vật qua từng hành động, cử
chỉ, lời nói. Với nội dung và nghệ thuật sâu sắc như vậy, văn bản “Lão Hạc” trích
truyện ngắn cùng tên sẽ mãi là một bức tranh hiện thực sâu sắc về cuộc sống người
nông dân của xã hội Việt Nam và có chỗ đứng vững chãi, lâu dài trong lòng người
đọc.
Chú thích:

Câu ghép:
Câu 2: Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em vè tình yêu con của Lão
Hạc

Tình yêu con vô bờ bến của lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao miêu tả vô cùng
chân thực, xúc động trong văn bản “Lão Hạc” trích truyện ngắn nổi tiếng cùng tên
sáng tác năm 1943. Trước hết, lão Hạc có hoàn cảnh rất đáng thương, bất hạnh.
Nhà lão nghèo khổ, vợ mất sớm, lão sống trong cảnh gà trống nuôi con. Con trai
lão thì phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su. Cả tuổi già lão sống trong sự cô
đơn, nghèo khổ. Bằng cách đặt nhân vật vào hoàn cảnh cô đơn, đáng thương như
vật, nhà văn Nam Cao lại càng làm nổi bật tình yêu con sâu đậm của lão Hạc hơn.
Sau khi con bỏ đi, lão Hạc ngày ngày dày vò bản thân, tự trách rằng mình làm cha
nhưng lại không thể lo được hạnh phúc cho con, làm con phải bỏ đi biệt xứ. Ngoài
ra, tình yêu thương con của lão cũng được thể hiện gián tiếp qua tình cảm với con
chó Vàng. Lão cưng nựng, gọi tên nó như gọi đứa con, đứa cháu trong nhà, đặt cho
nó cái tên thân mật là “cậu Vàng”. Lão cho nó ăn trong một cái bát như người nhà
giàu, lúc nào rảnh lại tắm cho nó, ăn gì cũng chia cho nó, cưng chiều nó hết mực.
Sở dĩ lão Hạc dành tình cảm cho con chó Vàng lớn đến vậy chính là bởi đây là kỉ
vật do con trai lão để lại, là thứ mang hình bóng người con trai thân thương của lão
và khiến lão nhớ về con của mình. Để thể hiện rõ rằng lão Hạc là một người rất yêu
thương con, tác giả đã chú ý miêu tả diễn biến tâm trạng cũng như miêu tả ngoại
hình, hành động, lời nói của nhân vật. Đọc truyện, người đọc có thể thấy lão Hạc
lúc nào cũng nghĩ đến con, có thể làm tất cả vì con, mong muốn con hưởng những
điều tốt nhất. Lão làm lụng được gì, kiếm được gì cũng để dành cho con. Lão luôn
dành dụm, chắt chiu từng đồng từ việc bán hoa màu hàng ngày cho con với mong
muốn khi con về sẽ phụ con việc cưới vợ, bù đắp điều trước đây lão chưa thực hiện
được. Quanh năm suốt tháng, lão chỉ có mỗi con chó Vàng để bầu bạn, chia sẻ
cuộc sống đơn côi nơi tuổi già cùng lão, vậy mà lão vẫn quyết định bán đi con chó
vì lão tính nếu tiếp tục nuôi thì sẽ ăn phạm với số tiền dành dụm cho con. Lão kiên
quyết không bán mảnh vườn để sau này con về sẽ có chỗ làm ăn, sinh sống. Vì
mong muốn con không phải sống trong cảnh nghèo khó, lão đã gửi tiền, gửi vườn
cho ông giáo để không ai có thể dòm ngó đến. Thậm chí lão tự tìm đến cái chết để
giữ nguyên mảnh vườn chứ không chịu bán đi một tấc đất, tấc vườn của con.

(KĐ trong đoạn Tổng- Phân- Hợp) Nhờ đó mà người đọc cảm nhận được tình yêu
con mãnh liệt, dạt dào của lão Hạc - một người cha già chu đáo, người sẵn sang hi
sinh tất cả vì hạnh phúc của con. Qua văn bản “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã
khắc họa thành công nhân vật lão Hạc với tình yêu thương con cháy bỏng, cảm
động. Đây cũng chính là một hình ảnh đẹp, xúc động về tình phụ tử.

Chú thích:

Câu bị động:

Câu ghép:

Câu 3: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em vè sự trung thực và lòng
tự trọng của Lão Hạc (Diễn dịch)

Nét đẹp trung thực, tự trọng của lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao khắc họa đậm
nét trong văn bản “ Lão Hạc” trích truyện ngắn nổi tiếng cùng tên, sáng tác năm
1943. Trước hết, lão Hạc có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Nhà lão nghèo khổ,
vợ mất sớm, lão sống trong cảnh gà trống nuôi con. Lão là một nông dân nhưng
thậm chí còn chẳng có ruộng đất của riêng mình, phải đi làm thuê làm mướn để
kiếm từng đồng mưu sinh. Chính vì thế, nhà lão rất nghèo, nghèo đến nỗi không
thể lo đủ tiền cho con trai cưới vợ, khiến con phải bỏ đi phu đồn điền cao su. Bằng
cách đặt nhân vật vào hoàn cảnh nghèo khổ, bần cùng, thiếu thốn như thế, nhà văn
Nam Cao lại càng làm nổi bật lòng trung thực, tự trọng ở lão Hạc. Lòng trung thực,
tự trọng của lão Hạc được thể hiện qua chi tiết sau khi lão bán con chó Vàng. Sau
khi bán con chó, lão đã rất day dứt, ân hận. Lão buồn, giằng xé bản thân tới mức
cười như mếu, đôi mắt ầng ậc nước, khuôn mặt có rúm lại, những nếp nhăn xô vào
nhau ép cho nước mắt chảy ra, trông vô cùng đáng thương. Lao tự trách bản thân,
cho rằng mình già rồi mà lại đi lừa một con chó, lợi dụng lòng tin của nó cho thằng
Mục, thằng Xiên bắt đi. Để khắc họa thêm rõ nét lòng tự trọng, trung thực ở lão
Hạc, tác giả đã chú ý miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật cũng như miêu tả ngoại
hình, lời nói, hành động, cử chỉ. Lòng tự trọng của lão Hạc còn được thể hiện qua
việc lão cự tuyệt mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Sau trận ốm khủng khiếp, lão chẳng
còn gì để ăn, công việc cũ bị đàn bà trong xóm tranh hết cả. Thấy vậy, ông giáo đã
lén đi giúp lão nhưng lão lại từ chối mọi sự giúp đỡ của ông với thái độ gần như
hách dịch. Lão không dám nhận sự giúp đỡ nào vì lão hiểu vợ ông giáo vốn không
ưa gì lão và gia cảnh nhà ông giáo cũng nghèo khổ, thiếu thốn không kém gì mình.
Không chỉ thế, Lão còn gửi tiền cho ông giáo, dặn dò sau khi lão chết thì đem ra
làm ma chay để không làm phiền tới hàng xóm. Lão sẽ cảm thấy rất tội lỗi khi phải
phiền lụy tới mọi người- những người có hoàn cảnh không khá khẩm hơn lão là
bao, đến chết cũng không nhắm mắt xuôi tay được. Dù rơi vào cảnh cùng đường,
không còn gì để sinh nhai, lão kiếm được gì ăn nấy chứ quyết không theo gót Binh
Tư làm nghề trộm cắp. Dù bị đẩy đến bước đường cùng nhưng lão thà chết chứ
không đánh mất phẩm chất danh dự, thà chết chứ không đi lại với lời dạy của các
cụ xưa “Chết trong còn hơn sống đục”. Sự trung thực, tự trọng của lão Hạc còn
được thể hiện qua cái chết dữ dội. Trong khi có thể chọn rất nhiều cách chết ít đau
đớn hơn, lão Hạc lại quyết định tự kết thúc cuộc sống bằng bả chó, một cái chết vô
cùng đau đớn, dữ dội. Lão làm vậy như một cách để tự trừng phạt mình tội đã dối
lừa con chó, như một cách để chuộc lỗi với nó. Lão Hạc chết đi nhưng vẫn giữ cho
mình một lương tâm trong sạch, dù sống hay chết vẫn luôn giữ lòng tự trọng, trung
thực cho bản thân.

(KĐ trong đoạn Tổng- Phân- Hợp) Qua văn bản “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã
khắc họa thành công nhân vật lão Hạc, hình ảnh điển hình của câu nói “Gần bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Dù sống hay chết, lão Hạc vẫn luôn sống trung trực,
trong sạch tới tận cùng. Có thể thấy, lão Hạc cũng chính là một hình ảnh đặc trưng
của người nông dân thời xưa: dù bị đẩy tới bước đường cùng vẫn giữ cho mình nét
đẹp trung thực và lòng tự trọng cao đẹp.

