You are on page 1of 12

ÔN TẬP VĂN GIỮA KỲ 2

Phân tích Vợ chồng A Phủ ngắn gọn - Mẫu 1


Tô Hoài là một trong những tác giả lớn của nền văn học Việt Nam. Với vốn hiểu biết sâu rộng,
phong phú, ông đã để lại cho đời vô số tác phẩm giàu ý nghĩa. Trong đó, không thể không kể đến
"Vợ chồng A Phủ". Truyện ngắn đã tái hiện thành công hình ảnh đẹp đẽ, giàu sức sống của nhân
dân Tây Bắc. Đồng thời, phê phán sự lộng hành của bọn cường quyền ác bá.
"Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn được rút ra từ tập "Tây Bắc". Với lối trần thuật tự nhiên cùng
vốn từ vựng rộng, bình dân, thông tục, Tô Hoài đã đem đến cho độc giả câu chuyện về Mị và A
Phủ. Đây là những con người lương thiện, phải chịu cảnh đau khổ vì chế độ thực dân, bị bọn chủ
đất ức hiếp, chèn ép. Họ đã dám vùng lên chống trả, tìm đến tương lai tự do, hạnh phúc cho
chính mình. Qua hai nhân vật chính, tác giả đồng thời bày tỏ tình yêu thương dành cho bà con
dân tộc trên vùng núi Tây Bắc.
Thể hiện rõ nhất tư tưởng chủ đề của tác phẩm phải kể đến Mị. Đây vốn là một cô gái xinh đẹp,
vui tươi, yêu đời. Vì món nợ của gia đình, cô buộc phải chấp nhận về làm dâu nhà thống lí Pá
Tra. Từ đó, cuộc sống của Mị trở nên tù túng, khổ đau hơn bao giờ hết. Cô không chỉ phải chịu
tra tấn về thể xác mà còn cả về tinh thần. Mị bị bắt làm việc bất kể ngày đêm, chẳng bằng con
trâu, con ngựa. A Sử - chồng của Mị, cũng thường xuyên đánh đập, chửi mắng cô không thương
tiếc. Trong đêm tình mùa xuân, với tâm hồn tươi trẻ, Mị muốn đi chơi, muốn được hòa mình vào
không khí vui tươi ngoài kia. Ấy vậy mà A Sử lại đánh Mị, trói cô vào cột. Lúc này đây. Mị đã
tuyệt vọng hoàn toàn. Cô không còn chút hi vọng nào về một cuộc sống tươi đẹp, tự do như
những ngày xưa cũ nữa. Giờ đây, cô phải chấp nhận sống trong chốn "ngục tù" đầy rẫy đau khổ
này. Tận khi nhìn A Phủ bị trói đứng, cô vẫn "thản nhiên thổi lửa hơ tay". Mị biết số phận của
anh ta và Mị giống nhau, làm sao có thể vượt thoát ra được. Nhưng rồi, thấy giọt nước mắt lăn
trên "hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ, Mị chợt thức tỉnh. Cô đau đớn, xót xa nghĩ về cuộc
đời mình, về những đắng cay, tủi cực đã chịu đựng bao năm qua, về cả sự độc ác của nhà thống
lí. Và cô đã quyết định cắt dây trói, thả A Phủ đi rồi cũng chạy vụt theo, tránh xa khỏi nơi tăm tối
này. Có thể nói, Mị chính là đại diện cho những số phận bé nhỏ bị chà đạp, không có cả quyền
làm người trong cái xã hội đầy bất công ấy.
Bên cạnh đó, nhân vật A Phủ cũng góp phần không nhỏ truyền tải tư tưởng của tác phẩm. Mất
cha mẹ từ nhỏ, A Phủ bị coi như một món hàng để đem ra trao đổi. Không muốn chịu đựng cảnh
đó , anh đã bỏ trốn rồi lưu lạc đến Hồng Ngài. Tuy có cuộc sống khốn khó nhưng anh chưa bao
giờ mất đi những phẩm chất đáng quý. A Phủ mạnh mẽ, tính tình phóng khoáng, giàu nghị lực và
khát vọng sống. Bằng hai bàn tay trắng, anh tự mình lao động, làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản
thân. Ấy vậy nhưng xã hội bấy giờ đâu có tha cho những con người lương thiện. Anh cũng phải
vào làm người ở trong nhà thống lí để trừ nợ, thường xuyên bị đánh đập, hành hạ không thương
tiếc. Rồi chỉ vì để hổ bắt mất bò, A Phủ bị phạt trói đứng vào cột nhà, bỏ mặc cho chết đói, chết
khát. Dù đã sức cùng lực kiệt nhưng khi thấy cơ hội vượt thoát khỏi cái chốn ngục tù này, anh
vẫn "quật sức vùng lên, chạy". Hành động đó đã cho độc giả thấy được khát vọng sống mãnh liệt
tiềm tàng trong mỗi con người.
Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã phản ánh vô cùng chân thực những mảnh đời bất
hạnh dưới sự áp bức, thống trị mà bọn thực dân, chúa đất gây nên. Đồng thời, ca ngợi tinh thần
phản kháng, sức sống mãnh liệt của bà con nhân dân Tây Bắc. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế
cùng cách miêu tả giàu tính tạo hình, đậm chất thơ và phong vị dân tộc, nhà văn đã đem đến bức
tranh tuyệt đẹp về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" chính là minh chứng cho tài năng vượt trội của Tô Hoài về mảng
văn xuôi. Với tác phẩm, ông đã khẳng định được vị thế của mình trong dòng chảy không ngừng
của văn học. Qua đó, thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả cùng sự phê phán, tố cáo chế độ cai trị
tàn bạo đã hành hạ, chèn ép con người khi xưa.
Phân tích Vợ nhặt Kim Lân
Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện
thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong
thủy" ấy. Ngay sau cách mạng, ông đã bắt tay vào viết ngay tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Khi hòa
bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy
Và cuối cùng, truyện ngắn Vợ nhặt đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên
truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của
tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như
Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện,
dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.
Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn
cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ
đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề
bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn
hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".
Và điểm sáng mà nhà văn muốn đem vào tác phẩm chính là ở chỗ đó. Đó chính là tình người và
niềm hy vọng về cuộc sống, về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết. Bằng
cách dẫn truyện, xây dựng lên tình huống "nhặt vợ" tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn
biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị,
đời thường nhưng có sự chọn lọc kỹ lưỡng ấy, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không
gian năm đói thật thảm hại, thê lương.
Trong đó ngổn ngang những kẻ sống người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ, giữa tiếng hờ
khóc và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ. Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành nhà văn đã
gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai,
những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những
số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phấp phới
cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện.
Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống Nhặt vợ của anh cu Tràng.
Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như
trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm
sao có thể đèo bồng thêm người này người kia.
Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỉ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn
nhẫn, làm cho nhau đau khổ. Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại như ở
nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.
Chúng ta từng kinh hãi trước "xác người chết đói ngập đầy đường", "người lớn xanh xám như
những bóng ma", trước "không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người", từng
ớn lạnh trước "tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết" ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm
lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả
người vợ của Tràng nữa. Một anh thanh niên của cái xóm cư ngụ ấy như Tràng, một con người -
một thân xác vạm vỡ, lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch, thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng
biết bao nghĩa tình cao đẹp.
"Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", vậy mà Tràng vẫn đèo bồng thêm một cô vợ trong khi
anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Tràng đã thực liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng
cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật có lý và xót thương
vô cùng.
Và dường như lúc ấy, trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu
thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa đựng một ao ước thiết thực về sự đầm
ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi.
Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều
ấy cũng hé mở cho ta thấy: tình cảm của một con người, biết yêu thương, biết cưu mang, đùm
bọc những người đồng cảnh ngộ. Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã "sờ
sợ", "ngờ ngợ", "ngỡ ngàng" như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và
nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia trình trong hắn.
Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính. Từ một anh
chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận
Hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ "ôm ấp, mơn man khắp da thịt
Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng".
Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến "Trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét
đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua". Và Tràng đã ước ao hạnh phúc. Mạch sống
của một người đàn ông trong Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi thật bất ngờ nhưng rất hợp
lôgic. Những thay đổi ấy không gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu
thương hay sao?
Trong con người của Tràng khi trở dậy sau đó khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng
không là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu, một người chồng
đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng
bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, "Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến
lạ lùng", "Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này". Hắn cũng xăm xăm ra sân dọn
dẹp nhà cửa.
Hành động, cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn.
Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hòa thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về
hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay
phấp phới. Rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi.
Hắn tin thế.
Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón
chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần
nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình.
Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện.
Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho
những khuôn mặt hốc hác, u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên, từ con người chao chát chỏng lỏn
đến cô vợ hiền thục, đảm đang là một quá trình biến đổi. Điều gì đã làm thị biến đổi như thế.
Đó chính là tình người, là tình thương yêu, thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc
và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt thị. Nếu có trách
thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến kia bóp nghẹt đời sống con người, thị xuất
hiện không tên tuổi, quê quán, trong tư thế "vân vê tà áo dài đã rách bợt", điệu bộ trông thật thảm
hại nhưng chính con người lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm
ngụ cư đến không khí gia đình.
Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, nguồn sinh khí ấy chỉ có được khi trong con người thị
dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống, vào tương lai, thị được miêu tả khá ít
song đó lại là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm. Thiếu thị Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của
ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng trầm trong đau khổ, cùng cực.
Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật ấy để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống
của vẻ đẹp, tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy. Và thật
ngạc nhiên, khó nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời người ta dễ
nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo vô
cùng tình cảm, ước vọng ở cuộc đời ấy lại được tập trung miêu tả khá kỹ ở nhân vật bà cụ Tứ.
Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ ngòi bút vững vàng, già dặn của mình trong bút pháp miêu tả
tâm lý nhân vật. Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này,
tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân
đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói.
Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật, có cá tính của mình thường đặt nhân vật
vào một tình thế thật căng thẳng. Ở đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những
giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay chính trong nội tâm của nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một
điển hình. Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn
thương con ấy.
Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và
có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên và cụ đã "cúi đầu nín lặng". Cử chỉ
hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm
vui nỗi buồn cứ hòa lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng.
Sau khi thấu hiểu mọi điều bà nhìn cô con dâu đang "vân vê tà áo đã rách bợt" mà "lòng đầy
thương xót". Bà thiết nghĩ "Người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình,
mà con mình mới có được vợ". Và thật xúc động, bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và
có ý nghĩa vô cùng:
"Thôi, chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng". Đói khổ đang vây lấy gia
đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết.
Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là vật cản lớn nữa.
Đói rét thật nhưng trong lòng bà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương
con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình. Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia
cảnh vẫn không bùng cháy lên ngọn lửa của tình người.
Bà đã giang tay đón nhận đứa con dâu, lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa
một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khổ ấy, ngọn lửa của tình người, tình
thương yêu nhân loại ấy bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ
vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con niềm tin về cuộc sống.
Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi việc sinh con đẻ cái, bà lão nói
toàn chuyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại ấy. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con
để tự sưởi ấm lòng mình. Đặc biệt, chi tiết nồi chè cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh
sáng của tình người, nồi chè cám nghẹn ứ cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng
đôn hậu chất chứa yêu thương.
Bà lão "lễ mễ" bưng nồi chè và vui vẻ giới thiệu "Chè khoán đây - ngon đáo để cơ". Ở đây nụ
cười đã xen lẫn nước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cuối thiên truyện không khỏi làm chạnh
lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự
cảm phục lớn ở những con người bình thường và đáng quý ấy.
Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về
nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm
chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống một cách
mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại kia.
Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là
những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một
đề tài không mới. Tác phẩm đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng
dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân - một nhà văn được đánh giá là viết ít, nhưng tác phẩm
nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.
“Cái đẹp cứu vớt con người” C.Đôtôiepki). Vâng, Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức
mạnh kỳ diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là nguồn mạch giúp Kim
Lân hoàn thành tác phẩm, ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói
nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn
mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.
Rừng xà nu phân tích - Mẫu 2
Đất nước ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay là biết bao máu xương của thế hệ cha
ông đi trước. Trên khắp mảnh đất hình chữ S, ta đã chứng kiến bao tấm gương hi sinh anh dũng
và chiến đấu kiên cường vì độc lập. Các nhà thơ, nhà văn- những người nghệ sĩ, chiến sĩ đã giúp
cho các thế hệ hiểu hơn về đau thương, mất mát của cha ông. Một trong số tác phẩm bạn đọc
không thể bỏ qua khi đi tìm hiểu về văn chương kháng chiến là Rừng xà nu của Nguyên Ngọc.
Nguyên Ngọc được biết đến với tên khai sinh Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn trưởng
thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Và đặc biệt gắn bó với mảnh đất, con
người Tây Nguyên. Đó cũng là điều kiện tiền đề cho sự thành công của tác phẩm Đất nước đứng
lên và Rừng xà nu.
Rừng xà nu được viết năm 1965, khi đế quốc Mĩ bắt đầu dồn quân ồ ạt vào miền Nam, các chiến
dịch càn quét được tổ chức với quy mô rầm rộ hơn. Tác phẩm ra đời như một biểu tượng cho
tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và dân tộc ta nói chung.
Trong đời thực, xà nu là một loài cây họ thông, mọc khỏe và có nhiều ở mảnh đất Tây Nguyên.
