You are on page 1of 13

HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Buổi 7 + Buổi 8
Đề 1: Anh/chị hãy viết bài văn phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của
nhà văn Nam Cao.
Bài làm
“Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết ra”
(Andersen). Nhà văn Nam Cao cũng đã xuất phát từ những khoảnh khắc ý nghĩa và chân
thực từ đời sống để rồi viết nên truyện ngắn “Lão Hạc”. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ
khi khắc họa nhân vật lão Hạc dù phải sống trong hoàn cảnh cơ cực và khốn đốn như thế nào
thì lão vẫn giữ được nhân cách cao cả của mình. Bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo nhưng chứa
đựng sự yêu thương, cảm thông và đầy trân trọng của mình, Nam Cao đã khắc họa thành
công một nhân vật lão Hạc hiền hậu, giàu lòng nhân ái nhưng cũng rất đáng thương.
Xuất hiện trên văn đàn khi trào lưu hiện thực chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu
xuất sắc, nhà văn Nam Cao đã dùng tài năng của mình để ghi dấu tên tuổi vào nền văn học
hiện thực phê phán hiện đại trong giai đoạn 1930-1945. Trong số các nhà văn hiện thực, ông
là cây bút có ý thức sâu sắc nhất về quan điểm nghệ thuật của mình. Ông phê phán toàn diện
và triệt để tính chất thoát li, tiêu cực của văn chương lãng mạn đương thời, coi đó là thứ “ánh
trăng lừa dối”, đồng thời yêu cầu nghệ thuật chân chính phải trở về với đời sống, phải nhìn
thẳng vào sự thật, nói lên được nỗi thống khổ của hàng triệu nhân dân lao động lầm than.
Các tác phẩm hiện thực tiêu biểu của ông không thể không nhắc đến “Chí Phèo”, “Lang
Rận”, “Một bữa no”, “Đời thừa”, và “Lão Hạc” cũng chính là một trong những tác phẩm
xuất sắc của nhà văn khi viết về người nông dân trước cách mạng, được đăng báo lần đầu
vào năm 1943.
Sáng tác “Lão Hạc”, Nam Cao không chỉ dừng lại ở việc tái hiện ra một khung cảnh
cuộc sống của người nông dân hay đơn thuần là xây dựng nhân vật. Nhà văn viết ra tác phẩm
bằng tất cả sự đồng cảm, yêu thương và thấu hiểu. Khắc họa hình tượng Lão Hạc, nhà văn đã
đã phản ánh cuộc đời nghèo khổ, cô đơn và cái chết cùng quặn đau thương của người nông
dân trong xã hội cũ, những con người tuy đói khổ nhưng trong sạch và nhân hậu đáng
thương. Đây là chủ đề khá quen thuộc của nền văn học hiện thực phê phán năm 1945
nhưng với tài năng và tấm lòng của một nhà văn chân chính, Nam Cao không khơi gợi chủ
đề một cách dập khuôn, nhàm chán mà thay vào đó là sự sáng tạo. Ông sáng tạo trong cách
gây dựng nhân vật, sáng tạo trong từng câu từ con chữ để rồi ta có một nhân vật Lão Hạc ghi
dấu sâu đậm trong miền hồn độc giả.
Lão Hạc là người có hoàn cảnh éo le, một thân một mình già yếu sống cô đơn lẻ
loi. Thực ra lão có một đứa con trai, nhưng vì nhà nghèo, không cưới được vợ nên phẫn chí
bỏ đi làm đồn điền cao su mấy năm không có tin tức gì. Thứ cậu con trai để lại duy nhất là
một con chó tên là Vàng, Lão Hạc coi đó là cậu con trai của mình, dành hết tình yêu thương
cho nên âu yếm gọi là Cậu Vàng. Nhưng cuộc sống khốn khó, lão thì tuổi cao sức yếu, giời
đất này bản thân lão còn không nuôi nổi huống gì nuôi thêm cả một con chó, cậu Vàng càng
lớn ăn càng khỏe nên lão rơi vào cảnh bí bách, cùng quẫn. Tất cả là do cái nghèo, cái đói nên
lão đã có dự định bán cậu Vàng, người bạn thân thiết cũng như kỉ vật cuối cùng mà người
con trai để lại cho Lão.

1
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Sống trong cái đói, cái nghèo, bị đẩy vào bước đường cùng, nhưng Lão Hạc vẫn
luôn trọng tình trọng nghĩa. Vẻ đẹp này được thể hiện sâu sắc trong cách lão đối đãi với
con chó của mình. Cậu Vàng là con chó mà người con trai lão để lại trước khi đi làm ăn. Nó
sống với lão, là người bạn luôn kề cạnh khi cô đơn nhất, lẻ loi nhất. Dự định bán cậu Vàng
đã quẩn quanh trong đầu lão bấy lâu nay và chính suy nghĩ ấy đã khiến lão rơi vào một bi
kịch tinh thần. Nhà văn Nam Cao đã rất thành công khi dùng ngòi bút của mình để miêu tả
diễn biến tâm trạng của nhân vật vô cùng tinh tế. Lão Hạc đắn đo, suy nghĩ về việc bán cậu
Vàng, lão rơi vào trạng thái vô cùng dằn vặt, xót xa và tội lỗi. Bế tắc khi bị đẩy vào bước
đường cùng, bị cái đói, cái nghèo bủa vây, lão không đủ miếng cơm manh áo để sống qua
ngày thì làm sao có của ăn của để cho con? Bây giờ, lão bán đất bán vườn đi, cuộc sống lão
và cậu Vàng sẽ được cải thiện, thế nhưng nhỡ con trai lão về thì lấy gì cho nó làm ăn?
Những suy nghĩ, toan tính ấy dằn xé trong lão, lão tâm sự với ông giáo, thế nhưng, làm sao
có ai có thể quyết định được thay lão. Và cuối cùng, công việc hệ trọng phải đắn đo suy tính
mãi đã được thực hiện, lão bán cậu Vàng rồi, lúc này tâm trạng của Lão Hạc được đẩy lên
cao trào. Lúc bán xong lão chạy sang nhà ông giáo và nói “Cậu Vàng đi rồi ông giáo ạ” và
sau đó những biểu hiện cũng như sự thay đổi về tâm trạng của nhân vật được nhà văn Nam
Cao miêu tả hết sức chi tiết. “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, vết nhăn xô vào nhau ép cho
nước mắt chảy ra”, “đầu lão vẹo sang một bên”, “miệng móm mém mếu như con nít” và rồi
“lão hu hu khóc”. Sự đau đớn của Lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao khắc họa một cách
chân thực thông qua biểu hiện, nỗi đau ấy đã trào dâng thông qua việc “khóc”, lão khóc một
cách uất ức, đau khổ. Lúc này, tác giả đã sử dụng điểm nhìn bên ngoài để miêu tả lại toàn bộ
biểu hiện của Lão Hạc khi bán cậu Vàng, điểm nhìn ấy vừa tuy khái quát nhưng cũng rất tinh
tế và giúp người đọc có thể hình dung ra tâm trạng của một con người đang rất buồn và tự
trách. Sau đó, tác giả tái hiện lời thoại tự trách của nhân vật bằng một loạt các động từ mạnh
và hệ thống từ láy để tô đậm sự dằn vặt trong thâm tâm, lão nghĩ con chó đang hận mình,
trách mình: “Nó kêu ư ư…”, “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế nào mà lão đối xử
với tôi như thế này à?”. Câu nói này đã chứng tỏ lão xót xa và đau đớn vô cùng, không chỉ là
đau đớn, lão còn ân hận và thương tiếc vô ngần, tất cả những nét tâm trạng đó đã dồn nén lại
và dân trào cất thành tiếng khóc uất ức. Qua đây ta có thể thấy rằng, Lão Hạc là một người
nông dân sống vô cùng nghĩa tình và rất mực trung thực và nét tâm trạng ấy cũng đều xuất
phát từ tấm lòng của một người cha nghèo khổ.
