You are on page 1of 14

NGHĨA DŨNG KARATE – DO

BÀI THU HOẠCH


HUYỀN ĐAI BẠCH MÃ – 2023

Họ và tên: Nguyễn Thị Thuỷ


CLB: Đại học Y Dược
HLV: Hồ Đăng Quốc Hùng
NGHĨA DŨNG KARATE – DO

BÀI THU HOẠCH


HUYỀN ĐAI BẠCH MÃ – 2023

Họ và tên: Nguyễn Thị Thuỷ


CLB: Đại học Y Dược
HLV: Hồ Đăng Quốc Hùng
Mùa hè tới, báo hiệu một mùa hoa phượng nở, báo hiệu một năm học đã kết
thức và đặc biệt hơn cả mùa hè năm nay-2023 đánh dấu mốc cho đầu tiên cho sự
nghiệp tập Võ của mình. Nhìn ngắm lại khoảng thời gian học võ ấy, tôi thấy mình thật
may mắn khi được sinh hoạt và học tập tại Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường
Đại học Y dược Huế. Thời gian gắn bó với Karate- Do, đã có nhiều kỉ niệm vui có,
buồn có, tự hào có, tự ti cũng có, háo hức có, chán nản có thậm chí đã có những lúc tự
đưa ra những lí do để bao biện cho việc lười nhác dẫn đến việc bỏ tập, nghỉ tập của
mình. Giờ đây bài thu hoạch này không chỉ là một bài thu hoạch khô khan nhàm chán
mà tôi đã từng nghĩ mà đây còn là cuốn nhật kí ghi lại những kỉ niệm giữa tôi và
Karate- Do.

Về nguồn gốc KARATE hay Karate-Do là một môn võ truyền thống của vùng
Okinawa (Nhật Bản). Với khả năng chiến đấu với các đòn đặc trưng tay, chân, cùi chỏ,
đầu gối và các kĩ thuật bằng bàn tay mở, … các combo phối hợp các đòn tay chân linh
hoạt, sử dụng lợi thế từ việc xoay hông, kime đòn để tập trung toàn bộ lực năng lượng
toàn cơ thể vào thời điểm của tác động của cú đánh. Khi tìm hiểu về Karate- Do sâu
hơn đặc biệt khi đọc được ý nghĩa của bốn mục đích tập luyện thì tôi nhận ra đây chính
là người thấy mà tôi muốn tìm kiếm, bốn mục tiêu đó bao gồm:

- Một: Kara là không, Té là tay, Do là cách thức. Karate- Do là nghệ thuật rèn
luyện tay chân thành vũ khí chiến đấu.
- Hai: Phương pháp rèn luyện của Karate dựa trên các nguyên lý về vật lý, thể lý,
tâm lý nên nó là môn thể thao khoa học và hiện đại; giúp người tập không chỉ khoẻ về
thể chất mà còn khoẻ về tinh thần ( Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng
kiệt).
- Ba: Do trong Karate- Do còn có nghĩa là đạo đức. Thông qua rèn luyện tay
chân, Karate- Do còn là con đường tu dưỡng phẩm chất, đạo đức. Đạo đức, đó là yêu tổ
quốc, yêu đồng bào, hiếu để với cha me, tình nghĩa với thầy bạn; nhân ái với con
người, thiên nhiên, vạn vật. Phẩm chất, đó là bao dung, cao thượng, đoàn kết, hiếu hoà,
cần mẫn, tự tin, ý chí, dũng cảm. Phong cách, đó là ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạt.
- Bốn: Kara là không, Té là tay. Karate là “ Bàn- tay- không”, hiểu theo nghãi trở
về với trạng thái trống không, trạng thái vô ngã; trạng thái của mặt nước hồ thu không
gợn sóng.
“ HÀNH TRÌNH VẠN DẶM BẮT ĐẦU TỪ MỘT BƯỚC CHÂN “
~ Lão Tử ~