Đến với xứ sở cao nguyên này là đến với những cánh rừng xà nu bạt ngàn. Và đối với người dân
Tây Nguyên, đây là loài cây rất quen thuộc, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của người
dân Tây Nguyên.
Rừng xà nu đã trở thành không gian thực, bối cảnh thực của câu chuyện, được xuất hiện trở đi
trở lại rất nhiều lần trong tác phẩm, tham gia vào sự phát triển của câu chuyện, trong mối quan
hệ gắn bó mật thiết với các nhân vật. Đó là hình ảnh những cánh rừng xà nu bao bọc quanh làng
Xô man. Từ đồi xà nu- nơi bắt nguồn của con nước dẫn vào làng.. đến những công dụng của nó
như củi xà nu cháy trong mỗi bếp, đuốc xà nu soi sáng rừng đêm, nhựa xà nu cháy rực trên mười
đầu ngón tay Tnú. Rừng xà nu đã chứng kiến bao buồn vui của con người và trở thành những
thành viên có mối quan hệ khăng khít với con người Xô man.
Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm không chỉ được hiện lên với những chi tiết miêu tả chân
thực, sống động mà còn bằng những hình ảnh nhân hóa, những liên tưởng độc đáo, mang đậm
khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bởi vật mà những cây xà nu và rừng xà nu được
hiện lên như thực thể sống, có phẩm chất, số phận như con người thực sự.
Câu chuyện được mở đầu bằng nỗi đau thương của những cây xà nu trong cảnh ác liệt của chiến
tranh: “Chúng nó bắn đã thành lệ,… hầu hết đạn đại bác rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước
lớn”. Rừng xà nu đã trở thành đối tượng hủy diệt tàn phá của quân xâm lược, phải hứng chịu bao
đau thương, mất mát. Trước hết, đó là nỗi đau thương chung của một rừng cây: “Cả rừng xà nu
hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Trong đó lại có những nỗi đau thương riêng
của từng cá thể: “Có những cây bị chặt đứt ngang ngửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở
chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần bầm lại,
đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Rồi có những cây còn non “vừ lớn ngang tầm ngực
người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi… năm mười hôm thì cây chết”.
Những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù dội xuống những cánh rừng xà nu nhằm hủy diệt sự
sống của thiên nhiên và con người nơi đây. Rừng xà nu phải hứng chịu bao tổn thương, mang
trên mình đầy thương tích. Nhưng trong đau thương, trong chiến tranh bom đạn khắc nghiệt, cây
xà nu, rừng xà nu vẫn hiện lên với bao vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng.
Đó là loài cây sinh sôi nảy nở rất khỏe. Cứ một cây ngã xuống là đã có bốn, năm cây con mọc
lên. Đó là loài cây “ham ánh sáng mặt trời”, nhưng không phải là ánh sáng yếu ớt dưới tầng thấp
mà đó là những luồng sáng lớn thẳng tắp rọi xuống từ bầu trời cao, rộng. Chính bản năng sinh
tồn mạnh mẽ cùng với khát vọng ánh sáng của bầu trời tự do đã tạo cho cây xà nu ngay từ nhỏ
một vóc dáng ngay thẳng, kiên cường, một sức mạnh bất tử mà không một trở lực nào có thể
ngăn cản được: “ngọn xanh rờn, hình mũi tên lao thẳng lên bầu trời.. Nó phóng lên rất nhanh để
tiếp lấy ánh nắng…” Cây xà nu còn có một sức chịu đựng phi thường, sức sống nội tại bất diệt.
Bởi vậy mà “đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên
một thân thể cường tráng”. Đối mặt với bom đạn hủy diệt của kẻ thù, rừng xà nu vẫn hiện ra với
tư thế hào hùng, hiên ngang, bất khuất như chàng dũng sĩ khổng lồ, ngày ngày “ưỡn tấm ngực
lớn của mình ra che chở cho làng”.
Chiến tranh và năm tháng, kẻ thù đã dội xuống những cánh rừng xà nu biết bao nhiêu bom đạn,
ra sức tàn phá hủy diệt sự sống của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Những đồi xà nu,
rừng xà nu vẫn nối tiếp nhau chạy đến chân trời. Với kết cấu theo kiểu vòng tròn, câu văn kết
thúc và câu văn mở đầu được lặp lại gần như nguyên vẹn, chỉ thay thế từ “đồi” bằng từ “rừng”,
chữ “hết” bằng chữ “hút”. Minh chứng cho sự trường tồn bất tử, sức sống bất diệt của thiên
nhiên nơi đây mà không một sức mạnh tàn bạo nào có thể ngăn cản và hủy diệt được.