Lão nông dân ấy còn là người giàu lòng tự trọng, ý thức về phẩm giá của mình và
không bao giờ để nó bị vấy bẩn. Trước khi ra đi lão nhờ ông giáo hai việc, lão nhờ ông
giáo trông nom lại mảnh vườn để khi con trai về thì giao lại cho nó, thứ hai là lão mang hết
tiền dành dụm được nhờ ông giáo và hàng xóm láng giềng làm đám ma nếu lão chết đi. Vì
sao lão phải làm như vậy? Có lẽ lão đã ý thức được hoàn cảnh cùng đường và không lối
thoát của mình nên lão đã chuẩn bị kĩ càng trước khi rời đi. Ngay cả đến lúc cùng đường, lão
vẫn nghĩ đến người khác và không muốn làm phiền hàng xóm láng giềng, đây chính là nhân
cách cao cả của Lão Hạc, là những điều tử tế có ở người nông dân hiền lành này. Không ai
biết dự định đó của lão chỉ đến khi Binh Tư và ông giáo thấy lão đã nằm trên giường, “đầu
tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, mắt long sòng sọc, lão tru tréo, bọt mép sùi ra.... người lão
chốc chốc lại giật mạnh....vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết” thì mới hiểu ra cơ sự. À, thi
ra lão xin bả chó của Binh Tư để tự tử, lão chọn cách chết thật đau đớn để giải thoát. Nhà
văn cũng đã sử dụng một loạt các từ tượng thanh, tượng hình để miêu tả cái chết thật dữ dội,
2
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

thê thảm và đầy bất ngờ của lão. Điều này càng khẳng định Lão Hạc là người có ý thức cao
về lẽ sống, trọng danh dự làm người hơn cả sự sống; một người nông dân trung thực, thật
thà, giàu lòng tự trọng.
Bên cạnh giàu lòng nhân ái và giàu lòng tự trọng, lão Hạc còn là một người cha có
tình yêu thương con vô bờ bến. Lão là một người cha yêu thương con hết mực, lão sống vì
con và chết cũng vì con. Lão Hạc thương con lắm. Hắn không cưới được người con gái mình
yêu nhưng biết làm sao bây giờ? Gia cảnh nghèo đói, cuộc sống túng thiếu, nếu bán mảnh
vườn đi để cưới vợ thì sau này hai vợ chồng ở đâu? Suy xét kĩ, lão giữ mảnh vườn cũng chỉ
là muốn tốt cho con và lo cho tương lai của con sau này. Khi anh con trai bỏ đi làm đồn điền
bao năm không tin tức, không giây phút nào lão ngừng nhớ về con, lão mong mỏi chờ đợi
một lá thư hoặc một thông tin mà anh con trai gửi về nhưng mãi không thấy đâu. Cách lão
giải tỏa nỗi niềm nhớ thương ấy chính là hằng ngày trò chuyện tâm sự cùng Cậu Vàng, lão
coi Cậu Vàng là đứa con trai của mình, chăm chút nó như người thân vì đó là con chó con
trai lão mua trước khi rời đi. Cho đến lúc bán cậu Vàng, lão cũng sang nhờ ông giáo giữ hộ
mảnh vườn cho thằng con để khi nào nó về còn có của ăn của để và khi sắp xếp mọi thứ
xong xuôi người cha già ấy mới quyết định ra đi. Lão Hạc chọn cách ra đi như vậy không
phải là lão không muốn chờ đợi con trai mình trở về mà suy cho cùng lão muốn giải thoát có
lẽ lão sợ con trai sẽ phải gồng gánh thân lão. Sự hi sinh của người cha già này thật thiêng
liêng và trân quý biết bao, sức mạnh của tình phụ tử thật kì diệu, Lão Hạc cũng như bao
người cha khác, lão luôn yêu thương con của mình rất nhiều và luôn mong những điều tốt
đẹp nhất sẽ đến với con. Lão chấp nhận hi sinh để con được hạnh phúc, sẵn sàng kết liễu
cuộc sống của mình để mai này con trở về có cuộc sống đủ đầy và không còn vất vả như cha
nó. Tình phụ tử thiêng liêng, cao cả ấy khiến người đọc cảm động nhưng cũng thật xót xa,
thương cảm cho người cha già suốt đời vất vả vì con.
Lão Hạc chính là một điển hình về hoàn cảnh người nông dân nghèo khó trong xã hội
cũ nhưng vẫn giữ được những nét tính cách đáng trân trọng. Lão là một người trọng tình
nghĩa, trọng danh dự; một người nông dân giàu lòng tự trọng và là người cha yêu thương con
hết mực, vì con lão sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ mảnh vườn, để lại những
điều tốt đẹp nhất cho con khi con trở về. Có lẽ trong hoàn cảnh ấy, tìm đến sự giải thoát
chính là sự lựa chọn tốt nhất dành cho Lão Hạc lúc đó, bằng tuổi lão chính ra đã phải được
an yên hưởng tuổi già, sum vầy cùng con cháu vậy mà lão phải chịu kiếp cô đơn, lẻ bóng cô
độc, thật đáng thương cho một kiếp người như Lão Hạc. Và cũng thông qua nhân vật Này
nhà văn Nam Cao cũng đã thể hiện sự đồng cảm, xót thương đối với nhân vật. Trân trọng
nâng niu vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn của nhân vật từ đó lên tiếng tố cáo một xã hội bất công và
tăm tối, đó chính là giá trị nhân đạo mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm.
Trong tác phẩm, để khắc họa nhân vật Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã thành công sử
dụng nghệ thuật phân tích tâm lí tinh tế, kể chuyện chân thực, màu sắc trữ tình đan xen triết
lí sâu sắc. Sử dụng ngôi kể thứ nhất, đặt điểm nhìn qua nhân vật ông giáo - người hiểu,
chứng kiến toàn bộ câu chuyện và cảm thông với số phận của Lão Hạc đã giúp nhân vật hiện
lên cụ thể, sinh động hơn. Nhà văn cũng sử dụng thành công hệ thống các từ láy cũng như
các động từ mạnh để tăng thêm tính biểu tượng cũng như làm sinh động hơn các chi tiết
miêu tả. Từ đó, Nam Cao đã thành công xây dựng được một nhân vật mang tính cá thể hóa,
ghi dấu vào lòng bạn đọc một Lão Hạc đáng thương nhưng lại có một vẻ đẹp tâm hồn lại vô
cùng cao quý.