Chú thích:

Câu bị động:

Câu ghép:

Câu 4: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về nhân vật ông giáo

Nhân vật ông giáo trong văn bản “Lão Hạc” trích truyện ngắn cùng tên sáng tác
năm 1943 của nhà văn Nam Cao đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Trước
hết, dù là một người giàu tri thức nhưng ông giáo lại có hoàn cảnh sống rất khó
khăn, nghèo khổ. Ông giữ trong mình những ước mơ lớn lao để có thể làm những
điều tốt đẹp. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền nên những ước
mơ cao đẹp đó vẫn chưa thực hiện được. Ông phải dứt lòng bán đi những cuốn
sách mình yêu quý nhất để chi trả tiền thuốc và chữa bệnh cho con. Sống trong
hoàn cảnh khổ cực như vậy, những phẩm chất, tính cách đẹp đẽ của ông giáo lại
càng được thể hiện rõ nét hơn. Tuy ông giáo và lão Hạc sống ở hai tầng lớp khác
nhau nhưng ông giáo luôn kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của lão bằng
một thái độ cảm thông. Ông là người thấu hiểu những suy nghĩ, tình cảm của lão
Hạc. Ông cũng là người động viên lão để giúp lão khuây khoả nỗi nhớ con, cùng
lão trang trải cuộc sống khổ cực. Ngoài ra, ông giáo là người có cách nhìn nhận
người khác rất đúng đắn. Ông cho rằng, để đánh giá chính xác một con người cần
phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu; phải biết nhìn nhận, đánh
giá bằng con mắt của sự cảm thong, bằng tình yêu thương. Thế nên, ông giáo hiểu
được đằng sau sự gàn dở, nghèo khổ của lão Hạc là một nhân cách cao đẹp, giàu
tình thương và lòng tự trọng. Bên cạnh đó, ông giáo còn là một người có suy nghĩ
đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống. Khi nghe Binh Tư kể chuyện lão Hạc xin bả chó,
ông giáo đã thấy cuộc đời thật đáng buồn. Đáng buồn là vì ông thấy những người
trung thực, tự trọng như lão Hạc khi bị đẩy tới bước đường cùng cũng trở nên tha
hóa, biến chất để kiếm miếng ăn. Nhưng khi chứng kiến cái chết của lão Hạc, ông
giáo lại thấy cuộc đời đáng buồn theo một cách khác. Vì những người như lão Hão
khi lâm vào cảnh cùng đường, dù vẫn giữ được cho mình nhân cách cao đẹp nhưng
lại chết. Còn ông thấy cuộc đời chưa hẳn là đáng buồn theo một cách khác là do
những người có nhân cách cao đẹp như lão Hạc lại không được sống, không có chỗ
để tồn tại trong cuộc đời nghiệt ngã này mà phải gánh chịu cái chết dữ dội đến như
vậy. Để khắc họa thêm rõ nét những phẩm chất cao quý ở lão Hạc, tác giả đã lựa
chọn ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện chính là ông giáo để bộc lộ tính cách, tâm
hồn nhân vật một cách chân thực, sâu sắc và giàu sức thuyết phục kết hợp cùng
nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế qua ngoại hình, từng hành động, cử
chỉ, lời nói. Qua văn bản “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã khắc họa thành công
nhân vật ông giáo- một hình ảnh đẹp của người tri thức nghèo sống mòn mỏi trước
Cách mạng. Đồng thời qua nhân vật ông giáo, người đọc cũng cảm nhận được thấp
thoáng trong đó là hình bóng của Nam Cao.

Chú thích:

Câu bị động:

Câu ghép:
4. Nghị luận xã hội

Câu 1: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lòng tự trọng trong cuộc
sống

Lòng tự trọng chính là một viên ngọc quý, một điểm sáng trong nhân cách của mỗi
con người và là một phẩm chất cao quý mà mỗi người nên có. Trước hết, ta cần
tìm hiểu, vậy lòng tự trọng là gì? Lòng tự trọng chính là sự coi trọng , giữ gìn nhân
cách, danh dự của bản thân, không bị ảnh hưởng tiêu cực của hoàn cảnh bên ngoài
mà trở nên thay đổi tính cách, bị tha hóa, biến chất.Trong cuộc sống, ta có thể bắt
gặp rất nhiều biểu hiện của lòng tự trọng. Người có lòng tự trọng là người luôn biết
sống trung thực, không vì bất kì lí do nào mà đánh mất nhân cách của bản thân,
luôn biết ngồi đúng chỗ và nhận thức được rõ giá trị của bản thân. Người có lòng
tự trọng sẽ không bị lòng tham làm lu mờ lí trí mà nhận hối lộ, trộm cắp, nhặt được
của rơi luôn trả lại người mất. Không chỉ vậy, người có lòng tự trọng cũng là người
biết nhận lỗi, nhận sai lầm của bản thân và từ đó biết sửa chữa, khắc phục những
khuyết điểm ấy. Bên cạnh đó, một người có lòng tự trọng cũng là người biết giữ lời
hứa, không sai hẹn và tuân thủ chặt chẽ những quy định đề ra. Vậy vì sao lòng tự
trọng là vô cùng quan trọng và là phẩm chất, đức tính cần có ở mỗi người? Đây là
một đức tính tốt đẹp, đáng để mỗi người học tập. Lòng tự trọng giúp chúng ta sống
đúng với lương tâm, trách nhiệm, không làm những việc sai trái, vi phạm đạo đức,
pháp luật, không đánh mất nhân cách của bản thân. Có lòng tự trọng, con người ta
cũng sẽ có động lực để ngày ngày cố gắng, vươn lên trong cuộc sống, hiểu được
giá trị của bản thân và khiến ta trở nên vững vàng. Trên tất cả, lòng tự trọng khiến
bản thân ta được mọi người yêu mến. Nếu xã hội ai cũng có cho mình đức tính này
thì chắc chắn xã hội ấy sẽ trở nên tốt đẹp, văn minh hơn bao giờ hết. Trên thực tế,
tuy lòng tự trọng là một đức tính đẹp nhưng nhiều người chưa có cho mình đức
tính này. Có rất nhiều người vì cái lợi trước mắt mà đánh mất sự liêm khiết, lòng tự
trọng của bản thân, sẵn sàng ăn hối lộ, trộm cắp để đạt được thứ mình muốn. Một
số người khác lại không hề biết ăn năn, thậm chí là không nhận lỗi về mình để sửa
chữa. Đây là những người đáng bị xã hội phê phán, chê cười. Bên cạnh đó , chúng
ta cũng cần phân biệt giữa lòng tự trọng với tự ái. Trong khi tự trọng có nghĩa là
biết tôn trọng, bảo vệ danh dự bản thân thì tự ái lại là sự quá nghĩ đến bản thân,
quá đề cao đến cái tôi của mình . Người có lòng tự trọng biết kiềm chế những nhu
cầu không chính đáng, luôn cố tuân theo những quy định, chuẩn mực chung của xã
hội thì người tự ái lại không biết lắng nghe ý kiến của người khác, không muốn ai
góp ý cho mình, dễ có thái độ bực tức và từ đó dễ dẫn đến sai lầm. Khác với tự
trọng, lòng tự ái mang ý nghĩa vô cùng tiêu cực. Lòng tự trọng đối với mỗi chúng
ta là vô cùng cần thiết, vậy cần làm gì để thể hiện lòng tự trọng ? Để thể hiện lòng
tự trọng, ta phải có ý thức thực hiện nghiêm túc nội quy, biết tôn trọng những
người xung quanh, phải luôn trung thực, không được gian dối. Muốn có lòng tự
trọng, ta cần biết kiềm chế những nhu cầu không cần thiết, luôn có trách nhiệm và
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là học sinh, để thể hiện lòng tự trọng, ta cần
biết thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường, không bê trễ bài tập về nhà và trung
thực trong giờ kiểm tra. Tóm lại, lòng tự trọng chính là một trong những yếu tố
quan trọng nhất làm nên giá trị của con người, thế nên mỗi người chúng ta hãy
luôn bồi đắp lòng tự trọng từ những hành động nhỏ nhất để hoàn thiện nhân cách
của chính mình, có như vậy, cuộc đời này mới ngày càng trở nên văn minh, tiến
bộ, tốt đẹp hơn.

Câu 2: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về tình phụ tử trong cuộc sống

Tuy không được nhắc nhiều đến trong thơ văn, thế nhưng, tình phụ tử cũng là một
thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào! Thực vậy,
công lao của cha dành cho con cái không thể đong đo, cân đếm được. Nếu mẹ luôn
ân cần, chăm sóc ta từng li từng tí thì có lẽ cha là người luôn âm thầm yêu thương
chúng ta. Vậy tình phụ tử là gì? Có thể hiểu đó là tình cảm cha con, tình cảm ấy
bền chặt và bao dung, theo mỗi con người đến hết cuộc đời. Khác với tình cảm mẹ
dành cho con được biểu lộ rất rõ ràng, tình cha con rất thầm kín, ít khi được biểu lộ
ra bên ngoài. Sự yêu thương của cha được thể hiện qua hành động trong đời sống
hàng ngày: những lần cha cho ta tiền tiêu vặt, những món quà cha tặng, hay là
những hôm cha đội nắng, đội mưa đưa ta đi học. Cha còn là trụ cột gia đình, luôn
nghiêm khắc với ta nhưng thực chất lại là người mềm lòng nhất, quan tâm ta nhất.
Còn về tình cảm của con dành cho cha, tuổi thơ con ngoan ngoãn, vâng lời cha,
chăm chỉ học hành để đổi lấy một nụ cười trên môi cha. Khi lớn lên thì quay lại
chăm sóc, phụng dưỡng, báo hiếu cha. Thêm vào đó, tình phụ tử có vai trò, ý nghĩa
rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Tình phụ tử là một trong những tình
cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống này, mà từ đó ta biết nảy sinh những thứ
tình cảm khác, chúng ta biết yêu gia đình, yêu xóm làng, đất nước.Tình phụ tử còn
là động lực để cho mỗi người học tập và rèn luyện, là bệ đỡ nâng đỡ tâm hồn ta.
Cuộc sống này vốn có nhiều cám dỗ, cạm bẫy khiến ta dễ sa đọa. Nhưng chỉ cần
một lời khuyên răn chân thành, kịp thời của cha, thì ta sẽ được vực dậy khỏi hố sâu
đen tối u mê. Và đôi lúc ta cảm thấy cuộc sống mệt mỏi, thì hãy quay về bên gia
đình, về bên cha, bên mẹ. Đó luôn là nơi bình yên, an toàn nhất trên hành tinh này.
Ta luôn có thể quay trở về sà vào vòng tay của cha mà òa khóc, chia sẻ cho cha
nhưng nhọc nhằn của cuộc sống, cha sẽ luôn bao dung cho mọi lỗi lầm và tìm cách
giúp ta giải quyết vấn đề. Dù vậy, trong xã hội vẫn có những người con bất hiếu,
bội bạc ,đối xử lạnh nhạt, tệ bạc với cha. Ngoài ra, cũng có những người cha
nghiện ngập, chỉ biết rượu chè, cờ bạc, chẳng quan tâm gì đến con cái, chỉ biết có
bản thân mình. Chúng ta phải biết phê phán, lên án những người như vậy. Vậy ta
cần làm gì để báo đáp tình yêu thương của cha? Chúng ta phải biết trân trọng tình
phụ tử thiêng liêng này. Và ta càng phải cố gắng học tập thật tốt hơn nữa, ngoan
ngoãn để không phụ lòng mong mỏi và niềm tin mà cha đã đặt vào ta. Khi trưởng
thành, ta cần biết tự lập thân lập nghiệp để có thể giúp đỡ lại gia đình, góp phần
xây dựng đất nước. Ta cần quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu,
tuổi cao. Là một học sinh, ta cần phải học tập tốt, vâng lời cha mẹ, hiếu thảo với
gia đình và tránh xa các tệ nạn xã hội .Cho dù sau này có trở thành các vĩ nhân, các
bậc hiền tài đi chăng nữa thì với cha, ta vẫn luôn là những cô bé, cậu bé còn bỡ
ngỡ trước cuộc đời, vẫn cần được bao bọc, cần sự chở che. Mỗi người cha đều là
những người vĩ đại. Vĩ đại vì cha hi sinh cả cuộc đời mình để nuôi nấng chúng ta,
là người cho chúng ta tất cả, chẳng một lời than phiền. Tóm lại, tình phụ tử chính
là thứ tình cảm vô cùng to lớn, sâu nặng và không một thứ vàng bạc, châu báu gì
trên đời này có thể đánh đổi được tình yêu của người cha dành cho con.