Khi xây dựng hình tượng rừng xà nu, Nguyên Ngọc không chỉ tái hiện một bức tranh thiên nhiên
tráng lệ, hào hùng của mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ, mà rừng xà nu còn mang ý nghĩa biểu
tượng, ẩn dụ cho con người nơi đây. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ,
nhà văn đều gắn bó sâu nặng với mảnh đất Tây Nguyên. Nỗi đau thương của rừng xà nu cũng
chính là nỗi đau thương của dân làng Xô man. Biết bao máu và nước mắt, biết bao nỗi đau khổ
thể xác và tinh thần đau đớn nhưng cũng giống như cây xà nu, dân làng Xô man luôn nêu cao
tinh thần bất khuất, quật cường với tư thế không bao giờ cúi đầu. Những lứa cây nối tiếp nhau
trong rừng xà nu là biểu tượng cho các thế hệ nối tiếp nhau của dân làng Xô man, luôn nêu cao
truyền thống anh hùng, bất khuất từ quá khứ đến hiện tại.
Tnú là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Rừng xà nu, là linh hồn của tác phẩm. Nhân vật được
nhà văn khắc họa bằng ngòi bút mang đậm chất sử thi. Tnú tiêu biểu cho số phận, phẩm chất của
dân làng Xô man, của nhân dân Tây Nguyên. Thời đại lịch sử cùng với truyền thống đấu tranh
anh dũng của dân làng đã góp phần hình thành nên một con người có đặc điểm chung của cộng
đồng nhưng cũng có nét riêng về số phận và phẩm chất.
Trong nỗi đau thương của dân làng Xô man, cuộc đời Tnú đã phải gánh chịu nhiều đau thương,
mất mát. Anh mồ côi cha mẹ từ bé, sống nhờ vào sự đùm bọc của dân làng. Khi làm liên lạc
Cách mạng cho anh Quyết, Tnú đã bị giặc bắt, chịu tù đày và bị tra tấn dã man với những vết dao
chém lằn ngang, lằn dọc ở lưng. Sau khi vượt ngục về làng, Tnú lấy vợ, sinh con nhưng đau
thương vẫn tiếp tục ập đến với cuộc đời anh. Người vợ trẻ cùng đứa con thơ chưa đầy tháng đã bị
giặc đánh đập đến chết bằng những trận mưa gậy sắt. Và đau đớn hơn, tận mắt Tnú phải chứng
kiến cảnh vợ con mình bị đánh đập cho tới chết mà bất lực. Còn bản thân anh thì bị bắt, bọn giặc
dùng nhựa xà nu đốt cụt mười đầu ngón tay. Có thể nói, cuộc đời Tnú đã phải chịu đựng nỗi đau
đớn tận cùng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Mồ côi cha mẹ từ bé, lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng Xô man, nên Tnú rất
nặng tình với mảnh đất và con người Tây Nguyên. Xa quê hương, Tnú không ngừng nhớ về quê
nhà với tiếng chày giã gạo của người phụ nữ Strá, của Mai… Anh đã vượt cả quãng đường dài
trong cảnh khói lửa của chiến tranh chỉ đề trở lại thăm làng được có một đêm và anh chẳng còn
người thân nào cả. Dù thời gian trôi qua đã ba năm nhưng anh vẫn nhớ rõ từng nét mặt, hình
dáng, giọng nói của mỗi người và nhận ra cả sự thay đổi của họ. Nỗi xúc động dâng trào của Tnú
cũng là niềm vui sướng và tình cảm của nồng hậu của bà con khi chào đón anh trở về đã thể hiện
tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng của Tnú với dân làng như máu thịt, ruột già.
Tình yêu thương mà Tnú dành cho vợ con cũng rất chân thành, cảm động. Ngày Mai sinh con,
Tnú đã đi bộ cả ngày đường để kiếm vải về cho Mai địu con. Trong đêm giặc kéo đến vây làng,
khi tận mắt chứng kiến cảnh vợ con bị giặc tra tấn, Tnú đau đớn và căm phẫn đến tột cùng: “Ở
chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Anh đã xông ra cứu vợ con trong sự liều lĩnh và
tuyệt vọng, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng mình.
Nhưng tình yêu thương gia đình rất đỗi đời thường ấy đã góp phần xây đắp lên một tình yêu lớn
lao, cao cả hơn trong Tnú là tình yêu đất nước, yêu Đảng, yêu Cách mạng. Tnú lớn lên trong thời
đại máu lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ý thức và khát vọng về độc lập tự do đã
thấm nhuần trong tâm hồn của mỗi người, được lưu truyền qua các thế hệ của cộng đồng. Bởi vật
mà ngay khi còn nhỏ, Tnú đã khắc ghi lời dạy của Cụ Mết: “Đảng còn, núi nước này còn”. Tnú
đã một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, cống hiến trọn đời mình vì độc lập, tự do của quê
hương.