3
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Bằng tài năng nghệ thuật và sự tinh tế trong từng trang văn, tác giả Nam Cao đã xây
dựng nhân vật Lão Hạc một cách thành công và vô cùng chân thực. Có lẽ chính trái tim nồng
ấm đôn hậu đã thôi thúc người nghệ sĩ ấy viết ra những dòng văn chan chứa tình cảm, chạm
tới trái tim những người yêu văn chương. Chắp bút sáng tác “Lão Hạc”, Nam Cao như hòa
mình vào cuộc sống trong trang văn ấy để mà đồng cảm, thấu hiểu và đây chính là cái tâm,
cái tầm của một cây bút chân chính có chỗ đứng trên văn đàn. Chính bởi lẽ đó, hình ảnh một
Lão Hạc hiền hậu và trọng tình trọng nghĩa sẽ mãi là hình ảnh đẹp, sống mãi với dòng chảy
của thời gian vô chung vô ngần.
Đề 2: Anh/chị hãy viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật tác
phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long
Bài làm
Thạch Lam đã từng tâm sự rằng: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ
không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học
trông nhìn và thưởng thức”. Quả thực đúng là như vậy, cái đẹp có thể hiện hữu xung quanh
cuộc sống của chúng ta nhưng cũng có thể bị khuất lấp ở một nơi nào đó mà buộc người
nghệ sĩ phải đào sâu cày xới thì chúng mới hiện hữu. Hiểu được chân lí ấy, nhà văn Nguyễn
Thành Long đã tìm đến một nơi có những vẻ đẹp khuất lấp, dùng trái tim chân thành và ngòi
bút tài hoa để sáng tác truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Có thể nói “Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm
xuất sắc của nhà văn, để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc bấy lâu này bởi chủ đề và nghệ thuật
đặc sắc.
Nguyễn Thành Long là cây bút trưởng thành trong giai đoạn đất nước phải đối diện
với chiến tranh chống xâm lược. Trong suốt sự nghiệp văn học, ông được biết đến với tư
cách người chuyên viết truyện ngắn và kí, đặc biệt là về cuộc sống chiến đấu của nhân dân.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, ông luôn khẳng định tên tuổi mình bởi lối viết nhẹ
nhàng, trong trẻo, tình cảm và đậm chất thơ. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của
chuyển đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của nhà văn, truyện được rút ra từ tập “Giữa trong
xanh” (1972), đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Nếu chưa tìm hiểu về “Lặng lẽ Sa Pa” mà chỉ nghe qua tên thì chắc hẳn ta thường nghĩ
đến một mảnh đất Sa Pa lặng im nơi miền cao. Tuy nhiên truyện ngắn không chỉ phác họa
mảnh đất Sa Pa xinh đẹp, thơ mộng mà còn ca ngợi những người vô danh, với cuộc sống
khiêm nhường, lặng lẽ cống hiến tuổi trẻ, năng lực cho đất nước thông qua hình ảnh anh
thanh niên làm công tác khí tượng, tự giác vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, sống đẹp,
sống một cuộc đời có ý nghĩa. Đồng thời qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng
gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động, vì những mục đích chân chính.
Nhà văn đã khai thác sự cống hiến thầm lặng mà vô cùng cao cả của những con người vô
danh, thầm lặng tại mảnh đất cao vợi, để cho bạn đọc thấy rằng đâu chỉ nơi tiền tuyến mới có
sự hi sinh cống hiến mà nơi hậu phương cũng có. Sự cống hiến ấy cũng cao cả, thiêng liêng
và cũng đáng trân trọng vô cùng. Chính bởi sự sáng tạo trong chủ đề này, ta đã phát hiện
ra thêm vẻ đẹp của những con người mới, những con người lặng thầm ít ai biết tới.
Bên cạnh chủ đề, một trong những yếu tố làm nên thành công của “Lặng lẽ Sa
Pa” đó chính là đặc sắc nghệ thuật, trong đó ta không thể không nhắc đến việc xây
4
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

dựng tình huống truyện. Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng, là tình thế xảy ra truyện, là
khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện
lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất và tình huống
truyện cũng là sự kiện nổi bật nhất trong tác phẩm. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây
dựng xoay quanh một tình huống truyện khá đơn giản, tự nhiên. Đó chính là cuộc gặp gỡ
tình cờ của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên làm công tác khí
tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ này là tình cờ, nhưng là tình cờ qua lời giới thiệu của
nhân vật bác lái xe, anh thanh niên xuất hiện sau lời giới thiệu “tôi sắp giới thiệu với bác một
trong những người cô độc nhất thế gian, thế nào bác cũng thích vẽ hắn” và sau đó anh thanh
niên xuất hiện, tạo tiền đề cho những sự kiện sau đó xảy ra. Khác với tình huống éo le đầy
đối nghịch trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng như tình huống đầy bất ngờ, bi
kịch trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Tình huống của “Lặng lẽ Sa
Pa” tuy đơn giản, nhẹ nhàng, mang tính tình cờ nhưng lại mang trong đó sự sáng tạo của
nghệ thuật xây dựng tình huống và chất chứa nhiều ý nghĩa. Giả như không có chuyến ô tô
khách, có lẽ cũng chẳng mấy ai được đặt chân đến Sa Pa, để cảm nhận được vẻ đẹp thanh tú,
cái “lặng lẽ” của một vùng núi non trùng điệp mù sương và mộng mơ cao nhất nước Việt
này. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã rất sáng tạo trong việc tạo dựng tình huống, chính
chuyến xe ấy đã đưa họ đến gặp mặt nhau, tạo ra sự kết nối giữa các nhân vật. Đặc biệt hơn,
tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa “bức chân dung” nhân vật
chính một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời
lẽ, hành động của anh. Đồng thời, qua “bức chân dung” của người thanh niên, qua sự cảm
nhận của các nhân vật khác (chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả
đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi
mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm
việc miệt mài, say mê cho đất nước.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình đã thành công khắc họa vẻ đẹp của anh
thanh niên như ngôi sao tỏa sáng giữa bầu trời nơi đỉnh núi Yên Sơn. Nhà văn Nguyễn
Thành Long đã tập trung miêu tả vẻ đẹp của nhân vật thông qua lời nói, cử chỉ và hành động.
