You are on page 1of 9

CHỦ ĐỀ TRUYỆN HIỆN ĐẠI

Văn bản: “LÀNG” - Kim Lân

A. Đọc - Tìm hiểu chung:


1.Tác giả:
- Kim Lân tên khai sinh Nguyễn Văn Tài (1920-2007), quê Từ Sơn - Bắc Ninh.
- Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Vốn gắn bó và am hiểu cuộc sống ở nông
thôn Kim Lân hầu như chỉ viết về đề tài sinh hoạt ở làng quê và cảnh ngộ của
người nông dân.
- Sau cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn và vẫn viết về làng
quê Việt Nam.
- Ngoài hoạt động sáng tác, nhà văn Kim Lân còn tham gia sân khấu và điện ảnh, ông
kịch, đóng phim. (Tiêu biểu là vai Lão Hạc trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”).
- Năm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
- Các tác phẩm tiêu biểu: Nên vợ nên chồng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí, Làng,...

2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác: “Làng” được viết năm 1948 – trong thời kì đầu của cuộc
kháng chiến chống Pháp.

(một tác phẩm khác cùng năm sáng tác: ĐỒNG CHÍ – CHÍNH HỮU)

b. Xuất xứ: Truyện ngắn “Làng” được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

c. Chủ đề: Tình yêu quê hương, đất nước.

d. Tóm tắt văn bản:


- Ông Hai là người làng Chợ Dầu. Trong kháng chiến chống Pháp, ông phải
đưa gia đình đi tản cư. Ở đây, lúc nào ông cũng nhớ làng, luôn tự hào và khoe về cái
làng của mình.
- Khi nghe tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc, ông vô cùng đau khổ, cảm thấy xấu
hổ, nhục nhã. Ông không đi đâu, không gặp ai, chỉ sợ nghe đồn về làng ông theo
giặc. Nỗi lòng buồn khổ đó càng tăng lên khi có tin người ta không cho những người
làng ông ở nhờ vì là làng Việt gian, ông không biết bày tỏ với ai, không dám đi ra
ngoài. Thế là ông đành nói chuyện với thằng con út cho vơi nỗi buồn, cho nhẹ bớt
những đau khổ tinh thần.
- Khi nhận tin cải chính, vẻ mặt ông tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Ông chia quà
cho các con, và ông cứ múa cả hai tay lên mà đi khoe với mọi người nhà ông bị Tây
đốt, làng ông không phải là làng Việt gian. Ông thêm yêu và tự hào về cái làng của
mình.
e. Tình huống truyện:
* . Khái niệm tình huống truyện:
- Tình huống truyện là một hoàn cảnh có vấn đề xuất hiện trong tác phẩm. Trong
hoàn cảnh đó, nhân vật sẽ có hành động bộc lộ rõ nhất, điển hình nhất bản tính của
mình. Tính cách nhân vật sẽ rõ chủ đề tác phẩm sẽ bộc lộ trọn vẹn.

*. Tình huống truyện trong truyện ngắn “Làng”:


- Tình huống 1: Truyện ngắn “Làng” đã xây dựng được một tình huống cơ bản,
gay cấn: Ông Hai là người yêu làng tha thiết nhưng buộc phải rời làng đi tản cư. Ở
nơi tản cư, ông Hai lúc nào cũng da diết nhớ và tự hào hãnh diện về làng chợ Dầu
của mình thế mà ông bỗng nghe được tin làng mình theo giặc, lập tề từ miệng những
người tản cư từ dưới xuôi lên.
 Tác dụng:
- Tình huống này đã khiến ông Hai đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột giữa
tình yêu làng và tình yêu nước mà tình cảm nào cũng mãnh liệt thiết tha.
- Đặt nhân vật vào tình huống ấy tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê,
yêu nước, tinh thần kháng chiến của ông Hai nói riêng và người nông dân nói chung
và cho thấy tình yêu nước, tinh thần kháng chiến rộng lớn bao chùm lên tình yêu
làng quê. Nó chi phối và thống nhất mọi tình cảm khác của con người trong kháng
chiến.