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân là câu nói nổi tiếng của Lão Tử-
( khoảng năm 500 TCN) là một nhà triết học Trung Quốc- được dịch ra từ câu tiếng
Hán “ Thiên lý chi hành, thuỷ vu túc hạ”. Chặng đường bạn đi có dài đến đầu thi cũng
sẽ xuất phát từ một bước chân nhỏ bé. Có bắt đầu thì mới có thể đi đến được đích. Và
hành trình học võ của tôi cũng vậy, chỉ bắt đầu bằng những bước chân nhỏ bé.
Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường Đại học Y dược Huế được thành lập
ngày 15 tháng 7 năm 2012, dưới sự dẫn dắt của Huấn luận viên trưởng Hồ Đăng Quốc
Hùng. Các buổi tập diễn ra vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần vào lúc
17h45 và kết thúc vào lúc 19h15, vào những ngày nắng thì sân tập của chúng tôi ở
trước sân thư viện, ngay trên những đoạn đường nhựa trong khuôn viên trường. Còn
những ngày mưa thì chúng tôi mượn tạm góc sân của nhà xe trường. Cứ như vậy trải
qua 11 năm hình thành và phát triển giờ đây trải qua biết bao thế hệ sinh viên của
trường Đại học Y Dược Huế thì Câu lạc bộ Karate-Do vẫn ở đó, vẫn là người thấy,
người bạn, người tri kỉ, và là nơi để quay về để ghé thăm những năm tháng tuổi trẻ.
Ngày đầu tiên đến với Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường Đại học Y
dược Huế là vào mùa mưa của tháng 10 năm 2020. Lúc ấy tôi mang trong mình một sự
mong chờ, háo hức cùng lo lắng về những mối quan hệ mới, những con ngừi mới mà
tôi sắp sửa làm quen. Một tâm lí háo hức chung của biết bao thế hệ sinh viên năm nhất,
lần đầu được rời xa bố mẹ, rời xa quê hương, là lúc được thể hiện bản thân mình. Ngày
hôm đó tôi được chị Yến- một người chị cực kì đáng yêu không ai không biết của Câu
lạc bộ- dẫn tôi cùng thêm Trang và Sang đến gặp anh Phước cùng chị Thoa. Và tôi
được gặp thêm những người bạn đã đi tập từ trước đó, cùng với các anh chị đai vàng,
đai nâu, đai đen mà trong mắt tôi tràn ngập sự tò mò và ngưỡng mộ. Buổi đầu tôi vẫn
nhớ như in cái lúc tôi được chỉ nắm tay thành nấm đấm như thế nào, cách chào trong
Karate ra sao, cách hô tiếng kya mạnh mẽ, cách thắt chiếc đai trắng tinh. Sau buổi học
tôi có háo hức về kể lại với cô bạn cùng phòng và mạnh mẽ tuyên bố rằng: “ Mình sẽ
học lên đến đai đen”. Nhưng rồi sự thật thì tàn khốc, qua đến buổi tập thứ 2, thứ 3 thì
tôi đã ngay lập tức vứt ý tưởng qua sau đầu, để rồi không ngờ mình cũng có ngày thực
hiện được tuyên bố dõng dạc ấy. Các buổi sau anh chị Huấn luyện viên cho tôi tập
những động tác khó hơn một chút, cùng với tăng cường rèn luyện thể lực cũng không
thể nói là nặng nhọc gì nhưng đối với một đứa ít rèn luyện thể dục thể thao như tôi thì
ấy hẳn là một bài toán cực kì khó. Sau mỗi buổi tập về nhà lúc 19 giờ 15 phút tôi chỉ
muốn lao về nằm ngay trên giường và rồi cũng mất luôn vẻ hứng thú của buổi tập đầu
tiên. Nhưng đối với tôi việc thời tiết mưa bão và se lạnh của Xứ Huế thì thật là một
trong những lí do “ chính đáng” mà tôi hay lôi ra để biện hộ cho sự lười biếng của bản
thân. Tôi thường hay nhắn những lí do như vậy với các anh chị Huấn luyện viên để xin