Câu 3: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về sự trung thực trong cuộc
sống

Trong số những phẩm chất của con người, đức tính trung thực luôn được đề cao
bởi lẽ đây là một phẩm chất quý báu, đóng vai trò vô cùng lớn trong đời sống của
mỗi chúng ta.Vậy ta nên định nghĩa đức tính trung thực như thế nào? Trung thực là
lối sống ngay thẳng, thật thà, không gian dối. Có rất nhiều biểu hiện của lòng trung
thực được thể hiện rõ nét trong cuộc sống. Người có lòng trung thực luôn nói đúng
sự thật, không thêm bớt, bịa chuyện. Đó cũng là người biết nhận lỗi, nhận những
sai lầm của mình để từ đó sửa chữa. Sống trung thực cũng có nghĩa là không bao
giờ được tham lam, nhận những thứ của người khác là của mình.Vậy tại sao trung
thực lại là một đức tính cao quý mà mỗi người cần có? Lòng trung thực chính là
một phẩm chất, một nét tính cách quan trọng mà ta cần rèn luyện bởi nó thể hiện
nhân cách của mỗi người. Một người có lòng tự trọng chắc chắn sẽ được mọi
người tin tưởng, tín nhiệm và yêu mến. Chính lòng trung thực cũng tạo nên giá trị
đích thực cho cuộc sống, giúp những thước đo xã hội trở nên chính xác. Thử nghĩ
mà xem, tất nhiên bao giờ một điểm mười đạt được bằng sự cố gắng, nỗ lực hay
một chức vụ cao có được bằng năng lực của bản thân tất nhiên bao giờ cũng giá trị,
khiến người ta đánh giá đúng về bạn hơn là một điểm mười gian lận, một chức vụ
được mua bằng tiền của.Người có tính trung thực, ngay thằng sẽ dễ dàng có được
thành công trong cuộc sống, bởi lẽ họ biết tự nỗ lực cố gắng bằng chính sức lực
của bản thân. Những người sống ngay thẳng cũng không bao giờ sợ người khác
hiểu lầm, vì “cây ngay không sợ chết đứng”. Trong cuộc sống, ta có thể thấy nhiều
tấm gương có lòng trung thực đáng ngưỡng mộ. Đó không phải là một tấm gương
người nổi tiếng nào mà chỉ là những người bình thường, thậm chí còn có cuộc sống
khổ cực, thế nhưng họ vẫn luôn giữ cho bản thân sự ngay thẳng, thật thà. Chẳng
hạn như câu chuyện người lái taxi dù vất vả, nghèo khổ nhưng vẫn trả lại hơn 100
triệu cho khách để quên, hay câu chuyện người phụ nữ phát hiện hơn 10 triệu đồng
khi được nhận quà ủng hộ sau đợt lũ lụt ở miền Trung, dù bị lũ cuốn trôi hết tài sản
nhưng bà vẫn quyết không lấy mà muốn trả lại cho chủ nhân của số tiền ấy. Đây
đều là những câu chuyện ấm lòng, khiến ta cảm thấy tin tưởng hơn rằng ngoài kia
có những người thật đáng tin cậy. Tuy trung thực là một đức tính cao quý nhưng
nhiều người lại chưa biết rèn luyện cho mình đức tính này. Ngoài kia, vẫn có biết
bao người gian dối, vì tham lam mà trộm cắp, nhận hối lộ. Những người có lối
sống dối trá, lươn lẹo như vậy đáng bị xã hội phê phán, chê cười. Để rèn luyện cho
mình đức tính trung thực, con người ta phải biết trung thực trong từng lời nói, hành
động, bởi “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Là một học sinh, ta cần nhớ và làm
theo lời Bác, rằng “ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Ta không được có những biểu
hiện gian dối trong học tập như gian lận, quay cóp, hỏi bài trong giờ kiểm tra, phải
dám nhận điểm kém nếu chưa học bài để rút kinh nghiệm cho lần sau cũng như
phải biết đấu tranh với những hành vi gian dối trong học tập. Dù có thế nào ta cũng
không được tham lam, lấy vậy dụng, tiền bạc, tài sản của người khác, nói gì cũng
phải đúng sự thật chứ không bao giờ được đặt điều, ăn không nói có. Tóm lại,
trung thực là một phẩm chất cao đẹp cần có ở mỗi người, bởi chỉ có lòng trung
thực mới tạo ra những giá trị đích thực trong cuộc sống. Tôi tin rằng, nếu ai cũng
có cho mình lòng trung thực, ngay thằng thì chắc chắn cuộc đời này sẽ trở nên vô
cùng văn minh, tốt đẹp.
II. HAI CÂY PHONG – AI-MA-TỐP

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: Ai-ma-tốp (1928-2008)

- Nhà văn Cư-rơ-gư-xtan ( Liên Xô cũ )

b. Tác phẩm:

+ Xuất xứ: Trích phần đầu của truyện ngắn “Người thầy đầu tiên” in trong tập
“Núi đồi và thảo nguyên”

+ Nội dung: Hai cây phong được miêu tả hết sức sinh động bằng ngòi bút đậm
chất hội họa, truyền cho chúng ta tình yêu quê hương da diết và lòng xúc động đặc
biệt vì đấy là hai cây phong gắn với câu chuyện về thầy Đuy-sen, người đã vun
trồng ước mơ, hi vọng cho những học trò nhỏ của mình.

+ Nghệ thuật: Hai mạch kể lồng ghép, mạch kể “chúng tôi” và mạch kể “tôi”

 Tác dụng: Mở rộng cảm xúc, người đọc thấy được vẻ đẹp của hai cây phong
qua con mắt của một đứa trẻ và đồng thời thấy được vẻ đẹp của hai cây phong qua
con mắt của một người trưởng thành. Hơn nữa, vừa thể hiện được cảm xúc riêng
tư, cá nhân.

2. Câu hỏi nhỏ

Câu 1: Trong mạch kể xưng “chúng tôi”, hai cây phong được miêu tả qua
những chi tiết nào và bằng nghệ thuật gì? Tại sao hai cây phong lại thu hút
bọn trẻ?

- Trong mạch kể xưng “chúng tôi”, hai cây phong được miêu tả qua những chi tiết:

+ Hai cây phong khổng lồ nghiêng ngả đung đưa

+ Bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc

+ Những cành cây cao ngất

- Hai cây phong được miêu tả bằng nghệ thuật so sánh, nhân hóa

- Hai cây phong thu hút bọn trẻ, vì:


+ Trên ngọn cây có những cái tổ chim và bọn trẻ thích cùng nhau trèo lên cây, chơi
trò phá tổ chim

+ Hai cây phong có vẻ đẹp đặc biệt, cao khổng lồ, bóng râm mát rượi, tiếng lá xào
xạc

+ Khi trèo lên được ngọn cây, bọn trẻ lại được ngắm nhìn một thế giới rộng lớn,
bao la, đẹp đẽ mà ở dưới đất chúng không có được

+ Chúng nhìn thấy: - Chuồng ngựa của nông trang

- Dải thảo nguyên hoang vu mất hút trong làn sương

- Những vùng đất trước đây chúng chưa từng biết

- Những con song chúng chưa từng nghe nói lấp lánh tận chân
trời như những sợi chỉ mong manh

Hai cây phong mở rộng tầm mắt bọn trẻ

 Hai cây phong nâng cánh ước mơ tuổi thơ

Hai cây phong đánh thức trong bọn trẻ niềm khao khát khám phá những
vùng đất bí ẩn, thế giới kì diệu xung quanh.

 Mang ý nghĩa cho người thầy đã vun trồng, nuôi dưỡng ước mơ cho lũ trẻ

Câu 2: Trong mạch kể xưng “tôi”, hai cây phong được miêu tả qua những chi
tiết nào và bằng nghệ thuật gì? Hai cây phong trong mạch kể này có ý nghĩa
gì?