Không chỉ làm một con người có trái tim tha thiết yêu thương, Tnú còn mang những phẩm chất
tinh thần vô cùng cao quý. Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn, trong hoàn cảnh của những cuộc
chiến tranh ác liệt mà hào hùng. Tnú dường như được thừa hưởng toàn bộ sức mạnh của Tây
Nguyên hoang dã và truyền thống quật cường của dân làng Xô man. Bởi vậy, bên trong thân hình
cường tráng với hai cánh tay rộng như hai cánh lim chắc là dòng máu kiên trung bất và không
bao giờ vơi cạn.
Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, trong những năm tháng đau thương, đen tối nhất của Cách mạng với
sự tàn sát vô cùng man rợ nhưng Tnú cùng với Mai vẫn dũng cảm vào rừng nuôi giấu cán bộ.
Hai người trở thành liên lạc viên cho anh Quyết. Cậu bé Tnú luôn bộc lộ sự gan dạ, thông minh.
Đi rừng, Tnú không chọn lối đường mòn dễ đi mà tìm những lối tắt xé rừng mà đi. Khi vượt
sông, vượt suối, Tnú không lựa chọn những chỗ nước êm mà chọn những quãng sông thác ghềnh
chảy xiết. Bị giặc bắt và tra tấn dã man, Tnú vẫn cương quyết không khai nửa lời. Khi giặc hỏi
cộng sản ở đâu, Tnú lấy tay chỉ vào bụng nói “Cộng sản ở đây”. Vượt ngục quay về làng với
những vết thương bên mình, tuy đau đớn nhưng Tnú đã ngay lập tức cùng cụ Mết lãnh đạo thanh
niên trai tráng trong lành vào rừng sâu mài giáo, mác để chuẩn bị cho ngày chiến đấu. Kẻ thù
man rợ đã hành hạ đến chết vợ con anh, đốt cụt mười đầu ngón tay anh. Bao đau thương cả về
thể xác lẫn tinh thần ập đến tưởng chừng làm Tnú gục ngã nhưng không, anh vẫn kiên cường
vượt lên trên nỗi đau thương của số phận, tựa như một cây xà nu trưởng thành với sức sống bất
diệt mà “đạn đại bác không thể giết nổi chúng”. Anh đã tham gia lực lượng quân giải phóng,
chiến đấu anh dũng để trả thù nhà, đền nợ nước. Và trong một trận đấu giáp lá cà, anh đã giết
chết tên giặc to béo như thằng Dực( tiểu đội trưởng lính ngụy năm xưa).
Khi xây dựng hình ảnh nhân vật Tnú, nhà văn đã rất nhiều lần nhắc đến hình ảnh đôi bàn tay của
Tnú. Đôi bàn tay đó khi lành lặn là đôi bàn tay trung thực, nghĩa tình. Đôi bàn tay đó cầm phấn
học chữ anh Quyết dạy, từng tiếp tế lương thực cho cán bộ trong rừng. Từng lấy đá đập vào đầu
mình cho chảy máu để tự trừng phạt bản thân vì học chữ thua Mai. Khi Tnú bị giặc bắt, chúng đã
tẩm nhựa xà nu để đốt cụt mười đầu ngón tay Tnú. Mười đầu ngón tay trở thành mười ngọn
đuốc. Lúc này, anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi
nhưng anh tuyệt không kêu rên, cắn răng quyết không kêu than.Mười đầu ngón tay bị cụt đốt là
bằng chứng tố cáo tội ác man rợ của giặc. Đồng thời đã thổi bùng lên ngọn lửa của lòng căm hận
với kẻ thù xâm lược. Đôi bàn tay Tnú tàn nhưng không phế. Anh vẫn tiếp tục cầm súng tham gia
Cách mạng và lập công lao. Có thể nói, số phận và phẩm chất của người anh hùng Tnú được
khắc họa qua hình ảnh đôi bàn tay bị cụt đốt là đôi bàn tay đau thương, bàn tay căm thù và bàn
tay chiến thắng.
Nguyên Ngọc đã viết lên câu chuyện về những con người kháng chiến với tất cả trân trọng và tự
hào. Tác giả rất linh hoạt trong những tình huống truyện để đẩy câu chuyện đến cao trào hoặc
đưa ra những suy ngẫm trong độc giả. Từ việc xây dựng hình tượng nghệ thuật rừng xà nu, đến
câu chuyện về cuộc đời Tnú, về dân làng Xô man. Tất cả đều thấm đẫm nỗi đau nhưng rất đáng
tự hào, ngợi ca về con người anh hùng trong kháng chiến. Chính họ là những người làm nên
chiến thắng.