nghỉ, đỉnh điểm của sự lười biếng của tôi là có tuần tôi không đi tập một buổi nào. Nhờ
Trang và Sang đi tập cùng và sự động viên của anh chị Huấn luyện viên mà tôi cứ thế
tập được một tháng. Cùng lúc đó lớp trắng E của tôi cũng được “thành lập” với hơn 30
võ sinh cùng với 6 anh chị Huấn luyện viên:
1. Anh cả Nguyễn Văn Cường, người luôn cho chúng tôi những lời khuyên chân
thành kể cả trong học tập, đời sống.
2. Anh Phạm Hải Phước, một người trong nóng ngoài lạnh, mọi người trong Câu
lạc bộ nhìn thấy một anh Phước nghiêm nghị, kỉ luật cao và rèn luyện chúng tôi rất
nghiêm khắc, nhưng chỉ trong lớp E mới nhìn thấy một người anh luôn bao dung và
siêu chiều các võ sinh thân yêu.
3. Chị Võ Thị Kim Thoa, là người luôn luôn giúp võ sinh lớp E nghỉ nhiều như tôi
bổ túc cấp tốc kiến thức một cách rất nhiệt huyết và ân cần.
4. Chị Huỳnh Cao Thuý Hiền, trong khuôn mặt rất dễ thương nhí nhảnh nhưng chị
mặc đồ võ vào là chị vào vai “ chị đại”’.
5. Chị Nguyễn Thuỳ Trang, Bông hậu của chúng tôi, chị rất là xinh đẹp.
6. Chị Trần Thị Trang, người ngầu nhất, ngầu hơn cả anh Cường và anh Phước với
mái tóc tém cá tính.
Ngay lúc tôi đang lưỡng lự có nên tiếp tục với việc tập võ hay không thì Câu lạc
bộ tổ chức Teambuilding, tôi nghe các anh chị kể lại rằng đây là truyền thống để chào
đón võ sinh mới của Câu lạc bộ, nên tôi cùng với các bạn của mình đã quyết định tham
gia. Và sự thật là quyết định đấy của tôi là đúng đắn, mọi khâu tổ chức, từ trò chơi cho
đến các sinh hoạt văn nghệ đều rất là chỉnh chu. Hơn hết đó chính là một ngày thật sự
vui và tuyệt vời, không một ngôn từ nào có thể miêu tả rõ hơn cảm xúc của tôi lúc đó.
Khi mọi người xung quanh không khoác lên mình bộ đồ bình thường, thì đâu đó mất đi
sự nghiêm trang khi mặc võ phục. Nhưng lại mang đến một cảm giác vui vẻ, thân
thiện, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Khi nhắc đến sinh viên trường Y Dược thì hẳn ai ai cũng
nghĩ đến hình ảnh cô cậu sinh viên suốt ngày cặm cụi vào sách vở, khắc chiếc áo
blouse trắng thực tập ở các bệnh viện và ngay cả tôi lúc ấy cũng không ngoại lệ. Nhưng
rồi nhờ Câu lạc bộ Karate- Do tôi đã hoàn toàn nhận ra rằng về khoản “ ăn chơi” này
thì trường Y e cũng phải đâu đó Top đầu rồi. Lúc đó tôi tự hỏi vì sao các anh chị lớn
bận việc học tập trên trường, việc luyện tập võ hàng tuần chưa kể nhiều nhiều nỗi lo
không tên khác của một con người sống tự lập mà anh chị vẫn có thể tổ chức một buổi
teambulding chỉnh chu đến vậy. Các anh chị cũng dẫn dắt đội chơi của mình rất nhiệt
huyết, không bảo giờ nhìn thấy vể buồn chán nào trên những khuôn mặt của các anh
chị dù cho có giải thích luật chơi cho chúng tôi hai ba lần, dù cho chúng tôi chơi trò
chơi dở ra sao. Lúc đó trong tôi một cảm giác mong muốn được trở thành những người
như các anh chị trong Câu lạc bộ trong tôi lại bùng lên như ngọn lửa. Ngay chính lúc
này đây tôi quyết định là mình chắc phải gắn bó với Câu lạc bộ thôi, phải tìm hiểu,
khám phá và học tập ở mọi người nơi đây cách làm sao để có được nguồn năng lượng
nhiệt huyết hừng hực sức trẻ như vậy.

