You are on page 1of 2

Ý nghĩa cái chết của lão Hạc:

Cái chết của lão Hạc trong văn bản cùng tên của tác giả Nam Cao cho ta
thấy được số phận và phẩm chất của nhân vật. Cái chết đã tô đậm thêm
những phẩm chất đẹp đẽ của lão Hạc. Tác giả đã xây dựng thành công
hình ảnh lão Hạc với những phẩm chất cao quý. Lão thương yêu con trai
của mình, hi sinh vì con: lão đã chết để không phạm vào ba sào vườn
cho con trai. Lão còn có lòng tự trọng và bản chất lương thiện: lão đã
chết một cách đau đớn để chuộc tội với cậu Vàng, chết để không phiền
đến sự giúp đỡ của ông giáo, chết để không tiêu phạm đến ba mươi đồng
đã gửi cho ông giáo để lo ma chay, chết để bảo toàn nhân cách. Cái chết
phản ảnh số phận bất hạnh, khốn cùng của lão Hạc: con người lương
thiện, tình nghĩa như lão lại phải chọn cái chết để giải thoát cho mình.
Trên hết, cái chết lại vô cùng đau đớn, dữ dội và bi thảm: cụ "vật vã hai
giờ đồng hồ rồi mới chết". Chính cái chết của lão Hạc là sự minh chứng
cho những bế tắc của thời đại. Đồng thời giải phóng chính bản thân lão
ra khỏi những khó khăn. Lão chết đi vì mong ước muốn để dành những
gì tốt đẹp nhất cho người con trai duy nhất của mình. Một tình cảm của
người cha thương con vô bờ bến, bao la bát ngát. Cái chết của lão Hạc
được thể hiện một cách chân thực và xúc động số phận khổ đau cùng
quẫn của người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao đẹp của họ,
để từ đó ta thấy được tinh thần nhân đạo cao cả của tác giả Nam Cao.

Viết đoạn văn T-P-H khoảng 10 câu phân tích đoạn trích trên để
làm rõ tấm lòng trung hậu, lương thiện và thủy chung tình nghĩa
của nhân vật.
Đoạn trích trên trong văn bản "Lão Hạc" của Nam Cao đã cho chúng ta
thấy rõ tấm lòng trung hậu, lương thiện và thủy chung tình nghĩa của
nhân vật lão Hạc. Lão Hạc có một tấm lòng trung hậu, thủy chung và
tình nghĩa: lão xem cậu Vàng như người bạn gắn bó trong suốt những
năm tháng tuổi già cô đơn, là kỉ vật mà người con trai của lão để lại nên
lão đã rất day dứt, dằn vặt, đau đớn, xót xa khi phải bán cậu Vàng. Lão
"cố làm ra vui vẻ" để kìm nén nỗi đau khi thông báo với ông giáo, nhưng
"trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước". Nỗi đau đớn
không giấu được mà vỡ òa và hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của lão
khi ông giáo hỏi thăm: "mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô
lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu lão ngoẹo về một bên và
cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão hu hu khóc". Tấm
lòng lương thiện của lão còn được thể hiện qua việc lão ăn năn, hối hận,
day dứt và tự trách mình chỉ vì trót đánh lừa một con chó. Lão tưởng
tượng ra thái độ trách móc của cậu Vàng: "Nó cứ làm in như nó trách
tôi". Lão tự trách mình, giằng xé tâm can: "già bằng này tuổi đầu rồi còn
đánh lừa một con chó". Bằng nghệ thuật sử dụng từ láy, tượng hình,
tượng thanh để miêu tả ngoại hình nhân vật, tác giả đã thành công khắc
họa tâm trạng nhân vật. Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ
nhưng lại có tấm lòng trung hậu, lương thiện và thủy chung tình nghĩa,
qua đó ta thấy được tấm lòng nhân đạo cao cả của tác giả Nam Cao.
Lão Hạc là người nông dân nghèo khổ mà trong sạch và giàu lòng tự
trọng. Bằng đoạn văn khoảng 10 câu theo cách lập luận T-P-H hãy
làm sáng tỏ ý kiến trên.
Lão Hạc là người nông dân nghèo khổ mà trong sạch và giàu lòng tự
trọng trong văn bản cùng tên của nhà văn Nam Cao. Lão Hạc có hoàn
cảnh đáng thương: vợ mất, con trai không đủ tiền cưới vợ nên phẫn chí
bỏ đi đồn điền cao su, lão sống thui thủi cô đơn, phải đi làm thuê để
kiếm sống, ăn uống tạm bợ bằng củ chuối, sung luộc. Dù hoàn cảnh
nghèo khổ đến thế, lão vẫn là một người nông dân trong sạch và giàu
lòng tự trọng. Lão dành dụm tiền cho con, cố gắng không phạm vào tiền
của con, cố giữ mảnh vườn lại cho con vì thương yêu con. Mặc dù lão
nghèo nhưng không theo gót Binh Tư làm điều bất lương để có cái ăn.
Lão từ chối sự giúp đỡ của ông giáo một cách hách dịch. Lão chuẩn bị
chu đáo cho cái chết của mình: gửi tiền làm ma cho ông giáo để không
phải phiền lụy đến bà con láng giềng. Lão phải tìm đến cái chết để giải
thoát khỏi cuộc sống cùng quẫn, bế tắc, để thoát khỏi sự giày vò của
lương tâm khi thấy mình có lỗi với cậu Vàng vì trót lừa một con chó.
Quả thực, lão Hạc là một con người nghèo khổ nhưng trong sạch và giàu
lòng tự trọng.

Viết đoạn văn khoảng 8-10 câu nêu cảm nhận của em về đoạn văn
trên.
Lời độc thoại nội tâm của nhân vật ông giáo khi nghe câu nói đầy mỉa
mai của Binh Tư về việc lão Hạc xin bả chó đã để lại trong lòng độc giả
nhiều ấn tượng. Lời độc thoại nội tâm là dòng suy nghĩ của ông giáo về
tình cảnh và nhân cách của lão Hạc. Lão là người có hoàn cảnh đáng
thương, là một người nhân hậu, có tâm hồn trong sáng, sống cao thượng,
giàu lòng tự trọng và yêu thương con sâu nặng: "Một người đã khóc vì
trót lừa một con chó", "Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không
muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng". Ông giáo ngạc nhiên, ngỡ
ngàng khi thấy con người đáng thương, đáng kính, đáng trọng, đáng
thông cảm như lão Hạc mà cũng bị tha hóa, thay đổi cách sống: "Con
người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?" Ông
giáo rất buồn và thất vọng vì bản năng của con người đã chiến thắng
nhân tính, lòng tự trọng không giữ chân được con người trước bờ vực
của sự tha hóa: "Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn..."
Một loạt câu cảm thán và dấu chấm lửng trong đoạn văn góp phần bộc lộ
dòng cảm xúc nghẹn ngào của ông giáo thương cho cuộc đời của lão
Hạc, buồn cho số kiếp con người trong xã hội xưa. Tâm trạng và suy
nghĩ của ông giáo trong đoạn truyện trên chan chứa tình thương và lòng
nhân ái sâu sắc nhưng giọng điều buồn và thoáng chút bi quan.

You might also like