- Tình huống 2: ông Hai đang trong tận cùng nỗi khổ đau thì nghe được tin cải chính
- làng Chợ Dầu không theo Tây làm Việt gian.
-> Tác dụng: Tình huống làm bộc lộ một cách cảm động tình yêu làng của ông Hai.

f. Ý nghĩa nhan đề:


- Đây là một nhan đề ngắn gọn, hàm súc, thể hiện chủ đề tác phẩm.
- Nếu đặt tên là “ Làng chợ Dầu” thì đó là một danh từ riêng gợi cho người đọc
tình yêu làng, yêu nước chỉ trong phạm vi làng Chợ Dầu của ông Hai và như thế chủ
đề của truyện bị thu hẹp.
Đặt tên truyện là “Làng”Kim Lân làm cho nội dung câu chuyện mang tính
khái quát hơn, chủ đề sâu sắc rộng lớn hơn. Làng là danh từ chung của mọi miền quê
trên đất nước Việt Nam và ông Hai trở thành hình ảnh tiêu biểu cho những người dân
quê phải dời làng đi tản cư theo kháng chiến, theo cụ Hồ.
-> Từ đó nhan đề “Làng” giúp người đọc hiểu tình yêu làng, yêu nước không
phải chỉ là tình cảm của riêng ông Hai làng chợ Dầu mà là tình cảm chung của những
người nông dân Việt Nam thời kháng Pháp. Ở họ tình yêu làng quê đã hòa quyện với
lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến.

d. Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật:


* Ngôi kể:
- Ngôi thứ ba
- Tác dụng:
+ Làm câu chuyện có tính khách quan
+ Người kể giấu mình nhưng dường như lại có mặt khắp mọi nơi trong văn bản;
người kể chuyện có thể biết hết mọi việc, mọi hành động, mọi tâm tư tình cảm của
các nhân vật.
+ giúp tác giả kể chuyện một cách linh hoạt, sinh động.
* Điểm nhìn trần thuật:
- Truyện trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của ông Hai.
- Tác dụng:
+ Tạo sự chân thực, gần gũi, đi vào lòng người.
+ Dễ đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống khác nhau.
+ Đặc biệt làm nổi bật tâm trạng, tính cách nhân vật qua đối thoại, độc thoại, đấu
tranh nội tâm; qua cử chỉ.

B. Đọc - hiểu văn bản:


I. Nhân vật ông Hai:
1. Diễn biến tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo
giặc:
- Ông Hai - nhân vật chính trong truyện ngắn “Làng” là một lão nông chất phác với
tình cảm yêu làng rất đặc biệt. Gần cả cuộc đời ông gắn bó với làng Chợ Dầu. Thế
rồi, vì chiến tranh, ông phải rời làng đi tản cư.
- Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về ngôi làng của mình:
+ Ông nhớ làng da diết “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, ông lão nhớ cái làng
quá”.
+ Tối nào ông cũng sang nhà bác Thứ để khoe về ngôi làng của mình. Cái gì
của làng ông cũng tự hào kiêu hãnh: có phòng thông tin sáng sủa nhất vùng, có chòi
phát thanh cao bằng rặng tre, nhà ngói san sát nhau và đường làng lát toàn đá
xanh…. -> Tình yêu làng đã khiến điều bình dị, thân thuộc nhất trở nên kì diệu,
quyến rũ say mê trong tâm trí ông Hai.
+ Ông muốn về làng, muốn tham gia kháng chiến, muốn cùng anh em “đào
đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá” với bao náo nức, say mê. Dường như tất cả tâm
trạng vui, náo nức, ước mong, băn khoăn, nhớ và cả cái cảm giác trẻ ra đều xoay
quanh ngôi làng yêu dấu.
=> Như vậy nỗi nhớ làng luôn thường trực đau đáu trong lòng ông. Các điệp từ “lại”,
“muốn”, “nhớ” đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ của ông. Tình yêu làng của ông Hai lúc
này thống nhất với lòng yên nước , tinh thần kháng chiến.
- Ông phấn chấn, náo nức khi nghe tin tức kháng chiến:
+ ông thường xuyên nghe tin, đọc báo để nắm tình hình kháng chiến và ông
nghe không sót một từ nào:
./ Tin một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn
Kiếm cắm quốc kì trên Tháp Rùa.
./ Đội nữ xung kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng để bắt sống
được hai tên quan ngay giữa chợ….
+ Nghe tin thắng lợi ấy của quân ta ông vui sướng vô cùng “ruột gan ông cứ
múa cả lên”. Đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với
vận mệnh của toàn dân tộc.
=> Ông Hai là người nông dân nhiệt thành có lòng yêu nước và tinh thần
kháng chiến mãnh liệt.

2. Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
a/ Khi mới nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
- Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc
tình cảm yêu làng, yêu nước của ông. Tình huống ấy là cái tin làng Dầu theo giặc mà
chính ông nghe được từ miệng của những ngưòi mới tản cư dưới xuôi lên.