Trong cuộc sống xô bồ, khi độc lập tự do đã ở ngay trước mắt thì mỗi lần đọc những trang viết
về năm tháng chiến tranh khiến ta không khỏi bùi ngùi xúc động. Những tác phẩm văn học
kháng chiến ra đời không chỉ là kết tinh của một tài năng nghệ thuật hay tái hiện con người và
thời đại một cách đơn thuần. Những tác phẩm như Rừng xà nu đã và đang làm nhiệm vụ dựng
xây, bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào đến các thế hệ con cháu Việt Nam hôm nay.
Phân tích Những đứa con trong gia đình - Mẫu 1
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng và quý giá nhất. Bước vào văn chương, thứ tình cảm
đẹp đẽ đó trở nên vô cùng cảm động. Trong thiên truyện “Những người con trong gia đình”,
Nguyễn Thi đã vẽ nên một dòng sông với tình cảm gia đình sâu sắc. Dòng sông truyền thống gia
đình chảy trôi không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác trong tác phẩm đã gợi lên trong lòng
người đọc nhiều xúc cảm và suy ngẫm.
“Những đứa con trong gia đình” là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Thi,
được ông “thai nghén thành hình” trong những ngày chiến đấu chống Mỹ ác liệt vào tháng 2 năm
1966. Chính vì hoàn cảnh đặc biệt đó, tình cảm gia đình bộc lộ qua truyện vô cùng cảm động.
Thiên truyện như bức tranh sử thi hoành tráng về con người Nam Bộ trong chiến đấu nói riêng
và toàn thể dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung.
Sự thành công và giá trị tác phẩm trước tiên được thể hiện qua cách xây dựng tình huống truyện
độc đáo, gay cấn. Mở đầu bằng dòng hồi tưởng của nhân vật chính – Việt khi bị thương nặng nơi
chiến trường. Qua đó, nhà văn đã sử dụng cách trần thuật theo dòng ý thức nhân vật đầy sáng
tạo, đem đến cho tác phẩm hơi thở trữ tình, vừa sâu lắng vừa sống động. Diễn biến câu chuyện
linh hoạt, hấp dẫn, thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, bộc lộ nhiều góc khuất.
Là tác phẩm ra đời trong chiến tranh, lấy cảm hứng từ chiến tranh nhưng Nguyễn Thi có cái nhìn
và cách khai thác đề tài chiến tranh vô cùng khác biệt. Ông nhìn chiến tranh khốc liệt dưới góc
độ gia đình. Từ đó đem đến cho người đọc cảm nhận mới mẻ, sâu sắc hơn về chiến tranh, số
phận và vẻ đẹp con người trong chiến tranh.
Truyện xây dựng nhiều chân dung nhân vật, mỗi nhân vật đều có tên tuổi và cá tính riêng. Song
ẩn sâu trong mỗi cá tính ấy là nét chung đầy xúc động đều khởi nguồn từ nơi họ sinh ra và thuộc
về, nơi ấy có tên gia đình, một gia đình giàu tinh thần chiến đấu. Nét chung tính cách được lưu
giữ trong dòng sông gia đình, chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế hệ sau không ngừng được
bổ sung, mãnh liệt hơn.
Tác phẩm có 4 nhân vật tiêu biểu là Việt, chị Chiến, chú Năm và mẹ Việt. Dòng sông truyền
thống gia đình chảy dài mọi ngóc ngách câu chuyện, chảy từ đời tổ tiên, đời cha ông đến đời chị
em Chiến và Việt, chảy thành dòng sông thiêng liêng dài nữa dài mãi. Dòng sông ấy nối liền một
mạch bởi máu mủ tình thân đồng thời là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của lòng yêu nước chống
giặc ngoại xâm từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong đó, nhân vật chú Năm được ví như cầu nối
quan trọng cho những giá trị truyền thống của gia đình. Chú Năm sinh ra và lớn lên ở vùng đất
Nam Bộ, mưu sinh nhờ nghề sông nước. Tất cả những mong mỏi khắc khoải của chú đều gửi
gắm vào thế hệ chị em Chiến và Việt. Chú mong các cháu “ráng cho mau lớn. Chừng nào bay
trọng trọng rồi tao giao cuốn sổ cho chị em bay” và răn đe “ thù cha thù mẹ chưa trả mà bỏ về là
chú chặt đầu...”.