- Trong mạch kể xưng “tôi”, hai cây phong được miêu tả qua những chi tiết: SGK

- Hai cây phong được miêu tả bằng nghệ thuật so sánh, nhân hóa

- Trong mạch kể này, hai cây phong có ý nghĩa:

+ Là biểu tượng của làng Ku-ku-rêu

+ Là ngọn hải đăng dẫn đường về làng

+ Là hình ảnh thân thuộc, thương nhớ của người xa quê


- Hai cây phong trong cảm nhận của “tôi” dường như có tâm hồn, có suy nghĩ, cảm
xúc như một con người

- Hai cây phong với nhân vật “tôi” khi trưởng thành chính là quê hương, là con
người quê hương, là những kỉ niệm thơ ấu

- Hai cây phong là ẩn dụ về người thầy đầu tiên có công xây dựng ngôi trường, đưa
ánh sang tri thức về ngôi làng, có công vun trồng, nuôi dưỡng, nâng cánh tuổi thơ
mỗi người.

3. Nghị luận xã hội

Câu 1: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về tình yêu quê hương, đất
nước trong cuộc sống

Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi

Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời

Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm cội nguồn, thiêng liêng, cao quý
mà mỗi người cần có. Vậy tình yêu đất nước là gì? Tình yêu đất nước chính là tình
cảm dành cho nơi mình sinh ra và lớn lên, dành cho cội nguồn, nơi “ chôn rau cắt
rốn” của mình. Có rất nhiều biểu hiện của tình yêu đất nước, được thể hiện rõ nét
ngay từ những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Người yêu đất nước đơn
giản là người dành tình cảm to lớn cho những người ruột thịt, than thiết nơi quê
hương, cho cảnh sắc thiên nhiên, quê nhà : từ dòng song, cánh cò, cây đa đầu làng,
cái giếng xưa,.. Từ tình yêu với những thứ nhỏ bé ấy mở mở rộng thành tình yêu
quê hương, đất nước. Yêu nước cũng có nghĩa là ta biết dành tình cảm cho những
lễ hội truyền thống, cho những món ăn thân thuộc, những phong tục, tập quán của
địa phương mình. Ngoài ra nó còn được thể hiện sâu sắc qua nỗi niềm xa quê trong
các câu thơ, trong các tác phẩm văn học: “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau
muống, nhớ cà dầm tương.” Vậy tại sao tình yêu đất nước lại cao quý, thiêng liêng
và cần thiết đối với mỗi người? Đây là thứ tình cảm cội nguồn, giúp mọi người xác
định được mình là ai, mình thuộc về đâu, để ta cảm giác được có một nơi yêu
thương ta, một nơi để ta có thể nhớ đến, có thể trỏ về và luôn cảm thấy an toàn, ấm
áp, thân thuộc bất cứ lúc nào. Tình yêu quê hương, đất nước còn là sợi dây gắn kết
mọi người trong một cộng đồng, tạo nên sức mạnh trong một đất nước, một dân
tộc, là động lực để ta phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến. Nhờ có tình yêu quê
hương, đất nước, dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khó
để dành lại độc lập. Khi đã có được độc lập, bị các nước lăm le, xâm lược nhưng
dân tộc ta vẫn luôn sẵn sang đổ máu chiến đấu. “Chưa bao giờ nản chí”- đó chính
là nhờ vào tình yêu quê hương, đất nước. Tự hỏi nếu như không có tình yêu cháy
bỏng ấy thì liệu ta có đủ sức mạnh đẻ đánh lại những nước Đế quốc hiếu chiến với
vũ khí tối tân, những bọn phản động đang len lỏi trong chính nội bộ của ta hay
không? Và nhờ tình yêu quê hương, đất nước, các anh hùng như Nguyễn Ái Quốc,
Đại tướng Võ Nguyên Gíap,... đã dẫn dắt nhân dân đấu tranh giành độc lập. Ngày
nay, yêu nước còn được thể hiện qua cuộc chiến chống Covid-19. Với tình yêu đất
nước, chúng ta đã cùng nhau đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh quái ác. Bên cạnh
những người luôn hết mình vì quê hương, sẵn sang hi sinh bản thân vì đất nước thì
vẫn còn những người chưa yêu nước. Họ luôn cảm thấy tự ti, xấu hổ về màu cờ sắc
áo của mình; họ thờ ơ, lạnh nhạt với những vấn đề đất nước đang gánh chịu. Thậm
chí, còn có những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội chính dòng máu, cội nguồn của
chúng hay những kẻ không biết trân trọng tình yêu đất nước. Đây là những kẻ đáng
bị phê phán, chê cười, là nguyên nhân khiến xã hội trì trệ, kém phát triển. “Quê
hương nếu ai không nhớ, sẻ không lớn nổi thành người”, thế nên những kẻ đó khi
trưởng thành mà không có tình yêu đất nước cũng sẻ đánh mất chính bản thân
chúng. Tình yêu đất nước đối với mỗi người là vô cùng cần thiết. Vậy cần làm gì
để thể hiện tình yêu nước? Mỗi chúng ta là người Việt Nam, đều máu đỏ da vàng,
cần cảm thấy tự hào về cội nguồn,tự hào vì chúng ta đều là”con Rồng cháu Tiên”,
về những trang sử vàng lẫy lừng của dân tộc. Chúng ta cần có ý thức học tập, rèn
luyện thật tốt để xây dựng đất nước giàu đẹp, có những hành động quảng bá hình
ảnh Tổ quốc chia sẻ các nét đẹp về văn hóa, ẩm thực quê nhà với bạn bè quốc tế.
Là một học sinh, mỗi chúng ta phải tự hào khi được khoác trên vai một góc cờ Tổ
quốc, tự hào khi hát Quốc ca. Chúng ta cần có ý thức rèn luyện, học tập để sau này
có thể tự lập thân lập nghiệp, xây dựng đất nước, giúp Tổ quốc sánh vai với các
cường cuốc năm châu. Tóm lại, tình yêu quê hương, đất nước là thứ tình cảm cao
đẹp, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên giá trị con người. Có quê
huongr đất nước mới có chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy,chúng ta hãy luôn bồi đắp
cho tình yêu ấy bằng những hành động nhỏ nhất, cùng nhau xây dựng đất nước
giàu đẹp, để đi đâu ta luôn có thể tự hào mình là người Việt Nam.

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.


Chú thích:

Câu ghép:

Câu 2: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lòng biết ơn trong cuộc sống

Trong cuộc sống, lòng biết ơn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hoàn
thiện và phát triển nhân cách của mỗi con người. Vậy trước hết, lòng biết ơn là gì?
Lòng biết ơn chính là lối sống tình nghĩa,là thái độ trân trọng, biết ghi nhớ và trả
ơn đối với những công lao, thành quả mà người khác đã giúp đỡ, tạo dựng cho ta
được hưởng . Trong cuộc sống, hành động thể hiện lòng biết ơn được bắt gặp ở bất
cứ nơi đâu. Trong gia đình, đó là hành động đặt bàn thờ ông bà, tổ tiên một cách
trang trọng để thể hiện sự biết ơn của con cháu. Đó cũng là lòng hiếu thảo, nỗ lực
cố gắng để tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ của con cái. Lòng biết ơn không chỉ thể
hiện trong gia đình mà còn được thể hiện trong môi trường học đường. Ngày 20/11
chính là ngày để mỗi người chúng ta có thể tỏ lòng thành kính, trân trọng, để cảm
tạ những người đã truyền đến cho ta tri thức, chắp cánh cho ta bay đến những ước
mơ xa. Hàng ngày, mỗi học sinh đều nỗ lực không ngừng để học thật giỏi,kiếm
nhiều điểm tốt, nhiều giải thưởng , chăm ngoan lễ phép để thầy cô vui lòng. Người
có lòng biết ơn không chỉ cần phải biết ơn những người sinh ra ta, cho tra kiến thức
mà còn phải biết biết ơn những người đem lại cho ta cuộc sống tốt đẹp như ngày
hôm nay. Lòng biết ơn đã xoa dịu đi bao mất mát đau thương do chiến tranh để lại,
nó đã giữ lại bao nét đẹp văn hóa của dân tộc, nó giúp cho mỗi chúng ta trở thành
những con người lương thiện, nhờ nó mà cũng giúp cho chúng ta tự hào về nước
Việt Nam .Xã hội chúng ta có ngày mùng mười tháng ba Âm lịch để tưởng nhớ các
vị vua Hùng – những người có công dựng nước – chính họ đã tạo ra ta của ngày
hôm nay, để ta được sống trên đất nước tươi đẹp này, thế nên đây là người mà mỗi
người Việt ta đều mang ơn sâu sắc. Ngoài ra còn có những ngày khác, như ngày
27/7 Thương binh liệt sĩ, ngày 27/2 Thầy thuốc Việt Nam hay ngày 8/3 Quốc tế
phụ nữ , đây đều là những ngày chúng ta dùng để tôn vinh, tỏ lòng biết ơn với
những người đã góp phần làm xã hội này trở nên tốt đẹp hơn. Vậy vì sao lòng biết
ơn là vô cùng cao quý và quan trọng? Đây là một phẩm chất, một lối sống tốt đẹp
mà mỗi người cần có. Lòng biết ơn đã góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp trong
xã hội, cũng như lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chính lòng biết ơn đã
thúc đẩy để mọi người, truyền cảm hứng để mỗi chúng ta mong muốn làm những
điều tốt đẹp, bởi lẽ nếu làm điều tốt mà không nhận được sự biết ơn thì chẳng ai
mong muốn làm cả. Nhờ có lòng biết ơn mà ta có một xã hội văn minh, nhân ái
như ngày nay. Tuy lòng biết ơn có vai trò vô cùng lớn là thế nhưng vẫn có những
người có lối sống vô ơn, thiếu tình nghĩa, “ăn cháo đá bát”. Đây là những người
đáng bị xã hội phê phán, chê cười. Vậy mỗi chúng ta cần làm gì để thể hiện lòng
biết ơn? Ta phải luôn ghi nhớ, trân trọng, giữ gìn và phát triển những công lao
thành quả mà ông cha ta đã tạo dựng nên,biết “uống nước nhớ nguồn”. Không chỉ
biết trân trọng những thành quả mà người khác tạo ra mà chính chúng ta cũng cũng
cần làm những điều tốt đẹp, biết tạo ra thành quả, “trái ngọt” cho thế hệ tương lai,
vì làm những điều tốt đẹp chính là hành động tuyệt vời nhất để thể hiện lòng biết
ơn. Tóm lại, lòng biết ơn có vai trò vô cùng lớn trong sự phát triển nhân cách con
người, là một đạo lí, truyền thống tốt đẹp của mỗi người Việt Nam.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Trồng cây nhớ kẻ cho dây mà trồng”

Hãy luôn rèn luyện một nhân cách tốt, luôn biết ơn, nhớ đến cội nguồn của mình,
có như vậy cuộc đời này mới càng trở nên phát triển, tốt đẹp hơn.