- Tin dữ đến quá đột ngột như sét đánh ngang tai khiến:
+ ông Hai sững sờ, bàng hoàng, choáng váng
+ Ông cảm thấy đắng cay, chua xót, uất nghẹn đến lặng cả người, ông như
chết đứng, cổ họng tắc nghẹn lại, đau đớn: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê
rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”.
+ Ông cố trấn tĩnh, gặng hỏi như để xác minh lại thông tin một lần nữa và hy
vọng đây không phải là sự thật. Nhưng rồi lời kể của những người tản cư quá rành
rọt, tỉ mỉ, lại còn khẳng định “chúng tôi vừa ở dưới ấy lên” khiến ông không thể
không tin. Niềm tin trong ông về làng dường như sụp đổ.  Đây là phản ứng tâm lý
chân thật, tinh tế của con người khi phải đối diện với tin dữ. Ông càng yêu làng bao
nhiêu thì nỗi đau đớn, sự đỗ vỡ niềm tin càng tận cùng bấy nhiêu.
+ Ông Hai đau đớn, xấu hổ, tủi nhục, vội đánh trống lảng ra về: “Hà, nắng
gớm, về nào”.
+ Từ lúc đó, cái tin dữ đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí ông Hai. Nghe tiếng chửi
bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt mà đi. Có lẽ danh dự và lòng tự trọng, tình yêu và
niềm kiêu hãnh về làng của ông đã bị tổn thương. Ông như thấy mình là người có tội.
+ Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà (thoáng lo lắng).
* Nghệ thuật:
- Nhà văn đã khéo léo sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật qua việc khắc
họa ngoại hình, cử chỉ, lời nói.
- Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại.
b/ Khi mới về đến nhà:
- Ông nằm vật ra giường chán nản, mệt mỏi.

- Ông tủi thân nhìn đàn con nước mắt cứ giàn ra. Đây là dòng nước mắt của tâm
trạng đau khổ, tủi nhục đến tột độ, bao nhiêu tình cảm tự hào về làng quê đã sụp đổ
tan tành trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu quê hương. Ông cảm thấy như
chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ
mang nỗi nhục ấy.

- Trong sự đau khổ và xấu hổ nhục nhã, nhìn các con chơi đùa, ông đau đớn, xót xa
và thương con đến quặn thắt gan ruột. Ông nghĩ đến sự hắt hủi, khinh bỉ của mọi
người dành cho những đứa trẻ làng Việt gian “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt
gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy
tuổi đầu...”.

- Càng nghĩ, ông càng căm giận lũ người theo giặc, làm Việt gian phản bội đất nước,
quay lưng lại với cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Lời độc thoại của ông Hai đã bộc
lộ rõ niềm căm giận đó: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm
cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!” Từ “chúng bay” đã thể hiện rõ
sự căm giận, căm ghét, khinh bỉ của ông lão với dân làng. Ông nguyền rủa họ đã làm
một việc nhục nhã bậc nhất để làm tổn hại đến danh dự của làng.

- Sau đó, ông Hai trấn tĩnh lại , băn khoăn kiểm điểm từng người và nhưng rồi ông
lão lại thấm thía, cực nhục , rối bời. Những câu nghi vấn và câu cảm thán liên tiếp,
ngôn ngữ độc thoại nội tâm đã diễn tả bao điều ngổn ngang trong lòng ông mà chưa
có câu trả lời xác đáng, ông Hai đắm chìm trong những suy nghĩ về làng và cái tin
dữ, ông còn nghĩ về tương lai của người dân làng Chợ Dầu, rồi mai đây họ biết làm
ăn, buôn bán, sinh sống như thế nào...? Càng nghĩ, ông Hai càng đau khổ, tủi nhục.

=> Tóm lại tin làng chợ Dầu theo giặc đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí ông Hai
khiến ông day dứt, đau xót. Niềm tin, tình yêu đối với làng quê và nỗi nghi ngờ
băn khoăn không ngừng giằng xé trong lòng ông Hai. Một loạt các câu hỏi tu từ
kết hợp với câu cảm thán và dòng độc thoại nội tâm đã thể hiện rõ sự đau đớn,
nhục nhã tột cùng dày vò tâm trí ông lão.

c/Trong cuộc đối thoại với bà Hai: Khuya hôm ấy, khi bà Hai - vợ ông, gợi chuyện
về tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc:
- Ông Hai im lặng, không muốn bắt chuyện. Bởi nếu nhắc lại chuyện đó càng khiến
ông thêm đau lòng, hơn nữa ông cũng sợ chuyện sẽ đến tai mụ chủ nhà.
- Ông đáp lời bà Hai bằng những câu cụt ngủn, nhát gừng, gắt gỏng, trong một tâm
trạng:
+ dồn nén, chất chứa bực dọc, u uất;
+ chán chường, buồn bã, đau khổ và thất vọng;
+ và trong nỗi đau đớn tột độ nhưng đang cố kìm nén.