Cuốn sổ chú Năm giữ trong tay giống như sử sách ghi chép toàn bộ nỗi đau của gia đình và
truyền thống yêu nước mà cả gia đình giữ gìn từ đời này sang đời khác . Lời răn dạy của chú và
hình ảnh chú trao lại cuốn sổ cho hai chị em Chiến chính là sự truyền nối cho khúc “hạ lưu” của
dòng sông truyền thống gia đình, gửi gắm trọn vẹn yêu thương, sự kì vọng vào chị em Chiến,
Việt.
Chảy cùng dòng với khúc sông của chú Năm là khúc sông mẹ của chị em Chiến và Việt. Bà
mang dáng hình một người phụ nữ đậm chất Nam Bộ, chịu thương chịu khó. Cả một đời lam lũ
tần tảo, cọc cằn gay gắt với giặc nhưng yêu chồng thương con hết mực. Mọi sợ hãi của bà đã bị
đập tan bởi tinh thần bất khuất gan dạ và nỗi đau thương mất mát trong những năm tháng chiến
tranh ác liệt. Trong tay vần bế thằng con Út nhưng mẹ Chiến và Việt vẫn cắp rổ đi đòi đầu chồng.
Hình ảnh bi thương ấy gợi chúng ta liên tưởng tới chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”. Họ
vừa là người phụ nữ tần tảo của gia đình vừa là người phụ nữ trung hậu, kiên trinh của đất nước.
Dòng chảy nhiều cảm xúc nhất có lẽ là những khúc hạ lưu thế hệ Chiến và Việt. Chị Chiến thừa
hưởng gần như trọn vẹn nét đẹp của mẹ, từ vẻ ngoài đến tính cách. Còn Việt nhỏ tuổi hơn, còn
nét lộc ngộc của thanh niên mới lớn chưa thực sự trưởng thành. Thế nhưng, ở hai chị em đều
tiềm tàng phẩm chất anh hùng đẹp đẽ. Cả hai đều muốn xung phong ra trận, muốn lập công và
trả thù cho cha mẹ. Lúc bị thương nặng, Việt vẫn cố gắng lên nòng súng, vực dậy bản thân trong
đau đớn thể xác để sẵn sàng chiến đấu.
Truyền thống gia đình đã gắn chặt trong tâm trí của hai chị em. Mẹ thường xuyên xuất hiện vào
những thời điểm quan trọng nhất, trong giấc mơ của Việt. Hai chị em Việt và Chiến tình nguyện
bước chân vào cuộc chiến đấu dai dẳng và ác liệt, chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào không chỉ
bởi lòng căm thù quân giặc đã gây ra bao mất mát đau thương mà còn bởi chiều sâu tâm linh gia
đình thiêng liêng.
Chiến và Việt là đại diện cho thế hệ trẻ xông pha cứu nước, được đánh giá là những khúc sông ẩn
chứa sức mạnh mãnh liệt trong sứ mệnh đánh giặc. Sức mạnh đó thậm chí còn vượt xa hoài bão
của thế hệ đi trước.
Đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “Những đứa con trong gia đình” là
một truyện ngắn vô cùng đặc sắc với tình huống truyện độc đáo. Thời gian trần thuật liên tục bị
xáo trộn, giọng văn trần thuật vừa mộc mạc, tự nhiên vừa gân guốc rắn rỏi thể hiện chất giọng
điển hình của người dân Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực mà vô cùng tình cảm. Đặc biệt tác giả sử
dụng nghệ thuật xây dựng hình tượng và miêu tả tâm lý nhân vật khéo léo. Từ đó, Nguyễn Thi đã
xây dựng nên một gia đình có lòng căm thù giặc và truyền thống yêu nước sâu sắc, tình yêu
thương gia đình cảm động. Qua câu chuyện của gia đình Việt và Chiến, người đọc cảm nhận
được sâu sắc hơn những mất mát đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người Việt Nam,
đồng thời biết yêu quý và trân trọng hơn những người thân yêu trong gia đình, ghi nhớ công ơn
của lớp lớp thế hệ đã ngã xuống cho độc lập tự do của đất nước hôm nay.
“Những đứa con trong gia đình” nhờ những giá trị trên trở thành thiên truyện đầy giá trị trong
văn học kháng chiến nói riêng, văn học Việt Nam nói chung. Để rồi nhiều năm qua đi, dòng chảy
truyền thống gia đình trong truyện mỗi lần nhắc lại là một lần trái tim độc giả thổn thức nâng
niu.

You might also like