You are on page 1of 5

ĐỀ: Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau, từ đó nhận xét về nét

mới trong việc thể hiện hình tượng người nông dân của nhà văn Kim Lân
Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:
– Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
– Là con thầy mấy lại con u.
– Thế nhà con ở đâu?
– Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
– Thế con có thích về làng chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
– Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:
– À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
– Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
– Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.
Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lại thủ
thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình
nữa.
Anh em đồng chí biết cho bố con ông.
Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông.
Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ
dám đơn sai: Mỗi lần nói ra được đôi câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi
được đôi phần.
(Trích Làng – Kim Lân, Ngữ văn lớp 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011,
tr.169 – 170)
I. MỞ BÀI
Truyện ngắn được ví như “lát cắt của đời sống”, dù khiêm tốn về dung lượng, câu chữ,
nhưng truyện ngắn phản ánh cuộc sống ở “bề sâu, bề sau, bề xa”. Để tạo nên được lát cắt tinh
tế, chân thực, mỗi người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo phải biết xây dựng được cốt truyện
ly kì, hấp dẫn; tình huống đặc sắc; đặc biệt xây dựng được nhân vật điển hình vì “nhân vật là
linh hồn của tác phẩm, là khoảng sáng của trang văn” ( Tô Hoài). Có thể nói, truyện ngắn
“Làng” của nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông Hai - một
người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt
với cách mạng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn trích kể cuộc trò chuyện giữa ông Hai
với đứa con út : “Ông lão ôm thằng con út lên lòng… lòng ông cũng vơi đi được đôi phần.”
II. THÂN BÀI
1. TỔNG
- Tác giả: “Một nhà văn tài năng luôn để dấu ấn riêng trên từng trang viết” (Sê- khôp), dấu
ấn riêng của nhà văn Kim Lân đã in dấu trên từng trang văn của ông. Kim Lân tên khai sinh
là Nguyễn Văn Tài (1920 – 2007) quê ở Từ Sơn – Bắc Ninh. Là nhà văn chuyên viết truyện
ngắn, đề tài chủ yếu là viết về sinh hoạt ở làng quê và cảnh ngộ của người nông dân, nên có
thể nói Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với người với “thuần hậu nguyên thủy
nông thôn”. Sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với ba tác phẩm “ Vợ nhặt”, “Làng” và “Con
chó xấu xí”, Kim Lân có thể đàng hoàng ngồi ở chiếu trên của làng văn học Việt Nam. Kim
Lân từng quan niệm về nghề viết văn “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, bởi thế nên ông viết kĩ
lường, viết từ gan ruột, không chấp nhận sự nhạt nhẽo, cẩu thả, giả tạo trong sáng tác văn
chương.
- Tác phẩm: Truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân được viết năm 1948, thời kì đầu của
cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà văn đã có lần tâm sự: “Cái không khí ngày đầu kháng
chiến ở nông thôn, tôi đã đưa vào “Làng”. Lúc ấy, Tây còn đóng ở cầu Đuống ,tôi về làng
chơi mấy lần chứng kiến tận mắt thế nào là làng chiến đấu”. Tác phẩm ngợi ca tình yêu làng
quê, yêu đất nước của người nông dân buổi đầu chống Pháp qua hình tượng nhân vật ông
Hai.
- Đoạn trích: Đây là đoạn trích nằm ở gần cuối tác phẩm, thể hiện tài năng của nhà văn Kim
Lân trong việc xây dựng nhân vật qua hình thức đối thoại. Đây là một đoạn đối thoại mà như
độc thoại rất cảm động. Nói với con mà thực chất ông đang tự nhủ với lòng mình, tự giãi bày,
tự minh oan. Lời tâm sự đã thể hiện nỗi nhớ quê, yêu quê, nối đau đớn khi nghe tin quê hương
theo giặc. Nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, đó là lòng thủy chung
son sắt với cách mạng, với đất nước của ông Hai. Ông tin tưởng tuyệt đối vào cụ Hồ, tin
tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc

2. PHÂN
2.1. Luận điểm 1: Giới thiệu nhân vật, khái quát nội dung đoạn trước đó
- Nhân vật: Trong tác phẩm, ông Hai là nhân vật chính, nhân vật trung tâm làm nổi bật
chủ đề tư tưởng của toác phẩm và toả sáng tài năng, tâm huyết của đời văn Kim Lân.
- Truyện kể về ông Hai – một lão nông tha thiết yêu làng, đi đâu ông cũng khoe về
làng. Là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp
nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vì giặc ngoại xâm, ông phải rời
xa quê hương đi tản cư, sống nhờ nơi đất khách. Lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Thế rồi,
đột ngột ông nghe tin dữ - làng Dầu theo giặc, ông đau đớn, nặng nề, tủi hổ. Tình huống này
buộc ông Hai phải lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu nước, cuối cùng ống đi đến quyết
định “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Quyết thù làng mà ông lão
có thù được đâu. Bao tâm sự chất chứa trong lòng không biết giãi bày cùng ai, ông đã tìm đến
thằng con út để trò chuyện. Đọc tác phẩm, sẽ có không ít người đọc thắc mắc rằng tại sao ông
Hai lại chọn trò chuyện với đứa con út – một đứa trẻ chưa hiểu chuyện gì, chưa biết gì về
kháng chiến, về cách mạng? Trò chuyện với đứa con còn bé là cái cách để ông trải lòng mình,
để tự minh oan cho mình và cũng là để ông có thêm niềm tin vào những điều mà ông đã chọn
lựa.

2.2. Luận điểm2: Đọc đoạn trích, người đọc vô cùng xúc động trước t ình yêu, nỗi nhớ và
mong ước muốn trở về với làng Dầu, với quê hương, nguồn cội của ông Hai. Mặc dù cái
làng mà ông rất mực tin yêu đã theo giặc, dù cho làng đã phản bội ông đến mức ông phải thù
làng thế nhưng khi nói chuyện với con ông vẫn hỏi:“Thế nhà con ở đâu? Thế con có thích về
làng chợ Dầu không?” Câu hỏi có vẻ ngô nghê mà ông biết trước được câu trả lời của con
nhưng dường như ông vẫn muốn nghe . Hỏi con như vậy là ông vẫn muốn con nhớ về cội
nguồn, gốc gác của mình. Muốn con hiểu rằng Chợ Dầu chính là quê hương của con, là nơi
con được sinh ra và lớn lên, được yêu thương và che chở. Điều đó có nghĩa là dù đã thù làng
nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người nông dân chất phác ấy vẫn dành cho làng một tình yêu
tha thiết, mãnh liệt. Câu hỏi của ông với con cũng là cái cách ông kiểm tra tình cảm của
mình. Nghe câu trả lời của con chắc ông vui lắm, vui vì dường như nó đã trùng với suy nghĩ
của ông. Như vậy có thể khẳng định tình yêu với làng chợ Dầu trong chưa chết hẳn, chỉ có
điều giờ đây đó là một tình yêu đau đớn, một bi kịch. Quả thật, “người ta chỉ có thể tách con
người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.( Raxun
Gamzatov).