- Ông Hai mang tâm trạng bất an, trằn trọc, thao thức, không ngủ được.
- Nghe tiếng mụ chủ nhà nói léo xéo ở gian trên, “chân tay ông nhủn ra”, cảm giác
sợ hãi, lo lắng đến tột độ. Ông có cảm tưởng mụ chủ nhà đang bàn tán đến chuyện
của làng ông:“Trống ngực ông lão đập thình thịch, ông lão nín thở, lắng tai nghe ra
bên ngoài”.

d/ Suốt mấy ngày hôm sau:


- Suốt mấy ngày liền, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe
ngóng tình hình bên ngoài.
- Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, tưởng như người ta đang để ý, đang bàn
tán đến chuyện của làng ông. Thoáng nghe đến những tiếng Việt gian, cam nhông...
là ông lủi ra một góc nhà, nín thít.
- Ông Hai tủi hổ vô cùng, ông mang nỗi mặc cảm, thấy mình có lỗi trong việc làng
Chợ Dầu phản bội lại kháng chiến.
=> Nhà văn Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể, sâu sắc những biến động dữ dội trong
nội tâm nhân vật: nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông
Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng Chợ Dầu theo giặc.

e/ Khi mụ chủ nhà biết chuyện đánh tiếng đuổi đi trong ông diễn ra một cuộc xung
đột nội tâm gay gắt:
- Đó là điều mà ông Hai sợ nhất và mụ muốn đuổi khéo gia đình ông đi. Ông Hai rơi
vào bế tắc, tuyệt vọng . Gia đình ông biết đi đâu bây giờ? Không ai, không nơi nào
muốn chứa chấp dân làng Việt gian.
- Nhưng chính trong tình huống đầy thử thách này, tình cảm cao đẹp trong ông Hai
lại càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đau đớn, dằn vặt, sự hổ thẹn đến
tột cùng đã buộc ông Hai đứng trước sự lựa chọn: làng quê hay đất nước, Tổ quốc.

- Ông Hai từng nhớ làng da diết, từng ao ước được trở về làng. Lúc này vừa chớm
nghĩ “Hay là quay về làng?”, lập tức ông đã phản đối ngay, bởi về làng tức là bỏ
kháng chiến, bỏ cụ Hồ.
-> Tình yêu làng quê và tình yêu đất nước xung đột dữ dội trong lòng ông. Trong
ông Hai có những mâu thuẫn, giằng xé giữa lí trí và tình cảm:
+ Lí trí mách bảo ông phải “thù làng”.
+ Nhưng tình cảm lại đưa ông trở về với những nỗi niềm sâu thẳm - ở một góc
sâu kín trong tâm hồn ông tình yêu làng quê vẫn còn đó. Điều này càng làm ông khổ
tâm, đau đớn.
+ Cuối cùng, ông Hai đã có một lựa chọn dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng
làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

=> Như vậy, tình yêu đất nước đã mạnh mẽ hơn, rộng lớn hơn, bao trùm lên
tình cảm với làng quê.

f/ Trong cuộc chuyện trò, tâm sự với con út:


- Trong tâm trạng dồn nén, bế tắc, ông Hai chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào
những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con út:
+ Ông muốn đứa con nhỏ ghi nhớ câu: “Nhà ta ở làng Chợ Dầu”. Trong nỗi
đau tận cùng ông vẫn khao khát thèm được nghe cái tên Chợ Dầu, muốn con ghi nhớ
nơi chôn rau cắt rốn. Điều đó chứng tỏ rằng tình yêu của ông với làng Chợ Dầu
quê hương vẫn rất sâu nặng.

+ Khi nghe con trả lời muốn quay về làng, ông vô cùng đau đớn, xót xa và xúc
động. Câu trả lời của con đã nói hộ nỗi nhớ nhà, nhớ làng mong muốn được trở về
ngôi làng – nơi đã gắn bó máu thịt, dù đã quyết thù nhưng không dễ gì dứt bỏ. Ngôn
ngữ đối thoại như độc thoại nội tâm thể hiện chân thực tình yêu làng tha thiết,
nồng nàn cháy bỏng của ông Hai.

+ Câu ông lão hỏi con “Con ủng hộ ai?” chính là đang hỏi chính mình để
khẳng định lần nữa tình yêu đất nước.