HÌNH ẢNH ĐẠT ĐƯỢC GIẢI NHẤT CỦA LỚP TRẮNG E- TEAMBULDING 2020

Thời tiết ở Huế vốn nổi tiếng về sự thất thường cùng khắc nghiệt đặc trưng của
miền Trung nước ta. Nổi tiếng hơn cả được biết tới là nơi có lượng mưa cao nhất cả
nước, đặc biệt khi vào nhưng tháng cuối năm trời chuyển đông cái lạnh mới càng buốt
giá, cùng buồn bã biết bao. Ấy vậy chưa đủ khó khăn với những người con miền Trung
ông trời còn tôi luyện nhưng con người nơi đây thêm tinh thần kiên cường chống chọi
với những cơn bão to nhỏ hàng nằm. Và cũng thật tình cờ khi tôi lại được tôi luyện
chính mình vào những ngày tháng mưa gió lạnh buốt ấy. Thầy Hùng mỗi lần tới sinh
hoạt vào mùa mưa bão này luôn luôn nhắc nhở các anh chị động viên những linh mới
như chúng tôi cố gắng duy trì tập đều đặn, rèn luyện tính kỉ luật và nhắc đi nhắc lại
chúng tôi thật sự giỏi khi đi tập vào những ngày như vậy, những lời nói ấy tuy không
phải ngôn từ cao sang hay uyên thâm gì nhưng nó khích lệ tinh thần tôi rất nhiều, làm
tôi phải nhìn nhận lại nếu chúng tôi được gọi là giỏi vậy người thầy, người anh, người
chị đi trước chắc phải được gọi là siêu nhân khi có thể duy trì việc tập luyện từng ấy
năm trời. Thầy hay đùa vui gọi chúng tôi là những con người mê tập, dù chúng tôi mới
đầu rất lười biếng hay xin các anh chị cho ngồi nghỉ ngơi, nhưng chưa bào giờ tôi thấy
thầy Hùng dùng những từ ngữ tiêu cực để khiển trách hay chỉ là nhắc nhở, bằng những
lời đùa vui ấy vậy mà chúng tôi lại tự nhắc nhở mình phải mê tập lên thôi. Khi tập vào
nhưng ngày mưa thứ ám ảnh tâm trí tôi nhất hẳn là màu áo trắng tinh của võ phục bị
nhuộm màu nâu sữa cà phê, ôi tôi đã trân quý cố gắng giữ gìn màu trắng ấy vì tôi cực
kì thích võ phục của mình, tôi không muốn nó bị bẩn chút nào. Ấy vậy mà chính nhờ
những vết bẩn màu nâu sữa ấy đã đánh dấu tôi chăm chi, cố gắng ra sao để vượt qua
các buổi tập của những ngày mưa gió ấy. Qua cái mùa mưa lạnh thì thấu xương, thì
nhưng những tia nắng đầu tiên của mùa Xuân cũng xuất hiện dự báo cho một mùa nắng
nóng mạnh mẽ của mùa Hạ sắp sửa tới và thế chỗ. Mang trong mình sự háo hức tạm
biệt nhà xe đến với sân trường thân yêu, nhưng không như tôi nghĩ, trong cái tiết trời
nóng như thiêu như đốt mùa hè, bao nhiêu nhiệt từ mặt trời đổ dồn hết xuống bề mặt
sân, rồi chúng tôi, những võ sinh Karate chân trần vẫn bất chấp cái nóng tới cháy da đó
mà tập luyện, từ phỏng rộp chân, bỏng rát chảy máu đều trải qua, nay đã tôi luyện nên
những bàn chân không sợ nóng, không sợ đá sợ sỏi. Sự tôi luyện không chỉ ở quá trình
luyện tập, mà còn cả từ môi trường đã giúp tôi có thể thích nghi được với bất kì hoàn
cảnh nào.
Thời gian cứ thế trôi qua không nhanh cũng không chậm, tôi vẫn duy trì việc tập
luyện của mình, từ mùa mưa qua mùa nắng vẫn có những câu chuyện chia sẻ với nhau
trong những buổi tập, những buổi sinh hoạt đột xuất ngoài giờ uống sinh tố trước cổng
nhà xe, thi nhau hú hét trong 1 căn phòng nào đó với đầy đủ loa máy, micro, ... nghe thì
có vẻ nhàm chán, lặp đi lặp lại nhưng không, mỗi ngày một câu chuyện mới một niềm