Lời nói của anh thanh niên tuy chỉ là lời trần thuật bình thường, giản dị, khiêm tốn tuy nhiên
người đọc có thể cảm nhận được những vẻ đẹp của anh thông qua từng câu nói đó. Anh
thanh niên là người có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng dù ở nơi cô đơn,
hẻo lánh nhất của đất nước anh vẫn không bỏ quên nhiệm vụ của mình, thậm chí những lúc
gió rét nhất của một giờ sáng anh cũng không ngại khó để hoàn thành. Anh nói “Khi ta làm
việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn
liền với bao công việc của anh em. Công việc của cháu vất vả gian khổ thế đấy. Chứ cất nó
đi, cháu buồn chết mất…”. Đó chính là những câu nói cho thấy suy nghĩ về công việc, về lí
tưởng và hạnh phúc của anh. Anh sống gắn bó với sự nghiệp của đất nước, có trách nhiệm
với cuộc đời. Không chỉ vậy, anh còn là người chủ động sắp xếp cho mình một cuộc sống
ngăn nắp: “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ
đàm”. Ngoài công việc, anh còn trồng hoa, nuôi gà, làm cho cuộc sống của mình thêm thi vị,
phong phú về vật chất và tinh thần. Anh còn ghi dấu ấn với mọi người với sự chân thành, cởi
mở và hiếu khách. Anh vui sướng cuống cuồng khi có khách thăm nhà, khao khát gặp gỡ và
trò chuyện với người khác. Anh đếm từng phút và nói to đầy tiếc rẻ “Trời ơi, chỉ còn năm
phút”. Một bó hoa rực rỡ tặng người con gái chưa hề quen biết, pha nước chè cho ông họa sĩ,
5
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

biếu mọi người làn trứng, những món quà giản dị ấy chứa đứng tấm lòng hiếu khách, sự chu
đáo, nhiệt tình của người thanh niên trẻ.
Đâu chỉ riêng anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư hay cả bác lái xe cũng vậy, vẻ đẹp
của các nhân vật này đều được tác giả Nguyễn Thành Long khắc họa ấn tượng. Ông họa sĩ
yêu và gắn bó trách nhiệm với nghề, với cuộc sống “đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao
ước được biết, ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác”.
Cô kĩ sư dũng cảm bỏ lại “mối tình đầu nhạt nhẽo” để lên công tác ở miền cao Tây Bắc
dường như đã được anh thanh niên khơi gợi bao tình cảm và suy nghĩ mới mẻ, cao đẹp về
công việc, về con người. Hay bác lái xe cùng những nhân vật xuất hiện gián tiếp qua lời giới
thiệu của anh thanh niên cũng hiện lên với những nét tuyệt đẹp trong tâm hồn và cách sống,
cách làm việc. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, Nguyễn Thành Long đã thành
công khắc họa những nhân vật đại diện cho con người thời đại lúc bấy giờ. Họ là những
người say mê công việc. Vì công cuộc xây dựng đất nước, họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh
xuân, hạnh phúc và tình cảm gia đình. Cuộc sống của họ lặng lẽ mà cao cả biết bao!
Với “Lặng lẽ Sa Pa”, tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ ba nhằm tạo ra một thế giới
trong câu chuyện một cách chân thực, khách quan. Điều này giúp cho người đọc dễ dàng
hình dung ra các tình huống và sự kiện trong câu chuyện, từ đó tạo nên một trải nghiệm đọc
tuyệt vời, giúp tác giả tạo ra một câu chuyện có tính khách quan cao hơn, điều này giúp cho
câu chuyện trở nên đáng tin cậy và chính xác hơn. Bên cạnh đó điểm nhìn trần thuật chủ yếu
qua nhân vật bác lái xe và ông họa sĩ làm tăng yếu tố tình cảm, nổi bật chất trữ tình cùng
những đánh giá tinh tế, sâu sắc của một người làm nghệ thuật và nhiều từng trải.
Truyện giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng nhân vật chính – anh thanh niên
- với những suy nghĩ sâu sắc và lòng yêu nghề nghiệp, với cách sống đẹp, trong công việc
thầm lặng một mình giữa núi cao mà vẫn không cô độc, buồn tẻ. Truyện còn ca ngợi và thế
giới những con người như anh. Tác giả muốn nói với người đọc trong cái lặng lẽ của Sa Pa
có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Qua đó truyện khẳng định vẻ
đẹp của con người lao động và ý nghĩa những công việc thầm lặng. Truyện đã xây dựng
được một tình huống truyện hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ
tình với bình luận. Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng, chỉ được nhà văn gọi
theo giới tính và tuổi tác (anh thanh niên, cô kĩ sư nông nghiệp, ông hoạ sĩ già...). Dụng ý
muốn người đọc liên tưởng đến những nhân vật tốt đẹp mà trong truyện không phải chỉ là
những cá nhân riêng lẻ mà là số đông. Điều này tăng thêm sức khái quát đời sống của câu
chuyện.
Lặp lại đề tài quen thuộc, nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến một làn gió mới
về chủ đề vẻ đẹp lao động trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”. Chính bởi sự sáng tạo ấy, “Lặng
lẽ Sa Pa” là một trong những ngôi sao sáng nhất trong sự nghiệp sáng tác của tác giả khiến
độc giả ấn tượng, trân trọng, say mê. Thời gian qua đi, đất nước đã hòa bình, thế nhưng, tác
phẩm vẫn luôn như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải có trách nhiệm với tổ quốc, phải biết nỗ
lực rèn luyện và cống hiến cho xã hội, phải sống có lí tưởng và sống có ý nghĩa hơn từng
ngày.
Đề 3: Anh/chị hãy viết bài văn phân tích, đánh giá nghệ thuật kể chuyện trong truyện
ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao

6
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Trong dòng văn học hiện thực phê phán, người ta sẽ nhớ mãi một Nguyên Hồng - nhà
văn của chủ nghĩa nhân đạo tha thiết, một Vũ Trọng Phụng - nhà văn châm biếm trào lộng
mỉa mai… Và người ta cũng không thể quên được một Nam Cao cháy bóng tình yêu thương,
luôn quan tâm đến nhân phẩm con người. Những tác phẩm của Nam Cao, ngoài giá trị nhân
đạo, hiện thực, còn là một ý thức trách nhiệm cao cả của lương tâm người cầm bút. Có thể
nói, truyện ngắn “Chí Phèo” của tác giả Nam Cao là một trong những tác phẩm văn học chân
thực nhất, ấn tượng nhất về nghệ thuật kể chuyện của ông.
Nam Cao là một trong số những nhà văn lớn nhất của trào lưu văn học hiện thực phê
phán. Ông đi vào đời sống hiện thực của xã hội một cách chân thật nhất, nhưng cũng mang
đậm nét quan điểm cá nhân của mình. Ông quan niệm “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa
dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ
những kiếp người lầm than”, văn chương cần phải nhìn vào hiện thực xã hội, nhìn vào sự
thật cuộc sống trước mắt. Nhiều tác phẩm của ông được gây dựng nên từ những “cái hàng
ngày”, những vấn đề rất quen thuộc trong đời sống, từ miếng cơm manh áo, đến những mâu
thuẫn xảy ra hàng ngày đều được tái hiện dưới cái nhìn của Nam Cao. Một trong những tác
phẩm đã tái hiện sự thật về một xã hội đã đẩy người lương thiện vào bước đường cùng, tha
hoá bản thân trở nên lưu manh “lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người” là truyện ngắn
“Chí Phèo” ra đời năm 1942, in đậm cái nhìn mới mẻ của Nam Cao.
Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã thẳng thắn đặt ra vấn đề miếng ăn và khao khát cứu lấy
nhân tính đang ngày một tha hoá của con người. Nhân vật trung tâm Chí Phèo bước vào
trang văn, ngật ngưỡng và vô hồn với dáng điệu một kẻ say. Chí không nhà cửa, không cha
mẹ. Hắn bị đẩy vào tù với sự ghen tuông của Bá Kiến. Nhà tù thực dân đã biến anh nông dân
hiền như cục đất trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, suốt ngày rạch mặt và ăn vạ. Nhưng nếu
chỉ dừng lại ở đó, có lẽ “Chí Phèo” đã không được đánh giá là kiệt tác, Nam Cao cũng không
được đánh giá là tài năng bậc thầy với một trái tim nhân đạo. Bằng đôi mắt tình thương, đôi
mắt “cố tìm mà hiểu", Nam Cao đã đưa Chí Phèo tới một tình huống được coi là bước ngoặt
của cuộc đời, đó là sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành, đã đưa Chí từ cõi chết tinh
thần trở về lẽ sống. Đây là một tình huống hấp dẫn, bởi lẽ cuộc gặp gỡ ấy đã cho hắn sự
bừng tỉnh của lương tri, của bản chất lương thiện. Với một trái tim nhân đạo và cách nhìn
cao cả, Nam Cao đã đưa ra tình huống khơi dậy bản chất “người" vẫn tiềm ẩn trong tâm thức
của Chí. Trong tác phẩm, Nam Cao đã sử dụng thời gian đa chiều, thời gian tâm tưởng, quá
khứ, tương lai và hiện tại đan xen và soi chiếu cho nhau. Mở đầu câu chuyện là thời gian
hiện tại của Chí Phèo, khi ấy là con quỷ dữ bị tha hoá cả ngoại hình và nhân tính. Để giải đáp
nguyên nhân vì sao hắn trở nên như vậy, tác giả đã đưa người đọc trở về quá khứ, khi Chí
Phèo vẫn còn là một chàng trai khỏe mạnh, mang giấc mơ giản dị có một gia đình nhỏ. Cuối
cùng, câu chuyện quay về với thực tại bi kịch khi Chí Phèo là một kẻ lưu manh, không được
coi là con người. Việc đảo lộn trật tự thời gian khiến câu chuyện có những diễn biến bất ngờ,
hấp dẫn, thôi thúc bạn đọc đi tìm nguyên nhân bi kịch của Chí Phèo cũng như gắn liền với sự
thay đổi số phận nhân vật.
Có thể nói, một trong những phương diện làm nên phong cách của Nam Cao là
lời văn trần thuật phong phú của ông, được thể hiện sâu sắc ở điểm nhìn trần thuật.
Truyện được viết theo ngôi thứ ba với điểm nhìn đa dạng và luôn vận động. Tác phẩm “Chí
Phèo" là sự kết hợp của các điểm nhìn bên trong và bên ngoài, đó là điểm nhìn của người kể
chuyện, điểm nhìn của nhân vật, điểm nhìn của dân làng Vũ Đại. Điều này làm nổi bật lên
7
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

góc nhìn đa chiều bởi đan xen những cung bậc cảm xúc khác nhau của những người trong
cuộc và giúp người đọc hình dung rõ hơn về chân dung nhân vật. Khác với những câu
chuyện của Nguyễn Công Hoan hay Vũ Trọng Phụng với nhiều hành động kịch tính mang
đậm sự trào phúng, Nam Cao chú trọng vào miêu tả tâm lí nhân vật, từ đó bộc lộ được thái
độ, tư tưởng, cái nhìn của mình với cuộc sống, con người. Với “Chí Phèo", Nam Cao tập
trung miêu tả khát khao quay trở về cuộc sống lương thiện của nhân vật Chí Phèo cũng như
cái bi kịch trên con đường trở về của hắn.
Bằng việc sử dụng đa dạng điểm nhìn cùng ngôi kể thứ ba khách quan, Nam Cao đã
đưa người đọc đến gần hơn những mảng tâm trạng sâu kín nhất của nhân vật trung tâm Chí
Phèo. Chí Phèo ngay từ lúc mới sinh ra bị chính cha mẹ vứt lại ở đống lò gạch cũ, sau đó
được “đem về cho một bà goá mù” và bà goá mù này lại bán Chí Phèo cho bác phó cối
không con. Nam Cao mang đến một nhân vật Chí Phèo là điển hình cho những gì khốn khổ,
tù túng nhất của người nông dân khi bị tước đi quyền làm người, bị vứt bỏ và buôn bán như
một món hàng. Sau đó Chí Phèo trở thành một chàng canh điền, sống cái kiếp trâu ngựa của
người lao động nông thôn, không may trở thành nô lệ cho bà chủ và bị đẩy vào con đường
tha hoá, lưu manh hoá. Bằng điểm nhìn đa chiều, ngoại hình của Chí Phèo hiện lên vô cùng
rõ ràng “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hơn, cái mặt thì đến mà rất cơng cơng, hai
mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực
phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cảnh tay
cũng thế. Trông gớm chết!”. Chí Phèo trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân làng Vũ Đại,
họ tránh mặt hắn như tránh một con thú ác, chỉ biết uống rượu và gây gổ. Bị xã hội đẩy vào
con đường lưu manh, Chí Phèo rơi vào những cơn say triền miên và những tiếng chửi mỗi
ngày “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Chí Phèo chửi
những cái gì chung nhất, càng ngày đối tượng chửi càng thu hẹp lại, càng cụ thể, chửi tất cả
những thứ mà hắn cho là đã làm cho cuộc đời hắn khổ sở. Nam Cao miêu tả đáp lại hắn chỉ
có tiếng chó trong xóm sủa lại. Trong con mắt của làng Vũ Đại không ai coi Chí Phèo là tồn
tại trên đời, đây là một trong những hình thức trừng phạt con người tàn nhẫn nhất trong xã
hội, loại bỏ con người ra khỏi cộng đồng, xã hội. Cực điểm tha hoá của Chí Phèo là đã phải
huỷ hoại cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn đã phải mang trên mình bộ mặt chằng chịt sẹo, một
bộ mặt gần như là của một con thú. Hắn đã phải bán đi cả linh hồn của mình để trở thành con
quỷ dữ. Thủ phạm là Bá Kiến, đại diện cho cường quyền bạo ngược, đã cướp đi quyền làm
người của Chí Phèo. Dù miêu tả sự thật về xã hội tăm tối như thế, miêu tả Chí Phèo như
“một con quỷ dữ” như vậy, Nam Cao vẫn đi đến cái đích cuối cùng của văn chương chính là
tìm ra cái đẹp của con người bằng cả điểm nhìn bên trong và bên ngoài. Chí Phèo dù bị tha
hoá nhưng Nam Cao quyết đi tìm cái đẹp còn giấu kín bên trong con người ấy. Qua trang
văn của Nam Cao, người đọc có thể nhận thấy hình ảnh con người dù bị xã hội cũ rẻ rúng
những vẫn muốn được làm người, muốn được sống. Hắn vốn là người nông dân lương thiện
với khát khao hạnh phúc bình dị “Hình như có một thời, hắn đã ao ước có một gia đình nho
nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn
liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Chí Phèo cô độc trong chính nơi mà mình
sinh ra, bị xã hội đẩy ra ngoài lề cuộc sống người và bước chân vào con đường tha hoá. Câu
hỏi đau đáu của hắn “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên
mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa…” làm đau lòng chính tác giả, đau lòng
độc giả. Đến đây, chúng ta cũng nhận ra được Chí Phèo tuy là một gã mất trí, nhưng cũng là
8
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

người tỉnh táo nhất làng Vũ Đại. Hắn ý thức được nỗi đau của chính mình, biết tìm ra kẻ nào
đã đẩy mình vào nỗi bất hạnh khốn cùng. Giữa đám dân làng Vũ Đại, Chí Phèo chính là
người sáng suốt nhất khi nhận rõ bi kịch cuộc đời mình do đâu, nhận rõ một điều mà đám
dân kia không nhìn thấy: khi xã hội còn cường quyền, bạo ngược, định kiến thì cuộc đời
người nông dân mãi mãi không thể tự do. Với việc lựa chọn điểm nhìn linh hoạt, nhân vật
Chí Phèo hiện lên dưới ngòi bút Nam Cao là một nhân vật điển hình cho xã hội khi ấy. Nhà
văn đã đem cái nhìn trực diện, khách quan để diễn tả sự việc diễn ra một cách chân thực,
giúp người đọc hiểu được diễn biến của câu chuyện.