Chú thích:

Câu ghép:

III. THÔNG TIN VỀ NGÀY TRÁI ĐẤT NĂM 2000

1. Tìm hiểu chung

a. Tác phẩm

- Xuất xứ: Tài liệu của sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội

+ Ngày 22/4 hàng năm được gọi là ngày Trái Đất

-> Kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường

+ Được khởi xưởng bởi 1 tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ. Hiện nay đã có 141
nước tham gia.

+ Năm 200, Việt Nam lần đầu tham gia ngày Trái Đất với chủ đề “Một ngày không
sử dụng bao bì ni-lông”
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận

- Vấn đề nghị luận: Tác hại của việc sử dụng bao bì ni-lông

2. Câu hỏi nhỏ

Câu 1: Em hãy cho biết hoàn cảnh ra đời của văn bản “ Thông tin về ngày trái
đất năm 2000”

- Ngày 22/4 hàng năm được gọi là “Ngày Trái Đất” do một tổ chức bảo vệ môi
trường của Mĩ khởi xưởng năm 1970

- Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia với chủ đề “Một ngày không sử
dụng bao bì ni-lông”

Câu 2: Tại sao Việt Nam tham gia ngày Trái Đất với chủ đề “Một ngày không
sử dụng bao bì ni-lông” ?

- Vì thực trạng tại Việt Nam, người dân chưa có ý thức sử dụng bao bì ni-lông
đúng cách

- Môi trường Việt Nam bị ô nhiễm nặng nề bởi bao bì ni-lông

-> Trở thành một vấn đề bức thiết trong cộng đồng

Câu 3: Tại sao văn bản này được xếp vào nhóm văn bản nhật dụng?

- Vì văn bản này đề cập tới một vấn đề bức thiết trong cuộc sống:

+ Bảo vệ môi trường

+ Tác hại của bao bì ni-lông

Câu 4: Sử dụng bao bì ni-lông có những tác hại gì? Vì sao sử dụng bao bì nilon
lại gây ra những tác hại đó?

- Tác hại của việc sử dụng bao bì ni-lông:

+ Làm cản trở sự sinh trưởng của các loài động vật, thực vật

+ Rác thải ni-lông lẫn vào đất sẽ làm ô nhiễm nguồn đất, cây cối không thể sống
được
+ Rác thải ni-lông trôi vào nguồn nước dẫn tới tắc cống rãnh, cản trở dòng chảy,
gây lụt lội, phát sinh ruồi muỗi gây dịch bệnh

+ Làm chết các sinh vật biển khi chúng nuốt phải bao bì ni-lông

+ Giấy ni-lông màu sẽ gây ô nhiễm thực phẩm, làm thực phẩm nhiễm chì, nhiễm
ca-đi-mi gây ung thư

+ Chất đi-ô-xin có thể gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người như dị tật, các
bệnh về tim mạch, phổi,..

- Nguyên nhân bao bì ni-lông có hại:

+ Do đặc tính không phân hủy của hạt nhựa pla-xtic

-> Khi thải ra môi trường sẽ tồn tại vĩnh viễn gây ô nhiễm môi trường

+ Trong quá trình sản xuất, các nhà sản xuất cho thêm các phụ gia công nghiệp,
trong đó có phẩm màu công nghiệp bao gồm chất ca-đi-mi, chì gây nguy hiểm cho
sức khỏe con người

+ Chưa có cách xử lí chưa triệt để:

Chôn lấp -> diện tích đất đai canh tác bị thu hẹp vì đất đai có chứa nilon sẽ không
dùng được, đát đai bị hoang hóa

Đốt rác thải ni-lông -> gây ra khí độc -> bệnh tật hiểm nghèo

Tái sử dụng , sản xuất -> chi phí, giá thành cao, tốn kém còn hơn cả việc nhập
nguyên liệu về sản xuất -> các nhà sản xuất không mặn mà

=> Cho đến nay, các hướng xử lí bao bì ni-lông đều không triệt để

=> Tính chất nguy hại của bao bì ni-lông

Câu 5: Dựa vào các kiến thức thực tế của em, hãy đưa ra các hướng xướng lí
rác thỉa ni-lông

- Hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì ni-lông, chỉ sử dụng khi thật cần thiết

- Tái sử dụng bao bì ni-lông


- Dùng vật liệu khác thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì ni-lông như: túi
giấy tái chế, lá,...

- Tính giá thành bao bì ni-lông để tiết kiệm

- Đánh thuế

- Nâng cao ý thức người dân về cách sử dụng bao bì ni-lông hợp lí, đúng đắn

- Tuyên truyền về tác hại của bao bì ni-lông

3. Nghị luận xã hội

Câu 1: Trình bày suy nghĩ của em về tác hại của việc xử dụng bao bì ni-lông

Trái Đât đang đứng trước rất nhiều nguy cơ bị ô nhiễm. Một trong những nguyên
nhân gây ra sự ô nhiễm nặng nề này là rác thải ni-lông. Hiện nay, ô nhiễm chất thải
nhựa ở các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang trong tình trạng báo động.
Việc sử dụng bao bì ni-lông đã để lại cho đời sống con người và thiên nhiên vô
vàn hậu quả khôn lường. Trước hết, ta cần tìm hiểu, vật bao bì ni lông là gì? Bao bì
ni lông là những loại sản phẩm được làm từ nhựa pla-xtíc, chẳng hạn như túi ni
lông, vỏ cốc, đồ nhựa dùng một lần,… Chính vì giá thành rẻ, tính tiện lợi, ứng
dụng cao ấy mà bao bì ni long đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng ở nhiều
nước, trong đó có Việt Nam. Ngày nay, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải ni-
lông vương vãi trên đường phố, lẩn trong đất hay nổi lập lờ trên các dòng sông, ao
hồ. Trong các chiến dịch thu gom rác thải, người ta có thể thu được hàng núi rác có
chất liệu ni-lông.Các chuyên gia môi trường khi nghiên cứu đáy đại dương cũng
kết luận đây là một “bãi chứa rác khổng lồ”.Hiện nay, Người Việt Nam đang sử
dụng bao bì ni lông với số lượng khổng lò, sử dụng một cách vô cùng bừa bãi, phổ
biến nhất là trong sinh hoạt. Khi đi chợ, thường là các ngôi chợ truyền thống, rất dễ
để bắt gặp những người mua những túi thực phẩm được bao bọc bằng hai, ba cái
túi ni lông hay những người mua đồ ăn, uống nước rồi lặng lẽ vứt bao bì ni lông ra
đường. Việc sử dụng bao bì ni lông bừa bãi đã gây ra những nguy hại khôn lường
cho cuộc sống con người. Do đặc tính không phân hủy của hạt nhựa pla-xtíc nên
bao bì ni lông vô cùng độc hại.Bao bì ni lông gây ra rất nhiều tác hại đến môi
trường. Bao bì ni lông lẫn vào đất, khiến đất đai thoái hóa, cản trở sự phát triển của
cây cỏ dẫn đến xói mòn. Không chỉ thế, bao bì ni-lông trôi vào nguồn nước còn có
nguy cơ cản trở dòng chảy, làm tắc các đường ống dẫn nước thải, gây ngập lụt,
phát sinh ruồi muỗi, dịch bệnh. Chính vì bao bì ni lông không thể phân hủy, thêm
vào đó là sự sử dụng với số lượng quá lớn khiến cho số bao bì ni lông thải ra biển
ngày càng nhiều , thậm chí nhiều nơi còn trở thành một “biển rác”. Điều này ảnh
hưởng rất lớn đến môi trường sống của các sinh vật biển, làm cản trở quá trình sinh
trưởng của chúng hay tệ hơn chính là làm chết các sinh vật biển khi chúng nuốt
phải. Thật đau đớn thay khi nhìn thấy có những chú cá voi chỉ vì nuốt phải bao bì
ni lông mà chết! Nhiều loài đã hiếm nay lại có nguy cơ tuyệt chủng là do sự xuất
hiện của bao bì ni lông, gây mất cân bằng sinh thái trầm trọng. Không chỉ gây ra
những tác hại cho môi trường mà bao bì ni lông cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức
khỏe của con người. Những bãi rác đầy túi ni lông làm cho ruồi muỗi phát sinh, từ
đó lan truyền các dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng bao bì ni lông, nhất là bao
bì ni lông màu để đựng thực phẩm khiến cho thực phẩm bị nhiễm chì, nhiễm ca đi
mi, điều đó gây ra ngộ độc thực phẩm, có thể dẫn tới các bệnh ung thư. Nguyên
nhân gây ra những tác hại này của bao bì ni lông ngoài do những đặc tính nguy
hiểm có sẵn trong thành phần tạo ra nó còn là do chính chúng ta có những biện
pháp xử lí chưa triệt để. Việc đốt túi ni lông sẽ tạo ra khí độc, điều này dễ khiến ta
mắc các bệnh về phổi hay tử vong. Ta cũng không thể chôn lấp bao bì ni lông, vì
các chất trong bao bì ni lông ngấm vào có thể khiến vùng đất đó không thể canh
tác, gây tốn diện tích đất. Các biện pháp tái sử dụng hay tái chế bao bì ni lông cũng
không khả thi vì giá thành đắt đỏ, người ta tính ra tiền tái chế những bao bì cũ
thậm chí còn tốn kém hơn việc nhập nguyên liệu và làm ra những bao bì mới, thế
nên các nhà sản xuất không ai muốn làm điều này. Bao bì ni lông có vô vàn tác hại
là thế, vậy cần làm gì để hạn chế việc sử dụng bao bì ni lông? Đối với các cấp thẩm
quyền, cần tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức của người dân về việc sử dụng bao
bì ni lông cũng như điều hành người dân phân loại rác từ đầu nguồn, đánh thuế cao
đối với những cơ sở sản xuất bao bi ni lông. Đối với cá nhân, cách tốt nhất chúng
ta có thể làm chính là hạn chế sử dụng ở mức tối da, không sử dụng khi không cần
thiết. Thay vì sử dụng bao bì ni lông, ta có thể dùng những vật liệu thay thế, chẳng
hạn như đi chợ mang theo giỏ riêng đựng thực phẩm, những món như thịt, cá có
thể dùng hộp đựng dùng nhiều lần. Các cửa hàng cũng có thể thực hiện chính sách
tính tiền thêm khi khách muốn sử dụng túi ni lông hay làm túi từ các vật liệu khác
thân thiện với môi trường hơn như lá chuối, túi giấy tái chế được,.... Trong trường
hợp đã sử dụng, chúng ta cũng có thể tái sử dụng nhiều lần để không thải ra môi
trường. Là một học sinh, chúng ta cần tuyên truyền bảo vệ môi trường, tự nhận
thức được tác hại của bao bì ni-lông và ta cần tích cực tham gia các hoạt động làm
sạch môi trường của địa phương. Bao bì ni lông gây ra rất nhiều những nguy hại
khôn lường, thế nên nếu mỗi người chúng ta cần phải có ý thức thay đổi thói quen
sử dụng bao bì ni lông để có thể bảo vệ môi trường, bảo vệ cho sức khỏe của chính
chúng ta.