vui mới, càng làm chúng tôi gắn kết với nhau và với karate hơn. Thời gian này, chúng
tôi lại được gặp lại thầy Nguyễn Văn Dũng, thầy lên sân tập của và gặp mặt, trò chuyện
cùng với các võ sinh. Chúng tôi sắp xếp lại hàng một cách thật nhanh chóng, ngồi một
cách thoải mái và nghe thầy chia sẻ về kinh nghiệm luyện tập, về những gì mình sẽ đạt
được trong quá trình tập Karate-do, vai trò của Karate đối với những con người sau này
sẽ trở thành những con người nắm giữ trong tay sinh mạng của người khác và cả những
câu chuyện ngoài lề, những tấm gương sáng để chúng tôi có thể noi theo. Tôn chỉ của
thầy đối với câu lạc bộ Karate trường Đại học Y dược Huế: “Học võ để trở thành người
bác sĩ giỏi” và mọi thứ đều có quá trình của nó, võ không phải học để đánh nhau, mà
học là để tu tâm dưỡng tính, rèn luyện bản thân qua từng ngày, để có được tinh thần
minh mẫn sau những buổi học căng thẳng trước khối lượng kiến thức khổng lồ và có
một cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh đó tôi ấn tượng với câu nói “ Bác sĩ cần có một trái
tim yêu thương” đây là điều mà tôi nhận thấy trong ngành nghề của mình ngày càng bị
xem nhẹ, khi cuộc sống ngày càng phát triển, dân số cũng với nhu cầu sức khoẻ tăng
cao, những áp lực ấy đã phần nào lạm nguội lạnh đi “Trái tim yêu thương” của người
thầy thuốc. Bản thân tôi khi nghe thầy nói tôi lại càng thêm yêu bộ môn này và lại càng
củng cố thêm quyết tâm kiên trì cho tới cái đích cuối cùng của mình.
Sau ngày lễ 30-4 và 1-5 thì đại dịch Covid- 19 bắt đầu diễn biến phức tạp, nên
việc tập luyện của tôi bị gián đoạn, khi có thông báo nghỉ học chính từ trường học thì
hoạt động sinh hoạt bình thường của câu lạc bộ cùng vì thế mà tạm dừng để đảm bảo
sức khoẻ cho mọi người. Tôi về quê trong sự lo lắng về tình hình căng thẳng của dịch
bệnh, rồi đến việc học và thi online ở trường, còn sinh hoạt ở câu lạc bộ dường như
cũng đóng băng hoàn toàn, nhưng trong quá trình nghỉ dịch ấy tôi thường xuyên nhận
được những lời động viên cùng nhắc nhở phải tập luyện và giữ gìn sức khoẻ. Nhưng
đời không như là mơ, dịch bệnh kéo dài suốt bao nhiêu lâu, chờ đợi mà không có một
tia hi vọng cho việc quay lại tập luyện, hít thở không khí, gặp gỡ mọi người để kể về
khoảng thời gian khó khăn này. Chúng tôi vẫn đợi, vẫn không làm trái nguyên tắc, vẫn
không tự ý ra ngoài, quyết tâm trông chờ tới một ngày dịch bệnh bớt căng thẳng để trở
lại với những gì vốn có trước đây. Sau khoảng thời gian nghỉ dịch 7 tháng ấy, câu lạc
bộ đã có những đối sách linh hoạt để phù hợp với tình hình, như chia nhỏ các lớp sao
cho số lượng võ sinh đi tập dưới 10 người 1 lớp, mỗi người đứng cách nhau 2m, đeo
khẩu trang trong suốt quá trình tập luyên. Tôi còn nhớ như in ngày đầu đi tập lại sau
dịch như tôi bắt đầu tập võ lại từ đầu vậy và lớp tôi cũng có một số thành viên quyết
định rời bỏ việc tập luyện lúc này sĩ số lớp chỉ còn lại khoảng 15 người mà thôi. Vì cố
gắng để được đổi màu đai mà tôi đã vượt qua những buổi đầu khó khăn ấy. Việc thi lên
đai Vàng cũng phải chia nhỏ thành nhiều lần để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Và cuối cùng sau khoảng thời gian tập luyện khó khăn vì dịch bệnh đó thì vào