Không chỉ khắc hoạ tâm lí nhân vật trung tâm Chí Phèo, Nam Cao xây dựng vô cùng
thành công các nhân vật khác. Thị Nở - nhân vật quan trọng đã mang lại những phút giây
tỉnh táo của Chí Phèo. Thị Nở trong lời trần thuật của Nam Cao là người phụ nữ với tất cả
cái xấu, cái tật “Cái mũi thị vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành
bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi…”. Không
chỉ dừng lại ở ngoại hình, Thị Nở được Nam Cao nhắc tới còn sinh ra trong một gia đình
nghèo túng. Thị Nở xấu, dở hơi, lại không một xu dính túi thì ngay cả những kẻ hám của
cũng không ngó tới. Nhưng dường như Thị Nở càng xấu thì tác phẩm càng hay. Hay không
phải vì Thị Nở xấu mà bởi đến một người xấu như thế mà Chí Phèo cũng không giữ được.
Trong một cơn say, Chí Phèo đã chung đụng thể xác với Thị Nở, đem lại cho hắn một cơn
ốm nặng. Khi tỉnh lại, lần đầu tiên trong cuộc đời hắn nhận thức được cuộc đời mình, nghe
được tiếng chim hót ríu rít bên ngoài, mặt trời và nắng lên rực rỡ, tiếng gõ mái của anh
thuyền chài, hay tiếng đi chợ ở những ngõ nẻo. Dường như bản chất lương thiện của hắn đã
trở về. Và rồi Thị Nở xuất hiện, mang cho hắn bát cháo hành, đây cũng là lần đầu tiên hắn
được người khác cho thứ gì đó. Thị Nở chính là biểu hiện của tình thương, là cầu nối cho
Chí Phèo và sự lương thiện. Dù chỉ trong những ngày ngắn ngủi nhưng Thị đã giúp Chí hiểu
thế nào là tồn tại, thế nào là làm người. Nếu như xã hội cũng có lòng tốt thì Chí đã không trở
thành một con quỷ dữ. Hay với Bá Kiến - thủ phạm đã đẩy Chí Phèo tới bước đường tha hoá,
Nam Cao đã khắc hoạ nhân vật ấy với những thủ đoạn mưu mô, điển hình cho bọn cường
hào, bạo ngược ở vùng quê nông thôn.
Có thể nói, giọng điệu trần thuật trong “Chí Phèo” gần gũi, đời thường, dễ hiểu
thể hiện rõ sự thay đổi trong tâm sinh lý của Chí Phèo từ con quỷ làng Vũ Đại muốn
trở lại làm người bình thường, kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng với điểm nhìn linh hoạt, “Chí
Phèo" cũng trở thành một tác phẩm với giọng điệu bao trùm là giọng thương cảm, xót xa.
Nam Cao thương cho Chí Phèo cả cuộc đời gắn liền với con số không vô nghĩa, không cha
mẹ, không nơi nương tựa, không gia đình, không có quyền được làm người và cuối cùng là
không được làm người lương thiện. Khi Chí Phèo tự nhìn lại mình, tự cảm thương cho bản
thân, cho cuộc đời chính mình thì giọng điệu hiện lên đầy chua xót, bi thương “Tỉnh dậy hắn
thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi
hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu
sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, “ Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm
nũng với thị như với mẹ…”. Qua giọng điệu thương cảm, xót xa ấy, Nam Cao bày tỏ sự chua
xót của mình cho thân phận của Chí Phèo. Sự thức tỉnh trong tâm hồn Chí, của cái phần
người trong hắn từ lâu đã ngủ quên khiến người đọc càng xót xa hơn, đó là một cuộc đời bắt
đầu bằng ao ước giản dị, đẹp đẽ lương thiện và kéo dài trong triền miên của men say và kết
thúc trong vũng máu đỏ tươi.
9
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Có thể nói, Nam Cao đã khắc họa một hiện thực rõ nét, phản ánh sự thật về xã hội
nông thôn đầy tăm tối trước Cách mạng Tháng Tám, những người nông dân lương thiện bị
chà đạp, bị đẩy đến bước đường cùng, sống không ra người. Chí Phèo chỉ là một đại diện cho
những người nông dân ấy. Hiện thức đã được thể hiện qua cái nhìn chủ quan mới mẻ, độc
đáo, riêng biệt của nhà văn Nam Cao. Cùng viết về người nông dân, Nam Cao với điểm nhìn
trần thuật đa chiều đã tìm ra cái mới, băng mình qua mọi quy phạm. Đặt Chí Phèo bên cạnh
chị chị Dậu, ta mới thấy nỗi đau của Chí Phèo ra sao. Nếu chị Dậu trong cái khổ của sưu cao,
thuế nặng vẫn hiện lên với dáng dấp khoẻ khoắn, trong trẻo, với Chí Phèo quần áo thì rách,
gương mặt thì chằng chịt vết sẹo, tâm hồn bị vấy đen. Chị Dậu dù bị cái nghèo hành hạ, dù
bán con, bán chó nhưng nhân hình, nhân tính của chị vẫn giữ nguyên vẹn. Còn nhân vật Chí
Phèo dưới cái nhìn của Nam Cao hiện lên không có một thứ gì. Dưới cái đêm tối của Ngô
Tất Tố, chị Dậu vẫn nhận được tình yêu thương của làng Đông Xá, nhưng đến với ngày trưa
của Nam Cao, “tất cả dân làng đều tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua” cùng với những tiếng gọi
“hắn, thằng, con quỷ dữ”.