Chú thích:

Câu ghép:

IV. ÔN DỊCH, THUỐC LÁ – NGUYỄN KHẮC VIỆN

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: Nguyễn Khắc Viện

- Nguyên là nhà nghiên cứu và bác sĩ

b. Tác phẩm

+ Xuất xứ: Trích từ tập “Từ thuốc lá đến ma túy- Bệnh nghiện” xuất bản năm
1992

+ Phương thức biểu đạt: Nghị luận (+thuyết minh)

+ Vấn đề nghị luận: Tác hại của thuốc lá

 Nhóm văn bản nhật dụng đề cập tới vấn đề tệ nạn xã hội

+ Nội dung:

- Nêu vấn đề mang tính chất cảnh báo: “Nghiện thuốc lá là một hiểm họa đe dọa
tới tính mạng con người”

- Tác hại của việc hút thuốc lá trên các phương diện : sức khỏe / kinh tế / đạo đức
an ninh xã hội

- Biện pháp ngăn chặn

+ Nghệ thuật:

- Cách nêu vấn đề so sánh ấn tượng


- Các tác hại của việc hút thuốc lá được phân tích trên cơ sở của một nhà chuyên
môn với số liệu cụ thể, thuyết phục

- Giải pháp đưa ra cụ thể, phù hợp

2. Câu hỏi nhỏ

Câu 1: Nhan đề” Ôn dịch, thuốc lá” có gì đặc biệt? Nêu ý nghĩa của nhan đề

- Nhan đề gồm 4 chữ được chia thành 2 vế, ngăn cách bởi dấu “,”

- Hai về có quan hệ so sánh: Ôn dịch là thuốc lá

- Ý nghĩa:

+ “Ôn dịch” là chỉ dịch bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan làm chết người hàng
loạt trong một khoảng thời gian nhất định

+ Có thể hiểu là một lời chửi rủa

+ Thể hiện thái độ căm phẫn, khinh bỉ của tác giả, coi tệ nạn hút thuốc lá giống
như một ôn dịch gây nguy hiểm cho cộng đồng

Câu 2: Em hãy nêu những tác hại cơ bản của việc hút thuốc lá

+ Tác hại về sức khỏe:

- Trong khói thuốc lá có chứa chất hắc ín có khả năng làm tê liệt lông mao của
niêm mạc, gây ra các bệnh ung thư

 Khi các lông mao này bị tê liệt sẽ khiến bụi và vi khuẩn tích tụ lại tỏng hệ hô
hấp gây ho hen, viêm phế quản

- 80% bệnh nhân mắc ung thư phổi, vòng họng là do hút thuốc lá

- Trong khói thuốc lá có chứa chất ô-xít các-bon và chất này khi bám vào hồng cầu
khiến hồng cầu không tiếp cận được với ô-xi

- Trong khói thuốc lá có chứa chất ni-cô-tin gây những bệnh nguy hiểm về tim
mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch,...
- Những người ngửi khói thuốc lá cuxngmawsc bệnh tương tự như người trực tiếp
hút thuốc lá

- Phụ nữ mang thai khi ngửi phải khói thuốc lá sẽ có nguy cơ sinh non, con sinh ra
bị dị tật

+ Tác hại về kinh tế

- Người nghiện thuốc lá phải tốn một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc hút

- Trung bình một bao thuốc lá ở Việt Nam có giá dao động từ 10 000 đồng đến 20
000 đồng mọt bao, đây là một số tiền không nhỏ

- Khi mắc các bệnh do hút thuốc lá, người bênh và nhà nước sẽ phải chi một khoản
tiền không nhỏ để chữa trị

- Hút thuốc lá dẫn tới bệnh tật làm giảm sức lao động

+ Tác hại về đạo đức, an ninh xã hội

- Nghiện thuốc lá ở đối tượng thanh thiếu niên rất dễ phạm pháp và sa vào các tệ
nạn xã hội khác. Để có tiền mua thuốc lá, những thanh niên ấy có thể phải trộm
cắp. Từ nghiện thuốc lá, các thanh niên ấy bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội khác

- Khi thiếu niên bị vướng vào các tệ nạn xã hội, dễ dàng gây mâu thuận, đánh lộn,
gây mất trật tự an ninh xã hội

 Từ nghiện thuốc lá đến ma túy và phạm pháp là con đường rất ngắn.

Câu 3: Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi
phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?

Giúp người đọc hiểu được “Những việc bất ngờ ập đến sẽ không đáng sợ, nguy
hiểm bằng việc đang từ từ gặm nhấm, ăn mòn chúng ta”. Ý chỉ, thuốc lá không làm
cho người hút “lăn đùng ra chết ngay” mà nó gặm nhấm dần sức khỏe của người
như tằm ăn lá dâu, khiến người hút không thấy ngay tác hại cua nó mà chủ quan,
mất cảnh giác mà coi thường những lời cảnh báo.
3. Nghị luận xã hội

Câu 1: Trình bày suy nghĩ của em về tệ nạn hút thuốc lá của thanh thiếu niên
hiện nay

Thanh thiếu niên hiện nay đang phải sống trong một môi trường có quá nhiều tệ
nạn xã hội. Trong đó, điển hình là tệ nạn hút thuốc lá. Đây là một vấn đề đáng báo
động cần phải được ngăn chặn kịp thời. Trước hết, nghiện thuốc là một hành động
dùng thuốc lá để thỏa mãn đam mê, ham muốn của bản thân. Nếu không được hút
sẽ cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu. Tuy thành phần của thuốc lá là cá chất độc hại và
nguy hiểm đến sức khỏe nhưng hình ảnh con người tay cầm điếu thuốc đã trở
thành hình ảnh quen thuộc có mặt ở khắp nơi từ gia đình tới ngoài xã hội. Tình
trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá hiện nay rất đáng báo động, nhất là trong độ
tuổi từ 16 đến 20. Cứ 10 thiếu niên thì phải trên 5 người có hiện tượng hút thuốc lá.
Con này ngày càng tăng lên khi nhiều loại thuốc lá điện tử đang dần xuất hiện với
nhiều kiểu dáng và mùi vị khác nhau. Không chỉ hút ở những nơi vắng người, họ
còn thoải mái hút ở những nơi công cộng như trong quán cafe, siêu thị, công viên
và thậm chí là hút ở hành lang bệnh viện. Việc tập tành hút thuốc lá ở những học
sinh cấp 3 không còn là điều gì quá xa lạ, nhưng nghiêm trọng hơn tình trạng này
gần đây còn phổ biến cả ở các học sinh cấp trung học cơ sở, từ khối 7 đến khối 9.
Có những học sinh còn e dè gia đình, thầy cô nên hút vụng trộm tại các góc khuất.
Nhưng cũng có người thản nhiên hút rất vô tư. Họ tin rằng thuốc lá có thể thỏa
mãn đam mê, ham thích nhưng nó đem lại vô vàn hậu quả khôn lường. Hút thuốc
lá đáng sợ vì nó giết chết con người ta một cách từ từ như tằm ăn dâu, thế nên tính
chất của nó lại càng trở nên nguy hiểm vì con người ta không có ý thức đề phòng.
Ni-cô-tin là một chất gây nghiện có trong thuốc lá gây co thắt mạch máu, tăng nhịp
đập của tim, tăng huyết áp. Hắc ín trong thuốc lá chứa rất nhiều chất gây ung thư
tim mạch hay thậm chí là tử vong. Theo thống kê, có đến trên 80% người mắc ung
thư phổi, ung thư vòm họng là do hút thuốc lá. Ngay cả những người không hút
thuốc lá cũng đang phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động và có khả năng mắc các
bệnh như người trực tiếp hút. Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn
ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như những người xung quanh, ảnh hưởng tới kinh tế,
đạo đức và an ninh xã hội. Người nghiện thuốc sẽ phải tri một khoản tiền rất lớn
cho mặt hàng này: mỗi bao thuốc có giá 20 nghìn đồng thì tính ra một tháng họ
phải tiêu tốn tới hơn 6 triệu đồng – là cả một tháng tiền lương của nhiều người Hút
thuốc lá dẫn tới bệnh tật làm giảm sức lao động, khiến kinh tế trì trệ. Khi mắc các
bệnh lien quan tới thuốc lá, người bệnh và nhà nước phải chi một khoản tiền không
nhỏ để chữa trị. Nghiện thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên rất dễ phạm pháp, dễ bị
lôi kéo vào các tệ nạn gây mất trật tự an ninh xã hội và dần đánh mất tương lai.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng người nghiện thuốc lá ở độ tuổi thanh
thiếu niên? Nguyên nhân khách quan là do pháp luật quản lí việc mua bán còn
thiếu chặt chẽ. Các gia đình, phụ huynh vẫn còn lỏng lẻo trong việc quản lí tiền
nong của con cái dẫn tới hành vi con dành tiền lén đi mua thuốc lá. Bản thân họ
học đòi, hút thử cho biết và nghiện lúc nào không hay. Cũng có người do bạn bè
lôi kéo, rủ rê. Sau cùng là do nghĩ rằng hút thuốc lá sẽ chứng tỏ được bản lĩnh, ra
oai với các bạn. Điều đó chứng tỏ họ là những người thiếu bản lĩnh, dễ bị dụ dỗ, sa
chân vào các tệ nạn xã hội. Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và đang
ngày càng gia tăng, kéo theo gánh nặng về bệnh tật cũng như kinh tế lớn như vậy,
việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn là vô cùng cần thiết. Các cơ quan thẩm
quyền cần quản lí chặt chẽ việc mua bán thuốc lá, nghiêm cấm bán thuốc lá cho
người dưới 18 tuổi, tăng thuế thuốc lá, đẩy mạnh các công tác tuyên truyền phòng
chống tác hại của thuốc lá. Trong các hộ gia đình, cha mẹ cần quản lí chặt chẽ việc
chi tiêu của con cái. Quan trọng hơn hết, Bản thân ta cần ý thức được được tác hại
của thuốc lá để tránh xa, kể cả thuốc lá điện tử và nói “Không” đối với sản phẩm
này ngat từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tóm lại, nghiện hút thuốc lá ở độ tuổi
thanh thiếu niên là một thực trạng đáng báo động cần được ngăn chặn kịp thời. Vì
một môi trường trong sạch và lành mạnh, vì sức khỏe cộng đồng , mọi người hãy
chung tay góp sức nói “Không” với thuốc lá. Hút thuốc lá cũng chính là hủy hoại
tương lai của chúng ta. Hãy học tập, rèn luyện cho mình lối sống lành mạnh để
thuốc lá không có cơ hội len lỏi vào cuộc sống chúng ta!