ngày 9 tháng 4 năm 2022 tôi cũng đã đạt được dấu mốc thành tựu đầu tiên cho sự
nghiệp tập võ của mình, anh Phước huấn luận viên của tôi thường đùa rắng khoá chúng
tôi thời gian học đai trắng lâu nhất trong lịch sử câu lạc bộ nên đi thi không thể nào để
rớt được vì học kĩ vậy mà. Địa điểm thi của tôi là tại trường Chuyên Quốc học Huế.
Tôi vẫn nhớ như in lúc đó tim tôi đập từng nhịp nhanh và mạnh ra sao, vừa sợ hãi vừa
lo lắng cho bài thi của mình nên có vẻ tôi đi không được như ý lắm. Mặc dù đã đổi
màu đai thành công nhưng tôi vẫn nhắc nhở mình rằng đây chỉ mới là khởi đẩu, khi
mang trên mình màu đai mới đồng nghĩa với việc càng phải cố gắng nghiêm túc tập
luyện hơn nữa để xứng đánh với màu đai của mình. Nên sau khi thi đai Vàng tôi đã
nghiêm túc nhìn lại những khuyết điểm của mình qua những lời nhận xét của các thầy
chấm thi.
Sau kì thi đai vàng, chúng tôi tiếp tục có những buổi kiểm tra đánh giá chất
lượng để chuẩn bị cho kì thi tiếp theo là thi nâng cấp đai xanh. Quá trình tập luyện vẫn
diễn ra bình thường. Rồi tình hình dịch bắt đầu ổn định hơn Câu lạc bộ bắt đầu sinh
hoạt tập luyện lại như thường, chúng tôi đã có thể thoải mái vừa tập luyện vừa nói
chuyện với nhau. Đây cũng là giai đoạn các anh chị Huấn luyện viên lớp tôi lần lượt tốt
nghiệp và ra trường có anh Cường, chị Thùy Trang, chị Thoa cùng với chị Hiền, còn
chị Trần Thị Trang vì lí do cá nhân nên không thể tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi
nữa. Lúc này lớp chúng tôi chỉ còn một anh Huấn luận viên đó là anh Phạm Hải Phước.
Trong mắt tôi anh ấy là một con người rất siêng năng, nghiêm khắc trên sân tập, tôi rất
hiếm thấy anh nghỉ, chưa thấy một huấn luyện viên nào tập luyện nhiều như anh ấy,
ngoài việc hướng dẫn lớp tôi tập luyện, anh ấy còn vừa hô vừa đi từng bài quyền với
chúng tôi, thời gian rảnh thì lại tập luyện thể lực, anh ấy đối với tôi đúng là một con
người gương mẫu đáng để noi theo trên con đường Karate. Mặc dù tôi rất hay bất mãn
vì những lần anh bắt chúng tôi hít đất rất nhiều nhưng sau này tôi lại phải quay về cảm
ơn những lần nghiêm khắc ấy. Tôi thật sử rất ngưỡng mộ và nể phục sự kỉ luật của anh.
Dưới sự dẫn dắt của anh Phước vào ngày 31 tháng 7 năm 2022 lớp tôi đã đổi thành
công tên lớp thành Xanh E, và ngày 4 tháng 11 năm 2022 được đổi thành Nâu E. Một
kỉ niệm đáng nhớ là vào ngày thi đai nâu tôi đã bị sốt, cứ ngỡ rằng mình không thể
thực hiện được bài thi nhưng tôi lại thấy tiếc, tiếc cho công sức của chính mình đã
luyện tập, tiếc cho sự hướng dẫn của huấn luyện viên nên tôi đã cố gắng dùng hết sức
lực của mình có thể để thực hiện bài thi. Thật may là tôi đã trụ vững đến lúc thi xong,
lúc ấy thật sự rất hạnh phúc và sức mạnh ý chí quan trọng ra sao và thêm một bài học
nữa mà tôi nhận được.
Chặng đường tiếp theo, nấc thang cuối cùng đưa tôi đến với Huyền đai- mục
tiêu ngày đầu đi tập của mình. Lúc này lớp tôi có thêm sự đồng hành của hai chị Huấn
luyện viên mới đó là chị Lê Bá Khánh Hạ và chị Nguyễn Thị Bích Trúc, hai chị như