Đến với những sáng tác của Nam Cao cùng cách kể chuyện độc đáo, người đọc tìm
thấy nhiều lớp nghĩa mới, nhiều góc nhìn mới hơn. Tác phẩm của Nam Cao khiến người đọc
mãi day dứt, mãi suy nghĩ vì những vấn đề nhân sinh cao quý. Qua mỗi nỗi lòng, mỗi cảnh
ngộ, nhà văn muốn đối thoại với con người về một triết lí, và với “Chí Phèo”, bạn đọc cũng
nhận ra bài học sâu sắc của cuộc đời. Một lần nữa, chúng ta cần khẳng định rằng truyện ngắn
“Chí Phèo” xứng đáng để tồn tại trường kỳ trên chặng đường phát triển của văn học Việt
Nam.
Đề 4: Anh/chị hãy viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật truyện
ngắn “Con chó xấu xí” - Kim Lân
Nhà văn Kim Lân đã từng bộc bạch “Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những
mơ ước, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc
những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc”. Quả thật, tác phẩm của ông dường như đều
được vẽ nên từ chất liệu hiện thực cuộc đời và tinh thần nhân đạo sâu sắc, từ đó đối thoại với
bạn đọc về những triết lí nhân sinh. Với chủ đề độc đáo cùng nghệ thuật đặc sắc, truyện ngắn
“Con chó xấu xí” đã nói lên những nỗi lòng thầm kín của Kim Lân cũng như gợi ra nhiều
suy tưởng cho độc giả.
Có thể nói, Kim Lân là một nhà văn tài năng trong dòng văn học hiện thực Việt Nam.
Những trang văn của ông hiện lên với không khí tiêu điều, ảm đạm của cuộc sống nông thôn
Việt Nam và sự vất vả của người dân. Qua những tác phẩm ấy, người đọc có thể thấy được
phần nào vẻ đẹp trong tâm hồn của những người nông dân, mặc dù cuộc sống vật chất còn
nhiều khó khăn nhưng trong họ sáng lên tình yêu đời, những phẩm chất tài hoa và luôn cố
gắng làm giàu cho đời sống tinh thần của mình. Kim Lân viết truyện ngắn “Con chó xấu xí”
xuất bản năm 1962 trong tập truyện cùng tên. Nhà văn đã mượn chuyện loài vật đem tới câu
chuyện sâu sắc về con người. Câu chuyện kể về một con chó với vẻ ngoài xấu xí, được vợ
của nhân vật “tôi” mua ngoài chợ với giá ba hào chỉ, đem về “dọn” cho đứa con gái chưa đầy
tuổi. Dù bị đối xử một cách lạnh nhạt, thậm chí bị bỏ rơi giữa chiến tranh nhưng chú chó ấy
vẫn một lòng trung thành, nhớ về gia đình chủ và khiến nhân vật “tôi" hối hận về hành động
của mình.

10
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Qua tác phẩm “Con chó xấu xí”, Kim Lân đã đề cao, ngợi ca lối sống tình nghĩa,
giàu yêu thương cũng như phê phán lối sống vô tình vô nghĩa với những số phận bất
hạnh trong cuộc sống. Đây dường như là một chủ đề quen thuộc, là nguồn cảm hứng cho
rất nhiều nhà văn, bởi lẽ văn học chính là tiếng nói đồng cảm và sẻ chia với mọi khổ đau, vui
buồn, hạnh phúc của con người. Vì bề ngoài xấu xí nên con chó bị đối xử rất ghẻ lạnh. Tên
cũng không được đặt, chỉ mãi cho đến lúc chết đi nó mới được người ta gọi yêu là “con Mực
nhà ta”. Từ lúc được mua về nhà, con chó phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, hắt hủi của mọi người.
Biết phận mình bị chủ ghét, nó không dám lại gần mà chỉ lấm lét nhìn trộm từ xa. Thậm chí,
khi chiến tranh xảy ra, nhân vật tôi đã bỏ lại con chó để bớt gánh nặng dù người vợ không
đồng ý. Cuối cùng, cả nhà chủ chạy lên bìa rừng và để con chó trung thành trong bom rơi
đạn lạc. Từ hôm bị bỏ lại, con chó vẫn luôn ngóng trông về chủ cũ, mong muốn được trở về
ngôi nhà. Nó không chịu ăn uống gì, dù đói khát vẫn quyết chờ đợi đến khi gặp lại được vợ
nhân vật tôi mới ra đi, chỉ kêu suốt ngày đêm và sau đó xổng xích rời khỏi nhà cụ Móm để
tìm về nhà chủ với hy vọng gặp lại chủ nhân của mình “Khốn nạn con chó! Được gặp chủ nó
mừng quá. Từ trong hai con mắt đờ đẫn của nó mấy giọt nước chảy ra”. Con chó dù bị bỏ đói
bạc đãi đủ điều nhưng vẫn trung nghĩa, trong mọi hoàn cảnh dù tối tăm đến đâu cũng không
bỏ chủ. Suốt đời, nó sống trong cảnh há mõm chờ cơm, dù mẩu xương thừa hay miếng cơm
cũng không có. Thế mà mỗi khi chủ về vẫn chạy tới vẫy đuôi mừng rỡ. Nhân vật “tôi” đã bỏ
con chó ở lại vì vướng víu, khi trở về thì quên bẵng không nhớ gì đến nó, dù trước đó đã
thầm hứa là sẽ nuôi nó khi được trở lại nhà. Kim Lân đã mượn hình ảnh con chó để nói về
lối sống trung thành, tình nghĩa trước sau như một, lấy hình tượng nhân vật tôi để đại diện
cho những người sống hờ hững, lạnh nhạt, vô tình vô nghĩa. Qua đó, tác giả đã đưa một triết
lí, khi con người sống vô tình vô nghĩa, người ta sẽ chuốc lấy những sự cắn rứt, dằn vặt của
lương tâm. Có thể nói, đây là một chủ đề không xa lạ trong văn học nhưng trong trang văn
của Kim Lân, chủ đề này được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết, đưa tới người đọc bài học về
tư tưởng nhân đạo thấm thía cũng như cách nhìn nhận đánh giá phù hợp về một sự vật, sự
việc hay con người trong cuộc sống.