Chú thích:

Câu ghép:

V. BÀI TOÁN DÂN SỐ - THÁI AN

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: Thái An

b. Văn bản:

+ Xuất xứ: in trên báo Giáo dục và Thời đại năm 1995
+ Phương thức biểu đạt: Nghị luận (+ tự sự + thuyết minh )

+ Vấn đề nghị luận: Sự bùng nổ và gia tăng dân số

-> Nhóm văn bản nhật dụng đề cập tới vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình

+ Nội dung: Đất đai không sinh ra nhưng dân số ngày càng tăng. Thực hiện vấn đề
kế hoạch hóa gia đình trở thành vấn đề sống còn của nhân loại.

2. Câu hỏi nhỏ

Câu 1: Việc tác giả đưa vào bài nghị luận của mình một câu chuyện là nhằm
mục đích gì?

- Giúp người đọc hình dung một cách cụ thể việc bùng nổ, gia tăng dân số trên thế
giới diễn ra rất nhanh chóng, đáng báo động

- Gây ấn tượng, hấp dẫn người đọc

Câu 2: Tại sao khi nghe xong câu chuyện kén rể của nhà thong thái, tác giả lại
sang mắt ra?

- Vì giữa câu chuyện kén rể bằng những hạt thóc theo cấp số nhân công bội là 2
với sự bùng nổ gia tăng dân số có điểm tương đồng

- Vấn đề bùng nổ, gia tăng dân số ;à vấn đề mới, được đặt ra trong xã hội hiện đại
nhưng khi đọc câu chuyện cổ kén rể của nhà thông thái, tác giả hiểu ra rằng vấn đề
này đã được đặt ra từ rất lâu, từ thời cổ đại.

3. Nghị luận xã hội

Câu 1: Trình bày suy nghĩ của em về thực trạng bùng nổ và gia tăng dân số
hiện nay.

Thực trạng bùng nổ và gia tăng dân số ở trên thế giới và Việt Nam hiện nay là vô
cùng đáng báo động, nó để lại vô vàn những hậu quả nghiêm trọng. Vậy trước hết,
bùng nổ và gia tăng dân số là gì? Bùng nổ và gia tăng dân số là sự gia tăng dân số
quá nhanh đến mức mất kiểm soát, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.Thực trạng của
sự bùng nổ và gia tăng dân số hiện nay rất nghiêm trọng. Trên thế giới, chỉ cần
điểm qua một vài nước thôi cũng có thể thấy phụ nữ sinh nhiều con thế nào. Tỉ lệ
sinh con trung bình của một phụ nữ ở Ấn Độ là 4,3; ở Nê-pan, con số đó là 6,3 và
ở Ru-an-đa thậm chí lên đến 8,1. Ở Việt Nam, tỉ lệ sinh con là 3,7. Như vậy, thực
chất đã có rất nhiều nước vượt quá số con tiêu chuẩn của mỗi phụ nữ là 2 con. Sự
sinh nở quá lớn đã gây ra bùng nổ và gia tăng dân số với tốc độ chóng mặt, để lại
nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sự gia tăng dân số ảnh hưởng đến sự phát triển kinh
tế, làm mất cân bằng giữa của cải kinh tế với mức tiêu thụ. Không chỉ thế, an ninh
lương thực thế giới cũng có nguy cơ bị đe dọa. Bùng nổ dân số dẫn tới sự quá tải
về y tế, giáo dục. Ta có thể thấy, ngay cả ở Việt Nam, hầu như từ sáng sớm người
ta đã xếp thành hàng dài để được chờ khám chữa bệnh, bệnh viên lúc nào cũng
chật cứng người. Các lớp học luôn ở mức 60 học sinh mỗi lớp nhưng vẫn liên tục
thiếu lớp và năm nào các trường cũng phải xây thêm lớp mới. Bên cạnh hậu quả về
kinh tế, sự bùng nổ dân số cũng ảnh hưởng tới môi trường, gây ô nhiêm môi
trường trầm trọng, xảy ra nhiều thiên tai vì thiên nhiên đang ngày càng bị tàn phá
nhiều để đáp ứng nhu cầu của con người. Sự gia tăng dân số đã tạo ra một vòng lẩn
quẩn kìm hãm sự phát triển của thế giới. Đó là vòng luẩn quẩn của những đất nước
có các gia đình sinh quá nhiều con dẫn đến đói nghèo triền miên, giáo dục từ đó
không được đảm bảo, suy nghĩ lạc hậu, dẫn tới thiếu hiểu biết và rồi sự gia tăng
dân số vẫn cứ thế tiếp diễn. Sự gia tăng dân số cũng tỉ lệ nghịch với sự phát triển
của xã hội. Vật đâu là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ và gia tăng dân số trầm
trọng như hiện nay? Nguyên nhân chính là do sự lạc hậu, thiếu hiểu biết ở nhiều
người, nhất là phụ nữ, do nạn “tảo hôn” hay còn gọi là kết hôn khi chưa đầy 18
tuổi vẫn tồn tại ở các vùng quê. Gia tăng dân số cũng là do những quan niệm, tư
tưởng lạc hậu phổ biến trong xã hội như trọng nam khinh nữ, thêm con thêm của.
Đây đều là những tư tưởng vô cùng sai lầm. Trên tất cả, nguyên nhân chính là do
các trẻ em gái chưa được quan tâm, giáo dục đầy đủ nên không có những kiến
thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Đó cũng là do những người phụ nữ thực ra
chưa bao giờ được đối xử công bằng trong cuộc sống, luôn bị lép vế trước đàn ông.
Nhiều người thậm chí còn không có quyền quyết định cuộc đời, số phận của chính
mình, không có quyền nói lên suy nghĩ của bản thân ngay cả ở trong gia đình hay
ra ngoài xã hội. Vậy cần làm gì để giảm bớt thực trạng gia tăng và bùng nổ dân số
đang ngày một báo động như ngày nay? Chúng ta trước hết cần phải tăng cường
giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em gái, giáo dục để các em hiểu về sức khỏe sinh
sản, biết cách phòng tránh cho bản thân sau này. Ta cần đẩy mạnh bình đẳng giới
để phụ nữ không còn phải chịu thiệt thòi, dám nói lên chính kiến của bản thân, có
thể làm chủ cuộc đời mình. Mỗi chúng ta phải nỗ lực để thay đổi những quan niệm
lạc hậu của xã hội. Tuy chắc chắn việc này là rất khó, sự gia tăng và bùng nổ dân
số cũng sẽ vẫn còn đó, nhưng tôi tin rẳng nếu ta biết nỗ lực thì chắc chắn ta sẽ đạt
được những thành quả nhất định, số người gia tăng sẽ được thuyên giảm. Có thể
thấy, sự bùng nổ, gia tăng dân số trên thế giới và ở nước ta hiện nay là vô cùng
đáng báo động, là vấn đề sống còn của nhân loại, thế nên mỗi người chúng ta hãy
cùng nhau trau dồi hiểu biết, có ý thức trong việc sinh con để cùng nhau giảm sự
gia tăng dân số, có như vậy cuộc đời này mới ngày càng trở nên văn minh, tốt đẹp
hơn.