một làn gió mới mang sự dịu dàng và nhẹ nhàng đến với Nâu E vậy, không giống như
anh Phước nghiêm khắc hai chị chỉ bảo quan tâm như một người chị, người mẹ vậy,
khích lệ chúng tôi trong suốt quá trình tập luyện đầy khó khăn để chuẩn bị cho Huyền
đai. Trong khi số lượng Huấn luyện viên tăng lên thì số lượng võ sinh của lớp tôi lại ít
đi chỉ còn lại 10 thành viên, vì nhiều lí do khác nhau nên có những bạn đã quyết định
dừng lại. Ngoài việc tập luyện vào buổi chiều các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng
tuần thì chúng tôi phải tập luyện thêm suất tập buổi sáng vào thứ hai, thứ tư và thứ 6
vào lúc 5h. Đây là một bài toán cực kì khó đối với tôi. Những ngày bình thường, gần
2h sáng, có những lúc là 3h sáng tôi mới sẵn sàng đi ngủ, nay thời gian tập là 5h sáng,
buộc phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt thường ngày. Tôi vốn dĩ là một người khá khó
ngủ, việc thay đổi giờ ngủ thật sự khó khăn. Nhưng nhờ những cuộc gọi dậy buổi sáng
của chị Trúc, chị Hạ hay những người đồng môn của mình tôi đã quen dần với việc này
và cũng vì sợ mỗi một buổi sáng không đi tập, bù bằng 2 buổi chiều tại sân tập Giáo
dục thể chất. Huấn luyện viên đứng lớp tập này là Thầy Hồ Đăng Quốc Hùng, cũng là
huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Nghĩa Dũng karate do trường Đại học Y dược Huế.
Chắc không chỉ đối với riêng tôi, mà với tất cả các đai nâu khác, thầy Hùng không quá
cao lớn, không quá đô con, nhưng ở thầy có một thứ năng lượng gì đó khiến thầy hoàn
toàn khác với những huấn luyện viên còn lại. Thầy rất rõ ràng trong việc chơi cũng như
việc tập luyện, nhưng tất cả đều hết mình. Giờ tập thầy nghiêm khắc, mỗi một tiếng hô,
một lời nói đều đanh thép, uy lực, như quân lệnh đã được đưa ra, tất cả đều phải làm
theo. Giải lao hay tham gia những cuộc vui thì thầy lại trở thành một con người hoàn
toàn khác, như nhận xét của một số người thì là y như một đứa con nít vậy. Được dẫn
dắt bởi thầy quả thật là niềm vinh hạnh đối với chúng tôi. Sau khoảng 2 tháng tập
luyện, ngoại trừ những buổi chính trên sân câu lạc bộ Y dược, thêm những buổi tập bù
bên sân tập Thể chất và cả những buổi tập tại sân trường vào mỗi sáng sớm, đai nâu
chúng tôi đã được trang bị những gì đầy đủ nhất để có thể hãnh diện tham gia kì thi
nâng cấp đai đen, Những ngày cuối của quá trình tập luyện, khi mọi thứ đã được chuẩn
bị kĩ càng, ngoại trừ những nội dung sẽ thi lên đai đen ra thì chúng tôi còn tham gia
chuẩn bị thêm những thứ cần thiết khác để có thể tham gia chinh phục đỉnh Bạch Mã
một cách thuận lợi nhất, thời điểm này chúng tôi không cần phải tập luyện quá nhiều,
được cho phép nghỉ ngơi phần lớn thời gian, chủ yếu lên sân để nghe lại kinh nghiệm
từ những anh chị thi trước, cũng như chụp lại những bức ảnh những ngày cuối cùng
mang đai nâu, và lúc này bạn Nga cũng quyết định dừng lại không thể đồng hành cùng
lớp tôi nữa. Vậy là giờ đây danh sách thi lên đai đen của lớp Nâu E còn lại: chị Châu,
Trang, Trâm, Uyên, Huyền, Thanh, Đức, Bằng và tôi dưới sự dẫn dắt của anh Phước,
chị Trúc và chị Hạ, đặc biệt hơn cả là thầy Hồ Đăng Quốc Hùng.