Bên cạnh chủ đề, một trong những yếu tố làm nên thành công của “Con chó xấu xí” đó
chính là đặc sắc nghệ thuật. Trước hết, ta phải kể đến nghệ thuật xây dựng cốt truyện và
tình huống truyện của Kim Lân. Truyện ngắn có cốt truyện tương đối đơn giản nhưng lại
có chiều sâu, đa nghĩa và có sức ám ảnh lớn, gây xúc động cho người đọc. Tình huống của
câu chuyện chính là việc con chó xấu xí dù bị bỏ lại trong chiến tranh nhưng vẫn lết về nhà
cũ, cố gắng vẫy đuôi bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại chủ rồi mới chết. Tác giả đã xây dựng
tình huống éo le nhưng không hề kịch tính, tạo ra sự lôi cuốn, hấp dẫn cho câu chuyện. Đồng
thời, qua tình huống ấy, tính cách, phẩm chất các nhân vật như con chó, nhân vật tôi và vợ
cũng được khắc họa rõ nét. Đặc biệt hơn cả, tình huống truyện đã làm bật lên tất cả tư tưởng
chủ đạo của câu chuyện, từ sự vô tình của con người, sự trung thành tình nghĩa của con chó,
con người tự nhìn lại chính mình, để nhận ra sự ích kỉ của bản thân.

11
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Bên cạnh đó, Kim Lân cũng rất thành công trong việc xây dựng nhân vật trong tác
phẩm của mình. Nhà văn đã khắc họa thành công số phận của nhân vật trung tâm là con chó
tội nghiệp, tuy xấu xí nhưng trung thành. Đây làn một nhân vật đặc biệt, mang tính biểu
tượng cho những số phận con người trong xã hội lúc bấy giờ. Bằng ngôn từ đời thường và
bút pháp hiện thực, con chó hiện lên với vẻ “Cái mặt gục xuống, rớt rãi chảy ra, hai con mắt
ướt nhoèn hai cục nhử trắng nhã. Cái lưng khòm khòm nổi lên từng đốt, từng đốt xương
sống. Cái con chó khốn khổ ấy nó không còn đủ cả lông để che kín thân thể nữa”. Hình ảnh
con chó gầy nhom, ốm yếu phải chịu sự ghẻ lạnh của người đời chính là hình ảnh ẩn dụ cho
những con người xấu xí, thấp hèn, luôn bị coi thường, xa lánh, không được hưởng chút
quyền của con người trong xã hội khi ấy. Ngoài ra, Kim Lân đã xây dựng nhân vật tôi đại
diện cho những người vô tâm, thể hiện ở thái độ đối xử với con chó xấu xí, khi người vợ
mua về, nhân vật tôi xa lánh, hờ hững, khi những người quen ngỏ ý giết thịt con chó, nhân
vật tôi đã đồng ý, khi bỏ đi, dù đã tự hứa với lòng mình là lúc trở về sẽ chăm sóc con chó,
nhưng rồi lại quên mất lời hứa của mình. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, nhân vật tôi vẫn
còn là một con người có lương tâm. Hắn đã day dứt khi phải bỏ con chó ở lại; và đặc biệt
nhất, anh đã vô cùng hối hận và xấu hổ khi nghe người vợ kể về cái chết của con chó. Anh
đã tự biết nhìn nhận lại cách sống của chính mình “Quả thật tôi chỉ là một thằng tồi. Một
thằng ích kỉ. Tôi chỉ nghĩ đến mình và vợ con mình. Đến như con chó mình nuôi, mình đối
xử với nó có được như cái tình nghĩa của nó đối xử với mình đâu?”. Hay vợ của nhân vật tôi,
được nhà văn khắc hoạ là một người phụ nữ chất phác và có tấm lòng nhân hậu. Khi thấy
chồng mình có ý định bỏ lại con chó, người vợ không đồng ý, vì nó từ trước đến nay luôn
trung thành với gia đình chủ, đặc biệt là ở lời nói khi kể về cái chết của con chó ấy “Nó chết
thương lắm cơ mình ạ”, chị “cắn môi chớp chớp hai mắt nhìn ra sân”. Tác giả còn thể hiện
thái độ phê phán rõ ràng của mình với những tay như Nhược Dự, lười biếng, trốn tránh trách
nhiệm và bị những người xung quanh khinh ghét. Tưởng rằng hắn là bạn bè, cuối cùng khi
giặc rút, Nhược Dự chuyển sang viết báo nói xấu kháng chiến, nói xấu những người lính như
nhân vật tôi.
Không những vậy, truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật
“tôi” trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện và trần thuật lại sự việc. Vì vậy, cảm xúc và suy
nghĩ của nhân vật “tôi” bộc bạch trực tiếp, chân thật, đồng thời làm cho người đọc nắm bắt
tâm trạng nhân vật một cách sinh động và gần gũi, qua đó gửi gắm những thông điệp sâu sắc.
Kết hợp với đó là sự thay đổi giữa điểm nhìn bên trong và bên ngoài cùng sự đan xen giữa
lời kể của người kể chuyện và nhân vật. Điểm nhìn bên trong đã thể hiện diễn biến tâm lí
phức tạp của nhân vật “tôi” cùng sự thay đổi cảm xúc dành cho con chó xấu xí. Điểm nhìn
bên ngoài đã giúp câu chuyện trở nên khách quan, tạo điều kiện miêu tả ngoại cảnh và ngoại
hình của các nhân vật. Chính sự luân phiên điểm nhìn đã tạo cơ hội để các nhân vật có cơ hội
bộc lộ cảm xúc, thái độ, tăng tính sinh động. Từ đó góp phần bộc lộ chủ đề, tạo điều kiện
thuận lợi để tác giả dễ dàng thể hiện tình cảm, quan điểm và gửi gắm những thông điệp sâu
sắc đến bạn đọc.

12
HỌC VĂN CHỊ HIÊN - HƠN CẢ MỘT BÀI VĂN

Như vậy, tác phẩm với chủ đề và nghệ thuật đặc sắc đã thành công khắc họa hình ảnh
con chó xấu xí - biểu tượng cho những người có số phận bất hạnh, kém may mắn trong cuộc
sống. Suốt cả đời, họ phải sống trong sự ghẻ lạnh, hờ hững của người đời như con chó xấu xí
lúc mới mua về. Tuy vậy, họ vẫn ẩn chứa tâm hồn cao đẹp. Từ đó, tác giả phê phán những
người có lối sống vô tâm, lạnh lùng và trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn thầm kín, cao quý
của con người. Câu chuyện là bài học, là thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến độc giả về sự
cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu những mảnh đời, những số phận kém may mắn trong cuộc
sống.
Nếu họa sĩ dùng màu sắc để vẽ tranh, nhà điêu khắc cùng đường nét để khắc họa, nhạc
sĩ dùng âm nhạc để nói lên nỗi lòng của mình thì nhà văn lại dùng ngòi bút để sáng tác văn
học để tái hiện hiện thực và gửi gắm tấm lòng trước thế sự. Qua truyện ngắn “Con chó xấu
xí”, Kim Lân đã khơi dậy trong lòng bạn đọc về lối sống ân nghĩa, biết yêu thương và sẻ
chia. Đồng thời, tác phẩm đã góp phần khẳng định vị trí của tác giả trong đời sống văn học
với màu sắc riêng biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân.

13

You might also like