+ Lời nói ủng hộ kháng chiến, “ủng hộ cụ Hồ Chính Minh muôn năm” của đứa
con khiến ông vô cùng xúc động, nước mắt ông cứ giàn ra, chảy ròng ròng trên hai
má.  Đây là hình ảnh cảm động thể hiện tấm lòng thủy chung với kháng chiến,
với cách mạng. Tình cảm ấy là sâu nặng, bền vững và thiêng liêng. Câu trả lời của
con chính là lời thề của ông. Ông tự hứa sẽ trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách
mạng, với kháng chiến và cụ Hồ “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ
dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

=> Đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động nỗi lòng sâu xa bền chặt, chân
thành của ông Hai. Tình yêu làng quê trong ông thống nhất hòa làm một với tình yêu
đất nước, với kháng chiến và cách mạng.

1. Tâm trạng của ông Hai khi tin làng mình theo giặc được cải chính.

Đúng lúc ông Hai có được quyết định khó khăn ấy thì cái tin làng Chợ Dầu
phản bội đã được cải chính. Sự đau khổ của ông Hai trong những ngày qua nhiều bao
nhiêu thì niềm phấn khởi và hạnh phúc của ông lúc này càng lớn bấy nhiêu:
- Mặt ông tươi vui rạng rỡ, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ
hấp háy.
- Ông vui vẻ chia bánh rán đường cho con và cứ múa tay lên mà khoe cái tin
ấy với mọi người.
- Ông sung sướng khoe với mọi người về cái tin nhà ông bị Tây đốt “Tây nó
đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn!”.
Nội dung lời “khoe” của ông có vẻ vô lí bởi với người nông dân ngôi nhà là cả
cơ nghiệp, là tài sản quý giá và nó gắn với bao kỉ niệm vui buồn rất thiêng liêng của
mỗi người. Nhưng trong tình huống này thì điều vô lí ấy lại rất dễ hiểu: Sự mất mát
về vật chất ấy chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông đang được đón
nhận và đó cũng là bằng chứng hùng hồn để chứng tỏ rằng làng chợ Dầu của ông
vẫn theo kháng chiến, theo cách mạng.
- Trong sự cháy rụi của làng Chợ Dầu ấy là sự hồi sinh của một làng Chợ Dầu
mới, vừa là cái làng mà ông đã từng yêu, vừa là cái làng xứng đáng nhất với tình yêu
của ông - làng chợ Dầu kháng chiến.

 Nhà văn Kim Lân đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc nắm bắt và miêu tả diễn
biến tâm lí của nhân vật: Từ một ngưòi nông dân yêu làng, ông Hai trở thành
người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm
một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Đây là nét đẹp truyền thống
mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong
thời kì kháng chiến chống Pháp.

II. Các nhân vật khác: Dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng cũng thể hiện rõ tình yêu
quê hương, đất nước.
1. Vợ ông Hai: tạo nên sự đối sánh với nhân vật ông Hai và góp phần bộc lộ chủ
đề truyện:
- Bà đã chấp nhận đi tản cư theo lời kêu gọi của Đảng và nhà nước.
- Nghe tin làng chợ Dầu theo giặc bà Hai ngồi thừ ra im lặng, nghĩ ngợi mãi
khuya bà mới chống gối đứng dậy.
- Bà cố nói chuyện với chồng như muốn chia sẻ tâm trạng.

2. Mụ chủ nhà
- Nhân vật mụ chủ nhà điểm xuyết vào câu chuyện là một thoáng đối lập của cái xấu,
cái cũ.
- Nhưng khi biết gia đình ông Hai là người làng Việt gian theo giặc mụ cũng đuổi ra
khỏi nhà, biết căm giận lũ người Việt gian bán nước.
- Và khi nghe tin cải chính mụ cũng cười khi vui sướng reo lên và chúc mừng cho
ông lão.

3. Những người tản cư:


- giống gia đình ông Hai đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của nhà nước, cũng biết
ủng hộ kháng chiến để đi tản cư.
- và họ cũng biết căm thù lũ Việt gian bán nước.

4. Cu Húc: tuy là trẻ con nhưng cũng yêu quý cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến “ủng hộ cụ
Hồ Chí Minh muôn năm!” và mong muốn được trở về làng.

C. Tổng kết:
1. Nội dung:
Truyện thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê thống nhất với
lòng yêu đất nước ở nhân vật ông Hai.
2. Nghệ thuật:
- Tác giả sáng tạo tình huống truyện có tính căng thẳng, thử thách.
- Xây dựng cốt truyện tâm lí (đó là chú trọng vào các tình huống bên trong nội tâm
nhân vật)
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên mà sâu sắc, tinh tế.
- Ngôn ngữ đặc sắc, sinh động, mang đậm chất khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói
hằng ngày của người nông dân.

You might also like