Hình ảnh buổi tập cuối cùng trước kì thi Huyền Đai 2023
Và với những hành trang đã được chuẩn bị vào chiều ngày 18 tháng 6 năm 2023
tôi cùng nhưng người bạn của mình đã bắt đầu kì thi nâng cấp đai của mình. Một cột
mốc đáng nhớ. Kì thi diễn ra, nội dung thi của tôi bao gồm, 3 bài quyền: bài Tewara 4,
Bassai Dai, Kanku Dai rồi đến phần thi công phá và cuối cùng. Tất cả lớp chúng tôi đã
cố gắng và hoàn thành được phần thi của mình, và thật đáng mừng là không một ai
phải quay trở lại Câu lạc bộ với cái đai nâu, mà chính thức chúng tôi đã trở thành
những Tân huyền đai. Sau kì thi, chúng tôi quay trở lại câu lạc bộ với một tâm thế hoàn
toàn khác, từ giờ mình là một tân huyền đai, mình đã là đai đen, rồi thì mình cũng sẽ
như các anh chị, sẽ lại tiếp tục chỉ dẫn cho những thế hệ sau, tiếp bước và giành lấy
màu đai cao quí này. Vì vài lí do đột suất nên rất tiếc tôi không thể tham gia chinh phục
Bạch Mã cùng với các Tân Huyền Đai được, mặc dù rất rất tiếc nuối, nhưng tôi an ủi
chính mình rằng rồi sẽ còn những năm sau nữa để tôi có thể chinh phục được Bạch Mã
bằng một cương vị mới hơi như Huấn luận viên chẳng hạn.
Bên cạnh việc tập luyện, Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường Đại học Y
dược Huế còn có rất nhiều hoạt động để gắn kết võ sinh giữa các lớp. Các hoạt đông
xuyên suốt cả năm học như: Từ thiện vào dịp tết nguyên đán cho các em nhỏ mồ côi, tổ
chức ngày 8 tháng 3 cho những bống hồng của câu lạc bộ, ngày 6 tháng 4 cho các bạn
nam, cuộc thi rung chuông vàng về Karate- một trong những hoạt động rất hay giúp
cho võ sinh có kiến thức sâu hơn về Karate, kỉ niệm ngày thành lập Câu lạc bộ ngày 15
tháng 7 hàng năm,… mỗi hoạt động đều mang đến những mục tiêu và ý nghĩa khác
nhau mà quan trọng nhất giúp tôi nhận thấy rằng Câu lạc bộ như một xã hội thu nhỏ,
dạy tôi cách kết nối với mọi người, dạy tôi cách cho đi nhiều hơn những gì mình nhận
được, dạy tôi rằng bản thân có thể làm được những gì, dạy tôi làm những điều có ích.
Một số hình ảnh về các hoạt động của Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường Đại
học Y dược Huế:
Bên cạnh những hoạt động của Câu lạc bộ Y dược thì tại mái nhà chung Nghĩa Dũng
Karate- Do cũng có những buổi sinh hoạt chung để gắn kết các Câu lạc bộ trên địa bàn
tỉnh với nhau nói chung và cộng đồng Karate- Do nói chung. Tôi may mắn khi tham
gia Câu lạc bộ là được gặp nhà thơ Nguyễn Duy trong một buổi sinh hoạt tại Võ
đường, hay tham gia các buổi đồng diễn võ thuật ở các Đại hội thể dục- thể thao ở các
huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động đồng diễn võ thuật để lại trong tôi
một kỉ niệm sâu sắc nhất, khi phải dậy từ lúc 4h-5h sáng để chuẩn bị và di chuyển đến
những huyện cách xa trung tâm thành phố, được đi tới những vùng đất mới, được biểu
diễn cho mọi người thấy được những gì tôi đã được học và dạy ở mái nhà Karate- Do,
cảm xúc lúc ấy vô cùng tự hào. Vinh hạnh hơn cả là tôi được tham gia đồng diễn võ
thuật tại Đại hội Thể dục – Thế thao tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2022, tổ
chức 4 năm một lần. Gần 1000 võ sinh cùng các huấn luyện viên đã phải tập luyện
dưới cái nắng nóng mùa hạ, hay những cơn mưa rào bất chợt. Việc chỉ đạo và hướng
dẫn gần 1000 người khồng phải chuyện đơn giản cần có một sức mạnh đoàn kết, sự kỉ
cương, kỉ luật của từng võ sinh mới có thể biểu diễn đươc màn đồng diễn với sự kiên
cường, nhiệt huyết, dũng mãnh. Đó là sức mạnh của tinh thần thượng võ, sự đoàn kết
của tập thể để đạt được kết quả tuyệt vời như vậy.

Hình ảnh buổi đồng diễn tại Đại hội Thể dục- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022
Cuối cùng tôi xin gửi một lời cảm ơn tới Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường
Đại học Y dược Huế nói riêng và Nghĩa Dũng Karate- Do nói chung vì những bài học
quý báu không những về Karate mà còn những bài học về trường đời, cảm ơn vì những
người bạn, người anh, người chị, người thấy mà tôi đã gặp gỡ, cảm ơn sự kiên trì và
mạnh mẽ của bản thân, cảm ơn tất cả. Để mai này khi nhìn lại ngày tháng tuổi trẻ của
mình tôi sẽ thấy một thanh xuân rực rỡ, một con người đã từng gan lì đến vậy. Và chúc
cho Câu lạc bộ Nghĩa Dũng Karate- Do trường Đại học Y dược Huế và Nghĩa Dũng
Karate- Do ngày một phát triển và vững mạnh hơn nữa.

You might also like