Chú thích:

Câu ghép:

VI. ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN – PHAN CHÂU TRINH

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: Phan Châu Trinh ( 1872 – 1926 )

- Quê quán: Quảng Nam

- Là người đề xướng dân chủ, đòi bãi bỏ chế độ quân chủ sớm nhất ở Việt Nam

- Hoạt động cứu nước của ông sôi nổi ở cả trong nước và nước ngoài ( Pháp và
Nhật )

- Là người giỏi biện luận và có tài văn chương

- Văn chính luận của ông rất hung biện, đanh thép, thấm đẫm tinh thần yêu nước,
dân chủ

b. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ Năm 1908, Phan Châu Trinh bị khép tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong
trào chống thuế ở Trung Kì nên bị bắt, đày ra Côn Đảo

+ Bài thơ này được làm trong lúc ông cùng các tù nhân bị lao động khổ sai

- Nội dung: Khắc họa hình ảnh lẫm liệt, ngang tàng của người anh hung cứu nước
dù gặp bước nguy nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí
- Nghệ thuật: + Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

+ Bút pháp lãng mạn

+ Giọng điệu hào hùng

2. Câu hỏi nhỏ

Câu 1: Chép thuộc lòng bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con!

Câu 2: Em có hiểu biết gì về địa danh Côn Lôn?

Côn Lôn hay còn gọi là Côn Đảo, là một quần đảo phía Đông Nam nước ta,
thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước kia, đây là nơi thực dân Pháp lập nhà tù
giam cầm những chiến sĩ yêu nước và cách mạng.

Câu 3: “Những kẻ vá trời” gợi nhắc tới sự tích nào? Điều đó có nghĩa gì?

Trong bài thơ, tác giả có nói tới hình ảnh “những kẻ vá trời” gợi nhắc tới sự tích
“Bà Nữ Oa đội đá vá trời, phân tách trời đất” để ẩn dụ chỉ những công việc cứu
nước rất lớn lao, cao cả. Trên con đường cứu nước ấy, những gian nan, thử
thách không làm cho họ “sờn lòng đổi chí”. Những người chí sĩ sẵn sàng chấp
nhận, coi đó là những thử thách “con con” không cản trở được lí tưởng mà họ
theo đuổi.

Câu 4: Nêu đặc điểm thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật
Đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú đường luật:

- Xuât xứ: có từ đời Đường (618-907) ở Trung Quốc

- 1 bài gồm 8 câu, mỗi câu gồm bảy chữ.

- Bố cục: đề - thực - luận - kết

 Hai câu đầu: Câu đề  giới thiệu nội dung, vấn đề


 Hai câu sau: Câu thực  miêu tả chân thực vấn đề
 Hai câu tiếp: Câu luận  bàn luận, mở rộng vấn đề
 Hai câu kết: Câu kết  kết thúc vấn đề

- Gieo vần ở các chữ cuối các câu 1,2,4,6,8.

- Có phép đối giữ câu 3 và câu 4 , câu 5 và câu 6

- Luật bằng chắc: Tiếng thứ 2 của câu 1 gieo vần nào thì bài thơ viết theo thể
ấy.

 Các tiếng nhất - tam - ngũ bất luận


 Các tiếng: nhị - tứ - lục phân minh
- Không theo đúng các luật trên, bị coi là thất luật

Câu 5: Một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ Văn 8 có nội dung tương
tự

“Vào nhà ngục Quản Đông để cảm tác” – Phan Bội Châu

Câu 6: Một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ Văn Trung học cơ sở
cũng được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan

Bạn đến chơi nhà – Nguyễn Khuyến

3. Nghị luận, thuyết minh về tác phẩm văn học

Câu 1: Thuyết minh về Phan Châu Trinh và bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Tác giả của bài thơ “ Đập đá ở Côn Lôn ” là ông Phan Châu Trinh. Phan Châu
Trinh ( 1872 – 1926 ), quê tại tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà yêu nước, chí sĩ cách
mạng nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám. Có thể xem ông chính là người đề
xướng dân chủ, đòi bãi bỏ chế độ quân chủ sớm nhất ở Việt Nam. Các hoạt động
cứu nước của ông sôi nổi ở cả trong nước và nước ngoài, cụ thể là tại Pháp và
Nhật. Ngoài ra, ông còn là một người giỏi biện luận và có tài văn chương. Văn
chính luận của ông rất hùng biện, đanh thép, thấm đẫm tinh thần yêu nước, dân
chủ. Các tác phẩm nổi bật của ông gồm có: “ Tây Hồ thi tập”, “Giai nhân kì ngộ”,..
“Đập đá ở Côn Lôn” là một bài thơ tiêu biểu của ông vào đầu thế kỉ XX. Năm
1908, Phan Châu Trinh bị khép tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào
chống thuế ở Trung Kì nên ông bị bắt, đày ra Côn Đảo. Bài thơ này được làm trong
lúc ông và các tù nhân bị bắt lao động khổ sai. Về nội dung, bài thơ đã khắc họa
hình ảnh đẹp lẫm liệt, ngang tàng của người anh hùng cứu nước dù gặp bước nguy
nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí. Về nghệ thuật, “Đập đá ở Côn Lôn” được
viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật với bút pháp lãng mạn và giọng điệu
thơ hào hùng. Với nghệ thuật và nội dung sâu sắc như vậy, tác phẩm “Đập đá ở
Côn Lôn” của Phan Châu Trinh sẽ mãi là một bài thơ đẹp về ý chí vững vàng của
các người chí sĩ cáchmạng yêu nước.

Chú thích:

Câu ghép:

Câu 2: Cảm nhận về hình tượng người chí sĩ yêu nước

Hình tượng người chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX đã được Phan Châu Trinh khắc
họa một cách chân thực, sinh động trong bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”. Trước hết,
người chí sĩ yêu nước được miêu tả trong hoàn cảnh bị lưu đày ở nhà tù Côn Đảo –
một “địa ngục trần gian” giữa bốn bể biển cả mênh mông, bị bắt lao động khổ sai,
làm công việc khai thác đá nặng nhọc, nguy hiểm. Trong hoàn cảnh đó, người đọc
cảm nhận được vẻ đẹp của tư thế hiên ngang, lẫm liệt của người chí sĩ yêu nước
trong bốn câu đầu. Trong cặp câu đề “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn / Lừng lẫy
làm cho lở núi non”, Phan Châu Trinh đã nêu quan niệm về chí làm trai. Làm quân
tử là phải hiên ngang, “đầu đội trời chân đạp đất”, lồng lộng giữa biển trời Côn
Đảo, làm những việc lớn lao, lừng lẫy, chấn động sông núi. Dưới ngoài bút khoa
trương của tác giả, hai câu đầu đã khắc họa được hình ảnh của người chí sĩ yêu
nước với tư thế hiên ngang, lẫm liệt. Trong hai câu thực “Xách búa đánh tan năm
bảy đống, / Ra tay đập bể mấy trăm hòn.”, tác giả đã tả thực công việc lao động
khổ sai của người chí sĩ, đó chính là công việc khai thác đá trên núi hiểm trở, vô
cùng nặng nhọc, nguy hiểm, rất nhiều đồng chí của ông đã phải bỏ mạng vì bị đá
đè, bị rơi xuống vực sâu. Qua đó, thể hiện được tầm vóc khổng lồ của người anh
hùng với những hành động phi thường. Tác giả đã sử dụng các động từ mạnh như
“xách”, “đập”, “đánh” để thể hiện công việc khai thác đá nặng nhọc, tốn nhiều
công sức, thể hiện sức mạnh thần kì của người tù khổ sai biến công việc lao động
cưỡng bức, nặng nhọc thành một cuộc chinh phục thiên nhiên và tác giả còn ẩn dụ
chỉ những khó khăn trở ngại mà người chí sĩ phải đối mặt đương đầu trên con
đường cứu nước qua từ “đá”. Nếu bốn câu đầu Phan Châu Trinh khắc họa tư thế
hiên ngang của nguời tù yêu nước thì ở bốn câu sau ông lại tập trung làm nổi bật ý
chí tinh thần của họ. Ở cặp câu luận “ Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,/ Mưa
nắng càng bền dạ sắt son.”, các hình ảnh “tháng ngày”, “mưa nắng” ẩn dụ chỉ
những khó khăn, ngu hiểm mà những người chí sĩ phải đối mặt, đương đầu và các
hình ảnh “thân sành sỏi”, “dạ sắt son” mang ý nghĩa những khó khăn gian khổ đó
không làm chùn bước họ mà càng giúp họ dày dặn phong trần, cứng cỏi, kiên
cường trước thử thách, không sờn lòng, đổi chí. Nghệ thuật đối lập tương phản
giữa khó khăn thử thách với ý chí, đối lập giữa “tháng ngày” với “mưa nắng”,
“thân sành sỏi” với “dạ sắt son” đã làm nổi bật chí lớn gan to, ý chí không chịu
khuất phục của người chí sĩ cách mạng, thử thách gian nan là để rèn luyện thân thể,
chí lớn. Trong hai câu kết “Những kẻ vá trời khi lỡ bước,/ Gian nan chi kể việc con
con.”, hình ảnh “những kẻ vá trời” nhắc đến truyền thuyết bà Nữ Oa đội đá vá trời
phân tách trời đất. Bà Nữ Oa là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người chí sĩ yêu nước
còn đập đá vá trời ẩn dụ chỉ công việc cứu nước là rất lớn lao. Trên con đường cứu
nước ấy, những gian nan thử thách không làm cho họ sờn lòng, đổi chí, họ sẵn
sàng chấp nhận coi đó là những thử thách “con con”, không cản trở được lí tưởng
mà những người chí sĩ theo đuổi. Bằng bút pháp lãng mạn và giọng điệu hào hùng,
bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh đã giúp ta cảm nhận một hình
tượng đẹp lẫm liệt, ngang tang của người anh hùng cứu nước dù gặp bước nguy
nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí.

Chú thích:

Câu ghép:

You might also like