2.3. Luận điểm 3: Tình yêu làng quê ở ông Hai đã thống nhất, hoà quện trong tình yêu đất
nước và tinh thần kháng chiến. Điều đó cũng được bộc lộ một cách rõ nét trong cuộc trò
chuyện của ông với con. Ông hỏi con tiếp : “Thế con ủng hộ ai?”. Câu trả lời của đứa con:
“Ủng hộ Hồ Chí Minh muôn năm” dường như đã hoàn toàn trùng khít với suy nghĩ và tình
cảm của ông. Ông hãnh diện vì điều đó, ông tự hào về điều đó, ông hạnh phúc vô cùng.
Nghe con nói vậy, nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ “Ừ
đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ”. Những lời thốt ra từ miệng con trẻ như minh oan cho ông,
chân thành và thiêng liêng như lời thề đinh ninh vang lên từ đáy lòng ông. Ông khóc vì hạnh
phúc, khóc vì con còn rất nhỏ nhưng đã có tinh thần kháng chiến, đã có niềm tin bất diệt vào
cách mạng, vào cụ Hồ. Ông lặp lại câu nói của con nhưng thực chất là để nói rõ lòng
mình. Ông tin kháng chiến, tin cách mạng, ông sẵn sang hi sinh tình cảm riêng của mình vì
tình cảm cao đẹp đó. Đến đây ta không chỉ trân trọng tình cảm của ông đối với làng quê đối
với đất nước mà ta còn vui sướng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tự
hào về dòng máu yêu nước luôn chảy trong trái tim mỗi con người Việt Nam, trong trái tim
của ông và trong trái tim đứa con ông. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá
chẳng biết nói cùng ai, ông lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để
mình lại minh oan cho mình nữa. “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên
cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết
thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Những câu nói của ông như những dòng độc thoại, như một
lời thề thuỷ chung một lòng một dạ với cách mạng, với kháng chiến, với cụ Hồ. Mỗi lần nói ra
được đôi câu như vậy, nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được đôi phần. Tình yêu làng, tình
yêu nước của ông thật bền chặt, thiêng liêng.

2.3. HỢP

* Đánh giá chung

“Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lê-
ô-nôt Lê-ô-nit); “Làng” của nhà văn Kim Lân thực sự là khám phá về nội dung và phát minh
về hình thức. Qua đoạn trích ta thấy, nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách
tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối
kể chuyện giản dị tự nhiên, gần gũi, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, sự kết hợp hài hòa giữa
ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và
đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam. Đoạn trích đã thể hiện chân thực, sinh động tình cảm
yêu làng quê thống nhất với lòng yêu đất nước ở nhân vật ông Hai. Đó cũng là tình cảm mộc
mạc, chân thành mà vô cùng sâu nặng, cao quý trong những người nông dân lao động bình
thường.

* Nhận xét về nét mới mẻ trong việc thể hiện hình tượng người nông dân

“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi
mắt mới (Mác-xen Pruxt), cùng viết về đề tài người nông dân, nhưng ngòi bút Kim Lân đã
có những phát hiện mới mẻ. Trong hoàn cảnh toàn dân đang hướng tới cuộc kháng chiến
chống Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, ông Hai đã biết đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu cá
nhân của mình với làng chợ Dầu, ông dành tất cả cho cách mạng. Từ một người nông dân
yêu làng, ông Hai trở thành công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã
hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất, hòa
quyện nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng, bao trùm lên tình làng. Ở ông Hai có
những điểm tiến bộ vượt bậc trong nhận thức, tâm hồn, tình cảm và tính cách chính là nhờ
vào đường lối giác ngộ cách mạng của Đảng, Bác Hồ. Khi cách mạng tháng Tám thành công
đã đem đến sự đổi đời cho mỗi người nông dân. Từ một thân phận nô lệ phụ thuộc họ trở
thành một người tự do làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước. Từ đó đã củng cố và làm nền
tảng vững chắc cho tình yêu quê hương, đất nước, trở thành một tình cảm vững bền, thiêng
liêng sâu nặng, nồng cháy. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là
hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Lòng yêu quê
hương, yêu đất nước tha thiết của ông mãi là bài ca đẹp về một điển hình cho bao người nông
dân Việt Nam trong kháng chiến.
II. KẾT BÀI
“Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim”, đặc biệt ở truyện ngắn, những câu
chuyện được xây dựng bằng trái tim tràn đầy tình yêu với quê hương đất nước luôn có sức ám
ảnh, lay động tâm hồn người đọc. Hình ảnh ông Hai trong đoạn trích nói riêng và toàn bộ
truyện ngắn “Làng” của Kim Lân nói chung đã thực sự đã mang đến cho chúng ta một thông
điệp vô cùng giản dị:“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con
sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu miền quê lớn lên thành lòng yêu Tổ quốc” ( I. E-
ren-bua).

You might also like